Thức thứ 8 là gì

Trang chủ > Phật Học > Luận Văn

Trình bày về A-lại-da trong Thành Duy Thức

Tác giả: Bảo Minh Trang.
Xem: 21058 . Đăng: 12/05/2015In ấn

Trình bày về A-lại-da trong Thành Duy Thức

Tác giả: Bảo Minh Trang

A. Dẫn nhập

A -lại da: Cũng gọi là Đà na thức. A đà thức, Phạm: Ādäna, các nhà dịch mới dịch ý là chấp, chấp trì, chấp ngã, và cho nó là tên khác của thứ tám. Các nhà dịch cũ thì dịch là vô giải, và cho đó là tên khác của thức thứ bảy. [1] Vì thức này là thức gốc giữ gìn cảm quan, thân thể không để hư nát. Hơn nữa, thức này nắm giữ hạt giống của các pháp, không để mất mát. Lại vì nó nắm giữ chính nó làm cho sự kết sinh nối nhau liên tục, bởi thế còn gọi là Chấp trì thức (thức nắm giữ). Các nhà dịch mới của tông Pháp tướng, như Ngài Huyền Trang, Khuy Cơ v.v cho thức A đà na là cái thế lực nắm giữ nghiệp thiện ác và thân thể hữu tình không để hư hoại, vì thế cho nó là tên khác của thức A -lại - da thứ tám. A -lại -da: Phạn âm dịch là Tàng. Tàng có nghĩa là nhà kho. A - lại - da ví như cái kho vĩ đại, về không gian không biên giới, về thời gian cùng tột ba đời. Còn gọi là A -lại -da thức: Tàu dịch là "Tàng thức": Thức này có công năng chứa đựng chủng tử của các pháp. "Thức" là thể, mà "chứa" là dụng. Hiệp cả thể và dụng, nên gọi là "thức chứa" (Tàng thức). Có 3 nghĩa:

a. Năng tàng: Năng chứa. Thức này có công năng chứa đựng và gìn giữ chủng tử (hạt giống) của các pháp.

b. Sở tàng: Bị chứa. Thức này là chổ để chứa các pháp.

c. Ngã ái chấp tàng, gọi tắt là "chấp tàng": Thức thứ Bảy chấp kiến phần của thức này làm Ta thường ái luyến. [2]

Tại sao gọi là thức thứ tám? Vì theo thứ đệ: một là nhãn thức, hai là nhĩ thức v.v cho đến thức thứ Tám là thức này, nên gọi là Đệ bát thức.

Muốn cho người học dễ nhớ hành tướng và công năng của 8 Thức tâm vương nên cổ nhân có làm bài thơ rằng:

Bát cá đệ huynh, nhứt cá si

Độc hữu nhứt cá tối sinh ly

Ngũ cá môn tiền tố mãi mại

Nhứt cá gia trung tác chủ y.. [3]

Dịch nghĩa

(Anh em tám chú một chàng si (thức thứ Bảy)

duy có ý thức rất linh ly (khôn ngoan)

năm người ngoài cửa lo buôn bán (năm thức trước)

làm chủ trong nhà Đệ bát y (thức thứ Tám).

1. Lý do chọn đề tài

A lại da là một trong tám thức quan trọng của con người, và đã là một đề tài tranh chấp sôi nổi của các luận sư, đây là một đề tài hấp dẫn và thú vị bổ ích cho sự tham khảo tìm kiếm cái tâm phức tạp của con người, để chuyển hóa đến mức tối cao là Đại Viên Cảnh Trí, cho nên con xin chọn đề tài là: Trình bày về A - lại -da trong Thành Duy Thức. Với sự cố gắng góp nhặt các tài liệu từ các quyển Luận và lời dạy của Giảng sư, để viết nên Tiểu Luận bé nhỏ này.

2. Phạm vi đề tài

Luận Thành Duy Thức thì mênh mông mà sức học của con thì như hạt cát ở đại dương sa mạc, nên chỉ xin nêu lên một điểm nhỏ của Thành Duy Thức đó là thức thứ tám của Thành Duy Thức, đó là Thức A -lại -da hay còn gọi là thức A Đà Na. Phạm vi của đề tài được tóm tắt như sau:

1. Giải thích danh xưng A -lại -da

2. Công năng của A lại da

3.Sự vận hành của hành tướng của thức A lại da

4. Các dẫn chứng phân tích về thức A lại da

5. Phân tích sự hoạt động của tám thức

3. Cơ sở tài liệu

Để hoàn thành Tiểu Luận này con đã dựa vào các tài liệu như Luận Thành Duy Thức của Ngài Tuệ Sĩ, Luận Thành Duy Thức của Ngài Thiện Siêu, Giảng Luận Duy Biểu Học của Ngài Nhất Hạnh, Duy Thức Học của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Nghiên Cứu Kinh Lăng Già của Tỳ Kheo Thích Chơn Thiện, Phật Quang Đại Từ Điển và các bài giảng của Giảng Sư cùng một số tài liệu khác v.v

4. Phương pháp nghiên cứu

Bài Luận văn được trình bày theo phương pháp luận giải thích, chứng minh cùng với phương pháp phân tích để làm sáng tỏ những tính chất đặc thù của đề tài được nghiên cứu. Quá trình này đòi hỏi người viết phải nghiên cứu Kinh -Luận để có những ý tưởng phong phú đặc sắc, và phải đi sát vấn đề cần làm. Mặc dù dựa trên tư tưởng giáo lý của Phật giáo làm chuẩn, đồng thời cộng thêm những tác phẩm, các văn bản rất có giá trị. Và đã cố gắng hết sức để trình bày nhưng cũng không khỏi sai lầm vì sự thô thiển yếu kém, kính mong thầy giáo thọ hoan hỷ chỉ dạy cho con.

B. Nội dung

I. Các danh xưng A lại -da

1.1. Giải thích danh xưng của thức A lại da

A - lại - da Phạn ngữ: (Ālaya) là một trong 8 thức tâm vương: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, Mạt na và Alaya. Còn gọi là A la da thức 阿 羅 耶 識 A lê da, A la da thức nguyên ý của tiếng phạn là kho chứa, tích chứa. Ngài Chơn Đế dịch là Vô một thức, Ngài Huyền Trang dịch là Tàng thức. [4]

A - lại - da thức có nhiều danh xưng khác nhau.

- Đệ bát thức: tính theo thứ tự các thức.

- Căn bản thức: là cội gốc của các thức, giống như đại địa là nền tảng cho muôn vật phát sinh.

- Trạch thức: là nhà ở của chúng sanh, ngôi nhà tinh thần.

- Nhất thiết chủng tử thức: là tâm thức tích chứa hạt giống của tất cả pháp.

- Dị thục thức: cũng gọi là Quả báo thức, nghĩa là tạo tác và thọ nhận quả báo chín mùi ở đời vị lai.

- Sơ sát na thức: là tâm thức ở trong sát na đầu tiên hình thành sinh mạng chúng sanh.

- Thức chủ: là chủ thể của các thức.

- Trượng phu thức: nghĩa là năng lực của thức này rất mạnh.

- Vô một thức: nghĩa là thức nầy quán xuyến quá khứ, hiện tại, vị lai, không có lúc nào ngừng nghỉ.

Đây là những cái tên phổ biến của thức A lại da, và mỗi cái tên lại có ý nghĩa riêng biệt của nó, nhưng cũng không ra ngoài công năng tích chứa và tánh chủ thể của nó.

1.2. Tự tướng của thức A lại da

Công năng chủ yếu của A - lại - da thức, theo Luận Nhiếp Đại Thừa, là nhiếp tàng.

Nhiếp nghĩa là thống nhiếp, bao quát. Vì thức nầy không chỉ thống nhiếp tàng trử tất cả chủng tử mà còn thống nhiếp luôn bảy thức trước, thống nhiếp toàn thể tâm thức. Tất cả hoạt động của các thức đều nương vào thức A - lại - da mà sinh khởi hiện hạnh.

Thức A - lại - da lại thống nhiếp thân thể (căn thân) của chúng sanh và thế giới chúng sanh nương ở (khí thế giới). Vì tác dụng chấp thọ của thức nầy làm cho tất cả sắc căn tồn tại không hư mất, khi thọ mạng hết chuyển qua đời sau, sau khi chết thức nầy dẫn dắt đi đầu thai.

Tàng: nghĩa là tích chứa. Thức A - lại - da được gọi là Tàng thức, nghĩa là công năng chính yếu của Thức nầy là chứa giữ tất cả chủng tử. Thức nầy giống như một nhà kho rộng lớn có chứa hết tất cả mọi thứ.

Sao gọi là Tự tướng? Nghĩa là cái hình tướng sẳn có của nó. Thức này đã gọi là Tạng thức (thức chứa), vậy chữ Tàng là nghĩa gì? Nó có ba nghĩa như sau:

- Năng tàng: Có khả năng chứa đựng, Thức này chứa đựng được tất cả hạt giống trong pháp thế gian. Đây là chức năng chính yếu của thức nầy, nên gọi là Nhất thiết chủng thức. (Đây thuộc về nhân tướng)

- Sở tàng: nghĩa là tác dụng tích chứa của thức nầy làm cho chúng sanh luân hồi sinh tử, đời sau thọ nhận quả báo, là cội gốc làm cho sinh mạng chúng sanh liên tục không gián đoạn, cho nên gọi là Dị thục thức. (Đây là quả do thức nầy sinh ra, thuộc về quả tướng)

- Ngã ái chấp tàng: nghĩa là thức nầy bị thức Mạt na chấp (kiến phần) làm tự ngã. (Đây là tính chất chủ yếu của thức nầy, tức là tự tướng). [5]

- Tất cả hoạt động tâm lý, hành vi ngôn ngữ... hình thành chủng tử, tạo thành kết quả đều cất chứa trong thức A - lại - da. Thức nầy là nhân tái sinh khởi hoạt động tâm lý và nghiệp báo. Nhiều kiếp tích chứa làm cho A - lại - da thức của chúng sanh tích chứa tập khí cao như núi.

1.3. Công năng của A - lại - da

A lại da có ba công năng như sau:

1. Giữ gìn (chấp trì) chủng tử của các pháp: Sở dĩ có việc kết nối đời sau là do ba pháp Phiền não, Nghiệp và sanh. Thông thường được gọi là Hoặc, Nghiệp, và Khổ Nghĩa là do phiền não nên tạo nghiệp, do tạo nghiệp nên mới kết nối với nhân đời sau mà thọ khổ. Chữ kiết sanh nghĩa là bắt đầu từ khi kết thai cho đến lúc sanh ra vậy.

Trong Kinh Lăng Nghiêm quyển thứ hai chép đại ý: Trước kia vua Ba Tư Nặc theo ngoại đạo chấp về đoạn diệt (người chết rồi mất luôn) nên vua thường ôm lòng lo buồn!...Sau khi nghe Phật nói pháp, vua ngộ được cái lý sanh tử tương tục, nghĩa là: Con người khi chết là bỏ thân này để thọ thân khác, từ giã đời này để đến nhận đời kia, cái gì có biến đổi thì phải hoại diệt, còn cái gì không biến đổi thì thường còn không hoại diệt, nên vua rất vui mừng.[6]

Cho nên phải biết rằng cái Thức A lại da này hằng lưu hành không gián đoạn nó nắm giữ việc đầu thai tiếp nối kiết sanh tương tục. Tóm lại nếu hiểu rõ được Thức A lại da nắm giữ việc kiết sanh tương tục thì đối trị được cái chấp của ngoại đạo.

2. Giữ chịu (chấp thọ) căn thân và thế giới: Chấp thọ nghĩa là chấp thân này làm tự thể khiến sanh ra và biết cảm giác lãnh thọ. Trong thế giới từ một vật này đến một vật khác ngại nhau, từ một vi trần này đến một vi trần khác ngại nhau, mà vẫn tồn tại đều do Thức này giữ gìn không mất, chỉ khác với loài hữu tình là không làm cho biết cảm giác và lãnh thọ.Vì thế cái công năng nắm giữ các vật ngại nhau làm tự thế là phải do Thức A lại da này.

3. Giữ lấy (chấp thủ) việc kết nối đời sau: Nói các pháp tức là chỉ có pháp hữu vi. Có hai loại:

1-Hữu lậu hữu vi Tức là các pháp tạp nhiễm, thuộc về dị sanh (chúng sanh).

2. Vô lậu hữu vi Tức các pháp thanh tịnh thuộc về Thánh Hiền.

Chủng tử có hai loại:

Nghiệp chủng Tức là Dị thục tập khí,

2. Pháp chủng Tức là Đẳng lưu tập khí.

Mỗi mỗi các pháp, khi khởi hiện hành đều từ chủng tử của nó mà khởi hiện. Bởi đồng đẳng lưu xuất ra chủng loại đó nên gọi là Đẳng lưu chủng.

Bởi thế trong các thức chỉ có Thức A lại da có tánh vô phú vô ký, nhứt loại sanh diệt tương tục, mới có thể duy trì (chứa giữ) chủng tử của các pháp. Cảnh giới này duy có Phật mới biết được hoàn toàn rốt ráo, còn các vị Bồ tát chỉ biết phần nào thôi.

1.4. Những tâm sở tương ưng với A lại da

A lại da thức tương ưng với 5 món tâm sở biến hành: Xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư.

Tác dụng phân biệt của A lại da thức thuộc về "hiện lượng", là một loại hiện lượng phân biệt xử lý rất nhanh, vận tốc xử lý cực kỳ nhanh.

1.5. Sự vận hành của hành tướng của thức A lại da

Hành tướng là chỉ cho trạng thái hoạt động, đặc tính, tính chất. Đặc điểm của A lại da thức gồm có những điểm sau:

a. Ẩn mật vi tế khó nhận biết: thức nầy ẩn sâu trong nội tâm, vi tế khó thấy biết. Kinh Giải Thâm Mật giải thích là thức nầy giữ gìn xử lý chủng tử của tất cả thức, thường hằng hoạt động không gián đoạn ở tận trong tâm thức, khí thế rất mạnh giống sóng biển, ngày đêm vận hành không ngừng nghỉ.

Thấy biết sự vi tế của Tàng thức thì chỉ có Phật và hàng bồ tát kiến đạo trở lên, ngoài ra hàng phàm phu, thanh văn, duyên giác không biết được.

b. Chẳng có chẳng không, chẳng thường chẳng một: Thức nầy giống như hư không, chẳng có chẳng không. Chẳng có nghĩa là không phải hình tượng vật chất có thể thấy nghe hiểu biết. Chẳng không nghĩa là tác dụng của Thức nầy hiển nhiên là có.

Thức nầy đối với cảnh sở duyên niệm niệm sinh diệt, lưu chuyển từng sát na, chẳng phải thường chẳng phải một, mà là một dòng tâm thức sinh diệt liên tục.

c. Thông suốt cả ba đời, chỉ có tính thường hằng chuyển biến

Trong Nghiên Cứu Kinh Lăng Già các Thức được diễn tả như sau đây:

Như sóng biển tùy thuộc vào gió mà bị quấy động lên và nhấp nhô không ngừng. Cũng thế dòng A - lại - da bị quấy động không ngừng bởi ngọn gió của đặc thù (vishaya) mà nhấp nhô với những con sóng của các thức khác nhau.[7]

Như màu xanh đậm, màu đỏ của các màu khác cùng với muối, vỏ sò, sữa và mật, mùi thơm cùng với quả và hoa, các tia sáng cùng với mặt trời, các thứ ấy không khác nhau cũng không phải không khác nhau.

Cũng thế bảy Thức là sóng biển sinh khởi lên nối kết với tâm (cita).

Sóng phát sinh trên biển thì nhiều, cũng thế, quả thực A lại da đã làm vận hành nhiều thức.[8]

Đức Phật dạy rằng:

Màu xanh đậm và màu đỏ, v.v thực ra không ở trong sóng, chỉ vì nhằm cho người ngu mà Ta miêu tả cái tâm là phát sinh do bởi các tướng trạng.[9]

Chức năng phân biệt của A lại da thức từ khi con người mới sinh cho đến lúc lâm chung, luôn liên tục chuyển biến không một sát na ngừng nghỉ. Nội dung cất chứa có khác nhưng chức năng thống nhiếp cất giữ từ lúc ra đời cho đến lúc chết không có sai khác, công việc tiếp thu, xử lý chủng tử không gián đoạn. Sự vận hành của thức A lại da không chỉ quán triệt một đời người, mà còn quán triệt cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, quán triệt hoàn toàn quán triệt luân hồi, không một giây lát dừng nghỉ:

Cách vận hành của A lại da trong hệ thống các Thức của chúng ta thì vô cùng tinh tế, và chỉ có thẩm quyền của cái tâm được tu tập cao độ của vị Bồ tát mới có thể nắm được ý nghĩa nội tại của A lại da. Những ai theo phép tu tịnh (chỉ) không luôn luôn chú ý đến tính tinh tế trong sự vận hành của tập khí của họ, và họ tưởng rằng họ nhập vào một trạng thái tịnh, vì các chủng tử tập khí của họ không bị diệt hoàn toàn, cái mà họ đã diệt chỉ đơn thuần là thói quen thủ chấp và phân biệt thế giới đối tượng của các đặc thù. Này Mahàmati, quả thật thực sự vận hành A lại da thức quá tinh tế đến nỗi chỉ có chư Như Lai và những vị Bồ tát nào đã thăng tiến qua các cấp độ Bồ tát tính mới có thể thâm hiểu được nói, nó vượt ngoài những năng lực của Tam ma địa và Bát nhã mà hàng Thanh văn, Bích chi và các triết gia đạt được..[10]

Theo Lăng Già: Tâm, gồm citta, Mạt na và sáu thức khác, tự trong bản chất nguyên gốc của nó (svab hafva tự tính) thì tĩnh lặng thanh khiết và vượt lên trên cái nhị biên của chủ thể và khách thể. Nhưng ở đây xuất hiện cái nguyên tắc để đặc thù hóa gọi là cảnh giới -境 界) hình thành từ căn ngữ vish nghĩa là hành động hành tác và với cơn gió hành động, các con sóng bị lay động ở trên bề mặt yên lặng của tâm. [11] Qua đây ta thấy sự vận hành của A - lại - da thật quá ư là tinh tế đến mức sâu sa ảo diệu.

II. Các dẫn chứng phân tích về thức A lại da

2.1. Bốn dẫn chứng

a. Dẫn chứng 1

Nó được nói đến trong kinh Đại thừa A - Tỳ - Đạt Ma như sau:
Giới, từ vô thủy đến nay, là sở y của hết thảy pháp, do tồn tại cái này mà có các cõi thú. Và có sự chứng đắc Niết bàn.
[12] Tự tính của Thức thứ tám cực kỳ vi tế, do đó phải được hiển thị bằng tác dụng của nó. Nữa bài kệ trên là nói về nhân và duyên, nữa bài kệ sau là nêu rõ tác dụng của nó duy trì cho dòng lưu chuyển và hoàn diệt.

b. Dẫn chứng 2

Cũng trong Đại thừa A -Tỳ - Đạt - Ma được nói như vầy:

Thức này là hạt giống hết thảy, nó tàng trữ các pháp, do đó được gọi là A lại da. Ta chỉ nói cho bậc Thắng giả [13] Do bản thức này có đầy đủ các chủng tử nên nó là cái tàng trữ của các pháp tạp nhiễm. Vì tự thể của chủng tử và quả của nó không phải đồng nhất, vì năng y sở y cùng sanh cùng diệt.

Các Bồ tát sau khi chứng đắc chân kiến đạo, bây giờ được gọi là bậc Thắng giả. Vì các vị ấy có thể chứng và hiểu được A lại da thức nên được Đức Thế Tôn trực tiếp khai thị cho. Hoặc các Bồ tát đều được gọi là Thắng giả.

c. Dẫn chứng 3

Kinh Giải Thâm Mật cũng nói như vậy:

Thức A đà na cực kỳ sâu vi tế, tất cả chủng tử như thác lũ. Ta không vén mở cho phàm phu, vì chúng sẽ chấp tự ngã.[14]

Nó là cái nắm giữ các chủng tử và chấp thọ y xứ của sắc căn, và cũng là các chấp thủ chuổi tương tục của kết sinh, do đó thức này được gọi là A đà na. Hữu tình thuộc hạng vô tính không thể thấu được cái tận cùng của nó nên nói là cực kỳ sâu thẳm, cực kỳ vi tế Nó là chủng tử chân thật của các pháp. Khi bị kích động bởi duyên nó dấy lên sóng chuyển thức, hằng chảy xiết không gián đoạn cho nên nói là dòng thác lũ Vì ngại rằng các hạng ấy sẽ y trên thức này mà khởi phân biệt chấp rơi xuống cõi xấu, chướng không cho Thánh đạo sinh khởi, vì vậy Đức Thế Tôn của chúng ta không vén mở cho thấy. Đây là đặc tính duy nhất của thức thứ tám.

d. Dẫn chứng 4

Kinh Nhập Lăng Già cũng nói như vầy:

Như biển gặp điều kiện gió, dấy lên vô vàn sóng, hiện tiền tác dụng chuyển, không bao giờ gián đoạn. Tàng thức cũng như vậy, bị kích bởi gió cảnh, hằng dấy các sóng thức, hiện tiền tác dụng chuyển[15]

Các thức như con mắt v.v không thường xuyên liên tục chuyển khởi các thức như sóng trên biển cả, do đó biệt chỉ riêng biệt có thức thứ tám tồn tại.

2.2 Phân tích cội gốc nhiễm và tịnh của A lại da

A lại da thức là cội gốc làm cho chúng sanh bị phiền não các pháp hữu lậu ô nhiễm, bởi vì thức nầy hay sinh khởi thân thể, các giác quan và bảy thức trước, là nền tảng làm cho chúng sanh ra đời và tồn tại; cũng là nền tảng sinh khởi vũ trụ thế giới đất nước núi sông.... (khí thế giới). Chúng sanh bị vô minh che lấp nên không nhận biết chơn tướng của thức A lại da biến hiện thân thể và thế giới, bị ô nhiễm Mạt na sai sử, lấy tự ngã làm trung tâm mà sinh khởi tâm thiện ác hữu lậu, tạo nghiệp thiện ác hữu lậu. Qua tác dụng cất giữ của thức A lại da, tự nhiên tạo thành tam giới lục đạo, thọ các loại quả khổ đau.

Tuy nhiên A lại da thức cũng là nền tảng của tất cả pháp thanh tịnh, tâm thanh tịnh, bồ đề, và quả Phật; giống như lấy lửa đốt cây, lửa nầy của đốt được cây khác, thông qua tu hành thiền quán lâu dài, lần lần đốt hết củi phiền não thì liền chấm dứt vòng luân hồi. Chúng sanh lấy A lại da thức cất giữ những chủng tử vô lậu làm nhân, phát tâm tu hành, mong cầu tịnh hóa tự tâm, giải thoát các khổ đau; dùng trí tuệ như thật làm các nghiệp vô lậu. Do A lại da thức chứa giữ, tăng trưởng chủng tử vô lậu, cho đến tâm hoàn toàn thanh tịnh, chuyển thức thành trí, A lại da thức thành Đại viên cảnh trí, thành quả vị Phật.

2.3. Phân tích sự hoạt động của tám thức

Tâm lý học phương Tây thông thường giải thích cơ cấu của sự nhận thức bằng 6 thức, dựa trên 6 căn (indriyas), tức là 6 giác quan: mắt (nhãn, caksu-), tai (nhĩ, srotra-), mũi (tĩ, ghràna-), lưỡi (thiệt, jihva-), thân (kàya-) và ý căn (mana-indriyas). Mắt, khi tiếp nhận đối tượng của nó là cảnh vật bên ngoài (trần cảnh), thì thấy; cũng vậy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm và ý nghĩ suy. Nhưng nếu nhận thức của chúng ta chỉ dựa trên các căn, thì chỉ là một mớ nhận thức rất rời rạc, không thể giải thích được những hiện tượng tâm lý tương quan và thâm sâu. Thí dụ, từ thuở nhỏ, ta quen biết một người bạn, cách xa nhau ba mươi mấy năm, tình cờ gặp lại, ta nhận được ngay là người bạn cũ thuở xưa. Trong hơn 30 năm đó, ta không hề nghĩ nhớ đến người ấy, mà nay bỗng nhiên gặp, vẫn nhận ra ngay, vậy thì trong suốt thời gian này, hình ảnh của người đó được giữ ở đâu trong 6 giác quan trên để khi vừa gặp lại nhận biết ra ngay? Vấn đề này Tâm lý học phương Tây không giải thích được.

Trong khi đó, ngài Thế Thân đã tiến xa một bước, và đóng góp một thành quả lớn lao cho tư tưởng thế giới, đó là đề nghị một cơ cấu ý thức gồm 4 thành tố: 1. 5 thức trước; 2. thức thứ 6; 3. thức thứ 7, gọi là Mạt-na thức; và 4. thức thứ 8, tức A-lại-da thức, hay tạng thức. Hai thành tố sau, Mạt-na và A lại da thức là đóng góp vĩ đại của Ngài Thế Thân đối với lịch sử triết lý của nhân loại. Thức thứ 8, như tên gọi, là tạng thức, tức tàng trữ tất cả những nhận thức của chúng ta, có thể ví như bộ nhớ (memory) của máy vi tính.

Chính nơi tạng thức này mà hình ảnh của người quen từ vài mươi năm trước được cất giữ; khi gặp lại, thì thức thứ 7, vừa tiếp nhận hình ảnh người mới vừa gặp lại, vừa tìm kiếm trong tận cùng sâu thẳm của thức thứ 8 hình ảnh người quen cũ trước đó 30 năm, phối hợp lại, để trong nháy mắt cho ta biết ngay đây là người đã quen. Thức thứ 7 này là bộ xử lý (DOS) của vi tính

Như vậy, phần chính yếu của nhận thức của chúng ta là thức thứ 8, A-lại-da thức, hay thức tàng trữ (tạng thức, năng tàng) làm cơ sở cho 7 thức kia. A lại-da thức còn gọi là "chứa đựng mọi ảnh tượng" (sở tàng); từ nơi A-lại-da này mà tất cả những ý niệm về cái ta (ngã chấp), và những hành vi hoạt động của nó trong thế giới ngoại tại (pháp chấp) sinh khởi. Nếu ta có thể lấy ví dụ A -lại-da thức này như là một biển nước rộng lớn mênh mông, thì 7 thức kia chính là những đợt sóng nhấp nhô, hay ào ạt, trên mặt nước đó. Theo đó, 7 thức trước không thể tách rời khỏi thức thứ 8 này, cũng không làm quấy động sự yên tịnh nơi đáy sâu của biển; nước và sóng là một, thì cả 8 thức này căn bản cũng không hai. Ta cũng tìm thấy tỷ dụ về nước và sóng này trong học thuyết Tánh Không.

Thức thứ 8 này siêu việt "nhị nguyên của chủ thể và khách thể, của hiện hữu và không hiện hữu"; nó không có một chủ ý nào trong hoạt trình của nó, không hề nhận biết đến đối tượng, không phân biệt, không bị ngăn che (vô phú), không tốt cũng không xấu (vô ký). A-lại-da thức là nơi tàng trữ các hạt giống (chủng tử) do hành động tạo tác bắt đầu từ nguyên nhân đưa đến kết quả (nghiệp), do vì những hành động mê muội của chúng ta. Tiến trình chín muồi của các chủng tử, những suy tư, những nhận thức về đối thể, tất cả đều là chủ quan; cho nên tiến trình đó và kết quả của nó đều không có thật:

Thức A lại da (đệ bát thức) khi chuyển đổi từ thức đến trí: Đại viên cảnh trí 大 圓 境 智 phải đợi đến khi tiến vào ngôi thứ 8 tức là Bất động địa Bồ tát thì cái ngã chấp của thức Mạt na thứ 7 bị nó đàn áp không thể nào xuất hiện được, lúc bấy giờ Thức A - lại - da thứ 8 mới xả bỏ được cái danh Alaya thức của nó dứt hết danh tự chúng sanh trong 9 pháp giới, đương nhiên thoát khỏi cái danh tướng chúng sanh. Khi đã đạt đến quả vị Phật, lúc bấy giờ Thức thứ 8 mới trở thành Đại viên cảnh trí, và đồng thời mang danh Vô cấu tịnh thức nó được hiển hiện và chiếu khắp pháp giới. Tất cả sự lý nhân quả đều được rõ ràng soi rọi vào trong trí đại viên ấy. Nhân vì nó tương ưng với cái thiện thanh tịnh cái huệ vô lậu, vì thế mà gọi là Đại viên cảnh trí. [16]

Giải thoát khỏi vòng luân hồi khi tất cả những hạt giống phiền não được thay thế bởi các chủng tử thanh tịnh do những tịnh nghiệp tạo thành. A-lại-da thức cũng huân chứa các hạt giống thanh tịnh nội tại, là nguồn gốc cho ý chí hướng về giác ngộ: Khi đạt được giác ngộ, thì thức thứ 8 này không còn những hạt giống chưa chín muồi (dị thục chủng) nữa, và chuyển thành Trí của tấm gương tròn lớn (Ðại viên cảnh trí, Great mirror wisdom). [17]

A-lại-da thức có 2 phần: phần chủ thể và phần đối tượng được nhận thức. Phần trước thì tương duyên với thức thứ 7, phần sau duyên với thức thứ 6 và 5 thức trước, thể hiện qua các trạng thái trí thức, đạo đức và tâm linh, như tham ái, tính toán, phân tích, thiền định, tin tưởng, hỗ thẹn, trí tuệ, v.v... Khi phần sau chuyển biến trong lúc giác ngộ, thì nó trở thành Hậu đắc trí. Tuy A-lại-da thức phải duyên với tất cả 3 loại biến chuyển để chuyển thức thành trí, nhưng bên trong nó còn có một cơ sở thường tồn trì giữ tư tưởng trong sạch, bất biến và vĩnh cửu. Ðó là Mạt-na thức do Phật giáo Tây Tạng chủ trương nhưng chưa được bàn rộng sâu, bởi vì đến đó, chỉ còn trạng thái tự nhận mà thôi, không còn phải nương theo những loại hình ngôn ngữ thông thường.

C. Kết luận

Khái niệm A-lại-da thức là cơ sở của Duy thức tông, qua đó người ta giải thích sự hiện hữu của con người, của cá nhân. Theo đó, các chủng tử (sa. bīja), tức là các hạt mầm của Nghiệp (sa. karma, pi. kamma) được chứa đựng trong A-lại-da thức và đợi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện thành tư tưởng. Các tư tưởng có tính riêng tư đó tác động trong mối liên hệ với Vô minh (sa. avidyā) và Ngã chấp (sa. ātmagrāha) làm cho mỗi người tưởng rằng có một con người đứng sau mọi hành động của mình. Tư tưởng đó lại gây tiếp các chủng tử của nghiệp, và nghiệp lại tiếp tục tạo tác. Vòng lẩn quẩn này chỉ được đối trị bằng quan điểm cho rằng, không hề có một thế giới độc lập ngoài Tâm. Theo đó thế giới chỉ là phản ánh của A-lại-da thức, con người chỉ thấy bóng dáng của chính tâm thức nó. A-lại-da thức thường được xem như là sự thật cuối cùng, có khi được gọi là Chân như (sa. tathatā). Theo một quan điểm Phật giáo khác thì A-lại-da Thức chỉ là nơi tập hợp của mọi nghiệp xưa cũ

Từ đó ta thấy rằng muốn áp dụng Duy Thức vào sự tu tập , ta phải cần chăm chú vào 2 thức thứ 6 và thứ 7 ,vì thức thứ 6 thì có thể nghĩ thiện nghĩ ác, toan tính bao la còn thức thứ 7 thì si mê , chấp ngã, chấp pháp, sa đà theo tâm phân biệt " ta" và "người" , "yêu-ghét" "lấy-bỏ" v..v.. càng ngày càng xa lời Phật dạy, quên hẵn đường về ( chơn tâm) khiến ta trôi lăn mãi trong sanh tử luân hồi. Ta phải tập quán "nhân vô ngã" và "pháp vô ngã" mới mong làm chủ được 2 thức này , lọai dần ngã chấp và pháp chấp. Ðây cũng như công việc " gạn cát đãi vàng" cho đến khi rèn luyện xong thì tất cả "Thức" đều trở thành " Trí " : Mạt na thức trở thành"Bình Ðẳng tánh trí", A lại da thức thì thành ra "Ðại viên cảnh trí" , Ý thức lúc ấy là "Diệu Quan sát trí ," còn 5 thức trước chuyển ra " Thành Sở Tác Trí " - Chúng ta thấy rõ ràng Tu là chuyển hoá chứ không phải "thêm" hay "bớt" cái gì cả . Ở đây ta cũng thấy được cái "vô tư, vô tội, ngây thơ trong sáng" của 5 thức trước , như vậy tu tập là làm sao để cho "cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe v..v.." chứ không để cho cái tâm phân biệt ( "cái anh Mạt na" tức là khen chê, yêu ghét ,lấy bỏ đó ! ) chen vào!

. Kinh Lăng-già A-bạt-đa-la, quyển 4 nói: Như Lai tạng hàm chức các nhân thiện và bất thiện, do huân tập các tập khí hư ngụy, xấu ác từ vô thủy nên gọi là tàng thức, sanh ra vô minh Trụ Địa và 7 thức khác. Giống như sóng biển nhấp nhô, chẳng dứt. Lìa cái vô thường, lìa được ngã chấp. Tự tánh vốn không có cấu nhiễm, rốt ráo thanh tịnh.[18] Các nhà Duy thức học nghiên cứu đến chỗ cùng tột, mới đặt được cái tên của Thức thứ Tám A lại da này. Chúng phàm phu và ngoại đạo nói rằng: Tôi hay thân thể Tôi, tức là chỉ cho thức A lại da. Thức này tức là Phật tánh, cũng kêu là Như Lai tạng. Do Thức thứ Bảy chấp Ta, nên nó biến thành tạp nhiễm, thì kêu là A lại da hay Ngã ái chấp tàng. Nếu Thức thứ Bảy không chấp Ta thì nó lại thanh tịnh, nên gọi là Như Lai tạng hay Phật tánh..

Sở dĩ thành phàm phu hay ngoại đạo là do Thức thứ Bảy chấp Thức này là chủ nhân (ta). Còn sáu Thức trước là quyến thuộc của ông chủ, ở ngoài giúp ông chủ để tạo tác các nghiệp. Cho nên trong kinh Giải Thâm Mật nói: Ta (Phật) đối với kẻ phàm phu không giảng nói thức này, vì sợ chúng phân biệt chấp làm Ngã.[19] Ý Phật nói kẻ phàm phu như người giữ cửa, không hề thấy ông chủ ở sâu xa bên trong; nếu giảng nói đến phần thâm tế ở bên trong (Thức thứ Tám) thì chúng lại thêm chấp ngã càng lắm, cho nên thà không nói còn hơn.

Bởi thế, nên trong ba tạng mười hai bộ Kinh, nói phá ngã chấp và trong Duy thức nói phá ngã chấp, pháp chấp, phần lớn là phá cái chấp của Thức thứ Bảy này. Trong kinh Kim Cang nói bốn tướng: ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng, cũng thuộc về cái chấp tướng của Thức thứ Sáu và Thức thứ Bảy. Nếu như phá trừ được cái chấp tướng của Thức thứ Bảy, cũng như đuổi anh gác, mở cửa đem ông chủ nhà ra, vì không còn anh gác cửa (tớ) nên không ai gọi ông là ông chủ nữa, chỉ kêu ông là người, như bao nhiêu người khác. Vì thế trong kinh Phật nói: Phật và chúng sanh bình đẳng không hai. Bên Thiền tông nói: Đập bể thùng keo sơn (phá chấp), khi tỏ ngộ rồi, đồng với khi chưa ngộ. Một lời nói này có thể giải quyết ít nhiều nghi nan, như nói: Sanh tử tức là Niết bàn hay Phiền não tức là Bồ đề v.v đều có thể lấy đây để suy xét.Với một tâm thức đầy nhiễm ô bởi phiền não, thành kiến, chia cách, phân mảnh, tham sân, hôn trầm, loạn động chính tâm thức ấy đã biến hiện ra thế giới không thật và bất toại nguyện này: Thức thứ tám đứng về bến mê thì nó là Thức tàng, đứng về bến Giác nó là Như Lai tàng ở trong vị mê, vọng chịu khổ vui mà cùng nhân tướng Niết bàn hòa hợp. Khi chúng sanh thọ khổ trong địa ngục, Phật tánh cũng vào địa ngục nhưng không khổ, chỉ có cái mê lầm chịu khổ. Chúng ta làm người cũng sẳn có Phật tánh, nhưng vui buồn là vọng thức, Phật tự tâm không có vui buồn. Để thấy rõ Phật tánh hay Như Lai tàng cùng đi trong các cõi, chung thọ sanh diệt mà không bị sanh diệt.[20] Bởi thế, để hoàn nguyên lại thế giới thực, thế giới đúng như nó là, chúng ta phải giải trừ đi đến loại bỏ sự biến hiện méo mó của thức, chúng ta phải chuyển hóa thức. Bởi vì kho tàng tâm thức và tính kiên trụ của hạt giống không bao giờ mất. Vấn đề là ở chỗ chuyển hóa nó thôi. Dùng phương pháp đối trị để thay đổi đặc tính của nó một cách tương thích.

Sự chuyển hóa này Duy Thức Tông gọi là. Chuyển thức thành Trí: A- lại - da hiển lộ trong sự thanh tịnh bổn nhiên của nó chớ không phải trong những hình thức sai lạc và ô nhiễm của nó như nó vẫn thường hiển lộ cho các thức. [21] A lại da chuyển hóa thành Đại viên cảnh trí, thức Mạt-na chuyển hóa thành Bình đẳng tánh trí.ý thức chuyển hóa thành Diệu quan sát trí, và năm thức giác quan chuyển hóa thành Thành sở tác trí . Luận Đại Thức Khởi tín nói là chuyển Sanh diệt môn thành Chân Như Môn, trở về với nguồn gốc của tâm là Đại Viên Cảnh Trí hay còn gọi là Như Lai Tạng. Đây chính là chỗ ở của Như Lai tính và thuộc lĩnh vực của cái A - lại - thức phải được gọi là Như Lai tạng, đạt đến chỗ rốt ráo của tâm thức. Đây là gọi là sự chuyển hóa tuyệt vời đưa tâm tính con người trở về với cội gốc Chân Như.

Thư Mục Tham Khảo

Nhất Hạnh, (1996) Giảng Luận Duy Biểu Học, Nxb Lá Bối

Thích Chơn Thiện Trần Tuấn Mẫn (dịch) (2005) Nghiên Cứu Kinh Lăng Già, Nxb Tôn Giáo

---------------------- -Lăng Già Đại Thừa Kinh (2005) Nxb Tôn giáo

------------------------Phật Học Khái Luận (2009) Nxb Phương Đông

Tuệ Sĩ dịch và chú, Thành Duy Thức (2009) Nxb Phương Đông

-----------------------. A Tỳ Đạt Ma Câu Xá (2012) Nxb Phương Đông -

Thích Thiện Siêu (2006) Luận Thành Duy Thức, Nxb Văn Hóa Sài Gòn

----------------------. Đại Cương Luận Câu Xá (2006) Nxb Tôn Giáo

Thích Thiện Hoa (2010) Duy Thức Học, Nxb Tôn giáo

Thích Thanh Từ (2010) Kinh Lăng Già Tâm Ấn giảng giải, Nxb Tôn giáo

Chân Đế - Giải Minh (dịch) (2012) Duy Thức Triết Học, Nxb Phương Đông

Và một số tài liệu từ các trang websi


[1] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển tr. 29 Hội Văn Hòa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản -2000

[2] Thích Thiện Hoa, Duy Thức Học, tr. 41 Nxb Tôn Giáo -2010

[3] S Đ D, tr, 46 (2)

[4] Chân Đế, Duy Thức Triết Học Giải Minh soạn dịch, tr, 64, Nxb Phương Đông -2012

[5] S Đ D, tr,186 (2)

[6] S Đ D, tr, 238 (2)

7 Thích Chơn Thiện, Nghiên Cứu Kinh Lăng Già, tr, 210, Nxb Tôn Giáo -2005

[8] S Đ D, 210 (7)

[9] S Đ D, 210 (7)

[10] S Đ D, tr, 233, (7)

[11] S Đ D, tr, 214 (7)

[12] Tuệ Sĩ dịch và chú, Thành Duy Thức Luận, tr, 237, chương II Nxb Phương Đông -2009

[13] S Đ D tr, 334 (12)

[14] S Đ D tr, 243 (12)

[15] S Đ D 244 (12)

[16] Chân Đế - Giải Minh soạn dịch, tr, 78, Duy Thức Triết Học, Nxb Phương Đông -2012

[17] http://www.chuadieuphap.us/Phat_hoc/duythuchocnhapmon_thichvienthong.asp

[18] (Như Lai chi tàng, thị thiện bất thiện nhân (...) vị vô thủy hư ngụy ác tập sở huân, danh vi tàng thức, sanh vô minh trụ địa dữ thất thức câu. Như hải lãng thân, trưởng sanh bất đoạn. Ly vô thường quá, ly ư ngã luận. Tự tánh vô cấu, tất cánh thanh tịnh).

[19] Thích Thiện Hoa, Duy Thức Học, tr, 232, Nxb Tôn Giáo -2010

[20] Thích Thanh Từ lược giải, Kinh Lăng Già Tâm Ấn giảng giải, Nxb Tôn Giáo -2010

[21]Thích Chơn Thiện Trần Tuấn Mẫn dịch, Nghiên Cứu Kinh Lăng Già, tr, 248 - Nxb Tôn Giáo -2005

BÀI LIÊN QUAN

Trình Bày Quan Điểm Về Đức Phật Của Đại Thừa & Đại Chúng Bộ ( Bảo Minh Trang , 13169 xem)

Ngũ Uẩn theo Quan điểm Sinh lý học và Duy thức học ( Thích Nữ Thông Nhàn , 5957 xem)

Những tư tưởng khác biệt giữa Ấn độ giáo và Phật giáo ( Thích Lệ Duyên , 6584 xem)

Nội dung và ý nghĩa phẩm Nhập pháp giới trong kinh Pháp hoa ( Thích Nữ Tâm Thảo , 5903 xem)

Nhận Diện Chân Tâm ( Bảo Minh Trang , 14133 xem)

Phát Bồ đề tâm theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm ( Thích Phước Trí , 8188 xem)

Phật giáo và tín ngưỡng ở đồng bằng sông Cửu Long ( Thích Nữ Diệu Tâm , 7926 xem)

Suối nguồn thực tại của người xuất gia ( Thích Nhuận Tường , 4817 xem)

Phương pháp hành trì tứ chánh cần của người con Phật ( Thích Nữ Liên Lương , 8959 xem)

Tại sao Phật giáo Lý Trần hưng thịnh ( Thích Hạnh Đạo , 7867 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thức thứ 8 là gì