Đánh giá tỷ trọng các ngành công nghiệp phía bắc năm 2024

Đánh giá về tình tình phát triển công nghiệp trên địa bàn 15 tỉnh, thành bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, thời gian qua, tham luận của đại diện các Sở Công nghiệp cho rằng: Mặc dù còn có nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan và chủ quan mang lại, song tình hình sản xuất và phát triển công nghiệp trên địa bàn vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Năm 2002, giá trị SXCN toàn vùng đạt 85.582 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2001 (trong đó có, 2/15 tỉnh, thành phố đạt Giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp từ 10.000-25.000 tỷ đồng là Hà Nội và Hải Phòng; 4/15 tỉnh đạt 5.000 -10.000 tỷ đồng là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hoá; 3/15 tỉnh đạt từ 3.000- 5.000 tỷ đồng là Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh, 5/15 tỉnh còn lại đạt giá trị SXCN dưới 3.000 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm 2003, giá trị SXCN của toàn vùng đạt 49.398 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2002, gần đạt 50% kế hoạch của cả năm 2003. Trong số đó, một số tỉnh, thành phố trong khu vực có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ là Thanh Hoá tăng 21%, Vĩnh Phúc 22%, Bắc Ninh 29%, tp. Hà Nội 31,5%, Hải Dương 36,5% và Nghệ An 38%… Dự báo, hết năm 2003, giá trị SXCN toàn vùng vẫn đạt và vượt kế hoạch với mức tăng trưởng khoảng 25% so năm 2002.

Tuy có tăng trưởng ở mức tương đối cao như vậy so với một số vùng và mặt bằng chung của cả nước (giá trị SXCN cả nước tăng 15,7%), song theo đánh giá của Bộ Công nghiệp, thì đối với vùng này, hiện đang còn rất nhiều vấn đề đặt ra, đó là phát triển công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng, tình trạng phát triển không đồng đều giữa các tỉnh, thành trong vùng (Điển hình như tỉnh Hà Tĩnh, giá trị SXCN năm 2002 chỉ đạt 829 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm là 453 tỷ đồng, tính ra chỉ bằng hoặc cao hơn một ít so với giá trị SXCN của Công ty HANAKA, một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất máy biến thế và dây cáp điện của tỉnh Bắc Ninh). Mặt khác, tính cạnh tranh của từng loại sản phẩm còn thấp. Ví dụ, trong số 15 tỉnh, thành trên thì có đến 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thế nhưng, tỷ trọng công nghiệp của các tỉnh này mới chỉ chiếm 24% GDP công nghiệp của cả nước; còn các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ lại chiếm tới trên 50% GDP công nghiệp cả nước. Ông Mai Hoàng Ân, Tổng giám đốc- Tổng Công ty Dệt- May Việt Nam đưa ra dẫn chứng: Trong năm 2002, nếu như các doanh nghiệp dệt may phía Bắc chỉ đạt mức tăng trưởng 16,8 %, thì mức độ tăng trưởng của toàn Tcty lại đạt tới 26,2%; Doanh thu của các doanh nghiệp phía Bắc chỉ đạt mức tăng trưởng 28%, thì TCty lại đạt trên 37,8%; gia trị xuất khẩu của các doanh nghiệp phía Bắc tăng 45,38% thì toàn TCty đạt mức tăng trưởng lên đến 55,3%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo đánh giá của lãnh đạo các Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố ngoài sự thiếu đồng bộ trong công tác quản lý cũng như chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp… thì còn phải kể đến nguyên nhân chủ quan là các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNN quen dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, nên không mạnh dạn đầu tư… dẫn đến tốc độ phát triển công nghiệp của toàn vùng bị chậm lại và nguy cơ bị tụt hậu ngày càng rõ nét so với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ. Đây cũng chính là một trong những đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía bắc được tổ chức tại Quảng Ninh vừa qua.

Vì vậy, để công nghiệp các tỉnh phía Bắc nói chung và 15 tỉnh, thành ĐBBB và BTB nói riêng phát triển hơn nữa trong thời gian tới, lãnh đạo các Sở công nghiệp, các ban, ngành địa phương kiến nghị:

Thứ nhất, Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi NĐ 28/ CP về đổi mới tiền lương và thu nhập doanh nghiệp trong doanh nghiệp nhà nước vì điều kiện để được hưởng mức lương tối thiểu của doanh nghiệp lớn hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ ban hành là phải có lợi nhuận và lợi nhuận không giảm so với cùng kỳ. Như vậy, trên thực tế, điều này rất khó thực hiện và không khuyến khích sản xuất phát triển.

Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét việc quy định mức vốn điều lệ bắt buộc cho mỗi quỹ tối thiểu là 30 tỷ đồng, mới được phép thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số tỉnh, bởi quy định này (trong quyết định 193/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ) là rất khó thực hiện.

Thứ ba, Đề nghị Bộ Công nghiệp sớm ban hành thông tư sửa đổi hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các Sở Công nghiệp…trong đó, lưu ý đến chức năng quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản.…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bên cạnh việc giải đáp một số kiến nghị của các địa phương thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Để Công nghiệp 15 tỉnh, thành phát triển nhanh hơn nữa trong những năm tới, mấu chốt của vấn đề là làm thế nào để các bộ, ban, ngành Trung ương (trong đó, Bộ Công nghiệp là chủ chốt) phải có sự phối hợp một cách đồng bộ với UBND các tỉnh, thành phố trong việc phát huy những lợi thế và tiềm năng sẵn có của từng địa phương… nhằm thúc đẩy nền công nghiệp toàn vùng đi lên. Theo Bộ trưởng, vùng ĐBBB và BTB chiếm tới 98% trữ lượng than cả nước; 40% năng suất cảng biển và 20% nguồn nguyên liệu đá vôi phục vụ cho ngành sản xuất xi măng…. đấy là chưa tính đến nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho công nghiệp chế biến, đó là tiềm năng tốt cho phát triển kinh tế nói chung và các ngành công nghiệp nói riêng.. Ngoài ra, Bộ trưởng còn quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng như việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất để tăng tỷ trọng công nghiệp trong GDP. kinh tế- xã hội để các địa phương áp dụng một cách năng động. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến vai trò của việc xây dựng quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực công nghiệp và việc triển khai thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng nền kinh tế của Việt Nam tính bất định còn lớn, vì vậy, không nên tuyệt đối hoá các nội dung của quy hoạch, mà mỗi ngành, mỗi địa phương cần phải năng động, kịp thời bổ sung những thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Riêng về công tác đầu tư và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Công nghiệp cùng các doanh nghiệp thuộc Bộ sẽ hết sức cố gắng phối hợp với UBND các tỉnh tăng cường khả năng đầu tư cũng như phối kết hợp thực hiện chế độ báo cáo, theo phương pháp phân luồng thông tin….Và đặc biệt, làm thế nào để 6 tháng còn lại các doanh nghiệp công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương cố gắng hoàn thành kế hoạch về chỉ tiêu giá trị tăng thêm của toàn ngành như kế hoạch đã đề ra là từ 10-10,5%.