Hôn nhân điền thổ tự cổ chi thù là gì năm 2024

TP - Buổi sáng ngày 10/10/1954, đại quân ta tiến vào Thủ đô Hà Nội trong rừng cờ, hoa và tiếng hoan hô vẫy chào nồng nhiệt của các từng lớp nhân dân.

Hôn nhân điền thổ tự cổ chi thù là gì năm 2024
Ngày 16/10/1954, Hồ Chủ tịch tiếp thân mật các đại biểu nhân dân Thủ đô Ảnh: T.L

Nhớ lại chín năm trước ra đi “đất trời bốc lửa, cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” (thơ Chính Hữu), hôm nay quân ta chiến thắng trở về, phố phường Hà Nội không gẫy một cành cây, cửa ô không vỡ một hòn ngói, ban ngày nước máy vẫn chảy, ban đêm đèn điện sáng tưng bừng…cả một kỳ tích với biết bao đóng góp to lớn của những người hôm nay và cả những người đã ngã xuống từ đêm 19 tháng 12 năm 1946.

Tuy nhiên, buộc phải rút khỏi Hà Nội, đối phương muốn chúng ta nhận về một thành phố chết với đám thị dân phải ra múc nước hồ Hoàn Kiếm mà dùng, ban đêm nhà cửa chìm trong ánh sáng leo lét đèn dầu, tạo cơ hội cho bọn lưu manh gây ra những bất an xã hội. Cả đến ngôi chùa Một Cột di tích lịch sử văn hóa Thăng Long nổi tiếng cũng bị chúng giật mìn phá hủy.

Để có những ngày tháng Mười vui tưng bừng ấy, từ hàng tháng trước đó, nhân dân Hà Nội đã sát cánh bên nhau đấu tranh bảo vệ nhà máy nước nhà máy điện Yên Phụ, không cho chúng cướp đi thuốc men dụng cụ y tế ở nhà thương Bạch Mai, bệnh viện Phủ Doãn…

Đấy là những cuộc giằng co, xô xát, đấu tranh quyết liệt lôi cuốn nhiều người tham gia, có cả những đoàn đại biểu mang kiến nghị có hàng ngàn chữ ký lên tố cáo với Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Genève.

Bên cạnh đó là những cuộc đấu tranh âm thầm, những huyền thoại không mấy ai biết, để Hà Nội vui trọn vẹn trong ngày giải phóng và để hôm nay có sự an sinh, ổn định lâu dài.

Gìn giữ hồ sơ gốc về nhà đất Hà Nội

Hà Nội có Sở Trước bạ và quản thủ điền thổ do người Pháp lập ra từ những năm đầu thế kỷ XX mở mang thành phố (vì vậy Sở mang tên quản lý ruộng đất - điền thổ - chứ chưa phải quản lý nhà đất như tên gọi ngày nay). Bên cạnh đó là Sở Địa chính phụ trách đất đai cả xứ Bắc kỳ. Lại có Phòng Pháp chế Nhà cửa tại tòa Thị chính nơi người dân đến giao dịch mua bán bất động sản.

Tháng 9/1954, cơ sở báo cho cán bộ ta biết đối phương có âm mưu mang đi Sài Gòn tất cả những hồ sơ về nhà đất Hà Nội. Đây là những bộ hồ sơ gốc gồm bản vẽ chi tiết dựa trên số đo thực địa và lời khai của chủ sở hữu với chứng thực của chính quyền sở tại về từng ngôi nhà, thửa đất ở từng ngõ phố.

Những hồ sơ gốc này được bảo mật, sắp xếp theo nguyên tắc tiên tiến trong những ô, ngăn tủ chuyên dùng đảm bảo yêu cầu tra cứu sử dụng tiện lợi. Vậy mà tất cả những hồ sơ nhà cửa đất cát sở hữu công và tư nhân qua đó có thể vẽ lại chân dung diện mạo Thăng Long Hà Nội xưa cũng như để chứng thực công lao mồ hôi nước mắt nghìn đời của ông cha để lại cho con cháu, đang bị đóng hòm, chuyển xuống Hải Phòng rồi lên tàu thủy đưa vào Nam.

Mục đích thâm hiểm của đối phương là sẽ gây cho Hà Nội rối loạn về quản lí và giao dịch thị trường nhà đất. Mất hồ sơ gốc thì người dân sẽ dựa vào đâu, chính quyền sẽ dựa trên cơ sở nào để hoạch định phát triển thành phố, để giải quyết những vụ phân chia tài sản, tranh chấp nhà cửa đất đai?

Người dân sống ở nhà quê phải có ruộng vườn, ở thành thị phải có nhà đất. Không một tấc cắm dùi là câu tục ngữ nói lên sự gắn bó mật thiết giữa đất với người. Lại có câu Hôn nhân điền thổ vạn cổ chi thù cho thấy đất đai một trong hai nguyên nhân sâu xa dẫn tới những mối thù truyền kiếp.

Tháng 9/1954. Người Hà Nội hồ hởi, hồi hộp đón chờ các anh bộ đội cụ Hồ về giải phóng Thủ đô. Không chỉ chờ đón mà mỗi người Hà Nội đều hiểu rõ mình phải góp phần vào sự nghiêp chung. Cho nên khi được vận động, mấy ông công chức Sở Quản lý điền thổ ra ngay huyện Thường Tín dự lớp bồi dưỡng chính trị để rồi trở về vận động các đồng sự không cho đối phương di chuyển hồ sơ nhà đất.

Nên nhớ rằng đây là những công chức mẫn cán của chế độ cũ. Họ được xét tuyển theo những điều kiện khắt khe, đào tạo chu đáo để có ý thức trách nhiệm cao về bổn phận công chức một công sở có tính đặc thù, sống thanh liêm và…chữ viết ngay thẳng, rõ, đẹp.

Bất chấp mọi hiểm nguy, những người làm việc ở Sở Quản lý điền thổ đã bí mật mang từng chồng hồ sơ đi phân tán cất giấu. Cho đến khi ô tô nhà binh xịch đỗ trước cổng Sở thì nhân viên vắng mặt, những hòm tài liệu rõ ràng được khóa, niêm phong cẩn thận đã không cánh mà bay!

Vậy mà đúng ngày quy định, khi cán bộ ta về tiếp quản thì các công chức, nhân viên Sở Trước bạ và quản lý điền thổ có mặt đông đủ và hôm sau trên xích lô, xe đạp, các hòm, gói, cặp hồ sơ nhà đất ùn ùn chở tới cơ quan để rồi được sắp xếp trong các ngăn, tủ đúng theo quy tắc quản lý tiên tiến, khoa học, văn minh.

Mấy ai biết những người làm việc trông coi giấy tờ sổ sách điền thổ một thời chưa xa ấy đã lặng lẽ góp phần nhỏ bé vào thành công to lớn tiếp quản thủ đô và cũng nhờ đó, việc quy hoạch mở mang thành phố, công tác quản lý nhà đất ở Hà Nội những năm sau này được nền nếp, ổn định, để lại tín xác cho những “sổ đỏ” hôm nay.

Chiến dịch “chạy gạo”

Hà Nội giải phóng được 15 ngày thì dân thành phố nhao lên vì…thiếu gạo ăn. Bề ngoài không khí vẫn vui tưng bừng. Cổng chào dựng khắp nơi, cờ đỏ sao vàng, đèn hoa kết treo lộng lẫy. Tiếng hát son lá son, đêm múa sạp vui tưng bừng. Nhưng gạo?...

Những năm người Pháp tạm chiếm Hà Nội, các gia đình được ăn gạo “bông” từ Sài Gòn chở ra. Nhiều người chê gạo bán theo sổ nhân khẩu tuy rẻ nhưng thổi không ngon cơm nên vẫn đong gạo quê từ các “đại lý” có nguồn từ lính ngụy ăn cướp chở về và từ bà con nông dân ngoại thành gánh vào bán lẻ. Lúc này, Hà Nội thiếu gạo! Bọn đầu cơ thính nhạy tung tin gây hoang mang. Các nhà giàu tích trữ gạo. Giá gạo tăng vọt. Đài nước ngoài đưa tin chính phủ Hồ Chí Minh để dân đói!

Theo ngành lương thực báo cáo thì ta không thiếu lương thực. Nhưng khó khăn trước mắt vì các kho của nhà nước chỉ trữ thóc, việc xay xát dựa vào thủ công. Phương tiện vận chuyển rất thiếu thốn. Những người gánh gạo bán rong chẳng hiểu sao mất hút sau ngày tiếp quản. Mà tâm lý người tiêu dùng ở thành phố mới giải phóng rất dễ bị kích động.

Thế rồi… Thật ngạc nhiên, người ta thấy từng đoàn ô tô chở gạo về các kho trong nội thành. Những kho gạo mậu dịch mới đặt thêm ở phố Hàng Chiếu, hàng Khoai gần chợ Đồng Xuân chợ Bắc Qua, ga xe lửa đầu cầu Long Biên là nơi ngày đêm rất đông người tụ họp buôn bán.

Theo đoàn xe tải là những anh bộ đội áo xanh mũ nan giày vải. Các anh huỳnh huỵch khuân vác những bao đay căng phồng, nặng chịch, xếp cao tận nóc kho. Mấy anh không có chuyên môn nên để nhiều bao thủng, rách khiến gạo rơi vãi trắng xóa!... Nhìn kho, nhìn gạo, các bà nội trợ bảo nhau:

- Cứ nghe tin đồn nhảm nữa đi!

Chẳng ai đong gạo tích trữ nữa, việc làm này bị dư luận lên án mạnh mẽ. Nhưng cái chính là có thêm nhiều cửa hàng bán lẻ cho khách mua dễ dàng, mua không hạn chế. Người ta còn bảo nhau:

- Ra cảng Phà Đen mà xem, hàng trăm tấn gạo phủ bạt nằm chờ ô tô chuyển vào kho kia kìa.

Chính các bà nội trợ là những người “làm công tác tư tưởng” hiệu quả nhất. Chỉ trong ít ngày, thị trường lương thực ổn định, lòng dân yên.

Là một trong những người được “trưng dụng” tham gia công tác đột xuất ngày ấy, người viết bài này quen bác công nhân bát tê (ngày nay gọi là cửu vạn) biệt danh tên Ba Tạ vì trong một cuộc thi tài ông đã vác nổi trên vai ba tạ gạo.

Ba Tạ uống rượu như uống nước lã, thuộc Kiều, mê truyện Tam quốc. Chiều tà trên phố Hàng Muối, ông Ba Tạ mượn chén tự hào khoe mình góp phần phục vụ chiến dịch “chạy gạo” cho dân Hà Nội ngày đầu tiếp quản. Bất chợt ông vỗ đùi khen:

- Phục các anh sát đất. Tình cờ…tôi phát hiện một phần trong số các bao đó không phải gạo!

Một đời làm phu khuân vác, cái vai ông chạm vào bao tải là biết bên trong đựng gạo hay những hạt không phải gạo. Nhưng ông đã giữ kín điều mình biết rõ, vì một điều gì đấy hết sức thiêng liêng. Quả thật ngày ấy không biết điều gì sẽ xảy ra nếu không có dòng bao gạo và không phải gạo ấy kìn kìn chảy về Hà Nội.

Hôm nay, tự nhiên ngồi nhớ đến ông Ba Tạ. Ông là người đã góp phần giữ cho dân tình thành phố này bình tâm trong những ngày đầu chính quyền ta tiếp quản. 55 năm đã qua, xin kể lại chuyện này.