Mô hình bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ năm 2024

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 98 điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) đang hoạt động. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐ-VHX, ngành Bưu điện tỉnh cũng đã trang bị cho các điểm BĐ-VHX các loại máy móc, trang thiết bị cần thiết như bàn quầy giao dịch, tủ đựng sách báo, bàn ghế, máy tính, máy in… Tại những điểm có dịch vụ bưu chính phát triển mạnh, Bưu điện tỉnh tăng cường thêm nhân viên, máy tính, máy in để bảo đảm chất lượng phục vụ.

Đến nay, cơ bản các điểm BĐ-VHX trên địa bàn tỉnh đã duy trì hoạt động hiệu quả theo mô hình kinh doanh đa dịch vụ. Cùng với các dịch vụ bưu chính truyền thống, các điểm BĐ-VHX còn là nơi chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, chuyển phát các dịch vụ hành chính công, huy động tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền bưu điện, bảo hiểm bưu điện, thu bảo hiểm xã hội, bán bảo hiểm ô tô, xe máy, thu tiền điện, phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn... Điều dễ nhận thấy nhất ở các điểm BĐ-VHX là đội ngũ nhân viên làm việc khá chuyên nghiệp, được tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng phục vụ, nhất là đào tạo về quy trình, nghiệp vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Bưu điện tỉnh khẳng định: Những năm qua, các điểm BĐ-VHX đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo nên hệ thống mạng lưới điểm phục vụ bưu chính, viễn thông rộng khắp toàn tỉnh, có sức cạnh tranh lớn với các đơn vị bưu chính chuyển phát khác. Ngoài việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, các điểm BĐ-VHX cũng đã làm tốt công tác phục vụ công ích để đóng góp thiết thực vào việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Mô hình bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ năm 2024
Điểm bưu điện - văn hóa xã Đồng Hóa, Kim Bảng thu hút nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển phát.

Có mặt tại điểm BĐ-VHX Đồng Hóa (Kim Bảng) mới thấy, điểm BĐ-VHX đang phát triển rất mạnh mẽ nhiều loại hình dịch vụ được nhân dân tin dùng, nhất là dịch vụ bán lẻ hàng hóa và bưu chính chuyển phát với số lượng khoảng 100 đơn hàng mỗi ngày.

Theo chị Mai Thị Hợi - nhân viên điểm BĐ-VHX Đồng Hóa chia sẻ: Thời gian gần đây, do thương mại điện tử phát triển, số lượng đơn đặt hàng trực tuyến ngày càng tăng. Nhờ chất lượng dịch vụ bảo đảm, 100% đơn hàng được phát đi trong ngày nên nhiều năm nay, điểm BĐ-VHX Đồng Hóa đã trở thành điểm gửi hàng tin cậy của người dân trong xã và các xã lân cận như Đại Cương, Nhật Tân.

Chị Phạm Thị Hợi, thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa chia sẻ: Nếu như trước đây, mỗi khi có nhu cầu gửi hàng hóa, tôi phải ra tận bưu điện huyện để gửi và nhận hàng thì bây giờ, bưu điện xã đã đáp ứng đầy đủ các dịch vụ, kể cả dịch vụ chuyển tiền, mua bảo hiểm xe máy, đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, điểm BĐ-VHX còn bày bán đa dạng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, được người dân nông thôn ưa chuộng như nước giặt, dầu ăn, nước rửa bát, trong đó, chủ yếu là hàng hóa do Việt Nam sản xuất có chất lượng bảo đảm và giá cả phù hợp. Vì vậy, tôi rất tin tưởng khi sử dụng sản phẩm do bưu điện phân phối.

Tương tự, tại điểm BĐ-VHX ở các huyện, thị xã, thành phố, mô hình kinh doanh đa dịch vụ cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Theo đó, doanh thu của các điểm đều tăng trưởng nhanh qua các năm.

Chị Quyền Thị Châu Giang, nhân viên BĐ-VHX Đinh Xá (thành phố Phủ Lý) cho hay: Để khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ của bưu điện, tôi không ngừng nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng cũng như quan tâm lắng nghe tất cả các ý kiến phản ánh, góp ý của khách hàng để cải thiện. Nhờ đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, dịch vụ và quan tâm nâng cao chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng nên lượng khách hàng tiềm năng, khách hàng sử dụng dịch vụ thường xuyên của điểm BĐ-VHX tăng nhanh trong khoảng 3 năm trở lại đây và tăng cao nhất là năm 2023. Riêng đối với dịch vụ chuyển phát, nếu như năm 2018, số đơn hàng gửi đi chỉ từ 20-30 đơn/ngày thì nay đã tăng lên 500 đơn/ngày. Trong những tháng cuối năm 2023, có nhiều hôm, số lượng đơn hàng lên tới 700 đơn. Từ đó, nâng tổng doanh thu của điểm BĐ-VHX lên xấp xỉ 300 triệu đồng mỗi năm. Do lượng khách hàng đông, mới đây, điểm BĐ-VHX Đinh Xá đã được bưu điện tỉnh tăng cường thêm 1 nhân viên và bổ sung thêm 1 máy tính. Đến nay, điểm BĐ-VHX đã có 3 máy tính và 3 máy in. Tôi cũng phải thuê thêm 2 nhân viên giao hàng để đáp ứng yêu cầu công việc.

Mô hình bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ năm 2024
Nhân viên điểm bưu điện - văn hóa xã Đồng Hóa, Kim Bảng tư vấn sản phẩm cho khách hàng.

Thương mại điện tử phát triển mạnh trong những năm gần đây khiến cho thị trường dịch vụ bưu chính cạnh tranh mạnh mẽ với số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng. Trước thực tế này, các điểm BĐ-VHX đã thực sự phát huy tốt lợi thế về vị trí nằm ở khu vực trung tâm xã để phát triển kinh doanh đa dịch vụ. Đặc biệt, các điểm BĐ-VHX còn là nơi phân phối, đưa sản phẩm, dịch vụ của bưu điện đến gần với người dân vùng nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-BĐVN ngày 8/3/2014 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về đổi mới hoạt động tại điểm BĐ-VHX và phát triển bền vững hệ thống BĐ-VHX, trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư bổ sung trang thiết bị cho các điểm BĐ-VHX. Song song đó, bưu điện tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên BĐ-VHX; tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên về kỹ năng bán hàng để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.