Danh sách các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên

Qua ba công trình lớn

Công trình thủy điện Sê San 3 nằm trên địa bàn huyện Chư Păh (Gia Lai) được khởi công xây dựng năm 2002, bao gồm hai tổ máy, tổng công suất 260 MW, sản lượng điện bình quân 1.274 triệu kWgiờ/năm. Tổng công ty Sông Ðà được chỉ định là nhà thầu chính thực hiện theo cơ chế hợp đồng EPC gồm: Thiết kế, cung ứng thiết bị và thi công xây lắp.

Tại gian máy của công trình, nhiều cán bộ, công nhân của Tổng công ty Sông Ðà và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đang lắp đặt tổ máy 1, đã hoàn thành lắp đặt sta-to, chuẩn bị lắp đặt tua-bin và đưa khối rô-to nặng 500 tấn vào vị trí.

Trưởng ban Tư vấn giám sát xây dựng Công trình thủy điện Sê San 3 Trần Ðức Dực cho biết: Về phần xây dựng, công trình đã hoàn thành đến 95% khối lượng, và lắp đặt 40% khối lượng thiết bị. Theo kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành, đưa vào khai thác là tháng 12-2005, nhưng do nhà cung cấp thiết bị cơ-điện của LB Nga thực hiện chậm ba tháng, cho nên khả năng đến 31-3-2006, tổ máy 1 mới hoàn thành lắp đặt và phát điện. Hiện nay, những thiết bị chính của hai tổ máy đã về đến cảng Quy Nhơn và chân công trình. Trong quá trình thi công, các đơn vị của tổ hợp các nhà thầu chủ động thực hiện các công việc được giao, đồng thời giám sát phát hiện, xử lý bảo đảm yêu cầu chất lượng.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tân,  tư vấn giám sát thiết bị công nghệ cho biết: Công ty tư vấn xây dựng điện 1 làm nhà tư vấn thiết kế chính công trình này, lần đầu thiết kế công nghệ, tổ chức tư vấn giám sát, hoàn thành tốt các công việc được giao. Nhìn chung, công nghệ của nhà máy vẫn mang tính chất truyền thống, không quá khó khăn, phức tạp trong quá trình giám sát thi công.

Trong khi nhà cung cấp thiết bị chính của tổ máy chậm nhiều tháng, chủ đầu tư và nhà thầu chính đã kịp thời đặt hàng đơn vị cơ khí trong nước chế tạo, lắp đặt hai cẩu trục tại gian máy, sức nâng 250 tấn/cẩu, để đấu hợp lực đưa khối rô-to nặng 500 tấn vào vị trí. Rút kinh nghiệm cho việc đầu tư những công trình thủy điện sau, ngoài những thiết bị cơ-điện chính do nước ngoài cung cấp, còn lại có thể đặt chế tạo trong nước, hoặc hợp đồng đơn vị trong nước nhập khẩu cung ứng như: ống công nghệ, máy bơm, thiết bị nâng... để chủ động hơn trong quá trình thi công.

Những người thợ thuộc các tổng công ty: Sông Ðà, Lắp máy, Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng công nghiệp, do Tổng công ty Sông Ðà đứng đầu tổ hợp đã lao động quên mình, với nhiều sáng kiến trong thi công Nhà máy thủy điện Sê San 4 nằm trên hai huyện Ya Grai (Gia Lai) và Sa Thầy (Kon Tum), có tổng công suất 330 MW, sản lượng điện bình quân 1.402 triệu kWgiờ/năm, tổng mức đầu tư 5.546 tỷ đồng.

Ðứng ở vị trí vai trái đập đất của công trình, ông Hồ Minh Hải, phụ trách kỹ thuật của Ban quản lý dự án thủy điện Sê San 4 (Ban A) giới thiệu vị trí các hạng mục công trình. Ðến nay, công việc xây dựng đã hoàn thành các hạng mục khu  phụ trợ phục vụ thi công gồm: các trạm nghiền, trộn bê-tông, cơ sở làm cốt thép, trạm vật tư kỹ thuật, kho nhiên liệu, nhà ở, nhà làm việc. Hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống đường phục vụ thi công, đang thi công đường vào công trường và đường đến đập điều hòa, hoàn thành xây dựng cầu Sê San 4. Hoàn thành việc bóc lớp đất phủ, tiến hành khai thác đá mỏ số 1. Tại đập chính bê-tông, đã đào xong hố móng, bắt đầu khoan phun gia cố nền đập, đồng thời đổ bê-tông bản đáy được 7.000 m3.

Trên công trường, Giám đốc điều hành xây dựng công trình thủy điện Sê San 4 của Tổng công ty Sông Ðà Hồ Văn Dũng cho biết thêm: Việc triển khai thi công của đơn vị hoàn toàn chủ động, nhưng điều cần lưu ý là phải làm tốt các khâu chuẩn bị, đồng bộ các yếu tố, lực lượng, để khi tiến hành công việc các khâu ăn khớp, hợp lý, đạt hiệu quả. Ðồng  chí Dũng cũng phàn nàn: Việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng thực hiện còn chậm, ảnh hưởng đời sống cán bộ, công nhân và hiệu  quả hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Tổ hợp nhà thầu bao gồm: Tổng công ty Sông Ðà, đứng đầu tổ hợp và các tổng công ty: Lắp máy, Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi, Xây dựng Hà Nội đang tổ chức thi công Công trình thủy điện Plây Krông nằm trên huyện Sa Thầy và thị xã Kon Tum (Kon Tum), có công suất 100 MW, sản lượng điện bình quân 417,2 triệu kWgiờ/năm, tổng vốn đầu tư 3.075 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý dự án công trình thủy điện Plây Krông (Ban A), đến nay, công trình hoàn thành toàn bộ công việc đào đất, đá; đập bê-tông thi công được 66% khối lượng, đạt chiều cao 50m trên thiết kế 70m. Công trường đang tập trung thi công tràn xả, để tháng 8-2006 đưa vào vận hành điều tiết nước tăng sản lượng điện cho Nhà máy thủy điện Ya Ly. Các thiết bị cơ khí thủy công của đập tràn được gia công chế tạo trong nước, đã bàn giao, đang lắp đặt. Tại nhà máy, đã hoàn thành đào hố móng, chuẩn bị đổ bê-tông tấm đáy, cơ bản lắp đặt xong hai đường ống dẫn nước.

Theo kỹ sư Trần Văn Tuấn (Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp): Ðây là lần đầu các đơn vị trong nước thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho công trình thủy điện, đến nay đã làm và cung ứng được 900 tấn thiết bị, bảo đảm yêu cầu chất lượng đưa đến công trình kịp tiến độ.     

Những vướng mắc cần gỡ

Từ thực tế triển khai thi công ba công trình thủy nêu trên, cho thấy những quy định của hai văn bản: số 797, ngày 17-6-2003 và số 400, ngày 26-3-2004 của Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các dự án thủy điện, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Theo Trưởng ban quản lý dự án thủy điện Plây Krông Dương Văn Nghĩa, với cơ chế chỉ định thầu, áp dụng hình thức tổ hợp các nhà thầu, các đơn vị xây lắp, cơ khí trong nước có điều kiện phát huy năng lực thi công xây dựng được nhiều công trình thủy điện, phát huy tổng lực, nâng dần độ đồng đều về năng lực, chuẩn bị cho giai đoạn sau vào đấu thầu, cạnh tranh đối với những công trình có nguồn vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện những văn bản nêu trên, thực tế cũng phát sinh những vướng mắc cần được quan tâm xử lý. Theo đại diện chủ đầu tư và nhà thầu, cơ chế đầu tư xây dựng có những đặc thù, nhưng chậm có văn bản hướng dẫn thực hiện của bộ, ngành liên quan. Nhất là hệ thống định mức, đơn giá, thủ tục nghiệm thu, thanh toán. Do đó, gây khó khăn, chậm trễ cho việc lập và phê duyệt tổng dự toán, cũng như thanh toán, quyết toán.

Gần đây ngày 29-7-2005, Bộ Xây dựng có quyết định số 24/2005/QÐ-BXD, ban hành về định mức dự toán xây dựng công trình, chủ yếu chỉ có phần xây dựng công trình thủy điện, nhưng còn nhiều vấn đề bất cập, một số định mức không phù hợp.

Công trình chính được triển khai với cường độ cao, tiến độ nhanh, nhưng việc dời dân tái định cư, giải phóng mặt bằng làm chậm, do vướng mắc ở khâu đền bù làm chậm tiến độ chung của dự án. Phần xây lắp, thiết bị cơ khí chế tạo trong nước thực hiện chỉ định thầu, nhưng phần thiết bị công nghệ mua của nước ngoài phải tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi, mất nhiều thời gian, do đó, khó đồng bộ giữa việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, dẫn đến chậm tiến độ hoàn thành công trình.

Ðơn vị tư vấn chính lập thiết kế kỹ thuật, nhà thầu lập thiết kế thi công, chất lượng thường sơ sài, thiếu đồng bộ, cho nên không đáp ứng yêu cầu khi thẩm tra phục vụ việc xây dựng tổng dự toán, đã kéo dài công tác lập và phê duyệt tổng dự toán.

Tổ hợp các nhà thầu chưa có sự phối hợp cao, để nâng cao hiệu quả xây lắp; một số nhà thầu chưa thật sự chủ động theo tinh thần của cơ chế 797 và 400, chưa tranh thủ thời cơ, điều kiện để nâng cao kinh nghiệm, năng lực, trình độ tổ chức thi công; nhà thầu đứng đầu tổ hợp chưa phát huy tốt vai trò quản lý, điều phối, có trường hợp xử lý chưa hài hòa lợi ích giữa các thành viên trong tổ hợp. Một số vấn đề hạn chế của nhà thầu về thiết kế bản vẽ thi công, xử lý những chi phí tăng, đã làm tăng khối lượng công việc của ban quản lý dự án.

Ðối với công trình thủy điện Sê San 3, nhà cung cấp thiết bị nước ngoài thực hiện phần thiết kế công nghệ, việc chắp mối để lập bản vẽ thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của nhà thầu có nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian, dẫn đến việc chậm cung cấp bản vẽ lắp đặt  thiết bị của nhiều vị trí.

Theo cán bộ Ban quản lý dự án thủy điện Plây Krông, lĩnh vực có thể tiết kiệm chi phí đối với nhà thầu là những công trình phụ trợ, lán trại, nhà tạm, đường, đồ dùng, dụng cụ... phục vụ thi công. Nhưng hầu như các nhà thầu chưa chú ý, hoặc vin vào cơ chế thực thanh thực chi theo chuẩn kỹ thuật thông thường, cho nên việc thực hiện tiết kiệm, giảm 5% phần dự toán xây lắp khó đạt được.

MẠNH THUẦN, NGỌC CẢNH

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hàng loạt công trình thủy điện trên hệ thống sông Serepok, Se San và Đồng Nai đã đang được xây dựng, trong đó có một số công trình đã hòa lưới điện quốc gia như Đray H'Linh (Đắk Lắk), Ia Ly và Se San 3 (Gia Lai).Riêng trên dòng sông Serepok (Đắk Lắk) đã có 5 nhà máy thủy điện được xây dựng, gồm thủy điện Buôn Kuốp công suất 280MW, Serepok 3 công suất 220MW, Buôn Tua Srah công suất 86MW, Serepok 4 công suất 70MW và Dray H'Linh 2 công suất 28MW. Theo quy hoạch bậc thang, trên dòng sông này sẽ có 6 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 750MW, dự kiến đạt sản lượng bình quân hàng năm trên 3,5 tỷ kWh.Tỉnh Đắk Lắk cũng đã quy hoạch hơn 100 vị trí phù hợp đầu tư các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Đến nay toàn tỉnh đã có 29 dự án thủy điện nhỏ đang được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, trong đó có một số công trình đã hòa lưới điện quốc gia như thủy điện Krông Kmar công suất 12MW và Krông Hin 2 công suất 5MW. Hai công trình khác là Ea M'Đoal 3 công suất gần 2MW và Đray H'Linh 3 công suất 6MW dự kiến cũng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.Tại các tỉnh Tây Nguyên khác cũng có hàng loạt các nhà máy thủy điện đã và đang được xây dựng như Se San 3A và Se San 4 (Gia Lai), Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 của tỉnh Đắk Nông. Các tỉnh này cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hàng trăm công trình thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn.

Việc đầu tư phát triển thủy điện tại khu vực Tây Nguyên không những tạo nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia mà còn góp phần điều hoà nguồn nước, cải thiện môi trường và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương./.