Dương bình nguyên là ai

"Nhờ đọc và viết, mà tôi đã không cảm thấy tuyệt vọng và bế tắc trong những giai đoạn mất mát của đời sống riêng...", nhà báo Dương Bình Nguyên chia sẻ.

- Anh có nhớ cuốn sách hoặc tác giả văn học nào từng khiến anh say đắm, ở tuổi 20?

- Khi tôi bước vào thời sinh viên, bắt đầu một hành trình tìm hiểu cuộc sống bằng những cuốn sách. Nói như vậy, vì cả thời thơ ấu, tôi không có gì nhiều để đọc. Ở miền trung du ấy, tôi chỉ đọc được mọi thứ xuất hiện trong tầm mắt, có thể là cuốn báo cũ, hay một cuốn tiểu thuyết diễm tình, hoặc là một cuốn sách khoa giáo dạy nuôi lợn. Đọc tất cả những gì có chữ.

Năm 1996, khi bước vào Học viện An ninh, tôi cũng đã tìm lục trên thư viện tất cả những cuốn sách cũ và nó cũng chỉ chủ yếu là sách luật và nghiệp vụ. Tôi đạp xe lên Thư viện Hà Nội ở phố Bà Triệu, mượn và đọc những cuốn sách mà mình… từng nghe nói. Văn học cổ điển cũng như những cuốn sách văn học Việt Nam của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồ Anh Thái, Trần Thanh Hà… chủ yếu được đọc trong thời gian này. Vì thế, thời gian đầu viết văn, tôi bị ảnh hưởng ít nhiều bởi bút pháp của họ.

Dẫu vậy, cuốn sách làm tôi say đắm nhất, có lẽ là Chúa trời của những chuyện vụn vặt. Cuốn sách của Arundhati Roy, kể về câu chuyện hai anh em sinh đôi Estha và Rahel. Chúng sống trong một thế giới của những điều được rập thành khuôn mẫu và sự ngây thơ ấy giúp chúng vượt qua khỏi những đổ vỡ của gia đình. Mẹ chúng, một người phụ nữ tên Ammu với thế giới chia hai, nửa ban đêm là tình yêu cuồng si với những người đàn ông của chị và nửa ban ngày là tình mẫu tử tuyệt vời dành cho các con mình.

Một cuốn sách về nỗi thống khổ của những con người hứng chịu đủ về phân biệt giai cấp, về tình yêu và cả cái chết… Khi ấy, tôi đã rất say đắm văn phong tưởng như lạnh lùng nhưng ẩn sâu là sự nhiệt thành của Roy. Thật tiếc, không hiểu vì sao sau này cuốn sách đã không được in và tái bản nữa.

Dương bình nguyên là ai
Nhà báo Dương Bình Nguyên.

- Những cuốn sách đọc ở tuổi 20 đến nay còn có ý nghĩa thế nào trong nhân sinh quan sống của anh?

- Những cuốn sách, như một người đồng hành lặng lẽ, nó sẽ tự sắp xếp và chắt lọc trong tâm trí người đọc những thứ nên nhớ và cả những điều cần lãng quên. Tôi rất nhớ cái cảm giác ngồi đọc sách trong những buổi chiều muộn ở ký túc xá, đó là lúc gần như duy nhất tôi được sống trọn vẹn một mình giữa không gian chen chúc quá đông người. Và nó đánh thức trong tôi rất nhiều điều. Về nhân sinh quan. Về tình yêu. Về cả những thứ mà dường như lần đầu tôi được biết tới. Nó giúp tôi kiên định hơn về con đường chữ nghĩa mà sau này tôi lựa chọn và sống, đó là nghề viết.

- Cha mẹ, các anh chị em trong gia đình có tác động thế nào đến việc hình thành thói quen đọc sách của anh?

- Cha mẹ tôi là những người nông dân thuần phác, việc của họ là đi ra đồng làm việc để nuôi 6 người con ăn học. Họ không có thời gian đọc sách. Nhưng người anh cả của tôi, được coi là người dân hiếm hoi của làng “thoát ly” khỏi cánh đồng để đến với nghiệp chữ nghĩa. Anh thường gom tất cả sách báo mà anh có gửi về nhà cho các em. Và niềm đam mê sách của tôi có lẽ bắt đầu từ ấy. Mình thường không được hướng dẫn (và cũng chẳng có điều kiện) để tiếp cận những tác phẩm có hệ thống. Mọi thứ là tự nhiên và chắp ghép không đồng đều. Nhưng tôi nghĩ, nó vẫn có ích rất lớn. Ít ra nó cũng cho mình biết nhiều hơn những gì trong sách giáo khoa nói. Và nó cho mình một thế giới mới, của trí tưởng tượng và cả những ước mơ.

Tôi gửi cho con link giáo dục về giới tính qua mạng xã hội

- Anh có một cậu con trai đang tuổi chuẩn bị dậy thì, anh hướng cho con về việc đọc thế nào?

- Con tôi thì khá bướng bỉnh, cháu thích chơi bóng rổ, bóng đá và đọc/nghe/xem từ mạng xã hội là chính. Con tôi thích những thông tin khám phá thế giới, thể thao và game, cháu đọc khá nhiều bằng tiếng Anh. Ngoài ra thì tôi biết cháu đọc truyện trên wattpat, đọc cả tiên hiệp lẫn những thể loại khác. Tôi và con trai thường trao đổi qua Facebook, thấy có link gì hay và cần thiết, đặc biệt là link về giáo dục giới tính thì tôi gửi cho cháu. Nó thường đọc trong im lặng, không bao giờ trả lời hay thắc mắc về những điều đó. Con tôi thường tâm sự với mẹ nhiều hơn. Nó coi mẹ như một người bạn thân.

- Là người quan sát, anh có biết những bạn trẻ tuổi 20 hiện nay mức đọc của họ thế nào?

- Tôi nghĩ, đọc sách là một khái niệm đóng, còn đọc là một khái niệm mở hơn. Người trẻ tuổi 20 đọc cũng nhiều, nhưng họ thường đọc các tài liệu liên quan đến công việc và nghề nghiệp. Tôi thấy họ đọc trên mạng và thậm chí mua sách từ amazon, nhưng họ đọc để có thể phát triển kỹ năng nghề nghiệp, và đọc để có thể kiếm tiền. Còn đọc sách giải trí thì cũng có, nhưng không chiếm tỷ lệ cao. Điều này tôi nghĩ cũng phổ biến, từ thời tôi hai mươi tuổi thôi. Lúc trước, chúng ta gọi đó là “nghiên cứu”, nhưng bản chất vẫn là đọc thôi. Còn đọc văn học và giải trí, thì khi trước đọc nhiều hơn do các phương tiện giải trí khác không nhiều.

Tôi lấy ví dụ, mới đây chúng ta thấy có loạt clip bắt chước của các trang mạng Trung Quốc theo style “chủ tịch”, và ngay lập tức trở thành trend trên mạng xã hội. Nội dung những clip ấy rất đơn giản, nó giống như ngụ ngôn được diễn giải bằng một kịch bản phổ thông, để những người trẻ tuổi không đọc truyện vẫn có thể hiểu được thông điệp ấy. Rõ ràng, nếu chúng ta đã đọc nhiều sách, chúng ta sẽ thấy những đề tài đó rất buồn cười và cách thể hiện ấy có phần trẻ con, bởi kỹ thuật làm phim rất yếu và cách thể hiện đề tài cũng rất cũ. Nhưng với những người không đọc sách, thì đó là những bài học có giá trị trong cuộc sống.

Bây giờ thế giới này phủ đầy bằng các video và phim ảnh, các trò game sống động còn hơn đời thường, nên họ bị chia thời gian cho những phương tiện ấy. Khi đọc ít đi, tất nhiên họ sẽ hiểu đời sống qua các kênh khác. Nhưng như thế, họ sẽ có trí tưởng tượng kém đi, tính khái quát cũng thấp hơn, vì họ không quen những tư duy tổng thể…

- Trong bài viết gần đây của mình, anh đã viết về sự ảnh hưởng của sách với con người, khi tin tưởng rằng, người đọc sách có thể vị tha hơn người không đọc sách. Anh có thể diễn giải tường minh điều này, một lần nữa?

- Chúng ta thường thấy những người đọc sách nhiều họ thường phản ứng cẩn trọng hơn trước những diễn biến của đời sống. Có thể đó là cá tính, nhưng tôi nghĩ phần nhiều là do họ có những trải nghiệm và đúc kết cá nhân trước mọi vấn đề. Bạn sẽ không làm điều xấu, điều ác… khi bạn biết trước hệ quả của nó. Khi bạn đã biết rõ những điều tồi tệ trong cuộc sống xuất phát từ đâu, bạn sẽ lý giải được nó dưới góc nhìn nhân văn hơn, thay vì quy kết đầy thiên kiến. Người hơn người chính là sự hiểu biết. Và chúng ta lớn khôn lên cũng nhờ sự hiểu biết đó.

- Dù chưa có thống kê cụ thể về tình trạng đọc hiện tại, nhưng đa số cho rằng, người trẻ hiện nay ít đọc sách hơn các thế hệ trước (7X, 8X). Anh có ý kiến thế nào về điều này?

- Họ ít đọc sách văn học hơn trước và họ cũng đọc sách in thấp hơn thế hệ trước. Một phần là sự đổi thay của các kênh phát hành, phần khác là sách không còn là kênh tri thức duy nhất nữa. Có nhiều người gần như không có nhu cầu đọc sách, vì họ đã quen được tóm tắt mọi thứ, để đi đến kết quả cuối cùng.

Không chỉ với sách, mà ngành truyền hình cũng đang đứng trong một cuộc cạnh tranh như thế. Khi xưa chúng ta chờ đón những bộ phim truyền hình hay các TV show hàng tuần. Còn bây giờ khán giả đã không chờ đợi nữa. Họ chỉ cần xem những trích đoạn hoặc tóm tắt hấp dẫn nhất trên mạng xã hội. Cái họ cần là update thông tin để trao đổi với cộng đồng của mình chứ không phải là thưởng thức kiểu chậm rãi như xưa. Âu cũng là sự đổi thay của thời cuộc. Người đọc vẫn còn, nhưng sẽ là một cuộc sàng lọc gắt gao hơn. Và ngành xuất bản sẽ phải chấp nhận hoặc là đổi mới hoặc là tự triệt tiêu. Độc giả sẽ không chờ đợi chúng ta, họ tự tìm cho mình cách nào ngắn nhất để có được nhiều thứ nhất.

- Nếu không nói về những “mọt sách”, theo anh những cuốn sách của thanh xuân có ảnh hưởng thế nào đến đời sống tinh thần cũng như phát triển nhân cách của một con người?

- Có những cuốn sách làm thay đổi cả cuộc đời một con người. Nó giống như một sự tỉnh thức rất lớn. Nó mang đến những thông điệp rất rõ ràng trong cuộc đời của những người trẻ tuổi, để từ đó họ vạch ra con đường đi chắc chắn hơn trong tương lai. Tôi tin, có thể không phải cầm một cuốn sách giấy trên tay, nhưng mỗi bạn trẻ tuổi đôi mươi hôm nay đều sẽ đọc ở đâu đó những câu chuyện, những vấn đề, những triết lý làm cho họ thấm nhuần và lấy đó như kim chỉ nam cho cuộc sống.

- Anh từng dành phần lớn tuổi trẻ để đọc và viết. Quãng thời gian đó đã mang đến hay lấy đi của anh điều gì đáng giá?

- Lấy đi của tôi khá nhiều. Ví dụ như chẳng có thời gian nghĩ tới chuyện làm giàu, nên giờ trung niên rồi mà tài sản vẫn còn khá khiêm tốn, có thể nói chả có gì đáng kể. Nhưng bù lại thì mình đã sống suốt hơn hai chục năm tươi mới, đầy nhiệt huyết, vượt qua những đổ vỡ tăm tối bằng cách lạc quan nhất. Nhờ đọc và viết, mà tôi đã không cảm thấy tuyệt vọng và bế tắc trong những giai đoạn mất mát của đời sống riêng. Mọi thứ xảy ra đều có lý do. Và khi đã hiểu được điều đó, chúng ta sẽ không còn oán hận cuộc đời này nữa.

- Trong thời đại công nghệ nở rộ hiện nay, có rất nhiều cách giúp con người mở rộng nhân sinh quan, theo anh, việc đọc sách có cần đánh giá là một sự quan trọng tối cần thiết, vì sao?

- Tôi nghĩ nên đặt nó bên cạnh những kênh khác. Mỗi người có một lựa chọn và sẽ có những kết quả khác nhau. Nhưng nếu bạn từng thích đọc sách, thì tự bạn sẽ lựa chọn nó, bởi đọc sách là một cuộc phiêu lưu của trí tưởng tượng và sự thấu hiểu nhẹ nhàng như nước ngấm dần vào từng thớ vải, không phải là một cuộc đổ bộ kiểu phim Marvel.

- Vì sao đã lâu anh không viết? Nếu đặt câu hỏi: Những người viết trẻ một thời nay đâu, câu trả lời của anh sẽ là gì?

- Tôi có viết một số thứ, mà thường cũng viết cho hết những suy nghĩ của mình thôi. Chỉ là không in sách. Người trẻ ngày hôm nay vẫn viết, nhưng vì sách không còn ở thế thượng phong, nên bị chìm khuất giữa muôn vàn thứ của đời sống tiêu thụ.

Thêm vào đó, cần có khoảng thời gian đủ dài để nhìn ra được một cá nhân xuất sắc, trong bất cứ một lãnh địa nào. Tôi nghĩ, văn học trẻ đang yếu, một phần vì người trẻ viết không tập trung chứ không phải vì họ không có tài. Tôi tin sẽ có những gương mặt chói sáng, và tôi hứa sẽ hâm mộ họ y như tôi từng hâm mộ các tiền bối trên văn đàn.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!