Tha nhân là ai

Tha nhân là ai

  • Dẫn nhập
  • Tha nhân trong cái nhìn của một số triết gia
  • Hiện tượng luân hiện sinh như một cách thức tiếp cận hữu thể
  • Hữu-vị-tha (being-for-others) hay tương quan với tha nhân trong quan niệm của Sartre
  • Khuôn mặt của Levinas thách thức cái nhìn của Sartre
  • Thử trình bày một cách hiểu khác về quan điểm của Sartre đối với tha nhân
  • Kết luận

Dẫn nhập

Tha nhân là gì? Có thể xây dựng tương quan chân thực với tha nhân không? Đó là một trong những ưu tư của ít nhiều triết gia. Bài viết này chọn nghiên cứu tư tưởng của Jean-Paul Sartre, vì tư tưởng ấy khá độc đáo, và dường như có vẻ cực đoan. Nhưng chính vì thế, Sartre lại có thể khai mở nhiều chiều kích mới lạ mà ít có ai vươn tới. Vì đề tài có giới hạn nên bài viết cũng chỉ xoay quanh một số tác phẩm chính của Sartre như: Being and Nothingness, Nausea, No Exit. Đồng thời, người viết cũng không có tham vọng tìm hiểu hết cả tác phẩm nhưng chỉ nghiên cứu những chương có liên quan mà thôi. Nhưng trước khi bước vào tư tưởng của Sartre, thiết nghĩ cũng cần biết qua cái nhìn của một số triết gia về tha nhân.

1. Tha nhân trong cái nhìn của một số triết gia

Nhiều triết gia đề cao vai trò của tha nhân, đồng thời phê phán một số trào lưu triết học Tây Phương đã bỏ rơi hay không nhấn mạnh đủ vai trò ấy. Điển hình, Emmanuel Levinas phê phán triết học Tây Phương đã quá đề cao cái tôi dẫn đến việc xem nhẹ và trung tính hóa tha nhân, giản lược tha nhân vào trong cái Đồng (Sameness).[1] Để tránh nhìn tha nhân cách chung chung nhưng xem trọng họ trong tính riêng biệt của từng cá thể, Levinas đã nói đến khuôn mặt như một yếu tố đặc thù của người khác. Cũng trong chiều hướng này, Martin Buber cho rằng hiện hữu chân thực của mỗi người chỉ đạt được khi có một tương quan nghiêm túc với tha nhân.[2] Gabriel Marcel và Karl Jasper còn xem tha nhân là huyền nhiệm, đề cao sự cảm thông trong mối tương quan giữa người với người. Trong mối tương quan ấy, lời hứa và sự trung thành là những yếu tố then chốt để đi vào quan hệ độc đáo với người khác.[3]

Trong chiều hướng ngược lại, Martin Heidegger mô tả tha nhân như là mối đe doạ cho việc hiện hữu chân thực khi Dasein đánh mất chính mình trong thế-giới-người-ta.[4] Lúc ấy, Dasein không còn là mình nữa hay chỉ có vẻ là mình vậy thôi. Tuy nhiên, khi nói về tương quan với tha nhân, Heidegger cũng cho rằng việc cảm thông với tha nhân là một dự phóng có thể thực hiện được, tức là có thể xây dựng một tương quan tốt đẹp giữa người với người. Nhưng có lẽ, Sartre mới là người có thái độ mãnh mẽ nhất. Ông nhìn tha nhân khá gay gắt và cực đoan. Đối với ông, tương quan với tha nhân chỉ chứa đầy căng thẳng và xung đột. Như vậy, để trả lời cho câu hỏi: có một tương quan chân thực giữa người với người hay không, bài viết sẽ phân tích những phần sau: trước hết, sẽ trình bày quan điểm của Sartre về tha nhân; đối chiếu quan điểm ấy với khuôn mặt của Levinas như một đối trọng; cuối cùng đưa ra câu trả lời cho vấn nạn. Nhưng trước hết, ta cần biết qua cách thức tiếp cận hữu thể của Sartre.

2. Hiện tượng luân hiện sinh như một cách thức tiếp cận hữu thể

Vấn nạn hữu thể đã được Heidegger tra vấn nhiều trong tác phẩm Being and Time. Sartre cũng cố gắng tìm hiểu về hữu thể nhưng ông không nhắm vào việc phải trả lời cho câu hỏi hữu thể là gì cho bằng trình xuất một mô tả hiện tượng luận về hữu thể. Với phương pháp hiện tượng luận, Husserl “đóng ngoặc” mọi sự vật và chỉ để ý đến hiện tượng của sự vật ấy xuất hiện cho chủ thể. Sự vật chỉ có ý nghĩa là có ý nghĩa cho chủ thể nhìn ngắm mà thôi. Đây là thuyết duy ngã hiện tượng luận của Husserl. Sartre cũng dùng phương pháp hiện tượng luận nhưng đặt phương pháp ấy vào trong thế giới chứ không phải trong chủ thể ý thức như Husserl. Bởi thế, phương pháp hiện tượng luận của Sartre được gọi là hiện tượng luận hiện sinh.[5]

Bằng sự quan sát và mô tả hiện tượng luận, Sartre nhận thấy có hai loại hữu thể căn bản: hữu-tại-ngã (being-in-itself) và hữu-vị-ngã (being-for-itself). Hữu-tại-ngã chính là cách thức tồn tại của các sự vật. Nó là một hữu thể tự thân, không hề có một tương quan với ai hay với sự vật nào. Hữu thể tự thân là hữu thể đông cứng, đặc sệt, là chính mình nó mãi mãi: “Nó đầy ứ, không có ngoài, không có trong. Nó không có tha tính, tức nó không trở thành khác đi. Nó chỉ là nó cho tới tận cùng.”[6] Hữu-tại-ngã còn là cái gì đó thừa thãi (superfluous), không cần thiết. Sự tồn tại của nó hoàn toàn có tính ngẫu nhiên, tùy thuộc chứ chẳng có lý do nào cả. Sartre cho rằng hữu-tại-ngã phi lý (absurd), tự bản không có ý nghĩa. Phi lý là vì các sự vật tồn tại đó nhưng con người không thể nào hiểu chúng một cách trọn vẹn tổng thể được. Bởi thế, cảm giác buồn nôn mà Sartre miêu tả trong tác phẩm Nausea chính là cảm giác của sự thất bại, vô vọng khi một người muốn hiểu thế giới sự vật nhưng không thể hiểu hết được.[7]

Nếu hữu-tại-ngã là thế giới sự vật thì hữu-vị-ngã lại là thế giới của ý thức, của chủ thể tính. Sartre cho rằng con người có hình thức tồn tại rất đặc biệt. Con người vừa tồn tại như một cục đá, cái cây (hữu-tại-ngã) nhưng lại vừa tồn tại như hữu thể của ý thức (hữu-vị-ngã). Với ý thức, con người có khả năng phản tỉnh về chính mình và nhận ra mình là cái không là (what is not). Khi nhìn một cái nhà, con người nhận ra cái nhà là cái gì đó không phải là mình. Như vậy, ý thức có mang đặc tính của sự phủ định. Sartre gọi đây là khuynh hướng phủ định nội tại của ý thức. Chính khả năng phủ định này mà ý thức kéo hư vô vào đời. Tức là, con người nhận ra họ không là gì cả, không là bất cứ một tại ngã nào. Con người không ngừng chối bỏ tại ngã của mình và hướng đến hình ảnh dự phóng ở tương lai:

“Hữu thể của ý thức, nhờ ý thức, tồn tại như là có một khoảng cách với chính mình, và khoảng cách trống rỗng này chính là Hư vô. Vì thế, để cái ‘tôi’ được tồn tại cần có một sự hợp nhất giữa cái tôi và cái hư vô, tức là khả năng phủ định tại ngã của mình.”[8]

Chính vì không là gì cả nên hữu thể của ý thức hoàn toàn tự do, và tự do không giới hạn. Tôi hoàn toàn tự do để chọn lựa trở nên bất cứ thứ gì tôi muốn. Tuy nhiên, hữu thể của ý thức không bao giờ đạt được cái mà nó muốn. Bởi vì, nếu có đạt được dự phóng mà nó ao ước, ngay lập tức nó liền chối bỏ dự phóng ấy khi ý thức về mình. Như thế, con người không thể đạt được “cái tôi dự phóng” hay “cái tôi lý tưởng”, vì cái tôi ấy sẽ chẳng bao giờ có thể đồng nhất với “cái tôi đang hiện hữu” tại giây phút này. Thế nên dự phóng của con người là một khao khát vô vọng, vô nghĩa tuyệt đối.[9] Nói tóm lại, cách thức tồn tại nơi con người thật sự là một hữu tại-ngã-vị-ngã, tức là một chủ thể của ý thức luôn chối bỏ tại ngã của mình để hướng đến một tại ngã khác ở tương lai. Chính cách thức tồn tại này làm xuất hiện cách tồn tại thứ ba: hữu-vị-tha.

3. Hữu-vị-tha (being-for-others) hay tương quan với tha nhân trong quan niệm của Sartre

Tương quan với tha nhân được Sartre mô tả qua ba giai đoạn. Ở giai đoạn một, tôi không ý thức về sự hiện diện của tha nhân nhưng chỉ ý thức về các sự vật trong thế giới của tôi. Thế giới của tôi được thiết lập ngang qua những bận tâm và dự phóng của riêng tôi. Tôi cần mua thức ăn nên người bán hàng trở nên thành phần trong thế giới của tôi. Cũng vậy, khi tôi đi từ nhà đến cửa hàng, con người, sự vật, quang cảnh phố xá tôi gặp trên đường là thành phần trong thế giới của tôi. Tôi là trung tâm của thế giới đó. Khi tha nhân xuất hiện trong thế giới của tôi, nhưng vì tôi không ý thức về họ, thế giới ấy vẫn thuộc về riêng tôi, theo nghĩa nó xuất hiện ra cho tôi, dưới đôi mắt của tôi. Đến giai đoạn hai, tôi ý thức về sự xuất hiện của tha nhân. Việc ý thức ấy làm tôi nhận ra tha nhân hoàn toàn khác với các sự vật. Tha nhân là một hữu thể có ý thức như tôi, vì thế, cũng có một dự phóng và là trung tâm của một thế giới. Những gì đang xuất hiện trong thế giới của tôi cũng xuất hiện trong thế giới của tha nhân. Thế giới của tôi và tha nhân hòa trộn vào nhau. Tuy nhiên, cách nào đó, thế giới hòa trộn ấy vẫn còn là thế giới của tôi. Tôi vẫn là trung tâm của thế giới, vì tha nhân chưa ý thức về sự có mặt của tôi. Tha nhân vẫn là một đối thể để tôi tri nhận. Đến giai đoạn ba, tha nhân ý thức về tôi vì họ nhìn thấy tôi. Tôi trở thành đối tượng cho nhận thức của tha nhân. Lúc này tha nhân trở thành chủ thể và là trung tâm của một thế giới mà tôi là đối tượng trong đó (vì tôi đã bị nhìn).

Cái nhìn (the gaze) của tha nhân làm nảy sinh hai vấn đề. Trước hết, cái nhìn ấy khiến tôi ý thức về mình, về cách thức mà tôi hiện hữu. Ý thức ấy được thể hiện qua cảm xúc xấu hổ (shame). Xấu hổ vì tôi nghĩ tha nhân nhìn tôi một cách tiêu cực và có hình ảnh không tốt về tôi. Cái nhìn của tha nhân làm tôi ý thức về mình, mà ý thức vốn luôn được hiểu như ý thức về một điều nào đó. Vì thế, khi ý thức, tôi tự biến mình thành đối thể để cho ý thức săm soi. Như vậy, tôi không còn là hữu-vị-ngã nữa mà là một tại ngã với những đặc tính sơ cứng. Tại ngã đó chính là hình ảnh tôi tự tạo ra cho tôi vì tôi nghĩ rằng tha nhân nhìn tôi như thế. Thứ đến, cái nhìn của tha nhân trình ra một bản chất khác của tôi. Bản chất này chính là hình ảnh mà tha nhân thực sự nghĩ về tôi. Bản chất ấy cũng là một tại ngã vì nó mang những đặc tính cố định.[10] Sartre miêu tả điều này như sau:

“Chúng ta hãy tưởng tượng rằng, vì tò mò, ghanh tị hay vì một tật xấu nào đó, tôi dán tai vào cửa để nghe lén và nhìn trộm qua lỗ khóa. Tôi ở đó có một mình và hoàn toàn ý thức nhưng không phải là ý thức phản tỉnh, tức là tôi không ý thức về chính mình. Nhưng bất thình lình tôi nghe tiếng bước chân tiến về phía tôi. Rồi ai đó nhìn chằm chằm vào tôi. Tức thì tôi nhận ra tôi (ý thức về mình) và một cách thức tồn tại khác của tôi mà người nhìn tôi thực sự tri nhận tôi.”[11]

Như vậy, cái nhìn của tha nhân biến tôi từ chủ thể thành đối thể. Là một đối thể, một sự vật nên tôi bị tước mất tự do và những dự phóng của riêng mình. Cái nhìn của tha nhân làm cho tôi có cảm giác thế giới của tôi trôi tuột và vai trò trung tâm của tôi cũng chẳng còn. Cái nhìn ấy khiến tôi xấu hổ, sợ hãi, tổn thương và cướp mất chủ thể tính nơi tôi. Lúc này, tôi chẳng khác gì một hữu-tại-ngã sơ cứng. Bởi thế, trong vở kịch No Exit, nhân vật Garcin đã thốt lên: “Tha nhân là địa ngục.”[12] Tuy nhiên, cái nhìn của tha nhân cũng là điều hấp dẫn tôi vô cùng, vì tha nhân có thể nhìn tôi trong một cách thức mà tôi không thể nhìn chính mình. Thế nên trong mức độ nào đó, tha nhân biết tôi thực sự là ai, vì thế, có một khao khát tự nhiên là tôi muốn trở nên một với tha nhân, để tôi có thể biết sự thật về mình.[13] Như vậy tương quan giữa tôi với tha nhân có hai mặt. Một mặt, tha nhân là nỗi kinh hoàng, đe doạ thế giới của tôi và xoá bỏ những dự phóng mà tôi thiết lập cho bản thân mình. Mặt khác, vì tha nhân nhìn tôi nên họ nắm giữ một sự thật nào đó về tôi, họ hấp dẫn tôi và tôi muốn trở nên một với họ. Tôi đã bị lệ thuộc vào cái nhìn của họ, và như thế, tôi mất đi tự do. Đây chính là ý nghĩa của cụm từ “Hữu-vị-tha”.

Tuy nhiên, tôi không chỉ đóng vai là kẻ-bị-nhìn nhưng còn là người-nhìn-tha nhân. Khi tôi nhìn tha nhân, tha nhân cũng trở thành đối thể bị nhìn. Những gì cái nhìn của tha nhân gây ra cho tôi, giờ đây đến lượt tha nhân phải hứng chịu. Tôi biến tha nhân thành đối thể dưới cái nhìn của tôi cũng như tha nhân biến tôi thành đối thể dưới cái nhìn của họ. Như vậy, tương quan nhân vị thực sự là một tương quan thống trị-phục tùng, đầy những mâu thuẫn và xung đột.[14] Nói tóm lại, một tương quan chân thực và lành mạnh với tha nhân là điều không thể thực hiện được. Đó là một dự phóng bất khả thi. Tuy nhiên, quan điểm này của Sartre sẽ bị khuôn mặt của Levinas thách thức và thách thức cho đến tận cùng.

(còn tiếp)

Vũ Đức Anh Phương, S.J.

Học viên Triết I

Học viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

[1] x. Emmanuel Levinas, Totality and Infinity, translated by Alphonso Lingis, Pittsburgh, 1969, tr. 45-46.

[2] x. Martin Buber, I and Thou, translated by Walter Kaufmann (New York: Simon & Schuster, 1996), tr. 109.

[3] x. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy dịch (Hà Nội: Nxb Lao Động, 2004), tr. 394-395.

[4] x. Martin Heidegger, Being and Time, translated by Joan Stambaugh (New York: Sunny., 1996), tr. 42, 43.

[5] x. Jean-Paul Sartre, Being and Nothingness, translated by Hazel E. Barnes (New York: The Citadel Press, 1964), tr. xlvii.

[6] x. Ibid., tr. lxiv.

[7] x. Jean-Paul Sartre, Nausea, translated by Lloyd Alexander (New York: New Directions Publishing Corporation, 1964), tr. 129-131.

[8] Jean-Paul Sartre, Being and Nothingness, ibid., tr. 123.

[9] Con người đau khổ vì luôn bị ám ảnh bởi thực tế rằng: họ không thể nào đạt được vị ngã (đối thể) mà không đánh mất chính mình với tư cách là vị ngã (chủ thể). Khi đạt được tại ngã thì họ lại để vuột mất vị ngã của mình. Bởi thế, bản chất con người là một chủ thể bất hạnh vì không thể nào vượt qua được tình trạng đau khổ nói trên (Jean-Paul Sartre, Being and Nothingness, ibid., tr. 140).

[10] Tôi đang nhìn qua lỗ khoá và bị người khác nhìn thấy. Người ta có thể nghĩ tôi là kẻ rình mò, người nhiều chuyện hay phường trộm cắp. Rình mò, nhiều chuyện… là những đặc tính cố định của hữu-tại-ngã. Như vậy, thay vì là một hữu-vị-ngã giờ đây tôi chỉ là một sự vật ù lì, nhầy nhụa, sơ cứng.

[11] Jean-Paul Sartre, Being and Nothingness, ibid., tr. 347, 349.

[12] “Hell is other people” (Jean-Paul Sartre, No Exit, translated by Stuart Gilbert

http://teacherweb.com/FL/ReaganDoral/Prokopowicz/The-flies-27-to-69.pdf).

[13] “Tha nhân nhìn tôi và nhờ đó, tha nhân nắm giữ bí mật về hữu thể tôi, họ biết tôi là ai. Như thế, ý nghĩa sâu thẳm của hiện hữu tôi thì nằm ngoài tôi. Tha nhân có lợi thế trên tôi.”(Jean-Paul Sartre, Being and Nothingness, ibid., tr. 473)

[14] x. Ibid., tr. 480.