Lang kỵ trúc mã lai review

“青梅竹馬 “- thanh mai trúc mã – lấy ý (và từ) từ bài Trường Can hành của Lý Bạch. Bài dài 30 câu, kể chuyện chàng nàng thuở nhỏ bên nhau, sau nên duyên vợ chồng. Ban đầu thiếu nữ còn e thẹn ngại ngùng, gọi ngàn lần vẫn quay mặt vào vách không đáp một câu, sau đắm đuối thề non hẹn biển nếu lỡ xa nhau sẽ quyết như Vĩ sinh thà chết không nuốt lời (nhân dành một câu nhắc chuyện tương truyền xưa có chàng họ Vĩ hẹn gặp người con gái dưới cầu, thủy triều dâng mà nàng chưa đến, chàng quyết giữ lời chờ người cứ ôm cột cầu mà chết). Quả nhiên thề thốt ứng lời ngay, chàng lên đường viễn du, nàng trông đôi bướm vàng tháng tám rập rờn, ngó gót giày chàng năm xưa phủ rêu xanh mà đem lòng sầu bi, nhắn chàng xin hãy biên thư, dẫu đường sá xa xôi nàng chẳng ngại gió sương ra đón. Lý Bạch thả một dấu lặng vào cuối câu chuyện này, để “Thanh mai trúc mã” của Dương Đức Xương cũng rập rờn nhiều dấu lặng.

Không là cuộc đời, cũng chẳng phải bản nhái sinh sau (dù rởm đời cẩu thả hay sao y bản chính) mà tận tụy sắm vai cái bóng cuộc đời, phim ảnh mồi chài kẻ ngoài cuộc đắp bồi tưởng tượng về tương lai tươi sáng cho các nhân vật (hay là cho bản thân tự phóng mình vào nhân vật?), nhưng tấm màn quá khứ càng vén rộng, kẻ ngoài cuộc càng trông rõ tương lai sẽ không như mộng. Cảnh phim bắt đầu bằng việc Long và Trinh tìm thuê một căn hộ sau khi Long từ Mỹ trở về, Trinh mừng lắm, mắt trông phòng trống đầu vẽ ngay “anh có thể nằm đây xem ti vi.” Quả đúng cuối phim anh cũng “nằm” và “xem ti vi,” nhưng số mệnh vẽ những đường Trinh không lường trước được.

Đời Trinh và Long chạm nhau từ quá khứ, từ tuổi thơ, rồi cách xa, rồi chia ly gì chúng ta mãi là kẻ thứ ba không hay không biết, nhưng đây hai cuộc đời lại va nhau và hình như đang kiếm tìm gần gụi gắn bó. Nào ta xem đạo diễn tách từng phân đoạn cuộc đời mỗi người để biết Long xưa chơi bóng chày nay điều hành một tiệm bán vải và gia đình đều bên Mỹ cả, rằng anh có một thằng bạn lái taxi vợ mê bài bạc để lại đàn con chị em chăm nhau; để biết Trinh không hợp tính bố vừa dọn ra ở riêng lại vừa mất việc, rằng cô có đứa em gái ham chơi và đám bạn thị thành luôn sắm trong túi vài tấm danh thiếp. Rồi giờ xem hai mảnh đời ấy ráp lại gần nhau ta thấy những gì.

Lần đầu tiên chưa nghe nhiều kết nối, trước hãy đứng chung nhau nơi căn hộ này. Lần thứ hai thấp thoáng lo âu về một nhân vật không nên nhắc đến xen giữa hai người. Lần thứ ba tâm tình quá khứ ngập lối. Lần thứ tư thủ thỉ vẽ mộng tương lai thoát cơn bế tắc. Lần thứ năm chàng to tiếng, nàng ngậm tăm mà hờn. Lần thứ sáu nàng nóng giận, chàng quay gót mà đau. Lần thứ bảy thì đã là lần gặp cuối cùng, thôi đừng ngóng hôn nhân, đừng mơ nước Mỹ, đừng “ảo tưởng về một khởi đầu mới.” Ký ức không gắn nổi hai mảnh đời đã quá xa nhau.

Ký ức, ký ức tuổi thơ, thả vào khắp những hình, những tiếng, những câu chuyện, nghĩ suy, trò chuyện, những màn hình, hiện vật, phục trang. Ký ức mang tiếng cười, nhắc niềm đau, lấp im lặng. Sẽ nhiều lần người xem bắt gặp những câu thoại bỏ lửng, bằng lặng im của nhân vật, bằng lời đáp chẳng liên quan, bằng vô tri của kẻ ngoài cuộc (nhưng có ý đồ của người đạo diễn), hoặc bằng ký ức. Ký ức chập chờn như bóng ma, thân quen như người bạn cũ, dập dềnh như cành củi cứu nạn mà kể như nhân vật nào cũng bám vào. Ký ức lưu luyến đến nỗi phim của ông Dương lắm khi hình qua rồi nhưng tiếng vẫn còn rớt lại. Nhưng ký ức không vớt được ai khỏi hiện tại.

Hiện tại là đây. Những tòa nhà mọc lên san sát giống nhau như đúc đứng cạnh những mái hiên tường gạch đèn lồng treo cao. Những pub rì rào tiếng người rượu bia cười nói so âm những quán rượu tỉ tê tiếng hát. Những xích đu sân cỏ ngước mắt dòm trăng qua vai những tầng thượng nơi từ trên cao ta nhìn xuống. Đài Bắc gần mà xa. Gần ở những cảnh cận mặt người Đài Bắc; xa bởi phần đa mỗi người lặng lẽ cô đơn trong khung hình của mình, trừ một đôi khi nương tựa hay cãi vã, xa bởi những cảnh toàn hầu như chỉ dành cho diện mạo thành phố. Đài Bắc là đây.

Nào giả như mình hỏi thật khẽ một điều này, Long – Hầu Hiếu Hiền – nghe chưa được rõ bởi anh bận theo dõi trận bóng chày, bèn quay sang “hứ?” một tiếng mà miệng vẫn ngậm cái “hứ” chao ôi sao mà dịu dàng ấy đến nỗi mình cũng không muốn anh mở miệng e tiếng bay đi mất, thì mình dám nhắc lại câu hỏi to hơn một chút chẳng sợ đánh động cuộc bóng của anh, và anh sẽ đọc mấy dòng này bằng cái giọng trầm trầm ân cần ấy của anh:

Thiếp phát sơ phú ngạch, Chiết hoa môn tiền kịch Lang kỵ trúc mã lai Nhiễu sàng lộng thanh mai

Diễn Nôm của An Chi như thế này:

Em tóc vừa xõa trán, Ngắt hoa chơi trước nhà. Chàng vờ cưỡi ngựa đến, Đuổi nhau quanh ghế ngồi.

Nhưng bởi chữ “sàng” thực là một đứa oái oăm, trước có người bảo nghĩa là “giường”, người lại bảo “ghế” mới phải, và có người vẫn không chịu, bảo phải là “hàng rào quanh bờ giếng” mới đúng, vậy ta thêm vào đây đoạn diễn Nôm của Đỗ Chiêu Đức như thế này:

Khi tóc thiếp mới vừa phủ trán, Bẻ hoa chơi lảng vảng trước sân. Ngựa tre chàng cưởi đến gần, Chạy quanh bờ giếng ghẹo cành mai xanh.

Lang kỵ trúc mã lai review

Thúy.

Thông tin phim Tên phim: Thanh mai trúc mã (tiêu đề gốc: 青梅竹馬, tên Tiếng Anh: Taipei Story) Năm sản xuất: 1985 Thời lượng: 120 phút Đạo diễn: Dương Đức Xương Đạo diễn hình ảnh: Yang Wei Han Kịch bản: Hầu Hiếu Hiền, Dương Đức Xương, Chu Thiên Văn Diễn viên chính: Hầu Hiếu Hiền, Thái Cầm

Đọc toàn bộ bài diễn Nôm của Đỗ Đức Chiêu tại đây: http://havuvhp.blogspot.com/2018/11/ien-tich-van-hoc-3-mai-truc-bai-viet.html