Review trường Đức Trí

TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐỨC TRÍ

Địa chỉ: 273 Nguyễn Trãi, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3832 4284
Website: http://thcsductriq1.hcm.edu.vn

Review trường Đức Trí

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐỨC TRÍ

Khoảng cuối năm 1953, Hội Nam Kỳ Đức Trí Thể Dục ( Samipic ) quy tụ nhiều thành viên trí thức tiến bộ ở Sài Gòn xây dựng trường nữ trung học tư thục Đức Trí tại số 273 đường Nguyễn Trãi, cách cổng chính Tổng nha cảnh sát của chế độ cũ chưa đến 200m. Đây là trường nữ tư thục duy nhất tại Sài Gòn, khai giảng năm học đầu tiên vào tháng 9  1954.

Sáng lập, lãnh đạo và giáo ban gồm những người tên tuổi như kỹ sư Nguyễn Văn Đức, bà Nguyễn Thị Diệu, bà Nguyễn Thị Tú (nguyên Hội trưởng Hội LHPNGP thành phố) ...

Trường có nhiều hoạt động bí mật trong cuộc đấu tranh chính trị - văn hóa  xã hội của giáo giới và phong trào SVHS toàn thành, nổi bật ở các giai đoạn:

+ Giai đoạn 1955  1960: Trong thời điểm gay gắt đấu tranh đòi Hiệp thương thống nhất Tổ quốc thì hoạt động của các nữ sinh và thầy cô trường Đức Trí là một cái gai trong con mắt kẻ thù. Đến năm 1957  1958, sau khi bị lộ ở trường Kiến Thiết, chị Lê Mỹ Lệ (Năm Trang) được phân công về phụ trách trường Đức Trí.

+ Giai đoạn 1961  1966: Trong giai đoạn này, nhiều học sinh có tư tưởng tiến bộ như Trương Mỹ Hoa (Bảy Thư), Đỗ Ngọc Trinh (Bảy Hà - hiện nay là Ủy viên BCH Trung ương Đảng)... tham gia.Hoạt động công khai lúc này là tổ chức các nhóm văn nghệ, đi dã ngoại, học tập, tham quan... để xây dựng, tập họp đội ngũ học sinh. Các nhóm Thi văn đoàn phát hành những tuyển tập văn thơ gợi mở lòng yêu nước và hành động đấu tranh.

Về hoạt động bí mật, các chị rải truyền đơn, tổ chức chuyền tay đọc những bài báo xử án anh Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh... Ngoài phát triển cơ sở trong học sinh, các chị còn vận động bà con thân thuộc, chòm xóm láng giềng ủng hộ phong trào.

+ Giai đoạn 1967  1969: Phong trào đấu tranh bị đàn áp mạnh, nhiều thầy cô bị bắt. Một số chị bị lộ phải chuyển về trường Huỳnh Khương Ninh. Một số khác bị tù hoặc thoát ly vào vùng căn cứ Cách Mạng.

Tháng 9  1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, thầy Phan Xuân Phương đã tổ chức truy điệu trong một tiết Toán ở lớp đệ nhất (lớp 12) tại trường.

+ Giai đoạn 1970  1975: Năm 1970, Trường Đức Trí được chọn làm điểm tổ chức bãi khóa chống bầu cử Thiệu  Kỳ vì trường Gia Long, Cao Thắng đang gặp nhiều trở ngại không tổ chức được.

Tháng 9  1970, thành lập Ủy ban tranh đấu của Tổng đoàn học sinh Sài Gòn học sinh biểu tình chống Lonnol tàn sát Việt kiều, tham gia chiếm Tòa đại sứ Cam-pu-chia, chống quân sự học đường, đôn quân, bắt lính ..., công khai phát động kỷ niệm ngày anh Trần Văn Ơn hy sinh (ngày 9/1).

Từ năm 1970 đến 1975, phong trào phát triển mạnh. Nhiều thành viên của trường đã tham gia trực tiếp các phong trào và tổ chức chính trị, xã hội thành phố. Trường đã thành lập Hội bảo vệ nhân phẩm phụ nữ và Ủy ban đấu tranh thuộc Tổng đoàn học sinh Sài Gòn. Các nhóm Cỏ hồng, "Hoa cỏ và "Hoa học trò lần lượt ra đời, hướng học sinh vào ý thực độc lập dân tộc. Ông Lưu Văn Lang, Thành viên sáng lập trường Đức Trí, nguyên Chủ tịch phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn  Chợ Lớn, cũng được đặt tên một con đường ở phường Bến Thành, Quận 1.

Đến năm 1975, nữ sinh Đức Trí đã hòa vào cuộc đấu tranh nổi dậy tại chỗ hoặc từ các cánh khác nhau theo đoàn quân tiến về giải phóng thành đô.

Trường Đức Trí là một trong những điểm son của phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn  Gia Định trong cuộc đấu tranh chống chế độ tay sai và sự chiếm đóng của Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam. Nhiều thế hệ giáo viên và học sinh Đức Trí mãi mãi đi vào lịch sử thành phố và đất nước như : Nguyễn Thị Thanh Mai ( Phó Chủ Tịch Tổng Đoàn học sinh Sài Gòn), Nguyễn Thị Thu (Ủy viên BCH Ủy ban bảo vệ dân chủ học đường, thuộc Tổng đoàn sinh viên, học sinh Sài Gòn ), Lê Mỹ Lệ ( Phó Chủ tịch Hội thanh niên giải phóng Sài Gòn  Gia Định, Bí thư Tổng hội học sinh, Phó Bí thư thành đoàn Sài Gòn  Gia Định), Đỗ Ngọc Trinh ( Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Trần Thị Trúc Chi ( Hiện là Giám Đốc Nhà Thiếu nhi TP.HCM ), Trương Mỹ Hoa ( Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam ). Đặc biệt từ ngôi trường này, TPHCM mãi mãi ghi tên hai Liệt sĩ giáo chức là cô Nguyễn Thị Tú và cô Nguyễn Thị Diệu ( được đặt tên cho một con đường ở Quận 3)

Sau ngày giải phóng đến năm 1976, trường đổi tên thành trường trung học cơ sở Đức Trí.

Tiếp tục truyền thống đấu tranh Cách mạng, trường Đức Trí ngày nay không ngừng phấn đấu vươn lên, thi đua dạy tốt  học tốt, góp phần đào tạo những thế hệ công dân là những chủ nhân tương lai của đất nước. Liên tục nhiều năm liền, trường đạt danh hiệu Tiên Tiến Xuất sắc cấp Thành phố; được nhận nhiều bằng khen của Phòng Giáo dục Đào tạo và Quận Ủy  UBND Quận 1, của Sở Giáo dục  Đào tạo, Sở Y tế, Sở Thể dục thể thao và của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục  Đào tạo, của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2007, Trường đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ Tịch Nước trao tặng. Tập thể Cán bộ - giáo viên  công nhân viên cùng phụ huynh học sinh và học sinh nhà trường đang nỗ lực phấn đấu để được đón nhận Huân chương Lao động Hạng 2 trong thời gian gần nhất.

Thầy Nguyễn Quang Minh tổng hợp

Thông tin sẽ được cập nhật thêm.

Xem thêm thông tin tại:http://thcsductriq1.hcm.edu.vn