Nguyên nhân thiếu vitamin b12

Tìm hiểu chung

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 là gì? 

Vitamin B12 (cobalamin) là một loại vitamin nhóm B, tan trong nước, đóng vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động của cơ thể người:

  • Góp phần tạo hồng cầu mới;

  • Tổng hợp DNA;

  • Chuyển hóa chất béo và protein;

  • Hỗ trợ hoạt động của chức năng não và hệ thần kinh.

Khi thiếu vitamin B12, cơ thể không thể sản sinh đủ số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh, từ đó dẫn đến thiếu hụt oxy trong máu và các mô. Thông thường, lượng vitamin B12 cần ở hầu hết người lớn là 2,4μg/ngày.

Thiếu máu do thiếu hụt vitamin B12 và vitamin B9 (folate) thường đi kèm với nhau. Tình trạng này thường dẫn đến thiếu máu hồng cầu to (hồng cầu lớn hơn bình thường và có hình bầu dục). Trong một số trường hợp, các tế bào hồng cầu này sẽ chết sớm hơn bình thường.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu do thiếu vitamin B12

Bệnh nhân có thể có các triệu chứng chủ yếu do thiếu oxy và thiếu máu:

  • Da nhợt nhạt hoặc vàng;

  • Chóng mặt;

  • Mệt mỏi, mất năng lượng;

  • Không có cảm giác thèm ăn, giảm ngon miệng;

  • Sụt cân không rõ lý do;

  • Thường xuyên tê hoặc ngứa ran tay và chân;

  • Tim đập quá nhanh hoặc bị đau ngực;

  • Yếu cơ bắp, khó khăn khi đi đứng;

  • Thường xuyên thay đổi tâm trạng;

  • Đãng trí;

  • Lưỡi mềm và mịn.

Tác động của thiếu máu do thiếu vitamin B12 đối với sức khỏe 

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 gây thiếu oxy trong máu và các mô, dẫn đến việc các hệ cơ quan trong cơ thể có thể hoạt động bất thường. Bên cạnh đó, thiếu oxy sẽ khiến bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, yếu ớt; thiếu máu khiến bệnh nhân nhìn có vẻ xanh xao. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12

Nếu tình trạng thiếu hụt vitamin B12 kéo dài, hậu quả của nó không chỉ đơn giản là thiếu máu mà còn có thể gây hại cho tim, não, dây thần kinh, xương, phổi và các cơ quan khác trong cơ thể. Ở phụ nữ có thai bị thiếu vitamin B9 và B12 có thể sinh con bị dị tật ống thần kinh bẩm sinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu do thiếu vitamin B12

Không bổ sung đủ lượng vitamin B12 trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Thiếu hụt yếu tố nội tại trong dạ dày – ruột khiến cơ thể không thể hấp thu được vitamin B12 (do viêm dạ dày mạn tính…).

Mắc các bệnh ảnh hưởng đến khả năng hấp thu vitamin B12 (bệnh Crohn, HIV/AIDS, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, loạn khuẩn đường ruột...)

Thiếu máu ác tính: Một bệnh tự miễn khiến hệ thống miễn dịch tự tấn công các tế bào dạ dày dẫn đến thiếu hụt yếu tố nội tại.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải thiếu máu do thiếu vitamin B12?

Người suy dinh dưỡng, kén ăn, ăn chay trường mà không đảm bảo đủ chất.

Người mắc các bệnh làm giảm sự hấp thu vitamin B12.

Người sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày hoặc ruột non.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thiếu máu do thiếu vitamin B12

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Thiếu máu do thiếu vitamin B12, bao gồm:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có thể bị giảm khả năng hấp thu vitamin B12.

  • Người ăn chay trường cũng có khả năng bị thiếu hụt vitamin B12.

  • Đang dùng một số loại thuốc (thuốc kháng sinh, thuốc chống động kinh, metformin, colchicine, thuốc nhóm PPI…).

  • Đã phẫu thuật cắt bỏ phần cuối ruột non.

  • Vùng miền: Thiếu vitamin B12 phổ biến hơn ở người gốc Bắc Âu.

  • Bị mắc một số bệnh khác như đái tháo đường type 1, bệnh tuyến giáp, bệnh bạch biến…

  • Tiền sử gia đình bị thiếu máu do thiếu hụt vitamin B12.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thiếu máu do thiếu vitamin B12

Xét nghiệm công thức máu toàn phần để kiểm tra số lượng và kích thước hồng cầu. Khi thiếu vitamin B12, hồng cầu của bạn sẽ to hơn bình thường.

Kiểm tra nồng độ vitamin B12 trong máu.

Xét nghiệm kháng thể kháng yếu tố nội tại. Ở bệnh nhân thiếu máu ác tính sẽ xuất hiện kháng thể này trong máu.

Xét nghiệm Schilling để kiểm tra xem lượng yếu tố nội tại trong cơ thể có đủ hay không.

Định lượng acid metylmalonic (MMA) máu: Mức MMA sẽ tăng lên khi thiếu hụt vitamin B12.

Sinh thiết tủy xương.

Phương pháp điều trị thiếu máu do thiếu vitamin B12 hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Thông thường, thiếu máu do thiếu vitamin B12 rất dễ điều trị bằng chế độ ăn uống và bổ sung vitamin B12.

Vitamin B12 có cả ở dạng viên và dạng thuốc xịt mũi. Nếu bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng, có thể cần phải dùng đến đường tiêm (cyanocobalamin, hydroxocobalamin) ở liều cao hơn.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thiếu máu do thiếu vitamin B12

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Chú ý an toàn khi đi đứng vì thiếu máu có thể dẫn đến các cơn chóng mặt bất chợt, dễ gây té ngã.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung nhiều thực phẩm có chứa vitamin B12 như thịt bò, gan, gà, cá hồi, cá ngừ, hải sản có vỏ (trai, sò…), ngũ cốc, sữa ít béo, sữa chua, pho mát, trứng, chiết xuất nấm men…

Phương pháp phòng ngừa Thiếu máu do thiếu vitamin B12 hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất, đặc biệt là ở người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người ăn chay.

Trẻ được sinh ra từ mẹ ăn chay trường nên được bổ sung vitamin B12 từ khi mới lọt lòng.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.