Hướng dẫn hạch toán kế toán bệnh viện công lập năm 2024

Không chỉ tại các doanh nghiệp mà ngay cả các cơ quan hành chính sự nghiệp, kế toán luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động. Chúng ta hãy cùng tham khảo bài viết sau đây của MISA MeInvoice để có một cái nhìn tổng quát về công việc của kế toán hành chính sự nghiệp.

Lưu ý: Trước khi tìm hiểu về kế toán hành chính sự nghiệp, bạn có thể tham khảo những thông tin tổng quan về kế toán gồm công việc phải làm, thu nhập và lộ trình thăng tiến bằng cách click vào bài dưới đây

Xem thêm: Các công việc của kế toán và thông tin cần biết về thu nhập, lộ trình thăng tiến cho sự nghiệp kế toán

Hướng dẫn hạch toán kế toán bệnh viện công lập năm 2024

Kế toán hành chính sự nghiệp là người có trách nhiệm chấp hành, quản lý ngân sách, điều hành các hoạt động kinh tế, tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp (như ủy ban, trường học, bệnh viện,…). Các đơn vị hành chính sự nghiệp cần lập dự toán để có thể quản lý hiệu quả và chủ động trong các khoản chi tiêu. Dựa vào báo cáo dự toán, kinh phí sẽ được Nhà nước cấp cho từng đơn vị.

2. Công việc của kế toán hành chính sự nghiệp

Bên cạnh vai trò quản lý và kiểm soát tình hình sử dụng kinh phí, sử dụng các loại vật tư tài sản công và chấp hành dự toán thu, chi theo định mức của Nhà nước, kế toán hành chính sự nghiệp còn có chức năng thông tin mọi hoạt động kinh tế phát sinh trong quá trình chấp hành ngân sách Nhà nước, góp phần đắc lực vào việc sử dụng vốn một tiết kiệm và hiệu quả cao.

Để thực sự có hiệu lực trong công tác quản lý kinh tế tài chính, kế toán trong các đơn vị hành chính sự nghiệp phải thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:

– Ghi chép và phản ánh một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ về tình hình luân chuyển và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn, quá trình hình thành kinh phí và sử dụng nguồn kinh phí, tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị.

– Kiểm soát và theo dõi tình hình chấp hành dự toán thu chi, tình hình triển khai các chỉ tiêu kinh tế tài chính và các tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, đồng thời kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng vật tư tài sản ở đơn vị, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật thu, nộp ngân sách, chấp hành kỷ luật thanh toán và chế độ chính sách của Nhà nước.

– Kiểm soát và theo dõi tình hình phân phối nguồn kinh phí cho các đơn vị cấp dưới cần dự toán và cả tình hình chấp hành dự toán thu, chi và quyết toán của các đơn vị này.

– Định kỳ lập và nộp các báo cáo tài chính cho các cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính đúng hạn theo quy định.

– Cung cấp các thông tin và tài liệu cần thiết phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch dự toán, xây dựng định mức chi tiêu, phân tích và đánh giá hiệu quả của việc sử dụng các nguồn kinh phí tại đơn vị.

Doanh nghiệp, kế toán viên quan tâm phần mềm MISA meInvoice & có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong 7 ngày, vui lòng ĐĂNG KÝ tại đây:

Căn cứ Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN) và Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi bổ sung chế độ kế toán HCSN ban hành theo Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài chính;

Căn cứ Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Điều 12, Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế;

Để thống nhất công tác hạch toán, quản lý và sử dụng nguồn thu sự nghiệp tại Bệnh viện tuyến huyện và Trạm y tế thuộc Trung tâm y tế huyện, Sở Y tế và Sở Tài chính hướng dẫn như sau:

  1. Đối với Bệnh viện đa khoa các huyện có ký hợp đồng với cơ quan BHXH huyện khám chữa bệnh BHYT tại các Trạm y tế xã.

1. Khi thu viện phí bằng tiền mặt (đối với người bệnh không có thẻ BHYT hoặc khoản thu cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT) nộp vào quỹ cơ quan ghi:

Nợ TK 111 - Tiền mặt

Có TK 511 - Các khoản thu

2. Khi nhận tiền do cơ quan BHXH huyện cấp ứng hoặc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) của đối tượng có thẻ BHYT theo hợp đồng vào tài khoản tiền gửi KBNN ghi

Nợ TK 112 - Tiền gửi kho bạc

Có TK 331.1 - Các khoản phải trả (chi tiết cơ quan BHXH);

3. Khi mua thuốc, vật tư y tế nhập kho phục vụ công tác KCB ghi

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 331.2 - Các khoản phải trả (chi tiết công nợ từng nhà cung cấp).

4. Khi thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế cho đơn vị bán ghi

Nợ TK 331.2 - Các khoản phải trả (chi tiết công nợ từng nhà cung cấp)

Có TK 111, 112 - Tiền mặt hoặc tiền gửi KBNN

5. Hàng quý căn cứ biên bản quyết toán giữa Bệnh viện với cơ quan BHXH về chi phí khám chữa bệnh trong kỳ được hạch toán ghi

Nợ TK 331.1- Các khoản phải trả (chi tiết cơ quan BHXH).

Có TK 511- Các khoản thu (toàn bộ phần thu của Bệnh viện, Phòng khám ĐKKV và chi phí về thuốc, vật tư y tế của tuyến xã được cơ quan BHXH thanh toán).

Có TK 342 - Thanh toán nội bộ (tiền khám, tiền ngày giường, dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã được cơ quan BHXH thanh toán).

6. Trường hợp đơn vị ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT thanh toán theo định suất với cơ quan BHXH, khi xác định quỹ định suất có kết dư, Bệnh viện chủ trì phối hợp với TTYT lập phương án sử dụng gửi Phòng Tài chính Kế hoạch huyện thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt. Căn cứ Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân huyện đơn vị sử dụng theo trình tự sau:

- Trích cho TTYT huyện (nếu có).

- Sử dụng 20% để sửa chữa, nâng cấp mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm bổ sung trang thiết bị làm việc, trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

- Phần còn lại đơn vị trích từ 35% - 40% thực hiện cải cách tiền lương, bao gồm chi trả phụ cấp tăng thêm theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg;

- Sau khi trích các khoản nêu trên, số kinh phí còn lại đơn vị chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị và trích lập các quỹ theo tỷ lệ quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Thông tư số 71/2006/TT-BTC và theo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

* Hạch toán kế toán:

Căn cứ Quyết định của cơ quan BHXH tỉnh về kinh phí kết dư quỹ định suất, Bệnh viện hạch toán và ghi:

Nợ TK 331.1 - Các khoản phải trả (chi tiết cơ quan BHXH), trường hợp được cơ quan BHXH bù trừ vào kinh phí đã được cấp ứng.

Hoặc Nợ TK 311 - Các khoản phải thu (chi tiết cơ quan BHXH), trường hợp đơn vị chưa được cơ quan BHXH trả tiền.

Hoặc Nợ TK 112 - Tiền gửi KBNN, trường hợp được cơ quan BHXH chuyển trả vào tài khoản tiền gửi.

Có TK 511- Các khoản thu

Có TK 342 - Thanh toán nội bộ (phần trích cho TTYT huyện theo Quyết định của UBND huyện).

7. Bệnh viện chuyển tiền ngày giường bệnh, khám bệnh, thu dịch vụ kỹ thuật của các Trạm y tế xã phần kết dư quỹ định suất cho TTYT huyện, Bệnh viện ghi.

Nợ TK 342 - Thanh toán nội bộ

Có TK 111, 112 - Tiền mặt hoặc tiền gửi KBNN

8. Căn cứ số liệu xuất kho thuốc, vật tư y tế để sử dụng cho công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện, phòng khám khu vực và Trạm y tế xã trong kỳ thanh, quyết toán với cơ quan BHXH, Bệnh viện ghi

Nợ TK 661 - Chi hoạt động

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Trường hợp thuốc đã xuất dùng nhưng bệnh nhân chưa ra viện trong kỳ quyết toán thì hạch toán và ghi

Nợ TK 311 - Các khoản phải thu.

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Sang kỳ quyết toán sau khi bệnh nhân ra viện được quyết toán chi phí KCB đơn vị ghi:

Nợ TK 661- Chi hoạt động

Có TK 311 - Các khoản phải thu.

9. Khi chi các khoản chi phí có liên quan ghi:

Nợ TK 661 - Chi hoạt động

Có các TK tương ứng có liên quan: 111,112, 334, 332...

10. Đơn vị tạm chia tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức hoặc trích lập các quỹ theo quy định, Bệnh viện ghi:

Nợ TK 661 - Chi hoạt động

Có TK 334 - Phải trả cán bộ, viên chức.

Có TK 431 - Các quỹ.

11. Khi chi thanh toán thu nhập cho cán bộ, viên chức và các quỹ ghi:

Nợ TK 334 - Phải trả cán bộ, viên chức.

Nợ TK 431- Các quỹ

Có TK 111, 112 - Tiền mặt hoặc tiền gửi NH, KBNN

12. Cuối kỳ căn cứ số thực tế đã chi từ các nguồn thu, Bệnh viện làm thủ tục ghi thu - ghi chi với cơ quan tài chính và hạch toán như sau:

Nợ TK 511 - Các khoản thu

Có TK 461 - Nguồn kinh phí hoạt động.

Lưu ý: Trước khi trích nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các đơn vị dành 20% tổng số thu từ dịch vụ khám bệnh và ngày giường điều trị để sửa chữa nâng cấp, mở rộng phòng khám và mua sắm trang thiết bị, chăn ga, gối trang bị cho các buồng bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

II. Đối với Trung tâm y tế huyện

1. Khi mua thuốc, vật tư phục vụ công tác KCB tuyến xã, căn cứ hóa đơn mua thuốc, vật tư theo quy định được giao cho Bệnh viện làm cơ sở hạch toán (hóa đơn riêng của Trung tâm y tế).

2. Căn cứ tình hình thanh, quyết toán sử dụng thuốc, vật tư của các Trạm y tế xã; Bệnh viện có trách nhiệm chuyển tiền mua thuốc cho nhà thầu (phải chuyển riêng phần hóa đơn của TTYT), sau đó Bệnh viện photocopy và giao cho TTYT huyện bản sao ủy nhiệm chi chuyển tiền thuốc để TTYT huyện theo dõi.

3. Hàng quý căn cứ biên bản quyết toán giữa Bệnh viện với cơ quan BHXH về chi phí khám chữa bệnh trong kỳ và biên bản xác định giữa Bệnh viện với Trung tâm y tế huyện về chi phí khám bệnh, tiền ngày giường và dịch vụ kỹ thuật tại Trạm y tế xã được cơ quan BHXH thanh toán trong kỳ, Trung tâm y tế huyện hạch toán:

Nợ 342 - Thanh toán nội bộ

Có TK 511- Các khoản thu.

4. Căn cứ Quyết định của UBND huyện, nếu Trung tâm y tế được phân bổ kinh phí kết dư Quỹ định suất đơn vị ghi:

Nợ 342 - Thanh toán nội bộ

Có TK 511- Các khoản thu.

5. Sử dụng kinh phí thu được từ dịch vụ: Khám bệnh, tiền ngày giường, dịch vụ kỹ thuật tại tuyến xã và kết dư quỹ định suất tại TTYT như sau:

- Đơn vị trích 35% thực hiện cải cách tiền lương.

- Phần còn lại đơn vị sử dụng để chi thu nhập tăng thêm cho CB, VC Trạm y tế và trích lập các quỹ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Thông tư số 71/2006/TT-BTC và Quy chế chi tiêu nội bộ.

5.1. Khi nhận được tiền khám bệnh, ngày giường bệnh, chi phí dịch vụ và kinh phí kết dư do Bệnh viện chuyển trả, TTYT ghi

Nợ TK 111, 112 - Tiền mặt hoặc tiền gửi NH, KBNN

Có TK 342 - Thanh toán nội bộ.

5.2. Cuối kỳ Trung tâm y tế huyện căn cứ số thực tế đã chi từ nguồn thu, làm thủ tục ghi thu - ghi chi với cơ quan tài chính và hạch toán ghi:

Nợ TK 511 - Các khoản thu

Có TK 461- Nguồn kinh phí hoạt động

III. Hạch toán ghi thu, ghi chi

Đối với các khoản thu nhưng chưa đủ chứng từ làm thủ tục ghi thu, ghi chi:

1. Trường hợp cuối năm nếu các khoản thu tại đơn vị nhưng chưa có chứng từ chi để làm thủ tục ghi thu, ghi chi thì đơn vị hạch toán ghi

Nợ TK 511 - Các khoản thu

Có TK 521 - Thu chưa qua ngân sách;

2. Sang năm sau khi có chứng từ chi, đơn vị làm thủ tục ghi thu, ghi chi và hạch toán ghi:

Nợ TK 521- Thu chưa qua ngân sách;

Có TK 461 - Nguồn kinh phí hoạt động.

IV. Tổ chức thực hiện

Hướng dẫn này được áp dụng cho khoản thu, chi từ nguồn viện phí, BHYT. Các khoản thu sự nghiệp khác tại Bệnh viện và Trung tâm y tế các huyện thực hiện theo quy định hiện hành.

Khi có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh công lập sẽ thực hiện theo quy định mới.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ảnh kịp thời về Sở Y tế và Sở Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.