Số lượng máy bay của Mỹ tiến công phá hoại miền Bắc

Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược nước ta bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và mở cuộc “leo thang” chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng đè bẹp ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Ngày 7-2-1965, đế quốc Mỹ chính thức phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.

Số lượng máy bay của Mỹ tiến công phá hoại miền Bắc

Tàu tuần tiễu của Tiểu đoàn 100, Trung đoàn 171 bảo vệ cầu Long Biên, tháng 5-1967. Ảnh: TL

Ngày 7 và 8-2-1965, Mỹ tiến hành cuộc tập kích mang tên “Mũi lao lửa I”, sử dụng 169 lần chiếc máy bay đánh phá thị xã Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ, khu vực Vĩnh Linh. Ngày 11-2, chúng tiến hành cuộc tập kích “Mũi lao lửa II”, sử dụng 100 lần chiếc máy bay đánh phá thị trấn Hồ Xá, khu vực Vĩnh Linh, thị xã Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ... Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, các đơn vị tàu và Đại đội 24 pháo cao xạ thuộc Khu Tuần phòng 2 đã phối hợp với lực lượng phòng không ba thứ quân bắn rơi 22 chiếc máy bay Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác.

Bị thiệt hại nặng nề trong hai cuộc tập kích “Mũi lao lửa” I và II, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định mở chiến dịch “Sấm rền”, mở rộng đánh phá các mục tiêu quân sự, kho tàng, đầu mối giao thông, thị trấn, thị xã từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20 hòng đánh sập tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam... Bằng ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bộ đội Hải quân cùng với quân dân miền Bắc đã đề cao cảnh giác, chiến đấu dũng cảm, bắn cháy và bắn bị thương nhiều máy bay của địch, bảo vệ các mục tiêu. Trận ngày 2-3-1965, Mỹ cho 160 lần chiếc máy bay vào đánh phá Căn cứ sông Gianh. Các đơn vị bảo vệ căn cứ và Đại đội 24 pháo cao xạ cùng các tàu của Phân đội 5, 6 thuộc Khu Tuần phòng 2 đã kiên cường đánh trả, bắn rơi 6 máy bay của địch…

Khi địch mở rộng đánh phá các Trạm ra đa 530 ở Đèo Ngang, Trạm 550 ở Bạch Long Vĩ, các trạm ra đa của bộ đội Phòng không ở Hà Tĩnh, đánh phá cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, chúng đã bị quân dân ta kiên quyết đánh trả, bắn rơi nhiều chiếc. Trong đó, khẩu đội cao xạ Trạm ra đa 530 bắn rơi 2 chiếc; tàu T120 và T136 của Phân đội 1, 2 tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 5 chiếc. Ngày 29-3-1965, Tiểu đoàn 152 ở đảo Bạch Long Vĩ đánh trả 70 lần chiếc máy bay Mỹ, đã bắn rơi 5 chiếc. Ngày 31-3-1965, Trạm ra đa 530 cùng Đại đội 24 pháo cao xạ bắn rơi 5 máy bay của địch…

Cùng với đánh trả máy bay địch, bộ đội Hải quân đã kiên cường đánh trả các tàu chiến của chúng xâm phạm, phá hoại trong vùng biển của ta. Đầu năm 1965, biên đội tàu T161 và T171 thuộc Phân đội 5, Tàu T126 Khu Tuần phòng 2 đã bắn bị thương 3 tàu địch xâm phạm vùng biển Quảng Bình; tàu T187 và T124 bắn cháy 2 tàu địch ở cách Cửa Hội 40 hải lý...

Từ tháng 4-1965 đến cuối năm 1966, bộ đội các tàu, các căn cứ, đài trạm của Hải quân cùng với quân, dân ta kiên cường đánh trả các đợt tập kích đánh phá của địch, làm cho chúng bị tổn thất nhiều máy bay, tàu chiến. Tháng 8-1965, Bác Hồ gửi thư khen và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Quân chủng; hàng chục tập thể, cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng.

Cuối tháng 4-1966, máy bay địch mở rộng đánh phá ra vùng mỏ Đông Bắc, bộ đội Hải quân phối hợp với các lực lượng vũ trang ở khu vực đánh trả quyết liệt máy bay địch. Các tàu Hải quân ở khu vực Hạ Long đã bắn rơi 23 máy bay địch, bắn bị thương 38 chiếc và phối hợp cùng lực lượng đơn vị bạn bắn rơi nhiều chiếc khác. Cũng trong thời gian này, tàu của Hải quân đã tham gia nhiều trận chiến đấu bảo vệ TP. Hải Phòng.

Ngày 27-3-1967, Bộ Quốc Phòng ra quyết định hợp nhất Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu Đông Bắc thành Bộ Tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc. Các cơ quan chức năng cũng được củng cố tổ chức biên chế phù hợp với việc hợp nhất.

Đầu năm 1967, Quân chủng Hải quân điều động lực lượng tàu của Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 100 thuộc Trung đoàn 171 tàu tuần tiễu lên tham gia trực sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tại đây, bộ đội các tàu Hải quân đã cùng với quân dân ta chiến đấu nhiều trận, đánh trả quyết liệt các đợt tập kích của máy bay địch. Trận ngày 5-5-1967, hơn 300 lần chiếc máy bay Mỹ lao vào đánh phá Hà Nội; hơn 20 tàu tuần tiễu của Hải quân đã hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với quân, dân Hà Nội tiêu diệt 8 chiếc.

Ngày 14-5-1967, các tàu Hải quân bắn rơi 5 máy bay Mỹ, bảo vệ các mục tiêu được giao. Ngày 19-5 các lực lượng bắn rơi 8 máy bay lập công mừng sinh nhật Bác Hồ, trong đó Tàu T187 bắn rơi 1 chiếc.

Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tháng 4-1972, đế quốc Mỹ mở chiến dịch “Lai nơ Bếch cơ I” dùng không quân và hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ hai trên miền Bắc Việt Nam. Ngày 18-12-1972, Mỹ tiếp tục mở chiến dịch “Lai nơ Bếch cơ II” tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược, huy động hàng trăm lượt máy bay B52 và F111 đánh phá ác liệt đối với Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng hòng đè bẹp ý chí của dân tộc ta, buộc ta phải chấp nhận những điều khoản do Mỹ đưa ra song quân dân ta đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, buộc chúng phải chấp nhận sự thất bại cay đắng. Trong chiến thắng này, bộ đội Hải quân đã góp phần tích cực trong chiến đấu bảo vệ TP. Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội.

Theo Báo Hải quân Việt Nam

Ngày 7-2-1965, đế quốc Mỹ dùng không quân mở chiến dịch “Mũi lao lửa” và từ ngày 2-3-1965, Mỹ ném bom liên tục, ác liệt hơn gọi là “sấm rền” đánh phá liên tục miền bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền bắc. Số máy bay Mỹ sử dụng vào cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc năm 1965 trung bình mỗi ngày có 100 đến 160 lần cất cánh, ngày cao điểm là 250 lần cất cánh. Số bom Mỹ ném xuống chiến trường Việt Nam trong năm 1965 lên tới 310.000 tấn. Hạm đội 7 của Mỹ khống chế khu vực cửa biển miền bắc, dùng pháo bắn phá vào đất liền. Đây là lần đầu tiên trong chiến tranh xuất hiện kiểu chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân với quy mô lớn và ác liệt. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền bắc đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa chiến đấu vừa sản xuất đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1965, trên tuyến lửa Quân khu 4 bộ đội ta đã bắn rơi hơn 300 máy bay giặc Mỹ. Trong các ngày 26 và 30 tháng tháng 3 tại Rú Nài (Hà Tĩnh) bộ đội pháo cao xạ đã nhử địch vào trận địa, bắn rơi 12 chiếc máy bay, mở đầu cách đánh phục kích của bộ đội phòng không. Quân dân xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ mở đầu phong trào thi đua dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ. Trong trận chiến đấu ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 bảo vệ cầu Hàm Rồng, bộ đội ta đã bắn rơi hàng chục máy bay, bắt sống một số giặc lái. Những chiến công của bộ đội phòng không không quân đã làm nức lòng đồng bào chiến sĩ cả nước. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc xuất hiện mặt trận trên không. Ngày 3 tháng 4 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam. Ngày 24 tháng 7 năm 1965, tại trận địa Suối Hai, Tiểu đoàn tên lửa 62 và 64 của ta phóng những quả đạn đầu tiên bắn rơi máy bay F4C và bắt sống một giặc lái. Đây là chiến máy bay thứ 400 bị bắn rơi trên chiến trường miền bắc. Ngày 24 tháng 7 trở thành ngày truyền thống của bộ đội tên lửa anh hùng.

Đến cuối năm 1965 quân và dân miền bắc đã bắn rơi 834 chiếc máy bay giặc Mỹ, tiếp đó bắn rơi 773 chiếc năm 1966. Năm 1967 bắn rơi 1.067 chiếc và 571 chiếc năm 1968, bắt sống hàng trăm phi công Mỹ, 143 lần bắn chìm và bắn cháy tàu chiến Mỹ-ngụy. Trước sự thất bại nặng nề ở miền bắc và cả miền nam, ngày 1-11-1968, Giôn-xơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền bắc, sau đó chấp nhận tham gia hội nghị bốn bên tại Pa-ri.

Tài liệu tham khảo: Lịch sử Quân đội nhân dân, tập II, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân-1999

Bài tiếp theo: “Chiến thắng Vạn Tường – Bước đầu đánh thắng quân Mỹ về quân sự trong “chiến tranh cục bộ ””.

Tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã huy động đến mức cao nhất tiềm lực quân sự và tiềm lực khoa học kỹ thuật. Một trong những thủ đoạn được Mỹ sử dụng và liên tục cải tiến là dùng các thiết bị tạo nhiễu để chế áp các thiết bị điện tử của ta. Trong cuộc đấu trí này, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật quân sự của ta đã không quản ngại hiểm nguy để nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù” góp phần vào thắng lợi. Thành công  trong cuộc đấu trí này một lần nữa khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc ta.

Số lượng máy bay của Mỹ tiến công phá hoại miền Bắc
Số lượng máy bay của Mỹ tiến công phá hoại miền Bắc

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. (Ảnh: TTXVN)

Năm 1972, mặc dù đã cố gắng đến mức cao nhất nhưng đế quốc Mỹ vẫn không thể ngăn chặn nổi sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ngày 22/10/1972, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Tại Hội nghị Paris, phái đoàn Việt Nam và Mỹ hoàn thành văn bản hiệp định thỏa thuận về ngày ký kết. Nhưng sau đó Mỹ đã lật lọng, tráo trở trong đàm phán. Cuối tháng 11 năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định có khả năng địch đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn.

Lực lượng không quân được Mỹ huy động vào chiến dịch tập kích gồm gần một nửa số máy bay chiến lược B52 (193 trên tổng số 400 chiếc); hơn 1 phần 3 số máy bay chiến thuật (1077/3041 chiếc); một phần tư số tàu sân bay (6/24 chiếc) của toàn nước Mỹ. Ngoài ra, còn có 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số lượng lớn máy bay phục vụ khác.

 Máy bay B52 - một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ, cao tới 12m, dài 49m, sải cánh hơn 56m, nặng trên 200 tấn. Nó có thể mang được 100 quả bom với tổng trọng lượng 30 tấn (gấp khoảng 10 lần máy bay cường kích F4). Một phi vụ B52 có thể hủy diệt cả một vùng rộng lớn. Một tốp 3 chiếc B52 sẽ biến một diện tích 2 km2 thành bình địa. B52 có tầm bay cao tới 20km, ném bom ở độ cao 17km (hiệu quả nhất là ở độ cao 9 đến 11km) nó có thể bay xa 20.000km mà không phải tiếp dầu.

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21/12/1972. (Ảnh: TTXVN)

Sức mạnh của không quân chiến lược Mỹ không chỉ ở tính chất ồ ạt với số lượng lớn máy bay B52, mà còn ở hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh, tạo thành cái áo giáp điện tử vững chắc, che giấu toàn bộ lực lượng tiến công, biến mỗi chiếc B52 thành một máy bay tàng hình đúng nghĩa. Tướng John C.Mayer - Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ từng nói “Chúng ta coi chiến tranh điện tử là con đường sống còn của không lực Hoa Kỳ”. Chính vì vậy, nhiễu điện tử đã trở thành thủ đoạn chủ yếu nhất của địch trong chiến dịch 12 ngày đêm.

Mỗi B52 mang trong mình nó 16 máy phát nhiễu tích cực với dải tần rộng từ 100 đến 10.000 Mhz (mê-ga-héc); 2 máy gây nhiễu tiêu cực, 2 máy thu tần số rađa của đối phương, không kể những rađa dẫn đường rađa phát hiện mục tiêu, rađa ngắm bắn, rađa ngắm ném bom hết sức tinh xảo để làm nhiễu loạn toàn bộ hệ thống thông tin và vô hiệu hóa tất cả các đài rađa của đối phương.

Địch sử dụng nhiều loại nhiễu, cả nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực. Nhiễu tích cực là nhiễu bằng sóng điện tử phát ra từ những chiếc máy bay EA6A, EB66B, EC121 bay ở vòng ngoài cách mục tiêu khoảng 60-100km để gây nhiễu mạnh từ xa gọi là nhiễu ngoài đội hình. Nhiễu tích cực còn được phát đi từ những máy bay F4 F105, A6, A7 và từ bản thân mỗi chiếc B52 bay trong đội hình tiến công tự che giấu đội hình bay gọi là nhiễu trong đội hình.

Hình ảnh máy bay B-52 ném bom xuống làng thôn Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Nhiễu tiêu cực là hàng triệu triệu sợi kim loại màu trắng bạc, cực mỏng, nhẹ như tơ bung ra từ những quả “bom” do các máy bay F4 đến trước và từ bụng của B52 thả xuống. Mỗi quả bom này mang 450 bó nhiễu, mỗi bó bung ra hàng triệu sợi kim loại bay lơ lửng giăng kín bầu trời, tạo thành một hành lang nhiễu dày đặc, tạo ra một bức tường nhiễu khổng lồ cao 5-7km, dày 1-2km, dài 40-70km chắn ngang mọi cánh sóng rađa của ta.

Địch còn thực hiện gây nhiễu giả máy bay B52. Những chiếc máy bay F4 hoặc F111 bay thành từng tốp, cũng bay thăng bằng, tốc độ ổn định ở độ cao khoảng 10km giống như B52. Đặc biệt là 4 chiếc trong từng tốp bay sát gần nhau, cùng phát nhiễu, tạo thành một dải nhiễu to trên màn hiện sóng, khiến các trắc thủ ta tưởng lầm đó là dải nhiễu của B52. Màn hiện sóng của các trắc thủ, của các sĩ quan điều khiển, mỗi khi bị nhiễu điện tử tấn công làm rối loạn hoàn toàn. Nhiễu trắng xóa cả màn hiện sóng, che lấp mọi tín hiệu phản xạ, khiến cho các chiến sĩ ta không thể nhìn thấy tín hiệu mục tiêu. Sáng 16/4/1972, địch cho 60 máy bay chiến thuật bay vào vùng trời Hà Nội, trong đó có nhiều chiếc F4 gây nhiễu giả B52. Bộ đội tên lửa đã phóng lên 30 quả đạn nhưng không chiếc nào rơi.

Sức mạnh của không quân chiến lược Mỹ không chỉ ở tính chất ồ ạt với số lượng lớn máy bay B52, mà còn ở hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh, tạo thành cái áo giáp điện tử vững chắc. Ảnh: TTXVN

Trước những “thành công bước đầu” đó, các tướng lĩnh Lầu Năm Góc huênh hoang tuyên bố: Bằng kỹ thuật điện tử không lực Hoa kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống rađa của Bắc Việt. Họ khẳng định máy bay B52 là bất khả xâm phạm, B52 chỉ có thể bị rơi do thời tiết hoặc do trục trặc kỹ thuật chứ quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực của bộ đội phòng không và không quân Bắc Việt.

Không đầu hàng trước thủ đoạn gây nhiễu của địch, bộ đội phòng không không quân đã hạ quyết tâm “Vạch nhiễu tìm thù” một quyết tâm xuyên suốt trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại. Quá trình chống nhiễu và thắng nhiễu của bộ đội tên lửa là hành trình gian khổ bắt đầu từ cuối năm 1965, khi không quân Mỹ lần đầu tiên gây nhiễu ngoài đội hình. Tuy nhiên hồi ấy cường độ nhiễu còn nhẹ, các trắc thủ vẫn còn nhìn thấy tín hiệu mục tiêu trên nền nhiễu để diệt máy bay địch bằng cách đánh tối ưu: phương pháp điều khiển “nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu”.

Sang đầu năm 1967, địch tung ra thủ đoạn mới gây nhiễu trong đội hình. Bản thân mỗi máy bay đi trong đội hình tiến công đồng loạt phát nhiễu. Trong hơn nửa năm trời của năm 1967, bộ đội phòng không không quân, nhất là các tiểu đoàn tên lửa SAM2 ngày đêm vật lộn với đạn bom mà bắn mãi vẫn không trúng máy bay địch. Rồi trong gian khó, các chiến sĩ ta đã nghiên cứu vận dụng thành công phương pháp chống thủ đoạn gây nhiễu trong đội hình bằng phương pháp điều khiển “không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu”. Nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu để bắn đã khó, không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu mà vẫn hạ được máy bay địch đúng là khó tin nhưng đó là sự thật. Tính ưu việt của bộ khí tài Liên Xô cùng với trí thông minh của các chiến sĩ Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu ấy. Ngày 11/8/1967, tiểu đoàn 63 hạ tại chỗ một chiếc RF4C bằng phương pháp không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu. Lập tức, một cuộc họp rút kinh nghiệm được tiến hành ngay tại trận địa. Những bài học nóng hổi ấy đã được kịp thời phổ biến rộng rãi và biên soạn thành tài liệu tập huấn về cách đánh mới cho tất cả các kíp chiến đấu trong toàn binh chủng Tên lửa. Máy bay Mỹ lại liên tiếp bị hạ bằng phương pháp không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu.

Bộ đội tên lửa phòng không là lực lượng nòng cốt trong những năm tháng chiến tranh, đã đánh bại hơn 1000 máy bay địch trong đó có 65 máy bay B-52. Ảnh: TTXVN

Nhưng ngay sau đó, vào giữa tháng 12 năm 1967, không quân Mỹ lại thay đổi thủ đoạn gây nhiễu làm cho đạn tên lửa ta hễ rời bệ phóng là bị mất điều khiển. Cán bộ các cấp cho đến các cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn ngày đêm mất ăn mất ngủ để tìm cho ra nguyên nhân. Cuối cùng nguyên nhân đạn rơi đã được làm sáng tỏ. Đó là do nhiễu rãnh đạn - thứ nhiễu lợi hại của địch tác động lên rãnh điều khiển đạn của ta. Các biện pháp khắc phục được đề ra và thông qua Bộ Tư lệnh Quân chủng. Tuy nhiên, đây là một công việc khó khăn. Cán bộ nhân viên kỹ thuật của quân chủng phối hợp với nhóm nghiên cứu nhiễu của Viện Kỹ thuật quân sự thuộc Bộ Quốc phòng lại cùng các chuyên gia Liên Xô gấp rút nghiên cứu tìm cách cải tiến các bộ phận trong đài điều khiển và trong quả đạn. Sau nhiều lần thử nghiệm, đài điều khiển đã bắt được tín hiệu của quả đạn. Viên đạn lại ngoan ngoãn vút lên bay vào quỹ đạo tìm đến mục tiêu quật ngã máy bay địch. Một lần nữa ta đã thắng trong cuộc đối đầu kỹ thuật với kỹ thuật, trí tuệ với trí tuệ - một cuộc chiến thầm lặng kín đáo nhưng hết sức quyết liệt.

Bốn năm sau, tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 đối với miền Bắc với vũ khí và phương tiện chiến tranh được cải tiến hiện đại hơn trước rất nhiều. Những thiết bị gây nhiễu thế hệ mới của không quân Mỹ ra đời đã làm cho bộ đội phòng không không quân ta lại một phen lúng túng. Tên lửa phóng lên lại không tìm đúng mục tiêu. Máy bay địch vào ném bom gây tội ác mà không bị trừng trị.

Từ một phát hiện của ống kính nhìn xa đặt trên nóc đài quan sát, ta quan sát thấy quả đạn tên lửa khi bay lên tìm máy bay địch cứ chui vào khe giữa 2 chiếc máy bay, vượt qua mục tiêu rồi vọt thẳng lên cao và tự hủy. Qua phân tích nghiên cứu hiện tượng, chúng ta đã tìm ra nguyên nhân: do địch giãn rộng đội hình bay, kết hợp tăng số lượng và công suất máy gây nhiễu làm lạc hướng quả đạn. Ta lại cải tiến khí tài thêm một bước, đổi mới phương pháp bám sát mục tiêu, kết hợp rađa với kính quang học, nhờ đó đã đạt kết quả: Máy bay Mỹ vào gây tội ác lại tiếp tục bị tiêu diệt.

Máy bay B-52 bị bắn rơi đêm 26/12/1972 trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, máy bay địch đã bị các đơn vị rađa của ta phát hiện với tỷ lệ rất cao (93% B52, 86% F111) giúp cho bộ đội phòng không và không quân tiêu diệt kẻ thù. Kết quả ta đã bắn rơi 81 máy bay địch (trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111). Để có được thành công này, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật quân sự của Việt Nam được sự giúp đỡ của các chuyên gia đã không quản ngại hiểm nguy để nghiên cứu, tìm tòi ra cách đánh hiệu quả. Thắng lợi trong cuộc đối đầu kỹ thuật với kỹ thuật, trí tuệ với trí tuệ trong chiến dịch 12 ngày đêm - trận tác chiến quyết định này, một lần nữa khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược./.