Củ tròn như cái bát Áo màu xanh non Quanh thân có lá Xào nấu rất ngon là củ gì

ĐẶC SAN CHU VĂN AN 2005

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh

Chu Văn An Bắc California

Xuân Ất Dậu 2005

Phát hành  ngày 26 tháng 3 năm 2005

MỤC LỤC

Lá thư Ban Chấp Hành Ban Chấp Hành  
Truyền thống CVA Phạm Quang Trình  
Từ Bắc Kỳ di cư tới tỵ nạn Nguyễn Ý Đức  
Tôi và thác Niagara (thơ) Phan Chừng Thanh  
Hà Nội Phan Phi Liêu  
Rừng thu thay lá Nguyễn Đình Phương  
Sao chẳng gặp nhau (thơ) Nguyễn Vũ Văn  
Bốn người khách lạ Đặng Đức Cường  
Lên voi, xuống ..đất Phạm Văn Nhuệ  
Nén hương cho mẹ (thơ) Phan Tôn Sơn  
Quan niệm về Trung Hiếu Lê Duy  
Đóa hồng (thơ song ngữ) Minh Viên  
Nay hoàng hôn đã Nguyễn Gia Bình  
Bao giờ đầy (thơ) Nguyễn Gia Bình  
Hoài niệm ấu thơ Vũ Đức Nghiêm  
Trời hương phấn cũ (thơ) Vũ Đức Nghiêm  
Tam Phúng Bùi Đức Lạc  
Thành phố tuổi thơ Kim Vũ  
Câu chuyện thầy Lang Nguyễn Ý Đức  
Đôi ngả (thơ) Đào Tiến Luyện  
Nguyễn Thị Hồng Yểm Lưu An  
Kinh dịch Lê Quý Thụ  
Con ve sầu Ham Học  
Ông Đồ (Nhạc) Nguyễn Đức Chung  
Tuổi già và trí nhớ Trương Đăng Đệ  
Hiệp Định Genève 1954 Phạm Cao Dương  
Vui buồn (thơ) Phạm Hữu Thuật  
Ôi! Cái lưng đau của tôi Nguyễn Tranh Chiếu  
Quỳnh hoa (thơ) Đàm Trung Phán  
Ông Trời dốt tiếng Việt Lý Kế Duy  
Một mình, hai mình (thơ) Từ Sơn  
Chữ Tm Đàm Trung Phán  
Thái Cực Quyền (Tài Chi) Trần Ngọc  
Kỷ niệm với các GS CVA Lê Xuân Tiếu  
Buồn nhớ cố hương (Thơ) Ngọc Bích  
Di chuyển bằng máy bay Lương Anh Dũng  
Bình Dương trong ký ức (thơ) Nguyễn Văn Tài  
Mùa Xuân ở Union City Hàn Phú  
Võ thuật, võ đạo, võ hiệp Trần Trung Chính  
Bạn và địch (thơ vui) Ngô Sĩ Hùng  
Môi sinh tinh thần Phạm Huy Thịnh  
Xuôi theo giòng đời Tôn Nữ Mặc Giao  
Thủ tục bầu cử tại Úc Thanh Văn  
Còn nụ cười nào cho anh Sầu Đông  
Đò trăng (thơ) Ngô Đức Diễm  
Những kỷ niệm quân trường Việt Bằng  
Nơi một thuở mùa Xuân (thơ) Việt Bằng  
Hà Nội trong tôi Nguyễn Văn Khôi  
“Crazy Horse” (Ngựa điên) Nguyễn Duy Hảo  
Nỗi buồn tiếng Việt Chu Đậu  
Bài đầu thu (thơ) Vương Đức Lệ  
Xuân lại càng già Đoàn Văn Khanh  
Kỷ Yếu CVA (dự thảo) GS Lâm & GS Tấn  
Cùng nhau bảo toàn đất tổ Hoàng Cơ Định  
CVA vang vọng trong tôi (thơ) Trần Khánh Hồng  
Bạn Cũ Chu Văn An Trong Tù L Hồng Giang  
Nhận xét về Đặc San 2004 Nguyễn Thọ Chấn  
Bản tình ca cho trường (Nhạc) Lê Quốc Tấn  
Tin sinh hoạt CVA Phạm Nguyên Khôi  
Hình ảnh CVA Ban Biên Tập  
Địa chỉ liên lạc Ban Biên Tập  
Danh sách Ban Chấp Hành Ban Biên Tập  

* * *

Lá thư Ban Chấp Hành

Ban Chấp Hành Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Bắc California nhiệm kỳ 2004-2006 xin kính chào toàn thể quý vị Giáo Sư và quý Đồng Môn.

Đúng ra tháng tám vừa qua, Ban Chấp Hành chúng tôi đã mãn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi đã được “ưu ái” lưu nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa cho tới tháng tám năm 2006.  Hy vọng lúc đó sẽ có nhiều Đồng Môn tham gia vào công việc điều hành Hội Chu Văn An của chúng ta.

Đặc San Chu Văn An năm nay được dự trù phát hành vào ngày 26 tháng 3, 2005 là ngày Họp mặt tân niên của Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Bắc California.  Chủ đề chính của Đặc San năm nay là “Kỷ niệm 30 năm bỏ nước ra đi” và cũng kỷ niệm nạn đói năm Ất Dậu xảy ra cách nay đúng 60 năm.  Đặc biệt trong Đặc San năm nay, chúng tôi có trích đăng “Kỷ Yếu Chu Văn An” do thầy Lê Văn Lâm và thầy Bùi Đình Tấn biên soạn còn đang dang dở.  Theo như thầy Lâm cho biết, dự thảo kỷ yếu coi như đã hoàn tất được 3/4 rồi.  Chỉ cần duyệt xét và hiệu đính lại các chi tiết và bổ túc thêm hình ảnh và những bài tường thuật hoạt động của các Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An trên toàn cầu là xong.  Vậy xin quý Đồng Môn đọc qua và cho chúng tôi biết những sai lầm hoặc thiếu sót để chúng tôi sửa chữa.

Chúng tôi cũng xin mượn trang giấy này để tỏ lòng cám ơn quý ân nhân đã ủng hộ tài chính cho hội.   Trong việc điều hành, thế nào cũng có sự sơ xuất, kính xin quý vị lượng tình tha thứ.  Mong được đón nhận tất cả mọi ý kiến xây dựng của qúy Đồng Môn.

Xin cám ơn quý vị và quý bạn

Ban Chấp Hành Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Bắc California.

* * *

Truyền Thống Chu Văn An

Thân tặng quý bạn cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An

 nhân ngày Họp Mặt Tết Đinh Sửu 19.1.1997

CVA Phạm Quang Trình

Chu Văn An (+ 1370) theo sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí là một bậc danh nho đời nhà Trần, hiệu là Tiểu Ẩn, người xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), Hà Đông. Đời vua Trần Minh Tông (1314-1340) ông là Quốc Tử Giám Tu Nghiệp và coi việc giảng kinh cho Thái Tử, ông soạn sách Tứ Thư Thuyết Ước. Đến đời vua Trần Dụ Tông (1341-1368), ông dâng sớ xin chém bảy người nịnh thần (Thất Trảm Sớ), vua không nghe, ông liền từ chức, về nghỉ ở huyện Chí Linh (Hải Dương). Tự bấy giờ trở đi, ông không chịu nhận quan chức gì nữa, chỉ làm thơ văn và dạy học trò, nhiều người hiển đạt (như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, vân vân). Sau khi ông mất, vua ban tên thụy là Văn Trinh, cho tùng tự ở Văn Miếu.

 Sách không ghi ngày sinh, chỉ ghi năm ông qua đời là năm 1370, có lẽ ông cũng thuộc vào bậc sống tương đối thọ (khoảng sáu bẩy mươi gì đó?) Tuy nhiên danh tiếng Chu Văn An rất nổi là do tính cương trực liêm khiết. Là một danh nho, chắc hẳn Chu Văn An tràn đầy cuộc sống của một bậc chính nhân quân tử Đông phương với châm ngôn ”Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Dâng lên vua Thất Trảm Sớ để xin chém bẩy tên nịnh thần đồng thời mở trường dạy học để có những môn sinh hiển đạt như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát là chứng minh cho thấy Chu Văn An phải là nhân vật độc đáo như thế nào mới đạt được những thành quả lẫy lừng như vậy. “Cây tốt sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt”.  Lời Kinh Thánh quả nhiên cũng là cách giúp cho ta suy luận để nhận định về con người. Chu Văn An là nhân vật ưu thời mẫn thế đã có những hành động của bực anh hùng.

 Với thành tích lẫy lừng về tính liêm khiết của một vị quan cũng như tính mô phạm của một ông thầy, danh xưng Chu Văn An được những người có trách nhiệm đặt lại cho Trường Bưởi quả là một lựa chọn đáng kính phục và có ý nghĩa lớn lao. Dư luận từ lâu rồi, ít ra cũng từ trên nửa thế kỷ qua đều cho rằng Trường Bưởi-Chu Văn An là một trường danh tiếng vì đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Chắc chắn là như thế. Người viết nhớ lại những tháng ngày còn học ở Chu Văn An quả nhiên mình cũng cảm thấy rất hãnh diện. Hãnh diện vì cái tên Chu Văn An. Hãnh diện vì được học trong một nhà trường danh tiếng với các thầy tài ba đáng kính. Hãnh diện vì học sinh Chu Văn An có tiếng là giỏi. Thật vậy ở trường Chu Văn An có nhiều lớp đệ nhị cấp, mà lớp nào đi thi Tú Tài cũng đậu với tỷ lệt rất cao. Lớp học của người viết thuộc loại tài tử (1C mà lại) thường là đậu ít nhất so với các ban khác với 51 học sinh mà đậu tới 47 tên thì quý vị thử nghĩ coi thành tích cũng khá lắm đấy chứ. Ấy chưa kể các lớp khác siêu hơn, có lớp chỉ rớt có hai mạng, còn toàn là đậu hết. Một học sinh khác của lớp 1B, hồi năm 1960 khóa 1 anh thi Tú Tài ban B đậu phó bảng (đứng thứ hai), khóa 2 anh thi Tú Tài ban C đậu Thủ Khoa (đứng đầu). Nói ra chắc không bao giờ hết! Nhưng tóm lại, thành tích lớn lao của trường cũng là nhờ Ban Giám Đốc làm việc với kỷ luật nghiêm minh và nhờ tài ba và sự tận tâm dạy dỗ của các giáo sư.

 Biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 khiến hằng triệu người phải bỏ nước ra đi trong đó có hàng chục ngàn người đã từng mài đũng quần trên ghế của trường Bưởi-Chu Văn An. Hầu hết đã lớn tuổi và đã thành danh hoặc có sự nghiệp. Vui mừng thay, khi xa quê hương cũng như xa mái trường, những cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An vẫn muốn tìm đến nhau để hàn huyên tâm sự ôn lại những tháng ngày thân mến xa xưa dưới mái trường thân yêu.

 Nhân ngày họp mặt Chu Văn An, người viết có vài tư tưởng muốn chia sẻ với quý bạn.

 1. Tình thầy trò của dân Việt Nam:

 Từ thuở bước chân đến trường, nhất là ở trường làng nhà quê, chắc quý bạn không thể quên được những cảm giác bỡ ngỡ xôn xao của một cậu bé hay một cô bé lần đầu tiên đi đến trường. Đoạn văn của Thanh Tịnh chắc hẳn còn vang vọng đâu đây: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy, nẩy nở trong lòng tôi như những cánh hoa tươi mỉm cười dưới bầu trời quang đãng. Những cảm giác ấy... ngày đó tôi không biết ghi, và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy em bé núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường thì lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng. Con đường này tôi đã quen... “. Vân vân. Đã có nhiều tác giả viết về thời ấu thơ, trong đó nhắc đến tình thầy trò. Rõ ràng là dân Việt mình quý mến ông thầy nhiều lắm. Từ cha mẹ, các bậc phụ huynh đến học trò ở bậc tiểu học đã có lòng kính mến ông thầy. Lòng quý mến đó được xây dựng trên lễ giáo đông phương hàng bao thế kỷ, hằn sâu vào tim óc. Cho dù có xa cách, khi gặp lại vẫn một lòng kính trọng. Một cách đại cương là như thế. Dĩ nhiên thời xã hội chủ nghĩa, đã có những thay đổi khi chế độ mới đưa quan niệm đấu tranh giai cấp vào làm đảo lộn trật tự xã hội.

 Tình thầy trò của dân Việt hình như khác xa với tình thầy trò của dân Mỹ. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư! Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy! Lễ giáo đông phương là thế. Chỉ một chữ Lễ đủ cho ta thấy đông phương hùng dũng đồ sộ biết bao. Một chữ Lễ thôi phải viết bằng một pho sách. Chữ Lễ khó có thể dịch sang một tiếng nước ngoài cách tương tự được vì nó bao hàm ý nghĩa vô cùng rộng lớn. Nho giáo khi nói đến Quân, Sư, Phụ đã cho thấy tương quan và vai trò quan trọng của mỗi vị trong đó. Bực Thầy (Sư) đã đóng một vai trò lớn lao trong xã hội. Học trò làm sai làm bậy, ông thầy đều có trách nhiệm. Tội “tru di tam tộc” trong đó họ (tộc) của thầy (Sư) cũng bị vạ lây!  Cũng bởi trách nhiệm lớn lao mà ông Thầy luôn được học trò kính trọng. Gặp thầy phải khoanh tay cúi chào, chứ không nhìn trân trân như học trò Mỹ ngày nay. Hằng năm, đến Tết, học trò phải lại tết thầy. Thầy chết, trò phải để tang. Cái lễ giáo đôi khi có khắt khe một chút nhưng đã giữ cho xã hội có trật tự trên dưới trong tình đại gia đình, chứ không phải trong tương quan giai cấp chủ, nô. Nhìn sự việc hôm nay và nghĩ lại chuyện xưa, chắc hẳn chúng ta ít nhiều sẽ cảm thấy nền văn minh tiến bộ có nhiều cái hay song cũng có nhiều cái dở, thoái hóa, nhất là về mặt lễ giáo đạo đức. Trong khi hô hào bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, có nên phục hồi lại lễ giáo đông phương chăng, ít ra đến một mức nào đó cho phù hợp với đà tiến bộ của văn minh nhân loại. Người Mỹ có ngày của Cha (Father’s Day), có ngày của Mẹ (Mother’s Day) mà chưa có ngày của Thầy Cô (Teacher’s Day)!  Thầy cô đóng vai trò quan trọng lắm chứ. Con cái ở nhà trường gặp thầy cô hình như nhiều hơn là hàn huyên với cha mẹ ở gia đình, đó là sự thực. Lại cũng một sự thực đáng buồn là người Mỹ dạy cho học sinh về Nhân Quyền mà không dạy về Công Dân Giáo Dục, thế nên tội phạm ỡ xã hội Mỹ mỗi ngày một tăng!  Chúng ta đã hấp thụ lễ giáo dân tộc từ đông phương, chúng ta nghĩ nên làm gì ở xã hội quá ư tiến bộ, mà hình như thiếu lễ giáo này?

 Ở xứ người, không riêng gì các cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An, cựu học sinh các trường danh tiếng khác cũng thành lập các hội ái hữu để hâm lại tình thầy trò, tình đồng môn với nhau, thật quả là điều đáng quý, đáng khuyến khích. Tất cả cũng trong mục tiêu bảo tồn văn hóa đó thôi.

 2. Xã hội đời Trần thời Chu Văn An:

 Từ đời Trần Dụ Tông về sau tức là về cuối đời Trần, xã hội Việt Nam bắt đầu bất ổn. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Vua quan lo ăn chơi hưởng thụ. Nạn tham nhũng xuất hiện. Vua làm điều sai trái không ai dám ngăn cản. Hầu hết trở thành nịnh thần nhằm thủ lợi riêng mà không hề nghĩ đến việc nước là việc chung. Chu Văn An dâng Thất Trảm Sớ để xin vua chém đầu bẩy tên quan nịnh thần, không rõ có đầu Hồ Quý Ly chưa. Nhưng sử sách ghi vào năm 1400, Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần để lập ra nhà Hồ, chắc hẳn thời trước đó ba chục năm, xã hội Việt Nam đời Trần đã ở trong tình trạng bất an “thượng bất chính” tạo thời cơ cho Hồ Quý Ly có manh tâm tiếm ngôi nhà Trần. Việc làm của Chu Văn An quả là can đảm và anh hùng. Nếu không phải là gan dạ và được vua quan kính nể thời đầu Chu Văn An có lẽ đã bị rơi. Mặt khác, đụng đến thế lực tham nhũng nịnh thần, tất nhiên bọn này phải phản ứng quyết liệt trở lại khi Chu Văn An dám dâng Thất Trảm Sở xin chém đầu bẩy tên. Nhà Trần mất ngôi vì bọn tham nhũng nịnh thần. Bởi bọn này hèn nhát mà Hồ Quý Ly mới có manh tâm chiếm ngôi. Nếu như có nhiều vị quan như Chu Văn An thì dễ gì Hồ Quý Ly có tâm địa phản trắc. Cũng tại Vua Trần ươn hèn, thiếu sáng suốt, tuyển chọn và xử dụng toàn những tên hèn nhát nịnh bợ, nên nhà Trần mới bị mất ngôi. Nghĩ lại thì đâu chỉ phải đời trần. Thời sau này cũng thế thôi! Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ vì sao? Có phải vì nạn tham nhũng kinh hồn? Có phải vì người lãnh đạo quốc gia hèn nhát? Có phải vì thiếu những vị quan có tư cách phong độ như Chu Văn An? Hồ Chí Minh hôm nay và đồng đảng có khác gì Hồ Quý Ly ngày xưa, vẫn lại cam tâm uốn mình cúi đầu làm tay sai cho giặc phương Bắc để mong toàn thân ngồi trên địa vị? Lịch sử có những tái diễn tương tự! Rõ ràng là dân tộc Việt Nam đang mơ tưởng những người khí phách như Chu Văn An nhiều lắm.

 3. Tinh thần Chu Văn An:

 Khi về nghỉ tại Hải Dương, Chu Văn An mở trường dạy học, có nghĩa là ông muốn đào tạo một lớp người mới cho xã hội Việt Nam theo đúng truyền thống Nho gia “Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất”. Lớp người mới đó theo tinh thần Nho gia sẽ đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh.

 Cụ Trần Trọng Kim trong bộ Nho Giáo đã viết:

 “Đời xưa người đi học đạo của thánh hiền gọi là Nho tức là người đã học biết suốt được lẽ trời đất và người, để dạy bảo cho người ta ăn ở cho phải đạo luân thường. Nho là bởi chữ Nhân đứng bên chữ Nhu mà thành ra. Nhân là người, Nhu là cần dùng, tức là một hạng người bao giờ cũng cần dùng đến để giúp cho nhân quần xã hội biết đường mà ăn ở và hành động cho hợp lẽ trời. Chữ Nhu lại có nghĩa là chờ đợi, tức là người học giỏi, đợi người ta cần đến, sẽ đem tài trí của mình ra mà giúp việc đời. Phàm những người học Nho thuật thường là những người chuyên về mặt thực tế hơn mặt lý tưởng. Bởi vậy từ xưa đến nay, những người Nho học đều là người chực ra cáng đáng việc đời, để làm ích quốc lợi dân, chứ không phải là người yếm thế, chỉ vụ lấy sự vui thú trong vòng tư tưởng. Có biết rõ cái ý nghĩa ấy thì về sau mới hiểu tại sao Khổng Tử cứ phải chu du thiên hạ để cầu ra xuất chinh. Ngài là người theo đạo Nho, bao nhiêu cái tư tưởng và học tập của Ngài là chủ về nhân sự, cốt đem thực hành ra ở xã hội, làm ích lợi cho nhân quần. Cái mục đích ấy chính là cái mục đích của những người nho học từ đời thượng cổ cho đến ngày nay. Cũng bởi lẽ ấy cho nên thầy Tử Lộ nói rằng: ‘Bất sĩ vô nghĩa... Quân tử chi sĩ giã, hàng kỳ nghĩa giã: không ra làm quan là vô nghĩa...’ Người quân tử ra làm quan là làm việc nghĩa vậy (Luận ngữ: Vi tử, XVIII)”.

 “Trước thời Xuân Thu thì những nhà Nho học gọi là sĩ thuộc quyền quan Tư Đồ. Những người sĩ do quan Tư Đồ chọn lấy cho đi du học văn chương và lục nghệ là: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số để dùng làm quan coi việc nước. Bởi vậy sách Hán Thư Nghệ Văn Chí nói rằng: Nho giáo do quan Tư Đồ mà ra. Từ cuối đời Xuân Thu trở đi, Khổng Tử đem phát huy cái học thuật của Nho gia và định rõ những điều như là:

 a. Nói về cuộc biến hóa của vũ trụ, quan hệ đến vận mệnh của nhân loại.

 b. Nói về các mối luân thường đạo lý ở trong xã hội.

 c. Nói về các lễ nghi trong việc tế tự trời đất, quỉ thần

 Những điều ấy thành ra cái thế lực rất to, có ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của cả nhân chúng trong xã hội. Bởi vì những điều ấy chính là điều cốt yếu của một tông giáo, cho nên từ Khổng Tử trở đi, mới gọi cái học của Nho gia là Nho giáo, mới tôn Không Tử là tị tổ của Nho giáo”.

 Người viết xin phép được trích dài dòng văn tự một chút để quý độc giả biết thêm về ý nghĩa của chữ Nho. Và khi đã biết được đầy đủ qua cách giải thích và trình bày rất mạch lạc của cụ học giả Trần Trọng Kim rồi chúng ta mới thấy cái học đông phương quả là ghê gớm. Trước văn minh vật chất chói lòa của Tây phương, tưởng đâu Đông phương mờ nhạt không ra gì, ngờ đâu, cái học của Đông phương cũng đồ sộ không kém. Nội môn Dịch học (Change) với thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái... để so sánh với khoa điện tử của Tây phương hiện đại đủ cho thấy Đông phương đã đi xa Tây phương từ mấy ngàn năm. Ngày nay có phong trào trở lại nghiên cứu Đông phương đủ rõ Đông phương đâu thua kém gì Tây phương. Hình như mới đây có một khoa học gia Trung Quốc cho biết khi nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, ông ta nghiên cứu thêm về dịch lý và việc nghiên cứu chế tạo giúp ông đi nhanh hơn mức thường. Cũng vậy Nho học không chỉ được nhìn một cách eo hẹp qua các bộ sách dù lớn như Tứ thư, Ngũ Kinh mà nó bao gồm đủ môn học, trong đó môn học làm người là quan trọng bực nhất. Cũng vây, khi nói tới đạo Nho, đâu phải chỉ có Nho học của Tàu tức là Hán Nho, Tống Nho, vân vân. Còn có Nho học của Nhật Bổn, Nho học của Đại Hàn và Nho học của Việt Nam mà nhiều vị học giả gọi là Việt Nho. Nho học Việt Nam hay Việt Nho được xây dựng trên nền tảng Văn Hiến bao gồm nhân sự tài liệu sách vở cũng lớn lao đồ sộ lắm, dĩ nhiên trong đó Chu Văn An là một biểu tượng của một nho sĩ Việt Nam rất đáng kính trọng vậy. Có một thời, người dân Á Đông và cách riêng dân Việt Nam trước văn minh chói lòa của Tây phương đã quên mất mình. Tình trạng “vong thân” này làm chúng ta không nhìn ra cái tinh túy của dân tộc, rồi nói là mình không có chi cả, văn hóa mình thấp kém so với Tây phương. Nhưng sau những phút bàng hoàng vì sự chói lòa của văn minh Tây phương, chúng ta đã định thần, bình tĩnh trở lại để nhận ra rằng nhiều sản phẩm văn minh Tây phương đã gây nên biết bao đổ vỡ cho nhân loại, điển hình là hai cuộc Thế Chiến và rằng chúng ta Việt Nam hay Đông Phương cũng có những nét nguy nga đồ sộ hay lắm chứ. Tình gia đình Việt Nam chẳng hạn là một cái gì mà văn minh Âu Mỹ không có. Xã Hội Việt Nam được xây dựng trên tình gia đình, trên nền tảng gia đình để mọi người gọi nhau bằng ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì... dù không có họ hay huyết tộc gần gũi với nhau. Thậm chí cho đến người ăn mày, cũng còn được gọi là ông hay bà ăn mày. Đây là một khám phá độc đáo của cụ triết gia Kim Định về văn hóa dân tộc. Thực ra còn nhiều lắm. Các học giả đang ra công nghiên cứu và chúng ta hy vọng sẽ được thấy những tinh hoa làm nên con người Việt Nam, xây dựng nên nước Việt Nam Văn Hiến.

 Bây giờ xin trở lại tinh thần Chu Văn An. Chu Văn An được đào luyện trong môi trường văn hóa dân tộc, của Nho giáo và của Việt Nho. Cuộc sống và hành động can đảm của Chu Văn An quả là một tấm gương lớn lao cho mọi người còn quan tâm đến vận mệnh dân tộc. Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất. Diệt trừ tham nhũng, đào luyện những con người tốt cho xã hội, tấm gương Chu Văn An đáng được dân tộc Việt Nam trong mọi thời kính phục nhắc nhở. 

 Thay lời kết: Soi gương kim cổ, nhìn lại tiền nhân là những việc mà mọi người chúng ta rất nên làm. Chu Văn An và những danh nhân khác được đặt tên cho mỗi trường học đều hàm ngụ ý nghĩa là kẻ hậu sinh phải noi theo tấm gương cao đẹp của tiền nhân. Người viết thiển nghĩ tinh thần ái hữu của mỗi hội đều quý hóa, đều tốt đẹp. Song nếu mỗi hội ái hữu, nhất là các hội viên dấn thân một bước xa hơn trong nghĩa vụ của một con dân đất Việt, biết đâu quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta sớm có ngày thanh bình hạnh phúc. Một Chu Văn An khi xưa dâng Thất Trảm Sớ không được vua chấp nhận, quyết trở về mở trường dạy học. Nay, nếu một ngàn một vạn Chu Văn An cùng ra tay quyết chí mài gươm diệt trừ tham nhũng, biết đâu đất nước lại thoát được ách thống trị của giặc Hồ.

 San Jose ngày 8 tháng 1 năm 1997

CVA Phạm Quang Trình

* * *

Từ Bắc Kỳ Di Cư tới Tỵ Nạn Chính Trị

CVA Nguyễn Ý Đức

            Nhân dịp kỷ niệm 50 năm di cư từ Bắc vào Nam, lang tôi xin ra ngoài lãnh vực y học, ghi lại vài hàng về biến cố đau buồn này. Để khỏi “Lạc bất tư Thục”, ham vui mà quên cả quê hương, bản quốc...Một quê hương còn nhiều tai ương.

Đang giờ học Việt Văn  của giáo sư Nguyễn Tường Phượng, tôi được nhân viên  phòng Giám Học  kêu xuống  gặp người nhà. Tôi học lớp Đệ Tam ban A Trung Học Chu Văn An ở Hà Nội. Tới văn phòng, tôi thấy bố tôi đang ngồi nói chuyện với Thầy Hiệu Trưởng Vũ Ngô Xán và Thầy Giám Học Vũ Đức Thận. Bố tôi quen với hai cụ qua người anh họ tôi là ông Vũ Ngọc Các, chủ nhiệm báo Dân Chủ ở đường Gia Long Hà Nội. Bố cho tôi hay là đã xin phép hai cụ để cho tôi nghỉ học sớm và theo ông về  quê  có việc.          Hai bố con về nhà tôi trọ để thu xếp đồ đạc rồi ra bến xe đò về tỉnh Hải Dương. Trên đường đi, bố tôi cho hay là phải di cư vào Nam ngay vì Việt Minh sắp tiếp thu Hà Nội và các tỉnh bên đây Bến Hải. Người quốc gia chỉ có mấy tháng để di cư.

Vào thời gian đó,  tình hình chiến sự miền Bắc sôi động ác liệt mạnh mẽ. Đi đâu cũng thấy nói tới sự rút lui của quân đội viễn chinh và quân đội quốc gia. Khi đó, phương tiện truyền tin là đài phát thanh và mấy tờ báo, chứ đâu có internet, truyền hình như ngày nay, nên tin tức rất hiếm hoi, đôi khi chỉ là truyền khẩu. Có tin đồn rằng, vì muốn hòa giải với Tây phương, Cộng sản Trung Hoa và Nga Sô Viết đã làm áp lực với đàn em phải ký kết hiệp định Geneve; rằng cộng sản Việt  đòi chia đất nước từ vĩ tuyến 13 nhưng sau đó phải chấp nhận vĩ tuyến 17; rằng họ muốn quân đội viễn chinh Pháp rút lui trong 90 ngày, nhưng các quốc gia đàn anh quyết định là 300 ngày...để mọi người có thời gian thoát ách cộng sản.

Rất nhiều dân chúng Hà Nội và các tỉnh lỵ miền Bắc hốt hoảng, vội vã sửa soạn thu vén di cư vào Nam. Uy Ban Bảo Vệ Bắc Việt đã được thành lập song hành với Uy Ban Di cư.  Đường phố ngổn ngang những đồ vật mang ra bán. Những tủ chè, sập gụ, những lư đồng, bình sứ rồi quần áo, gia dụng. Thôi thì đủ thứ. Ai ai cũng cố  bán tống bán tháo để có chút vốn di cư. Đó là cuộc di cư vĩ đại của cả triệu đồng bào miền Bắc bỏ mồ mả cha ông chỉ vì không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản ngoại lai.  Họ đã  nghe nói cũng như chứng kiến sự  khắc nghiệt của chính quyền đối với dân chúng ở vùng do chế độ kiểm soát. Những đấu tố, những thủ tiêu không nương tay, những kiểm soát theo dõi đời sống rất khắt khe.

Bố tôi đang làm việc tại tòa Tỉnh Trưởng Hải Dương. Ong cũng chỉ là nhân viên phù động do quen biết chứ không phài là công chức chính ngạch. Xuất thân con nhà có chút ruộng đất, nên trước chiến tranh, ông chỉ giao du hưởng thụ. Ong nội mua cho bố tôi chức Hội trong làng, nên cũng có một vài vai vế  chiếu trên chiếu dưới đối với chốn đình trung và ngoài xã hội. Theo anh tôi thì ông cụ cũng “phá gia chi tử” lắm. Thời đó làm gì có ngân hàng, chi phiếu, thẻ tín dụng nên đỏ đen hết tiền mặt là văn tự ruộng đất nhà cửa được đưa ra để cầm bán.  Gia đình chúng tôi phải bỏ quê lên tỉnh làm ăn vì không thích hợp với “kháng chiến địa phương”. Ong bác ruột bị thủ tiêu vì giữ chức Cửu trong xã. Anh tôi khi đó mới 12 tuổi không sớm băng đồng trong đêm chạy lên huyện thì cũng bị bắt. Chồng của cô tôi bị bắt nhầm, tưởng là bố tôi. Ong cụ đã về vùng tề từ mấy ngày trước. Lý do là họ nhà tôi làm chủ  một số điền thổ trong tổng và được liệt kê vào hạng “cường hào, ác bá”.

Hai bố con về tỉnh để sửa soạn ra đi. Chúng tôi phải xuống Hải Phòng để đi tầu thủy, vì khi đó chương trình di cư  đang ở cao điểm nên di tản bằng đường hàng không trở nên rất hiếm hoi. Những ngày nấn ná sửa soạn, bán nhà cửa đồ đạc, chờ ngày lãnh giấy lên tầu là những ngày rất giao động. Họ hàng ở dưới quê lên thăm hỏi, chia tay. Nhiều người nỉ non quyến dụ.  Nào là đất nước thanh bình đến nơi rồi, tại sao không ở lại mà hưởng “tự do, hạnh phúc”!  Rằng  chính phủ rất khoan hồng, mọi người đều được tiếp tục làm việc như trước. Một bà bạn của gia đình có cô con gái rượu thì “ cháu ở lại đi, mai mốt đất nước thống nhất thì tha hồ mà vào thăm Sài gòn”. Ông chú ruột làm phát ngân viên cho Bảo Chính Đoàn tỉnh được gia đình vợ hai móc nối ở lại: “ cứ mang hết tiền quỹ về quê xây dựng sự nghiệp, giúp làng xóm, tha hồ mà sướng”. Nhưng bố tôi đã nhất quyết ra đi vì đã phần nào hiểu rõ bản chất của chế độ.  Bà vợ kế ở lại với một đứa con gần hai tuổi và bụng chửa hơn bốn tháng, vì bố mẹ ở dưới quê muốn gắn bó với quê cha đất tổ.

Ngày ngồi trên xe lửa từ Hải Dương xuống Hải Phòng mới thực vất vả và  chứng kiến nhiều bi hài kịch. Tầu đậu ở nhiều ga dọc theo đường số 5 để lấy thêm khách, mà hầu hết là xuống Phòng để vô Nam bằng tầu biển há mồm. Cán bộ địa phương được tung ra để gây trở ngại cho người di cư. Thôi thì  khóc lóc, níu kéo ở lại, ngăn cản lên tầu. Cũng có những chửi mắng “ đi liếm chân đế quốc làm Việt gian cho giặc Pháp”.  Chẳng khác gì “ tàn dư Mỹ Ngụy” mấy chục năm sau này. Rồi vứt đồ, đánh đập cho bõ ghét.

Làm thân  rau muống Bắc kỳ di cư ở  vùng đất trù phú trong Nam, người dân miền Bắc đã đóng góp nhiều cho mảnh đất quê hương. Chỉ vỏn vẹn có hai thập niên, mọi người bên này vĩ tuyến 17 đã xây dựng được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam với nền tảng khai phóng, nhân bản; một nền văn học tự do  với nhiều dân tộc tính; một chế độ y tế xã hội phục vụ phúc lợi người dân tương đối đầy đủ. Và cũng đã hy sinh nhiều xương máu chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng kết quả là chỉ tránh được hiểm họa Đỏ cho một phần nhỏ của thế giới  với cái giá là một lần nữa lại tỵ nạn  vào phần tư cuối của thế kỷ hai mươi. Khi mà các thế lực quốc tế không còn cần đến mình trong nhu cầu của họ.

Từ Bắc Kỳ Di Cư  tới tỵ nạn chính trị  thấm thoát mà đã nửa thế kỷ, năm mươi năm, mười lăm ngàn hai trăm năm mươi ngày dài đằng đẵng.  Về quê hương thì vẫn thấy nhiều ngậm ngùi chua sót. Những người vì hòa bình và thống nhất ở lại miền quê thì đời sống không khác gì mấy, so với 50 năm về trước. Có chăng là ngọn đèn điện, chiếc ti vi,  chiếc xe gắn máy. Vẫn quần quật giật gấu vá vai lam lũ. Vẫn chân đất với bùn lầy nước lỗ chân trâu. Ngày kiếm được việc làm trị giá 50 xu Mỹ là mừng rồi.

Ong chú đã sớm ra người thiên cổ, vì những riếc móc theo địch, hại nước hại dân, tịch thu tài sản. Bà thím già nua, kèm nhèm quệt nước mắt với bầy cháu nội ngoại thò lò mũi xanh thì : “Giá mà ngày đó chú thím và các em theo chân bố cháu!” Cô em gái lao động Đông Au dành được chút tiền mở sạp hàng xén cho  qua ngày. Mấy đứa cháu chưa bao giờ biết mặt thì “chúng cháu theo giải phóng vào kiếm các chú thì các chú đã ra đi, không đợi chúng cháu đi với”. Báo chí trong nước phản ảnh đầy rẫy những than phiền  của dân chúng cũng như tuyên bố của viên chức chính quyền các cấp về  tham nhũng, cửa quyền, bất công, thất nghiệp, tệ đoan xã hội, giáo dục tụt hậu. Đã có những chương trình, đề nghị, nhưng áp dụng, thực hiện thì như cứ nửa vời, cầm chừng, trồi sụt như  thấy tháng của bà nạ dòng sắp vào tuổi mãn kinh. Khoảng cách giầu nghèo từ nông thôn tới thành thị sao mà quá chênh lệch. Một bữa “chiêu đãi” cá sông Việt Trì bẩy món với rượu ngoại của người giầu quyền thế  tốn công quỹ cơ quan cả dăm bẩy trăm  Mỹ kim như không.  Trong khi đó thì ngân sách quốc gia dành cho y tế chỉ có năm mỹ kim mỗi năm cho một đầu người. Tư bản Mỹ thực phí phạm, bỏ ra những 2000 tiền đô xanh.

Về cộng đồng tỵ nạn thì tích cực cũng nhiều  nhưng tiêu cực cũng không phải là ít.  Trong gần ba mươi năm, hơn một triệu người Việt đã hình thành một khối thiểu số có những sắc thái đặc biệt vừa làm phong phú và vừa thay đổi một phần nào cấu trúc căn bản của Hiệp Chủng Quốc Mỹ.  Họ đi từ số không, không có một nền tảng có sẵn như người Trung Hoa hoặc di dân từ các quốc gia Âu Châu tới Mỹ từ cả trăm năm trước. Ho vật lộn với nhiều khó khăn để sinh tồn, để thích nghi với nếp sống mới và để tạo dựng một tương lai vững chắc cho thế hệ con cháu. Họ âm thầm làm việc, chịu đựng mọi thử thách, kỳ thị trong những năm đầu. Nếu đa số dân chúng Mỹ không muốn quay lưng trước hoàn cảnh tuyệt vọng của con dân một quốc gia đồng minh với họ trước đây, thì cũng có một thiểu số lạnh nhạt với lớp di dân này. Khi mới tới, họ được phân tán khắp 50 tiểu bang để sự cứu giúp được dễ dàng cũng như tránh sự tụ nhập quá đông người Việt ở một địa phương. Nhưng rồi dần dà, sau khi đã có lông có cánh, họ cũng tìm về với nhau, trong những tụ điểm thích hợp để tương trợ, dìu nhau mà đi lên. Dù sao thì “một giọt máu đào cũng hơn ao nước lã”. Và “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”.   Với bản tính nhẫn nhục, cần cù, thực tế, dễ thích nghi, có nhiều sáng kiến nhỏ, họ đã tham gia vào nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống Mỹ quốc. Họ đã tạo dựng nên những cơ sở kinh tế, thương mại vững chắc, củng cố và phổ biến văn hóa Việt Nam vào nền đa văn hóa địa phương.

Các thế hệ Việt Nam thứ hai, thứ ba đã mau lẹ tiến tới để thu nhập tinh hoa kiến thức qua nền giáo dục đa diện của nước Mỹ. Họ đã có nhiều đóng góp khoa học, kỹ thuật đáng khen ngợi cũng như cung hiến cho nền hành chánh tiểu bang và liên bang nhiều chuyên gia có khả năng điều hành, lãnh đạo. Sự thành công của thế hệ này đã tạo ra nhiều ngạc nhiên cho con dân bản xứ.  Càng ngạc nhiên hơn khi ta nhìn lại khả năng của nhóm di dân mới. Tới Mỹ không sửa soạn với hai bàn tay trắng. Họ tức tưởi, đánh tháo rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn trong vội vàng, hoảng sợ, không kịp suy nghĩ, nói chi đến sửa soạn. Họ không biết là sẽ đi đâu, không biết tương lai sẽ ra sao. Họ vào nước Mỹ đa số không nói được tiếng Anh, không có một Mỹ kim trong túi. Họ đến từ một văn hóa với nhiều khép kín, ràng buộc vào một nếp sống phóng khoáng, tự do. Họ lạc vào rừng người có cái nhìn khác biệt về chủng tộc, giống tính. Họ chóng mặt trước sự tiến bộ, phồn thịnh của một quốc gia mới chỉ có hơn hai trăm năm lập quốc. Ấy vậy mà họ đã vươn lên, thành công tạo dựng một thế đứng vững chắc trong một quốc gia nhiều chủng tộc.

Nhưng tiêu cực thì cũng nên kể ra, để rút kinh nghiệm.  Theo nhiều người, cũng còn một số điều tưởng như cần làm, cần thay đổi, thích nghi. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, nếu cộng đồng vững mạnh thì bạn cũng lắng nghe mà đối phương cũng nể vì; và rằng sống trên đất nước  mà quyền tự do, dân chủ được tôn trọng tối đa, chẳng nhẽ lại cứ mãi mãi “ Con đường của ta là duy nhất đúng”. Chúng ta cùng có mục tiêu là tranh đấu để có tự do, dân chủ cho đồng bào ở Việt Nam cơ mà.

Trong một bài bình luận, ký giả kỳ cựu Phạm Trần  đã có ý kiến “ Nhưng trong thời đại bây giờ, chiến thắng cũng có thể đạt được không phải bằng quân sự mà bằng kinh tế, ngoại giao và thông tin nên mặt trận này đòi hỏi người Việt tị nạn phải thay đổi suy tư trong công cuộc đấu tranh với chính quyền Hà Nội... Và sau cùng mỗi cử tri người Việt cũng nên tự hỏi mình: Trong ngót 30 năm qua sống ở nước ngoài, tôi đã làm được gì cho đồng bào tôi, hay tôi chỉ biết co ro ngồi một chỗ để hy vọng viển vông và sợ sệt mông lung”.

Ngoài ra, mặc dù đã sống trên đất Mỹ gần ba mươi năm, nhưng một số không nhỏ  đồng hương ta vẫn chưa hoàn toàn hội nhập vào dòng chính; chưa tận dụng  các quyền lợi mà người công dân Hoa Kỳ được hưởng cũng như  chu toàn các bổn phận khi vào quốc tịch. Do đó  nhiều người chịu thiệt thòi cũng như chưa đóng góp đúng mức. Một trong những lý do là trở ngại ngôn ngữ, lơ là bổn phận và thiếu hướng dẫn. Ngoài ra, người mình vốn khiêm nhường, chịu đựng, chín bỏ làm mười, nên không có những ra mặt đòi hỏi quyền lợi như  công dân Mỹ.

...Hầu hết những người theo bố mẹ làm Bắc Kỳ di cư  rồi cùng với đồng hương Miền Nam đứng mũi chịu sào đưa gia đình đi tỵ nạn chính trị ở ngoại quốc đang ở vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Hôm nay ngồi lại với nhau, ôn lại ngày lẽo đẽo lên tầu há mồm  vô Nam dọc theo bờ  biển chữ S, rồi bồng bế con cái di tản bằng phương tiện tiến bộ hơn, mà thấy nao nao, ướt mắt.

Tương lai như chìm dần.. Thôi đành trông cậy ở thế hệ đến sau, trong và ngoài nước, nhìn rõ thực tại, nhiệt huyết hơn thẳng thắn hơn, công bằng hơn. Để xây dựng một cộng đồng uy tín, một quê hương có tự do, dân chủ cụ thể, thực tế chứ không chỉ trên giấy tờ, văn bản. Dù là tương đối. Vì có còn hơn không.

CVA Nguyễn Ý Đức, Texas - 2004

(Hiệu đính lại ngày 3/3/2005 để gởi đăng vào Đặc san CVA)

* * *

Tôi và thác Niagara

Phan Chừng Thanh (CVA 1946)

Tôi bé nhỏ trước Niagara hùng vĩ

Như thuở hồng hoang hạt bụi sinh ra

Một hạt bụi nằm sâu đáy nước

Soi tỏ bầu trời mây trắng bay qua

Tôi muốn nhìn thiên niên kỷ mới

Bằng con mắt xanh của cánh rừng xanh

Bằng những bình minh có nhiều ánh lửa

Bằng một tư duy sâu sắc trong lành

Hỡi thác cao hàng ngàn thước nước

Đã làm mòn bao tảng đá vô tri

Đã khoét sâu thời gian hàng thế kỷ

Đã tạc vào không gian bao ký ức thấu kỳ

Nhưng tôi hạt bụi vẫn nằm sâu đáy nước

Vẫn ngạo nghễ nhìn thác đổ trên cao

Vẫn thấy gió quăng mình qua bọt sóng

Cả trời đất trong tầm mắt xôn xao

Tôi nhỏ bé và chỉ là hạt bụi

Nhưng là người nên tôi mạnh biết bao!

CVA Phan Chừng Thanh

* * *

Hà Nội

CVA Phan Phi Liêu (CVA 1966)

Trên hữu ngạn sông Hồng-Hà về miền đồng bằng Bắc Việt, một đô thị được xây dựng từ bao thế kỷ, trên một khoảng đất chạy dài theo ven sông. Đô thị đó có nhiều lâu đài tráng lệ xen với những miếu tạ cổ kính rải rác khắp mọi nơi.

Một cầu sắt vĩ đại bắc qua sông, có chừng hơn trăm năm nay, đánh dấu sự thay đổi đột ngột của một giai đoạn lịch-sử cũng không xa ta là mấy. Những lâu đài  kiến trúc Tây-Âu, nhà Bác-cổ, nhà thư viện, trường Đại-học, các công thự, về mặt mỹ thuật đã tô điểm thêm đô thị này cùng với  những danh lam sẵn có.

So với các tỉnh khác trong nước, Hà-Nội, vì chính đấy là Hà Nội, đã có rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Cảnh bát ngát thì như Tây-Hồ, Trúc-Bạch, cảnh nên thơ thì như Hoàn-Kiếm, Ngọc-Sơn, cảnh cổ kính thì như Văn-Miếu, chùa Một-Cột, Trấn-Ba-Đình. Mỗi một nơi đẹp một khác, mỗi một chỗ là di tích lịch sử của từng thời đại một. Hà-Nội cao quý với những văn-nghệ sĩ phụng sự nhân sinh. Hà-Nội lịch sự qua những thuần-phong mỹ tục. Hà-Nội niềm nở nhũn nhặn qua những sự tiếp đón mời chào. Hà-Nội ăn chơi qua những xóm yên hoa, những nơi cao lâu tửu quán. Hà-Nội lầm than qua những cửa ô bùn đọng, thôi thì trăm hình nghìn vẻ, vẻ nào cũng đăc biệt, thực quả xứng đáng với danh từ “nghìn năm văn vật”.

Ngược dòng thời gian, ta thấy một Hà-Nội mới lạ: đèn điện, nước máy, cinema, xe hỏa v…v… Trên các ngả đường bàn cờ, tấp nập nào hàng hóa, nào xe cộ, nào người qua lại vì công việc hay ăn chơi, các “quan” ở các tỉnh nhỏ về chơi “xin bổ, xin thăng hoặc xin đổi”. Bài “Hà-Nội hành” dưới đây của Nông-sơn Nguyễn Can-Mộng như vẽ ra một bức tranh hoạt động đủ các màu sắc thời đó.

        Nùng Nhị từ xưa mở đất cõi,

        Nghìn năm vượng khí nơi đô hội.

        Nếp đất phồn hoa trải mấy triều,

        Phố xá rộng dài ở chật chội. 

        Nhà ngói bát úp đường bàn cờ,

        Đèn điện sao sa nước máy giội.

        Người đủ hạng ngươì trò đủ trò.

        Phong-lưu thanh-lịch cũng có lối.

        Trừ ra giai mấy cậu phu xe.

        Là không bộ cánh, áo rách rưới:

        Trừ ra gái mấy chị hàng than.

        Là không son phấn mặt đen đủi.

        Dù đâu mất mùa kém bao nhiêu.

        Ở đất ăn chơi chẳng biết đói;

        Dù người như đất hiền bao nhiêu,

        Ở lâu tập nhiễm rồi cũng sỏi.

        Người khôn của khó lúc đua chen,

        Đủ ngón ăn chơi âu mới giỏi.

        Xem trong băm sáu phố phường này,

        Kẻ đi người lại ai cũng vội.

        Các quan các tỉnh thường về chơi.

        Xin bổ xin thăng hoặc xin đổi.

        Công tư to nhỏ biết bao trường,

        Thầy thầy trò trò rộn hai buổi.

        Kẻ đi làm việc người làm công,

        Mỗi  người một nghề chẳng ai rỗi.

        Trước ga xe hỏa, trên bến tầu,

        Hàng hóa lên xuống phu bối rối.

        Đồng-Xuân chợ họp đông cả ngày,

        Hàng Giấy khách chơi vui về tối.

        Cà-phê chả cá hiệu cao lâu,

        Chớp ảnh, tuồng tầu, rạp hát bội.

        Trên cao trông xuống bọn người đi,

        Thật là chen chúc trong đám bụi.

        Nếu không danh lợi dắt tay vào.

        Suy ra cho rộng cuộc doanh hoàn,

        Đại để cũng như thành Hà-Nội.

Xa hơn một chút nữa là hình ảnh một Hà-Nội cũ khá sầm uất với 36 phố phường và 5 cửa ô. Những phố phường lớn hãy còn, chỉ một số ít gọi khác đi. Còn 5 cửa ô là ô Quan-trưởng ở phía đông, ô Chợ Rừa ở phía tây, ô Cầu Rền ô Đông Mác ở phía nam và ô Cầu Giấy ở phía Bắc thì nay chỉ còn vết tích của ô Quan-trưởng là một cái cổng xây ở phố Mới trông ra phía sông Hồng-Hà.

Những câu ca-dao dưới đây cho ta biết sự sầm-uất của Hà-Nội vào thời kỳ ấy như thế nào:

            Rủ nhau chơi khắp Long-thành,

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.

Hàng Bồ hàng Bạc hàng Gai,

Hàng Buồm hàng Thiếc hàng Hài hàng Khay.

Mã-Vĩ hàng Điếu hàng Giày,

Hàng Lờ hàng Cót hàng Mây hàng Đàn.

Phố Mới Phúc-kiến hàng Ngang,

Hàng Mã hàng Mắm hàng Than hàng Đồng.

Hàng Muối hàng Nón cầu Đông

Hàng Hòm hàng Đậu hàng Bông hàng Bè,

Hàng Thùng hàng Bát hàng Tre,

Hàng Vôi hàng Giấy hàng The hàng Gà,

Quanh đi đến phố hàng Da.

Trải xem phường phố thật là cũng xinh.

Phồn hoa thứ nhất Long-thành.

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,

Bút-hoa xin chép nền thơ lưu truyền.

  Hà-Nội lại còn là một sân khấu trên đó tuế nguyệt đã đem diễn những tấn tuồng luôn luôn thay đổi. Hưng vong, suy, thịnh là những màn chính của tấn tuồng. Nên qua những đổi thay, qua những cảnh tang thương của thời cuộc, Hà-Nội đã súc cảm rất mạnh đến tấm lòng hoài cổ mến tiếc bâng khuâng, gợi nên những vần thơ đầy nhạc điệu não nuột như những tiếng đàn trầm bổng bật dưới móng tay nhà đại nhạc-sĩ chán chường:

            Tạo hóa gây chi cuộc hí-trường,

            Đến nay thấm thoát mấy tinh-sương.

            Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

            Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

            Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

            Nước còn chau mặt với tang thương.

            Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,

            Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Bài “Thăng-Long thành hoài cổ” nói trên của bà huyện Thanh-Quan “rằng hay thì thực là hay” nhưng có người cho là chỉ hay về nhạc điệu, hay về mối cảm tình mà tác giả đã phổ ra lời thơ, chứ không đánh dấu được thời đại nào, cũng như không chỉ rõ được nơi nào rành mạch. Nghĩa là bài đó không sát đề lắm vì bất cứ với cảnh nào có sơn thủy, lâu đài, ở bất cứ thời gian nào, hiện tại, quá khứ, vị lai, bài đó đều có thể đem ra áp dụng một cách rất thích hợp. Đến như bài “Thăng-Long thành hoài cổ” dưới đây của Từ-Diễn-Đồng thì thật là tài tình, đóng khung vào một thời gian và không gian nhất định, không thể lẫn với bất cứ một cảnh nào khác được:

            Đồn rằng thuở trước đóng đô đây,

            Trải mấy triều vua mới đến nay.

            Năm cửa chỉ còn chòi cửa Bắc,

            Cột cờ sao có lá cờ Tây?

            Lầu bia nhà Lý xây còn đó,

            Hồ kiếm vua Lê vứt chỗ này.

            Kẻ khá đi đâu mà vắng cả,

            Xe rồng chẳng thấy, thấy xe tay.

Đối với Ngô-Bằng-Giực trong bài “Vịnh Thăng-Long” thì Hà-Nội là một nơi đã trải lắm phen thịnh trị cùng có những cuộc xung sát đáng ghi:

            Thăng-long nào có phụ chi tên,

            Thịnh trị từ xưa đã lắm phen.

            Trần Lý hai đời đô đứng giữa,

            Việt Ngô mấy độ trận dàn bên.

            Nước non vẫn nhớ nơi Hoàn-kiếm,

            Phố xá còn ghi chốn đúc tiền.

            Cảnh đấy người đây lòng thắc mắc,

            Giao tình ai lạ với ai quen.

Trong những cuộc xung sát nói trên, đời nọ qua đời kia, chúng ta nhiều phen chiến thắng quân thù cũng như lắm khi chúng ta bị cảnh ngộ ngược lại.

Hồ Tây đua sức vẫy vùng,

Nữ-nhi chống với anh hùng được sao?

Mấy câu trên trong Đại-Nam quốc sử diễn ca là những điều công nhận sự chiến bại của Trưng-Vương trước Mã-Viện cũng như những vết lõm ở cổng thành cửa Bắc hiện giờ là di tích sự thất thủ thành Hà-Nội ngày 25-4-1882 do Hoàng-Diệu chống giữ. Nhưng dù trường  hợp nào, tinh thần bất khuất của dân tộc cũng được bộc lộ ở những vị tiêu biểu, nên Trưng-Vương thua mà được ca ngợi trong sử sách, Hoàng-Diệu mất thành mà được lưu danh với non sông, ghi lại  trong bài “Chính-khí ca” của Nguyễn-văn Giai tức Ba-Giai:

Một cơn gió thảm mưa sầu,

Nấu nung gan sắt dãi dầu long son.

Chữ trung còn chút con con,

Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây,

Trời cao biển rộng đất dầy.

Núi Nùng sông Nhị chốn nầy làm ghi,

Thương thay gặp buổi truân nguy,

Lòng riêng ai chẳng thương vì người trung.

Rủ nhau tiền góp của chung,

Đem người lên táng ở trong học đường

Đau đớn nhẽ ngẩn ngơ đường,

Tả tơi thành quách, tồi tàn cỏ hoa…

Nhưng Hà-Nội cũng có những chiến công kỳ lạ khi quân Tây-Sơn đánh đuổi quân Tôn-Sĩ-Nghị qua cầu phao, khi vua Quang-Trung phá tan 20 vạn quân Thanh ở Đống-đa để Sầm-Nghi-Đống phải đền tội bằng sợi dây lưng. Và đống xương vô-định kia đã là di-tích cho ta tin tưởng vào chí quật cường cùng lòng dũng cảm của dân tộc để giữ gìn bờ cõi. Cho nên những khối óc xâm lăng dù có đạt được mục đích nhất thời, sớm muộn cũng phải khuất phục trước chính-nghĩa theo như ý Á-Nam Trần-Tuấn-Khải trong bài “Chiều thăm Đống-Đa”:

Ngàn tây úa bóng hoàng hôn,

Sè sè một ngọn núi con bên đường.

Đìu hiu gió giục hơi sương,

Phải đây là bãi chiến-trường ngày xưa ?

Hỏi ai gây cuộc ganh đua,

Đống xương vô chủ còn trơ đến rày.

Hồn thiêng dù có đâu đây,

Biết ra khi cũng đắng cay vị đời.

Tim gan ai cũng kiếp người,

Trong khuôn sinh hóa thợ giời đúc chung.

Hay chi tranh lợi tranh công,

Đem thân an lạc vào vòng bi ai.

Ham chi chung đỉnh của đời,

Đầy thân đất khách quê người bơ vơ.

Cổ kim rối một cuộc cờ,

Mong gì thoát khỏi huyền cơ mà hòng?

Giống nòi riêng một non sông,

Vật ai nấy chủ tranh hùng mà chi.

Dẫu cho thỏa chí nhất thì,

Chiêm bao tỉnh giấc chắc gì hơn ai.

Chẳng qua xương máu tả tơi,

Đổi nơi sinh thú làm nơi sầu thành.

Từ nay nhắn khách tung hoành

Nhân gian cái dữ cái lành theo nhau.

Hay chi ham muốn không đâu,

Kìa trông nắm đất quân Tầu còn gương.

Non sầu trải mấy tang thương,

Nghìn thu để khách qua đường xót gan.

Ví chăng giữ phận an nhàn,

Thì chi đến nỗi xương ngàn máu sông?

Cuộc đời không sắc, sắc không,

Ai ơi kìa máy huyền công chuyển vần.

Đọc những đoạn trên, người ta thấy Hà-Nội có nhiều tên khác nhau là vì trải qua bao cuộc phế hưng Hà-Nội đã nhiều lần thay tên đổi chủ. Lần giở những trang sử ta thấy: Hà-Nội hồi Bắc-thuộc gọi là Long-Biên tức là lỵ-sở Giao-Châu bấy giờ. Năm 791 thứ-sử Tầu là Triệu-Xương đặt lại tên là Đại-La Thành. Cao-Biền tu sửa lại thành ấy năm 867 và làm rộng ra, chu vi đo được 8.000 bộ, dài hơn 1.982 trượng, cao 2 trượng 6 tấc. Một con đường dài 2.125 trượng, rộng 2 trượng rưỡi bao bọc lấy thành. Đến nay những vết tích cũ của thành Đại-La cũng như vị trí, chu vi thành ấy người ta không biết đích xác ở quãng nào mà chỉ đoán phỏng mà thôi. Nguyễn-Can-Mộng trong bài “Đại-La Phỏng Cổ” cũng có những nhận xét ấy:

            Bia Đức-đường xưa mảnh đá chìm,

            Thành La xuyên tạc biết đâu tìm?

            Gốc cây đục rỗng tia hang chuột,

            Khóm cỏ tha tàn rác tổ chim.

            Trải mấy nghìn năm trong cuộc biến,

            Đứt ra từng đoạn giữa đồng chiêm.

            Sự đời nào chắc chi là vững,

            Nước mắt ai thừa khóc cổ kim.

Năm 980 Hà-Nội là quận Giao-Chỉ. Bắt đầu năm 1010, vua Lý-Thái-Tổ đóng đô trong vùng thành Đại-La trước và đổi tên là Thăng-Long thành. Một bức tường chu-vi dài khoảng 4.700 mét xây quanh thành. Trong thành có đắp ụ cao như Nùng-Sơn, Tam-Sơn ở phía bắc, Khán-Sơn ở phía tây và Thái-Hòa ở phía đông.

Đời Trần đóng đô ở Thăng-Long và có hồi bị quân Nguyên chiếm đóng mất 5 tháng sau mới chiếm lại được thành.

 Năm 1467, Thăng-Long đổi tên ra là Đông Đô để đối lập với Tây-Đô là kinh đô nhà Hồ ở Thanh-Hóa. Liền thời kỳ này quân Minh sang chiếm đóng nước ta cho đến khi Lê-Lợi đánh đuổi được giặc, đóng đô ở đó và đổi tên là Đông-Kinh.

Đến đời nhà Mạc, Đông-Kinh lại đổi ra là Đông-Đô. Đời vua Quang-Trung Hà-Nội gọi là Bắc-Thành và đời vua Gia-Long, kinh đô ở Phú-Xuân, thì Hà-Nội là Bắc-Thành tổng trấn. Sau khi đắp lại thành theo kiểu Tây, Hà-Nội lại gọi là Thăng-Long.

Cho mãi đến năm 1831, Thăng-Long mới đổi ra là tỉnh lỵ Hà-Nội và tên này còn giữ đến bây giờ. Ngày 1-10-1888 có chỉ dụ nhường Hà-Nội cho Pháp làm thuộc địa và nay thì Hà-Nội là Thủ-đô của Việt-Nam

Xem như vậy thì Hà-Nội đã  trải bao phen nghiêng ngửa, bao lúc đổi chủ thay tên. Rõi theo sử liệu, ta vui mừng hớn hở khi Hà-Nội được rực rỡ huy hoàng, ta lo buồn hồi hộp khi Hà-Nội qua những thời đen tối. Ta ấp ủ một tấm lòng chân thành với Hà-Nội, coi đó là nơi hun đúc các tinh hoa và là chốn tiêu biểu cho những gì đáng quý nhất của đất nước.

Ai có xa cách Hà-Nội lâu mới thấy tình đằm thắm với Hà-Nội đến bực nào. Trong mấy năm ly gián vì khói lửa, người ta thao thức nhớ Hà-Nội như những kẻ chung tình nhớ nhau. Người ta lo âu cho Hà-Nội như những người con chí hiếu lo cho cha mẹ già bị cách biệt mà không có chỗ nương tựa. Người ta bồi hồi phấp phỏng, không biết sông làm sao, núi làm sao, nước hồ Hoàn Kiếm làm sao, có bị khuấy đục hay không?

Chẳng biết Hà-Nội có mãnh lực gì mà giàng buộc người Việt-Nam ta đến thế nếu không phải là do một lòng yêu nước thiết tha, sức quyến rũ của những thắng cảnh Hà-Nội, của những thú thanh tao Hà-Nội, của  những con người Hà-Nội. Cho nên ai đã qua Hà-Nội, ai đã đi sâu vào cuộc đời Hà-Nội không thể không mến yêu Hà-Nội, không nhớ nhung Hà-Nội một khi xa cách. Tâm trạng ấy người ta thấy diễn tả một phần nào trong bài “Thăng-Long Thành” của Đại-An-Am tức Đông-Hồ Lâm Tấn Phác (trích đoạn đầu và đoạn cuối):

          Bão táp tơi bời trời cố quốc,

          Gió mưa ủ rũ đất danh đô.

          Tiêu điều cỏ lấp hoa Long đỗ,

          Lạnh lẽo trăng soi nước Kiếm hồ.

          Bút tháp viết trời xanh chữ hận,

          Nghiễn đài tràn mực đậm mầu thu.

          Cầu Thê-húc thẹn son xưa nhạt,

          Đình Trần-ba khoe phấn mới tô.

          Tháp đảo chơ vơ rùa nhớ kiếm,

          Tượng vườn chót vót đá mong vua.

          ………………………………..

          …………………………………

          Nghìn năm văn vật nghìn hoa lệ,

          Nùng Nhị từ xưa những hẹn hò.

          Cho kẻ qua rồi càng quyến luyến,

          Cho người chưa đến cứ mong chờ.

          Ai quen thuộc nghĩ không ly cách,

          Ai lạ lùng không nghĩ hững hờ.

          Phúc-xá bãi phơi niềm ý biệt,

          Long-Biên  cầu nối đoạn tình đưa.

          Gia-Lâm mấy đoạn đình trường, đoản,

          Ngọn cỏ dầm sương nặng khứ lưu.

          Hoa cúc để gầy thu đất Bắc,

          Tháng ngày vương một mối tương tư.

Viết theo “Thắng Cảnh Việt Nam qua thi ca” của Phan Phong Linh.

RA ĐI

Ra đi nhớ độ thu sang,

Hơi sương chớm lạnh, lá vàng vèo bay.

Quán đời nếm vị chua cay,

Say trong tỉnh, tỉnh trong say não nề.

Vơi trông khuất nẻo đường về,

Đinh ninh há một lời thề xuông ư?

Vật vờ giấc mộng Trang-Chu.

Uổng tàn một kiếp phù du sao đành.

Đường gươm những muốn tung hoành,

Hoa mai dưới bóng trăng thanh, tơi bời.

Hãy khoan ngưng lại tiếng cười,

Cuộc cờ chưa chắc ai người được thua.

Phan Phi Liêu

(CVA 1966)

* * *

Rừng Thu Thay Lá …

CVA Nguyễn Đình Phương (Toronto, Canada)

Hôm nay là ngày Lễ Tạ Ơn của Ca-Na-Đa và cũng là ngày nghỉ chính thức cuối cùng trong năm trước lễ Giáng Sinh. Nhân dịp anh Vinh, một người bạn thân hồi trung học của tôi vừa từ Việt Nam sang thăm thân nhân và bạn bè ở Toronto, tôi đã đưa anh đi ngắm lá vàng ở công viên High Park ở khu vực phía tây của thành phố. High Park rộng vào khoảng 40 mẩu Anh, có rất nhiều cây cổ thụ lớn và quý, lại nằm trong một khu vực rất yên tĩnh chỉ cách trung tâm thành phố chừng hơn mười phút xe hơi nên vào nhửng ngày cuồi tuần và ngày lễ thường có đông du khách và những người yêu thiên nhiên đến ngoạn cảnh. Chúng tôi đem theo mấy ổ bánh mì thịt và một vài chai nước suối để ăn trưa rồi lững thững đi bộ đến trạm xe điện ngầm ở phía bên kia đường để đáp chuyến xe điện ngầm đến công viên High Park. Chúng tôi đến đó lúc mười giờ sáng và hôm nay tuy trời trở lạnh cũng đã có khá đông người đến thăm công viên. Vì công viên quá rộng không thể đi thăm hết trong một ngày, tôi chỉ có thể đưa  anh Vinh đi thăm cái vườn thú nhỏ ở phía đông bắc rồi khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau đó chúng tôi đi bộ về phía nam tìm một chỗ nghỉ chân để ngồi ngắm lá vàng rơi. Anh Vinh tỏ ý ngạc nhiên khi thấy khung cảnh nơi đây rất êm đềm tĩnh mịch, thật khác hẳn với không khí ồn ào náo nhiệt của khu trung tâm thành phố. Chúng tôi đang rảo bước thì chợt nghe có tiếng gọi từ phía sau. Tôi ngoảnh cổ nhìn lại thì nhận thấy John, một đồng nghiệp dậy cùng trường với tôi, đang cùng cô bạn gái lững thững đi bộ ở phía sau. John cho biết là anh và cô bạn cũng đến công viên High Park để ngắm lá vàng như chúng tôi. Tôi có cho anh Vinh biết là người Ca-Na-Đa rất yêu thích mùa thu và hằng năm cứ vào khoảng trung tuần tháng tám, nhiều gia đình thường dành ra riêng một ngày thứ bẩy hoặc chủ nhật để đi ngắm lá vàng ở vùng ngoại ô hoặc ở các công viên lớn trong thành phố. Nhận thấy ở phía trước có một ghế đá lớn nằm ở một địa điểm khuất gió dưới một cây sồi lớn, chúng tôi quyết định ngồi nghỉ ngay tại đó. Từ băng ghế của chúng tôi, chúng tôi có thể nhìn thấy rất rõ những hàng cây phong lớn ở phiá tây trước mặt. Cảnh sắc mà những cây phong này đem lại thật tuyệt vời vì toàn bộ lá của chúng đã chuyển sang mầu đỏ, mầu đỏ tím, mầu da cam hoặc mầu vàng và nổi bật trên nền trời. Cứ mỗi khi có một trận gió lớn thì những chiếc lá vàng lại thi nhau lìa cành và ào ạt bay xuống phủ đầy thảm cỏ xanh ở phiá trước chúng tôi. Trong số những cây phong đó, có nhiều cây thuộc loại đặc biệt với lá chuyển mầu trên cây nhiều lần trước khi rụng xuống đầt. Nhìn chung quanh, chúng tôi nhận thấy lá vàng ở khắp mọi nơi, trên ghế đá, trên thảm cỏ xanh, trên khắp lối đi trong công viên… Trong khi đó, ở trên những cành cây cao trên đầu chúng tôi, những con chim nhỏ vẫn cất tiếng hót. Cả hai chúng tôi đều đắm đuối trước cảnh trí tuyệt vời của mùa thu Bắc Mỹ và anh Vinh cho tôi biết rằng đây là lần đầu tiên anh được ngắm lá vàng rơi. Tôi có cho anh Vinh biết rằng người Nhật rất yêu thích phong cảnh mùa thu của Ca-Na-Đa và vào thời kỳ hưng thịnh của nền kinh tế Nhật, hàng năm đã có từ nửa triệu đến một triệu du khách Nhật đến thăm đầt nước này vào mùa thu để được ngắm lá phong chuyển mầu trên cây… Và cũng vì cây phong được trồng ở khắp mọi tỉnh bang ở Ca-Na-Đa nên đầt nước này đã được mệnh danh là “xứ lá phong” và người Ca-Na-Đa đã chọn lá cây phong làm biểu tượng cho quốc kỳ của họ.  

Hình ảnh rực rỡ của mùa thu trong công viên nhắc tôi nhớ đến lần cha tôi dắt tôi đi chơi quanh hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội vào một buổi sáng cuối thu năm 1954. Tôi còn nhớ là lúc ấy trời cũng đã trở lạnh vì tôi đã phải mặc áo len và lá trên các hàng cây chung quanh hồ cũng đã chuyển thành mầu vàng. Khung cảnh chung quanh hồ thật là yên tĩnh và tôi vừa đi vừa đưa mắt nhìn những chiếc lá vàng đang đuổi nhau trên lồi đi trong cơn gió lạnh. Tôi cũng không ngờ rằng đó là lần đi chơi hồ cuối cùng của thời thơ ấu và kỷ niệm của lần đi chơi đó đã để lại một ấn tượng rất đậm trong tâm trí tôi. Thế rồi chỉ hai tháng sau đó, gia đình tôi đã phải giã từ Hà Nội vào Nam để tìm tự do. Sống ở thủ đô miền Nam mưa nắng hai mùa, tôi không còn có dịp thưởng thức cảnh vật mùa thu nữa. Trong những năm trung học, tôi và một vài người bạn thỉnh thoảng vẫn rủ nhau đi bộ dọc theo những hàng cây cao vút trên đoạn đường Cường Để dẫn đến bến Bạch Đằng để ngắm cảnh lá rụng trên đường như cố tìm lại hình ảnh của mùa thu Hà Nội thưở nào. Rồi năm 1968, trong dịp ra thăm cố đô Huế, tôi đã được thưởng ngoạn phong cảnh mùa thu ở đất thần kinh với gió heo may và lá vàng nhẹ rơi ngay trên bờ sông Hương. Đến năm 1978, nhân dịp lên Pleiku để thăm một người bạn, tôi lại có dịp ngồi ngắm lá nhẹ rơi bên đường từ một quán cà phê ở gần sân vận động của thành phố cao nguyên này. Nhưng chỉ từ khi sang định cư tại Ca-Na-Đa, tôi mới thực sự có rất nhiều dịp được ngắm cảnh vật mùa thu đầy mầu sắc với những cơn gió lạnh, bầu trời có đám mây bàng bạc và lá vàng rực rỡ ở khắp mọi nơi. Mỗi năm vào những sáng chủ nhật của tháng 10, tôi thường rời nhà rất sớm và đi tản bộ dọc theo những con đường nhỏ gần nhà đề ngắm nhìn những cây phong, cây sồi hoặc cây hồng miên liễu (red osier dogwood) trồng hai bên đường với lá đã chuyển từ mầu xanh sang mầu vàng, cam, đỏ, tím và nâu thật rực rỡ. Rồi vào những ngày cuối tháng 10, thật không có gì thú vị hơn là đuợc lang thang trên những con đuờng ngập lá vàng rơi …. Một vàì người bạn Ca-Na-Đa có cho tôi biết rằng chính gió và nắng là hai yếu tố đã kết hợp với nhau để tạo nên phản ứng hóa học thay mầu kỳ diệu của lá. Vì không phải là một nhà khoa học, tôi cũng không chú ý đến những lý do khiến lá cây phải thay mầu ư chuyển sắc lạ lùng như vậy mặc dù tôi được biết là cảnh đẹp tuyệt vời của mùa thu không những chỉ là nguồn cảm hứng vô tận của biết bao văn nhân thi sĩ mà cũng còn thôi thúc cả các nhà khoa học cố tìm hiểu nguyên nhân tại sao.

Thời gian trôi qua rất nhanh. Mới hơn 6 giờ chiều mà trời đã bắt đầu tối. Tôi và anh Vinh cùng đi bộ đến trạm xe điện ngầm ở phía bên ngoài công viên để ra về. Anh Vinh rất vui vì đã có một kỷ niệm thật êm đềm về chuyến đi thăm Ca-Na-Đa. Anh tỏ ý mong sẽ có dịp trở lại Ca-Na-Đa một lần nữa để cùng tôi đi ngắm lá vàng mùa thu….. 

CVA Nguyễn Đình Phương (Canada)                           

Toronto, 11 tháng 10, 2004

* * *

Sao Chẳng Gặp Nhau

Nguyễn Vũ Văn (CVA59)

Sao chẳng gặp nhau được một lần

Kiệu hoa đã sẵn, thảm hồng sân

Rượu thơm trăm tuổi mừng tri kỷ

Ngỡ tối ba mươi tết đón xuân

Ta sẽ ngắm người từ viễn xứ

So xem ký ức khác gì không

Rồi ra khắc lại bia tượng cũ

Cho mới chân dung mới thật lòng

Sao chẳng gặp nhau được một lần

Hẹn xưa đã cũ mấy mùa xuân

Tin đi tin lại, người chưa vội

Nắng sớm mưa chiều vẫn lần khân

Lễ hội đã tàn, rượu đã nhạt

Cũng đành chua chát uống một thân

Tối nay trăng có tròn không nhỉ

Năm tháng phai rồi, đâu cố nhân

                        Sao chẳng gặp nhau được một lần

Ầm vang một tiếng, đất kinh hoàng

Đền đài tan nát, người kêu rú

Kẻ chạy đi đâu, quỷ ríu chân

Ngàn trượng xác rơi, thây chất núi

Khói cao ngất kết tụ oan hồn

Đời người nào biết đâu thân phận

Như gió chợt qua, lũ vượt ngàn

Hôm nay thắp đuốc chờ nhau nữa

Có phải hẹn nhau thêm một lần

Ta cũng biết người đa đoan lắm

Lời hò hẹn như trót đa mang

Sao ta canh cánh trong lòng mãi

Chẳng trách người cũng chẳng trách thân

Ta xem thư cũ, tình chưa cũ

Tiếng hát ngày xưa vẫn còn ngân

* * *

BỐN NGƯỜI KHÁCH LẠ

 Đặng Đức Cường,  GS. Chu Văn An

Thiền Vi đầu nghĩ mung lung trong khi rảo bước quanh co để băng rừng lên núi. Nền trời đầy sao. Trăng đã khá tròn. Ánh trăng làm cảnh thung lũng u tịch trở thành thơ mộng.

Thiền Vi mới nhập thiền viện, nhưng lòng đầy thành tín. Anh chăm chỉ học kinh kệ, và không nề hà một công việc gì. Sáng cũng như chiều, anh bỏ khá nhiều thì giờ suy tư. Thường, Thiền Vi hay tìm những nơi yên tĩnh để suy ngẫm các nan đề trong cuộc sống. Một đêm Thiền Vi lạc đường. Anh không biết lối về thiền viện. Anh rảo bước tìm lối ra, nhưng mây đen che khuất ánh trăng.  Ánh sao nhạt mờ không đủ soi sáng lối mòn của rừng sâu. Tiếng gào thét trong đêm khuya, tiếng gió rít trên chòm cây, làm Thiền Vi lo sợ. Anh nhìn quanh tìm chỗ trú. Trên núi, mưa đã đổ rào rào. Thật ngạc nhiên, Thiền Vi thấy lều trú không xa. Anh chạy vội tới, đẩy cửa bước vào. Anh thấy bốn người ăn mặc khác thường. Dường như họ xa lạ với nhau. Để tránh mưa, trú lạnh, họ đã cùng ở trong lều. Một người áo quần rách rưới đậm mầu. Một người y phục sắc tím lộng lẫy. Người thứ ba choàng áo mầu cam. Người thứ tư mặc toàn mầu trắng. Thiền Vi ngồi ngay ở giữa.

Sau một phút yên lặng, Thiền Vi quay nhìn người áo quần đậm mầu. Khuôn mặt ông méo mó. Tay chân ông khù khì. Thấy vậy, Thiền Vi lo ngại. Nén giữ cảm xúc, anh chào hỏi: “Dạ thưa ông, ông là ai và tại sao ông tới đây ạ?”

Người khách lạ trả lời với giọng u uất: “Tôi là Đạt Thông, từ vùng trên tới. Đời tôi đã thất bại. Tôi không nuôi nổi gia đình. Tôi không thích ứng với đời. Tôi thường ác cảm với mọi người.  Tôi phạm quá nhiều tội lỗi. Tôi cướp bóc, giết người. Nay tôi gia nhập thiền môn.”

Người thứ hai không đợi hỏi, đã nói: “Tôi là thương gia ở Bàn Môn. Về vật chất, tôi rất thành công. Tôi có nhiều của cải. Nhưng thân xác tôi ốm đau. Tâm can tôi càng khổ não. Gia đình tôi lộn xộn. Thiên hạ chầu chực tôi, chỉ vì tôi giầu có. Tôi đã hành hương mọi nơi để tìm bậc chân tu. Tôi đã bố thí để Trời, Phật chứng quả. Tôi chỉ muốn tâm thần thanh thản.” Khi ông nói, mặt như cầu khẩn, van lơn.

Người thứ ba nói: “Tôi ghét mọi người. Tôi thấy mọi người đố kỵ vì tài, lợi. Tôi thấy mọi chuyện vui buồn rồi cũng qua.Tôi vào thiền viện chỉ để suy tư. Tôi bỏ thời giờ phục dịch thiền môn, học kinh kệ với sư tổ, và tự suy ngẫm cuộc đời. Đầu óc tôi không gạt bỏ được hoài nghi. Lòng dạ tôi không xóa hết đen tối. Nhưng tôi thấy ánh sáng đương soi đường cho tôi. Tôi tin tinh thần tôi đương đổi thay. Tôi tin lời sư tổ dạy. Không kể đường đi khó khăn ra sao, mục đích đã gần hay còn xa, những đổi thay sẽ đắng cay hay suông sẻ, tôi sẽ hoàn tất. Tôi chắc sẽ đạt được mục tiêu. Đời tôi không có nghĩa gì.”

Hy vọng tràn đầy lộ trong ánh mắt sáng ngời của ông.

Người thứ tư mỉm cười dịu dàng nói: “Tôi đã thấy ánh sáng. Mọi ngờ vực đã tiêu tan. Tôi hiểu được thế nào là Sắc Không. Tôi là cuộc sống dịu êm của bông hoa đương nở. Tôi là dòng suối đương tìm lối ra, qua khe đá gập ghềnh của cuộc đời. Tôi là gió mát trong thung lũng ban mai. Tôi là ánh trăng của đêm tối. Tôi là hào quang mặt trời của  ban ngày. Tôi là Tuyệt Đối. Tôi là Ngã Thể, hiện thân của Cực Lạc. Tôi đã vượt khỏi dòng sinh tử. Tôi đã hủy diệt u mê. Tôi thoát Tục Trần.”

Dụt dè trước hào quang của người thứ tư, Thiền Vi quay nhìn người thứ nhất.

Ông cười với Thiền Vi và nói: “Đừng ghét ta. Ta là quá khứ liệt bại, biến thể, chìm đắm trong u mê của anh. Ta là cái Chính Ngã mà anh bắt gặp và đã để tâm trí quay ngơ. Anh đừng bất chấp nét độc ác trên mặt ta. Anh cũng đừng hối tiếc về những hành động bội phản, và lừa lọc của ta. Đó chỉ là cuộc đời ta biết.”

Nói xong ông biến khuất như bóng hình.

Thiền Vi quay sang người khách lạ thứ hai. Ông này nói: “Đừng riễu cười những điều khoe khoang. Ta cũng là quá khứ của anh. Đó chỉ là thành công của bản ngã anh trong đời. Những thành công vật chất mà con người theo đuổi chỉ là hư không. Tuy nhiên, ta cũng đã đam mê. Ta không thể bỏ hết của cải, và để cả tâm trí vào suy tư. Biết đến bao giờ tâm trí ta mới được thanh thản?” Nói xong ông cũng biến mất.

Thiền Vi hướng mắt về người khách lạ thứ ba. Ông này nói: “Ta là hiện tại của anh. Ta đương cố gắng để hiểu thế nào là Ngã Thể. Ta đã thấy phản ánh qua hư ảo của trần thế. Ta cố bỏ dục vọng. Ta để thời giờ vào việc của thiền môn. Ta quyết tâm trong con đường suy ngẫm…”

Ông dường như hòa đồng với nhân cách của Thiền Vi.

Thiền Vi quay sang người thứ tư. Vẫn mỉm cười và dịu dàng, ông này nói: “Ta là tương lai của anh. Hào quang nơi ta vô tận. Ta là bản cách lý tưởng của Ngã Thể, nơi đó các hiện thân của anh phải trải qua. Ta là vật thể anh tìm kiếm. Ta là ánh sáng giữa vòng trầm luân của thế gian. Ta là nguồn hứng khởi và mục đích của hiện tồn.” Nói rồi, ông biến mất.

Thiền Vi thức tỉnh thấy mình đương ở Tàng Kinh Các. Trăng đã lên cao. Anh nhớ lại những lời của bốn người khách lạ. Anh thấy nét cười của người khách lạ hòa với ánh trăng tràn ngập Tàng Kinh Các. Lời nói dịu dàng như tiếng gió mát trong thung lũng. Anh thấy đã gặp bốn vị khách lạ trong giấc mơ. Anh thấy quá khứ, hiện tại và tương lai, đã hiện thành thân xác trước nhãn giới anh.

Đặng Đức Cường

GS. Chu Văn An

Nhân sinh thất thập cổ lai hi. Chúng tôi hầu như đã quá tuổi này. Khi sức đã yếu, chân đã chồn, ta thường hay nhìn ngược lại thời gian. Mệt mỏi nhiều khi thiếp đi. Thiếp rồi tỉnh hay thiếp rồi không tỉnh, mà thấy nụ cười của người khách lạ, hòa với ánh trăng tràn ngập Tàng Kinh Các thì đã là hạnh ngộ.

* * *

Lên voi, Xuống... đất ĐÂU CHỪNG

CVA Phạm-Văn-Nhuệ

Sau ngày “Oan nghiệt” 30 tháng Tư, năm 1975, để rồi “Nước non ngàn dậm ra đi”, gia đình chúng tôi trôi dạt tới Hoa Kỳ, đến định cư tại Tiểu bang Pennsylvania, trong một Thành phố nhỏ xíu, nhưng có tên dài nhằng: Chambersburg.

Cũng giống như trăm ngàn “tỉnh lẻ” khác của xứ Cờ Hoa, tỉnh này chẳng có gì đặc biệt ngoài những cảnh thường nhật của một thành phố cổ, cũ mèm, dựng lên từ ngày ông Kha-luân-Bố mới tìm ra nước Mỹ, cũng cảnh mùa đông tuyết phủ trắng xóa phố phường, cảnh Nhà Thờ mọc lên nhan nhản khắp chỗ mọi nơi, hình như còn nhiều hơn cả nhu cầu của thị dân sở tại, cảnh các cụ già ngồi sưởi nắng trong công viên những ngày ấm áp, cùng đàn bồ câu tíu tít trên sân, trên vai áo . . . Tỉnh này khác hơn, còn có một kho đạn khổng lồ của Quân đội Mỹ, Kho Letterkenny Army Depot, nằm cách thị xã khoảng chừng 10 dặm, dùng yểm trợ cho  một phần Quân lực Mỹ, trong nội địa cũng như tại ngoại quốc.

Tôi đã tới thành phố này nhiều lần, thực tập tại Kho đạn này nhiều khóa, trong những dịp sang Hoa kỳ tu nghiệp Quân sự trước đây. Ngày tôi tới lần này, phong cảnh thành phố cũng không thay đổi nhiều so với ngày xưa, ngoại trừ sự thay đổi lớn và thảm hại trên hình hài của tôi: Ngày xưa mũ áo xênh xang, tôi tới kho đạn Letterkenny với lon lá nặng vai, huy chương đầy ngực, được tiếp đón long trọng như những sứ thần ngoại quốc. Lần này, ngược hẳn lại: thân tôi trong bộ đồ ngắn cũn cỡn, lại rộng thùng thình, mầu sắc lòe loẹt như một anh hề rạp xiếc, vậy mà tôi cũng đã phải bỏ ra nhiều giờ chọn lựa bộ đồ này trong các thùng đồ “Cứu trợ Xã hội” tại trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Nó tuy không đẹp, cũng chẳng vừa, nhưng dù sao cũng còn hơn phải mang cái áo chemise cũ nát, lại rách bươm, mặc từ Việt Nam đến với người bảo trợ.

Vợ chồng tôi cùng bầy con nhỏ nhít, từ trại tỵ nạn Fort Chaffee tới tỉnh Chambersburg này với hành trang là những thùng carton trước đây đựng cam táo nhưng đã hết, lớn nhỏ không đều, lượm từ các thùng rác sau phòng ăn trong trại, trong thùng nhét toàn quần áo “cứu trợ” phế thải rẻ tiền, dù có vứt ra đường cũng không ai thèm nhặt. Chúng tôi chẳng được ai đón, mà thực ra chúng tôi cũng không muốn bị ai nhìn thấy trong cảnh huống thảm thương này.

Trong khi chờ đợi người bảo trợ tìm việc làm thích hợp với “khả năng không chuyên môn gì cả” cho vợ chồng tôi, tìm trường học cho các con còn nhỏ, thì cả gia đình 8 mạng tỵ nạn lôi thôi lếch thếch chúng tôi, vào mỗi ngày Chủ nhật lại được “pông sô” tận tình mời đón tới tham dự các buổi lễ của một nhà thờ  Methodist gần đó. Việc đi lễ nhà thờ hàng tuần, tuy họ nói “mời tùy nghi tham dự”, nhưng phải hiểu là “không thể thiếu”, và thực ra chúng tôi cũng chẳng phiền lòng. Chúng tôi tự nghĩ dù Chúa hay Phật, hai “Đấng Cứu Thế” này cũng đều muốn mang lại cho loài người những “Cứu rỗi” cùng “Giải thoát” những khổ đau do chính mình mang đến, và cho chính chúng tôi hôm nay. 

Dù “lạy Chúa con là người ngoại Đạo”, nhưng cũng do các buổi lễ này chúng tôi biết thế nào là “Sunday school”, là “Workship”, là “Holly Bible” v..v.. mà từ trước chỉ nghe nói nhưng chưa bao giờ tham dự. Cũng nhờ Nhà Thờ, chúng tôi có thêm nhiều bạn mới tại cái thị xã nhỏ xíu này, mỗi khi gặp nhau ngoài đường hay trong chợ, chúng tôi ríu rít chào nhau như thể quen biết nhau từ xa xưa rồi vậy. Vợ chồng tôi vì lịch sự, vì “đạo pông sô” nên cố chong mắt lắng nghe, nhưng thực tình không thích, và cũng chẳng hiểu bao nhiêu, nhưng các con chúng tôi thì không “lịch sự” được như vậy, chúng đang tuổi lớn, tuổi chơi, tuổi nghịch ngợm, lại chẳng hiểu Anh Văn cùng Giáo lý, nên chỉ sau vài phút chống tai nghe những bản Thánh ca êm dịu, chúng lăn quay ra ghế, ngáy khò khò.

Để mưu sinh cho gia đình tuy đông người nhưng lại không có lấy một xu dính túi, tôi xin được một việc làm “khiêm tốn” trong một tiệm bán fast food “Kentucky Fried Chicken”, chỉ cách nhà vài dặm để lội bộ đi về cho tiện. Chữ “khiêm tốn” tôi dùng để “Mỹ từ hóa” cho một công việc lao động tôi chưa một lần nghe thấy trong đời: chiên gà.

Tiệm khá lớn, chia hai phần rõ rệt: phía trước là nơi tiếp đón khách hàng, được trang hoàng lộng lẫy, tranh ảnh đủ kiểu đủ mầu sặc sỡ dán khắp mọi nơi. Thêm vào đó là những tiện nghi văn minh tân tiến, giúp cuộc sống con người tránh được thời tiết nóng lạnh bất ưng: nào là máy lạnh chạy ro ro mát rợi suốt mùa hè, máy sưởi mở liên tục suốt mùa đông, cực kỳ ấm áp . . . Nhưng phần “đất thần tiên” này không phải là nơi “trấn nhậm” của tôi, “đơn vị đồn trú” của tôi ở phía sau cơ.

Ở phần sau này, ngược hẳn với khu bán hàng phía trước, không máy lạnh hoặc lò sưởi, không tranh ảnh, bích chương, thậm chí không có lấy một chỗ nhỏ để ngồi nghỉ trong giờ “break”, hoặc ngả cơm nắm mang theo ăn vôi bữa trưa. Thay vào đó là 15 lò gas thực lớn, lửa rừng rực suốt ngày, sức nóng gay gắt dù bên ngoài đang giữa mùa đông, tuyết phủ trắng xóa phố phường. Trên các lò gas rực lửa là những chảo mỡ lớn cả cánh tay ôm, mỡ sôi sục nóng nhiều trăm độ. Những giọt mỡ nóng chết người, dù đã cố tránh, vẫn bắn vào mặt, vào hai cánh tay trần, để lại nhiều “thương tích” nám đen, cả nửa năm sau vẫn còn thấy rõ.

Thêm vào đó lại còn nào máy cắt gà, lưỡi cưa sáng loáng và sắc lẻm còn hơn dao cạo, một con gà lớn đưa qua đứt làm đôi trong nhấp nháy, mà không hề phát ra một tiếng động nhỏ. Nhìn máy cưa gà hoạt động êm ru, rồi nhìn tới đôi cánh tay gầy guộc cùng xương xảu của mình, chỉ cần một giây vô ý đưa qua, là . . . đi đứt! Rồi đã hết đâu, các bồn rửa chén lớn như những hồ bơi, các thùng nhào bột, thùng đựng dầu mỡ nhơ nhớp lỉnh kỉnh đầy nhà. Tôi nhìn những vật dụng này mà ngao ngán, nó to lớn nặng nề, nó luôn suốt ngày phát ra những tiếng động ầm ỹ không mấy êm tai, trái với âm thanh êm dịu “nhạc thính phòng” của gian phía trước. Những vật liệu cùng máy móc dữ dằn này lại như không mấy ưa tôi, nó như cũng có máu “kỳ thị chủng tộc” cao độ như người chủ da trắng rất khinh người của nó, luôn “gầm gừ” giận dữ muốn nuốt sống tôi, thân hình tỵ nạn vỏn vẹn không hơn 40 ký, kể cả quần áo giầy mũ.

Điều hành tiệm fast food này là một mụ manager da trắng tuổi nạ dòng, lười lĩnh, dốt nát nhưng lại rất hách dịch, luôn đi trễ về sớm cùng tìm mọi cách trốn việc đi chơi. Tuy vậy, những công nhân chúng tôi lại bị mụ ghép vào “kỷ luật sắt”, chỉ cần tới trễ vài phút là bị đuổi tức thì, không cần tìm hiểu nguyên nhân. Mụ quản lý này còn có nhiêu tính xấu mà chắc chắn người chủ tiệm không ưa, mụ thường ăn cắp các vật dụng cùng thức ăn của tiệm, mang về nhà cho chồng con, rồi mỗi tuần vài lần mụ đưa chồng và các đứa con tới tiệm “ăn khỏi trả tiền”. Mỗi lần các “con trâu lăn” này tới tiệm, báo hại chúng tôi nấu các món ăn cho chúng không kịp thở. 

Bên cạnh những việc bất như ý vừa kể, may thay tiệm lại có một con nhỏ bán hàng thực đẹp, tên Kimberly. Con nhỏ này da trắng nõn nà, mắt đong đưa ướt rượt, mới khoảng trên dưới 20 mà đã có một đứa con gái nhỏ chừng 1 tuổi, không rõ bố là ai. Môt đôi lần trong những ngày nghỉ việc, Kimberly bế con tới tiệm, nó thường giậy cho đứa con xinh xắn, gọi tôi là “step-father”, dù bị tôi cự nự nhưng nó vẫn không tha.

 “Nhỏ Kim”, tôi gọi thế cho tiện, để không phải uốn lưỡi đọc cái tên Mỹ dài thượt, ngọng nghịu và khó nhớ. Vả lại nó cũng nhỏ nhắn, xinh xắn dễ nhìn, không “vai u, thịt thớt”, ú na ú nần như những mụ Mỹ khác mà tôi thường gặp. “Nhỏ Kim” đa tình “hết sẩy”, lại có vẻ “thích” tôi, nó lân la nắm tay, hích mông, cọ đùi, cùng “đá lông nheo” tới tấp. Một lần chỉ có hai đứa trong một phòng kín chứa vật liệu có khóa bên trong, nó bạo dạn nắm tay và hỏi tôi, dĩ nhiên bằng tiếng Mỹ, nhưng “diễn nôm” ra tiếng Việt, có nghĩa như:

“Anh đã có vợ hay chưa?

Mà Anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.

Mẹ già anh ở nơi nào?

Để em tìm vào hầu hạ thay anh.”

Tôi tuy dốt sinh ngữ, nhất là mấy thứ “tiếng Mỹ, tiếng Miều” của các ông bà “pông sô”, nói vào tai này, lập tức chui qua tai kia và bay đi tuốt luốt, không để lại một dư âm. Nhưng hôm nay nghe “nhỏ” này hỏi, tôi hiểu ngay là nó muốn nói gì. Thì ra tuy ngu ngốc giống loài trâu “sáng tai họ, điếc tai cầy”, nhưng nhiều lúc tôi cũng thông minh ra gì vậy, cũng hiểu những gì cần nên hiểu, ít ra với loại ngôn ngữ Quốc Tế cực kỳ dễ hiểu, mà “nhỏ Kim” đã “dùng tay thay lời” để hỏi tôi. Tôi tuy hiểu, nhưng ú ớ tìm cách nói “vòng vo Tam quốc”: Thì, Mà, Bởi, Tại v.v. . ., mà không dám xác nhận hay phủ nhận, để “nhỏ” này muốn hiểu sao cũng được.

Phần tôi, nói cho ngay, tôi cũng “thích” nó. Tôi không ngu tới cỡ bỏ phí một vưu vật “Trời cho”, khi tuổi đời mới gần 4 “bó”, tuổi sung mãn nhất của cuộc sống. Vả lại tôi tuy chạy giặc tới tỵ nạn xứ này, dù quá nửa vòng trái đất đầy gian truân cùng hiểm nguy, các đức tính có thể rơi mất ít nhiều, nhưng tính xấu “Quả nhân hữu tât” của Tề Tuyên Vương vẫn còn nguyên vẹn, không suy suyển. Nhưng dù sao tôi cũng cố “làm ra vẻ” đứng đắn, giữ đúng tư cách “Quân tử Tầu”, từ chối cái “tình cho không, biếu không” của nó. Tôi bắt chước công tử Lục Vân Tiên, bị cụ Đồ Chiểu bắt “ngôn” những câu lãng nhách, nói vậy mà không . . . nghĩ vậy:

“Khoan khoan ngồì đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai”.

Tôi từ chối cảm tình của “nhỏ Kim”, một Kiều-Nguyệt-Nga người Mỹ thời nay đã dành cho tôi, chẳng phải tôi “đứng đắn” hay “chính chuyên” gì, mà chính vì tôi sợ , tôi ý thức rõ hoàn cảnh khắc nghiệt, giở sống giở chết của một người tỵ nạn cộng sản trắng tay là tôi lúc đó.

Trong nhiệm vụ thân phận “cu ly”, dù không có “văn bản” quy định rõ ràng như kiểu “hiệp định ngưng bắn Paris”, để rồi luôn luôn bị vi phạm, tôi và “nhỏ Kim” vẫn tự ý phân chia rõ rệt “quyền làm chủ tập thể” khu vực trách nhiệm của mình: Tôi không được bén mảng lên khu vực bán hàng  sang trọng và thơm tho của nó, nếu không được nó “mời”. Và dĩ nhiên dù không cấm, lại được tôi “dụ dỗ” liên tục, nó cũng không ưa gì khu vực bếp núc của tôi, vừa nóng nực lại dơ dáy, chẳng có gì hấp dẫn một con nhỏ đa tình, trẻ trung, lại ham vui là nó cả.

Một hôm, khoảng 9 giờ sáng, trong lúc tôi đang vất vả vật lộn với công việc lao động hàng ngày, để kiếm đồng lương còn dưới xa mức tối thiểu, quy định rõ ràng trong Luật lao động Hoa kỳ ngày đó. Tôi dùng máy cưa sắc như nước, cắt những con gà đã văt lông trần trụi ra từng miếng nhỏ, tẩm vào một loại bột đặc biệt và “bí truyền” của Công ty K.F.C. rồi thả vào các chảo dầu đang sôi sục, thì “nhỏ Kim” từ khu vực “bất khả hoán đổi” của nó, chạy xuống nhà bếp tìm tôi, mặt nó “khẩn trương” thấy rõ, nói thở chẳng ra hơi, nó bảo tôi: “Có hai ông Đại úy nhà binh tới kiếm “you”, họ không nói việc gì, nhưng đang chờ “you” ở  phía trước kìa, “you” lên ngay gặp họ”.

Tôi cực kỳ ngạc nhiên hỏi lại nó: “You” nói gì? nhắc lại coi, cái gì mà Đại úy nhà binh ? Hay “you” nhìn lộn cảnh sát ra nhà binh? Mà tại sao họ lại kiếm tôi?”.

Nó cong cớn nguýt tôi, ra cái điều chê tôi ngu ngốc, hỏi những câu gì lãng xẹt, nó bảo tôi: “Làm sao tôi biết được, việc “you” liên hệ với nhà binh thì mắc mớ gì tới tôi, muốn biết rõ thì “you” lên đó mà hỏi họ, biết liền hà”. Nói xong nó ưỡn ẹo đi lên “khu vực Thần tiên” với đám khách hàng đang đợi nó.

Tôi cực kỳ bối rối, vì chẳng hiểu Trời Trăng gì cả. Tôi là dân tỵ nạn chính hiệu, mang thẻ tỵ nạn I-94 với dấu ấn “Cho phép làm việc và . . . nộp các sắc thuế” còn mới toanh, nên tuy rất muốn nhưng lại chưa đủ điều kiện tối thiểu làm việc cho nhà binh, dù chỉ là những công việc rất ấm ớ và phụ thuộc, thì Đại úy nhà binh đến kiếm tôi làm gì? Tôi cũng chưa có xe cộ gì cả, cũng chưa có thì giờ đi xin cái “bằng tập lái xe”, dĩ nhiên chưa có cơ hội đụng xe. Hàng ngày tôi đi “chiên gà” bằng xe đạp mượn của ông hàng xóm Mỹ tốt bụng, hôm nào tuyết phủ đầy trời thì tôi lội bộ, dù có té lên té xuống thì cũng chẳng phạm vào quyền lợi riêng tư của bất cứ anh chị Mỹ nào, thì cảnh sát cũng chẳng phí thì giờ truy tầm tôi vì một tội danh chưa phạm. Vậy thì cái gì đây?

Cuối cùng tự nghĩ, dù sao cũng phải biểu lộ “sĩ khí nam nhi” của con dân một nước có  trên bốn ngàn năm văn hiến, đã từng hiển hách “phá Tống, bình Chiêm”, nên tôi phải lên gặp họ, những ông “Đại úy nhà binh”, mà trong lòng cực kỳ hồi hộp.

Những định rằng chỉ lên gặp qua một lần cho biết, lên báo cho mấy anh nhà binh ấm ớ vô duyên này rằng họ đã “đến lầm chỗ” và “kiếm lầm người”, nên tôi không cần rửa qua đôi tay đầy bột, cũng chẳng cần cởi bỏ cái áo choàng dơ dáy, đỏ lòm vì tiết gà, loang lổ dầu mỡ cùng với bụi than. Tôi làm ra vẻ lừng khừng, là bất cần đời, trong bộ vó chẳng giống bất cứ “con” nào, trong “mười hai con giáp”, tôi lên phần đất dành riêng cho “nhỏ Kim”, tìm gặp hai ông “Đại úy chà binh” như họ muốn.

Những người muốn kiếm tôi đúng là 2 anh Đại-úy Lục-quân Hoa-kỳ cực trẻ. Họ đều trong quân phục Tiểu lễ mùa đông: quần áo dạ xám và mũ lưỡi trai cùng màu, cặp dưới cánh tay trái. Họ kiên nhẫn chờ tôi trong điệu bộ bồn chồn sốt ruột

Vừa thấy tôi, do “nhỏ Kim” líu lo giới thiệu, họ có vẻ ngạc nhiên nhìn nhau như thầm dò hỏi, có lẽ họ không tin những gì nhìn thấy. Cả hai tới gần và một người có lẽ đại diện, ngập ngừng hỏi tôi: “Chúng tôi muốn kiếm Thiếu tá Phạm, “you” có phải là Thiếu tá Phạm không ?”

Dù chẳng biết họ muốn gì, tôi cũng trả lời lửng lơ rằng: “Tên họ của tôi là Phạm, Thiếu tá là cấp bậc tôi mang trước kia trong Quân lực Việt Nam của chúng tôi, bây giờ thì hết rồi. Hiện nay tôi là người tỵ nạn cộng sản, được người Mỹ cac ông cho tá túc tại thị xã này, không biết có phải đúng là người các ông muốn tìm?”

Vừa nghe xong câu trả lời của tôi, hai anh Đại úy đổi hẳn thái độ ngập ngừng khi trước, họ lấy vội mũ chụp lên đầu, họ chụm chân lại đánh “cốp”, dơ tay phải ngang mày, chào tôi với cử chỉ thực cung kính, đúng tác phong quân kỷ, đúng “cơ bản thao diễn”, họ nói:

- “Thưa Sir, Thiếu Tướng Braham, chỉ huy trưởng kho đạn Letterkenny Army Depot chúng tôi, cử bọn tôi mang thiệp tới mời Thiếu Tá, vui lòng tới tham dự lễ bàn giao kho đạn sang Thiếu Tướng Howard vào lúc 10 giờ  sáng ngày Thứ Sáu tuần sau. Lễ bàn giao đặt dưới quyền chủ tọa của Trung Tướng Ferguson đến từ Ngũ giác đài. Đây là thiệp mời của kho đạn chúng tôi gửi tới Thiếu Tá”.

 Rồi anh Đại úy vẫn trong tư thế “đứng nghiêm” của nhà binh, tay phải vẫn ngang mày, tay trái đưa ra trước mặt tôi một phong bì mầu trắng, tiêu đề in chữ đen tuyệt đẹp.

Tôi như từ cung trăng rơi xuống, vì dù suy đoán đã nhiều, tưởng tượng ra đủ những chuyện từ tệ hại cho tới may mắn nhất, sẽ xẩy ra trong đời sống tỵ nạn của tôi, do các ông Đại úy nhà binh này mang tới, tôi cũng không thể ngờ được trường hợp này. Tôi cũng chưa từng bao giờ nghĩ mình sẽ là một trong những diễn viên của màn Hài kịch bất đắc dĩ này. Tôi nói “Hài kịch”, vì dù bất cứ ai có đầy máu tiếu lâm trong huyết quản, có là đạo diễn tài ba cho những vở kịch hài, tôi vẫn cam đoan rằng người đạo diễn đó không thể nào xếp đặt được hoạt cảnh “cười ra nước mắt” hôm nay: cảnh hai ông Đại úy cực trẻ của một quân đội lừng lẫy Hoa kỳ, trong nhung phục tuyệt đẹp với lon lá nặng vai, huy chương đầy ngực, đứng nghiêm trang với nét mặt cực kỳ cung kính, trước một anh già người ngoại quốc, quần áo tả tơi, dơ dáy và hôi hám, là tôi lúc đó.

 “Nhỏ Kim” cũng ngạc nhiên không kém, miệng nó thường nhật vẫn tía lia, nói cười không ngưng nghỉ, nhất là khi đứng trước “đối tượng” mà nó không thể bỏ qua là các chàng thanh niên da trắng, đẹp trai. Hôm nay trước mặt nó là hai anh Đại úy cực kỳ lịch sự, thì có Trời cản được việc nó cười nói đưa duyên, vậy mà lúc này nó đứng như tượng gỗ, miệng há hốc khi nghe chúng tôi đối đáp, nó hoàn toàn “tê liệt” trước câu chuyện ly kỳ, mà chính nó cũng có phần tham dự. Từ trước tới giờ, “nhỏ Kim” dù luôn trêu chọc tôi, chỉ vì bản tính đa tình và ham vui, nhưng tôi hiểu là nó vẫn chỉ nghĩ tôi là một anh già lẩm cẩm, lại “mát giây”, thường bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm một thuở” do nó tự ý mang đến. Nó ngạc nhiên vì không ngờ tôi “quan trọng” như vậy.

Sự ngạc nhiên của “nhỏ Kim” cũng có lý do, vì nó còn quá nhỏ nên không thể biết được sự liên hệ giữa tôi và kho đạn Letterkenny Army Depot trong quá khứ xa xưa, lúc tôi còn trong quân ngũ, đã nhiều lần tới thăm kho đạn này trong cương vị “yếu nhân”, tới để học hỏi, rút kinh nghiệm trong việc điều hành kho đạn. Những ngày vàng son đó, tôi ăn uống trong Câu lạc bộ kho đạn, đêm về ngủ hotel, di chuyển bằng military cab do kho đạn biệt phái, có tài xế là những anh quân cảnh to lớn như voi nan, nhưng cực kỳ lễ độ và lịch sự.  Tôi không thèm ăn Kentucky Fried Chicken, nên đâu biết “chiên gà” như hôm nay, lúc tôi đang từ lưng voi tụt dần xuống . . .đất.

Dù muốn hay không, tôi cũng cực kỳ phân vân trong chọn lựa, có nên đi dự lễ bàn giao giữa hai ông Tướng hay không? Nỗi phân vân này có nhiều lý do, mà chính là hoàn cảnh, là hình hài và công việc của tôi lúc này, không còn tương xứng với những gì người ta lầm tưởng. 

Mang nỗi phân vân này “vấn kế” những người bảo trợ chúng tôi, đầu tiên là ông Chauncey L. Depuy, nguyên Chánh án kiêm Quận trưởng quận hạt Franklin, nơi gia đình tôi đang cư ngụ. Sau đó tới người bạn vong niên, cựu Trung tướng Durward E. Breakefield. Khoảng cuối thập niên 1950, ông Tướng 3 sao này làm Chỉ huy trưởng phái bộ Cố Vấn Quân sự “CATO” tại Saigon trong 2 năm liên tiếp, nên hiểu biết rất nhiều về đất nước, cũng như phong tục Việt Nam. Ông Tướng này hiện đã về hưu, có nông trại rộng lớn nằm ngay ngoại ô Chambersburg. Ông tự lái máy cày, xe cắt cỏ cùng những nông cụ to lớn kềnh cang, đặc biệt ông cực kỳ bình dân trong mọi xử thế và giao thiệp, một đức tính quý hiếm, khó thấy trong xã hội Việt Nam, nơi tôi được sinh ra, lớn lên rồi tham gia vào nghiệp lính, đã quá nửa đời người. Tôi quen ông, dần dà tới chỗ thân tình, cũng do xử thế của ông.

Tưởng cũng cần nói thêm cho rõ, gia đình chúng tôi đông người, các con lại còn nhỏ nhít, nên lúc rời trại tỵ nạn đi định cư phải cần nhiều người bảo trợ. Người Mỹ có cùng một thói quen tai hại như nhau, làm việc rất chăm chỉ, lương cao dù tới bao nhiêu, nhưng “hết tháng hết tiền”, nên việc bảo lãnh cho một gia đình đông người như chúng tôi, ra ngoài khả năng tài chính của bất cứ ai, họ không tự làm nổi một mình, mà cần nhiều người giúp sức. Ngoài ra, tôi đã nhiều lần tới nơi này trước đây, bạn bè người Mỹ không hiếm, lúc này họ có cơ hội biểu lộ lòng vị tha như bất cứ ai, giúp đỡ chúng tôi khi hoạn nạn. Gia đình tôi có nhiều “pông sô” cũng vì lẽ đó.

Tôi hỏi “ông Tòa” Chauncey L. Depuy trước, sau đó tới “ông Tướng” Durward E. Breakefield, cả hai người đều có thái độ tỉnh queo, coi như họ đã biết trước việc này từ lâu rồi vậy. Cả hai “ông Bảo Trợ” đều khuyên tôi nên đi dự, họ lý luận rằng đây là dịp may hiếm có, tôi nên bắt lấy để có dịp cho những người Ngoại quốc biết rằng dù qua bao đổi thay nghiêng ngả, nước Việt Nam Cộng Hòa của tôi vẫn còn đó, vẫn có “sứ thần” đại diện.

Cũng do cả hai người cùng có thái độ và lý luận như nhau, tôi khám phá ra chính hai ông này đã dùng uy tín sẵn có, vận động với kho đạn Letterkenny gửi hai “Đại úy nhà binh” mang thiệp tới mời tôi. Nếu không vậy, không cách nào kho đạn lại biết một người tỵ nạn vô danh là tôi, đang có mặt tại thành phố Chambersburg, ngoài ra họ cũng không thể nào biết cấp bậc cuối cùng Thiếu tá của tôi, vì có tới trên cả chục năm tôi không có dịp trở lại kho đạn này thăm họ.

Nguời bảo trợ, cựu Chánh án cũng là cựu Quận trưởng Chauncey L. Depuy lái xe cùng tôi đi dự lễ bàn giao. Với tấm thiệp mời đặc biệt, chúng tôi được tiếp đón vô cùng nồng hậu, được các nàng nữ quân nhân xinh xắn đưa tới tận ghế ngồi trên khán đài danh dự, nơi dành riêng cho “quan khách ngoại giao đoàn”, cho “sĩ quan quân đội đồng minh”. Bên cạnh tôi, ông “pông sô” Depuy cũng vui lây với những gì chúng tôi đang chứng kiến.

Trong diễn văn đọc trước cả ngàn quan khách hiện diện, lúc nói về tiểu sử cùng thành tích hoạt động của kho đạn Letterkenny Army Depot, tên một vài quốc gia liên hệ, cùng một số nhân vật tiêu biểu cũng được nhắc tới như những chứng tích lịch sử liên quan. Tên tôi cùng tên nước tôi, cũng được xướng ngôn viên đọc lên trong lúc này, tên của một sĩ quan đồng minh, đã tới với kho đạn trong thời gian hoạt động nhộn nhịp nhât, thời gian chiến tranh Việt Nam. Tôi, trong bộ complet khá đẹp và sang, mới chạy đôn đáo mượn được của một người bạn Mỹ có size nhỏ như mình, đã đứng dậy nhận những tràng vỗ tay chào mừng của cả ngàn người tham dự.

Cùng tất cả các bạn thân mến của tôi, trong quân đội cũng như ngoài dân sự. Lúc rời ghế nhà trường để tham dự vào cuộc sống bon chen này, chúng ta hầu hết ngang nhau trong các cấp bậc quân sự cũng như chức vụ ngoài hành chánh. Nhưng sau nhiều năm làm “công bộc” nhân dân, rồi do các chiến công hiển hách, hoặc các cơ may, hoặc do “tài riêng” thiên phú, nhiều bạn đã có những chức vụ cao chót vót cả trong quân đội lẫn ngoài dân sự, các bạn có thể được “hoan hô nồng nhiệt” bởi số đông khán thính giả, tự nguyện hoặc bị . . . bắt buộc phải làm.

Nhưng riêng tôi thì không có những “cơ may” như vậy, tôi lẹt đẹt thua xa các bạn ở mãi phía sau. Mỗi khi được thăng cấp hay thay đổi ngạch trật, cũng chỉ vì tôi quá thâm niên, chứ chẳng do một ân huệ hoặc tài năng nào khác. Tôi chẳng bao giờ có dịp xuất hiện trước đám đông để được hoan hô, dù chỉ hạn hẹp trong số cử tọa . . . vài người, tôi và các bạn khác nhau là vậy.

Nhưng sau ngày oan khiên 30 tháng tư, năm 1975, từ cao xa thăm thẳm, chúng ta cùng bị sa xuống đất đen để lại bằng nhau, cùng điêu đứng như nhau trước sự trả thù dã man độc địa của loài thú cộng sản không nhân tính đội lốt người. Từ chỗ tận cùng này, chúng ta lại bắt đầu những cuộc sống “khác nhau”, lần này do chính tài năng của mỗi người, do phúc đức của tổ tiên dòng họ, mà không ai có thể “vận động” hoặc dựa vào một “thế lực” bên ngoài. Một số nhỏ trong chúng ta thoát ra Ngoại quốc, sống nốt quãng đời còn lại ở xứ người, một số khác lớn hơn xui xẻo, kẹt lại trong “địa ngục trần gian”, đọa đầy thân xác trong lao tù cộng sản.

Dù cư trú tại bất cứ nơi nào sau ngày oan khiên không bao giờ quên đó, đã mấy bạn trong chúng ta có cơ may, sống lại những “phút huy hoàng, rồi . . . chợt tắt”, như tôi đã gặp một lần vào năm 1975 tại kho đạn Letterkenny Army Depot, thuộc tỉnh Chambersburg, miền Pennsylvania băng giá, Hoa Kỳ.

CVA Phạm-văn-Nhuệ

* * *

Nén Hương Cho Mẹ

Cớ sao đêm vắng tôi buồn,

Vào phòng, ra bếp, luôn luôn một mình.

Đời tôi nín lặng, làm thinh,

Một mình, một bóng hy sinh cuộc đời.

Người ta nói nói, cười cười,

Riêng tôi chết lặng, chín mười phần đau.

Những ngày thơ ấu qua mau,

Năm mười ba tuổi, biết mầu khăn tang.

Mẹ đi, hoang phế mọi đàng,

Gia đình khóc mẹ bên hàng phi lao.

Mẹ đi, thân bố lao đao,

Con hay gặp mẹ, chiêm bao mộng thường.

Tôi đi tìm kiếm tình thương,

Em đi, em đến, vô thường đời ai!

Công danh, sự nghiệp còn dài,

Đâu người tri kỷ, có ai chung đường?

Tôi về thắp một nén hương,

Cho cha, cho mẹ, sầu thương tan nhoà.

CVA Phan Tôn Sơn

* * *

Quan niệm về hai chữ: TRUNG và HIẾU

Lê Duy (CVA 55-59)

Ở cái tuổi 65 mà vẫn phải đi cầy thì còn hơi sức đâu mà bàn về TRUNG với HIẾU, TAM CƯƠNG với NGŨ THƯỜNG. Nhưng vì một hôm rảnh rang, cầm tờ báo Việt Mercury, thấy ông Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên nhắc lại câu: "Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu" của người xưa và đã hiểu theo nghiã đen của từng chữ như sau: "Vua xử chết, mà (bầy tôi) kháng cự là bất trung. Cha bảo chết, mà (con) còn luyến tiếc cuộc đời là bất hiếu, không xứng đáng là đại trượng phu, là nam tử hán". Ông cho rằng "Hai câu giáo điều này của Nho Giáo đã ngự trị ở Việt Nam cũng như Trung Hoa từ nhiều ngàn năm trước và ngày nay lại được bọn Cộng Sản Việt Nam sửa đổi một chút cho phù hợp với nhu cầu của chế độ là TRUNG với ĐẢNG, HIẾU với DÂN". Thực ra thì bọn chúng (bọn Cộng Sản Việt Nam) chỉ bắt DÂN phải TRUNG với ĐẢNG mà thôi, chứ làm gì có chuyện bọn chúng HIẾU với DÂN? Nếu bọn chúng biết HIẾU với DÂN  thì đâu có chuyện hàng triệu người phải bỏ nước ra đi để hàng vạn người đã phải bỏ xác ngoài biển cả?

Trước khi bàn về hai chữ TRUNG và HIẾU, thiết tưởng chúng ta cũng cần phải tìm hiểu rõ ràng quan niệm của Khổng Giáo về giáo dục con người.

Giáo dục con người theo quan niệm của Khổng Giáo là giáo dục toàn diện vì nếu không toàn diện, không thể nào trở thành một con người hoàn toàn để có thể xứng đáng là Đ_I TRƯỢNG PHU, là NAM TỬ HÁN. Tuy nhiên sự giáo dục này vẫn nặng về ĐỨC DỤC hơn TRÍ DỤC và THỂ DỤC vì thế mới có câu: "Tiên học L•, hậu học VĂN" và phải qua từng giai đoạn một: TU, TỀ, TRỊ và BÌNH. Có TU được THÂN mới có thể nói tới chuyện TỀ GIA. Có TỀ được GIA thì mới có thể nói tới chuyện TRỊ QU–C. Và có TRỊ được  QU–C thì mới có thể nói tới chuyện BÌNH THIÊN H_. Vì thế người xưa mới có câu: "Tự Thiên Tử, dĩ chí ư thứ dân, giai dĩ Tu Thân vi bản" (Từ Vua dến Dân, ai cũng phải lấy việc sửa mình (Tu Thân) làm gốc. Muốn TU THÂN, thì phải biết thế nào là NHÂN, NGHĨA, L•, TRÍ và TÍN và phải biết tuân giữ năm điều này. Mà trong năm điều này, thì điều NHÂN không những đứng đầu mà còn là nguồn gốc của các đức trính khác. Người đã có đức nhân, không thể bất nhân hay độc ác. Do đó một khi đã TU được THÂN, thì dĩ nhiên người ấy không những có TầI mà còn có cả ĐỨC nữa.  Như vậy, khi TỀ GIA, tức khi quản trị gia đình, khi làm cha tức làm chủ gia đình, người ấy không thể nào lại BẤT NHÂN, BẤT NGHĨA, bắt con phải chết một cách vô cớ hay chỉ vì lỡ dại mà làm điều sằng bậy, mà phải tìm cách khuyên răn, dậy dỗ chứ không thể nhắm mắt, lấy quyền làm cha mà bắt con phải chết, cùng lắm là để cho luật pháp xét xử. Cũng vậy, khi một người đã ở vị trí TRỊ QU–C, người lãnh đạo quốc gia, tức người đại diện cho cả nước cũng không thể ỷ thế là VUA hay TỔNG TH–NG hay ĐẢNG (như bọn Cổng Sản chủ trương), mà bắt bầy tôi phải chết một cách oan uổng, không được xét xử công minh.

Mặc dù quan niệm Vua là Thiên Tử, nhưng theo Khổng Tử, DÂN cũng là con TRỜI, chỉ khác là VUA là con TRƯỞNG mà thôi (Phàm nhân giai vân Thiên chi tử Thiên tử vi chi thủ nhĩ). Không những thế, DÂN mới là người đáng qúy nhất (Dân vi qúy, Xã Tắc thứ chi, Quân vi khinh). Thực vậy, không có DÂN thì làm gì có nước? Không có nước thì làm gì có vua? Bởi vậy, dù là Thiên Tử, làm gì cũng phải theo ý trời. Thuận theo ý TRỜI thì S–NG, nghịch ý TRỜI thì phải CHẾT (Thuận Thiên gỉa tồn, nghịch Thiên giả vong). Ngược lại, người làm CON cũng như người là BẦY TÔI, nếu đã TU THÂN, tức đã hiểu thế nào là NHÂN, NGHĨA, L•, TRÍ và TÍN không lẽ không hiểu thế nào là TRUNG, là HIẾU? Chẳng lẽ một người đã được giáo dục như vây mà lại hiểu TRUNG, chữ HIẾU ở đây là không được thay lòng đổi dạ, lúc nào cũng phải tuân theo một cách tuyệt đối dù ông vua ấy tốt xấu thế nào? Vua bảo chết là nhắm mắt chịu chết? Cha bảo chết là nhắm mắt tuân theo?

Hơn nữa PHỤ ở đây là PHỤ nào? Và QUÂN ở đây là QUÂN nào?  Chữ PHỤ ở đây phải hiểu là cha HIỀN chứ không phải là những người cha độc ác, những người cha không biết Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là gì. Cũng như chữ QUÂN ở đây phải hiểu là MINH QUÂN, ANH QUÂN chứ không phải là HÔN QUÂN hay B_O CHÚA. Bởi vậy chữ TRUNG, chữ HIẾU ở đây, chỉ áp dụng với những người cha hiền, những ông vua tài giỏi, đạo đức, nhân từ. Còn đối với những người cha không xứng đáng, những người cha độc ác, cũng như đối với những ông vua độc ác, tàn bạo, hoang dâm hay đối những đảng độc tài (như đảng Cộng Sản Việt Nam) chỉ làm hại dân, hại nước, cắt đất cho ngoại bang như bọn Cộng Sản Việt Nam, thì dù có cưỡng lại cũng không phải là bất trung, bất hiếu. Người con có hiếu, người bầy tôi trung có nhiệm vụ phải khuyên can hay phản đối, nếu không được thì bỏ đi, treo áo từ quan hoặc tích cực hơn, phế bỏ đi. Có như vậy mới là người con có hiếu (hiếu với gia đình), mới là  người bầy tôi trung (trung với nước).

   Thực vậy, giả thử, có người cha tàn ác, bắt mình phải chết một cách một cách phi lý, oan ức, mà mình chịu chết. Sau này người cảm thấy mình có lỗi, hồi tâm lại thì mọi sự đã muộn nên ân hận và đau khổ, như vây sự chịu chết của mình đâu phải là hiếu, mà là bất hiếu vì đã làm cho cha đau khổ. Trái lại, nếu mình bỏ đi, sau này người cha biếi lỗi  mình trở về phụng dưỡng cha. Như vậy mình mới là người con có hiếu. Đối với người bầy tôi cũng vậy. Nếu gặp phải ông vua tàn ác, bạo ngược, mà cứ chiụ nhục, chịu chết thì không những sự chết của mình chẳng có ích gì cho dân, cho nước, mà còn khuyến khích ông vua thêm tàn bạo, thì thử hỏi đến lúc đất nước nguy biến, còn đâu người tài giỏi để đứng ra lo việc triều chính, để bảo vệ giang sơn? Chính vì không hiểu rõ được thế nào là TRUNG, là HIẾU, là QUÂN, là PHỤ nên nhiếu người đã không thể giải quyết được khi  phải chọn một trong hai chữ TRUNG và HIẾU.

Đọc lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy có rất nhiều bầy tôi đã hiểu chữ TRUNG, chữ QUÂN một cách tích cực như vậy mà cụ Chu Văn An, cụ Nguyễn Trãi là những điển hình. Chính Đức Khổng Tử  cũng đã từng hành xử như vậy. Chỉ có điều vì ngài chủ trương NHÂN TRỊ CHỦ NGHĨA, lại sống dưới chế quân chủ chuyên chế nên cách giải quyết của ngài để phế bỏ những ông vua tàn ác, bạo ngược không thể thuyết giảng công khai mà chỉ âm thầm nhưng vẫn không thiếu phần tích cực và dũng cảm đó là sự ra đi (treo áo từ quan) và tìm người khác xứng đáng hơn để phù trợ mà vẫn không mang tiếng là bất trung, là phản nghịch. Một khi những người tài giỏi đã bỏ ra đi hết thì chẳng sớm thì muộn, ông vua tàn ác bạo ngược kia cũng bị mất ngôi, mất nước Đọc chuyện Đức Khổng Tử bỏ nước Lỗ trong cuốn Ôn Cố Tri Tân, Tập 2 trang 657 của Mộng Bình Sơn, chúng ta thấy Ngài đã được vua nước Lỗ là Lỗ Định Công mời về và phong cho làm Tướng Quốc và ngài đã giúp cho vua nước Lỗ chỉnh đốn lại được kỷ cương trong nước khiến nước Lỗ mỗi ngày một cường thịnh. Nhưng khi ngài thấy Lỗ Định Công không còn xứng đáng là một vị vua nữa, và cũng không còn thể nào cải sửa được nữa vì đã bỏ mất điều L• nên ngài đã bỏ nước Lỗ ra đi dể sang nước Vệ rồi nước Tống để tìm minh chủ để phò trợ. Ai dám bảo Đức Khổng Tử, một người đã đề ra thuyết Nhân Trị Chủ Nghĩa, lấy Tam Cương Ngũ Thường làm giường cột, là bất trung? 

Tóm lại, quan niệm của Đức Khổng Tử về Trung và Hiếu cũng như Quân, Sư và Phụ, lúc nào cũng phải dựa vào NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ và TÍN. Bởi vậy, không phải lúc nào cũng "Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu". Câu này sở dĩ được luôn luôn nói tới trong thời phong kiến bởi vì thời nào cũng vậy, hôn quân, bạo chúa, gian thần, nịnh thần thì nhiều mà minh quân, anh quân, trung thần thì ít, nên bọn gian thần, nịnh thần luôn luôn nêu câu này lên để hãm hại trung thần. Ngày nay, bọn Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam tuy bề ngoài thì đả phá chế độ quân chủ, phong kiến, nhưng cũng bấu víu vào hai chữ TRUNG và HIẾU của Khổng Tử để đàn áp dân chúng cũng như những người bất đồng chính kiến. Là bầy tôi trung, phải hiểu là trung với nước, Vua hay Tổng Thống chỉ là người đại diện. Nếu không xứng đáng, người bầy tôi trung, nói riêng, công dân tốt, nói chung, không những có quyền mà còn có bổn phận đứng lên tìm cách phế bỏ hay đạp đổ. Liệu bọn chúng, Cộng Sản Việt Nam còn có thể tồn tại được đến bao giờ nếu chúng không thay đổi cách cư xử đối với dân và cách phụng sự đối với đất nước? Người xưa thường nói: "Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong". Thiên ở đây chính là lòng dân.

CVA  Lê Duy 

* * *

LTS:  Hội CVA Bắc California hân hạnh nhận được tập thơ song ngữ “Tình Yêu Như Lửa Ấm” (The fire of Love) của CVA Minh Viên gởi tặng.  Chúng tôi xin trích đăng một bài sau đây để quý vị độc giả thưởng thức:

ĐÓA HỒNG

CVA Minh Viên

Em giờ hồng thắm khoe tươi

Ngát hương tình ái hơn thời mới yêu

Anh say nhan sắc diễm kiều

Hóa thành cánh bướm sớm chiều ngẩn ngơ

THE ROSE

You are a fresh sweet-scented crimson rose

That’s more charming than in its tender youth

I go into ecstasy over your love’s fiery light

And become a romantic butterfly day and night

* * *

CVA Nguyễn Gia Bình

“...Song sa vò võ phương trời,

“Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng...

 (Kiều)

Mến tặng Cô Diệu-Hương                                                                                                                                                                                                    

Một

Nằm vắt tay lên trán tôi bâng khuâng nghĩ loanh quanh về “Những Bài Văn Làm Rợn Tóc Gáy” vừa tình cờ liếc qua.  Thế là hết chuyện rồi ư?  Không nhẽ một mai con cháu ta chỉ còn mỗi trông vào chồng sách vàng ố từ thuở Tự- Lực-Văn-Đoàn, hay là bám vào mớ chữ nghĩa từ đời ta đổ về trước để trau dồi Quốc-ngữ hay sao?  Hoang mang về trình độ văn chương cập nhật của các mầm non trong bài viết, tôi nóng lòng mong bói ra được thật nhiều tác giả hiện đại xuất chúng khả dĩ làm tiêu chuẩn cho đàn trẻ sau này dựa dẫm.  Nhưng sao mà lạ, chỉ thấy nhởn nhơ toàn những nhân vật thành danh nói thẳng nói thật về vú dái trôn đít cỡ nhà học giả trẻ họ Nguyễn ngụ tại Úc, hoặc nữ sĩ họ Phạm phiêu bạt bên trời Âu... chờn vờn trước mắt mình thôi!   Sự hài hước vô tình của các em thí sinh đã lôi tôi ngồi dậy ngó lại những lời văn trong mùa thi làm mình bật cười.  Bất đồ từ đấy tôi phát giác ra một điều an ủi vớt vát, là tình trạng làm văn thất bại của học trò trong suốt bài đăng hầu như được thu thập cóc nhảy từ nhiều vùng kém phát triển trong nước.  Chừng như người viết sưu tầm những thí dụ nổi bật này để chọc cười hay trêu ngươi độc giả khó tính...

         Tiếng nói phổ thông ở mỗi thủ đô thường là thứ tiếng tiêu biểu cho cả một dân tộc.  Sự xâm nhập của thể chế Xã-Hội-Chủ-Nghĩa đã kéo theo những thay đổi gì trong ngôn ngữ truyền thống VN khởi từ đất Hà-Nội nhân văn? 

        Trong mọi tiến trình di dân hoặc pha trộn dân cư tự cổ chí kim, cách phát âm của một tập thể quần chúng tự nhiên được uốn lại sau thời gian dài bắt bén thuỷ thổ và va chạm với thổ ngữ địa phương hay ngôn ngữ của tập thể khác.  Ngót sáu thế kỷ trước, dân chúng tỉnh Thanh-Hoá dây mơ rễ má với các khai quốc công thần nhà Hậu Lê đã từng túa ngược vào Thăng-Long thành sau ngày Lam-Sơn khởi nghĩa hát khúc khải hoàn.  Người ta có thể hình dung ra sự phân biệt giữa giọng dân Thăng-Long trước và nhiều năm sau thời điểm ấy y như thể trường hợp tiếng Kinh VN ta đã biến thiên từng miền xuôi theo bức bản đồ Nam tiến cong queo dài ngoằng. 

          Cách phát âm tổng hợp sau năm 1954 giữa đa số người Hà nội còn ở lại hoà cùng chúng nhân tứ xứ, đặc biệt từ mạn bắc Trung Việt theo Cộng quân vào tiếp quản thủ đô cũng đại để mô phỏng theo các bước chân lịch sử nêu trên.  Nói tóm lại, sự biến đổi ngôn ngữ tại Hà-Nội đã được đúc kết sau vài thế hệ kể từ hiệp định Genève.  Không cần bận tâm thâm cứu lôi thôi về nguyên ngữ học người ta vẫn dễ nhận ra lối phát âm ấy, nhất là qua giọng thanh thiếu niên, ở đặc điểm dấu hỏi thường được nhấn vào âm có dấu sắc (tỷ như, “Chủng chảu chào cô ạ!”). 

           Đặc biệt hơn nữa là cung cách dùng chữ.  Ngôn ngữ là điều năng nói năng quen cho dù thoạt kỳ thủy có lạ lùng mấy đi nữa.  Để thể hiện khuynh hướng thay đổi cho khác đi những giá trị cũ, đã có biết bao nhiêu từ Hán-Việt (như là “Ngoan-cường”...) chen ngang xương vào giữa những tiếng thật nôm na (như “Bộ đội gái...) trong các câu nói.  Vô số tiếng vừa thơ mộng hoá (ví dụ “Lê thị Hồng-Lúa” --tự Lê thị Lúa--...), vừa dở Ta dở Tầu (“Cụm từ”...), vừa chơi chữ Tây (“Sô-vanh nước lớn” --chauvinisme--...), vừa nói tắt (“Sĩ” --sĩ-diện--...), vừa ám ảnh (“Báo-cáo”...), vừa dao to búa lớn (“Đại-trà”...), vừa nghịch đảo (“Giản-đơn”...), vừa mới đẻ ra (“Bức-xúc”...), v.v... cũng đã ăn chặt vào quan hệ sống hàng ngày.  Nhờ vậy người ít chữ được dôi thêm ra ít vốn ngữ vựng thuộc lòng có thể áp dụng thuần thục vào bất kỳ đối đáp nào; kẻ nhiều chữ dĩ nhiên càng uyên bác hơn trong lời ăn tiếng nói.  Lại còn thêm nghệ thuật trao đổi tiếng lóng khá phong phú khiến bề mặt sinh hoạt bên lề luật lệ tăng phần bí hiểm...  Toàn bộ thay đổi này đã khiến ngôn ngữ mới hoá thân không bao giờ còn nguyên si là giọng Hà thành, mà dân Bắc Kỳ di cư vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày hôm nay. 

         Sau những đợt di cư của thiểu số người Bắc vào phía Nam, giọng nói người lớn thường vẫn giữ nguyên, nhưng giọng trẻ em luôn luôn bị thay đổi ít nhiều do tiếp xúc với ngôn ngữ phía Nam.  Trong vài ba thập niên gần đây tại Nam Việt và hải ngoại, trẻ gốc Bắc đến tuổi trưởng thành thường khó lòng nói thuần tiếng Hà-Nội --Bắc Kỳ rốn-- nếu không sống sát với gia đình vốn là dân di cư từ 54.  Thậm chí ngay ở những xướng ngôn viên radio trẻ nói thạo nhất, giọng Hà-Nội vẫn được pha trộn với nhiều tiếng Nam vì khó khăn lớn trong việc phân biệt âm có dấu hỏi và dấu ngã, cũng như phụ âm kép “nh” cuối chữ (như “Ăn Bừn” --anh Bình--), v.v...  Thêm một điều nữa là lớp người Nam tập kết ra Bắc sau này cũng dần dà nói năng rập theo lối phát biểu của cánh bộ đội VC chính quy; hết còn là tiếng Nam rặc ròng như ngày nào ở dưới xứ. 

         Tất cả sự kiện vừa kể đã nói lên biến đổi khôn lường của ngôn ngữ dân tộc theo diễn tiến thời cuộc từ ban sơ.  Tiếng nói luôn có một tiêu chuẩn thực tế thích nghi với đời sống hiện tại mà toàn dân đương thời cùng xử dụng.  Lẽ dĩ nhiên tiêu chuẩn này hoàn toàn không chấp nhận loại ngôn ngữ của học trò trong “Bài Văn Rợn Tóc Gáy” được trích đoạn sau bài viết này.  Tầm mức tối quan trọng trong việc đầu tư vào Sự Nghiệp giáo dục của nhà cầm quyền gắn bó mật thiết với hưng vong của dân tộc.  Ý thức được điều này nghe ra hay hơn là chê trách hoặc xem trình độ kém phát triển của giới học sinh đang chịu nhiều thiệt thòi như trò cười năm phút!

         Trong cuộc chiến tại miền Nam, lực lượng VC nòng cốt hầu như nằm trong số những người không may lớn lên trong cảnh nhà không khá và kém học. Kịp đến thời hậu chiến, thành phần chiến thắng này được bố trí công tác kết hợp với tiếp thu văn hóa đốt giai đoạn, ngõ hầu đạt cực nhanh trình độ tri thức thích nghi với sự nghiệp lãnh đạo.  Trí thức được cải thiện đến đâu, thì từ ngữ thể hiện tính quần chúng từ Bắc Việt Xã-Hội-Chủ-Nghĩa được lặp đi lặp lại rộng khắp miền Nam đến đấy.

          Một anh bác sĩ mổ bản thân dân cầy học lực lớp Hai, có nghề leo dừa nhìn thấu trái nào nước trong không vữa cơm thì bẻ xuống chọc truyền tĩnh mạch cấp cứu chiến sĩ ngắc ngoải.  Anh lại còn khả năng tiến hành đục hộp sọ giải phóng máu bầm một cách sáng tạo bằng những y cụ thô sơ tự cải thiện lấy; chưa kể trình độ dám nghĩ dám làm như mổ sống thương binh, lắt bỏ chỗ nào nát bét không nhất thiết gây tê mê với tỉ lệ sống rất đạt... 

         Dưới ánh sáng của những nghị quyết đãi ngộ người có công, bác sĩ phẫu thuật kia được trên chiếu cố nâng cấp cho lên chức bệnh viện trưởng kiêm chủ nhiệm chuyên khoa ngoại thay giám đốc nhà thương cũ đi cải tạo.  Trong thời gian ấy, anh được chỉ đạo phải hạ quyết tâm khắc phục hai tồn tại mấu chốt.  Cụ thể một là, ra sức đảm bảo chất lượng thao tác phẫu thuật nhuần nhuyễn hơn nữa tại viện.  Hai là, triệt để tham gia các khóa bồi dưỡng vừa hồng vừa chuyên, bao gồm lí thuyết chính trị kèm văn hoá phổ thông và y khoa cơ bản.  Do quá trình nghiệp vụ chuyên môn khá cứng trong chiến tranh, mấy niên đại học Y được duyệt coi như là đã kinh qua.  Như vậy người lương y như từ mẫu này chỉ cần khẩn trương tiếp thu thật tốt khâu bổ túc phổ thông, sơ bộ từ lớp ba cho đến lớp mười theo giáo án chính quy từ miền Bắc XHCN.  Bởi có công sâu sắc với cách mạng cho nên thực tiễn trong quá trình văn hoá tại chức, mỗi năm anh có thể tranh thủ vượt cấp vài ba lớp.

         Khi đổi mới, người ta thường có chiều hướng đi chệch ra ngoài tư duy và khẩu hiệu.  Quan điểm “Vì lợi ích một trăm năm trồng người” của cụ Lão Tử thật ra đã không được triển khai đúng đắn tại nhiều vùng xa xôi.  Song song với đà phát triển văn minh tư sản về sau này, tinh thần học lấy bằng tại các tỉnh lẻ hầu như vẫn tà tà noi theo truyền thống đại khái chủ nghĩa, được phản ánh qua thí dụ “một niên khoá lên ba lớp” vừa nêu bật bên trên.  Nền giáo dục tại những nơi đó nói chung là không được tập trung tốt.  Sự kiện này đã dễ dàng giải thích vì sao có những lối hành văn buồn cười nơi quý em tú tài nho nhỏ.

         Tinh hoa của một quốc gia vốn dĩ tập trung vào những chốn đô hội.  Tại đó văn học nghệ thuật thường có cơ phát triển rộng rãi và chương trình giáo dục được quan tâm nhiều hơn.  Không thiếu gì kẻ ý thức được tầm quan trọng về việc làm sao cho trẻ khỏi bị dốt nát; cho nên đã có biết bao con nhà Việt-Nam từ các thành phố lớn tự túc du học sang Âu Mỹ.  Dân Tây thường cho rằng, “Đời là chuỗi nuối tiếc và hy vọng”.  Đúng vậy.  Hy vọng rằng nền văn chương của ngày mai vẫn có chỗ đứng nghiêm túc trong đầu óc học sinh tại những thành phố không có tên trong bài văn trích đăng.

Hai

Đối với người Hán có đời sống phát triển hơn đang chiếm ưu thế trên phần đất đương thời, thì tập chủng Bách Việt tại nam bộ Hoa lục là những sắc dân thiểu số phiêu bạt.  Giòng Lạc-Việt từ đời Hồng-Bàng theo sử liệu đã có hồi hùng cứ tại một vùng địa dư rộng thấu xuống các tỉnh Quảng-Đông, Quảng-Tây và Bắc Việt-Nam.  Cũng chỉ vì thưa thớt so với thành phần Hán tộc mà sau đó ông cha ta đành xuôi chiều lịch sử, trôi dạt về thu mình ở vài quận trong Giao-Chỉ-Bộ tức Bắc phần ngày nay.  Tiếng Nôm sơ khai từ thời bộ lạc Lạc-Việt đã dần dần được làm giầu bằng ngôn ngữ của dân Hán vây quanh.  Sự pha trộn tiếng nói kể ra cũng là thường tình trong mọi lẽ sống còn.

Có thử ghé mắt qua bộ tộc Mân-Việt, vốn là tiền thân của giống người Phúc-Kiến tại cực Đông Nam Hoa lục và của một giống dân thường trú tại Đài-Loan đảo, mới thấy tính cách độc lập của ta vượt bực hơn người.  Nòi Mân-Việt bấy lâu hầu như đã bị Hán hóa hoàn toàn từ văn hóa cho đến đời sống; chỉ trừ mỗi cách phát âm là còn khác biệt tùy vùng.  Trong khi đó, nhờ căn bản địa hình sơn xuyên hiểm trở hợp cùng cá tính bất khuất, giống Lạc-Việt sau già nghìn năm dưới ách đô hộ của các triều đại Tầu đã giành lại được chủ quyền.  Ta đã duy trì được trọn vẹn nền văn hiến cá biệt dài lâu trong cố thổ có biên cương riêng biệt.  Nếu xem những điều này là tuyệt vời thì cái giá phải chịu đựng về Hán hóa Việt ngữ cũng không đến nỗi ê chề cho lắm.

Tiếng Hán-Việt hỗn hợp đã dần dà "hóa đá" theo thời gian.  Kho văn hóa hóa đá này dù muốn dù không đương nhiên là của hương hỏa dành cho Việt tộc.  Những người có tâm huyết trong cũng như ngoài nước hôm nay có thể nghĩ rằng, một trong những điều nên làm trước khi đi tầu suốt là cố giữ cho các thế hệ mai sau khỏi bị vong bản.  Việc này rõ ràng gắn bó với sự thông hiểu từ ngữ Hán-Việt, vốn chiếm quá nửa toàn bộ Việt ngữ tự nghìn xưa.

Tại hải ngoại, nghề chính của con em ta là đi học theo chương trình cưỡng bách giáo dục của từng nước chủ nhà.  Thế cho nên một cách thông cảm nhất để giữ cho trẻ mỏ khỏi bị mất gốc, là cố gắng trau dồi tiếng ta cho các em tại gia.  Ai cũng thấy rõ chính quyền sở tại luôn vỗ tay cổ võ sự phát triển đa văn hóa từ mọi sắc tộc trong xã hội hợp chủng.  Tuy nhiên trên thực tế, ngay điều giản dị nhất cũng không hẳn là dễ áp dụng.  Thành phần cá nhân càng thành công trong các xã hội bao dung bao nhiêu, thường càng hay dùng chính thứ tiếng của xã hội ấy để sinh hoạt với con cháu mình bấy nhiêu.  Ví như bố mẹ là người Mỹ gốc Việt thì họ thường nói tiếng Mỹ với bầy trẻ nhà.  Họ không khoe tiếng với con mình làm gì, cũng không cốt ‎để cho con khỏi ngu tiếng Mỹ, mà hầu như đó là nếp sinh hoạt theo thói quen vô thức đôi khi khó giải thích.  Hoặc giả thâm tâm người ta không nỡ để trẻ thêm vất vả, vì học trình Anh ngữ nặng nề hiện đang làm chúng quá bận rồi.

Cuộc chiến cam go dài ngày tại VN đã “thắt lưng buộc bụng” tối đa sự phát triển tự nhiên của con dân về phía Xã-Hội-Chủ-Nghĩa.  Thể chế kém hiệu lực trong thời hậu chiến càng lúng túng hơn.  Trong sự tắt lịm hoa đăng chiến thắng, quyền bính đã biến vinh quang thành trường chiến bại.  Nền giáo dục suy thoái càng khiến “mặt trận văn hóa” thua buồn!  Thế nhưng niềm kiêu hãnh vẫn còn đó.  Giai cấp có ưu thế mới trong nước cố chấp lái sự phát triển văn hóa thành ra những khai phá khác thường để bù lấp vào mọi chỗ khuyết.  Khai phá mà thiếu hiểu biết thường đi đến chỗ hủy hoại đáng tiếc.

Những thế hệ giao thời giữa các nền văn hóa thuộc địa tại VN nay đà khuất núi gần hết, để trơ ra bao nhiêu là kẻ ấm ớ Tây chẳng ra Tây, Tầu chẳng ra Tầu, đứng ra làm cái việc hay chữ lỏng.  Rút lại quần manh dẫn quần manh, mạnh thầy, mạnh trò, rồi thì Bắc Trung Nam cả nước thi nhau chế vong mạng ra những thứ chữ mới để rồi thi nhau áp dụng một cách thời thượng.  Nguyên tắc chung để hình thành kiểu văn tự sáng tạo ấy, là cứ việc bẻ đôi hai chữ nho kép khác nhau, rồi chắp nửa nọ nửa kia của từng chữ vừa bẻ thành ra một chữ kép mới, vẻ như từ ngữ Hán-Việt, nhưng ‎nghĩa chữ thì phải đoán tùy cảm quan cá nhân.  Nếu “đối-tượng” nghĩa là vật thể được nhắm vào, cũng như “tác-động” là việc làm ảnh hưởng đến sự gì, thì “đối-tác” có thể được đoán toé loe ra là “các kẻ có liên hệ với nhau về công việc gì”, v.v...  Phải chăng khi dùng từ ngữ mới, con người chất phác sẽ chuốc thêm được đôi chút hãnh diện, vì tự ti mặc cảm thấp kém của cả một tổ quốc trong lòng họ qua đó vợi đi phần nào trong muôn một?

Hẵng về với việc duy trì nền văn hóa Việt.  Ngày xưa bên cạnh nền nông tang lạc hậu, tổ tiên ta giang tay đón nhận mọi phương thuật và học thuật của người Trung-quốc như là kim chỉ nam.  Ấy vậy mà chỉ vì thói dấu nghề truyền thống của chế độ cai trị tai hại này, bô lão nhà mình hầu như chỉ còn cầm được vỏn vẹn mỗi bốn chữ “tứ thư-ngũ kinh” vào phút cuối.  Giá trị sát sườn của mớ kiến thức từ chương lúc bấy giờ tập trung cả vào hoạn lộ, hoặc nhỡ nhàng ra thì cũng thể ông đồ, "tiến vi quan, thoái vi sư"...  Thời gian dần trôi, những người muôn năm cũ đã hờ hững ra đi quên cả dặn dò, khiến cho bóng dáng Nho học mờ dần quanh những người Việt già nhất còn sống sót có thể đóng vai thầy.  Lũ hậu duệ rồi ra đành chịu loi ngoi mò mẫm trong biển chữ tối nghĩa quá sức!

Cho dù ngôn ngữ Hán-Việt ngày nay đã hoàn toàn phổ thông theo cách viết quốc ngữ alphabet và lối phát âm Việt-Nam; nhưng không học thì vẫn khó lòng thông hiểu được nghĩa chữ.  Khổ thêm nữa là nỗi trẻ thiếu cơ hội nói tiếng Việt trong số lớn gia đình tại hải ngoại; cũng như lối dậy dỗ và xử dụng chữ nghĩa lập lòe mới lạ trong nhà trường tại VN vừa bàn.  Tất cả thí dụ bất lợi đã dự phần vào trở ngại đáng quan tâm trên con đường bảo tồn những gì còn lại của giòng giống Lạc-Hồng.

Công cuộc giáo dục Việt văn ngày nay thực cả là một công trình cao thượng trông vào những người giàu kiến văn cũng như hằng tâm hằng sản đi trước.  Nói, đọc và viết gẫy gọn vẫn là kỳ vọng trong việc giáo dục về nguồn cho các thế hệ mai sau.  Để thu hẹp thêm phạm vi mong đợi này, dường như điều thực dụng hơn cả là chỉ việc nói toàn tiếng ta với con cháu ở nhà ngay từ thuở em bé mới bập bẹ đôi tiếng đầu đời, cho dù việc ấy ngó bộ không mấy tân thời thì phải.  Dẫu sao mặc lòng, khi lớn lên trẻ sẽ sung sướng được ta ban cho thêm một sinh ngữ mà con nhà nước khác làm sao có được!

                        Tiếng còn đó thì nước sẽ còn đó. 

Những bài văn làm rợn tóc gáy:

(Trích đoạn)

Tuesday, June 22, Hoang Khoi Phong (Theo Báo Thanh niên số 129 ra ngày 30/05/2001)

LTS: Để có thể biết được trình độ thưởng ngoạn văn học của những thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay ở trong nước, không gì bằng đem các bài luận của các em bé tiểu học và các bài bình luận thơ văn của các học sinh trung học ra làm bằng cớ. Dưới đây là những tiết lộ của các tờ báo ở trong nước, về cảm nhận đối với văn học Việt Nam của các thế hệ học sinh ở trong nước.

Em hãy tả hình dáng và tính tình một cụ già mà em rất kính yêu” - Ðó là đề tập làm văn trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học vừa diễn ra ở tỉnh nọ. Xin trích nguyên văn từ 10 bài làm của học sinh :


         1. Hình dáng của bà nội rất là thấp được hai mét rưỡi dáng đi rất chậm chạp, mắt thì lừ đừ ít thấy gì nữa… Tính tình cụ già rất là bực bội… Khi bà nội cười liền nhe mầm răng ra còn được ba bốn cái gì mà thôi.

         2. Con mắt của bà tròn như hòn bi, mũi có hai cái lỗ, miệng cụ già có hai cái tai, tóc của bà đã bạc phơ. Cổ ngắn gọn, thân của bà 2, 3 thước, bà có hai cái tay, có hai cái chân.

         3. Bà cụ ngoài 40 tuổi.

         4. Hình dáng bình thường, chiều rộng ba mươi, chiều cao một mét sáu.          5. Khi cười miệng bà em móm mém như miệng cá hố.          6. Hình dáng của ông ấy rất bình thường chiều rộng một mét, chiều cao hai mét.          7. Mỗi khi ông cười hàm răng của ông không còn trắng và chắc như trước nữa mà đã gãy bốn cái răng. Khuôn mặt của ông không còn đẹp trai như trước nữa mà rất nhăn nhó, ông cười cũng như là ông giận.

         8. Khuôn mặt ông bầu bĩnh; đôi mắt ông như mắt bồ câu trắng; dáng đi của ông rất hoang thai và cái miệng của ông như trái tim rất mảnh liệt.

         9. Ông của em dài thì bằng mười mét và không mập.

         10. Ông em cao khoảng 1m, khung mặt của ông như trái song.


---

Các HS lớp 4B (năm học 2000- 2001) Trường N.T.C, Hà Nội vẫn còn nhớ như in:

"Trong tiết kể chuyện, cô giáo D.T.H (GV dạy giỏi cấp thành phố) kể theo lịch sử, Triệu Ðà lãnh đạo quân Tần sang xâm lược nước ta. Quân Tần chính là Tần Thuỷ Hoàng và Tần Thuỷ Hoàng là con Triệu Ðà. Tần Thuỷ Hoàng tên thật là Trọng Thuỷ".

(Báo Lao Ðộng, 22.05.2002)

---

Ðề 1: (không rõ đề). Một bạn học sinh lớp 9 PTCS T.A., Huế đã viết như sau:

 “Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, song nàng đã bị chế độ phong kiến vùi vào đống bùn nhơ. Ðến nỗi chịu không nổi, nàng đã nhảy xuống sông Tiền Giang tự vẫn. May thay lúc đó có một bà Ðảng viên đi công tác về, bà liền nhảy xuống sông cứu nàng. Sau đó, Kiều giác ngộ và đi theo con đường Cách Mạng…”

Ðề 2: Em hãy phát biểu cảm nghĩ của mình về việc Nguyễn Du đã để lại cho chúng ta tác phẩm Kiều. Một bạn lớp 11 PTTH Cái Bè đã viết:

“…Nguyễn Du là lão tiền bối của chúng ta, mặc dù tiền bối đã sớm ra đi vào một chiều gió lạnh, nhưng vẫn làm chấn động cả giới hậu bối của chúng ta, qua bí kíp võ công “Vương Thuý Kiều” hay còn gọi là “Đoạn Trường Thất Thanh”. Bằng chứng là qua các kỳ thi, pho bí kíp này lại xuất hiện và làm “thất điên bát đảo” cả giới “hậu bối” chúng ta…”

Ðề 3: Em hãy tường thuật lại diễn biến chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Bài làm của một học sinh lớp 9:

“… Quân địch đánh ra, quân ta đánh vào ào ào như lá tre rụng, đồng chí phe ta đánh thắng cha phe nó ghê hết sức… Kết quả: sau 55 ngày đêm chiến đấu oai hùng, ngày 7-1-1991, phe ta thắng phe nó, chúng ta đã giết sống được 16,200 chúng nó, phanh thây 62 máy bay (em quên mất tên của máy bay, xin cô thông cảm)…”

Ðề 4: Trong các tác phẩm đã học và đọc thêm, em thích tác phẩm nào nhất? Vì sao, hãy chứng minh. Bài làm của bạn NAT, lớp 10B một trường PTTH:

“Trong kho tàng văn học Việt Nam, ca dao dân ca rất giàu tình nghĩa… Trong các tác phẩm đó em thích nhất tác phẩm “Tắt đèn” của chị Dậu. Vì nó đã thể hiện tinh thần chống lại sự bóc lột phụ nữ của chế độ phong kiến. Chứng tỏ chị đã bán con và chó để thể hiện tinh thần kiên quyết đó…”

Ðề 5: Em hãy phân tích trình tự diễn biến tâm trạng nàng Kiều trong đoạn trích “Những nỗi lòng tê tái”. Bài làm của bạn NCT, lớp 10A PTTH Phú Nhuận, có đoạn đã viết:

“…”Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”. Qua đó, ta thấy tên khách họ Hoàng thật là tàn nhẫn, hắn hôn Thuý Kiều đã rồi lại bắt Kiều hôn lại, làm cho Kiều ngày càng biến thành gái lầu xanh chuyên nghiệp, muốn ngóc đầu lên cũng không nổi…”

Ðề 6: Trong “Bình Ngô Ðại cáo” của Nguyễn Trãi, đoạn thơ nào đã nói lên sức mạnh và khí thế dũng mãnh của quân ta trong cuộc kháng chiến? Một bạn nam đã viết:

“Đoạn thơ sau nói lên sức mạnh và khí thế dũng mãnh của cha ông ta: “Đánh một trận giặc không kinh ngạc, đánh hai trận tan tác quân ta”…”

Ðề 7: Anh chị hãy phân tích hình ảnh người lính Việt Nam qua thơ ca kháng chiến chống Mỹ, điển hình như bài “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân. Bài làm của một bạn lớp 12 ở Bến Tre, viết:

“… Trên đường băng Tân Sơn Nhất, một anh giải phóng tự nhiên nằm đó. Một chị đi ngang thấy anh tự nhiên nằm lại rờ vào mình anh và lắc lắc mấy cái, chị thấy anh nằm im nên nghĩ anh đã chết… Anh giải phóng quân mất đi trong mình không có một thứ giấy tờ, một tấm ảnh nào, kể cả giấy chứng minh nhân dân cũng không có…”

---

HỌC VĂN BÂY GIỜ

Hàm Luông (SGGP) ghi lại.

Nhiều giáo viên chấm thi đại học năm nay nhận xét, mỗi năm bài thi văn lại kém hơn một chút. Có những lỗi sai không thể chấp nhận được, có những câu văn mà giám khảo phải ôm bụng cười tới năm phút sau mới có thể chấm tiếp. Nếu nói đọc văn biết người thì chúng ta đang đọc được một lớp người như thế này đây...

---

Ở đây chúng tôi không đề cập đến những trường hợp khó viết đúng chính tả như : truyện ngắn, câu chuyện ...(những lỗi này thì nhiều vô kể), nhưng những lỗi sau đây, theo chúng tôi, là không thể tha thứ được.

- Xuống dòng, chữ đầu dòng không viết hoa.

- Tên riêng của người không viết hoa. Ví du: huy cận, nguyễn tuân...

- Cả bài viết không có dấu câu nào.

- Những từ đơn giản thông thường không viết đúng chính tả: lo nắng, í tưởng, Việt lam, đoạn quối truyện...

Chúng tôi cũng không cần bàn tới chuyện học sinh phải dùng từ cho đúng phong cách, dùng những từ thật "đắt" mà chỉ dùng từ cho đúng nghĩa. Học sinh rất hay nhầm lẫn những từ có âm gần giống nhau. Ví dụ:


         - Thân thể ông lái đò rất tráng lệ (phải chăng học sinh định viết là cường tráng?).

         - Cách dùng từ của Huy Cận rất thuần tuý (phải viết là tinh tuý).

         - Những cánh đồng được phù sa bồi đắp trở nên rất phù du, màu mỡ (phải viết là phì nhiêu).

         - Ở giai đoạn này ý chí của người dân đang ở mức tuột đỉnh (tột đỉnh).

         - Ðoạn thơ thể hiện sự vui sướng, hí hửng của tác giả (hớn hở).

         - Qua tác phẩm người lái đò sông Ðà em rất ngưỡng mộ những cuộc giao hữu của ông lái đò với sông Ðà (giao chiến chăng?).

         - Nhan đề bài thơ tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên có ý nghĩa rất sâu cay (sâu sắc).

Rất nhiều trường hợp học sinh dùng từ sai, song chúng tôi cũng không biết học sinh định diễn đạt cái gì và thay thế bằng từ gì:

            - Đó là một cụm từ gợi cho ta nỗi buồn, nó bê tha đến nhường nào.

         - Nguyễn Tuân là một nhà văn cổ kính.

         -“ Nguyễn Tuân rất hung bạo”?!

Có thể kể ra vô vàn những câu văn của học sinh mà người đọc không thể hiểu nổi học sinh đó muốn viết gì. Ðiều này chứng tỏ học sinh rất lơ mơ về kiến thức ngữ pháp tiếng Việt, đồng thời cũng chứng tỏ tư duy cũng hết sức rối rắm. Có những giáo viên khi chấm bài đã không thể chịu đựng được đã phê: "Thần kinh không bình thường". Xin kể vài trường hợp:

         - Từ lâu đến nay nói tới con sông Ðà nhớ ngay tới Nguyễn Tuân vì Nguyễn Tuân có lúc rất hung bạo, một mình ông cũng ngồi trên một chuyến để lái đò và ông cứ xoáy sâu vào hình tượng sông Ðà.

         - Trong nền văn học Việt Nam thì có rất nhiều nhà văn mà chúng ta được biết thì chúng ta không thể nói hết về nhà văn nhà thơ được mà Nguyễn Tuân là một nhà văn rất quen thuộc với bao cô cậu học trò cũng đang in rõ sâu trong lòng nhà thơ.

         - Chế Lan Viên là một nhà thơ xuyên suốt cuộc đời trong lãnh tụ của Ðảng và nhân dân cũng như tất cả các cán bộ.

Cần phải nhìn nhận một thực tế bây giờ là rất ít học sinh viết rung động đối với bài thơ hay, câu văn đẹp. Vì vậy khi viết văn các em toàn diễn xuôi hoặc "thô thiển hoá" văn chương. Một bài thơ hay, sau khi được các em phân tích, bình giảng bỗng trở nên một thứ ngớ ngẩn, không thể nào chấp nhận được, đọc mà nhiều lúc phát tức.

            Chúng ta hãy nghe thử một số lời bình sau đây:

- Lời bình câu thơ: Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy:

Cảnh đông tàn rét mướt khiến cho con người không muốn quét tước gì nữa, để rồi sau khi nắng lên, sau lưng thềm lá đã rụng đầy như một bãi rác.


- Lời bình câu thơ: Mùa thu nay khác rồi:

Ðấy mới hôm nào đấy quay về thì phong cảnh ở đây đã khác rồi, không ai đoán trước được chữ ngờ.


- Lời bình câu thơ:  Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu:

Mở đầu bài thơ tác giả đưa ngay ra một cái cồn nhỏ. Cồn của người khác thì rậm rạp còn cồn của Huy Cận thì lơ thơ vài loại cây. Cây cối của Huy Cận chỉ đủ dùng cho một luồng gió.

- Lời bình câu thơ: Sông dài, trời rộng, bến cô liêu:

"Bến cô liêu" thì có nghĩa cô liêu là tên của một bến đò. Và "Cô" ở đây chỉ cô gái đứng cô đơn một mình.

Còn đây là một cách mở bài rất điệu đàng và hoa mỹ:

Mỗi khi nghe tiếng sóng dữ dội đập vào bờ biển đầy rẫy những hòn đá là em lại chợt rùng mình trong lòng như tê tái có một điều gì đó làm em lo sợ. Ðúng rồi, đó là tiếng sóng dữ dội mà ông lái đò từng trải qua mà em đã từng được học trên lớp.

Nếu nói văn là người thì qua những câu văn vừa rồi, bạn sẽ hình dung một lớp người như thế nào? Thật là lạ, lớp người ấy vừa đậu tú tài xong!

Nguyễn Gia Bình (CVA 1968)

* * *

Bao Giờ Đầy

Ban sáng tôi đứng lên thì trời mọc Ba bề bốn bên thật thà là trơ trẽn Nhưng em đã đến đầu tiên Dáng em ấm mặt trời hồng Bóng em lần tận biển sâu

Ngẩn ngơ ngần mây núi...

Ô hay thoáng đấy rồi đâu Em tôi ơi, sao vội vàng trở gót?

Dấu chân hoang còn đây

Vang vang khua xao xác lá vườn khô
Ngổn ngang đây

Còn lại mấy đường tơ
Giăng giăng ngõ xưa đường tơ con nhện dệt

Khắc giây nào mải u ơ lời trò chuyện

Mải lời yêu?   

Hồn phiêu diêu hôm nao vừa thấm

Mộng vừa mềm

Mạng yêu đương ngập lối êm đềm  

Đành đoạn loãng tan...
Thiên đường tôi năm tháng mù khơi

Hương tàn khói lạnh

Tình buông lơi

Xanh xao trời diệu vợi Nhớ thương hời,

Đong bao giờ đầy chuỗi ngày nhân ảnh vời xa!

CVA Nguyễn Gia Bình

* * *

 

CVA Vũ Đức Nghiêm

Tôi ra đời năm 1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam định. Ngay từ lúc mới lẫm chẫm biết đi, những hình ảnh thân quen nhất là ông bà nội và mẹ tôi. Bố tôi làm việc ở tỉnh Quảng Yên, lâu lâu về thăm ông  bà nội và gia đình. Đại gia đình quần tụ trong một khu dinh cơ rộng rãi, có nhiều nhà ngói và sân gạch để phơi thóc lúa khi mùa gặt về; ở trước mỗi nhà có một ao nhỏ. Ông nội ở một căn phòng nhỏ, trong khu nhà bác tôi, ông Vũ đức Phúc, thường gọi  là ông Lục Phúc vì bác là lục sự (secrétaire greffier), một chức vụ tương tự thư ký toà án. Cũng như bố tôi, bác thường  vắng nhà vì làm việc trên tỉnh, huyện. Bà nội ở cùng nhà với bố mẹ tôi, và tôi gần gụi ông bà nội nhiều nhất, sau mẹ tôi. Kỷ niệm rõ rệt nhất là bà nội thường ngồi ru tôi ngủ trên võng. Những buổi chiều mùa đông giá lạnh, bà nội bế tôi trong lòng hát ru tôi.  Bà nội mặc áo lót bông nhiều lớp, gọi là áo kép; bà kéo vạt áo đắp lên chân tôi tím ngắt vì trời tháng 10 đất Bắc thật lạnh. Trước khi chìm vào giấc ngủ chập chờn, tôi còn mở mắt nhìn chiếc xe đạp ba bánh mẹ mới mua cho tôi nằm đâu đó gần đống lúa cao ngất đến tận nóc nhà bổi, gọi là nhà bổi vì mái lợp bằng cói, tạm thời dùng để chứa thóc lúa khi mùa gặt lúa về.

Bố tôi làm việc ở tỉnh, nên mẹ tôi ở nhà quán xuyến ruộng vườn. Mỗi năm hai lần, đến vụ gặt, mẹ tôi thường đi thuyền đến các làng kế cận như Duy Tắc, Địch Giáo, hoặc xa hơn như Hà Cát để thu thóc do những tá điền cấy lúa nộp cho mẹ tôi, hình như theo tỷ lệ tứ lục nếu tôi nhớ không lầm. Sau này, khi lớn lên, những ngày nghỉ hè về quê, mẹ thường cho tôi  theo mẹ đi thuyền đến các làng thu thóc. Đó là những ngày thật vui vẻ, sung sướng, vì tôi được theo mẹ đi thuyền trên những con sông đào chảy qua những ruộng đồng chĩu nặng lúa chín vàng dưới ánh nắng rực rỡ; những tá điền thường mang biếu mẹ tôi những món ăn ngon, các loại trái cây và nhất là các anh thợ gặt mỗi khi bắt được mấy con bọ muỗm thường để dành cho tôi nướng lửa rơm ăn rất thơm và bùi béo.

Khi tôi lên năm tuổi, mẹ cho tôi đi học ở trường làng; trường  ở ngay ngôi đình quán giữa, cách nhà cha mẹ tôi chừng 300m, giữa đường có lót những viên đá tảng dày chừng gần một gang tay, dài rộng chừng 40/70cm. Tôi nhớ  rõ là có tất cả 108 viên đá, từ ngôi đình làng về đến cổng nhà cha mẹ tôi và nhà bác Lục thì có 2 hòn đá rẽ về hai cổng đối nhau. (Điều đáng buồn là sau hơn 1/2 thế kỷ, khi trở về thăm quê hương thì 108 viên đá lót đường đã bị tháo gỡ đi, ngay cả cái cổng xây trước ngõ vào nhà cha mẹ tôi với hàng chữ La mã MCMXXX (1930) đã không còn dấu vết nào nữa.)

Những ngày đi học đầu tiên là một thử thách lớn cho tôi. Tôi phải làm quen với nhiều điều mới mẻ, mà chú bé lên 5 tuổi cảm thấy xa lạ và bỡ ngỡ vô cùng. Tôi phải đến trường hằng ngày, không còn được quanh quẩn ở gần mẹ nữa, và đó là điều mất mát lớn nhất đối với tôi. Hình như tôi không còn ghi nhớ được một ấn tượng nào về ông thầy dạy vỡ lòng, vì thầy ngồi ở trên bàn rất xa chỗ tôi ngồi cuối lớp, có mấy anh học trò lớp trên kèm cho tôi học vỡ lòng, có lẽ theo lệnh thầy giáo; thầy dạy từ lớp vỡ lòng lên đến lớp ba, nên hầu như ít chú ý tới các học trò lớp nhỏ! Tôi dường như vẫn còn nghe đâu đây tiếng ồn ào trong lóp như cái chợ vỡ, và tiếng roi mây của thầy giáo vụt đen đét trên bàn để giữ trật tự.  Lớp học hơi tối vì không có cửa sổ; mấy anh học trò cuối lớp thường ngồi hút trộm thuốc lào bằng chiếc điếu nhỏ cuộn bằng lá chuối thở khói um cả góc lớp. Một mùi đặc biệt của lớp học nhà quê làm tôi khó thở: mùi khói thuốc, mùi ẩm mốc của nền đất ngôi đình, mùi mực đánh đổ trên bàn học, mùi khét mồ hôi của quần áo nâu không được giặt xà phòng, v..v.

Chính từ lớp học nhỏ bé đó tôi đã học bài vỡ lòng đàu tiên: i, đi học; u, đánh đu; a quả na, ă, cái khăn ,v..v...và bài tập đọc: Năm nay tôi lên bẩy, tôi đã lớn, tôi không chơi đùa lêu lổng như những năm còn bé (Quốc văn Giáo Khoa Thư, Lớp Đồng Ấu).

Năm 1936, một biến cố lớn của đời tôi: mẹ tôi cho tôi lên Thái Bình ở với bố; hồi đó bố tôi làm ở Toà Sứ tỉnh Thái Bình. Căn nhà bố thuê ở số 25 phố Miribel, có ngôi nhà thờ ở cuối phố. Cách nhà chừng vài căn có nhà Ông đốc Phạm văn Năm, (ông là Đốc Học?) nên được gọi một cách trân trong như vậy. Nhà ông Đốc Năm có sân rộng, nơi các sói con của đoàn Hướng đạo thường đến tập hát. Tôi đến xem các sói con (louveteaux) học hát múa, trong số đó có anh tôi mà ngưỡng mộ vô cùng.

Bố tôi sống rất gương mẫu và khắc khổ. Mỗi sáng, bố dậy sớm, đánh thức tụi tôi dậy và dẫn đầu tất cả nhà (chừng 1/2 tiểu đội) chạy dọc theo hè phố Jules Piquet đến tận chân cầu Bo tập thể dục. Tất cả mọi người gồm có hai cậu Thiệu, cậu Thuật, em mẹ tôi, và chú Ba, em trai út của bố, hai anh Lý, Khánh, con bác Lục, anh Chang và tôi. Chạy đến nửa đường, chúng tôi lười biếng bảo nhau núp vào mái hiên tránh lạnh. Bố tôi dẫn đầu, ngoảnh lại, không thấy ai liền trở lại tìm, tất cả sợ quá bỏ chạy ùa ra như đàn vịt. Vì bố tôi áp dụng kỷ luật rất chặt chẽ nên tất cả rất sợ bố tôi. Chỉ trừ hai cậu tôi là chưa bao giờ bị kỷ luật, còn từ chú Ba trở xuống, tất cả đều đã bị bố tôi đánh đòn theo đúng lời dạy trong Châm Ngôn :''Người nào kiêng roi vọt, ghét con trai mình. Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.'' Chế độ ăn uống trong nhà cũng rất thanh đạm, chỉ lấy rau, đậu làm chuẩn, nên chỉ những ngày mẹ tôi ở quê nhà lên thăm là những ngày ăn uống rất ngon lành và thừa thãi. Mẹ tôi ở lại Thái Bình ít hôm rồi về quê. Đó là những ngày thật u ám trong thời thơ ấu của tôi. Những buổi tối nhớ mẹ, tôi thường ra cửa, nhìn về phía xa mà khóc thầm. Mắt tôi nhoè lệ, khi nhìn thấy ngọn đèn đường vàng vọt cũng nhạt nhoà, tôi có cảm tưởng những ngọn đèn cũng khóc như tôi.

Năm đầu tiên, tôi học lớp Năm, (Cours Enfantin, lớp 1 sau này) trường Cao Phong, trên đường Jules Piquet. Thầy giáo  tôi mặc áo dài đen, quần trắng, đi guốc, trên vai thầy vắt một chiếc khăn mặt đỏ. Một lần ngồi viết bài, vì không mang lọ mực theo, tôi quay xuống chấm nhờ mực của thằng Tính ở bàn sau; thằng Tính đấm vào giữa mặt tôi. Máu mũi tuôn ra, rỏ xuống trang giấy. Tôi khóc ré lên. Thầy giáo vội dìu tôi ra sân, đến cạnh lu nước đã cạn gần đáy, có mấy con lăng quăng ngọ nguậy ở dưới đáy lu. Thầy lấy khăn mặt đỏ nhúng nước lau mặt mũi tôi và dỗ tôi nín khóc.

Năm sau, tôi học lớp Tư (Cours Préparatoire) trường Monguillot, cách xa nhà chừng 1 cây số. Cô giáo tôi, vợ thầy Đốc Quýnh, hãy còn rất trẻ. Cô mặc quần áo đẹp, vấn tóc trần, môi đỏ chót. Cô đi làm có xe kéo (thời ấy gọi là pousse-pousse). Ngồi trong lớp, cô thường lôi trong cặp ra một ổ bánh mì vàng rụm có kẹp chả, những miếng chả thơm phức; cô ăn thản nhiên, nhai rau ráu trước những cặp mắt thèm khát của đám học trò lên 6,7 tuổi. Mỗi khi học trò phạm lỗi, cô bắt chụm năm ngón tay lại và dùng thước kẻ bọc đồng đánh vào đầu ngón tay chụm lại. (Xin cô giáo Quýnh vui lòng tha lỗi cho con viết chuyện này, nếu năm nay còn sống thì cô cũng đã 90 tuổi hay hơn nữa).

Khoảng 1937, bố đổi về toà Sứ Hà Nội. Gia đình thuê căn gác nhỏ nhà số 192,  phố Hàng Bông, xế vườn hoa Cửa Nam. Tôi học lớp Préparatoire (lớp Tư, tức lớp hai sau này) trường Thăng Long, đường Ngõ Trạm (rue Bourret). Ngồi cạnh tôi là Báu, một cậu bé tinh khôn quá sớm; suốt ngày Báu hát bài ca thời thượng bằng tiếng Pháp:

O ma Rose Marie,

Les fleurs de la prairie

Se penchent devant toi lorsque tu passes,

Comme pour s'incliner devant ta grâce.

Tạm chuyển ngữ:

Ôi Nàng Hoa Hồng Marie của tôi!

Những cánh hoa trên thảo nguyên

Nghiêng mình khi em đi qua,

Dường như chiêm ngưỡng vẻ duyên dáng của em!

Báu thú nhận với tôi rằng Báu thầm yêu cô bé Chi cùng lớp, nhà ở 51 đường Hà Trung, gần phố Ngõ Trạm. Báu rủ tôi đi theo Chi khi tan trường về, nhưng tôi nhút nhát không đi với Báu. Chẳng biết về sau câu chuyện tình con nít ấy đi đến đâu và tôi cũng chẳng bao giờ gặp lại Báu nữa, bởi vì, ít lâu sau, bố xin cho tôi học lớp Ba trường Sinh Từ (Cours Élémentaire, École Pierre Pasquier)

Thầy giáo Trần văn Chấn là người rất nghiêm nghị, dạy học tận tâm và hay nói chuyện vui cho học trò cười thoải mái. Sau đó ít lâu thầy qua đời khi còn rất trẻ. Bây giờ, tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy Chấn, một nhà giáo mẫu mực, đáng kính và rất nhân hậu, dù đã hơn 60 năm qua đi rồi.

Năm 1940, sau khi tôi đậu bằng Sơ học yếu lược, bố cho tôi về Nam Định, ở nhà bác Lục. (Thời đó, chương trình bậc Tiểu học là 6 năm, từ lớp Năm đến lớp Nhất, học sinh phải qua 2 kỳ thi: 1/ Sơ học Yếu lược khi học xong lớp Ba, 2/ thi Cao đẳng Tiểu học (thường gọi là bằng Xéc ti phi ca (Certificat), sau khi học hết lớp Nhất). Bác Lục xin cho tôi học trường Jules Ferry, cours Moyen 1ère année (lớp nhì năm 1); Bố mua cho tôi một xe đạp, hằng ngày tôi đạp xe đến trường, chừng hơn một cây số. Thời gian này tôi được tự do như chim sổ lồng, không bị ai kiềm chế. Bác Lục thương tôi như con, hay cho tôi tiền ăn quà. Tính bác dịu dàng, hầu như chưa bao giờ bác la mắng tôi một lần. Có lần bị anh Khánh, con trai bác ăn hiếp, tôi mách bác, bác mắng anh: Đồ Cochon, sao bắt nạt em! (cochon là con heo). Bị  bác mắng, anh Khánh khóc và tôi cứ ân hận mãi.

Có lần chú Thược (làm sở hỏa xa) đi về Hà Nội, bác bảo tôi viết thư cho bố. Sau khi duyệt thư tôi,  bác ghi thêm mấy chữ gửi cho bố tôi: “Ton fils est très turbulent!” (Con của em nghịch ngợm lắm!) Hồi đó tôi không hiểu chữ “turbulent” là gi, khi hỏi chú Thược, chú nói dỡn: “turbulent” là thông minh (!); tôi khoái quá, tưởng bác khen, có ngờ đâu bác chê mình tinh nghịch. Ngày vui qua mau; không bao lâu tôi được lệnh di chuyển về Hà Nội. Lòng thật buồn từ biệt bác, nhưng có ngờ đâu lại là lần vĩnh biệt, bởi vì ngày 18 tháng 5, năm 1941, bác Lục qua đời vì bệnh nặng. Đám tang bác thật là trọng thể, và đó là cái tang lớn nhất trong đại gia đình họ Vũ từ xưa đến giờ. Bác yên nghỉ gần mộ cụ tổ bốn đời của tôi, cụ Tri phủ Vũ đức Khiêm ở cánh đồng đối diện bến May, thôn Thượng, làng Hoành Nha.

Về Hà Nội, tôi lên lớp nhì, năm thứ hai. Thầy giáo tôi, thầy Hạnh, có lần, tôi không nhớ đã lầm lỗi gì, tôi đã bị thầy dùng thước kẻ đánh tôi túi bụi; chưa hả giận thầy còn tát tôi đến tối tăm mặt mũi, vừa đánh thầy vừa nhiếc: “Quel espèce!” (Cái giống gì vậy!) Tôi vừa bị đòn đau, vừa bị sỉ vả nhục nhã, nhưng tôi cảm thấy nhục hơn là đau và vết thương tinh thần ấy, hơn 60 năm qua, còn in hằn trong đáy lòng tôi như một vết sẹo không sao phai mờ đi được. Hồi đó học sinh được dạy là phải kính thầy như cha, nên tôi không dám oán giận thầy, nhưng kỷ niệm đau lòng  ấy, cho đến nay, tôi vẫn không quên được!

Trong số các thầy học trường Sinh Từ, thầy Cao Duy Chinh dạy lớp Tư (cours préparatoire) thường dạy học trò nhảy lửa, một bài hát hướng đạo được  ưa thích. Mỗi chiều tan học, các học sinh lớp Tư được thầy Chinh hướng dẫn nhẩy lửa quanh một vòng lửa tưởng tượng; học sinh nắm tay đi vòng tròn, tiến lui nhịp nhàng rất đều và đẹp mắt, khiến cho đám học trò đứng vây quanh trầm trồ và mơ ước đưọc học lớp thầy Cao Duy Chinh. Bài hát có những câu như sau :

'' Les jeunes ont mis la flamme aux bois résineux''

''Écoutez chanter l'âme qui palpite en eux.''..

''Monte flamme légère, feu de camp si chaud si bon,

''Monte encore ,monte donc!

Feu de camp si chaud si bon!

Tạm dịch:

''Những chàng trai  châm lửa với những khúc củi có nhựa''.

''Xin lắng nghe hồn lửa reo bập bùng trong đó.''

''Hãy lên cao, ngọn lửa nhẹ nhàng,lửa trại ấm áp và tốt đẹp xiết bao'',

''Hãy lên cao, cháy to lên nữa đi'',

''Ngọn lửa trại ấm áp và tốt đẹp biết bao!'')

Lớp thầy Chinh có anh chàng Minh, cũng gọi là Minh mắt to, cậu này thường bắt nạt em Chỉnh. Chỉnh về mách tôi. Tôi liền viết chiến thư gửi cho Minh. Thư rằng: “Minh mắt to, chiều nay tan học, có giỏi ra sân cỏ sau nhà Giám (tức nhà Văn miếu), một chọi một. Không đến là hèn.''. Đến giờ hẹn, em Chỉnh và tôi thấy Minh mắt to đến chỗ quyết đấu. Tôi đưa cặp sách cho em Chỉnh cầm hộ rồi lao mình tới. Hai chú nhóc tì cỡ 9,10 tuổi, quần thảo một trận tơi bời.  Túng thế, Minh mắt to túm vạt áo dài của tôi xé cái roạt. Trận đấu còn tiếp tục, bỗng có tiếng kêu: đội xếp! đội xếp! (tức cảnh Sát). Hai đối thủ buông nhau ra, bất phân thắng bại. Hai anh em kéo nhau về  nhà cô Khôi, (em bố tôi) ở ngõ Yên Sơn gần đường Sinh Từ, nhờ cô vá lại vạt áo bị rách. Một thầy giáo nữa dạy lớp khác là Hoàng Đạo Thúy đã có lần tát vào má tôi mấy cái, làm tôi tối tăm mặt mũi, đang khi xếp hàng vào lớp (mặc dù thầy Thúy không dạy lớp tôi). Kỷ niệm đau đớn này hằn sâu trong tâm hồn chú bé 13 tuổi đến nay vẫn chưa xoá mờ; phần lớn học sinh trường Sinh Từ năm 1943-1944 đều biết tiếng thầy Thúy rất nặng tay với học trò.

            Một vị thầy nữa rất đáng kính vì thấy rất thương yêu học trò và hầu như không có ai bị thầy hình phạt bằng cách này, cách khác.  Thầy Thành dạy lớp Nhì (thân phụ các bạn Nguyễn Ngọc San và Nguyễn Ngọc Diệp). Anh San là sĩ quan Pháo Binh, còn anh Diệp học Y Khoa; đã hơn 50 năm rồi thầy Thành và các anh San, Diệp hiện ở đâu?

Năm 1943, phi cơ Mỹ ném bom quân đội Nhật (đang chiếm đóng Việt nam), nên Hà Nội cũng bị nhiều tang tóc. Có lần đang giờ học, còi báo động vang lên. Học sinh ra hầm trú ẩn.  Một lát sau máy bay đến, Hà Nội run rẩy dưới làn bom đạn như trời long đất lở. Trên đường về, tôi cùng hai em Chỉnh và Anh đi về nhà dọc theo đường Hàng Đẫy. Gần nhà in Taupin, (góc đường Hàng Đẫy và phố Hàng Lọng) có mấy xác người nằm, dưới những cành lá che phủ, ruột gan lòng thòng vướng mắc trên dây điện. Em Anh tôi mới lên 8 tuổi sợ quá khóc thút thít, tôi phải an ủi em và dỗ em nín khóc. Về đến gần nhà, cảnh tượng đổ nát chung quanh làm chúng tôi sợ hãi vô cùng. Căn nhà 248 Hàng Bông, nơi gia đình cư ngụ, cũng bị hư hại, trần nhà bị sụt một vài chỗ trong lúc bố tôi đang cầu nguyện, phải chui xuống gầm giường! Bố kể lại là trong lúc máy bay ném bom, bố quỳ, cầu nguyện, và đọc bài Thi Thiên 91: “Dẫu có ngàn người sa ngã bên ngươi, và muôn người sa ngã bên hữu ngươi, song tai họa sẽ chẳng đến gần ngươi”. Đến lúc những mảng vôi trên trần rơi xuống, bố chui xuống gầm giường nhưng vẫn tiếp tục cầu nguyện. Thật là một tấm gương đạo đức và tin kính cho chúng tôi.

Mấy ngày sau, chúng tôi đến trường Sinh từ thì sân trường vắng tanh. Thầy Thành dạy lớp tôi trông thấy chúng tôi chào liền trả lời: “Bonjour, mes braves enfants!” (Chào những đứa trẻ can đảm cuả tôi) Rôi thầy cho biết là trường tạm đóng cửa. Sau đó, bố cho chúng tôi về quê nội. Chúng tôi xin hoc tại trường tiểu học Trà Bắc, cách quê ngoại, làng Xuân Bảng chừng 3 km, đi băng qua những cánh đồng ruộng lúa. Như vậy, em Chỉnh và tôi mỗi sáng dậy sớm, ăn cơm rồi đi học, dưới trời lạnh giá mùa đông cuối năm 1943, trên con đường quanh co dọc bờ ruộng. Con đường lầy lội, phải đi chậm từng bước vì rất dễ bị ngã vì trơn trượt.

Những  Ngày  Học  Trà  Bắc:

Giữa niên học 1943-44, vì tình hình an ninh, bố mẹ cho chúng tôi về quê nội, làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Em Chỉnh và tôi học lớp Ba và lớp Nhất trường tiểu học Trà Bắc, cách xa quê nội chừng 5,6 km. Những ngày đầu tiên, chúng tôi đi đến trường bằng xe kéo (pousse-pousse), hiện ở Nhật Bản có loại xe này, gọi là rickshaw; đến mùa đông mưa gió, đường xá lầy lội, chúng tôi được di chuyển bằng cáng (palanquin), có lẽ vì xe kéo trên đường quê bùn lầy bánh xe bị lún sâu, người kéo xe rất vất vả. Gần trường Trà Bắc, có nhiều người làm ruộng đang tát nước vào ruộng bằng gầu đạp. Những guồng máy bằng gỗ cọ sát nhau phát ra một âm thanh trầm buồn và đơn điệu, mà tôi nghe như những nốt nhạc: “la lá la la la là la!” ( tôi ghi bằng note nhạc là: do mi re do la sol do!) Giai điệu buồn bã này rung lên trong tâm hồn tôi, đến nay đã hơn 1/2 thế kỷ trôi qua, dường như vẫn còn vang vọng lại.

Khi đến trường, chúng tôi cảm thấy ngượng ngùng vì ngồi xe hoặc nằm cáng có vẻ trưởng giả và quan cách quá, nhất là cả trường hàng trăm học trò, không có ai dùng phương tiện “không giống ai” như chúng tôi. Tôi thưa mẹ tôi về điều này, và người quyết định cho chúng tôi về trọ học ở nhà ông bà ngoại, làng Xuân Bảng, chỉ cách trường Trà Bắc một cánh đồng và một con đò ngang. Mỗi sáng chúng tôi dậy sớm, ăn cơm sáng lót lòng; các con dâu của ông bà ngoại thay phiên nhau nấu cơm cho chúng tôi, lại nắm thêm hai vắt cơm đựng trong mo cau với thịt lợn kho, hoặc tôm rim mặn cho bữa trưa. Tôi muốn nói lên lòng biết ơn các mợ Hoà, mợ Thiệu, mợ Vinh, mợ Thuật, mợ Vọng đã hết lòng thương yêu chúng tôi, nấu nướng cho chúng tôi, không quản ngại thức khuya dậy sớm; các mợ thật là dịu dàng và quan tâm săn sóc các cháu.

Cùng đi học ở Trà Bắc, có các cậu em họ của mẹ tôi: cậu Hoàng Thọ Thê, cậu Hoàng Thọ Thu và Hoàng Thọ Nhụ, con ông bà cụ Hoàng Thọ Bạt là em cuả bà ngoại. (Câu Thê sau này mất sớm, cậu Thu sau là Hải quân Thiếu Tá, còn cậu Nhụ trước 1975 là Đại tá tỉnh trưởng Pleiku). Năm cậu cháu rủ nhau đi cùng cho vui, trên con đường nhỏ hẹp quanh co giữa cánh đồng làng Xuân Bảng. Đường trơn trượt, nên phải đi rất chậm và thận trọng kẻo ngã. Giữa cánh đồng, có những ruộng dưa hồng (loại dưa bở rất thơm ngọt giống như cantelope) được rào lại bằng tre gai, cậu Thê thường lấy chiếc dù đen móc trộm dưa rồi chia cho cả bọn ăn thoải mái.

            Thầy giáo Nhường dậy lớp Nhất rất nghiêm nghị và tận tâm dạy dỗ chúng tôi. Ngoài giờ học, chúng tôi được học hát các bài “Debout, Belle Jeunesse!” (Đứng lên, Tuổi Thanh Niên Tươi Đẹp!), “Maréchal, Nous Voilà!” (Thưa Thống Chế, Có Chúng Tôi Đây!) Ngoài ra, trong các giờ Sinh Hoạt Thiếu Niên, có thầy dòng Minh Tâm, từ nhà thờ Phú Nhai, đến dạy chúng tôi hát các bài của Hoàng Quý như: Tiếng Chim Gọi Đàn, Nắng Trong Khóm Cây v..v..Thầy Minh Tâm có giọng hát mạnh và rất lôi cuốn, chính thầy Minh Tâm đã hun đúc và hình thành trong tâm hồn tôi niềm yêu âm nhạc sau này.

             Hồi đó em Chỉnh 11 tuổi và tôi 13 tuổi rưỡi. Chúng tôi ở căn phòng kế bên phòng của ông ngoại. Ông ngoại hút thuốc phiện, từ phòng ông, mùi thơm khói thuốc  toả ra ngạt ngào. Tôi thích được vào phòng nhìn ông hút, mỗi khi hút xong một điếu, ông ngoại lấy ấm chè tàu nóng bỏng đưa lên miệng tu một hớp. Thỉnh thoảng, ông lấy trong hộp một vài chiếc kẹo lạc cho chúng tôi rồi bảo chúng tôi ra ngoài học bài. Trong căn phòng này, có một khung lớn treo trên tường, trong có một tấm hình anh Chang (anh cả tôi) ngồi quàng vai tôi. Anh đeo một chiếc khánh buộc bằng một sợi giây quàng trên cổ. Chiếc khánh bị lệch xéo sang một bên, vì hình như tôi đã kéo sợi giây làm nó nghiêng đi; tiếc rằng tấm hình này về sau đã bị lạc mất, vì đó là tấm hình chụp khi tôi mới chừng 2,3 tuổi. Gần đó, có hình ông ngoại cưỡi ngựa bạch trên chiếc cầu bên cạnh đình làng Xuân Bảng; nghe nói con ngựa này về sau bị trâu húc lòi ruột chết.

Mẹ từ quê nội thường lên thăm ông bà ngoại và anh em chúng tôi thật sung sướng quấn quýt bên mẹ. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc được xà vào lòng mẹ, được hít mùi thơm thân quen của mẹ. Mẹ tôi hồi đó chưa tới 40, và theo con mắt ngây thơ của tôi, mẹ tôi thật đẹp, cái đẹp dịu dàng của một phụ nữ thôn quê, không son phấn, không ăn mặc sang trọng như người ở thị thành; mẹ mặc áo satin đen, quần đen, trên đầu vấn khăn nhung như phụ nữ miền Bắc thập kỷ 1940, môi mẹ đỏ thắm vì ăn trầu. Khi gục đầu vào lòng mẹ, tôi ngửi mùi thơm nồng của trầu cay, mùi dầu Nhị Thiên đường, má mẹ hồng lên vì say trầu và cũng vì trời lạnh.

Ngày mẹ trở về quê nội, em Chỉnh và tôi tiễn mẹ ra đầu cầu Xuân Bảng. Chúng tôi ôm hôn mẹ, trước khi mẹ ngồi vào cáng. Hai anh canh điền nâng đòn cáng lên vai. Tôi quay đi mà hai hàng nước mắt tuôn trào. Tôi biết em Chỉnh cũng vậy, hai đứa cùng khóc nhưng cùng cố nén không muốn cho ai biết là mình khóc vì nhớ mẹ, dù mẹ về quê nội, chỉ cách xa có chừng 6,7 km.

Thấm thoát đã đến cuối niên học1943-44. Tôi chuẩn bị đi Nam Định thi bằng Tiểu học (tức là bằng Sơ học Bổ Túc Đông Dương (CEPCI= Certificat d'études Primaires Complémentaires Indochinoises). Ông nội tôi dặn dò tôi trước khi lên đường và trao cho tôi lá thư gửi nhạc phụ tương lai của tôi, cụ Mục sư Dương Tự Ấp, quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ở Nam Định, để xin phép cho tôi được tá túc tại nhà cụ trong thời gian đi thi. Tôi đáp chuyến xe chở khách chạy bằng than (lò gazogène) đi Nam Định, vì hồi đó ét xăng rất khan hiếm; lòng phập phồng lo sợ khi nghĩ đến phút trình diện nhạc phụ tương lai, nhưng cũng cảm thấy hồi hộp một cách thích thú khi nghĩ rằng sẽ thấy mặt fiancée của tôi, người mà tôi chỉ được nghe nói đến từ khi còn rất nhỏ.

Cũng như các học sinh thời ấy, tôi mặc chiếc áo dài bằng the đen, quần trắng, đội mũ trắng, loại mũ sau này thường gọi là mũ cối. Mẹ tôi tôi mới mua cho đôi sandales, nên trông tôi cũng gọn gàng và văn minh hơn ngày thường; chẳng lẽ ra tỉnh dự thi mà lê đôi guốc mộc thì quê quá! Tôi đến nhà nhạc phụ tương lai, số nhà 57 đường Duval De Sainte Claire gần chợ Rồng, Nam Định, tay xách chiếc va-li gỗ, nhỏ cỡ chiếc samsonite, nhưng dầy hơn chừng 20cm, bước vào gặp cụ Mục sư, chào rất lễ phép, tay run run dâng lá thư lên, miệng ấp úng: “Thưa cụ, ông nội con gửi cụ lá thư này!”. Cụ Mục sư thấy tôi rụt rè quá, nhận lá thư, đọc qua rồi gật đầu, vẻ hài lòng: “Thôi cậu đi rửa mặt, nghỉ ngơi rồi ăn cơm!”. Tôi vâng dạ, rồi xách đồ vào nhà trong, lòng mừng khấp khởi vì thấy rằng mọi sự có vẻ tốt đẹp.

Gần trưa, tôi nghe tiếng dép bên ngoài rồi chị Tài và một thiếu nữ chừng 13 tuổi, dáng người nhỏ nhắn bước vào. Tôi cảm thấy người nóng ran, và linh tính cho biết rằng đây chính là fiancée của tôi. Trộm liếc dung nhan, tôi thấy cô bé có khuôn mặt trắng trẻo, đôi mắt xinh như con búp bê Nhật Bản, và mái tóc dài kẹp thả xuống sau lưng. Trong bữa ăn, tôi quan sát cô bé kỹ hơn, và thích thú nhìn cô bé ngồi ăn nhỏ nhẹ như một con mèo. Bữa ăn có nhiều món, nhưng có một món thật lạ, mùi thơm ngạt ngào như mùi rượu, nghe nói là món “đậu phụ nhự”, sau này vào Nam tôi mới biết là món chao.

Chúng tôi  làm quen mau chóng, qua một vài lần chơi ping-pong ở nhà ngang. Kỳ thi đó, chúng tôi cùng thi đậu, bố tôi thích lắm, cứ nói là “phu phụ đồng khoa!”, (tức là cả hai đứa (vợ chồng) cùng đỗ một khoa, dù chỉ là đỗ bằng Tiểu học!).

Sau đó tôi trở về quê, đáng lẽ “vinh quy bái tổ” thì phải vui lắm, mà sao tôi thấy lòng buồn man mác, dường như “một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” (thơ Huy Cận?)... ..

Tháng 9-1944, tôi thi đậu vào lớp Đệ Thất trường Bưởi, (Trường Trung Học Bảo hộ = Lycée Du Protectorat). Từ nay, tôi đã bước chân vào ngưỡng cửa trung học!

Trường   Bưởi - Chu Văn  An

Tháng 9-1944, tôi thi  đậu vào Trường Bưởi, (Lycée Du Protectorat).  Trường tọa lạc trên khu đất thuộc làng Bưởi, gần Hồ Tây, có tên chính thức là trường Trung học Bảo hộ. Những năm trước đó, vì lý do an ninh, một số  lớp  phải di tản về Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc, phần lớn còn lại được di tản về Đại Chủng Viện Thanh Hoá, gần Núi Mật. Gần ngày nhập trường, tôi đi cùng anh Cả lên xe lửa vào Thanh hóa. Lần đàu tiên đi xe lửavào miền Trung, tôi rất thích thú ngắm phong cảnh núi đồi bao la trải dài dọc theo tuyến đường sắt.  Chú bé 14 tuổi chỉ biết mở rộng cặp mắt để say sưa ngắm nhìn  hình ảnh đẹp tuyệt vời của quê hương. Gần tới Thanh hóa, tầu đi chậm lại khi  qua cầu Hàm Rồng, một kỳ công xây  dựng với hai đầu cầu gối lên trên chân núi ở đôi bờ Sông Mã.

            Tàu vào ga Thanh hóa, chúng tôi được đưa đến Đại Chủng Viện, nơi đây  phần lớn học sinh ở lưu trú, tức là học, ăn, ngủ, ở, ngay trong trường. Hiệu trưởng (Proviseur) là một người Pháp, Giáo sư Perruca, các ông Giám học (Censeur), và Quản lý (Économe) cũng đều là người Pháp. Tụi chúng tôi là lớp thấp nhất trong trường; học sinh lớp đệ Thất ban Cổ văn Viễn Đông( Classe de 6ème E.O.tức là 6ème classique Extrême Orientale). Sinh ngữ chính là Pháp văn, Hán văn là Sinh ngữ thứ yếu, còn tiếng Việt được coi như ngoại ngữ thứ yếu dưới cả Hán văn. Thầy Dương Quảng Hàm dạy Việt văn, bằng các tài liệu trong Việt Nam Quốc văn Trích Diễm, thầy Nguyễn đức Phong dạy Hán văn và Pháp văn, cô Caillot (người Pháp) dạy Vạn Vật (Sciences Naturelles), thầy Phục dạy Sử và Địa lý.  Chừng một hai tháng sau, thầy Phục qua đời. Đám tang thầy Phục rất trọng thể. Các anh lớp lớn (ban Tú Tài) khiêng quan tài thầy ra mộ, tất cả khóc lóc thảm thiết. Tụi nhóc chúng tôi cũng khóc sụt sùi thương thầy Phục hiền lành yểu mệnh.

            Lớp 6è E.O. chúng tôi chừng 40 người, được xếp vào phòng ngủ (dortoir) tầng dưới, rất gần nhà ăn(réfectoire). Mỗi sáng, sau khi làm vệ sinh, chúng tôi được lệnh xếp hàng hai, đi vào phòng ăn sáng. Trên chiếc bàn gỗ không được sạch sẽ lắm, có một thau cháo lỏng loét và mấy chiếc bát cùng thìa muỗng nằm chỏng chơ. Chúng tôi nếm cháo và cảm thấy rất khó nuốt vì cháo được nêm bằng muối và một chút đường đỏ, rất nhạt nhẽo. Tôi cố gắng nuốt cho trôi một chén cháo để có sức mà vào lớp học.

            Buổi trưa, lại xếp hàng vào phòng ăn. Có một điã giá xào, một điã thịt bò xào rau, thịt bò dai như cao su, nên chúng tôi gọi là thịt bò quai guốc. Tình trạng này kéo dài liên miên tưởng như bất tận, và chúng tôi phải cố gắng chịu đựng cho quen với nếp sống khó khăn đạm bạc.  Sau những giờ học, buổi trrưa cũng như tối, học sinh phải vào  phòng học (salle d’études) để học và làm bài, có các giám thị (surveillant) trông coi (études surveillées).

            Dường như có một truyền thống  hận thù giữa học sinh và các thầy giám thị. Các thầy giám thị thường xét nét, để mắt tới đám học sinh, nhất là các học sinh mới vào trường như chúng tôi để tìm bắt lỗi và hình phạt bằng cách cấm túc (consigné) học sinh, không cho ra phố ngày Chúa nhật hoặc ngày lễ. Để trả đũa, học sinh thường tìm cách phá giám thị, hoặc đặt biệt hiệu cho các thầy giám thị, ví dụ thầy Bình dược gọi là Bình Tàu Phè, Thầy Mộng Lác, thầy Thiết Bì và sau hết là thầy Tín Nghệ.  Biệt hiệu này do một bạn học trong lớp 6ème E.O. đặt cho thầy vì thầy Tín nói tiếng miền Trung và nghe trọ trẹ như miền Nghệ Tĩnh; còn các biệt hiệu kia đã có từ trước khi tụi nhóc chúng tôi nhập trường. Thầy Tín Nghệ dường như không ưa gì tôi, mặc dù tôi là đúa hơi nhút nhát và chưa bao giờ dám có ý nghĩ phá phách hoặc hỗn láo với các thầy. Có một lần, tôi không nhớ đã lầm lỗi gì mà tôi bị thầy Tín điểm  mặt:’’Mi lảo quả!’’(Mày láo qúa)

            Có lần tôi bị phạt cấm túc, không được ra phố ngày Chúa nhật. Anh Cả tôi đi nhà thờ một mình, chắc anh buồn  tôi lắm nhưng đã không nỡ la tôi một lời! Tôi ngồi trong phòng học một mình, đem sách ra học nhưng lòng thật cay đắng vì bị đối xử quá khắt khe!

            Thầy Tín Nghệ dường như có vẻ hả hê vì đã phạt tôi buổi cấm túc. Buổi tối hôm đó, thầy Tín coi phòng học của lớp 6ème E.O., phòng học có vài anh lớp trên đến ngồi học, vì còn rộng chỗ. Thầy Tín Nghệ đi lại trong phòng, tiếng gót giầy gõ lộp cộp thành những tiếng đông chói tai. Anh học sinh lớp trên bực mình đứng dậy, nói dõng dạc: ‘’Monsieur, nous vous prions de ne pas claquer les souliers pour nous laisser travailler.’’ (Thưa ông, chúng tôi yêu cầu ông đừng nện gót giầy để chúng tôi học bài!’’). Thầy Tín giận lắm, ngừng lại,  lên bàn giáo sư ngồi canh chúng tôi. Tất cả đều hả dạ khi thấy anh học sinh lớp trên dám có ý kiến với giám thị như vậy

            Tôi ngồi cạnh Trần Nhật Bằng, chàng này con nhà giầu, học không xuất sắc lắm. Nhật Bằng thường hay hát nghêu ngao bài hát Bện Suối Vắng của Hoàng Qúy:

‘’Chiều mơ kia, bên suối vắng,anh cùng em ngồi’’.

‘’Ngàn lau xanh xưa vẫn đó, em giờ đâu rồi. ‘’

...........................

‘’Xa vắng em bao ngày tháng, anh mong chờ.’’

Lớp 6ème E.O. còn một vài người nữa, sau này rất nổi tiếng như Nguyễn Cao Kỳ, Phan Phụng Tiên, Nguyễn Cao Quyền, Phạm Đình Chươngv..v..

Ngày 9 tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Toàn trường họp nhau bàn luận và quyết định bỏ học, kéo nhau về Hà-nội. Trên Quốc lộ 1 từ Thanh hoá, một đoàn học sinh chừng 5, 6 trăm người, từ 14, 15 đến 19, 20 tuổi dắt dìu nhau, qua cầu Hàm Rồng, Bỉm Sơn, và nhiều địa danh khác tôi không nhớ hết, đã tới thành phố Nam định hai hôm sau, khi đã đi bộ trên chặng đường dài hơn 80 km. Chúng tôi được quan Tổng Đốc Nam Định, Cụ Từ Bộ Thực tiếp đón, cho vào khu vực dinh Tổng Đốc nghỉ đêm. Cụ cũng cho mổi người một nắm cơm vắt và mấy miếng thịt heo ram mặn. Sau đó, anh Cả và tôi tách ra , về quê nội làng Hoành Nha , vì anh thấy tôi không đủ sức vượt chặng đường 87 km về Hà Nội. Trên đường về quê, khung cảnh đói kém hiện ra trước mắt: Từng đoàn người dân quê kéo nhau ra thành phố xin ăn, có nhiều người mệt yếu vì đói nằm gục bên vệ đường. Năm đó, 1945, miền Bắc có khoảng 2 triệu người chết đói.

CVA Vũ Đức Nghiêm

Trời Hương Phấn Cũ

Khi giông tố loạn cuồng thung lũng nhỏ,

Giữa đêm sâu.bừng nở đoá hoa thần.

Ta bàng hoàng rung động cả châu thân

Như cánh bướm phân vân muà hợp tấu.

Từng đêm vắng, ta gọi người yêu dấu

Lời dịu êm như gió nhẹ thì thầm,

Cả ngàn lần, ta gọi khẽ, bâng khuâng

Nghe dĩ vãng lâng lâng niềm thương nhớ:

Ơi Ly Cơ! ơi Tình Yêu Lầm Lỡ!

Đêm mê cuồng bỡ ngỡ gọi tên em

Mây bay cao, ngờ xiêm áo vương thềm,

Nhìn sao nhớ mắt em ngời lóng lánh.

Ơi Ly Cơ! ơi Thiên Thần Gẫy Cánh!

Khát vọng ngàn xưa sống dậy chập chờn

Sâu vô cùng trong tiềm thức cô đơn.

Son phấn cũ ngát thơm hương ngự uyển.

Thưở em về, cả núi đồi rung chuyển

Sao trời đêm ngời sáng ngọc lưu ly

Dạ lai hương ngào ngạt lối ta đi

Dìu em bước dưới khung trời sương khói

Vào Mê Cung .. ..Nhạc tiêu thiều nhẹ trổi,

Đêm huyền hồ ảo giác lạnh xương da.

 Đón em. về, sông nước gợn âm ba,

Ôi giây phút trao nhau tình bỡ ngỡ,

Dung quang em, sao cực kỳ rang rỡ,

Ta nghiêng mình cúi xuống  nụ hôn thơm

Ngan ngát hương lan, rời rụng linh hồn

Trôi lãng đãng ngàn trùng khơi viễn xứ.

Ta đưa em vào thiên thu tình sử,

Rồi nghẹn ngào thương nhớ bóng giai nhân.

Hờn chia phôi chất ngất đến lạc thần,

Đau choáng váng đáy mộ phần tâm thức,

Hương phấn cũ khơi sâu niềm ray rứt,

Ta gục đầu lệ ướt đẫm xiêm y.

Ảnh hình xưa đài các đến kiêu kỳ

Chợt thoáng hiện rỡ ràng trong tiếc nuối:

Khoé hạnh đong đưa, mây trời chết đuối,

(Mây soi mình trong dòng suối long lanh).

Ngón tay thon mềm, tháp bút mong manh,

Từng mơn trớn dỗ dành ta hờn giận.

Tóc buông lơi, cho liễu dài ngơ ngẩn

Gót chân son tha thướt gấm hài thêu

Trong Mê Cung bừng rực dáng tiên kiều

Làm lịm tắt cả nắng chiều chang chói.

Ta si dại ngước nhìn em, bối rối,

Tự đáy hồn buốt nhói dậy chiêm bao.

Linh hồn ta vụt chắp cánh bay cao

Bay lên cõi trăng sao, miền quên lãng..

Nhớ thương rồi, ta mơ về dĩ vãng:

Lối cỏ mòn vương ánh nắng hoàng hôn,

Vườn đào nghiêng nghiêng lũng thấp cô thôn

Nghe ríu rít tiếng chim non rộn rã.

Trời vần vũ, tình gọi tình vật vã,

Ta bàng hoàng từ giã mộng Liêu Trai

Mà khôn nguôi thương nhớ gái Dao đài.

Rèm chao động, mái hiên ngoài thoáng hiện.

Thắp nén hương lòng rưng rưng ước nguyện

Đợi em về, xao xuyến gót kiêu sa.

Phấn trầm vương lưu luyến  bước ngọc ngà.

Toàn thân ta vỡ oà như tê dại.

Thoảng trong gió, mùi hoắc hương thần thoại,

Gió lay màn, mê mải ngắm dung nhan.

Phải em từ Quần Ngọc xuống trần gian?

Ròi vào hư vô, biến tan bằn bặt?

Như dòng thác bạc thủy ngân trong vắt

Đổ xuống tràn vào Vô Thức lãng quên.

Ta say sưa, ôm ghì chặt Ưu Phiền,

Ròi kiêu hãnh phá lên cười ngạo nghễ.

Ném cả bình sinh vào lòng Hưng Phế,

Ngẩng mặt nhìn đời, thách đố Thương Đau.

Xa em rồi, tình ta biết về đâu?

Thương em nghẹn lời, nước mắt chìm sâu!

CVA Vũ Đức Nghiêm

Trại Tù Long Giao, Tháng 11-75

* * *


TAM PHÚNG

                                                CVA Mũ Đỏ Bùi Đức Lạc

                                                 (viết theo TTN kể)

            Bà tôi dùng khăn chấm những giọt mồ hôi rịn trên trán tôi rồi người kể tiếp: Năm đó, dòng họ chết gần hết. Mà cả làng, cả tổng cùng chịu chung số phận như vậy. Ai may mắn lắm mới sống sót. Bà im lặng, hình như bà muốn mếu. Bà đau xót nhớ đến những người thân yêu. Chỉ một sớm một chiều, bà mất cha, me, anh, chị và em. Thân côi cút một mình, may bà còn người chú tử tế nuôi nấng cho thành người. Bà quay đi quệt nước mắt, nghẹn ngào chặn  tiếng nấc xót xa. Bà tôi nói tiếp tiếng người ngắt đoạn:.

            - Ngày mai là ngày Giỗ Trận đấy cháu ạ. Trong vùng mình, nhà nào cũng có người chết. Có nhà không còn sống một người. Có xóm cả xóm chết hết, lấy ai mà giỗ chạp cho, nên cả làng chung nhau giỗ chung một giỗ ngoài đình làng, có ý là giỗ cả những người trong nhà không còn ai lo giỗ cho.

            Bà chép miệng kể tiếp: Hôm đó là ngày 12 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1892), một ngày nắng đẹp, bầu trời trong sáng, mặt trời mới lên được hai con sào, ngoài biển tự nhiên phát một tiếng nổ thật lớn, xong nổ rền thêm một hồi nữa mới im bặt. Mọi người ngơ ngác hoảng hốt, nước biển rút ra thật xa. Ngay lập tức ùn ùn kéo trở lại ngọn sóng cao ngất trắng xóa trông thật khủng khiếp. Hồn phiêu phách lạc, mọi người kêu nhau chạy trốn bức tường trắng xóa tràn vào đất liền. Năm đó bà mới có 9 tuổi, bà cùng cô em gái con ông chú leo lên cây soan xong chuyền lên nóc nhà bếp.

            Ngừng một lúc như để nhớ lại chuyện cũ, cũng có thể niềm đau làm bà phải ngắt đoạn, bà kể tiếp: Cơn sóng nước vừa di chuyển thật nhanh, vừa hung hãn quét sạch bất cứ vật gì trên mặt đất. Trâu bò bị đánh ngã trước khi cuốn theo cơn sóng, kể cả những con trâu được cột vào cọc cũng bị cuốn  theo giòng nước.  Nhà cửa bị phá tan tành, chỉ một số mái nhà lợp bổi hay lợp rạ là trông còn nguyên vẹn nhưng cũng bị phăng phăng cuốn theo giòng thác lũ. Sức nước mạnh không sao kể được, không một sinh vật nào dưới đất có thể sống sót, hay còn hình hài nguyên vẹn. Tất cả đều bị vùi dập, cuốn theo giòng nước. Ngay cây soan mà bà và cô em leo lên rồi chuyền sang mái nhà bếp cũng bị đánh ngã.  Lúc đó, hai chị em bảo nhau ôm chặt lấy mái nhà.  Cơn sóng bão đưa mái bếp từ nhà ta mà tới mãi tận Thanh Hương-Hà Cát mới vướng vào một bụi cây rồi mới ngừng lại.  Một số đông người không may bị trôi xuống sông Hồng Hà rồi cũng mất xác mà thôi.  Cũng may là lúc đó cơn sóng cũng giảm dần rồi bớt hẳn cơn thịnh nộ.

            - Bà ơi, vậy bà bị trôi đi có xa không, bao lâu nước mới rút hết?

            - Nhà mình thuộc ấp Hành Thiện, xã Lạc Thiện, tổng Lạc Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.  Từ nhà mình tới Thanh Hương-Hà Cát, đường thẳng khoảng 4 cây số.  Đến lúc nước rút thì mặt trời đã lặn, bà và cô em gái con ông chú nhỏ hơn bà một tuổi, tuột xuống đất, lúc đó đã có nhiều người lớn tiếng gọi nhau, hai chị em tự nhiên bật khóc đi tìm bố mẹ. Họ hàng, lúc đó mới biết nếu ai còn sống đều trôi đến khu đó. Hai chị em đang khóc nghêu ngao thì gặp được bố mẹ cô em tức chú thím của bà. Ngày hôm sau tìm kiếm thêm, lúc đó mọi người đã về lại nhà của mình chỉ còn lại nền nhà mà thôi, nhà xây cũng như nhà bổi đều giống nhau. Gia đình bà chết hết, chỉ còn sống có một mình bà, có người thấy xác, có người mất xác.  Người nào có thân nhân còn sống thì được chôn cất tử tế, còn người nào không có thân nhân thì được chôn chung, đến manh chiếu rách cuốn thân cũng không có.

            - Bà ơi, vậy có chương trình cứu giúp gì hay không?

            - Nghe đâu có cứu giúp, nhưng những người trong thôn xã mình, chỉ ngậm đắng nuốt cay một mình mà thôi.

            - Vậy không còn gì trên mặt đất thì lấy gì mà sống?

            - May quá, lúc đó bên ngoại của bà ở Trà Lũ, bà lên đó xin ít quần áo cũ và vay mượn lúa giống, lúa gạo ăn hàng ngày để sống qua ngày.

            - Còn những người trong thôn lấy gì mà sống?

            - Thì họ cũng vay mượn lo cấy cầy mà ăn chứ biết làm sao.

            - Bà ơi, sau đó có bị bệnh tật gì nữa hay không?

            - Có.  Một số người bị bệnh “thổ tả”làm mọi người lo lắng vô cùng, nhưng cũng may tự nhiên nó hết, khổ nỗi lúc đó đến vôi bột rải trừ tà cũng không còn.      

            - Bà ơi, còn năm Ất Dậu thì chết làm sao hở bà?

Bà tôi rùng mình, như không muốn kể cho tôi nghe, nhưng sau đó bà lấy lại bình tĩnh bắt đầu bằng tiếng thờ dài, đôi mắt bà trũng sâu như đang nhìn vào khoảng tối bao la đầy thương tâm, đầy oan nghiệt: Năm Ất Dậu còn thê thảm hơn nhiều. Đi đâu cũng thấy xác chết. Chết trên bờ đê, chết ở vỉa hè, chết ngoài gốc cây, chết trên bờ ruộng. Có người trên miệng còn nắm lúa đang nhai dở. Năm Nhâm Thìn cũng chết đau đớn nhưng người chết được chết ngay, không lay lứt ngày này sang tháng khác. Năm Ất Đậu người chết nhìn thấy mình sắp đi vào cõi u tối mà không sao chết ngay được. Cơn đói hành hạ người tháng này qua tháng khác, ngày này qua ngày khác, giờ này qua giờ khác rồi kiệt lực mà chết. Chết cong queo, chết trên người đầy rận chấy, dơ dáy, vì không còn đủ sức tắm rửa. Thấy cảnh người chết thương tâm lắm cháu. Có người mẹ chết ngồi đó, mà con thơ miệng vẫn đang ngậm vú mẹ.

            Năm đó bà đang ở trên thành phố Nam Định. Sáng nào cũng có người chết trước cửa nhà. Lúc đầu còn sợ hãi sau quen dần, sáng nào cũng có xe cút kít do người kéo đi lượm xác, có người còn cố gắng sức tàn kêu van: “Ông ơi tôi còn sống tôi chưa chết”. Nhưng người khiêng xác không thèm để ý đến lời nói đó, vì họ thấy nửa phần dưới đã lạnh, im lặng quăng xác người chưa chết hẳn lên xe đem chôn, miệng người khiêng xác lẩm bẩm “Không chết trước thì cũng chết sau thôi, sống sao được”. Nhiều người nghe được tiếng van xin nhưng không ai can thiệp.  Thê thảm vậy đó cháu, tình người hầu như không còn nữa, nhường cho miếng cơm manh áo là chính.

            - Bà ơi, vậy tại sao mà có nạn đói như vậy?

            - Bà thấy nhà mình năm Giáp Thân phải nộp hai lần thuế: Thuế cho Pháp, xong rồi thuế cho Nhật. Bọn Nhật dã man hơn bọn Pháp, ai thiếu thuế là bị tù, thậm chí còn bị bắn nữa. Thật sự không ai muốn thiếu thuế, nhưng còn đâu mà nộp, nhất là năm Giáp Thân vụ mùa lại không tốt nữa, nhà mình tuy không đến nỗi chết đói, trẻ nhỏ còn có cơm ăn, nhưng người lớn ai cũng phải ăn cơm độn khoai sắn hay cám, mỗi ngày hai bữa cháo một bữa cơm.

            - Bà ơi, cháu nghe nói bọn Nhật bắt dân mình phải phá lúa trồng đay nên dân mình không đủ ăn phải không bà?

            - Ở đâu thì bà không biết, chứ ở quê mình thì do thu thuế nhiều quá mà thiếu ăn. Ngày trước, Pháp thu một lần thuế cũng đã có nhiều người không đủ ăn, nay bọn Nhật thu thêm một lần thuế nữa thì làm sao mà không đói cho được. Bà không thấy ở quê mình phải trồng đay, châu thổ sông Hồng Hà và sông Thái Bình ruộng trũng làm sao mà trồng đay cho được.

            - Bà ơi, cháu nghe nói bọn Nhật thu lúa xong rồi lấy lúa đem đốt để chạy xe lửa thay than phải không bà?

            - Bà không thấy, nếu đốt lúa thì lúa cháy không có nhiều nhiệt như than làm sao chạy xe cho được!

            - Bà ơi, một người bán cám trộn mạt cưa, làm ngựa của Nhật chết, bọn Nhật bắt người đàn bà có thai bán cám đó, đem mổ bụng con ngựa chết, lấy hết ruột gan ngựa chết ra xong cho người đàn bà khốn khổ kia vào trong bụng ngựa khâu lại đem chôn sống phải không bà?

            - Bà nghe nhiều người nói như vậy, nhiều nơi bị như vậy, nhưng chính mắt bà thì không thấy.

            - Bà ơi, thấy đói như vậy mà không ai cứu họ sao?

            - Có chư.  Những nhà còn lúa gạo như nhà mình đều có nấu cháo, hay nấu cơm đem phát hàng ngày hay hàng tuần cho họ, nhưng có thấm tháp vào đâu, có người chờ phát cơm cháo (phát chẩn) thì đã  chết tại chỗ.

            - Bà ơi, vậy chính phủ không cứu hay sao?

            - Lúc đó bọn Nhật đang cai trị mình, chính nó thâu thuế thêm, dân mình mới chết đói, mục đích của nó là làm cho dân mình không đủ ăn để dễ cai trị, cũng như vậy bọn Cộng Sản và Thực Dân chúng cùng một chính sách như nhau để dễ cai trị mà, vì vậy chúng không hề cứu trợ.

            - Bà ơi, thế ở miền Trung và miền Nam nước ta có bị đói không?

            - Không cháu ạ, vì hai miền đó không bị Nhật thâu thuế như miền Bắc, miền Bắc không may bị quân Nhật đóng đông hơn, chúng làm bàn đạp đánh Trung Hoa, chúng cần lương thực, cho cuộc chiến mới.

            - Bà ơi, vậy đồng bào miền Trung và miền Nam có biết đồng bào miền Bắc đói hay không?

            - Bà nghĩ là biết nhưng mọi phương tiện chuyển vận do chúng nắm, và thông tin không có cho nên có biết cũng ít mà thôi. Hơn nữa, lúc đó bọn Pháp chia nước Việt Nam mình làm ba miền để trị, cho nên mình không có tinh thần Quốc Gia, thiếu tinh thần nhân đạo, nên không có tổ chức nào đứng ra kêu gọi cả.

            - Bà ơi, vậy miền Bắc chết đói có nhiều hay không?

            - Nhiều lắm con ạ. Sau này theo thống kê bà không nhớ con số chính xác, nhưng chết khoảng 1/10 dân số tức là chết khoảng 1 triệu 5 trăm ngàn người, đặc biệt là đồng bào ruột thịt làm ngơ, và cả thế giới cũng làm ngơ!

            - Ô hay, sao lại như vậy hở bà?

            - Thật sự, bà không hiểu tại sao lại cả thế giới cùng làm ngơ, mà dân tộc ta sao lại phải đón nhận nhiều bất công, tàn nhẫn đến như vậy!

            Năm nay là lần giỗ thứ 40 của bà tôi, tôi hỏi mẹ tôi, tại sao bây giờ Bão Trận Tsunami lại được thế giới giúp nhiều vậy mẹ?

            - Tại bây giờ phương tiện truyền thông quá rộng rãi, đánh thức lòng nhân đạo của mọi quốc gia, mọi tầng lớp xã hội.

            - Mẹ ơi, dân tộc Nhật Bản còn thiếu dân tộc Việt Nam mình lời xin lỗi để xóa đi sự độc ác của giới Quân Phiệt Nhật Bản?

            - Đúng đó con. Tuy nhiên, bọn cai thầu tại Bắc Bộ Phủ há miệng mắc quai.

CVA Bùi Đức Lạc

* * *

THÀNH PHỐ TUỔI THƠ

CVA Kim-Vũ

 Rời vùng quê xơ-xác hoang-tàn, Tích theo gia đình về thành vào những năm đầu sau khi Pháp trở lại miền Bắc. Những năm chiến-tranh khốc-liệt tại nhiều vùng nông-thôn khắp nước. Nhưng Hà-Nội thì thật yên-bình, và cậu bé đã qua những năm thơ-ấu khá thơ-mộng.

            Hà-Nội những năm đầu hồi-cư còn lưu nhiều vết-tích đổ-nát. Khu phố Tích ở, gạch vữa còn ngổn-ngang. Tích còn theo những đám trẻ đi đào tìm những đồng “xu cạch” chôn dấu đâu đó. Phố xá còn vắng-vẻ hoang-sơ, và không-khí thì bao giờ cũng như là vào thu. Cây cối chỉ còn trơ cành, và những cơn gió lạnh heo-may nhắc người ta đan áo cho mùa đông.

            Tích bắt đầu đi học trường công, vào lớp đồng-ấu, rồi lên dư- bị, sơ-đẳng. Một cậu học trò chăm-chỉ, không có gì xuất-sắc, tuy vẫn lên lớp đều. Thế-giới của cậu bé là căn nhà, ngôi trường, và quãng đường đi học. Phong-cảnh là Hồ Gươm, Hàng Bông, Hàng Gai, cho đến Lò Sũ, với đôi khi một chuyến đi lên thăm nhà ông Bác ở tận Godard.

            Cảnh Hà-Nội có thể nói là buồn, nhưng đối với cậu bé lại chỉ là một vùng mơ-hồ và thơ-mộng. Tâm-hồn cậu bé bình-lặng và tinh-khiết lắm. Một ly cocktail trái cây mà ông chú nhạc sĩ nghèo khoản-đãi tại một phòng-trà lúc ban ngày, khi trống kèn đã xếp lại, và bàn ghế trống trơn, đối với Tích cũng đủ là một kinh-nghiệm khó quên. Hoặc một buổi đi ăn cơm Tàu “Siêu-Nhiên” ở Hàng Buồm, ngồi trên lầu cao, nhìn hai bên tường gắn gương suốt dọc và đèn néon sáng choang, tưởng như mình ở trong một căn phòng rộng không nhìn hết nổi.

            Những kỷ-niệm vui rất ít, và chỉ vào độ xuân về, trời se lạnh, không-khí mới rộn lên với những cành đào, với những ông đồ viết câu-đối, với những buổi xem chiếu bóng tuyệt-vời. “Samson và Dahlila”, “Ali Baba và 40 Tên Ăn Trộm”, “Dừng Bước ở Hoa-Tây”, và nhất là “Cô Bé Lọ Lem” của Walt Disney, cái không khí thần-tiên diễm-tuyệt, nên-thơ và tươi-mát. Tích yêu cô bé lọ lem còn hơn yêu một người thật. Nghe tiếng hát cao vút của cô khi cọ nhà, nhìn theo muôn ngàn bọt bóng xà-phòng bay lên cao, cậu bé tưởng chừng hồn mình cũng được đưa lên đến chốn trong-lành tinh-khiết của miền đất hoang-đường không rõ nét. Cả đến bà mẹ ghẻ khắc nghiệt và những cô em ghẻ chua ngoa cũng mang một vẻ gì dễ thương mà không độc ác.

            Ngày tháng trôi qua bình-lặng nhẹ-nhàng. Thế-giới chiến-tranh hoàn-toàn nằm ngoài ngưỡng cửa tâm-thức của Tích. Những người lính Pháp và Lê-Dương, ngay cả đến những người lính “tây đen rạch mặt” Sénégal hay Maroc mà Tích vẫn thường gặp khắp nơi, cũng không lưu lại trong Tích một ấn-tượng ghê sợ nào. Thế giới của Tích hiền-hòa quá, thơ-mộng quá. Nó được thu gọn trong mái ấm gia-đình và ngôi trường nhỏ bé hiền lành, với vài thằng bạn tuy có khi ngổ ngáo nhưng tựu-trung vẫn mang cốt-cách “hiền khô”.

            Rồi ba anh em Tích “vào sói”. Mỗi chủ-nhật đi họp, học đánh morse, học tìm dấu đi đường, học giải-khóa mật-hiệu, đi cắm trại ven thành-phố. Học mỗi ngày làm một việc thiện, làm thì cứ làm, nhưng không bao giờ ghi chép ngay. Chỉ năm phút trước khi đi họp ngày Chủ-Nhật mới quýnh-quáng dở sổ ra ghi liền một dọc. “Bế em”, “vứt vỏ chuối”, “vứt mảnh chai”, vv… Những việc tầm-thường thế thôi, nhưng giúp tạo trong tâm-hồn đứa nhỏ non-nớt một cái nhân tốt, một tâm-niệm còn giữ mãi về sau.

            Rồi Tích thi đậu tiểu-học, rồi thi đậu vào trường trung-học công-lập. Thật là một thành-tích. 50 người chọi 1. Chẳng hiểu sao cậu bé làng-nhàng ấy lại qua nổi kỳ thi đấu gay-go như vậy. Hình như cái gì đối với Tích cũng có vẻ dễ-dàng, giản-dị.

            Lớp học đến hơn 50 người, Tích cũng chỉ xếp hạng được vào khoảng 30. Có lần lên được thứ 7 đã coi là một thành-tích lớn, cậu bé đã tự thưởng cho mình một cái vé đi xem kịch mua chịu tại trường, làm bà mẹ khi biết chuyện phải lấy làm ngạc-nhiên và gặng hỏi: “Ai cho phép con mua vé vậy?” Nhưng rồi cuối cùng bà cũng móc hầu bao lấy ra năm hào đưa cho đứa con quý-tử trả nợ cái vé ôn-dịch, tuy tình-hình kinh-tế gia-đình Tích cũng không lấy gì làm sáng-sủa cho lắm.

            Lần đầu tiên được học Nhạc và Vẽ trong những lớp riêng, và vào lớp Lý-Hóa với những dụng-cụ thí-nghiệm lạ lùng, Tích thấy mình “người lớn” ra trò. Tuy nhiên cậu bé cũng chẳng thích môn nào cả. Học chăm không cần biết tại sao, ngoài việc “làm vui lòng mẹ”. Mẹ cũng lâu lâu thưởng cho vài hào đi ăn bánh tôm hay thịt bò khô trước cổng trường, ngon vô kể.

            Ong giáo dạy Pháp-văn và Việt-văn rất thích thơ phú, đã tự mình soạn ra những bài giảng đặc-biệt, ghi lại những đoạn thơ ngắn của nhiều tác-giả, Tích chép lại và cũng thấy thích thú, nhưng chưa thật cảm nghiệm, nên sau này rồi cũng quên hết. Duy có một đoạn mà cậu bé nhớ hoài trong tiềm-thức, đến mãi về sau này, sau khi bao nhiêu chữ thầy trong suốt đủ 12 năm đèn sách đã trả cho thầy bằng hết, những dòng chữ hầu như rất bình-thường đó vẫn còn lưu lại trong trí-nhớ chàng trai đang lớn, để trong một dịp làm bích-báo quân-trường, nó lại bật ra, trơn-tru, nhẹ-nhàng, không sót một chữ:

Âm-dương chưa hề mệt

Bên đường hoa nở tươi

Biển vang chiều chảy liệt

Sóng rủ nhau đi bát ngát cười. (*)

       Đúng là “âm-dương chưa hề mệt”. Cậu bé mới hơn mười tuổi, hoàn-toàn không có một bóng hồng nào trong tâm hồn, dù nhỏ, dù chỉ là thoáng qua… ngoài …”cô bé lọ lem”! Đã nghe thấy nói đến Trưng-Vương, nhưng trường xa quá, chưa bao giờ Tích có dịp láng-cháng tới gần. Cách trường cậu bé không xa, có trường “Minh-Tân”, một trường tư-thục nổi tiếng mà nghe nói con gái cũng rất dễ thương, và có đôi lần cậu bé thoáng thấy vài tà áo trắng thấp-thoáng trên đường đi học, hoặc ghé rạp “Ciro’s” coi hình, nhưng cũng chỉ là những thoáng nhạn êm-đềm khó bắt giữ trong tâm-hồn, lướt qua như thoáng gió đầu xuân.

            Chuỗi ngày vô-tư cứ trôi đi, cho đến một hôm sắp vào hè năm đệ Lục, trong cái không-khí mơ-hồ nét lo-âu được che-đậy khéo-léo nơi người lớn, Tích đã nghe một cậu bé bán báo đi đường rao to: “Báo đây! Báo đây! Điện-Biên-Phủ thất-thủ đây!”

            Lần đầu tiên, một cái gì không ổn, một không-khí lo-âu từ lâu bao-trùm bỗng hiện lên rõ nét, đập vào tâm-thức cậu bé non-nớt, “ngây-thơ như gái chưa chồng”.

            Hà- Nội xao-động trong một nỗi thảng-thốt không còn che-đậy nổi. Hiệp-Định Genève ký-kết. Đất-nước chia hai. Làn sóng di-cư ồ ạt lần thứ nhất bắt đầu.

            Gia-đình Tích đi xuống Hải-Phòng, ở tá-túc nhà người quen khoảng mười ngày, rồi xuống tàu thủy bắt đầu chuyến hành-trình vô Nam sớm hơn mọi người. Cha Tích đã nhìn sớm hơn mọi người được một chút.

            Hà-Nội bắt đầu chìm vào vùng dĩ-vãng mịt-mờ.

(*) thơ Huy Cận

BONJOUR AMOUR

         Rời không-khí mù sương của Hà-Nội, Tích ngỡ-ngàng giữa ánh nắng rực-rỡ và tiếng động rộn-ràng của thành-phố phương Nam. Tàu cập bến Sàigòn giữa buổi sáng, và vừa ra khỏi bờ tường của Cảng, Tích đã nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy cái sinh-động và hồn-nhiên của quê-hương mới. Những chiếc xe xích-lô máy nổ dòn, phóng như bay trên đường giữa dòng lưu-thông tấp-nập, ngồi trên xe chạy tưởng như bị bắn ra ngoài lúc nào không hay. Chỗ ngồi rộng và chênh-vênh, làm con người có cảm-giác luôn-luôn phải vươn lên phía trước, bất chấp hiểm-nguy. Một đổi-thay khung-cảnh hoàn-toàn, hào-hứng, thách-thức đối với đứa bé nhút-nhát, đã sống quá lâu trong cái ấp-ủ chở-che, cái chỗ tựa êm-đềm kín-đáo của chiếc xe xích-lô đạp chậm-chạp thanh-nhàn.

            Những ngày tháng đầu tạm-trú nơi một căn phố sâu trong ngõ hẻm gần cầu Bông, đầu hẻm mở ra đường là một rạp hát bội đêm nào chiêng trống cũng rộn-ràng, mấy anh kép ca hồ-quảng đến khản giọng, sáng ra đào kép ngồi chồm-hổm ăn hàng suốt dọc, đổ cà-phê từ tách xuống đĩa uống ngon lành, mỗi một câu nói lại bắt đầu bằng vài phát-ngôn tiếng Đức nghe thật ngộ.

            Con hẻm thật ra chỉ là chắp nối những lối đi nhỏ ven tường các căn nhà đã xây, ngoắt-ngoéo chữ chi, phình ra thắt lại không báo trước, có chỗ hẹp chỉ vừa đủ một chiếc xe Sachs hay Puch lọt qua, mà người ra vào tấp-nập. Trẻ con chơi đùa chửi tục suốt ngày, cãi nhau chí-chóe. Vài chàng thanh-niên lớn đầu cũng nhập bọn, người gầy dơ xương, ngực xẹp lép mà lúc nào cũng chỉ đóng mỗi một cái sà roong, nói chuyện huyên-thuyên đầu-Ngô mình-Sở, chẳng ra đâu vào đâu, chiều chiều nghe ra dô dò vé số, suốt ngày chẳng thấy làm gì. Vậy mà vẫn đồng ra đồng vào, ăn quà đều đều. Sàigòn dễ sống thật!

            Tích thú nhất những cơn mưa chiều. Cứ khoảng 4 giờ, ngày nào cũng như ngày nào, rất đúng hẹn, rất đáng tin cậy, cơn mưa đổ xuống mát rợi trong khoảng nửa tiếng đồng-hồ. Rồi sau đó là tiếng rao hàng vui và lạ tai, như một câu ca mời gọi. “Ai bắn cằn caaá giòo heo…” (Ai bánh canh cá giò heo) Món ăn lạ mà thằng bé chưa bao giờ được thưởng-thức, nhưng nó cũng chẳng quan-tâm tới điều đó. Chỉ cần nghe bà bán hàng rao là đã thấy ngon miệng rồi.

            Một ông chú hờ vào Sàigòn đã lâu, lấy vợ Nam, nhà ở tuốt gần chợ Bến Thành, đã dẫn mấy anh em đi chơi một vòng Đại-Thế-Giới, ít ngày sau bữa tới nơi. Ong có chiếc xe mô-tô, đầu chải bóng nhẫy bi-dăng-tin, túi đầy một sâu chìa khóa, khi đi chìa khóa chạm nhau kêu lẻng-xẻng. Đại-Thế-Giới về đêm rực ánh đèn, rộn-rịp các trò giải-trí. Tích đã lần đầu lái chiếc xe chạy điện, tha-hồ đâm nhau, lửa xoẹt trên đầu, những lúc đâm vào xe người khác, mạnh tưởng bật người ra ngoài, thế mà cũng chẳng thấy bao giờ chuyện đó xảy ra cho ai cả.

            Cái điều lạ-lùng, khôi-hài và đáng mắc-cỡ nhất trong những ngày đầu nơi Sàigòn hoa-lệ đối với Tích là chuyện giải-quyết vệ-sinh. Hầu hết những căn nhà trong hẻm không có cầu tiêu, và người ta đi ra một khu tập-thể trên con kinh để làm cái việc tối-cần-thiết hàng ngày đó. Chiếc cầu khỉ bằng gỗ ọp-ẹp dẫn ra một dãy dài các ô trống-trơn, chẳng có cửa nẻo gì, chỉ có mấy thanh gỗ đóng sơ-sài, ngồi thì ngồi ngang, nam-nữ hai bên, mỗi lần có chuyện là nước bắn tung-tóe, phải nhổm dậy, đến là kỳ. Vậy mà mọi người thấy có vẻ thoải-mái lắm. Không ngượng-ngùng chi cả. Nếp sống tại vùng quê-hương mới này mới chất-phác làm sao!

            Người Sàigòn hình như không biết buồn là gì. An mặc thật giản-dị, đi đâu cũng một bộ đồ bà-ba đen, đầu thì quấn cái khăn rằn vừa dùng làm khăn lau, miệng nhai trầu hay xỉa thuốc, dáng đi nhanh-nhẹn nhưng không tất-bật, thích đàn hát, tối nào cũng phải đi coi cải-lương, thích chuyện hài, chịu “quái-kiệt” Trần văn Trạch “cù léc”, mê Ut Trà-On ca mùi sáu câu. Nhưng người ta nói đàn bà Sàigòn nổi tiếng ghen. Hồi đó Sàigòn xôn-xao bàn-tán vụ cô Quờn đốt chồng, đến độ một chàng nhạc-sĩ hài nào đó đã phải nổi hứng làm một bài ca mà Tích chỉ thấy thật vui mà chưa hiểu hết ý nghĩa ra sao: “Đốt hay không đốt, thì cắt nó đi cho rồi”

            Dân Sàigòn cũng rất mực thực-tế, và rất mực hảo-hớn trong lối xài tiền. Hồi đó một đồng đã là to, và nhiều thứ thì rẻ hơn thế, mà “bạc cắc” thì không đủ. Vậy thì làm sao đây? Dễ ợt! Xoẹt một cái, xé đôi đồng tiền ra mà xài chứ còn sao nữa! Trái cây ê hề, chục mười hai, mười ba, có khi mười sáu. Soài, mít, mãng-cầu-thơm, mãng-cầu-dai, sa-cô-chê, đu-đủ, chuối-sứ, chuối-xiêm, sầu-riêng, măng-cụt… thôi thì đủ cả. “Hộc dịt lổng” năm cắc một hột, nước mía ngọt lừ mà chỉ một, hai cắc một ly. Thứ rẻ tiền nhất là “đá-nhận”, mấy chú ba-tàu bụng phệ khéo chế ra món hàng ăn dỗ trẻ con. Bào nước đá ra, nhận cho chặt vào một cái ly cho đá dính vào nhau, rắc một chút “sirô” màu đỏ mùi thơm, trẻ con mút đã, cho đến khi cục đá chỉ còn lại một nắm vụn trắng hếu, bỏ vào mồm nhai roỏng rẻng cũng đỡ ghiền.

            Có lẽ cái món ăn mà Tích thích nhất là món “đậu-đỏ bánh-lọt”, cũng lại do mấy chú ba-tàu bụng phệ độc-quyền. Thằng bé cho đó là một món ăn tuyệt-tác. Đậu-đỏ ngọt lịm chộn với bánh-lọt trắng mềm, đổ thêm vào một chút nước dừa thơm ngát, cho thêm đá vào, khuấy lên ăn vào như thấy cái khát tan biến nơi đầu lưỡi, xong một ly còn muốn làm tiếp ly thứ hai.

            Thế-giới của Tích hồi đó cũng nhỏ bé như cái thế-giới mà nó vừa rời xa. Cha mẹ nó suốt ngày bận bịu chuyện ổn-định, chuyện công-ăn việc-làm, chuyện liên-lạc họ-hàng. Chính-sự rồi tung. Lớp lớp người di-cư cập bến Sàigòn. Chỗ ở không có, phải dùng tạm những trại tiếp-cư khắp các khu đất trống trong thành-phố. Mà đất trống thì không nhiều. Khu đất bên kia cầu “Ra-yô hộp-guẹc” còn là một bãi rác. Bên kia cầu “Bạc Má Hồng” cũng không khá hơn. Đường “Răng Ong-Tây Lung-Lay” thì toàn nhà thương, trường học và villa. Đường “Rít-Sô Bò-Lông-Giê” đã là xa-xôi lắm. Khu đất Khám lớn cũ đã đầy, thành “Ô-Ma” cũng vậy. Phải mở thêm một lô các khu mới vùng Chợ Lớn với đủ loại “bà”. Bà-Hạt, Da-bà-Bầu… đã làm Tích mỗi lần nghe nhắc đến là nín cười không được.

            Trong hoàn-cảnh ấy, Tích và mấy đứa em cứ phải ru-rú xó nhà. Ngoài chuyến đi “nhập-môn” ở Đại-Thế-Giới, nó chưa được đi đến đâu. Sở Thú, vườn “Bờ-Rô” chỉ mới là những cái tên lạ tai. Vả nó cũng chưa nghĩ đến chuyện đi chơi khám-phá thành-phố. Điều quan-tâm lớn nhất của nó lúc này là nghe-ngóng xem các thày giáo cũ và đám bạn bè cùng lớp có vào Nam hay không. Nó mong-đợi, hy-vọng, rồi cuối cùng thất-vọng nặng-nề. Thằng bạn thân nhất của nó, có cái miệng như miệng chuột chù nhưng rất giỏi và tính-nết rất hiền-lành, nhất-định là đã không vào. Đám bạn-bè thân khác, trước đây vẫn đi chơi Bờ Hồ hoặc đi tìm xác ve và côn-trùng tại vườn Bách-Thảo cho giờ thực-tập môn Vạn-Vật, cũng không thấy một mống nào. Thầy Hưng dạy Pháp-văn và Việt-văn, con người mảnh-khảnh đeo kính trắng, rất mực có hiếu và rất yêu thơ, cũng ở lại. Thầy Xuân “taylor”, “Goodye, Mr. Chips”, thần-tượng của nó, cũng không thấy bóng dáng đâu. Cũng may còn ông thầy dạy Nhạc và ông thầy dạy Vẽ, để cho nó còn cảm thấy an-lòng phần nào giữa cái vùng đất lạ-lẫm xa-xôi này.

            Tích đã tìm nguồn vui trong việc hí hoáy đóng một tập lưu-niệm mỏng, cắt lại những nét chữ, những lời phê của các thầy, những dòng chữ vu vơ của bạn bè nơi các tập vở cũ, dán chúng vào trong tập và ghi lại vài dòng về hình-ảnh những người thân quen. Là “con nhà toán”, chưa có dấu vết nào phát-hiện về thiên-hướng văn-chương, những dòng ghi lại của Tích còn mang đầy tính-chất ngô-nghê và chất-phác của một đứa bé chưa bước được vào đến ngưỡng cửa ngoài của cuộc sống rộn-ràng.

            Và rồi công-việc cũng lại bỏ dở nửa chừng. Ngoài vài ba khuôn mặt mà nó khắc ghi, chỉ còn lại một đám đông thầy bạn có tên-tuổi nhưng không linh-hồn, đã không tạo cho nó một niềm hứng-khởi nào nữa. Thì ra nó cũng là loại khô-khan về tình-cảm chứ không ướt-át gì như đôi khi nó hằng tưởng.

            Nấn-ná ở nơi tạm-trú được gần hai tháng, cha mẹ Tích cuối cùng cũng tìm ra được một chỗ ở đàng-hoàng hơn. Niên-học đầu tiên nơi miền quê-hương mới cũng đang sửa-soạn bắt đầu. Một giai-đoạn mới cũng đang bắt đầu đối với đứa nhỏ. Giã-từ quá-khứ. Giã-từ Ha- Nội với Hồ Gươm, Hồ Trúc-Bạch, Quảng-Bá, Nghi-Tàm. Giã-từ vùng sương-khói, với mùa đông gió rét căm-căm. Giã-từ cành hoa đào ngày Tết. Giã-từ dư-âm bài hát mùa xuân mà sao buồn man-mác:  Xuân về rồi, muôn đóa hoa đào tươi” Giã từ Roy Rogers, Kathryn Grayson, Laurel Hardy, Zorro, Tarzan, Cô Bé Lọ Lem. Tôi đã bước vào một thế-giới khác. Sàigòn ơi, chào em buổi sáng tươi vui.

+++

Kim-Vũ

(Trích Tuyển Tập Truyện Ngắn

“Cánh Bướm Ngẩn Ngơ” sắp xuất bản)

* * *

Câu chuyện Thầy Lang

CVA Nguyễn Ý-ĐỨC

CHOLESTEROL và Sức Khỏe: 

Từ nhiều ngàn năm, các cụ ta vẫn rán từng miếng mỡ heo hồng hào  lấy mỡ nước để xào nấu. Tóp mỡ được các cụ  chế biến thành món ăn như chiên ròn để nhậu, xào với các loại rau hoặc nấu canh  cà chua ăn với cơm. Các cụ thưởng thức mỡ heo thả cửa, vô tư. Món thịt mỡ dưa hành, thịt kho đông với nhiều mỡ trắng không thể thiếu trong dịp có khách tới thăm hoặc lễ lạc, ngày tư ngày Tết.

Rồi đến thời kỳ “giống bạch quỷ phương Tây” xâm chiếm quê hương ta thì pa tê, bơ sữa, jambon nhiều chất béo  được nhập cảng, giới thiệu và trở thành món ăn thời thượng, sang trọng. 

Vậy mà khi đó ít người quan tâm tới điều mà ngày nay khoa học đã khám phá ra rằng mỡ heo là một trong nhiều chất béo có nguy cơ đưa đến bệnh vữa xơ động mạch với các biến chứng gây nhiều tàn phế, tử vong cho con người.

Vài hàng y sử.

            Năm 1755, một nhà sinh học Thụy Sĩ đã tả sự  thoái hóa, đóng cục của chất béo vào thành động mạch.

 Đến năm 1908, khoa học gia người Nga thấy rằng, khi được nuôi  bằng sữa và lòng đỏ trứng, thỏ sẽ mắc bệnh vữa xơ này.

Năm 1913, các khoa học gia đã xác định là quá nhiều chất béo cholesterol trong mỡ là hung thủ gây bệnh.

Năm 1916, khi quan sát thổ dân ở một vài hải đảo bên Indonesia, viên y sĩ người Hòa Lan thấy cholesterol trong máu  họ thấp hơn nhóm quan lại cai trị tây phương và số người bị bệnh tim cũng ít hơn. Nhưng khi thổ dân này bỏ món ăn quê hương để chạy  theo lối tây phương thì cholesterol lên cao và tỷ lệ bệnh tim cũng lên theo.

 Rồi đến thế chiến thứ nhì, khi mà thịt, bơ sữa khan hiếm, tỷ lệ bệnh tim giảm trông thấy và những người bị  lên cơn đau tim (heart attack) có lượng cholesterol trong máu cao hơn. Một so sánh nữa là thổ dân Eskimo ở Alaska có ít bệnh tim mặc dù họ tiêu thụ nhiều mỡ, nhưng đây là mỡ từ các loại cá.

Năm 1949, một tài liệu y học nói về nguyên nhân gây ra bệnh vữa xơ động mạch được phát hành. Trong sách tác giả đã nhấn mạnh tới vai trò của mỡ béo và cholesterol  trong bệnh này.

Và từ đó con người rất lưu tâm, đôi khi quá ám ảnh, tới vai trò của chất béo trong bệnh tim mạch. Nhiều người còn không nắm vững, đôi khi bối rối về sự tương quan giữa chất béo trong thực phẩm với các bệnh tim vì có quá nhiều kết quả nghiên cứu phức tạp được công bố dài dài.

Định nghĩa Chất Béo

            Chất béo hoặc lipid là những phân tử không hòa tan trong nước. Lipid chứa nhiều fatty acid, rất cần thiết cho sự tăng trưởng con người. Ngoài ra Lipid còn có nhiều vai trò quan trọng khác trong cơ thể như:

  1. là thành phần cấu tạo màng tế bào;
  2. là nguồn cung cấp năng lượng;
  3. là lớp độn để  phân cách  và bảo vệ lục phủ ngũ tạng;
  4. là phương tiện  chuyên trở các sinh tố hòa tan trong mỡ.

Và nhiều công dụng khác nữa.

             Lipid có nhiều thành phần khác nhau mà cholesterol và fatty acid được nhắc nhở tới nhiều hơn cả.

  • a-Fatty acid gồm có thứ  bão hòa, đơn bất bão hòa và đa bất bão hòa. Lipid đều được cấu tạo bởi các phân tử carbon, hydrogen và oxygen. Khi các phân tử carbon mang một số lượng tối đa phân tử hydrogen thì mỡ gọi là bão hòa (saturated fat) tức là fatty acid đó có đầy đủ hydrogen. Chất béo này có nhiều trong thực phẩm  nguồn gốc động vật (thịt bò, thịt heo, bơ, sữa, mỡ heo), trong dầu dừa và ở trạng thái cứng trong  nhiệt độ bình thường.

            Nếu thiếu phân tử hydrogen thì béo thành bất bão hòa (unsaturated fat):  thiếu một là đơn, thiếu nhiều là đa bất bão hòa (monounsaturated và polyunsaturated fats). Béo bất bão hòa thường ở trạng thái lỏng, có nhiều ở thức ăn  thực vật (dầu trái olive, dầu đậu phọng, dầu ngô bắp, hạt hướng dương  (sunflower), safflower  hoặc trong  vài hải sản. Omega 3 và omega- 6 thuộc nhóm mỡ đa bất bão hòa.

            Mới đây, sự phân chia chất béo trở nên phức tạp hơn khi loại trans fatty acid được thêm vào. Đây là lipid bất bão hòa mà mấy phân tử hydrogen thiếu đã được bổ túc khiến chúng trở nên cứng ở nhiệt độ bình thường. Một thí dụ là dầu thực vật margarine được đóng thành từng cục bán ở các siêu thị.

  • b-Cholesterol là chất giống như sáp, mầu trắng. Mặc dù bị mang tiếng là không tốt nhưng nó góp phần trong việc tạo màng tế bào, mô thần kinh não bộ, là thành phần cấu tạo của mật, kích thích tố steroid, sinh tố D.

            Hầu hết cholesterol cần thiết trong cơ thể đều được gan cung cấp đầy đủ nên ta không cần phải ăn thêm. Ở người khỏe mạnh, gan sẽ giảm việc chế tạo cholesterol khi thực phẩm có nhiều chất  béo này được tiêu thụ.

            Chỉ có thực phẩm từ động vật mới có cholesterol, thí dụ trong thịt bò, trong các sản phẩm nông trại như sữa, bơ, pho mát.

            Trong máu, cholesterol được chất đạm protein chuyên trở và được kêu là lipoprotein. Tùy theo tỷ lệ protein nhiều ít, ta có lipoprotein tỷ trọng thấp LDL (Low density lipoprotein), hay tỷ trọng cao HDL (high density lipoprotein).

            HDL thường được coi như phần tử hiền hòa tốt  bụng vì nó đưa cholesterol vào tích trữ trong gan để rồi được phế thải ra khỏi cơ thể, do đó làm bớt mỡ lưu thông trong máu, làm giảm nguy cơ đóng mỡ ở thành động mạch, giảm nguy cơ bệnh vữa xơ động mạch.

            Ngược lại cô em song sinh LDL thì hung dữ hơn. Nó chuyển cholesterol vào các tế bào của cơ thể. Khi cholesterol trong máu lên cao, tế bào không đủ chỗ nhận cholesterol, hóa chất này sẽ lởn vởn trong máu và tăng gia sự đóng bựa ở thành động mạch.

            Chỉ số cholesterol các loại trong máu được  đo bằng đơn vị phần ngàn của gram (milligram) mg trên phần mười lít (decilitre) dl máu. Viện Sức khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ đã đưa  các chỉ số sau đây để  dùng làm tiêu chuẩn:

                                                   Lý tưởng                 Tạm được             Không tốt

Tổng số Cholesterol                         Dưới 200 mg/dl       200 - 240 mg/dl     Trên 240mg/dl

HDL cholesterol                              Trên 45mg/dl            35 - 45 mg/dl         Dưới 35mg/dl

LDL cholesterol    Dưới 130  mg/dl                        130 - 160 mg/dl   Trên 160mg/dl

Ta nên đo cholesterol mỗi hai, ba năm một lần; đo thường hơn khi cholesterol lên cao và thử máu lúc nào trong ngày cũng được.

  • c-Ngoài ra chất Triglyceride và VLDL cũng cần được theo dõi. Mặc dù vai trò của chúng trong nguy cơ gây bệnh tim chưa được xác định, nhưng nhiều chứng minh cho là khi béo này lên cao thì đều không tốt cho tim. Triglyceride, được gan sản xuất, là dạng tồn  trữ của mỡ trong cơ thể và nó được loại very low-density lipoprotein VLDL chuyên trở trong máu.

            Lượng Triglyceride dưới 200mg/ dl được coi như bình thường. Nó thường lên cao trong bệnh tiểu đường, bệnh thận.

            Khi lấy máu đo triglyceride, cần nhịn ăn ít nhất là 14 giờ. VLDL làm tăng Triglyceride và giảm HDL trong máu.

  • d-Omega-3 fatty acid cũng đóng vai trò tốt trong việc ngừa nguy cơ bệnh tim. Nó có nhiều ở các loại cá hồi (salmon, trout), ngừ (tuna), cá thu (mackerel), sardines và vài loại hạt. Dân Eskimo ăn nhiều cá nên số người bị bệnh tim rất thấp và họ có rất ít cholesterol trong máu.

Ảnh hưởng của chất béo trên sức khỏe:

Chất béo là một trong ba nguồn thực phẩm chính yếu cung cấp năng lượng cho các chức năng của cơ thể: chất đạm, chất carbohydrates và chất béo. Mỡ béo cung cấp năng lượng gấp đôi hai thức ăn kia: 1 gr mỡ sản xuất 9 kcal năng lượng trong khi 1gr  carbohydrates hay protein chỉ cho 4 kcal.

Chất béo cũng như cholesterol không phải là độc chất đối với cơ thể mà là chất sinh tử cho mọi tế bào động vật. Cho nên thực là không công bằng khi gán cho mỡ béo danh vị thực phẩm “xấu”. Nhưng một chế độ dinh dưỡng không cân bằng, kém đa dạng, quá nhiều chất béo là điều thiếu sót, có thể đưa tới hậu quả bệnh tật cho con người.

Mối tương quan giữa chất béo, cholesterol với bệnh tim là một vấn đề phức tạp, đã được quan sát thấy ở những xác ướp Ai Cập từ nhiều ngàn năm trước; ở dân tộc các vùng có chế độ ăn uống khác nhau; ở những nghiên cứu, điều tra khoa học trong nhiều thập niên vừa qua. Tất cả đều có cùng kết luận cho là một chế độ dinh dưỡng nhiều mỡ béo quá sẽ đưa tới nguy cơ bệnh tim mà vữa xơ động mạch là bước khởi đầu. Đồng thời khi làm giảm  cholesterol ở một người có mức độ bình thường và không có dấu hiệu bệnh tim mạch đều làm hạ thấp  nguy cơ  kích xúc tim heart attack tới 40, 50%. Cho nên cholesterol càng thấp càng hay.

Xin nhắc lại là để hoạt động hữu hiệu, các mạch máu, cũng như các bắp thịt, cần được tốt mạnh, uyển chuyển  và giữ đàn tính. Lòng mạch máu cần trơn tru nhẵn nhụi để máu lưu thông dễ dàng.

Trong bệnh vữa xơ động mạch, thành động mạch có những bựa giống như cháo gồm có cholesterol và tế bào máu đóng vào, khiến nó trở nên gồ ghề, thu hẹp gây trở ngại cho sự vận chuyển của máu. Máu huyết  tới tim giảm, tim kém được nuôi dưỡng, giảm hoạt động rồi một lúc nào đó đưa đến cơn kích tim. Những miếng bựa có thể bứt rời thành mạch máu, ngao du khắp cơ thể theo hệ tuần hoàn gây ra nghẽn mạch. Lên đến não nó tạo ra tai biến mạch máu não, tới tim nó gây ra nhồi máu cơ tim.

Mỗi năm, có cả nhiều trăm ngàn người chết vì những tai nạn tương tự. Có một điểm mà nhiều người không để ý là cơ thể sản xuất tất cả lượng cholesterol cần thiết. Khi đề cập đến con số cholesterol thì là nói tới lượng cholesterol lưu hành trong máu mà 85% do cơ thể sinh ra và 15% do thực phẩm đưa vào.

 Cholesterol trong máu có thể lên cao khi ta tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều loại mỡ này hoặc nhiều mỡ bão hòa.

Ngoài ra cholesterol trong máu lên cao theo số tuổi; khi cân quá nặng nhất là béo mập ở vùng bụng; khi có các bệnh tiểu đường, cao huyết áp; di truyền cao cholesterol từ bố mẹ; khi có nếp sống không lành mạnh như lạm dụng rượu, thuốc lá, có đời sống quá tĩnh tại hoặc có nhiều mối lo âu, bất mãn.

Cách thức giảm cholesterol:

Điểm cần lưu ý đầu tiên là ăn ít cholesterol không có ảnh hưởng mấy  tới lượng cholesterol trong máu như là khi bớt tiêu thụ  thực phẩm có chất béo bão hòa.

Thứ hai là trong thực phẩm, tất cả cholesterol đều giống nhau, không có loại xấu loại tốt. Nhưng trong máu thì cholesterol trở nên tốt hay xấu là tùy theo loại lipoprotein của nó.

Thứ ba là chất béo bất bão hòa đơn hoặc đa dạng từ thực vật không gây ra sự vữa như cháo của chất mỡ trong lòng động mạch.

Sau đây là một số gợi ý để chúng ta cùng nhau hạ thấp cholesterol trong máu:

1) Lựa thực phẩm có ít mỡ béo - Nếu ta bớt  chất béo xuống còn 30% của tổng số năng lượng do thực phẩm cung cấp thì nguy cơ bệnh tim mạch sẽ giảm theo rất nhiều.

            Dân chúng vùng Địa Trung Hải đều ít bị bệnh tim hơn người Mỹ vì họ dùng nhiều dầu olive, cá, các loại hạt, rất ít khi ăn thịt bò, thị heo, uống một chút rượu vang vừa phải mỗi ngày.

2) Lựa thực phẩm có ít  chất béo bão hòa vì loại này làm tăng cholesterol, LDL và Triglyceride trong máu. Ăn nhiều rau, trái cây, hạt ngũ cốc. Béo bão hòa có nhiều trong kem, bơ, sữa nguyên chất, cheese, da gà, mỡ trên thịt nạc, mỡ heo. Thịt trâu rất ít mỡ béo.

3) Giảm thiểu  thực phẩm có nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng, gan. Lòng trắng trứng và thực phẩm từ thực vật không có cholesterol. Một lòng đỏ trứng có tới 250mg cholesterol. Theo Hiệp Hội Hoa Kỳ về Tim thì nếu khỏe mạnh ta có thể ăn không quá bốn quả trứng mỗi tuần; khi cholesterol cao thì giảm xuống hai trái trứng mỗi tuần.

  1. Tránh dầu dừa, dầu hạt cọ (palm), vì có nhiều béo bão hòa. Dầu này thường có trong kẹo súc cù là, bánh bích quy.
  2. Dùng béo bất bão hòa trong dầu ngô bắp (corn), safflower. dầu olive, dầu canola, trái  bơ avocado, vừng, dầu đậu phọng, vài loại cá vì chúng có tác dụng làm hạ cholesterol.
  3. Giảm trans fatty acid như margarine thỏi vì tác dụng làm gia tăng cholesterol trong máu. Margarine mềm ít  hại hơn. Loại bơ thay thế Benecol  hay margarine chế từ đậu nành có thể hạ cholesterol trong máu.
  4. Tiêu thụ nhiều omega 3 fatty acid, có nhiều trong cá  thu (mackerel), cá chình  americain eel, cá ngừ (tuna),  cá trích (atlantic herring), cá sardines, cá hồi (trout).. Lưu ý là khi uống dầu cá, nên tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình vì mức độ dầu cá có thể tương tác với vài dược phẩm.
  5. Tăng lượng chất xơ và tinh bột có trong ngũ cốc, rau trái, mì ống mì sợi vì các chất này có rất ít béo bão hòa, cholesterol và cho ít năng lượng.
  6. Giữ sức nặng cơ thể ở mức trung bình, tránh bị mập phì  nhất là ở vùng bụng.
  7. Tập luyện cơ thể đều đặn để làm tăng chất béo tốt HDL, làm giảm mỡ dữ LDL, giảm kí, hạ huyết áp cao. Với tập luyện cơ thể đều đặn và giảm tiêu thụ chất béo, ta có thể làm hạ cholesterol trong máu xuống tới 15%.

Ngoài ra, ta có thể tiêu thụ nhiều hơn các phó sản của đậu nành có ít cholesterol lại nhiều đạm thực vật dễ tiêu; tăng các antioxidant như sinh tố E, C, Beta Carotene vì tác dụng tốt trong sự chuyển hóa Cholesterol.

Đã có nhiều thành kiến không đúng cho là các thủy sản như tôm, cua, trai sò, crawfish, tôm hùm có nhiều cholesterol nên thực phẩm này bị loại khỏi chế độ dinh dưỡng của nhiều gia đình. Dữ kiện mới đây cho hay các thực phẩm trên đều an toàn về phương diện chất béo nhất là khi chúng được nấu bằng cách hấp, luộc, nướng, bỏ lò chứ không chiên trong chảo với mỡ, với bơ.

  1. Dược phẩm. Đôi khi với tất cả các đề phòng kể trên, cholesterol trong máu vẫn còn cao vì ảnh hưởng của gene, vì vui miệng ăn nhiều mỡ béo thì phải cầu cứu tới dược phẩm.

Thường thường tiêu chuẩn để dùng dược phẩm là khi LDL cao quá mức độ 190mg/dl hoặc trên 160mg/dl cộng thêm vài nguy cơ gây bệnh tim khác như hút thuốc lá, cao huyết áp, mập phì.

            Thị trường hiện nay có nhiều âu dược rất công hiệu để làm giảm mức độ cholesterol trong máu, ngăn ngừa sự đóng bựa chất béo vào thành động mạch và ngăn bựa tách rời khỏi thành mạch máu chạy tới các bộ phận sinh tử như não, tim.

Việc dùng các dược phẩm này cần được bác sĩ cân nhắc kỹ càng tùy theo từng trường hợp, vì khi đã uống thì phải uống trong nhiều năm, có khi suốt cuộc đời. Thuốc lại rất đắt tiền và vài loại thuốc có những tác dung phụ nguy hiểm, chẳng hạn là làm hại tới lá gan.

  1. Dược thảo. Ngoài âu dược, còn một số dược thảo được trong máu như Beta-Sitosterol chế biến từ đậu nành và gạo; citrus giới thiệu là có thể làm giảm cholesterol pectin từ họ chanh, cam bưởi và ăn thêm tỏi.

Kết luận

Các tài liệu về  chất béo-cholesterol có quá nhiều, đôi khi làm ta bối rối. Gần đây, nghiên cứu lại tìm thêm ra lipoprotein (a) cũng xấu không khác gì LDL.

Sau hơn 50 năm, khoa học đã làm sáng tỏ một phần nào vai trò của cholesterol cao trong máu đối với bệnh vữa xơ động mạch, một nguyên nhân đưa tới tử vong và bệnh hoạn vì nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nhưng nguyên lý sinh bệnh của vữa xơ này còn nhiều bí hiểm cần được khai sáng tiếp. Khi đó, việc điều trị và ngừa bệnh này hy vọng sẽ dễ dàng và công hiệu hơn. Hơn nữa, ta không thể gạt bỏ chất béo khỏi khẩu phần dinh dưỡng vì cơ thể cần năng lượng từ chất béo, cần sinh tố tan trong mỡ, cần chất béo để cấu tạo màng tế bào, mô thần kinh, tim...

Cho nên giản dị hơn cả là khi muốn tránh bệnh tim mạch do các chất béo này gây ra, ta chỉ việc bớt tiêu thụ thực phẩm do động vật gia súc như thịt, sữa và phó sản; tăng thực phẩm từ thực vật và vận động cơ thể. Để bảo toàn trái tim thân thương cũng như sức khỏe tổng quát.

Nguyễn Ý-ĐỨC, Bác sĩ Y Khoa, Cựu HS CVA.

(Trích trong sách “Dinh Dưỡng & Điều Trị”, mới xuất bản)

* * *

CVA Đào Tiến Luyện

(Trích trong tập thơ Hoa  Thông Thiên)

Mến tặng những  ai đã phải chia tay nhau vì Hiệp Định Geneve ký ngày 20.7.1954

Bối cảnh sáng tác: Chiến tranh Việt Pháp, bùng nổ ngày 19.12.1946 tại Hà Nội và trên toàn quốc, trải dài 8 năm, sau cùng kết thúc bằng Hiệp Định Geneve tại Geneve Thụy Sĩ chia đôi Việt Nam thành hai nước lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới: Miền Bắc thuộc phe ly thống, Miền Nam thuộc  phe duy thống nghĩa là duy trì văn hóa truyền thống.

Ngày 20.7.1954, Đào Tiến Luyện đang học lớp 12, trường Trung Học Chu Văn An, Hà Nội, viết bài thơ này tặng các thân hữu văn nghệ.

Bạn nhỉ, mai rồi cách biệt nhau,

Mai rồi tim khắc nét thương đau,

Lẻ loi trăng sẻ sầu đôi ngả,

Muôn hướng tâm hồn mưa hạt mau.

Tôi ở lại đây với gió mùa,

Thả hồn lạc hướng Đống Đa xưa,

Bạn đi đuổi nắng chiều phai nhạt,

Nhặt thắm tươi về tô ước mơ.

Bạn hãy vui lên trong biệt ly,

Men sầu đừng cản bước chân đi.

Chia ly đâu phải là chung biệt

Gặp gỡ ngày mai vậy ngại gì.

Đã hiểu nhau rồi dù bão giông,

Muôn ngàn vạn lý cũng như không

Và dòng Bến Hải ngăn sao nổi

Hai mảnh tâm hồn khi cảm thông.

Bến Hải sầu đau lệ thắm dòng,

Đôi bờ hiu quạnh khóc chờ trông

Rồi đây một sớm tưng bừng đón

Dũng cảm đoàn người quyết lấp sông

Tôi sẽ dành mầu trong ý thơ

Đợi ngày gặp gỡ dưới trời mơ,

Phong trần cuối bước mong tô lại

Áo bạn bạc mầu qua gió mưa.

Đào Tiến Luyện

 Viết tại trường Trung Học Chu Văn An, Hà Nội,

  Ngày 20 tháng 7 năm 1954, ngày ký Hiệp Định Geneve

* * *

 

Nguyễn thị Hồng Yểm

CVA  Lưu An

Lời giới thiệu:  Trò chơi trẻ con: Em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu. Chú rể ngẩn ngơ, ra hái hoa cà làm qùa cưới cô dâu....(nhạc TTT). Kỷ niệm của tuổi thơ, có những lúc người ta tưởng rằng chỉ là những đẹp đẽ thoáng qua trong qúa khứ mà thôi, nhưng có khi lại là những gắn bó muôn đời không quên. Từ những đơn sơ, ngờ nghệch đó, tình yêu sẽ lớn dậy, nối kéo cuộc đời của người ta với nhau trong một dạng thức yêu thương nào đó: Hạnh phúc, hoan ca hay dang dở, đau buồn.

            Đây là một đoản văn, viết về truyện yêu thương của một người bạn, một sĩ quan trẻ cuả QLVNCH ngày xưa. Để kỷ niệm cho anh, cho Vân người tình dang dở tuổi ấu thơ của anh và cho cả người cháu Nguyễn thị Hồng Yểm mà tôi đã gặp, đã ngẫn ngờ nghe kể về mối tình khá đẹp nhưng hơi buồn đau của họ.  (Lưu An)

Thanh không biết vì đưa đẩy nào đã mang gia đình Vân đến cái xóm nhỏ, khá nghèo của anh, nhà Vân cách cái giếng nước chung của xóm, đằng sau nhà của Thanh chỉ vài chục mét. Vân mồ côi cha từ ngày còn bé, nàng sống với mẹ và hai người chị rưởng thành và đã có gia đình, cùng nhau trông coi một chiếc sạp bán đồ gia vị ở ngôi chợ gần nhà. Vân theo đạo Công giáo cho nên thay vì học ở trường tiểu học công lập của khu vực cùng với anh em Thanh, nàng vào học ở ngôi trường của nhà thờ.

            Khi Vân dọn đến xóm, nàng 11 tuổi, Thanh lên 9 và hai đứa em của Thanh mới 8 và 6 tuổi. Dù tuổi tác cách biệt nhau nhưng Vân và ba anh em Thanh thân nhau rất nhanh ngay từ ngày đầu tiên vừa đến xóm. Đặc biệt với Thanh, sự thân tình, gắn bó giữa hai đứa bé đã làm ba mẹ Thanh cũng như gia đình Vân ngạc nhiên. Gần như mỗi ngày khi vừa đi học về hai đứa lại tìm đến nhau, vui chơi vơí nhau đến độ quên cả giờ ăn.  Tình thân của hai đứa bé đã thắt buộc hai gia đình lại với nhau. Bà Tứ, mẹ của Vân và hai người chị vì bận bịu buôn bán, không chăm sóc bài vở thường xuyên cho Vân được, vì thế  ba mẹ Thanh đã kéo Vân đến nhà học hành, chỉ dậy bài vở cùng vớí anh em Thanh.

            Trong bất cứ trò chơi nào vơí lũ trẻ trong xóm, cần đến sự chia phe nhóm, hai đứa luôn luôn vào một nhóm. Cả đến những trò chơi cần đến cảnh ẵm bế, cõng nhau hay tập tành hỏi han, săn sóc nhau khi bệnh hoạn... bắt chước sinh hoạt của ngườì lớn, chúng vẫn về phe với nhau. Ở cái tuổi ấn thơ, chưa biết gì ngại ngùng thích bắt chước đó. Chúng đã diễn tả những hành động, lời nói và giáng điệu đôi khi làm cho cha mẹ của chúng ngẩn ngơ suy nghĩ.  Một lần, khi vừa làm xong bài kiểm, trước mặt ba mẹ Thanh, Vân xếp vội mấy cuốn vở vào cặp, rồi chạy vòng qua chiếc bàn học, cầm lấy tay của Thanh, vơí giọng noí rất ngọt ngào:

            -Thanh, ra đây chơi với Vân, chúng ta tiếp tục chơi trò vợ chồng nữa nhe?

            Trong khi Thanh còn đang bận bịu vơí mấy cái bút chì mầu đang gọt dở, con bé nói tiếp:

            -Vân làm mẹ bị bệnh, nằm trên giường với con, còn Thanh làm cha săn sóc cho Vân và đứa con nhe!

            Ông bà Chánh, ba mẹ của Thanh im lặng ngẩn ngơ nhìn và nghe hai đứa bé đối đáp, bà Chánh kéo Vân vào lòng mình, âu yếm vuốt ve, hỏi nhẹ con bé:

            -Vân, cháu có thương Thanh không?

-Cháu thương mà, bác không thấy sao, ngày nào cháu và Thanh cũng chơi trò vợ chồng, cháu là vợ của Thanh, còn Thúy và Trọng hai em của Thanh là hai đứa con của chúng cháu đó!

Rồi với giọng ngây thơ, con bé kể lể ra những hình ảnh một mái gia đình đầm ấm với đủ hoạt cảnh, giặt dũ, săn sóc nhau khi bệnh tật...  Ông bà Chánh thích thú ngồi nghe, thỉnh thoảng đưa ra vài câu hỏi han hay giúp vài ý kiến cho cái khung gia đình tưởng tượng đãy ắp hạnh phúc trong đầu nó.

Bà Chánh quay sang nhìn chồng tâm sự:

-Cứ đà này, chúng nó chắc chắn sẽ có rất nhiều kỷ niệm đẹp lắm! Tương lai không biết ra sao đây?

Ngẫm nghĩ một chút, bà Chánh tiếp:

-Em tự nhiên thương con Vân này qúa anh ạ! Em mong với 2 tuổi lớn khôn hơn của nó, không phải là trở ngại cho thằng Thanh của chúng mình ...

Ông Chánh vỗ nhẹ lên vai vợ, ngắt lời:

-Đúng là vớ vẩn! Em chỉ lo xa mà thôi. Nếu chúng yêu thương nhau thì kể gì tuổi tác!

Thấm thoát đã hơn một năm kể từ ngày gia đình Vân dọn đến xóm, những trò chơi ngây thơ vẫn tiếp nối mang theo thân tình càng ngày càng gắn bó của hai đứa bé. Ngày cuối tuần Vân vẫn trong chiếc áo dài trắng đều đặn đi lễ nhà thờ, Thanh dù không đi đạo nhưng vẫn theo Vân đến nhà thờ, rồi chia tay khi Vân vào xem lễ. Thằng bé lang thang ở phía ngài sân, lén lút hái những bông hoa sứ trong sân nhà thờ bỏ vào trong một bọc giấy, chờ lúc tan lễ, trên đường về nhà hai đứa chia nhau thích thú, hút những giọt mật hoa ngọt lịm từ cuống hoa.

Một buổi chiều sau khi đã hoàn tất xong tất cả những bài vở của nhà trường, Thanh và hai đứa em cùng với Vân tham dự với trẻ trong xóm chơi trò trốn tìm’’năm mười ‘’.  Dĩ nhiên, cũng như tất cả các cuộc chơi khác, Thanh và Vân không rời nhau, luôn luôn cùng chạy, cùng trốn với nhau. Một lần hai đứa cùng núp vào một hốc kẹt kín đáo của một căn nhà, cả hai nín thở, im lặng cố giữ kín nơi ẩn núp của mình. Thanh nhìn thấy đứa trẻ’’ kiếm tìm’’ từ xa đang đi lại, xục xạo tìm kẻ trốn. Vì sợ bị khám phá Thanh cố ép sát thân mình vào Vân, đôi tay ôm sát lấy Vân, khuôn mặt hai đứa chạm sát vào nhau, hơi thở đứt quãng, hồi hộp vì lo sợ bị thằng bé kiếm tìm khám phá ra chỗ hai đứa đang ẩn núp. Có lẽ vì qúa hăng say với trò chơi và lo sợ bị thua, Thanh không chú ý đến thái độ khó chịu, có tí chút giận dỗi của Vân. Cô bé cố cựa mình ra khỏi vòng tay  của Thanh, tìm cách đẩy thằng bé ra xa. Nhưng vì mắc trong góc kẹt, qúa chật chội, khó xoay trở, con bé đã không làm sao thoát ra khỏi được mà còn bị Thanh ghì chặt hơn nữa! Đến một lúc vì qúa bực bội, không thể nào làm hơn được, Vân gắt lên:

-Bỏ người ta ra! Kỳ lắm!

Nhưng ở cái tuổi lên 10, đứa con trai còn đầy rẫy ngờ nghệch, tâm hồn trong sáng và nhất là lo sợ bị thua cuộc chơi thì làm sao Thanh hiểu được câu nói ‘’Kỳ lắm‘’ của Vân cô gái vừa bước sang tuổi 12!  Đã thế nó còn cố ghì sát hơn, như muốn hóa giải sự cưỡng lại của con bé. Thấy không còn làm sao hơn được, Vân lấy hết sức đẩy bật thằng bé ra khỏi chỗ núp và giơ thẳng bàn tay với tất cả sức mạnh tát một cái vào má thằng bé ‘’ Chát ‘’.   Với nét mặt bực tức, Vân nói:

-Đã bảo mà không nghe!

            Với cái tát như đổ lửa đó, trên khuôn mặt đau đớn đầy nét bàng hoàng, ngạc nhiên của Thanh in rõ dấu bàn tay đỏ gay của Vân. Giương mắt tức giận lên nhìn thẳng vào mặt con bé, Thanh nói như hét:

-Sao tự nhiên đánh tôi?

Rồi đưa tay lên xoa má ra chiều đau đớn, đứng bật dậy bước ra khỏi chỗ núp, chỉ thẳng ngón tay vào sát mặt Vân, giận dữ nó hét:

-Vân điên hả, tôi không thèm chơi nữa!

Hình như nhìn thấy dấu bàn tay đỏ hồng của mình còn in trên khuôn mặt đau đớn và nhất là hai giòng lệ đang chẩy từ khoé mắt Thanh đã làm cho Vân hối hận, sợ hãi. Cô bé vội vàng đưa tay nắm lây cánh tay Thanh kéo trở lại, vơí giọng nói run run như muốn khóc:

-Thanh, Vân xin lỗi Thanh! Tại Vân đã nói kỳ quá bao nhiêu lần, mà Thanh không nghe!

Nói xong Vân đưa bàn tay vuốt nhẹ lên má Thanh, nhìn thằng bé với ánh mắt như van lơn, xin lỗi!  Nhưng  đứa con trai lên 10, ngây ngô đó, làm sao hiểu được nguyên nhân bực bội để cảm thông, chấp nhận ánh mắt hối hận van xin của cô bạn gái lớn khôn hơn nó được! Nó giận dỗi hất tay Vân, vùng vằng đứng dậy, bước ra khỏi chỗ ẩn nấp, không quên quay đầu lại nói như gắt vào khuôn mặt cũng đang rướm lệ,ân hận của Vân:

-Thôi, tôi không thèm chơi nữa, tôi ghét Vân lắm!

Nói xong Thanh quay mặt, lầm lẫm bước đi, không thèm nhìn lại, dù biết rằng phía sau mình vẫn còn đôi mắt ân hận và khuôn mặt đẫm lệ của Vân nhìn theo bước chân nó với vài tiếng gọi với theo:

-Thanh! Đừng giận Vân nữa! Vân đã xin lỗi Thanh rồi mà!

Bỏ cuộc chơi, thằng bé lui thủi đi về nhà. Lúc đó bà Tứ và ba mẹ Thanh đang ngồi nói chuyện trong phòng khách, bà Chánh thấy thằng con cúi mặt dáng dấp rầu rĩ, khuôn mặt nhem nhuốc nước mắt bước vào nhà. Bà ngoắc tay gọi:

-Thanh, con sao vậy? chắc lại đánh nhau với ai rồi phải không? Lại đây mẹ bảo!

-Vân, nó đánh con đó!

Câu trả lời của thằng bé không những làm ông bà Chánh ngạc nhiên mà còn làm cho mẹ Vân ngẫn ngơ giương mắt nhìn. Đúng lúc đó mọi người đều nhìn thấy Vân đang đứng khép nép nấp ở cánh cửa ra vào nhìn vào trong với vẻ mặt sợ sệt.  Bà Tứ vơí nét mặt không vui, định lên tiếng gọi Vân vào để trách mắng. Tuy nhiên, bà Chánh có lẽ cảm thấy có điều gì không bình thường, khó tin xẩy ra giữa hai đứa bé rất thương yêu nhau, chưa bao giờ trái ý, gây gỗ nhau. Bà kín đáo ra dấu cho bà Tứ im lặng, rồi đưa tay vẫy gọi Vân, với giọng âu yếm:

-Vân, cháu vào đây với bác.

Vân với khuôn mặt vẫn còn ướt lệ rón rén đến bên cạnh mẹ của Thanh. Bà Chánh kéo cô bé sát vào thân bà, đứng bên cạnh Thanh. Đưa bàn tay âu yếm vuốt nhẹ mái tóc Vân, nhẹ nhàng bà hỏi:

-Vân, tại sao cháu đánh Thanh đau như vậy? Cháu không thương nó sao?

-Cháu đã nói mãi mà Thanh không nghe!

Thanh bực bội ngắt lời Vân:

-Chứ không phải tự nhiên tát người ta hay sao? Tôi ghét Vân lắm, từ nay tôi không thèm chơi với Vân nữa! Người đâu mà ác qúa như vậy! 

Mẹ Thanh đưa tay vỗ nhẹ vai nó:

-Thanh, con để im cho Vân nói cho ba mẹ và bà Tứ nghe!

Rồi quay sang Vân, lời lẽ rất ôn tồn:

-Vân, cháu kể cho bác nghe đi, tại sao cháu đánh Thanh!

Với chút e dè, ngượng ngập Vân kể lại tất cả những diễn tiến. Dù với lời kể cắt khúc, ngập ngừng, không rõ ràng nhưng cũng qúa đủ cho ba ngươì lớn hiễu rõ vần đề.  Bà Chánh đưa mắt nhìn chồng và bà Tứ như thầm nói: Thanh, đứa con trai 10 tuổi vẫn con ngập chìm trong cái ngây thơ, trong trắng cuả đứa trẻ đúng nghĩa, làm sao nó hiểu được cái lớn khôn đang khởi đầu của Vân cô bé 12 tuổi được! Ngần ngừ một tí bà Chánh quay bên má của Thanh vẫn còn in hằn dấu bàn tay đỏ ửng về hướng con bé, bà nói rất nhẹ bên tai Vân:

-Vân, Cháu thấy không, cháu đánh Thanh đau như thế này! Thôi cháu lấy tay xoa má cho nó một tí rồi xin lỗi Thanh đi!

Vân lưỡng lự một chút, khuôn mặt hơi đỏ hồng, đưa bàn tay mát lạnh lên xoa nhẹ trên má thằng bé với giọng ân hận:

-Vân xin lỗi Thanh, đừng giận Vân nữa nhé!

Thanh im lặng nhìn Vân, ra vẻ vừa lòng rồi đưa bàn tay lên vuốt má mình. Bàn tay hai đứa bé chạm nhau, chúng nhìn nhau nở nụ cười trước khi nắm tay nhau chạy ra khỏi cửa!  Sau đó, tình thân của Thanh và Vân vẫn không có gì giảm sút, nhưng hình như đã êm nhẹ bước sang một trạng thái tình thân khác trong những cuộc chơi đùa với nhau. Nó manh nha một tí vẻ ngượng ngập, giớ hạn của Vân mỗi khi Thanh có vài hành động quá thân cận vì vô tình hay quá ngây ngô của nó đem lại. Tuy vậy, những buổi đi lễ của Vân, Thanh vẫn là kẻ đồng hành, chờ đợi cô bé ra về với những bông hoa sứ còn tươi đựng trong bao giấy nhỏ, hai đứa vẫn chia cho nhau hút mật hoa ngọt lịm cùng với  tiếng cười thích thú.

Mỗi ngày sau khi hoàn tất xong bài vở nhà trường, khi ánh nắng chiều đã mất đi cái nóng cháy của mặt trời buổi giữa trưa, Thanh vẫn ra giếng làm công việc giúp đỡ mẹ, múc nước đổ đầy mấy chiếc phuy của gia đình. Vân cũng ra giếng giúp đỡ gia đình giặt một thau quần áo. Trong dịp làm việc đó, Thanh múc nước cho Vân giặt giũ, ngược lại không lần nào Vân quên nhắc nhở Thanh đưa quần áo của nó cho cô bé giặt hộ... Những hình ảnh đơn sơ đó cứ chồng chất lên thể xác và trí nhớ của chúng, vô tình tạo cho chúng những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi ngây thơ. Mấy năm sau, khi Thanh vừa lên năm đầu tiên trung học, gia đình Thanh dọn nhà sang một ngõ hẻm khác khang trang hơn nhưng cũng không qúa xa xóm cũ. Có lẽ vì bận rộn với việc học hành hơn hay vì chưa quen thuộc với nếp sống của căn nhà mới, Thanh không có dịp sang thăm xóm cũ để gặp lại bạn bè trong xóm. Trong số đó có Vân, người con gái thân thiết nhất trong tuổi ngây thơ mà đôi lần nó cũng cảm thấy nhớ nhung.

Bẵng đi, nhiều tháng trời sau đó, khi đã quen thuộc với xóm mới, Thanh mới có dịp sang thăm lại xóm cũ vài lần.  Lần nào Thanh cũng nhìn thấy hay gặp Vân trong xóm hay trên đường đi lễ...Thời gian xa cách dù không quá xa, nhưng kỳ lạ làm sao! Khi chúng gặp nhau, hai đứa chỉ nhìn nhau, ánh mắt hình như dò hỏi, pha nhuộm rất nhiều ngại ngần ngượng nghịu rồi im lặng đi qua! Cũng có vài lần Thanh đi cùng với mẹ, dù có sự nối kéo của bà Chánh nhưng Thanh và cả Vân cũng chỉ nói với nhau vài câu ngắn ngủi, nhiều khi chẳng có nghĩa lý gì  hay vờ vĩnh nhìn ra hướng khác!

Thanh còn nhớ có một lần vào ngày cuối tuần, khi nó đang học lớp đệ ngũ, bà Chánh cho biết mẹ của Vân mời gia đình Thanh sang ăn mừng lễ đầy năm của đứa cháu ngoại, con trai đầu lòng của một người chị của Vân. Thanh đang sửa soạn đi với gia đình, thì một đứa bạn cùng lớp đến rủ đi đá banh, Thanh nhìn ông bà Chánh tỏ vẻ ngần ngại không muốn đi dự tiệc. Bà Chánh nhìn thằng con với đôi mắt khó hiểu:

-Con không muốn đi sao? Có lẽ Vân nó rất mừng rỡ gặp con đó!

Thanh tỏ vẻ không mấy chú ý, hơi cau mày, tí ngập ngừng nó nói:

-Thôi, con không đi đâu mẹ, để dịp sau vậy!

Nghe lời lựa chọn của thằng con, bà Chánh đã nhìn thấy đứa con trai 14 tuổi của bà vẫn còn ngờ nghệch lắm, tâm hồn vẫn trắng trong, đơn giản của một đứa con nít. Bà biết chắc chắn rằng,Vân đứa con gái mà bà thương yêu muốn kết hợp với con trai bà, nay đã 16 tuổi. Cái tuổi chưa được gọi là khôn lớn, nhưng ít ra con bé đã pha trộn bóng dáng của một cô thiếu nữ rồi. Làm sao có thể hòa hợp được cái vẻ ngây ngô, vẫn còn mê đá bóng tạt hình của con bà được!

&

Rồi Sàigòn mùa mưa như nước đổ, mùa nắng gắt cháy da tiếp nối nhau nhiều năm sau đó. Đôi lần Thanh cũng gặp Vân thoáng qua trên đường phố, hai đứa vẫn chỉ nhìn nhau, không một lời chào hỏi, nhưng ánh mắt lại như quen nhau và mang rất nhiều nối kéo. Vân đã chững chạc trong bóng dáng cô thiếu nữ 21 tuổi, đã ra đời buôn bán cùng với mẹ và hai người chị. Thanh cũng tạm đủ lớn khôn với cái đẫy đà của người thanh niên 19 tuổi vừa lên đại học, nhưng vẫn còn đôi nét non choẹt, thư sinh, vẫn phải xin tiền cha mẹ ăn điểm tâm mỗi sáng hay vẫn thích ồn ào với lũ bạn trai.  Năm sau, một buổi chiều khi Thanh vừa về học, mẹ cho biết vừa nhận được thiệp mời đám cưới của Vân, chồng của nàng là một Hạ sĩ quan. Mặc dầu đã mấy năm nay, cuộc quen biết thân thương thủa ấu thơ đã đi vào kỷ niệm, chẳng có gì tiến triển khả dĩ được gọi là tình yêu, nhưng khi cầm tấm thiệp cưới trên tay Thanh có cảm tưởng như vừa bị mất mát một cái gì rất nhẹ nhàng nhưng xoí buốt trong lòng mình. Hình ảnh ngày xưa, thời thơ ấu với những trò chơi và cả lần giận dỗi vì cái tát nẩy lửa đánh dấu sự lớn khôn của Vân ... Tất cả lại hiện ra trong trí nhớ làm Thanh im lặng đờ đẫn, anh không nhìn thấy bà Chánh cũng đang theo dõi nét mặt tiếc nuối có tí chút buồn đau của đứa con trai.

-Thanh, con buồn lắm phải không? Mẹ cũng không ngờ chuyện xẩy ra nhanh như vậy!

Tiếng nói của mẹ đã làm Thanh sực tỉnh, kéo anh  trở lại với thực tế :

-Thật sự đã có gì đâu giữa con và Vân hả mẹ? Nàng hơn con hai tuổi, huống chi con có gì để bảo đảm cho tương lai đâu!

-Nhưng mẹ tiếc qúa con ạ! Không hiểu sao mẹ rất thương con bé đó, mẹ không quên được hình ảnh con và nó thân nhau lạ kỳ ngày hai đứa còn bé!

Thanh lấy cớ bận học hành không tham dự đám cưới của Vân, nhưng anh không quên gửi qùa tặng và nhờ mẹ nói lời chúc mừng cũng như xin lỗi vì không tham dự đám cưới của nàng được.  Sau khi Vân lấy chồng được khoảng 5, 6 tháng, qua sự móc nối của mẹ một người bạn thân, Thanh quen được cô em họ của anh ta, cô ta kém anh vài tuổi. Tình yêu lớn rất nhanh vì cả hai ở trong lứa yêu đương và có sự đồng ý của hai bên gia đình. Biết bao nhiêu âm thanh của hẹn hò và dự tính  tương lai, nhưng cũng chỉ kéo dài được khoảng nửa năm, rồi vì một lần giận dỗi vu vơ, mối tình bị gẫy đổ không hàn gắn được. Kết qủa Thanh nhận lấy nỗi đau đớn thất tình đầu tiên trong đời mình khi nàng quyết định lập gia đình vơí người khác!  Một dịp không lâu sau ngày thất tình đó, Thanh có dịp đi cùng với mẹ sang xóm cũ thăm người bà con trong họ. Khi đi gần đến căn nhà của Vân, từ đằng xa, trong chiếc hiên tráng xi măng trước căn nhà, Vân lệch thệch với chiếc bụng mang thai đang phơi quần áo. Vừa trông thấy Thanh, không biết vô tình hay c ý, Vân vội vàng thu gom đống quần áo vào chiếc gỉo mây rồi cúi đầu đi thẳng vào trong nhà!

Bà Chánh quay sang hỏi Thanh:

-Thanh, con có muốn gặp Vân nói chuyện một tí không?

Hơi cau mày ra ý không hiểu, Thanh hỏi lại mẹ:

-Tại sao mẹ lại hỏi con như vậy? Người ta có chồng và sắp có con rồi, con gặp để làm gì?  Mẹ vớ vẩn thật!

-Ai chả biết chuyện đó, mẹ đâu có nói con yêu thương cô ta và mẹ cũng đâu có nói cô ta yêu thương con. Nhưng mẹ nghĩ tình thân của con và Vân ngày còn bé qúa đẹp, khi có dịp gặp lại nhau mà con tránh mặt, không nói vài lời hỏi thăm, có vẻ vô tình qúa!

Ngẫm nghĩ một chút, mẹ nói tiếp:

-Hơn nữa có mẹ cùng đi với con mà, có gì là không minh bạch đâu? Con gặp Vân nói chuyện đàng hoàng cũng là điều lịch sự với nhau mà.

Thấy tôi im lặng có vẻ siêu lòng, mẹ mỉm cười:

-Thôi, để lúc về hãy vào thăm, tiện hơn, mẹ cũng muốn gặp bà Tứ hỏi thăm một chút, lâu nay không thấy bà ấy đi chợ! 

Sau khi thăm ngươì bà con, Thanh và mẹ trở về. Không biết vô tình hay có chủ đích, khi hai người vừa đến gần đọan đường trước nhà Vân, đã thấy nàng đứng tựa cửa như có ý đợi chờ. Vừa thấy Thanh và mẹ, Vân vồn vã chào hỏi:

-Chào bác Chánh và anh Thanh. Bác và anh vẫn khỏe chứ ạ?

-Cám ơn cháu Vân, Bác định tạt vào thăm mẹ cháu đây, mẹ cháu có nhà không?

-Có bác ạ, mẹ cháu hôm nay hơi khó chịu trong mình, đang nằm trên gác, để cháu lên gọi mẹ cháu xuống.

Nói xong, Vân đang định quay đi, nhưng mẹ Thanh ra tay cản lại:

-Thôi, khỏi phiền mẹ cháu xuống, để bác lên đó tiện hơn, cháu ở dưới này nói chuyện với Thanh đi.

Dù có ngớ ngẩn, Thanh và Vân cũng biết rõ chủ ý của bà Chánh, muốn tránh mặt để cho họ có dịp nói chuyện với nhau. Khi bà Chánh vừa biến mất phía sau căn phòng khách, khoảng không gian bao trùm Thanh và Vân hình như trở lên nặng nề, đầy âm vang ngượng ngập làm cho cả hai bối rối. Mãi một lúc sau, Thanh lấy lại được phần nào bình thản, anh hỏi nhẹ :

-Vân khoẻ không? Thanh xin lỗi vì không tham dự được đám cưới của Vân vừa rồi!

-Em cũng nghĩ anh sẽ không đến dự, nhưng...

Thanh vội vã ngắt lời:

-Thật ra ban đầu Thanh cũng muốn đi lắm, nhưng lại sợ mình qúa buồn không tốt cho ngày vui của Vân nên đổi ý không đi nữa!

Tiếp theo là những kể lể về những kỷ niệm của những năm chơi đùa với nhau thủa ấu thơ, bầu không khí trở lên thoải mái hơn, mất đi vẻ ngại ngần ban đầu. Thanh hỏi Vân:

-Bao giờ em sinh nở?

-Hai tháng nữa anh ạ.

Vừa trả lời xong, với chút ngập ngừng Vân chậm rãi nói rất nhẹ như vừa đủ cho Thanh nghe:

-Thanh, anh đặt tên cho con em đi?

Thanh cau mày ra vẻ khó nghĩ với ý kiến lạ lùng của Vân. Hình như nhìn thấy ý nghĩ của Thanh, Vân nói tiếp:

-Ghi dấu kỷ niệm của một ngươì bạn thời thơ ấu, có gì lạ lùng đâu Thanh! Anh đừng ngại gì cả.

Ngần ngừ một chút, ra vẻ suy nghĩ rồi Thanh nói nhẹ:

-Yểm, Hồng Yểm tên đó được không?

Vân giương mắt nhìn ra vẻ muốn Thanh giải thích thêm về ý nghĩa cái tên lạ kỳ mà anh vừa nói. Thanh đưa bàn tay xoa nhẹ lên gò má của mình, hơi nhăn mặt ra vẻ đau đớn, rồi mỉm cười anh giải thích:

-Yểm, tiếng Hán có nghĩa là gò má! Nếu con trai thì khỏi cần chữ đệm, con gái thì dùng chữ Hồng để...

Chẳng để cho Thanh nói tiếp, Vân tỏ vẻ buồn bã nhìn Thanh nàng hỏi nhẹ:

-Anh vẫn không quên được lần quá đáng của em ngày đó sao?  Vẫn còn giận dỗi vì lỗi lầm của em sao?

Ngần ngừ một chút, tỏ vẻ buồn bã, Thanh trả lời:

-Giận dỗi thì không, mà có gì để phải giận dỗi Vân đâu, nhưng quên thì chắc không bao giờ quên được, dù sao đó cũng là kỷ niệm mà bất cứ ai nếu có cũng không thể nào quên được!

&

          Bước sang năm 1973, Khi Thanh vừa lên năm cuối cùng ban cử nhân, anh lại có một cuộc tình với một người bạn gái cùng trường, sau anh hai lớp. Ông bà Chánh và cha mẹ cô bạn gái đã gặp nhau, đồng ý tổ chức đám cươí cho Thanh vào cuối năm khi hoàn tất việc học. Nhưng dự định cũng lại bị gẫy đổ, khi gia đình người bạn gái lấy cớ không hợp tuổi để từ chối, rồi cô ta kết hôn với người khác có nhiều điều kiện tốt đẹp hơn.  Đây là một lần thất bại đau đớn nhất, làm thay đổi tương lai cuộc sống của Thanh, mang cho anh cảm giác chán nản, buông xuôi mà kết qủa cuối niên học Thanh đã không tốt nghiệp và phải động viên vào Thủ Đức.

            Vài tháng trước khi mãn khóa sĩ quan Thử Đức, trong lần về phép cuối tuần, Thanh ngẫu nhiên gặp Vân bế con đi bộ trên đường phố, trong dáng dấp thiểu não, mất tất cả vẻ khỏe mạnh vui tươi ngày trước. Trên đầu nàng và đứa con gái quàng chiếc khăn tang mầu trắng còn mới mẻ! Trông thấy Thanh, Vân đứng xững lại ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, không lời chào hỏi! Thanh đoán có gì không may cho nàng, ngần ngừ anh hỏi:

            -Vân, em có chuyện buồn phải không?

            Vân im lặng, từ khoé mắt đôi giòng lệ chẩy dài xuống gò má, mãi sau nàng mới nói:

            -Vài tuần trước chồng em tử trận rồi anh ạ!

            Thanh thừ người ra, anh không biết nói gì để chia xớt nỗi đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác, hơi xanh với những giọt lệ chẩy dài trên đôi má của nàng. Vân ôm chặt đứa con gái vào lòng như muốn chuyền cho con sự ấm áp thương tâm mà hoàn cảnh đã đẩy đưa sự bất hạnh cho đời nó:

            -Tội nghiệp con quá! Chỉ mới hơn 2 tuổi đầu đã mồ côi cha!

            Thanh càng bối rối hơn, anh im lặng đưa tay nắm nhẹ lấy vai Vân, thẩn thờ nhìn sự âu yếm buồn bã của Vân đối vơí đứa con. Mãi một lúc tự thấy thái độ của mình có vẻ kịch cỡm và ngờ nghệch, Thanh mới chậm rãi vơí giọng buồn bã, an ủi nàng:

            -Anh chỉ biết chia buồn vơí em mà thôi Vân ạ, số phận là những gì mà người ta khó có thể đổi thay được! Nhất là trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, không có mấy người may mắn để thoát khỏi một vài điều bất hạnh, khổ đau đâu!

            Dừng lại một chút như để nhìn lại vị trí của mình trong bộ đồ quân nhân, Thanh nói tiếp:

            -Em thấy không, anh cũng đã khởi đầu rồi ... Có gì bảo đảm cho tương lai an toàn của anh đâu! Em cố gắng vững mạnh để sống vơí con, đó là điều cần thiết và thực tế nhất.

            Hình như lời nói chí tình, cảm thông của Thanh đã mang được vài an ủi cho Vân, nàng đưa tay vuốt đi những giọt lệ trên khuôn mặt, cố lấy lại vẻ tự nhiên, Vân nói vơí đứa con gái:

-Yểm, Hồng Yểm con chào bác Thanh đi!

Thanh giật mình, cảm động khi nghe Vân nói đến tên đứa bé. Ký ức chợt kéo anh trở lại hơn 2 năm về trước, trong lần gặp nhau, lúc đó Vân đang có thai, Vân đã nhờ anh đặt tên cho đứa con đầu lòng sắp sinh nở. Rồi cũng vì kỷ niệm thủa thơ ngây, anh đã đưa cho nàng cái tên Yểm để ghi dấu lần giận dỗi của anh và nàng... Hôm nay gặp lại, dù trong nỗi buồn đau và bất hạnh của Vân, nhưng trong lòng anh vẫn thoáng cái cảm giác xúc động nhè nhẹ dễ thương vì cái tên ghi dấu kỷ niệm thời ấu thơ! Thái độ ngẩn ngơ của Thanh khi nghe Vân gọi tên đứa bé lộ hẳn ra trên mặt, nhưng có lẽ vì qúa buồn đau Vân đã quên bẵng đi ý nghĩa và nguyên thủy của cái tên kỷ niệm của nàng và Thanh. Thanh vuốt đầu đứa bé gái, âu yếm bế nó lên tay nghe vài tiếng chào thỏ thẻ chưa rõ ràng của nó, ngần ngừ một chút anh nói nhẹ với Vân:

-Hồng Yểm! Cám ơn em Vân ạ!

Lúc này thì Vân đã hiểu ra, nàng ngước mắt nhìn Thanh trong ánh mắt cảm động, khó hiểu!

&

Sau lần gặp gỡ đó, Thanh trở lại quân trường, cho đến ngày mãn khoá vào giữa năm 1974, anh không có dịp về phép Sàigòn nữa. Ngày mãn khóa được diễn ra trong khói mù của chiến tranh, Thanh được điều động trực tiếp ra đơn vị chiến đấu để cung ứng cho đòi hỏi của chiến trường đang bước vào giai đọan khốc liệt.  Được khoảng hơn 3 tháng, trong một cuộc đụng độ dữ dội với địch quân, Thanh chỉ còn nhớ mang máng là đơn vị của anh trong lần tiến chiếm mục tiêu đã bị rơi vào ổ phục kích của địch, Thanh bị thương và được trực thăng cấp cứu.

            Không biết qua bao nhiêu ngày mê man và giải phẩu, khi vừa mở mắt ra, người mà Thanh nhìn thấy đầu tiên là ba mẹ anh và toàn thể gia đình của hai người em. Mọi người nhìn Thanh với ánh mắt đầy đau thương, buồn bã. Cũng chính lúc nửa mê nửa tỉnh đó, cái nhói đau đã làm Thanh nhìn xuống phần dưới thân thể mình. Cảm giác đau buốt tâm can đến với Thanh, khi biết mình đã thành kẻ tàn phế, ống chân trái không còn nữa, phần đùi chân cũn cỡn đã được bó gọn gàng bằng băng vải trắng xóa!  Có lẽ nhìn thấy nỗi bàng hoàng, đau khổ hiện trên khuôn mặt Thanh, bà Chánh đưa bàn tay âu yếm vuốt vài sợi tóc loà xòa trên vừng trán còn tái xanh của Thanh, với giọng nói êm ả nhưng không dấu được buồn rầu, lo lắng:

-Thanh, Con có đau lắm không? Tội nghiệp con qúa!

Thanh vuốt cánh tay mẹ, im lặng nhìn những giọt nước mắt chẩy dàn giụa trên khuôn mặt u ám đầy lo lắng của mẹ mà lòng anh quặn đau.  Anh có cảm tưởng khuôn mặt của mẹ hôm nay như bị già đi vì đau khổ với bất hạnh của mình. Cố chấn tỉnh, lấy can đảm, nở nụ cười trên môi vơí giọng nói cứng mạnh Thanh an ủi mẹ:

-Mẹ đừng lo lắng làm gì cho khổ! Khối óc của con còn minh mẫn, đôi tay, mắt mũi còn toàn vẹn, con vẫn còn nhiều dịp để vươn lên mà! Trong cuộc chiến tranh hiện tại, sự mất mát của con như thế này vẫn còn may mắn so với nhiều ngươì khác đó mẹ ạ!

Bà Chánh nắm lấy bàn tay đứa con trai nắn nhè nhẹ, dù biết đó là những lời trấn an của con, muốn xua đuổi đi nỗi buồn đau đang có trong lòng bà! Tuy nhiên, dù sao lời nói đó cũng mang đến cho bà đôi phần an ủi vì sự bất hạnh không đến nỗi bà phải vĩnh viễn xa rời nó! Mấy năm vừa qua, bà biết rõ đứa con của bà đã liên tiếp gặp những chuyện buồn khổ, qua mấy lần trắc trở yêu đương, dù nó không nói với bà, nhưng bà hiểu, những dở dang đó đã làm nó buồn chán,bỏ bê việc học hành.

Sáng hôm sau, khi mấy người y tá vừa thay băng vết thương xong, Thanh nằm trên giường để mắt bâng quơ qua khung cửa sổ dõi theo vài con chim chuyền nhẩy trên hàng cây điệp ở ngoài sân. Cảm gíac cô đơn, buồn bã xấm chiếm tâm hồn, khi Thanh nhìn đến những ngày tháng sắp tới của đời mình với tấm thân tàn phế và việc học hành dở dang, tiếng động nhẹ đã làm Thanh giật mình quay lại khi thấy Vân và đứa con gái đã đứng sát bên chiếc giường của anh từ lúc nào, đôi mắt buồn bã, đẫm lệ đang nhìn anh. Thanh ngẫn ngờ, chưa kịp mở miệng, Vân đã nói :

-Anh Thanh, mẹ con em đến thăm anh đây!

Không dấu được mừng rỡ, ngạc nhiên, Thanh hỏi dồn dập:

-Vân, em đến đây bao giờ vậy? Làm sao em biết anh bị thương mà đến thăm?

-Chiều hôm qua, mẹ anh báo tin cho em đó!

Thanh ngước mắt, im lặng nhìn thật kỹ dáng dấp của Vân, dù đã là một thiếu phụ nhưng vẫn còn những nét mù mờ của cô bé với biết bao nhiêu kỷ niệm thủa ấu thơ của anh. Vẫn cặp má hơi ốm, làn da mịn màng làm nổi bật đôi môi mỏng hấp dẫn, rồi hình ảnh của ngày xưa, của lần giận dỗi trong trò chơi trốn tìm hiện lên trong trí nhớ, làm Thanh chợt hiểu ý tứ của mẹ khi báo tin cho Vân. Mẹ lại muốn nối lại tình thân giữa anh và Vân người con gái mà mẹ yêu mến từ ngày nàng còn bé. Nhưng khi vừa dở mình, cảm giác nhói đau từ chiếc chân cụt đã kéo Thanh nhớ đến hiện trạng tàn phế của mình, cùng với nỗi đau đớn vì phản bội trong 2 cuộc tình trong dĩ vãng. Cảm giác tự ti và chán ngán, nghi ngờ tình yêu lại đổ ập đến nhắc nhở Thanh, với giọng buồn bã Thanh nói với Vân:

-Cám ơn Vân, anh không dám phiền em đâu!

Vân ngẩn ngơ khi nghe câu trả lời của Thanh, ngẫm nghĩ một tí, nàng hỏi nhẹ :

-Anh không muốn em đến đây sao? Chắc anh có người khác lo lắng săn sóc cho anh rồi hả?

Thanh biết thái độ lạnh lùng, buồn chán của mình đã làm Vân hiểu lầm, ngần ngừ tí chút rồi anh trả lời :

-Không! Em hiểu lầm rồi!  Sau vài lần bị phản bội anh chẳng còn dám nghĩ đến yêu thương nữa, huống chi ngày nay anh là một kẻ tàn tật Vân ạ! Anh....

            Chẳng để Thanh nói tiếp, Vân ngắt lời:

            -Thanh, anh tưởng rằng em không biết tình trạng bị thương của anh trước khi đến đây sao?

            Vân âu yếm vuốt nhẹ trên khuôn mặt Thanh, nàng tiếp:

            -Nếu anh không quên những kỷ niệm ngày xưa, chúng mình sẽ nối tiếp trở lại, chẳng có gì ngăn cách được, Thanh ạ.

Thanh cảm động nắm lấy bàn tay Vân ép nhẹ lên khuôn mặt, bờ môi của mình, niềm hạnh phúc ấm cúng lan khắp tâm hồn anh. Thanh phải nằm bệnh viện hơn mợt tháng trời, Vân và Hồng Yểm gần như hàng ngày đều đến thăm nuôi, chăm sóc anh. Hạnh phúc cuả mối tình muộn màng luôn luôn hiện diện, nồng nàn giữa Thanh và hai mẹ con Vân. Mọi người trong gia đình Thanh cũng vui mừng vì cuộc đời anh đã được an ủi rất nhiều sau những khổ đau và thất bại.

Rời bệnh viện, mối tình gắn bó hơn bằng tất cả những ngọt ngào, chiều chuộng nhau.  Sau những buổi chợ, Vân thường đưa Hồng Yểm đến với Thanh, mang cho anh những món ăn ngon ngọt. Những ngày rảnh rỗi, họ hẹn nhau đi phố, hình ảnh mái gia đình hạnh phúc với người vợ hiền thục, gắn bó thương yêu người chồng tàn tật bên đôi nạng gỗ, trong tiếng cười vui của đứa bé gái ngây ngô 3 tuổi trên đường phố, trong tiệm ăn, đôi khi đã làm cho vài khách bộ hành ngẩn ngơ, cảm động ngó theo.

Tháng 4 năm 1975 cuộc chiến tranh chấm dứt trong ngỡ ngàng của thời thế, đưa đến biết bao nhiêu đổi thay của cuộc sống. Gia đình Thanh cũng như hầu hết mọi người khác của miền Nam đã rơi vào một giai đoạn kinh hoàng của khó khăn. Ba Thanh, ông Chánh sau một lần bịnh hoạn đã bất thình lình ra đi trong thời điểm nhiễu nhương đổi thay đó.  Không hiểu vì đưa đẩy thế nào mà toàn thể gia đình hai người chị và bà Tứ, mẹ của Vân đã kịp di chuyển theo đoàn người di tản rồi được định cư tại Mỹ, Vân và bé gái Hồng Yểm còn ở lại. Trong bối cảnh đó, tình thân thương của hai mẹ con Vân và Thanh cũng như gia đình anh càng trở lên thắm thiết. Mọi người nương tựa nhau, giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt của xã hội như một đại gia đình đầy hạnh phúc. Mặc dầu sống tách biệt nhau, nhưng dưới mắt mẹ cũng như hai em của Thanh, Vân đã là thành viên ruột thịt của gia đình họ chưa chính thức mà thôi. Thanh và Vân dự định chờ đủ 3 năm mãn tang của của ba Thanh sẽ làm đám cươí và chính thức sống với nhau.

Cuộc sống hạnh phúc đó kéo dài được hơn 2 năm dù trong khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng lại đầy tràn hoan lạc, thương yêu. Những bất hạnh trong qúa khứ, mặc cảm tự ti, chán nản sau hai lần tình yêu gẫy đổ cũng như khiếm khuyết thân thể vì chiến cuộc ... Tất cả đã dần dần biến mất trong cảm nghĩ, trí nhớ của Thanh. Thay vào đó là những tin tưởng, hạnh phúc của hiện tại để chờ đợi ngày mãn tang đang gần đến cho ngày đám cưới chính thức kết hợp thành một mái gia đình.  Nhưng cuộc sống vẫn có những hạt mầm của ngỡ ngàng phi lý, đôi khi mang cho người ta những buồn đau ngoài tính toán. Vân tự nhiên giảm dần việc đến nhà Thanh, thái độ thay đổi kỳ lạ, khó hiểu của nàng, không riêng gì Thanh mà tất cả mọi người trong gia đình anh linh cảm có điều gì khác lạ, không hay sắp xẩy ra cho tình yêu của Thanh. Tuy nhiên, trong cái xã hội hết sức phúc tạp và đầy rẫy những mù mờ của vài năm sau 1975, Thanh nghĩ rằng Vân đang gặp điều gì khó khăn mà nàng không muốn thộ lộ với mọi người trong gia đình anh. Rất có thể những rắc rối riêng tư của gia đình mấy người chị và mẹ nàng ở bên Mỹ gửi về, hay lại có vài lộn xộn về bé Hồng Yểm với gia đình bên người chồng cũ của Vân mà nó đã xẩy ra vài lần trước đây ?...Nhưng bất thình lình, Thanh và gia đình bàng hoàng khi nhận được lá thư đoạn tuyệt của Vân:

Sàigòn, ngày... tháng... năm 1977

Anh Thanh thân mến,                                       

Suốt mấy tháng vừa qua,  em đã dấu anh một điều rất khó nói, đã dầy vò em với biết bao nhiêu lương lự. Nhưng hôm nay thì sự kiện đã rõ ràng rồi, em không thể dấu diếm anh được nữa, em phải nói với anh, dù biết rằng sẽ làm anh buồn đau, hận ghét em.

            Như anh đã biết mẹ và hai người chị của em đang sống tại Mỹ, hầu hết những lá thư gửi về cho em đều nói đến vấn đề đoàn tụ. Mẹ em đã gìa, đau ốm liên miên, không biết sống chết lúc nào,mẹ chỉ ước ao được nhìn thấy em và bé Hồng Yểm được sang Mỹ, cùng sống với hai chị của em. Gia đình đã xếp đặt để cho em ra đi sang Pháp dưới dạng kết hôn với một người quen biết, rồi sau đó sẽ tìm cách sang Mỹ (thời gian này chi có con đường sang Pháp để ra đi chính thức được mà thôi )

     Em đã mang nhiều lưỡng lự trong hơn một năm vừa qua, bởi vì bên anh em đã tìm được qúa nhiều hạnh phúc, cái hạnh phúc của tình yêu nồng nàn mà anh dành cho em cũng như của tình thân gán bó, chân thật mà mẹ anh cũng như hai người em của anh đối đãi với em trong nhiều năm vừa qua. Nhưng biết làm sao được khi hoàn cảnh đẩy đưa, bắt em phải chọn lựa, cái chọn lựa khổ tâm với rất nhiều ân hận và đau buồn. Đó là em phải ra đi, phải chấp nhận rời xa anh, dù em thật sự yêu anh! Em biết rằng sự lựa chọn miễn cưỡng của mình sẽ mang đến biết bao nhiêu buồn đau và tức giận nơi anh, nhưng em hy vọng anh hiểu cho hoàn cảnh của em, tha thứ cho em. Thời gian và ngăn cách sẽ là những cấu chất làm phai nhoà những buồn đau Thanh ạ.

            Thôi, viết thế nào cho anh, cuối cùng vẫn là chia ly, em cầu chúc mọi sự an lành và niềm vui mãi mãi đến với anh và mọi người trong gia đình.

Kính mến và thương yêu !

(Vân và Hồng Yểm )  

Đọc xong lá thư, Thanh thẩn thờ như người mất hồn, buông mình ngồi xuống chiếc ghế, đưa mắt nhìn bâng quơ ra phía ngoài đường mà lòng cảm thấy xót đau như bị cắt xé. Bà Chánh cầm lá thư lên, nhìn thoáng qua nét chữ và dáng điệu thất thần của đứa con trai tàn tật, bà cũng đoán được bất hạnh lại đổ lên cuộc đời của nó! Đọc thoáng qua, bà buông tiếng thở dài buồn bã:

-Thanh, mẹ không ngờ Vân nó vô tình, bất nhân như thế! Mẹ xin lỗi con, chính mẹ đã tìm cách kết nối cho con để rồi ngày nay con lại nhận chịu lấy khổ đau!

Thanh khập khễnh đứng dậy, đưa đôi tay ôm lấy vai me, miệng nở nụ cười cay đắng, anh nói:

-Tại sao mẹ xin lỗi con nhỉ? Con người vô tình, gỉa dối khéo léo như vậy, mẹ con ta làm sao mà ngờ được!

Ngẫm nghĩ một chút rồi Thanh tiếp :

-Hơn nữa đó cũng là số phận của con mà thôi mẹ ạ! Từ nay con sẽ không dại khờ nữa! Ba lần đau khổ vì phản bội, dễ tin đã qúa đủ cho con biết rằng đời con chẳng còn gì để mất mát nữa!

Vân ra đi được khoảng gần hai năm, hoàn toàn im lặng, chẳng có một lá thư nào gửi về! Cuộc sống của gia đình Thanh cũng như phần lớn người VN khác, vẫn bị cơn lốc xóay của thời cuộc nhấn sâu vào đói khổ, phải làm việc quần quật kiếm ăn, phải tìm đủ cách sinh tồn với những bữa cơm độn bo bo hàng ngày. Trong hoàn cảnh cùng cực đó Thanh chẳng còn thời gian và trí não để nhớ đến hay giận hờn người đàn bà phản bội mà một lần mình đã yêu đương. Mẹ và hai đứa em của Thanh cũng không bao giờ nhắc nhở, cố tránh khơi dậy nỗi đau đớn thầm kín mà mọi người biết chắc chắn nó vẫn còn rướm máu trong lòng anh. 

Một buổi sáng khi Thanh đang ngồi trong nhà đọc vớ vẩn vài tờ báo, bất chợt một người đàn ông vơí chiếc xe Honda, khá sang trọng dừng trước cửa nhà, vẻ mặt mừng rỡ như quen thuộc anh từ lâu, ông ta bước vào nhà hỏi Thanh:

-Ông là ông Thanh phải không?

Thanh ngẫn ngờ nhìn ông ta trong thắc mắc, nhưng cũng trả lời:

-Vâng, có chuyện gì liên quan đến tôi vậy?

-Tôi đang kiếm ông đây, người nhà tôi ở ngoại quốc, nói tôi tìm ông để đưa cho ông món tiền tương đương với 200 Dollars Mỹ (khá to vào cuốn thập niên 1970 ).

Nói xong ông ta móc trong cặp ra một bịch tiền, cùng một tờ giấy và cái bút :

-Xin ông viết cho tôi vài hàng vào tờ giấy này để tôi gửi đi, báo tin là ông đã nhận tiền rồi.

Thanh giương mắt nhìn ông ta với tất cả ngạc nhiên. Thật rõ ràng Thanh nói:

-Ông lầm người rồi! Tôi chẳng có ai quen biết thân thiết ở ngoại quốc, đến độ họ gửi tặng cho tôi món tiền to lớn như thế đâu! Ông nên hỏi lại người quen của ông để không gây ra rắc rối cho ông và cả cho tôi nữa!

-Ông Thanh, tôi không lầm đâu! Chẳng lẽ sai địa chỉ còn sai cả hình dạng mà người quen tôi viết cho tôi nữa sao?

Ngần ngừ một tí, ông ta nói rất nhẹ, đủ để Thanh nghe:

-Ông có phải là chuẩn úy Sư Đoàn 25 Bộ Binh QLVNCH không? Và ông có phải là phế binh, mất chân trái không?... Tôi không lầm đâu ông Thanh à. Ông cứ nhận đi...

Thanh vội vã ngắt lời ông ta:

-Nhưng lạ quá! Tôi chắc với ông, không có ai tốt đến độ gửi tiền bạc khơi khơi cho tôi như vậy đâu! Tôi nhận rồi, người quen của ông tìm ra lầm lẫn thì làm sao tôi có tiền mà trả lại cho ông được? Thôi, ông mang về đi, hỏi người quen ông cho chắc chắn vẫn hơn.

- Ông Thanh à, tôi biết chắc chắn tiền này gửi cho ông mà! Ông đừng lo, mọi sự sai lầm nếu xẩy ra tôi chịu trách nhiệm mà!  

Thấy Thanh vẫn còn ngần ngại, chưa quyết định. Ông ta ghé sát vào tai Thanh nói nhỏ:

- Theo tôi nghĩ hội cưụ chiến binh VNCH ở hải ngoại giúp đỡ ông đó...

Thanh ngẩn ngơ vơí lời giải thích qúa hợp lý của ông ta, quay sang nhìn mẹ như hỏi ý kiến. Mẹ hơi gật đầu nói vơi Thanh:

-Ông ta đã nói chắc như vậy thì con cứ nhận đi.

Rồi bà quay sang ngươì đàn ông, với giọng rất minh bạch:

-Nếu có gì lầm lẫn, sai traí, mong ông đừng đổ trách nhiệm lên đầu chúng tôi nhé!

-Bác và anh Thanh đừng lo, cháu không đến nỗi ngu muội đưa một món tiền qúa lớn ra làm trò đùa đâu!

Món tiền đó, phải gọi là vĩ đại cho hoàn cảnh cùng túng vào thời điểm qúa khó khăn đó, nó đã giải quyết biết bao nhiêu vấn đề sinh sống cho Thanh và mọi người trong gia đình. Rồi lạ kỳ lại tiếp nối, khoảng ba tháng sau lại cũng người đàn ông đó đến, lần này thì chẳng còn gì để bàn cãi, tranh luận đúng sai nữa. Ông ta cho biết, do một nhóm cựu sĩ quan VNCH ngày xưa đóng góp.  Sau đó lại cứ khoảng 3 hay 4 tháng Thanh lại nhận được những giúp đỡ tương tự, khi bằng ngoại tệ, khi bằng tiền VN.  Người đưa tiền cũng thay đổi luôn, lúc thì một Việt kiều, khi thì một kẻ trung gian ăn lời... Đặc biệt là chẳng ai nói rõ tên, địa chỉ của ân nhân hay hội đoàn giúp đỡ, dù Thanh gặng hỏi. Thanh chỉ nói được vài lời cám ơn hay viết lá thư tổng quát tỏ bầy cảm động biết ơn sự giúp đỡ đó mà thôi.

Sự giúp đỡ liên tục như vậy kéo dài suốt gần 15 năm trời, gia đình Thanh đã dư gỉa và còn có vốn để làm ăn. Cuộc sống của gia đình Thanh thay đổi hoàn toàn, từ thiếu ăn khổ cực đến nhàn nhã sung túc. Từ chật chội với 12 người lớn bé, chui rúc trong căn nhà lụp xụp trong xóm, đã được thay bằng một căn nhà 3 tầng lầu khang trang ở mặt đường lộ để cho cô em gái mở tiệm may ở tầng trệt.

 Bước sang thập niên 1990, Mẹ đã già yếu, Thanh cũng đã gần 50, sức khoẻ sau lần bị nạn chiến tranh cũng đã xuống rất nhiều vì vậy Thanh và mẹ cũng chỉ quanh quẩn ở nhà giúp đỡ phần nào cho gia đình cô em gái hay  chăm sóc việc học cho vài đứa cháu mà thôi.

Một buổi chiều, Thanh đang ngồi đọc báo trong phòng khách, chị thợ may dẫn vào một cô gái, khá sang trọng, còn trẻ khoảng trên dưới 20 tuổi. Vừa trông thấy Thanh, cô ta mừng rỡ chào hỏi:

-Bác Thanh, bác có khoẻ mạnh không?

Nhìn thấy nét ngỡ ngàng, xa lạ của Thanh, cô ta cười nói tiếp:

-Bác không nhận ra cháu sao?

Thanh cau mày, cố lục lọi trí nhớ để tìm ra sự quen biết với cô ta, nhưng đành chịu! Anh nói với cô ta:

-Xin lỗi cô, tôi chẳng nhận ra cô là ai cả!

Cô gái mỉm cười có vẻ thích thú vì sự lạ lùng của Thanh:

-Cháu là Hồng Yểm đây!

Thanh ngẩn ngơ, nhìn thật kỹ cô gái, lúc đó anh mới tìm được một vài điểm quen thuộc của cô bé Hồng Yểm đã hơn 17 năm ngày trước. Cô bé 4,5 tuổi mà anh đã từng ẵm bế, thân thương!  Tuy nhiên,  cũng ngay lúc đó cảm giác uất hận, đau đớn đổ dồn đến xoay buốt tâm hồn anh. Hình ảnh người đàn bà phản bội, bạc tình, lừa dối lại hiện ra trong trí nhớ anh. Phải cố trấn tỉnh,Thanh mới không phát ra những lời sỗ sàng, xua đuổi cô gái ra khỏi nhà, Thanh nhíu lông mày nhìn cô gái trong ánh mắt lạnh lùng, không vui, anh nói vơí cô ta:

-Vâng, chào bà. Tôi đã nhận ra bà rồi!

Chẳng để cho cô gái trả lời, Thanh đay nghiến tiếp:

-Bà đến đây để làm gì vậy? Tôi nhờ bà nói với mẹ của bà, tôi chẳng còn gì để mẹ con bà lợi dụng nữa đâu!

Giơ chiếc chân trái tàn phế về hướng cô gái, anh tiếp:

-Bà thấy không, với cái thân thể tàn tật, khiếm khuyết này làm sao xứng đáng với cái danh giá cao sang của mẹ con bà được!

Dù nhìn thấy nét mặt đau khổ, ngẫn ngơ của cô gái, Thanh cũng không bớt được cơn giận dữ, anh phẩy tay về phía cô gái:

-Thôi bà để tôi yên, bà về đi! Tôi không còn dại khờ để bị lường đảo, phản bội lần nữa đâu, mời bà ra khỏi nhà tôi!

Cô gái đau khổ nhìn sự tức giận của Thanh. Mãi một lúc sau, nét mặt ướt đẫm vì giòng lệ đang chẩy ra từ đôi mắt, cô gái nói thật nhẹ trong tiếng khóc:

-Bác Thanh!  Mẹ cháu không còn nữa! Vừa mất hai tháng nay. Mẹ cháu đã sống  trong hối hận, trong đau khổ suốt hơn 17 năm vừa qua! Từ ngày rời xa bác!

-Thật buồn cho mẹ của bà! Nhưng có gì để liên quan đến tôi chứ?

Cô gái lại nói như năn nỉ:

-Bác Thanh, bác hãy bình tỉnh lại để hiểu và tha thứ cho mẹ cháu.

Vừa nói, cô ta vừa mở chiếc xách tay, rút ra một lá thư đưa tận tay Thanh vơí thái độ buồn bã cô ta nói rất nhẹ:

-Bác hãy đọc lá thư này của mẹ cháu gửi cho bác, trước khi mất, sau khi đọc xong, nếu bác còn nghĩ  rằng mẹ cháu là người đáng nguyền rủa, nếu cháu không đủ tư cách làm đứa cháu của bác như mẹ cháu mong muốn, cháu sẽ rời xa bác ngay, vĩnh viễn không bao giờ làm phiền đến bác nữa!

Cầm lá thư trong tay, Thanh định xé tan nó trước mắt cô gái để tỏ lòng thù hận mà anh đã tích chứa trong 17 năm vừa qua, nhưng khi ngước lên nhìn khuôn mặt đau khổ đầy nước mắt của cô gái, ký ức lại kéo anh trở về với hơn 2 năm trời ấm cúng, hạnh phúc với mẹ cô ta, anh đã từng bế ẵm cô ta trong tay mình với biết bao nhiêu nồng nàn như tình cha con. Cái tên Nguyễn Thị Hồng Yểm của cô ta cũng chính do anh đặt ra để kỷ niệm lần giận hờn ngây ngô thủa ấu thơ của Thanh và mẹ cô ta... Tất cả những cái đẹp đẽ, kỷ niệm xa xăm đó đã  trở lại hiện ra trước mắt Thanh, làm anh ngần ngừ tí chút trước khi mở lá thư ra đọc:

Cali, ngày... tháng... năm 1994 

Anh Thanh thương mến,

Đã hơn 17 năm qua rồi. Thời gian đã tưởng rằng nó đã qúa đủ dài để chôn vùi được những kỷ niệm thủa ấu thơ và hơn hai năm yêu nhau  ngọt bùi, hạnh phúc của chúng mình từ ngày anh bị thương vào bịnh viện. Nhưng hôm nay đứng trước một mất mát cuối cùng của đời mình, em lại muốn tâm sự với anh, khơi lại những buồn đau, giận ghét trong lòng anh vì sự bạc tình, bất nghĩa của em đối với anh. Nhưng em cũng muốn kể lể, giải thích cho anh những lý do đau lòng và hình như rất hợp lý mà em đã  chọn lựa để xa anh hơn 17 năm về trước.

Như anh đã biết, em đã mất cha từ ngày còn bé, lúc mẹ em vẫn còn xuân trẻ, mẹ em đã ở vậy, dành hết tình thương cho 3 đứa con gái mà em là út. Rồi năm 1975 xẩy đến làm đảo lộn tất cả nếp sống của gia đình em. Mẹ em và hai chị đã ra đi, em còn sót lại! Sang bên xứ lạ, quê người, mẹ em buồn khóc vì không thể nào quên được em, vì thế hai người chị đã tìm đủ mọi cách để làm sao em phải đến được Mỹ. Lúc đó trực tiếp đi Mỹ dưới dạng bảo lãnh cho con chưa được xét đến vì vậy gia đình em đã phải dùng con đường kết hôn với một người quen, anh ta có quốc tịch Pháp và có điều kiện để mang em đi Mỹ sau khi em đến Pháp .

Em đã lưỡng lự rất nhiều trước khi quyết định bởi vì em thật sự yêu anh, không muốn rời xa anh bởi vì  bên anh em đã tìm thấy hạnh phúc. Nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh lo buồn, bệnh hoạn của mẹ, em đã chọn lựa lỗi lầm với anh, nhận lấy sự hối hận ray rứt cho đến ngày nhắm mắt để được gần mẹ và hai người chị của em.

Dù đã hình dung ra nhưng khổ đau khi chọn lựa mất anh, nhưng khi sang được Pháp, rồi đến Mỹ, em mới thực sự  hiểu rõ thế nào là nghĩa của hai chữ yêu đương! Em không thể nào quên được anh, nhớ anh ban ngày và thường gặp anh trong mơ! Người đàn ông bên cạnh em chỉ là chiếc bóng mờ nhạt, không tình cảm để rồi kết qủa là sự chấm dứt sau hơn một năm chung sống.

Sau đó em đi làm việc và cùng bé Hồng Yểm trở về sống với mẹ em, nhưng cũng chỉ được vài năm, mẹ em mất. Em đi làm việc, cố gắng dành dụm, tìm cách gửi tí chút về giứp đỡ anh. Em biết rằng nếu nói thật, chắc chắn anh sẽ không nhận sự gíup đỡ của em, vì vậy em đã ngụy tạo ra lý do để cho anh an lòng chấp nhận.

Anh Thanh thương mến, suốt hơn 17 năm qua em đã sống trong ân hận vì đã gây đau khổ cho anh, nhưng chính lúc này đây em tự hỏi nếu hoàn cảnh lập lại giống như vậy một lần nữa, em có dám vì yêu anh mà rời xa người mẹ kính yêu, đã một đời hy sinh cho em được không? Có lẽ là không anh Thanh ạ! Chính vì vậy em viết lá thư này đến anh, chỉ mong anh thông hiểu và tha thứ cho em đã vì hoàn cảnh mà em đã gây ra đau khổ cho anh.

Anh thương, anh có bao giờ nghĩ rằng suốt 17 năm vừa qua em đã bao nhiêu lần muốn viết thư, muốn liên lạc với anh để xin anh tha thứ và cho em lại được gần anh. Anh có biết rằng đã vài lần về nước, em đã đứng xa xa nhìn về căn nhà của anh, trông thấy anh thấp thoáng mà lệ chẩy rồi em xót đau ra đi. Chỉ  vì em nghĩ rằng sự hận ghét vẫn còn đầy ắp trong lòng anh và nỗi ngượng ngùng, xấu hổ vẫn chưa nguôi trong trí nhớ của em... Những cảm gíac đó đã làm em ngại ngùng, không đủ can đảm tìm đến anh, mặc dù em vẫn yêu anh!

Em đã tưởng rằng cuộc sống của mình sẽ mãi mãi trong trạng huống ngăn cách, ăn năn đó. Nhưng mấy tháng trước sau một lần bị bệnh, em phải vào bệnh viện và khám phá ra bệnh ung thư gan đã đến thời kỳ tuyệt vọng. Hôm nay, đứng trước ngưỡng cửa của tử thần, em cố dành sự bình thản viết là thư này cho anh, nhờ Hồng Yểm đưa tận tay anh, lá thư cuối cùng viết cho anh để rồi em sửa soạn vĩnh viễn ra đi. Lá thư mong anh chấp nhận tha thứ cho em những lỗi lầm mà em đã vì hoàn cảnh đem đến cho anh những khổ đau giận ghét trong 17 năm qua. Em cũng mong ước anh chấp nhận, coi Hồng Yểm là đứa cháu của anh như ngày xưa mà anh đã từng ẵm bế thương yêu, nó sẽ giúp đỡ cưu mang anh như một đứa cháu trả nghĩa cho người bác mà mẹ nó yêu thương nhưng vì hoàn cảnh mà gây lên lầm lỗi!

Anh Thanh thương, những kỷ niệm thời ấu thơ và bóng hình anh sẽ chẳng bao giờ xóa nhòa trong trí nhớ và tâm hồn em, dù cho chúng ta miên viễn xa nhau.

Thương anh

Vân

Đọc xong lá thư, Thanh thẫn thờ buông mình, ngồi xuống chiếc sofa, anh không ngờ, suốt 15 năm vừa qua, nhờ những đồng tiền mà anh đã nhận được, đã nuôi sống, tạo hạnh phúc, ấm êm cho đại gia đình anh qua cơn đói khổ buổi giao thời lại là mồ hôi, sức lực của Vân. Người đàn bà mà không bao giờ anh quên với lòng hận ghét! Bây giờ đứng trước sự thật, lòng tốt và tình nghĩa của Vân đã hiện rõ làm anh hối hận, cảm động!  Thanh ngước đầu nhìn ra phía ngoài đường, từ khoé mắt anh hai giòng lệ chảy dài xuống gò má, với âm thanh buồn bã anh nói:

-Vân, anh cám ơn em! Tôi nghiệp em qúa!

Hồng Yểm yên lặng nhìn xúc cảm đau đớn hiện rõ trên nét mặt Thanh, cô ta nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh Thanh, nắm lấy cánh tay anh, đưa mắt nhìn Thanh như cầu khẩn: 

-Bác Thanh, bác tha lỗi cho mẹ cháu nhé!

-Cháu Hồng Yểm, Nguyễn thị Hồng Yểm!  Mẹ cháu chẳng có lỗi lầm gì vơí bác cả, chỉ vì hoàn cảnh và định mệnh oái oăm đã đẩy mẹ cháu và bác ra xa nhau mà thôi! Còn cháu, cháu sẽ mãi mãi là người cháu mà bác thương yêu như mẹ cháu mong chờ!

Im lặng một chút, đưa ánh mắt buồn bã nhìn xa xa, Thanh nói nhẹ vu vơ:

- Vân, em đã sai lầm, em đã nhìn không chính xác về anh! Những lần em về VN, cũng như em đã ngại ngần không liên lạc, gặp gỡ lại anh! Vân ơi, em đâu có biết được rằng, sự giận ghét của anh làm sao có thể so sánh được với tình yêu sâu kín, nồng nàn mà anh luôn luôn dành em! 

Bà Chánh im lặng ngồi ở góc phòng, dù không đọc lá thư của Vân nhưng tất cả những diễn tiến đã cho bà hiểu rõ vần đề. Bà không hề lầm lẫn về Vân đứa con gái mà bà thương yêu từ ngày còn ấu thơ, bà biết chắc chắn nó không phải là dạng người mang cá tính phản bội và dễ quên kỷ niệm! Bà cũng biết Thanh đứa con trai của bà, nói rất đúng, sự giận ghét trong lòng nó làm sao có thể sánh được với tình yêu mà nó ấp ủ trong tim được! Buồn bã, bà chép miệng nhắc lại câu nói của Thanh:

-Hoàn cảnh và định mệnh đã đẩy hai chúng xa nhau!

            Lưu An (Switzerland, December, 2002)

* * *

Đọc một quẻ KINH DỊCH

theo QUAN-ĐIỂM mới

CVA Lê-Quý-Thụ


             
Kinh Dịch là đệ nhất  kỳ thư  của Đông Phương được lập thành rất đơn giản,  chỉ dùng hai loại vạch liền ( ___ )  và vạch đứt (__  __)  tượng trưng cho âm và dương  để biểu diễn sự hợp thành và biến đổi của mọi sự vật.  Các vạch này  kết hợp  theo cách chồng lên nhau thành từng nhóm hai, ba, sáu vạch  tạo nên Tứ tượng, Bát quái, và 64 quẻ căn bản của Kinh Dịch.  Ban đầu Dịch không có lời  cho đến khi Chu Văn Vương (1144 t TL)  lập ra Hậu thiên bát quái mới đặt dưới 64 quẻ các lời gọi là Thoán từ. Tiếp đến Chu Công  viết các lời dưới 384 hào gọi là  Hào từ  làm thành  Chính Kinh (1100 t TL). Sau đó  Khổng Tử (551 – 479  tTL) san định và viết thêm thập dực.

Kinh Dịch được coi là: “Gồm nắm được tất cả mọi nguyên lý sinh-thành và suy-hủy của vạn vật ... Dịch gồm cả Nhị nguyên luận và Nhất nguyên luận.  Dịch là một bộ sách triết lý siêu hình huyền nhiệm của Huyền học  và là sách triết lý Khoa học (Philosophie de la science) của bất cứ khoa học nào của Trung Hoa như  Y học, thiên văn học, xã hội học, tâm lý học, âm dương học, địa lý học, toán học, lý số học v.v, theo Thu Giang Nguyễn Duy Cần”. Hơn 1000 bộ sách ở Trung Hoa và trên thế giới đã viết về Kinh Dịch và đến nay vẫn còn tiếp tục.

 Kinh Dịch có  sức sống bền bỉ và vững mạnh  như  vậy  là nhờ  được thành lập trên cơ sở  phép nhị phân (Binary) và trong  lời kinh chứa đựng  những nhận định  rất  Khoa học.

Kinh Dịch Khoa học vì nhận định rằng mọi sự vật  đều  được kết hợp  bởi hai thành phần song hành mà  đối nghịch  là Âm và Dương (Càn-Khôn), biến đổi qua lại, hòa hợp với nhau theo những định  luật  làm nên vạn sự , vạn vật.

Sự biến đổi của 64 quẻ Dịch  với vạch liền = dương = 1, vạch đứt = âm = 0   chính  là phép  tính nhị phân (Binary)  đang được xử dụng trong  máy điện toán ngày nay.

 Với căn bản Khoa học và Toán học, từ trước đến nay  Kinh Dịch vẫn mang tính huyền bí vì  lời Kinh, (các Thoán từ , Hào từ) rất  mung lung, nói về những điều rất khó hiểu, như không liên lạc gì với nhau, vì vậy mỗi người diễn giải một cách, cách nào cũng có lý cả.   Nhưng nếu  dựa trên căn bản tính Khoa học và Toán học của Kinh Dịch coi Dương, Âm trong Kinh Dịch là Năng lượng và Vật chất - kết hợp, biến đổi theo phép Nhị phân, ta thấy lời của các Hào từ, Thoán từ trong Chính kinh có ý nghĩa rất mạch lạc, hợp lý theo các nhận thức khoa học ngày nay.

Cách đọc và hiểu Kinh Dịch mới này có ba điểm khác trước:

1-      Dương, Âm (Càn-Khôn) của Kinh Dịch ngoài những ý  nghĩa trước kia  là Trời Đất, ngày đêm, nước lửa, nóng lạnh, nam nữ... nay còn  có nghĩa là Năng lượng (Energy) và Vật chất ( Matter) theo công thức: E = mC2 của A. Einstein: Năng lượng tương đương với Vật chất.

E = Energy = năng lượng;  m = matter = vật chất;

C = vận tốc ánh sáng = 300 000Km/sec

2-                  Xét theo thứ tự  Nhị phân sự tiến triển 64 quẻ trên Viên đồ.

3-                  Xét tính đối nghịch và bổ túc của các quẻ đối ứng, liên kế.

(1)-Từ  trước Dương Âm vẫn được hiểu  là các  sự vật   đối nghịch nhau như: nước-lửa, nóng-lạnh, ngày- đêm, Nam- Nữ , Trời- Đất ..Như vậy Am Dương là hai thể song hành, đối nghịch nhau  nhưng  chưa thể hòa nhập làm một. Nay nếu coi Dương là Năng lượng; Âm là Vật chất, ta có hai chất Âm Dương hoàn hảo, hoàn toàn đối nghịch nhau tuy có cùng một nguồn gốc: một nặng, một nhẹ, một hữu hình, một vô hình, biến đổi qua lại, đồng thời tạo thành và  hiện hữu trong mọi sự vật.               

Phần vô hìnhlà Năng lượng (Energy), có khả năng làm nên công việc (Energy is the ability to do work)

Phần hữu hình là Vật chất (Matter), có nguyên tử  bền vững, không tự làm được công việc

 Hai thành phần này kết hợp thành một-làm nên vạn sự , vạn vật.

 Năng lượng vô hình  dùng vật chất làm chất liệu để xây dựng  nên mọi  sự  vật.

-Năng lượng  đáp ứng các yêu cầu lý-hóa tính của vật chất, kết hợp chất vô cơ thành hữu cơ, làm nên tế bào, cơ quan, cơ thể.  Sau khi thành một cơ thể rồi Vật chất  cũng chỉ hoạt động được  với sự điều khiển của Năng lượng. Tuy  nhiên ai  cũng thấy đó là Vật chất  tiến hóa trở nên hoạt động. Không biết rằng Năng lượng vô hình đã làm nên mọi việc còn Vật chất hoàn toàn thụ động.   

Năng Lượng không có hình, chứa trong bản thể Đạo Càn Khôn (Thiên Đạo), điều hành hoạt động, cải tiến công việc, di truyền những tiến hóa cho đời sau.

Vật chất có hình, có cấu trúc vững chắc, không tự làm công việc.  Dưới tác động của Năng lượng, lớn lên thẳng đứng với mặt đất.  Chỉ hoạt  động theo các định luật phù hợp với sự đòi hỏi nơi bản chất  mình. Có hình dáng, mầu sắc đẹp đẽ.  Có chu trình hoạt động khép kín.  Là hình ảnh của vạn vật.  Có kết hợp và tan ra: Một  cơ thể  gọi là “Sống” khi  có năng lượng  tuần hòan bên trong; “Chết” khi năng lượng rời bỏ cơ thể.

(2)Trước đây ta  đã biết 64 quẻ thành lập  từ hệ Nhị phân nhưng không chú ý đến tính chất: Khi trị giá tăng lên => năng lượng tăng, ảnh hưởng tới tính chất của quẻ. Nay chú trọng tới thứ tự cũng là trị giá Nhị phân của các quẻ trên Viên đồ,  có cách đọc ngược lại với  cách đọc trước.

(3)Chú trọng tới  tính chất tương  tác của các quẻ  đối-ứngliên-kế trên Viên đồ.

Với quan điểm trên, khi đọc các hào từ  của kinh Dịch ta thấy rằng lời Kinh của hai quẻ Càn Khôn nói về tính chất của Năng lượng và Vật chất khi kết hợp nên sự sống (1).

Trong các quẻ khác, thí dụ như quẻ Lôi Thiên Đại Tráng  này, tất cả đều chứa đựng những  nhận xét và những lời khuyên liên  hệ đến  sự  Sống của con người.

Đây là  một cách  QUAN  của Kinh Dịch: “Quan ngã sinh = nhìn vào sự sống của mình”.

Trong quẻ Phong Địa Quán (số 20) có chỉ ra sáu cách Quan khác nhau:

1        - Đồng quan          

2        - Khuy quan           

3        - Quan ngã sinh  (nhìn vào sự sống của mình)

4        - Quan Quốc chi quang

5        + Quan ngã sinh  

6        + Quan kỳ sinh

-Trước kia kẻ sĩ học Dịch theo cách 4-Quan Quốc chi quang: học để tìm cách phò vua giúp nước.

-Nay ta Quan ngã sinh,Quan kỳ sinh: Học Dịch để hiểu về sự Sống của mình và mọi người,

- Người ta hiểu ý nghĩa của kinh Dịch khác nhau  là do ở vị trí quan sát và mục đích khác nhau, còn Kinh Dịch giải  đáp được cả sáu cách QUAN vì căn bản của mọi sự biến đổi chỉ từ một nguyên lý.

Trong bài viết này để dễ theo dõi sự khác biệt giữa các cách QUAN,  trên ý nghĩa của cùng một Hào từ, sau đây  chúng tôi xếp liên tiếp các lời giải đáp  theo thứ tự  từng Hào.

 Các lời giải trích  dẫn  được tham khảo  qua hai cuốn sách:

 Cuốn 1 (C1) -Kinh Dịch -Đạo của người Quân tử - Nguyễn Hiến Lê-1992- Quẻ 34 -trg 321 đến 324

 Cuốn 2 (C2) - Kinh Dịch-cấu hình tư tưởng Trung Quốc -Dương ngọc Dũng + Lê Anh Minh-1999- tr  299-309.

Cách 3 (C3) - Lời giải thích của tác giả bài viết này.

Đại Tráng là quẻ số 34 trong 64 quẻ  Kinh Dịch. Mỗi quẻ sáu vạch, do hai quẻ  đơn  lập thành.

Quẻ trên là Chấn (Lôi = sấm). Quẻ dưới là Càn (Thiên= Trời)

Hào dương gọi là hào Cửu. Hào âm  là hào Lục

Thoán từ là lời đặt dưới mỗi quẻ. Hào từ là lời viết dưới mỗi  hào.

Lôi Thiên ĐẠI TRÁNG Theo Nhị Phân các gạch âm dương như trên có trị số : 001 111 =  15    

Dưới đây là nguyên văn lời dịch của các Hào từ và Thoán từ trong Chính kinh:

Thoán từ:             Đại Tráng , lợi trinh.

Hào từ:

     1) Sơ cửu:                    Tráng vu chỉ, chinh hung, hữu phu.

     2) Cửu nhị:                  Trinh cát.

     3) Cửu tam:          Tiểu nhân dụng Tráng, Quân tử dụng Võng. Trinh lệ. Đê dương xúc phiên, luy kỳ giác.

      4) Cửu tứ:                   Trinh cát, hối vong. Phiên quyết bất luy. Tráng dư đại dư chi phúc.

5)Lục ngũ:             Táng dương vu dị. Vô hối

6)Thượng lục:      Đê dương xúc phiên, Bất năng thoái, bất năng toại. Vô du lợi. Gian tắc cát.

Quẻ 34    LÔI THIÊN ĐẠI TRÁNG   QUẺ 15    001 111

Thoán từ: Đại Tráng , lợi trinh.

(Theo N.H. Lê- C1) Lời Thoán; Lớn mạnh,theo điều chính thì lợi. Giảng: Quẻ này có 4 nét dương ở dưới, hai nét âm ở trên; dương đã lớn mạnh mà âm sắp bị diệt hết. Lớn mạnh thì dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng thường tình, gặp thời thịnh, người ta kiêu căng, làm điều bất chính, nên Thoán từ phải dặn: giữ điều chính, lúc đắc ý nghĩ đến lúc thất ý, thì mới có lợi.

(Theo C2) Giảng: Đây là thời kì phát triển cực kỳ sung mãn, cứ tiếp tục kiên trì là tốt nhất. Theo Wilhem; quẻ này cho thấy một  thời kỳ khi giá trị nội tại ngày càng tăng trưởng về sức mạnh và đã chiếm được quyền lực. Nhưng sức mạnh đã vượt qua điểm trung dung nên có nguy cơ quên đi chính nghĩa.

(Theo C3) Thời Đại Tráng (Lớn Mạnh). Chính bền tốt.

Đại Tráng có 4 dương, 2 âm. Năng lượng nhiều và tập trung (+1, +2, +3, +4) thúc đẩy vật chất (-5, -6) họat động mạnh. Người ta mong muốn nhiều, đòi hỏi được thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần để phát triển. Thời Đại Tráng người ta mạnh mẽ làm gì cũng được, nên dễ thay đổi, làm hại cho công việc. Vì vậy cần phải giữ chính bền kết quả mới thành tựu tốt.

  1. Sơ cửu: Tráng vu chỉ, chinh hung, hữu phu.

Chỉ = ngón chân.  Chinh = tiến tới có ý tiến công.  Hữu phu =  Có lòng tin = có tin tưởng.

(Theo C1) Hào 1 dương: Mạnh ở ngón chân, đi lên thời xấu, có thể tin chắc như vậy.

Giảng: Hào này ở dưới cùng, dương cương, cho nên ví với ngón chân, ở địa vị thấp nhất mà hăng hái muốn tiến, sẽ vấp, xấu. (K.D Đạo người Quân tư)

(Theo C2)  Hào dương đầu tiên: Lực lượng bộ binh đã bị tổn thương, nếu tiến thẳng sẽ gặp nguy hiểm, (nhưng cuối cùng) cũng sẽ bắt được giặc (về làm nô lệ).

Giải thích: Nếu giảng “hữu phu” là “thành tín” thì hào trên quá tối nghĩa. Tại sao “mạnh ở ngón chân” mà  lại “chinh hung” được?

Đại Tráng có hai ý nghĩa: “cường thịnh” và “tổn thương”.  Nếu chọn dứt khoát nghĩa thứ hai thì câu văn trở nên giản dị: “Chân đã bị thương, xuất hành chắc gặp hung hiểm”.

Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (như ở trên) hết sức vô nghĩa. 

…Nếu chấp nhận theo Cao Hanh giảng “phu” ở đây là giả tá cận âm của của chữ “phu” là  “giặc bắt được trong trận chiến”, thì ý nghĩa hào này đến đây hoàn toàn rõ ràng thông suốt.  Chúng tôi suy diễn thêm có lẽ chữ “chỉ” dùng như một loại tiếng lóng trong quân đội nhà Chu để chỉ lực lượng bộ binh, nên dịch như trên.  Đây là ý của  người cầm quân ra trận chỉ nghĩ đến  thắng, bại. (K.D cấu hình tư tưởngTrung quốc).

 (Theo C3) Hào1 dương: Mạnh ở ngón chân. Tiến đi thời xấu. Có lòng tin.

Mạnh ở ngón chân là Năng lực đã truyền  ra chân, nơi thực hiện việc đi.

Sơ cửu  khởi đầu  thúc đẩy việc đi (họat động, làm việc). Đại Tráng sức lực mạnh mẽ, muốn tiến đi ngay. Nhưng: Chinh hung = Tiến đi thời xấu. Không nên tiến ngay. Khi chân có thể đi được mà đi ngay, chưa suy xét  đã tiến lên, tất sẽ gặp hung hiểm. Cần “có lòng tin”. (hữu phu). Tin tưởng vào việc mình sẽ làm là hữu ích.

Tóm lại: Thời Đại Tráng, khi mới thấy mạnh ở chân,  dù có thể tiến lên, không nên tiến ngay dễ gặp hung hiểm. Cần hiểu biết, có lòng tin trước khi hành động. Đây là cách hiểu Kinh Dịch liên hệ đến bản thân.

 (Theo C1)  Hào 2 dương: Có đức chính, tốt. (Trinh = có đức chính)

Giảng: Hào này dương cương, ở vị nhu, tuy không đắc chính, nhưng đắc trung, mà trung thì không bao giờ bất chính, vậy cũng là tốt. Đây là chữ  “Trung” của người Quân tử.

(Theo C2) Hào dương hai: Xem bói được tốt. (Trinh = xem bói)

Giải thích: Wilhelm dịch “Giữ sự kiên định có thể gặp may mắn” (Persevernce brings good fortune) cũng như Trương Thiện Văn và Hòang Thọ Ky (thủ trì chính cố khả hoạch cát tường = giữ điều chính được tốt).

(Theo C3)  Hào 2 dươngChính bền tốt.

Thời Đại Tráng, chính bền mới tốt. Bởi vì người ta có thể  thay đổi  dễ dàng khi đang có  thế mạnh.  Nhưng mạnh  mà  vẫn giữ  bền điều  chính mới được “Tốt” với mọi người và chính mình. Ngược lại, ỷ mạnh làm càn, hay thay đổi tất gặp “hung”

  1. Cửu tam: Tiểu nhân dụng Tráng,Quân tử dụng Võng. Trinh lệ.  Đê dương xúc phiên, luy kỳ giác.

Võng = Không - Lệ = nguy – Đê dương = Con dê đực – Xúc phiên = húc vào hàng rào – Luy = đau – Giác = sừng.

(Theo C1)  Hào 3 dương: Tiểu nhân dùng sức mạnh, quân tử không; dù giữ điều chính cũng nguy, như con cừu  đực húc vào cái dậu, bị thương cái sừng.

Giảng: Hào này dương cương, ở vào vị dương (lẻ) trong quẻ, lại ở cuối nội quái Càn, thế là cực kì hung mạnh, dù giữ được chính đáng cũng nguy; quân tử biết vậy mà không hành động, chỉ tiểu nhân mới hung hăng như con cừu đực, húc vào cái dậu. (Người Quân tử luôn xử sự hợp lý)

(Theo C2)  Hào  dương ba: Tiểu nhân (khi săn bắt thú) chỉ biết dùng sức, quân tử khéo dùng lưới (để bắt), cứ khăng khăng (ỷ vào sức mạnh) sẽ gặp nguy hiểm, (cũng giống như) con dê đực đâm đầu vào hàng rào, kẹt  dính luôn cả sừng trong đó.      

Giải thích: Chu Hy giảng “võng” có nghĩa là “vô” (không). Quân tử dụng Võng có nghĩa là quân tử dụng vô, tức là không dùng sức mạnh “Tráng” như tiểu nhân.

Từ tử Hùng cho rằng: “Tiểu nhân” là chỉ bọn nô lệ, “Tráng” là có sức khỏe cường tráng, “quân tử” chỉ giai cấp quý tộc, còn “võng” là lưới bắt thú, “đê” là con dê đực. “Luy” là giả tá cận âm của “Lụy” có nghĩa là bắt trói.

Chúng tôi vẫn quan niệm phong cách tư duy Trung Hoa cổ đại là  dựa trên hình tượng nên chọn cách lý giải theo Từ Tử Hùng như trên... Mọi cách lý giải như “quân tử không dùng sức” hay “chiếc lưới pháp luật” đều có vẻ khá trừu tượng, khá triết học, mặc dù suy cho cùng, các lý giải đều hội tụ tại một điểm: Tiểu nhân dùng  sức lực, hữu dũng vô mưu, quân tử khôn khéo dùng công cụ để đạt mục đích. Con dê đực được so sánh với kẻ hữu dũng vô mưu đó, húc đầu vào hàng rào, để bị  kẹt dính luôn cái sừng trong đó, sức mạnh thô bạo đã bị vô hiệu hóa (sđd 2 tr 304)

(Theo C3) Hào 3 dương: Tiểu nhân dùng sức mạnh (Tráng), Quân tử dùng Không (Võng). Chính bền  nguy. Con dê húc đầu vào hàng rào, khốn cái sừng.

Quan điểm mới: Tiểu nhân = Vật chất. Quân tử = Năng lượng.  Thời Đại Tráng năng lượng nhiều => vật chất hoạt đông mạnh => Người ta bị nhu cầu vật chất lôi cuốn.

Năng lượng tính “Không”: Quân tử dụng Võng = Nên biết dụng tính “Không”.

Quân tử, Tiểu nhân không có nghĩa thường. Vì vậy nên: Trinh lệ. = Chính bền nguy = Nếu chỉ tin theo một điều đúng cho là không bao giờ thay đổi cũng nguy. Vì sự  đúng trước nay có thể đã trở thành sai.

Con Dê húc đầu vào hàng ràovì ngứa sừng: Là hình ảnh của một người sức lực tràn đầy - Đại tráng - bị thúc đẩy  bởi sự cường tráng của cơ thể  cần tìm làm một việc để giải tỏa  sức mạnh trong mình. 

 Lúc trưởng thành cơ thể mạnh khỏe thúc đẩy người ta hành động. Ai cũng  muốn đạt những mong muốn.  Nhưng  khi khơi sự hành động tức thời người ta  bị công việc lôi cuốn. Bị vướng mắc, bị hút vào một guồng máy không thể  dễ dàng  rút  lui ra được. Việc này  tương tự như  con dê  húc đầu vào một cái hàng rào, rồi bị khốn cái sừng trong hàng rào ấy. Nếu hành động  nóng vội do thiếu hiểu biết  cặp sừng sẽ  bị đau (Luy kỳ giác): Người muốn đạt những ham muốn nhanh chóng bằng cách  lường gạt, hoặc  trộm cướp, tất sẽ  bị trừng phạt đau đớn cả về thể xác, tinh thần. Liên hệ  hình ảnh con dê với người trai trẻ rất phổ biến thời trước như  Hồ xuân Hương đã víết:

Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa”   

  1. Cửu tứ: Trinh cát, hối vong.Phiên quyết bất luy.   Tráng dư đại dư chi phúc.

(Theo C1)  Dịch: Hào 4 dương: Theo điều chính thì tốt, hối hận mất hết; dậu đã mở không khốn nữa, mạnh mẽ tiến lên, như ngồi cỗ xe lớn mà trục xe vững vàng.

Giảng: Hào này dương cương qua khỏi nội quái là Càn mà lên ngoại quái là Cấn, là tráng thịnh đến cực điểm; nó ở trên hết  các hào dương  làm lãnh tụ đám Quân tử, sợ nó hăng quá mà lầm đường nên dặn kĩ: Giữ điều chính thì mới tốt, khỏi ân hận.  Ở trên nó là là hai hào âm, âm đã đến lúc suy, dễ đánh đổ; như cái dậu trước mặt hào 4 đã mỡ, không còn bị khốn nữa; nó có thể dắt ba hào dương ào ào tiến lên dễ dàng, thuận lợi như ngồi cỗ xe lớn mà  trục xe vững vàng.

(Theo C2)  Dịch nghĩa: Hào dương bốn: Bói được hào này mọi sự tốt đẹp, không có gì phải hối tiếc, (con dê) đã húc sập cả hàng rào rồi (nếu) không biết  kiềm chế nó (thì ngay cả) trục bánh xe lớn cũng có  thể bị nó húc gãy (không thể đi được nữa)

Giải thích: Quyết có nghĩa là “mở ra”. Đại dư là xe lớn.  Phúc là trục bánh xe. Trinh = Xem bói

Trương lập Văn giảng “Quyết” là “phá hoại”, ông giảng hào này tương tự như ở trên.

Trong hào này hình ảnh lọan động của con dê dùng ám chỉ bọn tiểu nhân, nếu không chế ngự ngay từ đầu, sẽ dẫn đến tai họa khó lường.

(Theo C3) Hào 4 dương: Chính bền tốt, hối tiếc hết. Hàng rào không làm khốn cái sừng. Mạnh ở giữa trục xe lớn.

Ở cửu tam “Trinh Lệ”. Cửu tứ  “Trinh Cát ” hai việc Trinh khác nhau.

Phiên trong cửu tam “Luy kỳ giác” ở cửu tứ thì: Phiên quyết bất Luy = hàng rào không làm đau cái sừng.

Cửu tam xấu vì làm sai. Cửu tứ tốt vì hành động đúng, tuy cùng là: “Đê dương xúc phiên” cả. 

Mỗi người  do tìm hiểu, hoặc được dạy, tin vào một số điều. Rồi tự  cột mình vào những tin tưởng đó. Con dê húc cặp  sừng mắc vào một cái hàng rào, cũng như người bị mắc vào các điều tin tưởng, bị ràng buộc chặt chẽ, không thấy được điều gì khác. Nhưng nếu các tiên kiến này không sai, hiểu biết đúng. Chính bền với những mục tiêu “Tốt”.  Trong tâm thoải mái, không  hối hận vì những việc mình làm. Khi đó  tuy cũng mắc vào một  cái hàng rào, nhưng  cái hàng rào không làm khốn cái sừng  

 Nhờ hiểu biết đúng, như  sức mạnh  tập trung  vào nơi trục xe, xe tiến nhanh, người ta đi được xa.

  1. Lục ngũ:  Táng dương vu dị. Vô hối.

(Theo C1) Dịch: Hào 5 âmLàm mất sự hung hăng của bầy cừu bằng cách vui vẻ dể dãi, thì sẽ không ân hận.

Giảng: Hào này ở vị chí tôn, nhưng vốn âm nhu, không thể áp đảo được 4 hào dương ở dưới, phải vui vẻ dễ dãi với họ, thì họ sẽ hết hung hăng. Sở dĩ phải có thái độ đó vì ngôi của 5 quá cao đối với tư cách âm nhu của nó.

(Theo C2) Hào âm năm: (Cho dù) bọn rợ Hữu Dịch có cướp mất dê, cũng chẳng có gì phải hối tiếc.

Giải thích: Các bản việt ngữ dịch là “vu dị” nhưng ở đây theo Trương lập Văn khẳng định là chữ Dịch có nghĩa là rợ Hữu Dịch. Sau khi bị cướp mất dê phải đi nơi khác lại chăn nuôi tốt hơn trước, nên không phải hối tiếc.

(Theo C3)  Hào 5 âm : Mất dê  dễ dàng.  Không  hối tiếc.

Dương là  con dê cũng là dương  khí làm nên mọi sự việc, nhưng mất đi rất dễ dàng.  Không nên hối tiếc.

Thời Đại tráng con người hoặc sự việc ở lúc cường thịnh nên có thể làm được  nhiều việc lớn. 

Nhưng dương khí làm nên mọi việc lại không bền vì tính dễ  di động, đến thời khó, nhưng mất đi lại rất dễ.  Mọi việc có thể dễ dàng mất đi dù  đang thời cường thịnh tưởng rằng không thể mất được. Người Việt ở miền nam năm 1975 ai cũng có hiểu biết sâu xa về điều này.

Nên: Không hối tiếc.  Hoặc: Có hối tiếc cũng không được.   

  1. Thượng lục:  Đê dương xúc phiên.

Bất năng thoái.  Bất năng toại. Vô du lợi. Gian tắc cát.

(Theo C1) Dịch:  Hào trên cùng âm: Cừu đực húc vào dậu, mắc kẹt, lui không được, tiến cho toại ý cũng không được, không có lợi gì cả; chịu khó nhọc thì tốt.

Giảng: Hào này ở trên cùng quẻ Đại Tráng là hết thời lớn mạnh, mà cũng ở trên ở trên cùng ngoại quái Chấn, là rất ham động mà bất lực (âm nhu); như con cừu đực hung hăng húc đầu vào  dậu, mắc kẹt, muốn lui không được, tiến lên cho toại ý cũng không được, không lợi ở chỗ nào cả.  Nếu bỏ tính hung hăng húc quàng đi mà chịu khó nhọc thì tốt.

(Theo C2)  Dịch nghĩa: Hào âm trên cùng (Hoàn cảnh giống như) Con dê đực húc đầu vào hàng rào, (bị kẹt cứng) kéo lui cũng không được, đẩy tới cũng không xong, chẳng được tích sự gì, (tuy) khó khăn (trước mắt như vậy) nhưng (về sau) mọi sự sẽ tốt đẹp thôi (khó khăn bị hóa giải).

Giải thích: Toại có nghĩa là tiến lên.

Tông chỉ của quẻ này bàn những khó khăn phát sinh, những sự cố, trong đời sống chăn nuôi gia súc, nhưng cũng có những hào từ chẳng liên quan đến đến đề tài này, như hào sơ cửu, cửu nhị, và thậm chí cả quái từ (Thoán từ) đều giảng chuyện bói toán …..Phong cách tư duy trong quẻ này cũng như hầu hết các quẻ khác, một mặt phản ánh những phương diện khác nhau trong sinh hoạt văn hóa cổ đại, một mặt phản ánh mô hình tư duy hình tượng chỉnh thể (model of imagistic- holistic thinking) rất đặc thù trong cấu hình tư duy Trung Hoa. . .Trang xuân Ba cho rằng Chu Dịch đã bảo tồn được phong cách tư duy nguyên thủy của nhân loại, trong đó tư duy dựa trên lý tính và thần bí vẫn song hành tịnh hợp với nhau. Mông Bồi Nguyên cho rằng mô thức tư duy căn bản trong Chu Dịch là mô hình chỉnh thể, chủ thể. Mô thức này cố nhiên là thuộc về phong cách tư duy mang tính tổng hợp kinh nghiệm thực tế.

(Theo C3)  Hào 6 âm- Con dê húc đầu vào hàng rào.  Không lui được. Không được vừa ý. Không đi đâu có lợi hơn. Gian nan được tốt.

 Thời Đại Tráng người ta hành động theo hai trường hợp  khác biệt nhau: Cửu tam hoặc cửu tứ, Trinh lệ hoặc Trinh cát.  Dụng Võng hoặc dụng Tráng. Luy kỳ giác hoặc Phiên quyết bất luy. Nhưng các trường hợp  đó cũng  đều là: “Đê dương xúc phiên”. Vì cả hai, trong tư tưởng và hành động đã tự cột chặt  mình vào những  việc phải làm, khiến cho muốn lùi cũng  không được. Tuy không được toại  ý.  Nhưng không  đi đâu có lợi hơn, không  làm gì khác  được.

 Gian tắc cát = Gian nan được tốt. Đại Tráng là thời Năng lượng nhiều, vật chất hoạt động mạnh nên - Người ta phải làm việc  để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.  Nhưng từ công việc sẽ nảy sinh những khó khăn do tự mình và xã hội  ràng buộc.  Gian nan tốt vì  trong cuộc sống,  trải qua  gian nan  mà không bị đào thải  còn tồn tại sẽ phát triển tốt hơn.  Người qua nhiều gian nan  còn tồn tại  là hạt giống tốt cho đời sau.

Đó là hào sáu thời Đại Tráng, thời  mạnh mẽ như sấm nổ ngang trời. Nhưng người ta bị lôi cuốn vào việc đáp ứng những nhu cầu vật chất. Người ta mắc đầu vào những cái “hàng rào” lùi không được, không được vừa ý về hoàn cảnh của mình, nhưng không  đi đâu  có lợi hơn.

Sự  hoạt động của người ta dù Trinh lệ hay Trinh cát, cũng do mình đặt ra, cột chặt vào tư tưởng, giới hạn nhãn quan của mình.  Nhưng đã vào trong guồng  máy, bị lôi cuốn đi không thể lùi lại được. Tuy gian nan, nhưng tốt, vì: Qua gian nan người ta sẽ  hiểu biết  hơn. 

Tóm lược lại,  qua 3  lời giải khác nhau:

  • Cách 1: Nguyễn Hiến Lê trong Kinh Dịch – Đạo của người Quân tử – giảng các hào từ  theo ý khuyên người  Quân tử  nên làm việc Trung chính, biết thời thế. Tránh hành động như kẻ Tiểu nhân ở địa vị thấp mà  ưa dùng sức mạnh làm việc sai quấy. Âm nhu ở địa vị cao không tốt nên bỏ tính hung hăng, chịu khó nhọc thì tốt. Đây là người Quân tử học cách Tu Tề Trị Bình trong Kinh Dịch.
  • Cách 2: Dương Ngọc Dũng + Lê Anh Minh  trong - Kinh Dịch, cấu hình tư tưởng Trung Quốc - cho biết: “Tông chỉ quẻ này bàn những khó khăn phát sinh, những sự cố, trong đời sống chăn nuôi gia súc, nhưng cũng có hào từ chẳng liên quan gì đến đề tài này, như hào sơ cửu, cửu nhị, và thậm chí cả quái từ (Thóan từ), đều giảng chuyện bói tóan, ngón chân cái  bị thương... có thể ám chỉ đến chiến tranh giữa Chu và Thương.  Chẳng hạn hào sơ cửu ám chỉ việc bản thân đã bị thương tích, việc xuất quân chinh phạt phải gặp hung hiểm.  Nhưng từ cửu tam đến thượng lục rõ ràng đều bàn những sự cố phát sinh trong đời sống chăn nuôi.  Riêng hào cửu ngũ, theo Cố hiệt Cương còn đề cập đến chuyện Vương Hợi, tiên vương nhà Ân, chăn dê, bò tại Hữu Dịch mà bị giết về chuyện dâm lọan nên mất hết cả đàn dê, bò.  Phong cách tư duy trong quẻ này cũng như hầu hết  trong các quẻ khác, một mặt phản ánh những phương diện khác nhau sinh họat văn hóa cổ đại, một mặt phản ảnh mô hình tư duy hình tượng chỉnh thể (model of imagistic- holistic thinking) rất đặc thù trong cấu hình tư duy Trung Hoa”. “Tìm hiểu Kinh Dịch chính là phát hiện cấu hình tư duy của người Trung Quốc... Kinh Dịch là một quyển cẩm nang chính trị bằng lời lẽ bí hiểm của vu thuật chiêm bốc, được sáng tác để giáo huấn các bậc quân vương về phương pháp an dân trị quốc. Đọc Kinh Dịch theo hướng này, chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc thấy rằng những lời giáo huấn đó  không hề mất đi giá trị theo thời gian, mà trái lại vẫn có thể được tiếp tục nghiên cứu và vận dụng trong khoa học về lãnh đạo cho thời hiện đại. tr 9”
  • Cách 3: Làm một thí dụ về cách hiểu theo quan điểm mới:
  • Kinh Dịch là sách nói về Sự Sống được tạo nên do tác động của  Năng Lựơng trên Vật chất.
  • Đạo của Dịch Lý:  Qui Luật của Sự Sống. 
  • Đạo vô hình được thể hiện thành hữu hình qua sự sống của muôn loài và con Người là một tác phẩm, một công cụ hoàn chỉnh  nhất của Đạo, được tạo nên với trí khôn có nhiệm vụ tìm hiểu v lm sng tỏ Đạo.

Ta thấy Kinh Dịch đã được  ứng dụng:

  1. Trong bói toán, bốc Dịch, Phong thủy hàng ngày.
  2. Trong Y học, Tóan học ….
  3. Là sách dạy về Dưỡng sinh,  khí công , luyện thần trong Đạo gia.
  4. Là cẩm nang giáo huấn các bậc quân vương về phép an dân trị quốc. Là Đạo dạy người Quân tử - phò vua giúp nước.
  5. Trong sự sống  mỗi người. 
  6. Hòa hợp sự sống của mọi người.    

Điểm đặc biệt là với cách  hiểu biết nào Kinh Dịch cũng giải đáp được những thắc mắc, đáp ứng được mong đợi của người đọc. Với quan điểm mới ta thấy các Hào từ  trong kinh Dịch có ý nghĩa đôi khi khác hẳn với ý của các sách đã được dày công nghiên cứu từ trước. Tuy nhiên điều này như trên đã nói, đó là tùy quan điểm và mục đích của người đọc nên thấy ra  những điều khác nhau  mà thôi.  Các Hào từ của Kinh Dịch dưới nhãn quan của người “Quan ngã sinh” thấy chứa đựng toàn là những nhận xét về sự sống của con người. Tuy nhiên, trong các  quẻ chỉ  đưa ra những nhận xét, cho biết  tính chất sự việc với  lời khuyên chung  mà thôi. Hành động thế nào  là  tùy  người  tiếp thụ.

Trong quẻ Đại Tráng này, qua 6 hào:

Hào 1+Thời sơ Đại Tráng, khi thấy chân mạnh  có thể đi được, chưa nên tiến đi ngay, cần có hiểu biết, có lòng tin  trước khi đi:  Người ta phải học hỏi để biết cách làm việc.

Hào 2+ : Cửu nhị  Đại Tráng, hành động phải có sự  Trung chính, lâu bền.

Hào 3+Cửu tam Đại Tráng, người ta bị các nhu cầu tiềm tàng trong  cơ thể lôi cuốn, vướng vào những điều có khi sai lầm, đem những gánh nặng quàng lên đầu mình.

Người  nóng nảy dễ vướng mắc vào  những sai lầm  khiến cho thân, tâm đau đớn khổ sở.

Hào 4+ : Cửu tứ Đại Tráng, người  có lòng tin  chính bền, không bị hối tiếc về việc làm  của mình. Những người này không bị các gánh nặng làm cho đau đớn. Có thể tiến nhanh, tiến mạnh trong công việc.

Hào 5 -- : Tuy nhiên tất cả mọi sự đều không bền vững lâu dài mãi được .  Mọi việc đều có thể dễ dàng mất đi  ngay trong thời Đại Tráng.  Khi đó dù có mất  cũng không nên hối tiếc.

Hào 6-- : Người  ta dù dại hay khôn cũng đều vướng trên đầu những hàng rào, muốn rút lui cũng không được. Tuy không được toại ý, nhưng không đi đâu có lợi hơn.  Gian nan là con đường tốt. 

Quẻ Đại Tráng cho biết  lúc mạnh mẽ nhất  mọi  người  làm gì, kết quả ra sao:

-Người ta  làm việc để đạt  điều mong muốn, không nề gian khổ, thực hiện cho được sự mong ước. Nhưng nhìn từ  một hướng khác lại thấy: Những  tin tưởng của người ta là chủ quan, tự  nghĩ  ra, tự ràng buộc lấy mà thôi.  Không khác nào con dê  húc đầu vào một  cái hàng rào  mắc dính  cặp sừng vào trong  đó.  Chính sức mạnh  bên trong thúc đẩy người ta hành động như thế, không thể  nào làm gì khác hơn được.

Muốn tìm ra “sự thật” trong thời Đại Tráng, với sức mạnh  vật chất và tinh thần trong mình là không thể  được, vì  ai cũng nghĩ: “Đã sinh ra ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”,  dù: “Bất năng toại - vẫn - Bất năng thoái”  không thể  ra khỏi những  ràng buộc, những  định kiến của bản thân, gia đình, xã hội. Muốn nhận ra điều khác với quan niệm của thời Đại Tráng  phải nhìn từ bên ngoài, từ phía ngược lại, hoặc là sau khi đã trải qua 6 giai đọan của thời Đại Tráng rồi quay đầu nhìn lại. 

Đối nghịch với “Lôi Thiên - Đại Tráng” là  “Thiên Sơn - Độn”.   Độn nghĩa là: Trốn đi.

Đối nghịch với Đại Tráng đi không có nơi dừng,   Độn là   dừng lại lánh đi.

Tránh khỏi việc tự húc đầu vào một cái  hàng rào rồi thấy rằng trên đời không có gì vui thú hơn là được mang cái hàng rào  này trên đầu  mãi mãi.

“Trốn” đi đâu? - Có năm cách:

  • 1- Độn vĩ:        Trốn ở  đuôi.
  • 3+ Hệ Độn:Trốn khỏi những ràng buộc
  • 4+Hiếu Độn: Trốn khỏi những tốt đẹp.
  • -5+ Gia Độn: Trốn một cách khôn khéo
  • 6+Phi Độn:     Trốn một cách nhanh chóng

Các quẻ trước và sau quẻ Đại Tráng – cũng có ý nghĩa liên hệ:

14 -      Hằng = 001 110

15-       Đại Tráng = 001 111

16 -      Tị = 010 000                                

Có ý là: Phải trưởng thành (Hằng) tới mức nào mới mạnh (Đại Tráng) được. Khi mạnh rồi, muốn tiến  hơn nữa phải tụ tập (Tị) lại. Các quẻ đối ứng trong kinh Dịch đều ràng kết với nhau tương tự như vậy.                                    

Kinh Dịch có 64 quẻ  hợp thành 32 cặp (Thí dụ: Truân-Mông, Nhu-Tụng, Sư-Tị, Thái-Bỉ, Đồng Nhân-Đại Hữu, Khiêm-Dự, Tùy-Cổ, Lâm-Quan, Bác-Phục, Hàm-Hằng, Kiển-Giải, Tổn-Ích, Trung phu-Tiểu Quá, Ký Tế-Vị Tế). Tên của các quẻ đã diễn ý đối nghịch, và  bổ túc cho nhau. Các Hào từ  cho biết về những sự việc sảy ra trong quá trình sinh  trưởng, họat động nơi mỗi Người.  Những từ: Cát, hung, hối, lẫn,...cho biết việc được đánh giá thế nào. Sau khi  biết tính chất của sự việc, người ta với ý thức  hành động để cải tiến cuộc sống của mình. Hành động có ý thức  sau thời gian dài, thấm nhuần trong cơ thể chuyển sự hiểu biết từ  ý thức đến  vô thức.

 Vô thức làm việc tích cực và hiệu quả nhất. Người ta không biết mình lớn lên thế nào. Người phụ nữ không biết sinh con thế nào. Vậy mà mọi việc đều tự điều khiển rất hòan chỉnh nơi vô thức. Sự sống  gian nan khiến người ta muốn cải thiện  cuộc sống, cách sống. Phải  học - tập.  Hiểu được ý lời kinh  mới là khởi đầu.  Cần  có thời gian để đưa hiểu biết  vào vô thức.

Khi biết sự đồng nhất  giữa Dương Âm với Năng lượng Vật chất ta tìm được trong Kinh Dịch Đạo Càn – Khôn, làm sáng tỏ  những  sự bí ẩn từ trước không giải đáp được trong sự nhận thức về hữu hình và vô hình, những hiểu biết ứng dụng cho sự tu học.  Tưởng như huyền hoặc mà rất khoa học.  Thấy được  tác động của cái vô hình trên vật hữu hình. Thấy ta và người  tuy hai mà một. Thấy ta với ta tuy một mà hai. Nơi  đây  mở ra một cánh cửa, có thể đi  vào để tìm ra nhiều điều  mới.

 Người 3000 năm xưa với trực giác đã cảm biết được điều mà khoa học mới biết  cách đây 100 năm. Như vậy con Người Cổ, Kim, Đông Tây không khác biệt, tất cả đều  có cùng một nguồn gốc linh mẫn từ nguyên thủy. Kinh Dịch có thể giúp cho sự tìm hiểu về con Người thấu đáo hơn, thấy rằng mọi Người cùng là tinh hoa của Trời Đất: Thiên Hỏa Đồng Nhân.  Giúp ta hiểu được tính của mình và  tính của mọi Người. Giúp tìm ra một phương thức xử dụng các lợi ích  một cách hợp lý. Giúp cho sự sống được phát triển trong  Hòa Bình  trên tòan thế giới - như lời của quẻ Càn:

CÀN ĐẠO biến hóa các chính tính mệnh.

(ĐẠO CÀN biến hóa làm rõ tính và mênh muôn loài)                                                                                                                              

Bảo hợp THÁI HÒA, nãi lợi trinh

(Phát triển tốt đẹp lý THÁI HÒA, chính đáng các lợi ích)                                                                                                 

Thử xuất thứ vật, VẠN  QUỐC HÀM NINH.                                                                                        

(Từ đó làm ra mọi việc,  MUÔN NƯỚC HÒA  BÌNH)

Lê-Quý-Thụ  (CVA1957-1960)                      

Tháng tám- 2004

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Homepage:  http://home.Comcast.Net/KinhDichTangiai

Tài liệu tham khảo:

1-      Kinh Dịch- Đạo của người Quân tử, Nxb Văn Học, 1992.

2-Kinh Dịch và mã Di Truyền-Đỗ văn Sơn+ Đức Minh dịch- Nxb TP 2000.

 3-Kinh Dịch và  cấu hình tư tưởng Trung Quốc Dương ngọc Dũng+ Lê Anh Minh 1999.

 4-Kinh Dịch và hệ Nhị Phân. Hòang Tuấn. Nxb KHXH -1998.

Ghi chú: (1) Trong quẻ Bát Thuần Càn. Khi thay: Long = Rồng = Dương = Quân tử = Năng lượng.

Ta hiểu nghĩa các Hào từ Sơ cửu (1+) đến Thượng cửu (6+) Dụng cửu (7+) như sau :

1+Tiềm Long vật dụng = Rồng ẩn không dùng được = Năng lượng tiềm ẩn không dùng được.

2+ Hiện Long tại điền  = Năng lượng mới kết hợp với vật chất, còn ở điều kiện thấp, nhỏ.

3+ Quân tử chung nhật kiền kiền = Năng lượng làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ.

5+ Phi Long tại Thiên = Năng lượng khi gặp điều kiện thuận lợi hoạt động ở trạng thái lớn mạnh.

6+ Kháng Long hữu hối = Năng lượng mạnh mẽ hoạt động có sai sót , có hối hận.

7+ Quần Long vô thủ = Bầy rồng không đầu =  Các nguồn Năng lượng đều vô hình.

Điều nhấn mạnh ở đây là Sự vô hình của Dương khí rất  phù hợp với sự vô hình của Năng lượng  qua hai hào  “Tiềm Long vật dụng” và “ Kiến quần Long vô thủ, Cát.”

* * *

Con Ve Sầu

CVA  Ham Học

Từ lâu rồi, chúng ta biết rằng Con Ve Sầu, từ con Nhộng nằm dưới đất dưới góc cây 17 năm, rồi mơí đục đất  bò lên thân  cây vào cuối mùa xuân, để ca hát suốt một mùa hè, làm việc truyền giống, rồi chết. Nhiêù nhà côn trùng học cho rằng những con Nhộng này đã nhờ một ‘cái đồng hồ‘ trong cơ thể để biết đúng ngày tháng mà đục đất chui lên.

Gần đây nhà côn trùng học Richard Karban thuộc Đại Học UC Davis (California) đã tin rằng những con Nhộng âý đã nhờ nhựa ở gốc cây mà biết được thời gian chính sác để lên mặt đất. Để thử nghiệm giả thuyết của ông, ông bèn đem những con Nhộng mới có 15 tuổi đặt vào tổ mơí ở dưới gốc cây đào khác. Sau đó ông dùng cách làm cho cây đào nở hoa hai lần trong một năm, thì quả nhiên những con Nhộng 15 tuổi đã đục đất mà lên. Nhờ thử nghiệm này, ông Karban kết luận rằng các con Nhộng, tiền thân cuả con Ve Sàu, nhờ số lượng và phẩm chất của nhựa ở gốc cây đào để đếm các năm tháng.  Tất nhiên là nhiêù nhà côn trùng học khác nữa sẽ phải làm đi làm lại thử nghiệm này, mới có thể đi tơí kết luận rằng giả thuyết cuả ông Karban là đúng.

* * *

Tuổi Già và Trí Nhớ

CVA Trương đăng Đệ

Bạn ra khỏi nhà ít bước chợt ngừng lại tự hỏi không hiểu mình đã khóa cửa chưa và quay về để kiểm soát lại cho chắc. Bạn vào kho để kiếm một vật đến khi tới nơi lại quên khuấy mình muốn tìm cái gì. Bạn đi chợ định mua 4 món đồ mà chỉ mua có 3 món, còn món thứ tư cố nặn óc mà không ra. Trong một party, một người tới gần bạn;  trông mặt rất quen nhưng bạn không nhớ tên người đó là ai. Bạn ngại hỏi tên và trò chuyện ít phút với người đó; khi người ấy đi khỏi, bạn chợt nhớ tên và ngay cả  nơi  trước kia gặp người ấy.

Những sự quên như vậy ngày càng tăng với tuổi, thường là từ 50 trở đi, và đôi khi làm bạn  lo đó là những triệu chứng của một bệnh nguy hiểm trong tương lai như bệnh mất trí (dementia) hay bệnh quên Alzheimer. Thực ra không có gì đáng lo cả. Nhưng thiếu sót của trí nhớ thường chỉ là những sự kiện thông thường của tuối già; nhưng trong khi sự già là điều không tránh khỏi, thì việc giảm trí nhớ là một điều khác hẳn, và có những biện pháp giúp bạn duy trì trí nhớ, và cả có thể làm tăng trí nhớ của bạn. Tại sao trí nhớ  suy đi với tuổi, bạn có thể làm gì để chống việc đó, và trong trường hợp nào bạn cần quan tâm tới sự giảm trí nhớ, đó là những điều chúng ta sẽ đề cập tới dưới đây .

A-                TẠI SAO TRÍ NHỚ SUY ĐI VỚI TUỔI GÌA ?

Những con đường giữa các tế bào thần kinh không thể vượt qua - Các khoa học gia thường nghĩ rằng sự giảm trí nhớ vỉ tuổi tác là do óc mất đi những tế bào thần kinh. Nhưng "những cuộc nghiên cứu mới nhất cho thấy đó là do sự suy yếu về chức năng, đặc biệt là tại những điểm nối tiếp giữa các tế bào thần kinh", bác sĩ Robert Butler, giáo sư về lão khoa tại trường Y khoa Mount Sinai ở New York nói. Não là một mạng  gồm hàng tỉ tế bào thần kinh và những điểm nối tiếp (synapses) chúng với nhau như hình dưới đây:                                                                  

Ta có thể so sánh các điểm nối tiếp đó như khoảng giữa 2 cực của một cái bougie, nơi phát sinh ra những tia lửa. Với tuổi tác, một số điểm nối tiếp đó bị hư hỏng, và giống như các chấu bougie bị than đóng lại làm tia lửa phát ra chậm hay không phát ra được gây trục trặc cho xe, hoặc một xa lộ với những làn (lanes/voies) đường bị đóng lại để sửa chữa, chúng làm sự di chuyển của những xung lực (impulses) trong các dây thần kinh bị chậm lại hay ngưng hẳn.

Gốc tự do: Những chỗ lồi trên mặt đường - Tựa như một cái đinh để ngoài trời dần dần rỉ đi, cơ thể chúng ta cũng rỉ với tuổi tác dưới sự tấn công của các chất gọi là gốc tự do (free radicals/radicaux libres); đó là những dạng của oxy được tạo ra trong sự chuyển hóa (metabolism) bình thường. Quá trình này được gọi là sự oxyhóa, nó góp phần làm hoạt động của não chậm lại. Các gốc tự do có thể phá màng các tế bào bất cứ  ở đâu trong cơ thể; ở não, chúng làm hư các điểm nối tiếp các tế bào thần kinh, khiến các tế bào này hoạt động  kém hay không còn hữu hiệu. Tuy cơ thể ta có sản xuất ra những chất chống oxyhóa để bảo vệ và sửa chữa các tế bào, chống lại sức phá hoại của các gốc tự do, nhưng với tuổi tác, việc sản xuất ra những chất bảo vệ đó suy đi.

Bệnh tật và sự lưu thông của máu - Quá trình làm rỉ  do sự oxyhóa  cũng có thể đưa tới sự cấu tạo ra một chất dính làm thành những mảng mỏng (plaques) trên thành các mạch máu, làm cản trở sự lưu thông của máu đi lên óc. Vì óc tùy thuộc vào nguồn tiếp tế liên tục oxy và các chất bổ dưỡng do máu đem tới, bất kỳ cái gì làm cản trở sự lưu thông của máu cũng làm gián đoạn chức năng của óc, và như vậy của trí nhớ. Nhiều bệnh liên quan tới tuổi già như tiểu đường, bệnh tim ảnh hưởng tới sự lưu thông của máu, đúng ra là làm máu ‘đói‘ chất bổ dưỡng. Hơn nữa, máu lưu thông chậm cũng làm tăng rủi ro bị những cơn ngưng máu âm thầm (silent strokes) gọi là những tai biến mạch não nhỏ (mini stokes). "Những tai biến gọi là âm thầm làm ta tưởng chúng vô hại, nhưng không phải vậy" bác sĩ Will Longstreth về thần kinh học tại Đại học Washington ở Seatle nói. Đúng ra, chúng nguy hiểm chính vì chúng âm thầm, vì chúng làm hại não mà không đưa ra một dấu hiệu nào cho ta thấy. Mỗi tai biến nhỏ làm tổn thương mạng  tế bào thần kinh não và các điểm nối kết các tế bào đó, và làm hoạt động của chúng  chậm đi. Về vấn đề này, nhiều cuộc nghiên cứu với những máy chụp cộng hưởng từ tính (MRI: magnetic resonance imaging) để chụp cắt lớp (scan) não của 3450 người tuổi từ 65 trở lên cho thấy chừng 1/3 bộ não có những thay đổi giống như những hư hại của não ở những người  bị tai biến mạch não dù chẳng có ai đã từng bị tai biến.  Những người này  rõ ràng đã bị những tai biến nhỏ, điển hình là trong nhũng cuộc khào sát về thể chất cũng như về nhận thức, họ  kém xa  những người mà máy MRI không thấy gì trong não. Và sự suy về khả năng nhận thức  đôi khi  là triệu chứng của bệnh mất trí. Nhiều cuộc nghiên cứu khác cho thấy quả những tai biến mạch não nhỏ có thể làm tăng rủi ro bị mất trí, gồm cả bệnh Alzheimer.

Những người bị bệnh về huyết quản (vascular diseases) kể cả bệnh áp huyết cao thường dễ bị những cơn ngưng máu ngắn (TIA: transient ischemic attacks) mà khuôn khổ bài này không cho phép chúng tôi nói tới nhiều, cho nên bệnh áp huyết cao cũng là một nguyên nhân làm giảm trí nhớ. Một cuộc nghiên cứu của Viện Lão hóa Quốc gia (National Institute on Aging) Hoa kỳ cho thấy những người  ở tuổi 50 hay nhiều hơn mà bị bệnh áp huyết cao có trí nhớ kém hơn  những người cùng tuổi có áp huyết bình thường.

Lơ đãng do tuổi già - Các người trẻ thường tự hào về khả năng làm nhiều việc cùng một lúc của họ. Họ có thể vừa đọc báo vừa nghe đài phát thanh hay nói chuyện qua điện thoại, và vẫn nhớ được những tin hàng đầu. Nhưng óc những người nhiều tuổi hơn thường dễ bị lơ đãng, ví dụ như nghe radio thì có thể ảnh hưởng tới khả năng tập trung để có thể nhớ những gì trong báo.  Điều này cũng giải thích tại sao những điều mới thu nhập thường vuột ra khỏi trí nhớ ngắn hạn, trong khi ta vẫn có thể nhớ những gì  đã được dự trữ vào trí nhớ dài hạn như những kỷ niệm đặc biệt hay các bài hát học trong thời còn trẻ. Đó là lý do bạn đứng trong kho mà mà không hiểu mình vào kho để làm gì. 

Thuốc dùng quá tải - Thuốc men cũng có thể  hại cho sự hoạt động của trí nhớ, đặc biệt là những thuốc an thần, những thuốc dùng để trị áp huyết cao, những xáo trộn của tuyến giáp trạng (thyroid). Nhiều loại thuốc trên gây ra những tác động phụ như lẫn lộn và buồn ngủ, cả hai chứng này ảnh hưởng tới sự tập trung; hơn nữa, chúng còn có thể lưu lại trong cơ thể một người nhiều tuổi  hai lần lâu hơn ở những người trẻ trước khi bị  thải ra, khiến các tác động phụ dễ xảy ra hơn và có thể nghiêm trọng hơn.

B - Những thói quen tốt để cải thiện trí nhớ

Bạn không thể phục hồi sự hoạt động của não trở lại như khi bạn 20 tuổi, nhưng "bạn chắc chắn có thể làm sự giảm trí nhớ chậm lại hay ngưng lại bằng một lối sống lành lặn", bác sĩ Gary Small, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Lão hóa và Trí nhớ Đại học Los Angeles nói. Và vài chuyên gia  còn tin rằng bạn có thể làm cho não tự ‘mắc lại dây‘ (rewire) để mở lại những con đường đã bị đóng và tạo ra những con đường mới. Sau đây là  một vài thói quen tốt có thể giúp bạn chống lại sự giảm trí nhớ, bất kỳ bạn ở tuổi nào:

  • Theo một chế độ dinh dưỡng có nhiều chất chống oxyhóa  như vit C, E, beta carotene và các loại vit B. Những cuộc nghiên cứu ở Thụy sĩ cho thấy những người khỏe mạnh ở lưa tuổi 60 hay hơn nữa mà máu có nhiều vit C và beta carotene thì dễ có điểm cao trong các cuộc sát hạch về trí nhớ. Và các nhà nghiên cứu ở Đại học Tuffs đã thấy rằng dùng nhiều các vit B6, B12  và nhất là folacin (cũng gọi là folate, hay khi dùng như một chất bổ sung thì gọi là acid folic) giúp cho trí nhớ hoạt động tốt hơn vì họ đặt giả thuyết rằng folate đóng vai trò cốt yếu trong việc tổng hợp các chất hóa học có nhiệm vụ truyền các thông điệp từ tế bào não này sang tế bào khác.

Vitamin E có trong các hạt (nuts/noix)như hạnh nhân, đậu phụng...  và trong các dầu ăn; vit C và beta caroten, trong  rau và trái cây; vit B6, trong chuối, rau, lúa kiều mạch (oat/ avoine), mầm lúa mì và các hạt ngũ cốc nguyên vẹn (whole grain entier) như gạo lứt; folate, trong rau, các sản phẩm bằng ngũ cốc được bổ sung thêm vitamin đó (fortified grain products); vit B12, trong thịt, cá, gà vịt, gan, trứng, đậu nành. Càng ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy muốn có đủ vit B12  (và cả vit B6 và folate) thì người cao tuổi nên  dùng thêm thuốc bổ sung, vì  acid folic và vit B12 trong thuốc bổ sung được cơ thể hấp thụ dễ hơn là acid folic, vit B12  có sẵn trong thực phẩm.

  • Luyện tập thân thể: Một cuộc nghiên cứu lâu 5 năm mới đây với hơn 4000 người trên 65 tuổi cho thấy rằng những người hoạt động nhất ít bị bệnh Alzheimer, 50% ít hơn, và ít  bị bệnh mất trí, 40% ít hơn những ngưới không hoạt động. Các khoa học gia đưa ra giả thuyết là sự luyện tập thân thể bảo vệ  não bằng nhiều cách gồm có việc làm tăng sự lưu thông cuả máu, giảm áp huyết, giảm cholesterol và  do đó làm giảm rủi ro bị các bệnh liên quan tới trí nhớ. 
  • Luyện tập trí óc: Giống như tập tạ làm khỏe xương và bắp thịt, luyện tập về trí óc làm khỏe não. Câu cách ngôn "Không dùng thì mất" (Use it or lose it) cũng thật đúng đối với khả năng của trí óc. Các khoa học gia biết rằng những người có trình độ học vấn cao và thành công trong việc làm ít bị bệnh Alzheimer.  Một cuộc nghiên cứu mới đây do Trường Y khoa ở Ohio thực hiện với 550 cụ 70 tuổi trở lên cho thấy những người hoạt động nhiều về thể chất và tinh thần bị bệnh Alzheimer 4 lần ít hơn những người  thiếu hoạt động. Họ giải thích rằng não đáp ứng lại sự kích thích, làm tăng sự lưu thông của máu bằng cách tạo ra và làm các tế bào cùng các điểm liên kết các tế bào mạnh hơn. Luyện tập trí óc có thể là đọc sách, chơi ô chữ, đánh cờ,  mạt chược, học một  cái gì mới như một ngôn ngữ, điện toán..., bất cứ cái gì làm bạn phải suy nghĩ.
  • Tránh mọi căng thẳng về tinh thần: Những cuộc nghiên cứu về loài vật cho thấy sự căng thẳng thường xuyên và quá mức làm biến đổi cấu trúc của não khiến não dễ bị những gốc tự do làm tổn thương. Bị căng thẳng liên tục thường được thể hiện  bằng sự chán nản, lo âu, cả hai trạng thái này thường thấy ở người già và ảnh hưởng tới sự chú ý. "Chúng tôi thường thấy những vấn đề về chú ý được giải quyết khi chữa được tình trạng chán nản hay lo âu", giáo sư tiến sĩ Norman Abeles về tâm lý học tại Đại học Michigan nói. Để giải tỏa sự căng thẳng, ta nên tập thư giãn bắp thịt, trầm tư mặc tưởng (meditation), thiền, yoga hay tài chi. Cũng có thể nói những lo lắng của bạn với một người mà bạn tin cậy, và nếu cần thì với một bác sĩ chuyên môn.
  • Điều trị các bệnh kinh niênnhư bệnh tim, áp huyết cao, tiểu đường, những chứng này có thể làm cản trở sự lưu thông của máu và hại cho trí nhớ.
  • Nhờ bác sĩ kiểm soát lại các thuốc dùng để loại những thuốc không cần thiết có thể làm hại não. "Tôi yêu cầu các bệnh nhân đem tới phòng mạch của tôi  tất cả những thuốc họ dùng", bác sĩ Small tại Đại học Los Angeles nói. "Với những thuốc nào có hại hại cho trí nhớ, tôi có thể giảm bớt liều, thay bằng một thuốc khác hay bỏ hẳn đi".
  • Dùng những phương pháp để trợ giúp trí nh  - Sau đây là một vài  ví dụ:
  • Dùng một cái lịch để ghi những ngày giờ hẹn bác sĩ, hội họp...; làm một bản ghi những công việc phải làm, những món phải mua khi đi chợ...
  • Tập thành thói quen cho khỏi quên như  để chìa khóa, ví, ở một nơi nhất định để trước khi ra khỏi nhà thì mang theo;
  • Thư từ đem gửi, sách trả thư viện...dể ngay trên giày hay gần giày, hay cho vào một cái bao treo trên quả đấm cửa ra vào;
  • Nếu có thể, mua thêm một cái kính nhìn xa (đối với những người cần có kính để nhìn xa) để ngay trong xe hơi  để khỏi phải trở về lấy kính;
  • Tổ chức nơi đặt những đồ dùng như kìm, búa...ở một chỗ nhất định và khi dùng xong luôn luôn nhớ để lại chỗ cũ;
  • Để nhớ tên, hỏi một nguời bạn hay người nhà tên của những người sẽ gặp trong một buổi họp, một party;
  • Khi được giới thiệu một người bạn mới, hãy chú ý nghe và nhắc lại trong óc tên người đó với một đặc điểm nào đó của người ấy như bộ râu, cặp kính, vóc người cao hay thấp...
  • Khi học một cái gì mới như viết bài bằng máy điện toán, hãy  chú ý  nghe và theo dõi từng bước, tốt nhất là ghi thứ tự các bước đó trên một tờ giấy...

C -  trường hợp cần quan tâm khi trí nhớ suy:

Trong nhiều trường hợp, suy trí nhớ chỉ là do tuổi già. Tuy nhiên có những dấu hiệu mà sự quên cần được quan tâm vì chúng có thể là triệu chứng của một số bệnh nghiêm trọng như bệnh Alzheimer: 

-                      Không nhận ra bà con, bạn thân;

-                      Lạc đường trong một khu vực quen thuộc, có khi ngay trong phố mình ở.

-                      Mất khả năng học những điều rất đơn gỉản.

-                      Quên những điều đã biết rõ như số điện thoại của mình, hay cách làm 4 phép tính căn bản.

-                      Dễ bị lạc hướng đi.

-                      Một sự thay đổi đáng kể về trí nhớ trong một thời gian nào đó, như trong 6 tháng chẳng hạn.

-                      Làm những điều lạ lùng như cất bàn ủi trong tủ lạnh rồi không nhớ tại sao nó lại nằm ở đó, mặc quần áo ngủ để đi ra ngoài đường.

-                      Thay đổi tính tình một cách nhanh chóng như đang hiền lành bỗng nổi nóng hoặc vô cớ sợ hãi.

CVA Trương đăng Đệ                                                                           

   Tháng 11/2001 -  Sửa chữa và bổ túc tháng 9/2004

Tài liệu chính

  • Health & Nutrition Letter (Tuffs University) July, Aug. & Oct. 2001
  • Consumer Reports on Health  Sep. 2000

* * *

 


CVA Phạm Cao Dương

            Trong lịch sử Việt Nam hiện đại nói chung và lịch sử Người Việt Hải Ngoại nói riêng, hai thời điểm 1954 và 1975 là hai thời điểm căn bản, hai khúc quanh lớn của lịch sử có liên hệ chặt chẽ với nhau trong những quan hệ nhân quả. Năm 1954 là năm Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, chia lãnh thổ Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc, mở đầu cho cuộc di cư của non một triệu người từ Bắc vô Nam. Năm 1975 là năm miền Nam sụp đổ trước sự xâm lăng bằng võ lực của miền Bắc, mở đầu cho phong trào dời bỏ đất nước ra đi của hơn hai triệu người Việt ngày nay sống rải rắc ở khắp nơi trên thế giới. Cả hai ngày đều đã được những người Việt Nam không Cộng Sản coi là Quốc Hận.

Nhưng từ sau năm 1975, người ta gần như chỉ còn kỷ niệm Ngày Quốc Hận 1975 mà không còn kỷ niệm Ngày Quốc Hận 1954 nữa. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hầu như là đã quên, thậm chí là không còn biết đến Quốc Hận 1954 là gì cả. Có điều không hiểu Quốc Hận 1954, người ta không thể hiểu Quốc Hận 1975, từ đó những hậu quả và những bài học của những biến cố cực kỳ đen tối , cực kỳ bi thảm đã xảy ra trong lịch sử dân tộc Việt Nam trong non nửa thế kỷ vừa qua.

Bài này được viết với mục tiêu cung hiến cho bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam ở hải ngoại, một số những dữ kiện căn bản liên hệ tới Ngày Quốc Hận Thứ Nhất, đúng hơn Hội Nghị Genève và Hiệp Ðịnh Genève 1954 cùng những hậu quả của hội nghị và của hiệp định này, kèm theo đó là những kinh nghiệm đã không được người trong cuộc học.

Hoàn cảnh triệu tập:

Trong hoàn cảnh nào Hội Nghị Genève đã được triệu tập và Hiệp Ðịnh Genève đã được thông qua? Ðể trả lời câu hỏi này, nhiều người thường nghĩ ngay tới Trận Ðiện Biên Phủ và cho rằng Hội Nghị Genève đã được triệu tập một ngày sau khi người Pháp bị bại trận, tức ngày 8 tháng 5 năm 1954. Ðiều này không hoàn toàn đúng. Ngày 8 /5/1954 chỉ mở đầu cho giai đoạn thứ hai của một hội nghị Genève lớn hơn, có mục tiêu là cả vùng Ðông Á với Chiến Tranh Cao Ly là chính, bắt đầu họp từ ngày 26/4/1954 trước đó. Tất cả bắt nguồn từ sự thất bại của Hội Nghị Tứ Cường, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, để bàn về các vấn đề Âu Châu, trọng tâm là sự thống nhất nước Ðức vào đầu năm này. Ðây là thời kỳ Chiến Tranh Lạnh bao trùm thế giới. Hội Nghị Genève được triệu tập là do Nga đề nghị. Thành phần là các ngoại trưởng của Tứ Cường, thêm Chu Ân Lai của Trung Cộng, cũng do Nga đề nghị. Vào thời điểm này Trung Cộng mới vừa làm chủ được Trung Hoa lục địa được ít năm và chưa có một vai trò quốc tế nào. Mục tiêu của Nga là tạo dịp để đồng minh Á Châu của nước này được gián tiếp công nhận. Hoa Kỳ buổi đầu rất ngần ngại. Nhưng sau những giải thích của Nga và những mặc cả qua lại, hội nghị đã được triệu tập với mỗi nước mỗi chủ trương khác nhau và những mục tiêu khác nhau.


Chủ trương của các nước tham dự

Anh Quốc tin tưởng vào đường lối hòa hoãn, đồng thời e ngại chiến tranh ở Việt Nam có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho các thuộc địa của nước này, đặc biệt là Hương Cảng nằm trong nội địa của Trung Quốc, sau đó là những vùng Anh có ảnh hưởng và quyền lợi nằm ở phía tây và tây nam bán đảo Ðông Dương với Mã Lai và Singapore là chính.

Liên Xô từ sau khi Stalin chết (5/3/1953) chủ trương mềm dẻo và muốn sống chung hòa bình với các nước Âu Châu chống lại Hoa Kỳ, từ đó tìm cách thuyết phục Pháp không tham gia Cộng Ðồng Phòng Thủ Chung Âu Châu. Khởi đầu, ngày 28 tháng 9. Liên Xô đề nghị tứ cường họp để giải quyết vấn đề thống nhất nước Ðức. Ðến tháng Giêng năm 1954 trước khi Hội Nghị Berlin nhóm họp, Ngoại Trưởng Vyacheslav Molotov thông báo cho Pháp biết là Nga sẽ giúp Pháp giải quyết vấn đề chiến tranh Ðông Dương nếu bù lại Pháp từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ không tham gia Cộng Ðộng Phòng Thủ Âu Châu. Người ta không rõ người Pháp đã trả lời ra sao nhưng chỉ hơn một tuần sau Hội Nghị Genève Hạ Nghị Viện Pháp đả bác bỏ dự án tham gia tổ chức này, vào ngày 30/8/1954. Ðối với Á Châu, Nga cũng chủ trương bành trướng chủ nghĩa cộng sản ra khắp châu này, nhưng lại dành cho Á Châu một ưu tiên thấp hơn Âu Châu. Không những thế, Nga tự coi như không có khả năng kiểm soát mọi chuyện ở Á Châu nếu Mỹ cố ý leo thang ở Á Châu với sự thỏa thuận của Anh trong khi Nga không chủ trương leo thang. Ðồng thời Nga cho rằng một khi chuyện này xảy ra, các nước Tây Phương sẽ sáp lại gần nhau hơn trong một thế chống Cộng mới từ đó bó buộc Nga phải tham chiến để bênh vực Trung Quốc. Trong khi đó, vai trò đem lại hòa bình ở Ðông Dương sẽ tạo cho Nga một hình ảnh đẹp của một quốc gia mưu cầu hòa bình cho thế giới.

Với chủ trương kể trên, ngay khi Hội Nghị Genève bắt đầu, khi câu hỏi là đình chiến và giải pháp chính trị nên đước thảo luận chung hay tách rời thành hai vấn đề riêng biệt thì Nga đã ủng hộ Pháp là nên tách biệt với ưu tiên dành cho ngưng chiến trước. Molotov tỏ ra không lưu tâm tới vấn đề bảo đảm sự thống nhất của Việt Nam.

Nước Pháp thì không còn hy vọng có thể thắng được Việt Minh Cộng Sản giành lại cả những thuộc địa cũ của mình ở Ðông Dương như trước được nữa, đồng thời nội bộ bị chia rẽ trầm trọng nên nhất thời chỉ muốn giải quyết cuộc chiến mà thôi.

Vấn đề chính trị sẽ giải quyết sau. Có hai lý do. Một mặt Pháp bị kẹt với chính phủ Quốc Gia Việt Nam của Cựu Hoàng Bảo Ðại vì ngày 4 tháng 6 năm 1954, Pháp đã ký với chính phủ này hai thỏa ước công nhận nền độc lập hoàn toàn và chủ quyền về mọi phương diện của Việt Nam, với tư cách này Việt Nam đã gia nhập khối các quốc gia liên kết với Pháp, đồng thời ngoại trưởng Bidault đã hứa bằng lời nói và bằng văn thư với Bảo Ðại là sẽ không có chuyện chia đôi lãnh thổ; mặt khác là vấn đề chính trị có liên quan đến những giải pháp cho Miên và Lào và quyền lợi trong tương lai của Pháp ở cả ba xứ Ðông Dương.

Hoa Kỳ thì muốn can thiệp hơn vào Việt Nam để ngăn chặn sự bành trướng của thế giới Cộng Sản nhưng vẫn do dự và bất mãn với Pháp vì cho rằng Pháp không cho Hoa Kỳ biết rõ những gì đã xảy ra và Pháp chủ trương những gì trong giai đoạn tới.

Khi hội nghị được triệu tập, Hoa Kỳ chỉ tham dự như một quốc gia thân hữu với một vai trò phụ thuộc đối với các nước không cộng sản, tức các quốc gia liên kết và Pháp. Do đó vào cuối tháng Tư, Ngoại Trưởng Dulles chỉ lưu lại Genève có một tuần và chỉ để lại một phái bộ cấp thấp hơn sau đó với vai trò quan sát nhiều hơn là tham dự. Chúng ta cũng cần phải lưu ý là trước đó Washington đã rất quan tâm đến tình hình Ðông Dương và Ngoại Trưởng Dulles vào hạ tuần tháng 4 năm 1954 khi đến Paris họp Hội Ðồng Bắc Ðại Tây Dương đã nhận được lời cầu cứu khẩn cấp của ngoại trưởng Pháp Bidault để cứu vãn tình trạng nguy ngập của quân dội Pháp ở Ðiện Biên Phủ. Dulles đã hoạt động rất tích cực để có sự hỗ trợ của ngoại trưởng Anh Eden nhưng không thành công. Không những thế, những đề nghị của ông nhằm thiết lập một hiệp ước an ninh Á Châu và về các hành động chung cũng bị chính phủ Anh bác bỏ. Tổng Thống Eisenhower cuối cùng đã loan báo là Mỹ sẽ không làm gì trong khi chờ kết quả của hội nghị Genève. Không chấp nhận nhượng bộ lại không dám tham chiến khi không có sự thỏa thuận của đồng minh. Thái độ lơ lửng này của Washington đã làm cho sứ mạng của Dulles trở thành bất khả thực hiện. 

Trường hợp của Trung Cộng thì phức tạp hơn nhiều. Trước hết Trung Cộng vào năm 1954 mới làm chủ được Trung Hoa Lục Ðịa được ít năm, chưa có được một vai trò quốc tế nào nên muốn có vai trò này, đồng thời vì nước này vừa mất khoảng một triệu quân ở chiến trận Cao Ly nên tìm cách ngăn chặn không cho Hoa Kỳ có cớ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam . Chưa hết, Trung Cộng còn muốn chứng tỏ cho Ấn Ðộ, Nam Dương và các nước không liên kết một thái độ ôn hòa, không bành trướng của mình, đồng thời thực thi chủ trương cố hữu của Trung Quốc là không muốn thấy một nước Việt Nam quá mạnh và muốn chia vụn khu vực Ðông Nam Á. Ðối với Nga, Trung Cộng rất cần viện trợ kinh tế của Nga nên phải hỗ trợ Nga trên chính trường quốc tế. Hội Nghị Genève là một dịp hiếm có để Trung Cộng thực hiện những chủ trương này. Trong hoàn cảnh đó, ngày 20 tháng 5, theo sự khởi xướng của Nga, Châu Ân Lai đã đồng ý tách rời hai khía cạnh quân sự và chánh trị của vấn đề Ðông Dương thành hai đề tài thảo luận riêng biệt. Sau đó, sang tháng 6, sau khi Pháp công nhận Quốc gia Việt Nam là một nước hoàn toàn độc lập và có chủ quyền với tất cả những tính chất và những quyền hạn theo quốc tế công pháp thì Chu Ân Lai đã tuyên bố ngay là ông thừa nhận sự tồn tại của hai chính phủ tại Việt Nam và thỏa hiệp cuối cùng về một giải pháp chính trị cho Việt Nam sẽ do sự điều đình trực tiếp giữa hai chính phủ này. Châu Ân Lai cũng tỏ ra có ảnh hưởng mạnh mẽ với phái đoàn Việt Minh. Bằng chứng là khi bàn về sự hiện diện của quân đội Việt Minh ở Lào và Miên, lúc đầu Việt Minh chối bỏ là không hề có bộ đội xâm nhập vào Lào và Miên, sau đó, theo các nhà quan sát đương thời, dưới áp lực cưa Chu Ân lai, họ sửa lại là có một ít tình nguyện quân nhưng đã rút rồi, sau đó lại điều chỉnh là nếu còn có phần nào bộ đội của họ ở những nơi này thì các bộ đội này sẽ rút. Nhưng đóng góp lớn nhất của Châu Ân Lai vào sự thành công của Pháp và Nga ở Hội Nghị Genève là sự bay về Á Châu của ông để gặp và áp lực với Hồ Chí Minh để ông này chấp nhận những gì đã được các nước này thỏa thuận.

Việt Minh, hay dùng danh xưng chính thức của chính phủ do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì tỏ ra rất và ngay cả quá tự tin, tự tin vào thế chiến thắng của mình, tự tin vào kinh nghiệm học được từ các nước Cộng Sản khác trong chiến thuật vừa đánh vừa đàm, rồi sau này là những xảo thuật vận động quần chúng một khi có tổng tuyển cử. Họ muốn dựa theo đà chiến thắng quân sự của mình đòi một giải pháp chính trị trước và để cho người Việt tự giải quyết những mâu thuẫn riêng với nhau. Họ cũng đòi cho những nhóm Pathet Lào và Khmer Issarak là những nhóm Cộng Sản ở Lào và Miên mà họ nâng đỡ được công nhận. Theo nhận xét của một tác giả Mỹ, trong suốt 25 năm trước đó, Cộng Sản Việt Nam đã trung thành theo những chỉ thị đến từ Mạc Yư Khoa thì ở Genève họ đã không đi ra ngoài khuôn phép ấy. Các tác giả của Pentagon Papers thì dẫn lời của Jean Chauvel, đại sứ Pháp ở Berne và là người trực tiếp điều đình trong phái đoàn Pháp ở Genève là ông này linh cảm rằng sau những buổi tiếp xúc riêng với phái bộ Trung Quốc thì phe Việt Minh đã thực sự ở đầu cuối sợi dây được những bàn tay từ Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh nắm giật.. Ðiều này không có gì là khó hiểu vì Hồ Chí Minh là người của Cộng Sản Quốc Tế và vì Việt Nam không hề có thực lực để theo đuổi cuộc chiến. Tất cả tùy thuộc vào Liên Xô và Trung Quốc.

Quốc Gia Việt Nam với Cựu Hoàng Bảo Ðại làm quốc trưởng thì tham gia với tư cách một chính phủ quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp bên cạnh các phái đoàn chính thức của Lào và Miên. Tuy nhiên, để củng cố thêm cho tính cách độc lập và uy thế của mình, trong thời gian này, phía Quốc Gia sau một thời gian dài tranh đấu và đòi hỏi, đã đạt được hai thỏa ước mới và riêng rẽ do hai thủ tướng Joseph Laniel và Bửu Lộc ký kết vào ngày 4/6/1954 về nền độc lập của Việt Nam và sự liên kết giữa hai nước. Hai thỏa ước này đã bổ khuyết và kiện toàn nền độc lập của Việt Nam trước đó đã được công nhận bằng hiệp định Elysée giữa Cựu Hoàng Bảo Ðại và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol, với tư cách hai quốc trưởng. Khi Mendès France thay thế Laniel làm thủ tướng, Mandès France lại hứa tôn trọng những thỏa ước này mặc dầu nó chưa được Quốc Hội Pháp thông qua. Ðây là những thỏa ước ít được mọi người biết đến mặc dầu nó vô cùng quan trọng vì theo đó Việt Nam được Pháp công nhận là hoàn toàn độc lập và có chủ quyền với những tư cách và quyền hạn theo quốc tế công pháp (thỏa hiệp thứ nhất) và với tư cách một nước hoàn toàn độclập và có chủ quyền theo đó Việt Nam gia nhập khối các quốc gia liên kết của Pháp (thỏa hiệp thứ hai). Chúng ta cần phải nhớ là lúc đầu Pháp đề nghị một thỏa ước cho cả hai vấn đề nhưng phái đoàn Việt Nam đòi hai thỏa ước riêng biệt và Pháp đã nhượng bo. Rất tiếc là thời gian hai thỏa ước này được ký kết là quá muộn nên không ai nói tới về sau này nữa. Tuy nhiên chúng đã phản ảnh lập trường của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam trong suốt thời gian Hội Nghị Genève nhóm họp. Quốc Trưởng Bảo Ðại ngay từ đầu đã luôn luôn đòi hỏi người Pháp phải tôn trọng sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam và chống lại mọi sự chia cắt. Ông đã thành công trong việc đòi hỏi Ngoại Trưởng Bidault phải hứa bằng lời nói và bằng văn kiện là sẽ không bao giờ chia cắt Việt Nam coi như điều kiện để ông cử phái đoàn của Quốc Gia Việt Nam tới dự hội nghị. Về tư thế của phái đoàn Việt Minh khi phái đoàn này được mời tham dự hội nghị thì qua sự đòi hỏi của Ngoại Trưởng Nguyễn Quốc Ðịnh sự hiện diện của phái đoàn này phải được coi là không có nghĩa là Việt Minh được công nhận. Lập trường của Bảo Ðại và của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam đã gây rất nhiều khó khăn cho người Pháp. Người Pháp đã phải mất rất nhiều thời giờ qua lại giữa Paris và Berne với Cannes rồi sau này là Evian để thuyết phục Bảo Ðại. Sau đó, trong thời gian điều đình, người Pháp đã luôn luôn tránh gặp Bảo Ðại và phái đoàn Quốc Gia Việt Nam mà phái nhờ người Mỹ làm trung gian thông báo tin tức. Ðiều này giải thích tại sao theo lời kể của Cựu Hoàng Bảo Ðại trong thời gian này có nhiều người Mỹ đã tới gặp ông trước và trong thời gian hội nghị để rồi sau đó không tới gặp ông như trước nữa. Người Pháp sợ bị Bảo Ðại và phái đoàn Việt Nam chất vấn và làm cản trở cuộc điều đình của họ. Một phần cũng vì vậy người Pháp chủ trương tách rời giải pháp chánh trị ra khỏi giải Pháp quân sự. Với giải pháp quân sự thuần túy, người Pháp có thể đại diện cho các nước liên kết thỏa hiệp được. Chúng ta cũng cần để ý là vào thời điểm này quân đội Quốc Gia mới được thành lập không được bao lâu và còn bị phụ thuộc nhiều vào quân dội Pháp, đồng thời sự chia rẽ giữa những ngườ Việt Nam không Cộng Sản rất trầm trọng. Bảo Ðại và phái đoàn của Quốc Gia Việt Nam do đó không ở vào một vị thế thuận lợi để nói lên và bảo vệ lập trường của mình.


Diễn tiến của các cuộc điều đình

Với những chủ trương rõ rệt kể trên, các phái đoàn Nga và Trung Cộng đã đóng những vai trò chủ động và tích cực trong những khóa họp khoáng đại hay những cuộc họp giới hạn của hội nghị cũng như trong các hoạt động ngoại vi, đúng hơn những cuộc điều đình mật. Tất cả là nhằm vào những quyền lợi riêng của họ. Trong tình trạng sinh hoạt phức tạp và không được qui định bằng những nguyên tắc rõ ràng này, người ta khó mà biết được một cách thật rõ ràng thứ tự của các cuộc mặc cả qua lại, nhưng mục tiêu giành quyền lợi riêng cho mình và hy sinh quyền lợi của đồng minh đã được phía Trung Cộng biểu lộ rất sớm. Chỉ mười ngày sau buổi họp đầu tiên, ngày 18/5/1954, một phụ tá của Châu Ân Lai đã trình bày với một nhân viên của phái bộ Pháp trong một bữa ăn tối là phái bộ của ông ta tới họp là để tìm kiếm hòa bình chứ không phải để làm hậu thuẫn cho Việt Minh. Không lâu sau đó họ Chu còn nói riêng với Anthony Eden, trưởng phái đoàn Anh, và Georges Bidault, trưởng phái đoàn Pháp, rằng ông chống lại chủ trương của Việt Minh nhằm kiểm soát Miên và Lào. Ðến ngày 23/6, ông đã dàn xếp để bí mật gặp riêng Mendès France ở tòa đại sứ Pháp ở Bern, thủ đô của Thụy Sĩ thay vì ở Genève trong một bộ Âu phục thay vị chiếc áo lãnh tụ thường mặc nhằm gián tiếp bày tỏ ý muốn nói chuyện để điều đình thực sự theo sinh hoạt quốc tế chứ không phải theo lối đấu tranh cách mạng. Trong cuộc gặp gỡ này, Châu Ân Lai đã nói rõ là ông chấp nhận đình chiến trước rồi sau mới bàn việc chính trị, đồng thời sẽ thúc đẩy Việt Minh chấm dứt can thiệp vào nội tình ở Miên và Lào, xa hơn là giải pháp chia đôi Việt Nam, đồng thới nhấn mạnh rằng Trung Cộng chỉ có mục tiêu duy nhất là hòa bình, hòa bình không điều kiện và không có tham vọng nào khác. Sau đó vào cuối tháng sáu ông đã bay trở lại Á Châu thăm Ấn Ðộ và Miến Ðiện là hai nước không công nhận chính phủ của Hồ Chí Minh để trình bày quan điểm sống chung hòa bình của Trung Cộng, và đầu tháng bảy, trong ba ngày từ 3 đến 5, sau đó mới trở lại Liễu Châu gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Những chuyến công du này không có mục tiêu nào khác hơn là quảng bá và giải thích chủ trương của Trung Cộng và thuyết phục Hồ Chí Minh chấp nhận lập trường ấy. Riêng với Hồ Chí Minh, đây phải là cuộc họp gay go và làø một sự bắt ép rất nặng vì theo Võ Nguyên Giáp cuộc họp này kéo dài hai ngày trong đó, trong khi bài thuyết trình của Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh đến thế chủ động của quân đội Việt Minh với trên bản đồ A cả miền Bắc và miền Trung Việt Nam hầu như toàn màu đỏ thì Chu Ân Lai chỉ nói tới tình hình Hội Nghị Genève với những dữ kiện làm cho Achúng tôi (Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp) đều ngỡ ngàng. Hồi ký của Võ Nguyên Giáp cho người ta thấy ngay từ thời điểm gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, vào đầu tháng 7/1954 này, Châu Ân Lai đã nghĩ tới vĩ tuyến 17 trong khi sự lựa chọn chính thức chỉ xảy ra về sau này, vào ngày 20/7, ở biệt thự tạm trú của trưởng phái đoàn Nga Vyacheslav Molotov với sự hiện diện của Mendès France, Anthony Eden, Châu Ân Lai và Phạm Văn Ðồng. Cuộc mặc cả bắt đầu với sự nhượng bộ của Phạm Văn Ðồng, từ vĩ tuyến 13 chuyển lên vĩ tuyến 16, trong khi Mendès France vẫn giữ vĩ tuyến 18. Cuối cùng do sự đưa đẩy của Molotov vĩ tuyến 17 đã được lựa chọn. Sang phần chính trị. Mendès France đề nghị bỏ ngỏ không ấn định thời hạn cho cuộc tổng tuyển cử. Phạm Văn Ðồng lúc đầu đề nghị sáu tháng, sau sửa lại thành một năm và có thể mười tám tháng. Cuối cùng Molotov đề nghị hai năm và đương nhiên là được đa số hiện diện chấp thuận.

Hiệp Ðịnh Genève: Hội Nghị Genève kết thúc với hiệp định đình chiến gồm 47 điều được ký kết và một bản tuyên ngôn cuối cùng đã được thông qua bằng miệng.

Hòa bình được tái lập nhưng đất nước bị chia đôi với vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới giữa hai miền Nam Bắc, dân chúng được tùy nghi lựa chọn miền cư ngụ. Một Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến đã được thành lập với đại diện của Ấn Ðộ làm chủ tịch, của Gia Nã Ðại và Ba Lan làm hội viên. Bản tuyên ngôn cuối cùng đã đề cập đến vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước sau hai năm dưới sự giám sát của Ủy Hội Quốc Tế. Quốc Gia Việt Nam đã không chấp nhận tham gia sự thông qua bản tuyên ngôn này và đã ra một bản tuyên ngôn riêng xác nhận sự tôn trọng hòa bình của mình nhưng đòi hỏi tổng tuyển cử phải do Liên Hiệp Quốc giám sát. Hoa Kỳ cũng vậy, cũng bầy tỏ thái độ yêu chuộng hòa bình nhưng nhấn mạnh là sẽ nghiêm trọng cứu xét nếu có sự vi phạm thỏa hiệp đình chiến.

Ðối với rất đông người Việt, sự chấp nhận chia đôi lãnh thổ quốc gia là một điều không thể chấp nhận được và là một sự phản bội vì đây là một mục tiêu quan trọng hàng đầu của cuộc tranh đấu từ những ngày đầu của dân tộc bên cạnh nền độc lập.

Ngày 20 tháng 7 từ đó đã trở thành Ngày Quốc Hận và được cử hành hàng năm ở miền Nam cho mãi đến năm 1975 mới chấm dứt. Riêng ở hải ngoại ngày này đã được thay thế bằng ngày 30 tháng 4, ngày miền Nam sụp đổ vào năm 1975. Ðối với chế độ Cộng Sản, cái nhìn về ngày 20 tháng 7 có thể khác. Có điều họ đã không thành công ở Hội Nghị Genève như họ đã mong đợi. Hai nước đồng minh và là đàn anh của họ không những đã không ủng hộ họ, lại còn bắt ép họ phải nhượng bộ. Rút cuộc, Võ Nguyên Giáp thắng ở Ðiện Biên Phủ, nhưng Phạm Văn Ðồng đã thua ở Genève, dù cho ông này đã toát mồ hôi để bảo vệ lập trường của mình. Ðiều naỳ giải thích tại sao nhà cầm quyền Hà Nội sau đó đã không cho phổ biến những chi tiết về Hội Nghị Genève cũng như Hiệp Ðịnh Genève và đã mập mờ không nói rõ bản chất thực sự của các văn kiện. Nói cách khác, chánh quyền Cộng Sản Hà Nội trong thời gian điều đình cũng như sau khi Hiệp Ðịnh Ðình Chiến đã được thông qua đã không cho quần chúng, kể cả các cán bộ trung cấp biết Hội Nghị đã diễn tiến ra sao, lập trường các phe như thề nào, và nội dung gồm có nhưng khoản gì. Nhưng dù sao, từ những căn cứ ở sâu trong rừng núi, sau ngót chín năm chiến đấu bằng súng đạn và bằng mạng sống của trên dưới một trăm ngàn vừa bộ đội, vừa dân công. Hồ Chí Minh và những người theo ông đã về được Hà Nội đã chính thức được kiểm soát một nửa lãnh thổ của quốc gia. Ðây cũng đã là một thắng lợi lớn cho những người Cộng Sản rồi. Còn Pháp thì ngược lại. Ðược Nga và Trung Cộng ủng hộ, Pháp đã đạt gần hết những gì Phápï muốn, từ việc tách rời ngưng bắn ra khỏi chánh trị, loại Việt Minh và phe Cộng Sản Miên, Lào ra khỏi những quốc gia này, đến việc nâng đường ranh chia cắt từ vĩ tuyến 13 lên vĩ tuyến 17, bảo vệ được hải cảng Ðà Nẵng rất cần thiết cho Lào và Cố Ðô Huế cho miền Nam sau này.


Những kinh nghiệm không được những người trong cuộc rút tỉa:

Thái độ của hai nước Nga và Trung Cộng ở Hội Nghị Genève cho người ta thấy rất rõ một sự thực đơn giản là trong liên hệ giữa các quốc gia, quyền lợi mỗi quốc gia riên lẻ luôn luôn được đặt lên trên hết dù là giữa các quốc gia Cộng Sản. Cũng vậy giữa những nước lớn và những nước nhỏ, giữa những nước mạnh và những nước yếu. Kinh nghiệm này dường như đã không được những người Cộng Sản Việt Nam, mà đại diện trong một thời gian dài là Phạm Văn Ðồng, chú ý tới. Giữa những người Việt không Cộng Sản và người Tàu, người Nga, trong những năm sau đó, họ đã lựa chọn người Tàu, người Nga, không để ý tới yếu tố đồng bào ruột thịt. Họ đã cố tình vi pham hiệp định mà họ đã chấp nhận ngay tữ đầu bằng cách không cho tập kết hết cán bộ, quân lính của họ ra Bắc, trong đó có cả Lê Duẩn, người sau này đã trở thành bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam, dùng võ lưc chiếu cố miền Nam và đã tạo cơ hội cho nước Mỹ can thiệp sau đo,ù khiến cho chiến tranh bùng nổ trở lại. Hậu quả là hơn ba triệu người bị chết một cách oan uổng và thù hận giữa những người dân cùng một nước đã mỗi ngày một dày, mỗi ngày một sâu hơn. Con số người chết này mang rất nhiều ý nghĩa nếu người ta để ý tới con số tử vong chưa tới một trăm ngàn của Chiến Tranh Việt Pháp, 1946-1954, trước đó và những nạn dân gián tiếp vì là thân nhân, bạn bè của họ.

Con số nạn nhân của cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai do đó phải nhân lên từ năm tới mười lần. Ðiều này giải thích tại sao phong cảnh Việt Nam từ sau năm 1975 lại mang quá nhiều màu trắng của những nghĩa trang liệt sĩ và tại cứ gần tết ở các làng miền Bắc người ta lại giỗ đồng lúc các chồng con tử sĩ. Cũng vậy thay vì hỗ trợ cho miền Nam trong nỗ lực bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Ðồng lại công nhận hải phận mới do Trung Cộng vẽ lại vào năm 1958 rồi hoàn toàn yên lặng vào năm 1974 khi Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa. Nguyên nhân chính không ngoài sự tùy thuộc , hay trung thành của đảng Cộng Sản Việt Nam vào Cộng Sản quốc tế lãnh đạo bởi Nga và Trung Cộng để đổi lấy viện trợ của Nga và Trung Cộng. Giữa người dân và Cộng Sản Quốc Tế, Cộng Sản Việt Nam đã lựa chọn Cộng Sản Quốc Tế và đã trở thành nước duy nhất trong số bốn nước bị phân chia vì chủ trương Quốc – Cộng đã dùng võ lực để thống nhất lãnh thổ. Ðó là điểm then chốt của vấn đề và là kinh nghiệm mà lẽ ra ngay từ năm 1954 họ phải rút tỉa. Hậu quả ra sao, bây giờ mọi người đã thấy rõ. Riêng đối với người Việt Quốc Gia, mặc dầu không cản được sự chia đôi đất nước, họ vẫn có được một nửa thay vì chỉ có một phần ba lãnh thổ, từ vĩ tuyến 13 trở xuống, nhờ người Pháp, dầu cho thua trận, sớm muộn cũng phải ra đi, nhưng vẫn từng bước giữ lại những gì có thể giữ được cho đồng minh đã liên kết với mình. Ðây là một mảnh đất tạm dung cho những ngưới Việt không cộng sản trong 20 năm sau đó, trước khi giông tố lại đổ ập tới. Chính trên mảnh đất này, họ đã tom góp, tu bổ lại những di sản của cha ông, đã nuôi dưỡng hay sanh thêm những thế hệ mới, đã có dịp tiếp xúc, học hỏi từ thế giới bên ngoài. Bỏ qua một bên những gì thuộc giới lãnh đạo mà nhiều người không hãnh diện, những gì họ đã tom góp rồi bồi bổ thêm trong mọi lãnh vực, kể cả trong những lãnh vực sáng tạo như văn chương, âm nhạc, và nghệ thuật, đã trở thành những vốn liếng vô cùng quí giá và độc đáo để họ mang theo khi dời bỏ đất nước ra đi trong phần tư cuối cùng của thế kỷ hai mươi vừa mới chấm dứt. Những vốn liếng này, kèm theo những kinh nghiệm họ đã thâu lượm được về đủ mọi phương diện trước đó phải được nhìn như những dữ kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam hiện đại, nói chung, và lịch sử Người Việt Hải Ngoại, nói riêng, trong một công trình nghiên cứu mà người viết nghĩ rằng rất nên và có thể thực hiện được. Riêng về những kinh nghiệm người Việt Quốc gia đã không rút tỉa được vì lý do này hay lý do khác là kinh nghiệm thiết lập ngoại giao với các nước trên thế giới. Trong thời gian họp Hội Nghị ở Genève, Ngoại Trưởng Trung Cộng Châu Ân Lai đã bày tỏ sự công nhận cả hai chánh phủ Việt Nam, sau đó trong buổi tiếp tân từ giã, họ Châu lại mời bào đệ của Tổng Thống Diệm là ông Ngô Ðình Luyện với những lời ngỏ có tính cách mở đường, bất chấp phản ứng của Phạm Văn Ðồng và phái đoàn của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chưa hết, sau này Châu Ân Lai còn gửi thư cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm muốn gợi ý cho một sự thiết lập bang giao giữa hai nước một lần nữa. Tất cả đều không được hồi âm. Vào những năm này, sự lơ là của các nhà cầm quyền ở miền Nam dù sao vẫn còn có thể hiểu được.

CVA Phạm Cao Dương

* * *

Vui buồn

Phạm Hữu Thuật

LTS: Cụ Phạm Hữu Thuật đã có bài đăng trên Đặc San CVA từ năm 1998 đến nay.  Xin trả lời thắc mắc của vài độc giả, cụ Phạm Hữu Thuật là thân phụ của Đồng Môn Hội Trưởng CVA Bắc California hiện nay.

Ai vui, vui hết phần ta,

Ta buồn, ta thấy nước nhà chia hai

Ai vui dinh thự xe hơi,

Ta buồn ta thấy bao người lầm than

Ai vui phú quý bình an,

Ta buồn thấy cảnh điêu tàn thảm thương

Ai vui tổ ấm uyên ương,

Ta buồn thấy cảnh tha hương nghẹn ngào

Ai vui chức trọng, quyền cao

Ta buồn nghe tiếng kêu gào dân đen

Ai vui yến tiệc liên miên

Ta buồn nhìn thấy mọi miền điêu linh

Ai vui đầm ấm gia đình

Ta buồn ta thấy Việt Minh bạo tàn

Ai vui đời sống huy hoàng

Ta buồn thấy cảnh nát tan cửa nhà

Ai vui say đắm xa hoa

Ta buồn nhìn cảnh bơ vơ khốn cùng

Vui là mưu sự vui chung

Vui đem tài đức giúp công sinh tồn

Vui nhìn thống nhất giang sơn

Vui trong dân chủ, hoàn toàn tự do

Vui nhìn dân tộc ấm no

Vui trong độc lập nước nhà vinh quang.

30-5-1956

* * *

 

Nguyễn Tranh Chiếu, CVA 1959

Tôi năm nay sáu mươi ba tuổi.  Hơn một lần tôi đã tự nói thầm trong miệng: “Si jeunnese savoir, si viellesse pouvoir!”  (Ước gì tuổi trẻ biết được, ước gì tuổi già làm được!)  Tại sao?  Tại vì, giống như bảy mươi phần trăm dân Mỹ, tôi bị chứng đau lưng dưới (lower back pain).  Nhiều năm trước đây tôi bị cụp lưng và phải nằm giường hai tuần lễ.  Vài tháng sau đó lại bị lại.  Hiện nay thì tôi khoẻ mạnh rồi.  Nhưng tôi biết đây là một vấn đề quan trọng cho nhiều người, nhất là những người lớn tuổi.  Vì vậy cho nên tôi mới bỏ công nghiên cứu lý do tại sao có chứng đau lưng và làm sao ngừa và trị nó.  Nhiều năm nay tôi có tập yoga và hiện nay đã học và lấy được chứng chỉ dạy và đang dạy yoga ở YMCA gần nhà nên cũng đủ hiểu biết để tin rằng yoga có thể giúp được trong việc này.  Do đó tôi đã tập trung nghiên cứu trong các sách báo về yoga cũng như về y khoa.

Tại sao lưng đau?

Nhìn vào hình vẽ của một bộ xương người, ta không khỏi ngạc nhiên là con người lại đi thẳng đứng được.  Nó như là một tòa kiến trúc cao với một khúc giữa mỏng manh chống đỡ một khúc trên đồ sộ nặng nề.  Tệ hơn nữa, lại có hai cánh tay dài luôn luôn tìm nâng, kéo những vật nặng!  Đứng về mặt công nghệ thì đây là một thiết kế rất dở!  Bước đi trên cả bốn tay chân -như thú vật- có lẽ là hợp lý hơn!  Và đi xe đạp có lẽ là tốt cho lưng mình—và cho môi sinh—hơn là ngồi lái xe!

Vậy thì tại sao đau lưng?  Sách về cơ thể học nói nhiều đến các đĩa liên sống (inter-vertebral dísks).  Đây là những đĩa sụn-xơ dẻo nối bất kỳ hai đốt sống nào liền nhau trong cột xương sống. White (1983) diễn tả nó như “gồm những sợi và sụn chắc bền với  phần giữa đĩa gồm một chất dẻo như jelly, giống như một bánh doughnut có nhân dẻo”.  Các đĩa liên sống chiếm một phần tư tổng chiều dài cột sống và hoạt động như một bộ phận giảm sốc (shock absorber.)  Như mọi mô tế bào khác trong cơ thể, các đĩa này là những tế bào sống, cần chất dinh dưỡng và cần bài tiết chất thải.  Vấn đề là ở đây không có mạch máu.  Theo Coulter (2001), các chất dinh dưỡng được “thu nhập” vào các đĩa này từ những cơ thể cột xương sống chung quanh, nơi có nhiều mạch máu chạy vào.  Quá trình thu nhập này người ta chưa biết rõ lắm, chỉ biết là trong những đĩa tốt thì có tới 70-80% chất lỏng và rằng cột xương sống thì ngắn hơn về ban ngày và trở nên dài hơn về ban đêm.  Từ những sự kiện này, Coulter cho rằng ban ngày khi các đĩa này bi ép lại bởi trọng lực và các bắp thịt thì các chất lỏng bị đẩy ra, và ban đêm khi nghỉ ngơi thì các đĩa nở ra, từ đó chất dinh dưỡng được hấp thụ vào và đĩa được bồi bổ trở lại.  Điều này giúp giải thích lý do các tài liệu y khoa đã viết là một trong những cách trị liệu hữu hiệu nhất cho bệnh đau lưng nặng là nằm nghỉ trên giường trong hai tuần lễ.  Chính tôi đã làm như vậy khi tôi bị cụp lưng cách đây đã lâu và nhờ vậy mà lành!

Khi ta còn trẻ -và chưa hiểu biết nhiều- ta dễ lạm dụng các đĩa liên sống này, làm cho vòng ngoài của đĩa yếu đi và chất dẻo ở trong rò ra.  Tuổi già và sự thiếu dinh dưỡng cũng làm cho vòng ngoài bớt tính đàn hồi và ruột dẻo ở trong khô đi.  Khi đĩa bị thoái hóa tới nỗi nó chạm tới giây thần kinh (chạy trong phần rỗng tạo bởi các khúc xương sống) thì ta bị đau lưng.  Đặc biệt là phần eo lưng (lumbar) dễ bị nhất.  Ở đây, các đĩa liên sống và các đốt xương sống được giữ chặt lại với nhau bởi cả một hệ thống dây chằng và bắp thịt.  Như trên đã nói, thiết kế công nghệ của bộ xương người xem ra không được hoàn mỹ cho lắm.  Khi ta nâng một vật lên với một cánh tay đưa thẳng ra thì lực tác động vào các đĩa liên sống đươc tăng lên gấp bội phần so với trọng lượng của vật vì nó cần phải đươc quân bình bởi các bắp thịt và giây chằng nằm sát bên xương sống.  Đó là luật của Vật Lý Học.  Theo White, khi ta có động tác xoay vẹo lưng mạnh, nhất là trong khi đang nâng vật nặng, thì không những các đĩa bị hư hại mà các dây chằng và bắp thịt lưng cũng có thể bị rách hay giãn ra.  Khi đó thì những đĩa thoái hóa có thể chạm vào giây thần kinh khiến cho những tín hiệu đau được chuyển ngay tới các bắp thịt bên cạnh khiến chúng  trở nên cứng hay co thắt lại làm cho ta đi đứng vẹo vẹo buồn cười!  Chính tôi cũng đã bị như vậy nhiều lần.

Tóm lại, ba nguyên nhân chính gây nên thoái hóa đĩa và giãn dây chằng trong vùng ngang lưng là:  sự lạm dụng cột xương sống, sự thiếu dinh dưỡng cho các đĩa liên sống, và cuối cùng, tuổi già.

Làm thế nào để trị và ngừa đau lưng?

Trong ba nguyên nhân đó thì ta không làm gì được với nguyên nhân thứ ba, tuổi già, nếu hiểu nó là số năm ta đã sống.  Tuy nhiên, cái già có thể có nhiều định nghĩa khác—ngoài đề tài của bài này—mà ta có thể ảnh hưởng được qua tác động lên  hai nguyên nhân đầu.

Trước hết, để ngăn ngừa sự lạm dụng các đĩa liên sống, ta phài luôn luôn cảnh giác trong mọi hoạt động hàng ngày.  Trong các sách báo, tạp chí, người ta nói nhiều đến những điều nên và không nên làm.  Ví dụ nên bơi nhiều (nhưng đừng bơi bướm—butterfly—vì dễ đau lưng), nên ngồi thẳng trên ghế có chổ dựa lưng ngang hông, khi nâng vật nặng thì nên giữ nó sát bụng, v.v..  Vấn đề là ta không luôn luôn nhớ tới những lời khuyên đó, nhất là trong khi đang chơi thể thao!  Đó là trường hợp tôi khi còn trẻ!  Bây giờ thì tôi luôn mang nịt bao lưng khi chuẩn bị làm việc nặng, nhiều khi chỉ là để nhắc nhở tới sự mỏng manh của cái eo lưng để đừng lạm dụng nó. 

Thứ hai là việc bồi bổ dinh dưỡng cho các đĩa liên sống.  Tôi đã tập yoga nhiều và thấy rằng có một số động tác và thế của yoga giúp ích rất nhiều cho việc này.  Hơn nữa, nó còn giúp tăng cường sức mạnh các bắp thịt và dây chằng quanh eo lưng và giúp cho xương cứng hơn. Tất nhiên khi đĩa đã suy thoái rồi thì cơ thể phải mất thời gian để bồi bổ nó lại.  Cho nên ta cần phải kiên trì trong việc này.

Cuối cùng lại thì tôi tin là một chương trình tập thể dục và một chế độ ăn uống tốt đề giữ cho người vừa gọn và khoẻ mạnh là hay nhất.  Chế độ của tôi hiện nay là hằng ngày bơi ít nhất là nửa giờ (nhờ vậy mà năm ngoái tôi thi bơi và đứng hạng 8 toàn nước Mỹ trong môn bơi nhái--breast stroke--50 mét, hạng tuổi 60-64) và tập yoga, cũng hằng ngày nếu có thể được.  Lưng của tôi hiện nay khoẻ, nhưng tôi không dám lạm dụng nó như hồi còn trẻ nữa.  Mình lớn rồi và biết nhiều rồi!

Muốn có một chương trình tập yoga phù hợp với sức khoẻ của mình thì hay nhất là phải có một người thầy dạy yoga tốt.  Với những người bị chứng đau lưng kinh niên,  tôi chỉ xin đưa ra vài lời khuyên sau đây:

  • Sáng sớm, khi mới tỉnh dậy và còn nằm trên giường, làm những động tác sau đây cho dây chằng và bắp thịt quanh lưng chặt lại và để chuẩn bị các đĩa liên sống cho một ngày mới:  Bắt đầu thở kiểu yoga (tiếng Sanskrit là ujjayi) thật dài hơi.  Khi thở vào thì gồng tất cả các bắp thịt, tay, chân, và cong lưng, ưỡn ngực lên.  Khi thở ra thì hạ lưng xuống, khóa chặt bụng dưới (core lock) và uốn xương cùng (tail bone) lên.  Làm như vậy vài lần.  Xong, làm thế cầu (Bridge Pose—Setubandha Sarvangasana).  Sau đó làm vài thế uốn lưng nhẹ nhàng (Reclining Spinal Twist—Jathara Parivartanasana) trước khi bỏ hai chân xuống giường và chống tay ngồi dậy.  Khoan tập những cử động mạnh trước khi cột xương sống đã được chuẩn bị cho rắn mạnh, sẵn sàng, ít nhất là hai tiếng đồng hồ sau khi ngủ dậy, theo ý kiến của White.  Điều quan trọng cho người yếu lưng là luôn luôn phải chú trọng tới việc sắp thẳng hàng (alignment) những đường nét của cơ thể mình:  lưng, vai, cổ, v.v..
  • Khi vào tập yoga thì tất nhiên ta phải chọn lớp cho phù hợp với khả năng của mình.  Đừng sợ là ta sẽ phải cố gắng vắt chân lên cổ như trong các hình vẽ về yoga!  Nói chung, cái hay của yoga là nó có nhiều thế có thể giúp kéo giản các bắp thịt bị co lại, tăng lưu thông máu, tăng độ dẻo và sức mạnh các cơ và dây chằng, tăng độ cứng của xương và làm các khớp bớt cứng đi.  Riêng về việc tăng sức cho phần sống lưng và bồi bổ các đốt liên sống, sau khi gom góp ý kiến các sách nổi tiếng về yoga, tôi đề nghị dùng thêm các thế sau đây:  Thế nằm đầu gối lên ngực (Reclining Knee-To-Chest Pose--Eka Pada Supta Pavanmuktasana), thế nằm cầm ngón chân cái (Reclining Big Toe Pose--Supta Padangusthasana), thế chó nhìn lên (Upward-Facing Dog Pose--Urdhva Mukha Svanasana), thế chó nhìn xuống (Downward-Facing Dog Pose--Adho Mukha Svanasana), thế đứng dạng chân gấp người (Standing Spread Leg Forward Fold--Prasarita Padottanasana), các thế vặn xương sống khác nhau (Spinal Twist poses), các thế núi đứng (Mountain Pose--Tadasana) khác nhau, thế tam giác đứng (Triangle Pose--Trikonasana) và những biến thế của nó.  Những thế này các thầy dạy yoga đều biết và các sách như của Iyenga (1977, 2001), Sparrowe và Walden (2002) đều có chỉ dẫn rõ ràng.

Để kết luận, tôi chỉ muốn nói thêm là trong bài này tôi chưa nói gì tới các lợi ích khác của yoga trong việc giúp cho tinh thần mình được yên tĩnh nhờ đó ta có được những giấc ngủ thật êm, đời sống thoải mái, cái già trốn xa...

Nguyễn Tranh Chiếu, Ph.D., CVA 1959

New Jersey, tháng 10 năm 2004

Tham Khảo

Coulter, H. David.  Anatomy of Hatha Yoga:  A Manual for Students, Teachers, and Practitioners.  Honesdale, PA, USA:  Body and Breath, 2001.

Iyengar, B. K. S.  Light on Yoga.  Revised Edition.  Schocken Books, 1977.

Iyengar, B. K. S.  YOGA, The Path To Holistic Health, A Dorling Kindersley Book, 2001.

Sparrowe, Linda and Walden, Patricia.  The Woman’s Book of Yoga and Health:  A Lifelong Guide to Wellness.  Shambhala, Boston & London, 2002.

White III, Augustus A., MD.  Your Aching Back.  Simon & Schuster, 1983.

PS.  Bản tiếng Anh của bài này được đăng trong website http://ww.highlandyoga.com, của Highland Yoga, nơi tôi học và lấy được chứng chỉ dạy yoga.

* * *

QUỲNH HOA

CVA Đàm Trung Phán

Em đến giữa đêm khuya Tự cõi nào , Em về ? Em hiện thân Lan-Huệ

Đưa ta vào Đam Mê .

Cớ sao tình nở muộn Vài tiếng chẳng là bao Thịt da Em ngọt ngào

Vội chào, Em vĩnh biệt !

Ta ngồi đây thương tiếc
Thật , Giả , hay Hư Vô ?

* * *

 

Lý kế Duy (CVA 71)

            Chung cư 'Green Oak' tọa lạc trên một con đường lắm xe, không lớn lắm, khoảng chừng 200 căn, chỉ bằng một phần ba các chung cư tọa lạc kế bên. Nhưng đặc biệt hầu hết người mướn là người Việt. Vài năm trước nơi đây chỉ lác đác một vài đầu đen nhưng với sự phát triển của khu thương mại Việt Nam ở cuối phố người Việt ùn ùn kéo về và chẳng mấy chốc tràn ngập chung cư. Chung cư 'Green Oak'  có lối bố trí rất khéo, các hộ hai tầng được xây xoay quanh, đâu mặt vào nhau. Ở giữa là sân cỏ với ba cây sồi lớn che rậm rạp sân chơi của trẻ con với những nhà gỗ và cầu tuột cùng giây đu. Bên ngoài, ngay cạnh tường trái có một sân quần vợt. Đặc biệt là lầu hai có ban công chung cho tất cả các nhà, thành thử con nít có thể chạy trên ban công từ nhà này sang nhà khác mà  không phải xuống tầng trệt như những chung cư khác. Nơi đây lại cho giữ thú vật thả dàn, rất hợp với người Việt mặc dù giá có hơi đắt hơn những những chung cư kế cận đôi chút.

Chỉ một tuần sau khi Sáu Mén dọn vào chung cư,  cô Liễu, ở lầu hai ngay trên đầu gã, bị mất con chó vàng. 'Nhất mực nhì vàng tam khoang tứ đốm', cô Liễu nhất định con chó mình bị lão Ức dưới lầu ở cạnh phòng Sáu Mén bắt làm thịt. Lời buộc tội lúc đầu xem ra không có căn cứ nhưng đi sâu vào chi tiết có nhiều lý do vững chãi.

Lão Ức người quê Hưng Yên, sang Mỹ năm 1998 từ miền Bắc chứ không phải vượt biên từ miền Nam như nhiều người khác.  Lý lịch lão rất mù mờ. Có người đồn lão là dân nằm vùng. Kẻ khác nhất định lão là người của 'Xịa'. Riêng lão, lão bảo ông tổ lão tên Xu, ông cố tên Hào. Đến đời cha của lão là ông Đồng thấy nhà cứ nghèo mãi nên đặt tên cho cô con gái và ba thằng con trai là Ngàn, Vạn, Triệu và Ức. Lão rất tự hào về quê hương của lão, và xem ra lão có vẻ rất thích thịt chó. Có lần nhậu say lão nạt ông Thiềm ở cùng chung cư là “mấy ông chỉ cường điệu, quán Sống Trên Đời của mấy ông làm chó gì bằng mấy gánh hàng bán thịt chó trên đê Văn Giang của tôi ngoài Bắc. Rựa mận, chả chìa, dồi chó... ông muốn thức nào cũng có". Hôm bà Xuyến làm tiệc mừng đứa cháu ngoại đầy tháng nhìn thấy món giả cầy lão Ức nói ngay:

- Việc gì phải làm giả cầy. Sao không làm thịt chó thật có ngon hơn không?

Bà Xuyến cười:

- Bên này chứ có phải Việt Nam đâu, thịt chó đâu ra mà làm?

Lão Ức cười khà khà ra vẻ kẻ cả:

- Bà không biết chỗ mua thôi chứ đây thiếu gì, gà đi bộ, thịt chó thịt dê đủ cả.

Cô Liễu không có mặt trong buổi tiệc nhà bà Xuyến nhưng được chị Kim Nga kể lại đầy đủ chi tiết. Chị Kim Nga còn nhấn mạnh:

- Em thấy thằng chả rỡn với con Vàng hồi hôm qua, cho nó ăn nữa. Phải tới đòi ngay lại, nếu cần thì xuống nước năn nỉ hoặc trả tiền chuộc, để lâu họ làm thịt mất. Hồi xưa nhà em gần lò heo Chánh Hưng em biết rành họ chỉ giữ chó trong vòng mấy hôm, nuôi cho mập đúng tiêu chuẩn rồi làm thịt.

Không cần để ý tới lời nói có điểm vô lý của chị Kim Nga - lò heo mà lại làm thịt chó - cô Liễu đùng đùng sang nhà lão Ức đòi chó. Lần đầu cô nén giận chỉ hỏi dò:

- Con chó Vàng của tôi ông có giữ không?

- Giời ơi, cái cô này lẩn thẩn nhỉ? Chó của cô thì cô giữ chứ tôi làm sao mà biết được?

- Ông hay chơi với nó, không lẽ nào không biết nó thất lạc đâu?

- Thì chính tôi cũng tự hỏi mấy hôm nay không thấy nó đâu

Lần thứ hai cô sang vẻ mặt thiểu não hơn, xuống nước năn nỉ lão:

- Ông làm ơn trả con Vàng lại cho mẹ con tôi, tốn bao nhiêu tôi xin chịu.

- Ơ hay cái cô này lạ quá, tôi có lấy đâu mà bắt tôi trả chứ?

Chuyện cô Liễu mất chó truyền nhanh như điện trong chung cư. Chung cư chia làm hai phe, một phe ủng hộ cô Liễu, phe kia ủng hộ lão Ức, cãi nhau như mổ bò trên hành lang gần sân chơi trẻ con. Có người trong phe ủng hộ cô Liễu phát biểu:

- Lão Ức không lấy thì còn ai vào đây? Lão quanh quẩn chơi với con chó cả ngày. Đến lúc nó mất không hỏi thăm lấy một tiếng. Đáng nghi lắm

Phe kia phản đối:

- Bên Mỹ này chứ có phải Việt Nam đâu mà luật rừng. Ai cũng vô tội trước khi bị kết tội.

Thằng Phúc con bà Lan Huệ đứng gần đó chêm tiếng Mỹ vào để mọi người hiểu rõ:

- Du a ì-nó-sân ân-tin pu-vân ghiu- ti (*)

Ông Thiềm - làm nghề bảo vệ an ninh  cho một nhà hàng Trung Hoa dưới phố, lúc nào cũng diện đồng phục uy nghiêm như Tưởng giới Thạch - bực mình gắt:

- Luật lệ cái chó gì. Luật lệ càng lắm càng nhiều trộm cướp chứ hay ho gì.

Ông tiếp:

- Tôi vừa mới đi hầu tòa về, nhìn mặt thằng bị can biết ngay là ăn cướp. Tôi như ông tòa bỏ tù liền lập tức, việc gì mà phải lôi những mười hai người ra làm bồi thẩm đoàn bàn quanh bàn co cho lôi thôi. Mà lại mệt nữa, đi cả ngày được trả có sáu đồng. Bên này lắm thằng ngu không chịu được.

Rồi ông trở về đề tài chính:

- Không luật lệ lôi thôi gì hết, nắm cổ lão Ức ra đây hỏi xem lão có lấy con chó không, nếu không thì phải chứng minh ngày hôm ấy lão ở đâu!

Một người khác đốc:

- Suya là luý rồi, sà lù, moa đề nghị phải xét fri gi đe nhà luý.

Nói thì nói vậy nhưng không ai dám xô cửa nhà lão Ức hỏi tội vì có người nói bên đây ngay như cảnh sát có muốn vào nhà dân cũng phải có trát tòa, người khác bảo lão có súng. Có người gõ cửa nhà Sáu Mén hỏi thăm hy vọng gã có thêm chi tiết về lão Ức nhưng Sáu Mén đã đi làm từ sớm.

Nguyên một tuần trôi qua Sáu Mén sốt ruột thấy ngày ngày cô Liễu và thằng Bi con cô ra vào khóc lóc ủ dột như nhà có tang. Hắn để tâm theo dõi lão Ức, đồng thời chạy sang những khu lân cận xem con chó có đi lạc không, nhưng hơn một tuần trôi qua vẫn không thấy kết quả gì.

Trong khi đó chuyện lại chuyển sang một khúc quanh mới. Không biết lão Ức điều tra ở đâu mà biết đươc chị Kim Nga vu oan cho lão, đặt điều nói với cô Liễu để trả thù tội lão trêu chị là loại gái 'ăn ngửa' lúc trước. Chuyện này nguyên do như sau:

Chị Kim Nga nhân chuyến về thăm Việt Nam năm ngoái  có ghé một viện thẩm mỹ ở Sài gòn để 'nâng cấp' bộ ngực. Thực ra chị Kim Nga nhan sắc cũng dễ coi và ngực theo tiêu chuẩn Á Đông cũng không đến nỗi nào nhưng theo chị thì “rẻ quá mà, không sửa cũng uổng”. Sau khi trở lại Mỹ độ một tuần chị Kim Nga gặp lão Ức ở  phòng khách của chung cư. Chung cư có một phòng tiếp khách lớn cạnh văn phòng điều hành và hộp thư, dùng để tổ chức những tiệc tùng có đông người.  Phòng có một cái truyền hình loại lớn. Lão Ức đã về hưu, rỗi rảnh hay ra đó ngồi coi đô vật và nhất là đô vật nữ, Women Wrestling. Chị Kim Nga cũng hay tạt qua phòng để lấy thư khi chồng đi làm. Chị khó chịu vì lối nói thánh nói tướng của mấy thằng đô vật mập địt cộng thêm lối ồn ào của lão Ức nên đôi lần chị nói xấu lão với mấy người quen:

- Thằng chả già rồi mà không nên nết. Coi toàn cái thứ gì đâu. Mà có máu dê nữa, mỗi lần thấy tui đi ngang là soi mắt vào ngực tui.

Lần đó sau khi sửa ngực về gặp lão đang coi đô vật nữ chị ngứa miệng nói :

- Đổi đài khác đi, con gái gì mà vật lộn như con trai lại hở ngực hở mông ra khó coi quá hà!

Lão Ức từ lâu nghe chị Kim Nga nói xỏ xiên sau lưng mình thì vốn đã tức ngầm, nay nhân cơ hội ỡm ờ:

- Nhưng mà người ta người thật của thật chứ làm gì có cái loại 'ăn ngửa'.

Chị Kim Nga biết là lão nói móc mình nhưng không hiểu 'ăn ngửa' là gì nên không có phản ứng, đành nhịn về hỏi chồng là anh Tư Hí. Anh Tư Hí tên thật là Cương, tên Mỹ là Mai cồ (Michael) làm chuyên viên cho vay tiền ở một văn phòng tài trợ địa ốc dưới phố. Anh Tư Hí vốn gốc dân Chu văn An. Khi xưa học hết tiểu học ở Cần Thơ gia đình anh dọn lên Sài Gòn và anh thi đỗ ngay vào Chu văn An, bấy giờ là một trường công lập nổi tiếng nhất Sài Gòn. Anh thường nói nhiều câu thật thà làm mất lòng nhiều người, như: ‘Tui thi đỗ vô Chu văn An chớ hổng phải được đưa vô như mấy thằng khác, nhứt là mấy thằng con ông cháu cha’. Anh chỉ học được đến hết đệ lục thì phải di tản sang Mỹ. Tuy chỉ vọn vẹn sinh hoạt với dân Chu văn An có 2 năm nhưng anh Tư Hí đã học được hầu hết những đức tính đáng quý của dân trường này. Hai trong số những đức tính đó là tính chủ hoà đối với mọi người và tính chung tình với vợ. Cô Liễu nhiều lần nghe chị Kim Nga than là “tối nào ảnh cũng đòi mà em đâu có cho. Lâu lâu một lần mới quý”. Cô Liễu goá chồng mấy năm nay nghe xong chỉ thở dài trách ông trời bất công (thực ra cô Liễu không biết rằng chẳng phải riêng gì anh Tư Hí, dân Chu văn An hầu như người nào cũng rất kinh nghiệm và bền bỉ trong vấn đề gối chăn). Tối hôm đó anh Tư Hí nghe vợ hỏi mặt nghệt ra, ngẫm nghĩ một hồi rồi nhảy tưng tưng cười cười hô hố:

- Hay thiệt, lão này này thâm thiệt chớ hổng chơi.

Rồi anh giả bộ đổi giọng Bắc kỳ cười lớn:

- Nhưng tớ là dân Chu văn An làm sao mắc ‘miu’ lão được!

Chị Kim Nga cứ đòi anh giảng nhưng anh từ chối sợ chị giận. Sau cùng chị doạ tối nằm không cho anh 'đòi' nữa anh mới chịu giảng cho chị:

- ' Ăn' tiếng Tàu là 'xực', 'ăn ngửa' là 'xực ngửa', nói lái là 'sửa ngực'

Chị Y dậm chân kêu 'trời' đòi anh ra táng cho lão Ức một bạt tay nhưng anh tư Hí cười lớn:

- Dượng Ức nói trúng chớ đâu có sai mà em cự. Mình sửa thì sửa chớ sao bằng được tụi Mỹ.

Rồi anh hôn chụt chụt lên má chị ca:

Người ta đi sửa lấy công,

Còn em đi sửa cho chồng em thương

Chị Kim Nga đỏ mặt đẩy anh ra la lớn:

- Quỷ nà, quỷ nà, quỷ bắt anh đi!.

Bị lão Ức chơi xỏ một vố đau chị ấm ức trong lòng từ nửa năm nay. Nhân chuyện con chó bị mất, lại thấy rõ ràng lão Ức vờn vẽ với nó ngày hôm trước chị xúi cô Liễu sang đòi chó nhà lão. Về phần lão Ức cả tuần nay ra vào đều bị người ta nhìn như tội phạm, có đứa còn doạ báo cho hội bảo vệ thú vật, nên sau khi điều tra biết chị Kim Nga vu cáo mình lão đến đập cửa gọi chị  ra mắng:

- Đứa nào đặt điều nói điêu với cô là tôi bắt con chó hả. Nói ra ngay tôi sẽ xử lý tại chỗ!

Chị Kim Nga là người gốc miền Nam nghe không hiểu 'điêu' nghĩa là gì lại càng không rõ 'xử lý' là chi. Chị đang phân vân không biết nói gì thì anh Tư Hí nghe thấy to tiếng chạy ra giảng hoà. Không cần biết vợ có lỗi hay không anh  cũng nhiệt tình xin lỗi và bảo lão Ức:

-  Dượng cháu mình ra quán cà phê nhậu cho vui, để tui bao dượng một chầu

Đến quán cà phê nhậu ngà ngà say anh khề khà ghé tai lão nói nhỏ:

- Dượng với tui chỗ thân tình, nói thiệt tui không cự nự gì ráo đâu.

Anh dừng lại nheo mắt nhìn lão:

- Dượng có làm thịt con chó thì bí mật hú tui một tiếng. Lâu ngày không đớp thịt chó thèm quá, nhứt là cái món rựa mận

Chưa dứt câu lão Ức đã tái mặt đập bàn quát lớn:

- Thế ra mày cũng nghi tao ăn trộm con chó à. Đeo mẹ chúng mày cá mè một lũ. Ông bức xúc quá rồi, ông gọi công an xử lý chúng mày!

Chợt nhớ đây là nước Mỹ, làm gì có công an, lão hậm hực đứng lên quay ngoắt ra về, bỏ lại anh Tư Hí, ngạc nhiên không hiểu sao lão giận mình đến vậy. Sáu Mén tình cờ hôm đó cũng có mặt ở quán chạy lại định can nhưng lúc sang lão Ức đã bỏ về.

Cứ như vậy mấy tuần liền gặp cái mặt đưa đám của cô Liễu với cái nhìn oán hờn len lén tránh lão như tránh ăn cướp lão Ức khó chịu nổi gai cùng mình nhưng không biết làm sao hơn.

Chuyện con chó Vàng mất tích tưởng bế tắc như hoà bình Trung Đông ai ngờ một hôm Sáu Mén đi bộ sang chung cư bên cạnh thăm bạn, tình cờ thấy một xe bắt chó chạy ngang. Gã đập tay vào đầu mấy cái rồi chạy về nói với cô Liễu:

- Hay là cô gọi điện thoại cho sở thú vật coi sao, biết đâu con Vàng nằm trong đó.

Cô Liễu nói tiếng Mỹ không rành, phải nhờ chị Sương làm nghề y tá gọi dùm. Y như Sáu Mén đoán, con Vàng chạy rông ngoài đường bị xe bắt chó câu về. Cũng may cứu con chó kịp thời, để thêm một tuần nữa là người ta cho vô phòng hơi ngạt giết. Con Vàng được thả ra, tiền phạt là 90 đô cho ba tuần nằm trong đó. Chị Kim Nga đi quyên cả xóm mỗi người chung một đồng giúp cô Liễu. Việc này lại gây ra tranh cãi sôi nổi:

- Bỏ chó chạy rông thì xuất tiền ra mà trả chớ sao bắt người khác trả

- Theo tui nghĩ thì con Kim Nga vợ thằng Tư Hí phải xì tiền ra mà trả cho cô Liễu

- Moa thì moa đề nghị tiền quyên được ca đô cho me sừ Ức mới phải, luý mới chính là nạn nhân trong ca này

- Quyên, cái gì cũng quyên! Đẻ cũng quyên, chết cũng quyên, mưa cũng quyên, nắng cũng quyên. Bây giờ mất chó cũng quyên. Ông tức ông đếch cho đồng nào!

- Lá lành đùm lá rách mấy ông ơi. Cúng cho sòng bài mấy trăm thì không sao, cho người nghèo khó có một đồng mà cũng nói cạnh nói khoé.

- Bà nói ai nói cạnh nói khoé? Tôi nói thẳng vào mặt nó chứ việc chó gì phải nói cạnh nói khoé!

- Đeo, cho thì cho, không cho thì thôi, việc gì phải cãi nhau. Tiền cho có khai tax được không mới là vấn đề chính...

Mỗi người một câu, năm người mười ý nhưng rồi tiền cũng quyên được khá. Sau khi nộp phạt còn thừa mười hai đồng cô Liễu mua một cái xích chó bằng da giả cột vào cổ con Vàng. Con chó mấy tuần ăn đồ Mỹ lại gặm xương nhựa ớn tận cổ nay thấy xương phở nó mừng vừa gặm vừa quậy đuội nghe phật phật. Con Vàng sống sót trở về thằng Bi con cô Liễu còn mừng hơn cô, nó ôm lấy con chó lăn lộn trên bãi cỏ. Nhưng người mừng hơn cả là lão Ức. Từ đây lão thoát khỏi cái tộị bị người ta dòm ngó coi như tử tù. Cô Liễu làm thạch lá dứa sang biếu lão để tạ lỗi nhưng lão vẫn không nguôi giận mặc dù đã một mình ăn hết hai đĩa thạch lớn. Lão tức lắm, ở Việt Nam lão từ bé đến lớn lão bị xử ức chưa đủ, từ ngày đến đây đứa coi lão như dân nằm vùng, kẻ coi như CIA, rồi lại bị nghi ăn trộm chó.

Một sáng sớm mùa xuân trời mát lão Ức đi dạo quanh chung cư. Nhìn những tia nắng xuyên qua cành lá rậm rạp của những cây sồi lão chợt khám phá ra một chân lý: rằng ông trời không công bằng sáng suốt như người ta nghĩ. Ông bố đặt tên lão là Ức để mong trời cho lão giầu sang, hàng vạn hàng ức tiền đổ đi không hết. Ai ngờ ông Trời dốt tiếng Việt để lão chịu bao điều oan ức từ tháng này sang năm khác...

Lýkế Duy (CVA 71)

 (*) You are innocent until proven guilty

* * *

Một Mình Hai Mình

  Một buổi chiều                      Bạn đi hết  

               Như mọi ngày                      Họ mất việc

  Tôi ngồi đây                          Họ về hưu.

               Nhìn sự vật.                          Một mình tôi 

               Chỉ mình tôi                         Trao lại hết 

               Một mình ngồi                      Công việc trường.  

               Một mình nghĩ.                     Đời chuyển hướng 

               Hai con tôi                           Đi về đâu?  

               Đã lớn rồi                            Hồn sao đau  

               Cuộc đời tôi                         Một mình tôi 

               Tạm là xong.                        Chấp nhận hết.  

               Mình tôi biết                         Đời nhọc nhằn 

               Buồn vời vợi.                        Tới đoạn kết?  

               Sợi chỉ hồng                         Tới hồi vui 

               Buộc đời tôi                          Em ngủ vùi 

               Không còn nữa.                   Hãy tỉnh giậy 

               Bỏ nhà cửa                           Hãy đến đây  

               Sống một mình.                    Tôi đang đợi. 

               Những bình minh                 Đi cùng tôi       

               Những đêm tĩnh                   Đời còn lại.      

               Chỉ một mình                       Ta sẽ hết           

               Ngồi đọc sách                      Khoảng đời buồn. 

               Đi bách bộ                           Ta luôn luôn     

               Trong lặng thinh.                 Thương nhau mãi.       

               Lại một mình                                   

               Buồn vời vợi                        

               Hồn chơi vơi.                                  

               Một mình ngồi                      CVA Từ Sơn 

               Phòng làm việc                    Tháng 5 , 1997 

               Department chết.                  Seneca College, Canada 

* * *

CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI

 CVA Ðàm Trung Phán

Khi còn học Trung Học, tôi rất thích mấy câu thơ dưới đây trong Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du:

“Có tài mà cậy chi tài,

Chữ Tài liền với chữ Tai một vần

Ðã mang lấy Nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tàì “

Thú thực là hồi đó, tôi chỉ cảm nhận thấy rằng tôi rất “gần gũi” với những câu thơ này nhưng thực sự tôi chưa thật thấu hiểu và cho đến  bây giờ với những kinh nghiệm đã sống trên 60 năm cuộc đời, tôi mới thấy “thấm” được ít nhiều những gì mà Cụ Nguyễn Du đã viết.

Tôi đã khôn lớn, ra trường rồi đi “vật lộn” với cuộc sống. Trong đời đi dậy, tôi đã có cái may mắn được gặp rất nhiều học trò thuộc các mầu da, tôn giáo và tuổi tác khác nhau để tôi quan sát và học hỏi từ chính họ. Hai đồng sự Canadian và tôi thường hay bàn cãi với nhau về nhiều đề tài khác nhau, nhất là những đề tài liên quan tới vấn đề Giáo Dục.  Chúng tôi cùng dậy trong Phân Khoa Kỹ Thuật tại một Community College ở Canada, vì vậy mà chúng tôi đã từng dậy chung một số sinh viên trong những môn học khác nhau . Học lực và hạnh kiểm của học trò do đó mà chúng tôi cũng đều biết rõ. Thoạt đầu, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên thấy một số học trò khi còn đi học đã được điểm rất cao nhưng sau khi ra trường và đi làm, họ lại rất là lẹt đẹt trong vấn đề “thăng quan tiến chức”, không những như vậy mà một số còn bị mất việc luôn. Tôi còn nhớ rõ khoảng đầu thập niên 80, có một anh chàng - tạm gọi tên là Les Hart - hay vặn lý sự với tôi là tại sao anh ta lại mất điểm (nhỏ thôi) trong các bài Assignments. Tôi đã giải thích cặn kẽ và cho hắn coi các “solution with marking scheme” của tôi. Chứng nào, tật nấy, một hôm tôi đang bận giảng bài trong lớp, anh chàng còn gây sự và to tiếng với tôi về cái vụ mất điểm. Tôi ngưng việc giảng bài và tôi “giảng” cho anh chàng một bài học về cách xử thế. Tôi nói:

-         Nếu “you” không thay đổi được cái thái độ của “you” khi cư xử với những người xung quanh “you”, tôi sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy “you” bị “fired” khi you đi làm! Tôi không chịu nổi cái tính hay bắt bẻ và thích ăn người của “you” lắm rồi!”

Khi tôi nói xong, tôi không ngờ cả lớp đều đứng lên vỗ tay đôm đốp và sau giờ học, một vài sinh viên ở lại lớp và nói với tôi:

-         Well said and thank you, Sir!

Họ còn cho tôi biết là anh chàng Les Hart này đã từng “làm mưa, làm gió” với các vị giáo sư khác và làm mất thì giờ của các đồng môn trong giờ học.  Hai năm sau khi Hart đã ra trường, một người học trở về lại trường thăm chúng tôi và anh ta cho biết:

-         Thầy biết không? Ðúng như lời Thầy nói ở trong lớp, Les Hart đã cùng làm chung tại Office với em nhưng đã bị Boss cho nghỉ việc rồi vì cả sở không ai chịu nổi được với hắn. Thật là tiếc, Thầy ơi vì Les nó rất thông minh nhưng lòng dạ lại chẳng ra gì!

Tôi nghĩ ngay đến hai câu thơ của cụ Nguyễn Du:

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ Tài liền với chữ Tai một vần

Ba đồng sự chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi học trò từ lúc họ còn đi học cho tới khi họ ra đời làm việc. Thế rồi, đầu thập niên 90, chúng tôi rất vui thú được đọc trên tờ Time Magazine một bài viết về “Emotional Intelligence” (EQ) mà tôi tạm dịch là “Thông Minh Xúc Cảm ” (để đối nghịch lại với “Intelligence Quotient”, IQ, mà tôi tạm dịch là “Thông Minh Trí Tuệ”).

Vậy thì Thông Minh là gì?

Theo tự vị Encarta, “Thông Minh” là danh từ mô tả khả năng của Trí Tuệ về lý luận, về giải quyết các vấn dề, về lối suy nghĩ trừu tượng, về học hỏi và hiểu biết những thứ gì mới lạ cũng như biết rút tỉa từ những kinh nghiệm (Intelligence: term usually referring to a general mental capability to reason, solve problems, think abstractly, learn and understand new material, and profit from past experience).

Các nhà trường ngày xưa thường đánh giá rất cao và chú trọng đến IQ trong các địa hạt của khả năng sinh ngữ (linguistic), lý luận (logical), toán học (mathematical). Giáo Sư Howard Gardner trong Phân Khoa Giáo Dục của Ðại Học Harvard cho rằng con người còn có những tài năng (gifts) khác như tài năng sáng tác của các nhà văn, kiến trúc gia, nhạc sĩ, người sáng tạo kiểu mẫu (designers), vũ công (dancers), người buôn bán (entrepreneurs), hay là bất cứ tài năng nào để giúp cho đời sống con người được hoàn mỹ hơn.

Năm 1983, GS Gardner đã là người tiền phong về Multiple Intelligences (tạm dịch là “Thông Minh Ða Dạng”). Ông nêu ra 8 chiều thông minh hay tài năng dưới đây:

-         Tài năng về Ngôn Ngữ (Linguistic Intelligence): Năng khiếu về ngôn ngữ, viết lách

-        Tài năng về Lý Luận-Toán Học (Logical-Mathematical Intelligence): Năng khiếu về phần các con số -lý luận, toán học .

-         Tài năng về Không Gian (Spatial Intelligence): Năng khiếu về hình ảnh và hội họa

-         Tài năng về các động tác động chuyển của thân thể ( Bodily-Kinesthetic Intelligence): Năng khiếu về các động tác của chân tay, chạy, nhẩy …

-         Tài năng về âm nhạc

-         Tài năng về cách xã giao (Interpersonal Intelligence) : Khả năng biết cách đối xử với người khác (people smart)

-         Tài năng Nội Xét (Intrapersonal Intelligence): Khả năng về biết cách tự đương đầu với nội tâm và cách suy diễn từ nội tâm (self smart)

-         Tài năng hiểu biết về Thiên Nhiên , Vạn Vật (Naturalist Intelligence)

Community College của chúng tôi đã khuyến khích các nhà giáo chúng tôi nên áp dụng các phương cách của Multiple Intelligences trong các bài giảng dậy (Lecture notes), các bài thi Tests (bài thi trong Cá Nguyệt, Term) và Final Exams (bài thi cuối Cá Nguyệt, Term) để Ban Giảng Huấn chúng tôi thực sự “measure” (lượng sức) được học lực của học trò.

Việc bàn cãi về Thông Minh vẫn tiếp tục. Năm 1986, 25 nhà khảo cứu rất thông thái về đề tài “Thông Minh” đã cho rằng Thông Minh của con người bao gồm các lãnh vực như: - khả năng về cách ứng xử với các vấn đề nan giải mới có trong  cuộc đời (general adaptability to new problems in life) ; - khả năng suy nghĩ trừu tượng (ability to engage in abstract thinking); - biết cách ứng biến trong mọi hoàn cảnh (adjustments to the environment); - khả năng trí tuệ   và khả năng hiểu biết những gì đã có (capacity for knowledge and knowledge possessed); - khả năng biết tự tập, suy nghĩ độc đáo và hiệu nghiệm trong suy tư (general capacity for independence, originality, and productiveness in thinking); - biết cách tạo thêm khả năng (capacity to acquire capacity); - thấu triệt các mối liên quan thích đáng ( apprehension of relevant relationships); - khả năng biết xét đoán, thấu hiểu và suy luận (ability to judge, to understand and to reason) - khả năng suy diễn các mối tương quan ( deduction of relationships); - khả năng thiên bẩm về nhận thức tổng quát (innate, general cognitive ability).

Người Tây Phương đã quan niệm rằng họ có thể “đo lường” được trí thông minh con người qua cách khảo nghiệm ( IQ test - tạm dịch Intelligence Quotient là “Thương Số Thông Minh Trí Tuệ”) và nhiều người thường cho rằng những người có IQ cao thì sẽ thành công khi đi học cũng như khi đi làm.  Cho mãi tới thập niên 90, các nhà khảo cứu khoa học nhân văn tây phương mới thấy là phần “Thông Minh Xúc Cảm” (Emotional Intelligence- viết tắt là EI- được đo lường qua Emotional Quotient- viết tắt là EQ- tạm dịch là “Thương Số Thông Minh Xúc Cảm”) mới giúp con người đi đến thành công hơn trong công ăn, việc làm.

Có trí khôn (Intellectual Intelligence) vẫn chưa đủ, nhất là khi ra đời làm việc và theo sự nhận xét của GS Daniel Goleman thuộc Ðại Học Hardvard thì lòng ganh tị, bực tức, buồn rầu, lo sợ, thắc mắc, khắc khoải … thường ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của con người. Có nhiều người mặc dù phần trí tuệ (IQ) rất cao nhưng đến khi phải đương đầu với các vấn đề tình cảm khó xử, họ lại hoàn toàn mù tịt chẳng biết cách ứng xử ra sao hết. Nhiều người đã phải đi đến ly dị, sức khỏe tâm thần của họ bị bê bết và còn có nhiều người đã tự tử luôn.

GS Goleman đã lên tiếng để cho mọi người biết những gì mình cần biết về chính mình để tránh những tai họa về sau. Ông kêu gọi nhà trường nên dậy học sinh những căn bản về  EQ , “Thông Minh Xúc Cảm .”

EQ bao gồm những gì? GS Goleman nêu lên 5 điểm chính sau đây:

1.     Tỉnh Thức (Self Awareness): Mình nên biết lòng mình (emotions) và những cảm nhận (feelings) mà mình đang có.

2.      Nỗi vui buồn (Mood Management): Cần biết cách đương đầu với những cảm nhận (feelings) đang xẩy ra để có thể đối phó và tự kiềm chế đúng lúc.

3.     Ý đồ ( Self motivation): Cần gom góp lại những cảm nhận (feelings) đang hiện hữu và đưa chúng tới một mục tiêu (goal) rõ rệt mặc dù mình đang trù trừ (self doubt), trì trệ (inertia) , hoặc đang hành động bốc đồng (impulse)

4.     Giao cảm (Empathy): Cần phải nhận biết được những cảm nhận (feelings) của người khác và tác động lại bằng ngôn từ (verbal cue) hay cử chỉ (non verbal cue) cho đúng cách.

5.     Cách Giao Tiếp (Managing Relationships): Cần có cách ứng xử (interpersonal interaction) cho hợp lý, hợp tình, biết cách hòa giải (conflict resolution) và thương lượng (negotiations).

GS Goleman còn cho biết “Thông Minh Xúc Cảm” không những giúp cho con người tránh được các hậu quả tai hại mà còn giúp cho con người sống hài hòa, an vui với vợ-chồng-con cái và thành công ngoài đời nữa. Ðiều đặc biệt là con người có thể học thêm và phát triển phần “Thông Minh Xúc Cảm” này nếu họ biết cách. Nếu không biết cách duy trì nó, con người sẽ còn giảm mất phần EQ nữa

Nói tóm lại, nhờ có “Thông Minh Trí Tụê” (IQ) mà con người có thể học hành dễ dàng hơn nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ. Ðó mới là phần “Trí”. Con người cần phải có thêm phần “Thông Minh Xúc Cảm” (EQ) thì mới biết cách ứng xử và thăng tiến kể từ khi bắt đầu đi học cho tới khi ra đời làm việc và về hưu. Các lãnh tụ, các chính trị gia thường có cả IQ lẫn EQ rất cao. Họ có thể rất là không ngoan, đức độ mà họ cũng có thể rất là gian hùng và tàn ác. Cả IQ và EQ không đặt trọng tâm vào vấn đề Ðạo Ðức của con người. Cái nguy hại là trên thế giới hiện nay, nhà trường đã quá lơ là đến các vân đề thuộc về phần “Công Dân Giáo Dục” cho nên học trò đôi lúc rất là … khó dậy vì họ chỉ nghĩ đến các lợi lộc cho riêng cá nhân họ và nhiều lúc họ đã thiếu mất phần căn bản của “Tiên học lễ, hậu học văn”!

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

Sang đến Thế Kỷ 21, người Âu Mỹ đã “đi thêm một bước nữa”: họ cho ra đời phần thông minh mà tôi tạm dịch là “Thông Minh Tâm Linh” (Spiritual Intelligence, viết tắt là SI và được đo lường qua Thương Số Thông Minh Tâm Linh - Spiritual Intelligence Quotient viết tắt là SQ).

IQ có thể ví như là phần thông minh của máy điện toán Computer, EQ là phần thông minh của loài người và vài loài động vật có vú thượng đẳng (mammals), trong khi đó SQ (Spiritual Quotient) thì chỉ loài người mới có được mà thôi vì SQ liên quan đến phần Tinh Thần và Tâm Linh của con người. Các nhà khảo cứu về Khoa Học Nhân Văn cho rằng phần SQ là phần căn bản nhất so với IQ và EQ. Con người cần phải có phần “Thông Minh TâmLinh” này để phát triển lòng mong muốn tìm hiểu: - về ý nghĩa của sự vật,- về sự việc nhìn xa trông rộng và - về chân giá trị. Nhờ có SQ mà con người có những ước mơ và cố gắng đạt nguyện chúng. SQ đặt vấn đề về phần tâm linh và vai trò của đạo giáo trong đời sống của con người. Vì “mới ra lò” sau năm 2000 nên tôi chắc là ít người đã biết đến SQ và SQ cũng đang còn ở trong thời kỳ phôi thai nên chúng ta chưa thực sự thấy rõ được cái tầm vóc và tương lai của SQ ra sao.

Như vậy người Tây Phương mới chỉ nói tới IQ, EQ, SQ nhưng theo tôi nghĩ thì trên phương diện giáo dục họ chưa thực sự trú trọng để tâm tới phần Ðạo Ðức qua chữ “Tâm”  và chữ “Ðức” trong văn hóa Việt Nam và Phật Giáo của chúng ta. Tôi cảm nhận được phần tinh hoa về “Ðạo Làm Người” của tổ tiên Việt Nam chúng ta trong cách dậy dỗ con người từ đời nọ đến đời kia. Tôi cũng cảm nhận thấy rằng tôi đã rất may mắn được hấp thụ nền đạo lý và phần tâm linh sâu sắc này.

Trong bài viết này, tôi muốn dùng lối suy nghĩ của Tây Phương và Ðông Phương để giải thích một vài điều mà chính tôi đã thấy tận mắt. Tôi cũng muốn đem so sánh quan niệm của Việt Nam và Tây Phương về “Thế nào là Thông Minh”. Tôi mạo muội viết ra đây những gì tôi biết một cách thô thiển về chữ “Tâm” của  Phật Giáo và chữ “Ðức” trong văn hóa Việt Nam cội nguồn. Xin quý vị bỏ qua cho lối “múa rìu qua mắt thợ” này và nhất là những sai lầm của tôi, xin đa tạ trước.  Theo tôi nghĩ, muốn duy trì cái “Ðức”, con người cần có cái “Tâm” trong    sáng (nói nôm na là “Tấm Lòng tốt, đạo đức, trung thực, trong sáng, dễ dãi ...” trong tiếng Việt) để nhận diện được sự việc một cách trung thực và luôn luôn để ý đến các hành động của chính mình cho thích hợp với “Ðạo làm người” trong đời sống hàng ngày .

(Xin kính mời Quý Vị bấm vào Website ở dưới đây để xem hình)

http://www.pbase.com/tamlinh/image/31974053

            Theo Tự Ðiển Phật Giáo của Tác Giả Ðoàn Trung Còn, chữ “Tâm được định nghĩa như sau:

“Chữ tâm có những nghĩa về vật chất và về tinh thần.

            Về vật chất, tâm là:  

- Trái tim. Như trong Bồ Tát giới kinh có nói: Hễ Bồ Tát nghe tiếng bọn người ác ngoại đạo đem lời gièm pha phá hủy Phật giới, dường như ba trăm mũi giáo đâm vào tâm mình.

- Chỗ chính giữa. Cũng như trái tim ở chính giữa thân thể, cái chi ở chính giữa sự vật, gọi là tâm, trung tâm, trung tâm điểm.

            Về tinh thần, tâm thường dịch nôm là lòng, nghĩa là:

- Lòng dạ, nỗi niềm cảm động. Như: An tâm, loạn tâm, ưu tâm, hỷ tâm.

- Nội: bề trong, đối với ngoại: bề ngoài. Như: Tâm nhãn.

- Chí, lòng cương quyết. Như: nhứt tâm, chuyên tâm, tâm lực.

- Ý: Phạn: Citta, tức tâm ý. Như: tham tâm, sân tâm, si tâm, Bồ đề tâm: Bodhicitta.

- Thức: Phạn: Vijnna tức tâm thức. Như trong Bát thức: Tám thức, người ta thường gọi các thức A lại da là tâm.

- Trí, tức trí thức, Tâm trí. Như: Phàm tâm, Vọng tâm, Thánh tâm, Phật tâm, Chơn tâm.

- Cái linh giác chung của: chúng sanh, vạn vật, vũ trụ, tức là tâm linh, thần hồn. Như trong Niết Bàn Kinh, quyển 34, Phật phán: Những chúng sanh ở đời làm thiện hoặc làm ác, khi xả thân, thì Tứ đại đều tan rã hư hoại. Lúc ấy, người nào đã làm Nghiệp thuần thiện thì cái tâm đi lên, kẻ nào đã làm nghiệp thuần ác, thì cái Tâm đi xuống.

- Căn bổn, chỗ phát sanh, chỗ trụ cốt. Như: tâm địa tâm vương.

- Tánh, tức tâm tánh. Như: tâm bình, tâm trực.

- Chỗ bí mật. Như: tâm sự, tâm truyền. Tâm đối với: sắc, trần, cảnh, thân. “

Tôi nghĩ rằng chắc Quý Vị cũng giống như tôi, trong cuộc sống hàng ngày, có những lúc mình thích có cái này, có cái nọ đến độ như tham lam, có những lúc mình thấy bực tức, oán hờn, ghen tị, sợ hãi, vui vẻ … Những lúc này thật khó cho mình có thể bình tâm mà chăm chú vào một việc gì khác được vì đầu óc mình nó còn ở đâu đâu. Cũng chỉ là vì cái “Tâm”( hay nôm na ra là lòng dạ) của mình nó đang lăng xăng ở đâu đâu nên khó lòng mà mình sống thật yên ổn bên trong được. Nếu mình gọi đó là cái “Tâm”, vậy thì “Tâm” trong Ðạo Phật là gì và “nó” đang ở đâu? Câu hỏi này không dễ gì mà trả lời được.

Tác giả Phạm Công Thiện đã viết về “Tâm” theo quan niệm Phật Giáo như sau:  “Cái Tâm là cái gì?

Chúng ta thường nói rằng mọi sự đều do tâm tạo ra. Điều này lại càng chính xác hơn nữa, nếu chúng ta đừng bao giờ đồng nhất và đồng hóa với cái bản ngã hay cái "tôi" nội tại của chính mình. Hiểu được tâm là gì chính là điều khó khăn nhất trong những điều khó khăn nhất của kiếp người. Cái lòng của mình hay cái lòng của người đời không phải là chuyện dễ hiểu như chúng ta thường tưởng như vậy. Đừng bao giờ tự nhận rằng mình tự hiểu cái lòng mình hay hiểu được lòng người; có ý thức trọn vẹn như vậy thì mới có khả năng tạ ơn, ngưỡng mộ, và tôn kính tất cả những gì khó khăn và khó hiểu nhất hiện nay. Mỗi khi mình vừa tìm cái tâm thì tâm đã đi mất rồi. Tâm không phải là cái mà mình có thể đạt tới được trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Điều bí mật lạ thường là cái tâm không ở thời gian và không ở trong không gian mà vẫn bừng sáng liên tục.

Điều đầu tiên cần hiểu về cái tâm là cái tâm không là một cái gì cả mà tâm lại không là hư vô. Nói về bản chất hay về tính thể của cái tâm là tạm dùng danh từ dễ hiểu để gọi một cái không hề giống như cái mình tưởng nhận lầm lạc. Nói theo danh từ Phật Pháp thì tâm không có tự tính, vì không có tự tính (vô tự tính) nên không có thực thể, không có hữu thể. Tâm là Không Tính mà Không Tính lại chính là Tâm. Điều cuối cùng cần nhớ thường trực: cái Tâm vốn là trống trải, trong veo, sáng ngời, vô ngại, thông đạt. Sự trống rỗng ở đây không phải là không có gì cả mà lại biết được tất cả, sáng và sướng đồng lúc.”

Tôi xin trích một đoạn viết về cái “Tâm” trong Tạng Thư Sống Chết dưới đây:

.”… Lúc đó tôi chừng chín tuổi. Thầy tôi gọi tôi đến và bảo tôi ngồi trước mặt ông. Chỉ có hai thầy trò chúng tôi. Thầy tôi bảo:

- Bây giờ ta sẽ khai thị cho con về bản lai diện mục của tâm.

Cầm cái chuông và trống tay nhỏ lên, thầy triệu thỉnh tất cả những bậc thầy trong hệ truyền thừa, từ Phật nguyên thủy trở xuống đến bậc thầy của chính thầy. Rồi thầy bắt đầu khai thị. Bỗng chốc thầy ném vào mặt tôi một câu hỏi không thể trả lời:

- Tâm là gì?

Thầy nhìn xoáy sâu vào mắt tôi. Tôi hoàn toàn kinh ngạc. Tâm tôi tan ra. Không còn ngôn từ, tên gọi, ý tưởng nào ở lại – Không có tâm nào hết, quả thế. Cái gì xảy ra trong giây phút đầy kinh ngạc ấy? Những ý niệm quá khứ đã chết, tương lai chưa đến; dòng tư tưởng của tôi bị cắt ngang đột ngột. Trong cú sốc đó một khoảng trống mở ra, trong khoảng trống ấy chỉ có một giác tính tuần túy trực tiếp về hiện tại, một cái gì hoàn toàn vượt ngoài mọi bám víu chấp thủ. Giác tính ấy đơn giản, sơ nguyên và căn để. Tuy vậy sự giản đơn thuần túy đó cũng tỏa sáng đầy sự ấm áp của một niềm bi mẫn bao la.

Biết bao nhiêu điều tôi có thể nói về giây phút ấy! Thầy tôi rõ ràng đang đặt cho tôi một câu hỏi, nhưng tôi biết thầy không chờ đợi một câu trả lời. Tôi chưa săn tìm giải đáp thì đã thấy rằng không có giải đáp nào có thể tìm kiếm. Tôi ngồi thộn ra trong kinh ngạc, nhưng trong khi ấy một niềm tin vững chắc sâu xa sáng chói tôi chưa từng biết đến, đang dâng tràn trong tôi.

Thầy tôi đã hỏi: “Tâm là gì?” và vào lúc ấy tôi tưởng chừng ai cũng biết rằng, không có chuyện có hiện hữu một cái tâm nào cả, làm sao tôi có thể tìm ra. Vậy, dường như đi tìm tâm thực là phi lý. Sự khai thị của thầy tôi đã gieo một hạt giống sâu xa trong tôi. Về sau tôi mới biết đấy là phương pháp khai thị được dùng trong truyền thống chúng tôi. Tuy nhiên, vì lúc đó tôi không biết, mà những gì xảy ra có vẻ hoàn toàn bất ngờ, và do đó càng kinh hoàng mãnh liệt.”

http://www.pbase.com/tamlinh/image/31974413

Như vậy có phải rằng ta chỉ có thể cảm nhận được cái “Tâm” của ta mà thôi?  Làm sao mà cảm nhận được cái “Tâm” của mình nhỉ?

Khi tôi đã trên 40 tuổi, có lắm lúc tôi thấy rất mệt mỏi, buồn bực, lo âu, đời đầy áp lực …Tôi muốn ngủ mà ngủ cũng chẳng được vì đầu óc bị căng thẳng. Tôi không muốn uống thuốc ngủ và một người bạn đã chỉ cho tôi cách thực tập Transcendental Meditation: mình phải cố gắng làm sao cho đầu óc ngăn chặn được những ý nghĩ đến liên tục trong đầu óc để hy vọng là mình không còn phải vướng bận gì nữa (blank out the mind). Những khi tôi làm được như vậy, tôi thấy như được tiếp sức bởi một luồng energy sảng khoái, đầu óc tôi trong sáng và nhẹ nhàng, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay và khi tôi ngủ dậy, tôi thấy rất khỏe khoắn , giống như cái “battery” được “fully recharged “vậy . Tuy nhiên, cũng có lúc tôi không thể “concentrate” nổi để chặn đứng những ý tưởng đang khởi niệm trong đầu óc vì tâm trí tôi bất an , lòng dạ rối bời và khi ngủ dậy, tôi cảm thấy mệt mỏi.

Tới tuổi 50, tôi đi dự khóa Thiền của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Cách Thiền rất là đơn giản: trong một căn phòng tĩnh mịch, ngồi trên một cái gối (Tọa Cụ), hai chân xếp lên nhau (thế Kiết Già), mắt lim dim và bắt đầu đếm hơi thở (Thí dụ: 1 là thở vào, 2 là thở ra, 3 là thở vào, 4 là thở ra …Ðếm đến 100 thì lại bắt đầu đếm lại từ đầu…). Thực tập theo lối này (Thiền Chánh Niệm, Mindfulness Meditation) tôi thấy đơn giản, dễ dàng và nhẹ nhàng hơn vì tôi không phải luôn luôn cố gắng xua đuổi ý nghĩ trong đầu gì hết. Ngồi đếm hơi thở, tự nhiên con người từ từ mang phần hồn (tâm trí) về lại với phần thân xác vì đầu óc chỉ chú trọng tới việc đếm hơi thở mà thôi. Khi tâm trí mình an trú trong thân xác, người ngồi Thiền đạt được Chánh Niệm (Mindfulness) và tự nhiên mình biết mình đang làm gì, đang ở đâu mà không còn suy nghĩ vẩn vơ nữa.  Tiếp tục thực tập lối Thiền Thở này, con người sẽ sống trong tỉnh thức (Self awareness) ,  biết mình đang làm gì, đầu óc đỡ bị rối bời hơn  và có thể tự kiềm chế được lòng mình…

Tôi đã thực tập Thiền theo lối này được hơn 10 năm. Mỗi lần Thiền như vậy, tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng bên trong và tôi có thể tự ý mang ra những xúc cảm như vui, buồn, sầu, lo, ai oán … để đối diện với chúng rồi tôi có thể tìm ra những nguyên do tại sao tôi lại có những cảm xúc (feelings) như vậy. Những hôm khí hậu tốt và tôi có thì giờ rảnh rỗi, tôi đi bộ (Thiền Hành) trong những nơi thanh vắng. Tôi đã từng ngồi đối diện với chính tôi bên dòng nước, trong công viên, trong căn phòng… Những lúc này, tôi chỉ muốn được “totally left alone” để tự mình ngồi “soi bóng” chính mình tôi mà thôi. Có lẽ đây là những giây phút mà tôi hằng ao ước để thấy đời thanh thảng,  không vướng bận vào bất cứ việc gì để rồi bất chợt tôi “thấy” được nhiều điều mà tôi đã hằng muốn biết trong nhiều năm qua .

Có những đêm, sau khi ngồi chấm bài hay soạn bài, nếu không ngồi Thiền trước khi đi ngủ, và khi tôi thiếp đi, tôi thấy đầu óc tôi chứa đầy các dòng chữ, các con số và nhiều thứ đã làm tôi bận tâm trong ngày hôm đó.. .Buổi sáng sau khi thức dậy, tôi cảm thấy lừ đừ, mệt mỏi vì giấc ngủ của tôi bị “phân tâm”. Nếu tôi ngồi Thiền trước khi đi ngủ -chỉ cần 15 phút mà thôi-, tôi ngủ một giấc thật ngon, không hề thấy các dòng chữ, các con số ... trong giấc ngủ và tôi cảm thấy khỏe khoắn khi tỉnh dậy.

Trong đời dậy học, tôi cũng đã thấy một số sinh viên khi thi  Term Test (Thi trong Niên Khóa) hay Final Exam (Thi tổng quát cuối Niên Khóa) thường hay bị “nervous” (lo quýnh lên) đến nỗi có người đầu óc của họ đã quên hết và không còn nhớ được điều gì đã học nữa (blank out) . Rút tỉa từ kinh nghiệm này, tôi chỉ cho họ cách ngồi đếm hơi thở ở ngay trong lớp học: Thở vào một hơi thật sâu (thở vào bụng!) và từ từ thở ra cho tới khi bụng xẹt xuống. Chỉ cần “Thiền Thở” như vậy 5 phút mà thôi. Học trò tôi rất ưng ý với phương pháp này.

Sinh viên trong Phân Khoa Kỹ Thuật của chúng tôi cũng thường phải qua các “job interview” trong các “Co-op Term” (Trong Cá Nguyệt này, học trò đi làm thay vì đi học) hay khi đi xin việc làm sau khi đã ra trường. Ðể tránh cái vụ “feeling nervous” (lo “cuống đì!”), tôi khuyên họ nên “Thiền Thở” trong khi chờ phiên họ được “interview”. Họ thấy được an tâm hơn trong lúc chờ đợi và khi họ được “interview”, họ đã “perform much better” (ăn nói lưu loát và có vẻ tự chủ hơn) vì họ thấy rất bình tĩnh và tự chủ, tự tin trong lúc “job interview”.

            Trong 5 năm cuối trước khi tôi về hưu, tôi thường phải lái xe mất ít nhất 45 phút trên xa lộ mỗi lần đi và mỗi lần về. Có những buổi chiều, trên đường về trong xa lộ, tôi thấy mệt đừ sau một ngày làm việc mà mặt trời còn chiếu thẳng vào mặt tôi và xe cộ chạy rầm rầm xung quanh tôi nữa. Tôi hay nhìn đồng hồ và tự nhủ:

-         Trời ơi, còn những 30, 20, 15 ... phút nữa mới tới nhà sao?

Xe cộ càng ngày càng đông làm tôi thấy “nervous” và mệt nhọc hơ n (đó là chưa kể đến những hôm trời bão tuyết hãi hùng!). Tôi nhớ ngay ra cách thức “Thiền Thở” và áp dụng liền: vừa lái xe và để ý tới cái “lane” của tôi, vừa tiếp tục đếm hơi thở ngay trong lúc lái xe. Thật là nhiệm mầu: tôi về đến nhà lúc nào không hay mà tôi chẳng còn thấy mệt mỏi gì nữa vì tôi đã hít được nhiều Oxygen vào trong cơ thể do đó các bắp thịt của tôi trở nên thư giãn hơn!

            Tôi chẳng biết tôi đã kiếm ra được cái Tâm của tôi hay chưa, có điều tôi biết rất rõ là tôi ngủ rất dễ, giấc ngủ rất ngon và tôi ngủ một mạch cho đến sáng luôn. Lâu lâu, tự nhiên tôi “thấy” rõ được những ý tưởng mà ngày xưa tôi chưa hề “thấy rõ” được chúng mặc dù là tôi đã từng đi tìm kiếm trong nhiều năm.  Tôi xin chép vào đây vài vần thơ tôi ghi lại trong một đêm tỉnh giấc sau khi tôi ngồi Thiền rồi ngủ thiếp đi.

MỘNG THƯỜNG

Nửa đêm về sáng

Tự trong cơn mơ

Tôi thức giấc

Viết bài thơ nàỵ

Có những giấc ngủ say

Và đầy mộng mị

Tôi không thấy kinh dị,

Không vui mà cũng chẳng buồn.

Không sầu, không lo,

Không thương, không tiếc.

Tôi không nghe thấy tiếng mình nói

Mà chỉ lắng nghe trong tĩnh lặng.

Tôi đã được trở về

Như một đứa trẻ thơ:

Cali, Sài Gòn, Hà Nội, Sydney…

Gặp Cha, thăm Mẹ

Và rất nhiều người thân

Mà đã ra đi vĩnh viễn từ lâu.

Gặp nhau không âu sầu,

Không nhớ, không thương.

Tôi chỉ muốn luôn luôn

Được sự êm đềm

Trong Mộng Tưởng.

Giấc mộng không vấn vương

Giấc mộng bình thường.

Đời vui, đời buồn,

Đời vời vợi,

Đời nhiều vấn vương,

Đời đầy áp lực

Đè nặng con người,

Đi vào Tâm Thức.

Khi Đời lắng xuống

Trong giấc ngủ hồn nhiên

Hay trong lúc ngồi Thiền

Tôi cảm thấy …

Đời người như sợi tơ trời

Nhiều sắc, nhiều mầu

Bập bềnh

Trong Không Gian, Vũ Trụ

Biến đổi không ngừng

Theo thời gian và không gian.

Giấc ngủ nhẹ nhàng hơn

Là phải sống

Trong Cõi Chết

Của đời sống

Văn Minh, Máy Móc

Hàng ngày.

Vô Không Sept. 1996

http://www.pbase.com/tamlinh/image/32398951

Xin Quý Vị lượng thứ bỏ qua cho những gì mà tôi viết làm nhàm tai Quý Vị. Cũng xin cám ơn Quý Vị đã kiên nhẫn đọc những dòng chữ này.  Xin chúc Quý Vị được Thân Tâm An Lạc

Tài liệu tham khảo:

            1. Intelligent Quotient: Encyclopedia Article

http://encarta.msn.com/encyclopedia_761570026/Intelligence.html#p26

            2. Multiple Intelligences

http://www.thomasarmstrong.com/multiple_intelligences.htm

            3. Emotional Intelligence

http://www.funderstanding.com/eq.cfm

            4. Spiritual Intelligence by Khalil S. Khavari, Ph.D.

http://www.wmpub.ca/khavari.htm

            5. Phật Học Tự Ðiển Ðoàn Trung Còn

http://www.vietshare.com/tusach/tudienph.asp

            6. Tinh Tuý trong sáng của Ðạo Lý Phật Giáo

Những Lời dạy thực tiễn của Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng.  Tác giả: Phạm Công Thiện - Viên Thông California Xuất Bản 1998

http://www.thuvienhoasen.org/tintuytrongsang-00.htm

            7.Tạng Thư Sống Chết

The Tibetan Book Of Living And Dying.  Sogyal Rinpoche - Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch. Nhà xuất bản Thanh Văn Hoa Kỳ 1992 và Nhà xuất bản Xuân Thu Hoa Kỳ 1996

http://www.thuvienhoasen.org/tangthusongchet

CVA Ðàm Trung Phán

Feb 29, 2005

Mississauga, Canada

* * *

Đại Cương Về Thái Cực Quyền (Tai Chi)

CVA Trần Ngọc

I. ĐỊNH NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC CỦA THÁI CỰC QUYỀN.

Thái Cực Quyền hiện nay được biết đến như  là một môn thể dục dưỡng sinh trị liệu tốt, phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Hàng triệu triệu người đã hăng say tập luyện Thái Cực Quyền. Không kể Trung Hoa là nơi đã xuất phát ra Thái Cực Quyền, các nước như Nhật Bản, Âu Châu và nhất là Hoa Kỳ đã xem Thái Cực Quyền như một phương pháp tập luyện để dưỡng sinh, thư giãn tâm hồn và chống căng thẳng thần kinh (stress). Thật vậy, Thái Cực Quyền đã giúp trị được nhiều bệnh mãn tính của cơ thể con người mà nhiều khi không cần đến thuốc men, cũng như làm giảm những bệnh ngoại cảm thời khí, và đặc biệt làm chậm tiến trình lão hóa nơi những người lớn tuổi.

Hai chữ  “Thái Cực ” được dịch từ hai chữ “Tai Chi” của Trung Hoa. “Tai” nghĩa là mênh mang rộng lớn, “Chi” nghĩa là tuyệt cao tuyệt đỉnh. Tai Chi hay Thái Cực nghĩa là nguyên lý tột cùng của vũ trụ, là đầu mối nguyên thủy của vũ trụ. Theo kinh dịch, vũ trụ lúc đầu là khoảng trống không gọi là Thái Cực, sau Thái Cực phân thành Lưỡng Nghi (Âm Dương). Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng (Thái Dương- Thiếu Âm -Thiếu Dương- Thái Âm) và Tứ Tượng sinh Bát Quái (Kiền- Đoài- Ly- Chấn- Tốn- Khảm- Cấn- Khôn). Đến giai đoạn Bát Quái là vũ trụ được hình thành cùng với sự sống của sinh vật trên trái đất. Còn chữ  “Quyền” là dịch ở chữ “Chuan” của Trung Hoa.

Theo võ sử Trung Hoa thì môn Thái Cực Quyền được sáng tạo vào thế kỷ13 bởi Đạo Sĩ  Trương Tam Phong (Chang Sen Feng), người đồng thời sáng lập ra môn phái Võ Đang.  Nhân một hôm đang luyện tu trên núi, chân nhân Trương Tam Phong thấy một cuộc chiến đấu giữa con rắn và con chim ưng. Chim ưng dùng cánh, mỏ và móng vuốt cứng để mãnh liệt tấn công con rắn, nhưng rắn với sự chuyển mình uyển chuyển đã hóa giải được tất cả các thế đánh của chim ưng khiến chim ưng không làm gì được và phải bay đi. Từ cuộc chiến giữa rắn và chim ưng, Trương Tam Phong đã nghiên cứu và nghĩ ra một môn võ công phối hợp với  triết lý của Đạo Gia, có âm có dương và dùng nhu khắc cương, đặt tên là Thái Cực Quyền (Tai Chi Chuan). Môn võ Thái Cực Quyền tỏ ra là một môn võ công tuyệt thế trong giới võ lâm hồi bấy giờ khiến môn phái Võ Đang nổi tiếng gần như ngang hàng với môn phái Thiếu Lâm đã có từ ngàn năm, và Thái Cực Quyền đã được truyền lại qua nhiều đời tại Trung Hoa. Cho đến nay có năm trường phái Thái Cực Quyền nổi danh nhất do các Đại Quyền Sư họ Trần, Dương, Ngô, Võ, Tôn đã vận dụng sáng tạo và biến cải thành môn võ đặc thù riêng của hệ phái mình và được truyền lưu cho hậu duệ. Về tính cách phổ thông thì Thái Cực Quyền họ Dương được coi như  được biết đến nhiều nhất  và được nhiều người trên thế giới luyện tập nhiều nhất. Về phương diện võ thuật  thì  tuy các chiêu thức  của mỗi hệ phái có biến cải đôi chút trong phương thế  và bộ vị, có thay đổi trong tên gọi và số lượng chiêu thức, nhưng tựu trung vẫn cùng tôn trọng những  nguyên lý căn bản .

II. NGUYÊN LÝ CĂN BẢN CỦA THÁI CỰC THIỀN QUYỀN.

Nói một cách tổng quát, Thái Cực Quyền vận dụng nguyên lý phối hợp Âm Dương, nên các động tác đều chậm rãi, khoan thai, uyển chuyển và có hư có thực, như thế mới phát triển được cái lẽ dùng  nhu để thắng cương hay cái lẽ có cương ở trong nhu.

Giáo sư Nguyễn Cao Thanh, giảng sư Đại học Rice ở Houston TX, gần 20 năm qua, sáng lập và giảng dạy nhiều lớp Thái Cực Quyền theo hệ phái của Dương Gia tại Houston, đã đem những tinh hoa của nền văn hóa và triết lý Đông Phương vào phương pháp giảng dạy, để phối hợp những tư tưởng  hay của Đạo gia, Phật gia, Y lý đông tây và khoa học vào trong võ học. Do đó  những lớp học do Giáo Sư  giảng dạy đã được gọi là Thái Cực Thiền, thay vì Thái Cực Quyền. Khi dùng chữ Thiền, phải  chăng Giáo Sư muốn các môn sinh của mình chủ yếu dùng  sự tu tâm làm chỉ đạo cho sự tập luyện quyền pháp?

Sự hiến thân cao quý và vô vị lợi lâu dài của Giáo Sư  trong việc giảng dạy và phổ biến Thái Cực Thiền tại Houston TX trong nhiều năm qua, đã được Tổng Tống Hoa Kỳ George W. Bush biết đến và Tổng Thống đã gửi đến cho Giáo Sư Thanh một lá  thư khen ngợi, cám ơn và chúc lành nhân dịp lễ Thanksgivings 2003 vừa qua.

Theo tài liệu giảng dạy của Giáo Sư Thanh, có 13 yếu quyết chính cần phải tôn trọng trong lúc luyện tập Thái Cực Thiền. Những yếu quyết này xin được tóm lược như sau:

1) An thư diện mục.

Người tập Thái Cực Quyền lúc nào cũng phải  giữ nét mặt điềm đạm, an vui và thư thái, theo đúng lẽ hư vô của triết thuyết  Lão Tử.  Có biết được  lẽ hư vô thì tâm hồn mới thoát ra được khỏi những tham sân si và  hỉ nộ ái ố tầm thường của thế nhân. Khi có được sự an vui thư thái thì những sự căng thẳng (stress) của thần kinh sẽ giảm  và cơ thể sẽ ít bệnh tật. An thư diện mục ảnh hưởng  đến hai cơ quan nội tạng  là Tuyến Tùng Quả ở sâu trong não và  Hung Tuyến  ở  trong lồng ngực. Hai tuyến này đều tiết ra kích thích tố  giúp tăng cường hệ thống miễn nhiễm và giảm mức nhũ toan trong máu, giúp tăng cường sức khỏe.  Trên phương diện tâm linh, an thư diện mục giúp con người biết gần gũi và thương yêu nhau để tạo nên một gia đình và một xã hội hiền hòa, bền vững và hạnh phúc.

2) Dũ mạn dũ hảo.

Dũ mạn dũ hảo là càng chậm càng tốt. Khi các động tác chậm rãi thì chiêu thức được chính xác, sự hô hấp sâu lắng và khí trầm nơi đan điền. Dũ mạn dũ hảo ảnh hưởng trực tiếp đến làn sóng não, với tần số não phát ra thật thấp từ 8 đến 12 chu kỳ (hertz) khiến  tâm hồn được thư giãn và thần kinh không còn bị căng thẳng (stress). Nội dung là lấy tịnh cai quản động nên nhịp tim chậm lại, khí huyết trao đổi trọn vẹn nơi từng tế bào trong cơ thể giúp lục phủ ngũ tạng được an lành. 

3) Tương liên bất đoạn.

Các động tác của Thái Cực Quyền cần diễn ra từ đầu tới cuối triền miên không ngừng, như dòng nước luân lưu chảy. Chiêu thức này tiếp theo chiêu thức kia, vòng đi rồi lại trở về, tuần hoàn thao thao bất tuyệt. Kình lực cũ chưa hết mà kình lực mới đã sinh, khiến vòng quyền thức không có chỗ nào sơ hở. Sinh khí triền miên sẽ khiến cho nội tâm an vững, nhịp tim đều hòa, làm gia tăng sức chịu đựng của cơ thể và  làm điều hòa mức cholesterol trong cơ thể.

4) Hư linh đỉnh kình.

Hư  linh là để khí huyết tự nhiên lưu thông, không gò ép. Đỉnh kình là đầu cổ ngay thẳng so với sống lưng, để tinh thần sâu suốt trên đỉnh, linh hoạt và dễ tập trung, đối phó thích ứng với biến động bên ngoài. Hư linh đỉnh kình phù hợp với khoa chỉnh hình (chiropractic), nghĩa là giữ  cho cột sống ngay thẳng, không bị lệch nhưng vẫn xoay trở được uyển chuyển. Xương sống bị lệch sẽ đè lên dây thần kinh khiến năng lượng do não bộ phát ra không tới được các lục phủ ngũ tạng và  cơ thể có nguy cơ bị bệnh.

Hư linh đỉnh kình chính là phương pháp giúp cả cho hai  sức mạnh thể chất và tinh thần được dồi dào.

5) Chân biệt hư thực.

Thái cực Quyền lấy sự phân biệt âm dương hư thực là điều quan trọng hàng đầu. Nếu trọng lượng toàn thân dồn về chân phải, thì chân phải là thực (dương) và chân trái là hư (âm). Ngược lại, nếu trọng lượng dồn về chân trái, thì chân trái là thực và chân phải là hư. Cũng còn gọi là bán khinh bán trọng và điều cần nhớ  là trọng tâm của thân thể cần đặt ở điểm 1/3 trong khoảng cách giữa hai chân về phía chân mang trọng lực “dương”. Nói cách khác, sức nặng toàn thân dồn 2/3 trên chân “thực” và 1/3 trên chân “hư”.  Điều  này cũng phù hợp vói nguyên lý của lực học. Có phân biệt hư thực thì sự chuyển động mới vững vàng, nhẹ nhàng và linh hoạt, không phí phạm sức lực.

6) Hàm hung bạt bối.

Hàm hung là ngực thẳng và hơi thóp vào để khí lắng xuống đan điền. Rất kỵ ngực nhô ra vì như thế sẽ hạ bàn nhẹ đi, mất thăng bằng.  Bạt bối là khí ẩn sát trong lưng khiến kình lực phát ra rất mạnh, đó là ý nghĩa của câu nói “ bốn lượng đẩy nghìn cân”.

7) Thung dung yêu bối.

Thung dung yêu bối là eo lưng buông lỏng, khiến cơ thể xoay chuyển nhẹ nhàng và cân đối trên một hạ bàn vững chắc. Eo lưng nhịp nhàng làm cho cột xương sống uyển chuyển, cải thiện chức năng của lục phủ ngũ tạng.

8) Trầm kiên trụy chẩu.

Trầm kiên là hai vai buông thõng tự nhiên khiến khí lắng trầm, toàn thân di động nhẹ nhàng. Trụy chẩu là hai cùi chỏ không căng thẳng mà hướng xuống, để bảo vệ huyệt trên đường kinh tim ở vị trí nách, nếu bị tấn công sẽ nguy đến tính mạng.

9) Dụng ý bất dụng lực.

Nguyên lý của Thái Cực Thiền là dùng ý không dùng lực. Ý động trước rồi khí động sau, mà khí đến thì lực đến.  Hãy tạm ví thân thể người ta như  một giải đất có mương rãnh. Nếu mương rãnh không nghẽn thì nước xuôi chảy. Cũng như thế, thân thể ta nếu kinh lạc không tắc thí khí thông, khí thông thì máu huyết luân lưu không chướng ngại và cả tâm thân sẽ mạnh khỏe  hài hòa.  Nếu dụng lực mà không dùng ý thì kình lực sẽ tụ đầy kinh lạc, khiến kinh lạc bị đình trệ và khí huyết không trôi chảy, cơ thể  không linh hoạt và mất tiềm năng của sức mạnh.

10) Thượng hạ tương tùy.

Thượng hạ tương tùy là trên dưới theo nhau, nghĩa là  tâm ý, động tác và hơi thở cần phối hợp chặt chẽ khi tập Thái cực Thiền. Khi cả ba yếu tố phối hợp thì sẽ vận chuyển được hai mạch nhâm đốc và nhãn thần sẽ theo đó mà động để đạt được nội ngoại tương hợp. Đó là điều rất cần cho công thủ và tiến thoái.

11) Khắc khắc minh tân.

Cuộc đời luôn luôn đổi mới từng giờ từng phút, từng tháng từng ngày nên những người tập Thái Cực Thiền cũng phải uốn nắn tâm linh và thể xác cho hợp vói sự thay đổi của bên ngoài. Nhờ sự tu luyện, thân tâm sẽ giúp thiền sinh đổi mới cuộc đời của mình theo chiều hướng tốt đẹp.

12) Thân tâm thanh tịnh

Thiền Sinh cần phải tịnh tâm để thân được thư giãn và hồn được lắng đọng, tránh khỏi những vọng động do lòng tham muốn tầm thường gây nên. Bản tâm con người ai cũng thanh tịnh nhưng thường bị vô minh, vọng niệm che khuất nên không trực ngộ được. Hãy hòa mình vào vũ trụ, vói chúng sinh để tất cả là một thì sẽ được hưởng niềm vui vô hạn.

13) Hiện tại an trụ.

Khi luyện tập, Thiền Sinh phải tập trung vào tâm ý và động tác, chỉ biết hiện tại là thực, tạm quên  quá khứ và tương lai vì quá khứ và tương lai chỉ là ảo vọng, xa khỏi tầm tay. Có tập trung tinh thần vào hiện tại, thì mới thể hiện được tâm Thái Cực và tâm Hư Vô, để kết tụ được âm dương chỉ thị nhất khí. Thiền Sinh đồng nhất với Thái Cực, với tha nhân, với chúng sinh, với vũ trụ, với Đạo, thấu triệt lẽ tương đối của thời gian và không gian, để thung dung bơi lội trong dòng sông của hiện tại vô thủy vô chung.

III. QUÁN NIỆM VỀ HƠI THỞ

 Mỗi khi bắt đầu luyện tập Thái Cực Thiền, phải hô hấp trước đủ 16 lần và hô hấp theo phương pháp sau đây, được diễn giảng bởi Giáo Sư Thanh.

  • Đứng với hai bàn chân song song, rộng ngang vai, hai đầu gối chùng xuống, miệng ngậm, đầu lưỡi khẽ chạm vào hàm ếch trên, mắt hơi nhắm.
  • Giữ lưng thẳng, hai tay xuôi theo hai bắp vế với đầu ngón cái chạm đầu ngón tay giữa, lòng bàn tay hướng ra sau.
  • Thở bằng bụng, khi hít vào thì thóp bụng vô và nhón hậu môn lên, khi thở ra thì phình bụng và nhả hậu môn.

Giải thích:

  • Đầu lưỡi đụng hàm ếch trên là tim phổi liên hệ đến hung tuyến (Thymus gland), cũng như đầu ngón tay cái chạm đầu ngón tay giữa là phổi  liên hệ đến tâm bào.
  • Thở bằng bụng là bắt chước theo Thai tức, bắt chước theo tiên thiên hô hấp của thai nhi trong bụng mẹ. Khi thở ra, phình bụng và nhả hậu môn là cho khí hậu-thiên ra ngoài, còn khí tiên-thiên thì giữ lại, cho chạy từ  hoành cách mô  xuống đến đan điền (huyệt nằm chừng một inch dưới rốn), rồi tới vĩ lư là đốt xương cuối cùng của cột sống. Khi hít vào, thót bụng lại và khép hậu môn, là cho khí tiên-thiên đi trở lên hoành cách mô để hợp với khí hậu-thiên, thành khí Thái cực. Thở theo thai tức lâu năm thuần thục sẽ chuyển thành qui tức, thở như rùa sống tới 150 tuổi. Phương pháp thở này dĩ nhiên cũng cần được áp dụng trong lúc luyện tập. Nguyên lý Dũ mạn dũ hảo giúp hơi thở hòa hợp  với động tác.

Quán niệm  của 16 hơi thở.

            Mỗi hơi trong 16 hơi thở mang một ý nghĩa, một quán niệm riêng. Hơi thở 1: thực tại khổ đau của kiếp người. Hơi thở 2:  “không”. Hơi thở 3: vô thường. Hơi thở 4: vô ngã. Hơi thở 5:  “từ”. Hơi thở 6:  “bi”. Hơi thở 7:  “hỉ”. Hơi thở 8: “xả”. Hơi thở 9: “tri túc”. Hơi thở 10:  “vô úy”. Hơi thở 11: khắc khắc minh tân. Hơi thở 12: hiện tại an trụ. Hơi thở 13: “thường”. Hơi thở 14: “lạc”. Hơi thở 15: “ngã”. Hơi thở 16:  “tịnh”.

Cước chú: Trong khi đếm hơi thở 15 thì tự nhủ “ tôi sẽ đếm hơi thở 16”. Sau hơi thở 16, bật tách đầu ngón tay cái và giữa, mở mắt ra và thầm nói” tôi đã được hoàn toàn an vui khỏe mạnh rồi”.

Trên đây là phương pháp thở được áp dụng bởi  Thái Cực Thiền- Sinh-Hội ở Houston TX. Phương pháp  thở này gọi là Reversed breathing. Còn một phương pháp thở khác, cách thức cũng như trên, chỉ khác là khi hít vào thì phình bụng và khi thở ra thì thóp bụng. Phương pháp thở này giống như  cách thở bình thường, gọi là Natural breathing. Điểm quan trọng giống nhau là cả hai phương pháp đều thở bằng bụng (abdomen, belly) và hơi thở phải vận chuyển phù hợp với động tác. Khi động tác tay chân có tính cách thu hay co thì hít vào và khi động tác có tính cách phóng hay đẩy thì thở ra. Theo nguyên lý thái cực âm dương, khi thu hay co vào là “âm” và khi phóng hay đẩy ra là “dương”.

VI. LỢI ÍCH CỦA THÁI CỰC QUYỀN

Luyện tập Thái Cực Thiền đúng phương pháp, lâu dài và thường xuyên sẽ giúp trị được rất nhiều tật bệnh, có thể kể như bệnh phong thấp, bệnh tiểu đường, bệnh đau bao tử, bệnh viêm khớp, viêm cuống phổi, bệnh hen suyễn, bệnh về tim mạch như cao máu, cao cholesterol... và có thể ngay cả những bệnh về tâm thần như bệnh mất ngủ, mất trí nhớ, bệnh trầm cảm (depression).v.v...Áp dụng yếu quyết “dũ mạn dũ hảo” trong lúc tập, các hoạt động của cơ thể đều an hòa và chậm lại, khiến các Stress hormones (ví dụ như Adrenaline của Nang thượng Thận) sẽ không tiết ra quá mức bình thường để trở thành độc tố có hại cho cơ thể. Do đó chúng ta được sẽ khỏe mạnh và mau bình phục nếu có bệnh.

Xin đơn cử  kết quả của một vài  cuộc thí nghiệm về việc tập luyện Tai Chi:

  • Năm 1998, cơ quan Wushu Research Institute ở Bắc kinh đã làm cuộc thí nghiệm trên hai nhóm người: nhóm không tập Tai Chi và nhóm tập Tai Chi từ  5 năm trở lên. Kết quả như sau: Trong nhóm tập Tai Chi, có sự tăng trưởng về làn sóng não Alpha (làn sóng thư giãn 8 – 12 hertz). Mức serum cholesterol giảm và kết quả dương tính trên nhịp tim điều hòa. Những người có bệnh động mạch tim, tập Tai Chi đều có dấu hiệu hoặc bớt hoặc khỏi bệnh rất khả quan.
  • Năm 1992,  Department of Physical Education của Đại học  Shizuoka ở Nhật bản cho biết Tai Chi là bộ môn thể dục lý tưởng về Aerobic fitness , rất tốt cho lứa tuổi trung niên và cao niên. Trong lúc tập, sự uyển chuyển co giãn của đầu gối ảnh hưởng đến sự điều hòa của nhịp tim và sự điều hòa hấp thụ về lượng oxygen.
  • Năm 2003, Giáo sư Michael Urwin thuộc Đại Học UCLA Neuropsychiatric Institute đã làm cuộc thí nghiệm: trong số 36 người cao niên, một nửa không tập Tai Chi và một nửa có  tập Tai Chi trong  15 tuần lễ. Kết quả sau đó là trong cơ thể  người có tập Tai Chi, số tế bào miễn nhiễm chống bệnh “giời leo” (shingles) gia tăng 15% .
  • Gần đây các khoa học gia thuộc các viện Đại học Salk Institute và Princeton University ở San Diego đã nghiệm chứng rằng tập luyện cả Tâm lẫn Thân có thể làm sinh trưởng thêm tế bào thần kinh mới (new neurons) đồng thời kéo dài thêm sự sống của các tế bào não đang có.

        Như vậy chúng ta còn chờ gì nữa mà không tập luyện Tai Chi?

V. 108 CHIÊU THỨC THÁI CỰC THIỀN QUYỀN.

Thái Cực Thiền  do Giáo Sư Nguyễn Cao Thanh giảng dạy thuộc hệ phái Dương Gia gồm có tất cả 108 chiêu thức. Quyền pháp mở rộng mà gọn gàng, thân pháp trung chính, động tác thuận hòa và nhẹ nhàng linh hoạt. Âm dương hư thực phối hợp cân đối và cương nhu rất tương tế, tạo thành một phong cách riêng biệt. Dương Thức Thái Cực Quyền được truyền từ đời Dương Lộ Thiên và hậu duệ (1799- 1872) rồi được kiện toàn  vào các đời của Dương Trừng Phủ  (1838- 1936) và tới thế kỷ thứ 20 thì  được đệ tử Trương Mãn Thanh du nhập vào các nước tây phương và Thái Cực Quyền tức Tai Chi từ đó được phát triển mạnh mẽ trên thế giới và được hàng triệu triệu người nhiệt thành đón nhận và tập luyện.

Sau đây là tên của 108 chiêu thức được sắp xếp theo thứ tự trước sau:

  1. Dự bị thức                         55) Thập tự thủ
  2. Khởi thế                            56) Bao hổ quy sơn
  3. Tiến bộ lãm tước vỹ          57) Tả đơn tiên
  4. Đơn tiên                            58) Hữu dã mã phân thông
  5. Đề thủ thượng thế                        59) Tả dã mã phân thông
  6. Bạch hạc lượng xí             60) Hữu dã mã phân thông
  7. Tả lâu tất ảo bộ                 61) Tiến bộ lãm tước vỹ
  8. Thủ huy tỳ bà                    62) Đơn tiên
  9. Tả lâu tất ảo bộ                 63) Tả Ngọc Nữ xuyên thoa I
  10.  Hữu lâu tất ảo bộ             64) Hữu Ngọc Nữ xuyên thoa I
  11.  Tả lâu tất ảo bộ                65) Tả Ngọc Nữ xuyên thoa II
  12. Thủ huy tỳ bà                    66) Hữu Ngọc Nữ xuyên thoa II
  13.  Tả lâu tất ảo bộ                67) Tiến bộ lãm tước vỹ
  14.  Tiến bộ ban lan chùy        68) Đơn tiên
  15.  Như phong tự bế              69) Vân thủ I
  16.  Thập tự thủ                      70) Vân thủ II
  17.  Bảo hổ quy sơn                71) Vân thủ III
  18.  Chẩu để khán chùy          72) Đơn tiên
  19.  Hữu đảo niện hầu             73) Hạ thế
  20.  Tả đảo niện hầu                74) Tả kim kê độc lập
  21. Hữu đảo niện hầu              75) Hữu kim kê độc lập
  22.  Tà phi                               76) Hữu đảo niện hầu
  23.  Đề thủ thượng thế           77) Tả đảo niện hầu
  24.  Bạch hạc lượng xí            78) Hữu đảo niện hầu
  25.  Tả lâu tất ảo bộ                79) Tà phi
  26.  Hải để châm                     80) Đề thủ thượng thế
  27.  Phiến thông bối                81) Bạch hạc lượng xí
  28.  Chuyển thân phiết thân chùy       82) Tả lâu tất ảo bộ
  29.  Tiến bộ ban lan chùy                    83) Hải để châm
  30.  Thượng bộ lãm tước vỹ   84) Phiến thông bối
  31.  Đơn tiên                           85) Chuyển thân phiết thân chùy
  32. Vân thủ 1                          86) Tiến bộ ban lan chùy
  33.  Vân thủ 2                         87) Thượng bộ lãm tước vỹ
  34.  Vân thủ 3                         88) Đơn tiên
  35.  Đơn tiên                           89) Vân thủ I
  36.  Cao Thám Mã 1.              90) Vân thủ II
  37. Hữu phân cước                 91) Vân thủ III
  38.  Cao Thám Mã 2               92) Đơn tiên
  39.  Tả phân cước                   93) Cao Thám Mã III
  40. Chuyển thân đặng tả cước            94) Đái xuyên chưởng
  41.  Tả lâu tất ảo bộ                95) Chuyển thân thập tự đặng cước
  42.  Hữu lâu tất ảo bộ             96) Tiến bộ chỉ để chùy
  43. Tiến bộ tài chùy                97) Thượng bộ lãm tước vỹ
  44.  Chuyển thân phiết thân chùy       98) Đơn tiên
  45.  Tiến bộ ban lan chùy                    99) Hạ thế
  46.  Hữu đặng cước                100) Thượng bộ thất tinh
  47.  Tả đả hổ                           101) Thoái bộ khóa hổ
  48.  Hữu đả hổ                                    102) Chuyển thân bãi liên
  49. Hồi thân hữu đặng cước   103) Loan cung xạ hổ
  50.  Song phong quán nhĩ.      104) Tiến bộ ban lan chùy
  51.  Tả đặng cước                   105) Như phong tự bế
  52.  Chuyển thân hữu đặng cước        106) Thập tự thủ
  53. Tiến bộ ban lan chùy                     107) Thái Cực Thiền hoàn nguyên
  54. Như phong tự bế.              108) Bái tổ

Đến đây chắc hẳn chúng ta đã có một khái niệm tổng quát về Thái Cực Quyền tức Tai Chi. Sự luyện tập Thái Cực Quyền nếu chỉ căn cứ trên động tác thì có thể nói là chưa đầy đủ và kết quả còn khiêm tốn. Nhưng nếu nghiên cứu và áp dụng đầy đủ 13 yếu quyết cùng quán niệm hơi thở trong lúc tập luyện Thái Cực Quyền (xin xem lại tiết mục II và III) thì kết quả về dưỡng sinh và trị bệnh sẽ hiển nhiên mau chóng và khả quan rất nhiều. Điều cần thiết là phải tập đều đặn và kiên trì. Xin chúc tất cả chúng ta may mắn và thành công.

CVA Trần Ngọc, Houston TX, xuân dương lịch 2004

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu giảng dạy Thái Cực Thiền của G.S Nguyễn Cao Thanh, Trung Tâm Thiền Sinh Hội Sharpstown và Linh Sơn, Houston TX, 2002-2003.

2. Tài liệu “ Tai Chi” thuyết trình bằng Anh Ngữ của B.S. Phạm Tiến tại Harris County Health Department, Houston TX, May 1999)

3. Tạp Chí Psychosomatic Medicine, Sep.03.(Tai Chi bolster shingles immunity) tường thuật bởi W. Whitney)

4. Journal of Martial Arts, Volume 5, 1996 by Robert W. Smith.

5. Thái Cực Quyền toàn tập, Nguyễn Anh Vũ biên dịch

6. Dương Gia Thái Cực Quyền của Thôi Trọng Tam

7.  Kinh dịch nhập môn của Đoàn Văn Thông

8. Cô gái Đồ Long của Kim Dung, dịch giả Từ Khánh Phụng.

9. Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh

10. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức.

          * * *                                                  

 

CVA Lê Xuân Tiếu

1

Trung tuần tháng 8 năm 1950, tôi hồi cư về Hà Nội từ Thái Bình, thủa ấy hoc sinh về thành mỗi ngày một nhiều, trường Chu Văn An được chia làm 2 trường: Một nửa ở lại ở lại trường Ðồng Khánh, gần Hồ Hoàn Kiếm và trường Trưng Vương, đổi tên mới - Trường Trung Hoc NGUYỄN TRÃI.. Một nửa dọn về Cửa Bắc, góc phố Ðỗ Hữu Vị và Quan Thánh vẫn mang tên cũ CHU VĂN AN.

Ngày 25/8/1950, tôi đến Nguyễn Trãi xin chuyển trường từ Trường Trung học Lê Quí Ðôn, Thái Bình với đầy đủ hồ sơ - Khai sinh, học bạ, thẻ học sinh v.v... Sau khi xem hồ sơ, thày Hiệu Trưởng Ðào Văn Trinh giao hồ sơ cho thày Khánh, Giám Hoc giải quyết.

            - Trường hợp này sẽ nhiều, mình có đủ lớp để nhận không? Thầy Trinh hỏi.

            - Giáo sư của mình cũng về từ hậu phương, nếu chỉ nhận giáo sư mà không nhận học sinh có khe khắt không? - Thày Khánh đáp.

            Sau đó thày Khánh quay lại nói với tôi:

            - Ngày 29/8, anh đến đây tham dự kỳ thi tuyển học sinh vào lớp Ðệ Ngũ, (Lớp 8) nếu anh chuyển từ một Trường Trung Học vùng Quốc Gia thì không phải dự kỳ thi này. Cứ yên tâm, về xem lại chương trình toán, phương trình bậc nhất 3 ẩn số, viết 1 bài luận Việt văn 2 trang và một bài dịch ngắn từ Việt sang Pháp hoặc Anh. Ngày 1/9, xem bảng trước khi vào phòng giám học nhận giấy vào lớp.

Ðến ngày thi, thí sinh có khoảng trên 10 người, trong đó có 3 học sinh Trung Học Lê Quý Ðôn, Thái Bình và 7 học sinh Trung học Nguyễn Khuyến Nam Ðịnh.

Ngày 1/9, tôi đi sớm xem bảng thấy có tên trong danh sách học sinh trúng tuyển vội đến Phòng Giám học nhận giấy, thày Giám thị đưa tôi vào lớp.

2

  Khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết 20/7/1954, tôi đã học hết lớp Ðệ tam (Lớp 10) và chuẩn bị lên Ðệ Nhị (lớp 11) trường Trung học Nguyễn Trãi.

Cuối Tháng 9/1954, khi các lực lượng Viễn Chinh Quân đoàn Pháp triệt thoái trong một ngày, trên một tuyến đường dài 80 km từ Hà Nội đến Hải Phòng, do Trung Tướng Cogny và Trung tướng De Linarès thực hiện, Tướng Vương Thừa Vũ tiếp thu Thủ Ðô và làm Thị Trưởng Hà Nội. Tướng Hoàng Văn Thái, Tư lệnh Sư đoàn 320, vừa đánh chiếm Ðiện Biên Phủ, làm Giám Ðốc Công An Hà Nội. Vì những biến cố này,  kỳ thi Tú Tài 1 đặc biệt phải tổ chức tại Hải Phòng thay vì Hà Nội. Ða số học sinh còn kẹt lại Hà Nội không xuống Hải phòng dự thi được do chính sách khắt khe trong việc cấp giấy thông hành của Công An Hà Nội.

Tháng 12/1954, tôi trốn xuống Hải Phòng, ghi danh "vô Nam" tại tòa thị chính, ngày 2/1/1955 tôi đáp máy bay của Quân Ðội Pháp đi Saigon từ phi trường quân sự Cát Bi Hải Phòng.

3

Cuối Tháng 01/1955, tôi đến trường Chu Văn An, phía sau của Pétrus Ký, xin chuyển trường từ Trung hoc Nguyễn Trãi Hà Nội. Nhìn vào con dấu Nguyễn Trãi và chữ ký của thầy Hiệu Trưởng Ðào Văn Trinh trong cuốn học bạ có ghi điểm Học Kỳ 1 niên khóa 1954-1955 của tôi,  thầy Vũ Ngô Xán chấp nhận ngay và xếp tôi vào 11A2 Chu văn An.

  Thầy giám thị đưa tôi vào lớp đang trong giờ Anh văn của G.S Nguyễn Xuân Kỳ. Năm ấy tôi học với các thầy Lê Văn Lâm (Quang học), Nguyễn Văn Ðỉnh (Vạn Vật), Ngọc (Toán), Nguyễn Văn Ý (Pháp Văn), Vũ khắc Khoan (Việt Văn).

4

  Ngày tựu trường 1/9 của năm học 1955-1956, tôi học lớp 12A2, đếm lại số bạn bè của lớp 11A2 chỉ còn 40 bạn, khoảng chừng 10 bạn đã rớt Kỳ thi Tú Tài 1, ở lớp 12A2 tôi có thêm 10 bạn mới, trong đó có anh Dương Minh Kính sau là Hiệu Trưởng Chu Văn An trước khi làm Dân Biểu Hạ Viện. Năm học mới, học sinh tập trung vào các môn chính với các thày Hoàng Cơ Nghị (Lý), Phạm đình Ái (Hóa), Nguyễn Văn Ðỉnh (Vạn Vật), Nguyễn Ngọc (Toán) v.v...

  Năm ấy, thày Hoàng Cơ Nghị. Cử Nhân Vật Lý Ðại Học Sorbone Paris vốn là giáo sư Trường  Pháp J.J Rousseau, chưa rành tiếng Việt như những năm sau, trong lớp thầy giảng bài nửa tiếng Pháp, nửa tiếng Việt. Khi học sinh đặt câu hỏi khó, thày thường trả lời bằng Tiếng Pháp. Ngay đầu năm học, Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Dương Ðôn ra một thông tư nhấn mạnh Ngôn ngữ giảng dạy bậc trung học trong toàn quốc là Tiếng Việt. Vì vậy học sinh nhiều lần bắt bí thày, đôi lần thày giảng bài bằng tiếng Pháp, cả lớp giơ tay giả vờ nói “không hiểu”, nhiều từ Vật Lý, thày phải hỏi lại mấy học sinh bàn đầu “Chữ này tiếng Việt là gì”.  Lối giảng dạy của thày trong lớp rất dễ nhưng đề thi Tú Tài 2 thầy ra rất khó, thày kiêm nhiệm luôn giám đốc Nha Trung Học phụ trách ra đề và chọn đề thi các kỳ thi Tú Tài 1 và 2.

Nhờ kinh nghiệm của các lớp đàn anh, học sinh lớp tôi  biết tủ của thầy ở cuốn G. Ève. Ngay từ giờ đầu cả lớp bày Annales Vuilbert trên mặt bàn. Vì vậy thầy yên chí học sinh không dùng G. Ève và ra đề thi trong cuốn sách này, nhiều bài kiểm và đề thi của thày y nguyên trong G. Ève có cả phần bài giải, rất hiếm khi thày đổi số cho khác đi một chút.

Trong lớp, thấy nhấn mạnh nhiều lần, - Vật lý cũng như Toán cần làm nhiều bài tập, những bài làm và sửa trong lớp chưa đến 50 bài chưa đủ để thi Tú Tài 2 thực ra thủa ấy lớp tôi đã có phong trào thi đua làm toán Vật Lý với các lớp khác trong khối 12, một học sinh trung bình giải từ 100-150 bài toán. Thành phần ưu tú làm trên 300 bài lấy từ những bài toán không có bài giải của sách Pháp, có người còn nghĩ ra đề mới không có trong sách nào. Chúng tôi học nhóm còn thâu hoạch nhiều hơn chờ thày giảng dạy trong lớp. Thày biết rõ điều này khi kiểm soát vở bài tập của chúng tôi vào cuối năm.

Buổi học cuối cùng, thày chúc học sinh may mắn trong kỳ thi Tú Tài 2 và khen học sinh 12A2 giỏi Vật Lý.

5

  Mùa Hè năm ấy, tôi đậu viết kỳ thi Tú tài 2, vào vấn đáp các môn đều trôi chảy, chỉ e ngại môn Pháp văn của thày Lúa, vị giám khảo nổi tiếng, thường cho thí sinh 1 gậy trong kỳ thi viết, nhưng hỏi vấn đáp lại dễ vì thày nghĩ rằng thí sinh đã đậu Tú Tài 1 và vào được vấn đáp Tú Tài 2 thì chẳng cần làm khó dễ. Môn tôi hy vọng để đat điểm Bình hay Bình Thứ là môn Vật Lý của thày Nghị nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược.

Khi vào vấn đáp, tôi cẩn thận trình thày thẻ học sinh Chu Văn An và phiếu báo danh để trên mặt bàn.

            - Tôi biết anh ở lớp 12A2 năm nay, không cần trình thẻ, nói xong thày hất hàm hỏi.

            - Parlez la loi de Lenz et les courrants induits*

(Hãy nói về Ðịnh Luật Lenz và dòng điện ứng)

            - Xin thày hỏi câu khác thuộc Chương trình lớp 12, câu này thuộc chương trình lớp 11.

Thày lắc đầu và chỉ vào mấy mẩu giấy đã gấp nhỏ để trên bàn. Tôi bốc được bài toán ngắn gồm 3 câu hỏi về con lắc kép, lặng lẽ ngồi xuống ghế làm toán. Sau 15 phút tôi trả lại thày đề thi và bài toán tôi mới làm. Vừa ra khỏi phòng, đúng lúc thày Dương Tự Nguyên (Anh Văn) đi qua.

- Sao thiểu não vậy, thày hỏi.

- Có lẽ thày Hoàng Cơ Nghị đánh rớt con rồi, tôi đáp.

Thày Nguyên cầm tay tôi kéo vào phòng thày Nghị.

            - Nó thỉnh cầu cụ hỏi trong Chương trình Vật Lý lớp 12 là hợp lý, cụ nỡ lòng nào từ chối nó hay cụ quên kỳ thi này là kỳ thi Tú tài 2. Thày Nguyên nói với thày Nghị bằng Tiếng Pháp.

            - Theo hồ sơ, nó xin miễn 1 tuổi, nếu có rớt 1 năm, cũng đúng tuổi học chứ không trễ mà lo lắng. Thày Nghị đáp cũng bằng tiếng Pháp.

Thày Nguyên ghé mắt vào bảng điểm của thày Nghị và kéo tôi ra khỏi phòng an ủi:

            - Anh được 3 điểm, các môn khác bù sang cũng đủ điểm đậu thôi. Tiến sĩ Hoàng Thị Nga, em ruột cụ Nghị khi còn ở bậc Trung học, vào vấn đáp, cụ còn đánh rớt, học trò như anh được 3 điểm là may mắn rồi.

            Nói xong thày vui vẻ bắt tay tôi trước khi ra về.

Cho dù mùa thi năm ấy tôi chỉ đậu thứ nhưng vẫn vui, trong khi chờ đợi vào vấn đáp các thày, tôi đã gặp và trò chuyện với những kiều nữ 12C (IC) Chu Văn An như Tăng Minh Tuyết, con của GS Tăng Xuân An, Cao Xuân Châu Phố, người mà lớp tôi gọi là “Mangala”, cô gái Ấn, sau là Luật sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, Lê Thị Thục, sau là GS Petrus Ký, ÐHSP ban Anh và Nguyễn Minh Châu, người hay ca bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông, sau tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh tại Pháp, Giám đốc Nha Ngoại Thương, Bộ Kinh Tế.

6

Tháng 8/1961, Dũng, người bạn đồng nghiệp dạy Trường Trung Học Duy Tân Phan Rang, rủ tôi đến thăm thày Nghị khi ấy vẫn là Giám Ðốc Nha Trung học. Ðang ngồi ở phòng khách chờ thày tiếp kiến, chợt nhớ đến chuyện xưa tôi nói với Dũng:

- Tháp tùng với bạn cho vui, tôi đến đây không có mục đích gì.

- Bạn cứ gặp thày đi, nếu thày dễ chịu thì nói, không thì thôi.

            Một lát sau, thày mở cửa vẫy tay mời, chúng tôi vào phòng, lễ phép chào thày, thày mời ngồi.

- Chúng con, cựu học sinh lớp 12A2 Chu Văn An đến thăm thày...

- Tôi biết, các Anh xin chuyển về Sài Gòn, hôm nay muốn biết tin tức về việc thuyên chuyển, có đúng không?

            Thày đưa cho chúng tôi mỗi người một mẫu giấy và nói:

- Các anh hãy điền đầy đủ mọi chi tiết - họ và tên, nhiệm sở, số văn thư đề nghị thuyên chuyển của Hiệu trưởng, thâm niên công vụ, ưu tiên nếu có....

Trong khi Dũng điền mọi chi tiết, tôi gửi trả thày mẫu giấy vì không gấp chuyện này và nói chuyện với thày về sư thành công của các bạn cùng lớp, cùng trường như Bác sĩ Ðỗ Vinh, Kỹ sư Ðỗ Vỹ, GS Ðại Học Nguyễn Mạnh Hùng v.v.. Dũng điền xong, trao lại thầy mẫu giấy, thày đủng đỉnh đi vào phòng trong. Chưa đầy 5 phút, với vẻ mặt lạnh lùng, thày ra gặp lại chúng tôi và nói:

            - Tôi xin báo để G.S Dũng biết rằng ông bỏ giờ Ðạo Ðức Học của ông từ 8g-9g sáng mai Thứ sáu để gặp tôi hôm nay Thứ Năm. Ngày mai đúng 8g, tôi gọi Hiệu trưởng, nếu không có mặt tại nhiệm sở, ông sẽ bị thi hành kỷ luật.

Tôi chào thày, rồi kéo Dũng ra ngoài trong khi hắn đứng sững như tượng đá. 10 giờ đêm đó, tôi chở Dũng bằng Honda tới Nhà Ga Sài Gòn để đi Xe lửa  ra Phan Rang. Sáng hôm sau 7g:30, Dũng đến Ga Tháp Chàm vội vã gọi taxi tới Trường Trung học Duy Tân Phan Rang.  Ðúng 8g:00 Dũng đứng trên bục giảng điểm danh học sinh, rồi cho học sinh làm bài kiểm, dáng điệu mệt mỏi vì thiếu ngủ.

            - Mời giáo sư Dũng lên phòng Hiệu trưởng, có điện thoại từ Sài Gòn. Giám thị dục dã.

            - Kính thầy, Dũng nói không một chút nào ngạc nhiên.

            - Anh phải giữ đúng nguyên tắc, đừng để xẩy ra chuyện lần thứ hai, bất chợt tôi sẽ kiểm tra như hôm nay. Thầy Nghị nhắn nhủ.

            - Dạ, không có lần sau, cảm ơn thày quan tâm. Dũng nói với thầy Nghị và thẫn thờ bỏ ống nghe xuống.

            - Mọi việc đã xong, mời giáo sư đến văn phòng tôi uống tách trà cho tỉnh ngủ. Giám thị sẽ thu bài cho giáo sư. Sau 20 phút nữa giáo sư có thể đến Việt Nam Hàng Không Phan Rang mua vé máy bay, tới Sài Gòn vào 11:00 trưa. Ông Hiệu trưỏng nói.

            Việc dằn mặt này nhằm cả Hiệu trưởng và Giáo sư, thực sự không cần thiết, chỉ làm cho thày thêm đơn độc, trong số cộng tác viên cấp dưới của thày, có vài người còn tiến xa hơn thày chỉ trong vài năm sau.

            Dũng còn thắc mắc mãi về thái độ cư xử của thày, tôi an ủi:

            -Thôi đừng buồn và quên vụ này đi nếu bạn biết thày sinh trưởng trong một gia đình phong kiến tột đỉnh nay không còn lại mấy người. Chú của thày là Thượng Thư Hoàng Trọng Phu, tước Hồng Lô Tự Thiếu Khanh mà người ta quen gọi là quan Thiếu Hà Ðông. Tổng Ðốc Hà Ðông Vi Văn Ðịnh cũng được vua phong tước ấy, khi xây một căn nhà lớn bên hồ Thuyền Quang Hà Nội bị chỉ trích là “phạm thượng” dám xây nhà lớn như nhà của Quan Thiếu Hà Ðông, con của Quận Công Hoàng Cao Khải mà người Pháp tặng cho chức Phó Vương, chỉ đứng sau một người là Hoàng Ðế Khải Ðịnh thời đó.

    7

Một lần khác, khi tôi là Trưởng Phòng Phiếu Trường Bác Ái, thày đến với tư cách Ứng Cử Viên Phó Tổng Thống, đứng chung với Ứng Viên Tổng Thống là một Ðông Y sĩ lão thành mà tôi đã quên tên. Thày quan sát thùng phiếu, phòng phiếu và số phiếu mà cử tri đã bỏ ra ngoài sau khi đã chọn 1 liên danh. Trong khi đưa thày đi xem một số phòng phiếu khác, thày tâm sự với tôi thày sẽ nghỉ hưu trong vài tháng tới và trên nét mặt thày phảng phất nét ưu tư. Có lẽ thày nhận ra rằng liên danh Ngô Ðình Diệm - Nguyễn Ngọc Thơ đang thắng thế ở nhiều địa điểm bỏ phiếu.

8

Lần chót tôi gặp thày vào mùa thi năm 1964 khi tôi là thư ký hội đồng Giám Khảo Tú Tài 2, Trung tâm A2 Gia Long. Thày mở cửa phòng gật dầu chào tôi, tôi vội vã cất Hồ sơ và chạy theo thày đang rảo bước. Thấy thày không muốn gặp, tôi trở lại phòng làm việc.

Sau cuộc chỉnh lý của Tướng Nguyễn Khánh, tôi gặp lại Ðại Úy Hải Quân Lại Tích Phúc, Hạm trưởng một tầu tuần duyên tại Bến Bạch Ðằng. Bất chợt nhớ đến thày Nghị, tôi hỏi Ðại Úy Phúc:

            - Cháu học lớp 12 Chu văn An năm nào, có học thầy Hoàng Cơ Nghị không?

            - Dạ, năm 1962, Lớp 12B3. Phúc đáp.

            - Thày Nghị còn nói tiếng Pháp hay nửa Việt nửa Pháp khi giảng dạy không?

            - Thưa không, thày nói rành tiếng Việt như các thày khác. Vào Vấn đáp Tú Tài 2 cháu may mắn gặp thày vì vậy cháu đậu Bình. Lúc ấy thày đã nghỉ hưu chỉ dạy giờ thôi. Học sinh thương thày lắm.

Câu trả lời của Phúc làm tôi ngơ ngác bàng hoàng khi nghĩ về một thày Hoàng Cơ Nghị lúc đương quyền và một thày Hoàng Cơ Nghị khi không còn quyền thế.

9

Trong số các giáo sư Chu văn An mà tôi ngưỡng mộ, thày Hoàng Cơ Nghị và thày Ðàm Xuân Thiều gây cho tôi những ấn tượng sâu xa nhất từ khi còn học cho đến khi bước chân vào đời.

Thày Ðàm Xuân Thiều thương học sinh như con khi còn dưới mái trường Chu văn An. Thày ôn tồn khuyên bảo chứ không bao giờ răn đe bằng cách cho điểm hạnh kiểm xấu hay trừ điểm kỳ thi.  Khi đi vào ngành Giáo Dục, những học sinh cũ được thày coi như đồng nghiệp. Thày xử lý rất khách quan những vụ Giáo sư đụng độ với Hiệu trưởng hay chính quyền địa phương, và phải rời khỏi tỉnh trong 24 giờ khi nhận được văn thư của Tỉnh Trưởng. Thày là vị Giám Ðốc Nha Trung học trong một thời gian lâu nhất từ 1964 đến 1975.

Tôi vẫn không quên lời thày nói trong một buổi họp ở Nha Trung Học: “Các bạn là học sinh của tôi khi trước nhưng là bằng hữu của tôi lúc này”.  Những kỷ niệm với các thày Chu Văn An là những gì trân quý nhất trong cuộc đời tôi mà tôi không bao giờ có lại được.

(*) Theo chương trình Pháp, Dòng điện ứng (les courrants induits) thuộc lớp 12 nhưng chương trình Việt, thuộc lớp 11. Có lẽ vì thế thày Nghị lầm.

* * *

 

CVA Lương Anh Dũng

Bốn chiếc máy bay bị không tặc cướp đưa đến 4 tai nạn và sự phá hủy kiến trúc quen thuộc.  Hình ảnh máy bay Boeing 767 đâm thẳng vào một trong hai tòa nhà Mậu Dịch Thế Giới được chiếu đi chiếu lại trên các đài truyền hình.

Vụ khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã đưa chúng ta vào giai đoạn gia tăng khủng bố.  Các hãng hàng không đã trở thành mục tiêu của bọn khủng bố và máy bay đã trở thành vũ khí giết người nguy hiểm.  Những ai trước đây cảm thấy an toàn khi di chuyển bằng máy bay nay đã  lo sợ bị khủng bố.  Thêm vào đó nhiều tai nạn máy bay không dính líu đến khủng bố sau biến cố 11 tháng 9 đã làm gia tăng nỗi sợ hãi di chuyển bằng máy bay.

Phương tiện di chuyển bằng máy bay là xa xỉ đối với nhiều triệu người trên thế giới.  Tuy vậy đối với nhiều người khác máy bay là phương tiện di chuyển cần thiết. Do nhu cầu và đòi hỏi của việc làm, bước lên máy bay là điều không thể tránh được đối với một số người.  Ngay cả người nghèo, máy bay là phương tiện di chuyển cần thiết trong trường hợp khẩn cấp. Và hàng ngàn phi công, tiếp viên sống bằng ngành hàng không.

Mặc dù di chuyển bằng máy bay vẫn còn là phương tiện di chuyển an toàn nhất, sự đe dọa khủng bố đã khiến cho chính quyền phải đưa ra những biện pháp mới để gia tăng và bảo đảm an toàn cho hành khách. Những câu hỏi hành khách thường nghe ở các phi trường trước khi bước lên máy bay là:

            “Có ai nhờ bạn mang dùm hành lý lên máy bay?”

            “Hành lý mang theo luôn luôn ở sát bên bạn?”

Câu trả lời “Không” hoặc “Có”  là bạn có thể bước lên máy bay, cho thấy sự lỏng lẻo về an ninh ở phi trường.

Ngay sau biến cố 11 tháng 9, tất cả phi trường đã hoàn toàn thay đổi về mặt an ninh.  Tại buổi điều trần trước Quốc Hội, viên chức an ninh của bộ Giao Thông Hoa Kỳ Kenneth M. Mead nói rằng “Bất chấp biện pháp an ninh cũ và mới vẫn còn những kẻ hở cần phải cải tiến”. Biện pháp nào được đưa ra để lấp những kẻ hở đó?

Khi một viên chức an ninh của một hãng hàng không lớn ở Hoa Kỳ được hỏi nếu bà ta sợ di chuyển bằng máy bay, bà đã không ngần ngại trả lời “Không, tôi tin tưởng vào CAPS”  Bà muốn nói đến hệ thống có tên là Computer Assisted Passenger Screening sẽ ghi nhận mỗi vé máy bay bán ra từ các hãng hàng không. Hệ thống xác định vé máy bay được mua trực tiếp từ hãng hàng không hoặc trung tâm du lịch hoặc qua mạng lưới Internet.  Hệ thống sẽ lưu giữ những dữ kiện nào là hành khách di chuyển một mình hoặc với ai kèm theo những chi tiết khác chẳng hạn như tiền án về tội phạm, những hành vi gây rối trật tự nơi công cộng, v.v…

Mỗi lần hành khách đến phi trường, những dữ kiện này sẽ được kiểm tra và cập nhật với những dữ kiện mới bao gồm các câu trả lời đến những câu hỏi kiểm tra khác.  Những dữ kiện này sẽ được thu thập, phân tích, và được bảo mật bởi cơ quan an ninh.  Nhiều hệ thống khác tương tự như CAPS  đang được sử dụng tại những phi trường khác trên thế giới, một số hệ thống được nối với cơ quan công lực và cảnh sát quốc tế Interpol.  Tại nhiều phi trường ở Châu Âu hệ thống kiểm soát sổ thông hành có thể lưu giữ và kiểm soát quá trình di chuyển của hành khách từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Ðể gia tăng biện pháp an ninh tại phi trường, nhiều kỹ thuật tân tiến khác đang được xem xét và thiết kế thêm tại phi trường.  Ngoài việc kiểm soát quá trình di chuyển và chi tiết cá nhân của hành khách, sự đòi hỏi ngăn chận những vật liệu nguy hiểm có thể len lỏi lên máy bay là sự quan tâm khác của cơ quan an ninh phi trường.  Những máy quang tuyến X có sự giới hạn bởi vì nhân viên an ninh phi trường nhận thấy khó khăn để luôn ở trong tình trạng tỉnh táo sau những giờ đồng hồ  dai dẳng nhìn vào màn ảnh của máy quang tuyến X, mắt của họ bị mệt mỏi.  Thêm vào đó máy đôi lúc reo lên inh ỏi khi rọi qua chùm chìa khoá,  bạc cắc, và dây thắt lưng. Ðể khắc phục sự giới hạn đó, chính quyền đã đưa ra biện pháp an ninh chặt chẽ hơn. Tại Hoa Kỳ tất cả hành lý phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Cửa của phòng phi công được làm kiên cố hơn.  Nhân viên hàng không được huấn luyện thêm về cách đối phó với trường hợp khẩn cấp.  An ninh hàng không có mang súng hiện diện trên các chuyến bay.

Ngay sau biến cố 11 tháng 9, hầu hết phi trường trên thế giới đều kiểm tra hành lý bằng cách lục lọi và mở tung hành lý ra.  Hành khách bị cấm mang các vật nhọn lên máy bay.  Chỉ hành khách có vé máy bay mới được vào khu vực kiểm tra.  Nhiều người đã trở nên quen thuộc với việc xếp hàng dài để được kiểm tra và bước lên máy bay cũng như sự hiện diện của vệ binh quốc gia tại các trạm lên xuống máy bay.  Ðiều mà nhiều hành khách không nhận thấy đó là các hãng hàng không đều có hệ thống kiểm tra máy móc khắt khe và kỹ lưỡng.  Máy bay và máy móc bắt buộc phải theo thời khoá biểu bảo trì thường xuyên.  Một nhân viên bảo trì tại một hãng hàng không lớn cho biết  “Trong gần 15 năm làm việc.  Tôi không bao giờ thấy hoặc nghe bất cứ ai làm việc bảo trì mà lại lơ đãng cho sự an toàn. Bởi vì biết đâu một ngày nào đó bạn bè của họ hoặc chính gia đình của họ sẽ di chuyển trên chiếc máy bay do họ bảo trì, do vậy họ không dám lơ là trong việc bảo trì.”

Trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp đè nặng lên chuyên viên kỹ thuật và bảo trì.  Một chuyên viên hồi tưởng lại “Tôi sẽ không bao giờ quên được đêm mà chúng tôi mất một chiếc DC-10 tại Sioux City, tiểu bang Iowa.  Lúc đó tôi là chuyên viên bảo trì đang làm công việc kiểm tra và sửa chữa đuôi máy bay DC-10.  Tại thời điểm đó, chúng tôi biết rất ít tại sao chiếc DC-10 rớt.  Ðêm chiếc DC-10 rớt tôi tự hỏi ‘Ðiều gì đã xảy đến  cho chiếc máy bay đó?’  Có phải chăng người nào đó không tìm ra trục trặc mà tôi có thể tìm ra được và đảo ngược lại tình huống?”

Nhân viên kỹ thuật và bảo trì thường xuyên được huấn luyện về mọi phương diện trong việc làm của họ từ công việc thường xuyên hàng ngày cho đến những kỹ thuật kiểm tra và sửa chữa tân tiến hơn.  Tài liệu học tập luôn được cập nhật hóa.  Sau một tai nạn, dữ kiện thâu thập được phân tích và ghi nhận vào hệ thống tập lái.  Phi công và kỹ sư về máy bay sẽ tập lái để tìm ra giải pháp đối phó với trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai.  Rồi thì việc huấn luyện cho trường hợp như vậy sẽ được đưa vào trong chương trình giảng dạy.  Thêm vào đó cách cấu trúc và bộ phận của máy bay sẽ được thay đổi để làm giảm thiểu đi tai nạn.

Một chuyên viên bảo trì kết luận “Sự an toàn không phải do ngẫu nhiên mà tạo ra – nó phải được dự định”.

Lương Anh Dũng

* * *

Bình Dương trong ký ức

CVA Nguyễn Văn Tài

Chiều viễn xứ, sân ga buồn ảo não

Gió thu vàng rơi rụng lá lao xao

Tôi nhớ Bình Dương khung trời tuổi ngọc

Hồn mộng mơ về kỷ niện năm nào

Lại mùa thu về sợi nắng mong manh

Nhớ Bình Dương có trái ngọt cây lành

Nem Lái Thiêu, nhiều vườn cây đủ loại

Người đẹp Bình Dương xây mộng chẳng thành

Tháng tư đen, giặc về gieo tang tóc

Tam giác sắt, trận chiến nhiều chết chóc

Dân Bình Dương hoảng sợ chạy tứ tung

Bỏ vườn cây, xóm làng bao thảm khốc

Tôi vẫn đợi lâu rồi ngày trở lạ

Ngắm quê mình trong diệu hát đêm trăng

Viếng vườn cây trổ lá chín lá xanh

Ôi hạnh phúc quá của ngày tái ngộ

* * *

Mùa xuân ở Union City

CVA Hàn Phú

Viết tặng các bạn đã bước vào tuổi hoàng hôn

            Gia đình tôi dọn đến tỉnh này thấm thoát đã hơn 3 năm. Tôi yêu thích căn nhà tôi hiện ở, cùng với không gian chung quanh của nó. Thoáng mát, yên vắng  và êm đềm. Dân cư  thưa người  hơn nơi cũ, tạo cho cuộc sống chúng tôi ở đây một sự  thư dãn và thoải mái tâm hồn.  Hôm nay, nhà tôi có anh chị suôi gia đến chơi. Anh chị đã điện thọai vài ngày nay, bảo rằng rất thích được  gặp nhau vào cuối tuần này. Tôi thấy chẳng có gì trở ngại cả. Cuộc sống chúng  tôi bây giờ ngày nào cũng như ngày ấy, tạm gọi là nhàn rỗi, và làm việc chỉ cầm chừng thôi. Con cái lớn khôn cả, đứa nào cũng có đôi cánh riêng cuả chúng, cho nên chúng tôi không vất vả như xưa nữa . Nghề nghiệp cuả tôi lại tự do, giờ giấc uyển chuyển, không có ai nhìn qua vai mình khi làm việc, không có xếp, không trưởng phòng, không giám thị, như vậy đã từ lâu nay rồi!

            Tôi cảm ơn Thượng Đế đã cho vợ chồng tôi một cuộc sống hàng ngày dùng đủ, tình nghĩa vợ chồng keo sơn, tình cảm với con cái, họ hàng và bằng hữu gần xa, tuy có lúc vơi lúc đầy, nhưng nói chung là đều tốt đẹp cả.

            Có tiếng chuông ngoài cửa. Anh chị  Quốc đã đến và hiện ra tươi tắn, thân tình. Vợ chồng tôi ôm lấy anh chị chào mừng hân hoan. Huệ đã chuẩn bị bữa cơm để mời anh chị rồi. Hai người đàn bà quấn quít lấy nhau bước vào nhà . Riêng hai anh em tôi dẫn nhau ra cái bàn nhỏ ở sau vườn, tìm chỗ khuất gió để ngồi nói chuyện . Anh Quốc rút trong túi sách ra 2 chai rượu vang Chateau Pape Clemente, màu thẫm biếc, đặt lên bàn:

            - Bữa nay hai anh em mình uống thử loại này, xem có gì đặc biệt  không?

            Tôi:  - Chà,  đồ ở đâu mà chiến đấu vậy  anh suôi?

            -  Thì kỳ kỷ niệm lễ ngân khánh tụi tui vừa qua đó. Vợ chồng thằng út nó mang cho, tui còn để tới giờ, có bao giờ ngồi uống rượu một mình đâu.  

            Anh nhìn tôi cười và ôm vai tôi đắc ý . Chúng tôi vẫn đối với nhau như vậy. Trong tất cả những suôi gia, tự nhiên tôi thấy hợp và gần anh Quốc hơn cả . Anh hơn tôi khoảng 6,7 tuổi, người miền Nam, dễ tính, đôn hậu, nói chuyện rất là thật thà và chân chất. Thỉnh thoảng hay chêm vào một hai câu tiếng Pháp. Chuyện này không có gì là lạ cả, vì rằng tuổi nhỏ anh học trường Pháp, quốc tịch Pháp, lớn lên đi làm kế toán cho đồn điền cao su và đồn điền trà cho chủ Pháp, rồi lại lấy tên Tây là Gilbert Dupont. Có dạo, anh còn làm cho công ty xăng Shell nữa. Khi Tây về nước anh xoay sở mở được 2 trạm xăng ở Sàigòn. Mỗi lần nói chuyện với anh, tôi thấy cả một trời dĩ vãng hiện về. Anh thường nói, tuổi trẻ cuả mình thời đó, bị ảnh hưởng văn hóa Pháp nặng nề. Cái gì cuả Tây cũng là nhất. Mỹ không có chỗ đứng nào cả! Phim ảnh, báo chí, sách vở, đồ ăn thức uống, quần áo, xe cộ, cứ dính dáng một chút gì tới ông Tây bà Đầm, thì ôi thôi tuyệt vời và  tuyệt vời!

            Tôi nhìn anh Quốc đang soải người ngồi trên ghế. Hình như anh đang  tận hưởng điều gì. Tôi hỏi anh, chắc anh muốn chia sẻ với tôi điều gì ngày hôm nay. Anh nói không. Anh chỉ thích lâu lâu có dịp ngồi với nhau, uống tí rượu và ngắm nhìn trời đất, rồi thôi, mạnh ai muốn theo đuổi ý nghĩ riêng tư gì thì theo. Và rồi sau đó, anh lại nhìn khu vườn nhà tôi, từ trái sang phải. Tôi biết anh thích nó, vì đã có lần anh nói với tôi như vậy.  Đúng ra, khu vuờn nhà tôi không lớn lắm, nhưng đủ để thu vào đó một thảm cỏ xanh, vài cây thông ống đuôi chồn, tròn cao và  nhọn, được trồng sát tường. Vài cây hoa hồng đủ mầu sắc, giàn hoa giấy, giàn nho, vài cây hoa carmella, vài cây hoa thuợc dược, cây chanh, cây ổi, cây quất, cây lựu, hai khóm trúc. Cây hoa đào Đà Lạt cứ mỗi độ Tết đến là nở rộ màu hồng thắm. Có cả những cây hoa nở bốn  mùa, củ hoa đã được tôi âm xâu xuống đất từ  trước, cứ đúng  mùa nào là hoa ấy, tự động nẩy trồi đâm lộc chui lên khỏi mặt đất, khoe sắc hương sặc sỡ với thiên nhiên. Rải rác tại góc vườn, còn có những bức tượng xi măng trắng nhỏ, cao thấp không đồng đều, được một công ty chuyên đúc tượng lâu đời của người Ý tại tỉnh tôi ở, đúc khéo léo, tỉ mỉ, đường nét thật rõ ràng. Những tượng này đều là  tượng các Thánh Quan Thầy của mỗi người trong gia đình tôi, như Thánh Phêrô, Phaolô, Joseph, Joane Baotixita, hoặc bà thánh Madelena hay thánh nữ Théresa Hài Đồng v.v.. Trên một bệ cao hơn ở góc sân, là tượng Đức Mẹ. Chính giữa vườn, còn có cả một tượng nữ thần thời trung cổ khoả thân, mái tóc vuốt ngược ra sau búi lại, tay ôm bình ruợu, đổ xuống chum rượu dưới chân. Tôi phải nói đến cả cây tùng cao trên khoảng 6,7 mét nữa. Nhìn đẹp xuất sắc, cân đối và xanh tươi bốn mùa; những cành lá lăn tăn xoè rộng  ra phía dưới gốc, cách nhau theo lớp lang từng tầng một  và  nhỏ dần cho tới ngọn cao. Nhìn thấy ai cũng khen đẹp. Góc vườn có một chuồng chim được làm cạnh cây tùng này. Bức tường xi măng ở cuối vườn đã ngăn cách khu vườn nhà tôi với con lạch phía sau nhà, có  những hàng cây cao thưa,  đủ để che ánh nắng rọi vào sân cỏ. Con lạch này là chỗ đến tìm mồi hàng ngày của đám vịt trời và ngỗng trời. Và cách sân nhà tôi khoảng năm ba trăm thước về phía trái, là những ngọn đồi chạy dài ra xa,  hướng về phía đông của  thành phố.

            Hôm nay bầu trời trong và hơi se mát. Nếu thỉnh thoảng có một cơn gió nhẹ thì vẫn phải kéo cổ aó lên để cho khỏi bị lạnh. Tuy thời tiêt đang vào xuân, nhưng những sợi nắng vàng dịu, vẫn làm cỏ cây hoa lá đầy vẻ thanh sắc, thắm tươi và đượm hương thơm thoảng nhẹ. Trước mặt chúng tôi là cả một không gian cao rộng, vài gợn mây trắng lơ lửng trên cao. Vào lúc này cỏ đồi đang xanh mướt, mượt mà, điểm vào những cây hoa mận và hoa đào Mỹ, bắt đầu nở xum xuê, cho một muà xuân rộn ràng đang đến. Xen trong những hàng cây nơi chân đồi, có một số căn nhà vừa  cũ vừa mới, nằm rải rác. Nhưng đáng kể nhất vẫn là vẻ đẹp cuả một tòa nhà nhiều tầng, mầu nâu xẫm, trông như một tu viện, ẩn mình sau những hàng cây cao.Toà nhà này là khu hưu dưỡng của những người già có tiền, có tên gọi là Masonic Adult Homes của tỉnh Union City. Thỉnh thoảng tôi hay vào đây để chuyện trò với một cặp vợ chồng già, mà con cái họ ở tiểu bang xa, gửi họ vào đây để ở. Cũng có khi tôi xin phép ban quản trị nhà hưu dưỡng, chở họ đi chơi lòng vòng thành phố, trong một vài chuyến đưa cơm tự nguyện của tôi cho những người già khác, mà họ không có điều kiện tài chánh vào đây để nội trú, nhưng họ vẫn muốn được nơi đây cung cấp những bữa ăn hàng ngày.

            Anh Quốc vẫn đang nhìn ngắm mây trời và đột nhiên nhìn tôi  anh nói :

            -  Tôi chỉ tiếc chuồng chim của anh thôi, đẹp như vậy mà anh đem dẹp bỏ và  bán chim đi.

            Tôi điềm tĩnh:

            -  Anh suôi có biết không, tôi thả hết chim ra đó!

            - Trời đất! Thiệt hả? Sao uổng qúa, uổng qúa vậy! Anh có biết cặp chim rừng Nam Mỹ tiệm thằng Khương con tôi, nó bán ra ngoài bao nhiêu không, 600 đô la đó!  Thiệt là tức anh qúa, anh không cho tôi hay. Tôi rất thích nhất cặp chim này, đang muốn mang nó ở  tiệm  về nhà để nuôi một cặp như  vậy cho đẹp, nhưng Khương nó cản. Nó bảo để kỳ tới nó mua "on line", được cặp nào rẻ nó sẽ đưa tôi nuôi.  Mà sao anh lại thả hết chim đi?

            - Anh à, tôi suy nghĩ đã kỹ. Cảnh chim chậu cá lồng này, cứ làm tôi áy náy trong lòng, suốt năm qua. Mình đã từng trải qua cảnh tù tôị , mất tự do, nay lại tước đoạt tư do của người khác thì thấy sái quấy quá anh à. Nhiều lúc tôi cứ tự an ủi rằng, những con chim được lấy ra từ những chiếc lồng nhỏ, để nuôi vào chuồng lớn đặt ỏ cả một góc vườn, rộng trên dưới 4 mét vuông,  lại được rào rậu bằng những lưới mắt cáo, bao trùm luôn cả cây tùng, cây ổi và cả cây hoa hồng nữa. Chuồng chim lại có cả  cánh cửa lớn để ra vào chăm sóc cho chim, có lợp mái che để chắn gió, làm chuồng đẻ, làm máng nước, máng ăn. Dưới đất còn trải cả mấy bao cát mịn cho chim ỉa xuống cho khỏi dơ , làm thêm cả một gốc và cành cây khô cho chim có thêm chỗ đậu. Chưa kể, còn có một suối nước nhỏ chẩy róc rách bên trong. Có cả những bóng điện lớn nhỏ đủ mầu sắc, ẩn dưới những cành lá bên trong chuồng, đêm mà bật đèn lên thì trông đẹp vô cùng... Ở trong một không gian như vậy, chim tự do tha hồ mà bay nhẩy, ca hót, vui đùa an toàn, không ai làm phiền toái, không sợ những đe dọa của thiên nhiên và của những cầm thú khác. Vậy là qúa hợp tình hợp lý rồi còn gì. Nhưng tôi thấy không thể nghĩ đơn giản như mình nghĩ được. Tự do cho người khác phải là tự do đúng nghĩa, tức là không được quyền cầm giữ, hạn chế sự lưa chọn, cản ngăn những ước vọng cuả ai khi họ muốn thực hiện một điều gì.  Không được lấy đi những cơ hội người khác có, phải cho họ được quyết định về đời sống cuả mình. Như là hổ phải có rừng, chim chóc phải được bay trong trời rộng, không thể phải bị đứng ở trong lồng, để hót lên tiếng hót của mình!

            Anh Quốc gật gù: - Anh nói đúng!

            Tôi tiếp:

            - Anh biết không, có những lần tôi chợt thấy những con chim này náo nức và rộn ràng lên , khi bên ngoài có những con chim trời bay sà đến đậu quanh chuồng, hoặc để chơi hoặc để nhặt nhạnh những hột đồ ăn bị rơi vãi bên ngoài. Cũng như có vài lần đi chơi về, ra sân nhìn thấy vài cặp chim trời đồng loại với chim bên trong, đậu bám vào lưới mắt cáo bên ngoài, và những con chim chuồng cũng bám vào lưới bên trong,  thò mỏ ra để những con chim bên ngoài rỉa mỏ hoặc nói chuyện rì rào với nhau! Tôi thấy chạnh lòng qúa. Ý nghĩ phải thả đàn chim này, làm cho tôi càng thêm thôi thúc. Tôi chỉ lo một điều là không biết khi được ra ngoài rồi, những con chim lồng mảnh mai và yêu đuối này, có được no ấm như trong chuồng, có chống lại nổi phong ba bão táp và những nguy hiểm bên ngoài hay không, hay là chỉ vài ngày sau là bị chết. Ngay như khi còn đang sống an toàn trong chuồng mà có nhiều đêm, những con mèo hoang đứng ngoài rình rập thèm muốn, chỉ muốn phá chuồng vào trong để tha đi, làm tôi phải dùng cây súng hơi đạn chì, bắn lật ngã nó xuống lạch, để bảo vệ cho chim bên trong. Một lần khác, một con diều hâu hay chim ưng gì đó, người nó to và dài bằng bắp chuối chân, đói mồi, sà xuống đậu trên nóc chuồng, cào xé nắp chuồng hòng chui vào để bắt mồi mang đi, may mà  tôi đã kịp thời can thiệp, nếu không thì không biết số phận chim bên trong ra sao. Ôi thật là biết bao đe dọa cho những con chim tội nghiệp này! Và càng nghĩ  tôi càng yêu những con chim trong chuồng, vì cảm thấy chúng cũng gần gũi với tôi quá. Mỗi khi vào chuồng săn sóc chúng, khi đi qua đi lại, có những con bay đậu trên vai, trên đầu và  trên bàn tay khi tôi dơ  ra.        Có những buổi sáng chưa kịp thức giấc, thì đã nghe những tiếng chim hót vang trong lồng, con này vừa ngưng thì con kia hót tiếp. Nhìn chúng bay lên bay xuống, bay ngang bay dọc trong chuồng, thấy hết sức là vui mắt và rạo rực trong lòng.  Như anh đã biết chim gồm nhiều loại khác nhau. Những con hồng yến, hoàng yến và bạch yến (canary) thì nhìn  mảnh mai thanh sắc. Những con két rừng (parakeet), có con thì mình trắng ngực vàng, con mình xanh ngực trắng, con mình vàng chanh, ngực hồng tía. Những con chim di  rừng (finch) thì mỏ đỏ, chân đỏ, mình thì đủ mầu sắc sặc sỡ khác nhau, cổ lại điểm những chấm nâu, chấm đen. Những con chim " tình nhân" (lovebird) thì mình xanh màu cỏ non, mỏ vàng, mắt to viền màu đen. Nhưng tôi thich nhất là những con khướu (cockatiel), mình nó vàng nhạt pha màu trắng, đầu có mào mầu đen, cẳng chân sau có lông trắng mọc phủ dài như đi hài, lông đuôi dài cả gang tay. Còn tiếng hót của nó thì ôi thôi, thật là tuyệt vời! âm thanh trong trẻo, cuộn tròn lấy nhau, ngắt ra từng đọan dài ngắn, trầm bổng và cao vút, bay vào không gian...Càng ngày tôi càng yêu thích những con chim này và sẽ mất chúng nay mai. Nhưng đành phải vậy, phải hy sinh tình yêu của mình. Yêu là cho đi những gì mình có và mất đi những gì mình cho. Và vào một buổi sáng trời thật đẹp, tôi đã thả hết chim ra! Tôi ước mong ngày đẹp trời này, sẽ tạo  cơ hội thuận lợi cho việc tìm kiếm chỗ dừng chân an toàn trong đêm tới, cho những con chim của tôi.

            Anh Quốc hỏi:

            - Vậy lúc thả ra, trong chuồng còn được bao nhiêu chim?

            Tôi đáp:

            - Ngày tôi  thả chim thì trong chuồng có đủ loại, nào  canary, finch, parakeet, loverbird, cockatiel và chim rừng Nam Mỹ( Conure Jenday), mỗi loại một hai cặp gì đó và trong chuồng lúc ấy cũng còn cả một số trứng chúng mới đẻ hoặc đang ấp. Khi mở cửa chuồng, những con chim bên trong còn đang nhơn nhở, ngơ ngác không biết lối bay ra. Sau dần rồi có vài con đâm đầu bay ra thẳng, rồi bỗng thấy hụt hẫng trong không gian và không biết phải bay đi đâu. Chúng lượn vài vòng rồi lại về đậu quanh quẩn trên nóc chuồng, nhìn những con trong chuồng như muốn rủ rê. Cứ như vậy, tình trạng này kéo dài vài ngày. Sau đó là chim trở về thưa dần. Chỉ có 2 cặp lovebird là rất khôn, biết về lại chuồng để ngủ vài đêm, và rồi sau cùng, chúng  làm tổ ở luôn trên hàng cây ở lạch nuớc sau nhà. Sau đó tôi gỡ bỏ toàn bộ bức tường lưới, gỡ mái che, dọn dẹp chuồng trại, chỉ để lại máng ăn, máng uống, mục đích để cho những con nào muốn về ăn thì về tự do. Đến nay đã mấy tháng trôi qua, bây giờ tôi chỉ thấy toàn chim trời đến ăn không thôi, nhiều nhất là chim cu đất. Buổi trưa mà nghe tiếng cu đất gáy thật là buồn não ruột. Tiếng gáy rân ran xa vắng như từ cõi xa xăm nào vọng về...Từ lúc mất những con chim lồng , lúc nào ra tới sân, lòng tôi cảm thấy buồn mênh mang. Tôi đã mất đi bao nguồn vui đầy kỷ niệm không bao giờ lấy lại được!

            Anh suôi Quốc, giọng trầm trầm:

             - Nghe anh kể tôi cũng thấy xúc động. Những việc hiển nhiên hợp lý và đầy ý nghĩa như vậy, nhiều khi mình  không để ý, đâm ra nhiều lúc làm cho kẻ khác thiệt thòi một cách bất công, mà mình không hay!

            - Anh suôi nói vậy tôi nghĩ không đúng đâu. Phải nói là "mình cố tình không để ý đến sự thiệt thòi của kẻ khác, vì  lợi ích của mình", thì mới đúng! Thông thường làm việc gì, mình chỉ nghĩ đến  mình mà thôi. Cũng như khi tôi muốn nuôi những con chim trong lồng, tôi biết là mình đang cầm giữ sự tự do cuả kẻ khác, để cho mình có thú vui riêng. Nhưng tôi đã dối lòng mình khi phủ dụ những con chim này, bằng ngôn ngữ giả dối cuả loài người. Tôi đã nặn óc nhớ lại những câu thơ mà mình đã học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư hồi nhỏ, để viết lên tờ giấy, treo ở chuồng chim:

" Hỡi hỡi chim này lồng vàng,

vì mày tao đã sửa sang cho mày

còn gì xinh đẹp cho tầy

còn đâu vui vẻ bằng đây nữa mà

này nệm trắng

này giường hoa

này là gạo trắng, này là kê ngon

sẵn sàng đủ hết mọi bề

ở  đây mày sẽ ấm no một đời !!! "

            Và tôi cũng treo luôn cả một câu thơ khác ngoài chuồng, viết về những câu trả lời cuả chim sống bên ngoài, để cho thấy rằng, những lời giả trá chẳng thể che giấu nổi ai, cho dù đó là một loài chim:

" Thôi thôi ta đã biết rồi

lồng vàng cũng thể là nơi ngục tù!

vả chăng, no ấm mặc dù

chân ràng, tay buộc, quyền lo tại người

chi bằng rừng nọ thảnh thơi

khi ăn, khi ngủ, khi chơi, khi đùa

một trời sung sướng tự do

không ưu, không sợ, không lo, không phiền !!! "

            Anh suôi thấy không, đối xử với ai điều gì không thật lòng, mình làm sai mà nói là đúng, thì người khác cũng biết liền. Dưới ành sáng mặt trời , không gì có thể che dấu ai được cả. Chân lý phải là sự  thật,  phải là hai với hai là bốn, chứ không thể hai với hai là hai được. Thời còn bị bọn cộng sản cầm tù, hàng ngày  tụi tôi chỉ nghe chúng  nói đến những lời giả dối, ngoa ngôn, nào là chân lý, nào là tự do, no ấm... nhưng có mẹ gì đâu! Chẳng thế mà có một người tù, đã làm một câu thơ nghe thật là  chí lý và mỉa mai:

"  Ở  đây chân trái là chân phải

Chân Lý ai ngờ cũng thế thôi! "

            Buổi chiều cuối tuần này, vợ chồng tôi và anh chị suôi Quốc chuyện trò với nhau vui vẻ và đắc ý qúa. Chuyện truớc chuyện sau, chuyện gần chuyện xa  tuôn trào lai láng. Sau bữa cơm mà nắng cuối ngày còn chiếu xế ngọn cây. Chúng tôi rủ nhau tản bộ vài vòng cho tiêu cơm trước khi anh chị ra về. Vừa đi vừa chuyện trò mà không ngờ mình đã ra tới chân đồi lúc nào không biết.  Ánh nắng yếu ớt của buổi chiều vẫn đủ sức đẩy ngã những bóng người chúng tôi đổ dài trên mặt đường. Chúng tôi đi lên phía cao hơn của chân đồi, bên  trái là vùng đất trũng thấp chạy thoai thoải xuống con đường đất nhỏ phía dưới, trước mặt là hàng thông, đằng sau lưng là thành phố. Những cơn gió nhẹ đưa những cánh lá rời khỏi thân cây, rơi xuống mặt sân và đuổi nhau chạy qua bãi cỏ, về phía mấy gốc cây  già. Mọi người đều nhìn theo thản nhiên, như hàng ngày vẫn thản nhiên nhìn  những sự vật xẩy ra quanh mình một cách vô tình. Nhưng hình ảnh trên chợt gợi tôi nhớ đến một kỷ niệm rất xa, của mấy chục năm về trước...Và tôi đã nói lên cảm nghĩ này trong lúc chúng tôi dừng lại ngồi nghỉ chân.

            Anh chị Quốc đòi nghe tôi kể về kỷ niệm đó của dĩ vãng đã qua:  " ... vào độ tuổi 20 khi mới bước chân vào quân đội, tôi rất say mê chụp ảnh và quay phim. Lúc này tôi lại có một máy quay phim 8 ly màu. Tôi hay quay những sinh hoạt hay những hình ảnh những nơi tôi đi qua, rồi tự ráp lại thành một phim truyện, có lớp, có lang. Việc này đến tai cấp chỉ huy trực tiếp của tôi, ông là con trưởng cuả một vị quan chức cao cấp thời Pháp, có tên là  cụ Lê Tấn Nẩm. Cụ  Nẩm là đô trưởng Sài Gòn dưới thời thủ tướng Nguyễn Văn Hinh thì phải. Ông xếp cuả tôi ngỏ ý muốn nhờ  tôi quay một cuốn phim về ngày sinh nhật thứ 80 cuả cụ, có thể gọi là ngày thượng thọ hoặc đại thọ.  Hỏi ra tôi mói biết là, vào ngày kỷ niệm sinh nhật này, họ hàng nội ngoại cùng với các con cái, cháu, chắt và chít của cụ có thể lên tới trên 100 người!  Có người cũng đang làm lớn trong chế độ, có người cũng là sĩ quan cao cấp, là  bác sĩ, là kỹ sư... Nhưng đặt biệt có người đang làm trong Nha Quốc Gia Điện Ảnh thời đó, nhưng lại không được gia đình nhờ quay, vì rằng người này chỉ quay được phim trắng đen mà thôi, còn máy của tôi tuy nhỏ, không thể thâu được tiếng nói, nhưng quay được phim màu và tôi có thể đưa được nhạc nền vào phim.

            Vì được khẩn khoản nhờ, tôi không còn cách nào từ chối, nên phải nhận lời.  Để chuẩn bị, tôi về viết bố bục những phân cảnh phải thâu hình, rồi đưa qua cho cụ Nẩm coi sơ. Sau đó tôi đến nhà cụ trước cả tuần lễ, để quan sát mọi thứ trong nhà, ngoài ngõ. Tôi  đã thâu hình trước một số cảnh, kể cả nơi ăn chốn ngủ của cụ để làm nền cho cuốn phim.

            Tôi muốn diễn tả một cảnh sống an nhàn, quyền quí của một vị quan về già, sống trong nhung lụa, trong mọi tiện nghi của đời sống và được mọi người thân yêu đủ lớp tuổi, đủ  thế hệ; đang muốn báo hiếu và trả công cho những công lao dưỡng dục của cụ, vào lúc cụ ở tuổi cuối đời. Và tôi cũng muốn diễn tả tới thân phận con người ở vào tuổi già, sẽ đối diện ra sao với số phận của mình, khi Tạo Hóa đã xếp đặt cho mỗi người một định mệnh;  giống như những chiếc lá già khô, cuối cùng rồi cũng phải rụng về cội... Vì nghĩ vậy, tôi đã giấu cụ đoạn  kết của  cuốn phim tôi viết, không cho cụ biết trước là tôi sẽ kết thúc nó ra sao.

             Vào ngày lễ sinh nhật, tôi đến thâu hình những lượt người đến dự tiệc. Họ mặc những bộ đồ âu phục và quốc phục bóng bẩy, đủ mầu sắc. Có người đầu đội những khăn đống, xanh, vàng, đỏ, để phân biệt thứ bậc cao thấp trong dòng tộc. Các con, các cháu, các chít... đứng theo hàng, theo lớp để chúc thọ. Tôi quay hình cụ ngồi trong ghế lớn, mặc áo thụng đỏ xúng xính, có thêu chữ đại thọ trước và sau áo. Đằng sau ghế cụ ngồi có một tàn lọng nhỏ, trước bàn thờ lư hương, trướng phướng, đầy hoa qủa, khói nhang. Rồi tôi quay tới những người bước tới micro chúc tụng. Những ly rượu được quỳ xuống, dâng lên cho cụ nhắp môi, những cái xoa đầu của cụ cho người này người khác, những bao thơ lì xì cụ cho mọi người và tôi quay cảnh cụ đứng trước micro nói chuyện và khuyên răn con cái v.v.. Cuối cùng tôi thâu cảnh yến tiệc linh đình, thâu toàn cảnh trong nhà, với những bàn thờ, lư đồng, hương khói, sập gụ, bàn ghế, bộ tràng kỷ nạm khảm xà cừ. Trong lúc tôi quay, ai cũng muốn được có hình trong ảnh, cho nên đi qua đi lại trước ống kính, nói cười duyên dáng, lịch thiệp ... Và buổi lễ chấm dứt vào nửa khuya.

            Sáng sớm hôm sau, như đã hẹn trước với cụ và một số con cháu của cụ, tôi đến nhà đưa cụ và gia đình vào ngôi đền bên trong Sở Thú để lễ các tiên nhân. Ngôi đền nguy nga đồ sộ, nằm bên phía tay phải của khung cửa sắt to lớn của cổng vào sở thú, với những bậc thang bước lên cửa đền, hai bên tường có bệ rồng. Tôi quay cảnh cụ mặc quần áo thụng, đội khăn đống, chống baton, bước từng bước lên ngôi đền, vào trong châm nhang, quỳ lễ  để cầu nguyện, tạ ơn; còn con cháu cụ thì quỳ phía sau. Tôi quay các bàn thờ, bàn thánh, quay ngôi đền trong ngoài và rồi quay cảnh cụ bước xuống bệ thềm ra về, bắt tay mọi người....Nhưng ngay tại cảnh này, tôi đã ra dấu cho cụ quẹo về phía tay phải, tiếp tục bước lên  thảm cỏ, đi vào phía bên trong của sở thú, về hướng những cây đại thụ. Các con cháu cụ định bước theo, nhưng tôi cản lại chỉ để cụ đi một mình mà thôi . Cụ ngỡ ngàng quay lại, rồi cụ hiểu ý tôi, cụ chậm dãi chống gậy bước đi, bước đi tiếp,  đi về phía những gốc cây đó.. . Lúc này những chiếc lá khô trên thảm cỏ, bị gió thổi cuốn theo chân cụ, về nằm rải rác dưới các gốc cây lớn cuối vườn.  Tôi đẩy ống kính ra xa, cho hình ảnh cụ xa dần. Quay lại phía các con cụ, tôi cũng đẩy ống kính ra xa, để khoảng cách những người này mỗi lúc một xa cụ hơn. Rồi  hướng lại phía cụ, tôi lại đẩy ống kính, để hình cụ nhỏ lại và xa hơn nữa, xa hơn nữa, cuối cùng hình ảnh cụ mờ nhạt dần, rồi hoà nhập với không gian ...Đúng vào lúc này, lòng tôi chợt dâng lên một niềm cảm xúc và tôi đưa ống kính lên trời, tay rung rung nhưng vẫn cố giữ chắc máy và tiếp tục bấm, vì tôi vẫn muốn thâu vào ống kính cho được, vài cụm mây đang trôi lang thang trên khoảng trời xanh...."

            Câu chuyện tôi kể đã chấm dứt ở đó. Mọi người đều hiểu cái ngụ ý về kết luận của đoạn phim.

            Anh Quốc buột miệng:

            -  Đúng là đời người!  Ai rồi cũng sẽ phải đi đến khúc rẽ ấy cho riêng mình....

            Chúng tôi dứng dậy ra về. Và tôi chợt nhận thấy, có lẽ vì câu chuyện tôi vừa kể, đã làm mọi người phải suy tư, nghĩ đến những khúc sông một đời người phải trải qua. Nó trầm bổng qua thác ghềnh, qua sông rộng và cuối cùng đều đổ dồn ra biển khơi. Tôi không thấy ai nói với ai một lời nào, trên suốt đoạn đường về còn lại...Buổi chiều đã xuống. Phía xa dưới chân đồi, những cây xanh đã đổi sang mầu tím thẫm. Thành phố đã bắt đầu lên đèn, những ánh đèn xe quyẹt ngang, quyẹt dọc, rọi chiếu khắp nơi nơi. Chúng tôi vẫn cảm nhận mùa xuân đang đến, đang bao phủ khắp không gian, khắp mọi nhà, trong toàn  thành phố Union City nhỏ bé này. Và cuộc sống vẫn đang bình thường vươn tới, vẫn hồi sinh từng giờ từng phút, trong bánh xe của thời gian, không bao giờ ngừng quay trong vũ trụ....   

Union City Sept. 2004 - CVA Hàn Phú  

* * *

Võ Thuật, Võ Đạo và Võ Hiệp

 TRẦN TRUNG CHÍNH (CVA68)

Để tưởng nhớ đến bạn Lê Khuê Hiệp, đệ nhị đẳng huyền đai Judo, nguyên Tổng Thư Ký Ban Đại Diện Học Sinh CVA niên khóa 1966- 1967, đã mất sớm vì bạo bệnh vào năm 1978 khi còn rất trẻ (mới vừa 30 tuổi)

Niên khóa 1965-1966, khi tôi đang học lớp đệ tam trường CVA-Saigòn, tôi đã được theo học các môn phái Tae-kwon Do, Aikido và Judo, tuy nhiên theo đuổi lâu dài nhất là 2 môn phái Tae-Kwon Do và Aikido. Chương trình dạy võ thuật trong học đường là một phần của chương trình Học Đường Mới của Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa dưới thời bác sĩ Trần Ngọc Ninh làm Bộ Trưởng. Vì đang trong thời gian thử nghiệm nên chỉ có 4 trường trung học lớn tại Sài Gòn thời bấy giờ là trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, trường trung học Chu văn An, trường nữ trung học Gia Long và trường nữ trung học Trưng Vương mới có học sinh ghi danh học võ, dĩ nhiên tính theo tỷ lệ thì nam sinh luôn luôn chiếm đa số trong tất cả các môn phái.

Cũng xin nhắc lại, niên khóa 1965-1966, hiệu trưởng trường trung học CVA là giáo sư  Dương Minh Kính, giáo sư Nguyễn văn Phong (biệt danh “Phong Lửa”) làm giám học, và giáo sư Nguyễn văn Quang làm tổng giám thị. Về phía học sinh, anh Nguyễn Minh (biệt danh “Minh Râu”) làm Tổng Thư Ký Ban Đại Diện Học Sinh, còn Lê Khuê Hiệp thì mãi tới niên khóa sau (tức là niên khóa 1966-1967) mới làm Tổng Thư Ký Ban Đại Diện Học Sinh.

Từ đó đến nay đã gần 40 năm trôi qua, đã có biết bao thay đổi trong đời sống của từng cá nhân các cựu học sinh CVA cũng như đã có quá nhiều thay đổi trong xã hội và đất nước VN, tôi viết ra đây những suy nghĩ của riêng mình về các vấn đề “Võ Thuật, Võ ĐạoVõ Hiệp”  chỉ có tính cách để tham luận chứ không phải để tranh luận, do đó rất mong thu nhận các ý kiến hồi đáp của các bạn đồng môn để có thể hướng dẫn các thế hệ con em kế thế của chúng ta tại xứ sở Hoa Kỳ này.

Để có thể bàn luận sâu thêm vào 3 tiêu đề kể trên, tôi xin sơ lược các định nghĩa như sau:

  1. Võ thuật: kỹ năng và nghệ thuật vận dụng sức mạnh trong việc cạnh tranh sinh tồn với thiên nhiên và với người khác.
  2. Võ đạo: là đường đi, là lý lẽ và phương pháp trong nguyên lý cạnh tranh sinh tồn với thiên nhiên và xã hội.
  3. Võ hiệp: tinh thần dũng cảm dám sử dụng sức mạnh của mình để giúp đỡ kẻ yếu, để bảo vệ chân lý và để duy trì lẽ phải trong cuộc sống.

Võ đạo là sản phẩm của trí tuệ, phát sinh từ sự suy nghĩ (tư duy) và lý luận dựa trên thực tế của môi trường sinh sống và hoàn cảnh xã hội, cho nên chỉ có một số ít các vị sáng tổ các môn phái hay những vị có đẳng cấp cao trong võ thuật với tuổi tác, kinh nghiệm sống cùng với sự tu tập rèn luyện về triết học và tâm linh mới lĩnh hội được tinh túy của võ đạo. Bình thường, từ mức độ trung cấp trở xuống, võ đạo được hiểu như là rèn luyện sự tự tin, rèn luyện ý chí và rèn luyện đức tính kiên nhẫn. Do đó, xin phép được đề cập phần võ thuật trước.

Võ thuật là phần rèn luyện cơ thể để sử dụng bắp thịt và các cơ phận khác của thân thể hầu vượt thắng hoặc khống chế được các đối tượng đua tranh. Có rất nhiều môn phái sử dụng rất nhiều các đòn thế khác nhau, cũng như sử dụng nhiều loại binh khí khác nhau để tập luyện; tuy nhiên chỉ có 4 kỹ năng chính mà tất cả các môn sinh (của tất cả các môn phái)  đều phải rèn luyện, đó là:

1- Kỹ năng tấn công

2- Kỹ năng né tránh

3- Kỹ năng chịu đựng

4- Kỹ năng ước tính

Các môn phái TaeKwon Do, Karate, Thiếu Lâm Bắc phái (Shao Lin), Vịnh Xuân (Wu Su), quyền Anh (boxing), Côn Luân, Không Động, Nga Mi... rèn luyện “kỹ năng tấn công” trước tiên và nhiều hơn “kỹ năng né tránh” qua các bài quyền, đấm bao, luyện chưởng, tập các kiểu đá bằng chân, tập các thế đỡ gạt và phản công, các bài tập song đấu quy ước và song đấu tự do..v...v... Bên cạnh: “kỹ năng tấn công” di động, các môn phái này cũng dạy các thế tấn cố định, các thế tấn di chuyển và cách xoay trở.

Các môn phái Judo, Aikido, Hapkido, Võ Đang, Đường Lang... lại cho môn sinh rèn luyện “kỹ năng né tránh” và “kỹ năng chịu đựng” trước tiên rồi sau đó mới tập các đòn thế về “kỹ năng tấn công”. Về “kỹ năng chịu đựng”, ngoài các môn phái Judo, Aikido, Hapkido, quyền Anh... có lẽ chỉ có Thiếu Lâm Nam phái là có công phu Thiết Bối Sam và Thiết Sa Chưởng được luyện tập kỹ càng. Điều này có thể hiểu được nếu chúng ta nhìn qua điều kiện sinh sống của người Trung Hoa. Về mặt địa dư, nước Trung Hoa được chia ra làm 2 miền Hoa Bắc và Hoa Nam (cũng thường được biết dưới tên Giang Nam), cả 2 miền này đều lấy Dương Tử Giang làm ranh giới phân chia: vùng đất phía  hữu ngạn sông Dương Tử  là miền Hoa Nam, vùng đất phía tả ngạn sông Dương Tử là miền Hoa Bắc. Vùng Hoa Bắc nhiều núi non, nhiều đồng cỏ... tiếp cận với Mông Cổ, nước Nga, nước Cao Ly, sa mạc Gobi, Tân Cương, và các tiểu quốc Hồi giáo vùng Trung Á. Vùng Hoa Nam nhiều đồng bằng, lại có thêm một sông lớn thứ hai là sông Hoàng Hà và miền Hoa Nam cũng là khu vực trung tâm của nền văn minh lúa nước nên có nhiều vùng ruộng thấp sình lầy. Do môi trường sinh sống như vừa kể, cho nên người dân miền Hoa Nam không có điều kiện di chuyển rộng như miền Hoa Bắc và trong võ thuật họ không thể sử dụng đôi chân linh động như dân miền Hoa Bắc. Bù vào khiếm khuyết này, võ thuật của các võ phái miền Hoa Nam nghiêng về luyện quyền, xuống tấn chịu đòn để đối lại cước và khinh công di động mau lẹ của các võ phái miền Hoa Bắc. Đó là lý do người Việt Nam chúng ta khi đọc truyện kiếm hiệp của Trung Hoa thường không hiểu tại sao người Trung Hoa lại có thành ngữ “Nam quyền, Bắc cước”. Về mặt sức mạnh và tầm mức hữu hiệu, một cú đá có giá trị gấp 3 một cú đấm cho nên các võ sĩ thuộc Nam phái buộc phải luyện thêm Thiết Bối Sam và Thiết Sa Chưởng. Thiết Bối Sam là tên gọi của bộ môn “học gồng”, là cách vận dụng các bắp thịt của cơ thể để giảm thiểu các chấn thương các bộ phận nội tạng bên trong cơ thể con người. Thiết Sa Chưởng là môn võ tấn công đối phương bằng các cạnh bàn tay, bằng các đầu ngón tay và cả bằng lòng bàn tay lẫn mu bàn tay, công dụng tương đương như dùng dao găm để đâm hay dao phay để chém. Chưởng khác với quyền ở điểm dùng bàn tay và cạnh bàn tay làm phương tiện tấn công và phòng thủ trong khi quyền lại chỉ sử dụng nắm tay (fist).

Cũng cần để ý thêm rằng võ thuật là một bộ môn sáng tạo của loài người văn minh, luôn luôn tiến triển với trào lưu của thời đại. Như chúng ta đã biết, vào thời đại ăn lông ở lỗ, người lãnh tụ của bộ lạc phải là người có sức mạnh của bắp thịt và sử dụng sức mạnh bắp thịt trong các binh khí thô sơ như ném đá, bẻ cành cây làm gậy. Qua thời đại đồ đồng đồ sắt, những lãnh tụ và những anh hùng vẫn còn dùng sức mạnh bắp thịt để tranh đoạt quyền lực, võ thuật chỉ ở trình độ sơ đẳng, thí dụ như trong truyện Thuyết Đường, nhân vật Lý nguyên Bá, Võ văn Thành Đô, Trình giảo Kim... chỉ biết sử dụng chùy, búa, giản (gậy sắt rất nặng) để đánh trận vì những người này có sức lực của bắp thịt chứ chúng ta không thấy tác giả nêu ra được những đòn thế cao siêu gì cả.   

Qua thời đại luyện kim, người ta đã biết sử dụng Carbon trộn với thép để làm ra các binh khí sắc bén như đao, kiếm, gươm, dao găm, phi tiêu...thì võ thuật mới trở nên đa dạng và nhiêu khê. Bởi vì bên cạnh luyện nội công để thở và giữ cho đầu óc được minh mẫn, người luyện võ còn phải luyện ngoại công, phải biết tính năng và công dụng của các bộ phận trên cơ thể mình mà còn phải biết công dụng và kỹ thuật chiến đấu của các binh khí nữa. Thời đại luyện kim, người ta ít cần đến bắp thịt vạm vỡ, với vũ khí sắc bén nhọn, người luyện võ lại chuyên luyện về sự nhuần nhuyễn và chính xác nhanh lẹ. Hãy tưởng tượng một cuộc song đấu giữa Atos sử dụng kiếm fleuret (nhân vật đàn anh của truyện Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ) và Lý nguyên Bá sử dụng đôi song chùy rất nặng, có thể Lý nguyên Bá bị đâm một nhát fleuret thấu tim mà không đập địch thủ được một chùy nào cả!!! Thời cận đại, người ta còn biết sử dụng đòn bẩy + điểm tựa, biết lợi dụng moment ngẫu lực để quật, để ném đối phương xuống đất làm đối phương bị tử vong vì tan xương nát sọ hay hoặc làm đối phương tàn phế bằng các thế võ “cầm nã thủ” khi bẻ tay làm đối phương bị lìa khớp hay gãy tay gãy chân....Chúng tôi chỉ nói sơ qua về vấn đề này vì đây không phải là bài khảo sát về lịch sử võ thuật, nhưng muốn nhấn mạnh rằng, người ta thường biết tới võ thuật qua 3 kỹ năng đầu tiên, mà không để ý tới kỹ năng thứ tư, đó là kỹ năng ước tính.

Kỹ năng ước tính cũng được dựa trên một số tiêu điểm:

  1. Ước tính khoảng cách
  2. Ước tính lực tác động (của mình và của đối phương)
  3. Ước tính gia tốc của đòn thế
  4. Ước tính khả năng biến chiêu của đối phương
  5. Ước tính vị trí chiến đấu (để tấn công hữu hiệu, để trả đòn tự vệ đích đáng và để tháo chạy khi cần thiết)

Nếu chúng ta thuộc môn phái luyện quyền nhiều hơn cước (như boxing, như Karate, như Thiếu Lâm nam phái) mà gặp đối thủ thuộc môn phái luyện cước nhiều hơn quyền thì lẽ đương nhiên chúng ta không thể tấn công trước được (vì khoảng cách đối phương xa ngoài tầm tay), mà nếu đứng yên xuống tấn chịu đòn thì nhiều khi không có cơ hội phản công vì chính mình đã bị hạ gục ngay đòn đầu tiên. Vậy thì phải luyện thuần thục môn “Lăng Ba Vi Bộ” như nhân vật Đoàn Dự trong bộ truyện Lục Mạch Thần Kiếm chăng?  Thực tế, chúng ta chỉ cần luyện môn nhẩy dây như các võ sĩ quyền Anh là chúng ta có thể nhảy tránh bằng cả 2 bàn chân (mà không cần lấy đà lấy trớn) di chuyển thân mình ra khỏi vị trí cũ chừng 1- 2 tấc là đối phương bị hụt đòn rồi. Khả năng ước tính khoảng cách rất quan trọng, người học võ chỉ đạt được kết quả này khi đã trải qua nhiều buổi tập luyện tự do song đấu với các bạn trong võ đường, những người luyện võ một mình qua sách vở hay qua băng video hay một thầy một trò không thể có được kỹ năng ước tính khoảng cách được.  Chúng ta có thể ước đoán lực tác động của đối phương qua diện mạo và vóc dáng bên ngoài, nhưng thật là khó khăn khi chúng ta muốn ước đoán chính xác gia tốc đòn thế của đối phương. Như chúng ta đã biết, Lực (Force) =  Khối Lượng (Mass) x Gia Tốc (Gamma), nếu đối phương vừa to lớn (vừa có kích thước lớn hơn mình + vừa có tập luyện bắp thịt cuồn cuộn) vừa ra đòn nhanh và chính xác hơn mình thì làm sao chúng ta có cơ may để cầm cự chứ đừng nói tới cơ may chiến thắng? Phương cách ứng xử hay nhất theo chúng tôi là “bỏ chạy”, dĩ nhiên khi còn trẻ, cá nhân tôi không không thích nhắc tới nhóm từ này, vì thường đồng hóa “bỏ chạy” có nghĩa là “hèn nhát”, nhưng tất các vị võ sư mà tôi đã thụ giáo như võ sư  Nguyễn mười Nho – môn phái TaeKwonDo, giáo sư  Đặng Thông Phong – môn phái Aikido, võ sư  Hoàng xuân Dần – môn phái Judo, hệ phái Watanabé... đều nói rằng: “...học võ để tồn tại với mọi sự cạnh tranh, chứ học võ không phải để tranh thắng với thiên hạ, chỉ sử dụng võ thuật khi tối cần thiết (nghĩa là nếu bị bức bách có thể bị giết) thì mới xuất đòn sát thủ. Sở dĩ phải dùng đòn sát thủ vì thà rằng được tòa án giảm khinh vì “sát nhân ngộ sát trong trường hợp tự vệ” vẫn hơn là chính mình “ngậm cười mếu máo” dưới âm phủ và để lại cho thân nhân những tiếc nuối vô hạn. Khi chiến đấu đối đầu với một đối phương vượt trội hơn mình về mọi phương diện thì sự bỏ chạy là kết qủa của sự “nhát khôn ngoan”, còn như đã biết đối thủ hơn mình mọi phương diện mà vẫn tiếp tục chiến đấu để rồi bị thương tật hay bỏ mạng thì rõ là sự “dũng cảm đần độn”. Chớ nên đồng hóa và gán ghép HÈN và NHÁT với nhau, mặc dù 2 tính từ này có nhiều hiện tượng biểu kiến giống nhau...”  Cá nhân tôi đã được các quý vị võ sư  dặn dò nhiều lời khuyên hữu ích về vị trí cần phải làm khi đến những chỗ đông người như quán ăn, thương xá, sân vận động, nhà gare, trạm xe buýt.... không phải để tháo chạy khi có địch thủ cao tay ấn hơn mình mà là để thoát khỏi những chỗ ấy khi có biến cố bất thường xảy ra như hỏa hoạn, plastic nổ (thập niên 1963 – 1973 Việt Cộng thường ném lựu đạn và đặt plastic để khủng bố dân chúng Sàigòn). Cho tới nay, cá nhân tôi chưa bao giờ bị lâm vào tình trạng xấu như đã nêu, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng lời dặn dò đề cao cảnh giác của các vị võ sư năm xưa vẫn còn có hiệu lực tới bây giờ, nhất là tại quốc gia Hoa Kỳ sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Chúng tôi dành phần ước tính khả năng biến chiêu của đối phương nói sau vì khi mình quyết định trụ lại để đối đầu với đối phương thì mới sử dụng đến kỹ năng này. Cuộc chạm trán đối đầu với đối phương là tao ngộ chiến, không phải là cuộc thi đua trên võ đài để trọng tài ghi điểm, cho nên chúng ta không có thì giờ để kéo dài cuộc đụng độ này (ngoại trừ chính chúng ta cần phải cầm chân đối phương để chờ cứu viện của Cảnh Sát hay nhân viên công lực); do đó chúng ta phải vô hiệu hóa đối phương trong vòng tối đa một phút mà thôi (ghi chú: một hiệp đấu trên võ đài cũng chỉ có 90 giây). Một khi đã chấp nhận đối đầu với đối phương, chúng ta cần áp dụng nguyên lý căn bản của võ thuật là nhanh, mạnh và chính xác để giải quyết, chúng ta chỉ cần giới hạn ra đòn trao đổi với đối phương chừng 5 chiêu là tối đa, nếu ước đoán chính xác khả năng biến chiêu của đối phương, tôi nghĩ rằng chỉ cần 3 chiêu là có thể khống chế hay triệt hạ đối phương. Còn như qua 5 chiêu trao đổi mà vẫn bất phân thắng bại, thì có lẽ chúng ta nên áp dụng phương cách của Trình Giảo Kim là hay nhất.

Như đã nói sơ lược ở đoạn trên, võ đạo ở mức độ sơ cấp và trung cấp được hiểu là rèn luyện sự tự tin, rèn luyện ý chí và rèn luyện đức tính kiên nhẫn. Nhưng tác giả Kim Dung trong bộ truyện “Đồ Long Đao, Ỷ Thiên Kiếm” đã mô tả đạo sư Trương Tam Phong – chưởng môn tổ sư sáng lập phái Võ Đang mới đúng là nhân vật cao cấp trong võ đạo. Khi ông dạy Trương Vô Kỵ (con trai của Trương Thúy Sơn – người đệ tử đứng hàng thứ năm của ông)  học Thái Cực Kiếm, ông đã đưa ra 2 yếu quyết “Vô chiêu thắng hữu chiêu” và “dạy cho Vô Kỵ học kiếm ý chứ không dạy kiếm thế”. Tuy chỉ có 2 yếu quyết nghe qua thì rất đơn giản, nhưng diễn trình để hiểu và đạt được 2 yếu quyết này thật không dễ dàng. Tại sao “vô chiêu lại thắng hữu chiêu” và tại sao chỉ dạy “kiếm ý” mà không dạy “kiếm thế”?

Chúng tôi hơi dài dòng khi chuyển qua giải thích một số thuật ngữ có vẻ dính dáng đến tướng mệnh học để các bạn đồng môn CVA hiểu rõ về võ đạo và ý nghĩa của 2 yếu quyết mà tổ sư Trương Tam Phong đã truyền dạy cho Trương Vô Kỵ. Trước hết là định nghĩa của THẦN: là sự hoạt động tiến bộ của trí óc, rõ hơn phải nói là sự hoạt động tích cực của cõi ý thức trong bộ não của người ta. Chúng ta đã từng nghe nói có những con người “đôi mắt có thần” và cũng nghe nói “có những người lớn tuổi mà trí óc chậm phát triển” (suy nghĩ và hành xử như một đứa trẻ con); thậm chí có những người sống như loài cây cỏ nghĩa là bộ óc không thể hoạt động suy nghĩ được gì cả ngoại trừ đòi hỏi theo phản xạ. Một thí dụ thứ hai là người miền Bắc Việt Nam đe dọa ai, thường hăm he đối phương bằng câu nói “liệu thần hồn”, rõ ràng là gây cho đối phương sự lo lắng về mặt tinh thần. Định nghĩa thứ  hai là KHÍ: là tần số và chu kỳ dao động của sự suy nghĩ trong bộ óc con người. Chúng ta cũng đã nghe người Việt Nam ta nói “người nông dân khí đục” khác với “tài tử văn nhân tao nhã”; hay là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Định nghĩa thứ ba là SẮC: là biên độ dao động của đường biểu diễn sự hoạt động trí óc của con người, biên độ này có thể mạnh hay yếu tùy theo sự rèn luyện của con người (tương đương với đường biểu diễn hình sin động cao hay thấp).

Nếu chúng ta mường tượng ra rằng, sự suy nghĩ của con người được biểu diễn bằng đường sin động (giống như đường biểu diễn cuả một dòng điện hai chiều trong vật lý) thì chúng ta sẽ hiểu rõ hơn rằng nhóm từ THẦN, KHÍ, SẮC không có một chút gì thần bí và khó hiểu cả. Trong máy phát điện 3 phases người ta đã có 3 đường biểu diễn hình sin động với biên độ dao động cao thấp bằng nhau, nghĩa là các đỉnh dao động của các đường sin động nằm gần nhau đến nỗi có thể kẻ thành một đường thẳng và người ta chỉ cần dùng một máy biến thế để triệt tiêu nửa chu kỳ dòng điện âm của điện 2 chiều là chúng ta đã sản xuất ra được dòng diện một chiều với hiệu số điện thế và cường độ rất lớn.

Cao thủ võ lâm nào luyện được nội công thâm hậu có nghĩa là hoạt động trí óc của người đó giống như hoạt động của máy phát điện 3 phases như tôi vừa nêu. Võ sư Hoàng Xuân Dần có nêu một điểm tương hợp giữa thiền trong Judo và thiền trong Phật giáo, đó là “xả”. Riêng tôi ngờ rằng phép “xả” trong thiền có giá trị tương đương như máy biến thế để triệt tiêu nửa dòng điện âm trong máy phát điện 3 phases, điều đó cũng đúng khi chúng ta nhận ra rằng những nhân vật cao thủ trong võ lâm bị “tẩu hỏa nhập ma” vì không triệt tiêu hay trấn áp được những tạp niệm, cho nên đường biểu diễn sự hoạt động của trí óc không có tần số và chu kỳ bình thường, đồng thời cũng không vận dụng được phép “xả” khiến cho các đường biểu diễn hình sin động, thay vì hợp nhau thành dòng điện một chiều với hiệu số điện thế và cường độ cao, lại trở thành các đường biểu diễn giao nhau một cách lộn xộn và không thể phát huy ra được năng lượng gì cả.

Tổ sư Trương Tam Phong không những có nội công cao mà đầu óc của ông còn phát sóng và thu nhận phân biệt sự phát sóng của đối phương cho nên ông không dạy “kiếm thế” của phái Võ Đang cho Trương Vô Kỵ mà ông dạy cho Vô Kỵ phương pháp đoán biết trước được ý định và kỹ thuật tấn công của đối phương để Vô Kỵ có thể hóa giải được dễ dàng các đòn thế tấn công này bằng chính công phu tập luyện của Vô Kỵ. Tác giả Kim Dung gọi phương pháp đoán trước được ý định của đối phương là “kiếm ý”. Còn “vô chiêu thắng hữu chiêu” có nghĩa là Vô Kỵ không nên học chiêu thức của phái Võ Đang để khống chế đối phương, mà phải nhận biết chiêu thức của đối phương rồi khống chế đối phương bằng chính chiêu thức của họ với gia tốc đòn thế và khinh công di động nhanh lẹ của chính Vô Kỵ.

Tác giả Kim Dung cũng đã cho độc giả một trường hợp điển hình về “vô chiêu thắng hữu chiêu” khi Không Tín thần tăng của phái Thiếu Lâm (người sư đệ đứng hàng thứ tư của chưởng môn phái Thiếu Lâm, giỏi hơn các sư huynh về công phu Niêm Hoa Chỉ) bị thua Trương Vô Kỵ khi giao đấu bằng công phu Niêm Hoa Chỉ!  Không Tín rất tự kiêu về môn công phu này, nhưng khi bị thua, ông ta thất vọng lại định dùng công phu Niêm Hoa Chỉ tự bóp cổ mình để tự sát. Trương Vô Kỵ đã dùng khinh công và công phu Niêm Hoa Chỉ để hóa giải hành động tự sát của Không Tín rồi ăn nói rất khiêm tốn và nhỏ nhẹ (nhưng thực ra là để trách mắng nhà sư quá kiêu ngạo này) như sau: “ Khi giao đấu, tôi dùng chính ngay công phu Niêm Hoa Chỉ để đấu với ông chứ không dùng công phu của môn phái khác, ông thua tôi vì khinh công ông luyện chưa tới. Ông thua trận kỳ này thì cần phải rèn luyện nhiều hơn nữa để thăng tiến võ công, chứ tự tử chết đi thì có ích gì cho môn phái?” (dĩ nhiên tôi chuyển dịch ý nghĩa của lời nói chứ không phải trích dẫn nguyên văn lời của Kim Dung viết cho Trương Vô Kỵ). Không Tín tỉnh ngộ và đích thân hạ mình thỉnh mời Vô Kỵ khi nào rảnh rỗi ghé qua chùa Thiếu Lâm để chỉ giáo (dạy) cho ông ta về công phu Niêm Hoa Chỉ !!!

Có võ thuật và có võ đạo mà không có tinh thần hiệp sĩ cứu khổn phò nguy, không biết bảo vệ và phát huy chân lý lẽ phải của cuộc sống thì không phải là con người võ hiệp, mà chỉ là “phường giá áo túi cơm”, hay chỉ là loại “chịu đấm ăn xôi” hoặc tệ hại hơn nữa bị bọn cường quyền giàu có bất nhân phi nghĩa thuê mướn làm tay sai để bảo vệ quyền lực và tài sản cho bọn chúng, thật là uổng công tu tập để trở thành võ sĩ cao thủ mà không bao giờ trở thành CHÂN NHÂN được.

Ngày nay có thể con em chúng ta không nhất thiết phải rèn luyện võ thuật để có đẳng cấp huyền đai nhưng kỹ năng rèn luyện võ thuật, những nguyên lý và phương pháp luyện võ đạo cùng với học tập phát huy tinh thần hiệp sĩ vẫn cần được duy trì và phát triển. Giới trẻ con em của chúng ta cần học tập kỹ năng chuyên môn để kiếm sống (tương đương với kỹ năng tấn công trong võ thuật), cùng một lúc cũng phải học tập rèn luyện các môn nhân văn xã hội để có thể hòa nhập vào cuộc sống có tốc độ thay đổi mau chóng như xã hội Hoa Kỳ này (tương đương với kỹ năng né tránh trong võ thuật) đồng thời các bậc cha mẹ phải khuyến khích và hướng dẫn con em thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt vào các đoàn thể hướng đạo (để rèn luyện kỹ năng chịu đựng, rất cần thiết hầu có thể vượt qua những stress của cuộc sống sau này). Bậc cha mẹ chúng ta cũng nên khuyến khích và động viên con em chúng ta tham gia vào các hội thiện nguyện (tương đương với sự rèn luyện tinh thần hiệp sĩ), dĩ nhiên tất cả những đề nghị mà tôi vừa nêu trên không phải dễ dàng thực hiện tất cả được trong cùng một lúc.

Tuy nhiên, nếu so sánh sự tự do phóng đãng của giới trẻ Hoa Kỳ khoảng thập niên 60-70 và sự gò bó chuyên cần rèn luyện của người Việt tỵ nạn sau 30/4/75 đến nay, tôi vẫn lạc quan tin rằng các đồng môn CVA của tôi vẫn thích chọn giải pháp đề nghị của tôi để giáo dục con cái của chúng ta, phải không các bạn?

San José, ngày 5 tháng 4 năm 2004

TRẦN TRUNG CHÍNH (CVA68)

* * *

TA VÀ ĐỊCH

Ngô Sĩ Hùng

Bạn là địch, bồ bịch mới là ta

Đám cưới, đám ma, ta đi với địch

Party, du lịch, ta đi với ta

Có chuyện xảy ra, ta về với địch

Đêm khuya tịch mịch, ta nghĩ tới ta

Sáng mở mắt ra, ối cha là địch

* * *

 

 Phạm Huy Thịnh (CVA59)

Tầm quan trọng của vấn đề môi sinh trong đời sống, sự kêu gọi mọi người tham gia vào các chương trình bảo vệ, làm sạch môi sinh đã đuợc nói tới rất nhiều. Môi sinh trong đời sống gồm 2 phần: vật chất và tinh thần. Bài này chỉ xin trình bày tóm tắt một khía cạnh của việc làm sạch môi sinh tinh thần mà thôi.

Khi ngồi trước máy điện toán đọc thư, xem tin tức, liên lạc với bạn bè thì đó chính là một phần của đời sống tinh thần. Đọc thư mà gặp những chuyện không vui, làm cho ta bực mình thì môi sinh tinh thần đó đã bị ô nhiễm.

Những ô nhiễm môi sinh tinh thần trên lưới có rất nhiều: thông tin sai, bóp méo sự thực, không chứng minh mà chỉ phỏng đoán (ASSUME), gán ghép rồi kết luận, tạo nên những "thảo luận ồn ào" , v...v.... Sống trong một xứ dân chủ, hô hào tranh đấu cho dân chủ, cho tự do ngôn luận mà lại tìm cách ngăn cản nguời khác nói lên sự thật bằng cách này cách khác, cung đều có phản ứng nguợc.... Tất cả các sự kiện kể trên đã góp phần làm ô nhiễm môi sinh trong đời sống tinh thần trên lưới. Ðây là điều đáng tiếc và mỗi người đều có thể dễ dàng góp phần cải thiện môi sinh tinh thần này qua sự thảo luận xây dựng, ôn hòa.

Một đề tài đưa lên diễn đàn thì góp ý, thảo luận là điều đương nhiên phải có. Nếu phê bình góp ý đúng thì cám ơn và sửa. Nếu chỉ trích sai thì giải thích. Với những người không đủ khả năng lý luận, chỉ gán ghép, dùng những lời lẽ mạt sát hay đang nóng giận ... thì bỏ qua, không trả lời vì với thời gian, mọi chuyện đều sẽ sáng tỏ. DƯ LUẬN RẤT CÔNG MINH. Đó là cách thông thường giúp làm sạch môi sinh trên lưới. 

Một hiện tượng đang xẩy ra làm ô nhiễm môi sinh tinh thần mà không có thể dùng các phương cách trao đổi thông thường kể trên để cải thiện được: đó là hiện tượng bọ, sâu máy tính.

Kể từ khi sâu máy tính "netsky" xuất hiện, với khả nãng giả mạo địa chỉ người này để gửi thư cho người khác, thì hiện tượng điện thư giả mạo địa chỉ để phát tán bọ, sâu máy tính ngày cang lan rộng. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, trên các diễn đàn, hiện tượng này có vẻ càng... nở rộ hơn! Ðiều này làm cho ngườì xử dụng lưới ...mất vui, lúc nào cũng căng thẳng, lo sợ, đề phòng bị sâu bọ máy tính phá máy, hoặc là bị hiểu nhầm về hành động bất xứng này, nên cố gắng giữ kín địa chỉ điện thư để khỏi bị vạ lây bằng cách ...im lặng, không đóng góp ý kiến dù thấy những việc...chướng tai gai mắt! Chính sự im lặng cho "an toàn" này đã gián tiếp làm cho môi sinh tinh thần bị ô nhiễm thêm!

NGUYÊN NHÂN NÀO ĐÃ ĐƯA ĐẾN TÌNH TRẠNG SÂU BỌ MÁY TÍNH LAN TRÀN NHƯ NGÀY NAY ?

Xin ghi lại đây những ý kiến thu lượm được trên các diễn đàn, lúc ..." trà dư tửu hậu" với bạn bè:

  • Một phần là do máy bị nhiễm sâu bọ máy tính phát tán thật, mà phần khác là do kẻ xấu cố ý gửi mà làm như là do máy bị ...ô nhiễm sâu bọ ...tự phát tán mà đương sự không biết. Những kẻ phát tán sâu bọ máy tính là những kẻ làm theo lệnh hoặc chỉ vì đồng tiền, miếng cơm, manh áo... hoặc bị xúi dục... làm bậy mà không hay... hoặc là hành động của kẻ ngông cuồng....
  • Có ý kiến cho rằng hiện tuợng sâu máy tính lan tràn giúp các hãng sản xuất nhu liệu chống sâu bọ điện toán kiếm tiền và dẫn đến nghi ngờ phải chăng nhóm phát tán và nhóm phòng chống sâu bọ điện tóan đều là...một ???
  • Đấy là hình thức đe dọa khủng bố tinh thần có tổ chức nhằm mục đích làm cho người nhận bị phân tâm, lo đề phòng sâu bọ điện toán mà không còn thì giờ nghĩ tới, làm chuyện khác....có hại cho công việc của họ!
  • Có ý kiến cho rằng đấy là hình thức gây nghi ngờ chia rẽ giữa những người quen biết nhau ...

Một điều đáng chú ý là các anh em trên diễn đàn CVA đều đã biết và quen với trò thư giả mạo gửi sâu bọ máy tính này nên chẳng ai nêu thắc mắc khi thấy những thư như vậy xuất hiện trên diễn đàn trong thời gian gần đây. Anh em chỉ than là "bị tấn công" khi nhận được nhiều thư chứa sâu bọ máy tính! Ðiều chắc chắn là không một ai, một tổ chức, một hãng cung cấp dịch vụ chuyển thư nào chấp nhận việc phát tán sâu bọ điện toán.

Phản ứng của mỗi người khi nhận được thư chứa sâu bọ điện toán đều khác nhau và đưa tới hậu quả khác nhau. Khi nhận được thư chứa virus mà cứ im lặng xóa đi, cho là xong, hoặc chỉ báo động cho mọi người biết với đôi dòng bực tức, "luân lý gíao khoa thư", ...chỉ làm cho "ma virus" ...khoái chí ..., thêm lộng hành ...và không giúp ích gì cho việc làm sạch môi sinh trên lưới hết.

Theo thời gian, "kỹ thuật" phát tán sâu bọ máy tính thay đổi. Vì vậy, muốn góp phần vào sự làm sạch môi sinh tinh thần này thì cũng phải thay đổi "kỹ thuật tìm manh mối" cho phù hợp.

Trước đây, khi nhận được thư chứa bọ máy tính, người nhận có thể căn cứ vào tên, địa chỉ người gửi để báo cho họ biết là máy của họ bị nhiễm bọ máy tính, cần tẩy sạch.

Giai đoạn tiếp theo là tên, địa chỉ người gửi bị giả mạo nhưng địa chỉ thực sự của người gửi thư vẫn còn đuợc ghi tại mục "SENDER", "X-SENDER" nơi FULLHEADER nên có thể căn cứ vào đây để biết và gửi thư báo cho chủ máy bị nhiễm bọ máy tính biết.

Kể từ khi sâu "Netsky" xuất hiện thì các mục ghi địa chỉ đều bị gỉa mạo hết, không còn căn cứ vào "SENDER" hay "X-SENDER" để báo cho đương sự biết đuợc nữa. Điều duy nhất còn lại là mã số (IP) của máy khi nối vào lưới và chỉ có hãng cung cấp dịch vụ nối mạng (ISP) của máy này biết đuợc chủ nhân của máy. Vì vậy, muốn tiếp tay làm sạch môi sinh trên lưới, ngăn chận việc phát tán sâu bọ máy tính thì chỉ còn cách giúp các nhà cung cấp dịch vụ nối mạng liên hệ là báo cho họ biết máy nào trong hệ thống của họ hiện đang bị nhiễm sâu bọ máy tính để họ giải quyết.

CẢI THIỆN MÔI SINH TINH THẦN

Truớc khi tham gia vào công tác làm sạch môi sinh thì cần phòng thủ cho vững để không bị bọ, sâu máy tính xâm nhập khi mở thư lạ, và nếu chẳng may bị nhiễm thì có "thuốc" chữa liền!

1.- PHÒNG THỦ

Việc phòng thủ đã đuợc bàn tới nhiều. Chỉ xin tóm tắt vài điểm cơ bản như sau:

Hiện nay có loại sâu máy tính phát tán mà không nằm trong "tài liệu đính kèm" (attachment file), chỉ cần mở đọc thư là sâu xâm nhập máy tính liền. Vì vậy nhu liệu phòng chống bọ sâu máy tính với dữ liệu cập nhật là tối cần thiết đối với nguời xử dụng máy tính.

1.1.- Dùng nhu liệu và dịch vu bảo vệ có trả tiền như Norton Internet Security chẳng hạn để được tự động cập nhật dữ liệu .

1.2.- Dùng các nhu liệu MIỄN PHÍ sau đây:

1.2.1 .- Antivirus : Tải Grisoft AVG Free Edition từ http://www.grisoft.com. Nhớ chọn cập nhật dữ liệu vào thời gian thường xử dụng máy nới vào lưới.

1.2.2.- Personal firewal: Cả SyGate (http://www.sygate.com) và ZoneAlarm (http://www.zonelabs.com) đều cung cấp versions căn bản miễn phí.

1.2.3.- Spyware blocker: SpyBot Search & Destroy (http://www.security.kolla.de)

Xử dụng phối hợp 3 nhu liệu "chùa" trên đây thì cũng tương tự gần như Norton Internet Security vậy. 

Ngoài ra cũng còn các nhu liệu phòng chống bọ sâu máy tính ... hoàn toàn miễn phí khác.

1.3.- Cập nhật thường xuyên Windows : http://www.office.microsoft.com/productupdates

1.4.- Xử dụng địa chỉ điện thư miễn phí của Yahoo.com, Hotmail.com ... vì các ISP này luôn luôn kiểm tra bọ, sâu máy tính các thư nhận được với dữ liệu được cập nhật. Ðối với Yahoo, những thư rác, thư nghi ngờ có bọ sâu máy tính đều được gom vào "BULK" folder, và khả năng lưu trữ của Yahoo lên tới 100MB-250MB ( so với 2-5MB của các ISP khác miễn phí).

2.- PHẢN CÔNG

Vấn đề chính yếu trước khi báo cho nhà cung cấp dịch vụ nối mạng của máy phát xuất thư chứa bọ sâu máy tính là phải biết được mã số (IP address) nguyên thủy của máy gửi thư chứa virus và địa chỉ để khiếu nại.

2.1- Cách tìm IP nguyên thủy

2.1.1.-Cách cổ điển là đọc từng dòng "Received" của "Fullheader" để truy tìm ra mã số nguyên thủy.

Các tài liệu hướng dẫn cách đọc "fullheader" để truy lùng nguồn gốc IP có rất nhiều trên lưới, cụ thể là tại địa chỉ: http://www.spam.abuse.net/userhelp/  

Ðây cũng là 1 phương pháp rèn luyện vận dụng trí óc để ngăn ngừa bệnh lú lẫn khi nhiều tuổi.

2.1.2.-Ðể đối phó với sự tiến bộ của việc giả mạo và truy tìm mã số  nguyên thủy đuợc dễ dàng, các hệ thống chuyển thư có uy tín như Yahoo, MSN... đã thêm phần "X-Originating-IP" ngay trong mấy dòng đầu của Fullheader, AOL thêm phần "X-AOL-IP"... . Đây chính là mã số nguyên thủy của máy gửi thư, giúp người đọc dễ dàng "nhận diện thủ phạm".

2.2.-Tìm địa chỉ khiếu nại

Khi đã biết mã số nguyên thủy thì có nhiều cách để tìm địa chỉ khiếu nại trên lưới.

Một gia trang đáng tin cậy và thông dụng cho việc này là : http://www.samspade.org/t/

Ðiền mã số nguyên thủy vào ô trắng trên cùng "The address digger" rồi nháy chuột vào ô "Do stuff". Một bảng kết qủa hiện ra ghi các chi tiết và địa chỉ liên lạc cần thiết. Gửi thư khiếu nại tới các địa chỉ bắt đầu bằng "abuse" hoặc "security".

Tìm chữ WHOIS là ra các gia trang khác giúp tìm kiếm chi tiết tương tự như trên.

2.3- Nhu liệu miễn phí VirusCop

Nhu liệu miễn phí VirusCop rất tiện dụng trong việc tìm ra mã số nguyên thủy và địa chỉ khiếu nại.

Vào http://www.cyber-matrix.com/viruscop.html  để tải nhu liệu miễn phí VirusCop (vcsetup, khoảng 542 K) và cài vào máy. Tài liệu hướng dẫn rất rõ ràng nơi "Help ----> How to use VirusCop". Chỉ cần copy/paste fullheader vào phần dành sẵn rồi vài cái nháy chuột là có ngay mã số nguyên thủy và địa chỉ để báo cho hãng cung cấp dịch vụ nối mạng  liên hệ. Nhu liệu có sẵn thư khiếu nại mẫu dành riêng cho mỗi trường hợp như thư có bọ sâu máy tính gửi riêng cho cá nhân, gửi lên diễn đàn, hoặc khiếu nại đối với thư rác thông thường ...

Chỉ cần vài phút là xong 1 bức thư giúp cho hãng cung cấp dịch vụ nối mạng  liên hệ biết máy của khách hàng họ có mã số nguyên thủy nào cần tẩy sạch bọ, sâu máy tính.  Xin đọc kỹ phần huớng dẫn cách xử dụng VirusCop truớc khi tham gia ...trò chơi giải trí này!

Ngoài ra, trên lưới cũng có nhiều gia trang hữu ích khác giúp cho việc tìm địa chỉ khiếu nại và gửi thư khiếu nại hộ nạn nhân như http://www.abuse.net  chẳng hạn.

2.4.- Cách khiếu nại và kết quả

Nên so sánh, kiểm tra lại kết qủa tìm mã số nguyên thủy và địa chỉ khiếu nại tìm thấy từ các nguồn khác nhau trước khi gửi thư trình bày vấn đề cho giới chức có thẩm quyền.

Theo các tài liệu thì cách khiếu nại hiệu nghiệm nhất là gửi tới hãng cung cấp dịch vụ nối mạng  của máy phát tán bọ, sâu máy tính và phải do chính "nạn nhân" gửi đi. Thư khiếu nại cần viết lịch sự, nêu rõ lý do, kèm fullheader và nội dung lá thư chứa bọ, sâu máy tính. Khiếu nại cần kiên nhẫn, để cho hãng cung cấp dịch vụ nối mạng có đủ thì giờ kiểm tra và "làm việc" với khách hàng của họ.

Đối với các hãng có uy tín thì chỉ cần một lần báo cho họ là vấn đề đuợc giải quyết xong. Tuy nhiên cũng có hãng cung cấp dịch vụ nối mạng mà vì lý do này hay lý do khác, những thư khiếu nại gửi tới sẽ không được giải quyết đúng mức. Họ vẫn có thư trả lời tự động rất lịch sự với những chi tiết hữu ích cho các lần khiếu nại về sau như thượng cấp của họ hay cơ quan công quyền có trách nhiệm. Trường hợp này cần khiếu nại nhiều lần. Sau 1 thời gian, khoảng 1 tuần, mà hiện tượng thư chứa bọ sâu máy tính vẫn tới thì gửi thư nhắc lại kèm theo các dữ kiện mới, gửi thêm lên cấp cao hơn và nếu cần thì gửi luôn đến các tổ chức chống thư rác như This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.  hay tới các cơ quan chính phủ mà họ đã .."bật mí" cho biết như: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. , This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.   (đối với Hoa Kỳ) để nhờ can thiệp. Vì uy tín, các hãng cung cấp dịch vụ nối mạng  "qúa bận việc" này bắt buộc phải giải quyết vấn đề khách hàng của họ phát tán thư chứa bọ, sâu máy tính. Nếu chủ nhân các hãng cung cấp dịch vụ nối mạng  lại sống bằng dịch vụ gửi thư rác và khi gặp người kiên trì khiếu nại gây phiền toái cho họ thì giới gửi thư rác sẽ loại địa chỉ "kẻ gây rối" ra khỏi danh sách và ngưng gửi.

Thiết nghĩ mọi người đều nên tham gia vào trò chơi giải trí này, trước là để giữ cho đầu óc được tỉnh táo, sau là góp phần làm sạch môi sinh tinh thần, đưa đến các hiệu qủa tích cực khác và thế là tạo thêm được niềm vui... cho đời vậy !

CVA Phạm Huy Thịnh  10/2004

* * *

Xuôi TheoDòng Đời

Tơn Nữ Mặc Giao

LTS: Tôn Nữ Mặc Giao là bút hiệu của chị Mộng Giang, phu nhân của CVA Nguyễn Văn Hiến (Anh Hiến hiện là Thủ Quỹ của Hội CVA Bắc California.)

Trong một buổi họp mặt tân niên của hội Chu Văn An ở nhà hàng Thành Được, Thái tình cờ gặp lại được cô Bé. Thần tượng một thời và cũng có thể nói là mối tình đầu thời còn là học sinh năm cuối lớp 12 của Thái.

“Cái thửơ ban đầu lưu luyến ấy,

 Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”

Quả thật như thế! thưở ấy, Thái yêu Bé say đắm, yêu đến nỗi Thái tưởng rằng mình không thể nào lấy ai được nữa khi được tin Bé đi lấy chồng. Ngày ấy, Bé đáng yêu lắm kìa! dáng bé thon gầy mặc áo dài trắng, tóc xõa ngang vai, khuôn mặt Bé trái xoan, khi Bé cười, hai con mắt Bé cười theo lại thêm giọng nói Hà Nội ngọt ngào nhỏ nhẹ làm sao khiến Thái cứ ngẩn ngơ nhìn không nói được một lời nào. Thái nghĩ chắc chả bao giờ Bé biết giận ai bởi Bé tươi quá, giọng nói Bé như chim hót, chưa bao giờ Thái thấy Bé to tiếng với ai cả. Mỗi lần gặp Thái, Bé cười tươi và ánh mắt như ngầm hỏi: “anh Thái muốn nói gì?” mà Thái thì cứ ngẩn ngơ chỉ muốn hôn vào má Bé một cái thôi cho nên cứ lặp bà lặp bặp mãi mà không thành lời:

      - Tôi... tôi... tôi...

      Thế thôi! rồi “tịt”. Dạo ấy, Thái là học sinh lớp 12 Chu Văn An. Bé cũng là học sinh lớp 12 của Lê Văn Duyệt. Nhà Thái ở đầu một con hẻm cũng khá lớn, xe hơi đi vào ngõ được ở đường Hai Bà Trưng Tân Định. Bé ở đâu dọn đến không biết, chỉ biết năm đó là cuối hè lớp 11, nghỉ hè xong là Thái sẽ học lớp 12. Thái ở trong nhà nhìn ra thấy một đoàn xe ba bánh kéo dài 5 chiếc, trên xe chất linh tinh đủ thứ đồ dùng trong nhà từ sa long, giường, tủ, bàn ghế, thùng lớn, thùng nhỏ chất đầy kín lần lượt đi sâu vào trong hẻm, Thái thoáng bắt gặp một cô bé xinh ơi là xinh, nước da trắng hồng, cặp mắt long lanh, tóc thề xõa ngang vai, mặc chiếc quần “jean” màu xanh, áo “pull” ngắn tay màu nõn chuối, đang đạp chiếc mini xe đạp màu đỏ theo sau đoàn xe ba bánh chạy ngang nhà Thái. Thái như bị hớp hồn, chạy ra tận cửa ngó ngoái theo xem cô bé dọn đến nhà nào trong ngõ? Khi đã biết chắc căn nhà cô bé dọn đến ở cuối ngõ cùng một đường với nhà mình là Thái yên chí lớn rồi. Hè năm đó, Thái lên lớp 12, Thái theo dõi và được biết, cô bé đó tên là Bé, cũng học lớp 12 như Thái. Thái còn được biết thêm Bé có một ông anh đang học Văn khoa, Thái tìm cách làm quen ngay, chàng vờ vịt hỏi thăm xem Văn khoa như thế nào? anh của Bé học môn gì? để chuẩn bị cho sang năm mình cũng bắt đầu cuộc đời sinh viên. Nói chuyện với anh của Bé Thái rất bình tĩnh và lưu loát, nhưng nói chuyện với Bé là Thái bắt đầu “cà lăm”. Thái rất bực mình và cũng tự mắng thầm mình về cái tánh nhát gái như vậy hoài, lần nào đến nhà để gặp “anh” của Bé Thái cũng tự nhủ: “hôm nay nhất định phải nói cho Bé rõ cảm tình của mình đối với Bé mới được”. Vậy mà khi đối diện với Bé lại gặp lúc nhà không có ai, đúng là dịp may hiếm có thuận lợi vô cùng, vậy mà “hồn vía” Thái đi đâu mất tiêu, trống ngực đánh thình thịch, mặt đỏ bừng như say rượu, thế là Thái lại bắt đầu “cà lăm”:

      - Tôi... tôi... tôi...

      Thái không có tật cà lăm, bình thường Thái ăn nói rất lưu loát và trôi chảy, chỉ khi đứng trước mặt người đẹp, mà phải là người Thái yêu cơ, thì Thái mới mất bình tỉnh thành nói lắp. Cho nên quen Bé hơn một năm trời, tình yêu dành cho Bé cũng tròn một năm mà Thái chỉ nói được môt chữ “tôi” rồi thôi. Đã bao nhiêu lần, Thái vào nhà tắm khóa cửa lại soi gương và tự mắng mình: nào có khó gì đâu, chỉ đơn giản ba chữ “tôi yêu Bé” hoặc là “anh yêu em” thôi, mà sao mãi mày không nói được Thái ơi là Thái? mày có phải đàn ông không nhỉ? Thái đứng trước gương, tưởng tượng trước mặt mình là Bé thân yêu rồi chàng bắt đầu “practice”. Chàng nắm hai tay lại để trước ngực, diễn tả nét mặt vô cùng đắm đuối (cải lương đếch chịu được): “tôi yêu Bé”, rồi chàng lại nhăn mặt bỏ hai tay xuống: không được, trông cứ như quị luỵ van xin tình yêu, nghe “khô” quá! phải ướt át hơn một chút nữa, rồi chàng dựa lưng vào tường, tay trái khoanh dưới bụng, tay phải chống dưới cầm, cùi chỏ đè lên tay trái, mạnh dạn nói: “anh yêu em”. Thốt xong câu này Thái bất giác nghe trống ngực mình đập loạn xạ, mặc dù chỉ là tưởng tượng mà sao Thái vẫn thấy mình mất bình tỉnh. Cứ thế, mối tình câm của Thái kéo dài đến hè năm sau, Thái xong Tú tài đôi, Bé cũng đậu. Thái học Văn khoa, Bé theo Khoa học, cả hai vẫn là tình... hàng xóm láng giềng, nghĩa là chưa tiến thêm được bước mới nào. Thái vẫn ấp ủ tình yêu Bé, còn Bé có tình ý gì với Thái hay không thì không biết, chỉ thấy Bé rất hồn nhiên vô tư, Bé vui và cười rất tươi khi gặp Thái nhưng tim Bé có bóng hình của Thái hay không chắc chỉ có Bé biết mà thôi! Thái đâu cần biết, Thái chỉ biết Thái đang yêu Bé và quan trọng nhất là Bé chưa có bạn trai là được rồi. Thái cũng biết Bé lên đại học là Bé lớn rồi, sớm muộn gì cũng sẽ có bạn trai, huống chi Bé xinh quá trời! nếu Thái không nhanh tay là vuột như chơi, cho nên Thái quyết định nhờ “tay trong” giúp đỡ. Thái thú thật tình yêu mình với anh của Bé. Ông anh tươi cười dễ dãi nói:

      - Chủ Nhật này nhà tao có tổ chức đi Vũng Tàu hóng gió, sáng đi chiều về, tao sẽ cho chú mày một cơ hội, vậy 5 giờ sáng tập trung ở nhà tao, ra đến Cấp, chú mày tự tìm cơ hội mà nói với nó.

      Thái quýnh quáng:

      - Em tưởng anh về dò ý Bé giùm em rồi từ từ...

      Bình (anh của Bé) cướp lời:

      - Chú mày thật là tối dạ, nếu con em tao nó có thích chú mày chẳng lẽ nó thú thật với tao như chú mày hay sao? có cơ hội rồi thì tự mình phải biết nắm vững thời cơ chứ! cố lên, con em tao nó chịu nói chuyện với chú mày tức là nó cũng có cảm tình với chú mày đấy! chứ bạn tao đến nhà cả đống, nó có tiếp ai đâu.

      Thái nghe nói mừng rơn trong bụng, nhất định lần này chàng sẽ có cơ hội nói với Bé ba tiếng mà chàng đã ấp ủ, thì thầm mãi mổi tối trước khi đi ngủ như niệm thần chú không bằng, đó là ba tiếng: “anh yêu em” mà chàng tin chắc rằng lần này mình sẽ nói trôi chảy một cách thành khẩn và nghiêm túc.

      Biển đẹp quá! trong xanh và mát rượi. Trời hôm nay cũng đẹp, nắng vừa đủ ấm, không gắt gao đến độ phải phỏng da cháy thịt khiến mọi người tắm rất là thoải mái. Bé trong bộ “bikini” màu vàng đang từ trên bờ thong thả bước xuống bãi, tóc nàng bay tung ra phía sau để lộ vầng cổ cao mịn màng và đôi vai thon trần, thêm một thân hình cân đối với đôi chân thẳng và dài đang tiến gần về phía Thái. Ông anh quỉ quái của Bé nháy mắt đấm vào vai Thái một cái rồi nhảy tòm xuống biển bơi mất dạng. Thái ngẩn ngơ nhìn Bé chết trân: Trời ơi! Bé xinh quá (thế là lòng “tà” lại nổi lên) Thái chỉ muốn hôn lên vùng ngực trắng hồng nửa kín nửa hở đang phập phồng lên xuống đằng sau cái “nịch ngực” màu vàng mà thôi, thế là ba tiếng “kinh tình yêu” mà Thái vẫn tụng hằng đêm bỗng dưng theo bọt biển tan đi hết. Còn đang ngẩn ngơ vì cưỡng lai không được sức quyến rũ thân hình của Bé, Thái ngồi chết trân nhìn vào những chỗ... “không nên nhìn” thì Bé thẹn thùng lên tiếng:

      - Anh Thái tập cho Bé bơi nhé! Bé không biết bơi và sợ sóng lắm!

      Thái như bừng tỉnh, mừng rỡ vớ lấy cái phao bên cạnh nói:

      - Được! được! trong trường tôi nổi tiếng là tay bơi giỏi mà.

      Nói xong Thái ngượng chín người, tự nghĩ là mình vô duyên quá! ai lại tự mình khen mình như thế bao giờ, Thái lúng túng đeo cái phao vào người Bé rồi kéo ra khơi. Bé nằm ngửa bồng bềnh trên chiếc phao theo nhịp sóng, da Bé đỏ hồng, Thái hai tay vịn lấy phao và bơi theo sóng nước. Trời ơi! Thái sung sướng quá! Bé trong gang tất thôi, nếu Thái nói cho Bé hiểu tình yêu của Thái từ sớm thì có lẽ bây giờ Thái đã được hôn lên vùng da thịt đỏ hồng đó rồi, nghĩ thế Thái mạnh dạng đẩy phao của Bé ra xa hơn một chút nữa. Nhưng Thái thật là dại khi đẩy Bé ra khơi xa quá! sóng biển vỗ rầm rầm át cả tiếng nói, phao của Bé thì cứ trồi lên sụt xuống theo lượn sóng thủy triều thật khó mà êm ả để  “romantic” mà nói lên được ba tiếng “kinh tình yêu”. Thế rồi lợi dụng lúc Bé còn đang sợ con sóng sắp ập đến, nắm chặt lấy bắp tay Thái, Thái cũng vòng tay ôm chặt lấy... vòng phao (chứ không dám ôm Bé) ghé sát tai Bé nói liền:

      - Anh yêu... B... i...ễn... Sui cho Thái thay vì nói “anh yêu Bé”, Thái bị con sóng lùa vào mồm cho nên chữ Bé biến thành chữ biển một cách tai hại. Sau khi qua cơn “sóng gió” cả hai uống nước biển như điên, Thái “cụt hứng” kéo Bé vào bờ, cả hai ngồi yên lặng ngó “ông đi qua bà đi lại”. Một lát sau Bé lên tiếng:

      - Anh Thái chắc yêu “biển” lắm nhỉ? Bé thì sợ biển, rồi Bé rùng mình le lưỡi: nếu ban nãy không có anh Thái thật Không biết Bé ra sao.

      Rõ chán, như vậy là câu “tỏ tình” của chàng ban nãy Bé đã nghe được, chỉ tại con sóng “cà chớn” làm Bé hiểu ra thành chàng yêu biển, nhưng rồi chàng cũng tự an ủi lấy mình là đã nói thêm được tiếng “yêu” chỉ còn thiếu tiếng Bé mà thôi. Để từ từ chàng sẽ nói nốt trọn vẹn câu: “Anh yêu Bé” là xong.

      Năm sau Thái bị động viên đi Thủ Đức, Bình anh của Bé cũng vậy. Trước khi lên đường vào quân trường, Thái viết một lá thơ tỏ tình thật dài nhờ Bình trao lại cho Bé, nhưng Bình đã xé lá thơ trước mặt Thái và mắng rằng:

      - Chú mày quả là đụt, tại sao hai năm trời quen nhau mà chú mày chỉ nói được hai tiếng “anh yêu...” chờ đến năm thứ ba chú mày mới nói thêm được tiếng “em” thì Bé nó đi lấy chồng mẹ nó rồi. Bình giận quá hét to vào mặt Thái: chú mày đúng là một thằng “Thái giám”.

      Một tháng sau Bé lên xe hoa, chồng Bé là một bác sĩ quân y đóng ở vùng một, cưới xong Bé theo chồng ra Đà Nẳng. Thái mãn khóa Thủ Đức rồi cũng miệt mài theo cơn sốt chiến tranh ngày một leo thang với vết tương lòng còn đang rỉ máu. Thái nghĩ là chẳng bao giờ mình có thể yêu ai được nữa khi mà hình ảnh Bé còn quá sáng ngời trong Thái. Những tháng ngày tôi luyện trong quân trường, những lăn lóc gió sương ngoài trận địa đã biến Thái thành một người “đàn ông” già dặn đầy kinh nghiệm trên đường đời cũng như đường tình. Nhiều lúc rảnh rỗi ngồi ôm súng hồi tưởng lại mối tình học trò Thái cứ nuối tiếc: nếu ngày xưa mà mình “ngon lành” như  bây giờ thì đâu đến nỗi phải lắp ba lắp bắp mãi ba năm mới nói được ba tiếng “anh yêu em” đễ rồi phải chịu mất Bé thảm thương như vầy...   

      Hôm nay đây, sau gần 30 năm vật lộn kiếm sống trên xứ người. Thái bây giờ cũng yên bề gia thất, một vợ hai con, một trai một gái. Bích vợ Thái là chủ một tiệm nail ở San jose, nói chung là hai vợ chồng Thái đều thành công, Thái lấy Bích bởi khuôn mặt Bích có nhiều nét giống Bé quá! cũng hiền lành và người Bắc, nhờ làm nghề nail nên tuy đã “có tuổi” Bích vẫn giữ được nét trẻ trung, thon gầy của thời con gái. Thái cũng không biết là mình yêu Bích hay yêu qua hình ảnh Bé, chỉ biết hai vợ chồng chàng sống rất hạnh phúc và ít có gây gổ bởi Bích hiền, ngoan và biết nghe lời chồng. Hôm nay là buổi họp mặt đầu năm mới của hội Chu Văn An, mọi năm cả hai vợ chồng Thái đều đến tham dự. Năm nay Bích bị cúm nên Thái cu ky một mình, chàng thong dong “lết” hết bàn  này qua đến bàn nọ để tán gẫu với bạn bè cho vui. Chàng bỗng nghe đằng sau lưng có tiếng nói đàn bà rất quen thuộc, còn đang sục sạo trong mớ trí nhớ của quá khứ để xem giọng nói là của ai thì tiếng cười nói đằng sau lưng lại vang lên lần nữa. Trong một tích tắc, không cần phải quay lại Thái cũng bàng hoàng xúc động bởi nhận ra giọng nói của Bé ngày xưa, con tim Thái đập loạn xạ, hai tay chàng bấu chặt lấy lưng ghế một người bạn phía trước. Trời ơi! Bé “của” Thái tại sao lại có mặt ở đây? không hiểu sao Thái không dám quay đầu lại, chàng lặng người đi một hồi rồi lặng lẽ trở về bàn của mình ngồi âm thầm qua sát Bé. Đúng là Bé của Thái rồi, vẫn mình hạc sương mai, vẫn cặp mắt biết cười, ba mươi năm trôi qua, cặp mắt tuy có bớt đi phần nào long lanh thời con gái nhưng vẫn thừa sức quyến rũ bởi nét chững chạc và “chín mùi” của đàn bà mặc dù Bé chẳng còn son trẻ gì. Tóm lại, Bé vẫn “dư sức” làm cho Thái “cà lăm” như thường. Nhìn Bé âu yếm tươi cười bên cạnh đấng phu quân trông rất  bảnh bao, cao lớn, trí thức vô cùng với khuôn măt chữ điền, vầng trán rộng và cao, cặp mắt sáng ngời sau làn kính trắng, bộ râu mép tỉa thật khéo trông “tài tử” vô cùng. Hạnh phúc của họ được thể hiện qua khuôn mặt rạng rỡ của Bé, Thái bỗng như chợt “tỉnh” ra, có lẽ ngày xưa Bé chả bao giờ “để ý” đến chàng, chỉ có chàng là “trẻ con” tự mình nuôi hy vọng hão huyền mà thôi!

            Ba mươi năm qua đi, người nào cũng có tuổi cả rồi, ai yên phận nấy, còn gì nữa để mà “cà lăm”. Thái bình tĩnh suy nghĩ và dợm đứng lên định đến chào hỏi Bé nhưng rồi lại thở dài ngồi xuống, cứ để tự nhiên xuôi theo giòng đời. Thái nghe lòng mình buồn man mác, dù gì cũng là một kỷ niệm đáng nhớ đánh dấu tình yêu đầu đời tuổi học trò của Thái. Kỷ niệm dù vui hay buồn đối với Thái cũng đều đẹp cả. Đúng thế! cứ để tự nhiên xuôi theo dòng đời cho nó đẹp. Bao nhiêu năm ôm ấp hình ảnh Bé, mãi đến hôm nay chàng mới cảm thấy mình như được “giãi thoát”. Đêm hôm đó Thái thì thầm bên gối vợ:

            - Anh yêu em, Bích! (chứ không phải Bé).

TÔN NỮ MẶC GIAO.

* * *

Thủ tục bầu cử tại Úc

CVA Thanh Văn

Nói đến chuyện bầu cử, nhiều độc giả sẽ chặc lưỡi nói "chuyện dài chán như cơm nếp nát". Vâng điều đó là đúng bởi trong chiến dịch vận động tranh cử, dù ở Hoa Kỳ hay ở Úc thì cũng xêm xêm, nghĩa là các ứng cử viên luôn luôn hứa hẹn đủ thứ, toàn là những điều tốt đẹp hết nhưng họ có thực sự thi hành những lời họ hứa hay không sau khi đắc cử thì ... chỉ có chính họ và ...trời biết mà thôi! Bởi thế nói đến chuyện bầu cử "người ta" mới cho là chuyện "chán như cơm nếp nát".

Nhưng những dòng tiếp theo dưới đây không nhằm nói đến chuyện "chán như cơm nếp nát" nói trên. Ở các xứ dân chủ như Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Singapore, Nhật Bản v..v.. chuyện đi bầu là chuyện thông thường đối với mọi người dân ở các xứ đó. Thể chế dân chủ mà các Quốc gia đó đang theo cũng khác nhau, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Pháp đều là những xứ theo Tổng Thống chế nhưng việc bầu cử Tổng Thống của hai xứ này hoàn toàn khác nhau, thậm chí quyền hành của hai vị Tổng Thống sau khi đắc cử cũng khác nhau luôn. Úc và Nhật Bản cùng theo thể chế dân chủ đại nghị nhưng việc lựa chọn vị đứng đầu Chính Phủ, tức là Thủ Tướng cũng khác nhau, quyền hành của các vị này sau khi đắc cử cũng khác nhau luôn. Nguyên nhân và hậu qủa của những khác biệt của các chế độ trên không phải là phạm vi bàn đến của nội dung bài viết này. So sánh thủ tục chọn ra những người lãnh đạo ở các nước ghi trên cũng ngoài phạm vi của bài viết này. Phần trình bầy tiếp theo trong bài viết này tác giả chỉ muốn cung cấp cho độc giả những hiểu biết rất căn bản về những thủ tục bầu cử ở xứ Úc, xứ hiện có đông dân Việt tỵ nạn Cộng Sản đứng hàng thứ nhì trên Thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Các chi tiết dùng để viết ra bài viết này được rút từ tài liệu chính thức của Ủy Ban Bầu Cử Úc (Australian Electoral Commission).

Trước hết chuyện đi bầu thì ở Hoa Kỳ hay ở Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa hay ngay cả như ở Việt Nam ngày nay, các văn kiện căn bản về bầu cử đều ghi rõ đó là quyền lợi và bổn phận của mọi công dân; nhưng trong thực tế chuyện đi bầu là chuyện "nhiệm ý", tức là "tùy hỉ", vui thì đi bỏ phiếu, "buồn" thì nằm nhà, "forget" chuyện đến phòng phiếu bỏ thăm cũng chả "chết ông tây đen nào hết".

Nhưng ở xứ Úc thì khác, đi bầu là "bổn phận" và là loại "bổn phận bắt buộc" chứ không "tùy hỉ" chút nào hết. Ai "làm biếng" hay vì bất cứ lý do không chính đáng nào không chịu đến phòng phiếu làm bổn phận công dân của mình thì "nhà nước" sẽ gửi đến tận nhà một giấy phạt tiền hẳn hoi chứ không đơn giản như ở các xứ khác.

Lý do của chuyện bầu cử bắt buộc ghi trên là vì nước Úc là nước đất rộng nhưng dân thưa, việc chọn người đại diện dân phải đạt được mức độ "thật sự" đại diện cao nhất, ngõ hầu khi hành xử quyền đại diện dân sẽ thực thi đúng với nguyện vọng và ước muốn của đa số cử tri đã dồn phiếu cho vị đại diện dân đã lựa chọn.

Nước Úc hiện nay có 6 Tiểu bang là New South Wales, Victoria, Queensland, South Australia (Nam Úc), Western Australia (Tây Úc), Tasmania và 2 vùng lãnh thổ là Lãnh Thổ Thủ Đô Canberra, và Lãnh Thổ Bắc Úc (Northern Territory).

Như trên đã ghi Úc là xứ theo chế độ dân chủ đại nghị, tức là chế độ có cơ chế nghị viện do dân bầu ra "làm chủ", nói khác đi là nắm quyền lực cao nhất trong nước. Nghị viện của Úc, tức là Quốc Hội Úc (Australian Parliament), gồm hai cơ quan là:

1- Viện Dân Biểu, còn có tên gọi là Hạ Viện (Lower House) có 150 dân biểu được bầu ra với nhiệm kỳ "tối đa" 3 năm một lần (sẽ ghi rõ hơn về chi tiết "tối đa" này ở phần sau) theo các đơn vị bầu cử sắp xếp theo số dân tại các Tiểu Bang và các vùng lãnh thổ không phân biệt địa dư chỉ căn cứ trên căn bản số dân mà thôi. Hiện tại vì dân số các Tiểu Bang và các vùng lãnh thổ đông, thưa, khác nhau nên số dân biểu do đó được bầu ra cũng khác nhau.

Cụ thể là New South Wales có 50, Victoria có 37, Queensland có 28, Western Australia (Tây Úc) có 15, South Australia (Nam Úc) có 11, Tasmania (Tiểu Bang hòn đảo) có 5. Hai vùng Lãnh Thổ Thủ Đô (Capital Territory) và Bắc Lãnh (Northern Territory), mỗi nơi có 2 dân biểu.

 2- Thượng Viện (Senate), còn có tên gọi khác là Viện Đại Diên Tiểu Bang (State House) hay là Viện Trên (Upper House). Có tất cả 76 Nghị Sĩ được bầu vào Thượng Viện.

Các Nghị Sĩ được bầu ra theo căn bản đại diện cho Tiểu bang. Mỗi Tiểu bang có 12 Nghị Sĩ, trên căn bản đồng đều cho mỗi Tiểu Bang bất kể số dân đông hay thưa. Riêng các vùng lãnh thổ thì chỉ có 2 Nghị Sĩ cho mỗi nơi. Nhiệm kỳ của các Nghị Sĩ là 6 năm "tối đa", nhưng mỗi 3 năm thì sẽ bầu lại một nửa. Riêng các Nghị Sĩ của các vùng lãnh thổ thì tối đa mỗi 3 năm sẽ được bầu lại cùng một lúc với các dân biểu, tức là nhiệm kỳ của các Nghị Sĩ của các vùng lãnh thổ chỉ có tối đa là 3 năm thay vì 6 năm như các Tiểu bang.

Hiện nay tại Úc có khá nhiều chính đảng đưa người ra ứng cử vào các ghế dân biểu và nghị sĩ như Liên Đảng Tự Do Quốc Gia (Liberal & National) (hiện đang nắm quyền đã 8 năm rưỡi nay), Đảng Lao Động (Labor) (hiện là đảng Đối lập), Đảng Dân Chủ (Democrate), Đảng Xanh (Green), Đảng Đoàn Kết (Unity), Đảng Một Nước (One Nation) (Đảng của cựu nữ dân biểu kỳ thị Pauline Hanson) v..v..

Hai Đảng lớn là Liên Đảng Tự Do Quốc Gia và Lao Động thay nhau nắm quyền, đảng nào có số ghế quá bán tại Viện dân biểu (tức Hạ Viện) thì lãnh tụ của đảng ấy sẽ đứng ra lập Chính Phủ và vị ấy trở thành Thủ Tướng Chính Phủ.

Do nhiệm kỳ của các dân biểu là 3 năm nên nhiệm kỳ của Chính Phủ cũng thành 3 năm. Nhưng Chính Phủ "có quyền" (dựa trên một số điều trong Hiến Pháp) trình lên vị Tổng Toàn Quyền (cho phải phép) để xin giải tán Quốc Hội trước nhiệm kỳ và bầu lại khi thấy rằng nếu bầu lại sớm thì đảng mình có nhiều cơ may "tái" thắng cử hơn là đợi đến hết nhiệm kỳ mới bầu lại. Chuyện bầu sớm không phải luôn luôn đúng theo ý muốn của đảng cầm quyền. Trong lịch sử Úc đã có nhiều lần bầu cử sớm nhưng kết quả không như ý của đảng cầm quyền mà "ngựa đã về ngược" vì cử tri đã "trừng phạt" Chính Phủ bằng cách dồn phiếu cho phe đối lập khiến toàn bộ Chính Phủ "mất job". Đây là lý do mà ở trên đã ghi là nhiệm kỳ "tối đa" của các dân biểu là 3 năm và nghị sĩ là 6 năm. Mức 3 năm cho dân biểu và 6 năm cho nghị sĩ là mức tối đa theo luật định nhưng có thể ngắn hơn nếu Chính Phủ bầu cử sớm.

Các dân biểu được bầu ra theo đơn vị, ngoài tính cách đại diện cho các cử tri ở đơn vị được bầu ra họ còn có nhiệm vụ thi hành tư cách đại diện cho cử tri toàn quốc trong phần việc được Chính Phủ hay Đảng Đối lập giao phó.

Để làm nổi bật giá trị của tính cách đại diện trên, việc đắc cử của họ cũng phải mang tính cách "thực sự" đại diện cho "đại đa số" cử tri đã bầu cho họ. Do đó thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu tính phiếu cũng phải đặc biệt làm sao cho nổi bật đặc tính ghi trên.

Ở Hoa Kỳ hay Việt Nam ta thì kết qủa bầu phiếu là đa số tương đối, có nghĩa là ai có số phiếu bầu hợp lệ đạt được cao nhất sẽ được tuyên bố thắng cử, bất kể số đạt được này là bao nhiêu.

Thí dụ : Tại một đơn vị bầu cử số 1 ở Hoa Kỳ hay Việt Nam chẳng hạn, có tổng cộng 100,000 cử tri và có 4 ứng cử viên ra ứng cử, kết qủa như sau:

  • ­ ứng cử viên Mít được 30,000 phiếu bầu.
  • ­ ứng cử viên Xoài được 20,000 phiếu bầu.
  • ­ ứng cử viên Ổi được 15,000 phiếu bầu.
  • ­ ứng cử viên Chanh được 8,000 phiếu bầu

Tổng cộng có 73,000 phiếu bầu hợp lệ cho 4 ứng cử viên, còn lại 27,000 cử tri và phiếu khác hoặc là không chịu đi bần hoặc là bất hợp lệ. Kết qủa ứng cử viên Mít được 30,000 phiếu hợp lệ được tuyên bố thắng cử tại đơn vị 1 ghi trên. Ông dân biểu Mít như vậy chỉ đại diện cho có 30% cử tri trong đơn vị của ông ta mà thôi.

 Đó là trường hợp người đắc cử chỉ đạt được 30% số cử tri đi bầu nhưng vì là người đạt được số phiếu cao nhất nên đã được tuyên bố đắc cử, sự kiện này làm cho người ta thấy rằng vị dân cử này không thật sự đại diện cho đa số cử tri trong đơn vị của ông ta.

Ở Úc thì không phải như vậy, muốn đắc cử, ứng cử viên phải đạt được 50%+1 số phiếu bầu hợp lệ mới được tuyên bố là đắc cử. Nói cách khác là dân biểu của Úc nhất định phải là đại diện thực sự của đa số cử tri Úc chứ không thể là loại "ăn may" được. Dưới đây là thủ tục bầu dân biểu tại Úc:

Thủ tục bầu phiếu ở Úc gọi là bầu theo lối ưu tiên và kiểm phiếu cũng căn cứ trên các phiếu đã ghi theo thứ tự ưu tiên (thứ tự ưu tiên được đánh số thứ tự 1.2.3.4.5. v..v..)

Trước hết lá phiếu bầu dân biểu Liên bang, hay nói khác hơn bầu Hạ Viện Liên bang Úc thường được in trên giấy mầu xanh lạt trên có ghi tên của tất cả các ứng cử viên của đơn vị bầu cử, bên cạnh tên của mỗi ứng viên có một ô hình vuông nhỏ để cử tri dùng bút chì đánh số vào. Có bao nhiêu ứng cử viên thì có bấy nhiêu ô vuông và cử tri PHẢI ghi số vào hết các ô vuông trong lá phiếu bầu, KHÔNG được bỏ trống bất cứ ô vuông nào hết. Lý do của sự việc này là do cách tính phiếu ưu tiên sẽ ghi rõ ở phần kế tiếp khiến cử tri phải đánh số hết trong các ô vuông. Cần ghi thêm là cử tri PHẢI ghi số (1,2,3,v..v..) chứ không được ghi dấu chữ V (tick) hay chữ X (X). Xin mở một dấu ngoặc nhỏ ở đây là năm ngoái Ủy ban bầu cử địa phương ở Úc cho hay là chỉ riêng tại đơn vị bầu cử địa phương thuộc thành phố Fairfield (vùng Tây Nam Sydney), nơi có nhiều cư dân gốc Việt, Lào, Campuchia, Trung Quốc cư ngụ nhất trên Tiểu bang New South Wales ở Úc đã có tới 20% số phiếu bầu bị coi là bất hợp lệ vì các cử tri sắc tộc này dường như không "thông thạo" cách bầu phiếu nên đã ghi dấu X hay dấu V hoặc bỏ trống một số ô không ghi số khiến lá phiếu trở thành bất hợp lệ và bị loại bỏ không được đếm.

Dưới đây là cách đếm phiếu bầu theo luật bầu cử của Úc:

Thí dụ 1:

Trong đơn vị bầu cử số 1 có 60,000 cử tri và có 3 ứng cử viên ra ứng cử là các ông Mít, ông Ổi và cô Xoài. Sau khi kiểm phiếu người ta thấy như sau:

Ông Mít được 35,000 phiếu.

Ông Ổi được 15,000 phiếu.

Cô Xoài được 10,000 phiếu.

Kết quả bầu cử sẽ tính trên tổng số phiếu của mỗi ứng viên đạt được trên căn bản tối thiểu phải là 30,000+1 (tức là một nửa số 60,000 +1 của tổng số cử tri trong đơn vị).

Như vậy là ông Mít đã đạt được trên 50%+1 (35,000/60,000) được tuyên bố đắc cử tại đơn vị 1. Số phiếu kiểm trong lần đầu này gọi là phiếu bầu ưu tiên 1 (primary vote). Nếu tổng số phiếu ưu tiên 1 này đạt được như kết qủa ghi trên là trường hợp đơn giản nhất và dễ dàng nhất cho việc kiểm phiếu của nhân viên kiểm phiếu và ủy ban bầu cử và là trường hợp lý tưởng.

 Thí dụ 2:

Trong đơn vị số 2 cũng có 60,000 cử tri và cũng có 3 ứng viên ra ứng cử vào ghế dân biểu là ông Kèo, bà Cột và ông Ngói chẳng hạn. Kết quả tính như sau:

Người sẽ được tuyên bố thắng cử là người phải đạt được tối thiểu 30,001 (tức là 50%+1) số phiếu bầu. Sau khi kiểm phiếu người ta ghi nhận kết quả như dưới đây:

Ông Kèo được 15,000 phiếu.

Bà Cột được 23,000 phiếu.

Ông Ngói được 22,000 phiếu.

Trong trường hợp này không ai đạt được con số 30,000 +1 hết tức là không có ai hội đủ điều kiện 50%+1 như luật định trong lần kiểm phiếu ưu tiên 1 hết. Vậy phải kiểm đến các phiếu ưu tiên 2 để xem ai sẽ là người được tuyên bố thắng cử.

Việc dếm phiếu ưu tiên 2 này chỉ thực hiện với những người có số phiếu đạt được cao mà thôi, có nghĩa là người nào có số phiếu thấp nhất sẽ bị loại bỏ không được đếm nữa. Trong trường hợp trên ông Kèo chỉ có 15,000 phiếu là số thấp nhất sẽ bị loại bỏ. Số phiếu của ông Kèo sẽ được chuyển cho hai ứng viên còn lại theo số ghi của cử tri trên lá phiếu. Xét các lá phiếu của ông Kèo người ta thấy 6,300 có ghi số 2 cho ứng viên Cột và 8,700 lá phiếu ghi số 2 cho ứng viên Ngói.

Đem cộng các con số này vào số phiếu đã có của lần kiểm phiếu thứ nhất của các ứng viên Cột và Ngói ta có các kết quả như sau:

Bà Cột nay có:            23,000 + 6,300 = 29,300 phiếu.

Ông Ngói nay có:        22,000 + 8,700 = 30,700 Phiếu.

Bây giờ ông Ngói có tổng cộng 30,700 phiếu, tức là có trên số 30,000+1, nói khác đi là trên số 50%+1 có nghĩa là hoàn toàn trên số quá bán tổng số cử tri của đơn vị. Vậy ông Ngói được tuyên bố đắc cử tại đơn vị số 2.

Trường hợp tại một đơn vị có nhiều ứng cử viên hơn trong thí dụ trên cách đếm cũng sẽ tương tự cho đến khi có ứng cử viên đạt được số phiếu bầu 50% + 1 như luật định thì ngưng lại và tuyên bố người đạt mức quy định thắng cử.

Trong lần bầu cử sắp tới vào ngày 9 tháng 10 ở Úc cử tri không những sẽ bầu các dân biểu, mà còn bầu các thượng nghị sĩ vào Thượng Viện nữa. Phiếu bầu Thượng viện thường là mầu trắng hoặc đỏ và là một tấm giấy lớn được chia làm hai phần rõ rệt, ngăn cách bằng một lằn gạch đen đậm theo chiều ngang suốt bề dài của tờ phiếu.

Phần trên ghi từng đảng dưới mỗi ô vuông, có bao nhiêu đảng cử người ra ứng cử vào Thượng Viện thì sẽ có bấy nhiêu ô vuông và tên của các đảng này ghi ở dưới các ô vuông ở phần trên lằn gạch đen đậm của lá phiếu bầu.

Phần dưới lằn gạch đen đậm là tên của các ứng cử viên xếp thành từng cột theo đảng, mỗi đảng một cột, mỗi cột có tên của các ứng cử viên của đảng đó đưa ra ứng cử vào Thượng Viện của Từng Tiểu bang. Số ứng viên không bắt buộc phải bằng với số Thượng Nghị Sĩ dành cho Tiểu bang mà có thể ít hơn.

Vì lá phiếu bầu có hai phần tách biệt rõ ràng như thế khiến việc bỏ phiếu cũng có hai cách:

  1. Nếu ai muốn giản tiện chỉ cần ghi số 1 vào ô vuông có tên đảng mà cử tri ưa thích và chỉ ghi một số 1 này thôi là đã làm xong việc chọn lựa dành cho các Thượng nghị sĩ trong kỳ bầu cử này. Việc sử dụng phiếu ưu tiên 2,3,4 v..v.. sẽ dành cho quyết định của đảng mà cử tri đã ghi số 1 toàn quyền muốn chuyển cho đảng nào thì tùy theo quyết định của đảng đã nhận được "sự ủy nhiệm" của cử tri.
  2. Nếu không muốn nhường cái quyền chọn ưu tiên 2.3.4 kể trên cho đảng mình đã chọn cử tri có thể bầu bằng cách sử dụng phần ở dưới làn gạch đen đậm, nhưng phải ghi số trong TẤT CẢ các ô dành cho các ứng viên trong toàn bộ lá phiếu, giả thử có 10 ứng viên thì ghi cả 10, có 100 ứng viên thì phải ghi cả 100, không được bỏ trống một ô nào hết vì nếu bỏ trông chỉ một ô thôi lá phiếu lập tức thành bất hợp lệ. Cũng như trên phần nói về bầu dân biểu, ở đây phải ghi bằng con số (1.2.3.4. v..v..) chứ không ghi dấu V hay X được.

Trong cuộc bầu cử sắp tới như đã ghi trên mỗi Tiểu bang ở Úc sẽ bầu 6 nghị sĩ tức là một nửa số nghị sĩ đại diện cho Tiểu bang (12 người). Các ứng viên được tuyên bố thắng cử sau khi đã được kiểm phiếu theo "nguyên tắc đại diện tỷ lệ" (proportional representation system) còn gọi là "chỉ tiêu" (quota) của số phiếu bầu hợp lệ.

Để tìm ra số "chỉ tiêu" này, người ta làm như sau: Số chỉ tiêu được tính ra từ trung bình của tổng số phiếu hợp lệ. Các ứng viên nào lần lượt đạt được "chỉ tiêu" sẽ được tuyên bố đắc cử cho đến khi nào hết số chỗ dành cho các ứng viên thì thôi.

Cụ thể lấy thí dụ cuộc bầu cử năm 2001 ở Tiểu bang New South Wales ta có cách tính "chỉ tiêu" như sau :

Năm 2001 có 3,879,443 cử tri ở New South Wales đi bầu lấy 6 Thượng nghị sĩ vào Thượng Viện Liên bang Úc phép tính ra "chỉ tiêu" là:

{3,879,443 : (6 + 1)} +  1  =  554,207  

(lưu ý khi xác định số "chỉ tiêu" chỉ lấy số tròn, phần lẻ còn lại được bỏ qua).

Nói khác đi cái số "chỉ tiêu" này tương đương với con số 50% +1 trong cách tính phiếu cho dân biểu ở Hạ Viện vậy.

Từ ghi nhận trên ta thấy cách đếm phiếu cho các ứng viên vào Thượng Viện Úc cũng tương tự như cho các ứng viên vào Hạ Viên ở trên, tức là có hai phần:

  1. Nếu ngay trong lần đếm số phiếu ưu tiên 1 nếu có ứng viên nào đạt được "chỉ tiêu" thì lập tức được tuyên bố thắng cử một ghế tại Thương Viện,
  2. Sau đó nếu còn ghế trống sẽ xét đến số phiếu ưu tiên 2,3,4 v..v.. để tìm người điền vào các ghế còn trống cho đến khi hết số ghế trống thì ngưng kiểm phiếu.

Bây giờ để đơn giản vấn đề xin làm thí dụ với con số nhỏ hơn để giải thích cách tính khi phải dùng đến các phiếu ưu tiên 2,3,4 v..v..

Thí dụ, để tuyển 3 Thượng nghị sĩ vào Thượng Viện và có 2400 cử tri đi bầu thì "chỉ tiêu" đắc cử của các nghị sĩ này là :

Chỉ tiêu = {2,400 : (3+1)} + 1 =  601

Có tất cả 6 ứng viên ra tranh 3 ghế ở Thượng Viện và kết qủa như sau:

Ông Mít được 240 phiếu.

Ông Ổi được 550 phiếu.

Cô Xoài được 730 phiếu.

Ông Kèo được 140 phiếu.

Cô Cột được 590 phiếu.

Ông Ngói được 150 phiếu.

Nhìn vào kết qủa kiểm phiếu trên ta thấy chỉ duy nhất có cô Xoài đạt được 730 phiếu, tức là lớn hơn "chỉ tiêu" 601 ghi trên, do dó cô Xoài được tuyên bố đắc cử ngay trong vòng kiểm phiếu ưu tiên 1. So sánh số phiếu cô Xoài đạt được ta thấy cô có số phiếu trội hơn "chỉ tiêu" là : 730 - 601 = 129. Số phiếu vượt chỉ tiêu này sẽ được chuyển cho các ứng viên còn lại dựa trên phiếu bầu mà họ đã có. Sự chuyển giao này căn cứ trên số "giá trị chuyển giao" (transfer value) tính được ra như sau:

 129 : 730 = 0.177   con số 0.177 gọi là số "giá trị chuyển giao" (transfer value).

Dưới đây là danh sách ứng viên còn lại với số phiếu bầu ưu tiên 2 mà họ có :

Ông Mít có 100 phiếu.

Ông Ổi có 400 phiếu.

Ông Kèo có 20 phiếu.

Cô Cột có 150 phiếu.

Ông Ngói có 60 phiếu.

Các số phiếu bầu ghi trên được đem nhân với số "giá trị chuyển giao" (0.177)

Tên           Số Phiếu chuyển giao   Số phiếu ưu tiên 1 có sẵn       Tổng cộng

Ông Mít:         100 x 0.177 = 18         +          240      =         258

Ông Ổi:                       400 x 0,177 = 71         +          550      =         621

Ông Kèo:        20 x 0.177  =  4                       +          140      =         144

Cô Cột:                       150 x 0.177 = 27         +          590      =         617

Ông Ngói:       60 x 0.177  = 11          +          150      =         161

Nhìn vào bảng trên ta thấy có hai người là ông Ổi được 621 phiếu và cô Cột được 617 phiếu, cả hai đã vượt "chỉ tiêu" 601 ở trên, vậy cả hai được tuyên bố thắng cử và đã điền hết 2 chỗ còn trống. Cuộc kiểm phiếu ngưng ở đây.

Trường hợp nếu cho đến giai đoạn này vẫn chưa có đủ số người đắc cử thì cứ tiếp tục như trên cho đến khi nào số chỗ còn trống được điền kín hết thì ngưng cuộc kiểm phiếu.

Với lối kiểm phiếu ghi trên các vị đại diện dân cử của Úc dù là ở Hạ hay Thượng Viện luôn luôn được kể là được bầu với đa số qúa bán số cử tri trong đơn vị bầu cử. Điều này nói lên tư cách đại diện thực sự của họ trong cơ chế lập pháp ớ Úc. Với tư cách đại diện một cách mạnh mẽ như vậy, họ họp thành Quốc Hội, cơ cấu nắm giữ quyền lực cao nhất ở Úc. Chính từ cơ cấu này mọi luật pháp, chính sách của Úc được ban hành, Chính Phủ là cơ quan hành pháp chỉ là cơ chế thi hành những luật lệ và chính sách đã được Quốc Hội phê chuẩn mà thôi.

Ước mong phần trình bầy ghi trên đã giúp độc giả nắm được phương cách bầu cử ở Úc để hiểu rõ hơn về thể chế dân chủ của xứ Úc vậy.

                                                                                        THANH VĂN (Đặng Gia Thoại)

* * *

Còn Nụ Cười Nào Cho Anh

CVA Nguyễn Thọ Chấn

            Anh nằm đó, bất động. Ðầu anh quấn trong cuộn băng dầy. Một bên mắt bầm tím, sưng vù. Mắt kia nhắm nghiền. Môi khô, nứt nẻ. Máu ứa ra từ những vết nứt đọng trên khoé mép. Cả nửa thân người anh cũng cuốn trong một lớp băng. Anh nằm thoi thóp. Cơn hôn mê đã kéo dài ba ngày. Anh chỉ tỉnh lại được một giấc thật ngắn vào tối hôm qua. Da tay anh xanh xám. Bùn đất còn đọng trong kẽ những móng tay. Chân phải bó bột được kéo lên ngang thành giường, lòi ra những ngón chân đen xạm. Sợi dây truyền nước biển chảy thõng xuống lưng bàn tay. Cô nấc lên, nghẹn ngào. Cô cắn răng nuốt nỗi đau quặn buốt nơi trái tim mình, nhưng nước mắt vẫn trào ra. Cô rên thầm:' ' Quỳnh ơi! Ðừng bỏ em mà đi nghe Quỳnh!!...; những người như anh không thể...'' Thoáng nghĩ tới đây, cô bỗng khựng lại. Chỉ mới tháng trước, cô đã có một quyết định táo bạo: cô quyết định lên thăm anh ở nơi trung đoàn anh đang hành quân. Khi ấy, đơn vị của anh vừa thoát một trận phục kích. Cô đã có ý định cho anh tất cả. Thời chiến, không ai biết ra sao ngày mai. Với anh, cô không có điều chi phải giữ gìn. Cô tin nơi anh. Cô tin ở tình yêu của anh. Những lần về phép, ghé thăm gia đình cô, đưa cô đi phố, anh chiều cô mọi thứ, nhưng anh không hề đòi hỏi ở cô bất cứ điều gì. Với cô, tình yêu anh dành cho cô không khác những ngày đầu.

********************

            Năm Linh học đệ tứ thì người anh thứ ba của cô dắt về nhà một bạn học thời trung học. Anh cô xong Tú Tài Hai, học Triết ở Văn Khoa, rồi động viên vào khoá 24 Thủ Ðức. Ra trường, Sơn về một tiểu đoàn Chiến Tranh Chính Trị thuộc vùng châu thổ sông Cửu Long. Bạn anh là Quỳnh, lúc đó đang theo học chứng chỉ Hoá ở Ðại Học Khoa Học. Mới nói chuyện với bạn anh mình một lần, cô đã có cảm tình. Ðó là một thanh niên có nét mặt tươi, cặp mắt sáng và đôi môi đầy đặn. Anh đùa với cô như với một đứa em gái nhỏ bé. Còn bố cô, ông trung tá già một đời lăn lộn trận mạc thì ông thấy ưa thằng bạn con ông ở chỗ lễ độ, biết trên, biết dưới, và cũng vì nó là cháu của một ông tướng đã có lúc là đơn vị trưởng của ông. Ông không hạp lắm với thằng con ' Chiến Tranh Chính Trị'. Mồm nó quàng quạc như một con gà mái. Ông không hiểu nhiều về Chiến Tranh và Con Người, nhưng ông hiểu rõ những chiến trường và cái giá bằng máu mà những người lính phải trả. Ông thuộc nằm lòng những thằng lính trận ba gai của ông, cũng như ông đã quá quen thuộc những cuộc hành quân cấp đại đội, tiểu đoàn. Ông thường hay kể cho các con ông những trận đánh lớn mà ông đã từng tham dự: từ trận nhảy dù xuống Lai Châu, Nghiã Lộ cho đến những cuộc hành quân truy lùng Ba Cụt. Cô đã từng nhìn thấy bố cô đánh lính. Ông dùng ba toong quật tới tấp lên lưng, lên đầu mấy gã lính bặm trợn; ông bợp tai, đá đít, giộng vào mặt; ông đánh cho bò lê bò càng. Ông chửi: '' Ð.m. mày, lính mà đi phá làng, phá xóm à? Tao đánh thấy con đĩ mẹ mày; lưu manh, côn đồ, tao trị theo lưu manh côn đồ. Sắt tao còn uốn được nữa là...'' Ông dữ vậy, nhưng bọn lính trẻ vẫn yêu ông. Nhiều lần ông ở trần nhậu xả láng với bọn chúng, và có lần chúng còn đưa ông lên xóm chị em ta ở Ngã Ba Chú Iá. Ông là 'Bố Già' của chúng. Nhưng mỗi lần Quỳnh lại nhà chơi, ông đều khuyên nhủ:'' đời lính gian nan và nguy hiểm lắm; còn học được ngày nào thì rán mà học cháu à.'' Ông đã nói như bất cứ một bậc cha chú nào thương con cháu mình. Có điều, anh nghe trong giọng nói của ông như có tiếng vọng của một người lính già mệt mỏi. Mẹ cô, một phụ nữ tần tảo lớn lên ở vùng đồng bằng trung du Bắc bộ, là điển hình của những bà mẹ VN chỉ biết chồng và những đứa con. Những khi cô đỏng đảnh, làm đỏm trước khi ra khỏi nhà, bà lại mắng yêu cô con gái: '' Bố mày, con nhà lính mà tính nhà quan''. Những lần như thế, cô cong cớn:'' Thế Bố chẳng là quan là gì?''

            Quyết định nhập ngũ của Quỳnh làm mọi người trong nhà ngạc nhiên, trừ cha anh. Xong chứng chỉ Hoá anh đã có thể tiếp tục xin hoãn dịch, nhưng không hiểu sao anh đã trình diện khoá 26 T.Ð.. Cha anh là một nhà viết sử. Ông đã giải ngũ từ lâu. Bà đã mất. Ông ở vậy nuôi các con. Ông tôn trọng tự do của các con về mọi mặt, từ chuyện yêu đương, đến chuyện xã hội, nghề nghiệp. Ông chỉ dặn : '' sống sao cũng được, miễn cho ra người; và nhất là lúc nào cũng phải cố gắng.'' Bà chị của Quỳnh nghe vậy, quay qua cười, nói với các em: ''Ba vậy mà chẳng phải dễ dàng đâu; sống cho ra người khó lắm đấy nghe tụi bây!'' Còn Quỳnh, sau này vào Thủ Ðức, mỗi lần nghe hô 'Tan hàng, cố gắng,' anh lại thấy tức cười. Năm Quỳnh học đệ nhất, ngồi vào bàn học, dở một vài trang 'Luận lý học' của linh mục Trần văn Hiến Minh, ông xà vào, liếc thấy có tên Platon, Descartes,...ông đã bàn ngang: '' Những suy tư có tính cách triết học có thể làm người ta khôn ngoan ra, nhưng làm quen với nó sớm quá cũng có thể khiến người ta dễ bị do dự trong nhiều việc.'' Với ông, không có chỗ cho những kẻ lưng chừng. Hoặc anh ở bên này, hoặc anh ở bên kia. Làm gì có chuyện 'không Tư bản mà cũng chẳng Cộng sản'. Ðiều đó chỉ có trong trí tưởng của mấy anh trí thức gàn dở. Với bọn này thì vừa nhử bằng cà-rốt, vừa quất bằng roi là chúng chừa cái tật hoang tưởng, tự cao tự đại của chúng. Ông ở hẳn về phiá bên này: anh em, họ hàng, bạn bè ông đều ở bên này cả. Ðến phiên anh, khi anh lại nhà bạn chơi, thấy cô em bạn nay đã lên đệ nhất, trong tay cầm cuốn Tâm lý học, cũng của cha Minh, anh đã nói đùa: '' Học Triết không khó đâu em, nhưng học sống khó lắm.'' Cô chẳng cần biết học sống ra sao; nhưng cô thấy học triết rắc rối, phức tạp, khó khăn quá chừng. Cô thấy thèm nhớ những tháng học thong thả đầu năm đệ nhị ở trường Nguyễn Bá Tòng, và những câu chuyện lí lắc mà con bạn ngồi cạnh cô thường kể với cô về anh chàng bồ không quân những lần chúng nó đi chơi với nhau vào cuối tuần. Từ năm đệ tam đã có nhiều đứa bạn cùng lớp rắp ranh bắn sẻ ,nhưng với cô, bọn chúng chỉ là lũ nhí học đòi làm người lớn. Cô nghĩ đến anh. Anh là người bạn đàng hoàng nhất trong đám bạn nhốn nháo cuả các anh cô. Ðã có lúc cô thấy nhớ nhớ, nhất là sau hàng tháng anh không lại nhà chơi, từ khi anh cô đổi xuống Vĩnh Long.

***************

            Quỳnh bất ngờ tạt ngang nhà Linh khi anh từ Thủ Ðức được về phép cuối tuần. Sơn đã đổi về Sàigòn. Sơn rủ Linh đi coi phim 'Tần Thủy Hoàng', đang trình chiếu ở rạp Rex. Tiện có cô em gái ở nhà, Sơn rủ em cùng đi, nhưng đến khi sắp ra khỏi nhà thì Sơn nhận được một cú điện thoại từ đơn vị. Sơn phải vào trình diện đơn vị gấp. Quỳnh đã đưa Linh đi coi chiếu phim. Cô thấy lúng túng, mà lòng cô thì đang reo vui. Hình như định mệnh cũng đã an bài : Linh theo sau Quỳnh bước vào rạp. Ngang chỗ soát vé, cô bỗng vấp phải gờ cửa. Cô chới với níu lấy anh. Ngực cô ịn vào bờ lưng dầy và ấm của anh. Anh nghe thấy hơi thở nóng và gấp của cô bên tai mình. Anh vội xoay người đỡ lấy cô. Anh nhìn cô! Cô nhìn anh! Hai người nhìn nhau mà như chẳng thấy chi cả! Họ chỉ thấy trong đáy mắt nhau những tia sáng lấp lánh hắt xuống từ những ngọn đèn trang trí trên tường bên trong rạp như một trời sao vời vợi. Bất giác anh thấy bàn tay cô xiết chặt lấy bàn tay anh và anh cũng từ từ nắm thật chặt lấy những bàn tay nhỏ, ấm và mềm mại đến vô cùng ấy. Suốt buổi phim, khi đã vào ghế ngồi, họ không nói với nhau một lời; nhưng anh đã nghe mùi chùm kết ngan ngát toả ra từ bờ tóc dầy của cô. Cô đã tựa đầu vào vai anh tự lúc nào...

            Ra về. Họ dìu nhau dưới những tàn me lớn. Anh nghe rõ tiếng lá me xôn xao rơi rất đỗi nhẹ nhàng trên vai áo nàng. Còn nàng, nàng thảng thốt nghĩ đến lúc chia tay gần kề, khi anh phải trở lại quân trường.  Anh đưa nàng về nhà. Cô dáo dác nhìn quanh. Nhà trên không có ai. Cô ghì anh xuống hôn lấy, hôn để. Và khi anh đã ra khỏi nhà, cô còn cảm thấy hơi ấm của anh đọng trên ngực mình. Cô vội vào phòng rửa mặt. Cô nhìn lên gương. Mặt cô hơi tái đi, môi son đã lợt; cô ôm lấy ngực, mắt nhắm lại. Cô thì thầm: '' Em yêu anh, Quỳnh ơi!'' Cô nuốt thật chậm ngụm nước bọt đã hoà với mật ngọt trên môi anh. Cùng lúc đó mẹ cô từ dưới bếp đi lên, bà thấy khuôn mặt sững sờ mà hưng phấn của con gái bà. Bà đã hiểu.

            Những lần về phép sau này, anh lại nhà thăm nàng đều đặn. Những lần ấy nàng như một con chim nhỏ. Nàng tíu tít kể cho anh nghe đủ chuyện ở trường, ở nhà. Nàng đã sửa soạn đồ ăn, thức uống từ ngày hôm trước. Nàng hỏi anh đủ thứ về đời sống quân trường. Anh không trả lời nàng nhiều, nhưng anh thường nói: '' ở quân trường khá cực, nhưng lúc ra khỏi quân trường mới đáng ngại kià.'' Nàng thoáng thấy trong ánh mắt anh một chút tư lự, cái bậm môi nhẹ nhàng trước khi hai khoé môi thõng xuống. Nàng yêu lắm cặp môi của anh.

****************

            Anh là viên chuẩn úy duy nhất có chứng chỉ Hoá khi về trình diện trung đoàn. Trung đoàn trưởng là một sĩ quan xuất thân Võ Bị Ðà Lạt. Khi anh trình diện, ông ta đã ngờ rằng anh là một kẻ thất tình; nếu không, hẳn cũng phải là một gã bất bình thường. Anh còn có thể tiếp tục được hoãn dịch, vậy mà anh đã đâm đầu vào lính, mà lại là lính tác chiến thứ dữ. Anh cũng không màng nhờ đến sự can thiệp của ông chú là một ông tướng ở Bộ Tổng Tham Mưu. Trung đoàn của anh là khắc tinh của những đơn vị chính qui và điạ phương của địch. Hai bên, trong nhiều năm , đã tìm mọi cách lừa nhau, tiêu hao sinh lực của nhau trên một điạ bàn đầy những núi rừng trùng điệp. Họ tìm đủ cách xoá sổ lẫn nhau. Trong hai năm ở với đơn vị, anh đã ba lần nhận những tân binh bổ sung quân số, và không ít lần đứng lặng người trước những người đàn bà méo mó, xộc xệch, khóc giật từng cơn trước thi thể của chồng, con, cha, anh mình. Anh nhớ lại lời cha anh : '' chiến tranh chẳng phải là một trò đùa, và chiến trường chẳng phải là chỗ người ta dạo mát.'' Chiến trường quả đúng chẳng phải là chỗ dạo chơi, nhưng cuộc chiến mà anh tham dự, nó hệt như một trò đùa. Một trò đùa oan nghiệt. Những trận đánh tàn khốc giữa đơn vị anh và các đơn vị địch không cho phép cái đầu anh nghĩ xa hơn nữa. Trước mắt, phải sống còn; phải lì lợm và xoay trở nhanh hơn đối phương; phải dành được người dân sống quanh mình và người lính sống với mình. Về phương diện này, anh là sĩ quan xuất sắc của đơn vị. Trong trận đánh xảy ra cách đây hơn một tháng, tiểu đoàn anh đã thắng đậm trong một trận phản phục kích tuyệt vời. Anh đã chỉ huy đại đội đánh bạt gọng kềm trái mà địch đang khép lại và bọc trở lại đánh tan đơn vị địch đang xung phong vào bộ chỉ huy tiểu đoàn. Ðến lúc này thì trung đoàn trưởng ngạc nhiên là anh đã không chọn binh nghiệp ngay từ khi xong trung học. Anh là một cấp chỉ huy gan dạ, quyết đoán và có những quyết định hữu hiệu bất ngờ trong những tình thế tưởng chừng tuyệt vọng. Nhưng khi tàn trận, trực thăng đã tải đi thương binh và tử sĩ, anh đứng nhìn những hố bom đạn cày xới tan nát một khoảng bià rừng, những thân cây dập nát, gẫy đổ, và những mảnh áo quần lính trận cùng thịt xương bầm dập vắt vẻo trên những lùm cây, anh thấy đầu óc anh như đông cứng lại, và anh nghĩ đến Linh. Anh nghĩ đến số phận của những người vợ lính. Anh nhìn rừng già mờ mịt trước mặt, và những dãy núi xám xẫm lẫn trong hoàng hôn tím mà thấy ngậm ngùi.

*************

            Linh đi nhờ xe của một sĩ quan trên Quân đoàn xuống hậu cứ của trung đoàn. Trung đoàn trưởng biết bố cô. Khi nghe tin đơn vị của Quỳnh bị phục kích, lòng cô như bị lửa đốt. Cô lo lắng, hoang mang. Cô tìm mọi cách nhờ người đưa cô lên đơn vị của anh. Tới hậu cứ cô đã thấy một vài phụ nữ, mặt mày hốc hác, ngồi đợi ở nhà khách trung đoàn. Ðó là một căn phòng vách ván nằm ở đầu hồi một dãy lán dài, nóc lợp tôn. Những lán nằm phiá sau là trại gia binh. Tường ván quét hắc ín đen xỉn. Chung quanh là vài lớp rào kẽm gai phòng thủ. Hậu cứ nằm ở ngoại biên thành phố. Một thành phố cao nguyên đất đỏ. Cô nhìn ra phiá xa, phiá thung lũng trước trại, và nhìn thấy những lớp bụi đỏ mù mịt đuổi cuốn theo nhau. Cô đang nói chuyện với một thiếu nữ, học sinh một trường trong vùng, là người yêu của anh chàng chuẩn úy dưới quyền anh thì từ xa chiếc xe Jeep ào vào. Anh từ xe jeep nhảy xuống, nón sắt có lưới ngụy trang dắt lá trên đầu, quần áo trận nhàu nát, đôi giầy trận bạc phếch, mũi giầy đầy bùn đất, và bên hông lủng lẳng khẩu colt. Nàng chạy bổ ra sân, ôm chầm lấy anh, trước cặp mắt thông cảm của những người phụ nữ còn lại. Ðêm đó, anh và cô ở trong căn phòng của một sĩ quan độc thân đang đi phép. Chiều xuống rất nhanh, một cơn mưa ập xuống như lũ rừng, và bóng tối dầy đặc bao quanh vòng đai phòng thủ của hậu cứ. Cô ôm cứng lấy anh như thể ngày mai không bao giờ cô còn được ngồi với anh như thế nữa. Cô hôn anh mạnh mẽ như chưa bao giờ được hôn. Những sợi râu lởm chởm cà vào má cô, vào môi cô, vừa nhột nhạt, vừa bồn chồn. Khi buông nhau ra, anh châm một điếu thuốc, và sau ngụm cà phê còn nóng mà cô mới pha hồi nãy, anh nhìn mông lung ra phiá lô cốt trước mặt. Chỉ còn một ngọn đèn leo lét rọi sáng cổng trại, được chặn phiá ngoài bằng bốn rào kẽm gai. Anh bỗng thấy xót xa cho đời lính, và anh bỗng thấy thương cảm cho người yêu. Anh thấy rõ cả nỗi bất lực của mình trong cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc này. Anh bực dọc nghĩ đến lời khai của gã tù binh bị bắt tuần trước: hắn đã nằm lòng bài học phải trả lời khi bị bắt. Anh bắt đầu nhận ra lối nhồi sọ con người của đối phương, hệt như anh đã từng nhận ra những cách biệt quá đáng trong đời sống của nhiều tầng lớp dân chúng Miền Nam. Bất giác anh ôm ghì lấy nàng. Linh cũng ép người mình vào chàng. Nàng bấu chặt vai anh, nàng ghì tóc anh xuống, nàng nhìn thật sâu vào mắt anh trong bóng đêm, nàng thì thầm vào tai chàng:'' Em muốn cho mình,...''. Nàng luồn tay xuống ngực anh. Nàng thấy một vết sẹo phía trên ngực phải, dấu vết của một lần anh bị thương nửa năm về trước. Nàng mân mê, rồi ghé môi hôn lên vết sẹo ấy. Còn anh, trong một thoáng, anh bỗng thấy bần thần. Một nỗi ham muốn mơ hồ cùng với nỗi bất an thảng thốt qua nhanh trong đầu anh. Nếu anh có mệnh hệ nào?..!!! Từ ngày anh về đơn vị, đã bốn sĩ quan ra đi vĩnh viễn. Anh gỡ tay nàng ra, nhưng nàng dằng lại. Nàng dứt khoát:''Em cho mình mà,...''. Nàng ghì anh xuống, rồi chính anh ghì lấy nàng, hôn như mưa bấc trên khuôn mặt nàng bồng bềnh theo ánh sáng của ngọn đèn bão treo sát vách tường. Anh quấn chặt lấy cái thân hình mềm mại của nàng, đè nàng xuống, ngấu nghiến. Anh thấy hơi ấm của nàng truyền qua từ những phần thịt da nồng nàn. Còn nàng, nàng thấy như từng tế bào cuả thân xác nàng mọng căng lên, đón nhận những dòng chất lỏng sền sệt cuả nỗi đam mê bất ngờ, trong khi ngoài trời tối đen, gió lồng lộn rít qua kẽ tôn cuả lán trại. Anh nghe tiếng rên nho nhỏ của nàng, như hạnh phúc và đau khổ quyện vào nhau. Thỉnh thoảng tiếng đại bác bắn đi phiá đồi bên kia làm rung đến tận khu trại bên thung lũng này, và ngoài xa, hoả châu bập bùng toả sáng ngôi làng nằm dọc theo con suối chạy ven quốc lộ.

**********

            Trên trần chiếc Marelli cũ vẫn quay đều. Mắt bên phải cuả Quỳnh hé mở. Anh thấy một khuôn mặt nhạt nhoà, như loãng ra đằng sau một khuôn cửa kính đục đang bị nước mưa hắt vào. Rồi khuôn mặt ấy rõ dần. Anh nhìn ra Linh. Nàng đang cười. Nàng đi ngược chiều anh giữa đồi cỏ lộng gió. Rồi nàng giơ tay chạy nhanh về phiá anh, gần hơn, gần hơn nữa. Lúc anh giơ tay ôm choàng lấy người nàng thì anh không thấy nàng đâu nữa. Rồi anh lại thấy nàng đang đứng cách xa anh bằng khoảng cách một con đường. Nàng yên lặng buồn rầu nhìn anh. Mặt nàng như mặt Mẹ Maria đang ngước lên nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Anh nhoài người về phiá nàng, thì bỗng nhiên, anh bị một cơn lốc cuốn đi, ném anh xuống bià rừng. Anh thấy cả đại đội đang dàn hàng ngang vượt nhanh qua trảng cỏ trước mặt. Phi cơ gầm rú trên trời, và những trái bom nổ ngay phòng tuyến địch, chỉ cách đại đội anh vài chục thước. Lửa, khói, tiếng nổ của đủ loại súng, và tiếng lựu đạn át cả tiếng hô xung phong, lẫn tiếng kèn thúc quân của phiá địch. Tiếng người bị trúng đạn như bị thụi rất gọn vào ngực. Rồi anh nghe thấy tiếng kêu thất thanh của mẹ anh- người mẹ đã lâu lắm anh không hề gặp. Anh bỗng thấy mình bị một khoảng không gian tối đen hun hút lao vun vút về phiá mình. Anh chỉ kịp hụp vội người xuống đủ để thấy mình đang bám vào bờ đất của căn hầm trú ẩn. Rồi khuôn mặt của Linh lại hiện ra, tươi cười, rực rỡ. Nàng dơ tay kéo anh ra khỏi hầm.

            Linh ngồi bên cạnh giường. Nước mắt lăn dài trên má. Cô thấy mắt anh mở hé ra, rồi lại nhắm nghiền lại. Anh ú ớ trong họng. Tay anh như muốn giơ lên, rồi lại hạ xuống. Cô nắm lấy tay anh , giữ nhẹ bên mép giường. Mạch vẫn còn đập. Rồi bỗng cô thấy một giọt nước mắt ứa ra bên khoé mắt cuả anh. Môi anh mấp máy. Hình như anh đang gọi ...Linh ơi!!!

CVA Sầu Đông

* * *

Đò trăng

Khép vòng tay, nối chân mây

Rót nghiêng túi hận ắp đầy thuyền trăng

Chất thơ lên, khua chèo nhanh

Chở theo sương gió ngày xanh lưu đày

Giã từ đất mượn đường vay

Nẻo về hoa cỏ chắp tay gọi mời

 (trích trong tập thơ “Đò trăng” đã xuất bản)

CVA Ngô Đức Diễm

* * *

 

CVA Việt Bằng

1

Tôi gặp quá nửa các bạn Chu Văn An trong Khóa Giáo Chức 9 tuần dành cho Giáo sư Ðệ Nhị Cấp Trung  Học và Giáo sư Ðại Học từ  01/09/1969 đến 01/01/1970. tại quân trường Quang Trung.

Tiểu đoàn 556/GC có 4 Ðại đội A,B,C,D. Tiến sĩ Lê Trọng Vinh, thứ trưởng bộ giáo Dục là khóa sinh tiểu doàn trưởng. Ðại đội D gồm 37 khóa sinh, tất cả là giáo sư tiến sĩ của 24 phân khoa thuộc Viện Ðại Học Saigon ngoại trừ một bạn khác và tôi  là GS Ðệ Nhị Cấp. Các đại đội A.B,C  1/5 là giáo sư Ðại học và 4/5 là giáo sư Ðệ Nhị Cấp.

Tại quân trường này tôi gặp rât nhiều bạn Chu Văn An, cùng lớp, cùng ban: GS Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, hiện là giảng viên Ðại Học George Mason VA, GS Tiến sĩ Tạ Văn Tài, giảng viên Ðại Học Havard, Massachusetts, BS Trần Hữu Nghiệp, giảng viên Ðại Học Y Khoa Saigon trước 30/04/1975, và rất nhiều bạn khác lớp tôi đã quên tên vì lâu ngày không gặp v.v...

2

“Chà láng” là bài học đầu tiên của tuần lễ thứ nhất. Hàng ngày, kẻng tập họp vào lúc 5 giờ sáng, khóa sinh tập trung đội ngũ chỉnh tề rồi nhẩy xuống hào bao quanh các doanh trại của Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung để chà láng cả đáy và bờ hào. Những ngày trong tuần đầu, Khóa sinh học về đội hình hàng ngang, hàng dọc, di hành và thực tập tác xạ.

Ðối với các khóa sinh không có giấy phép rời trại về thăm nhà, ngày chủ nhật là ngày vui nhất trong tuần, tại vườn tao ngộ, người có gia đình có thể gặp bạn bè, vợ con, người độc thân gặp bạn gái,.

Ðang chạy bộ, Tiến sĩ Thủy hỏi tôi:

- Chuyện tình cảm của cậu có gì đặc biệt không?

- Không, có ma nào đến thăm mình đâu mà đặc biệt.

- Con gái, mỗi người là một hành tinh nhỏ, mình đã lạc vào, không tìm được lối ra và làm mình mất thì giờ kinh khủng.  Ði chơi một chút, mất cả buổi, cả ngày, gọi điện thoại thì mất cả giờ. Vì vậy tớ phải “kính nhi viễn chi” Tháng  3/1970, tớ trình bầy thêm một luận án tiến sĩ về Vi Sinh Vật tại Ðại học Irvine California. Ngày 20/02/1970 cậu sẽ nhận được giấy mời họp bạn của tớ để bạn bè có dịp bù khú với nhau trước khi đi Mỹ và ôn lại chuyện xưa, khi còn học Chu văn An.

3

Một sáng Chủ Nhật tuần thứ hai, thượng tuần tháng10/1969, tôi đang ngồi phơi nắng trên băng đá trong vườn Tao Ngộ, Trung Tậm Huấn Luyện Quang Trung, nhìn những người đẹp đang ríu rít trò truyện với những  sinh viên sĩ quan Khóa Giáo Chức, bất chợt một thiếu nữ đưa cho tôi  tấm hình một thanh niên và nói:

- Ðây là hình anh của em, mặt sau có số quân, anh có gặp không?

- Tổng số sinh viên sĩ quan 720 người, gần một nửa là bạn cũ nhưng tôi chưa gặp anh này bao giờ.

Tôi đưa nàng đến Phòng tiếp tân, nhờ một Thượng sĩ đọc số quân của anh nàng trên loa phóng thanh, bình thường chỉ 5, 7 phút thân nhân đến gặp ngay. Nàng chờ đến nửa giờ, không ai ra gặp. Tôi ái ngại nhìn nàng và nói:

  - Có lẽ cô ghi không đúng số quân, nếu đúng đã có người đến gặp cô rồi.

- Cảm ơn anh đã giúp đỡ, cũng đã đến lúc em phải về.

Nàng trìu mến nhìn tôi như muốn nói một điều gì, tôi mạnh dạn đề nghị:

- Cô ngồi đây, tôi đi  mua nước ngọt

- Em chỉ uống Limonade hay Café thôi, đừng mua thứ khác.

Sau khi mang về 2 chai Limonade, tôi đưa nàng đến một gốc cây xa xa ngồi nói chuyện.

- Tên em là Khánh Vân, sinh viên năm thứ tư trường Dược. Nhà chỉ có 2 chị em, Thúy Vân là chị, cũng học Dược, hơn em một lớp mới ra trường. Bây giờ anh nói về anh đi.

- Như em biết, anh là Khóa sinh Dự bị Sĩ Quan Khóa Giáo Chức, bảng tên trên ngực... Nàng ngắt lời tôi.

- Biết từ lâu, này anh Khóa này là Khóa Giáo chức Ðệ Nhị Cấp và Ðại Hoc phải không? Em đọc tin trong Báo Chính Luận. Vậy anh là G.S Ðệ Nhị cấp  hay G.S Ðại Học. 

- Em thất vọng rồi, anh chỉ là G.S  Ð2C chứ không phải giáo sư Ðại Học. Nếu em muốn gặp GS Ðại Học, chờ 1 chút, anh gọi mấy người bạn anh.

- Anh nói sai, em ưa người. Chức vụ, bằng cấp chỉ là những thêm thắt bên ngoài thôi.  Em chọn anh nói chuyện vì thích màu da hơi trắng của người miền Bắc và cái dáng dấp nghệ sĩ trí thức của anh, lại hơi bụi bụi nữa. Khuỷu tay áo sờn và bạc. Dây giầy buộc không kỹ, 1 chiếc giầy đã tuột dây. Tóc không chịu chải mà chỉ vuốt lên, kính trắng đeo không ngay mà hơi trễ xuống dưới lông mày v.v...

- Còn tội nào nữa, em kể tiếp đi

- Còn nhiều tội khác khi thân hơn em sẽ kể dại gì kể bây giờ, mất anh thì sao, vừa nói nàng vừa ngả đầu vào vai tôi.

- Em kiểm tra lại số quân của ông anh, lần tới đến sớm một chút, anh sẽ nhờ loa phóng thanh gọi khi chưa quá đông người. Tôi nhắc nhở.

- Thôi khỏi, em có anh nào đâu mà gọi, ngoài anh. Kiếm cớ làm quen vớI anh thôi. Thế mà có người dám nói “Thông minh nhất nam tử”. Nàng vừa nói vừa khúc khích cười.

- Mưu phụ nữ quỷ khốc thần sầu, chào thua em đấy.

Tiếng kẻng xa xa báo hiệu đã hết giờ thăm viếng, lúc đó 12:30 trưa, tôi đưa nàng ra tận cổng trại, cầm tay nàng xiết nhẹ. Nàng nhìn tôi, bịn rịn vẫy tay chào. 

Từ đó cho đến cuối khóa, Chủ nhật hàng tuần Vân đến thăm tôi mang nhiều quà bánh, tôi góp với các bạn trong đại đội ăn chung cho vui, hơn nữa quà bánh ê hề chẳng ai nghĩ đến ăn riêng. Trong đời sống quân ngũ, tình đồng đội quý hơn tất cả.

4

Hai tuần đầu, Khóa sinh chưa bén bảng đến “Hồ nước ăn” nhưng từ tuần thứ ba và thứ tư, khóa sinh đeo ba lô chạy trên những tuyến đường dài hơn, tập tành cũng cam go hơn cho đúng với khẩu hiệu “Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường  bớt đổ máu”, tự nhiên hồ nước ăn trở thành mục tiêu quí báu của khóa sinh, không lệnh nào ngăn chặn được.

Trước bữa cơm chiều, vừa hành quân về, nhiều khóa sinh bỏ cơm, tồng ngồng nhẩy vào hồ tắm rửa, quần áo nhà binh xếp từng đống phía sau hồ, trước ít, sau càng ngày càng nhiều.

Trước hồ, một con đường nhỏ tráng ciment, các cô nữ trợ tá thường đi qua để xuống nhà bàn, tự nhiên các cô rảo bước qua hồ, nơi mà khóa sinh gọi là “Vườn Ðịa Ðàng”, mắt các cô ngó thẳng và từ đó ít thấy các cô đi riêng rẽ, trong khi các khóa sinh đứng trên bờ kỳ cọ, bất chợt nhìn thấy “bóng hồng” đã đến quá gần, nhẩy xuống hồ ào ào...

Ngay hôm đó, Thượng sĩ nhà bàn lên văn phòng báo cáo và mời Ðại úy Minh xuống coi để giải quyết trường hợp này tại chỗ.

- Tôi biết khi đi qua hồ nước ăn chiều nay. Ðại úy nói.

- Nước sà bông váng trên mặt hồ làm sao nấu ăn? Thượng sĩ bực dọc.

- 12 giờ đêm, cho tạp dịch cọ rửa hồ thật sạch trước khi mở vòi nước chảy vào hồ, nếu buổi sáng sau mực nước còn thấp hãy gọi xe bơm nước, cưa sát mặt đất mấy cây rễ đã mục để xe dễ ra vào.

5

Tuần lễ thứ năm, ngày đầu tuần, Ðại Úy Minh khuyến khích khóa sinh làm báo tường như những khóa trước. Khóa sinh làm báo được hưởng quy chế tạp dịch được miễn ra bãi tập, ở lại doanh trai làm công tác của mình nhưng không được quá ba buổi liên tiếp.

Trưa hôm ấy tôi gặp Ðại úy Minh, trình bày:

- Chỗ dán báo tường loang lổ, cần phải quét vôi cả dẫy nhà, hơn nữa dẫy này lại trước cột cờ, có văn phòng của Ðại úy và cũng là mặt tiền của doanh trại.

- Vôi màu còn nhiều anh muốn chọn màu nào cũng được miễn cho đep mắt.

- Chiều nay, tôi cho người mang vôi màu đến văn phòng. Sáng mai khởi sự được không? Cần mấy người anh chọn trong danh sách tạp dịch này.

- Người quét vôi cần có ít nhiều kinh nghiệm pha màu, nếu chọn bất cứ ai, e công việc không bảo đảm. Tôi có thể chọn người của tôi được không?

- Ðược chứ, cho tôi tên khóa sinh.

- Nguyễn Ðông Ngạc, đại đội B, Lê Thủy và tôi, đại đội D.

    Ðêm ấy tôi báo cho mấy bạn tin này. Tiến sĩ Thủy reo lên:

- Cậu hay quá, tớ sẵn sàng theo đuôi. Cậu đã hỏi Ngạc chưa?

- Rồi, hắn đồng ý.

 Sáng hôm sau, Ðại Úy Minh đọc tên chúng tôi trên danh sách tạp dịch trong ba buổi sáng liên tiếp. Sau khi các bạn ra bãi tập, tôi đến chân tường hí hoáy pha màu nhưng không vừa ý, lúc vàng thẫm, lúc vàng nhạt gần như trắng.

- Cậu pha thế này thì không phải thợ cả, để tớ. Tiến sĩ Thủy nói.

- Cậu làm giùm đi.

Chưa đấy 5 phút, Thủy tạo ra màu vàng rất đẹp bằng cách thêm một chút vôi hồng. Tụi tôi phá ra cười. Thủy và tôi leo lên thang quét vôi từ mái xuống chân tường. Ngạc đứng giữa Thủy và tôi giữ thang cho chắc. Hắn khuân về những tảng đá thật nặng để giữ chân thang không nhúc nhích. Ba buổi sáng trôi đi rất mau, tôi đến văn phòng báo cáo công tác đã hoàn tất. Ðại úy Minh đi đi lại lại ngắm nhìn nhửng bức tường mới quét vôi và khen là đẹp. Bất chợt Ðại úy hỏi:

- Nhờ anh quét vôi luôn văn phòng sĩ quan trực nhật của tôi có được không? Tôi cho anh 3 buổi.

- Dạ, 1 buổi thôi.

- 2 buổi đi, làm cho kỹ hơn.

Thủy và tôi kéo dài việc làm cho đủ 2 buổi, Ngạc hơi buồn vì không có việc làm rõ rệt. Mỗi lần Ðại Úy Minh đến, Ngạc dùng 2 que ngắn khuấy cho sủi bọt 2 thùng nước vôi đã pha. Thấy vậy, tôi lấy chổi quét vôi kẻ vào mặt Ngạc mấy nét để nước vôi chảy từng giọt xuống màu áo xanh lính của Ngạc.

- Thế này mới giống lính thợ thứ thiệt, đúng không nào? tôi hỏi

- Thôi! đừng bầy trò nữa cậu.

6

Tuần lễ thứ sáu, chúng tôi phân công nhau làm báo. Tiến sĩ Thủy viết 2 bài biên khảo và giữ mục quan điểm, Ngạc 2 truyện ngắn, tôi 2 bài thơ, 1 truyện ngắn và giữ mục Sổ Tay Quân Trường.

Sau khi nộp bài cho tôi, nhìn nét mặt ưu tư của Ngạc, tôi hỏi:

- Cậu đau đấy à.

- Không, tớ phải về với tiểu đội ngay bây giờ để ra bãi tập kẻo rớt không được trả về nhiệm sở.

- Ðó là vấn đề chính sách, họ không trả mình về trường thì ai dạy học sinh không lẽ trường đóng cửa?

- Ðành vậy, nhưng có diểm khác biệt. Bộ Giáo Dục cần cậu hơn tớ vì cậu đứng lớp12, tớ 11.

- Ðừng nghĩ quẩn, ở lại với tớ 3 buổi thôi mà, không có gì đâu mà sợ.

Ngạc suy nghĩ  một chút, vẫy tay chào rồi đi.

- Cậu thấy chưa, chỉ có cậu với tớ dám uống thuốc liều, thiên hạ sức mấy mà bắt chước được tụi mình. Không chừng khi có kết quả tụi mình lại đậu cao đấy nhé. Thủy nói và cười.

- Mong vậy, diễn xuất không giúp được nhiều đâu nếu môn nào cũng không chiu tập, đậu cuối bảng là cái chắc.

7

Tuần lễ thứ 7, tôi thật bận rộn, đã quên đi chuyện làm báo tường. vài buổi sau đang đi trong hàng quân về trại, đại úy Minh gọi lại cho biêt Chuẩn Tướng Lê Ngọc Triển mới ghé thăm đứng đọc báo tường và khen bài có phẩm chất.

Tuần này, huấn luyện viên dạy 24 thế võ, mặc dầu biểu diễn rất chậm để khóa sinh có thể thấy rõ từng chi tiết của thế võ nhưng đa số chẳng nhớ được bao nhiêu.

Nghỉ nhiều buổi, tuần lễ thi cử lại tới gần Tiến sĩ Thủy và tôi cuống lên, mỗi khi di hành, chúng tôi gợi chuyện học lỏm đồng đội về những gì chúng tôi đã bỏ khi quét vôi, làm báo.

Cuối cùng chúng tôi tìm đến khóa sinh Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, người nổi tiếng có một trí nhớ siêu phàm, bài vở chỉ nghe qua một lần, không cần ghi trên giấy. Sau khi nghe Thủy và tôi trình bấy, anh cười và nhắc lại những điểm căn bản chỉ trong mười lăm phút, rồi nói:

- Chỉ bấy nhiêu, với trình độ của các anh, thừa sức làm bài rồi.

8

    Tuần lễ thứ tám là tuần thu hoạch, Ðại úy Minh phổ biến ngày thi các môn Tác xạ, bò hỏa lực, Leo giây, và Võ Tae Kwan Do cận chiến. Ngày đầu tuần, sáng sớm khóa sinh tập trung tại sân bắn thi tác xạ. Bia lên tôi bắn 5 viên đạn bằng súng Garand M1. Khi huấn luyện viên vẫy cờ cho đến bia xem kết quả, tôi được nghe giải thích:

- Anh có 1 viên trúng giữa hồng tâm, 2 viên vòng 2 và 1 vòng 3. Vết đạn của người thiện xa tập trung vào vòng 1 chứ không đi chơi ở vòng 2,3 như của anh. Ðiều này chứng tỏ viền đạn trúng hồng tâm là may, tuy nhiên anh cũng được điểm cao. Huấn Luyện viên nói với tôi.

Khi thi võ Tae Kwan Do, thấy khóa sinh loạng quạng, không nhớ được gì, Huấn Luyện viên ra đặc ân Khóa sinh chỉ phải biểu diễn 1 thế theo lệnh của ông va 1 thế nhiệm ý, để xếp điểm cao thấp, thi hay không cũng được và 2 khóa sinh có thể thi cùng một lúc.

    Tiến sĩ Thủy kéo tôi ra ngoài căn phòng dùng làm võ đường và hỏi:

- Cậu nhớ được mấy thế:

- 5 thế, tôi đáp

- Tớ cũng 5 thế căn bản như cậu. Tổng cộng là 10 thế, tụi mình chi ôn tập 10 thế này thôi. Huấn luyện viên hỏi bất cứ thế nào mình cũng chỉ biểu diễn 1 trong 10 thế mình biết. Coi như lộn thế, 24 thế làm sao nhớ hết được.

    Sau khi ôn tập với nhau 40 phút, chúng tôi bước lên bục gỗ thi võ:

- Thế 3, căn bản,  thế 16 nhiệm ý, Huấn luyện viên nói

Chúng tôi biểu diễn thế 3 thuần thục vì là 1 trong 10 thế căn bản, sau đó biểu diễn thế 6 nhuần nhuyễn.

Huấn luyện viên khen chúng tôi chịu khó ôn tập nhưng thế nhiệm ý ông thắc mắc không biết đã nói lộn thế hay chúng tôi nghe lộn và cho chúng tôi điểm tối đa trong khi nhiều khóa sinh bỏ không thi nhiệm ý.

Trưa và Chiều cùng ngày, Chúng tôi chỉ đat điểm trung bình về bộ môn “Bò Hỏa Lực” và ”Leo dây tử thần”

Ngày thứ sáu cuối tuần, Bảng Tổng Kết điểm thi được phổ biến, với đầy đủ điểm bộ môn, điểm tổng kết và thứ hạng của khóa sinh.

Tiến sĩ Thủy hạng 48/720 và tôi 46/720. Thủy nói với tôi:

- Thứ hạng này được đấy chứ.

- Cũng may rủi thôi. Tôi đáp

- Nếu tớ là thành viên ban chấm điểm, thì cậu được thêm điểm “mưu trí”.

- Thôi đi cậu, bể mánh bây giờ.

9

Tuần lễ thứ 9, tiểu đoàn giáo chức ôn tập liên miên về chiến thuật tác chiến trong thành phố, đêm di hành và đóng quân ngoài doanh trại.

Ðại đội đóng quân ở nghĩa trang, khóa sinh bốc thăm chia nhau trực gác đêm, mỗi người 2giờ. Sau ca trực từ 11 giờ đến  01 giờ. Tôi chọn một ngôi mộ cao, giải poncho nằm vì sợ rắn, quanh mộ xây đá hoa khá đẹp mắt. Mộ chí có ghi tên tuổi người quá cố, người nằm dưới mộ là một cô gái 17 tuổi.

- Ðể nhà thơ nằm với cô gái ma, nhớ đừng thượng mã phong, sáng mai chúng tớ mất công đào hố. Dưới này lâu lâu mới có một con nhái nhẩy lên mặt ngồi chơi, cầm nó dục đi là xong. Tiến sĩ Lê Thủy nói với đồng đội và tôi.

Nửa đêm có một cô gái áo bà ba xanh, quần đen đến, khều vai trái, tưởng là ma tôi định la lên, cô gái dúi vào tay tôi 3 gói đậu phọng rang, mỗi gói chưa đến mười hạt và nói 6$ tất cả. Tôi trả 10$. Cô gái mời ăn cháo gà để trong một cà men, tôi lắc đầu. Cô cảm ơn và đi chỗ khác bán hàng. Ðêm nào cũng vậy, như có hẹn lại đến, cô bỏ vào túi áo tôi 3 gói đậu phong nếu tôi ngủ, đêm sau tôi trả tiền cho cô.

Một đêm, cô gái đi sớm hơn, nói với tôi:

- Các anh đã đóng ở nghĩa trang 7 đêm, đêm nay là đêm cuối cùng ở đây, 3 gói đậu phọng này tặng anh đấy,

- Nhận như vậy bất công với cô, tôi vừa nói vừa trả 10$.

- Anh trả quà hay tiền là “khi” em, em muốn có một kỷ niệm với anh dù rất nhỏ nhoi vì biết chẳng bao giờ gặp lại anh nữa...

- Tặng cô một khăn tay Ý, tôi mới nhận được hôm qua

- Anh không tiếc chứ, cô gái rụt rè cầm khăn bỏ vào túi áo

- Tiếc đã không cho, cho thì không tiếc., tôi đáp

    Thấy cô gái ngần ngừ chưa muốn đi, tôi hỏi:

- Cổng nghĩa trang có cả tiểu đội lính gác, làm sao các cô vào trong bán hàng được?

- Ðúng vậy, không vào cổng chính được nhưng tụi em có thể trèo qua tường. Lúc đầu các chú lính không cho bán, tịch thu tất cả. Sau các chú thấy tụi em hiền như “ma soeur”, làm lơ cho bán hàng hơn nữa các chú cũng ăn uống vui vẻ với tụi em. Dần dần nhiều gánh hàng ăn tụ tập ở bên kia đường, anh muốn ăn thứ gì cũng có, kể cả muốn mua hoa nhưng em không làm nghề ấy vì còn đi hoc...hơn nữa còn muốn có một tương lai tươi sáng hơn.

Chợt nghe tiếng còi tập họp, lúc đó đã 11 giờ đêm, tôi lật đật gấp lại poncho, đeo ba lô chạy theo đồng đội. Tôi quay lại chào cô bé, người nhìn tôi với ánh mắt thật buồn...

Sau khi tập hợp, trong  hàng quân, dưới trời sao, Ðại Úy Minh nói:

            - Ngày mai, 7:30 sáng có 30 GMC tập trung trước cửa doanh trại đưa quí anh về Trung tâm Nhập Ngũ số 3, trong Biệt Khu Thủ Ðô. Từ đó quí anh có thể dùng phương tiện riêng về nhà. Từ 6:00 sáng, quí anh gặp tôi hay các sĩ quan trực nhận giấy trả về nhiệm sở. Quí anh có xe nhà đến đón, về lúc 6:30, đừng đậu lại trước cổng trại quá lâu gây trở ngại giao thông cho đoàn xe GMC. Ngay bây giờ, quí anh trở về trại đem trả hết quân trang, quân dụng và lấy lại những đồ dùng cá nhân đã mang theo. Ðêm nay sinh hoạt tự do.

Những tràng pháo tay vang lên tưởng như không bao giờ dứt...

Sáng hôm sau,  tôi đến Văn Phòng Trực rất sớm khi chưa đến 6:00, Ðại Úy Minh tươi cười trao cho tôi Giấy Trả Lại Nhiệm Sở và nói:

            - Em cũng là dân Chu Văn An, sau anh 3 lớp.

            - Tại sao chú không cho tôi biết khi mới nhập trại. tôi hỏi.

            - Không dám đâu, sợ anh vi phạm Kỷ luật, bắt anh “hít đất” giữa hàng quân, đau lòng cho cả hai. Phải đợi đến bây giờ, khi anh trở về đời sống dân sự mới dám nhận nhau, Em vẫn là đàn em của anh mà...

     10

Sau ba ngày nghỉ ngơi, tôi trở lại nhiệm sở làm công tác giảng dạy như thường lệ. Khi tôi xuống nhà xe để lấy Honda ra về, bàn tay con gái bịt mắt tôi:

            - Bàn tay này lạ lắm, Vân phải không? Bỏ tay xuống cho anh thấy đường kẻo đụng xe người khác tróc sơn.

            - Không bỏ, nói có bao nhiêu bàn tay quen, em mới bỏ.

            - Có bàn tay này thôi, lúc nãy nói lộn.

            - Có thế chứ, nên nhờ rằng em thông minh không kém anh đâu, Vân vừa nói vừa cười và bỏ tay xuống.

Sau đó Vân mời tôi ăn sinh nhật của Vân tại nhà hàng Thủ Ðô, đường Trần Hưng Ðạo. Bữa ăn hốm ấy, tôi dành toàn tâm toàn ý để hát bài Happy Birthday, và Que Sera tặng Vân.

      11

Hơn một tháng sau, Khánh Vân đến đón tôi về nhà dùng bữa trưa. Khi tôi đến nơi, bàn dã dọn ra với nhiều món ăn đặc sản của miền Nam. Thúy Vân, chị của Khánh Vân, vui vẻ kéo ghế mời tôi ngồi và nói:

            - Tụi em là người Cần Thơ, quận Ô Môn nên quen làm những món ăn miền Nam hy vọng lần sau có thể nấu những món ăn Bắc.. còn nữa, anh có nhận ra  cô gái xinh đẹp  ngồi đối diện với anh không?

            - Hoàng Quỳnh, cô em họ của tôi chứ ai...

            - Anh cảm động quá “khớp” rồi sao, giữa Thúy Vân và Khánh Vân không biết chọn ai có phải không? Hoàng Quỳnh vừa nói vừa tủm tỉm cười...

            - Lạc vào động Thiên Thai, gặp toàn tiên nữ, kẻ phàm tục này đâu có diễm phúc được lựa chọn.. Tôi đáp.

Sau bữa ăn, Hoàng Quỳnh đưa tôi về nhà, trên xe Toyota trắng mới mua, Hoàng Quỳnh nói:

            - Em với Thúy Vân là bạn cùng lớp, cùng tốt nghiệp Khóa Tháng 6/1969, ý em, Thúy Vân thích hợp vói anh hơn vì biết lo làm ăn, Khánh Vân còn quá trẻ, xí xọn, lý lắt như Hoàng Lan Chi vậy.

            - ...nhưng Khánh Vân có quá nhiều kỷ niệm với tôi ở Quân Trường.

            - Người chủ xướng đưa anh về gia đình này là Thúy Vân, buổi họp bạn tại nhà em, Vân đòi xem Album của gia đình, thấy nàng  ngắm nghía mấy cái hình của anh, Em và Hoàng Lan Chi chụp chung. Em hỏi Vân có muốn làm chị, mua tặng em Channel No.5. Nàng cười và đấm thùm thụp vào lưng em. Chai nước hoa em tặng anh là của Thúy Vân. Vì tính e lệ của Thúy Vân, Em và Thúy Vân cử Khánh Vân đi gặp anh ở quân trường không ngờ nước cờ cao ấy lại trở thành thấp vì Khánh Vân đi quá sâu vào tình cảm của anh.  Ðáng lý Khánh Vân đưa anh về, em phải dành lấy cơ hội này nói rõ cho anh biết để cư xử cho đúng.

           CVA Việt Bằng

* * *

Nơi Một Thủa Mùa Xuân Còn Ở Đó

   
Anh ngồi đó mơ thiên đường hạnh phúc,
nắng nhung mềm rõ nét dáng hình em.
Với em, anh muốn nói điều rất riêng
bên chồng sách chợ chiều đang phủ bụi.

Chưa gió nổi mà nghe lòng bối rối,
vì tình em trôi nhẹ nhẹ như mây.
Có thể nào ràng buộc được chân mây,
nơi một thủa mùa Xuân còn ở đó.

Anh sẽ về để nghe em nói nhỏ,
chuyện tình yêu - những chuyện ngắn, chuyện dài.
Và đặt nhẹ bàn tay trên bờ vai,
năm tháng đi mà tình không chia cắt.

Sương nơi ấy như triền mây trắng đặc,
anh vẫn chờ em trắng một bến sương.
Tưởng đã thân, mà ánh mắt hoang đường
Em có nhìn anh như người lạ mặt?

Những con chim khoác áo màu hong nắng,
tiếng hót bay cao rất đỗi lạ lùng.
Với anh, từ sâu thăm thẳm đáy lòng,
lời em nói như vẫn còn âm vọng...

 CVA VIỆT BẰNG

* * *

CVA Nguyễn Văn Khôi

Nếu ngày xưa, “Hàng năm cứ vào ngày cuối thu, khi lá vàng rụng nhiều, với bầu trời đầy sương thu và gió lạnh là lòng… của Thanh Tịnh… lại nao nao nhớ đến buổi tựu trường…”; thì bây giờ, mỗi khi nhìn hoặc nghe thấy bất cứ một cái gì dính dáng tới Hànội, lòng tôi cũng nao nao có một cảm giác bâng khuâng không kém!!!  Vì thế, mỗi khi nghe hoặc thấy một diều gì liên quan tới Hànội là tôi lại phải cố tìm xem hoặc đọc xem cho bằng được.

Tôi còn nhớ rõ ràng cuộc di cư lần đầu, từ Hànội vào Saigon năm 54, hồi đó khi chưa hết hạn 100 ngày di chuyển giữa Bắc và Nam, đài phát thanh Saigon luôn luôn cho hát bài “Hướng về Hànội” của Hướng Dương:

…“Hànội ơi hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo mầu tung gió chơi vơi, Hànội ơi…”  không hiểu với mục đích gì?

Để an ủi những tâm hồn lãng mạn của những người giầu tình cảm khi họ phải xa Hànội… hay là một mánh khóe của tụi ác ôn côn đồ Cộng Sản, chúng muốn lôi kéo trở lại những người đã chót ra đi không muốn ở lại với bọn chúng ???

Sau này lại có một bài ca mới nữa về Hànội của một chàng trai Hànội cũng vừa mới phải dứt áo ra đi để vào Nam tìm tự do. Tôi không nhớ tên tác giả bài này, (1) tôi chỉ nhớ là bài đó có những câu… “Tôi xa Hànội năm lên mười tám khi vừa biết yêu…”. Lúc đó tôi đã 19 tuổi và cũng chưa từng yêu ai, nên khi hát bài này một mình tôi đã sửa lại lời ca một chút… “Tôi xa Hànội năm lên 19 chưa hề biết yêu…..”.

Tuy rằng tôi chưa hề yêu một cô gái Hà Thành nào cả nhưng tôi cũng không thể đành lòng xa Hànội, nơi tôi có biết bao là nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu. Hànội với những hồ Gươm, hồ Halais, hồ Tây, hồ Trúc Bạch…với những đường Cổ Ngư, đường Quan Thánh, đường Cửa Bắc, với những chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Đủi và những trường Nguyễn Trãi (trường Đồng Khánh tức là trường con gái cũ) các trường Đỗ Hữu Vị - tôi học ở cả hai trường D.H.Vị này. Trường Tiểu Học Đỗ Hữu Vị ở cuối Hàng Than và gần hồ Trúc Bạch, nơi tôi học những lớp Enfantin, Préparatoire rồi Moyen 1, Moyen 2 năm 1945 khi Nhật đảo chánh Pháp, và một trường Đ.H.Vị nữa ở cạnh đường Cửa Bắc, hồi Pháp thuộc là trường École Normale Sup, sau này là trường Chu văn An nơi tôi học những lớp Đệ Lục, Đệ Ngũ và Đệ Tứ

Năm 1952, tôi rời C.V.A. về Nguyễn Trãi, ở đây tôi là một cầu thủ đáng giá của trường về các môn bóng đá và bóng rổ. Ở trường này, tôi luôn luôn được dự những trận đấu bóng tại Sân Hàng Đẫy, một hai lần tại sân Mangin ở đường Cột Cờ hay tại sân Ếclaire ở đường Bờ Sông. Về Bóng rổ chúng tôi luôn luôn thi đấu tại Sân Tòa Thị Chính Hànội, cũng đôi khi tại những sân khác như Sân Chợ Gạo tại phố Hàng Khoai, sân của trường Albert Saraut. Trận đấu cuối cùng của chúng tôi tại Hànội là trận đấu với Sinh viên của trường Đại Học Hànội để khánh thành cái sân mới mở của trường Đại Học này.

Tóm lại, tôi phải đau đớn mà rời xa cái thành phố thân yêu này, cái thành phố có… nào là hồ Hoàn Kiếm với những hàng liễu rũ xuống mặt nước trong xanh đầy thơ mộng, nào là hồ Halais yên tĩnh nằm tách biệt hẳn với Phố Huế ồn ào nhộn nhịp, nào là con đường Cổ Ngư với những hàng cây cao, mát, nằm giữa hồ Trúc Bạch và Hồ Tây…

Để tìm lại những kỷ niệm xưa về chốn ngàn năm văn vật đó, lúc đầu, không sách nào viết về Hànội mà tôi không đọc, không buổi họp mặt nào của những người Hànội mà tôi không đi. Nhưng phải thú thật rằng tôi đã gặp phải không ít những điều thất vọng .

Trước hết tôi muốn nói đến một cuốn sách có tựa đề là “Phượng vẫn nở trên bầu trời Hànội” của một bà mà tôi dã quên mất tên, bà này là chị một bà bạn của vợ tôi. Dĩ nhiên là tôi đã không mua cuốn sách này, nhưng tôi cũng đã đọc qua vì bà xã tôi đã bị tặng cuốn sách này. Tôi nói rằng chúng tôi “bị” tặng vì…đáng lẽ theo như tên sách chúng tôi phải được thấy lại những hình ảnh thân thương của chốn cũ mỗi khi hoa phượng nở, đáng lẽ tôi phải thấy lại cái nhộn nhịp của mùa thi, cái không khí của những ngày sắp bãi trường. Thông thường là vào dịp này các trường thường hay tổ chức những buổi “đại hội Hè”- Hình như hè năm trước trường Chu Văn An có tổ chức một buổi đại hội như thế và trong đó Ban Hợp Ca của  nhà trường có hợp ca bài Hè Về của thầy Hùng Lân. Nhạc sĩ Hùng Lân là giáo sư dậy nhạc của trường C.V.A. cũng như nhạc sĩ Chung Quân là giáo sư dậy nhạc của trường Trung học Nguyễn Trãi. Hè năm đó thầy Lân đã soạn lại, hòa âm lại bài “Hè về” lúc đó đã được nổi tiếng của thầy và đích thân thầy hướng dẫn ban hợp ca của trường luyện đi, luyện lại nhiều lần. Lúc này tôi hãy còn là học sinh lớp Đệ Tứ của trường nên tôi đã được nghe ban hợp ca của trường này hợp ca nhiều lần, nhưng cuối cùng hình như không được vừa ý với ban hợp ca hay vì một lý do gì không biết, bài hợp ca này đã không được thầy Lân cho đem ra trình diễn trong ngày đại hội bãi trường năm đó. Tôi chỉ có thể nói là hình như thôi vì thú thực rằng tôi cũng không nhớ đuợc rõ lắm là bài này có được trình diễn hay không nữa, năm mươi mốt năm đã qua rồi còn gì !!! Nhưng dù có được đem ra trình diễn ở ngày đại hội hay không thì chúng tôi, những học sinh của C.V.A. cũng đã được thưởng thức bản hợp ca này nhều lần khi họ còn đang tập dượt trong căn phòng lớn của nhà trường nơi mà ở một đầu có thiết lập một cái sân khấu trong khi ở đầu kia, nơi gần các lớp học thì lại là nơi mấy bà vợ của những ông lao công trong trường đặt ra những quầy hàng để bán các thứ quà bánh cho học sinh trước giờ vào học hoặc trong giờ chơi. Tiếng ca của họ vang vang lên tận những lớp học của chúng tôi nên ai cũng được nghe hết… Vì  lúc này là những ngày cuối năm nên thầy Hiệu Trưởng Vũ Ngô Sán đã mặc nhiên chấp nhận điều này.

Mùa Phượng nở là mùa mà trai thanh gái lịch của Hà Thành phải kéo nhau ra hóng mát tại Hồ Gươm đi dạo mát quanh hồ, vào những quán dựng lên ở quanh bờ hồ để uống nước dừa… hoặc vào quán mụ Béo để ăn kem, ăn bánh tôm…, hay lên đường Cổ Ngư để bơi thuyền trên Hồ Tây. ọn học sinh chúng tôi lúc đó chỉ thường lên đó để ăn bánh tôm ở phía bên hồ Trúc Bạch…

Hoa Phượng nở đỏ rực trên bầu trời Hànội cùng với tiếng ve sầu kêu ran ran suốt ngày hẳn đã in sâu vào tâm khảm của những người Hànội. Nhắc tới mầu hoa phượng là phải nhắc đến những liên hệ của nó trong thành phố mới đúng, đằng này trong quyển sách trên  bà chị của bà bạn vợ tôi lại chỉ khoe khoang về cái giầu sang của nhà mình cùng là tự nói đến các sắc đẹp của chị em nhà mình, trong khi đó thì bà xã tôi lại nói là điều này hoàn toàn… sai sự thật  nghĩa là họ rất… không được như lời họ tả.

Về cái “sang” cái “qúy” thì tôi không muốn nói ra thôi chứ thực ra là gia đình nhà tôi mới thực sự là... sang, quý. Chúng tôi đúng ra là dòng dõi, con cháu nhà vua đó. Không phải là vì tôi mang họ Nguyễn đâu. Nhà Nguyễn của vua Gia Long thì có gì đáng hãnh diện đâu mà phải vơ vào. Công của nhà Nguyễn có chăng thì chỉ là mở đường cho người Pháp tiến vào Việt Nam qua ông Giám Mục Bá Đa Lộc hoặc có công diệt được dân Chiêm Thành cũng như chiếm được Thủy Chân Lạp của tụi Miên cùng với biết bao nhiêu là hành động không được nhân đạo cho lắm để ngày nay nhân dân Việt Nam ..lãnh đủ!!!

Không, chúng tôi ở một bậc cao hơn kia. Nói về dòng dõi của gia đình tôi thì không ai trong nước Việt Nam này có thể phủ nhận được. Thưc vậy ông tổ của chúng tôi là …18 đời Hùng Vương đó, điều này tôi không có khoe bậy phải không?

Về sắc đẹp thì chúng tôi phải thú thực là tôi không thể tự nói lên được, tất nhiên là không ai muốn tự nhận là mình xấu, nhưng chúng tôi cũng không thể tự khen là mình đẹp được dù rằng “Le Moi est toujours aimable”. Tôi không muốn nói ở đây là chúng tôi rất đẹp, thực sự thì tôi hồi xưa  cũng khá đẹp trai… nếu tôi không hơi có một chiều cao khiêm nhường và nhất là nếu tôi không bị hơi… còng. Tôi nhắc lại là tôi bị hơi còng chứ không phải là gù như anh bạn Nguyễn văn Nghi người cùng học với tôi ở C.V.A. nhận xét và nói lên khi tôi điện thoại sang Houston để liên lạc với  anh. Hôm đó sau khi nghe tôi khai ra bản “Lý lịch trích ngang” xong, anh nói rằng “À! Tôi nhớ ra rồi, là Khôi gù người nhỏ con và chạy thoắt một cái rất nhanh để theo bóng có phải không?”.

Tôi không muốn khoe khoang cái sắc đẹp của anh em chúng tôi để rồi có người biết chúng tôi lại phải lên tiếng phản đối. Tôi biết rằng tôi có thể nói đại là anh em chúng tôi ai cũng đẹp trai đẹp gái hết vì tôi sẽ không dại gì mà đưa hình của chúng tôi vào bài này như anh chàng  cựu phi công có tên là Trường Xuân Lê Xuân Nhị… còn những người thực sự biết chúng tôi thì… chắc không ai hơi đâu mà … lên tiếng, vạch trần cái láo lếu đó ra.

Quyển “Phượng vẫn nở trên bầu trời Hànội” đã là điều thất vọng đầu tiên của tôi về cái ảo tưởng là những gì viết về Hànội phải là đẹp đẽ lắm.

Về những buổi họp của những người Hànội thì… trong một buổi họp mặt tất niên của cựu học sinh C.V.A. dưới San José vào năm “chín mấy” khi tôi mới sang Mỹ được một hay hai năm gì đó và vợ chồng tôi được vợ chồng anh Trần Quang Lãng, nguyên Tổng Giám Thị của trường Chu Văn An cho tới 1975, mời xuống dự. Trong buổi họp năm đó tôi thấy có cả mấy thầy cũ lúc đó đã khá già …như thầy Nguyễn Đức Hiếu, thầy Nguyễn Khắc Kham…những người đã trên bẩy chục hoặc trên tám chín mươi cả - lúc đó tôi cũng đã gần sáu mươi rồi còn gì - Tôi phải nói hơi kỹ về tuổi tác của mấy thầy vì hôm đó có một mục “Diễu” và một anh tự xưng là cây diễu của C.V.A. đã lên diễu, chính cái điều mà anh chàng này…dĩ nhiên là trẻ tuổi hơn tôi nhiều… diễu làm cho tôi bất mãn. Bất mãn vì câu chuyện tếu của anh ta có vẻ tục tĩu quá khiến cho mấy bà phải nhăn mặt lắc đầu. Anh chàng này chắc là đã sang Mỹ từ hồi nhỏ nên đã tưởng rằng mấy trò tếu của Mỹ là hay và có thể đem áp dụng cho Việt Nam được nên đã đem ra trình diễn trước mặt những bậc thầy đã khá già của anh ta ….Nếu là trong  một buổi đại hội của các cựu quân nhân, hay cựu tù cải tạo thì còn có thể chấp nhận được, đàng này lại là trong một đại hội của các cựu học sinh thì lời diễu đó không thể tha thứ được. Bất cứ lời phát biểu nào trong một cuộc họp loại này phải có vẻ lịch sự và có văn hóa mới được chứ…. Tôi đã quá lạc hậu hay là đã quá bảo thủ nên đã không theo kịp đà tiến triển của thời buổi văn minh tiến bộ mới rồi chăng  ???.

Kể từ buổi đó tôi không muốn dự những buổi họp tất niên loại này nữa. Mãi tới năm ngoái tôi mới lại đi dự một buổi tất niên của cựu học sinh C.V.A. vì tôi muốn xuống San José để gặp lại thầy Lê Văn Lâm, người đã dậy chúng tôi môn Lý Hóa năm chúng tôi học lớp Đệ Nhất B3. Trong dịp này tôi mới biết là anh Đinh Tiến Lãng cũng là một giáo sư của C.V.A. Trước kia tôi tưởng là anh chỉ dậy ở các trường tư thôi. Anh D.t.Lãng này là sinh viên từ Hànội vào nên anh ở trong Đại Học Xá Minh Mạng số 320 Minh Mạng, thuộc quận 5 Chợ Lớn. Tôi quen anh khi tôi vào ở trong ĐHX này..

May mắn cho tôi là còn những cuộc họp khác nữa như các buổi họp tất niên hay tân niên của các cựu học sinh và cựu giáo sư và nhân viên của trương Nguyễn Trãi, các buổi họp này được tổ chức ở dưới Wesminster. Trong những cuộc họp này các cựu học sinh của chúng tôi tỏ ra rất dễ thương và chúng tôi nói chuyện rất đứng đắn về tin tức của những bạn bè còn ở lại. Đặc biệt là chúng tôi có nêu rõ trong bản nội qui là hội của chúng tôi chỉ là hội để trao đổi tin tức với nhau chứ tuyệt đối không bàn về chính trị.

Trong những buổi họp mặt này, những giáo sư người Hànội chúng tôi có dịp để nhắc lại vài kỷ niệm xưa cũ. Trong những người này thì thầy Lê Văn Quýnh là cựu giáo sư của trường Nguyễn Trãi Hànội còn tôi và anh Đỗ Đình Tuân lại là học sinh cũ của trường này ở Hànội. Giữa những học sinh cũ của Hànội với nhau thì chúng tôi có nhiều kỷ niệm để nhắc với nhau lắm…..

Đến đây tôi chợt nhớ tới một bài viết của ông Phan Lạc…gì đó (2) mà xin lỗi tôi quên mất tên rồi, trong đó ông ta nói là: “…Thanh niên Hànội năm 54 là những chàng trai với những mái tóc bóng lộn brillantine”. Không hiểu ông này có nhầm lẫn 54 với 45 không? Vào năm đó tôi đã được 19 tuổi rồi, không hiểu có được coi là thanh niên chưa hay vẫn còn là trong tuổi thiếu niên? Trong nhà, anh em chúng tôi không bao giờ có một lọ brillantine nào cả. Anh em chúng tôi đã vậy mà mấy người bạn của anh em chúng tôi cũng không có ai có cái đầu brillantine bóng lộn cả đâu. Trong những trường tôi học như Chu Văn An, Ngyễn Trãi và cả trong những trường như Albert Saraut, Puginier… các học sinh đàn anh của tôi trong những lớp trên. Những lớp Đệ Nhị Đệ Nhất, Première, Terminale tôi cũng không thấy ai có những cái đầu như vậy. Nếu cho là học sinh thì dù ở lớp nào đi nữa cũng chưa là “thanh niên” thì mấy anh Sinh Viên của Đại Học Hànội thì sao? Mấy anh này có phải là ai cũng chải đầu brillantine bóng lộn cả đâu? Chắc chắn là có một số thanh niên học sinh, sinh viên có những thói quen dùng brillantine như vậy nhưng nói là tất cả thì… không phải. Tuy nhiên cái điều này cũng chẳng có gì là đáng thắc mắc lắm vì cũng có thể là tôi sai vì đã không chịu quan sát kỹ và nhất là… đúng hay sai thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cái “hình dáng của Hànội”. Cái thất vọng nhất của tôi là… mới đây trong một lần nghe mấy bản nhạc qua một cái website của Hànội “bây giờ”, tôi thấy trong đó có đôi lời nói về Hànội… trong đó có một bài hát tên là gì thì tôi không để ý mà chỉ nghe thấy hát những câu “…mùa Thu Hànội…ta nhớ mùa Thu Hànội …” của một tên cán bộ nói về những cái đẹp của Hànội. Anh ta nói giọng đặc Sè gòn. Anh ta khai rằng anh ta đã ở nơi ngàn năm văn vật này từ khi được tập kết ra Bắc và nay thì đang ở Saigon. Anh ta nói là Hànội đã cho anh ta nhiều kỷ niệm, đã khiến anh ta trở thành nhạc sĩ và nay làm bài này để nhớ về Hànội. Có điều là bài ca này cũng không có gì là hay ho cả không thể sánh với các bài “Hướng về Hànội” hay bài “…Tôi xa Hànội năm lên mưòi tám khi vừa biết yêu…”. Anh ta là nhạc sĩ Mộng Điệp thì phải. Trong thực tế thì anh cán bộ này là người đã ở Hànội tới hai chục năm; trong khi tôi thì chỉ được ở nơi này có hơn mười năm và ngày nay, tôi cũng như nhiều người Hànội khác thì lại phải lưu lạc tản mác khắp bốn phương trời, trên mọi nẻo đường thế giới.

Tôi có được nghe mấy anh bị ra cải tạo tại miền Bắc nói lại rằng: có một hôm, khi đi lao động tại một cánh rừng nào đó trên một “miền cao” ở ngoài Bắc, các anh đã được thấy có mấy người “bản xứ”, những người này ăn mặc hơi khác những người Thượng ở đây, họ mặc những quần áo tuy đã cũ nhưng là quần áo kaki và các anh thấy họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Các anh thấy lạ mới tìm cách bắt chuyện thì mới biết rằng họ là những người… mà xưa kia là dân Hànội và là những công chức của chính quyền Quốc Gia hồi năm 54. Họ đã chót dại ở lại để sau đó bị tập đoàn Hồ Chí Minh đẩy họ cùng với gia đình ra khỏi thành phố, nhường lại nhà cửa cho những tên thống trị mới. Thì ra sau Hiệp Định Genève chia cắt đất nước năm 54, một phần dân Hà Thành như chúng tôi thì vội vã di cư vào Nam, một phần thì bị Chính Quyền mới đẩy ra khỏi Thành Phố, chỉ còn lại một số nhỏ được ở lại mà thôi, trong đó có gia đình của mấy anh bạn học cũ của tôi như gia đình anh Trần Hùng con của họa sĩ NGYM trong Tự Lực Văn Đoàn…Tóm lại, phần lớn những người ở Hànội bây giờ là những người không phải là những người thực sự Hànội.

Nếu ngày xưa, hình như cụ Tản Đà Nguyẽn Khắc Hiếu có nói là “…Muốn ăn ngon thì phải có: Thức ăn ngon, nơi ăn ngon và nhất là phải có người ăn ngon thì mới thực sự ngon…” thì bây giờ tôi cũng có thể nói rằng: “Muốn là người Hànội thì phải có cái phong cách của người Hànội. Cái phong cách này được thể hiện qua những hình thức như sau:

…Trước hết thì Giọng nói phải là dịu dàng êm dịu, đúng ra thì phải là giọng Hànội nghĩa là một giọng của miền Bắc, dĩ nhiên. Lời nói thì phải ôn tồn lịch sự, khéo léo tránh những câu thô lỗ. Ăn mặc thì phải ăn mặc cho đứng đắn, không bao giờ mặc quần đùi, may ô hay mặc quần áo ngủ mà bước ra khỏi nhà dù chỉ là ra đầu phố để mua tờ báo chẳng hạn. Dĩ nhiên là ta nên tránh những lời nói, những lời mời đãi bôi của những người Hànội xưa, những lời nói không thật  …như khi được mời ăn mà mình không muốn thì chỉ nên nói là “Cảm ơn …xin anh chị cứ tự nhiên, lát nữa chúng tôi xin quay lại ”, chứ đừng nói là “chúng tôi vừa mới ăn xong” trong khi thực sự thì chúng tôi lại rất đang đói.

Tới đây tôi mới thấy rõ cái tội trạng của tên già Hồ. Đúng là con quỷ già này đã đưa cả nước Việt Nam trở lại thời kỳ “đồ đá”, làm cho những người Hànội cũ mất đi cái phong thái của người Hànội xưa. Thật vậy, vào năm1982 sau khi tôi mới ra từ được ít tháng thì ông bạn thân cũ của tôi ở Hànội vào Saigon để họp hành gì đó và có ghé lại tôi chơi. Thấy anh ta mà tôi phát ngán, ngày xưa anh bạn Trần Hùng của tôi rất xinh trai nhưng khi gặp tôi năm đó thì tệ quá… với bộ đồ bộ đội và cái nón cối sùm sụp trên đầu, ống quần thì kẹp lại, một tay thì giắt chiếc xe đạp… tôi thấy anh không giống ai hết…. Bây giờ già rồi thì dĩ nhiên không thể còn đẹp đẽ như ngày trước nữa nhưng ít ra nếu anh ta không ăn mặc như vậy thì trông cũng không đến nỗi nào.

Với thời gian thì mọi vật đều phải thay đổi, tôi biết là ngay như tôi ngày nay, tôi cũng không còn gì là người Hànội nữa, giọng nói của tôi tất nhiên không còn là giọng nói của người Hànội xưa. Con người tôi cũng vậy, sau 6 năm trong các trại Cải Tạo bây giờ tôi trông bệ rạc rất nhiều tuy vậy cũng không bệ rạc quá nhiều như anh bạn Trần Hùng của tôi dù anh ở bên phe chiến thắng, nghĩa là không hề phải đi Cải Tạo.

Điều này làm tôi nhớ đến lời của một bà chị một ông bạn tôi, bà Phạm thị Tự, Giáo Sư của Đại Học Văn Khoa Saigon. Khi mới ra tù tôi có đến thăm bà và trong một câu chuyện nào đó tôi có nói là “Em muốn ra thăm lại Hànội quá mà chưa có phương tiện” thì bà nói ngay với tôi rằng: “Cậu không nên ra, nếu cậu muốn giữ cái bonne impressions về Hànội cũ thì cậu không nên ra. Về phong cảnh thì Hànội bây giờ bẩn thỉu và cũ rích. Nhà cửa đã từ lâu không được sơn sửa lại, còn người Hànội thì bây giờ không còn là người Hànội cởi mở như ngày xưa nữa… họ ở dưới chế độ nghi kỵ quen rồi nên họ không dám thật lòng với cậu đâu nhất là cậu lại phải đi cải tạo lâu đến như vậy. Tôi còn bà mẹ già ở ngoài đó thì tôi phải ra chứ còn cậu thì không nên.”…. Nhiều người nói là ngoài đó bây giờ đã đổi khác rồi không còn như hồi đó nữa đâu, nhưng tôi vẫn không có ý định về thăm lại nơi đó nữa… dù là tôi vẫn nhớ Hànội sau năm mươi năm xa cách. Và ngay cả với Saigon, nói chung là với Việt Nam tôi sẽ không bao giờ về nữa khi chế độ cầm quyền hiện nay còn tồn tại. Tôi rất sợ nghe những lời tuyên truyền giả dối, nói láo trắng trợn của bọn chúng….Để vơi đi những niềm nhung nhớ đối với Hànội xưa tôi chỉ còn biết ôn lại những kỷ niệm trong lòng mình hoặc tìm những sách báo hay những gì nói tới nơi chốn cũ mà thôi, chứ nhất định tôi sẽ không trở về Hànội nữa.

                        Nguyễn văn Khôi

    San Francisco, ngày 07 tháng 12 năm 2004

(1)và(2)  Anh Tạ Quang Khôi mới cho tôi biết là bản “Nhớ về Hànội” là của Hoàng Dương, và thanh niên Hànội hồi đó thật sự có những cái đầu bóng nhẫy brillantine đúng như trong bài viết của Phan Lạc Tiếp.

 Đây là hình ảnh của chúng tôi. Những sinh viên ở phòng 2/1

ĐHX Minh Mạng Chợ Lớn. Tôi là người cuối cùng bên phải.

Đây là hình tôi chụp ở Houston                                                                                                                               

                                             Vào tháng 12-1990 khi tôi mới sang Mỹ

Tượng Đài Lưu Niệm “Crazy Horse” (Ngựa Điên),

Vị Anh Hùng Của Người Mỹ Da Đỏ

CVA Nguyễn Duy Hảo

Ở vào lứa tuổi trên 6 bó rưỡi như tôi hiện nay, khi mở đài truyền hình Mỹ, băng tần AMC (American Movie Classic), gặp những phim cũ có “mọi” da đỏ tấn công đoàn lữ hành khi đi qua vùng đất của họ, cuộc chống trả mãnh liệt của những tay súng cow-boys, đến đoạn tiếp cứu của đoàn kỵ binh Mỹ, tôi thật sự vẫn cảm thấy hồi hộp, hào hứng theo dõi bộ phim như thủa nào hãy còn 11, 12 tuổi, vào những năm 1950, 51 tại quê nhà.

Khi những người da trắng đầu tiên đặt chân lên Mỹ châu thì người da dỏ đã sống trên vùng đất này rồi. Bọn trẻ chúng tôi thường hay gọi những bộ lạc da đỏ là “mọi” cũng như những bộ lạc da đen ở Phi châu qua những phim Tarzan. Có lẽ danh từ “mọi” là để ám chỉ đến những người sống man khai với những phong tục tập quán kỳ dị, kém văn minh. Ảnh hưởng bởi các bộ phim Mỹ, người da đỏ Mỹ châu, người da đen Phi châu đều được coi là “phe gian”, chống lại “phe ta”, những tay súng cow-boys bách phát bách trúng, những nhà thám hiểm, những kẻ đi chinh phục, xâm chiếm những vùng đất lạ. Tuổi trẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi phim ảnh nên những đoạn phim mà mọi da đỏ phải tháo chạy khi đoàn kỵ binh xuất hiện, thể nào cũng có thêm những tràng pháo tay ủng hộ vang rạp của những khán giả thiếu niên như chúng tôi.

Tháng 7 vừa qua, nhân chuyến viếng thăm công viên quốc gia nổi tiếng Yellow Stones và Mount Rushmore, nơi có tượng vĩ đại của 4 vị tổng thống Mỹ được khắc vào núi, tôi lại có dịp được biết thêm về một tượng đài lưu niệm đã được khởi công và đang tiếp tục, một tượng đài cũng sẽ vĩ đại, để ghi lại một dấu chứng lịch sử về người Mỹ da đỏ tại vùng đất của họ. Tượng đài Crazy Horse (Ngựa Điên), vị anh hùng của người mỹ Da Đỏ đã được đục khắc trên núi như hình tượng của 4 vị tổng thống Mỹ trên Mount Rushmore.

Theo tài liệu, có đến hơn 500 bộ lạc da đỏ lớn, nhỏ khác nhau, sống rải rác khắp miền Bắc Mỹ châu. Nhiều bộ lạc sống hiền hòa nhưng cũng có nhiều bộ lạc rất hiếu chiến. Tên gọi của nhiều bộ lạc rất khó đọc vì phiên âm từ âm ngữ của họ nhưng tựu trung thì có nhiều bộ lạc quen thuộc với chúng ta qua tên gọi như Apache, Cherokee, Cheyenne, Comanche, Novaho, Sioux, Kiowa… Riêng bộ lạc Sioux rất nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ vì sự chiến đấu dũng cảm và dai đẳng của họ với chính quyền người da trắng, điển hình với dũng sĩ can trường Crazy Horse, người mà dân bộ lạc tôn thờ coi như thần tượng của họ.

VÀI HÀNG VỀ CRAZY HORSE (1842-1877)

Crazy Horse sinh khoảng năm 1842 tại Rapid Creek vùng Black Hills thuộc tiểu bang South Dakota bây giờ. Có tài liệu nói rằng ngày ông sanh ra đời có một con ngựa hoang chạy qua làng. Dân bộ lạc cho đó là một điềm lạ nên đặt tên cho ông là Crazy Horse (Ngựa Điên). Cũng có sách lại cho rằng tên ông là do cha ông đặt cho vì thủa nhỏ trên đầu ông có một cuộn tóc cứng như cái bờm ngựa. Cha của Crazy Horse lzà một thầy thuốc (medicine man) của bộ lạc. Nhân vật thày thuốc cũng quan trọng và nổi tiếng trong bộ lạc vì ngoài việc chựa bệnh bằng các phương pháp theo phong tục cổ truyền, đượm màu sắc lễ nghi kỳ quái, vị thày thuốc của bộ lạc còn kiêm nhiệm thêm nghề chiêm tinh bói thoán, phù thủy, tiên đoán vận mệnh của bộ lạc qua những điềm xuất hiện trên trời đất.

Lớn lên, Crazty Horse được mô tả là một thiếu niên dũng cảm, khôn ngoan như một lãnh tụ trưởng thành. Năm 12 tuổi, Crazy Horse đã chứng kiến một một binh sĩ người da trắng bắn chết một vị lãnh tụ bộ lạc Sioux có tên là Conquering Bear chỉ vì mất một con bò. Cái chết vô lý của vị thủ lãnh bộ lạc đã không phai mờ trong trí nhớ của Crazy Horase và đã làm cho sự thù ghét người da trắng và chính quyền của họ thêm sâu đậm.

Crazy Horse lấy vợ người bộ lạc Cheyenne, vì vậy mà bộ lạc Cheyenne luôn luôn là đồng minh sát cánh với ông trong việc chiến đấu chống người da trắng. Crazy Horse có một người con gái nhưng đã chết vì bệnh ho gà năm 4 tuổi.

Trong cuốn sách “The Compact History of the Indian Wars” của John Tebbel, Crazy Horse đã được mô tả là một tướng lãnh có tài điều binh bố trận, đầy mưu lược và dã chiến thắng trong cuộc chiến đẫm máu với binh đoàn hùng hậu của tướng Custer mà người da đỏ gọi là tướng Tóc Vàng (Yellow Hair) vào mùa xuân năm 1874.

CUỘC CHIẾN GIỮ ĐẤT CỦA BỘ LẠC SIOUX VỚI DŨNG SĨ CRAZY HORSE

Năm 1868 một hòa ước đã được ký kết giữa chính quyền Mỹ và bộ lạc da đỏ Sioux, trong đó đã có những điều cam kết rất mộc mạc và dễ hiểu như:”Khi nào nước sông còn chảy, cỏ còn mọc, cây còn trổ lá Paha Sapa, vùng Black Hills thuộc Dakota sẽ vĩnh viễn là thánh địa của người Sioux da đỏ”. Để đổi lại sự cam kết kể trên, người Sioux da đỏ đã thỏa thuận để người Mỹ da trắng lập đồn binh trên đất của họ và nhận sự bồi thường là 50 ngàn Mỹ kim, trị giá bằng thực phẩm hàng năm trong thời gian là 50 năm. Người Sioux cũng đồng ý rút về sinh sống tại các miền đất tập trung (reservations) xa xôi để tránh đụng độ với những người da trắng tới lập nghiệp.

Nhưng sự việc đã không diễn tiến tốt đẹp như lời cam kết. Năm 1873, vàng đã được tìm thấy tại vùng Black Hills, thánh địa của người Sioux. Lẽ dĩ nhiên là khi chính quyền mỹ trao vùng đất này cho người da đỏ, họ chỉ nghĩ rằng vùng này chẳng có gì là quý báu cả ngoài các dã thú để bộ lạc săn bắn mà sinh sống. Nguồn lợi VÀNG tại vùng Black Hills đã làm thay đổi tất cả, kể luôn cả hòa ước đã được ký kết. Lý lẽ của kẻ mạnh và tham lam đã được biểu lộ qua hành động của chính quyền Mỹ bằng cách tuyên bố tạm hoãn thi hành hòa ước, đồng thời ra lệnh cho tướng Custer tiến quân vào vùng Black Hills, kéo theo cả một tập đoàn, đủ mọi thành phần xã hội, đang lên cơn sốt vì vàng. Người da đỏ Sioux đã nhìn thấy chính quyền người da trắng xâm phạm hòa ước, tiến chiếm đất đai của họ, làm ô uế vùng thánh địa Black Hills nên họ đã phải vùng lên chiến đấu, giữ đất. Trong cuộc chiến này dũng sĩ Crazy Horse của bộ lạc đã nêu tấm gương sáng là không khuất phục trước bọn phản bội, quyết tâm bảo vệ bộ lạc để khỏi bị tiêu diệt. Tiếc rằng Crazy Horse đã không thắng được kẻ xâm lăng với binh đoàn hùng hậu nên sau nhiều cuộc chiến chống trả, ông và thủ lãnh bộ lạc Sitting Bull đã phải trốn chậy sang Canada. Năm 1877, mang cờ hiệu hưu chiến, Crazy Horse tới đồn binh Fort Robinson, Nebraska để điều đình. Crazy Horse đã bị một binh sĩ Mỹ đâm sau lưng (ám sát?). Crazy Horse chết ngày 6 tháng năm 1877, lúc đó mới 35 tuổi.

ĐIÊU KHẮC GIA KORCZAK ZIOLKOWSKI (9/6/1908- 10/20/12982)

Điêu khắc gia Korczak Ziolkowski sanh tại Boston, gốc người Ba Lan. Mồ côi từ năm 1 tuổi, ông lớn lên trong nhà Nuôi dưỡng. Ông tự học và chưa bao giờ theo một khóa học chính thức nào về Mỹ thuật, Kỹ thuật, Điêu khắc hay Kiến trúc. Tài nghệ điêu khắc của ông chỉ được biết đến khi ông đoạt giải nhất tại cuộc triển lãm quốc tế ở New York năm 1939 với tác phẩm “PADEREWSKI: Study of an Immortal”.

Ngày 3 tháng 5 năm 1947, điêu khắc gia Korczak nhận lời mời và đến thăm thủ lãnh Standing Bear của bộ laic Sioux. Xúc cảm về lời nói chân thành của thủ lãnh bộ lạc” “Tôi muốn người da trắng biết rằng người da đỏ chúng tôi cũng có một đại anh hùng” khi ông đánh giá về sự chiến đấu dũng cảm của Crazy Horse trong công cuộc bảo vệ đất đai của bộ lạc, điêu khắc gia Korczak đã quyết định thực hiện công trình xậy dựng tượng đài lưu niệm Crazy Horse tại vùng núi Black Hills. Đây là một công trình táo bạo và vĩ đại đòi hỏi nhiều công sức, tiền tài và thời gian. Ông đã gặp rất nhiều khó khăn về tài chánh và nhất là thành kiến về chủng tộc nhưng với lòng quả cảm và tin tưởng mạnh mẽ vào sự góp sức của mọi người, ông vững tin là công trình do ông đề xướng sẽ thành công.

Điêu khắc gia Korczak muốn rằng công trình xây dựng tượng đài Crazy Horse trên núi sẽ là một công trình bất vụ lợi vì công ích về văn hóa, giáo dục và nhân đạo. Ông không muốn người thọ thuế phải đóng góp vào công trình này nên đã 2 lần ông từ chối cả 10 triệu Mỹ Kim do quỹ liên bang tài trợ. Khi khởi cộng đục khắc vào núi năm 1948, điêu khắc gia Korczak đã 40 tuổi. Ông biết rằng công trình vĩ đại này sẽ phải kéo dài nhiều năm, có thể nhiều thế hệ mới hoàn tất được. Do đó ông và Ruth, vợ ông đã soạn thảo 3 cuốn sách viết chi tiết về kế hoạch xây dựng tượng đài để những thế hệ mai sau tiếp tục công trình vĩ đại này.

Kể từ ngày khởi công vào tháng 6 năm 1998, đầu và mắt của Crazy Horse đã hoàn tất và được khánh thành kỷ niệm. Tiếc rằng điêu khắc gia đã mất không còn có vinh dự được nhìn thấy thành quả công trình do mình đề xướng.

Công trình xây dựng tượng Crazy Horse trên núi vẫn đang được tiếp tục và nay đang khởi công với đầu con ngựa của Crazy Horse cao đến 22 tầng lầu của một cao  ốc.

Khi công trình được hoàn tất (không biết đến bao giờ) thì tượng của Crazy Horse trên núi sẽ có kích thước như sau:

Đầu: 87 ½ feet            Lông chim và mũ đội đầu dài 44 ft

Tay trái chỉ về đằng trước dài 227 Ft Bàn tay dài 33 Ft

Đầu ngựa cao 219 Ft

Nếu so sánh với tượng của Tổng thống Washington đã được đục khắc trên núi Mount Rushmore thì đầu của Tổng thống từ trán tới cầm chỉ cao có 60 Ft thôi. Có một điều là tượng Crazy Horse chỉ tay về phía trước, vùng đồi núi Black Hills là để trả lời một câu hỏi nhạo báng của một ngưởi Mỹ da trắng” “Đất của anh ở đâu?” và Crazy Horse đã trả lời hùng dũng:”Đất của tôi là nơi chôn vùi thân xác tôi khi chết.”

Dù cuộc chiến đấu ‘gĩu đất” của người da đỏ có hào hùng nhưng làm sao mà họ địch nổi với sức mạnh của người da trắng. May mắn thay cho họ là đã không bị diệt chủng, sống vất vưởng, cơ cực trong những vùng đất tập trung xa xôi, giới hạn. Cho đến ngày nay, những người cướp đất đã nghĩ lại, thưởng cho số phận hẩm hiu của họ để ra tay nâng đỡ… Nơi nào mà các bộ lạc người da đỏ còn tồn tại và sinh sống thì ở đó chính quyền địa phương (qua luật pháp) đã cho phép các sòng bài cờ bịch kiểu Las Vegas được mở cửa vui chơi với tên gọi là Indian Casinos. Mục đích của các sòng bài này là để tạo thêm công ăn việc làm cho người da đỏ cũng như thuế má thu được sẽ được chia sẻ cho các dịch vụ Y tế, xã hội, giáo dục của người da đỏ. Nghe thật công bằng và hợp lý!

Tại tiểu bang California, nằm sát vách với tiểu bang cờ bịch Nevada, nay lại sắp có dự luật mới cho phép các sòng bài trá hình gọi là Club, tọa lạc ngay trung tâm các thành phố lớn, được biến cải thành Indian Casinos với đầy đủ các giàn máy kéo, máy giật... Một ông tòa ở California đã phán: ”… Người da đỏ tuy không có đất ở trong thành phố nhưng họ có quyền thuê đất và đất họ thuê là đất của họ.” Nghe cũng hợp lý! Ước mong rằng trong tương lai, người Mỹ da đỏ sẽ khá hơn với sự giúp đỡ của chính quyền qua dịch vụ Indian Casinos để vị anh hùng Crazy Horse của họ được ngậm cười nơi chin suối.

            Viết tại California, tháng 10-2004

                        CVA Nguyễn Duy Hảo

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1-                  The Compact History of the Indian Wars (John Tebbel)

2-                  The Indians (Benjamin capps)

3-                  National Geographic on Indians of the Americas (W. Laugdon Kihn)

4-                  The Brochure of Crazy Horse Memorial in the Black Hills.

* * *


NỖI BUỒN TIẾNG VIỆT

CVA CHU ÐẬU

Lời tòa soạn:  Chúng tôi nhận được bài này nhưng vì sơ xuất nên không rõ xuất xứ.  Mong tác gỉa Chu Đậu hoan hỉ miễn chấp.


Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, theo sinh hoạt xã hội. Mỗi ngày, từ những đổi mới của đời sống, từ những ảnh hưởng của văn minh ngoại quốc mà ngôn ngữ dần dần chuyển biến. Những chữ mới được tạo ra, những chữ gắn liền với hoàn cảnh sinh hoạt xưa cũ đã quá thời, dần dần biến mất. Cứ đọc lại những áng văn thơ cách đây chừng năm mươi năm trở lại, ta thấy nhiều cách nói, nhiều chữ khá xa lạ, vì không còn được dùng hàng ngày. Những thay đổi này thường làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động hơn, giàu có hơn, tuy nhiên, trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những thay đổi rất kém cỏi . Ban đầu những thay đổi này chi giới hạn trong phạm vi Bắc vĩ tuyến 17, nhưng từ sau ngày cộng sản toàn chiếm Việt Nam, 30 tháng tư năm 1975, nó đã xâm nhập vào ngôn ngữ miền Nam. Rồi, đau đớn thay, lại tiếp tục xâm nhập vào tiếng Việt của người Việt ở hải ngoại. Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy nghĩ, rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay. Nếu những thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng; Nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm.

Thế nhưng dựa vào đâu mà nói đó là những thay đổi xấu?

Nếu sự thay đổi đưa lại một chữ Hán Việt để thay thế một chữ Hán Việt đã quen dùng, thì đây là một thay đổi xấu, nếu dùng một chữ Hán Việt để thay một chữ Việt thì lại càng xấu hơn. Bởi vì nó sẽ làm cho câu nói tối đi . Người Việt vẫn dễ nhận hiểu tiếng Việt hơn là tiếng Hán Việt. Nhất là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở Trung Hoa bây giờ đang dùng chữ ấy.

Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một chữ dùng sai nghĩa, thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng.

Hãy duyệt qua vài thay đổi xấu đã làm buồn tiếng Việt hôm nay:

1. Chất lượng: Ðây là chữ đang được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch vụ. Người ta dùng chữ này để dịch chữ quality của tiếng Anh. Nhưng than ôi! Lượng không phải là phẩm tính, không phải là quality . Lượng là số nhiều ít, là quantity . Theo Hán Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu, thì lượng là: đồ đong, các cái như cái đấu, cái hộc dùng để đong đều gọi là lượng cả. Vậy tại sao người ta lại cứ nhắm mắt nhắm mũi dùng một chữ sai và dở như thế. Không có gì bực mình hơn khi mở một tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại rồi phải đọc thấy chữ dùng sai này trong các bài viết, trong các quảng cáo thương mãi . Muốn nói về tính tốt xấu của món đồ, phải dùng chữ phẩm. Bởi vì phẩm tính mới là quality . Mình đã có sẵn chữ phẩm chất rồi tại sao lại bỏ quên mà dùng chữ chất lượng. Tại sao lại phải bắt chước mấy anh cán ngố, cho thêm buồn tiếng nước ta.

2. Liên hệ: Cũng từ miền Bắc, chữ này lan khắp nước và nay cũng tràn ra hải ngoại. Liên hệ là có chung với nhau một nguồn gốc, một đặc tính. Người cộng sản Việt Nam dùng chữ liên hệ để tỏ ý nói chuyện, đàm thoại. Tại sao không dùng chữ Việt là nói chuyện cho đúng và giản dị. Chữ liên hệ dịch sang tiếng Anh là to relate to, chứ không phải là to communicate to.

3. Ðăng ký: Ðây là một chữ mà người Cộng Sản miền Bắc dùng vì tinh thần nô lệ người Tầu của họ. Ðến khi toàn chiếm lãnh thổ, họ đã làm cho chữ này trở nên phổ thông ở khắp nước, Trước đây, ta đã có chữ ghi tên (và ghi danh) để chỉ cùng một nghĩa. Người Tầu dùng chữ đăng ký để dịch chữ register từ tiếng Anh. Ta hãy dùng chữ ghi tên hay ghi danh cho câu nói trở nên sáng sủa, rõ nghĩa. Dùng làm chi cái chữ Hán Việt kia để cho có ý nô lệ người Tầu?

4. Xuất khẩu, Cửa khẩu: Người Tầu dùng chữ khẩu, người Việt dùng chữ cảng. Cho nên ta nói xuất cảng, nhập cảng, chứ không phải như cộng sản nhắm mắt theo Tầu gọi là xuất khẩu, nhập khẩu. Bởi vì ta vẫn thường nói phi trường Tân Sơn Nhất, phi cảng Tân Sơn Nhất, hải cảng Hải Phòng, giang cảng Saigon, thương cảng Saigon. Chứ không ai nói phi khẩu Tân Sơn Nhất, hải khẩu Hải Phòng, thương khẩu Saigon trong tiếng Việt. Khi viết tin liên quan đến Việt Nam, ta đọc bản tin của họ để lấy dữ kiện, rồi khi viết lại bản tin đăng báo hay đọc trên đài phát thanh tại sao không chuyển chữ (xấu) của họ sang chữ (tốt) của mình, mà lại cứ copy y boong?

5. Khả năng: Chữ này tương đương với chữ ability trong tiếng Anh, và chỉ được dùng cho người, tức là với chủ từ có thể tự gây ra hành động động theo chủ ý. Tuy nhiên hiện nay ở Việt nam người ta dùng chữ khả năng trong bất kỳ trường hợp nào, tạo nên những câu nói rất kỳ cục. Ví dụ thay vì nói là trời hôm nay có thể mưa, thì người ta lại nói: trời hôm nay có khả năng mưa, nghe vùa nạng nề, vừa sai.

6. Tranh thủ: Thay vì dùng một chữ vừa rõ ràng vừa giản dị là chữ cố gắng, từ cái tệ sính dúng chữ Hán Việt của người cộng sản, người ta lại dùng một chữ vừa nặng nề vừa tối nghĩa là chữ tranh thủ. Thay vì nói: anh hãy cố làm cho xong việc này trước khi về, thì người ta lại nói: anh hãy tranh thủ làm cho xong việc này trước khi về.

7. Khẩn trương: Trước năm 1975 chúng ta đã cười những người lính cộng sản, khi họ dùng chữ này thay thế chữ nhanh chóng. Nhưng than ôi, ngày nay vẫn còn những người ở Việt Nam (và cả một số người sang Mỹ sau này) vẫn vô tình làm thoái hóa tiếng Việt bằng cách bỏ chữ nhanh chóng để dùng chữ khẩn trương. Ðáng lẽ phải nói là: Làm nhanh lên thì người ta nói là: làm khẩn trương lên.

8. Sự cố, sự cố kỹ thuật: tại sao không dùng chữ vừa giản dị vừa phổ thông trước đây như trở ngại hay trở ngại kỹ thuật hay giản dị hơn là chữ hỏng? (Nói xe tôi bị hỏng rõ ràng mà giản dị hơn là nói xe tôi có sự cố).

9. Tham quan: đi thăm, đi xem thì nói là đi thăm, đi xem cho rồi tại sao lại phải dùng cái chữ này của người Tầu? Sao không nói là “Tôi đi Nha Trang chơi, tôi đi thăm lăng Minh Mạng”, mà lại phải nói là “tôi đi tham quan Nha Trang, tôi đi tham quan lăng Minh Mạng”?

10. Nghệ nhân: Ta vốn gọi những người này là nghệ sĩ. Mặc dù đây cũng là tiếng Hán Việt, nhưng người Tầu không có chữ nghệ sĩ, họ dùng chữ nghệ nhân. Có những người tưởng rằng chữ nghệ nhân cao hơn chữ nghệ sĩ, họ đâu biết rằng nghĩa cũng như vậy, mà sở dĩ người cộng sản Việt Nam dùng chữ nghệ nhân là vì tinh thần nô lệ Trung Hoa .

12. Tư liệu: Trước đây ta vốn dùng chữ tài liệu, rồi để làm cho khác miền nam, người miền bắc dùng chữ tư liệu trong ý: tài liệu riêng của người viết. Bây giờ những người viết ở hải ngoại cũng ưa dùng chữ này mà bỏ chữ tài liệu mặc dù nhiều khi tài liệu sử dụng lại là tài liệu đọc trong thư viện chứ chẳng phải là tài liệu riêng của ông ta.

13. Những danh từ kỹ thuật mới: Thời đại của điện tử, của computer tạo ra nhiều danh từ kỹ thuật mới, hay mang ý nghĩa mới. Những danh từ này theo sự phổ biến rộng rãi của kỹ thuật đã trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày . Hầu hết những chữ này có gốc từ tiếng Anh, bởi vì Hoa Kỳ là nước đi trước các nước khác về kỹ thuật. Các ngôn ngữ có những chữ cùng gốc (tiếng Ðức, tiếng Pháp) thì việc chuyển dịch trở nên tự nhiên và rõ ràng, những ngôn ngữ không cùng gốc, thì người ta địa phương hóa những chữ ấy mà dùng. Riêng Việt Nam thì làm chuyện kỳ cục là dịch những chữ ấy ra tiếng Việt (hay mượn những chữ dịch của người Tầu), tạo nên một mớ chữ ngây ngô, người Việt đọc cũng không thể hiểu nghĩa những chứ ấy là gì, mà nếu học cho hiểu nghĩa thì khi gặp những chữ ấy trong tiếng Anh thì vẫn không hiểu . Ta hãy nhớ rằng, ngay cả những người Mỹ không chuyên môn về điện toán, họ cũng không hiểu đích xác nghĩa của những danh từ này, nhưng họ vẫn cứ chỉ biết là chữ ấy dùng để chỉ các vật, các kỹ thuật ấy, và họ dùng một cách tự nhiên thôi . Vậy tại sao ta không Việt hóa các chữ ấy mà phải mất công dịch ra cho kỳ cục, cho tối nghĩa . Ông cha ta đã từng Việt hóa biết bao nhiêu chữ tương tự, khi tiếp xúc với kỹ thuật phương tây cơ mà. Ví dụ như ta Việt hóa chữ pomp thành bơm (bơm xe, bơm nước), chữ soup thành xúp, chữ phare thành đèn pha, chữ cyclo thành xe xích lô, chữ manggis (tiếng Mã Lai) thành quả măng cụt, chữ durian thành quả sầu riêng, chữ bougie thành bu-gi, chữ manchon thành đèn măng xông, chữ boulon thành bù-long, chữ gare thành nhà ga, chữ savon thành xà-bông.

Bây giờ đọc báo, thấy những chữ dịch mới, thì dù đó là tiếng Việt, người đọc cũng vẫn không hiểu như thường. Hãy duyệt qua một vài danh từ kỹ thuật bị ép dịch qua tiếng Việt Nam, như:

a . Scanner dịch thành máy quét. Trời ơi! máy quét đây, thế còn máy lau, máy rửa đâu?! Mới nghe cứ tưởng là máy quét nhà!

b. Data Communication dịch là truyền dữ liệu.

c. Digital camera dịch là máy ảnh kỹ thuật số.

d. Database dịch là cơ sở dữ liệu. Những người Việt đã không biết database là gì thì càng không biết cơ sơ dữ liệu là gì luôn.

e . Sofware dịch là phần mềm, hardware dịch là phần cứng mới nghe cứ tưởng nói về đàn ông, đàn bà. Chữ hard trong tiếng Mỹ không luôn luôn có nghĩa là khó, hay cứng, mà còn là vững chắc ví dụ như trong chữ hard evident (bằng chứng xác đáng)Chữ soft trong chữ soft benefit (quyền lợi phụ thuộc) chẳng lẽ họ lại dịch là quyền lợi mềm sao?

f. Network dịch là mạng mạch.

g. Cache memory dịch là truy cập nhanh.

h. Computer monitor dịch là màn hình hay điều phối.

i . VCR dịch là đầu máy (Như vậy thì đuôi máy đâu? Như vậy những thứ máy khác không có đầu à?). Sao không gọi là VCR như mình thường gọi TV (hay Ti-Vi). Nếu thế thì DVD, DVR thì họ dịch là cái gì?

j. Radio dịch là cái đài. Trước đây mình đã Việt hóa chữ này thành ra-đi-ô hay ra-dô, hơặc dịch là máy thu thanh. Nay gọi là cái đài vừa sai, vừa kỳ cục. Ðài phải là một cái tháp cao, trên một nền cao (ví dụ đài phát thanh), chứ không phải là cái vật nhỏ ta có thể mang đi khắp nơi được.

k. Channel gọi là kênh. Trước đây để dịch chữ TV channel, ta đã dùng chữ đài, như đài số 5, đài truyền hình Việt Nam gọi là kênh nghe như đang nói về một con sông đào nào đó ở vùng Hậu Giang!

Ngoài ra, đối với chúng ta, Saigon luôn luôn là Saigon, hơn nữa người dân trong nước vẫn gọi đó là Saigon. Các xe đò vẫn ghi bên hông là Saigon Nha Trang, Saigon - Cần Thơ trên cuống vé máy bay Hàng Không Việt Nam người ta vẫn dùng 3 chữ SGN để chỉ thành phố Saigon. Vậy khi làm tin đăng báo, tại sao người Việt ở hải ngoại cứ dùng tên của một tên chó chết để gọi thành phố thân yêu của chúng mình?! Ði về Việt Nam tìm đỏ mắt không thấy ai không gọi Saigon là Saigon, vậy mà chỉ cần đọc các bản tin, các truyện ngắn viết ở Hoa Kỳ ta thấy tên Saigon không được dùng nữa. Tại sao?

Ðây chỉ là một vài ví dụ để nói chơi thôi, chứ cứ theo cái đà này thì chẳng mấy chốc mà người Việt nói tiếng Tầu luôn mất! Tất nhiên, vì đảng cộng sản độc quyền tất cả mọi sinh hoạt ở Việt nam, nên ta khó có ảnh hưởng vào tiếng Việt đang dùng trong nước, nhưng tại sao các nhà truyền thông hải ngoại lại cứ nhắm mắt dùng theo những chữ kỳ cục như thế?! Cái khôi hài nhất là nhiều vị trong giới này vẫn thường nhận mình là giáo sư (thường chỉ là giáo sư trung học đệ nhất cấp (chưa đỗ cử nhân) hay đệ nhị cấp ở Việt Nam ngày trước, chứ chẳng có bằng Ph.D. nào cả), hay là các người giữ chức này chức nọ trong các hội đoàn tự cho là có trách nhiệm về văn hóa Việt Nam ở ngoài nước!

Trước đây Phạm Quỳnh từng nói: Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn, bây giờ Truyện Kiều vẫn còn mà cả tiếng ta lẫn nước ta lại đang đi dần xuống hố sâu Bắc Thuộc. Than ôi!

* * *

LTS:  Hội CVA Bắc California hân hạnh nhận được tập thơ “Thơ tình Vương Đức Lệ” do CVA Lê Đức Vượng gởi tặng.  Chúng tôi xin trích đăng một bài sau đây để mời quý vị độc giả thưởng thức:

BÀI ĐẦU THU TRÊN ĐẤT TÌNH NHÂN

Âu yếm cầm tay, em hỏi anh:

Trời say, ai thắp nến trên cành?

Mùa thu sao lá chưa vàng nhỉ?

Hay đất tình nhân, mộng vẫn xanh?

Biết trả lời sao, em của anh!

Cầm tay, anh dỗ giấc mơ lành

Nụ hôn anh gửi thầm trên má

Hẹn giấc đêm xanh mộng biếc tình!

CVA Vương Đức Lệ

* * *

Xuân lại càng già

Tùy Bút

CVA Đoàn Văn Khanh         

Cứ mỗi lần hoa mai, hoa đào nở là thiên hạ lại náo nức đua nhau sắm sửa, trang hoàng, chưng diện để đón mừng xuân mới. Điều ấy đã trở thành một tập tục truyền thống của dân tộc Việt. Bốn mùa thay đổi cho nên khi mùa xuân ấm áp có qua đi nhường chỗ cho mùa hạ nắng cháy, mùa thu úa tàn, rồi mùa đông u ám thì sau đó mùa xuân tươi sáng cũng lại trở về.  Nhưng xuân đến, xuân đi, xuân lại đến chỉ là cái vòng tuần hoàn của vũ trụ. Do cái lẽ nhận định xuân chung quy cũng chỉ là một giai đoạn trong cái chu kỳ lặp đi lặp lại đó cho nên Trần Tế Xương, một nhà nho sống vào buổi giao thời của nền Nho học đang suy tàn và ảnh hưởng Tây học đang bành trướng, lại thêm nỗi phẫn chí vì đường công danh thi cử lận đận của mình nên đã chán ngán thốt lên những lời lẽ bi quan yếm thế trong bài thơ Năm Mới khi thấy thiên hạ xung quanh mình nô nức đón mừng xuân mới một cách nhố nhăng phù phiếm:  

Chỉ bảo nhau rằng mới với me,

Bảo ai rằng cũ chẳng ai nghe

Khăn là bác nọ to tày rế

Váy lĩnh cô kia quét sạch hè...

Cứ bình tâm mà xét thì nếu những ai đang ở vào tuổi trẻ, dễ lạc quan và yêu đời nên mỗi khi xuân về lại cảm thấy như mùa xuân đang mang lại cho mình một niềm phấn khởi mới, cho nên có bảo xuân là mới thì cũng là cái lẽ thường tình. Còn đối với kẻ nhìn sự vật qua lăng kính triết lý như cụ Tú Xương thì lại đem cái lẽ tuần hoàn của hiện tượng thiên nhiên ra mà nhắc bảo với mọi người xuân là cũ cũng không sai chút nào. Tuy nhiên, ca dao lại có một câu diễn tả cái nhìn về xuân theo kiểu rất hiện thực như sau:

Chơi xuân kẻo hết xuân đi

Cái già sồng sộc nó thì theo sau.

Nếu có những người chỉ biết vin vào câu ca dao này để lăn xả vào sự hưởng thụ các lạc thú hiện tại khi tuổi còn đang trẻ, thì cũng có người lẩm cẩm như tôi, xem câu ca dao trên cũng còn là một nhận định về cái chân lý bất biến: có trẻ tất nhiên sẽ có già. Mỗi một người chỉ có một cuộc đời, và trong cuộc đời chỉ có một thời tuổi trẻ được ví như là mùa xuân, cho nên một khi cái mùa xuân tuổi trẻ của mỗi người đã qua đi thì những cái xuân còn lại chỉ là cái “xuân lại càng già”.

Mấy chữ “xuân lại càng già” tôi dùng ở đây chỉ là cái ý dịch ra từ mấy chữ Hán “xuân hựu lão” của một nhà thơ Trung hoa mà tôi học được một cách tình cờ nhân một lần tôi được đọc cái truyện ngắn có tựa đề là “Đánh thơ” của nhà văn Nguyễn Tuân cách nay cũng đã xa xưa lắm. Thật ra thì vào lúc mới đọc tôi cũng chẳng hiểu mấy chữ Hán trên có những ý nghĩa sâu xa nào, nhưng cái âm hưởng của mấy chữ ấy tự nó lại như có một ma lực nào đó khiến cho tôi từ đó trở đi hay có những suy nghĩ luẩn quẩn về mấy chữ này.

Vốn sinh ra trong một gia đình thuộc thành phần trung lưu trí thức tiểu tư sản cho nên không ít thì nhiều tôi cũng mang trong người cái tâm hồn tự do lãng mạn của lớp cha anh thời bấy giờ, do đó khi bắt đầu biết đọc sách là ham đọc sách. Vào thời ấy phương tiện truyền thông chưa phát triển như bây giờ cho nên ngoài cái thú đọc sách cũng chẳng còn cái thú tiêu khiển tinh thần nào khác. Lại nữa, vì sống trong vùng kháng chiến nên sách vở cũng không nhiều, ngoài một ít sách xuất bản từ thời trước chiến tranh mà một số gia đình còn cất giữ được thì không còn tìm đâu ra. Chính vì thế mà mỗi khi bắt gặp được quyển sách nào để đọc là cả một niềm vui, và nếu là sách hay thì lại càng thích nghiền ngẫm. Do đó, khi gặp được quyển Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, một nhà văn nổi tiếng thời tiền chiến, tôi đã đọc rất say mê và có nhiều câu truyện đã để lại trong tâm hồn tôi một ấn tượng khá sâu đậm. 

Vang bóng một thời, đúng như cái tựa của cả quyển sách, là một tập gồm nhiều truyện ngắn có chung một bối cảnh là xã hội Việt Nam vào lúc ảnh hưởng của nền văn hóa Nho giáo đã suy tàn để chuyển mình vào thời đại Tây hóa. Những nhân vật chính trong các câu truyện này là những hình ảnh tiêu biểu thuộc về một lớp người của một nền văn hóa đã lỗi thời nhưng vẫn còn rơi rớt lại trong xã hội như là vang bóng của một thời quá khứ vàng son đã qua đi không bao giờ còn trở lại.

Phải nói là cái say mê của tôi khi đọc tác phẩm Vang bóng một thời một phần do hoàn cảnh tuổi thơ của tôi không may lại rơi nhằm vào một thời kỳ mà đất nước bắt đầu một giai đoạn lịch sử đầy đau thương và bi đát của dân tộc. Cuộc cách mạng vùng lên giành độc lập và xây dựng dân chủ của một dân tộc vốn quen sống dưới chế độ quân chủ phong kiến và thuộc địa sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc đã bị những ma đầu chính trị trong nước và những thế lực đen tối quốc tế thao túng, lèo lái, khiến cho đất nước không những lâm vào một cuộc chiến tranh dai dẳng và tàn khốc, mà ngay cả xã hội thì bị đảo lộn và dân tộc cũng bị phân hóa. Vào thời ấy, người dân ở vùng kháng chiến luôn luôn sống trong nỗi phập phồng lo sợ: lớp thì do bom đạn của quân đội Pháp đe dọa, lớp thì do những chính sách bóp nghẹt tự do của nhà cầm quyền Việt Minh đang ra công tẩy xóa đi cái trật tự của một xã hội cũ để thiết lập một trật tự mới theo chủ nghĩa Cọng sản, khiến cho những thành phần bị Việt Minh xem là đối tượng cần phải bị tiêu diệt cảm thấy mình không còn chỗ đứng nào trong cái xã hội này nữa. Từ sự cảm nhận cái thân phận đáng thương của những thành phần đang bị chế độ mới bứng ra khỏi cái gốc chung của dân tộc khiến cho tôi càng thích tìm lại những nét đẹp tinh thần của một nếp sống thanh bình nào đó chỉ có được trong quá khứ.

Mặc dù đọc suốt mười mấy truyện trong Vang Bóng Một Thời, truyện nào cũng mang lại cho tôi ít nhiều cảm nghĩ u hoài về những nhân vật và một nếp sống đã đến giai đoạn bị đào thải của một xã hội trước đây, nhưng cái ý “xuân lại càng già” thì lại đến từ hai câu thơ mà tác giả đưa vào trong truyện ngắn Đánh thơ.

Đánh thơ là một cái thú tiêu khiển của các tay nho sĩ thời xưa, một trò chơi vừa mang tính chất cờ bạc nhưng lại mượn văn chương để thử thời vận cho có vẻ thanh tao, cho nên người chơi đánh thơ ít ra cũng là người từng theo học chữ thánh hiền và có một số vốn hiểu biết về thơ phú. Cách chơi đánh thơ này cũng gần giống như học sinh ngày nay làm bài thi trắc nghiệm điền chữ vào khoảng trống. Cứ mỗi ván bài, nhà cái lại đem ra một mảnh giấy có ghi một câu thơ thất ngôn tức là có 7 chữ  nhưng chỉ viết ra giấy có 6 chữ thôi còn một chữ để trống và kèm theo 5 chữ thả gồm bốn chữ do nhà cái tự đặt ra và một chữ đúng trong nguyên văn của câu thơ để cho nhà con lựa chọn. Sau khi mọi người đã chọn lựa và đặt tiền xong thì nhà cái sẽ cho khui phần trên đầu mảnh giấy được cuộn tròn cốt che dấu cái chữ chính trong nguyên văn của câu thơ thả để cho làng biết chữ nào mới là chữ trúng. Nếu nhà con đặt trúng chữ thì sẽ được chung tiền, bằng như chọn sai sẽ thua. Vì trò chơi mang tính chất cờ bạc ăn tiền nên nhà cái cần phải sưu tầm những câu thơ cổ ít ai thuộc hoặc ít ai biết đến thì mới hy vọng ăn được tiền làng. 

Trong một cuộc đánh thơ nọ, ông Phó sứ – nhân vật làm nhà cái trong truyện - đã dùng một câu thơ được vòng trống ngay chữ đầu tiên và kèm theo năm chữ  thả là: Tái (cửa ải) – Sơn (núi) – Đình (cái sân) – Mộ (ngôi mộ) – Văn (tên một con sông chảy qua nước Lỗ, quê của Khổng phu tử), để cho nhà con lựa chọn. Câu thơ thả là:

“[...] thượng mai khai xuân hựu lão”

(Hoa mai nở trên [...] xuân lại càng già).

Mọi người đua nhau đoán chữ và ai cũng lý luận theo sự liên tưởng thông thường là mai nở thì phải thấy trong cánh rừng, trên ngọn quan ải, trước sân nhà v.v... thì mới tạo thành thi tứ chứ không ai nghĩ đến chuyện hoa mai nở trên một ngôi mộ. Chính vì thế mà khách chơi đánh thơ hôm ấy không một ai chọn chữ Mộ để đặt tiền cả, cho nên khi lá thơ được khui ra thì nhà cái tủm tỉm cười vơ trọn tiền cả làng, còn các nhà con thì đều ngẩn người ra vì không ngờ thơ phú thế mà cũng lắt léo.

Dĩ nhiên về phần tôi khi mới đọc đến đoạn làng đang chọn chữ để đánh, tôi thấy mình cũng có những suy nghĩ rất phù hợp theo sự luận đoán của các tay con trong cuộc đánh thơ này cho nên khi đọc đến phần kết quả giải đáp, tôi thấy mình cũng đã hố to trong cách suy đoán rất nông nổi về ý nghĩa câu thơ này không khác gì mấy tay chơi thả thơ hôm ấy. Vì thấy cả làng đều thua đau nên để làm vui lòng đám tao nhân mặc khách tham dự cuộc thả thơ, nhà cái đã phải trưng dẫn chứng cớ đấy là câu thơ được trích từ bài thơ “Tọa phóng hạc đình” của Từ Dạ, một nhà thơ Trung hoa, và đã trình cho làng xem nguyên văn hai câu thơ như sau:

Mộ thượng mai khai xuân hựu lão

Đình biên hạc khứ khách không hoàn.

(Hoa mai nở trên nấm mồ xuân lại càng già. Chim hạc đã bay đi khỏi sân thả chim rồi thì khách cũng ra đi không còn quay lại)

Thì ra thế. Có đọc được cả hai vế để hiểu trọn ý nghĩa của câu thơ trên thì mới thấy cái dụng ý của tác giả khi dùng chữ “Mộ”. Và thế là cả làng xúm nhau vào ngâm nga và khen hay rối rít, nhưng không quên trách cổ nhân dùng chữ quá ác làm cho các ngài đoán không ra. Riêng tôi thì mặc dù không hiểu hết chữ Hán và cho tới nay tôi vẫn chưa có cơ hội tìm hiểu cho ra nhà thơ Từ Dạ sống vào thời đại nào, làm thơ ra sao, và trọn bài thơ này như thế nào, nhưng vào ngày ấy, hai câu thơ đó đã gây cho tôi một nỗi xúc động bồi hồi. Rồi cũng vì suy nghĩ mãi về cái ý nghĩa súc tích hàm ẩn trong những bài thơ cổ mà tôi đã liên tưởng đến một bài thơ Đường khác cũng rất nổi tiếng của Thôi Hộ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

(Năm ngoái ngày này nơi cửa có một khuôn mặt đẹp đã cùng với hoa đào đua nhau mà ửng hồng. Nhưng khuôn mặt người ấy nay đâu rồi mà chỉ còn lại có cành hoa đào vẫn cười với gió đông). 

Cứ theo Tình sử Trung Hoa thì Thôi Hộ sống vào đời nhà Đường, một hôm nhân dạo chơi xuân bên ngoài thành rồi nhằm lúc khát nước bèn ghé vào một ngôi nhà có trồng nhiều hoa đào xin nước uống và được một cô gái xinh đẹp bưng nước ra mời. Cảm nhan sắc người con gái nên năm sau Thôi Hộ lại tìm đến thì cửa đóng then gài và không thấy bóng người con gái ấy đâu bèn làm bài thơ trên đề trên cửa rồi ra về. Người con gái sau khi đọc được bài thơ đó thì sinh lòng nhớ thương rồi ốm mà chết. Thôi Hộ hay tin vội đến thăm và khi ôm xác người con gái vừa tắt thở mà khóc thì người con gái bỗng hồi tỉnh lại. Và thế là cha cô gái đã gả người con gái đó cho Thôi Hộ.

Dựa vào thiên tình sử trên, tôi lại tưởng tượng ra một chuyện tình khác từ hai câu thơ của Từ Dạ về một cuộc gặp gỡ giữa một người khách phương xa đến dự hội thả chim hạc mùa xuân với một người thiếu nữ nơi đây, rồi khi người khách ấy lại ra đi thì người thiếu nữ có lẽ cũng vì thương nhớ chờ mong mà chết. Tuy nhiên, nếu như trong thơ của Thôi Hộ, cái cảnh nhìn thấy cành hoa đào năm cũ vẫn nở hoa như cười với gió đông làm cho sự thương nhớ người xưa vẫn hãy còn là một cảm giác nhẹ nhàng và tạo cho người đọc còn có một sự hy vọng nào đó thì trái lại, trong thơ Từ Dạ, hình ảnh gốc mai nơi mộ người thiếu nữ cứ mỗi mùa xuân về lại nở hoa chỉ có thể được xem như một chứng tích còn bấu víu lại trên đời để nhắc nhở cho người sống nỗi xót xa về cái mùa xuân hò hẹn cũ với người nằm dưới mộ lại thêm một lần già theo năm tháng mà thôi. Dĩ nhiên là tôi không biết đây có phải là nguyên nhân đích thực đã cảm kích nhà thơ Trung hoa nọ để sáng tác ra mấy câu thơ trên hay không, nhưng cái sự tích tưởng tượng ấy đã làm cho hai cái hình ảnh tương phản của hoa mai nở và ngôi mộ hoang vắng càng có vẻ liêu trai hơn đối với tôi và làm cho cái ý tưởng “xuân lại càng già” trở thành một ấn tượng sâu sắc.  Cái ý tưởng này càng được tôi cảm nhận thấm thía hơn khi chủ trương tiêu diệt các thành phần được kể là “trí, phú, địa, hào” của Việt Minh được đem ra áp dụng triệt để và tôi cũng đã phải chịu cảnh mất mát luôn cả những người thân trong gia đình của mình. Chính vì thế mà sau khi đất nước bị qua phân, dù lại được cái cơ may tiếp nối cuộc đời học sinh ở Miền Nam, được vui hưởng vài mùa xuân thanh bình, nhưng cứ mỗi độ xuân về, thấy mọi người nô nức đón xuân, mừng xuân mà riêng tôi thì chỉ thấy mình lẻ loi khi nhớ đến những người thân yêu đã khuất, thì cái ý tưởng “xuân lại càng già” này cũng lại trở về ám ảnh tôi.

Cũng vì mang nặng cái tâm hồn trĩu nặng cái quá khứ u hoài đó mà tôi thường hay thích đọc thơ văn có khuynh hướng hoài cổ hoặc những tác phẩm viết về những hoài niệm và do đó tôi nhận thấy cái ý tưởng “xuân lại càng già” như là một sự biểu lộ niềm luyến tiếc về một cái gì đã bị đánh mất trong cuộc đời, hay những hình ảnh đã một thời sinh động nhưng rồi cũng có ngày phải mai một với thời gian, quả là một ý tưởng rất phổ biến trong văn học nghệ thuật cũng như bàng bạc trong lòng của đa số người dân Việt. Một Nguyễn Bính đã luyến tiếc cho một cuộc tình dang dở chỉ vì nỗi lo sợ của người con gái e để lỡ mất mùa xuân của mình như ông đã diễn tả trong bài thơ Cô Lái Đò:

Xuân đã đem mong nhớ trở về

Lòng cô gái ở bên sông kia

Cô hồi tưởng lại ba xuân trước

Trên bến cùng ai đã nặng thề

Nhưng rồi người khách tình quân ấy

Đi mãi không về với bến xuân...

Nhưng sau mấy mùa xuân chờ đợi mỏi mòn mà không thấy người tình quay trở lại, cô lái đò cũng đã thấy lòng có thể nguôi ngoai đi nỗi nhớ để quên đi lời hẹn ước cũ mà đành tâm đi lấy chồng kẻo lỡ mất xuân thì, chỉ tội cho sự thương nhớ ơ hờ của người khách qua đò thầm lặng nào đó thì vẫn không thể xóa mờ:

Chẳng lẽ ôm cầm chờ đợi mãi

Cô đành lỗi ước với tình quân

Bỏ thuyền,bỏ lái bỏ giòng sông

Cô lái đò kia đi lấy chồng…

Vắng bóng cô em từ dạo ấy

Để buồn cho những khách sang sông.

Vũ Đình Liên, cũng đã nhờ sáng tác ra bài thơ Ong Đồ mà trở thành nổi tiếng:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài...

Với vai trò một kẻ mang chữ nghĩa thánh hiền ra truyền bá cho đám hậu sinh để xã hội tiếp tục duy trì được cái nền đạo đức, lễ nghĩa và sự khôn ngoan của tiền nhân để lại, ông đồ từng là người được xã hội cũ kính trọng. Nhưng một khi xã hội đã phải thay đổi mới theo thời đại “vứt bút lông đi, giắt bút chì” thì vai trò của ông đồ cũng không còn chỗ đứng trong cái cơ cấu tổ chức mới của xã hội đó nên lớp người như ông đồ sinh ra nhằm lúc cuối mùa này đành phải xoay ra mang cái tài “hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay” ấy để viết câu đối thuê vào dịp xuân về cho một số người còn duy trì cái tập tục cũ treo câu đối tết ngày xuân. Nhưng cuối cùng rồi thì theo đúng luật đào thải, ông đồ cũng không còn xuất hiện trong bức tranh mùa xuân của phố phường nữa:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Ong đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay...

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Bài thơ thật giản dị, và mặc dù tác giả là một nhà giáo của thời đại đã chuyển sang Tây học nhưng lại biết rung cảm xót xa chân thành trước nỗi thê lương tàn tạ của một hình ảnh đã hàng ngàn năm tô điểm cho một nếp sinh hoạt của một xã hội mà nay đành phải mai một theo thời gian nên bài thơ rất có hồn. Cái hình ảnh ông đồ được mô tả đây không chỉ đơn thuần là hình ảnh của một con người chỉ xuất hiện trong một thời gian và không gian nhất định, mà ông đồ đây chính là cái hình ảnh kết tinh của một nền văn hóa đã tồn tại qua hàng ngàn năm, cho nên đã trở thành một biểu tượng thân yêu trong ký ức của mỗi người dân đã thấm nhuần cái nền văn hóa đó.

Có lẽ cũng vì cái lẽ đó mà về sau này khi Vũ Đình Liên đã đi theo Cộng sản, thỉnh thoảng vào dịp xuân về cũng mượn lại thể thơ của bài thơ ông đồ cũ và hình ảnh ông đồ để làm ra những bài thơ ông đồ mới nhằm ca tụng Đảng và mùa xuân xã hội chủ nghĩa thì những bài thơ này chỉ còn là gượng ép, giả tạo nên cũng chẳng được mấy ai biết đến.  Chính cũng vì cái khuynh hướng dễ xúc cảm và dễ xa xót trước những hoàn cảnh đáng thương hoặc đau khổ của chính mình hay của người khác đó mà khi đất nước lại tiếp tục phải chứng kiến cái cảnh: “Mùa xuân ấy chàng bước chân đi...” vì chinh chiến thì mỗi khi xuân về, người dân Việt không phải chỉ đón xuân bằng những bản nhạc xuân vui tươi, xuân nồng thắm, xuân yêu thương, xuân hy vọng, mà còn có cả những xuân mong nhớ, xuân đợi chờ, xuân chia cách và bao nhiêu là thứ xuân đau thương khác nữa mà mọi người phải chấp nhận như là một thực tế không thể chối bỏ trong cuộc sống.

Sống trong hoàn cảnh chinh chiến thì có ai lạ gì khi mùa xuân đến có những người thiếu phụ ngồi đan áo mà lòng thì: “Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ, thì em thôi mong nhớ xuân này chàng có về... [Đan áo mùa xuân - Phạm Thế Mỹ], hoặc người mẹ ở quê nhà mong con trong khi con ở ngoài chiến trường xa xôi nhớ về mẹ:

Con biết bây giờ mẹ chờ trông con

Khi thấy mai vàng nở đầy trong sân

Năm ngoái con hẹn rằng xuân sẽ về...

[Xuân này con không về - Nhạc sĩ Nhật Ngân, Duy Khánh hát]

Hoặc buồn cô đơn như người lính chiến ở ngoài tiền đồn heo hút lúc xuân về:“...Đồn anh đóng ven rừng mai. Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa...” [Đồn vắng chiều xuân – Trần Thiện Thanh]

Mỗi một người đều có những kỷ niệm riêng tư khắc sâu vào tâm khảm, mỗi gia đình có những thế hệ cha ông đã sống và để lại dấu ấn tinh thần hay vật chất cho con cháu, cũng như mỗi dân tộc có những nét đặc thù về văn hóa, những giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ, đáng tự hào hay đáng suy nghĩ. Tất cả những cái ấy đều đáng qúy vì nó làm cho dòng đời của một chuỗi lặp đi lặp lại những hiện tượng khách quan trở thành có ý nghĩa cho con người.        Có một điều là do cái khuynh hướng thiết tha với những hoài niệm cũ, nhất là những hoài niệm được coi là tươi đẹp nhất của một giai đoạn lịch sử hoặc một đời người mà người ta cứ lưu luyến mãi với nó. Trước đây, nếu sau khi nhà Tây Sơn dứt nhà Lê rồi nhà Nguyễn dứt nhà Tây Sơn để thống nhất giang sơn về một mối sau một thời gian dài dằng dặc của những cuộc tranh chấp tương tàn, cái tinh thần hoài Lê vẫn ấp ủ trong lòng người dân Bắc Hà; thì gần đây, sau gần ba mươi năm từ ngày kết thúc cuộc chiến tranh Quốc Cộng, người dân Miền Nam vẫn chưa nguôi quên những nỗi đau thương hoặc những hoài bão chưa hoàn thành của những người đã đóng góp hay hy sinh cho một lý tưởng mình đã phục vụ, khiến cho lớp người còn lại của thế hệ trước vẫn thích ôn lại những kỷ niệm cũ.

Tập tục chung của người dân Việt là khi đón xuân tất nhiên phải nhớ đến ông bà tổ tiên mình và tin rằng hồn của những người muôn năm cũ vẫn phảng phất trong hương khói ngày xuân để phù hộ cho con cháu, tuy nhiên người ta cũng không quên ngày xuân mọi người cũng phải mừng tuổi nhau và cầu chúc cho nhau qua năm mới sẽ gặp được những điều tốt lành. Nếu đối với những người mà tuổi đời đã làm cho mùa xuân hôm nay đã trở thành cái “xuân lại càng già” cho nên chỉ còn biết tiếc nuối những lỡ làng, những lầm lẫn hay những hoài bão chưa thành, thì điều ấy cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng đối với những người tuổi trẻ đang tràn trề sức sống để bước vào đời, xin cho mùa xuân đối với họ vẫn cứ là niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng.

CVA Đoàn Văn Khanh

* * *

KỶ  YẾU  TRUNG  HỌC

CHU  VĂN  AN  Saigon

Kỷ niệm :

50 năm thành lập (1954 - 2004)        &  26 năm giải thể (1978 – 2004)

(Bản dự thảo - GS Lê Văn Lâm và GS Bùi Đình Tấn biên soạn)

MỤC   LỤC

Thư ngỏ về Nhu cầu biên soạn Kỷ Yếu CHU VĂN AN- Saigon

Sơ lược về tiểu sử của Danh Nho CHU VĂN AN

Cây Phả Hệ BƯỞI – CHU VĂN AN

Trường CHU VĂN AN qua các khúc quanh lịch sử

Các ban Giám Hiệu trường CHU VĂN AN- Saigon

Các ban Chấp Hành Hội PHHS CHU VĂN AN- Saigon

Sinh hoạt trường CHU VĂN AN

Xuyên qua : Hình ảnh lưu niệm

*

Hướng về Thế Hệ trước

Sinh hoạt trường CHU VĂN AN-HàNội

(1945 đến 1954)

*

Sinh hoạt trường CHU VĂN AN-Saigon

(1954 đến 1978)

Tổ chức Ái Hữu Cựu GC&NV.CVA-Saigon

Sơ đồ tổ chức các trụ sở liên lạc Ái Hữu Cựu GC&NV.CVA-Saigon

Danh sách các Ðại Diện liên lạc ở các Khu Vực & ở các Vùng

Danh sách Ái Hữu Cựu GC&NV.CVA

Cựu GC&NV-CVA Hà Nội (1945- 1954)

  • Danh sách Ái Hữu Cựu GC&NV-CVA Saigon (1954- 1978)

Sinh hoạt Ái Hữu Cựu GC&NV.CVA-Saigon  xuyên qua : Hình ảnh lưu niệm

1.- Ở Khu Vực Á Châu TBD

2,- Ở Khu Vực Âu Châu

3.- Ở Khu Vực Gia Nã Ðại

4.- Ở Khu Vực Hoa Kỳ     

5.- Ở Khu Vực Úc Châu & Tân Tây Lan

6.- Ở Khu Vực bổ sung  (*)

7.- Ở Quốc Nội   

(*) Gồm một số nơi ở Quốc Ngoại,                           

nhưng không thuộc  1, 2, 3, 4, 5

Giới thiệu Tổ chức Ái Hữu Cựu HS.CVA-Saigon

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Sg.  -  Khu Vực Á Châu TBD

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Sg.       -  Khu Vực Âu Châu

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Sg.     -  Khu Vực Gia Nã Đại

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Sg. -   Khu Vực Hoa Kỳ

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Sg.  -  Khu Vực Úc Châu & Tân Tây Lan

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Sg.  -  Khu Vực bổ sung     

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Sg.     ở Quốc Nội

Bảo Trợ    Quảng Cáo

Website riêng về  Kỷ Yếu CVA - 2004

Dự trù Web. Chu Van An: www. ky_yeu_cva. org

 Thư ngỏ về “ Nhu cầu biên soạn  Kỷ Yếu CHU VĂN AN- Saigon”

Cùng toàn thể cựu Giáo Chức, cựu Nhân Viên & cựu Học Sinh

                     trường Trung Học Chu Văn An- Saigon

           Ðại Gia Ðình Chu Văn An chúng ta, hiện nay phân tán mỏng khắp nơi trên Thế Giới.  Mặc dù lo nhiều công việc ở sở, ở nhà, những thành viên trong Ðại Gia Ðình CVA vẫn thường cố gắng gặp gỡ nhau, trao đổi tin tức với nhau qua nhiều hình thức: Các cựu GC&NV, nhất là những vị cao niên, chỉ lâu lâu thăm viếng nhau, để hỏi han sức khoẻ, trao đổi vui buồn với nhau. Các cựu HSCVA, năng động hơn, thường tổ chức những buổi họp mặt qui mô hơn, có tiệc tùng, có ca nhạc, có dạ vũ…. để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thân thương của trường xưa, bạn cũ.

Thế nhưng, các sinh hoạt ái hữu, nêu trên đây chỉ có tính cách cục bộ, hạn chế, riêng rẽ. Ở địa phương này không biết được các sinh hoạt ái hữu ở những địa phương khác, lại cũng không có được một cái nhìn bao quát về các sinh hoạt ái hữu chung của Ðại Gia Ðình CVA ở trong nước và ngoài nước.

Ðã đến lúc chúng ta cần có một “tập Kỷ Yếu trường Trung Học CVA- Saigon”, nhằm đúc kết mọi sinh hoạt ái hữu của tập thể Giáo Chức, Nhân Viên & Học Sinh, suốt chiều dài lịch sử của trường Chu Văn An, thân thương của chúng ta.

Lẽ ra chúng ta phải thực hiện công tác này sớm hơn nhiều, từ 15, 20 năm trước đây, thì mới mong có được những dữ kiện đầy đủ, chính xác.  Nay đã quá chậm, thời gian hơn ¼ thế kỷ, kể từ các đợt đầu tiên di tản ra nước ngoài của một số thành viên trong Ðại Gia Ðình Chu VĂN An, sau biến cố 30- 4-1975, đã lặng lẽ trôi qua. Ðại đa số chúng ta đã cao tuổi, nhiều người đã vĩnh biệt ra đi, hàng ngũ chúng ta đã rơi rụng khá nhiều. Vậy nên, bắt tay vào việc lúc này, quả tình, thật cực kỳ khó khăn.

Thế nhưng chậm còn hơn không. Nếu chúng ta còn chần chờ thêm nữa, thì rồi đây hàng ngũ chúng ta sẽ rơi rụng thêm nhiều nữa. Khi những chứng nhân lịch sử CVA ra đi gần hết rồi, thì chẳng còn cách nào để làm sống lại dòng lịch sử Chu Văn An trong hàng ngũ của chúng ta, chẳng còn có cách nào để có thể trao truyền lại cho thế hệ con em mai sau của chúng ta, những kỷ niệm thân thương của mái trường Chu Văn An Saigon.

  Nhóm chủ trương chúng tôi ước mong tất cả Giáo Chức, Nhân Viên & Học Sinh CVA tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, để tập Kỷ Yếu CVA sớm được ra mắt vào mùa Xuân 2004, nhằm kỷ niệm 50 năm trường CVA thành lập và đồng thời kỷ niệm 26 năm trường CVA giải thể.

Suốt nhiều tháng qua, nhóm chủ trương chúng tôi đã cố gắng hết mình mới hình thành được cái sườn của tập Kỷ Yếu này. Thế nhưng vẫn còn quá nhiều thiếu sót.  

Chúng tôi ước mong có được trí tuệ tập thể cùng bộ nhớ tập thể của tất cả Giáo Chức, Nhân Viên & Học Sinh thuộc Đại Gia Ðình CVA gia bị, trong giai đoạn cuối của công trình biên soạn, để tập Kỷ Yếu CHU VĂN AN - 2004  được hoàn chỉnh viên mãn.

Nhóm Chủ Trương

San Jose ngày 20-5-2004

Sơ lược về Tiểu sử của danh Nho đời Trần CHU VĂN AN

Chu Văn An tên thật là Chu An, tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, sinh năm 1292, mất năm 1370 vào đời Trần. Ông người làng Quang Liệt, huyện Thanh Ðàn, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông.

Ông đỗ Tiến Sĩ và nổi danh tài cao đức rộng. Vua Trẩn Minh Tông (1314- 1340) đã vời ông làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, để dạy cho Thái Tử học.

Ðến đời Trần Dụ Tông (1341- 1368), vua không chăm lo việc nước, trong triều quan quân cấu kết lộng hành. Ông khuyên vua không được.

Với tính cương trực, ông đã dâng vua Thất Trảm Sớ xin vua chém 7 tên nịnh thần có thế lực trong triều, để chấn chỉnh kỷ cương phép nước. Vua không nghe, ông liền trả áo mũ từ quan, để về núi Phượng Hoàng ở ẩn và dạy học, cùng làm lương y giúp dân làng. Học trò xa gần đến học rất đông. Trong số có những người như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát làm đến nhất phẩm triều đình.

Tài đức của ông được nhiều người ngợi khen, vua lại vời vào, ban chứcTể Tướng nhưng ông từ chối.

Ông là một trong những nhà Nho đầu tiên có tác phẩm bằng tiếng Nôm. Tác phẩm của ông gồm có Quốc Văn thi tập, Tử thư thuyết ước (soạn để dạy Thái Tử học), Tiều ẩn thi tập.

Khi ông mất, vua truy tặng ông tên Thụy là Văn Trinh, hiệu là Khang Tiết và lập thờ ở Văn Miếu. Người đời sau gọi ông là Văn Trinh Công  hay Chu Văn Trinh, hay Chu Văn An.

Dân chúng đã lập đền thờ cho ông tại núi Phượng Hoàng, còn gọi là núi Kiệt Ðặc, thuộc xã Văn An (Chí Linh, Hải Dương).

Núi này có hình dáng chim Phượng Hoàng đang tung cánh trên vùng núi non, phong cảnh rất hữu tình, đã thu hút rất nhiều các bậc danh sĩ các thời về đây thưởng ngoạn và trí sĩ.

--X--

Tài liệu trên đây được trích từ  Web Chu Văn An: http: // ww.saigon.com/~chuvanan/

Tinh thần CHU VĂN AN

Bài viết về Tinh Thần CVA được trích dẫn nguyên văn từ những bài viết về danh nho Chu Văn An của 2 giáo sư Nguyễn Xuân Vinh & Nguyễn Đình Hòa, đăng trong Đặc San CVA Bắc California 2000.

 Tinh thần CHU VĂN AN trong bài văn “Thất Trảm Sớ”

Bài vănThất Trảm Sớ phải là một công trình văn hóa bộc lộ cái dũng của một nho sĩ tiết tháo, bất khuất trước cường quyền, được tạo dựng nên sau nhiều đêm suy nghĩ bạc đầu, trước cảnh vận nước suy vong. Bài văn, sau khi bị vua Dụ Tông từ khước, tất nhiên đã bị bọn gian thần toa rập hủy diệt.  Nhưng tinh thần bài văn chắc chắn sẽ được lưu truyền vạn đại. Theo Lê Tung trong “Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận” thì đã khen rằng:

Thất trảm chi sớ

Nghĩa động càn khôn

Vạn ngôn chi thư

Trung quán nhật nguyệt.

Xin tạm dịch, diễn thêm là:

Dâng thư chém bẩy ác ôn,

Oai phong chấn động, càn khôn kinh hoàng.

Lời văn trùng điệp hàng hàng,

Sáng như nhật nguyệt, ẩn tàng thuyết minh.

Muốn tìm hiểu thêm tinh thần Chu Văn An, ta có thể đọc bài thơ vịnh của ông Cao Bá Quát (...1854) là một nhà văn thơ nổi tiếng thời vua Tự Đức có chí hướng cách mạng.

(trích bài viết của G.s. Nguyễn  Xuân Vinh – Đặc San CVA Bắc Cali 2000)

Vịnh CHU VĂN AN

Nguyên tác (chữ Hán)của CAO BÁ QUÁT (*)

(*)        Cao Bá Quát (1809-1854), biệt hiệu Chu Thần, là nhà thơ xuất sắc nhất trong  thế kỷ thứ XIX. Quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm.

Hoạn đồ lên xuống thăng trầm, nào bi cách chức, nào bị thải hồi, nào bị tù.

Sau khi ông nổi loạn (và bị Đinh Thế Quang bắn chết) ông còn bị nhà Nguyễn chu di tam tộc.

Trong số các tác phẩm của Cao Bá Quát, ngoài số hơn  một nghìn bài thơ phú bằng chữ Hán, kể cả các bài ca trù danh tiếng,  còn có  những  bài thơ vịnh Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi , v.v…

Bài thơ vịnh Chu (Văn) An như bên đây.

Bản dịch âm 

Vịnh CHU VĂN AN

Kính tiết thanh tu khí phách đương,

Dục tương chích thủ vãn đồi dương,

Lôi đình bất tỏa cô trung phẫn,

Qủy mị do kinh thất trảm chương,

Hạo khí dĩ bằng thiên địa bạch,

Cao phong do đối thủy sơn trường,

Lâm tuyền cựu ẩn kim hà tại?

Văn miếu duy dư tính tự hương.

CAO BÁ QUÁT

Dịch nghiã và dẫn chú của Gs. Nguyễn Đình Hòa

(Chu Văn An) Tiết-tháo cứng rắn, đạo-đức trong sạch, khí-phách chính-đáng.

Ông muốn dùng một cánh tay kéo mặt trời tà trở lại. (1)

Sấm sét không làm nhụt được nỗi phẫn-u của bậc cô-trung,

Ma qủy phải kinh hồn về bài sớ “Thất trảm”. (2)

Chí-khí hạo-nhiên nhờ có trời đất làm sáng tỏ,

Phong-cách cao-thượng còn lâu dài mãi với non sông.

Nơi ẩn dật xưa tại chốn lâm-tuyền nay biết là đâu!

Chỉ còn lưu lại danh thơm nơi Văn miếu.

(1). Ý nói CVA muốn khôi-phục nhà Trần lúc đó đã suy-vi.

(2). Bài sớ mà CVA dâng lên vua Trần Dụ Tông xin chém đầu bẩy tên nịnh-thần đều là người quyền thế được vua yêu (nhưng vua không nghe).

(trích bài viết của G.s. Nguyễn Đình Hòa, - Đặc San CVA Bắc Cali 2000)

Dịch vần và diễn giải của Gs. Nguyễn Xuân Vinh

Vịnh CHU VĂN AN

“Tiết sạch lòng son chí dũng cường,

Muốn đem tài sức néo tà dương.

Sấm uy khôn chặng người trung phẫn,

Sớ trảm kinh hoàng lũ qủy vương.

Khí thế tràn dâng, trời đất ngát

Gió cao thổi lộng núi sông trường.

Ẩn cư rừng suối nay đâu biết,

Văn miếu tên truyền tụng khói hương.”

Đây là một bài thơ tuyệt tác đã nói lên được cái Trí của Chu Văn An biết được kỷ cương suy đồi, muốn cứu vãn tình thế, cái Dũng  của nhà nho tiết tháo không sợ uy sấm sét của cường quyền, cái Nhân  của kẻ sĩ đã tả thành Văn để thảo nên một chương thất trảm làm cho qủy mị kinh hoàng.

Đó là tinh thần Chu Văn An và cũng là tinh thần bất khuất của dân tộc.      Bài sớ đã thất đã thất truyền mà tinh thần Chu Văn An vẫn lưu truyền vạn đại. Cũng như cột đồng Đông Hán tuy không còn vết tích mà giòng giống Giao Chỉ chúng ta vẫn sống mạnh muôn đời.

Chu Văn An là người có tài, hội đủ các đức tính Trí, Dũng, Nhân và Văn. Tuy cáo quan, qui ẩn trong dẫy Côn Sơn, giữa khung cảnh tịch mịch, bên ao Miệt Trì mà  lòng  vẫn  chưa  hoàn  toàn  nguội lạnh với tình thế, nghĩ đến triều vua xưa còn có kỷ cương mà thấy sa giọt lệ, như trong bài thơ:

Miệt Trì

“Thủy nguyệt kiều biên lộng tịch huy,

Hà hoa, hà điệp, tĩnh tương y,

Ngư phủ cổ chiều, long hà tại?

Vân mãn, không sơn hạc bất quy!

Lão quế tùy phong hương thạch lộ,

Nộn dài trước thủy một tùng phi

Thổn tâm, thù vị như hôi thổ,

Văn thuyết Tiên hoàng lệ án my.”

Tạm dịch là:

Miệt Trì

“Bên cầu, trăng nước chiều tà,

Cánh sen xen lẫn hoa ngà tựa nhau.

Cá bơi, rồng ẩn nơi nao?

Mây treo núi trắng, hạc sao chưa về?

Quế già thơm ngát đường đê,

Rêu non dẫm nước khôn che cửa hàn.

Lòng son thấm đất chửa tan,

Nghe Tiên hoàng, lệ muốn tràn trên mi”.

Bài thơ nói lên tâm sự của Chu Văn An, nghĩ đến Triều vua trước là Trần Minh Tông có nhiều nhân tài, trí lự như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi tuy gồm hai lớp tuổi tác chênh lệch nhưng đã cùng ông hành đạo giữ được kỷ cương, mà nay người tài như rồng hạt bay mất phương xa, chỉ còn lũ cá nổi nhởn nhơ mặt bèo.

(trích bài viết của G.s. Nguyễn  Xuân Vinh – Đặc San CVA Bắc Cali 2000)

 

Cây Phổ Hệ “BƯỞI–CHU VĂN AN”

Trường BƯỞI tức Trường BẢO HỘ

( Lycée du Protectorat )

Thành lập năm 1908

Giải thể ngày 9-3-1945

Tất cả các vị Hiệu Trưởng đều là người Pháp.

Vị Hiệu Trưởng cuối cùng là: Gs. Antoine Perucca

Với biến cố 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp:

Chấm dứt chế độ Ðô Hộ của Pháp.

Vĩnh viễn xoá tên trường Bảo Hộ                                  

Trường CHU VĂN AN Hà Nội                                                                                 

Thành lập ngày 12-5-1945

Tạm ngưng sinh hoạt trong thời kỳ                             

 thi hành Hiệp Ðịnh Genève (21-7-1954)

Các vị Hiệu Trưởng, trong thời gian này, gồm:

Hiệp Ðịnh Genève (21-7-1954) tạm chia đôi Đất Nước Việt Nam thành 2 Miền:

Miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra

Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào.

Trường Chu Văn An, do vậy, cũng chia đôi:

phân nửa lưu lại ở Hà Nội

phân nửa di chuyển vào Saigon

Trường CHU VĂN AN Saigon

Thành lập cuối năm 1954

Giải thể  … tháng 8-1978

Các vị Hiệu Trưởng, trong thời gian này, gồm:

Biến cố 30- 4- 1975 thay đổi thể chế chính trị ở miền Nam VN.

Từ 1- 5- 1975 đến cuối Hè n.k. 1974-75, trường CVA được đặt dưới sự quản trị của một ban Quân Quản.

Từ n.k. 1975- 76 đến cuối n.k. 1977-78, CVA có ban Giám Hiệu mới, với Hiệu Trưởng là:

Tháng 8- 1978, UBND T/p giảì thể trường CVA Sài Gòn

Trường CHU VĂN AN Hà Nội

Sinh hoạt trở lại cuối năm 1954

Sinh hoạt liên tục cho đến ngày nay

Các vị Hiệu Trưởng kế tiếp, gồm :

Trụ sở hiện tại của trường CHU VĂN AN- Hà Nội chính là trụ sở nguyên thủy  của trường BƯỞI

Chương  1

Trường CHU VĂN AN qua các khúc quanh lịch sử

  • Giai đoạn MỘT: Tiền thân trường CHU VĂN AN - Saigon:

(trước thời điểm thi hành Hiệp Ðịnh Genève)

Trường  Bưởi

(từ thành lập 1908  đến 9-3-1945)

Truờng Chu Văn An – Hà Nội

(từ sau 9-3-1945 đến 30-4-1975)

  • Giai đoạn HAI: Trường CHU VĂN AN - Saigon

(từ thành lập 1954 đến giải thể 1978)

Thời kỳ “Hậu CHU VĂN AN – Saigon”

* * *

Trường Chu Văn An  qua các khúc quanh lịch sử

Giai Ðoạn MỘT

  (Hà Nội: Trước thời điểm thi hành Hiệp Ðịnh Genève)

 Tiền thân của trường CHU VĂN AN- Saigon

Tiền thân của trường CHU VĂN AN – Saigon, gồm:

từ khi thành lập 1908 đến Biến Cố 9-3-1945

  • Trường CHU VĂN AN - Hà Nội

từ sau Biến Cố 9-3-1945 đến thời điểm thi hành Hiệp Ðịnh Genève (21-7-1954)

Tên gọi Trường BƯỞI  chỉ là một tên không chính thức, một tên gọi bình dân, thân mật (nick name) mà cư dân ở Thủ Ðô đã mến tặng ngôi trường Trung Học lớn và danh tiếng này, xây dựng ở làng Bưởi, bên bờ Hồ Tây, Hà Nội. Tên Trường BƯỞI  lúc ban đầu chỉ quen thuộc trong giới sinh viên học sinh và cư dân địa phương, đã được nhanh chóng lan rộng khắp cả Nước, lấn át tên chính thức là Trường BẢO HỘ.

GHI CHÚ: Trong giao dịch thường ngày, dân chúng chỉ thích dùng danh xưng Trường BƯỞI, tỏ ra lạnh nhạt và có đôi phần dị ứng đối với danh xưng Trường BẢO HỘ.  Về mặt tâm lý tình cảm, có thể có nhiều lý do để giải thích sự việc:

  • Người dân địa phương vui mừng và hãnh diện đón tiếp một ngôi trường Trung Học lớn, dạy chương trình Pháp Việt, vừa mới xây dựng ở địa phương làng BƯỞI.  Từ thương mến ngôi trường, cư dân làng BƯỞI dấy niệm muốn ôm gọn ngôi trường vào làng mình, đã mến tặng cho ngôi trường danh xưng trường BƯỞI, gián tiếp nói rằng đây là trường của làng BƯỞI. Bên cạnh đó, người dân Việt lại rất dị ứng đối với danh xưng trường BẢO HỘ.

Qua việc đặt tên cho trường, người dân Việt đã thấy rõ ý đồ của người Pháp muốn siết chặt sự thống trị trên đất nước Việt trong mọi lãnh vực, kể cả trong các lãnh vực văn hóa giáo dục.  Ở vào thế yếu, người dân Việt đã bày tỏ sự phản đối một cách âm thầm, tế nhị, nhưng rất khôn ngoan bằng cách thường xuyên dùng danh xưng trường BƯỞI trong mọi giao dịch thường ngày, và chỉ dùng danh xưng trường BẢO HỘ trong giao dịch chính thức mà thôi. Cũng nên biết: Người Pháp đến xâm chiếm nước Việt Nam, đặt nền thống trị tại miền Nam từ 1862, tại miền Trung và miền Bắc từ 1884, sau đó đã tiến chiếm các nước Cao Miên và Ai Lao.

Ba nước Việt NamCao Miên và Ai Lao góp chung lại, lập thành cõi Ðông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise), đặt Thủ Phủ tại Hà Nội. Thủ phủ Hà Nội vừa là Thủ Phủ Hành Chánh, vừa là Thủ Phủ Văn Hoá Giáo Dục.  Tùy theo những đặc quyền, đặc lợi thu được, mà người Pháp đã áp đặt cho mỗi một Nước trong toàn cõi Ðông Dương thuộc Pháp một chế độ cai trị riêng:

  • Miền Nam Việt Nam đặt dưới chế độ “Thuộc Ðịa” (Colonie).
  • Miền Bắc, miền Trung Việt Nam, cùng với các nước Ai Lao & Cao Miên đặt dưới chế độ “Bảo Hộ”  (Protectorat).

A.- “Trường BƯỞI”

Trường BƯỞI được xây cất từ năm 1907 trên một khu đất mua lại của nhà in Schneider, tọa lạc tại làng Thùy Khê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Ðông. Khu đất này rộng lớn, kéo dài từ bờ Hồ Tây đến làng Yên Thái. Nên biết Làng Yên Thái cũng được gọi là làng BƯỞI  nổi tiếng về nghề làm giấy bản và nghề nhuộm lãnh đen.

  • Từ năm 1908:  Ngay trong dịp Khai Giảng đầu tiên (1908), trường đã mở rộng cửa sẵn sàng để đón nhận học sinh.
  • Chương trình học do Nha Học Chánh Ðông Dương soạn thảo.
  • Hiệu Trưởng, Giám Học, Tổng Giám Thị, Hội Kế Viên ... đều là người Pháp.
  • Ban Giảng Huấn, phấn lớn, cũng đều là người Pháp. Vào những năm đầu, Giáo chức người Việt rất ít và chỉ phụ trách các môn học ít quan trọng. Càng về sau, số sinh viên tốt nghiệp tại các Ðại Học ở trong và  ở ngoài Nước càng nhiều, nên đã góp phần đáng kể trong việc tăng cường đội ngũ Giáo Chức người Việt tại trường.
  • Học sinh học từ 27 đến 28 giờ mỗi tuần, đi học ngày 2 buổi (sáng 3 giờ & chiều 2 giờ) nghỉ ngày thứ Năm và ngày Chủ Nhật. Ngoài số học sinh Ngoại Trú, ngày 2 buổi đi đến trường, còn có học sinh Nội Trú ăn ở & học luôn ở trong trường, và học sinh Bán Nội Trú  chỉ ăn bữa trưa tại trường.

Ban đầu, dưới tên Tiểu Học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) trường có 2 cấp:

a)         Cấp Tiểu Học (Petit Collège) dạy 4 năm từ lớp Tư  (tức lớp Dự Bi Tiểu Học) đến lớp Nhất Tiểu Học. Cuối cấp, học sinh thi lấy bằng Tiểu Học Pháp Việt (Certificat   d’ Études Primaires)

  1. Cấp Cao Ðẳng Tiểu Học (Grand Collège) dạy 5 năm. Trong 4 năm đầu học sinh thi lấy bẳng Cao Đẳng Tiểu Học.

Sang năm thứ 5, học sinh được tùy ý chọn lựa 1 trong 4 ban Nhiệm Ý:

  • Ban Sư Phạm đào tạo giáo chức;
  • Ban Hành Chánh đào tạo thư ký và  thông ngôn;
  • Ban Kỹ Thuật đào tạo chuyên viên cơ khí;
  • Ban Thương Mại  đào tạo chuyên viên kế toán, và luật lệ thương mại.

             Cuối cấp, học sinh thi lấy bằng Cao ÐẳngTiểu Học Việt Pháp (còn được gọi là   bằng Thành Chung)   => Trên văn bằng có ghi rõ  Ban Nhiệm Ý

            Ðể có đủ học sinh vào các lớp trong niên khoá đầu tiên, trường thu nhận các học sinh đã có bằng Sơ Học Yếu Lược vào lớp Tư  cấp Tiểu Học, và tuyển chọn học sinh, từ các trường khác trong vùng, vào các lớp khác ở cấp Tiểu Học và ở cấp Cao Ðẳng Tiểu Học.

            Việc thu nhận học sinh gặp thuận duyên, vì đúng lúc trường Collège Jules Ferry ở Nam Ðịnh đóng cửa, nên đồn hết học sinh về trưòng Bưởi.

  • Từ năm 1918:  Chương trình có chút thay đổi. Khoá trình được rút gọn, chỉ còn đúng 4 năm đủ để học chương trình Cao Ðẳng Tiểu Học. Bãi bỏ các ban nhiệm ý.  Cuối cấp, học sinh thi lấy bằng bằng Cao Ðẳng Tiểu Học Việt Pháp (còn gọi là bằng Thành Chung) => Trên văn bằng không ghi  Ban Nhiệm Ý
  • Từ niên khoá 1924-1925Cấp Tiểu Học được bãi bỏ. Thay vào đó, trường mở thêm các lớp ban Trung Học Bản Xứ, dạy học sinh đã có bằng Cao Ðẳng Tiểu Học học thêm 2 năm nữa để thi lấy bằng Trung Học Bản Xứ (Brevet de l‘Enseignement Secondaire Local) còn được gọi là bằng Tú Tài Bản Xứ  (Baccalauréat Local).
  •    Từ năm 1937:  Ban Trung Học Bản Xứ  được bãi bỏ. Thay vào đó, trường mở ban Trung Học Ðệ Nhị Cấp Pháp (Baccalauréat Métroplitain) trong 3 năm. Sau năm, học sinh thi lấy bằng Tú Tài Pháp phần Một. Sau đó, học sinh học tiếp năm cuối, hoặc ở ban Triết Học (Série Philosophie), hoặc ở ban Toán (Série Mathématiques) để thi lấy bằngTú Tài Pháp Phần Hai.

GHI CHÚ: Ở giai đoạn này, trường có mời nhiều Giáo Sư Việt Nam danh tiếng về giảng dạy, như:

  • Tiến Sĩ  Văn Chương Pháp Nguyễn Mạnh Tường
  • Tiến Sĩ Sử Học Nguyễn Văn Huyên
  • Thạc Sĩ Toán Học Hoàng Xuân Hãn
  • Thạc Sĩ Lý Hoá Học Ngụy Như KonTum
  • Thời gian từ Thế Chiến thứ Hai đến biến cố 9-3-1945
  • Tháng 9-1939 Thế Chiến thứ Hai bùng nổ, toả rộng  từ Âu Châu  sang Á Châu.
  • Tháng 6-1940, ở Âu Châu, Pháp bại trận, phải điều đình với Ðức Quốc Xã.

Trong khi đó thì tại Á Châu, Nhật Bản (đồng minh của Ðức) thừa dịp xua quân chiếm đóng các nước Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao cùng một số nước khác trong vùng Á Châu. Toàn bộ cõi Ðông Dương thuộc Pháp  trở thành mục tiêu oanh tạc của phi cơ Hoa Kỳ.

Từ niên khoá 1943- 1944, để tránh nạn oanh tạc của phi cơ Hoa Kỳ, nên trường Bưởi phải rời khỏi Hà Nội:   

- Các lớp Cao Ðẳng Tiểu Học được chuyển về làng Phúc Nhạc, tỉnh Ninh Bình,

- Các lớp Trung Học Ðệ Nhị Cấp được chuyển vào Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Với biến cố 9-3-1945 Nhật đảo chánh Pháp chấm dứt nền Ðộ Hộ của Pháp trên toàn cõi Ðông Dương thuộc Pháp. Trụ sở của trường do quân đội Nhật chiếm đóng.

Chế độ Bảo Hộ cáo chung trên đất Việt, thì trường BẢO HỘ đương nhiên phải tự giải thể. Giáo sư người Pháp Antoine Perucca (vị Hiệu Trưởng cuối cùng của trường) cùng với toàn bộ giáo chức & nhân viên người Pháp đều rời khỏi nhiệm sở. Trụ sở của trường đóng cửa, ngưng sinh hoạt, chuẩn bị cho một vận hội mới.

B.-  Trường CHU VĂN AN - Hà Nội:

Liền sau khi Nhật đảo chánh Pháp (9-3-1945), một Chính Phủ hợp nhất Việt Nam do Thủ Tướng Trần Trọng Kim thành lập đã ra đời. Nội Các Trần Trọng Kim  quy  tụ rất nhiều nhân sĩ có tên tuổi thời bây giờ.

Bộ Trưởng bộ Giáo Dục Hoàng Xuân Hãn ban hành một chương trình giáo dục mới, hoàn toàn Việt Nam, mở đầu cho một nền Quốc Học theo đường hướng nhân bản & khai phóng. Chương trình giáo dục mới, ban hành năm 1945, đã được các giới “giáo chức-sinh viên-học sinh” ca ngợi duới tên gọi thân thương là chương trình Hoàng Xuân Hãn.

Ngay sau biến cố 9-3-1945, danh xưng trường Bảo Hộ liền được xoá bỏ. Tên danh Nho Chu Văn An, vị quan thanh liêm cương trực đời Trần, được chọn để thay thế.

Trường Chu Văn An, mặc dù chỉ mới ra mắt cộng đồng Trung Học Việt Nam vào khúc quanh lịch sử 9-3-1945, đã nhanh chóng trưởng thành, vươn lên mạnh mẽ, để trở thành một  trong nhóm trường Trung Học lớn, uy tín nhất trên toàn cõi Việt Nam

Ngày 12-5-1945  thật sự là ngày lễ hội đối với giáo chức & học sinh Việt của trường Bảo Hộ cũ.  Ðáp lời kêu gọi của Gs. Hoàng Cơ Nghị, vị Hiệu Trưởng đầu tiên của Chu Văn An - Hà Nội, tất cả giáo chức, nhân viên và học sinh đều nhanh chóng trở về trường sở cũ tiếp tục sinh hoạt.

Từ niên khoá 1945-1946, trường giảng dạy theo chương trình Việt Nam, dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ trong việc truyền đạt kiến thức nơi tất cả các môn học. Không khí đổi mới, hoàn toàn Việt Nam của trường mang tên Chu Văn An, đã khơi dậy nơi toàn thể giáo chức và học sinh niềm khát vọng yêu Tổ Quốc, yêu Quê Hương, bấy lâu nay bị dồn nén dưới mái trường mang tên Bảo Hộ trong suốt gần thập niên qua.

            Vào tháng 9-1945, Nhật Bản bại trận, kết thúc Thế Chiến Thứ 2, trường CVA hồi cư về Hà Nội. Vì quân đội đang còn đóng ở trụ sở chính của trường Bưởi, nên trường CVA được chuyển về tỉnh lỵ Hà Ðông, rồi về Việt Nam Học Xá ở Bạch Mai, Hà Nội.

            Vào 1-10-1945, Gs. Nguyễn Gia Tường, thay Gs. Hoàng Cơ Nghị làm Hiệu Trưởng.

            Vào đầu niên khoá 1946-1947, trường CVA được dời về trụ sở trường Nữ Trung Học Pháp (tên cũ là Félix Faure). Chỉ học được hơn 2 tháng thì chiến tranh chống Pháp xẩy ra vào ngày 19-12-1946. Chiến tranh tàn phá, dân cư ùn ùn chạy ra khỏi Thủ Ðô tìm đường lánh nạn. Vị Hiệu Trưởng đương nhiệm là Gs. Dương Quảng Hàm  bị tử thương ngày 26-12-1946, trên đường rời thành phố. Trường tạm thời đóng cửa, ngưng hoạt động.

            Vào  26-1-1948, trường CVA được mở cửa hoạt động trở lại tại trụ sở trường Nữ Tiểu Học Hàng Cót, với Gs. Mai Văn Phương làm Hiệu Trưởng.

Niên khoá 1949-1950, trường CVA được dời về trụ sở của trường Nữ Trung Học Ðồng Khánh, ở phố Hàng Bài, ngay trung tâm thành phố. Vị Hiệu Trưởng đương nhiệm là giáo sư Ðỗ Văn Hoán.

Vào thời điểm này, sĩ số học sinh tăng quá nhanh, trụ sở trường Nữ Trung Học Ðồng Khánh quá tải, không còn đủ sức chứa nữa.

Vào đầu niên khoá 1950-1951, nhà trường quyết định tự tách đôi, trở thành 2  trường với 2 tên khác nhau và ở 2 điạ điểm khác nhau:

- Tái lập trường Nguyễn Trãi, ở ngay tại trụ sở của trường Nữ Trung Học Ðồng Khánh, với  Gs. Ðỗ Văn Hoán làm Hiệu Trưởng. Trường Nguyễn Trãi tập họp những học sinh vừa mới vào CVA niên khoá 1949-1950, và còn tuyển thêm nhiều học sinh mới vào niên khoá 1950-1951.

-  Di chuyển trường Chu Văn An về trụ sở của trường Nam Sư Phạm, ở đường Ðỗ Hữu Vị, Cửa Bắc, với giáo sư Phạm Xuân Ðộ làm Hiệu Trưởng cho niên khoá 1950-1951, rồi giáo sư Vũ Ngô Xán cho các niên khoá 1951-52, 1952-53, 1953-54 (ở Hà Nội).

Hiệp Định Genève (21-7-1954) tạm chia đôi Đất Nước: Từ sông Bến Hải trở ra thuộc về miền Bắc VN, từ sông Bến Hải trở vào  thuộc về miền Nam VN.

Lại một lần nữa trường Chu Văn An bị tách đôi:

*  Phần di cư vào miền Nam, trở thành trường Chu Văn An-Saigon vắn số, chỉ hoạt động, vỏn vẹn có 24 năm, từ niên học 1954- 55 đến ngày giải thể… tháng 8-1978.

Trường Chu Văn An – Saigon (ảnh chụp năm ……………)

* Phần ở lại miền Bắc, trường Chu Văn An - Hà Nội mãi đến cuối năm 1954 mới trở lại hoạt động tại trụ sở cũ của trường Bưởi, đường Thụy Khuê, và tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay.

Trụ sở hiện nay của trường CHU VĂN AN - Hà Nội chính là trụ sở nguyên thủy của trường BƯỞI

Trường Chu Văn An – Hà Nội         (ảnh chụp năm ……………)

***

Giai Ðoạn HAI

(Saigon: CVA - Saigon từ thành lập 1954 đến giải thể 1978)

A.- Từ sau Hiệp Ðịnh Genève 21-7-1954 đến biến cố 30-4-1975

1.- Lật lại các trang sử đầu tiên của trường CVA - Saigon

  1. Bước đầu định cư ở Saigon

Trong khoảng tháng 8  tháng 9 năm 1954, trước khi quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản thủ đô Hà Nội, một bộ phận của trường Trung Học Chu Văn An được lệnh của bộ Quốc Gia Giáo Dục di chuyển từ Hà Nội vào Saigon.

Hai vị Hiệu Truởng và Giám Học đương nhiệm (Gs. Vũ Ngô Xán & Gs. Vũ Ðức Thận) cùng với rất nhiều giáo sư và nhân viên (như các Gs. Hoàng Cơ Nghị, Bùi Phượng Chì, Vũ Lai Chương, Bùi Ðình Tấn, Vũ Hoàng Chương, Ðào Văn Dương, Nguyễn Văn Ðĩnh, Nguyễn Văn Mùi, Lê Văn Thu, Nguyễn Chung Tú, Cao Quang Cận, Lê Văn Nhung, Nguyễn Ðình Huề, Vũ Khắc Khoan, Ngô Duy Cầu, Nguyễn Hữu Lãng, Trần Văn Từ, Ðỗ Ðăng Dụng, Vũ Quang Nghiã v.v...)  đã theo trường di cư vào Nam.

  1. Chuẩn bị cho niên học đầu tiên

Để cho việc giảng dạy và học tập, lúc bấy giờ, được liên tục, không bị gián đoạn, vị Giám Đốc nha Học Chánh miền Bắc di cư (Gs. Đỗ Trí Lễ) đã nhanh chóng ký thông tư thành lập trường Trung Học Đệ Nhị Cấp CHU VĂN AN - Saigon và tái bổ nhiệm ban Giám Hiệu CVA - Hà Nội  vừa mới di cư vào Nam, tiếp tục đảm nhiệm công tác cũ tại trường CVA - Saigon. Thành phần ban Giám Hiệu CVA - Saigon đầu tiên gồm có: Hiệu Trưởng (Gs. Vũ Ngô Xán ), Giám Học (Gs. Vũ Ðức Thận), Tổng Giám Thị (Gs. Nguyễn Hữu Lãng). Ngoài thành Giáo Chức và Nhân Viên nòng cốt từ CVA - Hà Nội, vừa mới di cư vào Nam, Nha Giám Ðốc Học Chánh miền Bắc di cư  còn tuyển chọn thêm nhiều Giáo Chức và Nhân Viên mới ở ngay tại địa phương.

2.- Trường sở, phòng lớp của trường CVA Saigon (theo thứ tự thời gian)

a) Trụ sở đầu tiên: tạm thời ở trường Pérus Ký (nk.1954- 1955):

            Ðể kịp khai giảng Niên Khóa đầu tiên 1954-55, ban Giám Hiệu Chu Văn An đã thương lượng với ban Giám Hiệu Pétrus Ký, để cho học sinh CVA được học chung với học sinh Pétrus Ký ngay tại trụ sở của trường Pétrus Ký (Pétrus Ký học sáng - CVA học chiều).

Số phòng dùng làm lớp học là 20, vừa đủ để tổ chức 20 lớp học cho mỗi xuất: (20 lớp học xuất sáng dành cho H.s. Pétrus Ký; 20 lớp học xuất chiều dành cho H.s. Chu Văn An)

            Trong Niên khóa 1954-55, trường CVA chỉ xử dụng 19 phòng làm lớp học để giảng dạy cho 1168 học sinh (1144 Nam & 24 Nữ).

Niên khoá 1954-55  có: 5 lớp Ðệ Nhất Cấp & 14 lớp Ðệ Nhị Cấp.

            Số lớp Ðệ Nhị Cấp gồm:  4 lớp 10  -   4 lớp 11  -   6 lớp 12.

            Xét riêng cấp lớp 12 có:  2 lớp 12A;  3 lớp 12B; 1 lớp 12C

GHI CHÚ:Lúc bấy giờ, lớp 12 còn được gọi là lớp Ðệ Nhất; lớp 11 còn được gọi là lớp Ðệ Nhị; và  lớp 10 còn được gọi là lớp Ðệ Tam.

b) Trụ sở thứ hai:  Từ niên khoá 1955-56 cho đến tháng 6-1961, đặt tại một ngôi nhà 2 tầng, trong khuôn viên nguyên thủy (*) của truờng Pétrus Trương Vĩnh Ký.   Ngôi nhà này, mấy năm trước đó, là trụ sở của Công An Bình Xuyên, và ở trong hiện tại thuộc quyền sử dụng của trường Ðại Học Sư Phạm. Nhờ sự can thiệp của bộ Quốc Gia Giáo Dục mà trường Chu Văn An mới có được một trụ sở độc lập, riêng biệt  nêu trên đây.

GHI CHÚ:(*)  Nguyên thủy, dưới thời Pháp thuộc, trường Pétrus Ký đuợc xây dựng trên một khu đất rộng lớn, nằm trọn giữa 4 con đưởng lớn. Ngoài khu trường chính, còn có những nhà lầu 2 tầng dành cho học sinh nội trú. Những toà nhà nầy, về sau, được dùng làm những cơ sở giáo dục khác (như: Ðại Học Khoa Học - Ðại Học Sư Phạm - Trường Trung Học Kiểu Mẫu v.v…)

Ngôi nhà 2 tầng này được sử dụng như sau:

  • Tầng 1 và tầng 2, mỗi tầng có 2 phòng lớn (nguyên thủy dành làm phòng ngủ cho học sinh nội trú).  Ngay sau khi vừa tiếp thu, ban Giám Hiệu đã có kế hoạch dùng gỗ và cát tông cứng, chia mỗi phòng lớn ra làm 2 phòng nhỏ, dùng làm 8 phòng học.
  • Tầng trệt có 4 phòng, đều là vách gạch, sử dụng như sau: 1 phòng dùng làm phòng Hiệu Trưởng; 1 phòng dùng làm Văn Phòng; 2 phòng làm 2 phòng học.

Số phòng dùng làm phòng học  10, đủ để tổ chức 20 lớp học (10 lớp học xuất sáng và 10 lớp học xuất chiều ) (* *).

Niên khoá 1955-56, trường CVA thu nhận khoảng 2000 học sinh, trong số đó có 144 nữ sinh từ trường Trương Vương chuyển qua.  Niên khoá này có ……..lớp Ðệ Nhất Cấp và ……. lớp Ðệ Nhị Cấp: Số ……lớp Ðệ Nhị Cấp gồm: … lớp 12 (…lớp 12 A; ... lớp 12 B; …lớp 12 C) … lớp 11  và … lớp 10

Niên khoá 1956-57 chỉ có nam học sinh mà thôi, vì lúc bấy giờ Trưng Vương không còn gởi  học sinh qua Chu Văn An nữa.  Niên khoá này có ……..lớp Ðệ Nhất Cấp và ……. lớp Ðệ Nhị Cấp: Số ……lớp Ðệ Nhị Cấp gồm:  … lớp 12 (... lớp 12 A; ... lớp 12 B; … lớp 12 C) … lớp 11  và … lớp 10

Từ niên khoá 1957-58 cho đến khi chuyển sang trường mới (tháng 61961), số lớp tuy có thay đổi theo từng niên khoá, nhưng chẳng chênh lệch bao nhiêu.

GHI CHÚ: (**) Vào những năm mà số lớp tăng nhiều, không có đủ phòng học, ban Giám Hiệu đã có sáng kiến sử dụng một nhà in cũ, bỏ trống, ở nơi sân bóng cạnh trường, làm thêm 2 phòng học nữa.

c) Trụ sở thứ ba:   Từ tháng 6-1961 đến thời điểm trường giải thể (8-1978)

Năm 1957 Gs. Trần Văn Việt thay Gs. Vũ Ngô Xán làm Hiệu Trưởng trường CVA.  Chỉ một thời gian ngắn, sau khi lãnh nhiệm vụ mới, Gs. Trần Văn Việt đã tích cực vận động Bộ Quốc Gia Giáo Dục để xin tân tạo  “một trụ sở chính thức cho trường CVA”.

Thỉnh nguyện được nhanh chóng duyệt xét. Bộ đã quyết định cấp ngay cho CVA một khu đất khá rộng để xây dựng một trường sở mới chính thức và riêng biệt. Khu đất này ở sát bên khu Cư Xá Sinh Viên Ðại Học. Từ nơi đây, nhìn xéo qua đường, là khu vực Nhà Thờ Ngã Sáu Chợ Lớn.

Ngôi trường mới, có cổng chính  ở địa chỉ  546 Hồng Bàng, Quận 5, Saigon  (hiện nay là 546 Ngô Gia Tự - Quận 5, T/P Hồ Chí Minh), gồm 3 toà nhà 3 tầng (***) xây song song với nhau, do Nữ Kiến Trúc Sư Huỳnh Thị Kiều Nga (thuộc Tổng Nha Kiến Thiết) vẽ họa đồ thiết kế.

GHI CHÚ:(***) Toà nhà thứ 3, ở tận trong cùng, sau một thời gian ngắn, được nâng lên thêm một tầng nữa.  Ngoài ra, từ cổng vào, thẳng góc với 3 toà nhà còn có xây thêm một Hội Truờng khá rộng lớn, dành cho các sinh hoạt về văn nghệ, thể dục, thể thao. Ba toà nhà nầy được sử dụng như sau:

*  Toà nhà thứ Nhất (ngoài):

            - Tầng Trệt có phòng: 1 phòng dùng làm Phòng Hiệu Trưởng & Văn Phòng Hiệu Trưởng, 1 phòng dùng làm Phòng Giáo Sư, 1 phòng dùng làm phòng Giám Thị

- Tầng 2 có  4 phòng dùng làm 4 phòng học

- Tầng 3 dùng làm thư viện

*  Toà nhà thứ Hai (giữa):

- Tầng Trệt có 4 phòng dùng làm 4 phòng học

- Tầng 2 có 4 phòng dùng làm 4 phòng học

*  Toà nhà thứ Ba (cuối)

- Tầng Trệt  có phòng: 2 phòng dùng làm Phòng Thí Nghiệm & Phòng Thực Tập Thí Nghiệm và 2 phòng dùng làm 2 phòng học.

- Tầng 2 có 4 phòng dùng làm 4 phòng học

- Tầng 3 có 4 phòng dùng làm 4 phòng học

Số phòng dùng làm phòng học là 24 đủ để tổ chức 48 lớp học (24 lớp xuất sáng và 24 lớp xuất chiều ).  Ở trụ sở mới, do số phòng dùng làm lớp học gia tăng, nên có khả năng thu nhận thêm nhiều học sinh (thu thêm học sinh vào các lớp Ðệ Nhất Cấp).

Niên khoá 1961-62 có: 24 lớp Ðệ Nhất Cấp (6 lớp cho mỗi cấp lớp 6-7-8-9) 24 lớp Ðệ Nhị Cấp (8 lớp cho mỗi cấp lớp 10-11-12)

Từ niên khoá 1962-63 đến niên khoá 1974-75 (năm 1975 có biến cố 30-4-75) số lớp, tuy có thay đổi theo từng niên khoá, nhưng chẳng có chênh lệch nhiều.   

CHU VĂN AN lớp tối :      

Cũng như các trường bạn trong vùng “Saigon - Cholon - Gia Ðịnh”, tại trụ sở thứ Ba, kéo dài cho đến 30-4-75, trường CVA có mở thêm những lớp học tối dành cho các học sinh bán công. Ban Giám Hiệu và ban Giáo Sư CVA đảm nhiệm điều hành & giảng dạy.

Thời gian từ 1-5-1975 đến tháng 8-1978 đã có rất nhiều sự việc làm thay đổi sâu đậm nếp sinh hoạt truyền thống của trường Chu Văn An.

Sau biến cố lịch sử 30-4-1975toàn ban Giám Hiệu trường Chu Văn An ngưng sinh hoạt. Việc quản trị & điều hành nhà trường do một ban Quân Quản gồm một số cán bộ an ninh từ miền Bắc và từ Mặt Trận GPMN  đảm nhiệm.

Sáng ngày 1-5-1975, cán bộ Ðinh Kim Phương, trưởng ban Quân Quản, kêu gọi toàn thể Giáo Sư, Nhân Viên và học sinh trở lại trường.  Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các Giáo Sư CVA đã trở lại bục giảng, tiếp tục giảng dạy học sinh cho đến hết niên khoá 1974-75.

Ðến cuối hè niên khoá 1974-75, ban Quân Quản trao việc quản trị và điều hành nhà truờng cho một ban Giám Hiệu mới, chuẩn bị khai giảng niên khoá mới 1975-76.

Từ niên khoá 1975-76, trường Chu Văn An lại phải đối diện với nhiều sự thay đổi sâu rộng hơn nữa:

- Ban Giám Hiệu mới, đặc biệt là Hiệu Trưởng là cán bộ giáo dục miền Bắc, hoặc cán bộ giáo dục miền Nam hoạt động ở Nội Thành.

- Bên cạnh cơ cấu tổ chức của ban Giám Hiệu còn có thêm một bộ phận đặc trách về sinh hoạt chính trị tại học đường.

- Một số giáo chức & nhân viên CVA được bổ nhiệm công tác ở trường khác.

- Một số giáo chức & nhân viên mới được chuyển về CVA.

- Một số học sinh CVA được chuyển đến các trường khác.

- Một số học sinh mới đuợc chuyển đến học ở trường CVA, gồm: Học sinh con cháu cán bộ, từ miền Bắc, theo gia đình vào Saigon.  Học sinh Việt & Hoa, học theo chương trình Pháp, từ các trường Tư Thục Trần Khai Nguyên và Bác Ái.  Học sinh Việt & Hoa, học theo chương trình  Việt, từ các trường Tư Thục khác thuộc địa  bàn Quận 5, Quận 10.  Một số học sinh Việt & Hoa, học theo chương trình Pháp trường Marie Curie (thuộc toà Lãnh Sự Pháp) và là cư dân các Quận 5 & Quận 10 v.v….

Chưa bao giờ Giáo Sư  CVA lại phải đối diện với một thành phần học sinh quá đa dạng, quá phức tạp đến như vậy (học sinh Nam và  học sinh Nữ ở tất cả các cấp lớp - học sinh. miền Bắc và học sinh miền Nam có chương trình học khác nhau -  học sinh theo chương trình Việt và học sinh theo chương trình Pháp - học sinh Việt & học sinh gốc Hoa - học sinh trường Công Lập và học sinh trường Tư Thục có trình độ chênh lệch nhau).

Tập thể Giáo Sư CVA vừa phải cố gắng hoà nhập vào nếp sinh hoạt mới, vừa phải bảo đảm phẩm chất trong giảng dạy, quả thật đã phải đối phó với quá nhiều khó khăn thử thách.

Thế nhưng, nhờ truyền thống “mến nghề, yêu trẻ”, anh chị em Giáo Sư CVA đã vượt qua mọi trở ngại, đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh. Những thành quả này được thể hiện rõ nét qua sự cố gắng học tập của học sinh ở các cấp lớp, qua thành tích tốt đẹp mà học sinh cấp lớp 12 đã đạt được trong các kỳ thi Tốt Nghiệp Phổ Thông (Tú Tài) và các kỳ thi tuyển Ðại Học & Cao Ðẳng, cũng như qua sự biểu lộ tình cảm, lòng tin kính của các học sinh đối với các thầy Cô.

Niên khoá 1975-76,  trường có trên 2000 học sinh  (gồm cả  học sinh Nam lẫnhọc sinh Nữ). Vì phân nửa số học sinh Ðệ Nhất Cấp được chuyển sang các trường khác, và nhằm có chỗ để thu nhận các học sinh Ðệ Nhị Cấp từ các trường Tư Thục trong khu vực chuyển đến, nên số 48 lớp được phân phối lại như sau:
  • 12 lớp Ðệ Nhất Cấp (3 cho mỗi cấp lớp 6-7-8-9)
  • 36 lớp Ðệ Nhị Cấp (12 cho mỗi cấp lớp 10-11- 12)

Số lớp ở các niên khoá 1976-77 & 1977-78, tuy có thay đổi, nhưng chẳng có chênh lệch bao nhiêu.

* * *

Giai Ðoạn BA: 

Thời Kỳ  Hậu CVA - Saigon

a) Cuối năm 1978

                        Cuối mùa Hè của niên khoá 1977-78, trong khi ở các trường bạn, giáo sư và học sinh rộn rịp chuẩn bị đón ngày Khai Trường niên khoá 1978-79, thì tại trường Chu Văn An - Saigon, một bầu không khí trầm lặng, khác thường bao trùm phòng họp.

ð                  Ban Giám Hiệu thông báo quyết định giải thể trường Trung Học Chu Văn An.

 Vị Hiệu Trưởng đương nhiệm tự tay trao các sự vụ lệnh thuyên chuyển đến các Giáo Chức và  Nhân Viên, để mọi người gấp rút đi nhận công tác mới ở các trường khác, kịp mùa khai giảng 1978- 1979.  Lịch trình di chuyển học sinh các cấp lớp đến các trường khác trong khu vực cũng được thông báo và niêm yết tại trường.

Thông báo “giải thể trường Trung Học Chu Văn An”, đã gây nhiều xúc động nơi mọi người trong cuộc, trước cảnh chia ly quá đột ngột. Toàn thể Giáo Chức Nhân Viên và Hoc Sinh ngậm ngùi chia tay nhau, chuẩn bị sẵn sàng ra đi đến nhiệm sở mới.  Nhưng trong tâm khảm, mọi người đều:

  • Ước mơ được thấy “trường Trung Học Chu Văn An Saigon sớm được hoạt động trở lại”
  • Ước mơ “tại Thành Phố Saigon, sẽ có một trường Phổ Thông Trung Học Chu Văn An hình thành ngay nơi mà trước đây trường Trung Học Chu Văn An Saigon tọa lạc”.

Ðược như vậy:

  • Các cựu Giáo Chức, Nhân Viên & Học Sinh CHU VĂN AN sẽ hội đủ thuận duyên, sẽ có được thuận cảnh, nhằm tham gia hỗ trợ nhà trường trong một số công trình phát triển thuộc nhiều lãnh vực, như: thể dục, thể thao, y tế, thư viện, vi tính, sinh ngữ v.v…; đồng thời tham gia đóng góp một số học bổng để nhà trường cấp cho các học sinh ưu tú.
  • Các cựu Học Sinh CVA ở thế hệ đàn anh, sẽ có cơ hội đem kiến thức, đem kinh nghiệm để trao truyền lại cho các lớp học sinh ở thế hệ đàn em, qua những dịp thăm viếng trường, qua những dịp nói chuyện về các đề tài khoa học kỷ thuật hiện đại.
  • Các cánh chim Chu Văn An, hiện đang sống rải rác khắp 10 phương Thế Giới, ở trong cũng như ở ngoài Nước, theo tiếng gọi đàn, sẽ thật sự được quay trở về nơi tổ ấm.

b) Ðầu năm 1979

Vào đầu năm 1979, theo sự sắp xếp của sở Giáo Dục T/P Hồ Chí Minh, trụ sở của trường Chu Văn An đã được chuyển giao cho:  Trường PHỔ THÔNG LAO ÐỘNG Thành Phố Hồ Chí Minh

Trường PHỔ THÔNG LAO ÐỘNG T/P HCM  chuyên dạy Bổ Túc Văn Hoá theo chương trình Phổ Thông Trung Học (có hạn chế) dành riêng cho cán bộ và công nhân viên dân sự & quân sự, đang tại chức, cư ngụ trong địa bàn T/P HCM.

c) Năm 1998

Vào năm 1998, khi hệ thống trường PHỔ THÔNG LAO ÐỘNG toàn quốc được lệnh giải thể vì hết nhiệm vụ thì trụ sở của trường Chu Văn An cũ lại được sử dụng để phục vụ một hệ thống trường mới, mang tên TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN  đặc trách về Giáo Dục Cộng Ðồng cho nhiều tầng lớp, vừa dạy nghề, vừa dạy văn hoá, đặc biệt là dạy văn hoá theo chương trình Phổ Thông Trung Học Cấp 3 (có hạn chế).  Ủy Ban Nhân Dân T/P HCM quyết định đặt tên cho ngôi trường mới  là:

TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN CHU VĂN AN

(Nơi tấm bảng ở cổng chính vào Trường có ghi địa chỉ và số điện thoại hiện tại)

Như vậy là: Sau 20 năm dài vắng bóng, tên CHU VĂN AN tái xuất hiện trên tấm bảng ở cổng chính vào trường

Ngôi trường mới tọa lạc tại địa điểm cũ không phải là một trường Trung Học, mà lại là một TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN. Thế nhưng riêng cái tên Chu Văn An, ghi ở cổng trường, cũng đã có hấp lực đặc biệt đối với các thành viên trong Đại Gia Đình Chu Văn An.

Rất nhiều Cựu Giáo chức, Nhân Viên & Học sinh CVA từ khắp mười phương về thăm nơi chốn cũ, đã đến đứng trước cổng trường chụp một vài hình kỷ niệm, để hồi tưởng lại những  sinh hoạt quen thuộc ấm cúng với thầy cũ bạn cũ, dưới mái trường xưa mang tên Trung Học Chu Văn An

Chương  2

 

1954     ---                         ---Vũ Ngô Xán      Vũ Ðức Thận              Nguyễn Hữu Lãng

1955    ---                          ---                          ---

1956     ---                         ---                          ---

1957    ---                          ---                          Trần Văn Việt Nguyễn Hữu Văn                  

1958   ---                          ---                          Bùi Ðình Tấn

1959    ---                          ---                          ---    

1960    ---                          ---                          ---Ng. Văn Kỹ Cương

1961    ---                          ---                                ---

1962    ---                          ---                          Lê Văn Lâm         

1963    ---                          ---                          Nguyễn Hữu Văn

1964    ---                          ---                          Ðàm Xuân Thiều         Ðào Văn Dương  

1965    ---                          ---Cao Xuân Các   Bùi Ðình Tấn Nguyễn Ð. Quỹ         

1966    ---                          --- Nguyễn V. Phong        ---        Dương Minh Kính

1967    ---                          --- Nguyễn Xuân Quế       --- Nguyễn Ðức Quang

1968    --- Nguyễn Xuân Quế             --- Ng. Huy Ðương     --- Hà Trường Tiệp       

1969    ---                          --- Hoàng Ngọc Anh         ---

1970    ---                          ---                          ---       

1971    ---                          ---                          ---       

1972    ---                          ---                          --- Trần Quang Lãng              

1975 (đến 30- 4- 1975)     ---                          ---

Thời gian từ 1- 5- 1975 đến …- 8- 1978 (ngày Chu Văn An ngưng hoạt động):

Sau biến cố lịch sử 30/4/1975, toàn ban Giám Hiệu trường Chu Văn An ngưng sinh hoạt. Việc quản trị và điều hành trường CVA  do một ban Quân Quản gồm một số cán bộ từ miền Bắc và từ Mặt Trận GPMN đảm nhiệm. Trưởng ban Quân Quản là cán bộ Ðinh Kim Phương.

Ðến cuối Hè niên khoá 1974-75, trách nhiệm quản trị và điều hành nhà trường được trao lại cho ban Giám Hiệu mới, nhằm chuẩn bị khai giảng niên khoá 1975-76.

Các ban Giám Hiệu trong khoảng thời gian này như sau :

            Niên khoá 1975- 76   và   1976- 77          

-                      Hiệu Trưởng         :  Vũ Văn Huệ (Cán bộ Giáo Dục nội thành)

-                      Hiệu Phó (chuyên môn)          :  Cao Ðình Quát (GS. CVA)

-                      Hiệu Phó ( chính trị )   Lê Minh Ngọc  (Cán bộ Giáo Dục miền Bắc) 

            Niên khoá 1977- 78

-                      Hiệu Trưởng         :  Vũ Văn Huệ    

-                      Hiệu Phó (chuyên môn)          :  Nguyễn Thị Kim Anh

-                      Hiệu Phó (chính trị)    :  Lê Minh Ngọc  rồi  Quách Bích Hà thay thế.

DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH HỘI P.H.H.S.-CVA

Nhiệm kỳ : ( 1955 – 19……. )

                                    - Hội Trưởng : Ông Ðào Văn Trung

- Phó Hội Trưởng : ………………

                        Nhiệm kỳ : ( 19…. – 19……. )

                                    - Hội Trưởng : Bác sỹ  Lê Duy Chất

- Phó Hội Trưởng : ………………

Nhiệm kỳ : ( 19….. – 19……. )

                                    - Hội Trưởng : Ông Vũ Ngô Xán

                                    - Phó Hội Trưởng : ………………

Nhiệm kỳ : ( 19…. – 19……. )

                                    - Hội Trưởng : Ông Nguyễn Văn Tuân

                                    - Phó Hội Trưởng : ………………

Nhiệm kỳ : ( 1967 – 1975 )

                                    - Hội Trưởng : Ông Ðỗ Kế Thuật

- Phó Hội Trưởng : Bà Huỳnh Kiêm Anh

Chú Thích  :  Ở đây chỉ ghi tên họ, Ðịa chỉ, số điện thoại ghi trong các bản danh sách CGC&NV-CVA

Chương  3

Sinh Hoạt  trường Chu Văn An Xuyên qua : Hình ảnh lưu niệm

*

Hướng về Thế Hệ trước

Sinh hoạt trường CHU VĂN AN Hà Nội

(1945 đến 1954)

*

Sinh hoạt trường CHU VĂN AN Saigon

(1954 đến 1978)

Chương  4

- Sơ đồ tổ chức các trụ sở liên lạc Ái Hữu Cựu GC&NV-CVA -  Saigon

- Danh sách các đại diện liên lạc ở các Khu Vực và ở các vùng

- Danh sách các Ái Hữu Cựu GC&NV-CVA

- Hướng về Thế Hệ trước Cựu GC&NV-CVA Hà Nội (1945-1954)

- Danh sách Ái Hữu Cựu GC&NV-CVA Saigon (1954-1978)

            Sơ Ðồ Tổ Chức

Các trụ sở liên lạc của Ái Hữu Cựu GC&NV  CHU VĂN AN Saigon

Khu Vực Á Châu TBD

  • Trụ sở liên lạc ở vùng Nhật Bản
  • Trụ sở liên lạc ở vùng……………
  • Trụ sở liên lạc ở vùng……………        

Khu Vực Âu Châu

  • Trụ sở liên lạc ở vùng Anh
  • Trụ sở liên lạc ở Vùng Ðức
  • Trụ sở liên lạc ở Vùng Pháp
  • Trụ sở liên lạc ở Vùng ……………

Khu Vực Gia Nã Ðại

  • Trụ sở liên lạc ở vùng Montreal- Qué.
  • Trụ sở liên lạc ở Vùng Toronto Ont.
  • Trụ sở liên lạc ở Vùng ………….

Khu Vực Hoa Kỳ

  • Trụ sở liên lạc ở vùng Wasghington DC & miền Ðông
  • Trụ sở liên lạc ở vùng Bắc California
  • Trụ sở liên lạc ở vủng Nam California
  • Trụ sở liên lạc ở vùng Texas

Khu Vực Úc Châu & Tân Tây Lan

  • Trụ sở liên lạc ở vùng ……………...
  • Trụ sở liên lạc ở vùng …………….
  • Trụ sở liên lạc ở Vùng …………….
  • Trụ sở liên lạc ở Vùng ……………..

Khu Vực bổ sung

Gồm các vùng lẻ tẻ ở ngoài Việt Nam, nhưng không thuộc vào 5 Khu Vực Hải Ngoại (nêu trên đây), hoặc ở trong 5 Khu Vực Hải Ngoại trên, mà không thuộc các Vùng liệt kê nơi các Khu Vực này.

Cựu GC&NV CVA SAIGON  cư ngụ ở trong Khu Vực bổ sung, liên lạc trực tiếp với Trụ Sở  Liên Lạc Trung Ương ở  miền Nam California.

Ở Quốc Nội: Hiện nay chưa có Ban Liên LẠC Cựu Giáo Chức & Nhân Viên CHU VĂN AN (1954- 1978)

Danh sách các “Ðại Diện liên lạc “ ở các Vùng     

KHU VỰC Á CHÂU TBD

Chưa có Ðại Diện.

KHU VỰC ÂU CHÂU

Ðại Diện liên lạc Vùng Pháp Quốc:  Ðinh Ðức Mậu (và cũng là Ðại diện liên lạc khu vực)

Ð/c Trụ Sở  :   7 Chaussée Jules César -  95600 E    Aubonne - France

Ð/t …………………………………………… Ð/c Email

KHU VỰC GIA NÃ ÐẠI

Ðại Diện liên lạc Vùng Toronto, Ontario:   Hoàng Minh Hùng

Ð/c Trụ Sở : 827 College,  Toronto, Ontario     - (416) 516- 3830

KHU VỰC HOA KỲ

Ðại Diện liên lạc Vùng Bắc California: Trần Quang Lãng

Ð/c Trụ Sở: 933 Burman Dr., San José, CA 95111

Ð/t (408) 629- 9465.     Ð/c Email:

*  Ðại Diện liên lạc Vùng Nam California :

Nguyễn Văn Dũng - Chu Ðức Nhuận

Ð/c Trụ Sở:  13321  Garden Grove Suite F, Garden Grove, CA 92843

Ð/t : (714) 750- 5413 (W) -  (714) 751- 5530  (H).   Ð/c Email:

Ðại Diện liên lạc Vùng Texas :  Lê Hữu Phụng

Ð/c Trụ Sở : 13706  Ortega  Lane – Houston , TX. 77083- 3454

Ð/t : (281) 879- 7689.  Ð/c Email : This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

KHU VỰC ÚC CHÂU & TÂN TÂY LAN

Ðại Diện liên lạc Vùng Sydney :  Hồ Đình Mai

Ð/c Trụ Sở ……………………………………………………………………

Ð/t ……………………………………… Ð/c Email ..………………………

KHU V ỰC bổ sung

Gồm một số nơi ở Quốc Ngoại, nhưng không thuộc các khu vực 1, 2, 3, 4, 5.  Ban liên lạc Trung Ương đảm trách việc này.

 
Ở QUỐC NỘI

Hiện nay chưa có Ban Liên Lạc Cựu Giáo Chức & Nhân Viên CHU VĂN AN- Saigon (1954- 1978)

Trình bày sơ  lược về  Danh sách Ái Hữu Cựu GC&NV-CVA Saigon:

Trước biến cố lịch sử 30- 4- 1975, Giáo Chức & Nhân Viên CHU VĂN AN đi định cư ở các nước ngoài rất ít.  Ngay sau biến cố  30- 4-1975, và liên tục trong suốt 2 thập niên sau đó, số Giáo Chức và Nhân Viên CVA di tản ra nước ngoài gia tăng rất đáng kể. Do hàng ngũ phân tán, nên sự liên lạc giữa các Ái Hữu CGC&NV CVA trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp. Có nhiều vị  đã hoàn toàn bị mất liên lạc.

Ðã đến lúc chúng ta cần lập một danh sách, tương đối khá đầy đủ của chư vị Hữu cựu Giáo Chức & Nhân Viên CVA Saigon (1954- 1978), theo mẫu dưới đây.

Số t.t. Họ & Tên Năm Sinh Công Tác, Thời Gian Phục Vụ

Danh Sách Cập Nhật 5-2004

-          còn sống (1)

-          đã mất (2)

-          không rõ (3)

1 2 3
               
               

1.- Đối với chư Ái Hữu hiện đang sống rải rác ở khắp nơi trên toàn Thế Giới, nên cố gắng ghi đầy đủ các dữ kiện cần thiết (về năm sanh, về công tác & thời gian phục vụ tại CVA Saigon,về địa chỉ nhà, về số điện thoại,về đ/c  email) để tiện liên lạc khi cần.     

=> Nếu biết chắc chắn còn sống, xin đánh dấu (x) ở cột 1

1

2 3
x    

2.- Đối với chư Ái Hữu đã qua đời, nên cố gắng ghi đầy đủ các dữ kiện cần thiết (về các năm sanh & năm mất, về công tác & thời gian phục vụ tại CVA Saigon, về ngày/tháng/năm & nơi vĩnh biệt của chư Ái Hữu quá cố ).

=> Nếu biết chắc chắn đã mất, xin đánh dấu (x) ở cột 2

1

2 3
  x  

3.- Đối với chư Ái Hữu không biết rõ còn/mất

=> Nếu không rõ còn sống hay đã mất, xin đánh dấu (x) ở cột 3

1

2 3
    x

GHI CHÚ : 

Xin đề nghị ghi rõ (nhưng vắn tắt) về công tác tại trường CVA, như:

Hiệu Trưởng - Giám Học - Tổng Giám Thị - Gs Anh Văn - Gs Pháp Văn - Gs Việt Văn - Gs Triết - Gs Công dân - Gs. Vạn Vật - Gs. Toán - Gs Lý Hoá - Gs Sử Ðịa - Gs. Hội Họa - Gs Âm Nhạc Trưởng Phòng Hành Chánh - Trưởng Phòng Kế Toán - Thư Ký V.P. - Hlv Thể dục  - Giám thị - Y tá - Tài xế - Nhân Viên Phụ dịch  v.v.

Chư vị cựu Hội Trưởng HPHHS, cựu Phó Hội Trưởng HPHHS, cựu Hội Viên HPHHS cũng đều là Thành Viên của Ðại Gia Ðình CVA.

Danh sách cần phải được thường xuyên cập nhật hoá

* * *

Trường CHU VĂN AN  Saigon

Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức & Nhân Viên           

Hướng về Thế Hệ trước

 Cựu Giáo Chức & Nhân Viên CHU VĂN AN                                        Hà Nội (1945 – 1954)

Trước khi trình bày Danh Sách các cựu Giáo Chức và Nhân Viên trường CHU VĂN AN Saigon (từ năm 1954 đến năm 1978), kính mời toàn thể cựu Giáo Chức, cựu Nhân Viên và cựu Học Sinh CVA Saigon hãy hướng về Thế Hệ trước, Thế Hệ cựu Giáo Chức, cựu Nhân Viên và cựu Học Sinh trường CHU VĂN AN Hà Nội (từ năm 1945 đến năm 1954). Vì không có nhiều tài liệu và hình ảnh về trường CHU VĂN AN Hà Nội trước 1954, nên:

  • Ở Chương 3, chỉ cố gắng tìm một số hình ảnh lưu niệm về các sinh hoạt, như hình ảnh Giáo Sư chụp chung với Học Sinh, hình cổng trường v.v….
  • Ở Chương 4 này, chỉ cố gắng liệt kê tên một số các vị Hiệu Trưởng, Giám Học,Tổng Giám Thị, Giáo sư, Nhân Viên.

Nhớ được chừng nào ghi chừng đó, sẽ từ từ bổ túc sau.

Sau đây là tên của một số vị đã biết được.

-                      Hiệu Trưởng gồm các Gs Hoàng Cơ Nghị, Nguyễn Gia Tường Dương Quảng Hàm, Mai Văn Phương, Ðỗ Văn Hoán, Phạm Xuân Ðộ, Vũ Ngô Xán.

-                      Giám Học và Tổng Giám Thị: Chỉ biết có 2 vị là Vũ ĐứcThận và Nguyễn Hữu Lãng

-                      Giáo Sư các môn hoc chính: Có nhiều Giáo Sư theo trường vào dạy lại ở CVA Saigon, như các vị Bùi Phượng Chì, Vũ Lai Chương, Bùi Ðình Tấn, Vũ Hoàng Chương, Ðào Văn Dương, Nguyễn Văn Ðĩnh, Nguyễn Văn Mùi, Lê Văn Thu, Nguyễn Chung Tú, Cao Quang Cận, Lê Văn Nhung, Nguyễn Ðình Huề, Vũ Khắc Khoan, Ngô Duy Cầu v.v..

Có nhiều vị chuyển ngành, sang dạy Đại Học như các vị Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Ngọc Cư, Nguyễn Đình Hoà

Nhân viên Văn Phòng, Giáo chức các môn học phụ như các vị: Đỗ Đăng Dụng, Vũ Quang Nghiã, nhạc sĩ Hùng Lân, nhạc sĩ Thiên  Phụng v.v...

* * *

Trường CHU VĂN AN  Saigon

Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức & Nhân Viên

Danh Sách Chư Ái Hữu Cựu Giáo Chức & nhân Viên CHU VĂN AN Saigon (1954 – 1978)

Số t.t. Họ & Tên Năm Sinh Công Tác, Thời Gian Phục Vụ

Danh Sách Cập Nhật

5-2004

-          còn sống (1)

-          đã mất (2)

-          không rõ (3)

1 2 3
  1

Trần Ðức An

19…

G.s………

từ 19…

đến………

California, Hoa Kỳ x    
  

Nguyễn Viết An

19…

G.s Toán

từ 1954 đến……..

Mất ngày…-…- …

tại……………………

  x  
   Huỳnh Kiêm Anh 19…

G.s……….

từ 19….  đến……..

  x    
   Hoàng Ngọc Anh 19…

G.s……& Giám Học

từ 19….  đến……..

Hiện ở Anh Quốc

(không rõ địa chỉ)

x    
  5

Phạm Đình Ái

19…

G.s Lý Hoá

từ 1954  đến……..

Mất ngày…-…- …

tại……………………

  x  
 

Vũ Ngọc Ánh

19…

G.s……….

từ 19….  đến……..

California, Hoa Kỳ x    
  Nguyễn Ngọc Ẩn

19…

Giám thị

từ 1972 đến 1978

Việt Nam x    
  Lê Thái Ất 19…

G.s……….

từ 19….  đến……..

California, Hoa Kỳ x    
  Vũ  Bảo  Ấu 19…

G.s……….

từ 19….  đến……..

  x    
 10 Nguyễn Gia Bảo 19…

Hlv ThểDục

từ 19……

đến….

Texas, Hoa Kỳ x    
  Bùi Xuân Bảo 1937

G.s Sử Ðịa

từ 1966

đến 1978

Việt Nam x    
  Lưu Thị Bé 1948

Thư ký VP

 từ 1972 đến 1978

Việt Nam x    
  Vũ Tôn Bình  

G.s Âm Nhạc

từ 19……

đến…….

  x    
  Đặng Văn Biền  

Giám Thị

từ 19……

đến…….

Mất ngày ……….1997

tại Saigon - Việt Nam

  x  
 15 Nguyễn Văn Bộ 19…

NV Phụ dịch

từ 19……

đến…….

Mất ngày ……….

tại Saigon - Việt Nam

  x  
  Phạm Thị Bút 1937

NV Phụ dịch

từ 1972

đến 1976

Việt Nam x    
  Cao Xuân Cát 19…

Gs Lý Hoá - TGT

từ 19……

đến…….

Mất ngày ……….1994

tại Phước Tuy

- Việt Nam

  x  
  Trần Văn Can 19…

Thư Ký Kế Toán

từ 19……

đến…….

Mất ngày ……….

tại Saigon - Việt Nam

  x  
  Nguyễn Cảnh 19…

Tài Xế.

từ 19……

đến………

Mất ngày ……….

tại Saigon - Việt Nam

  x  
 20

Nguyễn

        Văn Cảnh

19… Giám Thị

Mất ngày ……….

tại Hoa Kỳ

  x  
  Thẩm Nghiã Căn 1937

Gs Việt Văn

từ 1954

đến 1976

Việt Nam x    
  Cao Quang Cận 1924

Gs PhápVăn

từ 1954

đến 1977

Việt Nam x    
  Ngô Duy Cầu 19…

Gs Toán

từ 1954

đến ….

      x
 

Nguyễn

          Ngọc Cầu

19…

Gs Pháp

Văn

từ 19….  đến……..

Mất ngày ……….1958

tại Saigon - Việt Nam

  x  
 25 Hà Xuân Châu 19…

Gs Toán

 từ 19….  đến……..

Mất ngày ……….2003

tại Canada

  x  
  Lê Duy Chất 19…

Hội Trưởng PHHS

từ 19….  đến……..

      x
  Bùi Phượng Chì 1907

Gs Lý Hoá

từ 1954 đến……..

Mất ngày 1-1-2001

tại Georgia – Hoa Kỳ

  x  
  Phạm Chiền 19….

NV Văn Phòng

từ 1955

đến 1978

Mất ngày 24-1-2004

tại Saigon – Việt Nam

  x  
  Vũ Văn Chuyên  

Gs Vạn Vật

từ 1954

đến……..

      x
 30 Nguyễn Chuyết  

Gs ………

từ 19……..

đến……..

      x
 

   Hoàng  Chương

19…

Gs.Việt Văn

từ 1954 đến……..

Mất ngày ……….1977

tại Saigon - Việt Nam

  x  
  Vũ Lai Chương 19…

Gs. Lý Hoá

từ 1954 đến……..

Mất ngày ……….

tại Saigon - Việt Nam

  x  
  Nguyễn Ngọc Cư 19…

Gs.

từ 19……..

đến……..

Mất ngày ……….

tại Saigon - Việt Nam

  x  
 

Nguyễn Văn

            Kỷ Cương

1929

Gs.Toán

từ 1954 đến……..

Ontario, Canada x    
 35 Ðặng Ðức Cường 19…

Gs Anh Văn

từ 19……..

đến……..

Lousiana, Hoa Kỳ x    
 

Lương

          Trác Cường

19…

Gs ………

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 

Nguyễn

          Ngọc Diễm

19…

Gs PhápVăn

từ 19……..

đến……..

Minnesota, Hoa Kỳ x    
  Nguyễn Thị Dung 19…

Gs Vạn Vật

từ 1975

đến 1978

Việt Nam x    
 

Nguyễn

            Văn Dũng

19…

Gs ………

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 40 Đổ Đăng Dụng 19… TP Lương Bổng

Mất ngày ……….

tại Saigon - Việt Nam

  x  
 

Thái Thị

       Ngọc Duyên

19…

Gs Nữ Công

từ 1975 đến1978

Việt Nam x    
         Đặng Văn Dư 19…

Gs ………

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
  …………… Dự 19…

Giám Thị

từ 19……..

đến……..

      x
  Ðào Văn Dương 19…

Gs Toán

từ 1954

đến 1978

Texas, Hoa Kỳ x    
45 Vũ Ngọc Đạm 19…

Gs ………

từ 19……..

đến……..

  x    
  Đào Mạnh Đạt 19…

Gs ………

từ 19……..

đến……..

Minnesota, Hoa Kỳ x    
  Tôn Thất Đệ 19…

Gs Vạn Vật

từ 19……..

đến……..

Hoa Kỳ      
  Lê Đình Điểu 19…

Gs ………

từ 19……..

đến……..

Mất ngày…-…- …

tại……………………

  x  
  Vũ Văn Ðĩnh 19…

Thư ký VP 

từ 19……..

đến……..

Mất ngày ……….

tại Saigon - Việt Nam

  x  
50

Nguyễn

         Huy Ðương

19…

Gs ………

từ 19……..

đến……..

Mất ngày .-.-1999

tại Washington-Hoa Kỳ

  x  
 

LM. Lương

             Kim Ðịnh

19…

Gs ………

từ 19……..

đến……..

Mất ngày .-.-1997

tại Missouri-Hoa Kỳ

  x  
  Ðặng Văn Ðịnh 19…

Gs.Toán

từ 19……..

đến……..

Texas, Hoa Kỳ x    
  Nguyễn Thị Ðức 19…

Gs. Hoá

từ 1975 

đến 1978

Montreal, Canada x    
 

Nguyễn Phú Gia

19…

Gs. Toán Lý, Hoá

từ 1975 

đến 1978

Montreal, Canada x    
55 Trần Thanh Giản 19…

Gs.Sinh ngữ

từ 19……..

đến……..

Việt Nam x    
 

Nguyễn Thị   

                  Gương

1952

Thư ký VP

từ 19……..

đến……..

Việt Nam      
  Nguyễn Thị Hai 19…

N.V. phụ dịch 

từ 19……..

đến……..

Mất ngày ……….1998

tại Saigon - Việt Nam

  x  
 

Nguyễn Hanh

1922

Hlv Thể Dục

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
  Nguyễn Văn Hàm 1931

Gs. Văn - Triết

từ 1965

đến 197….

Việt Nam x    
60 Võ Thế Hào 19…

Gs. Toán

từ 19……..

đến……..

       
 

Nguyễn

            Ðình Hách

 

Gs. Toán

từ 1957

đến 1959

California, Hoa Kỳ x    
  Trần Xuân Hài 19…

Gs. Hoá           

từ 19……..

đến……..

  x    
 

Trần Mộng Hải

19…

Gs. Hoá

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
  Ðinh Văn Hải 19…

Gs. Cg Dân, Triết

từ 19……..

đến……..

  x    
65 Nguyễn Lệ Hằng 1950

Gs. Hoá           

từ 1975 đến 1978

Việt Nam x    
  Bùi Duy Hiển 19…

Gs. ………

từ 19……..

đến……..

Mất ngày ……….1998

tại Saigon - Việt Nam

  x  
  Nguyễn Thế Hiển 1933

Gs. Sử Ðịa

từ 1970

đến 1978

  x    
  Trần Thế Hiển 19…

Gs. Lý Hoá

từ 19……..

đến……..

Việt Nam x    
  Nguyễn Ðức Hiếu 1914

Gs. ……

từ 1954 đến 1957

California, Hoa Kỳ x    

70

Ðỗ Khánh Hoan 19…

Gs. ………

từ 19……..

đến……..

Ontario, Canada x    
 

Phan

        Minh Hoàng

19…

Gs. Sử Ðịa

từ 19……..

đến 1978

Việt Nam x    
  Nguyễn Văn Học  

Gs. AnhVăn

từ 19……..

đến……..

       
 

Lưu Thị Hồng

19…

Y Tá

từ 19……..

đến……..

Hoa Kỳ x    
  Ðổ Thị Hợp 1924

N.V. phụ dịch

từ 1972

đến 1976

Việt Nam x    
75 Võ Kim Huê 19…

Gs. Hóa

từ 1975

đến 1978

Việt Nam x    
  Nguyễn Ðình Huề 19…

Gs. Hóa, Vạn Vật

từ 19……..

đến……..

      x
 

Ðặng Thị

        Chiêu Huyền

19…

Gs. Ðịa

từ 1975

đến 1978

Việt Nam x    
  Lê Ngọc Huỳnh 19…

Gs. Ðịa

từ 1954

đến……..

Mất ngày ……….1978

tại Saigon - Việt Nam

  x  
 

Hoàng

          Minh  Hùng

19…

Gs. ……..

từ ……..đến 1978

Ontario, Canada x    

80

Hàn Thị

           Lan Hương

1954

Thư ký V.P.

từ 1971 

đến 1978

Việt Nam x    
  Nguyễn Hữu Kế 19…

G.s. Toán           

từ 1955

đến 1958

Việt Nam x    
  Dương Minh Kính 1938

Gs. Sử Ðịa & H.Tr.  

từ 1966

đến 1967

California, Hoa Kỳ x    
  Trần Duy Khang 19…

Giám thị

từ 1965

đến 1975

Việt Nam x    
 

Phạm Văn     

                 Khánh

19…

Giám Thị           

 từ 19……..

đến……..

Úc x    

85

Lưu Trung Khảo 19…

Gs.

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 

LM Trần

         Thanh Khiết

19…

Gs.

từ 19……..

đến……..

Mất ngày…-…- …

tại……………………

  x  
  Vũ Khắc Khoan 19…

Gs.

từ 19……..

đến……..

Mất ngày 12-9-1986

tại Minnesota-Hoa Kỳ

  x  
  Nguyễn Văn Khôi 19…

NV. Phụ Dịch

từ 19……..

đến……..

Mất ngày ……….1986

tại Saigon - Việt Nam

  x  
  Phan Ngọc Khuê                         

Gs.

 từ 19……..

đến……..

      x

90

Bùi Khương 19…

Gs. AnhVăn

từ  1969

đến 1976

Việt Nam x    
  Nguyễn Xuân Kỳ 19…

Gs. AnhVăn

từ 19……..

đến……..

Mất ngày 29-3-1985

tại Minnesota-Hoa Kỳ

  x  
 

Nguyễn Thị

              Ngọc Lan

19…

Gs. Hoá           

từ 1975

đến 1978

Việt Nam x    
  Trần Bích Lan 19…

Gs. Triết           

từ 19……..

đến……..

Mất ngày 18-4-1998

tại California-Hoa Kỳ

  x  
  Vũ Ngọc Lan 19…

Giám Thị

từ 1954 đến……..

Mất ngày ……….

tại Saigon - Việt Nam

  x  
95 Đinh Tiên Lãng 19…

Gs. Toán

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 

Trần

      Quang Lãng

1934

Gs.Toán & T.G.T

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 

Nguyễn

         Hữu Lãng

19…

Tổng Giám Thị

từ 1954

đến……..

Mất ngày 4-5-1994

tại Tây Đức

  x  
  Lê Văn Lâm 1923

Gs  Lý Hoá

từ 1954

đến 1978

California, Hoa Kỳ x    
  Lê Mộng Lân 19…

Gs Sử Địa

từ 19……..

đến……..

Mất ngày 13-11-2002

tại Saigon-Việt Nam

  x  

100

Lưu Ngọc Linh 19…

Gs.

 từ 19……..

đến……..

      x
 

Nguyễn

          Văn Linh

19…

Gs  Pháp Văn

từ 19……..

đến……..

Mất ngày…-…- …

tại……………………

  x  
  Phạm Văn Linh 19…

Giám Thị

từ 19……..

đến……..

      x
  Phạm Văn Loan 1920

NV phụ dịch

từ 19……..

đến……..

Việt Nam x    
 

Nguyễn

       Khánh Long

19…

Gs……….           

từ 19……..

đến……..

Montreal, Canada x    

105

Nguyễn

            Văn Long

19…

Gs……….           

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 

LM Trần

          Phúc Long

19…

Gs Anh Văn

từ 19……..

đến……..

Mất ngày ……….

tại Hoa Kỳ

  x  
  Phạm Tiến Lợi 1936

Giám thị           

từ 1970

đến 1975

Việt Nam x    
  Trần Ðức Lợi 1937

Gs. Vạn Vật

từ 1973

đến 1978

Việt Nam x    
  Nguyễn Văn Lộc 19…

Gs Anh Văn

từ 19……..

đến……..

Mất cuối năm 1998

tại Saigon-Việt Nam

  x  
110

Nguyễn

           Văn Luận

19…

Gs

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 

Trần

      Trung Lương

19…

Gs.AnhVăn

từ 19……..

đến……..

  x    
 

Phạm

       Xuân Lương

19…

Gs.AnhVăn

từ 19……..

đến……..

Texas, Hoa Kỳ x    
 

Hồ Đình Mai

19…

Gs Anh Văn

từ 19……..

đến……..

Úc x    
  Lê Xuân Mai 19…

Gs. Toán

từ 19……..

đến……..

Mất ngày…-…- …

tại……………………

  x  

115

Nguyễn

            Hữu Mai

1938                                   

Gs Việt Văn

từ 19……..

đến……..

Việt Nam x    
  Vũ Qúy Mai 19…

Gs PhápVăn

từ 19……..

đến……..

       
  Trần Văn Mại 19…

Gs PhápVăn

từ 19……..

đến……..

      x
  Ðinh Ðức Mậu 19…

Gs. Toán

từ 19……..

đến……..

France x    
  Lưu Văn Minh 19…

Gs từ 19……..

đến……..

      x

120

Tràn Đình Minh 1937

Gs Vạn Vật

từ 1960

đến 1978

Việt Nam x    
  Nguyễn Văn Mùi 19…

Gs Sử Địa

từ 19……..

đến……..

Ohio, Hoa Kỳ x    
  Bạch Văn Ngà 19…

Gs. Toán

từ 1954

đến 1976

Mất ngày ……….1976

tại Saigon - Việt Nam

  x  
 

Nguyễn Ngạc

19…

Gs.PhápVăn

từ 19……..

đến……..

Mất ngày 25-01-1968

tại Saigon-Việt Nam

  x  
 

Nguyễn

          Hoa Ngạc

19…

Giám Thị

từ 19……..

đến……..

Mất ngày 19-06-1986

tại California - Hoa Kỳ

  x  
125

Nguyễn

         Văn Ngọc

1937

Giám Thị

từ 1972

đến 1975

Việt Nam x    
 

Nguyễn

        Văn Ngoa

1922

NV Phudịch

từ 1964

đến 1975

Việt Nam x    
 

Trương

          Đình Ngữ

19…

Gs Lý Hoá

từ 19……..

đến……..

Mất ngày 26-10-2001

tại Saigon-Việt Nam

  x  
 

Nguyễn

           Văn Nghi

19…

Gs PhápVăn

từ 19……..

đến……..

      x
  Hoàng Cơ Nghị 19…

Gs Lý Hoá

từ 1954

đến ……

Mất ngày ……….

tại Saigon - Việt Nam

  x  
130

Vũ Quang

                Nghiã

19…

Kế Toán Trưởng

từ 1954

đến 1978

California, Hoa Kỳ x    
 

Nguyễn

      Xuân Nghiên

19…

Gs Lý Hoá

từ 19……..

đến……..

Mất ngày ……….1975

tại Saigon - Việt Nam

  x  
 

Nguyễn

       Văn Nguyên

19…

Gs Anh Văn

từ 19……..

đến……..

Mất ngày ……….1960

tại Saigon - Việt Nam

  x  
  ……………..Nhã 19…

Giám Thị

từ 19……..

đến……..

Minnesota, Hoa Kỳ x    
 

Nguyễn

         Đình Nhàn

19…

Gs

từ 19……..

đến……..

Pháp x    
135

Nguyễn

           Thị Nhàn

1947

N.V. phụ dịch   

từ 1973

đến 1976

Việt Nam x    
 

Đặng Văn Nhân

19…

Gs Toán

từ 19……..

đến……..

California , Hoa Kỳ x    
  Nguyễn Văn Nhì

19…

Gs …….

từ 19……..

đến……..

      x
  Lê Trung Nhiên

19…

Gs PhápVăn

từ 19……..

đến……..

France x    
  Chu Đức Nhuận

19…

Gs

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
140

Nguyễn

            Bích Như

19…

Gs Lý Hoá

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 

Hoàng

           Văn Oánh                 

19…

N.V. Văn Phòng

từ 1967- đến 1978

Việt Nam x    
 

Vũ Tiến Phái

19…

Gs Toán

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 

Trương

          Bá Phẩm

19…

HLV. Thể Dục

từ 1960

đến 1978

Mất ngày 28-10-1996

tại Saigon-Việt Nam

  x  
 

Nguyễn

            Doãn Phi

19…

Gs Toán

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
145

Nguyễn

         Văn Phong

19…

Gs Toán

từ 19……..

đến……..

France x    
 

Trần

     Quang Phong

19…

Gs ……..

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
  Nguyễn Văn Phú 1928

Gs Toán

từ 1955

đến 1961

Québec, Canada x    
 

Nguyễn Phúc

1928

Gs Toán

từ 1956

đến 1968

Việt Nam x    
 

Nguyễn

          Hữu Phúc

19…

Gs Anh Văn

từ 19……..

đến……..

Hoa Kỳ x    

150

Võ Văn Phước 19…

Gs PhápVăn

từ 19……..

đến……..

Hoa Kỳ x    
  Chung Quán 19…

Gs ÂmNhạc

từ 19……..

đến……..

      x
 

Nguyễn   

         Đức Quang

19…

Gs Pháp V, Công Dân

từ 19……..

đến……..

California, Hoa Kỳ x    
 

Trần

    Thanh Quang

1941

Gs Pháp Văn

 từ 1976

đến 1978

Việt Nam x    
 

Cao Đình Quát

19…

Gs Việt V. H. Phó 

từ 19……..

đến 1978

Việt Nam x    
155

Lại Huy Quân

19…

Gs. từ 19……..

đến……..

Mất Tích 1979     x
 

Nguyễn

          Xuân Quế

1930

Gs.Viêt,G.H. H.Tr.

 từ 1960 đến 1978

Việt Nam x    
               
               

Chương  5

Sinh hoạt Ái Hữu Cựu GC&NV.CVA Saigon

Xuyên qua: Hình ảnh  lưu niệm

2)  Ở Khu Vực Âu Châu

3)  Ở Khu Vực Gia Nã Ðại

  1. Ở Khu Vực Hoa Kỳ
  2. Ở Khu Vực Úc Châu & Tân Tây Lan
  3. Ở Khu Vực bổ sung 

Gồm các nơi khác ở Hải Ngoại

không thuộc các Khu Vực 1, 2, 3, 4, 5 )

7)  Ở QUỐC NỘI

Giới thiệu Tổ Chức Ái Hữu Cựu HS.CVA-Saigon

Tin trường CHU VĂN AN đột ngột bị giải thể đã được truyền đi nhanh chóng ở trong cũng như ở ngoài Nước, gây xúc động, ngậm ngùi trong giới Giáo Chức, Nhân Viên và Học Sinh Chu Văn An.

Như đàn chim, sau cơn giông bão, không còn có cơ duyên tung cánh bay về tổ ấm, tập thể cựu Học Sinh CVA sau ngày CVA bị giải thể, cũng không còn có cơ duyên trở về thăm mái trường cũ thân thương. Do hoài niệm Quê Hương, do gắn bó với Trường xưa, do thường nhớ nghĩ đến Thầy cũ, Bạn cũ, các cựu Học Sinh CVA ở Hải Ngoại, trong bước đầu định cư ở nước ngoài, đã nhanh chóng ổn định cuộc sống hằng ngày, sớm hội nhập vào xã hội mới, nhằm dành nhiều thì giờ gặp gỡ nhau để cùng nhau hàn huyên tâm sự.

 Tổ chức Ái Hữu cựu HS.CVA-Saigon có nhiều hình thức khác nhau: Ở những vùng có đông người Việt, như các vùng Montréal, vùng Ottawa, vùng Bắc Cali., vùng Nam Cali.  ……tổ chức theo hình thức Hội Ðoàn.

=>  Vì chưa có một quy định chung, cho nên danh xưng  của Hội ở mỗi nơi một khác, như:

Hội Ái Hữu Cựu HS.CVA …………., 

Hội Cựu HS.CVA …………,

Hội Ái Hữu Bưởi-CVA……..,

Hội Cựu HS. Bưởi-CVA  (kết hợp các cựu HS CVA với các cựu HS đàn anh trường BƯỞI);

Hội Ái Hữu Chu Văn An-Trưng Vương (kết hợp cựu HS CVA với cựu HS bạn  Trưng Vương)

- Bên cạnh các Hội cựu HS.CVA, còn có các nhóm cựu HS.CVA chỉ qui tụ cựu HS của 1 lớp, hay của 1 khóa, như:  CVA 59, CVA lớp 12A n.k.1954-55; CVA lớp 12B2 khoá 59-66, CVA 64-66, v.v…

- Lại có hình thức tập họp như: 40 năm Hội Ngộ Chu Văn An 56-63

Tập hợp Ái Hữu CHS.CVA đa dạng, sinh hoạt Ái Hữu Cựu HS.CVA phong phú.

 Trong tập KỶ YẾU, ở mỗi vùng, ngoài sinh hoạt riêng của Hội cựu HS.CVA vùng …. còn phải lưu tâm đến sinh hoạt các nhóm cựu HS.CVA  ở  trong vùng nữa.

Ðối với các Hội, cần ghi: - Trụ sở của Hội với đầy đủ đ/c, đ/t, email; nhiệm kỳ của các ban chấp hành; Các sinh hoạt chính của Hội (như: Ðại Hội thường niên, Ðại Hội bầu ban Chấp Hành, đặc san, bản tin tức, văn nghệ, picnic v.v…; Các hình ảnh về sinh hoạt  của Hội.

Ðối với các nhóm, cần ghi sơ lựợc: đ/c, đ/t, email của trưởng nhóm; Số lần họp bạn; các hình ảnh về các sinh hoạt của Nhóm.

Chương  6

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Saigon:

                                    Khu Vực Á Châu TBD

  1. Vùng Ðài Loan
  2. Vùng Nhật Bản
  3. Vùng Thái Lan
  4. Vùng ………
  5. Vùng ………

Ghi Chú:  Một Nước có thể gồm 1 hoặc nhiều Vùng

Chương  7

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Saigon

                                    Khu Vực Âu Châu

  1. Vùng Anh Quốc
  2. Vùng Bỉ Quốc
  3. Vùng Ðức Quốc
  4. Vùng Pháp Quốc

Ghi Chú:  Một Nước có thể gồm 1 hoặc nhiều Vùng

Chương  8

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Saigon

                             Khu Vực Gia Nã Ðại

1) Vùng Montréal

2) Vùng Toronto

3) Vùng ......

Chương  9

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Saigon

                                    Khu Vực Hoa Kỳ

  1. Vùng Bắc California
  2. Vùng Nam California
  3. Vùng ........

Chương  10

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Saigon

                                    Khu Vực Úc Châu & Tân Tây Lan

  1. Vùng Bắc Sydney
  2. Vùng …………….

Chương  11

Ái Hữu Cựu HS.CVA-Saigon

Khu vực bổ xung.

Chương  12

Quốc Nội:

Hiện nay chưa có Ái Hữu Cựu Học Sinh CHU VĂN AN- Saigon (1954- 1978)

Website riêng về Kỷ Yếu CVA (dự trù)

www. ky_yeu_cva. org

* * *

Cùng Nhau Bảo Toàn Đất Tổ Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long

CVA Hoàng Cơ Định

Ý niệm bảo toàn lãnh thổ thường gắn liền với nỗ lực kháng cự lại một cuộc xâm lăng đến từ nước ngoài nhằm bảo vệ giang sơn do Tổ Tiên để lại, cho nên vào cuối năm 2001, dư luận đồng bào trong và ngoài nước đã bàng hoàng khi nghe tin Nhà Nước CSVN, trong một thoả ước ký kết với Trung Cộng, đã nhượng lại cho ngoại bang một phần lãnh thổ thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, diện tích lên tới 760 Km2. Chúng ta đã sót sa với sự mất mát đó bao nhiêu thì chúng ta lại càng phải quan tâm tới một nguy cơ mất mát khác, lớn hơn nhiều lần, không phải vào tay ngoại bang mà là mất cho thiên nhiên, đó là viễn tượng một phần quan trọng Đồng Bằng Sông Cửu Long của chúng ta sẽ có nguy cơ vĩnh viễn ngập dưới làn nước!

Để có ý niệm về mối nguy này, chúng ta hãy cùng quan sát một tấm hình chụp Cambôt và Nam Việt từ ngoài vũ trụ. Trong hình này, Cambot và Nam Việt chỉ là một dải đất liên tục, không còn ngăn cách gì về chủng tộc, mà số phận của cả hai dân tộc được gắn liền với nhau bởi Biển Hồ và Sông MêKông. Phần đất sẽ bị ngập nước là phần châu thổ quan trọng nhất của dân tộc do Tổ Tiên dầy công khai phá. Đây không phải là một đe dọa, mà là một tai họa chắc chắn trong một thời gian chừng 20 năm trước mặt (1). Sự mất mát to lớn này chỉ không xẩy ra nếu chúng ta có biện pháp đối phó ngay từ bây giờ và nỗ lực tiến hành trong nhiều thập niên kế tiếp... Để thấy rõ tại sao, chúng ta cùng nhìn vào hai tấm không ảnh của Cambot và Nam Việt chụp từ vệ tinh vào hai thời điểm mùa Mưa năm 2002 và mùa Nắng năm 2003.

Trong tấm không ảnh được chụp vào tháng 10, cao điểm của mùa Mưa, mùa nước lớn của sông Mêkông, diện tích của Biển Hồ lan rộng ra gấp 4 lần. Trong hình, Biển Hồ là một diện tích lớn mầu xanh lơ đậm, cho thấy có một khối lượng quan trọng nước được tích tụ tại đây. Lượng nước này một phần là nước mưa từ các vùng cao xung quanh đổ về, phần khác là nước từ sông Mêkông chẩy vào Biển Hồ qua dòng Tonlesap, tới mùa Nắng, cũng theo dòng Tonlesap này, nước từ Biển Hồ sẽ chẩy ngược trở lại vào sông Mêkông rồi đổ ra biển. Nhìn vào Đồng Bằng Cửu Long, phần lớn cũng bị ngập nước trong thời gian này, mầu xanh lơ nhạt hơn, có nghĩa là lớp nước không sâu lắm.

            Biển Hồ là một ân sủng của thiên nhiên đối với Đồng Bằng Cửu Long. Hồ nước vĩ đại này đã giúp điều hoà dòng chẩy của sông Cửu Long, tránh cho vùng đồng bằng khỏi bị ngập lụt vào mùa nước lớn. Nếu vì lý do gì Biển Hồ không còn nữa, cả khối nước do mưa trên lãnh thổ Cambôt và sông Mêkông mang tới sẽ đổ dồn vào Đồng Bằng Cửu Long, nơi đây sẽ bị ngập sớm hơn, mực nước sâu hơn, thời gian ngập kéo dài hơn... Nói khác đi, một phần Đồng Bằng Cửu Long của chúng ta sẽ trở thành "Biển Hồ" suốt một thời gian dài trong năm và vai trò vựa lúa cố hữu để nuôi dân và xuất cảng sẽ không còn nữa !

Qua tới mùa Nắng diện tích Biển Hồ thu nhỏ lại ( bức hình chụp vào ngày 29/1/2003 vẫn chưa là lúc mực nước sông xuống thấp nhất ), vào lúc này lưu lượng của sông Mêkông đến từ thượng nguồn giảm đi rất nhiều, phần quan trọng nước chẩy vào lãnh thổ Đồng Bằng Cửu Long sẽ đến từ lượng dự trữ tại Biển Hồ trong mùa mưa. Chính nhờ dòng chẩy này mà thủy triều từ Biển Đông bị đẩy ra biển thay vì tràn ngược vào sâu trong đất liền. Không có Biển Hồ, phần lớn diện tích Đồng Bằng Cửu Long sẽ bị lụt vào mùa mưa và bị tràn ngập bởi nước biển vào mùa khô !

Nhìn tấm hình chụp vào tháng 1/2003, lúc giữa mùa nắng, chúng ta thấy ngoài mầu xanh của cây cỏ và mầu xanh lơ của nước, xuất hiện một mầu xám khô cằn của những vùng đất cao trơ trụi do rừng bị phá hủy, nhất là tại các cao nguyên bao quanh Biển Hồ.

Khi mùa mưa tới, đất tại những vùng cao trơ trụi không còn được rễ cây giữ lại sẽ bị nước cuốn trôi xuống Biển Hồ, khiến Biển Hồ sẽ bị đóng bùn cạn dần cho tới khi hoàn toàn bị lấp kín! Nếu Biển Hồ bị lấp kín thì trong lịch sử nước ta, dầu bị xâm lăng nhiều lần, chưa bao giờ chúng ta bị thiệt hại đến như vậy và lãnh thổ lại bị mất nhiều đến như thế! Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên trong tương quan giữa hai dân tộc, chưa bao giờ có 2 nước ở cạnh nhau mà sự mất mát của bên này lại chẳng đem mối lợi cho bên kia, nguy cơ trong 20 năm trước mặt đã đổ sập xuống cho cả Cam Bốt lẫn Việt Nam : Cam Bốt mất Biển Hồ và Việt Nam mất Đồng Bằng Cửu Long, cả hai bảo vật này đều là những món quà cực kỳ quý gía mà thiên nhiên đã dành cho hai dân tộc từ nhiều thế kỷ qua.

Vài nét về Biển Hồ và Đồng Bằng Cửu Long

Biển Hồ là một hồ nước ngọt bao quanh bởi một vùng đầm lầy rộng lớn. Đây là hồ nước ngọt rộng nhất Đông Nam Á và nếu kể luôn diện tích đầm lầy thì đây là vùng nước ngọt rộng nhất thế giới. Kích thước của Biển Hồ thay đổi theo mùa, vào mùa Nắng, hồ nước dài 160 Km, rộng 30 Km, diện tích cỡ 3,000 Km2, và sâu khoảng từ 1 m tới 2 m. Tới mùa Mưa, diện tích tăng lên từ 4 tới 5 lần và độ sâu cỡ 10 m. Biển Hồ nổi tiếng nhiều cá với năng xuất khoảng 10 T / Km2 và là nguồn cung cấp 70% tổng số protein cho dân chúng Cambôt (2). Vào mùa nước lớn, cá từ Đồng Bằng Cửu Long và sông Mêkông theo dòng Tonlesap vào sinh sản tại Biển Hồ. Tới mùa Nắng, cá sẽ theo dòng Tonlesap trở về sông Mêkông và Đồng Bằng Cửu Long, đó là lý do sông rạch tại đây cũng nhiều cá là vì vậy.

Trong nguồn thủy sản phong phú với trên 200 loại cá, 13 loại rùa, nhiều loại rắn nước, Biển Hồ có giống cá trê nổi tiếng nặng tới 300 Kg...

Ngoài ra tại Biển Hồ còn vô số loài chim, cây cối và thú rừng khiến Liên Hiệp Quốc đã quyết định xếp loại Biển Hồ và toàn bộ khu vực đầm lầy kế cận là một trong số 338 "Vùng bảo toàn sinh thái" của thế giới.

Đồng Bằng Cửu Long hiện là vựa lúa quan trọng nhất của Việt Nam, trong năm 2004 đã sản xuất 18.3 Triệu tấn thóc. Nhờ sản lượng lúa gạo của vùng này, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất cảng gạo thứ hai trên thế giới với số lượng ước chừng 3.8 Triệu tấn một năm (3).

Ngoài tài nguyên về lúa gạo, DBSCL còn có khoảng 700,000 ha diện tích nuôi thủy sản, sản xuất hàng năm cỡ 1,7 Triệu tấn, thu về khoảng 1,5 Tỷ Mỹ Kim ngoại tệ nhờ xuất cảng.

Trong khoảng thời gian 1996 - 2000, DBSCL đã xuất cảng khoảng 2.5 Tỷ Mỹ Kim thủy sản, tương đương với 52% tổng số xuất cảng toàn quốc.

Tóm lại, DBSCL là nơi cung cấp 80% gạo xuất cảng, 40% tổng số nông phẩm và góp phần cung cấp hơn 30% tổng sản lượng quốc gia (4).

Sông Mêkông chẩy vào Việt Nam, trở thành sông Cửu Long ở địa phận Tân Châu, Hồng Ngự, chia làm 2 nhánh chính là Sông Tiền và Sông Hậu rồi đổ ra Biển Đông qua 9 cửa sông.

Nhờ tác dụng của Biển Hồ mực nước sông Cửu Long lên xuống một cách điều hòa. Trước đây nông dân vẫn trồng lúa ngay trong mùa nước lớn vì giống lúa xạ có thể mọc nhanh hơn vận tốc nước dâng, đồng thời nước sông để lại cỡ 97 Triệu Tấn phù sa mầu mỡ và rất nhiều tôm cá mỗi năm.

            Việc trồng lúa xạ đã được áp dụng tại DBSCL từ trên 150 năm qua, ưu điểm là ít tốn công và tận dụng được chất bón thiên nhiên. Tuy vậy giống lúa này năng xuất thấp và chỉ trồng được 1 mùa mỗi năm vì thế việc canh tác giống lúa xạ đã dần dần bị thay thế bởi việc luân canh với các hoa mầu khác có lợi nhuận cao hơn hoặc thay thế bằng những giống lúa năng xuất cao có thể trồng 2 tới 3 mùa trong năm, có nơi nông dân đã cấy được tới 7 mùa trong 2 năm, đạt kỷ lục 12 Tấn lúa cho 1 ha ruộng. Diện tích trồng lúa xạ đã giảm dần từ 500,000 ha vào năm 1975, tới năm 1995 chỉ còn ít hơn 50,000 ha (5).

            Việc gia tăng năng xuất đồng ruộng ĐBSCL đặt ra nhiều vấn đề kỹ thuật phải giải quyết như việc sử dụng chất bón hóa học, thuốc trừ sâu, chăm sóc nguồn thủy sản và nhất là việc tiếp tế và tháo nước tại các ruộng lúa... Đây là cái giá đương nhiên phải trả để đạt được mức lợi tức từ 3 tới 4 lần hơn trước ( từ năm 1980 tới 1995 mức sản xuất lúa gạo của ĐBSCL đã tăng gấp hai ).

Điều đáng bận tâm là trong những năm gần đây, các trận lụt lớn hơn trước sẩy ra thường xuyên một cách đáng ngại. Đã thế, trong mùa nước lớn, vì cấu trúc của hệ thống dẫn nước và tháo nước tại các ruộng lúa đã khác xưa ( để có thể canh tác nhiều vụ trong năm ) cho nên khi bắt đầu trận lụt, ruộng đã bị ngập nhanh chóng dầu mực nước sông chưa cao và sau đó thời gian nước rút đi cũng lâu hơn ! Tại các vùng xa cửa sông, ruộng có thể bị ngập từ 2 tới 4 m nước (gần bằng độ sâu trung bình của Biển Hồ !) (5).

Bên đây là ảnh chụp từ vệ tinh vùng Đồng Bằng Cửu Long trong trận lụt lớn vào năm 2000, các vùng ngập nước (mầu đen trong hình) kéo dài từ Biển Hồ tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, số nạn nhân trong trận lụt này lên tới 374 người tại Đồng Bằng Cửu Long.

Biển Hồ bị đe dọa ra sao ?

            Hai nguy cơ lớn nhất đối với Biển Hồ và trực tiếp đe dọa Đồng Bằng Cửu Long là việc bắt cá quá mức và viễn tượng Biển Hồ bị lấp kín.

            Để tận khai về tài chánh, Nhà Nước Cam Bốt đã chia Biển Hồ thành nhiều diện tích nhỏ để đấu thầu, mỗi mảnh tiền thuế được ấn định khá cao ( khoảng 200,000 Mỹ Kim ) trong khi đó lại không có luật lệ chặt chẽ về khai thác và cũng không có khả năng kiểm soát vì vậy mà giới khai thác đã vơ vét tối đa, ngay cả khi cá đang trong thời kỳ sinh sản, khiến cho những năm gần đây nhiều giống cá đã bị tuyệt chủng (6). Thường năng xuất hợp lý của Biển Hồ là khoảng 10 T cá cho mỗi Km2 mặt hồ, thế mà lượng cá tận khai đã lên tới 400,000 Tấn hàng năm (7). Căn cứ vào diện tích Biển Hồ từ 3,000 Km2 tới 12,000 Km2, số cá bị lưới đã nhiều hơn mức hợp lý từ 4 tới 6 lần. Thêm vào đó, nhiều khu rừng ngập nước xung quanh Biển Hồ, là nơi cá sinh sản hàng năm, cũng bị lấn chiếm làm ruộng lúa, trong số diện tích 10,000 Km2 rừng trước đây, nay chỉ còn lại cỡ 40% còn trong trạng thái thiên nhiên. Sự kiện này đã khiến cho người ta chỉ còn thu hoạch được tại Biển Hồ những loại cá nhỏ hơn trước, phẩm chất cũng thua sút đồng thời lượng cá lưới được tại Đồng Bằng Cửu Long đã giảm đi rất nhiều trong những năm gần đây (8).

            Nguy cơ thứ nhì, còn lớn hơn việc khai thác tới mức tuyệt chủng các loài cá, là nguy cơ Biển Hồ bị lấp kín. Việc khai thác gỗ để lấy củi, hầm than, xuất cảng và cho kỹ nghệ đóng bàn ghế đã làm rừng cây tại các vùng xung quanh Biển Hồ bị phá quang. Trong thời gian từ 1980 tới 1995, 27% diện tích rừng Cam Bốt đã bị phá hủy. Vì không có rễ cây giữ lại, đất đồi bị mưa lũ cuốn trôi xuống các vùng đất thấp !

            Lượng bùn trong nước sông Tonle Sap đã tăng gấp đôi vào năm 1996 ( 3000 g/m3) so với năm 1994. Bùn trong nước sông Stung Sangker, vùng Battambang, tăng gần 5 lần, từ 63 g/m3 (1963) lên tới 288 g/m3 (1995). Độ sâu trung bình của Biển Hồ vào năm 1979 là 4m-4.5m, tới năm 1997 chỉ còn là 3m-3.5m (9).

            Một khía cạnh đáng lưu ý về nạn chặt cây rừng bừa bãi là sự bất lực của chính quyền trước tệ nạn này. Theo con số của Ngân Hàng Thế Giới, trị giá cây rừng khai thác tại Cam bốt vào năm 1997 ước tính khoảng 350 Triệu Mỹ Kim, trong khi tiền thuế chính phủ thu được chỉ là 12,4 Triệu Mỹ Kim. Rừng cây tại Cambot hiện nằm trong tay các lãnh chúa tại các địa phương, họ chặt phá vội vàng và bừa bãi, bán đổ bán tháo tài nguyên không chút bận tâm tới hậu quả hay tương lai. Giới khoa học dự phóng là nếu việc khai thác gỗ tiếp diễn với cùng nhịp độ (1.5 Triệu m3 một năm), Biển Hồ sẽ bị bùn lấp cạn vào năm 2025 ! (6)

            Hiện nay, tình trạng các kênh đào và hồ nuôi cá bị đóng bùn đã trở nên hiện tượng thông thường tại Cambot, nắng hạn và lụt lội cũng xẩy ra thường xuyên và tai hại hơn xưa.

Hãy cứu Đồng Bằng Sông Cửu Long bằng cách chung sức với Cam Bốt để cứu Biển Hồ

            Hiện nay, tình trạng các kênh đào và hồ nuôi cá bị đóng bùn đã trở nên hiện tượng thông thường tại Cambot, nắng hạn và lụt lội cũng xẩy ra thường xuyên và tai hại hơn xưa... Như đã trình bầy trong phần mở đầu, cố gắng để cứu Biển Hồ và Đồng Bằng Cửu Long cần phải tiến hành gấp rút. Mặc dầu Liên Hiệp Quốc đã xếp khu vực Biển Hồ vào loại "Vùng Bảo Toàn Sinh Thái" nhưng nội dung các chương trình bảo vệ vẫn còn quá giới hạn và chú tâm nhiều về phần bảo vệ các sinh vật và thực vật sống trong vùng thay vì phải đặt nặng vào việc làm sao duy trì được sự tồn tại của chính hồ nước vĩ đại này. Đáng lưu ý hơn là trong các chương trình của LHQ chưa thấy sự góp phần của người dân tại địa phương. Chúng tôi xin đề nghị, bên cạnh những gì Liên Hiệp Quốc và các chính quyền Cambôt và Việt Nam đang thực hiện, cần xúc tiến ba việc sau đây :

Thứ Nhất : Để bắt đầu, nên lập nên một nhóm bạn người Cambôt và người Việt Nam cùng quan tâm tới tương lai Biển Hồ và Đồng Bằng Sông Cửu Long, tạm gọi là nhóm "Biển Hồ - Cửu Long". Nhóm BH-CL này sẽ theo dõi tình trạng môi sinh trong vùng, thông tin và khuyến cáo người dân hai nước về những điều cần biết, những việc cần làm vì lợi ích chung. Nhóm cũng sẽ đề nghị với hai chính quyền Cambôt và Việt Nam những biện pháp hành chánh để cải thiện tình trạng môi sinh, đồng thời đề nghị với Liên Hiệp Quốc những yêu cầu hỗ trợ cần thiết.

Thứ Nhì : Nhóm Biển Hồ - Cửu Long sẽ theo gương bà WANGARI MAATHAI của xứ Kenya đã đề xướng thành công việc trồng hàng triệu cây xanh tại Kenya ngăn cản sự bành trướng của sa mạc, vận động chương trình tái tạo rừng tại các sườn đồi và cao nguyên bao quanh Biển Hồ bằng sự góp phần của cả hai dân tộc Cambôt và Việt Nam. Mục tiêu là mỗi người dân Cambôt và người dân Việt Nam tại ĐBSCL sẽ góp sức trồng thêm một cây cho cánh rừng hữu nghị này.

Sự góp phần của người dân ngoài đóng góp cụ thể là tạo thêm hàng chục triệu cây rừng để giữ đất còn tạo nên ý thức trân quý và bảo vệ thiên nhiên trong quảng đại quần chúng và xây dựng tình thân giữa hai dân tộc láng giềng.

Thứ Ba : Nhóm Biển Hồ - Cửu Long sẽ khuyến khích và hỗ trợ những chương trình nghiên cứu các nguyên liệu và vật liệu thay thế cho việc sử dụng gỗ rừng hiện nay và vận động các quốc gia phát triển ban hành những đạo luật giới hạn việc sử dụng gỗ quý trong việc chế tạo bàn ghế hay vật liệu xây cất để cắt giảm nhu cầu và thị trường tiêu thụ gỗ quý của Cambốt và Việt Nam.

            Đây là những gì cần thực hiện ngay, dầu cho mới chỉ có một vài người sẵn sàng. Nỗ lực này sẽ được kéo dài trong nhiều thập niên, sẽ được nhiều người hưởng ứng, sẽ phải thành công vì quyết định sự sống còn cho hai dân tộc và cả hai dân tộc không có một sự lựa chọn nào khác.

Tài liệu tham khảo:

1.         JUST DESERTS FOR CAMBODIA?

            THE IMPACT OF THE ILLEGAL TIMBER TRADE ON HUMAN RIGHTS & THE    ENVIRONMENT.

            http://www.globalwitness.org/campaigns/forests/cambodia/deserts/conc.h   tm

2.         Saving Wildlife, Tonle Sap

            http://wcs.org/sw-around_the_globe/Asia/Cambodia/Tonle_Sap

3.         Mekong Delta's paddy output up 732,000 tonnes

            VNECONOMY updated: 05/11/2004

4.         Mekong Delta to become biggest aquatic producer

            VNECONOMY updated: 02/08/2004

5.         Fiona Miller, Environmental threats to the Mekong Delta, February 17,       2000

            http://www.nextcity.com/ProbeInternational/Mekong/articles/000217b.ht   ml

6.         Earth Report, Take the Money and Run

            http://www.tve.org/earthreport/transcript/28Jul2000.html

7.         Đập nước và nguồn cá: Điểm nóng Mekong

            http://www.vietnamnet.vn/khoahoc/2004/08/230756/

8.         Cambodia's Next Man-Made Disaster - International Herald Tribune

            15/01/1999, By Michael Richardson

            http://www.globalwitness.org/press_releases/article.php?id=39

9.         Soil Erosion and Sedimentation

            http://www.mekonginfo.org/mrc_en/doclib.nsf/0/FE8046A67739D3718725            6AE70009991D/$FILE/FULLTEXT.html

* * *

Chu Văn vang vọng trong tôi

 CVA Trần Khánh Hồng

Ngồi buồn nhớ lại Chu Văn An

Thấm thoát qua rồi bốn mươi năm

Ngôi trường cổ kính bao thương nhớ

Cho người lưu lạc chốn tha phương

Trường xưa rợp bóng cây hoa lá

Ấp ủ bao nhiêu mộng học trò

Tiếng kèn âm vang như thúc dục

Nhắc nhở học sinh phải đúng giờ

Chu Văn An vang vọng trong tôi

Ngôi trường ấy ngày xưa tôi học

Mái đầu xanh sách vở sớm chiều

Mong có ngày tô đẹp Tổ Quốc

Vào lớp, học trò nghe thầy giảng

Vũ Hoàng Chương, thi sĩ Việt Văn

Nguyên Sa, nhà thơ, Giáo Sư Triết

Chung Quân với nhạc phẩm “Làng Tôi”

Và nhiều Thày khác từng vang bóng

Một thời đào tạo những học sinh

Xuất sắc, chuyên cần nêu gương sáng

Cho học sinh tiến bộ noi theo

Thày đã đi vào lòng dân tộc

Sử sách danh còn với núi sông

Suối vàng, chắc hẳn Thày hãnh diện

Về đám học sinh của các Thày

Từ trường, tản mạn khắp mọi nơi

Nhưng tâm tư nhớ về trường ấy

Kỷ niệm tự hào nơi học cũ

Là hành trang thúc dục tiến xa.

Trần Khánh Hồng

* * *

Bạn Cũ Chu Văn An Trong Tù

CVA Lê Hoàng Giang

Sau ngày ba mươi tháng tư năm 1975, xã hội miền nam chìm xuống tận đáy vực khổ đau. Phố phường  tiêu điều và hỗn loạn, con người hoang mang ngơ ngác trước những thảm cảnh đói khổ, tù tội vây quanh mỗi gia đình. Đêm đêm, tôi đạp xe lang thang qua các nẻo phố phường để nhìn thấy nỗi bất hạnh của đồng bào tôi. Những đám người chen chúc ngủ đêm dọc vỉa hè. Cô gái trẻ ôm đứa con mới sinh ngồi trên băng ghế trạm xe buýt dọc đường Trần Quốc Toản. Ban ngày cô đi đâu không rõ, đêm đêm lại trở về chỗ ấy ôm con câm lặng nhìn vào khoảng không. Những người điên nam và nữ lõa thể đi trên đường phố Sài Gòn. Nỗi đau nào đẩy họ đến nông nỗi này? Những người điên  lang thang vô định, không chốn nương náu, không tương lai, không thần trí, như dân tộc đau khổ này đêm ngày quằn quại dưới gót giầy cộng sản.  Rồi chính tôi cũng không tránh khỏi bị cộng sản bắt và trong đoạn đời  đó tôi đã gặp hai người bạn cùng trường Chu Văn An, để lại những ký ức hằn sâu.

            Trong một đợt biên chế tù chính trị ở trại tù Xuân Phước tỉnh Phú Yên, tôi được xếp nằm cạnh một bạn tù cùng trạc tuổi, có gương mặt lấm tấm vết rỗ hoa và đôi mắt trầm ngâm xa vắng. Anh bạn tên Phạm Ngọc Đông, cũng xuất thân từ trường Chu Văn An, vào tù với “tội” là trung úy hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị cuối cùng anh đóng ở Vũng Tàu là nơi gia đình tôi cư ngụ, trong số đồng đội của anh có trung úy Trần Hữu Thọ là bạn thân của tôi. Vì thế, hai đứa trở nên thân thiết nhanh chóng. Những cuộc chuyện trò vào buổi tối, sau giờ lao động, đưa chúng tôi sống lại thời học sinh êm đềm, khi tuổi trẻ còn nguyên vẹn niềm tin trước cuộc sống, khi con tim còn tươi thắm chưa bị bàn tay cộng sản làm cho chai cứng vì đau khổ.

            Cũng như tôi, Đông là người hiền lành ít nói, lặng lẽ cam chịu nghịch cảnh trong nhà tù. Trong đời lính lưu lạc, anh đã có cuộc tình không trọn vẹn cho ra đời một đứa con gái chưa đầy mười tuổi mà anh chỉ vài lần nhìn thấy mặt. Người yêu cũng truân chuyên vất vả, chỉ có thể đi thăm anh khi còn ở các trại tù miền nam gần Sài Gòn.

            Sau một lần thăm nuôi gặp mặt gia đình, Đông trở vào cho tôi biết người yêu cũ của anh đã xuống tóc đi tu, giao đứa con gái cho một người bà con chăm sóc. Buổi tối hôm ấy anh trầm ngâm khác hơn mọi ngày. Tôi nhìn vào đôi mắt anh đăm chiêu, nước da xanh mét vì đói ăn, sắc diện buồn rầu. 

            Đến một ngày, Phạm Ngọc Đông được gọi tên phóng thích. Theo lệ thường, không tù nhân nào được biết trước ngày về, cai tù đợi đến lúc các đội tù tập họp đi lao động mới đọc danh sách đợt tù được thả và chỉ cho họ vài phút về buồng lấy đồ đạc cá nhân đi lên ban chỉ huy trại làm giấy tờ. Người được về và người ở lại chỉ có thể nói vài câu nhắn gửi vội vàng khi qua mặt nhau. Hôm đó, tôi bị ốm được nghỉ lao động ở nhà nên có được vài phút giúp Đông soạn đồ đạc.

            Chúng tôi nói lời chia tay rồi anh đi ra tập họp. Tôi đứng ở cửa buồng, nhìn theo Phạm Ngọc Đông đi xa dần,  không muốn nghĩ về tương lai của mình. Trong sáu năm trời tôi sống ở trại Xuân Phước có vài đợt phóng thích cho anh em sĩ quan trình diện, nhưng không hề có người tù bị bắt nào được thả về.

            Khoảng cuối năm 1982, ban cai tù trại Xuân Phước mở một đợt đàn áp lớn, bắt nhốt hàng loạt mấy chục người, có khi cả trăm người, vào khu  kỷ luật. Tôi cũng rơi vào  trong số này. Tù nhân kỷ luật bị cô lập trong xà lim, ăn đói, không được liên lạc thư từ với thân nhân, không được thăm nuôi, lúc bị cùm, lúc thả cùm, tùy theo nhiệt độ chính trị bên ngoài. Có người bị nhốt dai dẳng đến mấy năm trong xà lim. Từ phân trại A, số tù kỷ luật bị chuyển đi phân trại C ở sâu trong núi, rồi lại chuyển về phân trại B. Sau gần một  năm trời bị cô lập, không thăm nuôi trong khi sức đã yếu, nhiều tù kỷ luật mòn mỏi hơi sức. Ông Bùi Ngọc Phương đã chết vì bệnh kiết lỵ. Tại phân trại B anh em bên ngoài nhiều lần tổ chức leo tường vào buổi trưa lọt vào trại kỷ luật tiếp tế cho anh em bị kiên giam. Chúng tôi không bao giờ quên những gói quà đựng đường thẻ và bánh khoai mì mà các anh em T.C., M.B., V.Đ.,… đã chuyển vào. Một miếng đường thẻ mang lại cho chúng tôi biết bao sức mạnh, và quý hơn cả là tình đồng đội  cao cả của anh em. Trong đợt đàn áp này, nhiều nhân vật tên tuổi đã bỏ mình bởi cuộc sống khắc nghiệt trong xà lim, trong đó có lãnh đạo lao động Lê Kiên tức Bùi Lượng, linh mục Nguyễn Văn Vàng, linh mục Nguyễn Huy Chương, về sau có thêm lãnh đạo Fulro Huỳnh Ngọc Sắng…

             Đến một ngày, trại kỷ luật có thêm anh Vũ Mạnh Dũng, kém tôi vài tuổi, cũng là cựu học sinh Chu Văn An. Vóc người tầm thước, chắc chắn, tính nết vui vẻ, ở trong tù mà anh luôn luôn đùa giỡn vô tư như ở trong trại lính. Là môn sinh Việt Võ Đạo, anh là học trò duy nhất có hân hạnh ở tù chung một chỗ với  võ sư chưởng môn nhân Lê Sáng. Mấy ngày đầu vô trại kỷ luật, anh bị cùm cả hai chân. Đợi lúc xẩm tối, khi cai tù trực trại đã hết giờ làm việc ngày và bỏ đi chơi, chúng tôi la lớn gọi nhau và nói chuyện với nhau qua các xà lim. Dũng cho chúng tôi biết tin tức anh em bên ngoài, còn lý do anh bị kỷ luật thì chỉ là một chuyện vớ vẩn, thế mà anh bị nhốt triền miên đến mấy tháng.

            Đám cai tù trực trại ra sức dọa nạt để dằn mặt chúng tôi. Có hôm nhìn qua song sắt thấy trực trại đem một tù hình sự vào khu kỷ luật biệt lập, còng hai tay người đó ra sau lưng và ra lệnh cho tù trật tự Của đấm đá người đó. Tôi nhớ mãi giọng nói run run như khóc của nạn nhân:

-       Tôi không biết gì hết… Không biết đâu… Đừng đánh tôi…

            Của thoi liên tiếp vào bụng, lên gối và nện vào mặt cho đến khi người đó ngất xỉu chúng mới lôi ra ngoài. 

            Dũng âm thầm hoạch định một cuộc phản kháng. Khi cai tù an ninh trại gọi anh ra thẩm vấn, bắt viết tờ kiểm điểm, anh hỏi xin bình mực. Lúc ngồi viết  một mình trong phòng,  thay vì làm tờ kiểm điểm, anh thẳng tay tố cáo những trò lộng hành của cai tù trực trại, rồi đập vỡ bình mực thủy tinh lấy mảnh sắc rạch bụng tự tử để phản đối những hình phạt khắc nghiệt trong xà lim kỷ luật. Vì sợ trách nhiệm với cấp trên, an ninh vội ngăn cản và đưa anh lên bệnh xá điều trị vết thương. 

            Sau đó ít ngày Dũng và phần lớn tù kiên giam nối tiếp nhau được tha khỏi kỷ luật, tôi và mấy người nữa còn được đưa lên bệnh xá. Tôi hay tin giáo sư Võ Văn Hải là thầy cũ ở đại học Vạn Hạnh vừa qua đời mấy ngày trước vì bệnh đau tim.

            Sau đó, đám “cựu kỷ luật” chúng tôi bị lùa vô một đội đặc biệt ở cùng trong  khu biệt lập với các tu sĩ tôn giáo, đa số là các linh mục, có một đại đức và hai ba mục sư. Ngay sát khu biệt lập có tường ngăn  này là buồng kỷ luật mà chúng tôi vừa mới thoát nạn. Đội đặc biệt này bị canh giữ cẩn thận, lúc đi lao động chỉ quanh quẩn bên trong vòng rào trại chứ không cho ra ngoài.  Công việc thường làm nhất của đội là đi sửa chữa các hàng rào trại, và phá dỡ các dãy nhà cũ lợp lá, vách làm bằng đất bùn đắp lên cốt tre. Sau khi lôi hết mái nhà xuống, chúng tôi dùng búa đập và lấy những cây sào dài tỳ vào vách đất và hợp lực  xô mạnh nhiều lần cho đến khi tấm vách lở ra từng mảng lớn rơi trên đất. Trong một ngày không may, công việc này đã gây ra tai nạn cho Dũng.

            Có một anh em trong đội mải nói chuyện không biết tấm vách đang rơi trên đầu mình, Dũng la lớn, lao đến đẩy người đó ra, nhưng chính anh lại bị tấm vách rớt trúng người. Dũng quỵ xuống bất tỉnh. Anh được khiêng vào bệnh xá và nằm ở đó nhiều ngày.

            Ít lâu sau, tôi được chuyển về trại Xuân Lộc gần Sài Gòn, bặt hẳn tin tức anh em Xuân Phước. Gần đó có một khu kinh tế mới, có ngôi miếu nhỏ mà dân địa phương gọi là miếu Ba Cô: ba chị em, người lớn nhất mới có mười sáu tuổi, mồ côi cha mẹ đã cùng nhau tự tử để chạy trốn kiếp sống đọa đầy. Câu chuyện này nói lên rõ ràng cuộc sống thê thảm của người dân khu kinh tế mới.

            Ba năm sau, tôi ra khỏi nhà tù, đi cùng anh em đến thăm Dũng ở ngã ba Ông Tạ thì anh đã thành ra người tàn phế. Bị tấm vách đất giáng lên người làm tổn thương cột sống, anh không còn đi lại được nữa, tuy hai chân vẫn có thể cử động đôi chút.

            Anh ra khỏi tù trước tôi vài năm và đã nhiều lần ra vào bệnh viện. Nhờ có một số bạn tù cũ đã sang Pháp tích cực kêu gọi mọi người giúp đỡ anh,  một giáo sư y khoa người Pháp tình nguyện mang đồ nghề sang Việt Nam giúp giải phẫu cho Dũng. Điều không may là đúng lúc đó vết thương cột sống của anh đang sưng tấy lên do bị bệnh viện cộng sản làm hư, vị giáo sư chờ đợi hơn một tuần mà vẫn không tiến hành được cuộc phẫu thuật, ông đành trở về nước, và để lại tặng cho Dũng tất cả bộ đồ giải phẫu của ông.

            Thời gian sau, giáo sư Phan Thành Trường và luật sư Nguyễn Hữu Giao là hai người bạn tù ở Pháp sốt sắng giúp đỡ anh nhiều nhất lại lần lượt qua đời vì bạo bệnh, Dũng không còn hy vọng điều trị, và còn phải lo toan sinh kế. Mẹ anh qua đời hai năm sau khi anh trở về, người cha thì già yếu,  người em gái duy nhất đã lập gia đình và cũng gặp khó khăn.  Để kiếm sống, anh dạy Anh văn cho các em nhỏ trong khu xóm, và học vẽ để dạy vẽ lại cho người khác. Trong xã hội cộng sản nghèo khổ của những năm tám mươi, người khỏe mạnh mưu sinh còn vất vả, huống hồ tàn phế  như anh. Thế mà anh vẫn còn  ghi tên học tiếp chương trình đại học.

            Anh không bao giờ thốt ra một lời than thở, vẫn hay bông đùa và giữ nguyên vẹn khí khái của người tự trọng. Chỉ có một lần duy nhất, trong lúc anh em cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm  thân thiết trong tù, anh mới nói sơ về những cảnh ngộ cùng quẫn đã trải qua.

            Tôi cố sức hỏi kiếm tung tích Phạm Ngọc Đông mà không ai hay biết, nhờ Trần Hữu Thọ từ Mỹ về hỏi lại các bạn hải quân cũng không rõ tin tức của Đông.

            Cuối thập niên 90, tôi đến thăm Dũng lần cuối khi sắp sửa lên đường sang Mỹ, anh gắng gượng nói chuyện với tôi trong lúc đang lên cơn sốt, người run lẩy bẩy. Lúc đó tôi không hề biết là vết thương cũ vẫn đang hành hạ anh.

            Sang đến xứ người, tôi lao vào đi làm, đi học khi tuổi đã xế chiều, tâm tư nặng trĩu những ấn tượng đa mang từ quê mẹ. Trong tôi lẫn lộn thực và mộng, đêm và ngày, quê hương và đất lạ, lúc nào cũng  tưởng mình đang sống giữa Việt Nam, với những thương đau còn ứa máu.  Ngày qua ngày, lần lượt đón nhận  tin tức về những người thân cũ. Email của đồng môn Trần Hữu Thọ từ Connecticut cho biết Hải quân Trung úy Phạm Ngọc Đông đã tử nạn trên đường vượt biên. Và đúng vào ngày 30 tháng Tư năm 2001, bạn tù Nguyễn Tú Cường gọi cho hay Vũ Mạnh Dũng đã qua đời ở Việt Nam vì vết thương cũ bị nhiễm trùng.

            Vì đâu những con người trong sáng, lương thiện ấy đã phải chết? Họ có tội tình gì? Vì đâu vô vàn người Việt đã gánh chịu khổ đau cùng cực của kiếp người? Tại sao tôi còn sống? Tôi nhìn thấy con thuyền đắm trong đêm tối trong tiếng kêu thét hãi hùng, thấy ba chị em thơ dại co quắp trong túp nhà rách nát, thấy những dáng người  gầy gò nín lặng trong trại tù không hẹn ngày ra, những em gái bơ vơ tìm miếng ăn giữa chợ đời… Lẫn lộn trong những hình ảnh ấy có đôi mắt đăm chiêu trên gương mặt rỗ hoa đen sạm, có nụ cười chịu đựng của người thanh niên tàn phế khi đầu còn xanh, tuổi còn trẻ. Những kỷ niệm đau đớn thỉnh thoảng  chợt lóe lên trong tâm tưởng như nhát dao cứa vào vết thương không bao giờ lành, tôi lặng người mơ về quá khứ, và xót xa cảm thấy như mình là kẻ có tội.

CVA Lê Hoàng Giang

3/3/2005

* * *

Nhận xét về Đặc San CVA 2004

CVA Nguyễn Thọ Chấn

Tôi đã nhận được Đặc San Chu Văn An 2004 khi mở hộp thư lúc về đến nhà vào khoảng 9h00 tối ngày hôm qua.  Cám ơn anh Khôi cùng các anh trong Hội Cựu Ái Hữu CVA - Bắc Cali.

Như đã hứa với anh Khôi trong một điện thư trước, tối hôm qua tôi đã lần đầu uống một tách trà đậm vào buổi tối (sau nhiều năm không dùng trà sau 3h00 chiều vì thỉnh thoảng tôi vẫn bị một tối mất ngủ) để đọc Đặc San-CVA 2004.

Ngoài hai, ba bài đầu có tính cách 'thủ tục' (nhắc lại công đức của bậc thầy khả kính mà trường có vinh dự được mang tên của các CVA Hoàng Cơ Định, Hoàng Hà Thanh, hoặc bài "Vịnh Chu Văn An" của Đỗ Bưởi) tôi gởi đến anh những cảm nghĩ “tươi rói” của mình vào ngay lúc này, khi tôi mới đọc xong trang chót cuốn Đặc San (lúc bắt đầu viết điện thư này là 12h30 trưa, giờ địa phương Toronto).

1) Phần trình bày: cách trình bày vẫn giống những số cũ (hai số) mà tôi có trước đây: đơn giản và nhã, giấy in bên trong thuộc loại trắng và kiểu chữ cũng đơn giản.  Tôi thích cách trình bày như vậy, và theo thiển ý, những năm sau này nếu vẫn còn duy trì đặc san hàng năm thì quí anh cũng vẫn giữ nếp cũ trong trình bày: nó là dấu ấn của những ngày đầu quí anh hội tụ lại với nhau, mở đường cho những sinh hoạt ái hữu, và (có lẽ) cũng đã là nhân tố kích thích nhiều cựu học sinh các trường trung học khác tại Miền Nam VN trước 75 hiện sống tại hải ngoại lập những hội sinh hoạt tương tự.  Tôi có dịp đọc một vài đặc san của một số trường trung hoc, thấy khi thay đổi ban chấp hành, hoặc người phụ trách việc nhận bài, chọn bài, xuất bản thì hình thức của tờ báo cũng đổi.  Nếu vài năm lại thay đổi cách trình bày một lần như vậy, phần riêng tôi, tôi cảm thấy không thoải mái.  Tôi có cảm tưởng như 'cái nền'  gầy dựng lúc ban đầu bị xóa đi).  Cầm ĐS - CVA 2004 trong tay tôi có cái cảm tưởng rất quen thuộc.  Ngoài ra phải nói là bức hình "Tiếc Thương" (Cổng vào Nghiã Trang Quân Đội trên đường Thủ Đức - Biên Hoà) đã gây xúc động thật nhiều khi nghĩ đến những người đã 'vị quốc vong thân'.  Bức hình sau tôi chưa có dịp được thấy tận mắt.

2) Bài viết của GS Nguyễn Xuân Vinh ("Giới Trẻ Dấn Thân") là một bài viết cho thấy những cố gắng và thành tựu của lớp người trẻ gốc VN tại Hoa Kỳ, cùng với ý thức và sinh hoạt chính trị của những người này với tư cách là công dân của Hoa Kỳ đã làm rạng danh cho cộng đồng người Việt.  Và tuy là công dân Hoa Kỳ họ vẫn không quên trách nhiệm của họ đối với yêu cầu dân chủ hoá đất nước gốc mà họ xuất thân: Việt Nam.

Trong đặc san lần này lần đầu thấy sự góp mặt của nhiều cựu môn sinh thuộc nhiều thế hệ, nhiều khuynh hướng (nếu muốn hiểu là khuynh hướng chính trị thì có thể xếp từ ôn hoà, đến 'tích cực' trên căn bản không chấp nhận hệ thống cộng sản), và đặc biệt là lớp các cựu CVA ra trường từ khoảng giữa thập niên 50 đến cuối thập niên 60.  Lớp này đã ghi nhận lại một số khiá cạnh sống động của đời sống người Việt ở Miền Nam trong thời chiến, sau thời chiến, và cung ứng một số chi tiết hữu ích cho những ai quan tâm đến giai đoạn lịch sử sóng gió trước và sau 75. 

Các cây viết, mỗi người mỗi cách thế, đều già dặn về cách viết, đặc biệt  với các bài "Cơn Uất Hạ Lào" (Bùi Đức Lạc), "Quê Hương, Một Kỷ Niệm" (Phạm Văn Nhuệ), "Đời Quân Ngũ"(Phạm Nguyên Khôi), "Nỗi Buồn Chiến Tranh" (Nguyễn Thượng Dực), "Những Ngày Tháng Ghi Vội" (Phan Phi Liêu), "Một Thời Chinh Chiến" (Đinh Nhật Thịnh), "Tưởng Niệm Đặng Chí Hiếu" (Vũ Đức Nghiêm), "Nhân Một Chuyến Đi" (Sầu Đông Nguyễn Thọ Chấn), "Độc Tài" (Mạc Trần Phạm Quân Khanh), và "Ông Bình Vôi,..." (Vị Chung).  Bài của Mạc Trần là một bài khảo luận về chính trị  Bài "Bạn Có Biết" của Ý Nhi cho thấy tiềm năng và sức mạnh của hải quân Mỹ. "Lá Thư Paris" của Trương Bách giới thiệu đôi nét về Turquie (Thổ-Nhĩ-Kỳ).

Truyện ngắn "Một Đám Cưới Ngày Ấy" (Trần Trị Chi) đặc sắc ở cả văn phong lẫn nội dung, mặc dù chính tác giả cũng đã tự 'kiểm duyệt' là đã nhắc lại nhiều câu rườm rà (ý muốn nói là 'giải thích thêm' khá nhiều). Truyện "Giận Hờn" (Vũ Ngọc Ruẩn) cho thấy đời sống thật của nhiều người lính trong hoàn cảnh 'sống nay, chết mai’ trong thời chiến. Tự truyện "Bên Đời Hiu Quạnh" của Nguyễn Gia Bình đọc xong khiến liên tưởng đến một chương sách của một tác giả nổi tiếng người Anh trong thời gian gần đây về động thái con người (phái nam, và phái nữ). Là kiếp người với những khổ lụy, hạnh phúc, và cả khoái lạc thì dù Đông hay Tây xem ra bản tính chẳng khác nhau. Bài "Chuột và Người" của Lê Hoàng Giang cho thấy nỗi bi phẫn của một cựu CVA sau khi miền Nam bị Cộng sản cưỡng chiếm, và bài "Ông Bình Vôi" cho thấy một mẫu người khác 'kẹt' lại ngoài Bắc, và chỉ vào Nam sau 75. Bài "Người Em Gái Miền Nam" của Đặng Tường Ngữ rất 'sống'.

Việc chấp nhận đăng những bài viết với những kinh nghiệm sống khác nhau của những cựu CVA đã từng đứng trong hàng ngũ QLVNCH là một cố gắng đáng phục của Ban chấp hành hội AHCHS-CVA Bắc Cali.  Trừ hệ cộng sản mà những người còn chút đầu óc bình thường không thể chấp nhận nổi, các cựu môn sinh B-CVA dẫu có sinh hoạt trong những tổ chức xã hội, văn hoá, và chính trị khác nhau cũng như cuộc sống riêng tư và tâm tình dị biết cách nào chăng nữa hẳn cũng vẫn có thể góp công, góp sức, hỗ trợ nhau về một số khiá cạnh trong cuộc sống tinh thần, tình cảm, và cả vật chất nữa.

Về thơ: Cung Trầm Tưởng ("Tiền Đồn"), Cao Mỵ Nhân ("Sau Cuộc Chiến"), Phạm Quân Khanh ("Gặp Nhau Chiến Trận"), Kim Vũ ("Đại Bàng Gãy Cánh") đều gởi đến người đọc những bài thơ giàu xúc động.  Lần đầu đọc thơ PQK thấy 'chàng'  không phải là lính cậu. Những bài thơ của các cựu môn sinh Bưởi - CVA khác như của cụ Đinh Bá Hoàn, Đàm Trung Phán, Phan Chừng Thanh, Trần Anh Linh, Minh Viên, Nguyễn văn Tài, đều có những nét thú vị riêng. Đặc biệt "Dạ Ẩm" của Phạm Hữu Thuật rất thi vị. Bài "Kỷ Vật" của Chuẩn Nghị là một bài thơ đã được phổ nhạc nổi tiếng, đọc lại vẫn còn nghe như tiếng than đau đớn, xót xa (trong Đ/S có kèm bản dịch qua tiếng Anh của Vũ Mạnh Phát).

Tuy giới hạn trong một đặc san, bài của CVA Đặng Lương Mô "Từ ngoại lai" là một bài viết công phu của một người làm nghiên cứu nhiều năm.  Bài của Đặng Gia Thoại cũng là bài viết giàu chất thông tin về xứ Úc xưa, nay. Bài "Những Bức Hình Cũ" của Nguyễn Đức Nguyên cho thấy tình cảm học trò đặc biệt của tác giả qua công phu chụp lại một bức hình lưu niệm các bạn đồng môn ở Bưởi nhiều năm về trước, cũng như tìm cách liên lạc với các bạn học cũ kể cả những người có chức vụ khá khá của phiá bên kia (một số người chắc chắn còn 'nặng' chính trị hoặc còn những dè chừng khiến họ không hồi âm những lá thư mà cụ Nguyên gởi cho họ).

Các bài viết của Nguyễn Thanh Giản, Nguyễn Thạch Lục, Huỳnh Bửu Khương, Đặng Khắc Khánh, Lê văn Ninh, Đoàn  Phan Trí, Phạm Nguyên Khôi cũng chứa đựng những thông tin hữu ích.

Đăc biệt đặc san năm nay giới thiệu nhiều bản nhạc: "Tương Phản" (Thơ Cung Trầm Tưởng, Lê Quốc Tấn phổ nhạc), Người cha Việt (thơ Đào Tiến Luyện, Phạm Duy phổ nhạc), Trong Sương Sớm (Nguyễn Đức Chung sáng tác).

CVA Nguyễn Thọ Chấn

* * *

Tin Sinh Hoạt của Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh

Chu Văn An Bắc California trong năm 2004:

CVA Phạm Nguyên Khôi tường trình.

TƯỜNG TRÌNH VỀ HỌP MẶT TÂN NIÊN 2004:

Họp mặt Tân Niên năm 2004 của Hội Chu Văn An Bắc California đã được tổ chức tại Nhà Hàng Thành Được, San Jose, California vào tối ngày Thứ Bảy, 7 tháng 2 năm 2004  với sự tham dự của hơn 280 người, gồm các cựu giáo sư, cựu học sinh Chu Văn An và gia đình, cũng như nhiều thân hữu thuộc các trường bạn.

MC chính trong Họp Mặt Tân Niên kỳ này là anh Nguyễn Tường Tâm (CVA 1964), MC phụ là Diệu Hương, phu nhân Hội Trưởng. Ban Nhạc “Lucky” với trưởng ban nhạc là anh Lê Nguyên Huỳnh phụ trách phần văn nghệ phụ diễn. Nghệ sĩ tham dự có CVA Nguyễn Mạnh Hùng, Tường Vi, Dương Hiệp San, v.v và các thân hữu từ lâu của Hội như Anh Minh, Đồng Thảo, Ngọc Lan, vv..,  và lần này đặc biệt có thêm chị Phương Quỳnh là phu nhân của CVA Lư Vĩnh Phúc.  

Họp Mặt Tân Niên bắt đầu đúng 6:00 PM. Sau phần chào Quốc ca Mỹ Việt và mặc niệm, Hội Trưởng Phạm Nguyên Khôi (CVA 1968) đã đọc diễn văn chào mừng quan khách và giới thiệu thành phần Ban Chấp Hành nhiệm kỳ 2002- 2004 gồm có:

Hội Trưởng: Phạm Nguyên Khôi (CVA 1968)

Hội Phó: Đoàn Phan Trí (CVA 1968)

Tổng Thư Ký: Nguyễn Thanh Hà (CVA 1978)

Thủ Qũy: Nguyễn Văn Hiến  (CVA 1964)

Buổi họp mặt đã diễn ra thật vui tươi và hào hứng, với phần chào mừng và biếu quà các Thày với sự đóng góp của CVA Vũ Mạnh Phát (1959), cựu Hội Trưởng Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Bắc California nhiệm kỳ 2000-2002. Giáo sư Nguyễn Đức Hiếu đã phát biểu cảm tưởng, khen ngợi tinh thần các cựu học sinh Chu Văn An, và khuyên anh em cứ cố gắng giữ vững tinh thần và ngọn lửa Chu Văn An. Giáo sư Đinh Tiến Lãng cũng phát biểu, ôn lại chuyện cũ và các kỷ niệm thời còn dạy trong trường.

Mọi người tham dự đều tỏ ra rất vui vẻ, và cũng có lời khen ngợi nhà hàng làm đồ ăn ngon, và ban tổ chức chọn món ăn khéo. Chương trình văn nghệ thật tưng bừng và được tiếp nối với phần dạ vũ lúc 9:30 tối. Buổi họp mặt Tân Niên đã được chấm dứt vào lúc 11:20 giờ đêm cùng ngày.

TƯỜNG TRÌNH PICNIC LIÊN TRƯỜNG 2004

Hội CVA Bắc California là một thành viên trong Ban Tổ Chức Picnic Liên Trường năm 2004. Picnic Liên Trường 2004 đã được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 29 tháng 8 vừa qua tại  Lake Cunningham Park, San Jose, California. Có khoảng 400 người tham dự Picnic Liên Trường, trong đó Hội CVA có 90 người. 

Lễ Vinh Danh GS Nguyễn Khắc Kham:

Viện Việt Học đã tổ chức lễ Vinh Danh Đại Lão Giáo Sư  Nguyễn Khắc Kham nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 97 của Giáo Sư.  Lễ Vinh Danh đã được tổ chức trang nghiêm và trọng thể vào chiều ngày thứ năm, 23 tháng chạp vừa qua tại nhà hàng Kobé, Santa Clara.  Hội CVA Bắc California là một thành viên trong ban Tổ Chức.  Số người tham dự khoảng 130 người trong đó có rất nhiều quý vị là Cựu Học Sinh CVA.

Chúc tết GS Nguyễn Khắc Kham:

Sáng thứ bảy 12 tháng 2, 2005, Ban Chấp Hành Hội CVA Bắc California đã tới chúc Tết Đại Lão Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham tại tư gia của GS ở San Jose, California.  Giáo Sư đã niềm nở tiếp đón và đã ngỏ lời cám ơn đến tất cả các Đồng Môn CVA đã có lòng nghĩ đến GS.

TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐẠI HỘI BƯỞI - CVA HẢI NGOẠI 2004:

Đồng Môn Phạm Nguyên Khôi, đại diện Hội CVA Bắc California cùng một phái đoàn khoảng 40 người từ miền Bắc California đã đến tham dự ĐẠI HỘI BƯỞI-CVA HẢI NGOẠI 2004 “Họp Mặt Toàn Cầu” vào hai ngày thứ Bảy, 31 tháng 7, 2004 và Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2004 tại Nam  California. Đại Hội Họp Mặt Toàn Cầu kỳ tới, dự trù sẽ được tổ chức vào hè năm 2007 tại San Jose, California.

Bảo trợ ra mắt sách:

Ngày 17 tháng 10, 2004,  Hội CVA Bắc California đã bảo trợ cho một buổi ra mắt sách của Đồng Môn Phạm Hữu Giao (bút hiệu Mặc Giao), CVA 1956-1960, ra mắt tác phẩm văn hóa  tựa đề: “Một cách nhìn khác về Văn Hóa Việt Nam”.  Toàn Ban Chấp Hành Hội CVA Bắc California và rất đông đảo Đồng Môn CVA đã tham dự buổi ra mắt sách này.

Họp mặt bỏ túi với Đồng Môn Đàm Trung Phán:

Nhân dịp Đồng Môn Đàm Trung Phán (CVA 1960) và phu nhân từ Canada qua thăm California, Hội CVA Bắc California đã tổ chức một bữa ăn thân mật bỏ túi vào lúc 11:30 trưa ngày Chủ Nhật, 2 tháng giêng 2005 vừa qua tại nhà hàng Thành Được vào. Có khoảng 10  Đồng Môn đã hiện diện trong buổi họp mặt thân mật này

Giúp đỡ bà Vũ Hoàng Chương:

-Đầu năm ngoái 2004, Hội CVA Bắc California đã gởi một số tiền về giúp bà Vũ Hoàng Chương. Vào giữa tháng giêng năm nay 2005, Hội CVA Bắc California lại đã gởi về đợt hai $800 để giúp đỡ bà Vũ Hoàng Chương bị đau nặng.  Số tiền này gồm có sự đóng góp của một số Đồng Môn, nhóm CVA 78 & 79 quyên góp và quỹ hội.   Số tiền $800 trên đã được trao tận tay anh Vũ Hoàng Tuân là con trai cố GS Vũ Hoàng Chương

TƯỜNG TRÌNH KẾT QUẢ BẦU CỬ BAN CHẤP HÀNH NHIỆM KỲ 2004-2006:

Chiều ngày Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2004, Ban Chấp Hành Hội Chu Văn An Bắc California đã tổ chức bầu lại Ban Chấp Hành cho nhiệm kỳ mới 2004-2006.  Quý vị Đồng Môn tham dự đã “thương mến và ưu ái” lưu nhiệm Ban Chấp Hành đương thời thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ban Chấp Hành nhiệm kỳ cũ đã không có chức vụ Phó Tổng Thư Ký nên Đồng Môn Nguyễn Văn Mão (CVA 1969) đã được tín nhiệm bầu vào chức vụ mới này trong Ban Chấp Hành nhiệm kỳ mới.

Sau đây là thành phần Ban Chấp Hành Hội Chu Văn An Bắc California nhiệm kỳ 2004-2006:

HỘI TRƯỞNG:  Phạm Nguyên Khôi (CVA 1968)

PHÓ HỘI TRƯỞNG:  Đoàn Phan Trí (CVA 1968)

TỔNG THƯ KÝ:  Nguyễn Thanh Hà (CVA 1978)

PHÓ TỔNG THƯ KÝ: Nguyễn Văn Mão (CVA 1969)

THỦ QUỸ: Nguyễn Văn Hiến (CVA 1964)

Hai đề tài chính đã được đưa ra thảo luận.  Quý vị Đồng Môn hiện diện đã biểu quyết như sau:

1) Chu Văn An toàn cầu:  Dự trù cứ ba năm một lần. CVA Nam California đã tổ chức thành công vào đầu tháng 8 vừa qua.  Kỳ tới, Hội Chu Văn An Bắc California sẽ đảm nhận trọng trách tổ chức Chu Văn An toàn cầu vào hè năm 2007.  Nếu cho tới sang năm (2006) mà không có địa điểm nào tốt hơn, nhà hàng Dynasty ở San Jose sẽ dược chọn làm địa điểm để tổ chức Hội Ngộ.

2) Đặc San Chu Văn An: Sẽ phát hành mỗi năm một lần thay vì 2 năm một lần.  Cũng xin thưa với quý Đồng Môn, trong tất cả các Đặc San của các Hội Đoàn trên nước Mỹ, hình như Đặc San CVA Bắc California là Đặc San duy nhất không có đăng quảng cáo thương mại.  Do đó, để Đặc San được phát hành đều đặn, Hội Chu Văn An Bắc California rất cần đến sự yểm trợ tài chánh của qúy Đồng Môn.

* * *

Hình chụp Họp Mặt Tân Niên ngày Thứ Bảy, 7 tháng 2 năm 2004  tại nhà hàng Thành Được, Milpitas, California.

Từ trái qua phải:

CVA Nguyễn Thanh Hà, Tổng Thư Ký

CVA Đoàn Phan Trí, Phó Hội Trưởng

GS Nguyễn Đức Hưng

GS Trần Quang Lãng

GS Đinh Tiến Lãng

GS Cung Nhật Tân

GS Nguyễn Đức Hiếu

GS Lê Văn Lâm (đứng sau GS Hiếu)

GS Nguyễn Hữu Hưng

CVA Vũ Mạnh Phát (Cựu Hội Trưởng)

CVA Phạm Nguyên Khôi (Hội Trưởng)

CVA Nguyễn Văn Hiến

(ThủQuỹ, đứng sau CVA Phạm Nguyên Khôi)

CVA Triết 1966-1967

* * *

Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh

Chu Văn An Bắc California

ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC:

646  E. Santa Clara Street, San Jose, CA 95112

Trụ sở hội: 1573 Sawleaf Ct, San Jose, CA 95131

EmailThis email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.         

Website: http://www.fortunecity.com/victorian/durer/43/cva.htm

Tin Thư CVA: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Diễn Đàn CVA:This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Chi phiếu yểm trợ xin đề: Hội Ai Hữu Chu Văn An

Đặc San Chu Văn An 2005, phát hành ngày 26 tháng 3 năm 2005 nhân dịp Hội Chu Văn An Bắc California Họp Mặt Tân Niên Mừng Xuân Ất Dậu 2005 tại nhà hàng Thành Được, thành phố Milpitas, California.

Chú thích: Tất cả những bài viết trong Đặc San này không nhất thiết phản ảnh đường lối và lập trường của Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Bắc California.

* * *

Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu 

Cựu Học Sinh Chu Văn An 

Bắc California nhiệm kỳ 2004 – 2006

Hội Trưởng

Phạm Nguyên Khôi

email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Phó Hội Trưởng

Đoàn Phan Trí

email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it." style="color: #070736;">This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Tổng Thư Ký

Nguyễn Thanh Hà

email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Phó Tổng Thư Ký

Nguyễn Văn Mão

email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Thủ Quỹ

Nguyễn Văn Hiến

email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

* * *

ĐẶC SAN CHU VĂN AN 2005

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh

Chu Văn An Bắc California, Hoa Kỳ

Với  các bài viết của:

Lưu An - Việt Bằng - Ngọc Bích - Nguyễn Gia Bình - Nguyễn Thọ Chấn - Nguyễn Tranh Chiếu - Trần Trung Chính - Nguyễn Đức Chung - Đặng Đức Cường - Ngô Đức Diễm - Lương Anh Dũng - Lê Duy - Lý Kế Duy - Phạm Cao Dương - Trương Đăng Đệ - Chu Đậu - Sầu Đông - Nguyễn Ý Đức - Tôn Nữ Mặc Giao - Nguyễn Duy Hảo  - Ngô Sĩ Hùng - Ham Học - Trần Khánh Hồng - Đoàn Văn Khanh - Nguyễn Văn Khôi - Phạm Nguyên Khôi - Bùi Đức Lạc - Lê Văn Lâm - Vương Đức Lệ - Phan Phi Liêu - Đào Tiến Luyện - Vũ Đức Nghiêm - Trần Ngọc - Phạm Văn Nhuệ - Đàm Trung Phán - Hàn Phú - Nguyễn Đình Phương - Phan Tôn Sơn - Từ Sơn - Bùi Đình Tấn - Phan Chừng Thanh - Phạm Huy Thịnh - Lê Quý Thụ - Lê Xuân Tiếu - Phạm Hữu Thuật - Đoàn Phan Trí - Phạm Quang Trình - Nguyễn Vũ Văn - Thanh Văn - Minh Viên - Kim Vũ.

Ban Biên Tập:

Phạm Nguyên Khôi  * Đoàn Phan Trí  * Nguyễn Văn Hiến * Nguyễn Văn Mão  * Nguyễn Thanh Hà

Trình Bày & Layout: Phạm Nguyên Khôi - Nguyễn Thanh Hà

Hình bìa: Cả hai hình bìa trước và sau đều do CVA Nguyễn Như Hùng chụp.  Trân trọng cám ơn Đồng Môn Nguyễn Như Hùng.

Bìa trước:  “Tôn Sư Trọng Đạo”

Trò: GS Nguyễn Đức Hiếu, 90 tuổi.

Thày: GS Nguyễn Khắc Kham, 97 tuổi.

Hình chụp nhân ngày lễ Khánh Thọ thứ 97 của GS Nguyễn Khắc Kham vào ngày 23/12/2004 tại nhà hàng Kobe, Santa Clara, California.

Bìa sau: Tượng mẹ con chạy giặc tại Ottawa, Canada.  “Để tưởng niệm những người đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do.”   Hình chụp này rất thích họp với chủ đề của Đặc San năm nay: “Kỷ niệm 30 năm bỏ nước ra đi”

In tại PAPYRUS

1002 S. 2nd Street, San Jose, CA 95112

Điện thoại: (408) 971-8843

Fax: (408) 971-2155

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.


Page 2

Đặc San Chu Văn An 2011

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh

Chu Văn An Bắc California 

 * * *

Lời Cảm Tạ

         Toàn thể ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Bắc Cali và ban Biên Tập Đặc San Chu Văn An xin chân thành cảm ơn qúy bạn, qúy thân hữu đã đóng góp bài vở và qúy thày, qúy bạn đã ủng hộ tài chánh để thực hiện cuốn đặc san này:

BAN CỐ VẤN:

Nguyễn Hoàng Hải,

Phạm Hữu Độ,

Lại Quốc Ấn,

Nguyễn Thanh Giản,

Phạm Huy Thịnh,

Phạm Nguyên Khôi,

Lưu Văn Vịnh

Lâm Hữu Trãi

BAN CHẤP HÀNH:                                              

Hội Trưởng: Lê Duy San,

Phó HT: Nguyễn Đ. Khôi

Tổng TK: Vũ Văn Tới

Phó TTK: Đoàn Đ. Quý

Thủ Qũy: Nguyễn V. Mão.

TB Báo Chí: Lê Duy San,

TB Văn Nghệ: Lê Q. Tấn

PB Văn Nghệ: Bảo Ngọc

Đặc San CHU VĂN AN 2011

Chủ Trương:

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Bắc Cali

Ban biên tập:

Nguyễn Đức An, Nguyễn Công Bắc, Nguyễn Hữu Khánh, Nguyễn Đăng Khôi, Nguyễn Đình Phương, Trần Bích Sa, Lê Duy San, Vũ Văn Tới, Nguyễn Ngọc Tùng, Lưu Văn Vịnh.

Với sự cộng tác của:

Lâm Văn Bé, Nguyễn Quốc Chánh, Phạm Gia Đại, Trần Khánh Hồng, Lê Mạnh Hùng, Trần Khải, Đoàn Văn Khanh, Đoàn Thanh Liêm, Nguyễn Bá Liệu, Lê Nhân, Lương Nhân, Phạm Tín An Ninh, Phi Oanh, Đàm Trung Pháp, Huy Phương, Phùng Ngọc Sa, Trần Cao Sạ, Hương-Saigon, Nguyễn Văn Sâm, Lê Phục Thủy, Hồ Vĩnh Thủy

Trình bày: Nguyễn Văn Mão

Bìa: Đền thờ Cụ Chu Văn An ở Hải Dương.

Địa Chỉ Liên Lạc:

Hội Chu Văn An

2855 The Villages Pkwy # 3109, San Jose, CA 95131

Điện thọai: (408) 531-9409

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it." style="color: rgb(0, 0, 128);">

 * * *

MỤC LỤC

01 Lá thư tòa soạn………………...                                   Ban biên tập……….       4

02 Nền GDVN thời Pháp thuộc…..                              Trần Bích San……..            8

03 Tản mạn về giáo dục…………..Lưu Văn Vịnh….…34

04 Giáo dục và thi cử thời VNCH..   Lê Duy San……….47

05 Đất Mẹ Thân Yêu (thơ)………..                                 Trần Cao Sạ………          76

06 Nghĩ về nền GDVN trước 75….                                 Vũ Văn Tới…….… 77

07 Đại Học XHCN Việt Nam…….                                 Lâm Văn Bé……....          84

08 Giáo Dục Bi Hài……………….                                Trần Khải…….….  108 09 Nền phản giáo dục của CSVN..                                                         LN sưu tầm……...115

10 Vài nhận xét về nền GDCS……                                Lê Nhân……….....122

11 Vài đề nghị về dậy dỗ con cái...Nguyễn Bá Liệu….        132

12 Làm thế nào để thành BSYK….   Hương Saigon…....     137

13 Giới thiệu các Đại Học ở Cali…                              HS sưu tầm….…..   .           149

14 Bác Sĩ, mà không là gì khác!.....Huy Phương……...       161

15 Thất Trảm Sớ………………….BBT sưu tầm….....166

16 Giáo sư Nguyễn Gia Tường…..Lê Duy San……....        170

17 Tình Thu (thơ)...……………….Phùng Ngọc Sa…..175

18 Chuyện xưa chuyện nay….……                                Đoàn Th. Liêm…..189

19 Phiếm luận về thi cử…………..Phi Oanh………...  194

20 Năm Mẹo, Xin đừng cứ mãi…..Đoàn V. Khanh.....200

21 Tinh thân Chu Văn An (thơ)…..   Trần Khánh Hồng..     214

22 Thằng Khùng………………….Đỗ Khắc sưu tầm..215

23 Về Miền Nắng Ấm…………….                                Phạm Gia Đại…...  228

24 Quê Hương và Chủ Nghĩa (thơ).Ng. Quốc Chánh    251

25 Tiểu Thư………………………  Phạm T. An Ninh..254

26 Ngôi chùa trong tâm tưởng……                                Nguyễn Văn Sâm..269 27 Kỷ Niệm Chu Văn An…….…..                                                         Nguyễn Đức An....281

28 Lời Ngỏ (thơ)…...……………..                                Hồ Vĩnh Thủy……            287

29 Nỗi nhớ khôn nguôi…………    Ng. Đ.Phương……    297

30 CVA và Sinh Hoạt Văn Hoá….Ng. Hữu Khánh….305

31Nội Quy Hội CVA Bắc Cali ….……………………312

* * *

Lá Thư Tòa Soạn

Kính thưa quí thày và qúy đồng môn,

Ý kiến cho rằng Bộ Quốc Gia Giáo Dục của hai nền đệ nhất và đệ nhị VNCH đứng ngoài cuộc chiến chống Cộng, và rằng đã không đóng góp vào công cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lược, xem ra có ý đổ lỗi cho những người có trách nhiệm trong nền giáo dục của VNCH. Tôi e rằng ý kiến này phiến diện, thiếu bề sâu và không biết đến sự khác biệt căn bản giữa hai nền giáo dục của người quốc gia và người Cộng Sản.

Từ sau 1945 chương trình giáo dục của Pháp dành cho người bản xứ (Enseignement Franco-Indigène) bị hủy bỏ và được thay thế bằng chương trình Hoàng Xuân Hãn do hoàng đế Bảo Đại ban hành bằng dụ số 67 ngày 03/06/1945. Đây là chương trình giáo dục VN đầu tiên được áp dụng trên toàn quốc niên khóa 1945-1946. Bốn tháng sau, Bộ Trưởng Giáo Dục Vũ Đình Hoè trong Chính Phủ Liên Hiệp cho thành lập Hội Đồng Cải Cách Chương Trình Giáo Dục với phương châm “Dân Chủ, Dân Tộc, Khoa Học” theo tôn chỉ “Phục Vụ Lý Tưởng QuốcGia”. Chương trình Hoàng Xuân Hãn sau cuộc cải cách được gọi là “Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân”.

Người quốc gia đã sử dụng chương trình này từ 1945 đến ngày 30/04/1975 khi miền Nam VN mất vào tay Bắc Cộng. Tuy có vài thay đổi dưới thời các vị tổng, bộ trưởng giáo dục như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Thành Giung, Phan Huy Quát, Vương Quang Nhường, Nguyễn Dương Đôn, Trần Hữu Thế, Nguyễn Quang Trình, Nguyễn Lưu Viên, Trần Ngọc Ninh, Ngô Khắc Tỉnh, nhưng nền móng căn bản vẫn là chương trình Hoàng Xuân Hãn nguyên thủy. Một cách chính xác, chương trình Hoàng Xuân Hãn đã được dùng làm căn bản và tiêu chuẩn cho mọi cải cách. Ở mỗi thời điểm sửa đổi, Hội Đồng Giáo Dục được thành lập để làm công việc bổ xung, cập nhật cho phù hợp với trình độ học sinh và đà tiến hoá của giáo dục, khoa học đương thời. Các khuyến cáo của tổ chức văn hoá, khoa học, giáo dục UNESCO thuộc Liên Hiệp Quốc đã được dùng để tham khảo trong việc sửa đổi.

Chương trình Hoàng Xuân Hãn được hoàn thành bởi những người yêu nước, các nhà trí thức trẻ tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng của Pháp, và các nhà cựu học uyên thâm đầy tâm huyết như Hoàng Cơ Nghị, Nguyễn Dương Đôn, Phạm Đình Ái, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Xiển, Đặng Phục Thông, Nguyễn Đình Thụ, Nguyễn Duy Thanh, Lê Văn Căn, Nguyễn Hữu Quán. Những người đóng góp trong việc cải cách ban chuyên khoa văn, sử địa có Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Báo, Đoàn Nồng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Nguyễn Dương Đôn. Đây là một chương trình giáo dục dân tộc và nhân bản. Một chương trình giáo dục có tính cách vô tư, tương tự như các chương trình giáo dục tiến bộ của các nước Tây phương tự do dân chủ, coi giáo dục là một hiện tượng tự nhiên, giáo dục không phải là một hiện tượng xã hội.

Về phía Cộng Sản, vì hoàn cảnh cấp bách, Việt Minh (Cộng Sản VN trá hình) sau khi cướp được chính quyền, trong thời gian đầu đành phải tạm dùng chương trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân cho đến niên khóa 1949-1950. Khi đã có trường ốc và giáo chức tương đối ổn định, Việt Minh đã cải tổ giáo dục lần thứ nhất vào tháng 07, 1950 nhằm mục đích xóa bỏ tính cách vô tư của nền giáo dục. Hai quyển Giáo Dục Dân Chủ Mới và Những Vấn Đề Giáo Dục của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Giáo Dục Việt Minh, được dùng làm căn bản cho việc cải tổ. Hai quyển này trình bày có hệ thống các quan điểm và tư tưởng giáo dục dựa trên lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lénin. Các giáo chức phải quan niệm giáo dục là một hiện tượng xã hội chứ không phải là một hiện tượng tự nhiên. Giáo dục và chính trị không phải là hai vấn đề riêng biệt mà giáo dục phải phục vụ cho mục tiêu chính trị. Nền giáo dục của Cộng Sản kết hợp chuyên môn với chính trị, lấy chủ nghĩa Marx-Lénin làm nền tảng nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giáo dục bị đặt dưới sự lãnh đạo chuyên chế tuyệt đối của đảng Cộng Sản. Tóm lại, đây là một hệ thống giáo dục phi dân tộc, phi nhân bản.

Lần cải tổ giáo dục thứ hai của chính quyền Cộng Sản Bắc Việt vào tháng 06, 1956 nhằm chuẩn bị tiến lên xã hội chủ nghĩa và xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn chi viện cho cuộc xâm chiếm miền Nam. Tóm lại, hai lần cải tổ giáo dục của Cộng Sản Việt đều nhằm sử dụng giáo dục như phương tiện để phục vụ cho các mục đích chính trị. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy khả năng yếu kém của học sinh, sinh viên miền Bắc so với sinh viên miền Nam về mọi môn, mọi phương diện. Nhồi nhét những điều sai lạc vào đầu óc non trẻ như yêu nước là yêu bác, yêu đảng Cộng Sản, yêu xã hội chủ nghĩa, v.v.

Chiến tranh tâm lý vạch rõ sự vô nhân, tàn ác, dã man của Cộng Sản, đề cao hy sinh to lớn của quân cán chính trong việc bảo quốc, an dân là nhiệm vụ của chính phủ VNCH, là trách nhiệm của bộ Dân Vận, Bộ Thông Tin, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (mà cựu Trung Tướng Trần Văn Trung là Tổng Cục Trưởng). Dùng hệ thống giáo dục đào tạo con người thành công cụ chống Cộng là thiển cận. Người quốc gia không thể bắt chước Cộng Sản. Chính nền giáo dục Cộng sản đã hủy hoại bao thế hệ tuổi trẻ. Chúng ta, người quốc gia, khác người Cộng Sản. Nền giáo dục của VNCH không phục vụ cho mục tiêu chính trị ngắn hạn, mà nhằm một mục đích rộng lớn hơn, lâu dài hơn, đó là: đào tạo con người với phẩm chất Việt cao, với lòng yêu nước, thương nòi.

Chương trình giáo dục của VNCH hướng vào mục đích dân tộc và nhân bản. Đâu cần phải biến học đường thành nơi hò hét chống Cộng, đâu cần học sinh xuống đường đả đảo Cộng Sản. Không cần phải làm thế nhưng chúng ta có biết bao người tự nguyện nhập ngũ chống Cộng Sản xâm lược, biết bao anh hùng có danh và vô danh hy sinh cho chính nghĩa dân tộc? Đó chính là kết quả của nền giáo dục VNCH. Những bài học từ lớp 1 đến lớp 12 đã tạo cho miền Nam những con người không những có kiến thức cao mà còn có phẩm chất cao, biết lễ nghĩa liêm sỉ, kính già yêu trẻ, giúp người hoạn nạn, cô thế, yêu tổ quốc, yêu đồng bào,v.v. Chính những con người đó khi vào đời, tự họ sẽ ý thức được việc chống Cộng, bảo vệ đất nước.

Trân trọng,

Ban biên tập

* * *

Nền Giáo Dục Việt Nam

Thời Pháp Thuộc

Trần Bich San, CVA60

LTS. Trần Bích San là bút hiệu của anh Trần Gia Thái, cựu học sinh CVA 57-60, du học tại Hoa Kỳ và tốt nghiệp Ph.D về quản trị Y Tế tại Đại Học Tulane. Hiện anh là Giám Đốc của Clinical Engineering Department, Touro Medical Center ở New Orleans, Louisiana.

Năm Nhâm Tuất 1862 Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa.  Năm Đinh Mão 1867 Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.  Hòa Ước năm Giáp Tuất 1874 công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn thể lãnh thổ Nam Kỳ. Nam Kỳ chính thức trở thành thuộc địa (colonie) của Pháp. 

Hai hòa ước năm Quí Mùi 1883 và năm Giáp Thân 1884 (thường được gọi là Hòa Ước Patenôtre) công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.  Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành đất bảo hộ (protectorat) của Pháp.  Ở miền Bắc, trên danh nghĩa, triều đình Huế còn quyền hành nhưng trên thực tế mọi việc do người Pháp điều khiển. Trung Kỳ do triều đình Huế cai trị nhưng được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Pháp (01).

Khi đô hộ Việt Nam, nhu cầu cấp bách của người Pháp là phải hủy diệt nền Nho học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục phục vụ cho guồng máy cai trị.  Do đó, chiếm được Nam Kỳ xong là người Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Nho học.  Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm). Từ 1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. 

Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm hơn.  Kỳ thi Hương cuối cùng ở ngoài Bắc vào năm Ất Mão 1915, và ở Huế, năm Mậu Ngọ 1918.  Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội chót năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế.  Tuy vậy mãi đến năm 1932 bộ máy quan lại của triều đình Huế mới bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ.

Mục đích nền giáo dục của ngưới Pháp ở Việt Nam.

Nhìn thấy quá khứ của ta nặng về Hán học, chủ tâm của người Pháp là muốn cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt Nam với người Trung Hoa.  Để đạt mục đích hướng tinh thần người Việt về với Pháp, chữ Hán cũng như chữ Nôm cần phải triệt bỏ (02)và thay thế bằng chữ Pháp, còn văn tự cho tiếng nói người bản xứ nếu cần đã có chữ quốc ngữ cùng một họ mẫu tự La Tinh (03).

Năm 1865 soái phủ Sài Gòn cho ra đời tờ Gia Định Báo là tờ Công Báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ (04).  Trong tinh thần ấy, trước tiên người Pháp dựng lên những cơ sở văn hóa để truyền bá chữ Pháp và chữ quốc ngữ.  Để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong thời gian đầu Pháp thiết lập các trường đào tạo thông ngôn.  Ngày 08/05/1861 Đô Đốc Charner ký nghị định thành lập trường Collège d’Adran để đào tạo thông ngôn người Việt và cho cả người Pháp muốn học tiếng Việt(05). Trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes) được thiết lập ở Sài Gòn năm 1864, ở Hà Nội năm 1905.  Pháp còn thiết lập các Trường Hậu Bổ (chuẩn bị bổ ra làm quan, Apprenti Mandarin) ở Hà Nội năm 1903 và ở Huế năm 1911.  Đây là những bước đầu trong việc thiết lập một nền giáo dục của Pháp. 

Trường Bưởi (Lyceé du Protectorat)

Khi xây dựng nền giáo dục thay thế Nho giáo, người Pháp có ba mục đích:

1/ Mục đích quan trọng nhất nhằm đào tạo lớp người thừa hành chính sách của Pháp là cai trị và khai thác ở Việt Nam và cả Đông Dương. Tầng lớp này bao gồm các viên chức trong các ngành hành chánh, giáo dục, y tế và xây dựng.

2/ Thứ hai là truyền bá tư tưởng Pháp, lòng biết ơn sự khai hóa của Pháp và sự trung thành với Pháp. 

3/ Cuối cùng với mục đích mị dân, làm người Việt tin rằng hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam là văn minh và tiến bộ. Hai mục đích đầu là căn bản, mục đích thứ ba chỉ dùng để đối phó với sự đòi hỏi một nền giáo dục tiến bộ của người Việt trong tương lai mà thôi.

Hệ thống giáo dục của chính quốc đã được người Pháp ở Việt Nam điều chỉnh và thêm bớt cho phù hợp với ba mục đích trên cũng như để thích hợp với thực tế tại Việt Nam.  Đây là hệ thống “Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ” (Enseignement Franco-Indigène), thường được gọi là Giáo Dục Pháp-Việt.  Trong nền giáo dục này tiếng Pháp là chuyển ngữ tức tiếng Pháp được dùng để trao đổi trong lớp học (giảng bài, làm bài, sách giáo khoa viết bằng tiếng Pháp).  Riêng ba lớp Tiểu Học đầu là được dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, sau đó tiếng Việt được học như một ngoại ngữ.  Ngoại ngữ thứ hai thường là tiếng Anh ở bậc Tú Tài. Chữ Hán được học theo tự nguyện, một tuần một giờ ở các lớp trên của bậc Tiểu Học nếu có thày dạy.

Để điều hành, Pháp thiết lập tại mỗi kỳ một Sở Giáo Dục Cho Người Bản Xứ (Service de L’Enseignement Local) do một Chánh Sở (Chef de Service) người Pháp đứng đầu.  Các cơ sở giáo dục này đặt trực thuộc tòa Khâm Sứ.  Mọi sự bổ nhiệm, thuyên chuyển, thăng thưởng, kỷ luật các giáo chức từ bậc Tiểu Học trở lên đều phải do vị Khâm Sứ quyết định. 

Khi Pháp thành lập liên bang Đông Dương (gồm Bắc, Trung, Nam Kỳ, Cao Miên và Lào), một số việc phải được Toàn Quyền Đông Dương (Gouverneur de l’Indochine) chuẩn y.  Nha Học Chính Đông Pháp (Direction de l’Instruction Publique de l’Indochine) ra đời do một Giám Đốc người Pháp chỉ đạo trực tiếp 5 sở giáo dục của liên bang Đông Dương.  Năm 1933, Phạm Quỳnh được Bảo Đại bổ nhiệm làm Thượng Thư Bộ Học.  Nhờ sự đòi hỏi quyết liệt của họ Phạm, Pháp phải nhượng bộ cho Việt Nam quyền quản lý các trường tiểu học ở Trung Kỳ nhưng dưới sự kiểm soát của tòa Khâm Sứ Pháp. 

Hệ thống giáo dục Pháp-Việt gồm 2 phần: giáo dục phổ thông và giáo dục cao đẳng chuyên nghiệp, đại học.

A. GIÁO DỤC PHỔ THÔNG PHÁP-VIỆT 

1. Tổ chức của hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt.

Trong thời kỳ phôi thai, Pháp thiết lập vài trường để làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục phổ thông là các trường trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho (1879) (06), trường Quốc Học Huế (1896), trường trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) tức trường Bưởi Hà Nội (1908)(07).  Ba trường này khi mới mở chỉ có bậc Tiểu Học, mấy chục năm sau mới giảng dạy đến các bậc cao hơn.  Riêng chỉ có 2 trường Quốc Học Huế và trường Bưởi sau này có đến bậc Tú Tài.  Từ 1910 đến 1930 là thời kỳ hình thành hệ thống giáo dục có tính cách hệ thống. Từ 1930 đến 1945 là thời kỳ tổ chức hệ thống giáo dục cho người bản xứ của Pháp ở Việt Nam đã được hoàn chỉnh.

Một trường Tiểu Học ở một tỉnh lỵ ở Nam Kỳ.

Song song với hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt, Pháp thiết lập 3 trường hoàn toàn như ở Pháp dành riêng cho con cái người Pháp ở Việt Nam và con cái những người Việt thân Pháp.  Đó là các trường Chasseloup Laubat (08) ở Sài Gòn (1874), trường Albert Sarraut ở Hà Nội (1918) và trường Yersin ở Đà Lạt (1935).  Cả 3 trường này lúc đầu cũng được hình thành từ bậc Tiểu Học trước rồi sau mới có đến bậc Tú Tài. 

2. Kiến trúc của nền giáo dục phổ thông Pháp-Việt.

Tới khi hình thành đầy đủ, hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt có 3 bậc với học trình là 13 năm:

2.1 Bậc Tiểu Học:

Lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin).

Lớp Dự Bị (Cours Préparatoire)

Lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire)

Lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année)

Lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) (09)

Lớp Nhất (Cours Supérieur).

Giờ địa lý trong 1 lớp tiểu học

Bậc Tiểu học có học trình là 6 năm. Ba lớp đầu còn được gọi là bậc sơ học. Học xong lớp Sơ Đẳng học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire)  Những học sinh được tuyển thẳng lên lớp Nhì năm thứ nhất không bắt buộc phải thi Sơ Học Yếu Lược.  Học hết lớp Nhất học sinh được thi bằng Tiểu Học Yếu Lược hay Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI), phải có bằng này mới được dự tuyển học lên lớp trên thuộc bậc Cao Đẳng tiểu Học.

Các trường dạy bậc Cao Đẳng Tiểu Học được gọi là Collège, học trình 4 năm. Khi học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung.  Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Trung Học tức bậc Tú Tài. 

2.3 Bậc Trung Học (Enseignement Secondaire):

Bậc Trung Học còn được gọi là bậc Tú Tài Pháp-Việt, học trình gồm 3 năm.  Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie).  Đậu bằng này được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển.  Năm thứ 3 được chia làm 2 ban: ban Triết và ban Toán.  Hai ban có những môn học hoàn toàn giống nhau như Sử. Địa, Ngoại Ngữ. Có những môn giống nhau nhưng số giờ học khác nhau như Đại Số, Thiên Văn.  Có những môn chỉ học ở ban này mà ban kia không có như ban Triết học Tâm Lý Học, Siêu Hình Học, ban Toán học Hình Học, Cơ Học, Số Học.

Từ niên học 1937-1938 trên toàn cõi Việt Nam đều áp dụng chương trình Pháp-Việt đủ 3 ban: Toán, Khoa Học, Triết.

Ngoài ban mình học, học sinh được phép thi tốt nghiệp các ban khác nhưng phải tự học thêm những môn mà ở ban mình theo học không có.  Học sinh cũng được phép thi bằng Tú Tài Pháp. Học xong năm thứ 3 trung học được thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần (Certificat de Fin d’Études Secondaire Franco-Indigènes).  Học sinh tốt nghiệp 2 hoặc 3 ban hoặc thêm bằng Tú Tài Pháp (10) được ưu tiên khi thi vào các trường Đại Học có thi tuyển như các trường Grandes Écoles ở Pháp hoặc các trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội lúc đó.

Từ niên học 1926-1927 Pháp thiết lập thêm chế độ Tú Tài Bản Xứ (Baccalauréat Local) học thêm các môn về văn chương Việt Nam, lịch sử, triết học Đông Phương và Cận Đông (Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái). Chương trình rất nặng, bị chỉ trích và ta thán rất nhiều nên đã bị hủy bỏ từ niên học 1937-1938. 

3. Các đặc điểm của nền giáo dục phổ thông Pháp-Việt.

Một đặc điểm của nền giáo dục phổ thông Pháp-Việt là hễ có bằng Tú Tài Toàn Phần thì đương nhiên được vào học các trường Đại Học (Université), nhưng muốn vào các trường Cao Đẳng thì phải qua một kỳ thi tuyển rất khó.

Trước 1945, Việt Nam chỉ có một trường Đại Học và vài trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội như Sư Phạm, Canh Nông, Thú Y, Công Chánh và Mỹ Thuật.

Một đặc điểm khác nữa là chương trình học do nhà nước quy định có tính cách bắt buộc trong việc giảng dạy, nhưng sách giáo khoa lại hoàn toàn do các nhà xuất bản mời người biên soạn và các sách này chỉ được dùng để tham khảo mà thôi.  Tất nhiên những sách giáo khoa do các nhà giáo có kinh nghiệm và uy tín được sử dụng nhiều hơn. 

Riêng ở bậc Tiểu Học sách giáo khoa do Nha Học Chính Đông Pháp chủ trì việc biên soạn và xuất bản, bán rẻ cho học sinh. Từ bậc Cao Đẳng Tiểu Học trở lên thì dùng sách giáo khoa xuất bản ở Pháp (trừ vài quyển về Lịch Sử Việt Nam, Địa Lý Đông Dương, Văn Học Việt Nam do các giáo chức người Pháp hay người Việt soạn và xuất bản ở Hà Nội. 

4. Giáo chức của nền giáo dục phổ thông Pháp-Việt.

Các giáo chức giảng dạy tại các trường thuộc hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt đa số là người Việt Nam.  Ở các lớp thuộc bậc Cao Đẳng Tiểu Học và nhất là ở bậc Tú Tài cũng có một số giáo chức người Pháp.  Trái lại, tại các trường hoàn toàn Pháp như Albert Sarraut, Chasseloup Laubat các giáo chức chủ yếu là người Pháp. 

Dạy bậc Sơ Học giáo chức phải tốt nghiệp Tiểu Học và học thêm một năm lớp  Sư Phạm (Cours de Pédagogie).  Giáo chức dạy bậc Tiểu Học phải tốt nghiệp bằng Cao Đẳng Tiểu Học và được bổ túc về khoa Sư Phạm. 

Nhằm đào tạo các giáo viên Tiểu Học, có các lớp sư phạm (Section Normal) vừa học sư phạm vừa học chương trình Cao Đẳng Tiểu Học. Các giáo chức bậc Cao Đẳng Tiểu Học thì phải tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội.  Muốn dạy bậc Tú Tài thì phải tốt nghiệp Cử nhân ở Pháp về hoặc phải có bằng cao hơn Cử Nhân như học vị Thạc Sĩ (Agrégé) (11).

5. Trường ốc hệ thống giáo dục phổ thông Việt- Pháp

Các trường phổ thông công lập Pháp-Việt là những nhà gạch, mái ngói kiên cố và có phòng thí nghiệm. Xét vào thời điểm 1940-1945 thì trường ốc như thế thuộc loại tốt.

Ở các huyện lỵ có trường Sơ Học. Ở tỉnh lỵ và một vài huyện lỵ lớn có trường Tiểu Học.  Các tỉnh lỵ lớn có trường Sơ Học hay Tiểu Học dành riêng cho nữ sinh. Trung bình một tỉnh có khoảng từ 2 đến 4 trường Tiểu Học, mỗi trường có từ trên 100 đến vài trăm học sinh. 

Chỉ tại các thành phố lớn mới có trường Cao Đẳng Tiểu Học. Bắc Kỳ: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn, Trung Kỳ: Thanh Hóa, Nghệ An (Vinh), Huế, Quy Nhơn, Nam Kỳ: Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho.  Các trường Cao Đẳng Tiểu Học dành riêng cho nữ sinh chỉ có ở Hà Nội (trường Đồng Khánh), Huế (trường Đồng Khánh), Sài Gòn (trường Gia Long còn gọi là trường Áo Tím). 

Bậc Trung Học (bậc Tú Tài) chỉ có ở Hà Nội (trường Bưởi), Huế (trường Khải Định), Sài Gòn (trường Pétrus Ký).  Mỗi trường có khoảng từ 100 đến 200 học sinh.  Bậc Tú Tài cũng có ở các trường hoàn toàn Pháp tại Hà Nội (trường Lycée Albert Sarraut), Sài Gòn (trường Lycée Chasseloup Laubat), ĐàLạt (Lycée Yersin).  

Lycée Yersin, Đàlạt

Ngoài hệ thống trường công còn có các trường tư phần lớn do giáo hội Thiên Chúa Giáo xây dựng ngay từ những ngày đầu Pháp chiếm Việt Nam.  Hai trường của Thiên Chúa Giáo có tiếng là trường Pellerin ở Huế và trường Taberd ở Sài Gòn.  Sau năm 1930 có một số tư thục do tư nhân mở ra ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và ở một vài tỉnh lỵ lớn đa số là các trường bậc Tiểu Học. 

Tư thục bậc Cao Đẳng Tiểu Học chỉ có ở Hà Nội, Huế và Sài gòn.  Riêng tư thục bậc Tú Tài chỉ có ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng cũng chỉ có lớp cho 2 năm đầu vì học sinh đậu Tú Tài phần thứ nhất rồi thì đương nhiên được thu nhận vào trường công.

Hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt do Pháp thiết lập rất nhỏ. Trước nhất vì đó là một chương trình giáo dục chỉ nhằm đào tạo một số người thừa hành cho mục tiêu cai trị và khai thác của Pháp.  Thứ nữa, vì dân số nước ta lúc đó không nhiều, chỉ có khoảng 20 triệu người(12).

Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương chương trình giáo dục phổ thông Pháp-Việt bị bãi bỏ ở Bắc và Trung Kỳ năm 1945 và được thay thế bằng chương trình Hoàng Xuân Hãn.  Riêng miền Nam mãi đến khi quốc trưởng Bảo Đại thành lập chính quyền quôc gia mới chấm dứt áp dụng chương trình giáo dục Pháp-Việt vào năm 1949.

B. GIÁO DỤC CAO ĐẲNG VÀ ĐẠI HỌC PHÁP-VIỆT

1. Khác biệt giữa trường Cao Đẳng và Đại Học.

Hệ thống giáo dục Pháp-Việt (Enseignement Franco-Indigène) áp dụng ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đã rập khuôn theo chế độ và tổ chức giáo dục của chính quốc nhưng được điều chỉnh, thêm bớt cho phù hợp với thực tế ở Đông Dương và chủ yếu là để đạt mục đích khai thác thuộc địa. Vì thế, học chế áp dụng tại Đông Dương cho bậc học cao nhất, hình thức tương tự như ở Pháp (lúc đầu không có thực chất, sau đuợc cải tiến vì lý do chính trị), gồm có hai loại trường là Cao Đẳng và Đại học

Trường Cao Đẳng (École Supérieure): là loại trường chuyên nghiệp, nhập học phải hội đủ điều kiện văn bằng đòi hỏi và qua một kỳ thi tuyển (concours). Trúng tuyển được cấp học bổng ăn học suốt học trình. Tốt nghiệp phải làm việc cho chính quyền (trong lãnh vực chuyên nghiệp do trường đào tạo) một thời gian ấn định (13), nếu không, theo nguyên tắc, phải bồi thường tiền học bổng. Các trường Cao Đẳng, chương trình học có qui củ và kỷ luật chặt chẽ, đào tạo các chuyên viên có nghề nghiệp nhất định như bác sĩ, kỹ sư, công chức, giáo sư.

Trường Đại Học (Université): muốn nhập học các trường Đại Học chỉ cần đủ điều kiện về văn bằng đòi hỏi mà không phải qua một kỳ thi tuyển. Việc thu nhận sinh viên không hạn định tuổi tác và số lượng.  Chương trình học chú trọng đào tạo một căn bản vững chãi cho tri thức chuyên ngành nào đó nhưng không nhất thiết đóng khung trong một lãnh vực nhất định, và cũng không mang tính chất nghề nghiệp bắt buộc như các trường Cao Đẳng chuyên nghiệp. Sinh viên phải tự túc về học phí (ngoại trừ những sinh viên xuất sắc được học bổng).  Khi tốt nghiệp chính quyền không có nhiệm vụ cung cấp việc làm, cá nhân phải tự tìm kiếm.

2. Các trường Cao Đẳng và Đại Học Đông Dương.

Ngoại trừ trường Y Dược và Công Chánh được thành lập từ đầu thế kỷ thứ 20, các trường Cao Đẳng và Đại học đã được thành lập vào khoảng cuối đệ nhất thế chiến (trong khoảng từ năm 1917 đến 1924).  Ngày 21/12/1917 toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ra nghị định ban hành Học Chánh Tổng Qui ở Đông Dương (Règlement Général de l’Instruction Publique en Indochine) nhằm mục đích thực hiện một cách qui mô chính sách của Pháp đối với các nước ở Đông Dương. Sau đó, Qui Chế Tổng Quát về Giáo Dục Cao Đẳng ở Đông Dương (Règlement Général de l’Enseignement Supérieur en Indochine) được toàn quyền Đông Dương ban hành bằng nghị định ngày 25/12/1918. 

Lúc đầu, điều kiện để được theo học các trường thuộc hệ thống Cao Đẳng và Đại Học là phải có bằng Cao Đẳng Tiểu Học (tức bằng Thành Chung). Về sau điều kiện về văn bằng là Tú Tài Toàn Phần. Tất cả các trường được xếp vào hệ thống trường Cao Đẳng và Đại Học đều ở Hà Nội (14)và thuộc Viện Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise) (15), gồm có:

2.1 Trường Y Khoa Đông Dương (École de Médecine de l’Indochine): 

Nghị định ngày 08/01/1902 thành lập một cơ sở đào tạo nhân viên y tế của Đông Dương do bác sĩ Yersin làm hiệu trưởng (16).  Ngày 27/02/1902 khóa đầu tiên với 29 học viên đã khai giảng tại cơ sở tạm thời ở làng Nam Đông (tức Thái Hà Ấp).  Đến cuối năm 1902 trường chuyển về cơ sở chính thức tức là trường Đại Học Y Khoa Hà Nội bây giờ. Do nghị định ngày 25/10/1904 trường mang tên là Trường Y Khoa Đông Dương nhằm đào tạo các phụ tá cho Bác Sĩ và Dược Sĩ (Médecine et Pharmacian Auxiliaire) với học trình 4 năm cho Y Khoa và 3 năm cho Dược Khoa.

Từ năm 1906 có thêm ban Thú Y. Trường còn có một lớp Nữ Hộ Sinh Bản Sứ (Sage Femme Indigène) học trình 2 năm, điều kiện nhập học chỉ cần có bằng Tiểu Học.  Do nghị định ngày 29/12/1913 trường được cải tổ và đổi tên thành Trường Y Dược Đông Dương (École de Médecine et de Pharmacie de l’Indochine). 

Từ năm 1919 có thêm môn Nhãn Khoa. 

Đến năm 1923 sắc lệnh ngày 30/08/1923 nâng trường lên bậc Cao Đẳng (école supérieure) nhằm đào tạo Bác Sĩ và Y Sĩ Đông Dương.  Trường Kiêm Bị Y Dược (École de Plein Exercise de Médecine et de Pharmacie) đào tạo Bác Sĩ với chương trình học 6 năm, 4 năm tại Hà Nội, 2 năm cuối học và trình luận án tại Pháp.  Section de Médecine et Pharmaciens Indochinois đào tạo Y Sĩ Đông Dương với chương trình học 4 năm ở Hà nội.  Năm 1930, Trường Y Dược Đông Dương trở thành một khoa (faculté) của Viện  Đại Học Hà Nội (Faculté de Médecine et de Pharmacie de l’Université de Hanoi).  Năm 1935 đánh dấu khóa Bác Sĩ tốt nghiệp đầu tiên ở trong nước do các giáo sư từ trường Đại Học Y Khoa Paris sang giảng dạy và chấm thi (17).

2.2 Trường Cao Đẳng Thú Y Đông Dương (École Supérieure Vétérinaire de l’Indochine) 

Ban Thú Y của Trường Y Dược được tách ra thành trường này do nghị định ngày 05/09/1917, trực thuộc Sở Thú Y Bắc kỳ, nhằm đào tạo Phụ Tá Thú Y Sĩ với học trình 4 năm.  Từ 1918 đến 1925, điều kiện phải có bằng Cao Đẳng Tiểu Học.  Trường nhận học viên không qua kỳ thi tuyển, tốt nghiệp thành Y Sĩ Thú Y. 

Từ 1925 đến 1935 phải có bằng Cao Đẳng Tiểu Học hoặc bằng Tú Tài và phải qua kỳ thi tuyển. 

Từ 1935 đến 1940 trường đóng cửa vì thiếu ngân sách. 

Từ 1941 trường mở cửa lại, phải có bằng Tú Tài và khám sức khỏe mới được dự kỳ thi tuyển.  Tốt nghiệp với văn bằng Bác Sĩ Thú Y.  Từ năm này trường được đặt dưới sự giám sát của Tổng Thanh Tra Canh Nông và Chăn Nuôi (18).

2.3 Trường Pháp Chính (École de Droit et d’Administration):

Thành lập ngày 15/10/1917 (19), lúc đầu nhằm đào tạo quan lại “ngạch Tây” phục vụ cho guồng máy cai trị của Pháp về hành chánh, tài chánh, tư pháp, học trình 3 năm, riêng ban tài chánh học 2 năm.  Tốt nghiệp được bổ dụng làm Tham Biện ở các công sở (còn gọi là Tham tá), hoặc đi làm Tri Phủ, tri huyện ở các tỉnh.  Trường được đổi thành Cao Đẳng Học Viện Đông Dương (École des Hautes Étude Indochinoises) do nghị định ngày 18/09/1924 với mục đích đào tạo ở bậc Cao học về luật pháp, chính trị, lịch sử và triết học. 

Muốn nhập học phải có bằng Tú Tài Bản Xứ hay Tú Tài Pháp, chương trình học 3 năm.  Ngày 11/09/1931 theo sắc lệnh của Tổng Thống Pháp đổi thành Trường Cao Đẳng Luật Khoa Đông Dương (École Supérieure de Droit de l’Indochine) (20).  Năm 1941 đổi thành Trường Đại Học Luật Khoa (Faculté de Droit).

2.4 Trường Cao Đẳng Sư Phạm (École Supérieure de Pédagogie):

Toàn quyền Albert Sarraut ký nghị định thành lập ngày 15/10/1917, nhằm đào tạo giáo chức cho các trường Sư Phạm Sơ Cấp và các trường Cao Đẳng Tiểu Học, học trình 3 năm.  Từ sau năm 1920 thí sinh dự tuyển phải có bằng Tú Tài Toàn Phần. 

Trường có 2 ban : 1. Ban Văn Chương (Section des Lettres) : gồm các môn học về văn chương, lịch sử, địa lý và triết học. 2.  Ban Khoa Học (Section des Sciences): gồm các môn học về toán, vật lý, hóa học và vạn vật học.

2.5 Trường Cao Đẳng Nông Lâm (École Supérieure d’Agriculture et de Sylviculture):

Thành lập do nghị định ngày 21/03/1918 đào tạo Phụ Tá Kỹ Sư Nông Nghiệp và Lâm Nghiệp, học trình 3 năm. 

Năm 1935 trường đóng cửa.  Ngày 15/08/1938 toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Trường Chuyên Nghiệp Nông Lâm Đông Dương (École Spécial d’Agriculture et de Sylviculture) đào tạo Kỹ Sư Nông Nghiệp và Lâm Nghiệp, học trình học 3 năm.

2.6 Trường Công Chánh (École des Travaux Publics):

Thành lập bởi nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 22/02/1902 để đào tạo Cán Sự Chuyên Môn (agent technique) cho các sở Công Chánh, Địa Chánh và Địa Dư với học trình 2 năm, hạn tuổi từ 18 đến 25. 

Lúc đầu, điều kiện phải có bằng Tiểu Học.  Từ năm 1913 nếu có bằng Thành chung thì được miễn thi (21).  Năm 1944 đổi thành Trường Cao Đẳng Công Chánh (École Supérieur de Traveaux Publics) đào tạo Kỹ Sư và Phó Kỹ Sư Công Chánh.   

2.7 Trường Thương Mại Đông Dương (École de Commerce de l’Indochine):

Được thành lập do nghị định ngày 02/11/1920, học trình 2 năm.  Để bổ túc cho những người tốt nghiệp trường này ở Hà Nội, Trường Thương Mại Thực Hành (École d’Application Commerciale) được thành lập ở Sài Gòn năm 1922 để nâng cao kiến thức về nội và ngoại thương bằng những công tác thực tế.  Đến năm 1924 trường Thương Mại Thực Hành được sát nhập vào Trường Thương Mại Đông Dương ở Hà Nội và nghị dịnh ngày 25/08/1925 chương trình thực hành được áp dụng với học trình tổng cộng 3 năm. 

Nghị định ngày 28/09/1928 nâng lên thành Trường Cao Đẳng Thương Mại Đông Dương.  Nghị định ngày 07/04/1926 mở thêm Khoa Bưu Chính và Điện Báo (Section des Postes et Télégraphes) đào tạo Chuyên Viên Tiếp Nhận Điện Báo (Receveur) cho ngành Bưu Điện. Cũng nghị định này thành lập thêm Khoa Điện Báo Vô Tuyến (Section Radiotélégraphiques) nhằm cung cấp Chuyên Viên Kỹ Thuật cao cấp cho Sở Vô tuyến Điện (Service Radiotélégraphie) (22).

2.8 Trường Cao Đẳng Văn Khoa (École Supérieure de Lettres):

Thành lập năm 1923 nhưng đến năm 1924 bị bãi bỏ và sát nhập với Trường Pháp Chính để thành Trường Cao Học Đông Dương.

2.9 Trường Khoa Học Thực Hành (École des Sciences Appliquées):

Thành lập năm 1923 nhưng vì thiếu giáo sư và học cụ nên chỉ được một thời gian ngắn rồi bị bãi bỏ.

2.10 Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l’Indochine):

Nghị định thành lập do toàn quyền Merlin ký ngày 27/10/1924, chương trình học 3 năm do Sở Học Chánh quản trị.  Giám đốc đầu tiên là họa sư Victor Tardieu (23). Từ 1926 chương trình đổi thành 5 năm.  Năm 1927 thêm ngành Kiến Trúc.  Năm 1928 thêm Nghệ Thuật Sơn Mài.  Năm 1932 thêm ngành Khắc Chạm Kim Loại (Ciselure).  Năm 1937 Jonchère thay Tardieur làm giám đốc thêm ngành Đồ Gốm và Đồ Sứ.  Năm 1938 đổi thành Trường Mỹ Thuật và Mỹ Thuật Thực Hành Đông Dương (École des Beaux-Arts et des Arts Appliqués) bằng nghị định ngày 21/05/1938 của toàn quyền Brévié.  Nghị định ngày 22/10/1942 đặt trường trực thuộc Viện Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise).   

3. Chủ trương của Pháp trong việc thiết lậpcác trường Cao Đẳng và Đại Học.

Năm 1907, trước cao trào thanh niên tìm cách xuất dương du học, người Pháp muốn kìm hãm và ngăn chận phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng, nên tuy việc xây dựng hệ thống giáo dục bậc trung học chưa hoàn tất, toàn quyền Paul Beau (nhiệm kỳ 1902-1907) đã ra nghị định ngày 10/11/1907 thành lập Trường Đại Học Hà Nội gồm 5 trường Cao Đẳng là Luật và Pháp Chính, Khoa Học, Y Khoa, Xây Dựng, Văn Chương (24). 

Năm sau, 1908, toàn quyền Klobukowski (nhiệm kỳ 1908-1911) bãi bỏ việc thành lập này, nhưng đến năm 1918 toàn quyền Albert Sarraut tổ chức lại và giải thích : “Mở các lớp Cao Đẳmh của Trường Đại Học Hà Nội cho người An Nam để không ai có quyền ra khỏi Đông Dương…”(25).  Tuy mang tên trường Cao Đẳng và Đại Học nhưng trong thời gian từ 1902 đến 1924 thực chất chỉ là các trường chuyên nghiệp trung cấp. 

Những phê bình và chỉ trích về thực chất các trường Cao Đẳng và Đại Học của giới trí thức và báo chí Việt Nam đã áp lực người Pháp đưa đến cuộc cải cách giáo dục năm 1924-1925.  Nội dung cải cách nhằm sửa đổi qui chế các trường hiện hữu để thực sự có tính chất Cao Đẳng, cụ thể là:

-  Nâng cao trình độ tuyển sinh: ngoài điều kiện có bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Thành Chung) phải có giấy chứng nhận đã học hết 2 năm Trung Học.  Được miễn thi nếu tốt nghiệp 3 năm Trung Học (tức có bằng Tú Tài Toàn Phần).

-  Nâng cao học trình: trung bình thêm 1 năm so với trước (cũng có trường không tăng).

-  Nâng cao nội dung giảng dạy: sửa đổi để có tính chất Cao Đẳng.

Ngoài các biện pháp trên còn dự tính tăng số giáo chức giảng huấn có học vị cao nhưng thực tế không có gì thay đổi đáng kể. Cơ sở vật chất cũng không có gì thêm.

Ngày 26/06/1940 Pháp thua trận ở chính quốc, tiếp đó Pháp đầu hàng Nhật ở Đông Dương ngày 23/09/1940.  Pháp tiếp tục cai trị dưới quyền kiểm soát của Nhật. Trong bối cảnh lịch sử đó Pháp sửa đổi chính sách giáo dục nhằm 2 mục đích :

-  Mua lòng người Việt để tranh giành ảnh hưởng trên lãnh vực văn hóa với Nhật: nhằm giữ thanh niên Việt Nam trong quỹ đạo của Pháp, người dân thuộc địa hết lòng hết sức với mẫu quốc (26).

-  Bảo đảm việc giáo dục cho các con em của người Pháp: vì tình hình chiến tranh không thể về Pháp, các con em của những người Pháp làm việc ở Đông Dương vẫn tiếp tục việc học được.

Với mục đích trên Pháp thực hiện một số thay đổi về các trường Cao Đẳng và Đại học trong năm 1941:

-  Đổi tên Trường Kiêm Bị Y Dược (École de Plein Exercise de Médecine et de Pharmacie) thành Trường Đại Học Hỗn Hợp Y Duợc (Faculté Mixte de Médecine et de Pharmacie), đổi tên Trường Cao Đẳng Luật Khoa (École Supérieure de Droit) thành Trường Đại Học Luật Khoa (Faculté de Droit) (27), mở lại Trường Cao Đẳng Thú Y và nâng cao qui chế để đào tạo Bác Sĩ Thú Y, thiết lập Trường Cao Đẳng Khoa Học (École Supérieure des Sciences) ở Hà Nội theo mô hình Trường Đại Học Khoa Học (Faculté des Sciences) ở Pháp nhằm đào tạo sinh viên về các chứng chỉ cử nhân khoa học.

-  Năm 1944 Trường Công Chánh (École des Traveaux Publics) đổi thành Trường Cao Đẳng Công Chánh (École Supérieure des Traveaux Publics) để đào tạo Kỹ Sư và Phó Kỹ Sư Công Chánh (Ingénieur et Ingénieur Adjoint Indochinois des Traveaux Publics).

Đến giai đoạn này nếu xét về mặt qui chế thì các trường Cao Đẳng và Đại học mới thực sự có tính chất một nền giáo dục Cao Đẳng và Đại Học hiện đại nếu so sánh với những trường tương đương lúc đó ở Pháp. 

Xét về thành phần giáo chức thì hầu hết do người Pháp đảm nhận, người Việt chỉ đóng vai trò trợ giảng mà thôi.  Về phương diện vật chất thiết bị thì các trường Đông Dương ở vị trí thấp nhất. Tuy nhiên, từ năm 1935 việc tuyển lựa, thi cử  rất gắt gao, kỷ luật học tập chặt chẽ.  Sinh viên Việt Nam vốn thông minh và chăm học nên phần lớn phẩm chất sinh viên tốt nghiệp đạt mục tiêu đào tạo về mặt khoa học và chuyên môn. 

KẾT LUẬN

Sau khi chiếm được toàn bộ Đông Dương người Pháp chuẩn bị và bắt tay ngay vào việc khai thác thuộc địa.  Tài lực và vật lực của Đông Dương đã đóng góp một phần đáng kể cho nhu cầu của mẫu quốc, nhất là qua hai cuộc thế chiến (28). 

Việc thiết lập các trường Cao Đẳng và Đại Học nằm trong chính sách quan trọng của Pháp chủ yếu là cung cấp các cán sự phụ tá cho những người Pháp (được đào tạo ở Pháp sang), để việc khai thác tài nguyên và nhân công của thuộc địa Đông Dương trở thành qui mô và hữu hiệu hơn. 

Việc nâng các trường Cao Đẳng chuyên nghiệp và Đại Học cho các trường này có thực chất vào giai đoạn cuối của nền đô hộ không nằm trong chủ trương của người Pháp.  Chính hoàn cảnh chính trị trong giai đoạn này đã đưa đến công cuộc cải tổ có lợi về phương diện giáo dục cho dân tộc Việt Nam. 

Chú thích

(1).  Ở Huế có tòa Khâm Sứ, mỗi tỉnh có tòa Công Sứ. Mọi việc lớn nhỏ ở tỉnh phải báo cáo cho tòa Công Sứ, triều đình nhà Nguyễn phải báo cáo cho tòa Khâm Sứ ở Huế.

(2). Thư của Paulin Vial, Giám Đốc Nội Vụ, Soái Phủ Nam Kỳ gửi Quan Bố Sài Gòn ngày 15 tháng 1 năm 1866:

“Dès les premiers jours, on a reconnu que la langue Chinois était une barrière de plus entre nous et les indigènes; l'ins - truction donné par le moyen de caractères iéroglyphiques nous échappait complètement; cette écriture ne permet que difficilement de transmetre à la population les notions diver - ses qui lui sont nécessaires au niveau de leur nouvelle situation politique et commercial. Nous sommes obligés en conséquence de suivre les traditions de notre propre ensei - gnement; c'est le seul qui puisse nous rapprocher des An - namites de la colonie en leur inculquant les principes de la civilisation européenne et en les isolant des influences hostiles de nos voisins”

(3). Người Pháp đã phải chấp nhận sự hiện hữu của Chữ Quốc Ngữ một cách bất đắc dĩ. Việc truyền bá Chữ Quốc Ngữ ở Nam Kỳ thực ra không phải là không gặp nhiều chống đối. Báo Le Saigonnais ra ngày 10 tháng 12 năm 1885 có đăng một kiến nghị của thân hào nhân sĩ xin Hội Đồng Thuộc Địa can thiệp để triệt bỏ Chữ Quốc Ngữ, coi như một thứ chữ vô giá trị. Chữ Quốc Ngữ do các giáo sĩ Bồ Đào Nha chế tạo ra theo lối ghép vần của Bồ ngữ. Người Việt biết chữ quốc ngữ không thể dùng để học chữ Pháp. Người Pháp nếu đọc chữ quốc ngữ theo vần Pháp thì đọc sai, nhất là đối với các nhân danh và địa danh. Do đó giới người Pháp cũng không ngớt chê bai Chữ Quốc Ngữ là thứ chữ vô tích sự vì đã không giúp ích gì trong việc truyền bá chữ Pháp.

(4). Đến năm 1868 tờ Gia Định Báo được giao cho Trương Vĩnh Ký trông coi.

(5). Trường Collège d'Adran do Linh Mục Croc là thông ngôn của Đô Đốc Charner làm Quản Đốc. Từ 1866 đến 1868 Trương Vĩnh Ký trông coi trường này.

(6). Tên vị Thống Đốc Nam Kỳ, tiền thân của trường Nguyễn Đình Chiểu.

(7). Bưởi là tên làng Thụy Khê gần Hà Nội, trường Bưởi là tiền thân của trường Chu Văn An ngày nay.

(8).  Dưới thời Đệ Nhất VNCH đổi thành J. J. Rousseau, nay là trường Lê Quý Đôn.

(9). Lớp Nhì năm thứ 2 (Cours Moyen 2ème année) đến niên học 1927-1928 mới áp dụng. Như vậy từ năm 1900 đến 1927 học sinh Tiểu Học chỉ học 5 năm (nghị định ngày 18/09/1924 của Toàn Quyền Merlin ký sửa đổi một phần Học Chánh Tổng Quy của Toàn Quyền Albert Sarraut ký ngày 21/12/1917).

(10). Bằng Tú Tài Pháp-Việt hoặc Tú Tài Bản Xứ có giá trị như bằng Tú Tài Pháp (sắc lệnh của Toàn Quyền Đông Dương ký ngày 12/10/1930) nhung nhờ chương trình học của Tú Tài Pháp-Việt và Tú Tài Bản Xứ nặng hơn chương trình học của Tú Tài Pháp nên có nhiều học sinh trường Bưởi và Pétrus Ký một năm đỗ 2 hoặc 3 bằng Tú Tài như các ông Nguyễn Quang Xước (Luật Sư), Nguyễn Hữu (Thạc Sĩ Y Khoa), Hoàng Cơ Thuỵ (Bác Sĩ), Phạm Biểu Tâm (Thạc Sĩ Y Khoa), Vũ Văn Mẫu (Thạc Sĩ Luật), Chương Văn Vĩnh (Dược Sĩ), v.v.

(11).  Học vị Thạc Sĩ (Agrégé) tương đương với Cao Học (Master), cao hơn Cử Nhân, dưới Tiến Sĩ.

(12).  Theo V. Thompson trong French Indochina, London, 1967 thì tính đến năm1939 ở Việt Nam có:

   - Bậc Trung Học: 4 trường, 553 học sinh

   - Cao Đẳng Tiểu Học: 19 trường, 5,637 học sinh

   - Sơ Đẳng Tiểu Học: 447 trường, 149,805 học sinh

   - Sơ Học: 3,521 trường, 236,720 học sinh

   -        Các loại giáo huấn khác: 3,143 trường, 132,212 học sinh (theo Nguyễn Thế Anh dẫn trong Việt Nam  

Dưới thời Pháp Đô Hộ, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, (1970)

(13). Theo Qui Chế Tổng Quát về Giáo Dục Cao Đẳng ở Đông Dương (Règlement Général de l'Enseignement Supérieur en Indochine) do toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định ngày 25/12/1918 thì khi ra trường phải phục vụ chính phủ ít nhất 10 năm.

(14). Chỉ có một trường Cao Đẳng duy nhất được thiết lập ở Sài Gòn là Trường Thương Mại Thực Hành nhưng đến năm 1924 sát nhập vào trường Thương Mại Hà Nội.

(15). Theo Contrilention à l'Histoire du Viet Nam của Chesneau thì niên khóa 1937-1938 các trường chuyên nghiệp có 2,051 sinh viên, đại học Hà Nội có 547 sinh viên Việt Nam, trường Luật 335 sinh viên, trường Thuốc 176 sinh viên, trường Mỹ Thuật 33 sinh viên. Năm 1944 Trường Đại Học Hà Nội có 1,500 sinh viên trong số đó 77% là người bản xứ.

(16). Alexandre Jean Émile Yersin (22/09/1863-18/04/1943): thường gọi là Bác Sĩ Yersin, người góp công lớn trong việc thành lập Trường Y Dược và là hiệu trưởng đầu tiên của trường. Bác sĩ Yersin đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên cùng thành phố Đà Lạt. Ông cũng là người sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang.

(17).  Cho đến niên khóa 1943-1944 giáo sư Việt Nam đầu tiên được nhận giảng dạy chính thức là giáo sư Hồ Đắc Di (1901-1986).  Sau năm 1947 giáo sư Di là hiệu trưởng Trường Đại Học Y Dược Việt Nam ở Việt Bắc, rồi khoa trưởng Đại Học Y Khoa Hà Nội từ 1955 đến khi về hưu. Tính tới 1945 trường đào tạo được 51 Bác Sĩ, 152 Y Sĩ Đông Dương và một số Dược Sĩ.

(18).  Từ 1918 đến 1925 trường Cao Đẳng Thú Y đào tạo được 83 Y Sĩ Thú Y. Từ 1925 đến 1935, trường có 60 người tốt nghiệp. Niên khóa 1943 số sinh viên năm thứ nhất có 14 người (Bắc Kỳ: 5, Trung Kỳ: 3, Nam Kỳ: 2, Cao Miên: 4), năm thứ 2 có 8 người (Bắc Kỳ: 5, Trung Kỳ: 2, Nam Kỳ: 1), năm thứ 3 có 5 người (Bắc Kỳ: 4, Nam Kỳ: 1).

(19).  Trường Pháp Chính (École de Droit et d'Administration) là hậu thân của Trường Hậu Bổ (École d'Apprentis Mandarins). Trường Hậu Bổ được thành lập ở Hà Nội do nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 20/06/1903. Nghị định ngày 18/04/1912 đổi tên trường Hậu Bổ thành Trường Sĩ hoạn (École des Mandarins).

(20).  Đến ngày 01/01/1953 một bộ phận của trường Đại Học Luật Khoa Hà Nội được tách ra và thành lập tại Đà Lạt với tên là Trường Quốc Gia Hành Chánh Đà Lạt, trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục ở Sài Gòn, nhằm đào tạo cán bộ hành chánh cao cấp. Đến năm 1954 trường được cải tổ sâu rộng, trực thuộc Phủ Thủ Tướng. Năm 1955 trường chuyển về Sài gòn và dổi thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

(21).  Tính tới năm 1913 Trường Công Chánh đào tạo được 22 nhân viên kỹ thuật. Niên khóa 1913-1914 tổng số học sinh là 58 người (Bắc Kỳ: 25, Trung Kỳ: 6, Nam Kỳ: 23, Cao Miên: 4)

(22).  Đến năm 1926 trường Cao Đẳng Thương Mại Đông Dương có tất cả 3 khoa. Niên khóa 1929-1930 trường có 53 sinh viên trong đó 30 người theo học khoa thương mại.

(23).  Victor Tardieu: họa sư, sinh ngày 30/04/1870 tại Lyon, Pháp, mất ngày 12/06/1937 tại Hà Nội, Việt Nam.

(24).  Nam Phong Tạp Chí số tháng 05, 1922: “Trung Học dự bị chưa có mà đã đặt Đại Học như thế thì cũng trái ngược thật!”.

(25).  Năm 1924, Reynaud, Bộ Trưởng Thuộc Địa Pháp sang thăm Đông Dương, khi đi qua cửa Trường Đại Học Hà Nội đã khen: “Ồ, cái bề mặt đẹp quá !” (O, la belle facade !). Báo chí thời đó nhắc đến câu khen có hàm ý này để phê bình thực chất của danh hiệu Đại Học và việc làm hình thức của người Pháp ở Việt Nam.

(26).  Toàn quyền Decoux thực hiện một số cải cách để mua lòng người Việt. Danh từ Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise) được đổi thành Liên Bang Đông Dương (Fédération Indochinoise) mang ý nghĩa nước Pháp giữ vai trò điều hòa quyền lợi của các xứ chứ không dự vào việc nội trị (trừ Nam Kỳ trực thuộc Pháp).  Để thanh niên không bị lung lạc tinh thần trước thời cuộc và hướng sinh lực giới trẻ vào lãnh vực vô hại cho Pháp, Decoux lập ra Sở Thanh Niên và Thể Thao và tạo nên phong trào thể thao sôi nổi một thời.

(27).  Chữ “Faculté” thường được dịch là “khoa”. Nhưng trong tổ chức đại học (Université) của Pháp thì faculté thực sự là một trường đại học, còn université là viện đại học. Trong qui chế đại học Pháp “faculté” cao hơn “école supérieure” (trường cao đẳng) vì faculté đào tạo và cấp được tới học vị tiến sĩ (Docteur).

(28).  Có hơn 100,000 người Việt đi lính, làm thợ trong cuộc chiến Pháp Đức 1914-1918 (Phan Khoang, Việt Nam Pháp Thuộc Sử, trang 414).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Chương Trình Trung Học, Nhóm Cựu Học Sinh Trường Bưởi xuất bản, Hà Nội, 1945.

- Đặng Thái Mai, Nguyên Tắc Cơ Bản của Nền Giáo Dục Việt Nam Ngày Nay, Giáo Dục Tân San, 01/1946, Hà Nội, 1946.

- Lê Văn Giạng: Lịch Sử Giản Lược, Hơn 1000 Năm Nền Giáo Dục Việt Nam, nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2003.

- Lê Văn Giạng, Nguyễn Được, Nguyễn Tùy, Nguyễn Hoặc: Lịch Sử Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp Việt Nam, nxb Viện Nghiên Cứu Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1985.

- Nguyễn Q. Thắng: Khoa Cử và Giáo Dục Việt Nam, nxb Văn Hóa, Hà Nội 1998.

- Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Việt Nam, nxb Văn Hóa, Sài Gòn, 1999.

- Nguyễn Thế Anh: Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970.

- P. de la Brosse: Une Année de Réforme dans l'Enseignement Public en Indochine 1924-1925.

- Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, quyển 3, nxb Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1963.

- Phan Khoang: Việt Nam Pháp Thuộc Sử (1884-1945), nxb Phủ Quốc Vụ khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sài Gòn, 1971, nxb Sống Mới tái bản, Hoa Kỳ.

- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển 2, nxb Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, Sài Gòn 1971.

- Vũ Ngọc Khánh: Tìm Hiểu Nền Giáo Dục Việt Nam Trước 1945, nxb Giáo Dục, Hà Nội 1985.

* * *

GIÁO DỤC VIỆT NAM

Nhân bản - Khai phóng - Khoa học

 Lưu Văn Vịnh, CVA 57-60 ban C

Triết Lý Giáo Dục

Cổ nhân dùng từ Giáo-Dục mang ý nghĩa giáo hoá chuyển đổi Dục-tức phần căn bản của sinh vật người, dục tính, nhằm thoát khỏi trạng thái tự nhiên của tạo vật sinh ra ( Đào Duy Anh-Hán Việt Từ Điển), định nghĩa giáo dục của Tây phương cũng không khác: từ Education gốc La tinh, ducere-conduire, là dẫn dắt một đứa trẻ thành người lớn, là phát triển mọi tiềm năng (facultes) trí tuệ, tâm lý, đạo đức (khác với từ Instruction, nghiêng về trí dục).

Quan niệm về giáo dục thay đổi tuỳ thời : 25 thế kỷ trước, Socrate và Đức Phật đều dậy môn sinh tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự mình suy ngẫm, người thầy, sư, chỉ mặt trăng nhưng ngón tay không phải là mặt trăng, Socrate dùng phương pháp “đỡ đẻ” tinh thần, giúp thanh thiếu niên bật ra thiên tư sẵn chứa trong lòng, thức tỉnh lương tri. Sau này phương pháp giáo dục trẻ em của Dr. Maria Montessori (người Ý-1870-1952) cũng bắt nguồn từ triết lý giáo dục ấy, tôn trọng thiên tư, cho trẻ em tự do, tự học, người thầy chỉ hướng dẫn cách dùng các trợ huấn cụ.

Vạn thế sư biểu Khổng Tử cho rằng nên tạo sung túc trước rồi mới giáo hoá : Phú chi giáo chi và ngài cũng cho rằng “trong các loài, thì loài người đáng sợ nhất”, may thay, nhân chi sơ tính bản thiện, nên mới có thể giáo hoá con người từ ác sang thiện! Sau này Vương Dương Minh (đời Minh 1472-1528) đề cao Trí lương triTri Hành hợp nhất làm hướng đi cho Nho học. Môn đệ ông, Chu Di Du có sang VN đời chúa Nguyễn thuyết phục nhưng không được các nho sĩ Việt hưởng ứng nên ông bỏ sang Nhật và thành công ở đây.

Các tư tưởng gia Pháp như Rabelais tk 16, muốn đổ đầy óc học sinh (une tête bien pleine), Montaigne lại muốn một đầu óc được đào luyện tốt (une tête bien faite), Rousseau tk 18 chủ trương cần thiên nhiên (nature) làm khởi điểm cho Đạo đức, Auguste Comte tk 19 nhấn mạnh yếu tố xã hội tạo nên nhân cách và mang lại lương tri ( former et réformer l’esprit dans le bon sens) .

Nói chung một nền giáo dục đầy đủ phải bao gồm Trí dục, Đức dục, Thể dục, tổng quát thì thời xưa giáo dục nghiêng về Đức dục mà thiếu Trí dục, ngày nay lại nghiêng nhiều về Trí dục mà thiếu Đức dục. Đức dục chỉ còn trông cậy vào Tôn giáo và gia đình, công dân giáo dục giao cho luật pháp điều lệ chỉ dẫn !

Truyền Thống Giáo Dục của Văn Hoá Việt

Mỗi nền văn hóa đều kết tinh nên một loại người gương mẫu (role model, idol, hay Pháp ngữ : homme type), mẫu người Quân tử của Nho giáo, mẫu người Lịch sự quý phái-gentleman của Anh quốc, người hiệp sĩ (chevaliers) thời Trung cổ, mẫu người Võ sĩ Samurais của Nhật bản, mẫu người đạo sĩ-yogi của Ấn độ, Tiên ông tiên nữ của Lão Trang, trượng phu và thiện trí thức của Phật.. mẫu người xả thân vì giáo vụ như nhà truyền giáo Thiên chúa giáo (missionnaires)..chưa kể các mẫu người khác như người công dân tốt - bon citoyen của Pháp, mẫu người kinh doanh quản trị của xã hội kinh thương mới-businessman, entrepreneur, hoặc mẫu người do ý thức hệ tạo ra như siêu nhân của Nietzsche (1).

Xã hội Việt Nam, cả hai nghìn năm thấm nhuần văn hóa Tam giáo, cả ba nghìn năm đặt căn bản trên làng xã lũy tre xanh, hẳn cũng kết tinh một mẫu người lý tưởng bình dân thuần túy dân tộc : đấy là mẫu người HIỀN LÀNH.

Thật vậy, trong ngôn ngữ Việt, phẩm từ HIỀN được dùng nhiều nhất để chỉ định một người TỐT : Mẹ hiền, vợ hiền, cha hiền, anh hiền, chị hiền, vua hiền, tôi hiền..hiền như Bụt, ở Hiền gặp lành.. hay hiền như ma soeur.!

Ta nói Ở hiền gặp lành, thì cũng như nói làm Phước thì có Đức, ngược lại với câu “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, đó là lối bình dân diễn ý nhân quả,..một cách thiết thực nôm na. Người hiền lành chính là người lương thiện, có đức, có độ lượng..là đối cực của ác, bất lương, hung dữ.

HIỀN trong tiềm thức Việt bao gồm ý nghĩa : hiền lành, hiền lương, hiền đức, hiền hòa..hơn là hiền tài, hiền triết, hiền giả, mặc dầu nội dung của HIỀN nôm na và HIỀN nho bao bọc nhau, hiền thê hay vợ hiền cũng cùng một ý.

Khi nói ông Tô Hiến Thành là bậc tôi hiền thì không có nghĩa là hiền như cục đất, hay hiền triết cao xa, mà chỉ có nghĩa là người lương thiện, có tài năng đức độ chăm lo việc nước, hiền hòa với mọi người.

Người Hiền là người gương mẫu của dân Việt, được mọi người ngưỡng mộ, khi ở cấp quốc gia, như vua Hùng gặp giặc Ân phải đi cầu hiền đánh giặc, triều Trần xây gác Tập Hiền (1280) trong thành Thăng Long để quy tụ các người hiền trong dân gian theo truyền thống vua dân một lòng của hội nghị Diên Hồng..Chúa Nguyễn trọng dụng người hiền Đào Duy Từ, vua Quang Trung vời người hiền La sơn phu tử..ra giúp nước v..v..

Cũng có thể nói mẫu người HIỀN LÀNH Việt Nam là kết tinh của văn hóa hiếu hòa dân tộc, bao dung nhân bản, đồng tôn mọi đạo giáo, chủng tộc, là ước mơ của người dân được sống yên lành, là mục tiêu của giáo dục lễ giáo, lấy LỄ NGHĨA hun đúc con người, tước bỏ thú tính hung ác, bồi đắp nhân tính, Hiền từ bên trong, Lành ra bên ngoài, tạo dựng một xã hội văn hóa HỮU LỄ, tránh sát phạt nhau, tránh tiêu diệt nhau, tránh bạo động..Mẫu người Hiền Lành Việt là kết tinh của đức từ bi nhẫn nhục, đức vô vi nhân ái thương người như thể thương thân, mà người dân tôn sùng kính trọng, là lý tưởng giáo huấn của cổ nhân nhằm xây dựng một xã hội trên thuận dưới hòa với bậc thang giá trị tinh thần sĩ, nông, công, thương, hoặc như mong ước của người mẹ có dâu hiền rể thảo.

Lễ phép hiền hòa là đầu mối của một xã hội nhân bản, làm sao có làng xóm yên vui nếu không giữ lễ phép với nhau? Bỏ lễ phép, cá mè một lứa, xã hội gẫy đổ tán loạn, dân chủ bình đẳng hiểu lệch lạc dẫn tới độc tài phong kiến mới, do bè nhóm bất lương, bất thiện, cặn bã đầu đường xó chợ, hay tư bản gian tham, lôi kéo lương dân vào địa ngục thù hận giai cấp đấu tranh chèn ép nhau.

Mẫu người Hiền Lành quả là kết tinh cần thiết để thực hiện một xã hội thanh bình, ổn định, dân chúng cần người hiền hơn là cần người tài, như Nguyễn Du cho biết :

            Có tài mà cậy chi tài

            Chữ tài liền với chữ tai một vần

Tài dễ mang đến tai họa cho người và cho mình, hiền mang đến sự lành cho tất cả, nhiều người tài đưa tới tranh chấp, nhiều người hiền mang tới an lạc ..cho nên cổ nhân có tôn trọng kẻ sĩ, có tài, có học, thì cũng không bao giờ quên “chiêu hiền đãi sĩ”, nghĩa là người Hiền tiêu biểu cho đức độ, luôn luôn được đề cao bên cạnh kẻ sĩ, tiêu biểu cho trí óc. Nhưng, dường như cổ nhân đặt hiền trước sĩ, hiền là con người từ thứ dân đến thiên tử đều kính trọng, còn sĩ vẫn là người xuất thân cửa Khổng sân Trình, vẫn còn vướng vào khoa bảng sách vở, vẫn là người được Tiến Cử lên vua..hiền có thể xuất thân bình dân, có thể không khoa bảng, lấy đức độ khoan dung làm cách xử thế tiếp vật, vua cầu hiền chứ hiền không quỵ lụy vua..Hiền vượt trên danh lợi tham sân si, hiền ở đẳng cấp giai tầng nào cũng là người lành, người tốt, cảm hóa được quần chúng..Tài giỏi là một phẩm tính, hiền lành là một đức tính, khi cổ nhân đặt tiến trình giáo dục nhân cách tu, tề, trị, bình, thì tu, tề nghiêng về đức tính HIỀN, trị, bình nghiêng về phẩm tính TÀI, hiền là gốc, tài là ngọn, có đủ hai, HIỀN TÀI, thì càng hay, còn không thì phải giữ lấy cái gốc HIỀN trước, bàn dân thiên hạ không phải ai cũng có tài năng, nhưng nếu mọi người đều hiền lành thì xã hội mới trở thành an lạc thanh bình, một thiên đường dưới thế vậy.

Một sai lầm trầm trọng của nền giáo dục từ chương, và nhất là nền giáo dục Tây phương hiện tại, là chú trọng tới việc rèn luyện Tài năng, chồng chất kiến thức, mà lơ là hoặc bỏ quên gốc giáo dục tôi luyện tính Hiền Lành..Mục đích của giáo dục đúng nghĩa là tước bỏ thú tính của con người, rèn luyện tu tập thành mẫu người văn vẻ (civilized), chẳng khác gì luyện mãnh thú, hoang thú, thành hiền hòa ngoan ngoãn, sống cạnh nhau, tôn trọng nhau, biết kính biết nhường, ý thức nhân vị nhân tính.

Trong thời đại văn minh kỹ thuật, bên cạnh việc giáo dục trọng kỹ thuật, ta còn cần phát huy gốc giáo dục trọng LỄ của cổ nhân, nói như Nã Phá Luân, phải giáo dục con em từ 30 năm trước khi ra đời, nghĩa là giáo dục chính cha mẹ, thày cô ở học đường.

Văn hóa Việt Nam cốt tủy là văn hóa HỮU LỄ qua cách xưng hô theo gia tộc cô dì chú bác anh em ông cụ..hậu thế con cháu cần bồi đắp văn hóa gốc nguồn này bằng một nền giáo dục nhắm đào tạo mẫu người HIỀN LÀNH, kết tinh của văn hóa Bách Việt Hữu Lễ, chính là lý tưởng sâu rễ bền gốc của giống nòi Việt vậy.

----------------------------------------------------------------------

(1)Mẫu người văn hoá thường là kết tinh tự nhiên của đạo đức cộng đồng, thành một tấm gương cho quần chúng noi theo ( thí dụ người hiền lành, người lịch thiệp )- Khác với mẫu người do ý thức hệ hay phe nhóm đặt ra như cái khuôn gò ép, mẫu người giả tạo này có thể đưa tới hệ quả tiêu cực ( thí dụ Siêu nhân, Cán bộ… )

Toàn ban Sở Học Chính Bắc Việt trước khi di cư vào Nam 1954.

Nguyễn Hoàng Trừng (Thanh Tra Tiểu Học) Nguyễn Đình Phú (Phó Giám Đốc), Phạm Xuân Độ (Giám Đốc), Lưu Văn Minh (Thanh Tra Trung Học-Văn Chương), Nguyễn Hữu Tài ( Thanh Tra Trung Học-Khoa Học), Đặng Quang Chúc ( Thanh Tra Tiểu Học).

Các cụ đều là cựu học sinh Bưởi CVA khoảng 1915, cụ Nguyễn Hữu Tài niên trưởng (du học Pháp), nguyên giáo sư Bưởi trước 1945. GS Phú, Độ, Minh, đều tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương khoảng 1927. ( ảnh do bạn Đặng Quang Long, CVA 57-60, trưởng nam cụ Đặng Quang Chúc cung cấp).

Mô hình Giáo dục đời thịnh trị LÝ-TRẦN thế kỷ 11-14

Không phải tự nhiên Trời cho mà hai đời Lý Trần sản sinh vô kể

lương tướng tôi hiền như vậy. Suốt 400 năm hai đời Lý Trần đã

thành công vì giữ được ba cơ sở tinh thần dân tộc sau đây:

1-Cơ sở tinh thần dân bản Hùng Vương.

Tuy bị Tàn đô hộ gần ngàn năm, tinh thần dân bản Văn Lang

vẫn kiên thủ ở làng xã và tới Đinh, Lê, Lý, Trần tinh thần này lại có dịp

vươn lên. Các vua quan thời Lý, Trần rất gần gũi với dân, vua Lý

lấy áo đắp cho người già yếu. Vua Trần và hoàng thích “gá chân

nhau nằm ngủ”. Tướng sĩ coi nhau như cha con anh em (đặc biệt là

Phạm Ngũ Lão), lúc quốc biến thì Vua cẩn trọng hội ý bô lão toàn

quốc (trọng lễ), lúc tuyển tướng chọn quân thì dựa trên đức

độ hiền tài (trọng hiền). Nên những người áo vải dân đen như

Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt, Trần Khánh Dư bán than, Nguyễn Khoái,

Yết Kiêu, Dã Tượng... đều có dịp lập công với nước. Tinh thần dân

bản này đã huy động được toàn dân từ làng xóm thôn quê, từ tận

“đáy” dân tộc, nên Lý Thường Kiệt mới phá Tống Bình Chiêm,

Hưng Đạo mới ba lần đại phá Mông Cổ, bằng tự lực tự cường không

có ngoại bang nào trợ giúp đằng sau.

2-Cơ sở giáo dục văn ôn vũ luyện

Lối học của đời Lý Trần là đạo học làm người, quân bình văn và võ,

không chuộng hư văn khoa bảng, nên đời Lý mới xuất ra những bậc

văn võ toàn tài như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Lý Đạo

Thành... đời Trần như Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão... Các vua

đời Lý, Trần có đạo lý và dũng lược, lúc

quốc sự đều thân chính đi đẹp giặc, vào sinh ra tử với quan quân,

không ngồi hưởng ngai vàng ngâm hoa vịnh nguyệt như các đời

sau. Đức Trần Hưng Đạo từ sáu tuổi đã được rèn luyện trong cửa chùa chẳng khác chi truyền thống huấn luyện Samurais nơi cổng Thiền !

Truyền thống văn ôn vũ luyện đúng là truyền thống giáo dục

thích hợp với xã hội Việt-Nam, luôn luôn tao loạn và toàn dân

phải thường trực phòng vệ tổ quốc. Truyền thống này, song song

với bao chiến công hiển hách, hiển nhiên là cơ sở giáo dục đúng

nhất cho con người Việt-Nam. Thời loạn, nó cung ứng cho dân tộc những

chiến sĩ thao lược, thời bình nó hun đúc tinh thần thượng

võ, ngay thẳng và quả cảm, có thể ngăn ngừa được kẻ gian ác độc

tài hại dân hại nước. Một xã hội trọng văn, một lớp sĩ “trói

gà không chặt”, khó chống được giặc trong thời loạn, khó cản được

tà trong thời bình”.

Tiếc thay truyền thống giáo dục cao đẹp này từ thế kỷ XV trở đi

(sau Nguyễn Trãi) bắt đầu bị khoa cử hư văn làm lu mờ dần bằng

tiêu chuẩn giáo dục “Tiên học lễ hậu học văn”.

3- Cơ sở tinh thần dung hóa khai phóng.

Bốn trăm năm thịnh trị Lý, Trần đã nhào nặn đúc kết một nền văn

hóa bền vững, nằm trong đại khối văn hóa Đông phương nhưng vẫn

mang sắc thái đặc biệt dân tộc. Phật giáo được xiển dương theo

hướng “Phật tại tâm” của Thiền môn Vạn Hạnh, Trúc Lâm, Nho

giáo được phát huy theo tinh thần “cùng lý chính tâm” của

Chu Văn An, Lão giáo phối hợp với nội đạo Thần Tiên và cùng với

Phật, Nho, bổ túc cho đạo sống quân bình xuất xử, tình và             lý,

thiên nhiên và tâm linh.

Nhà Trần đã kết tạo được một “cốt cách” văn hiến, một

bản lãnh trí thức cho kẻ sĩ Việt, một phong độ hiệp sĩ trượng phu bền chặt đến nỗi trải bao

thăng trầm thử thách, nó vẫn tiềm tàng trong một Nguyễn Trường Tộ

theo mới mà không bỏ gốc, trong một Phan Chu Trinh sâu rễ bền gốc

để thâu hóa tân trào, một Nguyễn Thái Học “không thành công thì

thành nhân” phản ảnh rõ rệt bản lãnh truyền thống Đại Việt mà

nhà Trần đã trao truyền lại.

Mô hình GIÁO DỤC TRONG THỜI ĐẠI KỸ THUẬT

Kỹ thuật, kỹ thuật và kỹ thuật

Kỹ thuật là chìa khóa của văn minh và là bảo đảm cho sinh tồn nòi giống.

Những cao điểm của văn minh Việt đều gắn liền với cao điểm kỹ thuật: văn minh trống đồng, kỹ thuật nỏ thần mũi tên đồng gần 3000 năm trước, đời nhà Trần kháng được quân Mông nhờ kỹ thuật chế tạo vũ khí (tại trung tâm Vạn Kiếp), thuật đóng cọc xuống lòng sông, hố bẫy ngựa... nhà Hồ chú trọng tới thực học, nhà Mạc coi trọng công thương... các nhà khác từ Hậu Lê chỉ thiên về từ chương nên Việt Nam cả ngàn năm kỹ thuật vẫn ở mức “con trâu kéo cầy”, máy móc không có, dụng cụ nghèo nàn. Nguyễn Ánh không có tàu chiến của người Tây giúp thì không đánh bại được Tây Sơn, súng Cao Thắng không cản được quân Pháp, trận Điện Biên không thể thắng nếu thiếu 200 cỗ pháo đặt quanh núi.

Viện Kỹ Nghệ, Kinh Tế và Thương Mại Đại Hàn (KIET) đưa ra con số sau đây: cứ 100,000 người Đại Hàn thì có 80 kỹ sư, ở Nhật là 41/100,000 ( thời 1980). Nhờ khối kỹ sư đông đảo, Đại Hàn đã đủ nhân lực để vận chuyển guồng máy đại kỹ nghệ ngang hàng với các cường quốc kinh tế khác.

Nhưng ở Việt Nam vì tinh thần từ chương đã bén rễ quá lâu nên cần có cuộc Cách Mạng Giáo Dục mới mong chuyển hóa được xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Cuộc Cách Mạng Giáo Dục có thể bắt đầu bằng cách chuyển ít nhất 50% các trường tiểu học và trung học thành trường tiểu học và trung học kỹ thuật. Số học sinh khổng lồ này học lên thành kỹ sư các ngành, bỏ ra đi làm có nghề trung cấp trong các ngành công kỹ nghệ. Trong khoảng hai mươi năm, không những có đủ số kỹ sư, số thợ, số cai thợ, mà còn chuyển hướng xã hội về công kỹ nghệ là hướng tất yếu để tồn tại và cạnh tranh trong thế giới kỹ thuật tràn ngập đời sống hàng ngày, từ thành thị đến thôn quê.

Số trường còn lại 50%, cũng phải được chuyển sang thực học, khoa học nhân văn hoặc khoa học thực nghiệm với chủ hướng huấn nghiệp hơn là cung cấp kiến thức tổng quát trên trời dưới đất. Giáo dục thực tiễn này sẽ đào tạo ra một lớp trí thức thực tế, trọng lao động, những “con ong thợ”, những con kiến xây dựng, hơn là những trí thức sa lông, viển vông tranh cãi, dễ đưa xã hội tới loạn động hoặc bất động vì nghĩ mình là “ong chúa” trong tháp ngà.

Ảnh hưởng từ chương của Tàu, ảnh hưởng trí thức Pháp, đã không giúp Việt Nam tiến bộ. Ngược lại ảnh hưởng Anh, Mỹ đã giúp nhiều nước thoát cảnh chậm tiến, nguyên do là nền giáo dục Anh Mỹ trọng làm hơn nói, trọng lao động, đó là nền giáo dục cộng đồng đại chúng uyển chuyển theo nhu cầu thời đại và địa phương. Xã hội ổn định, an cư lạc nghiệp làm sự ghen ghét sân hận giai cấp được giảm thiểu tối đa, tầng lớp trung lưu chuyên nghiệp (professionals, middle class) càng lớn thì xã hội càng bớt xáo trộn, tầng lớp trí thức không tưởng và chính trị gia chuyên nghiệp càng ít thì xã hội càng bớt phiêu lưu.

Những xáo trộn của chính trường Pháp, Ý.. trong những năm 1960-1970 đã bớt dần dần từ thập niên 1980 chính là nhờ ở sự chuyển hướng xã hội sang nền kinh tế đại thị trường với kỹ thuật điện tử, tạo ra một lớp chuyên viên và trung lưu đông đảo. Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Dương, Phi, Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan... đã và đang đi theo chiều hướng này. (Tầng lớp trung lưu ở Mỹ, Tây Âu được ước lượng là 80% dân số, ở Viễn Đông và Nam Á là 8 - 11%).

Để chuyển hướng xã hội chậm tiến Việt Nam

Sức mạnh của xã hội Việt phụ thuộc vào sức mạnh thể xác và tinh thần của người dân, vì thế trọng tâm đại kế kiến quốc phải là:

  1. Quốc sách Dưỡng Sinh và Giáo dục Võ Thuật.

Bồi dưỡng cơ thể thiếu dinh dưỡng, chú trọng tới dinh dưỡng mẫu nhi để bảo đảm sức khỏe cho thế hệ tương lai. Nâng cao y tế đại chúng, vệ sinh thành thị và nông thôn, diệt trừ ô nhiễm môi sinh.

Thể dục và Võ thuật cần trở thành môn học bắt buộc từ lớp 1 tới lớp 12. Chính tinh thần thể thao và tinh thần võ đạo là chìa khóa lành mạnh hóa xã hội, là động cơ chuyển vận con người về hướng thiện, thẳng thắn, trung thực, khác hẳn với tinh thần “cạo giấy, mọt sách, mưu mô thủ đoạn...” Thể xác lành mạnh tạo trí lực lành mạnh, nâng cao năng suất làm việc... Xã hội trọng võ thuật đời Lý, Trần, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ (thể thao)... có thể minh chứng cho lập luận trên.

  1. Quốc sách Giáo dục kỹ thuật

Chuyển 50% các trường tiểu học và trung học (từ lớp 1 đến lớp 10) thành trường Kỹ Thuật, 50% còn lại thành trường Huấn nghiệp Cộng đồng dựa trên nhu cầu địa phương. Kiến thức tổng quát được giảng dạy song song nhưng phần áp dụng thực tế phải là trọng điểm sư phạm.

Lớp 11, 12 dành cho các môn nhiệm ý dự bị Đại Học, nhờ thế chương trình Đại Học có thể rút ngắn và tập trung vào các môn chuyên nghiệp. Một số trường có thể dành riêng cho các học sinh có năng khiếu đặc biệt.

                                 *

Các cuộc cách mạng xã hội xưa nay trong lịch sử phần nhiều là các đột biến tranh giành phe phái, thay chúa đổi ngôi hơn là hoán cải gốc rễ xã hội. Nước Anh không cần hủy bỏ quân chủ mà vẫn có dân chủ trước nước Pháp, nước Nga thay thế phong kiến này bằng loại phong kiến khác, nước Tàu cách mạng văn hóa để thụt lùi...

Xét ra cách mạng giáo dục kỹ thuật mới có cơ tạo được lớp người mới, xã hội mới, vừa hợp với trào lưu thế giới, vừa hợp với khung cảnh phức tạp của chính trị nước nhà. Cuộc cách mạng này là cuộc chuyển hoán trường kỳ, tự nhiên, thúc đẩy mọi xu hướng, toàn dân vào lề lối sinh hoạt mới trong vòng 20 năm. Đây không phải là xu hướng tôn thờ máy móc cơ tâm, đây là trào lưu thế giới giúp con người thoát ly bệnh mọt sách, tôn thờ giáo điều, tôn thờ lãnh tụ. Càng hướng về “làm” bao nhiêu, óc khoa bảng và không tưởng càng bớt đi bấy nhiêu; càng hướng về “kỹ thuật” bao nhiêu, tri thức càng bén nhậy và chính xác bấy nhiêu. Đạt tới mức xã hội kinh tế phát triển, kỹ thuật tân tiến, những căn bệnh chậm tiến tự nó sẽ bớt dần và xã hội sẽ có cơ ổn định lâu dài.

Tránh tối đa việc biến sĩ tử thành nạn nhân của giám khảo, của thiên kiến chủ quan, việc chấm điểm cả trăm ngàn bài thi không những sai lầm mà còn vô lý vì tiêu chuẩn không thể giống nhau giữa các giám khảo, cho nên lối thi trắc nghiệm điện tử phải được áp dụng triệt để, ngoại trừ một số đề luận văn.

Việc dân chủ hoá học đường phải được thanh sát kỹ lưỡng: học sinh không phải nô lệ vào chủ quan tính của thày cô, và thày cô cũng cần thường xuyên tham dự các buổi tu nghiệp cả về sư phạm, nhân cách lẫn kiến thức.

TÓM TẮT :

Mẫu người Văn Hoá Hữu Lễ VN là Người Hiền. .Đời Lý Trần thịnh trị nhờ vua hiền, tôi hiền, sư hiền, nhờ tinh thần tôn giáo Đồng tôn, dân tộc Đồng quy, xã hội Đồng tiến.

Giáo dục hiện đại cần chú trọng tới việc đào tạo người hiền nhằm phục hưng văn hoá hữu lễ, song song với việc huấn nghệ chuyên môn kỹ thuật.

This essay aims at analyzing the urgent need for personality education together with technology training.

Personality education should be based on our role model, crystalized in the ideal person by our culture : the PEACEFUL SAGE, NGƯỜI HIỀN LÀNH, who playdowns violence, respects human dignity, lives peacefully with the others and tolerate all beings.

This ideal person, the PEACEFUL SAGE, NGƯỜI HIỀN LÀNH, appears and reappears throughout VN history, it is the norm for all classes in the society, including the poor. Our culture, focused on spiritual values and family happiness, could neutralize materialist ideology and create therefore a more balanced society in today new world.

* * *

TỔ CHỨC GIÁO DỤC

và THI CỬ dưới CHẾ ĐỘ

VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Lê Duy San, CVA59

Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương và trao trả quyền độc lập cho Việt Nam vào năm 1945, Học Giả Trần Trọng Kim được Hoàng Đế Bảo Đại triệu vào Huế yết kiến và trao trọng trách thành lập chính phủ. Ngày 17 tháng 4 năm 1945, Học Giả Trần Trọng Kim đã đệ trình một danh sách cán nhân vật trong nội các của ông trong đó có Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn (1)đảm trách chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Nghệ. Mặc dầu thời gian làm Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Nghệ thật ngắn ngủi, từ 17/4/1945 đến 19/8/1945 là ngày Việt Minh cướp chính quyền của chính phủ Trần trong Kim, nhưng ông cũng đã có công soạn thảo và ban hành một chương trình giáo dục từ bậc tiểu học đến trung học hoàn toàn Việt Nam và đã được áp dụng suốt 30 năm, từ 1945-1975 (2).

I/ Bậc Tiểu Học và Trung Học.

1/ Bậc Mẫu Giáo và Tiểu Học.

a/ Bậc Mẫu Giáo

Bậc Mẫu Giáo dành cho trẻ em đến tuổi đi học tức từ 5 tuổi. Chương trình chỉ có 1 năm. Mục đích của bậc mẫu giáo chỉ cốt là để cho các em làm quen với lớp học và biết đọc, biết viết để sửa soạn vào bậc Tiểu Học.

b/ Bậc Tiểu Học

Bậc Tiểu Học dành cho các trẻ em đã qua bậc Mẫu Giáo và từ 6 tuổi trở lên. Bậc Tiểu học có tất cả 5 lớp: Lớp Năm, Lớp Tư, Lớp Ba, Lớp Nhì và Lớp Nhất, sau này được đổi lại và gọi là Lớp 1, Lớp 2, Lớp 3, Lớp 4 và Lớp 5.

Chương trình Tiểu Học gồm có các môm chính như: Đức dục, Tập làm văn, Học thuộc long, Ngữ vựng, Chánh tả, Văn phạm, Toán, Hình học, Khoa Học thường thức, Sử ký, Địa lý, Vẽ, Viết tập, Thủ công, Thể dục, Hạnh kiểm v.v... Sau khi học xong Lớp Nhất phải thi lấy bằng tốt nghiệp, gọi là bằng Tiểu Học.

Mặc dầu chỉ là bằng Tiểu Học, nhưng thi cũng rất khó và không những thi viết mà còn thi cả vấn đáp. Thi viết gồm một bài Chính Tả, một bài Luận và một bài Toán. Nếu đậu sẽ được vào thi vấn đáp. Thi vấn đáp rất dễ, thường thì chỉ phải đọc thuộc lòng một bài thơ hoặc hát một bài hát.

Có bằng Tiểu Học mới được ghi tên dự thi tuyển vào lớp Đệ Thất bậc Trung Học. Bằng Tiểu Học được bãi bỏ vào năm 1955 (?). Người lớn tuổi có bằng Tiểu Học có thể xin làm công chức ngạch Tùy Phái hay Thư Ký đánh máy nếu có thêm bằng đánh máy.

2/  Bậc Trung Học.

Bậc Trung Học được chia ra làm 2: Trung Học Phổ Thông và Tú Tài.

a/ Trung Học Phổ Thông hay Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Bậc Trung Học Phổ Thông gồm 4 lớp học trong 4 năm: Từ Đệ Thất đến Đệ Tứ. Ngoại ngữ Anh, Pháp và Hán Văn cũng bắt đầu được dậy ngay từ lớp Đệ Thất bậc Trung Học Phổ Thông. Sau này Hán Văn được bãi bỏ, chỉ còn Anh văn và Pháp văn. Lúc đầu học sinh phải học cả 2 ngoại ngữ Anh văn và Pháp văn, sau chỉ còn học một ngoại ngữ.

Chương trình học suốt từ năm Đệ Thất đến năm Đệ Tứ gồm có các môn chính như Quốc văn (Việt Văn), Công Dân Giáo Dục, Sử Điạ, Tóan, Lý Hoá, Vạn Vật, Anh Văn, Pháp Văn, Vẽ, Nhạc, Thể dục và Hạnh Kiểm v.v….

Trường Bưởi (Lyceé du Protectorat)

Thông Tín Bạ Lớp Đệ Tứ niên khoá 55-56 Nguyễn Trãi

Ở bậc phổ thông chưa có chia Ban A (Vạn Vật), B (Toán) hay C (Sinh Ngữ).

Sau khi học xong lớp Đệ Tứ, học sinh sẽ thi tốt nghiệp để lấy bằng Trung Học Phổ Thông còn được gọi là Trung Học Đệ Nhất Cấp. Môn thi gồm có Việt Văn, Toán, Lý Hoá, Pháp Văn, Anh Văn. Thí sinh thi đậu viết còn phải thi vấn đáp đủ các môn. Thí sinh thi trượt vấn đáp kỳ 1 được giữ điểm đậu thi viết để thi lại phần vấn đáp trong kỳ 2. Thí sinh có đậu vấn đáp mới được coi là tốt nghiệp. Sau này thi vấn đáp được bãi bỏ, chỉ còn thi viết.

Người có bằng Trung Học Phổ Thông có thể xin làm công chức hạng C, ngạch Thư Ký Hành Chánh hoặc thi vào Quốc Gia Sư Phạm, Quốc Gia Thương Mại hoặc ghi tên học các trường Cán Sự như Cán Sự Kiến Trúc, Cán Sự Y Tế, Cán Sự Công Chánh, Điạ Chánh v.v…. hoặc muốn theo đời binh nghiệp thì vào trường Bộ Binh Thủ Đức.

b/ Bậc Tú Tài hay Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Bậc Tú Tài phải học 3 lớp trong 3 năm: Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất và được chia Ban A, B hay C ngay từ Đệ Tam và học cả 2 ngoại ngữ Anh và Pháp.

Các môn học cũng giống như ở cấp Phổ Thông gồm có Toán, Lý Hoá, Anh Pháp Văn, Công Dân, Sử Điạ, Vạn Vật, Thể dục và Hạnh kiểm. Việt Văn chỉ dậy ở 2 lớp Đệ Tam, Đệ Nhị,

Thông Tín Bạ lớp Đệ Nhị B, niên khóa 57-58 Chu Văn An

Lên Đệ Nhất bỏ môn Thể dục và môn Việt văn được thay thế bằng môn Triết học.

Muốn được nhận vào lớp Đệ Tam học sinh phải đủ điểm trung bình qua hai kỳ thi đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt ở lớp Đệ Tứ để lên lớp Đệ Tam, nếu là học sinh trường công. Nếu là học sinh trường tư, phải đậu Trung Học Phổ Thông và phải qua một kỳ thi tuyển vì số chỗ có hạn.

Thông Tín Bạ lớp Đệ Nhất B niên khoá 58-59 Chu Văn An

Muốn được vào học lớp Đệ Nhất, học sinh lớp Đệ Nhị phải đậu bằng Tú Tài I. Sau này, bằng Tú Tài I được bãi bỏ thì phải đủ điểm lên lớp qua 2 kỳ thi đệ I và đệ II lục cá nguyệt. Sau khi học xong lớp Đệ Nhất, học sinh phải trải qua một kỳ thi tốt nghiệp để lấy bằng Tú Tài 2 còn gọi là Tú Tài Toàn Phần. Tùy theo Ban mình lưạ chọn khi ghi danh thi bằng tốt nghiệp sẽ được gọi là ban Khoa Học Thực Nghiêm (ban A), ban Khoa Học Toán (ban B) hay ban Văn Chương (ban C).

Thể lệ thi cũng giống như kỳ thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Riêng sinh ngữ thì phải làm một bài nghị luận luân lý (discertation morale) cho môn sinh ngữ chính thay vì bài dịch như ở kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Ở cấp Tú Tài I, thí sinh nếu có thêm bằng Thể Thao khi thi bằng Tú Tài I sẽ được thêm 1 điểm trong kỳ thi Viết. Kỳ thi Tú Tài I rất khó, nhiều thí sinh thiếu nửa điểm cũng trượt. Nên nếu có Bằng Thể dục để được thêm 1 điểm rất là qúy.

Có bằng Tú Tài Tòan Phần có thể ghi danh các trường Đại Học như Khoa Học, Luật Khoa hay Văn Khoa hoặc các trường Đại Học Y, Nha, Dược, trước năm 1963 (?) hoặc thi vào các trường chuyên nghiệp như Cao Đẳng Sư Phạm, sau này là Đại Học Sư Phạm, Cao Đẳng Công Chánh tức kỹ sư Công Chánh, Cao Đẳng Điện Học tức kỹ sư Điện, Cao Đẳng Hoá Học tức kỹ sư Hoá Học, Cao Đẳng Nông Lâm Súc, Quốc Gia Hành Chánh hoặc xin làm công chức hạng B, ngạch Tham sự. Hoặc nếu muốn theo đường binh nghiệp thì có thể thi vào các trường Võ Bị Đà Lạt, Haỉ Quân, Không Quân.

Chương trình giáo dục Trung và Tiểu Học Việt Nam do Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn soạn thảo dựa theo trương trình giáo dục của Pháp, tuy nặng về từ chương, thiếu tính cách thực dụng, nhưng có trình độ khá cao. Bất cứ một học sinh nào, sau khi qua được bậc Tú Tài (Trung Học Đệ Nhị Cấp) đều có đủ trình độ và khả năng để theo bậc đại học không những ở trong nước mà cả ở các nước tiền tiến như Anh, Pháp hoặc Hoa Kỳ, Gia Nã Đại v.v…

II/ Bậc Đại Học

Nếu chương trình Tiểu Học và Trung Học VN còn gọi là Chương Trình Hoàng Xuân Hãn được áp dụng ngay từ năm 1945 thì mãi tới năm 1955, năm Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được dân miền Nam bầu làm Tổng Thống và nền Đệ Nhất Cộng Hoà được ra đời thì chương trình Đại Học Việt Nam mới bắt đầu được dần dần thay đổi. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cử Giáo Sư Nguyễn Quang Trình, Tiến Sĩ Hóa Học tại Paris, thay thế ông De Lassus làm Viện Trưởng đầu tiên của Viện Đại Học Saigon dưới quyền quản trị của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Ngoài Viện Đại Học Saigon, sau còn có Viện Đại Học Huế, Viên Đại Học Đà Lạt và Viện Đại Học Cần Thơ v.v…

Viện Đại Học Saigon

A/ Tiền thân của Viện Đại Học Saigon.

Tiền thân của Viện Đại Học Saigon là Viện Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise) do chính quyền thuộc địa Pháp thành lập vào năm 1906 (?) và trụ sở đặt tại Hà Nội. Sau đệ nhị thế chiến, Viện Đại Học Đông Dương được đổi thành Viện Đại Học Hà Nôi. Sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, Viện Đại Học Hà Nội di chuyển vào Nam và trở thành Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam. Vào năm 1957, Viện Đại Học Huế được thành lập, Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam trở thành Viện Đại Học Saigon, trụ sở đặt tại số 3 Công Trường Chiến Sĩ.

Viện Đại Học Saigon có 2 ký túc xá: một là Đại Học Xá Minh Mạng ở Ngã Sáu Chợ Lớn dành cho nam sinh viên và một Đaị Học Xá Trần Qúy Cáp ở đường Trần Qúy Cáp, thuộc quận Nhất, dành cho nữ sinh viên.

B/ Các phân khoa thuộc Viện Đại Học Saigon.

Các phân khoa thuộc Viện Đại Học Saigon gồm có:

1/ Đại Học Văn Khoa, trụ sở lúc đầu ỏ đường Nguyễn Trung Trực, quận Nhất, sau di chuyển về đương Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Nhất.

2/ Đại Học Luật Khoa, trụ sở ở đương Duy Tân, quận Nhất.

3/ Đại Học Khoa Học, trụ sở ở đường Cộng Hoà, quận Năm.

4/ Đại Học Sư Phạm, trụ sở đăt tại đường Cộng Hoà, quận Năm.

5/  Đại Học Kiến Trúc, trụ sở tại đường Pasteur, quân Ba.

6/  Đại Học Y Khoa, trụ sở lúc đầu ở đương Trần Qúy Cáp, quân Ba, sau di chuyển về Đại Lộ Hồng Bàng, quân Năm.

7/ Đại Học Dược Khoa, trụ sở lúc đầu ở đường Trần Qúy Cáp , quân Ba, sau di chuyển về đường Công Lý (góc Hiền Vương), quận Ba.

8/  Đại Học Nha Khoa, trụ sở ở đường Nguyễn Trãi, quận Năm.

Lúc đầu trường Đại Học cũng còn tiếp tục giảng dạy bằng tiếng Pháp vì chưa đủ giáo sư người Việt. Cho đến khi số Giáo sư người Việt đầy đủ, tất cả các Giáo sư người Pháp rút lui vào khoảng năm 1964 và cũng kể từ năm này, toàn thể các Giáo sư người Việt lãnh trách nhiệm giảng dạy cho toàn thể các trường Đại Học ở miền Nam Việt Nam.

Ngoài Viện Đại Học Saigon , sau này còn có Viện Đại Học Huế, Viện Đại Học Đà Lạt, Viện Đại Học Cần Thơ v.v… chương trình giảng dậy cũng tương tự, nhưng không đầy đủ các phân khoa như Viện Đại Học Saigon và thành phần giáo sư cũng không được chọn lọc kỹ như Viện Đại Học Saigon.

Viện Đại Học Saigon tuy là là Viện Đại Học của miền Nam Việt Nam, nhưng phải nói là một Viện Đại Học uy tín nhất Việt Nam gồm toàn các giáo sư Thạc Sĩ, Tiến Sĩ phần lớn đều tốt nghiệp ở các trường Đại Học danh tiếng ở ngoại quốc về nước giảng dậy và cũng là nơi đào tạo ra không biết bao nhân tài cho đất nước.

1/ Trường Đại Học Luật Khoa.

Trường Đại Học Luật Khoa được chính quyền bảo hộ Pháp thành lập vào đầu thập niên 1920. Lúc đầu có tên là Trường Cao Đẳng Pháp Chánh Đông Dương (École Supérieure d’ Administration Indochinoise) (3), trụ sở đặt tại Hà Nội. Năm 1933 trường được đổi thành trường Cao Đẳng Luật Học (École Supérieure de Droit). Tới năm 1938, trường được nâng lên hàng phân khoa (Faculté) và được gọi là Luật Khoa Đại Học Đường (Faculté de Droit).

Từ năm 1955 trở đi, trường Đại Học Luật Khoa bắt đầu giảng dạy bằng tiếng Việt vì trong giai đoạn này, trường Luật Khoa có rất nhiều Giáo sư Việt Nam với đầy đủ các cấp bằng Thạc Sĩ, Tiến Sĩ tốt nghiệp tại Phápnhư: Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Giáo sư Vũ Quốc Thông, Giáo sư Nguyễn Cao Hách v.v …

Ngoài trường Đại Học Luật Khoa Saigon, sau này chính quyền Việt Nam Cộng Hoà còn cho mở thêm trường Đại Học Luật Khoa Huế vào năm 1957 và trường Đại Học Luật Khoa Cần Thơ vào năm 1966.

a/ Cấp Cử Nhân.

Trường Đại Học Luật Khoa lúc đầu chỉ có 3 năm giống như chương trình Cử Nhân Luật của Pháp. Vì nước nhà đã độc lập nên chương trình học loại bỏ môn Dân Luật của Pháp và được thay bằng Dân Luật Việt Nam. Thời gian học vẫn là 3 năm. Mỗi năm đều có thi tốt nghiệp và có cấp phát bằng tốt nghiệp gọi là Bằng Cử Nhân I, II hoặc III và văn bằng này được thay thế cho Văn Bằng Cử Nhân Luật Khoa thực sự trong khi chờ đợi Văn Vằng Cử Nhân Luật Khoa thực sự được cấp phát. Việc ghi danh cũng như theo học trường Luật tương đối dễ hơn những trường khác, sinh viên có thểchỉ cần mua sách hoặc những bài in Ronéo của Giáo sư đem về nhà học, nên số sinh viên ghi danh rất đông. Tuy nhiên tỉ số đậu lại rất thấp. Nếu tính tỷ lệ theo số sinh viên ghi danh năm thứ nhất với số sinh viên tốt nghiệp năm cuối cùng thì chỉ khoảng 5%.

Tới đến năm 1963 trường Luật theo học trình của trường Đại Học Khoa Học và Văn Khoa, đổi thời gian học lên đến 4 năm thay vì 3 năm. Sinh viên học năm nào phải thi tốt nghiệp năm ấy. Mỗi năm có 2 kỳ thi vào tháng 6 và tháng 9. Sinh viên năm thứ nhất cuối năm có đậu mới được lên năm thứ hai. Chương trình thi bao gồm hai phần: thi Viết và thi Vấn đáp.

Trước ngày thi, giáo sư bốc thăm 2 môn trong số 7 môn đã học. Hai môn này sẽ được chọn làm đề thi Viết với thời gian 2 giờ. Năm môn còn lại, dành cho thi Vấn đáp. Muốn vào thi Vấn đáp, thí sinh phải đậu phần thi Viết. Nếu rớt Vấn đáp, thí sinh sẽ đuợc giữ điểm thi Viết cho kỳ 2 cùng năm và chỉ thi lại Vấn đáp mà thôi.

Lên năm thứ ba, sinh viên sẽ chọn ngành: Tư Pháp (tốt nghiệp làm Thanh Tra hoặc Luật sư Tập sự), Công Pháp (tốt nghiệp thường làm ở Quốc Hội), Kinh Tế (tốt nghiệp làm ở Ngân Hàng)…và thi tốt nghiệp Cử Nhân Luật của ngành đã chọn vào cuối năm thứ tư.

Chương trình học gồm có hai phần: Phần kiến thức tổng quát và phần chuyên môn.

Phần kiến thức tổng quát gồm có các môn: Kinh tế, Bang Giao quốc tế, Các Tổ Chức Quốc Tế, Các Học Thuyết Chính Trị, Tài Chánh, Pháp Chế Sử, Luật Báo Chí, Phạm Tội Học, Luật Đối Chiếu v.v…

Phần chuyên môn gồm có các môn luật thuần túy như Luật Dân Sự, Dân Sự Tố Tụng, luật Tài Sản, Luật Hình Sự, Hình Sự Tố Tụng, Luật Hiến Pháp, Luật Thương Mại, Luật Hành Chánh, Tố Tụng Hành Chánh, Luật Bảo Hiểm, Luật Lao Động, Luật Ngân Hàng, Luật Hàng Hải, Quốc Tế Công Pháp, Quốc Tế Tư Pháp v.v…

Người có bằng Cử Nhân có thể xin vào làm công chức hạng A tại các bộ hoặc thi vào các ngạch chuyên môn như gạch Thẩm Phán, ngạch Tham Vụ Ngoại Giao, ngạch Thanh Tra Lao Đông, Thanh Tra Ngân Hàng, Thanh Tra Quan Thuế v.v…hoặc xin vào Luật Sư Đoàn tập sự để hành nghề Luật Sư.

b/ Cấp Tiến Sĩ.

Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân, nếu muốn tiếp tục học để lấy bằng Tiến Sĩ Luật, sinh viên phải học thêm 2 năm nữa để lấy thêm hai bằng Cao Học của ngành mình lựa chọn hoặc Công Pháp hoặc Tư Pháp.

Chương trình ban Cao Học được chia làm 2 cấp: Cấp I và cấp II. Sau khi đậu cấp I gọi là Cao Học I, sinh viên mới được ghi danh học cấp II. Chương trình mỗi cấp gồm có 2 phần: Phần tổng quát ôn lại và phần thâm cứu những môn chính đã học ở cấp Cử Nhân.

Sau khi có được 2 bằng cao học, sinh viên phải tìm một ông thày đỡ đầu để làm luận án Tiến Sĩ. Thời gian có thể là 1 năm hay nhiều năm, tùy theo ông thày đỡ đầu xét xem luận án có đạt được đầy đủ những tiêu chuẩn mà ông ta mong muốn hay chưa. Vì thế nhiều sinh viên mặc dầu đã có 2 bằng cao học, nhiều khi cả năm bẩy năm sau vẫn chưa được trình luận án để lấy bằng Tiến Sĩ.

2/ Trường Đại Học Văn Khoa.

Tiền thân của Trường Đại học Văn khoa Saigon là Trường Đại học Văn khoa Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Phan Huy Quát cho thành lập vào năm 1949 thời Quốc gia Việt Nam. Hoạt động của Trường trong những năm kế tiếp bị gián đoạn vì tình hình chính trị. Mãi đến năm 1955, thời Đệ nhất Cộng hòa, Trường Đại học Văn khoa Saigon mới được ưu tiên phát triển. Lúc đầu Trường Đại học Văn khoa cấp bằng cử nhân văn chương Pháp và Anh nhưng và phải đến năm học 1957-1958 thì chương trình cử nhân giáo khoa văn chương Việt Nam mới được hoàn thiện. Cũng năm đó chương trình cử nhân giáo khoa triết học cũng được xây dựng hoàn tất.

Tương tự như trước năm 1954, cách tổ chức và chương trình của trường không có gì thay đổi. Giáo sư phụ trách giảng dạy của trường gồm các giáo sư sau: Giáo sư Nghiêm Toản dạy môn Văn Chương Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Kỹ sư Hóa Học tại Pháp, chuyên về Triết Học Đông Phương, Giáo sư Bùi Xuân Bào, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp, dạy Pháp Văn, Giáo sư Lê Trung Nhiên, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp tại Đại Học Sorbonne, dạy môn Pháp Văn, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp tại Đại Học Sorbonne, giảng dạy môn Pháp Văn và môn Văn Minh Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, Ph D, dạy môn Anh Văn…

Các Giáo sư phụ trách môn Việt Hán thường là các thầy dạy Việt Văn từ Trung học hoặc là một vài Giáo sư dạy chữ Hán có bằng Cử Nhân hoặc Tiến Sĩ Hán Học. Các vị Giáo sư Việt Văn và Triết Học, Sử Địa thường không có bằng Tiến Sĩ cho nên họ chỉ là Giảng Sư của trường nhưng sau năm 1972 vì công lao to lớn của các vị này đào tạo nhiều Giáo sư Trung Học dạy các môn Việt Văn, Sử Địa v..v…cho nên chính phủ đặc cách một số vị không có bằng Tiến Sĩ, làm Giáo Sư Đại Học. Ta cũng nên kể một vài vị có bằng Tiến Sĩ từ Pháp hay Mỹ giảng dạy nhưng không quá 5 vị trong số này. Trường Văn Khoa cấp phát được một số bằng Cao Học môn Địa Lý và Sử Học, Anh và Pháp nhưng chưa cấp phát được một bằng Tiến Sĩ nào cả.

Ngoại trừ các môn Hán Văn, Anh Văn và Pháp Văn, các môn khác nhưViệt Văn, Ngôn Ngữ và Văn Chương, Văn Phạm Việt Nam, Sử Ký, Địa Lý Việt Nam và Quốc Tế đều dậy bằng Việt Ngữ.

Cũng như các đại học khác, muốn theo học Đại Học Văn Khoa, sinh viên phải có bằng Tú Tài Toàn Phần.

Trường Đại Học Văn Khoa học theo Chứng Chỉ. Năm đầu, sinh viên chỉ dược học 1 chứng chỉ duy nhất đo là chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa. Chứng chỉ này có nhiều loại khác nhau, tùy sinh viên lựa chọn cho hợp với văn bằng Cử Nhân mà mình lưạ chọn. Sau khi đậu được chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa, mỗi năm sinh viên có thể ghi học 2 chứng chỉ. Nhưng thực tế rất ít sinh viên đậu được 2 chứng chỉ trong một năm.

Ngoài Chứng Chỉ Dự Bị, Sinh viên nào có thêm được 4 chứng chỉ đòi hỏi cho văn bằng Cử Nhân của mình thì được cấp văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa. Còn nếu một trong 4 chứng chỉ đó không đúng thì bằng Cử Nhân đó không được gọi là bằng Cử Nhân Giáo Khoa mà gọi là Cử Nhân Văn Khoa thường thôi. Thí dụ:

- Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán, ngoài chứng chỉ Dự Bị còn phài có 4 chứng chỉ sau: Văn Chương Việt Nam, Ngôn Ngữ và Văn Minh Việt Nam, Hán văn và Chứng chỉ Sử Việt Nam hoặc Địa Lý Điạ Phương.

-  Cử Nhân Sử Địa, ngoài chứng chỉ Dự Bị còn phải có 4 chứng chỉ Sử Việt Nam, Sử Thế Giới, Địa lý Điạ Phương và Chứng chỉ Địa Chất Học (Geology).

-  Cử Nhân Anh Văn ngoài chứng chỉ Dự Bị (Anh Văn) còn phải có 4 chứng chỉ sau: Văn Chương Việt Nam, Văn Chương Anh, Ngôn Ngữ và Văn Minh Anh và một chứng chỉ nhiệm ý như Pháp văn hoặc, Chứng chỉ Sử (hoặc Địa).

- Cử Nhân Pháp Văn, ngoài chứng chỉ Dự Bị (Pháp Văn) còn phải có 4 chứng chỉ sau: Văn Chương Pháp, Ngôn Ngữ và Văn Minh Pháp, Việt Văn và Chứng Chỉ Anh Văn hoặc, Chứng chỉ Sử (hoặc Địa).

- Cử Nhân Triết Học có 2 loại: Cử Nhân Triết Học Tây Phương và Cử Nhân Triết Học Đông Phương.

Muốn lấy Cử Nhân Triết Học Tây Phương, ngoài chứng chỉ Dự Bị, sinh viên phải có chứng chỉ Tâm Lý, Đạo Đức, Xã Hội, Chứng Chỉ Luận Lý, Chứng Chỉ Siêu Hình và Chứng Chỉ Lịch Sử Triết Tây.

Muốn lấy Cử Nhân Triết Học Đông Phương ngoài chứng chỉ Dự Bị, sinh viên còn phải có chứng chỉ Triết Học Trung Hoa, chứng chỉ Triết Học Á Đông, chứng chỉ Đạo Đức Đông Phương, chứng chỉ Lịch Sử Triết Đông Phương.

Người có bằng Cử Nhân có thể xin tuyển làm giáo sư dậy trung học hoặc thi vào ngạch Tham Vụ Ngoại Giao.

3/ Trường Đại Học Khoa Học.

Tiền thân của trường Đại Học Khoa Học Saigon là trường Đại Học Hà Nội. Năm 1954, Hiệp Định Genève ký kết chia đôi Việt Nam thành hai miền Nam Bắc, trường Đại Học Khoa Học Hà Nội được di chuyển vào Nam và đổi tên là trường Đại Học Khoa Học Saigon.

Lúc đầu chương trình được giảng dậy hoàn toàn bằng tiếng Pháp và có rất nhiều giáo sư người Pháp giảng dậy. Chương trình được Việt hoá dần dần. Tới năm 1970 thì chương trình được giảng dậy hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Cho tới năm 1975, trường Đại Học Khoa Học Saigon cũng chỉ mới có cấp Cử Nhân, chưa có cấp Tiến Sĩ. Những sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân, muốn học thêm để lấy bằng Tiến Sĩ phải xin đi du học ở ngoại quốc.

Chương trình học Cử Nhân là 4 năm. Một sinh viên xuất sắc có thể hoàn tất Cử Nhân trong 3 năm. Nhưng nhiều sinh viên phải học tới 5, 6 năm mới hoàn tất.

Năm đầu, sinh viên chỉ có thể học một trong ba chứng chỉ sau:

MG (Mathematics Générale),

MPC (Mathematics. Physics, Chemistry).

SPCN (Science, Physics, Chemistry, Natural).

Sang năm thứ hai, sinh viên có thể học 2 chứng chỉ.

Nhưng thường rất ít sinh viên có thể đậu được 2 chứng chỉ trong một năm.

a/ Cử Nhân Khoa Học Toán.

Ngoài chứng chỉ Dự Bị MG, sinh viên còn phải có 3 chứng chỉ sau:

-  Calculus Diffirenciale.  

-  Mechanics Rationale.

-  Physic Generale.

b/ Cử Nhân Khoa Học Vật Lý.

Ngoài chứng chỉ Dự Bị MPC, sinh viên còn phải có 3 chứng chỉ sau:

-  Physic Generale.

-  Chemistry General.

-  Mechanics Rationale.

c/ Cử Nhân Khoa Học Tự Nhiên.

Ngoài chứng chỉ Dự Bị SPCN, sinh viên còn phải có 3 chứng chỉ sau:

-  Biology Animale.

-  Physiology Vegetable

-  Geophysics.

Những sinh viên mặc dù đã có đũ 4 chứng chỉ, nhưng không đúng theo theo luật đòi hỏi thì không được gọi là Cử Nhân Giáo Khoa Khoa Học mà chỉ được gọi là Cử Nhân Khoa Học thôi.

Vì các chứng chỉ trên rất khó, nên số sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân hàng năm rất hiếm, không đử để cung cấp cho nhu cầu nên sau này, nhiều chứng chỉ đã được chia ra làm hai hoặc ba chứng chỉ để sinh viên theo học cho dễ dàng. Thí dụ chứng chỉ Vật Lý Đại Cương (Physic Generale) được chia làm 2 chứng chỉ Quang Học , Điện Học và Nhiệt Học. Vì thế các sinh viên sau này thường phải có tới tám, chín cái chứng chỉ mới hoàn tất xong bằng Cử Nhân Khoa Học.

4/ Đại Học Sư Phạm.

Trường Đại học Sư Phạm Saigon là hậu thân của trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon. Niên khoá 1958-1959 trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon được đổi thành trường Đại Học Sư Phạm Saigon. Thời gian học vẫn giữ nguyên là 3 năm, sau thời gian tăng lên 4 năm và trong thời gian học có học bổng $1500 / một tháng, sau tăng lên $2000 / một tháng.

Trường có 2 chương trình. Chương trình 2 năm để đào tạo giáo sư trung học Đệ Nhất Cấp và chương trình 4 năm để đào tạo giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Muốn được nhận vào học, sinh viên phải có bằng Tú Tài Toàn Phần và phải qua một kỳ thi tuyển. Những sinh viên có chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa được miễn thi và vào học ngay năm thứ 2, nếu muôn học các ban Việt Hán, Sử Địa, Pháp Văn hay Anh Văn. Những sinh viên có chứng chỉ Dự Bị Khoa Học như MG, MPC hay SPCN đựơc miễn thi và vào học ngay năm thứ 2 nếu muốn học các ban Toán, Lý Hoà và Vạn Vật.

Chương trình gồm có hai phần: Phần tổng quát chung cho các Ban và phần chuyên môn riêng cho từng Ban. Phần chuyên môn của các Ban Việt Hán, Sử Địa, Anh Văn và Pháp Văn gần giống như chương trinh Cử Nhân Việt Hán, Cử Nhân Sử Địa, Cử nhân Anh Văn và Cử Nhân Pháp Văn của trường Đại Học Văn Khoa Saigon và phần chuyên môn của các Ban Toán, Lý Hoá, Vạn Vật gần giống như chương trình Cử Nhân Toán, Cử Nhân Lý Hoá và Cử Nhân Vạn Vật của trường Đại Học Khoa Học. Vì thế những sinh viên xuất sắc, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm cũng tốt nghiệp luôn Cử Nhân Văn Khoa hoặc Cử Nhân Khoa Học.

Suốt 17 năm, từ 1958 đến 1975, trường Đại học Sư Phạm Saigon đã đào tạo hàng ngàn giáo sư trung học đệ nhất và đệ nhị cấp về kiến thức chuyên môn cũng như về tư cách, đạo đức và luân lý chức nghiệp.

Năm 1975 miền Nam Việt nam sụp đổ, với thể chế mới, hầu như mọi thứ đều bị thay đổi từ tên gọi cho đến các cơ cấu tổ chức cũng như chương trình giảng dậy.

5/ Đại Học Kiến Trúc.

Kể từ năm 1954, trưởng Cao Đẳng Kiến Trúc Saigon thuộc Viện Đại Học Saigon được đổi tên thành trường Đại Học Kiến Trúc Saigon. Trường có 2 chương trình: Chương trình 2 năm cho Ban Cán Sự Kiến Trúc và chương trình 6 năm cho ban Kiến Trức Sư. Tuy nhiên muốn được ra trường, sinh viên phải có một luận án thi tốt nghiệp và luận án này phải được Hội Đồng Thi chấm đậu.

Sinh viên muốn vào học Ban Cán Sự phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp và muốn vào học bán Kiến Trúc Sư phải có bằng Trung Học Đệ Nhị Cấp tức bằng Tú Tài Toàn Phần.

a/ Ban giảng huấn.

Ban giảng huấn của trường phần lớn là các Kiến Trúc Sư tốt nghiệp Pháp như Trần Văn Tải, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Bùi Quang Hanh, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Phạm Văn Thâng, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Louis Pineau, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Văn bằng Thiết kế Đô thị, Nguyễn Quang Nhạc, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Huỳnh Kim Mãng, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Tô Công Văn, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Lê Văn Lắm, Kiến Trúc Sư Kiến Trúc và Kiến thiết Đô Thị Beaux Arts Paris, Trần Phi Hùng, Kiến Trúc Sư Đại Học Saigon và Thiết Kế Đô Thị Đại Học Cornell, USA, Lê Trọng Kha, Kiến Trúc Sư Beaux Arts Paris, Võ Doãn Giáp, Họa sư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Bá Lãng,Kiến trúc sư DPLG, Paris, Ngô Khắc Trâm, Kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Hữu Thiện, Kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Một số các Kỹ Sư tốt nghiệp tại Pháp hay ngoại quốc cũng được mời làm giảng viênnhư Trần Văn Bạch, Kỹ sư Dân sự Kiều lộ Trường Quốc gia Kiều lộ Paris, Phan Đính Tăng, Kỹ sư Dân sự Kiều lộ Trường Quốc gia Kiều lộ Paris, Lê Kim Đính, Cử nhân Toán, Chứng chỉ Cao học Thiên văn Thẩm cứu (Certificat d'étude supérieures d'Astronomie approfondie), Nguyễn Đình Hải, Tốt nghiệp Viện Anh ngữ của Đại học Michigan, Hoa Kỳ (English Language Institute, University of Michigan), Lê Văn Hợi, Kỹ sư trường Cao đẳng Công chánh Eyrolles Paris, Nguyện Văn Kiết, Cử nhân Văn khoa và Văn chương Cao học, Trịnh Hữu Định, Trang trí gia tốt nghiệp Truờng Quốc gia Cao đẳng Trang trí Paris, V õ Đức Diễn, Kỹ sư Trường Bách khoa Montréal, Phạm Minh Cảnh, Kỹ sư tốt nghiệp Viện Kỹ thuật Normandie, Mai Hiệp Thành, Kỹ sư Công chánh.

b/ Chương trình ban Kiến Trúc Sư:

Năm thứ 1.

-  Kiến trúc nhập môn, Kiến trúc sáng tạo học, Cổ điển họa và nặn hình.

-  Toán học, Hình học họa hình.

-  Lịch sử tổng quát kiến trúc;

-  Phép Thiết thể và Vật liệu Kiến tạo.

-  Pháp văn, Anh văn.

Năm thứ 2

-    Kiến trúc sáng tạo học, Cổ điển họa và nặn hình.

-    Toán học đại cương, Hình học họa hình.

-    Lý thuyết Kiến trúc.

-    Phép Thiết thể và Vật liệu Kiến tạo.

Năm thứ 3

-    Kiến trúc sáng tạo học, Cổ điển họa và nặn hình.

-    Kiến tạo đại cương: Lý thuyết.

-    Vật lý, Địa chất học áp dụng vào khoa Kiến trúc.

-    Phép phối cảnh, Lý thuyết Kiến trúc.

-    Sức chịu đựng của vật liệu.

Năm thứ 4

-          Kiến trúc sáng tạo học, Kiến tạo đại cương: Lý thuyết và đồ án

-    Bê tông cốt sắt.

-    Ước lượng vật liệu và kiểm điểm.

-    Lịch sử tổng quát Kiến trúc, Lý thuyết Kiến trúc.

-    Luật nhà phố.

Năm thứ 5.

-    Kiến trúc sáng tạo học, Kiến tạo áp dụng

-    Luật nhà phố.

-    Tổ chức nghề nghiệp, Lý thuyết Kiến trúc.

-    Địa thể học áp dụng kiến trúc;

-    Kiến tạo đại cương: Đồ án và kỹ thuật.

Năm thứ 6

-    Kiến trúc sáng tạo học.

-    Bê tông cốt sắt thực hành.

-    Đồ án trang trí nhà cửa.

Luận án thi tốt nghiệp (3 tháng cuối niên học), thường là một dự án vẽ kiểu nhà hoặc cao ốc (Building) rồi phải trình Hội Đồng Giáo Sư để được tốt nghiệp. Khi tốt nghiệp được cấp bằng Kiến Trúc Sư.

6/ Trường Đại Học Y Khoa:

Trường Đại Học Y Khoa Saigon là hậu thân của trường Y Dược Khoa Đông Dương thuộc Viện Đại Học Đông Dương (Université de l’Indochine) trụ sở đặt tại Hà Nội. Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết chia đôi Việt Nam, trường di chuyển vào Nam, trụ sở nằm trên đường Testard sau đổi là đường Trần Qúy Cáp và có tên mới là Đaị Học Y Khoa và Dược Khoa Saigon.

Cách tổ chức của trường Y Khoa vẫn tương tự trước năm 1954.

Tới năm 1961, trường tách đôi ra thành 2 trường riêng biệt là Đại Học Y Khoa và Đại Học Dược Khoa và cũng trong năm này, các giáo sư người Pháp lần lượt được giải nhiệm và ban giảng huấn Việt Nam được hoàn toàn thay thế. Năm 1966, trường được dọn tới địa điểm mới là Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa vưà hoàn tất năm trên Đại Lộ Hồng Bàng, Chợ Lớn.

Ban giảng huấn gồm có một số giáo sư Thạc Sĩ rất tài giỏi như Giáo sư Nguyễn Hữu, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, chuyên về giải phẫu, Giáo sư Trần Ngọc Ninh, chuyên về xương, Giáo sư Ngô Gia Hy, chuyên về nội thương, đặc biệt về thận, Giáo sư Trần Anh, chuyên về giải phẫu, trưởng khu Cơ Thể Học và từng giữ chức vụ Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, v.v…

Thời gian học là 7 năm. 5 năm lý thuyết và 2 năm nội trú, ngoài ra còn phải trình một luận án mới được cấp bằng Bác Sĩ Y Khoa.

Năm đầu là năm Dự Bị được học bên Đại Học Khoa Học để lấy chứng chỉ PCB (Phisique, Chimie, Biologie). Về sau muốn vào học Y khoa phải qua một kỳ thi tuyển, nhưng vẫn phải sang Đại Học Khoa Học học đê lấy chứng chỉ PCB. Năm thứ nhất có một kỳ thi về Cốt Học (Osteologie) ngay sau 2 tháng nhập học. Sinh viên có qua được kỳ thi này mới được tiếp tục học .

Năm thứ 2 là năm khó nhất. Sinh viên nào có bằng PCB thì được vào học ngay năm thứ hai. Ở năm thứ 2,nếu sinh viên thi 4 lần liên tiếp (mỗi năm 2 kỳ), tức 2 năm liền mà vẫn chưa lên được năm thứ 3 thì bị đuổi ra (sortie laterale). Vì thế có người sau 3 kỳ liên tiếp mà không đậu, không dám thi kỳ thứ tư nữa mà phải để tới năm sau mới dám thi.

Năm thứ ba, ngoài những giờ học lý thuyết ở giảng đường, sinh viên bắt đầu đi thực tập ở các bệnh viện hoặc chia nhau đi canh gác tại các nhà thương chẳng hạn nhà thương chuyên bênh lao Hồng Bàng...

Đến năm thứ 4, sinh viên có thể dự kỳ thi tuyển nội trú. Sinh viên nào không dự kỳ thi này hoặc không đậu thì đến năm thứ 6 cũng được làm công việc của một nội trú viên tức là cũng được trực bệnh viện như các sinh viên nội trú nhưng mang một bảng tên riêng gọi là “stagiaire interne”. Loại sinh viên này ít quyền hạn và phải phụ thuộc vào sinh viện nội trú thực sư.

Mãi đến sau năm 1970, trường bắt đầu giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt nhưng bắt buộc sinh viên dùng tài liệu Y Khoa bằng tiếng Anh để tham khảo. Nhờ vậy, sau năm 1975, các vị Bác Sĩ này khi di tản sang Hoa Kỳ có đủ khả năng thi lại bằng Bác Sĩ tương đương.

7/ Trường Đại Học Dược Khoa

Trước năm 1961, trường Đại Học Dược Khoa được nhập chung với trường Đại Học Y khoa. Tới ngày 31/8/1961, trường Đại Học Dược Khoa tách ra và đượcgọi là Dược Khoa Đại Học Đường với vị Khoa Trưởng đầu tiên là GS Thạc Sĩ Dược Khoa Trương Văn Chôm. Trụ sở trường được đặt tại góc đường Cường Để và đại lộ Thống Nhất.

Ban giảng huấn gồm một số giáo sư danh tiếng như: Giáo sư Trương Văn Chôm, Thạc Sĩ Dược Khoa, Giáo sư Đặng Vũ Biền, Tiến Sĩ Dược Khoa tại Đại Học Sorbonne, Giáo sư Tô Đồng, Dược Khoa Tiến Sĩ tại Đại Học Sorbonne, Giáo sư Nguyễn Vĩnh Niên, Tiến Sĩ Dược Khoa tại Pháp, Giáo sư Đặng Vũ Biền v.v…Một số giáo sư tốt nghiệp tại Mỹ về như GS Trần Ngọc Tiếng, Ph.D., GS Thanh Thủy, Ph.D., GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Ph.D, GS Lê Phục Thủy, Ph.D.

Chương trình học của trường Đại Học Dược Khoa cũng giống như trước năm 1954, phỏng theo chương trình của Pháp và phần lớn các môn đều dậy tuyền bằng tiếng Pháp, cho tới năm 1970 trường mới hoàn toàn dậy bằng tiếng Việt. Thời gian học cũng vẫn là 5 năm. Năm đầu tiên gọi là năm tập sự (stagiaire). Ngoài việc học ở trương còn phải được một Dược Phòng nhận cho tập sự.

Cuối mỗi năm đều có kỳ thi lên lớp.

Chương trình theo Pháp nên nặng về Hoá Học, Thực Vật và Dược Liệu Học, nhẹ về Động Dược Học và kỹ nghệ sản xuất thuốc cũng như khiá cạnh thương mại của Dược Khoa.

Thể lệ thi cử cũng khó khăn, nếu có một môn dưới điểm trung bình tức 9/20 là bị loại.

Mỗi kỳ gồm có 3 đợt: thực tập, thi viết và vấn đáp. Đợt 1 không đủ điểm trung bình không được thi đợt 2. Đợt 2 không đủ điểm trung bình không được thi đợt 3. Mỗi năm có 2 kỳ thi. Rớt 4 kỳ liên tiếp là bị đuổi.

Lúc đầu trường chỉ có cấp bằng Dược Sĩ Quốc Gia (Pharmacien d’État), mãi tới năm 1969, trường mới có thêm chương trình đào tạo Tiến Sĩ Dược Khoa Đệ Tam Cấp (Docteur du troisième cycle de Pharmacie), tương đương với bằng Pharmacy Doctor của Mỹ. Dược Sĩ Lý Công Tuấn là Tiến Sĩ Dược Khoa Đệ Tam Cấp đầu tiên được đào tạo tại VN.

8/ Trường Nha Khoa.

Cũng giống như trường Dược Khoa, trường Nha Khoa trước kia cũng chỉ là một ngành của trường Đại Học Y-Dược Hà Nội, sau là Đại Học Y-Dược Saigon. Đến ngày 12/8/1962, ngành Nha Khoa tách khỏi trường Y khoa trở thành Nha Khoa Đại Học Đường Saigon.

Chương trình trường Đại Học Nha Khoa là 5 năm và tốt nghiệp được cấp bằng Nha Sĩ. Ai muốn có bằng Tiến Sĩ Nha Khoa thì phải qua Pháp học.

Ban giảng huấn gồm một số các giáo sư tốt nghiệp tại Pháp như: Giáo sư Lê Trọng Phong, Tiến Sĩ Nha Khoa Đại Học Paris, Giáo sư Nguyễn Văn Thơ, Tiến Sĩ Nha Khoa Đại Học Paris….

Cũng như các đại học khác, muốn được nhập học phải có bằng Tú Tài 2 (Toàn Phần), không phân biệt là Tú Tài ban Khoa Học Toán hay ban Khoa Học Thực Nghiệm. Về sau, cũng như trường Y Khoa, phải có chứng chỉ Dự Bị khoa học như PCB hoặc SPCN và còn phải qua một kỳ thi tuyển.

Chương trình gồm có nhiều môn và mỗi môn đều có 2 phần: lý thuyết và thực hành. Mỗi phần đều có kỳ thi riêng.

Mỗi năm có 2 kỳ thi: đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt. Số điểm của 2 kỳ cộng lại chia 2 thì có kết quả chung cho từng môn vào cuối năm. Dù chỉ một môn không đủ điểm trung bình là phải học đúp lại.

Ngoài các Viện Đại Học Saigon, Huế, Đà Lạt, và Cần Thơ còn có những Trung Tâm Giáo Dục và các Học Viện khác như:

-  Trung Tâm Bách Khoa Bình Dân thuộc Hội Văn Hoá Bình Dân Giáo Dục do ông Huỳnh Văn Lang thành lập để dậy văn hoá hoặc huấn nghệ cho các người lớn tuổi.

-  Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ đào tạo các kỹ sư cho 4 ngành Công Chánh, Điện Học, Hoá Học và Công Nghệ.

-  Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc để đào tạo Kỹ Sư Nông Nghiệp, Kỹ Sư Thủy Lâm và Kỹ Sư Thú Y,

-  Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để đào tạo Đốc Sự Hành Chánh và Cao Học Hành Chánh và Cao Học Ngoại Giao.

v.v…

Chương trình giáo dục và thể lệ thi cử dưới thời Việt Nam Cộng Hoà còn được gọi là chương trình giáo dục Hoàng Xuân Hãn phỏng theo chương trình giáo dục của Pháp, tuy không được hoàn hảo nhưng có trình độ và thực chất. Đây là chương trình giáo dục nhân bản và khai phóng tôn trọng tự do dân chủ và nhân quyền nhằm phát triển toàn diện con người trong chiều hướng tốt cả về trí dục, đức dục và thể dục. Nền giáo dục thời VNCH không hề áp đặt một học thuyết hay một chủ nghĩa nào nhất là không đưa chính trị vào học đường bắt học sinh phải tuân theo như trong các thể chế độc tài đảng tri như Cộng Sản.

Chỉ trong vòng 2 thập niên, nền giáo dục thời VNCH đã đào tạo cả trăm ngàn chuyên viên và cán bộ các cấp có đầy đủ khả năng chuyên môn cũng như khả năng lãnh đạo cho miền Nam Việt Nam.

Chú thích

(1). Ngày 19/12/1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, giáo sư Dương Quảng Hàm tản cư ra hậu phương. Trên đường tản cư, khi qua sông, giáo sư không may bị trúng đạn từ máy bay Pháp bắn chết vào ngày 26/12/46. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng giáo sư đã bị Việt Minh bắn chết trên đường tản cư.

(2). Sau khi Việt Minh cướp chính quyền từ chính phù Trần Trọng Kim, chính phủ Liên Hiệp do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch được thành lập, giáo sư Hoàng Xuân Hãn được thay thế bởi ông Vũ Đình Hòe và chương trình được thay đổi đôi chút cho phù hợp với lý tưởng phục vụ quốc gia và dân tộc. Nhưng chương trình này đã bị Việt Minh bãi bỏ hoàn toàn sau khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào ngày 19/12/46 và chỉ được chính phủ quốc gia sử dụng sau khi được Pháp trao trả độc lập và sau này là chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.

(3). Muốn theo học trường này chỉ cần có bằng Diplôme hoặc Brevet Élémentaire tức bằng Cao Đẳng Tiểu Học sau này gọi là bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.

 * * *

Đất Mẹ Thân Yêu

Đến Muôn Đời

Tôi muốn tìm về những ngày xưa,

Của thời bé bỏng rất vô tư.

Vui chơi cùng với bao bè bạn,

Mái trường tiểu học tuổi ngây thơ.

Tôi muốn tìm về tuổi thiếu niên,

Tuổi mơ, tuổi mộng, tuổi hoa niên.

Tuôỉ của những phút giây hồi hộp,

Đứng đợi cổng trường-- bóng giáng em.

Tôi muốn tìm về tuổi đôi mươi,

Khi tôi thật sự bước vào đời.

Bao nhiêu hào khí, bao cao vọng.

Mắt sáng môi tươi đẹp nụ cười.

Tôi muốn tìm về thời dọc ngang,

Kiếp sống nổi trôi—rất ngang tàng.

Núi sông một gánh hai vai nặng

Trả nợ giống nòi, chẳng thở than!

Tôi muốn tìm về quê hương tôi,

Nơi tôi cất tiếng khóc chào đời.

Nơi tôi ôm ấp bao kỷ niệm,

Đất mẹ thân yêu đến muôn đời..

Trần Cao Sạ – CVA65.

* * *

NGHĨ VỀ NỀN GIÁO DỤC

VIỆT NAM TRƯỚC 1975

Vũ-Văn-Tới, CVA60

Ngựơc dòng thời gian hơn nửa thế kỷ về trứơc, với tuổi đời ngoài thất thập mới nhìn lại nền giáo dục tại miền Nam Việt Nam-một việc mà mọi ngừơi đã nghĩ, đã làm-thì thật là quá muộn màng. Nhưng ngừơi viết chỉ muốn đóng góp một phần nhỏ suy nghỉ của mình vào Đặc San Chu Văn An 2011 có chủ đề về Gáo Dục. Ngừơi viết cũng không phải là nhà biên khảo hay phê bình mà chỉ viết lên những gì đã thấy và tự bản thân đã kinh qua.

I. Tính chất và ưu điểm của nền giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước 1975

Có thể nói nền giáo dục tại miền Nam Việt Nam trứơc 1975 là một nền Giáo Dục Nhân Bản, tích cực, có chất lượng và đã thăng hoa nhiều kết quả tốt.

Nền giáo dục Nhân Bản vì mọi người dều có quyền lợi được giáo dục miễn phí đến hết bậc Trung Học và được giúp đỡ ở Đại Học và Trên Đại Học. Tuy thời kỳ trước 1975 miền nam cũng có nhiều trường tư nhưng chỉ dành cho các học sinh kém may mắn không vào được trường công.

Tính tích cực của nền giáo dục là luôn luôn được câp nhật những phương pháp giáo dục mới từ các nước phát triển. Các công cụ và phương tiện giảng dạy cũng được trang bị đầy đủ. Đội ngũ giảng dạy và quản lý giáo dục luôn luôn được tu nghiệp các kiến thức mới tân tiến. Chính các điểm này tạo cho nền giáo dục có chất lượng cao.

3/ Nền giáo dục ở Nam Việt Nam trước 1975 đã thăng hoa và tạo ra một đội ngũ Trí Thức, Chuyên Viên… hùng hậu. Xã hội miền nam Việt Nam trước 1975 là một xã hội có đạo đức vả phát triển, tuy dưới thời kỳ chiến tranh khốc liệt.

Một câu hỏi là tại sao Miền Nam Việt Nam, thời kỳ từ 1955-1975, là một ước mới được dộc lập, ngay tức khác lại lâm vào một cuộc chiến dai dẳng xuốt 20 năm, mà vẫn có một nền giáo dục có nhiều ưu điểm như vậy? Đây chính là do các yếu tố Ý Chí, Tư Tưởng và Tấm Lòng. Cả 3 yếu tố này đều có ở cả 2 phía: Chính Phủ và Nhân Dân.

-  Về Ý Chí: Chính phủ quyết tâm xây dựng một xã hội có tri thức, có đạo đức vì một xã hội như thế mới phát triển. Nhân dân nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng thì cố gắng học hành chăm chỉ, luôn luôn muốn tạo cho mình một khả năng để giúp nhà, giúp nước.

-  Về tư tưởng: Nền giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước 1975 là một nền giáo dục tự do, nhưng có kế hoạch, không mang sắc thái chính trị, nhồi sọ, hân thù. Tư tưởng của các học sinh, sinh viên cũng như thầy cô và các nhà quản lý giáo dục được tự do phát triển không   bị áp dặt. Kế hoạch thì được lập bởi chính các nhà giáo dục có trình độ và kinh nghiệm với các nền giáo dục tiên tiến.

-  Về tấm lòng: Đó là sự ưu ái cũa chính phủ đối với nền giáo dục được thể hiện như sau:

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, năm 1954-1955, tất cả học sinh, trong đó có người viết, chạy trốn Cộng Sản vào Miền Nam đã được chính phủ lo cho chỗ ăn ở tại Nhà Hát Thành Phố Saigon (sau là trụ sở Quóc Hội) một thời gian . Sau khi đã ổn đinh chỗ ăn ở, ai có thể tự tìm trường học theo ý muốn tại các trường miền nam thì nhập học ( Các trường nỗi tiếng ở miền nam lúc bấy giờ là Chasseloup Laubat, Marie Curie , Petrus Ký, Tabert. Gia Long…). Học sinh còn lại sẽ được phân bổ vào “các trường di cư” như Chu Văn An, Trưng Vương, Nguyễn Trãi, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn…Chính phủ cũng lập ra các khu cư trú lâu dài cho các học sinh, sinh viên không có gia đình hoặc thân nhân ở miền Nam như tại đường Lê Lai và gần trường đua Phú Thọ.

Một trong những điểm son của chế độ giáo dục tại miền Nam là chính phủ đã lập ra các trung tâm Bách Khoa Bình Dân nhằm đáp ứng nhu cầu vừa dạy học vừa huấn nghệ ngắn hạn cho học sinh và nhân dân không có điều kiện học chương trình văn hoá chính quy. Các trung tâm này dạy ban đêm và học phí rất rẻ, đôi khi miễn phí nên rất thuận tiện cho những ai ban ngày phải đi làm việc kiếm sống.

*Các sinh viên ra trưởng ngành Sư Phạm có chỉ số lương khá cao, hơn cả kỹ sư (Sư Phạm : 470, Kỹ Sư : 430). Chính vì thế mà chất lượng giảng dạy rất cao. Các thầy cô giáo rất được kính trọng. Trong thời gian học ở đại học, sinh viên một số ngành như sư phạm, kỹ thuật (kỹ sư điện, công chánh. công nghệ, mỹ thuật...) cũng được tài trợ nếu đạt tiêu chuẩn thi tuyển. Học bổng đủ cho sinh hoạt ăn ở hàng tháng (VN$ 1500/tháng, thi tuyển 25 Sinh viên mỗi ngành). Chính phủ cũng có các kế hoạch tạo ra nhiều học bổng du học nước ngoài.

*Các thầy cô và các nhà giáo dục thường xuyên thay nhau được đi tu nghiệp tại các nước phát triển.

*Về cơ sở vật chất dành cho ngành giáo dục cũng được chính phủ đặc biệt quan tâm. Các viện, trường Đại Học, Trung Tiểu Học, các phòng thí nghiệm được xây dựng khắp nơi với đầy đủ trang bị, phương tiện hiện đại. Viện Đại Học Saigon, Trường Đại Học Y/Dược, Văn Khoa, Luât Khoa, Mỹ Thuật... Cả một Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ dành cho các ngành kỹ thuật như Điện, Công Chánh, Công Nghệ ...được hình thành. Trường Chu Văn An, Trưng Vương, Nguyễn Trãi cũng được xây dựng mới. Thư viên Quốc Gia là một công trình to lơn và hiện đại tương trưng cho một nền giáo dục có thực chất, đầy phương tiên nghiên cứu. Chính do ngành giáo dục được chính phủ quan tâm và ưu ái nên phát triển rất nhanh.

*Về phía học sinh, sinh viên, các nhà giáo thì đáp lại sự ưu ái của chính phủ, đã dốc tâm học hành, giảng dạy, nghiên cứu để đạt kết quả tốt nhất.

Ngành giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước 1975 thật đã thăng hoa và mang lại nhiều kết quả cụ thể cho xã hội. Sau đây là một số kết quả điển hình:

*Một đội ngũ Trí thức, Kỹ Sư, Chuyên Viên, Cán Sự khá đông, có chất lượng, đạo đức, năng động và trong sáng được hình thành, mang lại cho xã hội Miền Nam nhiều đổi mới và phát triển.

*Từ năm 1960, chúng ta đã tiếp thu Công Ty CEE (Compangie des Eaux & d' Electricité ) mà lúc đầu các kỹ sư và chuyên viên Pháp nghĩ rằng chúng ta không thể quản lý được. Ngược lại, không những các kỹ sư, chuyên viên của chúng ta đã điều hành và quản lý tốt mà còn phát triển rất nhanh mạng lưới điện cho thủ đô Saigon và các tỉnh. Tiếp theo là điều hành nhà máy thủy điện Đa Nhim do Nhật Bản bàn giao. Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức cũng do chính chúng ta xây dựng và điều hành. Ngành điện là một trong những ngành quan trọng cho sự phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, nâng cao đời sống xã hội, Các ngành khác như Cấp Nước, Xây Dựng cũng phát triển rất nhanh.

*Ngành Y, Dược cũng thăng hoa đáng kể, nhiều bác sĩ, dược sĩ đã được đào tạo, nhiều bệnh viện đã được phát triển hoặc xây mới. Ngành này cũng đã cung cấp cho chiến trường nhiều quân y, dược sĩ tài ba.

Khoa học sử lý thông tin ( IT ) vào thập niên 50-60 đối với các nước đang phát triển tại Đông Nam Á thật là khó khăn và mới lạ. Thế mà khoa học này đã được áp dụng tại miền Nam Việt Nam từ thập niên 50 và đã phát triển rất nhanh trong các năm kế tiếp. Chính phủ rất quan tâm đào tạo các chuyên viên và trang bị các hệ thống máy tính mới nhất trên thế giới thông qua Công ty máy tính IBM Pháp, Mỹ.

Năm 1964, một hệ thống Máy Tính Điện Tử IBM/1401 lần đầu tiên được trang bị tại Tổng Nha Ngân Sách & Ngoại Viện, Đồng thời một đội ngũ 7 Thảo Chương Viên (Computer Programmer) đầu tiên, trong đó có người viết, được đào tào bởi Cty IBM Pháp. Các năm kế tiếp, nhiều chuyên viên, cả dân sự lẫn quân đội dược đào tạo và một loạt các hệ thống máy tính thế hệ mới IBM360/20, 30, 40, 50 được trang bị tại các cơ quan chính phủ như Phủ Thủ Tướng, TN Ngân Sách Ngoại Viện, Cty Điện Lực, Cấp Nước, Thuế Vụ, Thống Kê, Bưu Điện, Tiếp Vận, Bộ Tổng Tham Mưu …

Trình độ và phạm vi áp dụng Tin Học vào quản lý kinh tế, tài chánh, xã hội kể cả trang thiết bị tại miền Nam Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều nước Đông Nam Á lúc bấy giờ, . Điều này được khẳng định tại hội nghị tổng kết khoá tu nghiệp và hội thảo về Ứng dụng Tin Học tại Nhật Bàn ( Plan Colombo) năm 1970,gồm các nước Đông Nam Á, người viết đại diện Việt Nam. Chính thủ tướng VC Phạm Văn Đồng, khi đến thăm 1 TT Điên Toán vào năm 1975 đã nói “ Các đồng chí cần bảo quản các thiết bị này cho tốt. Các thiết bị này tién bộ xa hơn Liên Xô hàng chục năm đấy” . Thật vậy , lúc đó ngành Tin Học Liên Xô còn dùng băng giấy đục lỗ để ghi thông tin, chúng ta dã dùng băng từ, đĩa từ.

Khi nền kinh tế cần phát triển theo hướng công nghiệp hoá, chúng ta cũng có đủ chuyên viên để lập ra Khu Chế Xuất Nhà Bè. Khi việc thăm dò dầu khí ở Vũng Tầu thành công, chúng ta cũng có đủ nhân tài về ngành công nghiệp mới mẻ này và đã lập ra Tổng Cục Dầu Hoả.

Tóm lại, nền giáo dục đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của miền Nam Việt Nam. Đội ngũ đông đảo Trí Thức, Kỹ Sư, Chuyên Viên...đã không phụ lòng ưu ái của chính phủ đem hết khả năng và tấm lòng phục vụ xã hội. Nhưng rất tiếc họ, những người thuộc thế hệ người viết (36 tuổi vào năm 1975) đã mất cơ hội phục vụ nhiều hơn nữa cho đất nước Tuy nhiên đội ngũ Trí Thức miền Nam Viêt Nam ra định cư tại nước ngoài cũng đã làm việc hăng say, đạt nhiều kết quả tốt và theo truyền thống cũng đã sản sinh ra các nhân tài thế hệ 2,3.

Nếu nói ngành giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước đây thờ ơ hay đứng ngoài cuộc chiến tranh thì không đúng. Giáo dục, đúng nghĩa là chỉ đào tạo cho mọi người có tri thức, khả năng và đạo đức, không chính trị, không hận thù. Việc cổ vũ cho nghĩa vụ quân sự đã có các cơ quan khác đảm nhiệm. Hơn nữa chẳng phải ngành giáo dục đã cung cấp, thông qua các trường võ bị, nhiều sĩ quan can trường ưu tú cho cuôc chiến ? Hơn thế nữa, vào thập niên 60 phong trào “Quân sự học đường” cũng đã nở rộ. Khí thế “Võ Bị” cũng lên cao trong giới học sinh, sinh viên. Trường Chu Văn An cũng đã mời GS Nguễn Xuân Vinh, tư lệnh không quân lúc đó, đến nói chuyện với học sinh về binh chủng này. Học sinh Chu Văn An nhiều người cũng đã trở thành các sĩ quan ưu tú trong các binh chủng.    

Để kết luận, chúng ta có thể nói nền giáo dục tại miền Nam Việt Nam là môt điểm son của cả 2 nền Cộng Hoà 1 & 2. Điều này thể hiện qua sự phát triển của xã hội Miền Nam trước 1975, mặc dầu chúng ta phải trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt suốt 20 năm. Không ít người trong chúng ta hiên nay có một cuộc sống ổn định và sung túc trên khắp thế giới do đã hấp thụ được nền giáo dục đó.

*

*     *

Đại Học Việt Nam:

Lạc hậu và yếu kém

Lâm Văn Bé

Cái tựa của bài viết không phải là của «bọn Việt kiều phản động» bôi bác chế độ. Đó là cái tựa của Việt Báo, cơ quan ngôn luận của nhà nước Cộng Sản. Và từ nhiều tháng nay, không phải chỉ có Việt Báo mà nhiều tờ báo khác, giáo sư và sinh viên, thậm chí cả Quốc hội cũng đồng thanh lên tiếng là nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học đang bị khủng hoảng trầm trọng. Tháng 6 vừa qua, bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân bị thay thế, chỉ còn giữ lại chức Phó thủ Tướng, điều ít thấy trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng Sản.  

Trong bài viết sau đây, chúng tôi xin nêu lên những yếu tố quan trọng của tình trạng lạc hậu và yếu kém của đại học Việt Nam hiện nay.

Đại học lạm phát

Trên thế giới, không  một quốc gia nào có số đại học mới thành lập chiếm kỷ lục trong một thời gian rất ngắn như ở Việt Nam (VN).

Năm 1998, VN có 123  trường đại học và cao đẳng, năm 2008, VN có 369 trường, không kể 71 Viện nghiên cứu có đào tạo sinh viên hậu đại học. Chỉ trong 10 năm, VN tăng thêm 317 cơ sở giáo dục và nghiên cứu đại học, chiếm tỷ lệ 257%. Ngoài ra, còn phải kể thêm 120 trường cao đẳng nghề trung cấp (tên gọi «chết người» cao đẳng mà trung cấp) trực thuộc Bộ Thương Binh Xã hội và Lao Động (nguồn : Bộ Giáo Dục Đào Tạo- Số liệu thống kê Giáo Dục Đại Học 2008- 2009)

Trong số 270 trường mới thành lập, thực sự chỉ có 94 trường tân lập hoàn toàn (theo Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước Quốc Hội ngày 7/6/2010), số còn lại là trường nâng cấp từ trường thấp hơn (trung cấp, cao đẳng, học viện trở thành đại học), trường đại học tư thục, đại học bán công.

Tham nhũng và bè phái, bản chất căn bản của chế độ là nguyên nhân của việc lạm phát đại học. Tham nhũng đã làm băng hoại giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học là thành trì kiến tạo quốc gia, bởi lẽ các phe nhóm đã cấu kết nhau để lợi dụng việc lập trường đại học hầu tìm lợi nhuận, tạo thế lực.

Tổ chức các đại học đặt dưới quyền quản lý chồng chéo của nhiều cơ quan lãnh đạo khác nhau, thí dụ trường Đại học Kinh Tế Thái Nguyên phải chịu sự quản lý của Bộ Giáo Dục và  Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thái Nguyên, trường Đại học quân sự phải theo lệnh của Bộ Quốc Phòng và Bộ Giáo Dục. Các địa phương tranh nhau mở trường, nhiều chương trình đào tạo giống nhau, các trường tranh chấp nhau, nhiều ngành học không xứng danh đặt trong học trình đại học, hay phát triển một cách đại qui mô ở khắp các địa phương.  Có ít nhất 21 đại học quân sự, 4 đại học công an,  không kể các học viện có qui chế như trường cao đẳng.

Trên 63 tỉnh và thành phố của cả nước chỉ có 3 tỉnh chưa có đại học, tỉnh Bắc Kạn có dân số ít nhất cũng có một trường cao đẳng. Nhiều loại đại học có tên ngộ nghĩnh : đại học Dân lập, đại học Mở, đại học FPT, Viện Đào Tạo Răng-Hàm-Mặt, đại học Phòng cháy chửa cháy, đại học Công an nhân dân…. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh lớn có tổng cộng 15 đại học gọi là đại học Trọng điểm trong đó có 2 đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh và Hànội mà người đứng đầu được gọi là giám đốc, còn người chỉ huy các loại đại học khác được gọi là hiệu trưởng.

Hãy đọc định nghĩa của vài đại học Cộng Sản. Đại học Mở là cơ sở đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ, đào tạo tại các điểm vệ tinh, còn đại học tư thục gọi là đại học dân lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của đảng và nhà nước VN.

Thông thường, thành lập một đại học là một biến cố giáo dục quan trọng, đem lại niềm tự hào cho một quốc gia. Nhưng với VN, mở thêm một đại học là tạo thêm một tập đoàn kinh doanh, mở rộng thêm một vết rạn nứt của ngôi nhà đại học cổ lỗ rêu phong và đến nay ngôi nhà đã đến hồi sụp đổ. Đại học VN hôm nay  chỉ còn xếp ngang hàng với Miên và Lào, là một mối nhục lớn cho một quốc gia có 85 triệu dân, đã có một lịch sử giáo dục và văn hóa tốt đẹp trước khi Cộng Sản thống nhứt sự trì trệ  từ Bắc vô Nam.

Trên thế giới, không có quốc gia nào lập trường đại học mà chưa có cơ sở và giáo sư cơ hữu như VN. Trước tình trạng nguy kịch của đại học, Quốc Hội đã phải thành lập một Ủy Ban Điều Tra và trong báo cáo hồi tháng 12 năm 2009 cho biết là 20% số trường mới mở chưa xây dựng trường sở, phải thuê mướn cơ sở thiếu tiện nghi và các trang bị cần thiết cho việc học tập và giảng dạy.

Sau đây là một đoạn văn trong  báo Tuổi Trẻ online ngày 10 tháng 7 năm 2010 liên quan đến trường đại học dân lập Hồng Bàng.

Một cơ sở của Trường ĐH dân lập Hồng Bàng nằm trong Công ty cổ phần Bao bì dược trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.Phú Nhuận,  từ bên ngoài...

Liên tục trong năm, sáu năm, gần như năm nào trường cũng tăng học phí. Chẳng hạn năm 2005, sinh viên ngành điện - điện tử đóng học phí 2.980.000 đồng/năm thì đến năm học 2006-2007 đã tăng lên 4.480.000 đồng/năm, bước sang năm học 2008-2009 học phí lên thành 5.880.000 đồng/năm. Vừa bước sang học kỳ II năm học này, trường đột ngột tăng học phí lên 3.490.000 đồng/học kỳ. Trong công bố mới nhất, học phí ngành thấp nhất của trường đã lên đến 6.980.000 đồng/năm và ngành cao nhất đạt mức gần 14.000.000 đồng/năm.Trường hiện nay có trên mười địa điểm học. Trong đó hầu hết là các địa điểm thuê mướn. Văn phòng các khoa, phòng công tác chính trị sinh viên, văn phòng Đoàn được đặt ở chín địa điểm khác nhau, nằm rải rác khắp các quận khá xa trung tâm TP.HCM. Lần theo một địa chỉ trên bảng hướng dẫn, chúng tôi tìm đến cơ sở số 89 Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận). Đến nơi, chúng tôi ngỡ ngàng khi trước mắt là biển hiệu của Công ty CP Bao bì dược, đi sâu vào hẻm mới thấy bảng tên Trường ĐHDL Hồng Bàng.

Trường hợp Đại Học Hồng Bàng là điển hình của chợ trời đại học VN. Trong khi chánh phủ đóng cửa 10 trường hồi cuối năm 2009 vì mở trường đã lâu mà không có cơ sở, chánh phủ lại cho mở thêm những trường mới, và chuyện cạnh tranh mở trường đại học để trục lợi đã nói lên một khía cạnh vô liêm sĩ của chế độ Cộng Sản là không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để tham nhũng và trục lợi, ngay trong lãnh vực đào tạo trí tuệ và đạo đức con người.

Theo một tin tức mới nhất đăng trong VNeconomy ngày 19/4/2010 thì từ con số 369 trường đại học năm 2008, đến đầu năm 2010 đã tăng lên 412 và trong số 412 trường đại học cao đẳng, Bộ Giáo Dục chủ quản 58 trường (14%), các bộ, ngành khác và các doanh nghiệp quản lý 130 trường (31,6%), Ùy Ban Nhân Dân tỉnh,thành phố quản lý 134 trường (32,5%), hai trường Đại học Quốc Gia quản lý 13 trường (3,1%) và 77 trường tư không có cơ quan chủ quản (18,6%).

Đại học VN đã mất quyền tự chủ, đặc tính truyền thống của tổ chức đại học. Đảng Cộng Sản nắm quyền đại học ở mọi cấp: tất cả quyết định về đường lối quản trị, chương trình giảng dạy đều phải có sự chấp thuận của Bí thư đảng ủy, các giáo sư lệ thuộc vào Công đoàn và tất cả sinh hoạt của sinh viên được huy động bởi Ban bí thư Đoàn Thanh niên.

Trong một báo cáo tháng 11/2008 của Trường Lãnh đạo Kennedy thuộc Đại Học Harvard (Harvard Kennedy School, ASH Institute) tựa là Vietnamese Higher education: crisis and response  đã viết:

Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng đại học VN ngày nay là sự thất bại nghiêm trọng trong vấn đề quản lý. Các trường đại học có uy tín từ Boston đến Bắc kinh đều có những yếu tố căn bản mà VN không có.

Trước hết là vấn đề tự trị đại học. Các đại học VN vẫn chịu một sự quản lý tập trung cao độ. Chính phủ trung ương quyết định số sinh viên được tuyển, tiền lương của giáo sư, ngay cả việc thiết lập hội đồng khoa và việc điều hành.

Tham nhũng là phổ quát và ai ai cũng biết là bằng cấp, học hàm, học vị đều có thể mua bán. Hệ thống tổ chức nhân sự không rõ rệt, việc bổ nhiệm thăng thưởng dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật (non-scholastic) như thâm niên, lý lịch gia đình và chính trị, và các liên hệ cá nhân. Các người lãnh đạo  thường là các người đã tốt nghiệp từ Liên Sô hay Đông Âu, không nói được tiếng Anh và không có thiện cảm với những người được đào tạo từ các đại học Tây phương.(Memorandum Higher Education Task Force / Thomas J.Valley & Ben Wilkinson, p.3-4).

Đại học VN lại bị hiện tượng một cổ đôi tròng (phải nói là nhiều tròng). Ngoài chính phủ trung ương gồm nhiều bộ, các đại học địa phương, công cũng như tư, còn phải chịu sự chi phối của chính quyền tỉnh. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh có quyền « bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, cách chức, giáng chức vị trí người đứng đầu trường đại học, cao đẳng ờ địa phương. Có quyền công nhận hay không công nhận hội đồng quản trị, hiệu trưởng các đại học tư trên địa bàn, giám sát chất lượng cơ sở đào tạo đại học đóng trên lãnh thổ…» (Tin mới VN, ngày 21/04/2010).

VN hôm nay trở lại thời kỳ thuộc địa ngu dân thuở xưa bởi lẽ các cơ sở giáo dục cao cấp lại đặt dưới quyền sinh sát của các chủ tịch UBND tỉnh, mà đa số là những cán bộ ít học hay thất học, chỉ vì phe cánh hay trung kiên với đảng được cất nhắc làm lãnh chúa ở các địa phương, thì thử hỏi trong một hoàn cảnh như vậy, đại học VN bảo sao mà không lạc hậu.

Thực ra, các ông bà chủ tịch UBND tỉnh có sự cố vấn của các ông giám đốc sở Văn Hóa Giáo Dục địa phương mà đa số đều có bằng tiến sĩ. VN hôm nay có chánh sách giúp đỡ các đảng viên bằng phương thức «vừa làm vừa học» để có một học vị tương xứng với chức vụ.

Không nơi nào trên thế giới có chế độ vừa làm vừa học phát đạt như ở VN. Trong số 1,719,499 sinh viên đại học và cao đẳng năm 2008, số sinh viên vừa làm vừa học là 509,808 người, chiếm tỷ lê 29,6% ( nguồn : Bộ Giáo Dục đào tạo. Số liệu thống kê 2008-2009). Con số trên còn phơi bày một thực trạng yếu kém của bộ máy công quyền bởi lẽ với nửa triệu cán bộ công chức vừa đi học vừa đi làm thì thời giờ đâu để làm việc phục vụ dân chúng và thời giờ đâu để học có cấp bằng. Bằng cấp giả, bằng cấp dỏm do đó đã nở rộ lên cùng lúc với phát triển đại học.

Chuyện lạ mà có thật ở VN. Báo chí VN hồi tháng tư năm nay (2010) tường thuật Ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao tỉnh Phú Thọ vừa đậu bằng tiến sĩ do một trường đại học ở Mỹ cấp, dù ông không nói được tiếng Mỹ và chẳng bao giờ đi học. Ông cho biết là ông tốn 17,000 mỹ kim để đi Hawaï 2 tuần để nhận bằng từ đại học South Pacific University là một đại học đã bị tòa án tiểu bang Hawaï đóng cửa từ năm 2003 nhưng vẫn tiếp tục bán văn bằng. Cũng cần biết là số tiền 17,000 mỹ kim là do ngân sách của tỉnh Phú Thọ «hổ trợ».

Chuyện ông tiến sĩ có bằng Mỹ không biết tiếng Mỹ đã phơi bày một bi hài kịch về học vị tiến sĩ ở VN. Nhiều trưởng cơ quan, đảng viên cao cấp đã có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ theo kiểu học cho có lệ tại sở làm để rồi được các đại học VN cấp văn bằng dưới áp lực chính trị, tình cảm hay mua bán.  Chuyện ông tiến sĩ giấy lại phơi bày thêm một khía cạnh đạo đức của xã hội VN. Đã có tờ báo cho là bằng cấp của ông Ân là bằng thật chớ không phải bằng giả bởi không phải do ông ngụy tạo ra. Ông có đến Mỹ trình luận án của ông tựa là «Bảo tồn văn hóa phẩm tỉnh Phú Thọ» qua một thông dịch viên. Đại học Mỹ đã cấp văn bằng tiến sĩ và chỉ có chánh phủ Mỹ mới có quyền hủy bỏ văn bằng. Như vậy, cùng lắm có thể nói bằng tiến sĩ của ông Ân là tiến sĩ dỏm chớ không phải là tiến sĩ giả. Chuyện tranh cải tương tự cũng xảy ra với trường hợp ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó  Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái cũng có bằng tiến sĩ tuy không đi học, không biết tiếng Mỹ, sau 6 tháng nhận trợ cấp của chánh phủ 74 triệu đồng.  Ông Ân cũng cho biết có 10 đồng chí của ông nhận được bằng tiến sĩ của đại học ma nầy.

Nhà văn Võ thị Hảo, hiện sống trong nước đã trả lời như sau trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 6/7/2010:

Xã hội VN hôm nay vô đạo quá. Tôi nghĩ cái căn nguyên của vấn đề  là bởi con người đã giả dối quá lâu. Từ khi bắt đầu tiếp xúc với xã hội, từ đứa bé mẫu giáo trở đi đã phải bắt đầu nói dối rồi, từ những bài hát, từ những câu chào…rồi sau đó bắt chước người lớn cách hành xử…Cái quan trọng nhất là những tấm gương, những quản lý xã hội, những người lãnh đạo cho đến những người thầy, cô giáo…, những người ít ra phải sống đàng hoàng, đáng tin cậy, có đạo nghĩa, nhưng ít có người sống như vậy hôm nay…

Giáo sư Cử nhân dạy sinh viên Cử nhân và đại học hoàn toàn bị chính trị hóa

Từ 1998 đến 2008, nếu số sinh viên đại học tăng lên 13 lần thì số giáo sư chỉ tăng lên 3 lần. Con số chính thức của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về Giáo dục công bố là năm 2008, « trong tổng số 61,190 giảng viên đại học, chỉ có  2,286 có chức danh giáo sư, phó giáo sư (3,8%) , 6 217 tiến sĩ (10%), 22,831 thạc sĩ (37,3%), số còn lại là cử nhân chiếm gần 50%.

Về thực tập các ngành chuyên khoa rất ít. Thí dụ tại Trường Đại học Y-Dược Cần Thơ, trong giờ giải phẩu, mỗi sinh viên được thực hành trên một con ếch và 5 sinh viên thực hành trên một con chó. Nay vì thiếu ngân sách, 10 sinh viên mới có 1 con ếch và 30 sinh viên 1 con chó».

Giáo sư cử nhân dạy sinh viên cử nhân trên phân nửa các đại học, và càng trầm trọng hơn, các trường chuyên nghiệp trung cấp sau khi được nâng cấp thành trường cao đẳng hay đại học, các giáo sư trung cấp cũng nghiểm nhiên thành giáo sư đại học.

Giáo sư không có trình độ, lối giảng dạy theo kiểu thầy đọc trò chép, chương trình giảng dạy không ứng dụng vào đời sống. Thi nhập học và thi tốt nghiệp bằng hối lộ và tham nhũng. Tất cả các tệ hại nầy đã đưa đến hậu quả tất nhiên là «có những sinh viên tốt nghiệp đại học mà vẫn chưa biết tra cứu một quyển sách chuyên đề hay tra tự điển. Những kiến thức sinh viên nhận được đều lấy từ sách vở và do giáo viên cung cấp. Sinh viên không biết tự tìm tòi, nghiên cứu» (Giáo duc đại hoc. www.tgvn.com.vn  16/3/2010)

Ngoài việc giáo sư thiếu khả năng, chương trình giảng dạy phải rập theo đường lối của đảng. Từ mẫu giáo đến đại học, giáo dục hoàn toàn bị chính trị hóa mà việc học tập lý thuyết Cộng Sản và tư tưởng Hồ Chí Minh đứng hàng đầu trong các môn học, ngành học.

Đề thi Tú Tài năm 2010 môn Sử Học là một chứng minh rõ rệt cho bản chất lạc hậu của nền giáo dục bởi lẽ trong 3 câu hỏi thì 2 câu liên hệ đến bác và đảng.

Sau đây là đề thi Tú Tài môn Sử học năm 2010 :

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2010.

Môn thi: Lịch Sử - Giáo dục trung học phổ thông

I. Phần chung cho tất cả các thí sinh (7,0 điểm)

Câu 1. (4,0 điểm)

Trình bày hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong hội nghị trên.

Câu 2. (3,0 điểm)

Vì sao Đảng và Chính phủ ta phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp? Tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19 -12 -1946 đến ngày 17 -2 -1947).

II. Phần riêng – Phần tự chọn (3,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b)

Câu 3.a Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)

Trình bày sự thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc

Câu 3.b Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)

Toàn cầu hóa là gì ? Nêu những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa trong nửa sau thế kỉ XX.

Chương trình học giáo điều cộng sản như trên tiếp diễn ở bậc đại học với một mức độ «cao cấp» hơn. Tất cả sinh viên mọi ngành đều phải học từ 20 đến 30 đơn vị học trình về 5 môn chính trị :

-   Triết học Mác-Lênin

-   Kinh tế chính trị Mác-Lênin

-   Chủ nghĩa xã hội khoa học

-   Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam

-   Tư tưởng Hồ Chí Minh

Mỗi đơn vị học trình gồm 15 tiết (giờ) học lý thuyết, 30-45 giờ thực hành hay thảo luận, 45-60 giờ làm tiểu luận, 45-90 giờ thực tập tại cơ sở. Như vậy, thời gian tối thiểu cho mỗi  đơn vị khoảng 130 giờ, và tổng số giờ học chính trị chiếm hơn 2,000 giờ không kể 165 giờ học quân sự. Nói chung, chương trình huấn luyện chính trị và quân sự chiếm 25% học trình cử nhân khiến nhiều nhà giáo dục chân chính đã lên tiếng phản đối về vấn đề nầy. Nhưng một số đảng viên bảo thủ « cho rằng đó là việc giáo dục yêu nước, như một đại biểu đã phát biểu tại Quốc hội vào ngày 7/11/2006» (Truyền Thông, số 22&23, tr. 114).

Báo cáo của Đại học Harvard nói rõ hơn về hậu quả của chuyện dạy chính trị tuyên truyền trong đại học VN :

«… Surveys conducted by government-linked associations have found that as many as 50 percent of Vietnamese university graduates are unable to find jobs in their area of specialization…With up to 25% of undergraduate curricula devoted to required coursework laden with political indoctrination, it is little wonder that Vietnamese students are ill-prepared for either professional life or graduate study abroad…

Có thể lấy thí dụ trường hợp hảng Intel tìm kiếm kỹ sư VN khi hảng thiết lập tại Tp. HCM là điển hình. Với 2000 ứng viên, chỉ có 90 người đạt được tiêu chuẩn (5%) và sau cùng trong số nầy chỉ có 40 người có trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu tuyển dụng. Intel xác nhận rằng đây là kết quả tồi tệ nhất trong số các nước mà họ đầu tư» (Harvard Kennedy School. Memorandum Higher Education Task Force, November 2008, p.2).

Giáo dục đại học VN tụt hậu.

Các nhà đầu tư cho rằng việc thiếu các chuyên viên kỹ thuật và quản trị có khả năng là một trở ngại lớn trong công cuộc kỹ nghệ hóa quốc gia.

Về phương diện nghiên cứu và sáng tạo, đại học VN vẫn còn ấu trỉ trong công tác giảng dạy thực nghiệm, bởi phương pháp thầy đọc trò chép, thiếu tài liệu nghiên cứu, thiếu phòng thí nghiệm. Do đó các văn bằng tiến sĩ do đại học VN sản xuất từ 35 năm nay chủ yếu là các khoa nhân văn, chính trị, điều khiển bởi các giáo sư nay đã già nua, tốt nghiệp từ các đại học Liên Sô và Đông Âu, thiếu tiếp cận và cập nhật hóa kiến thức  mới.

Vì nhu cầu sỉ số, vì phe nhóm, các tân tiến sĩ đa số không có khả năng sáng tạo, nên VN hoàn toàn vắng bóng trong lãnh vực nghiên cứu và sáng chế. Thực là một mối nhục lớn khi các quốc gia như Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, là các quốc gia sánh vai với VNCH trước 1975, thì nay lại vượt qua VN Cộng Sản quá xa.

Một vài thí dụ được bản báo cáo của Đại Hoc Harvard trích dẫn.

Bảng 1. Bài viết được đăng trong các tạp chí khoa học 2007

Đại Học Quốc gia Số bài viết
Seoul National University Hàn Quốc 5 060
National University of Singapore Singapore 3 598
Peking University Trung Quốc 3 219
Fudan University Trung Quốc 2 343
Mahidol University Thái Lan 950
Chulalongkorn University Thái Lan 822
University of Malaya Mã Lai 504
University of Philippines Phi Luật Tân 220

Vietnam National University

(Hanoi & HochiMinh City)

Vietnam 52

Vietnam Academy of Science

&Technology

Vietnam 44

(Nguồn : Science Citation Index Expanded. Thomas Reuters)

Bảng 2. Các quốc gia Á Châu có số đại học xếp hạng hàng đầu trong 200 đại học năm 2010.

Quốc gia Số ĐH Tên Đại Học có hạng cao nhất
Nhật Bản 6 Tokyo U : 5è ; Osaka U : 7è
Hàn Quốc 2 Seoul U : 6è ; KAIST : 7è
Trung Quốc 0 Beijing U: 12è ; Tsinghua U: 16è
Đài Loan 7 Taiwan U: 21è ; Cheng Kung U: 31è
Ấn Độ 2 Institute of Technology Bombay : 34è
Hong Kong Hong Kong U: 1er, HKU of Tech: 2è
Indonesia Gadjah Mada U : 85
Thái Lan Chiang Mai U : 79è
Malaysia Universiti Malaya: 42è
Philippines Atento de Manila U : 58è
Singapore National U of Singapore : 2è
Tổng cộng 00

 Hồng Kông và Singapore tuy ít có số đại học trong bảng xếp hạng, nhưng lại có những đại học đứng hàng đầu : Hai đaị học của Hồng Kông đứng hạng nhất và nhì, đại học Singapore đứng hạng 3. Nhật bản là quốc gia có nhiều nhất đại học nổi tiếng (56 trường) ở Tokyo, Osaka, Kyoto, Tohuku, Nagoya.

Các bảng thống kê quốc tế trên cho thấy, chỉ với các quốc gia châu Á mà thôi, VN thực sự lạc hậu về việc đào tạo khoa học kỹ thuật. Trong bảng xếp hạng các đại học Á Châu năm 2010, trong số 200 trường hàng đầu, không thấy có trường đại học nào của VN.

Bảng 3. Số bằng sáng chế được cấp năm 2006.

Hàn Quốc : 102 633;  Trung Quốc :  26 292; Singapore : 995; Thái Lan : 158;  Mã Lai : 147;  Phi Luật Tân : 76; Việt Nam  : 0     (Nguồn : World Intellectual Property Organization , 2008).

Lãnh đạo bất tài và khoác lác

GS Hoàng Tụy, nhà toán học số một của VN, đã góp phần vào việc nghiên cứu thuyết Tối ưu toàn cục (Global optimization), được nhiều đại học quốc tế mời làm giám khảo trong các kỳ thi tiến sĩ về Toán, được huy chương Hồ Chí Minh, trong bài tham luận đăng trên báo Tia Sáng online ngày 5 tháng 10 năm 2009 tựa là Giáo dục : xin cho tôi nói thẳng đã thẳng thắn chỉ trích giới lãnh đạo giáo dục bất tài. Không dám đụng tới nhà giáo dục lớn được đất nước nể trọng, chính phủ quay ra đóng cửa báo Tia Sáng.

Sau đây là những đoạn văn làm chết tờ báo :

«Sự sa sút của giáo dục có nguyên nhân khách quan : do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức của người dân lạc hậu, do phụ huynh cũng là đồng tác giả của nhiều sai lầm yếu kém của giáo dục. Đương nhiên tất cả những nguyên nhân nầy đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới”.

Giáo dục đại học cao đẳng có nhiều chuyện ly kỳ : khắp nước, kể cả đại học quốc gia, tràn lan và bát nháo «đào tạo liên kết», môn học một học kỳ chỉ cần 3-4 ngày xong hết cả học lẫn thi, nên ai cũng học được, trường trung cấp cũng đào tạo thạc sĩ là chuyện hi hữu trên thế giới. Chẳng lạ gì trong vài năm đã xuất hiện hàng mấy trăm đại học mới, lại sắp có cả Văn Miếu hiện đại xây dựng trên 25 ha đất cho đủ chỗ vinh danh hết tiến sĩ thời nay. Lạ nhất là đề án tiến sĩ hóa, thạc sĩ hóa 100% cán bộ công chức của thủ đô để «đột phá tư duy lãnh đạo” (may mà kế hoạch nầy đã tạm rút lại sau khi bị phản đối kịch liệt).Cái não trạng sính bằng cấp và thói hư học thâm căn cố đế bị lợi dụng triệt để, biến kinh doanh chữ nghĩa thành một nghề phát đạt chưa từng thấy, trường tư được tự do chạy theo lợi nhuận, bất kể chất lượng nào chỉ cần trưng biển đại học quốc tế, tha hồ đặt ra những khoảng thu kỳ dị bóc lột người học…

Bài nhận định trên là một cáo trạng hùng hồn về sự bất tài của lãnh đạo giáo dục VN.

Vô trách nhiệm, đổ lỗi cho kẻ khác, phô trương, là những bản chất căn bản của sự bất tài và là những bản chất điển hình của giới lãnh đạo Cộng Sản. Ba năm trước đây, khi nhận chức Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ trích những người tiền nhiệm và hứa hẹn hàng trăm dự án cải tổ. Tốt nghiệp tiến sĩ từ Đông Đức, với những quan niệm giáo điều thời bao cấp, tự cao vì có nhiều quyền lực trong đảng, ông Nhân đã gạt bỏ mọi đề nghị hợp tình hợp lý của các nhà giáo dục cấp tiến. Triều đại của Tổng trưởng Nhân là triều đại của những dự án dang dở, thất bại và những khẩu hiệu phô trương . Xin đan cử vài khẩu hiệu vang dội một thời làm giới giáo dục điên đảo.

- Hai không : nói không với tiêu cực trong thi cử, nói không với bịnh chạy theo thành tích.

- Ba công khai : công khai điều kiện đào tạo, công khai nguồn lực, công khai tài chính thu chi.

- Bốn kiểm tra : kiểm tra ngân sách địa phương chi cho giáo dục, kiểm tra sử dụng nguồn học phí, kiểm tra tiến độ kiên cố hóa trường lớp, kiểm tra xây dựng nhà công cụ cho giáo viên.

- Năm quy luật chi phối hệ thống giáo dục...

Trang giấy có hạn, chúng tôi không thế nào kê khai hết những tuyên ngôn, khẩu hiệu sưu tầm được nên phải dừng ở khẩu hiệu năm để nhảy qua khẩu hiệu mới nhất «12 nhóm giải pháp và 60 nhiệm vụ» khi ông Phó Thủ Tướng được mời  ra điều trần ở Quốc Hội sau khi bị mất chức  Bộ Trưởng Giáo Dục. Những khẩu hiệu mà ông đề ra là những dự án mà ông không thực hiện được và khi bị Quốc Hội chất vấn, ông vắn tắt trả lời là các nhà  lãnh đạo chính trị và giáo dục từ 1975  phải chia sẻ  trách nhiệm với ông. Tuy vậy, ông vẫn sáng giá và có thể thay ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Đúng như Ông Hoàng Tụy đã ví von mai mỉa : «có người khen Bộ Giáo Dục trơ như đá, vững như đồng» , chế độ Cộng Sản hôm nay mang bản chất của một tổ chức mafia, trong đó quyền lực và quyền lợi cá nhân và bè đảng là cứu cánh, và sau nửa thế kỷ cầm quyền, hồng vẫn hơn chuyên.

Bản chất vô trách nhiệm của chánh phủ đã đẻ ra chánh sách «dạy thêm -học thêm», làm xuống cấp phẩm chất giáo dục và nhân phẩm của nhà giáo. Ai cũng biết là trong các ngành nghề, dạy học là nghề không thể có tham nhũng bởi lẽ không có gì để tham nhũng và thiên chức của nhà giáo, để được học trò tin tưởng và kính trọng, nhà giáo phải có một cung cách để làm gương. Nhưng từ sau 1975, Cộng Sản đã nhuộm đen nhà giáo, và tham nhũng trong giáo dục cũng là chuyện tất nhiên như bao ngành nghề khác.

Chuyện nhà giáo xuống cấp bắt đầu với chuyện cô giáo, thầy giáo phải bán cái bánh cây kẹo cho học trò của mình vào những năm đầu khi đất nước được «thống nhứt» sự nghèo đói. Một số giáo chức, để tránh nhục nhã, kêu gọi học sinh của mình về nhà dạy thêm lén lút để phụ huynh cho chút quà bánh, phụ thêm vào số lương chết đói để cầm hơi. Từ việc dạy lén lút học sinh tiểu học, trung học lúc ban đầu, việc dạy thêm và học thêm đã dần dần trở thành công khai và bành trướng lên cả đại học.Việc cũng dễ hiểu thôi, một giảng viên đại học lảnh lương trung bình tương đương với 150 mỹ kim, chỉ vừa đủ nuôi thân, phải dùng mồ hôi nước mắt để dạy thêm hầu nuôi sống gia đình.

Lương ít, dạy nhiều, giáo sư làm sao có thời giờ nghiên cứu, kể cả các bài giảng từ năm nầy sang năm khác vẫn không thay đổi  Cái vô trách nhiệm của chánh phủ là dù biết đời sống kinh tế của giáo chức khó khăn mà không có giải pháp để chuyện dạy thêm - học thêm trở thành như một quốc sách, biến tất cả trường học trong nước, từ tiểu học đến đại học thành trường tư thục, mặc nhiên bắt nhân dân phụ giúp lương cho giáo chức.

Khi lương ít thì lậu nhiều, khi thượng bất chính thì hạ tắc loạn, trường học tha hồ mở ra các kỳ thi để «kiểm tra, sát hạch » học sinh. Giáo chức dạy ở trường công một phần, và giành một phần để dạy tư, dạy các bài «tủ», là dịp cho các thầy cô cạnh tranh nhau, bán đề thi, sửa điểm thi, kể cả việc làm bài thi cho học sinh trong các kỳ thi nhập học, tốt nghiệp, làm luận án, thi tuyển học bổng…Chánh sách dạy thêm - học thêm đã làm băng hoại đạo đức hàng ngũ giáo chức, tạo thêm phân cách trí tuệ giữa người giàu và kẻ nghèo, bởi lẽ người nghèo đã quá chật vật đóng học phí cho chính phủ thì tiền đâu đóng học phí để học thêm, lo lót cho giáo sư trong các kỳ thi, và cuối cùng đành phải bỏ học. Đó là thành tích của chế độ ưu việt đỉnh cao trí tuệ.

Khoác lác là một bản chất khác của chế độ Cộng Sản mà dự án đào tạo 23,000 tiến sĩ trong 10 năm (2010-2020), xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, một trường vào top 200 thế giới…là những dự án chứng tỏ sự khoác lác cùng cực của những nhà lãnh đạo giáo dục và ngoài giáo dục Cộng Sản.

Thử bàn qua về dự án 23,000 tiến sĩ trong 10 năm. 

Theo dự án, chính phủ sẽ đào tạo 23 000 tiến sĩ với kinh phí là 778 triệu mỹ kim, 10 000 đào tạo trong nước, 10 000 đào tạo ở ngoài nước và 3000 với kinh phí hợp tác giữa đại học VN và ngoại quốc. Chỉ cần có một tối thiểu kiến thức đại học thì thấy ngay là dự án bất khả thi.

Trước tiên là thời gian đào tạo. Thông thường thời gian tối thiểu để đào tạo một người có cử nhân đề đỗ tiến sĩ là 4 năm. Nếu chương trình thực sự bắt đầu năm 2010 thì năm 2014 mới có nhóm tiến sĩ đầu tiên, và như vậy  trong 6 năm từ 2014 đến 2020, mỗi năm phải có 3,800 ứng viên học trình tiến sĩ. Thông thường, tỷ lệ cử nhân đi học tiến sĩ độ 1 - 2%, nghĩa là mỗi năm VN phải cung cấp từ 200,000 đến 380,000 cử nhân để sàng lọc được số ứng viên cần thiết. Muốn như vậy, đại học VN phải  phát văn bằng cử nhân giấy lộn để có đủ số ứng viên như trên. Ngoài ra còn phải kể đến trình độ kiến thức và ngoại ngữ của cử nhân VN hôm nay, làm sao có thể tiếp tục bậc hậu đại học ở ngoại quốc được?

Đối với 10,000 tiến sĩ đào tạo trong nước, ai sẽ là giáo sư giảng dạy. Theo thống kê của nhà nước, VN hiện nay có 6,217 tiến sĩ trong đó chỉ có 10% tốt nghiệp ở ngoại quốc. Ngoài ra, 70% tiến sĩ VN làm công chức, như vậy chỉ có 30% tức khoảng 2,000 tiến sĩ đang làm công việc giảng dạy. (RFA,22/6/2010)

Trình độ kiến thức của các giáo sư tiến sĩ VN cũng đáng nghi ngờ. Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội ngày 7/11/2006, đại biểu Huỳnh thị Hường, tỉnh Quảng Nam đã phát biểu như sau :

Về vấn đề đào tạo tại chức trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, theo nghiên cứu mới đây cho thấy, có gần 90% tiến sĩ không đủ trình độ áp dụng vào cuộc sống. Một số công trình khoa học chỉ là vòng khép kín từ thư viện đến thư viện và học vị của một số vị, kể cả trong ngành giáo dục chỉ là để giữ ghế. Hiện có nguy cơ đáng báo động là đội ngũ kế cận những giáo sư, tiến sĩ trong ngành giáo dục ở tuổi 70 chưa có người thay . . .”

Về chuyện giáo sư lão niên,  GS Đỗ Trần Cát, Tổng Thư Ký Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước đã phát biểu :

“Đến thời điểm nầy, có khoảng 80% GS Việt Nam có tuổi trên 60, chỉ có khoảng 20% ở độ tuổi dưới 60. So với thế giới, tuổi giáo sư VN là quá già” (Truyền Thông 22&23, tr. 102)

Về chi phí, thông thường mỗi năm học ở ngoại quốc, sinh viên cần khoảng 30,000 mỹ kim, như vậy để hoàn tất học trình tiến sĩ, mỗi sinh viên cần độ 120,000 mỹ kim. Với 10,000 tiến sĩ, chi phí sẽ là 1,2 tỷ MK, không kể chi phí cần thiết cho 10,000 tiến sĩ đào tạo trong nước. Dựa trên căn bản nào, dự án ấn định kinh phí 778 triệu MK chưa kể lạm phát.

Trong trạng huống như vậy, dự án đào tạo 23,000 tiến sĩ trong 10 năm là chuyện hoang tưởng nếu không nói là khoác lác.

Dự án tiến sĩ hóa hàng ngủ cán bộ ở thủ đô trước đây đã tạo nên sự chế riểu của người dân nên chính phủ phải tạm ngưng. Dự án 23,000 tiến sĩ và các dự án bước nhảy vọt đại học đang được các nhà lãnh đạo thường xuyên nhắc đến như niềm tự hào của dân tộc. Cho đến bao giờ người dân VN mới thoát được sự khoác lác và lừa dối của người Cộng Sản ?

Kết luận

Khi nghiên cứu về một vấn đề, sự liêm chính đòi hỏi người nghiên cứu phải nhìn vấn đề qua cái tốt và cái xấu, ưu và khuyết điểm. Đọc nhiều tài liệu về giáo dục và đại học VN, người viết chỉ toàn thấy những lời chỉ trích, nếu không phải là những tuyên ngôn, tuyên truyền của chính phủ.

Bài viết không đi sâu vào từng chi tiết của sự việc bởi giới hạn số trang viết, và bởi càng tìm hiểu, càng thấy đau đớn phũ phàng cho một quốc gia có 85 triệu dân, chỉ trong 35 năm, dưới sự cai trị của những người độc tài và bất tài đã đẩy nền giáo dục đến tình trạng lạc hậu và đưa xã hội tiến dần đến chỗ mất đạo đức, nếu không muốn nói là đã mất đạo đức.

Để kết luận, không gì tốt hơn là nhờ lời “nói thẳng” của giáo sư Hoàng Tuỵ, nhà giáo  được trong nước và thế giới kính nể về tài năng và tấm lòng đối với nền giáo dục .

“… Không nói chi nhiều, tôi chỉ xin nêu hai việc. Một là cách dạy chính trị cổ lỗ, vô bổ, có tính chất kinh kệ tôn giáo, chứ không phải nhằm phát triển tư duy khoa học, mà lại chiếm nhiều thời gian chỉ để cung cấp cho học sinh một cách nhìn xơ cứng về thế giới, thay vì như lý thuyết đề ra, một vũ khí cải tạo để xây dựng xã hội. Hai là, trong khi cuộc cạnh tranh và hội nhập ở thời đại kinh tế trí thức đòi hỏi nhiều đức tính và năng lực, trước hết là tính trung thực và năng lực sáng tạo, hai cái mà xã hội ta đang thiếu nghiêm trọng, thì, trong nhà trường, gian lận dưới mọi hình thức, và thói lười biếng suy nghĩ, đầu óc bắt chước, sao chép, học vẹt, nô lệ tư duy, lại phát triển mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử giáo dục của ta. Nói một đàng, làm một nẻo, học tách rời với hành, chuộng hình thức, hư danh, chạy theo các loại nhãn mác rởm, không còn thói xấu nào không bị lên án, thế nhưng thực tế thì lại khác, và buồn thay, gương xấu nhan nhản không chỉ ở chốn học đường, mà ngay trong giới cầm cân nẩy mực về giáo dục và khoa học.

Và ông kết luận :

Những đổi mới trong các đề án công tác của ngành giáo dục, giỏi lắm cũng cho ta một nền giáo dục tốt theo chuẩn mực… nửa thế kỷ 20, chứ không thể biến nó thành một nền giáo dục hiện đại ở thế kỷ 21. Cứ xem bản chiến lược giáo dục 2009-2020 thì rõ : ví thử chiến lược nầy được thực hiện đầy đủ, điều khó có thể, thì đến năm 2020, VN cũng chỉ có một nền giáo dục kiều 1950, lạc hậu, còn xa mới hòa nhập được vào nền văn minh thời đại.”

Nhà văn Trần Mạnh Hảo, tác giả tiểu thuyết “Ly Thân” đã can đảm chỉ trích chế độ từ thập niên 80, trong bài tham luận Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước đọc trước Đại hội nhà văn lần thứ VIII vừa được tổ chức tại Đà Lạt  ngày 12 tháng 7 năm 2010 đã  nhận định:

“….Nền giáo dục Việt Nam hôm nay là một nền giáo dục thiếu trung thực, đúng như ý kiến của ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã công nhận. Đạo đức trong giáo dục Việt Nam hôm nay đồng nghĩa với dối trá: thầy dối trá thầy, trò dối trá trò, quản lý giáo dục báo cáo láo cốt lấy thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bán tước đang là đại họa của nền giáo dục. Hầu hết sách giáo trình, sách giáo khoa… là sách đạo văn. Cán bộ có chức quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ… lấy bằng thật nhưng học giả. Nạn dùng tiền mua bằng cấp, mua học hàm học vị đang diễn ra công khai trong cái chợ trời giáo dục Việt Nam. Việc Hà Nội vừa qua đưa chỉ tiêu “xóa mù tiến sĩ” cho cán bộ công nhân viên nhà nước đã nói lên học vị tiến sĩ chẳng còn giá trị gì cả. Có lẽ trong vài năm tới, sau việc Bộ Giáo dục ra chỉ tiêu đào tạo thêm 23,000 tiến sĩ, sẽ dẫn tới chiến dịch xóa mù tiến sĩ trên phạm vi toàn dân. Nhiều ông cán bộ cấp cao có học vị tiến sĩ nhưng chưa có bằng tốt nghiệp đại học, thậm chí có vị chưa có bằng tốt nghiệp cấp 2 vẫn lấy được học vị tiến sĩ. Việc chính trị hóa môn văn, môn lịch sử, môn triết học, chính trị hóa nền giáo dục đã tạo cơ sở cho sự dối trá làm bá chủ đất nước. Giáo dục như thế sao có thể đào tạo ra những công dân chân chính?”

Và ông kết luận: “Chính trị hóa giáo dục chỉ đẻ ra những chiến binh đánh bom tự sát, chứ không đẻ ra những công dân xây dựng tương lai.”

Ông Aziz Nesin, văn hào Thổ Nhĩ Kỳ, đoạt nhiều giải thưởng văn chương quốc tế, cũng gởi bài tham luận đến đại hội với lời lẽ nhạo báng thật là nhục nhã cho đất nước :

«…Các bạn đã rút ngắn được đáng kể con đường dẫn đến kho tàng tri thức loài người. Nước Mỹ luôn tự hào là một trong những cường quốc trên thế giới, có những trường đại học hàng đầu như Havard, MIT… nhưng họ vẫn phải mất từ 7 đến 10 năm mới đào tạo xong một tiến sĩ. Tiến sĩ của Việt Nam không cần biết tiếng Anh, bảo vệ thành công luận án trong vòng sáu tháng.

Nếu chỉ số hạnh phúc của Liên Hiệp quốc lấy tiêu chí hài hước làm trọng thì Việt Nam sẽ đứng trong “top ten” các dân tộc hạnh phúc trên thế giới. Chỉ có ở đất nước của các bạn, “thế giới ngày mai” mới đeo cặp đu dây qua sông tới lớp. “Vì lợi ích mười năm trồng cây”, các bé gái tuổi vị thành niên thành món quà của thầy hiệu trưởng gửi tới cho bạn bè trên tỉnh. “Tiên học lễ”, nữ sinh lột quần áo nhau quay phim đưa lên youtube. Cô giáo túm vào chỗ kín của học sinh nam. Trò hư phải thay nhau liếm ghế. “Hậu học văn”, quay cóp được nâng lên thành nghệ thuật. Thầy ra bài, thầy thu tiền, thầy cho đáp án trước ngày thi. Trò thuê người học thay, thuê người viết luận văn, bằng giả bày như rau dưa ngoài chợ.

Chỉ có ở đất nước của các bạn, cảnh sát gọi người vi phạm giao thông vào góc đường làm luật. Cò kè cưa đôi. Người anh hùng bỗng chốc trở thành tội phạm vì mấy chục triệu quỹ đen. Kẻ tham nhũng tiền tỷ tỷ được xem xét vì có thân nhân tốt. Chưa tranh tụng trước tòa đã biết bao nhiêu năm nằm khám. Tử tù sinh con trong phòng biệt giam.

Chỉ có ở đất nước của các bạn, bê tông mới được đúc bằng cốt tre. Cầu vượt đang xây dầm đã lao xuống đất. Hầm đường bộ thành sông trong thành phố. Đường chưa bàn giao đã sụt, lún, chân chim.

Chỉ có ở đất nước các bạn, mới có thủ tướng chân tình “ba năm qua tôi chẳng kỷ luật ai”. Các nghị sĩ hồn nhiên đồng thuận.

Chỉ có ở đất nước các bạn, người viết bằng mọi giá chen chân vào Hội Nhà văn. Một phần ba số hội viên muốn được làm lãnh đạo. Đại hội không bàn chuyện văn chương, chỉ lo bầu bán. Ai cần Hội Nhà văn? Hội Nhà văn cần ai?”

Và ông mỉa mai kết luận:

“Vẫn biết Đại Hội mới bắt đầu, nhưng chắc chắn sẽ thành công rực rỡ. Chúc các bạn có một Ban chấp hành mới, hoạt động không cần tiền thuế của dân. Chúc các bạn có nhiều tác phẩm đoạt giải Nobel, tất cả nhà văn sống được bằng ngòi bút.” (Lê Thị Thanh Chung dịch, phổ biến trên net ngày 8/8/2010).

Mỗi ngày, đọc tin trong nước và ngoài nước, người VN ưu tư với thời cuộc không khỏi bi phẩn trước sự xuống cấp trầm trọng về giáo dục và đạo đức xã hội của Việt Nam. Làm sao mà đất nước khá lên được khi người lãnh đạo quốc gia, ông Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ học đi làm du kích từ lúc 12 tuổi (nhưng trong lý lịch khai là có Cử Nhân Luật), sau  làm bí thư huyện kiêm trưởng ban công an huyện Hà Tiên (1980-1986) đặc trách chỉ huy buôn lậu ở cửa biển Hà Tiên để làm kinh tài cho đảng và cho mình, được cha đỡ đầu Lê Đức Anh đưa lên làm Thứ Trưởng Bộ Công An rồi Thống đốc ngân hàng và khi nhậm chức thủ tướng đã hùng dũng tuyên bố :«Tôi kiên quyết chống tham nhũng, nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay». Vừa dốt vừa láo khoét, Dũng và đồng bọn hiện nay là những tay tham nhũng nhất nước.

Làm sao mà dân VN có thể tin được người Cộng Sản khi ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố không biết ngượng : “Mình vừa động viên ông Obama, mình muốn phân hóa cái nội bộ của ổng…” (nói chuyện với« kiều bào» thân Cộng về nước đến vái lạy chủ tịch năm 2009)

Độc tài, ngu dốt, lừa dối và tham nhũng đã làm cho đất nước VN suy đồi mà giáo dục là căn bản của một dân tộc. Đảng Cộng Sản VN phải trả lời trước lịch sử trọng tội nầy.

Thư mục chính yếu

-  Nguyễn Đức Tuyên. Một cái nhìn về giáo dục đại học VN.

-  Montréal : Truyền Thông , no.22 & 23, 2007.

- Harvard Kennedy School. ASH Institute. Vietnamese higher education: crisis and response/Thomas J. Valley & Ben Wilkinson,  November 2008.

-  Hoàng Tụy. Giáo dục : Xin cho tôi nói thẳng. (trang mạng của Hoàng Tụy)

-  Nghiêm Văn Thạch. Đảng CSVN trong tình trạng hiểm nghèo/Phong trào Dân Chủ Đa Nguyên

-  Đại học VN. www.vi.wikepedia.org

-  Các trang mạng  với chủ đề về giáo dục VN, đại học VN. 

 * * *

Giáo Dục Bi Hài

Trần Khải.


          Tôi vẫn luôn luôn thắc mắc, nền giáo dục phổ thông mà không thực sự phổ thông rồi sẽ dẫn đất nước tới đâu.  Tình hình giáó dục bậc tiểu học ở đâu cũng phải trả tiền, trung học ở đâu cũng phải trả tiền quả nhiên là chuyện di hại cho nhiều thế hệ về sau.

Nền giáo dục bậc trung học được miễn phí đã qua rồi. Đó là chuyện của Việt Nam Cộng Hòa thời trước 1975. Tôi và nhiều người cùng thế hệ may mắn ở Miền Nam, được học miễn phí bậc tiểu học, miễn phí bậc trung học, và miễn phí cả bậc đạị học -- nhiều trường như Đaị Học Luật, Đạị Học Văn Khoa và cả Đạị Học Khoa Học lúc đó chỉ lấy lệ phí nhẹ, và tiền sách giáo khoa mua theo lời từng vị thầy.  Tất nhiên, chỉ trừ các trường tư (cả 3 bậc), và phía các đạị học tư mà tôi quan sát được, và có nhiều bạn thân theo học, như Đạị Học Vạn Hạnh của Phật Giáo, Đại Học Minh Đức của Công Giáo... nhưng học phí không thể là chuyện cắt cổ so với đời sống như hiện nay (nếu so với lương công nhân).

Không lẽ chính phủ không thể tăng thêm ngân sách cho giáo dục? Có phải chi phí cho guồng máy công an nhiều tới nỗi không thể chia bớt sang cho quý thầy cô? Không lẽ cứ để cho những vụ Vinashin đốt hàng tỷ đô la và rồi bán công khố phiếu hàng trăm triệu đô để cho lò đốt tiền này trả nợ?

http://sucvathochiminh.wordpress.com/sucvathochiminh/attachment/0084/" target="_blank">

Tại sao nước mình tới chỗ thế này? Có thêm 10 Ngô Bảo Châu với 10 giải thưởng nữa mà lại để cho nhiều triệu trẻ em thất học có phải là phi lý không?

           Một bản tin hôm Thứ Hai 20-9-2010 của thông tấn VietnamNet có nhan đề gây chú ý “Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc: 'Tham nhũng giáo dục nổi cộm ở Việt Nam'...”
           Trong trí nhớ của tôi, suốt cả thời đi học, tôi hoàn toàn không nhớ, và không nghe gì về chuyện “tham nhũng giáo dục.” Tại sao thời naỳ lại có? Trong những người đi dạy đó, tôi tin hầu hết là có tâm huyết, cũng biết đau lòng với những đói nghèo của đồng bào và học sinh... Xã hội mà tới chỗ người giáo viên phaỉ tham nhũng thì thật chưa từng nghe nói trong lịch sử dân tộc, nơi vị trí của người thầy là tương đương với cha mẹ.

Bản tin VietnamNet viết, trích:

“..."Nếu chỉ nhìn vào con số chung, dễ có cảm giác cả nước hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong khi thực tế có những vùng, miền có kết quả đi chậm hơn các vùng khác. Thách thức đạt MDG không chỉ nhìn vào số liệu quốc gia ở mức độ nào mà phải nhìn vào kết quả cụ thể của từng vùng, miền, địa phương" - ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ phát biểu.”

Tham nhũng trong giáo dục là thách thức mà ông John Hendra lưu tâm.

Ông nói tham nhũng trong lĩnh vực này đã trở nên nổi cộm. Việc phổ cập giáo dục phải đảm bảo người nghèo không bị gạt ra ngoài lề.

"Chính sách miễn giảm chi phí chính thức học phí sẽ không có ý nghĩa nếu như người dân vẫn phải dùng tiền túi cho các khoản chi phí không chính thức khác cho việc học của con em", ông nói...”(hết trích).

Trong khi đó, một khía cạnh bi hài đặc biệt là chuyện xảy ra ở quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh: chính quyền không chịu xây trường, bèn yêu cầu thầy cô đứng tên vay nợ ngân hàng để xây trường, và rồi chính quyền trong trả tiền nợ... thế là các thầy cô bị ngân hàng níu áo đòi nợ.

Có thời nào như thế không, khi chính quyền không chịu xây trường, mà phải buộc thầy cô vay nợ ngân hàng để xây trường?

Bản tin đăng trên thông tấn Tamnhin.net có nhan đề “Bi hài chuyện giáo viên vay tiền cho xã... xây trường” đã kể, trích:

“Hàng chục giáo viên trường THCS Liên Hương, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) đã trở thành những con nợ không có khả năng thanh toán của ngân hàng sau khi đứng ra vay tiền cho xã xây trường học.

http://sucvathochiminh.wordpress.com/sucvathochiminh/attachment/0086/" target="_blank">
           Sống dở chết dở vì ngân hàng đòi nợ.

Trong những năm 2003 đến 2005, Ban giám hiện trường THCS Hương Liên cùng UBND xã Đức Hương đã đứng ra vận động các giáo viên đang công tác tại trường đứng tên vay tiền ngân hàng để xây dựng cơ sở vật chất cho trường.

Mặc dù, hoàn cảnh rất khó khăn, đồng lương ít ỏi nhưng khi thấy UBND xã cam kết là sẽ đứng ra trả tiền gốc và lãi, nhiều giáo viên đã đứng ra vay cho xã hàng trăm triệu đồng.

Thế nhưng kể từ đó đến nay đã hơn 5 năm trôi qua, ngôi trường THCS Hương Liên đã được xây mới, nhiều hạng mục khác cũng nâng cấp khang trang nhưng Ban giám hiệu và UBND xã thì lại "quên" mất những điều đã cam kết với những giáo viên nghèo đầy tinh thần trách nhiệm.

Thầy Nguyễn Viết Hưng cho biết: "Năm 2005 tôi có đứng tên ra vay 12 triệu đồng với mục đích là mua xe máy. Nhưng thực chất là vay cho trường xây dựng cơ sở vật chất.

Hiện nay tôi đã chuyển về dạy tại huyện Đức Thọ được một năm nhưng số nợ của tôi ở Ngân hàng Nông nghiệp Vũ Quang thì xã và nhà trường vẫn chưa giải quyết xong. Và hàng tháng giấy nợ vẫn cứ gửi về đều đều yêu cầu tôi phải thanh toán số tiền đã vay trước đây".

Bi đát hơn là thầy Trương Bá Năng, là giáo viên có năng lực, có tâm huyết thầy đã đứng ra vay tới 16 triệu đồng từ năm 2003 nhưng đến nay nhưng xã mới chỉ trả được 3 triệu đồng....”(hết trích).

http://sucvathochiminh.wordpress.com/sucvathochiminh/attachment/0087/" target="_blank">

Tại sao như thế? Tại sao chính quyền không muốn xây trường cho con em? Có phải muốn con em mù chữ? Có phải vì đây là quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, nơi “nhiệt tình cách mạng” sôi sục, cho nên chính phủ cố ý gài cho dân chúng phải nhiều thế hệ thất học để đừng bao giờ ngóc đầu dậy?

Nhưng giaó dục VN sẽ dẫn tới đâu, ngay cả đối với các em sinh viên may mắn có cơ hội theo đuổi?

Bài viết trên mạng Boxitvn.net của Vũ Cao Đàm, nhan đề “Tản mạn về những vấn đề trong hệ thống giáo dục Việt Nam: Một hệ thống đào tạo thiếu cả THỢ, thiếu cả THẦY” đã mô tả hình ảnh bi thảm, trích:

“...Một lần tôi cùng đi tham dự một hội thảo ở Châu Âu với một vị Hiệu trưởng đại học. Sau khi công việc ở hội thảo đã xong, chúng tôi đến làm việc với một vài trường đại học theo hẹn sẵn từ trong nước. Khi ngồi ăn trưa trong nhà ăn của nhà trường, chúng tôi ngẫu nhiên được gặp vài sinh viên Việt Nam từ Hà Nội qua, tiếp tục theo học ở trường này.

Trong câu chuyện rất thân mật với các bạn sinh viên, tôi hỏi: “Các bạn đến học ở trường này thấy điều gì khác nổi bật so với các trường đã học ở trong nước?” Chúng tôi được nghe một câu trả lời đầy ấn tượng: “Thưa hai thầy, ở đây dạy chúng em làm NGƯỜI, còn ở nhà dạy chúng em làm những con RÔBỐT”.

Chúng tôi quay sang hỏi một nữ sinh viên, cũng đã học xong năm thứ nhất ở một trường đại học trong nước, xin được học bổng sang tiếp tục theo học ở Châu Âu. Tôi hỏi: “Bạn đã học qua năm thứ nhất ở trong nước, nay qua đây bạn cảm nhận thế nào về kết quả học tập trong suốt năm đầu ở trong nước?”. Câu trả lời bộc bệch: “Thưa hai thầy, cái năm học ở trong nước em chẳng học được cái gì ạ!” Tôi hỏi: “Nghĩa là nó vô tích sự phải không?”. Câu trả lời: “Em không dám nói như vậy, nhưng đúng là như vậy đấy ạ!” Tôi hỏi tiếp: “Bạn nghĩ thế nào về các môn đã học trong năm thứ nhất, chẳng hạn, triết học, ngoại ngữ,… không dùng được gì sao?” Câu trả lời: “Đúng thế ạ. Triết học thì không dùng làm gì, còn Ngoại ngữ thì học lại từ a.b.c như hồi học trung học”. Tôi hỏi tiếp: “Các thầy Triết học dạy sinh viên tư duy cho đúng quy luật chứ sao lại vô tích sự?”. Trả lời: “Nhưng thưa thầy tư duy theo kiểu vòng vèo nguỵ biện ạ”. Khi tôi yêu cầu nêu ví dụ thì sinh viên nói không cần suy nghĩ: “Khi thắng lợi thì nói ta vĩ đại, khi thất bại thì nói là khó khăn nhất thời, khi hỏi vì sao nhất thời thì nói là thời kỳ quá độ, khi nỏi vì sao quá độ dài thế, thì nói ta đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ, vân vân và vân vân, nghĩa là mọi cái sai đều có thể nguỵ biện thành đúng”...(...)

Trở lại câu chuyện chúng tôi gặp sinh viên Việt Nam trong nhà ăn ở một trường đại học nước ngoài. Tôi quay sang hỏi sinh viên đầu tiên: “Bạn vừa nói là Việt Nam đào tạo các bạn thành những con Rôbốt? Nếu là con Rôbốt thì học xong phải làm thành thạo một việc nào đó chứ?” Câu trả lời: “Thưa thầy, nhưng là con RÔBỐT VỤNG VỀ, làm gì hỏng nấy ạ”. Tôi hỏi vui: “Cậu thử cho vài ví dụ”, thì được nghe một đánh giá mà tôi rất tâm đắc: “Dạy Toán, thì thực chất là dạy cho thành thợ làm toán, nhưng là thợ biết làm theo các bài toán mẫu; dạy sử thì dạy để trở thành bộ sưu tập sử liệu…, nhưng là một bộ sưu tập sử liệu méo mó; dạy âm nhạc thì dạy để có cái kỹ thuật của anh thợ làm nhạc chứ không dạy thẩm mỹ âm nhạc; dạy vẽ thì để thành họa sĩ “Bờ Hồ”, chứ không dạy thưởng thức nền hội họa vĩ đại của nhân loại… Mỗi thứ đểu dạy theo kiểu để làm thợ, nhưng học xong thì chẳng thành cái thứ thợ gì”...”(hết trích).

Học để thành Rôbốt? Đúng vậy. Có phải Đảng CSVN chỉ muốn nền giáo dục sẽ chỉ đàò tạo ra một đạọ binh robot trung thành với Đảng CSVN... Đúng vậy, CSVN không cần người, chỉ cần robot...

 * * *

Nền phản-giáo dục

của Cộng sản Việt Nam

Ban Biên Tập sưu tầm

Mỗi năm, đúng hôm 03-09, nhà cầm quyền VN lại rùm beng tổ chức “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Cái tên nghe thật kêu, như chứng tỏ “đảng ta” quan tâm về giáo dục lắm. Nhiều bích chương có hình 2 trẻ nhỏ, một nam một nữ, mang khăn quàng đỏ của Đội thiếu nhi Tiền Phong, đứng dưới cờ đỏ sao vàng với giòng chữ ở đỉnh hay đáy bích chương: “Từ ngày có Đảng”, được treo khắp phố phường, làm như thể dân Việt chỉ được đến trường từ ngày đảng CS xuất hiện.

Thế nhưng, ngoại trừ kẻ mắc bệnh tâm thần, ai cũng biết rằng nền giáo dục của CSVN là nền giáo dục khốn nạn nhất trên thế giới. Với đủ thứ thành tích rất đáng xấu hổ và tệ trạng vô phương chữa trị. Về tư cách lãnh đạo thì trước hết là chuyện đích thân bộ trưởng giáo dục kiêm phó thủ tướng (nay chỉ còn chức PTT) được các trang blogs bầu chọn là nhân vật tồi tệ nhất trong 2 năm liền (2007-2008), vì đã đẩy nền giáo dục ngày càng xuống hố thẳm.

Thầy có một thành tích nổi bật là đã lệnh cho các hiệu trưởng đại học từ Nam chí Bắc (chính các vị này cũng nhất trí đồng lòng) ra văn thư cấm cản sinh viên biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Trường Sa năm 2007-2008. Còn đích thân thầy thì chủ tọa cuộc rước đuốc Thế vận Bắc Kinh qua Sài Gòn ngày 30-04-2008 với thái độ thản nhiên trước bản đồ Trung Hoa do thanh niên Tàu giương cao trong đó Hoàng Trường Sa được ghi là lãnh thổ Trung Cộng… Kế tiếp là chuyện thầy hiệu trưởng trường trung học thị trấn Việt Lâm (tỉnh Hà Giang) đứng ra thành lập đường dây mua bán trinh trẻ vị thành niên, những nữ sinh yêu quý của thầy, để “phục vụ sinh lý” cho các quan chức lớn trong tỉnh...

Gần đây nhất, hôm tháng 8, là chuyện hai nhân vật lớn từ Bộ Giáo dục (trong đó có một Thứ trưởng) đã tìm cách gây khó khăn cho Đại học tư thục Phan Châu Trinh tại Hội An, Quảng Nam nhằm mục đích loại ban quản trị để chiếm lấy trường… Còn vô số “gương lành lãnh đạo” khác nữa…

Về đạo đức học đường thì hầu như ngày nào cũng có chỗ xảy ra cảnh dân phòng hay công an tra tấn học sinh sinh viên kiểu xã hội đen; thầy giáo hiếp dâm học trò, đổi tình lấy điểm, lén coi nữ sinh thay y phục; cô giáo bắt học trò liếm ghế, cho bạn tát tai bạn, sờ chỗ kín của nam sinh; học trò đánh thầy giáo, đánh bạn học (thậm chí nữ sinh cũng đấm đá nhau chí tử rồi tung lên mạng), học trò vay nóng, lãi cao để chơi game hay hút xì ke bị xã hội đen dọa giết, nữ sinh viên để kiếm tiền trả học phí đành làm gái gọi v.v…

Rồi nạn dối trá tràn lan, như lời nhà văn Trần Mạnh Hảo (trong tham luận gởi Đại hội Hội Nhà văn mới đây): “Đạo đức trong giáo dục VN hôm nay đồng nghĩa với dối trá : thày dối trá thày, trò dối trá trò, quản lý giáo dục báo cáo láo cốt lấy thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bán tước đang là đại họa của nền giáo dục. Hầu hết sách giáo trình, sách giáo khoa… là sách đạo văn. Cán bộ có chức có quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ… lấy bằng thật nhưng học giả. Nạn dùng tiền mua bằng cấp, mua học hàm học vị đang diễn ra công khai trong cái chợ trời giáo dục VN…”.

Ngoài ra còn phải kể đến nạn ban giám hiệu, sở giáo dục hay cả bộ giáo dục hăm dọa, cấm cản học sinh sinh viên sống niềm tin tôn giáo (như tại Nghệ An), sách nhiễu, loại trừ các thầy cô có tinh thần độc lập hay dân chủ (như Nguyễn Thị Bích Hạnh, Đỗ Việt Khoa, Vũ Hùng...); dửng dưng trước việc các nữ sinh nạn nhân ở trường Việt Lâm đã bị tuyên là tội phạm, chịu những án tù dài; bỏ mặc cho công an đày đọa giáo sư Phạm Minh Hoàng chỉ vì thầy có chính kiến khác với đảng thống trị… Về thành tích giáo dục thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nào cũng dưới 50% nhưng lại được đôn lên gần 100%...

VN không có đại học nào chất lượng được thế giới công nhận. Chẳng cơ sở nào của VN có tên trong mọi danh sách các đại học hàng đầu châu Á. Trong số các bài viết xuất bản trên các tạp chí khoa học năm 2007, thì Đại học Quốc gia Seoul (Hàn quốc) có 5.060 bài, Đại học Quốc gia Singapore: 3.598, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc): 3.219, Đại học Mahidol (Thái Lan): 950, Đại học Malaya (Malaysia): 504, Đại học Manila (Philippin): 220, còn Đại học Quốc gia VN (cả Hà Nội lẫn Sài Gòn) chỉ có 52 bài. (x. Science Citation Index Expanded, Thomson Reuters).

Đến nay VN vẫn lẹt đẹt như vây. Chỉ số sáng tạo thì trong số bằng sáng chế được cấp năm 2006, Hàn Quốc có 102.633 bằng, Trung Quốc: 26.292, Singapore: 995, Thái Lan: 158, Malaysia: 147, Philippines: 76, còn VN ta là một con số 0 vĩ đại (x. World Intellectual Property Organization, 2008 Statistical Review). Đến nay ta vẫn chưa khá lên nổi. Dĩ nhiên còn nhiều tệ nạn khác trong ngành giáo dục như tham nhũng từ cao xuống thấp, cơ sở và giáo viên thiếu thốn, trường ốc xập xệ, học cụ nghèo nàn, giáo khoa đắt đỏ, môn chính trị quá nặng, học sinh nghèo bỏ học…

Có người cho tất cả những tệ nạn trên là do đất nước đã trải qua một cuộc chiến tàn phá tổn hại, do sự yếu kém trong quản lý giáo dục, do nền kinh tế của đất nước và quốc dân còn nghèo nàn, do việc đào tạo thầy cô ở mọi cấp chưa được chu đáo hoàn chỉnh, do sự thiếu cọ xát giao lưu với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới…. Theo chúng tôi thiết nghĩ, đó chỉ là những nguyên nhân phụ. Nguyên nhân chính vẫn là đường lối giáo dục, bao gồm triết lý giáo dục và mục tiêu đào tạo, vốn do đảng Cộng sản đề ra. Điều này được trình bày rõ ràng trong Luật Giáo dục do Quốc hội khóa 11 ban hành ngày 14-06-2005. “Điều 2: Mục tiêu giáo dục: Đào tạo con người VN phát triển toàn diện, có đạo đức… trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội….”. “Điều 3: Tính chất, nguyên lý giáo dục: 1. Nền giáo dục VN là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”. “Điều 27: Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất… hình thành nhân cách con người VN xã hội chủ nghĩa…”.

“Điều 40: Nội dung giáo dục đại học phải có tính hiện đại và phát triển, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa kiến thức khoa học cơ bản… và các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…” Tất cả các điều này rõ ràng cho thấy đảng và nhà cầm quyền Cộng sản VN quyết tâm đào tạo con người VN theo một chủ nghĩa đã bị nhân loại vất vào sọt rác từ mấy chục năm nay vì phi nhân và bất lực, dối trá và cưỡng bức, sai lầm và ảo tưởng, noi gương một con người mà đạo đức là vô luân và tư tưởng là vô thực, hướng đến một mục tiêu, lý tưởng và nhân cách chưa bao giờ xác định được là “chủ nghĩa xã hội”. Rồi để bảo đảm đi đúng đường lối giáo dục này, Điều 56 cho biết trong mọi trường (có lẽ trừ mẫu giáo của các Giáo hội) đều có Tổ chức Đảng: “Tổ chức Đảng Cộng sản VN trong nhà trường lãnh đạo nhà trường…”. Cụ thể là mọi hiệu trưởng các cấp đều phải là đảng viên và trong mỗi trường đều có đảng ủy, chưa kể Đoàn thanh niên CS Hồ Chí Minh (với nhiều đoàn viên đóng vai công an học trò theo dõi thầy giáo và bạn học) hoặc Đội thiếu nhi Tiền Phong trong các trường cấp 1 (với nhiều đội viên có nhiệm vụ báo cáo về cô giáo). Tổ chức đảng này còn nằm trong những Sở giáo dục tỉnh, thành, quận, huyện mà mục tiêu chủ yếu là theo dõi chính kiến của phụ huynh và học sinh.

Một chính đảng cầm quyền và một chính phủ công cụ mang trong mình ba đặc tính cố hữu: “tàn ác cách lạnh lùng, dối trá cách bình thản, ngu dốt cách cố chấp”, sáu yếu tố tự hủy: “vô thần, duy vật, hận thù, bạo lực, bất công và gian trá”, đã và đang thất bại trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng… thì làm sao có một nền giáo dục lành mạnh, nhân bản và hiệu quả? làm sao đào tạo được những công dân trưởng thành, tự do và độc lập cho đất nước? Có chăng là chỉ đào tạo được những thần dân hoặc trung thành tối mặt với đảng, hoặc khiếp nhược im lặng trước đảng, nghĩa là thành nô lệ hay công cụ cho đảng. Và tất cả những tệ nạn trên kia chỉ là hậu quả của đường lối chính trị hóa giáo dục đó.

Đến đây, không thể không ngậm ngùi luyến tiếc nền Giáo dục của VN Cộng Hòa trước năm 1975. Triết lý giáo dục thời đó theo ba nguyên tắc "nhân bản", "dân tộc" và "khai phóng" (liberal), được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp VNCH (1967).

Nhân bản vì lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản; xem con người như cứu cánh chứ không như phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái hay tổ chức nào. Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

Dân tộc vì tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp và quốc gia; bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Khai phóng nghĩa là mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

Mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện mỗi cá nhân trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của từng học sinh; cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực để nhồi sọ học sinh theo một chủ trương, đường hướng định sẵn.

Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh, bằng cách giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường và lối sống của người dân; biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở, ca ngợi tinh thần đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; học và sử dụng tiếng Việt cách hiệu quả; biết bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia, có tinh thần tự tin, tự lực và tự lập.

Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học bằng cách giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại (theo Wikipedia).

Làm văn hóa giáo dục sai là giết chết cả một thế hệ. Từ 1954 tới nay, CS đã giết chết bao thế hệ? Ngày nào nó mất đi, thì làm sống lại các thế hệ cũng không phải là điều dễ dàng!!!


Source: http://tiengnoitudodanchu.org/module...ticle&sid=9286

* * *

Vài nhận xét về nền giáo dục

của Cộng Sản Việt Nam.

Lê Nhân

      "Làm thầy thuốc sai lầm có thể hại một mạng người.

Làm chính trị sai lầm có thể hại một thế hệ.

Làm văn hóa sai lầm có thể hại muôn đời."                                                                                    

LãoTử

Mao Trạch Đông coi gía trị trí thức không bằng cục phân và Hồ Chí Minh cũng coi trí thức Việt Nam như một phương tiện, không hơn, không kém, dùng xong rồi bỏ, nếu thấy không còn dùng được nữa hay không còn cần tới nữa. Nhưng không phải vì vậy mà Hồ Chí Minh coi thường giáo dục. Ông ta đã thuổng một lời nói của người xưa và coi như lời nói của mình là : “ Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”(1). Điều đó chứng tỏ rằng Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm và chú trọng tới việc giáo dục con người. Nhưng Hồ Chí Minh không muốn đào tạo con người trở thành những con người biết suy tư, biết phán đoán và dám quyết định việc mình phải làm nên chính sách giáo dục của Cộng Sản VN không phải là chính sách giáo dục nhân bản và khai phóng, không đặt trên căn bản Nhân Trị Chủ Nghiã, lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín làm đầu, nhằm phát triển toàn diện con người trong chiều hướng tốt mà áp đặt vào cái chũ nghịa Duy Vật, một chủ nghĩa vô luân, vô đạo để đào tạo con người trở thành con vật chỉ biết lập lại những gì đã được Đảng dạy bảo và tuân theo một cách tuyệt đối những gì Đảng đã ra lệnh.

Kết qủa của chính sách giáo dục này là đã đào tạo nên cả một thế hệ ngu muội, dốt nát, vô đạo đức và luôn luôn sợ sệt. Đánh nhau thì giỏi (giỏi vì chỉ biết tuân lệnh một cách tuyệt đối chứ không phải giỏi vì biết suy tư hay phán đoán), nhưng khi thống nhất được đất nước thì không những không biết quản lý sao cho tốt, vì qúa ngu dốt, mà còn ngoan cố và tàn bạo vì chỉ biết nghe lệnh cấp trên. Với chủ trương “Hồng hơn Chuyên”, khả năng chuyên môn không quan trọng bằng lập trường chính trị, nên đã đưa cả đất nước tụt hậu và thua kém tất cả các nước khác trong vùng Đông Nam Á về tất cả mọi phương diện mặc dầu trước đó, miền Nam không thua kém gì các nước khác trong vùng.

I/ Đặc tính.

1/ Lấy Học Thuyết Mác Lê làm nền tảng.

Mặc dầu nay thì họ đã nhận thức được điều đó nên chính sách giáo dục của họ đã có phần thay đổi. Ngoài giáo trình đã có, còn có cả Viện Khoa Học Giáo Dục, Viện Chiến Lược chuyên nghiên cứu mọi chuyên đề, trong đó có chuyên đề giáo dục, Ban Quản Lý các dự án giáo dục tại địa phương và Hội Đồng Quốc Gia Giáo Dục do Thủ Tướng đứng đầu tại Thủ Đô. Nhưng vì vẫn bấu víu vào một cái học thuyết lỗi thời và và chủ nghĩa không tưởng đó là Chủ Nghĩa Cộng Sản nên vẫn không thoát ra khỏi cái ốc đảo nhầy nhụa, thối tha và bẩn thỉu, đó là cái ốc đảo Xã Hội Chủ Nghĩa. Do đó bằng cấp thì nhiều như cỏ dại, mà trí thức thực sự thì hiếm như lá mùa thu, tạo nên cảnh loạn thầy, lọan trường, loạn lớp, loạn bằng cấp, và loạn cả thi cử.

 2/ Tham nhũng và lạc hậu.

Sách vở thì tuy năm nào cũng sửa chữa và tái bản bắt học trò phải mua để thày kiếm thêm tiền, nhưng thực chất thì cũ rich và lạc hậu. Thêm vào đó là bệnh thành tích, bệnh tiêu cực, nói theo danh từ của Công Sản, tức chỉ biết tham nhũng và hưởng thụ, khiến nền giáo dục của Việt Nam hiện nay trở thành một thị trường mua bán bằng cấp và chữ nghĩa, không hơn, không kém.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại Học vừa qua (năm 2006), trước ngày thi, Công An Hà Nội đã tịch thu gần 400 ký phao thi (2) tại ký túc xá Đại Học Kinh Tế Quốc Gia Hà Nội và trong ngày thi thì có nhiều giám thi trường thi đã vi phạm trường quy, nhiều người đã ngang nhiên vào phòng thi cướp đề thi và ngang nhiên vào phòng thi để đưa bài giải cho thí sinh đã diễn ra tại một vài trung tâm. Họ là ai nếu không phải là công an hay những ông cán bộ có chức, có quyền?

Giám khảo chấm thi thì tắc trách và vô trách nhiệm. Có tiền thì chấm cho đậu. Không tiền thì chấm cho trưọt. Thậm chí có giáo sư chấm thi còn dám gạ gẫm nữ thí sinh đổi tình lấy điểm như trường hợp của Đỗ Tư Đông, giáo sư Phó Khoa Trưởng Khoa Báo Chí của trường Cao Đẳng Phát Thanh và Truyền Hình Trung Ương tỉnh Hà Nam. Chính vì thế mà trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội đã phải chấm lại và ngày 12 tháng 9 vưà qua, đã công bố kết qủa chấm phúc khảo bài thi tuyển sinh đại học năm 2006 và cho biết nhiều bài thi sau khi chấm lại đã có điểm sai lệch tới 8, 9 điểm. Kết qủa riêng khối A trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội đã có tới 14 thí sinh từ trượt thành tốt nghiệp và Học Viện Hành Chánh Quốc Gia đã có 8 thí sinh từ trúng tuyển thành trượt và 12 thí sinh từ trượt thành trúng tuyển.

3/ Sai lầm

Cách nay năm năm, năm 2001, ông Nguyễn Kế Hào, Vụ Trưởng Vụ Tiểu Học, một người đứng đầu ngành Tiểu Học cả nước đã đột ngột từ chức với một câu nói thẳng thừng: “Tôi từ chức vì không muốn làm điều thất đức”. Đúng, “Làm chính trị mà sai lầm thì chỉ hại một thế hệ, nhưng làm văn hóa mà sai lầm thì hại muôn đời”. Ở đây, không những sai lầm vì chính sách giáo dục đã phải nằm trong một cái chủ nghĩa vô thần đó là chủ nghĩa Công Sản mà còn cố tình làm điều thất đức thì thật không còn gì tai hại hơn.

Ai đã từng về Việt Nam thì đều thấy, nhất là tại Saigon, trường học mọc lên như nấm, lớp riêng mọc lên như giòi. Đường nào cũng có trường, không phải chỉ có trường Mẫu Giáo, Tiểu Học hay Trung Học mà cả Đại Học. Hẻm nào cũng có lớp luyện, kèm, không phải chỉ kèm cho những học sinh trung học hay những lớp luyện thi Trung Học hoặc vào Đại Học, mà có cả lớp luyện thi vào Mẫu Giáo. Thật nực cười khi thấy một em bé mới có ba bốn tuổi, chưa thuộc hết 24 chữ cái, vậy mà cha mẹ cũng phải nhờ một cô giáo dậy luyện thi vào Mẫu Giáo vì trường quảng cáo qúa hay, mà sĩ số thì có hạn nên đành phải thuê cô giáo luyện thi.

Nếu tính theo tỷ lệ dân số, thì số trường cần thiết cho thành phố Saigon chỉ gấp ba, gấp bốn hồi trước 1975 là cùng. Vậy mà nay số trường gấp tới cả vài chục lần. Không phải chỉ có trường Mẫu Giáo hay Tiểu Học, Trung Học mới gia tăng một cách khủng khiếp như vậy, mà cả Đại Học cũng vậy. Có trường Đại Học quảng cáo học tại Việt Nam, nhưng bằng thì do trường Đại Học danh tiếng ngoại quốc cấp. Có trường Đại Học quảng cáo tuyển 500 sinh viên học thi lấy bằng Thạc Sĩ và Tiến Sĩ. Có cả Trung Tâm dịch vụ quảng cáo chuyên viết dùm Luận Văn (memoir) cho sinh viên ban Cao Hoc hoặc Luận Án (thesis) cho sinh viên ban Tiến Sĩ.

Bằng Tú Tài ở Việt Nam bây giờ là đồ bỏ vì kỳ thi năm nào, tỷ lệ đậu cũng rất cao, có tỉnh tỷ lệ đậu lên tới 99%. Tính chung cho cả nước là 93.87%. Như vậy bằng cấp còn có giá trị gì nữa vì ai thi mà chẳng đậu? Có thi là có đậu, trừ phi vì lý do nào đó, phải bỏ thi, chẳng hạn như đău ốm hay tai nạn. Một người dân ở Vân Tảo thuộc tỉnh Hà Tây nói: “Con cái chúng tôi có cái bằng tốt nghiệp rồi cũng chỉ đi cầy thuê, cuốc mướn, chứ làm vương, làm tướng gì ở cái xứ nghèo mỗi người dân chưa đủ ba sào ruộng này?(3)

Tại sao tỷ lệ trúng tuyển lại có thể cao tới mức như vậy để đến nỗi có cái bằng tốt nghiệp rồi cũng chỉ đi cầy thuê, quốc mướn? Bởi vì bệnh thành tích. Thày nào cũng muốn học sinh lớp mình đậu hết. Trường nào cũng muốn học sinh trường mình đậu cao. Tỉnh nào cũng muốn học sinh tỉnh minh đậu nhiều. Do đó, chuyện gian lận thi cử được coi là chuyện tự nhiên. Chuyện thí sinh thí sinh quay phim cũng là chuyện bình thường khiến bằng cấp chẳng còn giá trị gì nữa, vàng thau lẫn lộn. Ngay cả Đào Ngọc Dung, Ủy Viên Trung Ương Đảng, Bí Thư Thứ Nhất, trong kỳ thi tuyển sinh hậu Đại Học (học lấy bằng Tiến Sĩ) năm 2006 taị Học Viện Hành Chánh Quốc Gia (4)cũng quay phim vì không làm nổi bài thi.

Bằng Cử Nhân, Tiến Sĩ thì còn tệ hại hơn. Có ghi danh (nhưng không cần tới trường), có đóng tiền học phí đầy đủ (nhưng không cần học) là có bằng, miễn là đảng viên. Có đảng viên, bốn năm có bốn bằng Cử Nhân. Có đảng viên đêm hôm trước còn là Phó Tiến Sĩ, vậy mà sáng hôm sau đã là Tiến Sĩ vì nếu không có bằng Tiến Sĩ thì làm sao giữ được chức vụ đang có đòi hỏi? Thế là cha con bảo nhau hợp thức hóa cho những người đang nắm giữ những chức vụ cần phải có bằng Tiến Sĩ nhưng chỉ có bằng Phó Tiến Sĩ thành Tiến Sĩ. Tháng 7 năm 2006, Viện Nghiên Cứu Phát Triển và Đào Tạo Nhân Lực Đông Nam Á, từ Saigon xuống Cần Thơ, đã cấp phát khơi khơi cho 851 cán bộ, thanh niên và sinh viên bằng B Anh Văn để họ có đủ điều kiện đảm nhiệm chức vụ.

Trong bài “Mong Bộ Trưởng Giáo Dục “điềm tĩnh” hơn” của An Tuấn Dũng đăng trên VietNamNet có đoạn như sau: “Ở đây, thấy rõ việc làm trái quy luật của ngành giáo dục. Giáo dục phải được phát triển theo hình chóp (pyramid) chứ không thể phát triển theo hình trụ (cylinder), thậm chí có nơi thành hình chóp ngược. Cứ mở lớp, cứ lên lớp 100%, cứ tốt nghiệp 100%. Cứ thu hút học sinh trái tuyến để ăn tiền, để rồi đưa ra xã hội những phế phẩm mãi được chăng?”

II/ Hậu Qủa.

1/ Thiếu kiến thức, không biết động não.

Hậu quả của một nền giáo dục như vậy đã đào tạo ra những con người có sự hiểu biết như thế nào? Kiến thức tổng quát thì quanh đi, quẩn lại chỉ là một mớ kiến thức rỗng tuếch , lạc lậu và vô giá trị như chủ nghĩa Mác Lê, chủ nghĩa Cộng Sản, tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong kỳ tuyển sinh năm 2005, của 4 trường Đại Học Sư Phạm lớn là Saigon, Hà Nội, Đà Lạt và Đồng Tháp tỷ số thí sinh có điểm trên trung bình là 1/30 về môn Sử. Tại sao vậy? Bởi vì thày cũng như trò, chỉ trú trọng vào các môn các môn chính như toán, lý hóa, ngọai ngữ. Còn những môn phụ như Công Dân, Văn, Sử, không những bị coi thừơng vì hệ số điểm thấp mà còn vì nội dung rỗng tuếch, một chiều và nhiều khi còn bóp méo sự thật.

Giáo viên Hà Văn Thịnh, khoa lịch sử trường Đại Học Khoa Học Huế nói: “Lịch Sử Trung Quốc, đọc vào thấy cái hồn trong đó,… Còn mình thì chỉ một chiều, lúc nào cũng chỉ địch thua, ta thắng, địch bao giờ cũng hèn nhát, ta bao giờ cũng cao thượng, dũng cảm. Một chiều như vậy mãi thì học sinh cũng không thích, thậm chí còn tạo mặc cảm lừa dối”. Ta hãy nghe sinh viên Nguyễn Tấn Trung, một sinh viên chắc hẳn là phải thuộc thành phần học sinh ưu tú mới được chính quyền Cộng Sản Hà Nội cho đi du học tại Pháp đã phát biểu trong bài nói chuyện tại Đại Hội Sinh Viên Việt Nam ở San Jose ngày 15 tháng 7 năm 2006 như sau:

Trung sang Pháp vào năm 2002 (lúc 19 tuổi). Thời gian đầu ở Pháp, do bị ảnh hưởng bởi những gí được học và được dậy dỗ tại Việt Nam, Trung luôn nghĩ rằng xã hội tư bản chỉ có kỹ thuật là giỏi, còn người dân sống trong cảnh bị bóc lột thậm tệ bởi chủ nghĩa tư bản. Con người trong xã hội tư bản chỉ còn biết có tiền, không còn tình người, đạo đức băng hoại, truyền thống dân tộc suy đồi. Cộng đồng người Việt hải ngoại là những người mê tiền, mê vật chất đến nỗi bỏ nước ra đi, không ở lại xây dựng đất nước với đồng bào trong nước”.

Một sinh viên sống tại một thành phố lớn nhất nước là thành phố Saigon với các phương tiện thông tin đầy đủ, sinh ra lúc nhà nước Cộng Sản đã bắt đầu mở cửa, lớn lên lúc bang giao Việt Mỹ đã được thiết lập và màng lưới thông tin điện tử đã được phát triển, vậy mà vẫn để bị che mắt và tuyên truyền và nhồi sọ đến nỗi chẳng biết gì đến thế giới bên ngoài cũng như những tệ đoan xã hội và tham nhũng đã và đang xẩy ra trong nước nói chi đến những người dân quê ít học, chỉ quanh quẩn trong xóm làng?

2/ Thiếu tinh thần tự chủ, chỉ biết cúi đầu.

Sự hiểu biết về những kiến thức tổng quát của những sinh viên tức những kẻ còn đang mài đũng quần nơi giảng đường Đại Học thì như vậy, còn những trí thức thì sao?

Ở Việt Nam bây gìơ, có người nói rằng cứ bước ra khỏi ngõ, “không chạm mặt Tiến Sĩ thì cũng đụng đầu Thạc Sĩ”. Thực vậy, không biết Tiến Sĩ, Thạc Sĩ ở đâu ra mà lắm thế. Nếu tính chung cả nước thì ít nhất cũng vaì chục ngàn Thạc Sĩ và Tiến Sĩ. Nhưng những trí thức đúng nghĩa tức những người không những có bằng cấp cao hoặc có kiến thức rộng, biết góp công sức vào việc cải tiến xã hội, có hoài bão đóng góp và xây dựng một xã hội lành mạnh, một chế độ thực sự tự do, dân chủ và công bằng, bác ái thì thật hiếm. Trái lại, những loại trí thức chồn lùi, trí thức đảng nô thì thật nhiều. Loại trí thức này chỉ biết cúi đầu, cong lưng phục vụ cho giới lãnh đạo Cộng Sản, làm ngơ trước tệ nạn của xã hội, của đất nước. Bọn trí thức này không những chẳng giúp ích gì được cho việc thăng tiến xã hội, tạo dựng một thể chế tự do, dân chủ, mà còn cản trở bước tiến của dân tộc và nhân loại.

Trong một buổi phỏng vấn của đài BBC ngày 29 tháng 3 năm 2006, một họa sĩ trong nước, họa sĩ Nguyễn Minh Thành đã trả lời: “Như tôi biết các bạn bè đồng nghiệp của tôi đa phần thì nghiêng về xu hướng hãy tập trung vào nghệ thuật, đừng có vướng vào những chuyện chính trị, chính trường này kia. Nhất là các thế hệ gần đây, thế hệ trẻ càng về sau thì họ chia ra làm hai quan tâm chính. Một là đời sống tư nhiên bình thường, giải trí, vui chơi. Hoặc một quan tâm khác nữa là quan tâm về mặt vật chất và giầu về kinh tế”.

Tóm lại, nền giáo dục hiện tại của Việt Nam đã đánh mất cái lý tưởng cao cả của giáo dục là phục vụ cho đồng bào, cho đất nước mà chỉ biết phục vụ cho đảng, cho một thiểu số lãnh đạo để mong được hưởng thụ và có cơ hội làm giầu. Để con người có thể vươn lên theo đà tiến hóa của xã hội theo chiều hướng tốt, nền giáo dục Việt Nam cần phải dẹp bỏ cái chủ nghĩa ngọai lai và phi dân tộc, đó là cái xã hội chủ nghĩa cũng như cái học thuyết không tưởng Mác Lê và cái tư tưởng láo lếu Hồ Chí Minh hay nói một cách khác, chế độ Cộng Sản Việt Nam cần phải được giải thể.

Chú thích:

(1) “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” nguyên văn chữ Hán là “Thập niên chủng mộc, bách niên chủng nhân”. Có người cho là của Không Tử, có người cho là của Quản Trọng. Theo BS Đỗ Thị Nhuận, Quản Trọng (725-645 trước Công Nguyên) là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu (-685).Trong sách Quản Tử có nói một câu sau này được Hồ Chí Minh dùng lại:

"Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế mạc như thụ nhân, Nhất thu nhứt hoạch giả, cốc dã. Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã,

Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã".

Tạm dịch:

"Kế một năm, chi bằng trồng lúa, Kế 10 năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng nguời, Trồng một, gặt một, ấy là lúa. Trồng một, gặt mười, ấy là cây,

Trồng một, gặt trăm, ấy là người".

(2) Phao thi là những bài học được tóm tắt và in chữ rất nhỏ để thí sinh đem ra copy cho dễ và đỡ lộ liễu.

(3) Trích trong bài “Mong ông Bộ Trưởng Giáo Dục “điềm tĩnh” hơn” của An Tuấn Dũng.

(4) Trước 1975, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh là trường đào tạo cán bộ Hành Chánh ngạch Đốc Sự, thuộc hàng lãnh đạo từ cấp Trưởng Ty trở lên, sau có thêm ban Cao Học Hành Chánh và Cao Học Ngoại Giao . Sau năm 1975, trường này bị đóng cửa. Nay trường này mới được mở cửa lại để đào tạo cán bộ hành chánh cao cấp. Người tốt nghiệp trường này được cấp phát văn bằng Tiến Sĩ. Vì là trường công, số học viên có hạn, nên phải thi tuyển chứ không như một số các đại học khác, chi cần ghi danh đóng học phí đầy đủ là có bằng có thể có bằng.

 * * *

Một Vài Đề Nghị

Về Việc Nuôi Dậy Con 

Nguyễn Bá Liệu

dịch theo Time Magazine ngày 1/11/2010.

  • Với tựa đề “Smart Parents, Happy Kids”,”Cha mẹ khôn ngoan, thì con sung sướng”,  bác sĩ Mehmet Oz, Giáo sư đại học y khoa Columbia, và là tác giả cuốn sách “You: Raising Your Child” viết rằng: Trí tuệ cuả con  trẻ cũng giống như thể lực:  Cha mẹ biết hướng dẫn, dậy dỗ con trẻ khôn khéo sẽ tạo được ảnh hưởng lâu dài đến cuộc đời của con cái về sau này.
  • Ông cũng đề nghị một số phương pháp hướng dẫn con cái rất hữu ích, chúng tôi xin luợc dịch dưới đây.

Trong cuốn phim mang tưạ đề Parenthood, nhân vật chính tên là Keanu Reeves đã nói một câu bất hủ như sau: “Bạn cần phải có lai sân (license - giấy phép)  mới được đi câu cá, nhưng muốn làm cha mẹ thì chẳng cần giấy phép gì cả.”. Thế mới biết làm bố thằng cu, hay mẹ con hĩm còn dễ hơn cả đi câu cá. 

Vâng, quả đúng như vậy, làm cha hay mẹ dễ lắm. Trong bài viết này, chúng tôi  xin được phân tích một số khó khăn, bệnh tật, mà con trẻ thường hay gặp phải trên bước đường trưởng thành. Đồng thời, chúng tôi cũng xin đề nghị một số phương pháp trị liệu cho những vấn đề này. Nhưng mặc dù sách báo khoa học viết rất nhiều về những bước phát triển kỳ diệu của trẻ em, nhưng sách viết về cẩm nang hướng dẫn việc nuôi dậy con trẻ lại có vẻ thiếu xót, không đầy đủ. Lại nữa, khi duyệt qua những sách vở y khoa, tâm lý xã hội, và giáo dục, chúng tôi thấy có nhiều sách viết về những khó khăn, bệnh tật của con trẻ hơn là sách nói về sự phát triển của trẻ em bình thường, lành mạnh. Và khi nói về những trẻ em gọi là “ trung bình”, thì rất ít sách nói về phương pháp để sớm khám phá  ra những vấn đề của con trẻ, và làm thế nào để giúp cho trẻ em được sống lành mạnh về lâu về dài

Bà xã tôi, Lisa, và tôi may mắn sanh được bốn cháu. Chúng tôi có con rất sớm, mới trên đôi mươi đã có con nhỏ rồi. Trong quá trình nuôi nấng con cái, chúng tôi rút tiả được nhiều kinh nghiệm qúi báu, phần lớn do từ cha mẹ chúng tôi truyền lại, kế đến  là quan sát các cháu con của mình, và bạn bè của chúng khôn lớn trưởng thành ra sao. Xin các bậc làm cha mẹ chớ bao giờ coi nhẹ việc quan sát các cháu phát triển, cũng như tìm cách nói chuyện với các cháu. Vì lý do nghề nghiệp, tôi quan sát các cháu con của tôi dưới con mắt một y sĩ, để ý xem có đưá nào bị bệnh hay không. Nhưng may quá, nhờ có nhà tôi, với con mắt dịu dàng của một người mẹ, nhà tôi hướng dẫn các cháu khéo hơn tôi. Nhất là trong việc gỡ rối tơ lòng, và tâm tình với các cháu. Tôi chỉ để ý nhắm vào những chỗ nào các cháu bị trầy truạ, hay cần phải chích thuốc mà thôi.

Qua dòng thời gian, chúng tôi rút kinh nghiệm là việc dậy dỗ con trẻ cũng giống việc chúng  ta hướng dẫn trẻ con chèo một con thuyền xuôi theo giòng nước, có những lúc nước chảy xiết, có nhũng lúc nước trôi êm ả, hay gặp khúc quẹo khá gắt. Là cha mẹ, qúi vị có thể kiểm soát hướng đi, và tốc lực của chiếc ca nô đang chở các cháu, nhưng chúng tôi khuyên quí vị  hãy để các cháu nhỏ tự ý chọn hướng đi của chúng. Chúng muốn quẹo đi đâu, cho các cháu đi theo ý muốn của chúng. Nhiệm vụ của cha mẹ là dạy những đưá con, hay hành khách trên chuyến đò, hiểu biết về dòng sông chúng đang đi, để chúng có thể khua mái chèo lấy một mình. Trong đó bao gồm có việc giải thích tường tận tất cả những gì bạn biết, bạn trông thấy và nói với chúng rõ rằng chúng phải hiểu cơ thể, khả năng sẵn có của chúng, cũng như khả năng của con thuyền. Điều này có nghĩa là chúng nắm vững được sức mạnh của cơ thể, những bản chất bẩm sinh trong dòng máu, cũng như những ưu khuyết điểm sẵn có trong gia đình, do di truyền, hay kế thừa. Làm cha mẹ chúng ta cũng nên dạy cho chúng biết về lòng tự hào, sự hãnh diện – self-esteem- về bản thân của chúng, đồng thời một chút dè dặt về những ưu khuyết điểm của chúng –strengths and weaknesses, để chúng ý thức trong khi điều khiển con thuyền đi theo ý muốn của mình.

Những bí quyết kể trên là nền tảng để chúng tôi hoàn thành tác phẩm mới. Chúng tôi cùng hợp soạn với Bác sĩ Mich ael Roizen. Cuốn sách lấy tưa đề là: “You: Raising Your Child” “Bạn chính là người có trách nhiệm trong việc nuôi dậy con của bạn.” . Để tìm ra câu trả lời cho nhiều vấn đề làm bận tâm các bậc cha mẹ, chúng tôi thăm dò ý kiến một số bác sĩ nhi khoa, và họ cũng làm cha mẹ,  những chuyên gia lão thành trong lãnh vực phát triển của trẻ em. Dưới đây là một số bí quyết để trở thành người cha mẹ khôn ngoan:

* Bạn có thể là người cha mẹ tài giỏi nhất thế giới bằng cách đừng  quá lo âu, bênh vực, che chở cho con mình một cách quá đáng.

Con cái thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ là điều không tốt, không lành mạnh. Nhưng quay ngược lại 180 độ, tức là nếu cha mẹ cứ lo ấp ủ, che chở cho con cái quá đáng, cũng là điều không nên cho đưá trẻ. Cha mẹ lo bảo vệ con cái, vô tình làm hại cho sự phát triển của đưá trẻ. Nên giữ vai trò trung dung thì hay hơn. Nghĩa là nên dành cho con cái sự chú ý vừa đủ thôi, và phải nhớ là nên để cho con em được tự do khám phá học hỏi lấy. Điều này rất quan trọng, giúp chúng trở nên độc lập sau này. Hãy cứ để các em lái chiếc thuyền gần đụng vào bờ sông, và biết cách lái thuyền ra trở lại giữa dòng. Thỉnh thoảng nên để chúng thất bại, gặp khó khăn nhẹ, để chúng học bài học rút ra từ sự thất bại đó.

*   Hãy gỉa thử bạn là nhà sản xuất loại phim 3D.  Đầu óc con  trẻ giống như tờ giấy thấm, vì thế bạn có thể vẽ bừa trên bảng đen đủ thứ: các từ ngữ mới lạ, các âm thanh kỳ cục, các hình thể đa dạng, các mùi vị độc đáo. Để đầy trên tấm bảng. Những thứ này sẽ giúp con của bạn chọn lấy phương hướng tương lai của chúng rồi đi tùy ý cho chúng đi vào: 1.) sở thích riêng của mỗi đưá trẻ.  2.) lãnh vực nào đưá trẻ có tiềm năng sẽ thành công.

*   Trẻ em là vua bắt chước, học  đòi những gì chúng trông thấy ở người khác. Do đó, làm cha mẹ, bạn phải là mẫu người tốt để làm gương cho con cái. Trẻ em lớn lên sẽ hành sử đối với bản thân giống hệt như cha mẹ chúng đối sử với thân thể họ. Cha mẹ mập phì, nặng nề, con cái sẽ có ruỉ ro 40% sẽ mập giống  cha mẹ. Nếu cả cha lẫn mẹ cùng mập ù, rủi ro con cái sẽ mập lên đến 80%.Bạn chịu khó chăm sóc cơ thể của bạn, thế nào con cái bạn cũng sẽ bắt chước theo.

*   Chơi đuà với con cái để dạy cho các em bài học về trường đời.  Tôi thích khuyên các bậc phụ huynh nên “chơi đùa với con cái”. Trong gia đình tôi, chúng tôi hay chơi trò Olympic của nhà họ Oz. Trong đó chúng tôi thách đố nhau sức chịu đựng về thể lực cũng như về trí lực. Tôi cũng rất thích giờ phút đọc truyện cho con cái nghe trước khi đi ngủ. Bởi vì vào giờ đó, trẻ con đã mệt nhoài, chúng sẽ khoái nghe đọc truyện để thiu thiu đi vào gíấc ngủ. Trong lúc đọc truyện, tôi lồng vào đó những bài học thực tế trong trường đời. Đọc truyện, và chơi trò chơi với con cái là những dịp để dạy dỗ con em những bài học quí giá. Chớ coi nhẹ giá trị của những loại hành động này. Qua đọc truyện, và trò chơi, con trẻ còn học cách diễn tả bằng ngôn ngữ hoàn hảo hơn.

Đối với các bạn đã có con: Bạn hãy tin rằng bạn là những phụ huynh rất giỏi. Đối với các bạn sắp có con: Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi có con, và bạn sẽ là những bậc cha mẹ khôn ngoan, thành công trong việc dạy dỗ, nuôi dưỡng con của bạn.

______________________________________________

Bác sĩ Mehmet Oz là Giáo sư phó chủ tịch khoa giải phẫu của trường Y Khoa Columbia . Ông cũng là tác giả nhiều cuốn sách hay. Hiện ông đang thực hiện chương trình hội thoại trên TV, tên là The Dr. Oz Show.

* * *

LÀM THẾ NÀO ÐỂ

HươngSaigon

Lời nói đầu: Bài viết nầy dựa vào chương trình của các đại học, và trường y khoa (colleges of medicine) ở Hoa Kỳ (Canada cũng có chương trình tương tự). Tác giả xin dành chương trình ở Úc Châu, Âu Châu hoặc Á Châu cho các bác sĩ hoặc giáo sư y khoa ở những nơi liên hệ.

Bác sĩ y khoa là một trong những nghề cao quý trong xã hội, đặc biệt là đối với xã hội VN.  Thật vậy, khi biết con mình muốn theo đuổi ngành y khoa, cha mẹ người Việt rất vui mừng, hảnh diện, khuyến khích và sẳn sàng hy sinh tiền bạc, thì giờ và công sức để giúp con mình thực hiện ước mơ đó.

Nhưng làm thế nào để trở thành một bác sĩ ?

Ðoạn đường mà sinh viên phải vượt qua để trở thành một bác sĩ y khoa ở Hoa Kỳ không phức tạp, nhưng đầy gian khổ. Nó đòi hỏi người sinh viên hầu như phải "tài đức vẹn toàn", nghĩa là chẳng những người sinh viên phải có một học bạ với điểm cao và điểm thi MCAT (Medical College Admission Test) cũng phải cao. Thêm vào đó, người sinh viên phải có những đức tính cần thiết cho một vị lương y.

I .Chương trình học.

Một sinh viên muốn trở thành bác sĩ phải học hết chương trình đại học (4 năm), thi MCAT, nạp đơn xin nhập học đại học y khoa (phải viết luận văn và phỏng vấn). Nếu được nhận nhập học thì người sinh viên phải trải qua 4 năm học y khoa, thực tập (residency) 3, 4 năm. Nếu hội đủ điều kiện thì sẽ trở thành bác sĩ. Do đó, sau khi tốt nghiệp trung học, người sinh viên phải bỏ ra ít nhất 11 năm học để trở thành bác sĩ.

1/ Bốn năm đại học.

Trên nguyên tắc, đại học y khoa Hoa Kỳ không đòi hỏi sinh viên dự tuyển vào trường y khoa phải học chuyên về một ngành (major) nào .  Một điều kiện chung là thí sinh cần có căn bản về khoa học, (vật lý, hoá học và sinh vật học -- physics, chemistry and biology), toán (calculus), nếu biết thống kê (statistics) thì càng tốt. Ngoài ra, thí sinh cũng cần có khả năng Anh văn (verbal and writing) cao. Thêm vào đó, nếu thí sinh giỏi về các môn khác thì càng tốt.

Mặc dù không bắt buộc, các thí sinh dự tuyển y khoa thường tham gia chương trình chuẩn bị y khoa (pre-medical programs). Chương trình nầy không phải là một ngành chính (major) vi` các sinh viên trong chương trinh nầy có thể chọn lựa ngành chính mà mình thích (thí dụ như sinh vật học, vật lý , hoá học, toán, âm nhạc ...), nhưng phải học các lớp (courses) căn bản để có đủ kiến thức thi MCAT và điều kiện mà các đại học y khoa đòi hỏi.

Theo Ðại Học Harvard, các sinh viên chuẩn bị vào đại học y khoa cần học các lớp sau đây:

• Hóa học tổng quát có thực nghiệm, một năm (general chemistry with lab).

• Sinh vật học có thực nghiệm, một năm (biology with lab).

• Hoá học hữu cơ có thực nghiệm, một năm (organic chemistry with lab).

• Vật lý học tổng quát có thực nghiệm, một năm (general physics with lab).

• Anh văn, một năm (English).

Ngoài ra, hơn 50 trường y khoa đòi hỏi một hoặc hai lục cá nguyệt (semesters) toán (college math, calculus, and/or statistics). Mười bốn đại học y khoa đòi hỏi 1 lục cá nguyệt về sinh hoá học (biochemistry). Mười bảy trường y khoa đòi hỏi sinh viên phải học 1 năm về sinh vật học (biology). Một vài trường y khoa cũng đòi hỏi sinh viên phải học tâm lý học (psychology) và xã hội học (sociology).

Về điểm học trung bình (grade point average, GPA), các trường y khoa Hoa kỳ không minh thị ấn định điểm trung bình tối thiểu phải có để được nhận học.Tuy nhiên, vì sự cạnh tranh (competition) cao giữa các thí sinh, thông thường, muốn được nhận vào một trường y khoa ở Hoa Kỳ, số điểm trung bình trong 4 năm đại học (B. A. or B. S.) ít ra cũng phải là 3.50/4.00. Có trường đăng GPA  tối thiểu phải cao hơn 3.00. Nhưng GPA tối thiểu không bảo đảm để được nhận học. Do đó, các ứng viên vào đại học y khoa thường cố gắng có điểm trung bình càng gần 4.0 càng tốt.

2/ Ðiểm MCAT (Medical College Admission Test).

Vào năm thứ ba của chương trình đại học (junior year), sinh viên muốn nạp đơn xin vào trường y khoa sau khi tốt nghiệp B. A./B. S., phải thi MCAT.  Bài thi nầy gồm có 4 phần (sections).

(a) Anh Văn (đọc/hiểu, lý luận) [Verbal reasoning reading comprehension].

(b)  Toán Lý-Hoá [chemistry & physics – physical sciences].
           (c)  Hoá học hữu cơ và sinh vật học [Organic Chemistry & Biology – Biological Sciences].

(d)Viết văn -- 2 đề luận văn [ Writing Sample –  two essay questions].

Một bài thi khá là một bài thi có 10 điểm trở lên cho mỗi section (a), (b) và (c). [Ðiểm tối đa cho mỗi section là 15. Tuy nhiên, thí sinh nào đạt được 15 điểm cho mỗi section phải là thần đồng, hoặc là người có thể đi trên nước ( walk on water)].

II. Sinh Hoạt Ngoài Học Ðường (Extra-curricular activities).

Một thí sinh y khoa cần có một thành tích đáng kể về các sinh hoạt ngoại học đường. Những sinh hoạt nầy gồm các công tác thiện nguyện như tình nguyện làm việc tại các bịnh viện hoặc các cơ sở y tế khác, các công tác tình nguyện cho cộng đồng. Ngoài ra, các thi sinh cần có những sinh hoạt cá nhân bền bỉ như thể thao, âm nhạc, v.v…  Ðây là một yếu tố quan trọng mà người sinh viên muốn theo nghề bác sĩ y khoa cần lưu ý để chuẩn bị.

Ngoài ra, ứng viên y khoa cần chứng tỏ khả năng lảnh đạo (leadership), chẳng hạn như chủ tịch hoặc phó chủ tịch của ban đại diện sinh viên, chủ tịch của hội tiền y khoa (pre-medical society), v.v... Những thành tích về lảnh đạo có thể giúp ứng viên được chọn cho nhập học ở đại học y khoa.

III. Nạp đơn vào đại học y khoa.

Sau khi thi MCAT, người sinh viên nạp đơn xin vào đại học y khoa qua trung tâm AMCAS (the American Medical College Application Service). Ðây là một cơ quan có nhiệm vụ cứu xét, tiến hành, và chuyển đơn, điểm MCAT, học bạ của sinh viên cho các trường y khoa mà sinh viên đó muốn xin vào học. Trong đơn, người sinh viên phải chọn trường y khoa mà họ muốn xin nhập học (trung bình các sinh viên chọn khoảng 6 trường, hy vọng 1 trong 6 trường sẽ nhận cho nhập học). Ðơn xin nhập học phải gởi đi một năm trước khi nhập học trường y khoa (nghĩa là đơn phải gởi trể lắm là vào năm thứ ba của đại học (junior year). Khi gởi đơn xin nhập học, người sinh viên phải đính kèm học bạ, điểm MCAT, thư giới thiệu và một luận văn.

a. Thư giới thiệu: Người viết thư giới thiệu (letters of recommandation) phải là giáo sư, bác sĩ mà sinh viên từng làm việc dưới quyền, hoặc vị giám thị (supervisor) của người sinh viên trong lúc đương sự làm việc có lương hoặc tình nguyện tại một sở nào đó (thường liên quan đến vấn đề y tế như nhà thương hoặc các tổ chức liên quan đến sức khoẻ (health-related organizations).

b. Luận Văn (Essay). Trong bài luận văn nầy, người sinh viên cần giải thích tại sao mình muốn làm bác sĩ và xứng đáng là một bác sĩ. Thường sinh viên nên viết một câu chuyện đời tư của mình (personal story) một cách thành thật, nói lên động lực của ước vọng làm bác sĩ của mình.

c. Đơn xin nhập học II (second application): Khoảng 5 tuần sau khi nạp đơn qua AMCAS, nếu hội đủ điều kiện điểm trung bình (GPA) và điểm MCAT, cũng như luận văn khá, người sinh viên sẽ nhận được mẫu đơn thứ II từ một (hoặc nhiều) trường đại học y khoa mà người sinh viên muốn xin nhập học. Trong đơn này, người sinh viên phải viết thêm một bài luận thứ II, và phải trả lời thêm một số câu hỏi mà nhà trường đã đặt ra. Trung bình người sinh viên phải nạp đơn thứ II trong vòng 3 tuần. Nếu trể hạn, đơn sẽ bị khước từ .

d. Phỏng Vấn (interview) Trong cuộc phỏng vấn nầy, trường y khoa chú tâm vào bằng chứng về các hoạt động ngoài chương trình học vấn của người sinh viên (evidence of extracurricular activities), khả năng ăn nói (communication skills), sự thấu hiểu và quan tâm đối với người khác (empathy and concern for others), ý thức xã hội và chính mình (social-awareness and self-awareness), phán đoán và khả năng giải quyết vấn đề.

Cuộc phỏng vấn nầy rất quan trọng, nhà trường sẽ nhận hoặc từ chối sự nhập học của người sinh viên căn cứ trên cuộc phỏng vấn nầy.

IV. Chương Trình Ðại Học Y Khoa.

Khi được nhận vào đại học y khoa, người sinh viên phải trải qua 4 năm học. Sau đây là một thí dụ của bốn năm y khoa lấy từ chương trình của School of Medicine, Virginia Commonwealth University thuộc tiểu bang Virginia. (Chưong trình của các đại học y khoa khác cũng tương tợ, như không hoàn toàn giống vì mỗi trường có chương trình riêng của họ).

1. Năm thứ nhất. (từ giữa tháng tám đến tháng sáu).  Trong năm học đầu, các sinh viên sẽ học về cơ cấu, hoạt động, sự phát triển và tăng trưởng của con người. Các môn học gồm có:

Foundations of Clinical Medicine.

Medical Bioethics.

Population Medicine.

Medical Biochemistry.

Human Genetics.

Gross & Developmental Anatomy.

Physiology.

Histology.

Behavioral Sciences.

Immunology.

Neurosciences.

           2. Năm thứ hai: Trong năm học nầy (từ tháng tám đền cuối tháng năm), sinh viên sẽ học về bệnh lý học trong cách chửa trị các căn bệnh. Các sinh viên đều phải ghi danh học các lớp sau đây:

Foundations of Clinical Medicine.

Medical Bioethics.

Pharmacology.

Pathogenesis.

Microbiology.

Hematology/Oncology.

Endocrine.

Renal.

Respiratory.

Cardiovascular.

Behavioral Sciences II.

Central Nervous System.

Women’s Health.

Gastrointestinal.

Musculoskeletal.

           3. Năm thứ ba: Trong năm học nầy, các sinh viên sẽ được huấn luyện trong các bệnh viện, phải tham gia tập sự (clerkships) các ngành sau đây:

Internal Medicine (12 weeks).

Surgery (8 weeks).

Pediatrics (8 weeks).

OB/GYN (6 weeks).

Psychiatry (6 weeks).

Neurology (4 weeks).

Family Medicine (4 weeks).

4. Năm thứ tư: Ðây là năm tự do lựa chọn (elective year). Trường có 232 lớp để sinh viên chọn lựa (electives). Mỗi lớp kéo dài 4 tuần.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân sinh viên, nhà trường dành cho sinh viên quyền lựa chọn các môn theo sở thích.

Mục đích của chương trình nầy là cho phép sinh viên theo đuổi mục tiêu của mình mà không phải theo một chương trình định sẳn, đồng thời giúp sinh viên chưa có quyết định chọn ngành mình theo đuổi có cơ hội tìm kiếm ngành chuyên môn.

Năm học nầy được chia ra làm 9 kỳ (periods), mổi kỳ kéo dài 4 tuần. Các sinh viên phải luân phiên tại Medical College of Virginia of Fairfax Inova Campus để thực tập, cập nhật hoá các khoa học căn bản và y khoa bệnh viện (Update of Basic Science and Clinical Medicine) và hoàn tất lớp Step 2 Board Reviews.

Ngoài ra, các sinh viên y khoa phải thi kỳ thi giấy phép Hoa Kỳ  cấp 1 ("U. S. Licensing Examination (USMLE) step 1) vào cuối năm thứ 2, trước khi vào học năm thứ 3. Nếu đậu kỳ thi USMLE 1, người sinh viên sẽ được lên học năm thứ tư. Nếu rớt kỳ thi nầy, người sinh viên phải tạm ngưng môn lựa chọn để học thi lại.

Sau khi đậu USMLE1 và học xong năm thứ ba, các sinh viên phải thi USMLE step 2. Các sinh viên phải đậu USMLE 2 mới được ra trường với bằng MD. Các sinh viên không đậu USMLE 2 trong vòng một năm sẽ không được cấp bằng MD và bị trục xuất khỏi trường.

BÁC SĨ TẬP SỰ (Medical Residents).

Sau khi tốt nghiệp với văn bằng MD (Doctor of Medicine), trước khi được phép hành nghề, các sinh viên vừa tốt nghiệp cần phải trải qua một thời kỳ huấn luyện ít nhất 3 năm tại một bệnh viện. Vị bác sĩ tập sự nầy được gọi là "resident", có trách nhiệm đối với bệnh nhân của mình dưới sự giám thị của một bác sĩ thực thụ (senior resident) . Thời gian tập sự (residency) thường kéo dài 3 năm (có lương căn bản khoảng $40,000 đến $50,000/năm). Có một số ngành chuyên môn đòi hỏi phải tập sự đến 8 năm mới có thể được cấp giấy phép hành nghề (to be licensed to practice). Trong thời gian thực tập, người bác sĩ nầy phải thi đậu USMLE Step 3 để được phép hành nghề ở tiểu bang (to be state-certified for practice of medicine)

V. Lời Cuối Cho Sinh Viên và Phụ Huynh.

Cùng các bạn trẻ,

Tuổi trẻ, có rất nhiều người ước mơ trở thành bác sĩ để cứu người. Tuy nhiên, muốn trở thành một bác sĩ người sinh viên phải trải qua một giai đoạn huấn luyện cực nhọc và khó khăn để bảo đảm trong tương lai có thể đãm nhận  trách nhiệm quan trọng của một y sĩ.

Nhiều bạn cố gắng trở thành một bác sĩ vì đây là một nghề cao quý để “cứu nhân độ thế” cũng như được quý trọng trong xã hội (nhất là xã hội VN). Trong chiều hướng đó, thiết tưởng cũng nên nhắc rằng, không phải chỉ làm bác sĩ mới có thể thực hiện được ước mơ trên. Cho nên, bạn cần phải tự hỏi có thật sự mình muốn trở thành một bác sĩ hay không? Là một bác sĩ, bạn phải làm việc rất nhiều giờ và cực khổ, bạn phải đối phó với nhiều bệnh nhân khó tánh, và cuộc sống của bạn sẽ gắn liền với cái sinh tử của người khác. Bạn phải có khả năng bình tỉnh để quyết định trong tình trạng khẩn cấp. Do đó, bạn cần suy nghĩ cận thận trước khi bước vào con đường học vấn dài hạn (ít nhất là 11 năm hậu trung học).

Ðể biết mình phù hợp với nghề bác sĩ y khoa hay không, bạn cần làm những công tác thiện nguyện tại các bệnh viện, các phòng cứu cấp để kinh nghiện những cảnh máu và nước mắt, những quyết định của bác sĩ trong tình trạng nguy ngập, cũng như những cuộc mổ xẻ quan trọng, mệt mỏi và căng thẳng. Chính vì thế, các trường y khoa rất quan tâm đến quá trình công tác thiện nguyện của bạn.

Sau khi trải qua các kinh nghiệm qua các công tác thiện nguyện, nếu bạn vẫn còn theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ, bạn phải cố gắng hết sức mình dù bạn là người rất thông minh, bởi vì có rất nhiều sinh viên khác cũng thông minh như bạn. Hằng năm, hằng chục ngàn sinh viên phải tranh nhau để được nhận vào các đại học y khoa và số sinh viên được nhận nhập học thì có giới hạn.

Như đã đề cập từ đầu, con đường đi để trở thành một bác sĩ y khoa khá dài và đầy gian khổ. Bạn nên biết rằng mức cạnh tranh để được nhận học rất cao (extremely competitive). Thí dụ, Harvard Medical School chỉ nhận 6.9% sinh viên nạp đơn xin học khoá 2014. Nghĩa là, 100 sinh viên nạp đơn xin học, chỉ có khoảng 7 sinh viên được nhận vào khoá 2014. Tỷ số nhận học trung bình hằng năm (average annual acceptance rate) của College of Medicine, University of North Carolina at Chapel Hill là 3%. Các sinh viên được lựa chọn không những phải học giỏi, thông minh mà còn phải được phát triển trên nhiều phương diện (well-rounded). Học giỏi chỉ là một trong những yếu tố cần thiết, nhưng không phải là yếu tố đủ để được chọn vào học ngành y khoa.

Cùng các vị phụ huynh,

Nhiều người trong quý vị ước mơ con mình được trở thành bác sĩ . Tuy nhiên, không phải bất cứ một sinh viên giỏi nào cũng có thể trở thành bác sĩ . Kinh nghiệm cho thấy có một số sinh viên xuất sắc, nhưng không bao giờ được nhận vào các trường y khoa vì lý do "đương sự không thích hợp" với thiên chức y sĩ (biểu lộ qua các cuộc phỏng vấn hoặc luận văn).

Có nhiều cha mẹ nghĩ rằng nếu làm bác sĩ con mình sẽ có nghề nghiệp vững chắc và làm ra tiền để bảo đảm tương lai, cũng như có danh dự trong xã hội. Quan niệm nầy không chính xác vì có nhiều ngành nghề khác cũng giúp cho ta đạt được mục tiêu vừa kể. Nhiều người rất thành đạt với luật khoa (Law) hoặc quản trị kinh doanh (MBA, Master of Business Administration) hay tài chánh (Finance).

Bác sĩ y khoa chỉ thích hợp cho những ai luôn hy sinh bản thân cho người khác. Một bác sĩ ham danh háo lợi là một tệ trạng của xã hội. Và vì thế giới bất toàn, ta vẫn thấy có những thành phần xấu trong giới y khoa. Chính vì thế mà trường y khoa luôn dè dặt trong việc thâu nhận sinh viên.

Tóm lại, các vị phụ huynh chớ nên thất vọng khi con em mình không được nhận học hoặc không tiếp tục theo nghành y khoa. Ðặc biệt là các phụ huynh không nên ép buộc con em. Ép buộc sẽ không có kết quả mà đôi khi gây ra những khó khăn không cần thiết trong gia đình (1).

Hương Saigon.

(06 September, 2010

Chú thích của toà soạn

(1)  Trong cộng đồng Việt Nam đã xẩy ra vụ một người con rất ngoan và học rất giỏi đã bị kết án 6 năm tù vì tội giết mẹ. Người sinh viên này đã nổi giận bóp cổ mẹ chỉ vì bị bà mẹ ép buộc phải học ngành y khoa để trở thành bác sĩ. Đây là một bài học cho các phụ huynh Việt Nam muốn con trở thành bác sĩ.

* * *

GIỚI THIỆU CÁC ĐẠI HỌC

Ở CALIFORNIA.

LN & HS sưu tầm

Ở Hoa Kỳ, mỗi tiểu bang đều có quy định khác nhau, một người không thể biết hết về các trường đại học trên toàn thể nước Mỹ. Dưới đây chỉ là phần giới thiệu sơ lược về các loại trường đại học ở California:

Có 4 loại trường Đại Học:

1. Trương Đại Học Cộng Đồng (Community Colleges).

2. Trường Đại Học thuộc hệ thống Tiểu Bang (California State University (CSU) và trường Đại Học của Tiểu Bang Cali (University of California (UC).

3. Trường Đại Học tư .

I: Các Đại Học Cộng Đồng (Community Colleges).

De Anza College, Cupertino, California

Đây là loại trường Đại Học công lập. Tại Cali có vào khoảng 100 trường Đại Học Cộng Đồng nằm rải rác trên khắp tiểu bang. Có người dịch chữ Community College là trường Cao Đẳng vì cho rằng thời gian học ở trường này chỉ có 2 năm và không có cấp bằng Cử Nhân. Điền này không đúng. Nhiều trường Community College, thời gian học cũng kéo dài 4 năm và cũng có cấp bằng Cử Nhân, nhưng không có cấp bằng Cao Học và Tiến Sĩ.

Học phí vào khoảng từ $3000-$3500 mỗi năm.

Sinh viên muốn vào trường Community Colleges phải tốt nghiệp Trung Học (High School).

Các sinh viên lực chọn vào học tại Community Colleges thường vì những lý do sau:

-  Vì điểm tốt nghiệp High School không đủ cao để vào các trương University.

-  Vì muốn học gần nhà hoặc vì muốn cho đỡ tốn tiền vì học phí ở Community Colleges nhẹ hơn ở University.

-  Vì muốn học lấy chứng chỉ đào tạo nghề để đi làm sớm (Certificate).

- Vì muốn học lấy bằng Đại Học 2 năm (Associate Degrees).

-  Vì muốn đạt điểm cao để chuyển lên học tiếp 2 năm tại các Đại Học danh tiếng.

-  Vì muốn lấy một vài lớp cho đủ tín chỉ theo đòi hỏi của các trường khác hay những nghề nghiệp như học lớp kế toán, hay lớp Anh ngữ.

Các chương trình đào tạo nghề, thời gian học từ 6 tháng đến hai năm. Có hàng trăm ngành nghề được đào tạo ở các trường Community Colleges như y tế, cơ khí, điện, điện tử, kế toán, phụ tá pháp lý (Paralegal) v.v...

Sinh viên muốn nhập học với mục đích chuyển lên University (Đại Học) nên gặp các Cố Vấn (Counsellor) để được hướng dẫn phải học những lớp nào cho phù hợp với chương trình mình muốn theo học.

Học hai năm đầu tại Community College trước khi lên University có mấy điểm lợi sau:

-  Tiết kiệm tiền bạc: Học hai năm tại Community College đó chuyển tiếp lên học nốt hai năm ở University giúp sinh viên tiết kiệm được tiền học phí cho hai năm đầu của bằng Cử Nhân. Không chỉ tiết kiệm học phí, sinh viên còn có thể tiết kiệm được chi phí ăn ở đi lại vì trường Community College thông thường gần nhà.

-  Ưu tiên khi chuyển lên University: Các sinh viên thuộc các trường Community Colleges California được ưu tiên cao nhất trong các ứng viên nộp đơn xin nhập học vào các trường University của tiểu bang Cali. Nhiều trường Community Colleges còn có thỏa thuận riêng với các trường University của tiểu Bang để sinh viên chuyển trường được dễ dàng.

Có 7 trong số 9 trường thuộc hệ thống University of California (UC) có chương trình bảo đảm nhận   sinh viên các trường Community Colleges of California nếu sinh viên thỏa mãn một số điều kiện về các khóa học tham dự ở Community College, gọi là chương trình "Transfer Admission Guarantee" (TAG Program). Mỗi trường University of California (UC) có hợp đồng với một số trường Community Colleges khác nhau tham gia vào chương trình này. UC Berkeley là trường Đại Học có thỏa thuận với nhiều trường Community Colleges nhất. Muốn tham khảo thêm thông tin chi tiết về TAG Program và các trường Community Colleges xin vào website: http://www.universityofcalifornia.edu/admissions/A4T.pdf

Bằng Cử Nhân cho sinh viên chuyển từ Community Colleges lên University không có gì khác biệt với các sinh viên học suốt 4 năm ở University. Nhiều trường University còn thích nhận các sinh viên chuyển từ Community Colleges lên vì họ chỉ cần đào tạo them có 2 năm là đã có them một sôốsinh viên tốt nghiệp Cử Nhân.

Sau đây là các website bạn có thể dùng để tham khảo:

-    Danh sách các trường cao đẳng California:

http://www.community-college.org/california_community_college.html

-    So sánh các trường cao đẳng:

http://www.californiacolleges.edu/Select/CompareView/default.asp

-    Vị trí các trường cao đẳng trên bản đồ:

http://www.cccco.edu/Portals/4/Find/cccco_map_web.pdf.

II. Các Đaị Học có cấp bằng Cử Nhân và Tiến Sĩ.

1/   Trường Đại Học Tiểu Bang Cali: California State University (CSU).

Tại California có 23 trường Đại Học công lập với khoảng tổng cộng 400 ngàn sinh viên và 44 ngàn giảng viên và nhân viên khác. Đây là hệ thống đại học lớn nhất và đa dạng ngành nghề nhất của Mỹ, cung cấp khoảng1.800 chương trình học có cấp bằng. Có 60% giáo viên và 40% kỹ sư ở California tốt nghiệp từ các trường CSU. Khoảng 1/2 các bằng đại học và 1/3 số bằng cao học được cấp hàng năm ở California là của CSU. Cựu sinh viên của CSU ngày nay đã lên đến 2 triệu người.

Học phí vào khoảng từ $7000-$7500 mỗi năm.

CSU có quy chế tuyển sinh cao hơn các trường CSU khác là CSU Poly San Luis Obispo, nó được nằm trong "top 30" của các trường công lập miền tây nước Mỹ. Ngoài ra, ngành kiến trúc của trường này được xếp vào "top 3" của cả nước Mỹ. CSU Long Beach được US News xếp hạng "top 5" trong các trường công lập miền tây nước Mỹ. CSU Poly Pomona là một trong những trường kỹ thuật mạnh nhất nước Mỹ. Một số các trường CSU khác cũng nằm trong "top 30" của các trường công lập miền tây như: CSU Chico, CSU Fullerton, CSU Sacramento, và CSU Los Angeles.

2/   Trường Đại Học Cali: University of California (UC).

Hệ thống đại học công lập UC bao gồm 9 trường, nằm rải rác khắp tiểu bang: Berkeley, Davis, Irvine, Los Angeles, Merced, Riverside, San Diego, Santa Barbara, và Santa Cruz. Các trường có tổng cộng khoảng 200 ngàn sinh viên, 120 ngàn giảng viên và nhân viên khác, và hơn 1, 3 triệu cựu sinh viên. Khác với CSU, hoạt động của UC nhấn mạnh về nghiên cứu và y khoa. UC có thẩm quyền cấp bằng Ph.D. và các bằng tiến sĩ chuyên ngành như luật, y và nha.

Học phí vào khoảng từ $13500-$15000 mỗi năm.

UC Berkeley là trường lớn nhất và lâu đời nhất của hệ thống UC, thành lập từ năm 1868. Và trường trẻ nhất là UC Merced, thành lập từ mùa thu năm 2005. Cả 9 trường đều nhận sinh viên cử nhân lẫn cao học, trừ 2 ngoại lệ: UC San Francisco chỉ đào tạo chuyên ngành y khoa và khoa học y dược, còn trường UC Hastings, cũng ở San Francisco, chỉ đào tạo cao học luật.

UC có nhiều giáo sư được kính trọng trong mọi lãnh vực. Có 6 trường được nằm trong "top 50" của bảng xếp hạng các trường đại học Mỹ của US News. Trong đó, UC Berkely xếp hạng thứ 21, và UC Los Angeles xếp hạng thứ 25. UC Berkeley là trường duy nhất được xếp hạng "top 5" cho tất cả các chương trình Ph.D. Ngoài các chương trình nghiên cứu tiến sĩ nổi bật, UC Berkeley cũng được xếp hạng là trường đào tạo cử nhân hạng nhất trong các trường công lập Mỹ.

UC có trường y ở Davis, Irvine, Los Angeles, San Diego, và San Francisco. UC Los Angeles và UC San Diego vẫn luôn nằm trong "top 15", và UC San Francisco nằm trong "top 5" các trường y ở Mỹ.

Chính sách tuyển dụng của UC nhằm vào sinh viên thuộc "top 12.5%" ở các trường trung học. Tuy nhiên, UC ưu tiên nhiều hơn cho các thường trú nhân của California. Thí dụ, điểm GPA tối thiểu để được nhận vào UC Berkely là 3.00 đối với thường trú nhân, nhưng là 3.40 đối với các sinh viên khác (trong đó có du học sinh).

III. Các trường Đại Học tư thục.

California có 75 trường đại học tư thục, phi lợi nhuận, với tổng cộng khoảng 28 ngàn giảng viên cung cấp một hệ thống chương trình và bằng cấp đủ phong phú để thỏa mãn mọi nhu cầu. Các trường nổi tiếng thế giới như Stanford University, California Institute of Technology, University of Southern California, và trường Pomona College (về khoa học xã hội).

Ngoài các trường trên, các trường Pepperdine University, University of San Diego, Santa Clara University, Chapman University, và Loyola Marymount University cũng được đánh giá cao trong cả nước.

Học phí vào khoảng từ $24500-$25000 mỗi năm.

1/   Stanford University

Stanford University là đại học có khuôn viên liền lạc rộng lớn nhất thế giới, 32 km2, với khoảng 6.700 sinh viên đại học, 8.000 sinh viên sau đại học, và khoảng 1.700 giảng viên. 40% giảng viên thuộc về trường Y, và 1/3 giảng viên thuộc về trường Nhân Văn và Khoa Học. Trường Y của Stanford nhấn mạnh về nghiên cứu, và nằm trong "top 10" trong các trường nghiên cứu y khoa của Mỹ.

Chương trình cử nhân của Stanford được xếp hạng 4 theo US News, và được xếp hạng nhì trong các trường đại học tầm mức quốc tế theo Newsweek. Tiền hiến tặng cho Stanford năm 2006 lên đến 911 triệu USD, cao nhất trong tất cả các đại học Mỹ.

Một trường nổi tiếng, giàu có, với số chỗ rất hạn chế, Stanford nằm trong số những đại học khó chen chân vào nhất nước Mỹ. Tỉ lệ được nhận vào học cử nhân ở Stanford là khoảng 10,8%, tỉ lệ ứng viên được nhận vào trường luật là 7,7%, trường y là 3,3%, và trường kinh doanh là 10%, nằm trong số những tỉ lệ thấp nhất nước Mỹ.

2/   California Institute of Technology (Caltech).

Caltech là một trường nhỏ chuyên về nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Caltech vận hành cho NASA phòng lab Jet Propulsion, một hệ thống phức hợp dùng để theo dõi và quản lý hầu hết các thiết bị thăm dò không gian của NASA. Nổi tiếng thế giới, nhưng có phạm vi nhỏ 2.100 sinh viên, Caltech rất chọn lọc trong việc tuyển sinh. Caltech được xếp hạng thứ 5 trong các trường đại học ở Mỹ theo US News, ngay sau Stanford. Caltech có 6 khoa: Sinh vật học, Hoá học và kỹ thuật hóa, Kỹ thuật và khoa học áp dụng, Khoa học địa chất, Khoa học xã hội và nhân văn, và Vật lý, toán, và thiên văn.

3/   University of Southern California (USC).

University of Southern California là đại học tư thục nghiên cứu lâu đời nhất ở California được thành lập từ năm 1880. USC tọa lạc ngay trung tâm thành phố Los Angeles, vốn được mệnh danh là thành phố quốc tế. USC có đội ngũ sinh viên đa dạng nhất nhất nước Mỹ, đến từ khắp 50 tiểu bang và 115 quốc gia khác. USC có các chương trình học rất đa dạng: trường Quan hệ quốc tế, trường Điện ảnh, trường Âm nhạc, trường Kế toán (hạng 5 theo US News), trường Kinh doanh (hạng 9), trường luật (hạng 16), trường Dược (hạng 18), và trường Kỹ thuật (hạng 31).

4/   Pomona College

Pomona College được xếp hạng 7 trong các trường khoa học xã hội theo US News và là lựa chọn rất đáng quan tâm cho những sinh viên muốn theo đuổi các ngành khoa học xã hội.

Trên đây là sơ lược về hệ thống đại học ở California. Học phí không được đề cập vì mỗi trường có mức học phí khác nhau và có thể thay đổi theo từng năm. Nếu có bạn nào có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này xin đóng góp ý kiến. Nhưng tôi có thể đưa ra một ước chừng cho một mùa học khoảng 4 tháng (12 semester units) cho một du học sinh bao gồm tiền học, bảo hiểm y tế, và sách vở. Với tốc độ 12 semester units một mùa học, sinh viên phải mất khoảng 10 mùa (5 năm) để hoàn tất chương trình cử nhân.

IV. Top 100 Colleges and Universities.

Sau đây là một bảng xếp hạng khác, xin post lên để đọc giả so sánh.

Rank Name of University Country

1   Harvard University USA

2   University of Oxford UK

3   University of Cambridge UK

4   Stanford University USA

5   Massachusetts Institute of Technology USA

6   University of California, Berkeley USA

7   California Institute of Technology USA

8   Princeton University USA

9   Yale University USA

10  University of Chicago USA

11 Columbia University USA

12 University of California, San Diego USA

13 Cornell University USA

14 University of California, Los Angeles USA

15 University Pennsylvania USA

16 University of Wisconsin, Madison USA

17 University of Washington, Seattle USA

18 Tokyo University Japan

19 University of California, S. Francisco USA

20  University of Michigan, Ann Arbor USA

21 Kyoto University Japan

22  Imperial College London UK

23 Johns Hopkins University USA

24 University of Toronto Canada

25 University College London UK

26  University of Illinois, Urbana-Champaign USA

27  Swiss Federal Ins. of Technology, Zurich Switzerland

28 Washington Uni. St. Louis USA

29 New York University USA

30 Duke University USA

31 University of Minnesota, Twin Cities USA

32 Northwestern University USA

33 Rockefeller University USA

34 University of Colorado, Boulder USA

35 University of California, Santa Barbara USA

36 University of British Columbia Canada

37 University of Maryland, College Park USA

38 Utrecht University Netherlands

39 University of Texas, Austin USA

40  Uni. of Texas Southwestern Medical Center USA

41  Pennsylvania State University, Uni. Park USA

42  University of California, Davis USA

43 Vanderbilt University USA

44 University of California, Irvine USA

45 University of Paris 06 France

46 University of Pittsburgh, Pittsburgh USA

47 University of Southern Ca. USA

48  Rutgers State University, New Brunswick USA

49 University of Manchester UK

50 Karolinska Institute, Stockholm Sweden

51 University of Munich Germany

52 Technical University of Munich Germany

53 University of Florida USA

54 University of Edinburgh UK

55 Australian National University Australia

56 Carnegie Mellon University USA

57 University of Copenhagen Denmark

58 University of Zurich Switzerland

59 Hebrew University, Jerusalem Israel

60 Osaka University Japan

61 McGill University Canada

62 University of Bristol UK

63  University of North Carolina, Chapel Hill USA

64 Uppsala University Sweden

65 Ohio State University, Columbus USA

66 University of Paris 11 France

67 University of Sheffield UK

68 University of Heidelberg Germany

69 University of Oslo Norway

70 Case Western Reserve University USA

71 Moscow State University Russia

72 University of Leiden Netherlands

73 Purdue University, West Lafayette USA

74 University of Helsinki Finland

75 University of Rochester USA

76 University of Melbourne Australia

77 Tohoku University Japan

78 University of Nottingham UK

79 University of Arizona USA

80 Michigan State University USA

81 King's College London UK

82 Boston University USA

83 University of Basel Switzerland

84 Stockholm University Sweden

85 Brown University USA

86 University of Goettingen Germany

87 Rice University USA

88 Texas A&M University, College Station USA

89 Tokyo Institute of Technology Japan

90 University of Birmingham UK

91 University of Utah USA

92 University of Freiburg Germany

93 McMaster University Canada

94 Nagoya University Japan

95 University of Iowa USA

96 University of Strasbourg 1 France

97 Ecole Normale Super Paris France

98 Indiana University, Bloomington USA

99 Arizona State University, Tempe USA

100 University of Rome La Sapienza Italy

* * *

BÁC SĨ,

MÀ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC!

Huy Phương

Chỉ vì người mẹ muốn ép con trở thành một bác sĩ, một tấn thảm kịch đã xẩy ra trong một gia đình người Việt ở Cali, khi đứa con trong một giây phút quẫn bức đã bóp cổ người mẹ yêu thương của mình. Người mẹ với ý muốn cho con mình sau này là một bác sĩ đã không còn nữa, và đứa con có thể trở thành một người tù chung thân với nỗi ân hận dày vò khôn nguôi.

Biết bao nhiêu bậc cha mẹ Việt Nam đã muốn cho con mình trở thành bác sĩ, và chỉ là bác sĩ mà không là gì khác. Từ ước muốn, hướng dẫn, chỉ đường, đến răn đe, gây áp lực, giận dỗi và trách móc, phải nói là đa số cha mẹ người Việt chúng ta mang bệnh sùng bái địa vị này và mong muốn cho con cái trở thành một bác sĩ. Chuyện này không chỉ mới xẩy ra lần đầu trong xã hội Việt Nam cũ kỹ thói đời và bám víu hư danh. Trước đây, đã có những đứa con tự tử vì không chịu nỗi sức ép từ cha mẹ bắt con phải học hành và chọn nghề nghiệp theo ý muốn của mình.

Một người cha trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có con vừa tốt nghiệp bác sĩ y khoa, và sợ không ai biết đến vinh dự này, để khoe danh, ông chỉ còn cách đăng một cột báo chúc mừng chính con ông. Cũng cách đây hai năm, trên đài SBTN, trong mục Tử Vi hàng tuần, một khán giả đã gọi vào. Câu hỏi của vị này là con trai ông sinh vào giờ này, ngày này, năm này, về sau khi lớn lên có học bác sĩ được không? Xin nói thêm là lúc đó cậu con trai mới ba tuổi rưỡi.

Bác sĩ là gì mà người ta ham muốn đến mức cuồng nhiệt như thế.

Nghề thầy thuốc mà ta thường gọi là thày lang dưới thời phong kiến xa xưa là nghề cứu nhân độ thế và dân chúng cũng chỉ gọi là Thầy, nghề Thầy Lang là ghề gia truyền, hay dược truyền dạy giới hạn, cũng cao quý như Thầy Dạy Học, và bệnh nhân đền đáp ơn Thầy bằng tình nghiã, lấy lễ vật mà tạ ơn Thầy. Đến thời Pháp thuộc, đem văn minh đến cho dân bản xứ, người Pháp mở bệnh viện Tây Y, đào tạo bác sĩ y khoa, con số bác sĩ lúc bấy giờ rất hiếm hoi, một số được du học từ Pháp, một số được đào tạo tại chỗ như trường Y sĩ Đông Dương, Hà Nội. Vì trường dạy bằng tiếng Pháp, việc học tốn kém nên chỉ có con nhà giàu hay con cái quan chức thuộc địa mới có thể trở thành bác sĩ. Thời đó, một bệnh viện tỉnh may ra mới có một bác sĩ, được trọng nể, quyền hạn tối đa và người dân thường gọi là Quan Đốc. Tâm lý của bệnh nhân, nhất là trong giới bình dân, ít học, gặp trường hợp thân nhân đau ốm nặng, nguy hiểm, “thập tử nhất sinh” sinh ra tâm lý cầu khẩn, kêu nài, van xin cứu mạng mà không nghĩ đó là bổn phận của người thầy thuốc ăn lương nhà nước. Tâm lý của bệnh nhân và sự ưu đãi của chính quyền dần dần đưa đến chỗ người bác sĩ coi bản thân mình là quan trọng, quyền uy, dù cả chục năm sau, ngay thời chúng ta đã thoát nô lệ, thành lập nền dân chủ. Người ta kể chuyện trong một đơn vị quân đội, một bác sĩ trưng tập mang cấp bậc trung uý, khi một người lính đến xin chữa bệnh, đã vô tình gọi ông là “Trung Úy” mà không gọi là “Bác Sĩ”, đã phán rằng: “Anh về kêu ông Trung Uý Đại Đội Trưởng của anh chữa bệnh cho anh đi!”

Xã hội Việt Nam dưới hai thời Cộng Hoà cho đến khi di cư ra nước ngoài cho đến bây giờ vẫn còn quá nhiều gia đình trọng vọng, cho bác sĩ là giới thượng lưu trí thức (kể cả việc kiếm nhiều tiền), nên theo lề thói này, cha mẹ hãnh diện có con ra trường bác sĩ, mỹ nhân cũng mơ ước có chồng bác sĩ, bác sĩ là “top ten” trong nấc thang danh vọng và địa vị trong xã hội. Đó là quan niệm của một xã hội đã quá cũ, có thể nói là cổ hũ của những người lớn tuổi có thể hiện nay không còn thích hợp với trào lưu mới và khác với quan niệm của lớp trẻ lớn lên tại hải ngoại hiện nay. Để trở thành một Y Khoa Bác Sĩ, ngoài sự thôi thúc, ép buộc của cha mẹ, các vị bác sĩ tương lai phải trải qua nhiều thử thách hy sinh, và chịu đựng lớn lao mà ngay cả cha mẹ cũng khó thông cảm vả hiểu cho con, đó là chưa nói đến số tiền nợ vay khổng lồ thường lên đến nhiều trăm nghìn đô la mà sau khi tốt nghiệp họ phải hoàn trả.

Trong bài này chúng tôi chỉ nói đến những bác sĩ tốt nghiệp từ các Đại Học Mỹ. Về khả năng học vấn, muốn học y khoa, sinh viên phải tốt nghiệp Cử Nhân (B.S.) ngành sinh học (Biology) mất 4 năm+ 4năm tại một trường y khoa + 4 đến 8 năm cho chương trình bác sĩ nội trú (residency), tuỳ theo ngành chuyên khoa (specialty). Thời gian nội trú là thời gian làm việc hầu như không công cho bệnh viện. Họ được trả lương, trung bình 45,000/năm, nhưng phài làm việc  từ 80-120 giờ mỗi tuần. Bác sĩ nội trú làm việc rất căng thẳng, nhiều khi thiếu ngủ. Sớm lắm một bác sĩ ra trường cũng đã đến tuổi 32. Một thời gian dài vùi mình vào sách đèn, tốn kém, căng thẳng, gần như đốt hết tuổi thanh xuân.        

Sinh viên phải có điểm trung bình GPA (Grade Point Average) từ 3.0 trở lên, là một trong những yếu tố cạnh tranh gay gắt lúc nạp đơn xin nhận vào trường Y. Muốn được nhận vào học, ứng viên phải có điểm MCAT (Medical College Admission Testing) thật cao vì chỗ học có giới hạn tuỳ theo trường. Nếu muốn chọn những trường danh tiếng (và học phí cao) như Harvard, John Hopkins, Princeton, University of Pennsylvania, v.v. ứng viên phải thật xuất sắc về mọi phương diện: Điểm GPA cao, điểm MCAT cao, thu giới thiệu (recommendations) của giáo sư hay những nhân vật kiệt xuất trong ngành Y có tính thuyết phục, bài luận văn (essay)  tạo được ấn tượng nơi người đọc (các viên chức đảm trách việc xét đơn), ứng viên còn phải chứng minh tiềm năng và khả năng  của mình qua  một cuộc phỏng vấn (oral interview) gay go.

Yếu tố tài chánh cũng rất quan trọng: Khi chọn trường để nạp đơn, ứng viên phải có một số tiền lên đến hàng ngàn dollars: tiền nạp đơn (application fees), cho nhiều trường Y (từ 5 đến 7 trường) để chờ được phỏng vấn, chưa nói đến chi phí di chuyển và ăn ở trong vòng từ 3 đến 5 ngày cho mỗi nơi được gọi. Học Y ở giai đoạn này cần một số tiền lớn để trả học phí từ 25,000 đến 50,000/năm, tiền chi tiêu (nhà ở, ăn uống, tiêu vặt) và tiền mua sách. Tiền sách không phải là nhỏ, có khi còn tốn kém hơn cả tiền ăn tiêu là khác! Vì thế mà sinh viên Y Khoa trông cậy vào Student loan, và sẽ nhắm mắt ký giấy vay nợ không một chút ngần ngại. Số tiền vay nợ này lên đến hàng trăm nghìn dollars. Ngay sau khi ra trường sinh viên phải hoàn trả số tiền nợ này cho đến hết.

Cuộc đời bác sĩ bắt đầu bằng những khó khăn khác, trước hết, phải hành nghề để có tiền trang trải món nợ khổng lồ họ vay mượn trong thời gian theo học. Có người chọn giải pháp hành nghề cho chính phủ trong một thời gian nhất định ở vùng xa xôi như Alaska chẳng hạn để được xoá nợ. Điều này có nghĩa là phải sống nhiều năm ở những nơi hẻo lánh, xa gia đình. Có một số khác may mắn hơn, được tuyển phục vụ cho quân đội để được xoá nợ hay giảm nợ. Phần còn lại hành nghề trong các bệnh viện, các tổ hợp bác sĩ hay mở phòng mạch riêng của mình. Và áp lực của việc hành nghề, mức thu nhập  và việc trang trải nợ nần, chính là mối quan tâm hàng  đầu của một bác sĩ y khoa. Chi phí bảo hiểm hành nghề (malpractice insurance) ngày càng cao chất ngất vì hậu quả của những vụ kiện bác sĩ cùng với số tiền bồi thường lên đến hàng triệu hoặc chục triệu dollars mỗi vụ, các công ty bảo hiểm không ngần ngại tăng tiền bảo hiểm. Có những ngành chuyên môn như sản phụ khoa (obstetrics-gynecology) bị ảnh hưởng nặng nề. Trong thập niên 1980-1990, nhiều bác sĩ sản phụ khoa đã phải bỏ nghề chuyên môn của mình chỉ vì không thể đóng nổi số tiền bảo hiểm! Áp lực làm ra tiền để trang trải nợ nần chi phí có lúc đã đẩy đưa các bác sĩ y khoa vào con đường phạm pháp: gian lận medicare, gian lận bảo hiểm, bán toa thuốc, đã xẩy ra trong cộng đồng. Rất may đây cũng chỉ là một số ít, nhưng cũng đã nói lên được mặt bên kia của đồng tiền!

Nhiều bậc cha mẹ đã không hiểu con, trước hết là quan điểm sống và những ghề nghiệp phù hợp với mỗi con người. Có cha mẹ bắt con học y khoa nhưng con sợ máu và sợ tử thi. Con cái có thể chọn nghề mà chúng thích chứ không phải nghề hái ra tiền theo quan niệm quá xưa của cha mẹ. Cái danh mà cha mẹ bắt con phải đạt đến không phải là cái tuổi trẻ ngày nay trong xã hội này đi tìm. Cha mẹ không hiểu tâm tính, nguyện vọng của con cái và ngược lại, đó là một trong những nguyên nhân tạo nên tấn bi kịch của gia đình. Phụ huynh ép con theo quan niệm của mình thì than thở rằng: xã hội, thời đại mới thay đổi, con cái phá hỏng truyền thống đạo đức, thành luỹ gia đình.

Trong khi đó, các bạn trẻ thì thấy mình bị đè nén, bị hy sinh, bị tước mất tự do định đoạt cho đời mình và cần phải phản kháng. Phản kháng nào cũng gây nên thảm kịch.

Chúng tôi cũng biết rằng những bậc cha mẹ ép con phải học để trở thành bác sĩ cũng chỉ vì lo cho tương lai của con, mặc dù con đường đi đến tương lai không phải chỉ là một con đường duy nhất. Cha mẹ cũng không phải để cậy nhờ lúc con thành tài, mà chỉ vì cái danh “bác sĩ” đã nhiều năm trong xã hội Việt Nam, tích luỹ thành một thứ hào quang, để hãnh diện, ganh đua, thôi thúc con cái đi theo con đường của mình mà quên mất bản sắc, cá tính cũng như những nguyện vọng của con là những người mà họ hết lòng thương yêu, lo lắng.

Thế hệ xưa cũ và những quan niệm lệch hướng của thời chúng ta đã qua rồi, nên để cho con cái của chúng ta quyết định lấy cuộc đời theo sở nguyện của chúng. Trở thành một bác sĩ y khoa, hay không, đâu phải là cái gì ghê gớm lắm cho một đời người.

* * *

 THẤT TRẢM SỚ:

Ban Biên Tập sưu tầm.

Ngày nay khi nhắc đến thầy Chu Văn An, chúng ta thường liên tưởng tới "Thất trảm sớ" với nội dung xin chém 7 nịnh thần. Đây là một tờ sớ mang dấu ấn lịch sử rất quan trọng, người xưa chỉ nghe tiếng "Thất trảm sớ" thôi là đã ca ngợi rồi, nhà sử học Lê Tung (thế kỷ XV) viết:

"Thất trảm chi sớ nghĩa động quỷ thần",

Danh sĩ Nguyễn Văn Lý (thế kỷ XX) có thơ:

"Thất trảm vô vi tồn quốc luận,

Cô vân tuy viễn tự thân tâm".

Nghĩa là:

“Thất trảm sớ không thi hành, cả nước bàn luận.

Đám mây xa lẻ loi vẫn tự có tinh thần trong lòng”.

Rất tiếc cho đến nay nội dung tờ sớ đó không ai biết, có thể lúc đó bọn gian thần đã hủy đi để bịt miệng dư luận hoặc ai đó hủy đi để bảo vệ ông cũng nên. Còn vua Dụ Tông thì hoảng sợ, không đủ quyền lực để ra tay.

Về lịch sử, nhà Trần trải qua 12 đời vua, từ vua đầu tiên Trần Thái Tông năm 1225, đến vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế năm 1400. Như vậy nhà Trần kéo dài được 175 năm. Sau đó vào năm 1400 bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Cụ Chu Văn An sinh ra vào thời vua thứ 6 của nhà Trần, tức vua Trần Minh Tông, trải qua đời vua Trần Dụ Tông, và mất vào đời vua thứ 8 của nhà Trần, tức vua Trần Nghệ Tông, năm 1370.

Nơi đây, cụ Chu Văn An đã mở lớp dậy học.

Thời vua Trần Dụ Tông là thời kỳ bắt đầu suy sụp của nhà Trần, và cũng là khi cụ Chu Văn An dâng Sớ xin vua Trần Dụ Tông chém 7 tên gian thần, để mong cứu vãn nhà Trần. Trong chính sử, không ghi nhưng một số tài liệu thuộc về huyền sử lại thấy nói đến như sau:

Theo cuốn "Vương triều sụp đổ", tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, NXB Phụ nữ - 2006, thì bảy tên gian thần bị Chu Văn An xin nhà vua xử trảm, tên tuổi như sau:

 1. Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ, đã lạm dụng chức quyền bắt về vô số con gái nhà lương dân. Để nhiều người chết trẻ, chết già vì mòn mỏi trong cung thất; lại bày ra các trò dâm ô trác táng dẫn Hoàng thượng vào con đường vô đạo.

2. Trâu Canh, viên ngự y phạm tội làm cho Hoàng thượng liệt dương từ năm 3 tuổi, lại bày trò phục dương cho bề trên khi 15 tuổi. Y đã bắt cóc 21 đứa trẻ khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương của quan gia. Rồi y bày trò cho quan gia thông dâm với chị ruột mình, nói là phương thuốc chữa trị.

Trong khi chữa trị cho quan gia, y lại thông dâm với cung nhân của chính quan gia. Trâu Canh là người Hán, cháu nội Trâu Tôn đi theo quân nhà Nguyên vào xâm lược Đại Việt, năm Ất Dậu (1285) thất trận bị quân Đại Việt bắt, y đã xin hàng, lại xin được cư trú. Nay Trâu Canh lộng hành, dẫn dắt đức vua vào con đường thương luân bại lý.

 3. Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự. Y bày trò cờ bạc rượu chè dơ dáy ngay trong cung thất, dẫn đức vua vào mê lộ, bê tha như đám dân đen ngu muội.

4. Văn Hiến hầu can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, ngờ vực lẫn nhau, làm cho đức vua khó phân biệt người ngay kẻ nịnh.

5. Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương, xảo trá, dẫn vua vào con đường ăn chơi xa xỉ, tới cạn kiệt quốc khố.

 6. Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa với Nguyễn Thanh Lương tìm đủ mọi cách tăng thu thuế khóa, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có, để bòn rút của dân, lấy tiền chi vào các cuộc ăn chơi trác táng của hoàng thượng. Kể cả những năm mất mùa đói kém, dân chết đói đầy đường, chúng cũng không tha giảm.

 7. Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự, bòn rút khẩu phần của lính, các đồ binh khí đã cũ hỏng vẫn không chịu thay thế, để lấy tiền công bỏ túi. Y sao nhãng việc luyện tập canh phòng biên cương phía Bắc, phía Nam gần như bỏ ngỏ. Hiện thời Chiêm Thành đang ráo riết nhòm ngó miền châu Hóa.

 Điều tệ hại đáng nói nhất là, lũ gian thần này mượn danh Hoàng thượng để làm các việc, mà nhìn bề ngoài thiên hạ cứ ngỡ là chúng làm vì Hoàng thượng. Nhưng kỳ thực, các khoản chi tiêu cho Hoàng thượng chỉ một phần, còn vào túi chúng tới chín phần.

Để giữ nghiêm phép nước, nối dòng đại thống từ Thái tông cao hoàng đế tới nay, xin bệ hạ cho chém đầu bảy tên gian thần trên, và tịch thu sản nghiệp của chúng, sung quốc khố, để làm gương răn đe kẻ khác".

Có lẽ đây cũng là dư luận thôi nhưng xem ra điều "giải mã này thật thú vị". Điều quý hơn hết là dân ta đã một lòng ca ngợi và xem thầy như sao Đấu, sao Khuê, Cao Bá Quát cũng từng viết,

Thất trảm yêu ma phải rợn long.

Trời đất soi chung vầng hào khí.

Nước non còn mãi nếp cao phong...

 * * *

GIÁO SƯ

NGUYỄN GIA TƯỜNG

Lê Duy San, CVA59

Giáo sư Nguyễn Gia Tường sinh năm 1896 tại Hà Nội, Việt Nam trong một gia đình nho giáo và đông con. Ông có hai người em trai là Họa sĩ sơn mài Nguyễn Gia Trí và Kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức, người đã thiết kế, tái tạo tại Thủ Đức ngôi Chùa Một Cột.

Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội, thời Pháp gọi là Ecole Normale Supérieure và làm giáo sư trường Bưởi, Hà Nội, lúc đó gọi là Lycée du Protectorat. Ông dạy môn Vạn Vật (Sciences naturelles). Niên khoá 1945-1946, Trường Bưởi được đổi tên thành trường Trung Học Chu Văn An và ông được cử làm Hiệu Trưởng. Trong thời gian làm Hiệu Trưởng, ông được học trò rất qúy mến và kính trọng.

GS Nguyễn Gia Tường, người đeo kính .

Ông có tinh thần yêu nước rất cao. Thời kỳ sôi động chính trị tại Hà Nội những năm 1945-1946, ông là một trong những trí thức đã sớm nhìn thấy bộ mặt Cộng Sản độc tài của nhóm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu ... Ông tham gia Phong Trào Ngũ Xã, có trụ sở tại « Khu Tự trị Ngũ Xã », bên Hồ Trúc Bạch Hà Nội, qui tụ những người quốc gia không chấp nhận Tổ chức Việt Minh do Hồ Chí Minh và nhóm CSVN thao túng. Vì thế ông bị Việt Minh chú ý. Bọn chúng sợ để thày làm Hiệu Trưởng lâu, nhóm Ngũ Xá của thầy có cơ hội bành trướng lớn, nên có ý đồ thay thế thầy. Chúng gửi giấy cho gọi thầy tới Nha Tổng Giám Đốc Công An Hà Nội, nằm trên đường Gambetta, sau đối là đường Trần Hưng Đạo, gần ga Hàng Cỏ, để “làm việc” tức điều tra. Thời đó bị Công an Việt Minh mời tới để “làm việc” là có thể bị giam giữ và thủ tiêu.

Thầy Tường biết Việt Minh muốn kiếm cớ bắt mình nên trước khi thầy đi, thày tụ tập các học sinh ở sân trường để từ giã. Thầy giơ cao tấm giấy mời của Công An cho mọi người biết là thầy phải tới trình diện Công An. Anh Phạm Ngọc Toả và anh Trần Tấn Thái, cựu học sinh Chu Văn An thời đó cho biết thày Nguyễn Tường Lân, giáo sư dậy vẽ nói với các học sinh rằng: “Ai muốn theo thày Tường lên công an hỏi cho ra lẽ thì đứng sang 1 bên. Lúc đầu nhiều người còn nhút nhát và sợ sệt, chỉ có một vài chục học sinh, sau số học sinh theo thầy càng lúc càng đông lên đến mấy trăm người. Các học sinh xếp hàng thứ tự dưới sự hướng dẫn của anh Luận có hỗn danh là Luận Thọt vì anh bị thọt chân, đi theo thầy giống như một cuộc biểu tình. Khi tới trước trụ sở Công An, Việt Minh sợ qúa đóng chặt cửa, chiã súng ra ngoài dọa nạt và bắt phải sang bên kia đường đứng và chỉ cho phép anh Luận và một anh nữa đi theo thày Tường sang gặp họ. Thầy Tường giơ cao tấm giấy mời nói:

- Các ông cho mời tôi tới, sao không mở cửa cho chúng tôi vào ?

Bọn Công An trả lời:

- Chúng tôi chỉ mời mình cụ, thì chỉ mình cụ vào được thôi. Các học sinh phải ở ngoài. Thầy Tường trả lời:

- Các em học sinh đây theo tôi chỉ muốn biết rõ chuyện gì sẽ xẩy ra cho tôi mà thôi. Nếu các ông không dám cho vào thì các ông muốn hỏi gì tôi thì ra đây mà hỏi.

Bọn Công An Việt Minh vào trình với ban Giám Đốc. Bàn tán hồi lâu nhưng rồi cũng chỉ cho phép mình thày Tường vào mà thôi. Anh em học sinh không chịu, nhất định theo thày để được bị giam chung với thày, nếu thày bị giam.

Sau mấy tiếng bàn bạc, chúng phải nhượng bộ và cho người ra trả lời:

- Cụ không vào thì thôi, mời cụ về.

Các học sinh Chu Văn An reo hò thắng lợi. Thầy Tường lại dẫn đầu đám học sinh trở về trường. Nhưng ít lâu sau đó, chúng đã cử thầy Dương Quảng Hàm lên thay thế.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào đêm 19/12/1946, Giáo sư và gia đình bị kẹt lại tại Hà Nội và không tản cư được ra hậu phương. Nhưng đây có lẽ cũng là điều may mắn cho ông và gia đình vì nhờ vậy mà ông đã không bị Việt Minh hãm hại. Thời gian khoảng 1948-1954, ông là giáo sư tại trường Trung Học Tư thục Dũng Lạc Hà Nội. Sau 1954 di cư vào Nam, ông dạy tại trường Sư phạm Sài Gòn, môn Luân lý Chức nghiệp, cho đến khi hồi hưu.

Đầu thập niên 1980, Giáo sư Nguyễn Gia Tường được người con trai trưởng định cư tại Hayward (California, Hoa Kỳ) đón sang đoàn tụ gia đình. Năm 1986, ông qua đời tại đây, hưởng thọ 90 tuổi. Vào thời điểm này, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Bắc Cali chưa được thành lập; nên không có cơ hội để đón tiếp một vị thày đáng kính và cũng là một vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Trung Học Chu Văn An.

 * * *

Tình Thu 

Phùng Ngọc Sa

 Bây giờ đã vào Thu, khí trời thay đổi, lòng người do đó cũng có phần đổi thay. Nhớ buổi nào hãy còn là những ngày hè nắng rực, cây lá xanh tươi, trăm hoa khoe sắc.Con người vì thế cảm thấy vui tươi năng động. Giờ thì Thu đã tới, rừng cây với đầy lá vàng bao phủ; thỉnh thoảng lại có một vài làn gió lành lạnh hây hây thổi vỗ nhẹ vào má khiến tâm hồn ta cảm thấy lâng lâng và mơ mộng. Tha nhân do ảnh hưởng của ngoại cảnh nên có những nỗi buồn vẩn vơ man mác.

So với các tiết quanh năm thì mùa Thu quả thật chẳng có gì vui, Thu thiếu hẳn cái tươi thắm của Xuân; không rực rỡ như Hè; trời Thu lại ảm đạm; trăng Thu nhạt và tình Thu thì chao ôi! Buồn ơi Thu vẫn cô đơn là buồn. Và, có lẽ không còn nổi buồn nào da diết bằng giữa đất khách quê người, một mình ngồi trong căn phòng vắng lạnh, vừa độc ẩm vừa thưởng thức những điệu tình buồn tỉ: Mùa Thu Paris của Phạm Duy, Em ra đi mùa Thu của Phạm Trọng, Thu Sầu của Lam Phương, đặc biệt khi được lắng nghe tiếng ca vượt thời gian của nữ ca sĩ Thái Thanh qua nhạc bản Buồn Tàn Thu của Văn Cao thì cảm thấy tâm hồn lắng đọng, lòng lại tự hỏi lòng rồi kêu trời! Ôi! Sao cái buồn ở xứ người nó lại quá thấm thía và ghê rợn đến thế.

Thu quả thật là buồn, ấy vậy mà lắm văn nhân thi si, đặc biệt với những ai vốn chịu ảnh hưởng văn chương lãng mạn của Pháp, họ thường đua nhau ca tụng mùa Thu. Nhiều áng văn, lắm bài thơ trữ tình bất hủ xuất phát từ nguồn cảm hứng về Thu mà sáng tác và được nhiệt liệt ngợi khen.

Có lẻ Thu sở dĩ được ca tụng vì trong bốn mùa quanh năm nó là một mùa mà cảnh vật có nhiều đổi thay nhất. Cũng vì nguyên nhân đó khiến mùa Thu đã gây nhiều xúc cảm. Niềm cảm xúc đó chính là sự chia ly, xa cách, khắc khoải và trông chờ. Thế nên khi diễn tả về Thu, thi nhân thường cho đó là mùa đau thương nhung nhớ. Và khi đã nói đến Thu mà không bàn đến chuyện thi ca thì quả thật đó là một điều thiếu sót quá lớn. Vậy quý độc giả hãy thử xem, từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây, chúng ta thấy thi nhân đã diễn tả nỗi niềm nhung nhớ về Thu như thế nào.

Thu, theo nữ sĩ Tương Phố bà viết, Thu là tất cả và ở khắp nơi. Nó từ màu trời, màu đất, nhiều màu thuộc cỏ cây hoa lá, và nó ở ngay trong lòng người. Vì vậy trong bài "Giọt lệ thu", nữ sĩ  đã viết:

Trời Thu ảm đạm một màu Gió Thu hiu hắt thêm sầu lòng em Trăng Thu bóng ngả bên thềm

Tình Thu ai để duyên em bẽ bàng.

Một bài khác, khóc vì cảnh tử biệt chồng, nữ sĩ đã dùng đến cảnh thê lương ảm đạm của mùaThu nức nở viết:

Anh ơi! Thu về như gợi nhớ mối thương tâm Mỗi độ Thu sang em lại võ lòng than khóc Mỗi năm có một lần Thu Như Thu năm nay đi, năm sau còn trở lại Hỏi, ba năm hương lửa Thì ái ân kia dễ mấy kiếp hẹn hò nhau Chẳng hay cơ trời dâu bể vì đâu? Xui nên chăn gối vừa êm Sắt cầm dìu dặt ngón đàn Bỗng ai xô lộn Bình tan gương vỡ

Cho người lỡ duyên.

Trong "Đoạn Trường Tân thanh" , mặc dù mối tình giữa nàng Kiều và Thúc Sinh, một chàng trai sợ vợ xem ra chẳng có gì là mặn nồng và say đắm cho lắm. Tuy nhiên, cụ Nguyễn Du vẫn thi vị hóa cảnh chia tay bằng cách lấy cái buồn man mác của Thu làm bối cảnh để tả cuộc chia ly của hai người:

Người lên ngựa, kẻ chia bào Rừng phong Thu đã nhuộm màu quan san Đạm hồng bụi chốn chinh an Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh Người về chiếc bóng năm canh Kẻ đi muôn dặm một mình xa xuôi Vừng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa in dậm trường.

Tả cảnh biệt ly và nhắc đến sự chia tay thì bao giờ cũng thấy có sự buồn thảm. Thử gợi lại cảnh chia tay giữa chinh nhân và hiền nội trong "Chinh phụ ngâm", tuy sắc thái của Thu chỉ phảng phất và bàng bạt đâu đó, tuy nhiên tác giả cũng vận dụng ý Thu để nói cho ta biết, khi chàng ra đi, thì chim oanh chưa về, hoa mai chưa nở, nhưng trời Thu vẫn là nhân chứng của sự chia ly và cảnh tiễn đưa một chén quan hà vì thế thi nhân đã viết:

Thuở lâm hành (lúc ra đi) oanh chưa bén liễu Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca Nay quyên đã giục oanh già Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo Thuở đăng độ mai chưa dạn gió Hỏi ngày về chỉ độ đào bông Nay đào đã quyến gió đông

Phù dung lại nở trên sông bơ phờ.

Một đoạn khác trong "Chinh Phụ Ngâm", thi nhân lại sử dụng hoa cúc vàng, một loại hoa nở vào mùa Thu đễ diễn tả nổi niềm nhung nhớ khắc khoải của cảnh chia ly:

Xót người nương chốn hoàng hoa dậm dài.

Xót người lần lữa ải xa

 Một tiểu đoạn trong "Cung Oán Ngâm Khúc", dù tác giả không nói đến cảnh bẽ bàng chia ly của đôi lứa như ở "Chinh Phụ Ngâm" diễn tả những tình tiết về chàng, vì nghĩa vụ nhẹ bước chinh yên, còn nàng thì ở tại nhà chờ trông ngày về. Trái lại những vần thơ trong bài Cung Oán lại chỉ tả người cung nữ bị vua phế bỏ vì đã phải gặp cảnh liễu chán hoa chê, cái buồn khổ của người cung nữ trong cảnh cô đơn: mới ngày nào đó ở gác Thừa Lương còn được vua sủng ái, cùng với vua hoan hỉ yến ẩm đàn ca xướng hát. Nay trong cảnh cô liêu vò võ mơ màng trong gió Thu hiu hắt. Cảnh Thu một lần nữa đã lộ nét:

Đền Vũ Tạ, nhện giăng cửa mốc
Gác Thừa Lương, ngủ thức Thu phong.

Với thơ Đường, thi ca thịnh đạt nhứt trong lịch sử văn học Trung Hoa thì người Tàu thường dùng nguồn cảm hứng của Thu đễ sáng tác. Một bài thơ nổi tiếng, diễn tả về cuộc chia tay tại bến Tầm Dương mà khách chủ đã cùng nhau gợi lại những khúc ca cũ (trúc ty) lấy Thu làm bối cảnh, Bạch Cư Dị viết và Phan Huy Vịnh dịch:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách Quạnh hơi Thu lau lách đìu hiu Người xuống ngựa khách dừng chèo

Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty.

Ở cổ văn, làm thơ để mô tả khung cảnh thiên nhiên và lòng người, thi nhân thường hay sử dụng đến phần ước lệ. Tả đến mùa nào, thì đã có thức của mùa ấy. Ví dụ, Xuân phải nhắc đến hoa Mai, Hạ đã có Lan, Thu có Cúc và mùa Đông thì đã có Trúc. Riêng mùa Thu, ngoài hoa Cúc, vẫn còn nhắc đến lá ngô đồng qua câu:

Ngô đồng nhất diệp lục
Thiên hạ cộng tri Thu.

(Một khi thấy lá ngô đồng rụng, ấy là dấu hiệu của mùa Thu tới).

Người làm thơ mới như Xuân Diệu, khi tả cảnh mùa Thu vẫn phải nhắc tới lá ngô đồng. Thi nhân viết:

Ô hay! Vàng rơi cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi thu mênh mông.

Tuy cùng là gió, nhưng gió Thu còn được gọi là "Kim Phong" hay gió Tây, vì mùa Thu thuộc Kim và theo Ngũ hành trong Kinh Dịch, Thu thuộc hướng Tây, vì vậy mới gọi gió Thu là gió Tây. Gió Tây thường mang cái lạnh từ miền Tây Bá Lợi Á về nên rất lạnh vì thế ca dao mới có câu:

Ra về để lại áo đây,

Để khuya em đắp gió Tây lạnh lùng.

Không những ở cổ văn thi nhân mới tả Thu với những nổi niềm nhung nhớ của nó. Ngay cả loại thơ nửa cổ điển, nửa có mang màu sắc lãng mạn mà Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là tiêu biểu, thì tiên sinh cũng đã sử dụng bút pháp tài tình của mình để nói về Thu hầu diễn tả cái buồn, sầu cô đơn khắc khoải của mình. Ông viết:

Ngọn gió Thu phong rụng lá vàng

Lá bay hàng xóm, lá bay sang

Vàng bay mấy lá, năm già nửa

Hờ hửng ai xui thiếp phụ chàng.

Hay:

Ngọn gió Thu phong rụng lá hồng Lá bay tường Bắc lá sang Đông Hồng bay mấy lá, năm hồ hết

Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông.

Ở bốn câu đầu tác giả muốn nói đến cảnh ngộ của người hàng xóm để so với hoàn cảnh của mình mà cảm thấy buồn. Nhà người ta thì sum họp đầm ấm, trái lại mình thì"vàng bay mấy lá",Thu đã đến, lại già thêm nửa năm rồi mà tại sao nàng nỡ hờ hửng và lạnh lùng đến thế?

Trong bốn câu sau, thi nhân càng viết rõ, đầu Thu lá vàng, cuối Thu thì lá lại hồng. Từ xanh trở vàng qua đỏ. Qua thật thời gian trôi nhanh quá nhỉ. Mới đó "vèo" một cái đã hết năm. Nàng thì đã dứt khoát phụ chàng, trái lại thì chàng vẫn còn thẩn thờ đợi trông. Buồn quá nhỉ.

Có thể nói nhà thơ Tản Đà là người mở đầu phong trào thi ca lãng mạn trong văn học Việt Nam. Song, ở một vài bài thơ khác, tiên sinh cũng không quên những hình ảnh mang tính cách ước lệ trong khi diễn tả về Thu, thi nhân viết:

Từ vào Thu đến nay Gió Thu hiu hắt Sương Thu lạnh Trăng Thu bạch Khói Thu xây thành Lá Thu rơi rụng đầu ghềnh Sông Thu đưa lá bao ngành biệt ly Nhạn về, én lại bay đi Đêm thì vượn hú, ngày thì ve ngâm Lá sen tàn tạ trong đầm

Nắng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa

Như đã nói trên, hể muốn nói đến bốn mùa, tác giả thường phải kèm theo Mai, Lan, Cúc, Trúc. Và, nói đến Thu thì không thể nào quên sương, khói. Sương, khói trong thơ mới của Tản Đà một phần nào đã phảng phất khói của Thôi Hạo trong hai câu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử muôn sầu

Tản Đà dịch:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Trong phần đầu, người viết đã cho rằng, có lẽ vì chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn chương Pháp, vì thế một số thi nhân Việt Nam mà đặc biệt là các nhà văn tiền chiến thường ca tụng mùa Thu. Đọc bài Ý Thu của Xuân diệu, ta thấy phảng phất đâu đây những vần thơ bất hủ của Anatole France qua Pensée d'Automme.Theo Anatole thì Thu là mùa lá rụng, những chiếc lá vàng rơi rụng phủ đầy các pho tượng trưng bày trong công viên Luxembourg, và cuối cùng thì những chiếc lá vàng đó theo thời gian đã mục nát tưởng như hàng trăm ngàn đôi chân vô tình chà đạp và dẫm lên nó. Thi sĩ Xuân Diệu trong Ý Thu, tương tự cũng đã viết:

Bị nhầu ai tưởng dưới trăm chân.

Đi xa hơn Anatole, Xuân Diệu còn viết để diễn tả: Xuân hết, Hè lại qua, hoa tàn nhụy đã héo mà Hè hết, thì tiếng ve sầu cũng tắt theo. Khác với nữ sĩ Tương Phố tả trong cổ văn, bà chỉ nói gió Thu hiu hắt. Trái lại trong trường phái lãng mạn, thi sĩ Xuân Diệu vì quá đa cảm nên hỏi thẳng:Chắc rằng gió cũng đau thương chứ? Thi nhân viết:

Những chiếc hồn buông trong lá rụng Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân Bông hoa rứt cánh, rơi không tiếng Chẳng hái mà hoa vẫn hết dần Dưới gốc nào thấy đâu xác ve

Thế mà ve đã tắt theo hè.

Chắc rằng gió cũng đau thương chứ Gió vỡ ngoài kia, ai có nghe? Hôm nay tôi đã chết trong người Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi Với bóng hình xưa tăm tiếng cũ Cách xa chôn hết nhớ thương rồi Yên vui xây dụng bởi người quen Muốn bước, trang đời phải dẫm trên Muôn tiếng kêu than thầm lẳng lặng Nhưng hoa có thể cứ lâu bền Ờ nhỉ! Sao hoa lại phải rơi Đã xa sao lại hứa yêu hoài Thực là dị (*) quá, mà tôi nữa

Sao nghĩ làm chi chuyện nhạt phai!

(* dị, tiếng người Huế thường dùng hay cho tiếng kỳ cục).

Đọc xong Ý Thu, ta thấy tác giả cho rằng Thu là xa cách, là đau thương nhung nhớ, chính nó đã đạp dẫm trên nổi khổ đau và làm tê tái lòng người. Nhưng dù sao hoa vẫn là hoa mãi. Chắc chắn đó không phải loại hoa nhân tạo, hoa vải hay hoa giấy, vì hai loại nay không tàn héo hay rơi rụng mà chỉ cũ đi, và sau cùng chỉ có tình yêu mới là hoa bền lâu. Hầu hết trong các văn thơ tiền chiến, ta thấy chưa có ai diễn tả Thu  vui, Thu tươi sáng, mà toàn là những nổi buồn nhớ nhung man mác. Do ảnh hưởng quá sâu đậm của hai nền văn học Tây cũng như Tàu. Tây thì từ Lamartine, Verlaine, Valery. như những nổi buồn của René (La mélancolie de René), của Chanson d'Automme cho đến Guillaume Apolinaire v.v. thì làm sao Thu mà vui cho được. Riêng thơ của Tàu, từ Trương Kế cho đến Thôi Hiệu hay Lý Bạch, Thu chỉ có lạnh lẻo và bẽ bàng. Mời độc giả hảy liếc nhìn qua bài Phong Kiều Dạ Bạc, tạm dịch "đổ thuyền ở Phong Kiều" của Trương Kế, độc giả sẽ thấy Thu lại càng lâm ly bi đát hơn; thi nhân viết :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên Giang phong ngư hỏa đối sầu miên            Cô tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền  

Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hàm Ninh, thường bị nhầm là của Tản Đà :

Trăng tà chiếc quạ kêu sương Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Có điều đáng nói, là thơ Tây (Pháp) khác hẳn với lối thơ xưa của ta cũng như Tàu, thơ của họ thê lương ảm đạm vô cùng. Thu buồn đến nỗi mở miệng mà nói không ra lời nên Hàn Mạc Tử đã viết:

Ấp úng không ra được nửa lời Tình Thu bi thiết lắm Thu ơi Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt Hiu hắt hơi mây thoáng lại rồi Nằm gắng đã không thành mộng được Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi Ngàn trùng bóng liễu trong xanh ngắt

Cảnh sắp về Đông mắt lệ vơi.

Ngoài ra, xin đơn cử thêm một vài vần thơ của Guillaume Apollinaire, một thi sĩ người Pháp viết bài L'Adieu để tặng người yêu, nàng Marie Laurencin, và nhạc sĩ Phạm Duy đã dịch ra tiếng Việt trong nhạc bản "Mùa Thu chết" đễ thấy Tây họ tả Thu một cách bi thảm như thế nào. Apollinaire viết:

J'ai cueilli ce brin de bruyère L'Automme est morte, souviens-t'en Nous ne nous verrons plus sur terre Odeur du temp brin de bruyère

Et souviens-toi, que je t'attends!

     

Nhạc sĩ Phạm Duy dịch và phổ nhạc:

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi, Mùa Thu đã chết em nhớ cho, Em nhớ cho chúng ta chẳng còn nhìn nhau nửa Trên cỏi đời này, từ nay mãi mãi không thấy nhau! Ôi ngát hương, thời gian mùi thạch thảo.

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em, vẫn chờ, vẫn đợi em.

(Nhạc sĩ Phạm Duy dịch và phổ nhạc đã hay, thêm với giọng hát ngọt ngào êm dịu của Họa Mi quả thật Mùa Thu chết là một bản nhạc bất hủ.)

Nói đến thi văn mùa Thu, mà quên Lưu Trọng Lư, đó là điều thiếu sót quá lớn. Lý do: thứ nhất, thi nhân quá yêu mùa Thu, nên đã soạn hẳn một tập thơ với đề tựa "Tiếng Thu", thứ hai, thơ Lưu Trọng Lư cũng phảng phất đâu đó ý thơ của Verlaine qua bài "Chanson d'Automme", đặc biệt, từ trước đến giờ chưa có thi nhân Việt Nam nào nói đến Thu mà có tả hình con nai, mà lại một con nai vàng ngơ ngát. Hình ảnh những vần thơ nầy, gần nửa thế kỷ nay đã trở nên một "thành ngữ" trong những câu nói thường nhật của người Việt. Mời quý vị xem tác giả mô tả Tiếng Thu như thế nào mà khiến ông đã nỗi tiếng:

Em không nghe mùa Thu Dưới trăng mờ thổn thức Em không nghe rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người chinh phụ Em không nghe rừng Thu

Lá Thu kêu xào xạt

Con nai vàng ngơ ngát

Đạp trên lá vàng khô!

  Mơ mộng như thi sĩ họ Lưu, có lẽ không thể nào không buồn khi thấy Thu tới lá vàng rơi rụng, thế nên trong bài Mùa Thu Lá Rụng ông đã viết:

Lòng anh như nước hồ Thu lạnh Quạnh quẽ đem soi bóng nguyệt tà Ngày tháng anh mong chầm chậm lại

Hửng hờ em mặc tháng ngày qua.

Nói đến nai trong Tiếng Thu Lưu Trọng Lư, chúng ta chớ nên lầm lẩn với nai của Huy Cận trong Rừng Thu. Vì nai của Lưu Trọng Lư thì trong mùa Hạ nó lên vùng cao kiếm ăn, mùa lạnh nó lại trở xuống vùng thấp cho đỡ lạnh, do đó mới có thành ngữ "con nai vàng ngơ ngác" (mới trở về, lạ chỗ nên ngơ ngác) Huy Cận thì khác hẳn, nai của thi nhân thì rõ hơn, đó là loại nai vùng cao, gót chân thường lẫn trong sương mờ, lần bước đi theo những nẻo đường quen thuộc. Trong "Rừng Thu"  Huy Cận viết:

Bỗng dưng buồn bả không gian Mây bay lũng thấp giăng màn âm u Nai cao lần gót sương mù

Xuống rừng nẻo thuộc nhìn

Thu mới về Sắc trời ô

Ôi nhẹ dưới khe Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng Sầu Thu lên vút song song Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu Sắc xanh ngày cả buồn chiều

Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia (Lữa Thiêng).

Theo các nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư và Huy Cận khi tả Thu các thi sĩ trên chỉ nói đến sự  buồn bã, đơn côi. Đó vì chịu ảnh hưởng của Pháp trong thơ mới và ước lệ trong thơ cũ. Trong khi đó thi sĩ Hồ Dzếnh khi nói đến Thu, thi nhân mô tả Thu rất Việt Nam. Bài Mùa Thu năm ngoái, (riêng chữ năm ngoái thôi cũng đã thấy rất nôm na, mộc mạc của người nhà quê Việt Nam và dễ yêu) ông viết:

Trời không nắng cũng không mưa,
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung.

Ông tiếp:              

Đâu hình tầu chậm quên ga,

Bâng khuâng gió nhớ về qua lá dày.

Dù một chút nhớ thôi, nhớ một cách bâng khuâng nên dù tầu chạy chậm đâu có nhanh lắm thế nhưng thi nhân hình như đã quên hẳn nhà "Ga" nên ông lại viết:

Tất cả một mùa thơ Gió mây đưa buồn lắng xuống Cả lòng tôi, với cả lòng cô Có một nghìn cây rũ rượi buồn Dăm thân thiếu nữ gầy như trúc Đứng chịu tang trời đổ bóng đơn Thu xa bằng gió bằng mây Không gian thở nhẹ, buồn vây chìm chìm Lòng không ai cấm mà im Không nhưng bổng nhớ, không tìm bổng mong Nơi tôi còn ít lá lòng

Chiều nay rơi nốt vào trong lá rừng.

Ôi! Thơ văn mà các thi nhân Việt Nam viết để ca tụng mùa Thu còn quá nhiều. Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài viết, khó mà diễn tả cho hết cái hay, cái đẹp và cái tinh túy khắt khoải của Thu. Người viết chỉ biết và góp nhặt được một phần rất hạn hẹp, và ước mong độc giả bốn phương cùng nhau ôn lại nguồn cảm hứng của các thi nhân đã dày công sáng tác để tích lũy và góp thêm vào kho tàng văn học Việt Nam ./.

* * *

Chuyện Xưa Chuyện Nay:

Trường Chu Văn An Hanoi 

 thời ấy (1952-54)

Đoàn Thanh Liêm, CVA54

Bắt đầu từ niên khóa 1952-53, tôi theo học lớp Đệ Nhị tại trường Chu Văn An Hanoi, sau khi đã học hết chương trình lớp Đệ Tam năm 1951-52, tại trường Hồ Ngọc Cẩn ở miền quê Bùi chu – Xuân trường – Nam định. Đang từ miền quê bị chiến tranh tàn phá, lại thiếu thốn mọi tiện nghi về điện, nước cũng như về nhà ở, đường xá, tôi thật choáng ngợp với lối sống xa hoa tráng lệ và tình trạng an ninh tại Hanoi vốn nổi tiếng ngày xưa là “ thủ đô Thăng Long ngàn năm văn vật”. Thành phố hồi đó còn đày dãy lính Pháp với trang bị khá hiện đại, so với quân đội quốc gia Việt nam mới còn trong giai đoạn phôi thai. Là một học sinh với niềm đam mê sách vở, tôi rất thích được lui tới các tiệm sách báo tiếng Pháp xung quanh hồ Hoàn Kiếm để “coi cọp” và lâu lâu cũng kiếm tiền để mua được một vài cuốn sách rẻ tiền. Cái vui thú khác nữa là được đi coi cinema với các phim đày màu sắc của Hollywood.

Trường Chu Văn An thời đó lại nằm trong khu vực Quan Thánh, chứ không được sử dụng cơ sở của Trường Bưởi sát bên Hồ Tây ngày trước, vì nơi đây đã bị biến thành một doanh trại của quân đội Pháp từ lâu rồi. Thầy Hiệu trưởng là Cụ Vũ Ngô Xán là một nhà giáo kỳ cựu, cùng với sự phụ tá của Thầy Giám học là Vũ Đức Thận và Thầy Tổng giám thị là Thầy Phụng và Thầy Trần Xuân Lãng. Lớp Đệ Nhị Ban A chúng tôi học Toán với Thầy Đào Văn Dương, Lý hóa với Thầy Bùi Phùng, Pháp văn với Thầy Nguyễn Ngọc Cư (Cư bướu), Việt văn với Thầy Nguyễn Văn Phong (Phong Tàu), Anh văn với Thầy Dương Tự Nguyên, Vạn vật với Thầy Trần Gia Huấn, Sử địa với Thầy Lê Ngọc Huỳnh, Hán văn với Cụ Tiếp. Chúng tôi học vào các buổi sáng, với một số ít giờ vào buổi chiều. Mỗi tuần còn có giờ tập thể dục do các huấn luyện viên như Bùi Xuân Đáng, Vũ Văn Quý hướng dẫn. Lại còn có thêm lớp học về dự bị quân sự (PMS = Preparation militaire superieure) do sĩ quan quân đội tới trường giảng dậy.

Nói chung, các thầy đều giảng dậy chỉ dẫn cho chúng tôi rất tận tình chu đáo. Lại nữa, vì hầu hết thầy trò đều mới phải trải qua những ngày tháng vất vả khó nhọc với cảnh tản cư vì nạn chiến tranh khói lửa hồi cuối thập niên 1940, nên học sinh chúng tôi biết thân biết phận mà ra sức học tập, để bù lại thời gian chạy loạn đã không sao được học hành nghiêm túc. Hồi đó sách giáo khoa bằng tiếng Việt chưa có bao nhiêu, nên chúng tôi phải học theo sách tiếng Pháp vốn được ấn loát trình bày rất sáng sủa, đẹp mắt từ bên nước Pháp gửi qua. Cụ thể như bộ sách Toán của tác giả Lebosse, bộ Vật lý của George Eve, bộ Litterature expliquee của Desgrange v.v…

Lớp 2A chúng tôi năm 1952-53 đó có chừng 50 học sinh, mà nay sau gần 60 năm tôi còn gặp lại được một số bạn tại miền Nam California như Trịnh Đình Cương, Trần Quang Hải, Nguyễn Trọng Hiền, Đỗ Phan Ngọc. Tại Hanoi hiện giờ, thì tôi mới bắt liên lạc được với các bạn Nguyễn Phúc Giác Hải, Ngô Văn Trọng. Còn một số bạn đã mất mà tôi được biết rõ, đó là Đỗ Vinh (bác sĩ Lữ đoàn Dù hy sinh năm 1966-67), Nguyễn Hồ Quỳ (chết bệnh 1972-73 ở Saigon), Vũ Ngô Luyện ( là trưởng nam cuả Thầy Vũ Ngô Xán mất vì bệnh năm 2004 ở California). Người bạn học xuất sắc mà sau này du học ở Canada là Đinh Bảo Lĩnh, rồi làm giáo sư đại học ở ngoại quốc luôn.

Kỳ thi tú tài 1 năm 1953, có đến gần một nửa lớp 2A đã thi đậu và được tiếp tục lên học lớp Đệ Nhất trong niên khóa 1953-54. Riêng tôi với hai bạn Phạm Quý Tư, Lương Quang Thạc thì lại xin chuyển sang học lớp 1D Ban Toán. Lớp Đệ Nhất Ban Toán này được Thầy Bạch Văn Ngà dậy rất kỹ, môn Lý hóa vẫn do Thầy Bùi Phùng dậy, Thầy Nguyễn Ngọc Cư dậy môn Triết học và Pháp văn, Thầy Nguyễn Văn Nguyên dậy Anh văn, Thầy Nguyễn Tường Phượng dậy Việt văn, Thầy Lê Ngọc Huỳnh vẫn dậy Sử địa, Thầy Trần Gia Huấn vẫn dậy môn Vạn vật.

Lớp Đệ Nhất 1D này do 2 lớp Đệ Nhị D1 và D2 hợp lại, nên gồm nhiều nhân tài vào loại “cao thủ võ lâm”. Mà điển hình như các bạn Phạm Xuân Yêm, Đặng Vũ Huyến, Vũ Dương Tuyền, Bạch Lý Từ, Trần Ngọc Bích, Vũ Thanh Khiết, Phạm Quý Tư đều có bằng tiến sĩ khoa học ở Pháp hay ở Liên Xô sau này. Về ngành y khoa, theo bạn Vũ Hữu Bao cho biết là riêng trong số 30 bạn đồng khoá di cư vào Nam năm 1954, thì đã có đến 10 bạn là bác sĩ rồi. Trong số các bác sĩ này, thì tôi đã gặp lại các bạn Ngô Đình Thuấn, Nguyễn Văn Quý, Vũ Ngọc Oánh, Vũ Hữu Bao, Vũ Tiến Thông, Trần Mộng Liên, Lê Văn Kim, Nguyễn Văn Tạ. Có bạn Bùi Hữu Thư làm đại tá bên Hải quân. Hai bạn Nguyễn Tú, Đặng Văn Đức làm đại tá, trung tá bên Không quân. Chỉ có một mình tôi Đoàn Thanh Liêm là làm nghề luật sư mà thôi. Các bạn Phạm Hoài Đức, Lê Đức Cửu, Nguyễn Hữu Ru, Nguyễn Duy Hy, Nguyễn Hữu Tuệ, Nguyễn Hưũ Đạo vào ngành sư phạm. Ba bạn đi tu làm linh mục công giáo : đó là Hoàng Sĩ Quý, Đoàn Phú Xuân và Nguyễn Đức Thiệp. Lớp chúng tôi có một bông hồng độc nhất, đó là chị Đặng Thị Diễm chị ruột cuả Đặng Vũ Huyến. Năm 1954, chị ở lại miền Bắc, chứ không di cư vào Nam như Huyến.

Tôi còn một kỷ niệm đáng nhớ khác với các bạn đồng khoá, đó là vào năm 1960, bạn Phạm Hoài Đức đã cùng với bạn Ngô Đình Thuấn làm “Phù Rể” trong đám cưới của tôi.

Chuyện sôi động nhất trong thời kỳ cuối năm học này là sự thất trận của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ. Nhưng vào tháng 5 năm 1954 đó, cả lớp chúng tôi đang bận rộn việc ôn bài để đi thi bằng Tú tài 2 vào đầu tháng 6, nên vẫn tiếp tục công việc đèn sách của mình. Và may mắn thay, phần đông các bạn trong lớp đều thi đậu trong kỳ thi này. Người đậu thủ khoa Ban Toán là Phạm xuân Yêm với hạng Bình. Và người được giải thưởng danh dự toàn thành Hanoi là Vũ Thanh Khiết. Cả hai bạn Yêm và Khiết này lại ngồi cùng chung bàn học trong lớp với tôi, nên tôi cũng được tiếng thơm lây nữa đấy. Sau buổi lễ phát giải thưởng, Khiết về kể lại với bọn tôi : “Thầy Cư đọc diễn văn, mà “trưng dẫn rặt một thứ chuyện triết học không à”! Thật là một kỷ niệm đẹp, không thể nào mà tôi lại có thể quên được.

Vài tháng sau khi bãi trường, thì các bạn trong lớp 1D lại chia tay nhau, kẻ ở lại miền Bắc như Phạm Quý Tư, Vũ Thanh Khiết, Lương Quang Thạc, Tạ Văn Vĩnh v.v…, mà cho đến nay, sau 56 năm tôi chưa bao giờ có dịp gặp lại. Số đông theo gia đình di cư vào miền Nam, thì chúng tôi thường ở chung với nhau trong Đại học xá Minh Mạng Saigon, hay gặp lại nhau nơi các lớp tại các phân khoa đại học. Năm 2010 này, thì lũ chúng tôi đều đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” tất cả rồi.

Hai năm trước đây, tôi có kêu gọi một số bạn để cùng chung nhau thực hiện một cuốn “Album” với các hình ảnh để làm kỷ niệm riêng cho lớp 1D Chu Văn An năm 1953-54. Nhân tiện cũng kiểm điểm lại xem “ai còn ai mất”. Nhưng xem ra sự tham gia còn lưa thưa, ít ỏi quá, nên chưa làm sao mà hoàn thành được. Tuổi già lão lẩm cẩm cả mất rồi, anh em đều kém sự hăng say nhiệt thành so với cái thời trai trẻ 50 năm trước vậy đó.

Về phía các Thầy thời ấy, thì đến nay hầu hết đã quy tiên cả rồi. Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ lòng quý mến và biết ơn đặc biệt vì công lao giáo dục, đào luyện và hướng dẫn rất ư là tận tình cho chúng tôi, từ Thầy Hiệu trưởng Vũ Ngô Xán cũng như từ tất cả các vị Thầy tại trường Chu Văn An Hanoi đã trên nửa thế kỷ trước.

Và theo chỗ tôi được biết, thì hiện chỉ còn có thầy Đào Văn Dương (dậy toán) và Thầy Nguyễn Văn Đỉnh (dậy vạn vật) là hiện còn sinh sống trên nước Mỹ mà thôi. Các Thầy nay đều đã ở vào tuổi “cửu tuần” cả rồi, và lâu lâu vẫn còn tới tham dự các buổi Họp Mặt của các cựu học sinh Bưởi – Chu Văn An ở miền Nam cũng như miền Bắc California. Thật là điều rất quý hóa cho lớp hậu sinh chúng tôi có dịp thể hiện tấm lòng “Tôn Sư Trọng Đạo” đối với các bậc Thầy muôn vàn kính mến của mình vậy.

California, cuối năm Kỷ sửu 2010

Đoàn Thanh Liêm CVA 54

 * * *

PHIẾM LUẬN VỀ THI CỬ

Phi Oanh

Không biết ở Tây Phương, ai đã đẻ ra cái thể lệ thi cử và cái thể lệ này đã được đẻ ra từ bao giờ; nhưng riêng ở nước ta thì có lẽ nó đà được đẻ ra từ thời nhà Lý, đơì Lý Nhân Tông, 1075. Đây là thơì kỳ nước ta được tự chủ khá lâu dài, lại do mấy vì vua anh minh và nhân từ như Lý thánh Tông, Lý nhân Tông trị vì nên đã có một nền hành chánh tốt đẹp ; do đó thể lệ thi cử đã được đặt ra để tuyển chọn nhân tài ra giúp nước. Phải công nhận rằng đây là một sáng kiến rất độc đáo, vì nếu không có thi cử thì làm sao vua quan biết được ai tài giỏi mà mời ra giúp nước ? Đành rằng có thể dùng phương thức tiến cử như trước, nhưng cách thức này làm sao tránh khỏi cảnh thiên vị, nạn bè phái.

Theo các cụ kể lại và sách vở cũng còn ghi thì thời xưa cứ bốn năm nhà vua mới mở khoa thi một lần, đó là chưa kể có khi còn phải đình hoãn vì loạn lạc hay thiên tai. Mỗi lần như vậy phải thi ba kỳ liên tiếp : thi Hương, thi Hội và thi Đình. Dĩ nhiên có đậu được kỳ thi Hương mới được dự kỳ thi Hội và có đậu được kỳ thi Hội mới được dự kỳ thi Đình. Kỳ nọ cách kỳ kia có khi cả năm trời. Do đó, trượt một kỳ là phả chờ đợi có khi năm sáu năm trời mới được thi lại. Không những thế khi làm bài thi còn phải nhớ tránh cả trăm điều cấm kỵ. Bài thi dù có văn hay chữ tốt tới đâu, tư tưởng dù có phong phú tới đâu mà sơ ý chỉ cần có một chữ phạm húy nhà vua là kể như tiêu tùng. Cũng vì vậy mà chẳng ai lấy làm ngạc nhiên khi thấy một người văn chương lỗi lạc như Cao Bá Quát cũng đành chịu thua.

Theo giáo sư Hà Mai Phương thì thi Hương và thi Hội, mỗi kỳ lại được chia ra làm bốn trường. Người thi đậu được cả bốn trường trong kỳ thi Hương mới đậu Cử Nhân; còn nếu chỉ đậu được ba kỳ thì chỉ được gọi là Tú Tài mà thôi; còn nếu chỉ đậu được một hai trường thì kể như tiêu tùng. Thi Hội cũng vậy, phải đậu cả bốn trường mới là Tiến Sĩ; còn nếu chỉ đậu được có ba trường thì chỉ là người Trúng Cách để được vào tham dự kỳ thi Đình tức kỳ thi trường thứ tư của kỳ thi Hội mà thôi.

Cũng theo giáo sư Hà Mai Phương thì sở dĩ kỳ thi trường cuối cùng của kỳ thi Hội được gọi là thi Đình vì kỳ thi này thường được tổ chức tại sân điện nhà vua và thường do nhà vua chủ tọa nên gọi là thi Đình. Với cách thi cử như vậy, chỉ cần thi rớt vài kỳ là hết cuộc đời; chẳng thế mà một ngươì có tưởng trào phúng, có đầu óc hài hước như Tú Xương cũng phải la lên rằng :

Ngày mai tớ hỏng tớ đi ngay,

Giỗ Tết từ nay nhớ lấy ngày.

Sau này ngươì Pháp sang đô hộ nước ta, sau khi đã hoàn tất nền hành chánh để cai trị trên toàn cõi nước ta, họ đã bãi bỏ thể lệ thi cử trên vào năm 1919 và thay thế bằng chế độ thi cử của người Pháp . Họ không cho dùng chữ Hán nữa mà bắt dùng chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ ( chữ Việt ). Người Pháp còn đặt ra nhiều kỳ thi hơn trước : nào Sơ Học Yếu Lược ( sau khi học xong lớp Ba bậc tiểu học ) , nào Tiểu Học ( sau khi học xong lớp Nhất bậc tiểu học ) , nào Thành Chung tức Trung Học Phổ Thông, nào Tú Tài I, nào Tú Tài II, nào Cao Đẳng, nào Cử Nhân v.v...Cứ mỗi năm tổ chức một lần. Sau này khi nước ta giành lại được độc lập, thể lệ thi cử tuy có cải thiện được đôi chút ( bỏ bằng Sơ Học Yếu Lược rồi bằng Tiểu Học ) nhưng vẫn còn rườm rà từ chương và nhất là vẫn còn tính cách hạn chế. Đỗ kim Bảng, một học sinh thời đó, tác giả bài Ngày thi đã phải la lên :

Thi ơi là thi !

Sinh mi làm chi !  

Hoặc có cậu thi trượt đã than rằng :

Thi không ăn ớt, thế mà cay!

Thi cử không những khó khăn và khổ cực về tinh thần như vậy, mà cả về thể xác cũng gian nan vất vả. Thực vậy, ngày xưa phương tiện giao thông đâu có được như ngày nay, sĩ tử ( thí sinh ) phải đi bộ, đi đò, dòng dã cả ngày, cả tuần có khi cả tháng mới tới được trường thi.Khi đi thì lại phải mang theo không những giấy mực bút nghiên mà còn phải đem theo cả quần áo, đồ ăn, thức uống, nồi niêu, soong chảo v.v...

Trường thi thì cũng không phải là những tòa building hay những căn nhà lầu rông rãi với những bàn ghế đày đủ tiện nghi như bây giờ, mà chỉ là những bãi trống hay những sân đình, sân miếu; do đó sĩ tử còn phải mang theo cả lều để che mưa che nắng và trõng để ngồi, để viết. Ấy vậy mà không hiểu tại sao thiên hạ vẫn cứ ùn ùn rủ nhau đi thi tấp nập.

Không biết câu “Phi Cao Đẳng bất thành Phu Phụ” xuất phát từ đâu mà chị em bạn gái chúng ta cứ bị đổ diệt là thủ phạm. Thử hỏi, thời các cụ ta, cụ nào mà chẳng lấy vợ từ trước khi đi thi ? Có cụ còn lấy vợ trước cả khi đi học nghiã là khi còn thò lò mũi xanh nữa là khác. Vả lại đối với các cụ ta ngày xưa thì công danh mới là quan trọng, còn vợ con chỉ là thứ yếu chứ đâu như mấy anh chàng Tây học sau này, đầu óc đày tính toán. Chính cụ Nguyễn Công Trứ đã nói :

Có công danh nên đứng trong trời đất,

Không công danh thà nát với cỏ cây.

hoặc :

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông,

Vậy thì sao lại dám nói là tại chị em bạn gái chúng ta ra điều kiện như vậy ? Có người cho rằng câu này phát ra vào thời Tây học. Điều này cũng không đúng hẳn. Chính một số các cậu có bằng cấp cao chỉ ngấm nghé các cô con gái nhà giầu nên mới có một vài cô, hay nói cho đúng hơn, một vài bà mẹ lên mặt đòi hỏi như vậy. Thực vậy, vào thời này tức khoảng thập niên 20, 30, 40, con gái đâu có mấy cô được đi học qúa bậc Tiểu Học ? Mà dù có được phép đi nữa thì sự giao tiếp với bên ngoài cũng rất hạn chế. Suốt ngày các cô chỉ quanh quẩn trong nhà giúp mẹ lo việc bếp nước hay may vá thêu thùa, vì thế có chàng nào con nhà tử tế, có chút danh phận tới hỏi là ưng liền, đâu dám chê bai, kênh kiệu. Nhiều cô tới ngày cưới còn chưa biết mặt người chồng tương lai của mình ra sao nữa là khác.  

Vào những thập niên 50, 60 sau này, câu “Phi Cao Đẳng bất thành Phu Phụ” cũng không phải phát ra từ cửa miệng của chị em bạn gái chúng ta mà lại chính từ trong đàu óc tính toán của những anh chàng có bằng Luật Sư, Bác Sĩ, Kỹ Sư. v.v...

Thực vậy, vào thời này, số người có bằng Luật Sư, Bác Sĩ, Kỹ Sư, không còn hiếm hoi như trước mà số con nhà giầu vẫn chẳng gia tăng là bao; Hơn nữa lấy con gái nhà giầu nhiều khi cũng chẳng sơ múi gì mà lại mang tiếng là đào mỏ. Do đó họ thích để ý tới những cô có bằng cấp Đại Học. Phải nói rằng đây là thời kỳ khổ sở nhất của chị em bạn gái chúng ta, vì hầu hết các chị em bạn gái chúng ta đều là con nhà công chức thanh bạch, tiền chi tiêu trong gia đình nhiều khi còn không đủ, cha mẹ lấy đâu tiền để tậu nhà, tậu xe cho con gái làm của hồi môn ?

Các cụ ta lại vốn có đầu óc thủ cựu, trọng nam khinh nữ, con trai thi trượt thì không sao, con gái thi trượt là diếc móc đủ điều. Các cụ bắt lấy chồng, hoặc phải đi kiếm việc làm để phụ giúp gia đình. Lấy chồng thì chắc cũng không thể có chồng khá được, mà đi kiếm việc làn thì cũng vậy, khá lắm là thư ký văn phòng.

Chính vì thế mà chị em chúng ta chỉ còn cách là học, học và học. Nhiều chị em bạn gái chúng ta đã phải học đến phát điên , phát khùng. Có chị thi trượt Tú Tài, buồn không chịu nổi đã mua thuốc chuột, dấm thanh về uống để tìm cái chết. Có chị khi đi nghe kết quả kỳ thi Tú Tài đã ngất sỉu vì không thấy tên mình. Không buồn sao được khi mà mộng vào Đại Học đã không thành thì dĩ nhiên bao mộng đẹp khác cũng tan thành mây khói.

Đã có biết bao nhiêu cô gái nhan sắc cũng chẳng kém ai, có khi còn hơn cả các mệnh phụ phu nhân nữa là khác, nhưng chỉ vì nghèo, chỉ vì ''phi Cao Đẳng'' nên đã bị phụ tình, hoặc phải chịu số phận hẩm hiu.

Một số người không mang nợ đèn sách nên không biết; họ thường nghĩ rằng chỉ có nam nhi mới phải khổ sở, điêu đứng vì thi cử vì vào những thập niên 50, 60, giấy gọi quân dịch luôn luôn chờ đợi họ, chỉ cần thi trượt một hai keo Tú Tài là coi như tàn cuộc đời; không Quang Trung thì cũng Đồng Đế, khá lắm là Thủ Đức. Điều này không phải là không đúng, nhưng số phận của chị em ta như đã nói trên cũng đâu có khá hơn gì, chỉ cấn trượt vài ba kỳ là cái gìa nó sồng sộc tới ngay. Tới lúc đó có muốn lấy chổng cũng khó. Không biết anh chàng thi sĩ quái ác nào đã làm hai câu thơ dưới đây khiến nó ám ảnh suốt đời con gái chúng ta vì :

Trai ba mươi tuổi đang soan,

Gái ba mươi tuổi đã toan về gìa.

Bởi vậy, nếu có chị em nào thi trượt mà lại may mắn có được cậu Cử, cậu Kỹ ( Kỹ Sư ) nào ngù ngờ tới hỏi thì thật không khác gì trúng số độc đắc, mặt cứ vác lên tận trời. Còn thì tuy không phải vào Quang Trung, Đồng Đế hay Thủ Đức, Đà Lạt, nhưng cuộc đời cũng không khá hơn mấy chàng thi trượt là bao.

Kể ra thi trượt tuy là một cái tai họa lớn của đời học sinh thật; nhưng nếu không có thi cử thì cuộc đời học sinh cũng trở thành vô nghiã và thiếu thi vị. Vì có thi thì phải có kẻ đậu, người trượt, kẻ vui, người buồn. Chính vì những sự vui buồn này mà cuộc đời học sinh đã trở thành có ý nghiã và thi vị hơn. Làm học sinh mà không biết mùi vị thi cử thế nào; nhất là không biết mùi vị thi trượt thì cũng chẳng khác gì mấy cô gái không biết mùi vị yêu đương, mùi vị thất tình.

Ngày nay, nhất là ở xứ cờ hoa này, học sinh, nhất là học sinh Trung Học, hầu như chẳng biết thi cử là gì, chỉ chấm chấm với khoanh khoanh hoặc Yes với No, True với False cũng vào Đại Học, nhưng yêu đương thì lại hết sẩy. Nhiều cô không những biết yêu từ thuở 13, mà còn biết cả làm tình, khiến nhiều bậc làm cha mẹ cũng phải điên đầu.

  * * *      

NĂM MẸO XIN ĐỪNG CỨ MÃI

LÀ CON MÈO CỦA TRẠNG

Phiếm luận, 

Đoàn Văn Khanh, CVA59

Theo như cái thứ tự trong chi bộ 12 con giáp được các cụ con Trời thành lập ở bên Tàu thì sau con Cọp là con Thỏ, nhưng không hiểu sao khi các cụ ta rập theo khuôn mẫu đó để thành lập một chi bộ riêng cho xứ mình thì không thấy thỏ đâu cả, phải chăng vì loài thỏ ở xứ ta bị chồn cáo ăn thịt gần hết, chỉ còn lại đám “nhát như thỏ đế” không dám chường mặt ra, thành thử các cụ ta đành phải rà soát lại đám gia súc của mình, và khi thấy mèo chưa được cất nhắc, bèn vớ ngay lấy ả mèo nhà thế vào, làm cho các ông thầy bói xứ ta từ đó mới gieo quẻ như sau:

Tuổi Mẹo là con mèo ngao

Ăn cấu ăn cào ăn vụng thành tinh.

Cái chuyện tại sao mấy ông thầy bói không gọi là mèo nhà mà lại gọi là mèo ngao thì thật tình tôi không biết. Tôi chỉ biết là mèo - hay có khi còn gọi bằng tên chữ là “miêu”, hoặc nôm na mách qué là “mỉu” - thường quanh quẩn trong nhà, nhưng thật ra thì tổ phụ của mèo xưa kia cũng là dân ở rừng, cùng một họ với cọp, beo, sư tử… và căn cứ theo như bộ gia phả truyền khẩu còn lưu lại thì “con mèo là dì con cọp” cho nên nhìn chung về hình dạng và đặc tính, mèo vẫn có nhiều nét giống cọp và beo, nhưng vì cái tội quá nhỏ con cho nên chỉ uy hiếp được mấy con vật cỡ như chuột, rắn mối, thằn lằn v.v… chứ đối với những loài thú dữ to con hơn, và riêng đối với “thằng cháu cọp”, thì vẫn phải nể sợ một phép. Còn cái cơ duyên xui khiến cho mèo được người rước về sống chung dưới một mái nhà với mình, rồi đẻ ra cái chi phái “mèo nhà” tách rời với những chi phái mèo rừng vẫn sống đời hoang dã thì lại do chuột mà ra.

Số là từ khi con người bắt đầu biết cất nhà để ở thì loài chuột không biết từ đâu bỗng dưng không ai mời cũng tự động bồng bế kéo nhau về sống chung, lại còn thi nhau đào hang khoét vách ăn phá gặm nhắm tan hoang của người, mà người thì đành bó tay, do đó khi người vừa khám phá ra mèo rất giỏi săn bắt chuột thì liền rước ngay về để trị chuột giúp mình. Thế là cái cộng đồng súc vật lâu nay sống chung hòa bình với người nhờ thế mà càng thêm đa dạng, tuy nhiên về vấn đề ăn ở thì bọn trâu bò ngựa dê gà heo quá đông, lại quen sinh hoạt một cách “thiếu văn hóa”, cho nên chủ buộc lòng phải cất chuồng cho ở riêng trong vườn, chỉ có chó là hàng thân tín nên mới được phép chung một mái nhà với chủ, bây giờ có thêm ả mèo nữa thì cái đáng lo là lo “ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu”, cho nên chủ bèn cho ở chung luôn cho tiện.

Sở dĩ người sắp đặt như thế là vì thấy mèo nhỏ con, không có khả năng như cọp để bắt người làm mồi cho mình xực (theo đúng nghĩa đen, còn nghĩa bóng thì không kể), nên thường tỏ ra rất nhu mì, lại hay lân la quấn quýt bên người để được người vuốt ve chiều chuộng, chỉ khi nào bị chọc giận thì mới giương móng vuốt ra mà quào cấu cho hả cơn bực tức thế thôi. Đây có lẽ cũng là cái điểm mà sau này người học được của mèo cho nên các cụ ta mới hay dùng tiếng “mèo” để chỉ người yêu hay người tình của mình, còn cụ nào đã có “sư tử” rồi mà còn đèo bòng “có mèo”, thì cái việc rước “mèo hai chân” này về nhà là cả một vấn đề nhiêu khê phức tạp, chứ không đơn giản như đối với mèo bốn chân, vì trường hợp mèo bốn chân thì chủ chỉ cần ghép luôn cái bộ ba chó mèo chuột thành một “tổ tự quản”, cho sinh hoạt theo quy chế dành riêng cho loài vật trong khi chung sống dưới một mái nhà với mình là xong.

Kể ra cách giải quyết vấn đề một cách nhanh và gọn như thế xem ra vẫn có vẻ rất “lô-gích”, nhưng khi nhìn lại mới thấy là thiếu thực tế, vì bao năm qua chỉ có chó “đồng cam cộng khổ”, lại tận tụy trung thành với chủ mà công lao thì vẫn chưa được đền đáp xứng đáng, nay thấy chủ bỗng nhiên đem mèo về sống chung mà không thèm “đả thông tư tưởng” với mình trước, lại còn đem chút tình thương vốn đã keo kiệt ra san sẻ hết cho mèo thì sinh lòng ganh ghét, cho nên hễ gặp mèo đâu là sừng sộ đó. Còn mèo cho dù chân ướt chân ráo mới về đi nữa, nhưng vẫn tự hào mình thuộc giòng họ chúa tể sơn lâm chứ đâu phải loại hèn, cho nên cũng vểnh tai trừng mắt gườm gườm, miệng thì gào lên như thể muốn xơi tái luôn cả chó, làm cho người khi chứng kiến cảnh này cũng phải bấm bụng mà than trời bằng câu: “gấu ó như chó với mèo”.

Nhưng không phải chỉ mèo với chó mới có chuyện hiềm khích mà nhà chủ nào lắm gạo nhiều cơm, ngô khoai đầy bồ, làm cho lũ chuột ăn nhiều nên sinh sản nhanh và ngày càng thêm đông, đến nỗi chủ phải rước dăm bảy mèo về sống chung mới đủ lực lượng để tảo thanh chuột, thì ngay giữa đám mèo với mèo cũng không mấy khi thuận thảo với nhau được, chỉ vì mèo nào cũng ganh tỵ, cho nên mới xảy ra những cảnh gầm gừ nhau, khiến cho bầu không khí sinh hoạt trong nhà lúc nào cũng có vẻ phập phồng vì “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”.

Thật tình mà nói thì dù sao cái cộng đồng bé nhỏ lâu nay cũng chỉ mới nghe có tiếng chuột chút chít ban đêm, tiếng gà gáy sáng, tiếng lợn ủn ỉn đòi ăn, tiếng con trâu nghé ngọ về chuồng, tiếng chó sủa cầm canh, cho nên cuộc đời nghe ra vẫn bình thản trôi êm, nhưng kể từ ngày có mèo về thì cuộc đời mới thực sự bắt đầu có nhiều lúc sôi động, vì lâu lâu bất chợt lại nghe có thêm tiếng gấu ó giữa mèo với chó, tiếng gầm gừ nhau giữa mèo với mèo, và trội lên vang vang át cả tiếng của chó và mèo là tiếng của người “mắng chó chửi mèo”, làm cho cái cộng đồng bé nhỏ cứ ầm cả lên, tạo điều kiện cho đời có cơ hội “thêm mắm dặm muối” để cho mình mua vui.

Cái lý do tại sao mèo nhỏ nhắn thế mà dám kên lại chó cũng không có gì khó hiểu, vì chó lúc nào cũng cần bám vào mặt bằng để “xuống tấn”, và môn “cầu quyền” của chó lại vỏn vẹn có hai chiêu “sủa và cắn” thì nhằm nhò gì với mèo, trong khi theo như tục truyền thì mèo đã từng là thầy dạy võ cho cọp. Tuy nhiên vì tính cọp hung dữ cho nên khi truyền nghề cho cọp, mèo vẫn giữ lại cái bí kíp leo trèo cho riêng mình để phòng thân, nhờ thế mà sau này khi cọp đã lên ngôi chúa tể sơn lâm có muốn hại mèo cũng không được, vì khi gặp nguy mèo chỉ việc thót lên cây là yên chí tai qua nạn khỏi ngay. Đây cũng là một điều may cho người vì nếu cọp cũng được mèo dạy cho biết leo trèo thì e rằng loài người đã tuyệt chủng từ lâu. Có điều là sau này loài người chỉ thấy cọp mới hay diệu võ giương oai, cho nên khi nói tới môn võ này thì người ta thường gọi là “hổ quyền” chứ không ai biết nguồn gốc của nó vốn xuất phát từ “miêu quyền”, họa chăng có nhắc tới mèo thì chỉ nói về cái tài leo trèo của mèo thôi như trong bài ca dao:

Con mèo trèo lên cây cau,

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.

Chú chuột đi chợ đường xa,

Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.

Cái chuyện mèo leo cau tìm chuột thì cũng không có gì đáng nói, nhưng còn cái việc giỗ cha con mèo thì có dính dáng gì tới chuột đâu mà chuột phải lặn lội đường xa đi chợ mua mắm mua muối về cúng? Điều này hoàn toàn không phải do tình nghĩa mà phải nói đây chính là một lời than cay đắng của loài chuột, vì cả mèo và chuột hình như lúc nào cũng bị một mối hận ngàn đời nào đó ám ảnh cho nên mèo mà gặp chuột là không bao giờ tha, còn chuột mà thoáng nghe hơi mèo là toàn thân bủn rủn, và nếu không nhanh chân chạy trốn kịp thì chỉ còn cách đấm ngực than “trời sinh ra chuột sao lại còn sinh mèo” rồi nằm chết trân chờ nộp mạng. Không những thế, mèo còn ác đến độ mỗi khi vồ được chuột thì lại chưa chịu ăn tươi nuốt sống ngay, mà lại còn vờn tới vờn lui cho đến khi chuột không còn lết nổi mới bắt đầu cắn xé từng tí một, làm cho người yếu bóng vía trông thấy cảnh “vờn như mèo vờn chuột” này cũng phải sợ khiếp vía theo.

Do cung cách ăn uống của mèo rất khoan thai từ tốn chứ không vồ vập ào ào như cọp cho nên mấy người thích nói chữ mới hay ví von “nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Nhưng mèo lại có biệt tài ăn vụng nổi danh, cho nên khi nói đến mấy bà mấy cô “ăn như mèo hửi” hoặc “khảnh ăn như mèo” phải chăng cũng chỉ là một cách nói khéo để người khác tưởng lầm là các bà “ăn ít lắm”, nhưng hễ mà nhìn kỹ lại thì thấy hầu như bà nào bà nấy cũng càng ngày càng “tròn trịa phúc hậu” ra, trong khi đám mày râu mang tiếng “thực như hổ” lại không thiếu gì kẻ luôn cảm thấy “xấu hổ” mỗi khi phải sánh vai các bà chỉ vì cái vóc dáng cà tong cà teo của mình.

Vào cái thủa còn sống lang thang giữa núi rừng thì mèo có lẽ chỉ thích ăn thịt sống như cọp. Tuy nhiên kể từ lúc về với người rồi được người dạy cho biết ăn cơm, nhai xương cá, thì mèo nhiều khi cũng quên luôn cái món thịt chuột truyền thống mà đâm ra mê những món ăn đã được chế biến dành cho người, nhưng khoái nhất có lẽ là món mỡ thì phải, cho nên các cụ ta mới có câu ví “như mèo thấy mỡ”. Chính vì lẽ đó mà nhà ai có lỡ để mỡ trong nhà thì cũng xin đừng hớ hênh rồi trách mèo, vì “mỡ treo miệng mèo” thì làm sao mèo nhịn thèm được. Còn như “mèo mà chê mỡ” thì chỉ là đồ vứt đi, hết xài được rồi. Riêng cái tật ăn vụng thành tinh của mèo như mấy ông thầy bói đã lên án thì chắc chắn không phải do bẩm sinh, mà chỉ là một sự “phát huy sáng kiến” chung của mèo và chó từ khi về chung sống với người.

Sở dĩ gọi là sáng kiến chung vì chó cũng như mèo một khi đã mang thân về quy thuận và dốc lòng phò tá cho người rồi thì không còn màng đến chuyện tự lập nữa, cho nên lỡ mà số trời sắp đặt cho đầu quân nhằm gia chủ thuộc hạng “của khó người khôn” (kiểu người còn chưa có ăn thì đào đâu ra cho mèo cho chó), nên áp dụng triệt để chủ trương “chó treo, mèo đậy”, khiến cho chó với mèo mới nảy sinh ra cái thói “đói ăn vụng, túng làm càn”. Có điều mèo thường quanh quẩn xó bếp để lục lạo đáy niêu gầm chạn cho nên còn có lúc “mèo mù vớ cá rán” rồi tha đi ngon ơ tìm chỗ thanh vắng nằm ăn một mình, trong khi chó hay lùng sục ngoài sân trước ngõ, thì dễ mấy khi tìm thấy đồ ăn để cho mình được “lấm lét như chó ăn vụng bột”. Không những thế, chó lại còn ngờ nghệch đến độ hễ nghe chủ lục lạo nồi niêu thì lại xun xoe chạy đến ve vẫy đuôi mong chờ ơn trên bố thí. Bữa nào chủ được ăn thịt thì chó cũng còn có mẩu xương để gặm, nhưng bữa nào không may chỉ có cái đầu cá kho chủ còn để dành mà lại bị mèo hay chuột gì đó cuỗm tha đi mất tiêu rồi khiến cho chủ nổi cơn lôi đình, trong khi chó lại cứ lảng vảng bên cạnh thì tránh sao cho khỏi ăn vài cú đá của chủ. Họa hoằn có lần nào chủ khám phá ra thủ phạm không phải là chó thì bất quá cũng chỉ được chủ chép miệng thương hại ban cho một câu: “mèo già ăn vụng, chó vá phải đòn” để gọi là cũng có chút an ủi cho cái ngu quá cỡ này là cùng.

Tuy thích thịt nhưng thỉnh thoảng người ta cũng thấy mèo đi tìm cây cỏ để gặm. Điều này không có nghĩa là mèo nhờ sống gần đám trâu bò trong nhà quen ăn chay trường nên cũng học đòi ăn chay để sám hối tội lỗi, mà chỉ vì mèo có tật hay liếm lông làm cho những sợi lông rụng dính vào lưỡi mà không thể nhả ra nên cứ phải nuốt vào rồi tích tụ trong dạ dày lâu ngày không tiêu hoá được, làm cho mèo bị đau bụng, phải tìm cây cỏ ăn vào để xổ mớ lông ra. Vì vậy chủ nào hay nhốt mèo ở trong nhà, đôi khi có thấy cây kiểng trong nhà cũng bị mèo cắn nát thì đừng đánh đập mèo về cái tội phá hoại mà oan cho mèo, vì mèo chỉ chủ tâm tìm thuốc để chữa bệnh thôi.

Nếu chó hay dùng đuôi ve vẫy để bộc lộ tình cảm với người thì mèo hình như chỉ biết làm dáng với cái đuôi của mình cho nên mới có chuyện “mèo khen mèo dài đuôi”. Mà đuôi mèo dài thật. Tuy nhiên, mèo chỉ hay đi rình chuột ban đêm còn ban ngày mèo lại thích ngủ, do đó mỗi khi thấy mèo ăn no rồi hay tìm chỗ ấm áp nằm lim dim, buông thõng cái đuôi dài lê thê ra đàng sau một cách vô tư thì cũng xin đừng tưởng mèo ngủ say mà đụng vào vì tai của mèo rất thính. Có điều vành tai của mèo trông cứng nhưng lại mỏng và nhạy cảm cho nên lúc nào muốn hỏi tội mèo người ta vẫn hay nắm tai mèo mà xách chứ không ai dại gì nắm đuôi mèo mà kéo để rồi bị mèo phản ứng quay mình lại quào cho rướm máu liền.

Móng của mèo rất nhọn và sắc nhưng chỉ giương ra khi quào cấu hay cần bám vào vật nào đó để leo trèo, chứ lúc bình thường thì lại co rụt vào dấu dưới lớp da của bàn chân, cho nên đừng thấy bàn chân của mèo mềm mại rồi tưởng lúc nào cũng êm như nhung mà lầm. Mèo lại có thói quen hay chuốt móng chân cho thêm sắc bằng cách quào cấu vật này vật nọ, và khi mèo cần mài giũa móng mà không có gì để quào cấu thì coi chừng mùng mền chiếu gối của chủ cũng sẽ rách bươm luôn. Ngoài ra, vì tứ chi của mèo đều là chân cho nên mèo chỉ có thể có “hoa chân” chứ không tài nào có “hoa tay”, do đó những vết quào của mèo trông ra cũng thiếu thẩm mỹ không khác gì những nét chữ nguệch ngoạc của mấy anh học trò lười, vừa dở văn, vừa vụng bút, cho nên mấy ông thầy giáo mới hay dùng câu “gà bươi, mèo quào” để ví von và răn đe mấy anh học trò này.

Mèo cũng có râu làm cho mặt mèo đôi lúc trông cũng có vẻ bớt hiền dịu đi. Tuy vậy, mèo lại có được đôi mắt tròn và trong đến nỗi người ta đã dùng để đặt tên cho một loại ngọc có màu xanh là “ngọc mắt mèo”. Không những thế, mắt mèo lại có khả năng nhìn rõ trong đêm tối, cũng như có khả năng phản chiếu ánh sáng cho nên đang đêm mà chủ nhà có bất chợt nghe tiếng động nên thức dậy đi rình mò bắt trộm nhưng không thấy trộm đâu, trái lại chỉ thấy ánh mắt của mèo - cũng đang đi tìm đồ để ăn vụng - loé lên trong bóng tối thì đâm hoảng, cứ ngỡ như là mình nhìn thấy yêu tinh. Có lẽ cũng vì thế mà mấy ông thầy bói mới bảo mèo là thứ “ăn vụng thành tinh”. Một lẽ nữa khiến cho các cụ xưa cho mèo là tinh vì các cụ tin rằng nếu trong nhà có người chết chưa được tẩm liệm mà không lo bắt mèo nhốt lại hoặc cắt người canh xác để lỡ có con mèo nào - nhất là mèo mun - vô tình nhảy qua là cũng đủ làm cho xác chết phải bật dậy theo.

Mèo cũng rất hay săn sóc bộ lông của mình, nhưng chỉ bằng cách le lưỡi liếm thôi chứ không bao giờ dám tắm vì mèo rất sợ nước. Mèo mà lỡ té ao hay mắc mưa khiến cho bị ướt sũng thì trông cũng co ro cúm rúm thật thảm hại không khác gì con chuột lột, cho nên người ta cũng hay ví mấy người nhút nhát chẳng bao giờ dám làm một thứ gì cho ra hồn là thứ ‘mèo ướt”, “mèo mắc mưa”. Lạ một điều là cọp còn dám vọc nước, thế mà vẫn cứ hôi, ngược lại mèo chỉ tắm khô thôi nhưng lúc nào cũng có vẻ sạch sẽ, có điều là những gì mà mèo phế thải ra thì nồng nặc mùi khỏi chê đến nỗi người ta vẫn hay ví “chua như nước đái mèo”. Còn cứt mèo thì có lẽ chính mèo cũng còn sợ đạp phải nên mỗi lần muốn trút cái của nợ chất chứa trong lòng, mèo đều tìm chỗ kín đáo đào lỗ chôn, cho nên người ta mới bảo: “giấu như mèo giấu cứt”.

Mèo thường hay kêu “meo meo” cho nên mấy cụ có tí máu dê trong người hễ mà nhậu say ngà ngà rồi bày trò “đố vui để chọc”, thế nào cũng có màn xách tai mèo lôi vào cho mèo bị đau kêu lên “meo méo” để các cụ dùng đó làm lời giải đáp cho cái câu đố về một vật trời sinh ra “vốn sẵn là méo chứ không tròn”, rồi cùng nhau cười hỉ hả. Trái lại mấy bác thuộc diện quanh năm chật vật với miếng cơm manh áo thì lại cho rằng tiếng mèo kêu nghe cứ như “ngheo ngheo” rồi liên tưởng đến cái phận nghèo của mình mà tủi thân, cho nên chỉ thích nghe tiếng chó sủa “gâu gâu” để còn diễn ra cái ý “giàu” mà hy vọng. Đó cũng là cái lý do khiến cho các cụ xưa thường tin rằng “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, có điều khi buồn tình thì các cụ lại thích lôi chó ra mà làm rựa mận để đánh chén với nhau chứ không có cụ nào dám bắt mèo ra làm món ra-gu, có lẽ vì sợ mèo bị chết oan như thế sẽ thành tinh quay trở lại ăn thịt các cụ chăng? Họa hoằn mới có một vài tay bợm nhậu cỡ “coi trời bằng vung” mới cả gan bắt mèo làm thịt để giải quyết cho cái nhu cầu túng mồi của mình.

Cũng vì tin rằng mèo hay mang lại xúi quẩy cho nên các cụ bảo đầu năm mà thấy mèo thì cũng không khác gì xuất hành “ra ngõ gặp gái”, tức là cả năm coi như không tài nào khấm khá nổi. Tuy thế, vẫn có nhiều cụ thích lân la làm bạn với “bác thằng bần” thì lại hay bảo nhau là ai mà kiếm được cái nhau mèo đẻ làm bùa lận lưng rồi thì tha hồ yên chí mà “xóc, xoa, xoè, binh, tố…” để được thấy “tiền bạc vô như nước”, vì nhau mèo đem lại sự may mắn. Không biết điều này có đúng không, nhưng mèo vốn nổi tiếng cứt còn biết giấu thì dễ gì có cái nhau của mình đẻ ra lại để rơi rớt cho các cụ lượm, cho nên nếu có cụ nào khoe mình có lận nhau mèo trong lưng thì e rằng đó cũng chỉ là nhau mèo dởm thôi, vì xưa nay chưa từng thấy có cụ nào ghé chơi nhà “bác thằng bần” rồi trở về làm nên sự nghiệp cả, mà chỉ thấy các cụ lần lượt rủ nhau đem sự nghiệp cúng hết cho mấy tay xì thẩu, rồi mình thì tự nguyện gia nhập “làng bị gậy”.

Sở dĩ làng này có cái tên “bị gậy” là vì ngày xưa dân làng này mỗi khi đi hành nghề đều phải trang bị tối thiểu cho mình một cái bị và một cây gậy. Bị là cái bắt buộc phải có để đựng của ăn xin được, còn gậy thì trước nhất là để chống đi cho đỡ mỏi, sau nữa là còn để phòng hờ đáp lễ mấy con chó, vì hễ chó mà thoáng thấy bất cứ cụ nào thuộc “dân bị gậy” lò dò đến là thế nào cũng đem món võ gia truyền ra thị oai, nên buộc lòng các cụ phải vừa dùng gậy “huơ loạn xà ngầu”, vừa từ từ từng bước “thụt lui trong vòng trật tự” nếu không muốn bị chó ngoạm vào chân. Chó chỉ trung với chủ thôi chứ với người lạ và nhất là với mấy cụ thuộc “hàng bị gậy” thì chó không bao giờ niềm nở. Đó cũng là cái lý do khiến cho chó phải chịu cảnh người thương thì ít mà kẻ ghét thì nhiều, cho nên chó mới hay gặp cái nạn bị mấy bác bợm ghiền rựa mận rình rập đánh bã hay bắt cóc đem về bỏ vào nồi đun lên cho bõ ghét. Chỉ có mèo mới biết chủ trương “dĩ hòa vi quý” đối với mọi người, cho nên gặp chủ cưng cũng “hẩu lớ”, mà có ai lạ vuốt ve cũng “ô kê”, còn kẻ đi qua người đi lại thì mèo chỉ nhìn bằng đôi mắt bàng quan nên dễ sống.

Cũng vì trong cái tổ tự quản theo quy chế súc vật sống chung dưới một mái nhà với chủ chỉ có chó và mèo mới được chủ ban cho chức phận, cho nên nếu lỡ như có một biến cố nào đó xảy ra khiến cho lạc mất chủ, hoặc cái mái ấm bỗng dưng bị tan tành thì chỉ có mèo và chó mới phải lâm vào cảnh “sẩy nhà ra thất nghiệp” rồi bị đời gọi là mèo hoang, chó hoang, riêng chuột trước sau gì cũng chỉ là dân ở chui cho nên không hề lo, mà ngay cả khi có “cháy nhà lòi mặt chuột” đi nữa thì chuột vẫn có thể bồng bế nhau “di tản” qua nhà hàng xóm mà tiếp tục sống kiếp chuột nhà chứ không bao giờ bị gọi là chuột hoang cả. Mèo hoang còn có cơ may săn được chuột đồng chuột cống mà ăn chứ chó mà lang thang thì chỉ ăn cứt thôi, vì “chó mà không ăn cứt thì không phải là chó”, các cụ dân “Hà lội” vẫn thường “ní nuận” như thế. Chính vì chó có nhiều cái ngu quá cho nên người đời mới hay ví “ngu như chó”. Còn mèo có thông minh không thì căn cứ vào câu truyện dân gian Trạng Quỳnh ăn cắp mèo sẽ thấy mèo cũng không hơn gì chó bao nhiêu.

Truyện kể rằng vua ta có nuôi một con mèo tam thể rất xinh nên cưng lắm, bữa nào cũng cho mèo ăn toàn cao lương mỹ vị. Trạng Quỳnh thấy thế sinh tức tối bèn lập tâm ăn trộm mèo đem về nhốt ở nhà. Hằng ngày Trạng lại xách mèo đặt trước một chén cơm có thịt cá và một bên là đống cứt. Hễ mèo vừa mon men lại gần chén cơm là Trạng Quỳnh dùng roi đánh đập tới tấp. Sau nhiều lần thấm đòn, mèo đói quá bèn lân la qua đống cứt thì thấy Trạng để yên cho nên mèo đành ăn thử. Tập như vậy một thời gian mèo trở thành quen, cứ mỗi lần thấy chén cơm và đống cứt là mèo tự động chạy đến đống cứt ăn ngay chứ không còn màng đến cơm nữa.

Nhà vua mất mèo tiếc lắm mới cho người đi tìm. Có người mách vua nhà Trạng Quỳnh có một con mèo tam thể rất giống mèo của nhà vua. Thế là vua truyền lệnh cho Trạng Quỳnh phải đem mèo vào cung trình cho vua xem. Trạng Quỳnh ung dung mang mèo vào. Vua thấy con mèo này giống y con mèo của mình bị mất nên đòi Trạng Quỳnh trả mèo lại. Quỳnh tâu rằng con mèo này chính là mèo của Trạng vì nhà Trạng nghèo nên chỉ quen cho mèo ăn cứt thôi. Vua không tin nên ra lệnh cho quân lính bày ra một chén cơm đầy cao lương mỹ vị và một đống cứt để thử. Trạng Quỳnh bèn thả mèo ra thì mèo chạy ngay lại đống cứt ăn liền. Thế là Trạng Quỳnh lại ung dung ôm mèo về, còn nhà vua thì đành chịu mất mèo.

Có thể nói cái sáng kiến đem mèo ra làm thực nghiệm này của Trạng Quỳnh cũng là một công trình còn đi trước công trình đem chó ra làm thí nghiệm của nhà tâm lý học Palov ở bên Nga hàng trăm năm, nhưng có lẽ vì chuyện “mèo nhà khó không bằng chó nhà sang”, nên Trạng ta mới không công bố kết quả ra cho thế giới biết, mà chỉ đúc kết thành cái bí quyết: “Không có chó bắt mèo ăn cứt”, rồi giấu vào trong cái “túi khôn” của mình, sau đó mới truyền miệng cho dân ta biết để áp dụng vào việc giải quyết cái vấn đề “tồn tại” của một dân tộc vốn tự hào có hàng ngàn năm văn hiến nhưng lại không hề biết cái cầu tiêu là gì, vì người lớn thì đã có sẵn cái thú “thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng”, còn thằng cu cái hĩm chưa có thể tự mình bò ra đồng để hưởng cái thú vị trên, thì lại cứ tự nhiên bạ đâu phóng bừa ra đấy, do đó, lỡ mà thiếu chó để làm cái công tác dọn dẹp những thứ “tồn tại” ấy thì từ nay đã có thể bắt mèo thay chó thanh toán gọn.

Kể ra cái chuyện nuôi chó nuôi mèo ở trong nhà thì dân xứ nào cũng có, nhưng cái chuyện bắt chó mèo phải ăn cứt thì có lẽ chỉ những dân tộc được Trời phú cho cái tính thích trông vào “cái khó ló cái khôn” để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống như ở xứ ta mới xảy ra thôi. Khổ một nỗi “cái khôn ló ra từ cái khó” này thường chỉ là những cái mánh khoé dạy cho người ta cái cách để có thể thích nghi với hoàn cảnh theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “chịu đấm ăn xôi” v.v… chứ không phải cái khôn của sự hiểu biết dựa trên nền tảng của suy luận khoa học, nên không làm thay đổi được hoàn cảnh, mà chỉ làm cho đời cứ phải đẻ ra các “cụ khôn luẩn quẩn ” để cho các “cụ khôn” có cơ hội lên lớp “khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương” rồi cứ nhằm đầu thằng “dại” mà trút hết cái lòng “thương cho roi cho vọt” xuống để cho lòng mình nhẹ nhõm mà “ngồi mát ăn bát vàng”, còn “dại” thì cứ an tâm mà “đói nghèo” từ đời này sang đời khác.

Mãi đến khi các dân tộc bên trời tây nhờ phát triển được khoa học mà trở nên hùng cường rồi rủ nhau đi làm mưa làm gió khắp bốn bể năm châu thì một số dân ta mới bừng tỉnh, nhưng vì đa số thì vẫn không thoát ly khỏi cái não trạng co cụm của mình cho nên hễ nghe “lời thật thì mất lòng”, lại còn hay “cãi chày cãi cối” với nhau toàn những chuyện “ăn ốc nói mò”, khiến cho đất nước bị Tây đô hộ, rồi sau đó lại thêm những cụ “khôn nhà dại chợ” dòng họ “vẹm” bị mấy tay đại ca quốc tế chính hiệu “búa liềm” xúi bẫy mà chia bè kết đảng rồi lôi kéo dân ta đi theo con đường “cắt mạng” chí choé đầy xương máu trong suốt 30 năm để giành dựt “cơm no áo ấm”, bắt đầu từ cái mùa thu khói lửa của “năm con gà chết đói” cho đến một ngày cuối tháng mùa xuân “năm con mèo gặp nạn”, khi các cụ vẹm lùa xong dân cả nước vào chung một chuồng mới thôi. Có điều là đến đây thì cơm no áo ấm đâu chả thấy mà chỉ thấy dân cả nước bị biến thành những “con mèo của Trạng” để cho các cụ vẹm ra tay “thắt lưng buộc bụng” giùm và tập cho “ăn độn”, còn các cụ vẹm thì đang là “vô sản” bỗng một bước nhảy vọt thành “hữu sản” và tha hồ mà “ăn quả cướp được của kẻ trồng cây”, còn đất nước có tan hoang thì đã có dân “ngu thì ráng chịu”.

Ba chu kỳ 12 con giáp đã trôi qua kể từ cái năm con mèo mắc nạn ấy, trên thế giới đã có không biết bao chủ nghĩa cũng như chế độ đi ngược lại trào lưu tự do dân chủ và tôn trọng quyền con người lần lượt bị đào thải, nhưng riêng tại xứ sở của con Rồng cháu Tiên thì các cụ khôn dòng họ vẹm lại càng “thừa thắng xông lên”, xén luôn cả cái “gia tài của mẹ” đem ra bán cho “láng giềng gần”, và không quên xớt luôn những “đồng tiền tình nghĩa” của những “khúc ruột ngàn dặm” đã có lần từng bị các cụ thảy ra biển làm mồi cho cá mập mà không chết lại còn nhờ trôi giạt qua xứ người mà làm ăn ra, rồi vì xót xa cho người ở lại mà cứ phải gửi tiền về giúp đỡ, để cho các cụ vẹm càng có tiền xây thêm “nhà cao cửa rộng” cho mình ở thoải mái mà “ăn sung mặc sướng”, rồi đẻ thêm một đàn “con cháu khôn nối dõi”, hòng sau này kế tục cái sự nghiệp đục đẽo rất “hoành tráng” của các cụ. Còn những người dân mang thân phận con mèo của Trạng thì cứ bị ám ảnh bởi cây roi oan nghiệt lúc nào cũng hờm sẵn trên đầu cho nên cứ phải ngoan ngoãn mà nhận lấy cái lòng “thương lòi xương ra ngoài” để mà thấm thía hơn cái “chân lý không bao giờ thay đổi” của các cụ vẹm: “khôn nhờ dại chịu, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Không biết rồi đây năm con mèo này, dân ta có chịu mở mắt ra mà nhìn lại mình, nhìn lại người rồi thực sự “đổi mới tư duy” ngõ hầu có thể tìm ra một lối thoát cho dân tộc hay chưa, hay là vẫn cứ luẩn quẩn trong cái vòng “đóng cửa dạy nhau” bằng nhữmg trò “dại khôn, khôn dại”, để cho “khôn” thì vẫn cứ “đè đầu cưỡi cổ” kẻ “dại” mà sống cho riêng mình, còn “dại” thì cứ “nín thở qua sông”, lâu dần rồi cũng quen, cho nên mỗi khi được các cụ khôn nương tay cho thở một tí là cũng cảm thấy như mình đang được hưởng tự do hạnh phúc, do đó nhiều khi không còn dám mơ tưởng đến những chuyện đổi thay, mà có khi lại còn “cầu cho bạo chúa sống lâu”, để cho mình cứ được yên tâm trong cái chuồng của mình.

ĐOÀN VĂN KHANH

http://www.aosauvuon.net/

* * *

Tinh Thần Chu Văn An

Tinh thần do cụ Chu để lại, Cho người, các thế hệ Viêt Nam. Khắp nơi, mọi nẻo đường thế giới,

Là tấm gương sáng chói ngàn thu.

                         * Khi còn đi học, phải siêng năng, Kính thầy, mến  bạn, thương mẹ cha … Không bao giờ phí phạm ngày xanh,

Cố nên người phục vụ xã hội.

                         * Khi ra đời luôn luôn cố gắng, Việc khó khăn quyết chí hòan thành. Tìm kiếm niềm vui sau thiên hạ,

Lo lắng, ưu tư trước đồng bào. 

                         * Tinh thần Chu Văn An sống giản dị,  Không tham lam, ích kỷ, xa hoa. Cố rèn luyện “Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính”,

“Nhân”, “Nghĩa” ,“Lễ’’, “Trí”, “Tín” tu than.

                         * Triết lý Chu Văn An chỉ đạo, Các công dân ở khắp mọi nơi. Biết sống cho Quê Hương, Tổ Qưốc,

Và ấm no, hạnh phúc Đồng Bào.

                         * Tư tưởng Chu Văn An công minh, “Chém đầu” bầy bán nước, buôn dân. Cắt Quê Hương dâng bọn Bắc Kinh,

“Tàn ác với dân, hèn với giặc!”.       

Trần Khánh Hồng

 * * *

THẰNG KHÙNG

Đỗ Khắc Sưu tầm 

Lời giới thiệu:

Nhà thơ Phùng Quán viết lại bài này theo lời kể của thi sĩ Nguyễn Tuân (trùng tên với nhà văn Nguyễn Tuân – người viết bài tùy bút “Phở”) khi cùng ở trong tù.

“… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.

Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính. Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc. Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi "thằng khùng" (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ. Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc. Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên:

- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?

Anh ta chấp tay khúm núm thưa:

- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.

Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, "đầu chày, đít thớt, mặt bù loong" cũng phải rơm rớm nước. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?… Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa. Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:

- Anh Tuân này - không rõ anh ta biết tên mình lúc nào - sống ở đây anh thèm cái gì nhất?

- Thèm được đọc sách - mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.

- Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? - Anh ta hỏi.

- Voltaire! - một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky miêu tả trong Tội ác và trừng phạt. Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại:

- Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?

Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là “Cho Pin.”

Mình trả lời anh ta:

- Tôi thích nhất là Candide.

- Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?

Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp:

- Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.

Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence . Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…

Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: "Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!"

- Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! - anh nói.

Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta:

- Anh là ai vậy?

Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:

- Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa.

Rồi anh ta tiếp:

- Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi…

Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn - ngu ngơ, đần độn như thường ngày. Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết.

Thằng chuyên gia khâm liệm e đi đong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có ai khóc tống tiễn vong hồn… - những người tù nói, giọng buồn.

Mình gặp giám thị trại, xin được thăm anh ta.

Giám thị hỏi:

- Trước kia anh có quen biết gì thằng này không?

Mình nói:

- Thưa cán bộ, không. Chúng tôi hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi.

Giám thị đồng ý cho mình đến thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…

Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:

- Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…

Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN.  Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.

Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu.

Giám thị hỏi:

- Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam.

Mình nói:

- Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí.

Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán…

Chú thích

THẰNG KHÙNG trong tù này là Cha Chính Vinh, tức là Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH (1912-1971), của Nhà thờ lớn Hà Nội (1). Giáo sư Dương Minh Kính cho biết: “Tôi rất may mắn được cha Nguyễn Văn Vinh dậy tiếng Pháp và tiếng Anh hồi tôi còn học lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ và Đệ Tam…Cha Vinh rất nổi tiếng vì trong khi Pháp còn đang hoành hành ở VN, Cha đã dám chống lại De Latre de Tassigny, Tổng Tư Lệnh và cao Ủy của Pháp ở Đông Dương”.      

Cha Vinh cũng là giáo sư trường Chu Văn An và Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc Hà Nội. Dưới đây là một bài nói về TẤM GƯƠNG CAN TRƯỜNG của cha Vinh;

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Cậu Vinh, một thiếu niên vui vẻ, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh về âm nhạc, ca hát. Cậu biết kính trên, nhường dưới, trong xứ đạo, ai cũng quý yêu. Cha xứ Ngọc Lũ thời đó là Cố Hương, một cha người Pháp tên là Dépaulis giới thiệu cậu lên học tại trường Puginier Hà Nội. Năm 1928, cậu học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Tây.

Năm 1930, thầy Vinh được cố Hương dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày 20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges .

Chiến tranh thế giới xảy ra, cha Vinh phải ở lại Pháp và tiếp tục học tập. Ngài học Văn Khoa - Triết tại Đại Học Sorbone, học sáng tác và hòa âm tại Nhạc viện Quốc Gia. Ngài phải vừa học vừa làm. Vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương của ngài đã làm cho nhiều người Pháp tưởng lầm ngài là phụ nữ nên cứ chào: “Bonjour Madame!” Nhưng ẩn trong cái dáng vóc nhỏ bé đó là một tâm hồn rộng lớn, sau đôi mắt sáng là tính cương trực, dưới nụ cười là ý chí sắt son.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn Triết ở Sorbone, ngài gia nhập dòng khổ tu Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie.

Sau 17 năm du học, năm 1947 cha Vinh về nước, nhằm góp sức xây dựng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. Khi ấy, Đức cha François Chaize - Thịnh, Bề trên Giáo phận đã bổ nhiệm ngài làm cha xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ngài xin Bề trên lập dòng Biển Đức ở Việt Nam , nhưng không thành.

Cha Vinh, dù tu học ở Pháp nhưng luôn có tinh thần yêu nước, độc lập, không nệ Pháp. Năm 1951, Nhà Thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigni. Trong thánh lễ, tướng De Lattre kiêu căng đòi đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam xuống dưới lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia, cha Vinh cương quyết không chịu. Tướng De Lattre rất tức giận, gọi cha Vinh tới, đập bàn quát tháo, đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn, lớn tiếng đáp lại, quyết không nhượng bộ, nhưng Thủ tướng ngại khó nên tự nguyện rút lui. Sau vụ đó, để tránh căng thẳng, Đức Cha Khuê đã chuyển cha Vinh làm giáo sư của Tiểu Chủng Viện Piô XII, phụ trách Anh văn, Pháp văn, âm nhạc, triết học; ngài khiêm tốn vâng lời. Ngài cũng giảng dạy Văn Triết ở trường Chu Văn An.

Năm 1954, Đức cha Trịnh Như Khuê cho phép cha Vinh và cha Nhân đưa chủng sinh đi Nam, nhưng cả hai đều xin ở lại sống chết với giáo phận Hà Nội, dù biết hoàn cảnh đầy khó khăn, nguy hiểm. Đức Cha Khuê bổ nhiệm ngài làm Cha Chính, kiêm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc.

Ngài tổ chức lớp học giáo lý cho các giới, có những linh mục trẻ thông minh, đạo đức cộng tác, như cha Nguyễn Ngọc Oánh, cha Nguyễn Minh Thông, cha Phạm Hân Quynh. Lúc đầu, lớp học được tổ chức thành nhóm nhỏ tại phòng khách Tòa Giám Mục, về sau, con số người tham dự tăng dần, lớp học được chuyển tới nhà préau, và ngồi ra cả ngoài sân. Lớp học hiệu quả rất lớn, những tín hữu khô khan trở thành đạo đức nhiệt thành, ảnh hưởng lan tới cả giới sinh viên và giáo sư đại học, nhiều người gia nhập đạo. Sau chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh.

Khi cha Vinh đang làm Hiệu Trưởng Dũng Lạc, Chính phủ ra chỉ thị phải treo ảnh lãnh tụ thay vào ảnh Thánh Giá ở các lớp học. Ngài không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957, trường bị đóng cửa.

Thời bấy giờ, Đại học Y khoa Hà Nội thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức Cha Khuê cử cha Vinh đến trường dạy La tinh. Nhiều sinh viên cảm phục ngài. Một hôm, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói với đoàn tháp tùng:

“Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại Học quốc gia ư?”  

Ít lâu sau trường Đại học Y khoa không mời cha dạy nữa.

 Biết tài năng và kiến thức âm nhạc của ngài, nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội tìm cha Vinh tham khảo ý kiến và nhờ xem lại những bản nhạc, bài ca họ mới viết.

 Cha Vinh, một trong những nhạc sĩ tiên phong của Thánh nhạc Việt Nam , và là một nhạc sĩ toàn tài. Ngài chơi vĩ cầm và dương cầm thật tuyệt, chính ngài là người Việt Nam đầu tiên chơi vĩ cầm ở Hà Nội. Ngài có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, lại được học tập chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm thánh ca tuyệt vời. Cha Vinh trình bày bản hợp tấu “Ở Dưới Vực Sâu” nhân cuộc đón tiếp phái đoàn Việt Nam do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu sang dự Hội Nghị Fontainebleau năm 1946.

 Ngài cộng tác với Hùng Lân sáng tác “Tôn Giáo Nhạc Kịch Đa-Vít.” Sáng tác nhiều nhạc phẩm lớn: “Mở Đường Phúc Thật,” “Tôn Vinh Thiên Chúa Ba Ngôi,” “Ôi GiaVi,” “Lạy Mừng Thánh Tử Đạo.” Ngài phổ nhạc cho các Ca Vịnh 8, Ca vịnh 16, Ca vịnh 23, Ca vịnh 41, Ca vịnh 115 và nhiều bài hát khác như Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Tâm Giêsu. Ngài còn viết những bài ca sinh hoạt: Sao Mai, Đời Người, phổ nhạc bài “Bước Tới Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.

 Hằng tuần ngài đến dạy nhạc, xướng âm và tập hát bên chủng viện Gioan. Cha Vinh có giọng nam cao, âm hưởng thanh thoát, lôi cuốn.

Ngài tổ chức và chỉ huy dàn đồng ca trong nhiều cuộc lễ và rước kiệu lớn như cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Hàm Long về Nhà Thờ Lớn Hà Nội.

Năm 1957, Nhà nước muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là ở Việt Nam đạo Công giáo vẫn được tự do hành đạo và tổ chức được những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dịp Lễ Noel, chính quyền tự động cho người đến chăng dây, kết đèn quanh Nhà Thờ Lớn, sau lễ họ vào đòi nhà xứ Hà Nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công. Năm 1958 cũng thế, gần đến lễ Noel, không hề hỏi han, xin phép, một số người của Nhà nước ngang nhiên đưa xe ô tô chuyển vật liệu, tự động bắc thang, chăng dây treo bóng điện màu trang trí ở mặt tiền và trên hai tháp Nhà Thờ Lớn. Cha xứ thời đó là cha Trịnh Văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, cha Căn liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân kéo đến quảng trường nhà thờ rất đông ủng hộ cha xứ, hai bên to tiếng.

Cha Căn gọi Cha Vinh ra can thiệp, sau một hồi tranh luận không kết quả, cha Vinh kéo những người của Nhà nước đang leo thang chăng đèn xuống, rồi chính ngài leo lên thang, hai tay đưa cao trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt lên nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn:

 “Tự do thế này à!”

 Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, công cuộc trang trí không thành.

Cha Căn, cha Vinh cùng một số giáo dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án Hà Nội tuyên án: Cha Trịnh Văn Căn, Chính xứ Nhà Thờ Lớn, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Noel năm 1958 chịu án 12 tháng tù treo. Cha Chính Nguyễn Văn Vinh chịu án 18 tháng tù giam, với tội danh: “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân” (!).

Sau phiên tòa, cha Vinh bị đưa đi giam ở Hỏa Lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác như Chợ Ngọc, Yên Bái, cuối cùng là trại “Cổng Trời”, nơi dành riêng cho các tù nhân tử tội.

Khi cha Vinh mới đến trại Yên Bái, ngài còn được ở chung với các tù nhân khác, nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế ngài bị kỷ luật, phải biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, ngài lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi:

 “Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy?”

Ngài đáp:

 “Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!”

Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một... Một lần cha Vinh nhận được gói bưu kiện do cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi lên, trong đó có ít thức ăn, lương khô và vài đồ dùng cá nhân, ngài đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi ngài là “Bố.”

Ngay trong nhà tù, cha Vinh vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, ngài lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, ngài đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó trong trại có tiếng đồn cha Vinh giỏi võ, mọi người phải nể vì.

 Một cán bộ cao cấp ở Hà Nội lên Cổng Trời gặp cha Vinh, nói: “Đảng và Chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh (Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Ngài khẳng khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi”.

 Vì không khuất phục được ngài, nên bản án từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù kiên giam, xà lim, biệt giam và án tử. Năm 1971, khi ngài từ trần không ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và cha Cương quản lý Nhà Chung:

 “Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh!”

 Suốt đời mình, trong mọi tình huống cha Chính Vinh làm tròn trách vụ của mình. Ngài đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho đức tin, khi thuận tiện cũng như khó khăn. Vượt mọi thử thách gian khó, không chịu khuất phục trước cường quyền, luôn trung kiên với Thiên Chúa và Giáo Hội.

 Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam can trường, hậu thế kính tôn và ghi ân ngài.  

TGP Hà Nội BBT (Theo HĐGMVN)

 * * *

Về Miền Nắng Ấm

Phạm Gia Đại, CVA65

(Lời Tác Giả: "Về miền nắng ấm" là bài viết bổ túc cho "Chuyến tầu xuôi phương Nam" cùng một tác giả trong hồi ký NNTCC nhằm vinh danh những người tù chính trị chế độ cũ trong tập trung "cải tạo".

Họ là những người trước kia từng đối mặt với quân thù ngoài trận tuyến và giờ đây vẫn phải chịu sự trừng phạt tàn khốc trong trại giam, đối đầu hàng ngày với kẻ thù, và nhiều người đã gục ngã trong âm thầm và lặng lẽ.")

Đoàn xe buýt chở tù vào đến ga Nam Định thì trời vừa tối và họ chỉ định cho chúng tôi một góc tường nhà ga làm nơi tạm thời nghỉ ngơi trước khi có lệnh lên tầu hỏa.

Chúng tôi người đứng dựa vào bức tường hay dựa vào nhau, không ai dám trải tờ báo ngồi xuống đất bởi chung quanh đó không có một chỗ nào tương đố sạch sẽ một chút, toàn những đất đen lẫn những miếng gạch vỡ và ẩm thấp.

Một vài người dân trong những bộ quần áo nghèo nàn ăn mặc thật giống nhau đi bộ gần đấy hay đạp xe vội qua nhìn chúng tôi có vẻ hơi thắc mắc bởi vì tụi tôi bấy giờ đều ăn mặc các bộ quần áo dân sự do gia đình gửi vào nhưng lại bị còng tay cứ hai người một cái còng số tám.
Quả thật tôi không thể ngờ rằng cuộc đời nhiều lúc đắng cay và nghịch lý như hoàn cảnh của tôi.

Năm một chín sáu lăm, tôi là một học sinh Chu Văn An mang trong người mảnh bằng Tú Tài II với nhiều mộng ước vào đời, nhưng đúng mười năm sau đó là Định Mệnh đau thương khi miền Nam sụp đổ và tôi lại quay về đúng ngôi trường thân yêu ấy trong thân phận người tù chờ xe đến để chở vào trại tập trung "cải tạo".

Không gì đau lòng hơn hôm nay nữa khi tôi ghé lại nhà ga Nam Định, nơi chôn nhau cắt rốn của mình trong tư thế một tù nhân chuyển trại. Cứ ngỡ rằng nếu có một ngày nào về thăm quê hương Nam Định của tôi thì đó phải là một ngày trong vinh quang.

Khi trời đã về khuya, các gian hàng trong khu nhà ga đã lên từ lâu, thứ đèn bóng tròn hắt ra một thứ ánh sáng vàng vọt yếu ớt không đủ chiếu dù chỉ là một khoảng sân ga thì chúng tôi được lệnh lên tầu.

Từng hai người một bước lên con tầu cũng cũ kỹ như cái ga Nam Định, có lẽ đã nhiều chục năm vẫn mang một bộ mặt không thay đổi đó.

Bấy giờ là vào tháng Năm năm một chín tám tám, các tù nhân chính trị chế độ cũ còn bị giam giữ tại miền Bắc chỉ còn lại đúng chín mươi người trong số hàng trăm ngàn tù nhân bị di chuyển vội vã bằng mọi phương tiện từ Nam ra Bắc mười hai năm trước. Cộng với một tù hình sự nghe nói có người chú là Thiếu Tướng VC nên được ưu đãi cho vào Nam tiếp tục thụ án.

Chúng tôi chiếm hai toa đầu tiên và các cán bộ và cán binh đi áp tải thì một toa nữa thứ ba để ngăn cách chúng tôi với dân chúng hay những người buôn bán bị dồn xuống các toa tầu phía sau.

Cứ hai người ngồi một ghế băng bằng gỗ thì khá rộng rãi nhưng nếu nhét bốn người thì không lọt nên chúng tôi ngồi thành hai cặp đối điện nhau.

Tôi và anh hai Hầu may mắn ngồi thuận theo hướng tầu chạy nên nhìn được nhiều cảnh vật bên ngoài. Cổ tay phải tôi khóa với tay trái anh Hầu cho nên tôi ngồi bên cạnh cửa sổ bên trái toa tầu và anh Hầu cạnh lối đi.
Tôi để cây đàn ghi ta và giỏ mây đựng các thứ cần thiết lên trên giá gỗ cho rộng chỗ và vừa ngồi xuống chưa bao lâu thì con tầu bắt đầu chuyển bánh một cách nặng nhọc rời nhà ga.

Gió bên ngoài thổi vào trong toa mát rượi như xua đi bao mệt nhọc trong ngày di chuyển từ trại Ba Sao Nam Hà đến đây và bây giờ đang ở trên con tầu xuôi về Nam.
Quả thật đây là giấc mơ bất ngờ mà bao nhiêu năm nay chúng tôi chờ đợi vì ít ra nếu không được thả ra khỏi trại thì cho về Nam cũng dễ thở hơn, cũng như án tù của mình được giảm đi một phần rồi.

Chúng tôi đang xa rời dần xứ Bắc theo tiếng máy tầu xình xịch chạy trên đường ray làm tôi chợt nhớ đến anh Hiến, Đại Úy Biệt Động Quân tác giả bài hát "Chuyến Tầu Xuôi Phương Nam" mà tôi rất thích: "Chuyến tầu xuôi phương Nam, xin từ giã từng đoạn đường ... Mái trường Phan Chu Trinh em còn nhớ lời hẹn hò, bao giọng nói lời hỏi chào, dòng kỷ niệm quấn quít bên nhau...Mãi mãi vườn xưa xanh tươi, môi hồng thắm lại nụ cười, phố phường sống dậy tình người, Mẹ già ngồi bếp cũ năm xưa, qua một thời dĩ vãng thương đau..."

Người tù và nhạc sĩ BĐQ tài hoa ấy vẫn mơ về một ngày mà đất Mẹ sẽ có lại được những nụ cười thương yêu, những khuôn mặt rạng rỡ, có lại được tình người nồng thắm trong một không gian đầm ấm của hạnh phúc ngày xưa, và tất cả những đau thương do chiến tranh và tù đầy đổ xuống quê hương tang tóc sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Nhưng niềm mơ ước ấy đã không thể trở thành hiện thực vì những người tù vẫn còn bị giam giữ không có ngày tháng, người dân vẫn còn bị đọa đầy; và khi tôi nghe tin anh sau một thời gian thả về đi vượt biên đã bị mất tích.

Nếu đúng vậy thì anh đã có thể trở về cái ngày xưa ấy khi còn giòng máu nóng trong người và cầm súng trên tay cùng các đồng đội đi săn lùng diệt địch.

Anh hai Hầu ngồi bên cạnh tôi đã ngủ từ lúc nào, anh thật là hiền hậu vô tư và thật là dễ ngủ dù là trong tư thế ngồi và đôi khi xe chạy qua những quãng đường không được êm lắm. Tôi rất mến anh vì tính tình đôn hậu giản dị của người miền Nam nên coi anh như người anh và ăn chung với nhau kể từ ngày thầy Tâm, thầy tôi và các vị trong Nha Tuyên Úy được thả về.

Anh thường nhìn tôi cười cười :

- “Mỗi lần anh nghe Đại thuyết trình về tin tức thời sự, về sự can thiệp của Mỹ và các hội đoàn cho anh em mình sớm được trả tự do thì anh lại lên tinh thần.”

Tôi nhìn lối đi qua toa bên cạnh nơi chứa số còn lại của anh em tù nhân trong đó có các ông Tướng và nhớ đến những lúc tôi đánh liều vượt tường qua khu giam các Tướng để thuyết trình theo sự yêu cầu - vì sống trong đó các anh không có nhiều tin tức như tụi tôi ở ngoài này.

Hơn nữa, tin tức về các cuộc thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Hà Nội để sớm thả các tù nhân này ra khỏi trại giam vẫn là những đề tài nóng bỏng nhất mà mọi người đều muốn biết vì tin tức ấy đã nhen nhóm lên trong chúng tôi một ánh lửa hy vọng.

Một điểm nữa là các tù nhân còn lại sau mười ba năm trong trại giam thì đa số đều thuộc các thành phần mà họ gọi là có nhiều "nợ máu với nhân dân và nguy hiểm cho chế độ" như tình báo, an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt và những thành phần này sẽ còn bị giữ trong các trại rất lâu, không có thời gian tính, nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài từ phía chính quyền Mỹ và các hội đoàn tại hải ngoại.

Bởi vậy đó là lý do tại sao chúng tôi phải săn lùng các tin tức liên quan đến các tù nhân chính trị để biết chắc được rằng thế giới bên ngoài vẫn còn nhớ tới mình.

Anh Hầu đang ngủ gật gù và bỗng dưng chúi xuống đất, may mà tôi dùng tay trái chụp được vai của anh níu lại kịp lúc. Anh tỉnh dậy:

- “Chuyện gì đó Đại?”

- “Anh ngủ gục. Không được rồi tôi chẳng có thể ngồi canh anh như thế này suốt đêm được rất nguy hiểm. Bây giờ anh nằm xuống sàn tầu đi rồi gần sáng tôi đổi chỗ cho anh lên ghế nằm chứ ngủ ngồi không xong rồi.”

Bên ngoài trời tối đen không còn nhìn thấy gì nữa vì tầu đang đi qua một vùng hoang vu không có người ở, không một ánh đèn, chỉ thấy những vì sao long lanh xa tít trên trời như cũng lấp lánh chung vui với chúng tôi trên chuyến tầu xuôi về Nam hôm nay.

Đây là đất nước mình đây ư! quê hương của mình đây ư! nhưng tại sao chúng tôi lại vẫn còn bị giam giữ và đầy đọa ngay trên quê hương mình khi cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài hai thập niên với bao nhiêu triệu người chết, đã tàn rồi từ mười ba năm trước?

Hầu hết các bạn tôi đều đang say ngủ và toa tầu thật yên lặng, thỉnh thoảng mới có một vài cán binh chạy lên xuống xem chừng chúng tôi mà thôi rồi lại trở về toa của họ.

Ánh đèn vàng nhỏ trên nóc toa tỏa ra một ánh sáng mờ mờ theo tiếng xình xịch của bánh xe lửa lại càng làm thêm buồn ngủ, nhưng không hiểu sao dù rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn chưa ngủ được.

Có thể vì hôm nay là một cái ngày gì rất đặc biệt trong quãng đời tù tội của chúng tôi, những người tù cuối cùng đang rời xa dần đất Bắc.

Tất cả là chín mươi người, con số thật là bé nhỏ, những người trước kia từ các trại khác nhau trên miền Bắc về tụ hội tại Nam Hà, và bây giờ đây năm một chín tám tám, chín mười người còn lại ấy vẫn còn sống và đang ngồi trên chuyến tầu này xuôi Nam, sau mười ba năm giam cầm và lưu đầy.

Nếu nói đây là một sự thành công kỳ diệu của sức người đã vượt qua được những thử thách của thời gian thì phải cảm ơn Ông Trời đã sinh ra con người, tuy bằng xương bằng thịt nhưng trong gian nan nguy khốn, đã có được một sức chịu đựng bền bỉ ngoài sức tưởng tượng.

Những người tù cuối cùng này còn sống sót và còn minh mẫn, chính là nhờ vào sức chịu đựng phi thường của họ, chính là nhờ Ơn Trên vẫn che chở cho họ, và cũng chính nhờ gia đình trong đó người vợ với tấm lòng son sắt, đã không quản ngại khó nhọc đi thăm chồng suốt bao nhiêu năm trường.

Viễn ảnh đang trở về miền nắng ấm có lẽ cũng làm cho tôi thao thức không ngủ được chăng. Trên trời ông Trăng vừa ra khỏi được cụm mây để tỏa xuống trần gian một làn ánh sáng yếu ớt cho đêm bớt tăm tối.

Có thể một tương lai tốt đẹp hơn đang chờ chúng tôi trong miền Nam nhiều tình người hơn, gần gũi với gia đình hơn, và gần với Sàigòn hơn.

Hai chữ Sàigòn gây cho tôi một cảm giác xao xuyến mà đã bao nhiêu năm rồi tôi đã cố chôn chặt nó trong lòng để cố quên nó đi, nhất là những đêm Đông giá buốt, bởi vì mỗi khi nghĩ đến Sài gòn thì cả môt vùng trời kỷ niệm sống dậy và nó dằn vặt tôi trong nỗi nhớ khôn nguôi.

Hai chữ đó như nhắc nhở tôi về một thời gian có vẻ như xa xưa lắm rồi tôi đã có những năm tháng yên vui hạnh phúc bên những người thân yêu, bên Mẹ, anh em, bên vợ bên con, bên bạn bè, rồi bỗng dưng tất cả sụp đổ tan tành và thân tôi bỗng nhiên thành tù tội ngay trên quê hương mình.

Rồi tôi bắt đầu làm quen với lao động để “cải tạo” tại trại Long Thành và rồi đột ngột chuyển trại ra Miền Bắc trong một đêm không trăng sao và ở lại ngoài đó mười hai năm.

Cuối cùng thì giờ này tôi đang bỏ lại sau lưng cả một quãng đời tù đầy cơ cực trên xứ Bắc.

Bỏ lại mười hai mùa Hè nóng như nung người, những đêm trong buồng giam ngộp thở hơi người, chúng tôi ngồi tại chỗ nằm chỉ mặc cái quần đùi mà mồ hôi nhỏ từng giọt cho đến khi mệt lả đi thì mới ngủ thiếp được. Hoặc phải tìm ít nước thấm ướt cái mùng rồi chui vào ngay khi còn ít hơi mát để tìm giấc ngủ, khổ nhất lúc đó là phải chui vào trong mùng bởi không thể ngủ bên ngoài vì từng đàn muỗi sẽ đến hỏi thăm sức khỏe ngay.

Ban ngày thì lao động khổ sai ban đêm thì chống chỏi từng giờ với cái nóng ghê gớm của mùa Hè.Cái nóng ghê gớm đến nỗi mà một anh bạn thân tôi là cò Lạt đã phải than rằng chỉ cầu Trời cho một cơn mưa chứ chẳng còn cầu ngày về nữa.

Bỏ lại sau lưng mười hai mùa Đông mưa phùn gió Bấc, những làn gió lạnh buốt như quất vào da thịt người tù như thấm vào tận xương tủy, nhiều lúc như không còn cảm giác ở hai bàn tay.

Những buổi sáng thức dậy khi trời còn đầy sương trắng đục, mây mù giăng mắc khắp núi rừng chung quanh, cảnh vật như mờ mờ ảo ảo có lẽ không phải trên trần thế, mà người tù vẫn phải thức dậy chuẩn bị cho một ngày lao động mới.

Nói về mùa Đông, tự dưng tôi nhớ đến một người tù trẻ tuổi cũng rất đặc biệt, anh chỉ là Thiếu Úy nhưng không hiểu sao cũng bị đưa ra Bắc trong tình trạng gần như đã mất trí nhớ.

Anh tự xưng là Nguyễn Huệ, ban đầu tôi tưởng tên anh là Huệ thật nhưng sau đó các bạn cho biết là anh tự nhận như vậy. Anh thường quanh quẩn trong trại, đúng ra loanh quanh trong buồng giam mà thôi, nhiều lúc nói những gì nghe không hiểu và lại mỉm cười một mình. Tôi đoán rằng anh đã trải qua một giai đoạn nào khủng khiếp lắm trong đời, có thể là sau khi bị bắt, bị tra tấn hay ngược đãi, hoặc vì tình cảnh gia đình nên đã mất trí luôn.

Có điều rất lạ lùng là trong mùa Đông xứ Bắc lạnh căm căm như vậy, ngay cả những ngày buốt giá vì nhiệt độ hạ thấp đột ngột bởi những đợt khí lạnh từ bên đất Tầu thổi xuống thì anh vẫn phong phanh bộ quần áo tù và để đầu trần mà vẫn bình thường. Có anh trong buồng thấy vậy bèn cho anh cái áo len để mặc nhưng cũng chỉ một hai ngày rồi lại thấy anh bỏ cái áo len đâu mất.

Như thế suốt mùa Đông mà anh không hề bệnh tật gì trong khi tôi mặc mấy lớp áo kể cả áo len và trên đầu còn trùm một cái mũ nỉ nữa mà vẫn thấy khí lạnh nó thấm vào tận da thịt.

Lúc đó tôi mới thấy cái kỳ diệu của cơ thể con người mà ông Trời đã cho chúng ta, có thể vì hệ thống thần kinh của anh đã bị tổn thương cho nên không còn cảm nhận được cái lạnh khủng khiếp đó của những ngày mùa Đông? Nhưng điều làm cho tôi ngạc nhiên là anh không hề bị bệnh tật gì hay tỏ ra giá lạnh vì ăn mặc như vậy suốt mấy tháng trời mùa Đông.

Có thời gian khi anh mua được một miếng thịt tươi, như các anh em khác thì nấu nướng lên rồi ăn nhưng anh lại đem chôn nó xuống đất. Tôi có hỏi anh là chôn để làm gì thì anh nói là để dành cho mùa Đông.

Một bác nữa ở cùng chung buồng giam với tôi, bác Hưởng cũng cùng đợt chuyển ra Bắc với anh Thiếu Úy tự xưng là "Nguyễn Huệ". Bác tuy lớn tuổi nhưng rất là tỉnh táo sáng suốt tuy rằng móm mém vì các răng cỏ đều rụng hết. Bác được anh em đều rất thương mến vì tính tình hòa nhã và hiền hậu, có anh gọi bác rất thân thương là Tía nữa.

Tôi còn nhớ rất rõ hình dáng còm cõi, da sạm nắng và cái lưng hơi gù cùng tướng đi còn nhanh nhẹn của bác. Bác Hưởng luôn vui cười với mọi người và hay kể những chuyện về miền quê hương của bác ở miệt Tiền Giang với đủ loại trái cây và các món ăn ngon ít nơi nào có được.

Tôi không có dịp về thăm Tiền Giang và Hậu Giang nên nghe bác kể một cách thích thú say mê, và đôi lúc cảm thấy hối hận vì trước kia chỉ biết lao vào làm việc mà quên cả đi thăm các thắng cảnh của quê hương mình nhưng bây giờ ân hận thì cũng đã muộn.

Giờ thì đã mất hết rồi và nếu có còn có dịp nào chăng nữa sau này mà đi du lịch thì những danh lam đó cũng không thể nào còn đẹp như xưa và cũng không còn cái không khí của ngày xưa nữa.

Có hôm nào hứng chí thì bác Hưởng lấy đôi đũa ra gõ nhịp nhịp rồi ngồi ca mấy câu vọng cổ, ca xong thì bác có vẻ hài lòng lắm và quay qua nhìn chúng tôi hỏi là tụi bay thấy tao ca có hay không rồi lại nhịp nhịp chiếc đũa.

Một buổi chiều Đông nhưng trời đã tối xuống rất nhanh, tôi thấy bác tự dưng chạy ra sân rồi la hét điên cuồng lên và chửi lung tung, than Trời xong lại trách Đất. Anh em vội kéo bác vào trong buồng nhưng bác vẫn nhìn ra ngoài cổng trại mà chửi cho đến khi khan cả tiếng không nói được nữa thì mới thôi.

Một vài ngày sau, buổi tôi bác đi ngủ như thường lệ nhưng sáng hôm sau thì bác đã không còn tỉnh dậy nữa.

Người tù đó đã tìm được sự bình yên nơi không còn thù hận, có thể bây giờ thì bác đã được thong dong trở về thăm miệt quê Tiền Giang yêu thương nhiều trái cây và thức ăn ngon của bác.

Một anh nghĩa quân nữa không hiểu mắc vào tội gì mà cũng bị đưa ra Bắc giam giữ. Anh rất hiền lành ít nói nhưng vài năm sau anh dần dần bị lãng trí và cũng ra đi bất ngờ trong một ngày đầu Đông không biết vì lý do gì. Hay như anh Thiếu Tá Cảnh Sát nằm cạnh tôi một sáng ngủ dậy đang nằm nhai miếng bánh bột hấp bằng đầu ngón tay cái, là khẩu phần ăn cho người tù để sửa soạn lao động khổ sai trong bốn tiếng đồng hồ thì tự dưng miếng bánh vuột khỏi tay rơi xuống sàn nằm và anh đã ra đi nhẹ nhàng như một ngọn đèn hết dầu. Anh bị bệnh phù thủng nặng hai chân đã sưng vù lên và được ở lại buồng một thời gian để nghỉ ngơi, nhưng vì thiếu dinh dưỡng và thuốc men nên bệnh trở nặng và sức cũng không còn, nên đã chết đi y như ngọn đèn cạn dầu từ từ lụi tàn và tắt đi một cách tự nhiên.  

Mạng người tù trong môi trường ấy không có một chút giá trị nào đối với họ, kẻ đã chiến thắng.

Xin cầu nguyện cho tất cả các anh em tù nhân đã nằm xuống sớm về được miền Vĩnh Hằng - nơi không còn đói rét và đọa đầy thân xác.

Tôi đang bỏ lại sau lưng cả một quãng đời cơ cực với bao hiểm nguy, tôi cố quên đi hết và bỏ lại đàng sau lưng những nhục nhằn của một kiếp người lầm than. 

Chúng tôi đã mất mát quá nhiều nhưng cũng học được những bài học đắt giá và nhờ Ơn Trên mà chúng tôi đã xoay chuyển được tình thế trở nên thuận lợi hơn trong những năm gần đây.

Chúng tôi biết sống hơn để có thể tồn tại, niềm tin rằng mình sẽ có ngày về càng lúc càng được củng cố vững chắc nhất là khi về Nam Hà được một hai năm sau thì anh Toan, nghị sĩ, đã cho tôi biết về những bài thơ Đường thật là tuyệt tác và có ý nghĩa của cụ Phan mà anh em thường gọi cụ là Thánh Tùng La.

Cụ Phan chính là nhà ái quốc Phan Đình Phùng đã hiển Thánh và Ngài đã giáng cơ xuống, theo lòng thành cầu khẩn của một số anh em muốn biết số phận của mình ra sao, và Ngài dã cho những người tù từng bài thơ một, phác thảo ra một tương lai còn nhiều hứa hẹn.

Các bài thơ này đã được chuyền tay nhau đọc và chép lại và đã làm cho tinh thần người tù lên cao và niềm hy vọng tưởng như lụi tàn nay bừng cháy lại.

Xin thành kính đội ơn Thánh Tùng La đã ban những bài thơ như rồng bay phượng múa ấy để nhóm lại ngọn lửa hy vọng trong khi nhiều người tù đã trở nên bi quan và yếm thế tại trại Nam Hà.

Lúc này, ngồi trên toa xe này xuôi về Nam thì tôi đã trở thành một con người có bản lãnh và nghị lực khác hẳn so với mười hai năm trước lúc còn ngơ ngác trước ngưỡng cửa dẫn vào địa ngục của trại giam trong chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc.

Bởi vì tôi đã học được bao nhiêu là kinh nghiệm sống và tác phong quân tử từ những người bạn thân trong đó có các anh trong tổ Điện, học được từ thái độ bình thản chấp nhận cái chết đến từng ngày của ông Xuân viện trưởng, từ sự hy sinh tận tụy của anh Trung những ngày tháng cuối chăm sóc bên cạnh ông Xuân, từ sự trầm tĩnh của anh Đồng Tuy và nhiều nữa.

Tôi còn học được những điều quí báu về tôn giáo, về số phận con người, về Định Mệnh, qua Thượng Tọa Thích Thanh Long, qua thầy Tâm người thầy hiền hậu của tôi, thầy Khuê, thầy Thạnh, thầy Tùng,v.v. qua Mục Sư Kỳ, Mục sư Lộc, và quí vị Linh Mục.

Nhiều lúc so sánh tôi thấy cuộc đời tôi có một nét rất giống như câu chuyện ngày xưa tôi rất thích là "Bá Tước Monte Cristo" khi có cơ duyên trong tù đã gập được vị thầy, một Minh Sư đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của mình sau này.

Trong truyện thì nhân vật Edmond Dantes đã bị hàm oan khi đang chuẩn bị lễ cưới thì bị bắt và bị lưu đầy đến một trại biệt giam trên đỉnh núi cao -nơi chỉ có đi mà không có về.

Nhờ cơ duyên Edmond đã gập được vị linh mục và là một nhà thông thái cũng bị biệt giam trong đó và chính nhờ gập được vị thầy này mà Edmond đã tôi luyện trở nên một con người văn võ toàn tài và vị linh mục còn tiết lộ bí mật của kho tàng cho Edmond nữa.

Lại nhờ vào may mắn lúc vị linh mục này qua đời phù hộ cho mà Edmond đã thoát ra khỏi chốn biệt giam trở về và ân đền oán trả.

Tôi cũng có cơ duyên sống với Thầy Tâm và được thầy dậy dỗ bảo ban mọi việc, nhất là về căn bản đạo Phật, nhờ đó mà tôi mới có nghị lực chống chỏi với bao phong ba bão táp như muốn nhận chìm mình xuống.

Nếu không gập được người thầy như thầy Tâm, thầy Thích Thanh Long thì chắc là tôi đã nằm lại trong bốn bức tường nhà tù.

Tôi có một điểm khác với Edmond là khi ra khỏi tù thì tôi không tìm được kho tàng như Edmond Dantes và tôi cũng chỉ trả ơn chứ không trả oán.

Nhìn ra vùng tối trước mặt với những hàng cây sậm đen, những con đường đất, những mái nhà tranh mờ mờ đang ngủ yên, những thửa ruộng thấp thoáng ánh nước trong đêm hòa trong tiếng xình xịch của bánh xe lửa, mắt tôi chợt nhòa đi khi nghĩ về những người tù hiền lành đã không còn nữa trong đó có vị viện trưởng viện đại học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân mà tôi vô cùng kính mến.

Họ đã phải nằm lại miền Bắc lạnh lẽo ấy chứ không có được cái may mắn như chúng tôi hôm nay đang theo con tầu cũ kỹ này xuôi về phương Nam nhiều nắng ấm.

Vĩnh biệt xứ Bắc, xin chào mười hai năm lưu đầy, xin chào những con người mà tôi đã gập ngoài đó và xin giữ mãi trong lòng không bao giờ quên các kỷ niệm đau thương xen lẫn những nụ cười của những người tù mà tôi quen.

Những tiếng xình xịch đơn điệu của con tầu trong đêm khuya lặng lẽ như đưa dòng tư tưởng tôi về với những người thân thương.

Nghĩ đến gia đình tự dưng hình ảnh hai đứa con hiện lên trong trí nhớ, có lẽ giờ này chúng lớn lắm rồi vì ngày tôi ra đi thì con gái chưa đầy năm tuổi và con trai chưa đầy bốn, bây giờ...bây giờ thì chúng đã mười tám và mười bẩy tuổi rồi, chắc khi gập lại tôi không thể nhận ra con tôi nữa.

Những làn gió mát hiu hiu thổi vào khung cửa ru tôi ngủ lúc nào không biết. Tôi chợt mơ thấy mình trở về mái nhà xưa nơi tôi đã sống hơn mười lăm năm trên con đường Trương Minh Giảng, Sàigòn thân thương, chợt nghe đâu đây tiếng cười rộn rã của hai đứa con nhưng chẳng thấy chúng đâu, rồi lại nghe thấy tiếng cười xen lẫn nước mắt của Mẹ già tóc nay đã phai mầu vì bao nhiêu năm tháng thương nhớ đứa con trong tù.

Tôi đã đi vào một giấc ngủ thật sâu lắng và êm đềm cho đến khi ánh nắng ban mai rọi chiếu vào toa tầu qua khung cửa sổ làm tôi tỉnh giấc thì trời đã sáng từ lúc nào và tầu đang đi vào địa phận miền Trung.

Miền Trung, nhất là các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh, miền đất cằn lên sỏi đá và thiên tai bão lụt quanh năm vốn đã nghèo nay lại còn xơ xác hơn với những mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo, những con trâu gầy gò, những con bò ốm giơ xương và những con người bừa thay trâu cầy thật là khốn khổ.

Đâu đâu cũng nhìn thấy những khuôn mặt xanh xao thiếu ăn trong những bộ quần áo lam lũ làm chúng tôi tuy trong thân phận tù đầy không khỏi bồi hồi xúc động và thương thay cho dân mình.

Mỗi khi tầu ghé tới ga nào thì mấy tay cán binh đi theo canh giữ chúng tôi trên tầu thường hay hỏi anh em chúng tôi cần gì không họ mua dùm cho.

Mấy tay cán binh này và mấy tay Thiếu Úy nữa đi theo trên tầu, chúng tôi đếu quen mặt vì thường xuyên vào trại uống cà phê, trà lá. Họ biết chúng tôi nên đi theo canh giữ cũng dễ chịu.

Tôi mấy năm sau thì bao tử và ruột bị yếu nên rất cần nước nóng và một tay cán binh hay cầm cái phích nước của tôi và lại chạy bay xuống mua dùm nước sôi.

Có lần tầu đã chạy rồi mà chưa thấy anh ta đâu thì bất ngờ y xuất hiện và hớt hơ hớt hãi chạy theo và nhẩy lên được toa tầu thì văng mất cả nắp cái phích nước của tôi.

Mỗi lần như thế thì tôi lại cho anh ta ít tiền để uống cà phê nhờ vậy mà tôi có nước sôi mà pha trà hay cà phê hay làm gói mì ăn sáng cho tôi và anh Hầu. Cho nên chúng tôi suốt ba ngày đêm trên tầu cũng ăn uống tạm đủ.

Mấy tay cán binh này rất thích thú được anh em chúng tôi nhờ vả vì cả hai bên đều có lợi, nhưng chính họ cũng muốn tỏ sự thiện cảm đối với anh em chúng tôi như thể sự hận thù của họ đối với chúng tôi đã đi vào quá khứ và bây giờ là tình người với nhau.

Một điểm nữa đã đưa họ lại gần với chúng tôi chính là văn nghệ với các bản nhạc xưa đã làm họ say mê, những buổi văn nghệ các tối thứ Bẩy tại buồng giam mà họ ghé đến bên ngoài để cùng tham dự.

Đây cũng là một giai đoạn đáng ghi nhớ đánh dấu một thời điểm rất quan trọng là chúng tôi đã xoay chuyển được tình thế, từ lúc mới vào tù họ coi như các cặn bã rác rưởi trong xã hội và chà đạp lên nhân phẩm của người tù chính trị, cho đến ngày nay thì họ nhìn chúng tôi với con mắt nể trọng xen lẫn mến phục.

Trước ngày rời trại Nam Hà để lên xe lửa vào Nam, tay Thượng Tá trưởng trại trong một buổi nói chuyện cũng nói rằng "Chúng tôi không có khả năng để giáo dục cải tạo các anh và tôi còn bảo các cán bộ của tôi hãy vào trong trại mà thực tế học tập ở các anh nữa."

Vừa rời khỏi miền Trung chưa bao xa để vượt qua con sông Bến Hải vào địa phận trong Nam thì thấy rõ ràng cảnh vật đổi khác nhanh chóng với nhà cửa ruộng vườn xanh tươi hơn, con người cũng bớt lam lũ hơn và khí hậu như mát dịu hẳn đi.

Con tầu đi qua ba miền tuy cùng trong một đất nước nhưng tôi cảm nhận ngay được sự khác biệt của cái nghèo, sự chịu đựng và sự khổ cực của con người sống trên xứ Bắc và tại miền Trung so với sự trù phú của miền Nam cho nên dù là phải sống trong chế độ Cộng Sản thì người miền Nam vẫn có thể bươn chải mà tồn tại được dễ dàng hơn người Bắc và người Trung.

Trời đã xế chiều và con tầu chợt dừng lại để chờ đổi đầu máy mới. Khi xe đang tạm thời dừng lại chờ vào trạm, viên Thượng Úy phụ trách chuyến di chuyển nầy tưởng rằng đã đến sân ga nên ra lệnh cho các người tù xuống xe.

Sự bất cẩn của tên Thượng Úy nầy suýt nữa đã gây ra thương vong cho anh em tù nhân trong đó có tôi.

Bởi vì cứ hai người thì còng tay lại với nhau cái còng số 8, và anh Hai Hầu vừa bước chân xuống sân và tôi còn đang trên các bực thang thì bất ngờ tàu chuyển bánh, trong tư thế người trên kẻ dưới và anh Hầu hoàn toàn không biết là tầu đã chuyển bánh nên kéo tôi xuống trong khi tôi đang ghì trở lại.

Tôi thì tay trái cầm cây đàn guitar, tay phải còng với anh Hầu nhưng vẫn nắm lấy cái giỏ xách đựng thuốc men vật dụng cần thiết và bộ ấm trả bằng sứ và chưa biết phải làm sao thì tên Thiếu Úy đứng dưới sân ga và cạnh cửa toa tàu la lên một tiếng:

- “Anh Đại đưa cho tôi cây đàn!”. Trong một tích tắc động hồ như có ông bà xui khiến, tôi ném cây đàn về phía tên Thiếu Úy, tay phải buông cái giỏ ra và nhảy một cái qua hai bực thang xuống lòng sân ga trong khi toa tàu chạy vụt qua phía sau lưng.

Tôi cảm thấy hơi lạnh chạy dọc theo xương sống. Chỉ một tích tắc không nhảy xuống kịp thì hoặc anh Hầu hay tôi sẽ bị té xuống và rớt vào đường rầy xe lửa.

Lúc đó tôi nghĩ là ông bà linh thiêng đã phù hộ cho tôi, nhưng sau này khi vào Hàm Tân gập gia đình thì mới biết ông anh Cả vừa mất vài tháng trước khi tôi lên tầu vào Nam.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về vụ thoát chết trong gang tấc đó và tin là chính anh tôi đã nhập vào tay Thiếu Úy mà cứu tôi kịp thời, bởi tay Thiếu Úy này là một trong những tay cán bộ vẫn thường ra vào trại trà lá với chúng tôi và rất thích nghe chúng tôi hát những bản nhạc của chế độ cũ.

Chỉ tích tắc đồng hồ thôi nếu tôi không nhẩy kịp ra khỏi toa tầu thì hoặc tôi hay anh Hầu đã nằm dưới bánh xe lửa.

Tôi lững thững đi theo đoàn người vào sân ga và chưa kịp hoàn hồn thì lại được lệnh leo lên cái tòa tàu mà suýt nữa tôi mất mạng vì nó để xuôi vào Nam.

Đến chiều tối ngày thứ nhì thì chúng tôi vào tới thành phố Huế nhưng tầm nhìn bị che khuất bởi bóng đêm vừa xuống và vì họ kéo rèm che hết các cửa sổ lại vì sợ dân chúng thấy chúng tôi trên tầu.

Tôi chỉ nhìn loáng thoáng thấy một cái sân ga vắng lặng như đang yên ngủ và vài hàng quán còn le lói ánh đèn nhưng đều đã đóng cửa.

Khi tầu đang chạy trên phần đất miền Bắc tôi không có nhiều cảm xúc ngoại trừ sự thương cảm cho cái nghèo cùng cực của người dân với hình ảnh tôi không bao giờ quên được của người đàn bà bụng chửa đã vượt mặt mà vẫn còn ráng chầm chậm gánh gạch vào lò hay những thửa ruộng khô cằn cỗi , nhưng không hiểu sao từ khi tầu bắt đầu chạy vào địa phận miền Nam thì tim tôi như đập nhanh hơn có thể vì như đang trở về quê hương của mình, như đang tới gần hơn gia đình mình.

Chợt một cậu soát vé còn rất trẻ lững thững đi lại phía tôi và anh Hầu rồi hỏi chuyện làm quen:

- “Hình như các bác các chú các anh từ miền Bắc chuyển trại vào trong Nam?”

Tôi nhìn cậu ta gật đầu

- “Ba của cháu trước kia làm cho Bưu Điện Sàigòn cho nên không phải đi "học tập cải tạo". Các bác đã ở tù mười mấy năm rồi nhưng trông còn rất khí phách.”

Tôi cảm động vì hai chữ khí phách mà cậu ta đã dùng và thấy cậu ta có vẻ như không phải là người của họ nên tôi mời cậu điếu thuốc lá, một cái lắc đầu cám ơn và cậu ta lại lững thững đi xuống các toa dưới sau khi gật đầu chào anh em tôi.

Đó cũng là những kỷ niệm nhỏ nhưng khó quên bởi vì điều này chứng tỏ người dân miền Nam vẫn chưa quên những người chế độ cũ và vẫn còn dành phần nào cảm tình cho chúng tôi những người tù.

Suốt thời gian hai đêm ba ngày trên tầu thì tất cả các hàng quà bánh buôn bán trên xe lửa đều bị ngăn cấm không được vào bên trong hai toa có chở tù chính trị.

Khi tầu dừng lại ở ga nào thì các cán binh thường được lệnh canh gác tại các cửa lên xuống và nếu có các người dân buôn bán nào không biết ôm rổ bánh hay thúng khoai sắn mà chen lên hai toa này để bán hàng thì đều bị đẩy xuống ngay.

Ngoài ra sự canh giữ chỉ nghiêm ngặt nhất có lẽ là tại nhà ga Diêu Trì. Tại các ga khác như Nha Trang hay tại Huế thì các cửa sổ được lệnh kéo rèm xuống hết và các cán binh cũng đứng loanh quanh cạnh hai lối đi lên xuống tầu mà thôi.

Nhưng tại ga Diêu Trì thì sự việc xẩy ra hoàn toàn khác hẳn vì khi dân chúng nghe tin tù chính trị về đến miền Nam thì từ trong cổng làng họ kéo nhau ra đông nghẹt rồi ùa lại vây quanh hai toa này và vẫy tay chào chúng tôi rất là thân thương.

Tôi nhìn về phía cổng làng thì thấy một đội võ trang đã án ngữ bên ngoài, đóng cổng xong rồi khóa nó lại bên ngoài cho nên một số dân làng ở bên trong cũng muốn ra chỗ xe lửa đang đậu để xem tù chính trị trở về nhưng vẫn không ra được vì cổng đã khóa trái.

Bất chợt có một em bé gái chỉ khoảng mười hai tuổi dáng gầy gò đã bất chấp lính gác chen vào được toa nơi tôi đang ngồi, bỏ thúng bánh lá xuống chỉ cho chúng tôi thấy rồi thoăn thoắt chạy vụt xuống xe và biến mất vào trong đám đông.

Ban đầu tôi tưởng là em muốn bán hàng nhưng khi nhìn em vụt chạy xuống tầu thì tôi mới hiểu ra là em muốn tặng thúng bánh đó cho chúng tôi.

Chúng tôi không kịp cám ơn em và cũng không kịp đứng dậy để trả lại em thúng bánh hay đưa cho em ít tiền nữa vì sự việc xẩy ra quá nhanh không ngờ. 

Lòng tôi chợt dâng lên một niềm xúc động mãnh liệt khi mắt tôi dõi theo bóng em lẫn vào trong đám đông. Chúng tôi đều nhìn nhau không ai nói được lời gì.

Ngay đám cán binh đứng gần đó cũng trở tay không kịp, cho nên sau khi em bé gái đó chạy xuống sân ga rồi thì có một toán cán bộ xộc vào trong toa tôi đang ngồi và ra lệnh cho các cán binh cầm súng làm thành một hàng rào bên ngoài hai toa này và đẩy dân chúng ra xa con tầu không cho lại gần nữa.

Những hình ảnh ấy, những khuôn mặt dân chúng xáp lại gần toa tầu để nhìn thấy những người tù cho rõ hơn, hình ảnh của em bé gái đi chân đất mặc chiếc quần đen và - cái áo nâu đã bạc mầu với cặp mắt ngơ ngác nhìn chúng tôi em là ai mà đã dám lại bỏ cả thúng bánh lá, tiền kiếm được của cả một ngày buôn bán - trên toa tầu cho những người tù là một nghĩa cử thật quí báu và là những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được trong đời.

Hồi nhỏ tôi có đọc một cuốn sách rất  nổi tiếng là cuốn “Tấm Lòng Cao Thượng” bản dịch của Hà Mai Anh và tôi liên tưởng ngay đến bé gái thôn quê mộc mạc và nghèo nàn này với thúng bánh lá cho những người tù mà em chưa hề quen biết, mới chính là tấm lòng cao thượng.

Tôi cứ bâng khuâng suy nghĩ mãi không biết tối nay khi em về nhà thì nói với cha mẹ ra sao về thúng bánh lá ấy em đã tặng cho các bác các chú tù chính trị trên đường chuyển trại?

Thúng bánh ấy dù là của người dân tặng cho tù nhưng dĩ nhiên họ không phát cho chúng tôi, và tay Thượng Úy trưởng toán cán bộ giải giao tù đã ra lệnh tịch thu đem về toa của họ.

Thời gian những năm sau này tuy họ đã thả lỏng bớt không quá khắt khe trong trại giam nhưng chúng tôi vẫn bị cấm không được liên lạc với dân chúng.  

Lúc ấy dân chúng vẫn còn bao quanh toa tầu và hò reo chỉ chỏ về phía chúng tôi, anh Bửu Uy cũng ngồi gần, bước lại cạnh tôi bên cửa sổ với một anh nữa và giơ chiếc còng lên cho dân chúng thấy.

Tôi cũng đứng dậy và kéo tay anh hai Hầu với cánh tay đang còng lên vẫy vẫy để chào những người dân của Diêu Trì đã dành cho chúng tôi một tấm lòng thật là hiếm có.

Trong lòng tôi không khỏi dâng lên một chút ấm áp và một cảm xúc khó tả khi nhìn đồng bào mình bao vây con tầu và đám cán binh đang vất vả để ngăn cản họ lại gần.

Mười hai năm trước thì tôi bị xích tay bằng sợi lòi tói với anh bạn đồng nghiệp là anh Sửu ra đi vội vã trong đêm tối, còn bây giờ mười hai năm sau thì còng tay với anh Hầu xuôi Nam nhưng trong tư thế đôi chút tự hào.

Chuyến tầu tôi xuôi phương Nam lần nay thực khác hẳn với các chuyến tầu chở tù từ Nam ra Bắc một năm sau ngày mất miền Nam.

Khi ấy, các người tù bị nhét vào các toa chở súc vật đến kẹt cứng không còn có chỗ ngồi chứ đừng nói là chỗ nằm và không khí ẩm thấp hôi hám đến ngộp thở đã làm một số tù nhân ngất xỉu và chết vì thiếu dưỡng khí.

Chưa kể trên đường tầu chạy qua các làng mạc thì dân chúng đã được đạo diễn nên liệng gạch đá lên tầu kèm theo những lời chửi rủa và nhiều người tù đã bị thương hay thiệt mạng vì những cục đá oán thù đó.

Bây giờ thì tình hình đã hoàn toàn đổi khác dù là chúng tôi vẫn trong thân tù tội nhưng đang trở về miền Nam trong sự đường hoàng của một con người bởi vì lòng dân đã chuyển.

Qua hai đêm trên tầu và bắt đầu ngày thứ ba khi tầu chạy qua các tỉnh phía nam Trung phần thì tôi thấy quả thật miền Nam được thiên nhiên ưu đãi hơn hẳn miền Bắc chưa kể các bãi biển đẹp như trong tranh với các hàng dừa nghiêng nghiêng trên bãi cát trắng phau dọc theo Cà Ná, Mũi Né của Phan Rang, Phan Thiết.

Tôi hít vào những hơi thật sâu cho gió biển lùa vào trong lồng ngực vì ít khi có dịp đi qua bãi biển Cà Ná quá đẹp này nhưng tiếc thay là không dừng chân xuống được.

Có những bãi biển vắng tanh không một bóng người chỉ nghe tiếng sóng vỗ rì rào theo những đợt lăn tăn xô nhau vào bờ và chạy dài mãi đến mãi tuốt tận đàng xa xa, và tôi có cảm giác các bãi biển này rất tinh khiết như chưa hề có bước chân người đặt tới bao giờ.

Chợt có hai tay cán binh bước về phía tôi và nói với anh Bửu Uy:

- “Mấy anh có đàn đây hát vài bản đi. Chúng tôi rất thích bài Chủ Nhật Tươi Hồng (Beautiful Sunday).”

Tôi mỉm cười giơ cổ tay đang còng lên. Hai tay này sốt sắng:

- “Để tôi sẽ chạy lại ngay và mở khóa cho hai anh.”

Tôi lại mỉm cười và lắc đầu. Trong hoàn cảnh này đâu có hứng thú gì mà ca hát.

Tôi có đọc nhiều thư của các bạn được thả về trước viết vào nói là trên chuyến tầu về Nam rất là vui và họ đã hát hò suốt dọc đường và các hành khách trên xe đều tán thưởng và tặng thêm các bánh trái nữa. Nhưng trong hoàn cảnh bây giờ chúng tôi vẫn còn trong tình trạng mất tự do và trong đầu tôi còn bao nhiêu là phân vân cho bước đường sắp đến.

Sau hai đêm và ba ngày thì cuối cùng thì đoàn tầu cũng đến được nơi dừng chân. Với một đoạn đường hơn ngàn cây số mà phải mất đến ba ngày trời mới bò tới đích thì đủ biết con tầu này thuộc loại già nua như thế nào. Tôi tính vận tốc trung bình của nó không hơn vận tốc của xe đạp là bao nhiêu. Có thể nó đã từ thời Pháp để lại và tu sửa tân trang chút ít rồi đưa vào hoạt động.

Vừa bước chân xuống sân ga thì tôi thấy một dẫy xe đang chờ và chỉ biết một điều là mình đang ở trong miền Nam.

Chúng tôi lại lục tục leo lên và các xe này chay bon bon trên đường nhựa mà tôi đoán là Quốc lộ số Một để đến nơi nào chúng tôi cũng không biết.

Tôi ngồi dựa vào lưng ghế, tay phải vẫn còng vào tay trái anh hai Hầu và nhắm mắt lại tìm giấc ngủ, đến đâu thì tính đến đó, con người ta đều có số mệnh lo nhiều cũng chẳng được.

Đoàn xe rời quốc lộ và chạy vào con đường đất đá một đoạn khá xa rồi mới rẽ vào môt con đường lát toàn đá vụn, hai bên đường là những hàng cây cao vút như muốn che rợp cả bầu trời, nhưng nhìn xuyên qua những hàng cây ấy thì thấy phía sau là cả một khu rừng toàn lá Buông.

Khoảng nửa tiếng chạy trên con đường lát đá với hai hàng cây cao vút đó thì chúng tôi đến khu vực trại giam.

Chúng tôi đã đến trại Hàm Tân trong tỉnh Bình Thuận - là điểm dừng chân cho những người tù cuối cùng sau ba ngày di chuyển từ Bắc vào Nam.

* * *

NHÀ THƠ

NGUYỄN QUỐC CHÁNH

Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh sinh năm 1958 ở Bạc Liêu, hiện sống tại Sài Gòn. Tác giả của nhiều tập thơ như Ðêm mặt trời mọc, Khí hậu đồ vật và Của căn cước ẩn dụ, và Ê, tao đây. Thơ của ông đã của ông đã được nhiều tác giả dịch ra tiếng Anh.

Trong bài phỏng vấn dành cho nhà văn Vi Ký, nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh nhận xét về đảng Cộng Sản: “Ðảng Cộng sản thắng Tây và Mỹ bằng máu của dân máu của dân tộc, bằng vũ khí của Nga và Tàu, rồi nộp “độc lập dân tộc”cho Cộng Sản choTầu và Nga. Ai chỉ ra tình trạng thế chấp và bán đứng đó đều bị cho là kẻ phản động. Kẻ phản động có có thể gây tai họa cho Ðảng nhưng lại là phúc của dân.

Quê Hương và Chủ Nghĩa

Chủ nghiã dạy em, thù hận hờn căm
Chủ nghiã dạy em, độc ác bất nhân
Chủ nghiã dạy em, lọc lừa xảo trá
Chủ nghiã dạy em, dối gian trăm ngả
Chủ nghiã dạy em, bội phản vong ân
Chủ nghiã dạy em, giết chết lương tâm
Chủ nghiã dạy em, vô thần đấu tố

Chủ nghiã mù, rước voi dày mả Tổ
Chủ nghiã ngu, thờ đồ tể ngoại bang
Chủ nghiã bưng bô, xây dựng thiên đàng
Chủ nghiã lừa em, những con bò sữa
Chủ nghiã bất lương, ma cô nhà chứa
Chủ nghiã tú bà, dụ dỗ thơ ngây
Chủ nghiã cò mồi, vơ vét luôn tay
Chủ nghiã cai thầu, bán buôn Tổ-Quốc
Chủ nghiã lưỡi câu, móc mồi dân tộc
Chủ nghiã bịp lừa, bánh vẽ tự do
Chủ nghiã cá ươn, tư tưởng vong nô
Chủ nghiã chết đi, Quê Hương vẫn sống

Ai nhân danh hạnh phúc
Thứ hạnh phúc ngục tù
Ai nhân danh dân chủ
Thứ dân chủ si ngu
Ai nhân danh chân lý
Thứ chân lý đui mù

Bao nhiêu năm, ai nhân danh chủ nghiã,
Tự-Do xích xiềng, Dân-Chủ dối gian
Mác-Lênin, đâu phải người Việt Nam!
Sự thật đó có làm em đau nhói ?

Vẫn chập chờn lượn bay bầy quạ đói
Chồn cáo kia có rình rập trước sau
Ngẩng mặt cao và đừng sợ đớn đau
Đứng lên em bằng tâm hồn biển động.

Em đứng lên như đại dương dậy sóng
Tiếng sét thần tuổi trẻ nổ ầm vang
Những tượng hình, chủ nghiã, phải tiêu tan
Cây Dân-Chủ bừng lên ngàn sức sống,

Em bây giờ khôn lớn
Mắt rực lửa yêu thương,
Biết đâu là sự thật
Em tìm thấy con đường.
Tự-Do sẽ nở hoa
Trên quê hương khốn khó

Anh như con ngựa già
Vẫn cúi đầu kiên nhẫn
Đốt những đám cỏ khô
Dọn đường cho em đi làm lịch sử

Gửi tuổi trẻ Việt Nam

Em hãy ngồi xuống đây
Anh kể câu chuyện này
Trên cánh đồng cỏ cháy
Ngậm ngùi như khói bay

Con ngựa già một đời
Chưa thấy được ngày vui
Mắt mỏi mòn trông đợi
Những mầm cỏ xanh tươi.

Đã bao nhiêu năm rồi
Hướng nhìn về xa xôi
Tâm tư đau nhức nhối
Cuộc đời vẫn nổi trôi
Em nhìn về tương lai
Cố dấu tiếng thở dài
Mắt dường như ngấn lệ
Có phải vì khói cay?

Em thấy đó, trên đường đi không đến,
Quê hương đau, chồn cáo vẫn nghêng ngang
Những con thú người nhảy múa kiêu căng
Ngửa mặt hú một bài ca chủ nghiã.
Ngôn ngữ văn nô, đỉnh cao trí tuệ,

 * * *

TIỂU THƠ

PhạmTín AnNinh

Rầm!

Tôi và hai thằng bạn vừa rà thắng xe đạp trước rạp Tân Tân để vào xem phim “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” thì bị một chiếc Vélo Solex húc từ đằng sau tới. Cả ba thằng ngã xuống đất. Riêng tôi còn bị cái xe của thằng bạn đè lên bụng đau muốn nín thở. Mới loi ngoi bò dậy, chưa kịp phủi bụi trên áo quần thì nghe tiếng quát tháo:

-    Ê ! ba “chàng ngự lâm pháo thủ” mù hà. Dừng ngựa mà chẳng coi chừng phía đàng sau ! Đáng đời!

Vừa ngượng vừa tức giận bởi tự dưng bị húc té nhào giữa thanh thiên bạch nhật và trước bao nhiêu nguời đẹp, chưa kịp nắm cổ áo cho một trận, thì bị thủ phạm tiếp tục tấn công phủ đầu. Đúng là cà chớn. Nhưng nhìn lên thì.. à..cả ba thằng khựng lại : đối phương là một cô gái, tuồi ô mai, tóc còn thắt bím, ngồi trên Vélo, vòng tay trước ngực, trề môi, rồi trợn đôi mắt to như hai cái đèn “ô tô”:

-  Số còn hên đó. Cái vélo không bị hư gì.Tiểu thơ tha cho đó. Lần sau liệu hồn !

Nói xong cô bé nguýt một cái rồi rồ ga chạy mất tiêu.

Dù chưa bao giờ bị thầy Bửu Cân phán cho cái tội “con nhà không có lư hương”, bọn tôi cũng phải chửi thề một tiếng cho hả giận. Thằng Cường, đứa hiền lành ít nói nhất trong bọn tôi, xăn tay áo, xổ nho trước :

-    Đ.m. con gái nhà ai trông đẹp thế mà đanh đá như bà chằng. Phải mà con trai thì biết tay tao.

Đúng là cô bé khá xinh, nhất là đôi mắt thật to và đôi môi mộng đỏ, dù có trề lên ngạo nghễ, cũng vẫn đáng yêu ghê lắm. Tôi nghĩ vẩn vơ như thế khi theo người soát vé dẫn tới chỗ ngồi. Trong rạp tối mò. Ba thằng chúng tôi vào trể. Trên màn ảnh đang chiếu phim thời sự: Tổng thồng Ngô Đình Diệm đang kinh lý Ban Mê Thuột (nhưng không thấy cảnh ông bị ám sát hụt).

Suốt buổi hôm ấy, mắt nhìn lên màn ảnh, mà tâm trí tôi thì chỉ thấy có đôi mắt cô bé, trừ khi nào có tiếng súng nổ của ba chàng ngự lâm, tôi mới giật mình trở lại với truyện phim đôi ba phút.

Cha tôi nói đúng, hồi mới ba tuổi, tôi đã khóc đến cả tháng trời khi mẹ tôi mất, ông bảo rồi sau này tôi sẽ là một thằng đa sầu đa cảm. Và hôm nay, dường như tôi bắt đầu biết tương tư đây.

Nha Trang cũng chẳng lớn hơn cái thành phố núi Pleiku là bao nhiêu, để ông nhà thơ nào đó “đi dăm phút trở về chốn cũ”, vậy mà cả mấy tháng rồi, tôi chưa gặp lại cô bé, mặc dù thời ấy Nha Trang đã có khá nhiều vélo solex, đủ làm tôi nhìn theo muốn ngoẹo cổ. Tôi nghĩ, chắc là cô bé từ đâu đến chơi. Trông nước da trắng hồng, có thể là từ Đà Lạt xuống thăm ai đó rồi lại biến mất như một nàng tiên trong cổ tích.

Quê tôi ở ngoài Vạn Giã. Vào Nha Trang học, ở nhà ông chú, trước ở gần rạp ciné Moderne của ông Bác Ái, sau này dọn lên gần Ty Thông Tin. Chú tôi, ngoài làm chủ tiệm bán mọi vật dụng về điện, còn thầu các công trình diện. Ông bà chỉ có một cô con gái rượu, cưng như trứng mỏng, nên mọi thứ ngược xuôi giao dịch ông cần tới tôi. Để tôi lên tinh thần, bỏ bớt cái tật ham chơi và lười biếng có lẽ từ khi còn trong bụng mẹ, ông thường bảo: “cháu còn nhỏ mà coi bộ có khả năng thương mại. Cố gắng theo chú học hỏi, sau này dám qua mặt tao nữa đó ”. (Cái này thì ông nói trật lất. Vì sau này tôi trở thành lính đánh giặc, nên cả đời có buôn bán được cái gì đâu).

Cả năm cứ mong tới mùa hè là tôi dọt về quê thăm cha tôi và chơi với mấy thằng bạn nối khố, rủ nhau ra con sông quê, ngày bơi lội, tối cắm câu, ngủ ngoài trời mà đua nhau đếm thử có bao nhiêu vì sao, tìm đâu là dải Ngân Hà có cái Cầu Ô Thước của Ngưu Lang Chức Nữ. Coi bộ vui và lãng mạn hơn ở trong cái thành phố Nha Trang này nhiều. Vậy mà mùa hè này tôi bị ông chú tôi giữ lại, sau khi thuyết phục được ông già tôi, bảo là để cho tôi tập làm quen với thương trường(!). Tôi nghe mà phát sợ, cứ như là sắp sửa bị ông đẩy tôi ra giữa chốn sa trường !

Bài học đầu tay là tôi xách cặp theo ông, đi dự một cuộc họp với mấy ông thầu khoán khác, trong một công trình “hợp tác mỗi bên cùng có lợi”. Nơi họp là một ngôi biệt thự khá đẹp nằm trên con đường Duy Tân có gió reo sóng vỗ..

Tôi rụt rè theo sau ông chú, bước vào phòng khách. Nhiều người đã có mặt. Ông nào trông cũng bệ vệ, đặc biệt có một ông mặc quân phục, oai phong cao lớn, mà coi bộ mọi người ai cũng nễ trọng. Nghe nói chuyện một hồi tôi mới biết đó là ông đại tá Đỗ Cao Trí, chỉ huy quân trường Đồng Đế. Lúc ấy tôi còn nhỏ, đâu có biết gì nhiều về lính tráng, nhưng tôi có nghe nhiều người kể chuyện tình ông đại tá này với một bà dược sĩ nào đó có tiệm thuốc tây trên đường Độc Lập. Bà này mới vừa ly thân ông chồng dược sĩ, có ông bồ là đại úy phi công trẻ tuổi đẹp trai thường đèo bà trên chiếc vespa chạy vòng vòng ngoài bờ biển, mặc dù bà có chiếc xe hơi thể thao trọc mui duy nhất ở thành phố này. Tội nghiệp ông phi công, vừa mới bị ông đại tá này nói nhỏ bạn bè làm lớn bên Không Quân cho bay ra tận ngoài vùng 1 xa tít mịt mù.( Sau này ông phi công hào hoa lấy một cô ca sĩ có giọng hát buồn...vào hồn không tên nào đó ). Nghe mấy ông bàn bạc, tôi mới biết buổi họp này là để bàn việc xây cất và chỉnh trang lại toàn bộ doanh trại của quân trường Đồng Đế, mà chú tôi và mấy ông bạn thầu khoán vừa mới trúng thầu.

Tôi ngồi sau lưng ông chú, ghi ghi chép chép cứ như là... phóng viên tập sự. Nửa buổi thì ngưng họp ăn cơm. Một bữa ăn thịnh sọan từ nhà hàng mang tới. Vì thuộc hàng con nít, nên tôi được ưu tiên ra sân sau ngồi chung với mấy anh tài xế và con cháu ông chủ nhà. Vừa bước ra, chưa kịp tìm chỗ ngồi, thì tôi giật mình, sững sờ đến mấy phút. Cô bé, cô tiểu thơ.. vélo solex, tông bọn tôi trước rạp Tân Tân gần ba tháng trước, đang ngồi chễm chệ tự lúc nào trong cái ghế bành duy nhất bên bàn ăn.

Lấy lại bình tĩnh, tôi đến kéo chiếc ghế bên cạnh cô bé :

-    Chào tiểu thơ, chàng ngự lâm pháo thủ bị xe tông..ngã ngựa có được phép ngồi đây không ạ ?

Cô bé nhìn tôi tròn xoe đôi mắt. Đôi mắt mà tôi đã tìm kiếm hơn ba tháng nay, cứ tưởng đã biến mất khỏi Nha Trang, bỗng dưng bây giờ đang mở lớn hết cỡ trước mắt tôi. Tôi ngồi yên như bị thôi miên. Dường như vừa mới nhớ ra tôi, cô bé nhoẻn miệng cười :

-    À, hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.! Vous cứ tự nhiên.

Tôi ngạc nhiên, cô bé coi bộ tây này còn xổ cả tiếng nôm tiếng hán. Tôi nhủ lòng : Không phải vừa đâu nghe.

Vậy mà cái cuộc trùng phùng khá bất ngờ này lại đưa đẩy tôi đến một nấc thang danh vọng : làm gia sư cho cô bé. Nói gia sư cho oai phong, chứ hồi đó chì có mỗi chữ “dạy kèm”thôi chứ sư với siếc gì.

Số là sau này, khi thực hiện công trình, tôi thường theo chú tôi đến đây, cũng có nhiều lúc tôi đến một mình để trao giấy tờ và tham khảo ý kiến của ông chủ thầu, papa của nàng. Dần dà tôi quen thân với cả nhà. Gia đình trước sống ở Đà Lạt, làm chủ mấy cái hotel. Bà vợ bị chết bởi một tai nạn giao thông ngay trên đèo Ngọan Mục, ông già buồn quá không muốn mỗi ngày nhìn thấy bóng dáng bà vợ trong thành phố sương mù, nên dọn xuống Nha Trang, trở lại nghề thầu khoán gia truyền từ mấy đời trước. Ông bà chỉ có mỗi một cô con gái, nhưng trong nhà ông nuôi nhiều cháu và gia nhân. Gặp tôi nhiều lần, và qua chú tôi, ông già cô bé nghe nói tôi cũng gốc nhà quê, hiền lành chăm chỉ, nên nhờ tôi, cứ ba tối mỗi tuần ghé lại nhà kèm cô con gái cưng của ông về môn toán và Việt văn. Cô bé vừa từ trường Domaine de Marie ở Đà Lạt chuyển xuống lớp đệ ngũ trường Nữ trung Học Nha Trang, đọc thơ Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúc mà không hiểu bà Đoàn thị Điểm và ông Ôn Như Hầu nói cái gì trong đó..

Môn toán thì tôi không biết vẽ rồng vẽ rắn, chứ cái môn Việt văn này coi bộ bao la trời biển quá, vẽ cái gì chẳng được.

Hôm đầu tiên, tiểu thơ vẫn còn cao điệu, gọi tôi là Thầy. Không biết là do lệnh của ông già, vì đề phòng tôi “tán bậy” con gái, nên phong cho tôi cái chức “ bán tự vi sư nhất tự vi sư” để tôi biết phận mà giữ mình, hay là cô bé choc quê tôi không biết.

Thấy “diễn nôm điển tích” mấy câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc coi bộ không ăn khách, chẳng hấp dẫn nổi cô bé, tôi quay sang đọc thơ cho cô bé nghe. Hồi đó ở Võ Tánh có hai nhà thơ rất sớm nổi tiếng, mà dù là tên thật hay bút hiệu gì nghe cũng đẹp làm sao : Thanh Nhung và Cao Hoành Nhân, Tôn Nữ Nha Trang và Bùi Cao Hoành gì đó. Không biết có đúng hay không, nhưng tôi nghe bạn bè thêu dệt về cuộc tình lãng mạn của hai nhà thơ học trò vang bóng một thời này. Tôi chọn mấy bài thơ ướt át nhất của hai người đọc cho cô bé nghe. Và cũng lạ, không cần diễn nôm diễn nghĩa gì cả, cô bé không những hiểu rất nhanh mà còn cảm nhận đến độ lim dim đôi mắt..nhìn xa xăm.

Có một điều tôi quên nói : cô bé cũng thuộc dòng Tôn Nữ, cũng có một cái tên hay lắm : Tôn Nữ Giáng Vân. Nhưng tôi vẫn thích gọi cô bé là Tiểu Thơ, cái tên mà nàng đã tự xưng khi đụng tôi trước rạp Tân Tân. Hơn nữa tôi thấy cái tên này cũng hợp với cô bé lắm. Tôi nghĩ thầm, có lẽ nàng Tôn Nữ xứ Huế nào cũng đẹp và.. lãng mạn đa tình.

Các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, cô bé mê nhất là Hồn Bướm Mơ Tiên, nên thường bắt tôi kể lại cho nàng nghe. Mẹ nàng vốn là một phật tử ngoan đạo. Sau ngày bà chết, ba nàng cúng dường khá nhiều tiền để chỉnh trang hai ngôi chùa Tỉnh Hội, Hải Đức và cung thỉnh thêm nhiều tượng Phật. Cô bé thường theo cha lên chùa Hải Đức. Nàng bảo mỗi lần lễ Phật, nàng cứ tưởng tượng mình là “chú tiểu” Lan, nhưng lại rất sợ và bịt kín tai khi nghe có tiếng đại hồng chung, nên chắc không thể nào giả trai lên chùa tu được.

Một hôm cô bé nhất quyết bắt ông thầy phải làm cho cô bé một bài thơ. Nếu không thì không chịu học. Cái này thì đúng là tiểu thơ muốn hại “đời tư” của tôi đây. Mang tiếng là học ban C nhưng hồi giờ tôi có thơ với thẩn gì đâu, chỉ lâu lâu cùng với mấy thằng bạn trong lớp nghịch ngợm bày ra trò chơi nối vần một bài lục bát con cóc để ghẹo cô bạn nào đanh đá trong lớp. Vậy mà hôm ấy, không biết con tim nó ướt át đến cỡ nào, tôi phóng bút làm xong một bài thơ chưa đầy mười phút. Đọc qua nghe có mùi cải lương không chịu nổi, nhưng tôi cũng tự phục mình. Tôi đưa bài thơ cho nàng đọc :

Ngày tháng trôi dần theo nhớ thương

I như duyên nợ đã vấn vương

Nên tình mây nước cùng trăng gíó

Hẹn ở ngày mai một nẻo đường

YÊU vầng trăng sáng in cành lá

Và khúc nhạc lòng dâng đến hương

Ân ái giờ đây là mơ ước

Ngỡ một tâm tình một vấn vương

Cô bé đọc xong không biết có hiểu gì không,(mà thực ra bài thơ cũng có nghĩa gì đâu mà hiểu với không), gật gù khen và hỏi :

-  Sao bài thơ không có tên ?

- Có tên rồi đó mà tiểu thơ không thấy à ?

Cô bé lật qua lật lại mảnh giấy :

-    Tên với tựa gì đâu, không thấy, trả lại thầy, không thèm.

Tôi cười, vuốt ve cô học trò :

-  Thì Vân cứ ghép tất cả các mẫu tự đầu ở mỗi câu lại, sẽ thấy cái tựa liền.

Khổ thật, tôi còn phải giải nghĩa thêm mẫu tự là cái gì, thì cô ta mới tìm được cái tựa bài thơ. Cô bé đỏ mặt, vất mảnh giấy có bài thơ xuống đất :

-    Không thèm chơi với Thầy nữa.

Nói là không thèm chơi, nhưng cũng kể từ hôm ấy cô bé thân thiết và gần gũi với tôi hơn. Ba nàng cũng thấy tin và quí ông gia sư nhóc tì này, vì thấy con gái cưng của mình chăm học, vui vẻ yêu đời hơn.

Mùa hè năm đó, cô bé theo tôi về nhà quê chơi, nhân tiện có cô con gái của ông chú tôi cùng về thăm quê nội. Dường như đó là lần đầu tiên cô bé ra một vùng quê. Không biết là gió nội hương đồng hấp dẫn cô bé, hay là suốt ngày dung dăng dung dẻ làm nũng làm nịu với “ông Thầy”, cô bé ca hát líu lo và bảo là yêu...đồng quê ghê lắm. Và đó cũng là một mùa hè đẹp nhất, có ý nghĩa nhất trong đời học trò của tôi, dù ở quê tôi chẳng có cây phượng vĩ và cũng chẳng nghe có tiếng con ve sầu nào rên rỉ.

Hai năm sau, tôi rời Nha Trang vào Sài gòn học tiếp. Tôi buồn và tiếc nuối vì phải chia tay cái nghề gia sư với cô hoc trò nhỏ nhưng có đôi mắt thật to..của mình. Cô bé được ông già chở lên ga Nhatrang tiễn tôi đi. Tôi cũng cố làm ra vẻ “đi là chết ở trong lòng một ít”, làm cô bé mủi lòng muốn khóc. Ông già cứ tưởng là nhờ ơn tôi mà cô bé vừa đậu cái bằng trung học kỳ rồi, nên cũng nắm chặt tay tôi, lì xì một mớ tiền và cám ơn rối rít..

Vậy mà cái tình yêu ấy ( không biết có đúng là tình yêu hay không, nhưng cứ nói như thế cho nó lãng mạn và người lớn một chút ) cũng làm cho lòng tôi xốn xang một dạo.

Sau đó chỉ có vài lần tôi nhận được thư cô bé, kể chuyện những bạn bè thân quen của cô bên trường Nữ, và chuyện chiếc máy bay phản lực rơi xuống bên cạnh rạp Tân Tân, nơi mà lần đầu tiên tôi biết cô bé nhờ chiếc vélo của cô tông tôi ngã xuống bên lề đường.Nhưng lần nào cũng kèm theo một bài thơ tình..con cóc.

Năm năm sau, khi cô bé đã trở thành người lớn và quên “ông Thầy“ thích đọc thơ tình cho cô học trò.. lim dim đôi mắt, thì cũng là lúc tôi hát khúc Biệt Kinh Kỳ, xếp bút nghiên theo việc kiếm cung.

Ra trường, tôi được bổ sung về một đơn vị lưu động trên vùng Cao nguyên gió lạnh mưa mùa. Năm 1972, tôi bị thương trong trận Mủa Hè Đỏ Lửa ở Kontum, được đưa về QYV Pleiku điều trị. Khi vết thương vừa lành, tôi nhận Sự Vụ Lệnh của đơn vì đề cử về Sài gòn trong đoàn “chiến sĩ xuất sắc” được Tổng Thống tiếp đón tại khu vườn Dinh Độc Lập. Thực ra là tôi có xuất với sắc cái gì đâu. Khi còn độc thân thì hăng máu lắm, chứ đã có vợ rồi thì cũng hơi lạnh cẳng, ngại cái cảnh “anh trở về dang dở đời em”. Nhưng chiến tranh đang hồi ác liệt, nếu cử chiến sĩ xuất sắc thứ thiệt đi thì thiếu người đánh giặc giỏi, mà lại hao hụt quân số tác chiến, tôi đang trong tình trạng bất khiển dụng, nên cho tôi đi là nhất cử lưỡng tiện. “Chiến sĩ xuất sắc” được ưu ái đi bằng máy bay dân sự. Tại phi trường Pleiku bụi đỏ, tôi bất ngờ gặp lại Tiểu Thơ khi tôi vừa ngơ ngác bước lên máy bay Air Vietnam và khựng lại trước đôi mắt thật to của cô hôtesse de l’air đang mỉm cười chào khách. Trong chiếc áo dài màu thiên thanh, có thêu hai con rồng trên cổ áo, nàng đẹp như một nàng tiên. Khi chiếc máy bay DC 4 đã lấy lại thăng bằng trên cao độ, nàng đến ngồi chiếc ghế trống trước mặt tôi, quay ra sau trò chuyện. Trong chớp nhoáng, tôi biết là nàng đã có chồng. Anh ta là một phi công phản lực F5, thuộc dơn vị Biên Hòa. Hai người làm đám cưới hơn một năm. Tôi nghĩ, con gái đẹp thường chọn mấy ông không quân, vừa được tiếng có ông xã hào hoa, đi mây về gió, vừa khó trở thành góa phụ. Anh phi công nào phải vừa bô trai vừa tốt số lắm mới lọt được vào đôi mắt của Tiểu Thơ này. Tôi nghĩ như thế mà lòng thì cũng thấy một chút bâng khuâng.

Chỉ nói chuyện được vài câu, nàng ghi địa chỉ của tôi ở Sài gòn, rồi hẹn sẽ cùng đức lang quân ghé đón đi Maxim nghe Lệ Thu hát bài Kỷ Vật Cho Em. Tôi cười, bảo là rất sợ bài hát này, cái bài hát mà thằng lính nào nhát gan nghe xong là không còn muốn “đáo nhậm” đơn vị nữa. Cuối cùng nàng đến có một mình, “ông xã” vừa mới biệt phái ra Vùng 1. Tối đó thay vì đến nhà hàng Maxim, nàng đưa tôi ra Quán Cái Chùa cho có vẻ nghệ sĩ một chút, mời “ông Thầy” uống cà phê có hương vị Tùng Đà Lạt - mà chủ nhân thường pha chế đặc biệt cho riêng nàng- để nhớ những ngày cô còn ở đó… Dường như khi đã lớn rồi, người ta lại muốn tìm về cái thời đi học. Hai đứa chỉ ngồi nhắc lại chuyện Nha Trang, chuyện mấy bài thơ con cóc, rồi chia tay không hẹn ngày tái ngộ. Thời chiến tranh mà, “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi “ biết đâu mà hẹn.

Tháng 3 /1975, Nhatrang rồi cả Vùng 2 mất,. Bao nhiêu năm sống chết với núi rừng Hoàng Triều Cương Thổ, tôi theo đơn vị chỉ còn một phần tư quân số “di tản” vào Vũng Tàu để tái bổ sung, rồi kéo xuống tham dự những trân đánh cuối cùng cô đơn và buồn tẻ ở những địa danh xa lạ : Bến Lức, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An, nhằm ngăn chận địch quân đang tràn về vây hãm và pháo kích Sài Gòn.

Cũng như nhiều đơn vị khác, vào giờ thứ 25, chúng tôi đánh giặc không có “đại bàng”. Lần cuối cùng tập họp anh em lại hô “tan hàng” mà không còn nghe “cố gắng” nữa, thì tôi mới biết là ông tướng tư lệnh đã có mặt trên đệ thất hạm đội Mỹ trước đó hai ngày rồi! Thôi thì, xưa nay người ta đã nói“nhất tướng công thành vạn cốt khô” mà. Cuối cùng thì miền Nam cũng thất thủ. Đám tụi tôi được người “anh em” chiến thắng mời vô trại cải tạo để được hưởng “chính sách khoan hồng của kách mệnh” !

Tám năm lưu đày từ nam ra bắc, cuộc đời thôi đành cứ như gởi theo những đám mây bay. Cái hạnh phúc bây giờ chỉ còn là những phút giây hồi tưởng. Mà hồi tưởng cũng phải “cảnh giác”, chứ không khéo cũng bị cùm vì cái tội “ luyến tiếc quá khứ”. Bạn bè cùng cảnh luyến tiếc điều gì thì tôi không biết, nhưng riêng tôi lại tiếc nhớ cái tuổi học trò, và cái thời con tim mới biết yêu. Tôi lại nhớ đến Tiểu Thơ, đến đôi mắt tròn xoe của cô bé, và nhớ tới cái hạnh phúc làm “gia sư” của tôi còn hơn là nhớ tới mười mấy năm làm bạn với ông Nguyễn Bắc Sơn “ta vốn hiền khô - ta là lính cậu, đi hành quân rượu đế vẫn mang theo, mang trong đầu những ý nghĩ trong veo, xem chiến cuộc như tai trời ách nước”. Tôi hình dung bây giờ chắc nàng đang hạnh phúc ở một chốn thiên đường nào bên nước Mỹ. Ông xã là không quân mà, lại đóng ở Biên Hòa nữa. Chỉ cần một lần cất cánh nhẹ nhàng là thay đổi cả cuộc đời.

Ra tù, trở lại thành phố xưa, tôi có cảm gíác Nha Trang sao bây giờ xa lạ quá, không còn là “hang động tuổi thơ”của bọn tôi ngày trước nữa. Nhưng rồi tôi cũng đâu có được phép ở lại cái thành phố này, mà phải về tạm trú ở quê tôi ngoài Vạn Giã. Ở đó tôi chỉ còn một bà cô già sống quạnh hiu trong ngồi nhà từ đường có mái ngói âm dương của ông bà nội. Cha tôi thì cũng đã chết cách đây sáu năm trong trại cải tạo Đá Bàn. Mồ mả còn chưa biết ở đâu. Nhưng rồi tôi còn có cái may, là gần như mỗi ngày tôi đều ghé lại Nha Trang một lần, bởi tôi được ông anh bà con cho tôi làm tài xế phụ kiêm lơ xe cho chiếc xe đò nhỏ của ông chạy đường Nha Trang – Tuy Hòa. Xe chạy bằng than và khách hầu hết là mấy bà đi buôn chuyến.

Một hôm tôi đang lui cui đứng trên mui, thì một bà khách kêu tôi nhấc hộ đội thúng của bà lên. Bà lấy hết sức đưa từng chiếc thúng lên, nhưng rồi lại bị sà xuống. Trong đôi thúng là những thỏi đường màu đen khá nặng. Tôi phải dùng một cây móc sắt đưa xuống, bảo bà móc vào để tôi kéo lên. Khi lấy sức kéo đôi thúng lên tôi bất ngờ gặp đôi mắt thật to và tròn xoe. Đôi mắt nhìn tôi tựa hồ như xoáy vào lòng tôi nhát dao đau buốt. Tôi nhảy xuống xe, nắm chặt đôi vai gầy còm của bà khách :

-    Là em, là Tiểu Thơ đây à?

Nàng nhìn tôi, rồi nước mắt đầm đìa.

-  Tiểu Thơ, à quên...Vân, làm sao mà em lại ra đến nỗi này.

Nàng cúi xuống im lặng, không nói một lời nào.

Ra đến Tuy Hòa, tôi gánh hộ nàng gánh đường giao cho một cái quán trong chợ, rồi mời nàng đi ăn cơm trưa. Tôi đang nóng lòng được biết về hoàn cảnh của nàng:

-  Ông xã em bị kẹt ngoài Vùng 1 rồi mất tích luôn từ đó tới bây giờ. Em có đi hỏi một vài người bạn cùng phi đoàn, thì họ cho biết là anh ấy bị bắn rơi khi yễm trợ cho anh em Thủy Quân Lục Chiến rút về Đà Nẵng. Em chờ đợi xem anh có bị bắt cầm tù ở đâu không, nhưng đến bây giờ thì chắc chắn là anh đã chết thật rồi.

-  Còn ba em đâu ?

-  Nhà cửa ba em bị tịch thu hết. Ông bị bắt đi cải tạo với lý do từng thầu xây cất doanh trại cho Mỹ trong phi trường. Chỉ một năm là ông chết.

-  Vậy bây giờ Vân ở với ai?

-  Em ở với con gái em. Nó gần mười tuồi rồi. Khi gặp anh ở Sài gòn là em vừa mang thai nó mà chưa biết. Mẹ con em được đền bù một căn nhà tôn nhỏ của thương phế binh hồi trước, nằm sau ga xe lửa.

Tôi nhét vào tay Vân tất cả số tiền mà tôi kiếm được hôm ấy, bảo nàng mua hộ tôi quà cho cháu gái.

Sau đó tôi gặp lại nàng chỉ thêm hai lần nữa, vì ông anh họ tôi đã phải bán rẻ cái xe hơi cho người khác, bởi không dủ tiền sửa chữa mà còn cứ bị chính quyền trưng dụng đi chở lúa cho hợp tác xã, không trả một đồng nào. Cũng đúng vào lúc này, tôi tính chuyện vượt biên.

Tôi kể chuyện Tiểu Thơ cho vợ tôi nghe. Bây giờ tôi thương cô như một người em gái. Vợ tôi tốt bụng, thương mẹ con cô cũng như hoàn cảnh của chính mình, sẵn sàng cùng tôi giúp mẹ con nàng đi cùng chuyến vượt biên, do chính tôi tổ chức.

Một tuần trước khi ra đi, tôi vào Nha Trang tìm đến nhà nàng. Căn nhà khóa kín cửa. Tôi chờ đến tối mà chẳng thấy mẹ con cô trở về. Tôi gõ cửa căn nhà bên cạnh. Chủ nhà lại là một anh thương phế binh, nhờ mất cả hai chân nên không bị đuổi khỏi nhà.. Anh cho biết là mẹ con nàng đã dọn đi đâu cả mấy tuần rồi, không thấy về nhà.

Trời thương, chuyến vượt biên cũng đến được bến bờ, nhờ một chiếc tàu chở dầu của Vương Quốc Nauy vớt trên biển, trước khi cơn bão ập đến. Với ân tình này, vợ chồng tôi chọn Nauy là nơi để gởi gấm phần đời còn lại của mình và vun đắp tương lai cho mấy đứa con nhỏ dại.

Mùa hè năm 1989, vợ chồng tôi đưa hai cô con gái sang Mỹ học, nhân tiện ghé thăm và chia buồn gia đình ông anh họ, đi từ năm 78, định cư ở thành phố Sacramento, bắc Cali,.Anh chị vừa có thằng con trai bị chết đuối khi theo cha đi câu ngoài biển.

Bao nhiêu năm gặp lại nhau, anh chị tiếp đón chúng tôi thật ân cần, nhưng không vui vì cái bàn thờ đứa con trai còn nghi ngút khói hương.

Sáng hôm sau, anh chị đưa tôi đến nghĩa trang thăm mộ cháu rồi chở chúng tôi đến một ngôi chùa Sư Nữ ở gần đó, để bàn việc làm lễ cầu siêu cho cháu. Anh cho biết anh chị rất thân quen với Sư Bà trù trì, Bà rất quí anh chị không chỉ vì biết nhau từ lúc còn ở Nha Trang mà vì anh làm nghề thầu sửa chữa nhà cửa, nên cả ngôi chùa này phần lớn là do công sức của anh cúng dường.

Ngôi chùa không lớn lắm, khu chánh điện còn đang dang dở, nhưng vườn khá rộng và trồng nhiều loại hoa. Trong chùa tiếng tụng kinh, gõ mõ càng đượm không khí trang nghiêm. Chúng tôi được một cô phật tử mời ngồi uống trà và xin chờ chừng nửa tiếng, vì Sư Bà đang cúng ngọ.

Khi ông anh bà chị đứng bật dậy, chúng tôi chợt nhìn thấy Sư Bà vừa bước ra. Tôi ngạc nhiên vì Sư Bà còn trẻ và trông rất phương phi, nhất là hai tai thật to và dài xuống như tai các tượng Phật tôi thường nhìn thấy trong các ngôi chùa. Điều làm chúng tôi thú vị là bà rất vui vẻ cởi mở. Bà bảo bà cũng là dân Nha Trang nên rất mừng khi tiếp được người đồng hương từ tận bắc Âu đến viếng.

Sau một lúc hàn huyên, tôi biết được Sư Bà là người có trình độ học vấn cao. Bà có cử nhân Văn Khoa và đang học năm cuối cao học văn chương tại đại học Vạn Hạnh thì miền Nam thất thủ.

Điều ngạc nhiên hơn là Sư Bà cho biết có khá nhiều ni cô gốc Nha trang đang tu ở chùa này, trong đó có con gái của ông chủ tiệm ảnh nổi tiếng một thời ở đường Phan Bội Châu mà ngày xưa tôi cùng đám bạn bè thường đến để chụp ảnh, con gái một bà chủ tiệm vàng trước Grande Pharmacie, và một vài ni cô nữa. Bà còn bảo thật là tội nghiệp, có vài cô đã gặp bao nhiêu nghịch cảnh thương tâm trên biển Đông, chồng chết con chết, chỉ còn lại một mình. Ban đầu Bà đưa về chùa cưu mang, rồi sau đó các cô xin được xuống tóc qui y luôn. Sư Bà mời chúng tôi ở lại dùng cơm chay cùng với Bà, nhân tiện bà giới thiệu với mấy ni cô gốc Nha Trang cho biết, bởi tôi cũng là một phật tử thuần thành.

Tôi theo ông anh bà chị xuống bếp phụ dọn cơm. Nhưng ông anh ngăn lại :

-  Chú là người lạ, không nên vào bếp. Hôm nay chú thím là khách của Sư Bà mà.

Ngồi dọc theo chiếc bàn dài, gồm các ni cô và một vài phật tử, chỉ có chúng tôi là “dân sự”. Sư Bà giới thiệu chúng tôi là đồng hương, những phật tử đến từ tận Bắc Âu. Tôi vừa đứng lên chấp hai tay trước ngực, bỗng bất ngờ bắt gặp đôi mắt thật to, tròn xoe của một ni cô ngồi ở phía cuối bàn. Ni cô cũng vừa nhìn tôi rồi cúi xuống. Đôi mắt đó với tôi có một cái gì thần giao cách cảm. Đúng. Trên thế gian này chỉ có Tiểu Thơ mới có đôi mắt ấy mà thôi

Dùng cơm xong, là đến giờ nghỉ trưa của Sư Bà. Chúng tôi cám ơn Sư Bà và xin được cúng dường một số hiện kim để trùng tu chánh điện.

Tôi từ giã Sư Bà, trong lúc mắt nhìn quanh như muốn tìm kiếm một điều gì. Nhưng tất cả chỉ có im lặng, ngoài tiếng chuông chùa ngân nga như chẳng bao giờ muốn tan đi trong không gian bao la vô tận.

Tôi bước ra khỏi cổng chùa. Chùa nằm trên một khu đất bằng phằng, nhưng sao tôi có cảm giác như mình đang lững thững bước xuống chân đồi. Tôi hình dung đến Ngọc vừa chia tay “chú tiểu” Lan lần cuối cùng ở chùa Long Giáng trong Hồn Bươm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng, mà ngày xưa Tiểu Thơ đã bắt tôi phải kể đi kể lại bao nhiêu lần.

 * * *

Ngôi chùa trong

tâm tưởng.

Nguyễn Văn Sâm, CVA59

Bửu Ốc Tiêu vừa đi vừa đá trái cầu thằng Đạt mới cho. Cầu vừa chưn ghê, chỉ có ba miếng vảy cá còn bao nhiêu là da cắt tròn vanh thiệt khéo, da thiệt, đá êm mà đầm vô cùng, không bao giờ xẹt bậy, mới thử có mấy cái mà thằng Bửu đã cảm thấy điều khiển cầu nầy dễ dàng, đá mộ ngàn cái coi như dễ ẹt. Bốn cái lông gà thuộc loại đẹp, mới, không biết thằng Đạt kiếm ở đâu mà đầy đủ lông tơ, chưa thấy chỗ nào xước ngược. Đá đâu độ chừng năm chục cái, và di chuyển khoảng đường chừng bằng một hơi u mọi nó đá hất trái cầu lên vai, lấy vai huých xẹt ngang trước mặt thằng Đạt, tuyên bố dõng dạc:

‘Tao chịu cầu nầy quá, từ bây giờ trở đi thằng Đạt, thằng Oanh, thằng Nhàn được quyền chép Toán của tao, chỉ cần tụi bây chép khác khác một chút thì được, ổng không thể nào biết đâu. Bữa nào có Toán cần nộp bài tụi bây nhớ tới trường sớm, tao đưa bài và chỉ mánh lới cho chép…’

Cả bọn hoan hô nó còn hơn anh hùng thắng trận trở về sau một thời gian dài gian khổ chống ngoại xâm.

Thằng Bửu Ốc Tiêu tiếp tục đá tiếp, giữ trái cầu trên không cho đến khi tới trước nhà mình mới ngừng lại chụp trái bỏ gọn vô túi, mỉm cười tự thưởng.

Thằng Đạt nảy giờ vẫn lẻo đẻo theo sau, nói nhỏ với Bửu:

‘Tao cho mầy hai chục mai ăn hủ tíu, mỗi tháng cũng đều có như vậy, nhưng mà từ nay mầy không được cho thằng nào coi bài nữa ngoài mấy đứa tụi tao. Ai cũng làm bài được thì còn ai học dỡ, phải có đứa đội sổ mới được, tụi tao đội nhiều rồi, bây giờ phải thế vai.’

Thằng Bửu nhớ tới thằng Phan, ông già thằng nầy tháng trước năn nỉ nó cắt nghĩa bài giùm giúp vì nhà nghèo thằng con nghỉ học nhiều nên bị mất căn bản. Nếu nó học dỡ không lên lớp được năm nay thì bị đuổi phải ở nhà thôi.

‘Cháu mà giúp nhà bác thì như là cháu cất được năm bảy kiễng chùa…’ Ông nói giọng tha thiết, mắt rưng rưng.

Thằng Đạt còn nhấn mạnh:

‘Nếu mầy giúp nó thì mỗi tháng không có hai chục, lúc tụi tao đi chơi không cho mầy theo, tụi tao ăn gì mới cho mầy ké chút đỉnh thôi…’

Thằng Bửu đắn đo một chút rồi gật đầu. Không giúp thằng nầy thì giúp thằng khác, có chuyện gì đâu. Mình nhà nghèo cần tiền. Nó chào thằng Đạt, một tay mân mê trái cầu một tay cho vào túi cảm nhận xấp tiền, vừa bước vô nhà vừa hút gió một cách vô tư.

Tôi có người bác ruột, bác Ba, tu ở cái cốc trong khuôn viên nhà vốn là một khu vườn dừa rộng rãi. Hằng ngày tôi được đánh thức dậy bằng tiếng mõ lốc cốc, tiếng kệ kinh ê a của sư bác khi trời mới vừa hừng sáng. Má tôi nói sư bác trước dạy học cũng nổi tiếng trong vùng, bỗng nhiên từ nhiệm về đây dựng cốc tu hành, chắc có tâm sự gì đó. Má còn nói kệ kinh công phu sáng của sư ít nhứt cũng đánh thức người chung quanh dậy đúng giờ, đó là chưa kể gương kiên nhẫn của sư là một bài học quí giá nên theo.

Buổi chiều, trời mới chạng vạng là sư đã có thời kinh tối, chăm chỉ, không ngày nào mệt mõi. Cái cốc của sư bác là nơi tôi thăm viếng khi thiếu lũ bạn cùng lứa để rong chơi ngoài đồng hay tắm sông, bẻ mía, lặt dừa, tát đìa, mò cá... Lần nào sư bác cũng cho trái cây cam quít, chuối, đu đủ… chín rục có những dấu tích đổi màu do chưng hơi lâu trên bàn Phật. Nhiều khi qua cốc lúc sư đương thời kinh, tôi tự nhiên ngồi ở một mép chiếu để lắng nghe cái âm thanh huyền bí có sức ru ngủ mình với tất cả sự thích thú và lòng kiên nhẫn đợi chờ được sư bác vò đầu nói vài ba câu chuyện đời rồi cho ê hề bánh trái.

Lần nào cũng vậy trong khi chờ đợi, tôi tò mò nhìn mấy tấm tứ thời treo trên vách lá vẽ hình ông Phật ngồi nhắm mắt tham thiền hay ngắm nghía hình quỹ dữ mặt xanh nanh vàng, đầu u nần năm bảy cục đang lấy chỉa ba đâm người hay kéo lưởi cắt họng thiên hạ. Lúc rảnh rang sư bác thường cắt nghĩa về những bức tứ bình đó và thường nhấn mạnh bây giờ là đời mạt pháp quỷ sứ ma vương tràn đầy ngoài đường, đức Phật Bồ Tát cũng xuống thế độ nhơn nhưng ít thành công hơn thời Thượng Nguơn vì con người bây giờ làm điều xấu quá nhiều.

Tôi thắc mắc là sao ngoài đường không bao giờ thấy quỉ sứ, ma vương gì hết. Sư bác cười, vò đầu tôi hỏi: ‘Con có bao giờ thấy thằng ăn trộm, thằng đâm thuê giết mướn không? Nó trộm đồ mà người ta đổ biết bao nhiêu công khó mới có, nó nhận tiền người nầy để chém giết người kia… nhưng mặt mày nó ngoài đời cũng bình thường như chúng ta mà thôi. Đó là quỷ sứ nhập thân hay là ma vương hiện hình đó con. Thợ vẽ vẽ mặt mày ma vương có nanh vút là để cho dễ thấy dễ biết mà thôi, chớ thật sự quỷ sứ ma vương không khác gì người thường hết đâu con. Vậy nó mới sống chung lộn với người đời, mới hại người ta được.

‘Còn Phật thì sao sư bác? Phật có hào quang trên đầu. Phật chỉ ngồi tham thiền thôi phải không sư bác?.

‘Đó là Phật ngày xưa lâu lắm rồi. Thời mạt pháp nầy Phật xuống thế gian ở mọi nơi, lúc nào chung quanh ta cũng có Phật, cũng có Bồ Tát giúp ta tranh đấu chống ma vương. Chỉ tại lòng ta không đủ tín thành để chấp nhận đó là Bồ Tát mà thôi.’

‘Sư bác nói khó quá con không hiểu.’

‘Nầy nhe! Phật không xuống thế bằng một nhân thân, mà xuống thế thành muôn vạn người vô hình hay hữu hình ở kế bên mỗi người chúng ta. Phật trợ duyên từng người để biến người đó thành Bồ Tát trong một thời khoản ngắn. Nếu người nào thành Bồ Tát nhiều lần, thành Bồ Tát lâu dài thì sau nầy khi chết sẽ được siêu độ. Nhưng bên cạnh người đó cũng có quỷ sứ, ma vương hiện diện. Nó xúi giục làm bậy như trộm cắp, láo xược, ngoại tình, gian dối, ức hiếp để dành giựt ruộng vườn nhà cửa của kẻ cô thế… nếu người nào nghe theo chúng thì biến thành ma vương một thời gian. Biến thành ma vương nhiều lần thì khi chết sẽ bị đọa địa ngục đời đời chịu khổ hình dưới âm ty không thể đầu thai.’

Tôi vùng ôm mặt khóc lớn, nức nở:

‘Vậy con sẽ bị đọa địa ngục. Sư bác cứu con với. Con ăn cắp hết ba trái xoài của bà nội vú trong khạp gạo rồi đổ thừa cho thằng em con. Lần trước nảy chuối sứ cũng vậy. Con cũng lén cạy ống heo của đứa em gái nữa, mỗi ngày cạy lấy một chút, con cũng bẻ trộm mía của hàng xóm, con cũng ăn hiếp thằng Tửng nhà xóm trên vì nó nhỏ hơn con.’

Sư bác tôi từ tốn giải thích:

‘Những lúc làm điều xấu như vậy con đã biến thành ma vương thời gian đó. Nếu con biết mình 1àm xấu mà chừa đi, mà ăn năn làm lành trở lại thì ma vương không thể dụ dỗ con để làm nô lệ cho nó nữa. Lâu ngày nó chán bỏ đi kiếm người khác dễ dụ dỗ hơn. Làm điều tốt thì con đã hóa thân thành Bồ Tát lúc đó. Bồ Tát hay ma vương là những trạng thái ngắn hạn trong lòng mỗi con người, không phải là trạng thái hằng cữu. Lúc làm Bồ Tát thì người ta sung sướng thơ thới lòng, mặt mày sáng sủa rạng rỡ như có hào quang tỏa ra. Lúc làm ma vương thì lòng nóng như bị thiêu đốt, khó chịu, mặt mày đăm chiêu buồn lo. Đó là lửa dục thiêu đốt lòng, đó là những u nần mọc ngược vào trong tâm não, đâm vào phía bên trong của người con.’

Tôi lý sự trả treo:

‘Vậy thì con người đồng thời là Bồ Tát và ma vương?’

‘Đúng vậy! Khi hành động vì người khác, mình là Bồ Tát, khi hành động có hại cho người khác để lợi cho mình, ta là ma vương. Nói là nói đơn giản như vậy, chứ hành còn hạnh nữa. Hành vi Bồ Tát nhưng tâm hạnh ma vương thì cũng là ma vương thôi. Mà thôi! Con buồn ngủ rồi, ta sẽ nói chuyện hành và hạnh trong dịp khác.  

Tôi buồn ngủ thiệt tình, mấy từ ngữ khó nuốt trôi như hóa thân, trạng thái ngắn hạn, trạng thái hằng cữu, lửa dục hào quang mà không thấy được, u nần mọc vào bên trong tâm não nhảy múa loạn xạ trong trí tôi…. Tôi cũng ngán ngẫm khi nghe đến các khái niệm hành và hạnh. Chúng không hấp dẫn bằng nãi chuối thâm kim, mấy trái quít và hai chén chè trên bàn Phật trước mặt đang cười cười mời gọi.

Sư bác tôi nhìn thấy ánh mắt ước muốn của cháu mình, nói trong nụ cười hiền từ:

‘Con đương bị ma vương dụ dỗ đó. Bây giờ còn nhỏ thì chẳng sao đâu, ma vương chỉ dụ được những việc xấu nhỏ, nhưng đừng để ma vương có dịp lớn lên trong tâm hồn mình. Quan trọng là phải chống lại những cám dỗ của ma vương.’

Sư bác tôi đứng dậy nhón chưn hạ dĩa trái cây xuống, hào phóng đưa cho đứa cháu trần tục cùa mình thiệt nhiều quà của Phật.

Chỉ đợi có vậy, tôi kéo banh vạt áo trước ra đựng, hai tay ôm chặt, chạy u ra tuốt mé mương ngoài rìa vườn nhà nơi thường có mấy thằng bạn trang lứa tụ tập trững giởn, phá phách…

‘Xuống xe qua bac bà con cô bác ơi!’ Người lơ xe vừa nhảy xuống, xe vẫn còn trờ bánh tới nhè nhẹ, đã ca bài ca xưa cũ. ‘ Chỉ có ông bà già là được ngồi lại trên xe, còn ai thanh niên thì xuống đi bộ qua bac nhe! Tới trước kia mà nhận giấy qua bac.’

Mọi người lục tục xuống xe, người lếch thếch đi tìm chỗ tiểu tiện, kẻ xăm xăm vô quán kiếm chút gì đó dằn bụng, giáo Bửu theo đám đông bước về phía trước, chỗ xét giấy, nơi đây thằng lơ xe đã đợi sẵn chìa cho khách của xe mình tấm giấy trả tiền qua bac. Giáo Bửu nhìn đoàn xe nhà binh rồi lắc đầu ngao ngán: ‘Điệu nầy hai ba giờ đồng hồ nữa biết xe mình nhúc nhích được chưa. Xe nhà binh ưu tiên mà đi hành quân dài sọc như thế nầy qua tới bao giờ xe dân sự mới được qua.’

Anh bước vô đám đông để nghe điệu ca vọng cổ mùi tận mạng do một nghệ nhân lỡ thời đương xuống giọng xề. Nghệ nhân cụt hết hai tay tới cùi chõ, chỉ còn lại lủng lẳng hai cánh trước. Anh ta mang trước ngực một cái lon sửa bò là chỗ đựng tiền do khách bộ hành mũi lòng thương hại bố thí cho. Cái micro được cột vô một cánh tay cụt, khi nghệ nhân cất giọng ca thì giơ lên, người cột đã canh vừa đủ tầm cho âm thanh có thể bắt được.

Giáo Bửu hờ hững nghe, cũng bâng quơ ngó người đàn bà già trước tuổi đi sau nghệ nhân, ôm cây đàn. Bỗng anh như nhảy nhổm lên hỏi lớn:

‘Phải mầy đó không Phan?’

‘Phải! Bửu còn nhìn tôi sao? Tưởng giả bộ quên tôi rồi!’

Giáo Bửu ứa nước mắt, hai tay choàng qua ôn bạn:

‘Hơn chục năm rồi mình không gặp nhau. Cuối năm học đó mình không bao giờ gặp lại bạn nữa.’

Người chung quanh tò mò nhìn sự tương phùng của hai người bạn. Người đàn bà của Phan lãnh đạm ngó bạn của chồng.

Giáo Bửu xăng xái mời hai người ghé vào quán gần đó…

Bên ly trà đá người nghệ nhân kể lại đời mình với một giọng thiệt bình thường nhưng Giáo Bửu nghe như kim đâm vô tim từng cái từng cái đau điếng hồn:

‘Tôi mất căn bản về Toán và Sinh ngữ, anh chỉ giùm thì biết chút chút vậy thôi, Khi anh quá bận thì tôi đành chịu. Cuối năm đó thi lên lớp rớt, phải về quê làm ruộng với ông già.Anh cũng biết vùng xôi đậu mà, ban ngày bên quốc gia, ban đêm họ về, tuyên truyền, bắt lính…. Họ bắt mình theo vô bưng. Thời chiến tranh mà! Vướng vô vòng thì không chuyện nầy cũng chuyện khác.

Trong một trận chống càn, tôi bị pháo trúng....tàn phế nên được tản cư ra chợ đã năm sáu năm nay. Còn sống là may. Có người vợ chịu thương chịu khó theo mình cũng là một cái may nữa. Gặp anh, anh không sợ mất thể diện mà nhìn bạn, tôi sung sướng vô hồi. Mấy năm nay tôi sống trong bi thiết chán chường lúc nào cũng muốn rũ sạch bụi trần để ra đi. Đời mình còn gì nữa đâu để ham hố níu kéo. Chưa làm được vì còn một mụn con thơ và người đàn bà tri kỷ.’ Giọng Phan nhỏ dần như tiếng thở dài hiu hắt. Giáo Bửu nghẹn ngào ray rức trong tâm, thấy dường như mình có lỗi .

Tôi đi trả nợ cho nửa quê hương thất trận hơn mười năm trở về, ngơ ngác giữa dòng đời bon chen xào xáo nhưng hiếm hoi chân tình với người chung quanh gần gũi. Cha tôi đã mất, sư bác cũng đã siêu linh tịnh độ hơn bảy tám năm nay rồi. Những buổi chiều buồn, tôi lang thang vô cái cốc đóng kín cửa hoang phế, phủ bụi từ ấy để tìm chút dư vị tuổi thơ. Một lần tôi tò mò mở một gói giấy dầu đặt ở cuối góc trang thờ Phật, ngoài có đề mấy chữ nắn nót: Kinh Phật Di Di Đà. Tôi mở ra, ngoài hai gói kinh còn có một gói tiền toàn giấy nhỏ một trăm, hai trăm, năm trăm, một ngàn, hai ngàn .. và một bức thơ gởi cho tôi.

Phong Điền, ngày tháng năm vô vọng.

Tuấn con,

Tiền nầy sư bác chắt mót kỳ khu hơn hai chục năm mới có được. Đổi đi đổi lại thì ra thế nầy, đủ để mua mười lượng vàng hay cất một kiểng chùa nho nhỏ cho Phật tử có nơi đến chiêm bái đấng Từ Phụ. Đủ tiền thì sư bác thỏa mãn ước vọng xây chùa đồng thời thất vọng về chính mình, té ra bao nhiêu năm nay mình lặn lội cực nhọc, mình dè xẻn khiêm tốn vì một số tiền, mình cười với tín hữu nầy, vâng dạ với tín hữu kia vì số tiền đó.

Ngôi chùa phát họa trong tâm tưởng hướng dẫn cái hành Bồ Tát, còn cái hạnh Bồ Tát của sư bác nằm ở đâu? Cất chùa lớn rồi thì sư bác phải dính vô chuyện duy trì chùa, bão vệ chùa, sư bác sẽ sinh hoạt chùa chớ còn đâu tâm trí để tu hành kệ kinh, sư bác sẽ làm chuyên chùa sự chứ đâu phải làm chuyện Phật sự. Cái hạnh Bồ Tát suốt đời sư bác nhắm về coi như mỗi lúc càng chạy ra xa.

Khám phá ra điều nầy, sư bác thấy bao nhiêu năm nay tưởng rằng mình làm đúng hóa ra sai. Sư bác tạ lỗi với chư Phật bằng cách tuyệt thực từ từ cho đến ngày được về chầu Phật tổ. Số tiền nầy con có toàn quyền sử dụng theo ý muốn, có ích cho con hay cho người khác đều được.

Nhưng con nên nhớ cái hạnh đáng quí gấp mấy lần cái hành.

Cầu nguyện ơn trên gia hộ cho con.

Thích Giác Nguyện.

Chỗ ký tên thế danh lâu ngày mực nhòe nhoẹt không đọc được, cố gắng lắm mới nhìn ra là Nguyễn văn Bửu.

Số tiền đó má tôi chép miệng than rằng với thời giá, mua chưa đầy ba chỉ vàng, một cái chùa bình thường nho nhỏ ở vùng quê lúc nầy cũng phải tốn gấp trăm lần số đó. Ngồi nhìn gói tiền lâu ngày ẩm mốc, bốc mùi tanh tanh từ những bàn tay dính đầy dầu mở, cát đất, cá thịt của chúng sanh nghèo khổ khi cúng dường cho sư, tôi quyết định đem đốt bỏ để giải thoát hương linh sư khỏi vướng víu với nó nữa. Nơi chốn thiêng liêng kia chắc sư không còn thắc mắc về hành hạnh, theo tôi hai khái niệm nầy hòa quyện lẫn nhau không có lằn ranh phân biệt, càng biện biệt ta càng bị bủa vây không lối thoát…

Xếp bằng chỗ ngày xưa sư bác đặt bồ đoàn ngồi gõ mõ tụng kinh, tôi đốt từ tờ những tấm giấy bạc thiệt như người ta đốt giấy tiền vàng mã. Ngọn lửa xanh lân tinh từ tốn ngún cháy, liếm từ chút từ chút, mấy cái hình trên giấy bạc bỗng chốc trở nên méo mó dị dạng. Tôi chợt mơ hồ thấy nụ cười hiền từ của sư bác quanh quẩn đâu đây.

‘Mong sư bác siêu thăng, hành và hạnh Bồ Tát chẳng qua là những điều dạy đạo lý giúp người đời sống từ bi vị tha, sư bác đã hành thiện, đã sống xứng đáng là một con người khi cố gắng thực hành một ước vọng không vì mình. Sư bác đáng được về cõi tĩnh hằng miên viễn như một Bồ Tát….’

Nguyễn Văn Sâm

Victorville, CA 12/09

                   * * *        

KỶ NIỆM CHU VĂN AN

Tùy Bút

Nguyễn Đức An, CVA59

           I- Ông Cụ tôi là Phó tỉnh trưởng Hưng Yên. Ông cũng là giáo sư dạy giờ, môn Pháp văn, Lý hóa cho Trung học Công lập Phạm ngũ Lão Hưng Yên.

Ngay khi Hiệp Định Geneve có hiệu lực, ông Tỉnh trưởng bỏ vô Saigon liền, để Ông Cụ tôi ở lại bàn giao Tỉnh cho Việt Minh. Việt Minh không chịu nhận Tỉnh. Họ đòi coi sổ sách, hồ sơ tài chánh chi thu nhất là của những tháng Ông Cụ tôi Xử Lý thường vụ Tỉnh trưởng. Chưa hết, Việt Minh vận động họ hàng bên nội ở làng Trà Bồ( Hưng Yên) lên dụ dỗ, níu kéo Ông Cụ ở lại Hưng Yên làm việc với Cụ Hồ.

Cụ Hồ và cán bộ Việt Minh, thì Ông Cụ tôi không lạ gì, vì Ông đã bỏ Hà Nội lên Vĩnh Phúc Yên theo kháng chiến chống Pháp như đa số thanh niên sinh viên, trước khi tiếng súng nổ ở Hà Nội. Theo ông Hồ và Việt Minh hơn hai năm, Ông Cụ biết là họ đã đi theo Cộng Sản Quốc tế chứ Việt Minh và ông Hồ không phải là những người Quốc gia chân chính, yêu nước thương đồng bào như họ tuyên truyền. Vì thế, Ông khéo léo từ chối để bàn giao Tỉnh cho xong càng sớm càng tốt. Ấy vậy mà mới tới cuối tháng 9-1954 nhờ tài xế thân tín là anh Ngô văn Lai (cua rơ vô địch Băc Kỳ, thứ nhì Đông Dương) liều mạng đêm tối, chọn đường tắt bốc chúng tôi mới ra được khỏi tỉnh Hưng Yên an lành.

II- Vô Nam trễ, ở trại tạm cư Bình Dương mất hai tháng, rồi vào chợ Nhỏ Thủ Đức, trong khi Ông Cụ về Saigòn kiếm việc và thuê nhà. Ông Cụ dạy học ở Trần Lục, và thuê được một căn nhà khá tươm tất ở khu Chợ Nancy, gần Nhà Đèn Chợ Quán. Tôi vội vàng chạy bộ tới Chu văn An xin học, và bắt đầu lãnh một cái Nghiệp mà tôi chưa bao giờ ham: đó là Nghiệp Trưởng Lớp. Số là trong hồ sơ cá nhân học sinh, tôi khai Ông Cụ tôi là giáo sư Trần Luc. Thầy giám thị Lan chộp ngay lấy điểm son này và không bàn cãi lôi thôi, thầy bắt tôi làm Trưởng Lớp Đệ tứ duy nhất của trường, nằm sát nhà vệ sinh.

Kinh hoàng hơn nữa, trong lớp có những anh to cao, bặm trợn, hiếu động như Phạm Huấn, Trần lam Giang, nhìn thấy đã nản rồi , lãnh cái chức Trưởng lớp thì trước sau không chết cũng bị thương thôi. Ngoài hai ông cốt đột đó ra,  những bạn khác, mỗi người một vẻ. Lê duy San, Lê thế Hiển hiền như ma sơ. Mặt bấm ra sữa nhưng thông minh và nghịch ngầm như quỉ là Hoàng cơ Định và Nguyễn tiến Dỵ , ngồi ở cuối lớp.

Nhờ phúc ấm tổ tiên, năm Đệ tứ qua đi trong bình an, lên Đệ tam ở lầu hai, gặp thày Giám thị Dự, Ông chộp ngay, bảo anh làm trưởng lớp nữa, không bàn cãi gì cả. Lại khổ , chỉ vì cái tội là con giáo sư, chứ thưa thật với các bạn tôi lười học ham chơi , thích cúp cua đi đánh bóng bàn, đá bóng với đồng  bọn Nguyễn văn Tuấn , Vũ văn Khuông, Lê Ôn Dương. Không tin các bạn cứ hỏi chúng thì biết tẩy của tôi. Làm trưởng lớp, vì phương diện Quốc gia, dĩ nhiên tôi phải ăn mắc chỉnh tề, đi về đúng giờ giữ tư cách, ngôn từ cho chỉnh tề, chư cúp cua đi đá bóng, lượn xe đạp qua lại trứớc Gia Long chờ Hồng Oanh, Thu Cúc, Diễm, Lệ  “chúng” bắt gặp thì cháy tiêu tùng còn gì.

Năm đệ tam, mất Phạm Huấn, anh này phát võ, đã tình nguyên đăng lính vào Võ Bị Đà Lat. Còn lại Ông Bắp Thịt Trần Lam Giang nhưng chàng này không còn ồn ào như xưa vì hai lý do: không còn đối thủ xứng cân vừa lứa như Phạm Huấn và lý do chính là sự hiện diện của GS Trần văn Mại (giáo sư Pháp, Việt kiêm giáo sư Hướng dẫn). Giáo sư Trần văn Mại bình thừờng rất dễ và vui vẻ với cả lớp, trừ một ngừời : Trần lam Giang.

Tới giờ Thầy Mại là Trần lam Giang cúi đầu xuống, ăn nói nhỏ nhẹ hiền lành như con gái. Tuy thế, cả lớp ngạc nhiên là Thầy Mại rất nghiêm nghị, rất chặt chẽ với Trần Lam Giang; Thầy thừờng lấy.. tôi ra làm thí dụ để bắt Trần Lam Giang theo đó mà làm gương. Khi đó, Trần lam Giang mặt đỏ, cúi mặt xuống bàn trông rất là tội nghiệp. Tiếng chuông báo hết giờ, Thầy Mại vừa bước ra khỏi cửa thì Trần lam Giang lại hiện nguyên hình là một học trò năng động. Giang nạt tôi: mày đừng làm bộ làm tịch ra vẻ tử tế chăm chỉ làm Ông ngứa mặt, coi chừng.
Sau này, hỏi ra, thì vỡ lẽ Trần lam Giang là quí tử duy nhất của Thầy Mại. Vì thế, Thầy không nghiêm khắc với Giang sao được.

III- Năm Đệ Tam qua nhanh, nhờ phước đức của Giáo sư Hướng dẫn Trần văn Mại, trưởng lớp.. toàn thây và cuối năm sắp hạng sô 1 trong  lớp, được Thầy Tổng Giám Thị Nguyễn Hữu Lãng dẫn ra Rạp Thống Nhất lãnh thưởng. Với thành tích như thế, vừa vô Đệ Nhị A, ngay cạnh quán Bác Ba Bí Tất, tôi lại gặp thầy giám thị Lan. Thầy cười không nói gì, đưa ngay cho sổ điểm danh,sổ điểm, bảo lên phòng Thầy làm việc như cũ; nghĩa là ngồi đọc " Tứơng Mạo Học Vụ" của từng anh, rồi giữ thêm một sổ hạnh kiểm, trình giáo sư cuối năm.

Vụ này thật kẹt vì quí Thầy đa số cho điểm qua loa, trừ giáo sư vạn vật Nguyễn văn Đỉnh Ông dạy kỹ và cho điểm hạnh kiểm khá kỹ.

Như bộ ba Ngô cảnh Loan, Lê Ôn Dương, Nguyễn như Tín ngồi bàn sau tôi, ngay cửa ra vào. Loan có tứơng của một Kim Trọng: rất trang nhã, cao ráo, đẹp trai, luôn luôn đeo kiếng trắng gọng vàng, mới nhìn tửong chàng là sinh viên Y Nha Dược. Chàng cưỡi Vespa đi học, quần áo kiểu cọ hợp thời trang, sức nước bông nước hoa thơm lừng. Nhà chàng ở đâu đường Gia Long hông Chợ Bến Thành, tức là Khu của những thương gia có máu mặt. Hèn chi,trông chàng là các em mê ngay.

Chàng Lê Ôn Dương còn ngầu hơn : trông cứ như tài tử James Dean với mái tóc bồng bềnh gửi gío cho mây ngàn bay. Chàng này còn nổi và to mồm bằng cách cưỡi chiếc Lambretta thể thao hiệu Rumi đi học. Chàng đi giày nhung, diện kẻng như Ngô cảnh Loan và rất thiện chiến, bắn đâu trúng đó. Hèn gì sau này chàng đi Pháo Binh lên tới Thiếu Tá Tiểu đòan trưởng. Nếu Ngô cảnh Loan đẹp và tư cách như Kim Trọng khiến nàng Thúy Kiều phải động lòng trắc ẩn, nửa đểm trèo từờng khoét ngạch sang tình tứ với chàng, thì Lê ôn Dương là biểu hiện một Từ Hải " vai năm tấc rộng thân 10 tấc cao", si-po- týp, đá banh luôn luôn đi hàng tiền đạo, sút , làm bàn nhanh như chớp.

Ngự lâm pháo thủ thứ ba là Nguyễn như Tín, chàng này là tổng số của Ngô cảnh Laon và Lê ôn Dưong cộng lại chia đôi : ăn diện kẻng, đi xe đạp đầm Peugeot, giày nhung à-la-mode vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa, rành cách lên xe xuống ngựa đứng ngồi cho phải phép.

Ba chàng này, đẹp và nổi như thế, thì hàng ngày phải qua lại Gia Long, Trưng Vưong nhiều lần là điều dĩ nhiên . Và hiển nhiên ba chàng phải ngồi cạnh cửa ra vào để trong một sét na, cả ba đã biến khỏi giờ Toán (Thầy Hiển Thuốc Lào), đặc biệt giờ Việt văn Thầy Vũ hoàng Chương. Tín bảo: “Cung Oán Ngâm Khúc sao buồn; Kim Vân Kiều thì xưa như trái đất, thời buổi này các em đâu cần đợi Sở Khanh mới giông khỏi nhà”.

Quả thật giờ Việt văn của Thầy Vũ hoàng Chương “xóm nhà lá” lặn hơi nhiều. Vì lý do thứ nhất như Tín nhận xét. Lý do thứ hai là Thấy Vũ hoàng Chương KHÔNG bao giờ điểm danh, khảo bài học trò. Thầy cũng chẳng để ý tới chuyện lớp học đông, đủ, thiếu hay vắng. Thầy là một trong vài thi bá VN mà Thơ của Thầy vừa Cao vừa Sang ; vừa Sâu vừa đậm chữ nghĩa Thánh Hiền. Thơ của Thầy, không ai có thể mượn ý tưởng.

Thầy cũng là thi bá hiếm hoi đã đậu Tú Tài Toàn Phần Pháp mà chê Y Nha Dược, Luật để theo đuổi Nàng Thơ vô cùng xinh đẹp. Nhà thầy ở Khu Bàn Cờ, khiêm tốn.Thầy tới trường bằng xích lô đạp. Thầy mình hạc, mảnh khảnh trong bộ đồ complet-gabardin trắng, tứ thời. Chiếc mũ phớt trắng, tứ thời. Chiếc cặp da nâu mỏng, tứ thời khi vô lớp.

Trình sổ sách cho Thầy, Thầy gặt đầu, ừ để đó. Rồi Thầy nhìn lên trần nhà bắt đầu nói. Có lúc Thầy nổi hứng ngâm thơ sang sảng. Tài nói của Thầy, không thua gì lối dạy Sử của GS Vũ khắc Khoan: hết giờ nhưng học trò còn chưa ra khỏi giấc mơ Lịch sử và văn thơ VN. Hêt giờ, Thầy ký sổ , xách cặp thủng thẳng đi về văn phòng. Cũng giống như Thầy Vũ Khắc Khoan, Thầy chỉ dạy được phần nàocủa chương trình thì năm học đã hết.Bài thi, Thầy cho điểm trên trung bình, kể cả ba anh thợ lặn ngồi bàn sau tôi.

Điểm hạnh kiểm, Thầy cho bằng cách gọi Trưởng lớp lên đứng cạnh để Thầy tham khảo: “Cậu này sao, khá không.” Và cứ thế Thầy cho điểm. Rồi Thầy ra về, ra khỏi lớp, mặt ngước cao, nhìn mây trời, nghe chim hót nhìn hoa Hồng Toan rực đỏ một góc sân ngoài.

Đã 52 năm qua, vật đổi sao rời , nhưng hình ảnh Thầy Vũ Hoàng Chương, lớp Nhì Avẫn lưu lại trong trí nhớ tôi không phai lạt mẩy may.Anh em chúng tôi thật sung sướng và Vinh Dự được Thi Bá Vũ hoàng Chương giảng dạy về Thơ  Phú VN. Nay Thầy không còn nữa, Thầy đã vĩnh viễn ra đi sau vài tháng bị CSVN cầm tù.

Xin Thầy nhận nơi đây Lòng Biết Ơn và Ngưỡng Mộ của con, một học trò của Thầy.

Mùa Thu 2010, Florida-USA

Lời Ngỏ:

Hồ Vĩnh Thủy

            “Mồng hai-Mười Một, giỗ Người,

            Thành tâm ghi lại mong đời hiểu nhau.”

            Tôi lớn lên buổi đầu Thế Chiến,

            Tuổi non thơ cuộc chiến tràn lan,

            Đạn, bom hũy phá học tràng,

            Những anh lớp lớn bỏ trường vào khu.

            Phải chờ đến năm tư (1)tạm ổn,            

            Cụ DIỆM về giãi khốn, dựng xây,

            Nước nhà phát triển từ đây,

            Biết bao cải cách, công nầy SỬ ghi.

            Dân bàng quan thấy chi nói vậy,

            Dòng thơ sau chẳng phải đặt điều,

            Mắt nhìn thấy được bao nhiêu,

            Bút ghi xuống giấy một chiều thẳng ngay.

*

           Tôi người dân đất Đồng Nai,

            Viết lên sự việc, mắt tai nghe nhìn.

            Tiếc thương cho, thuở tình ngày trước,

            Dân ấm no, đất nước yên lành,

            Miền Nam dũng mãnh, rạng danh,

            Quốc gia thịnh vượng, Rồng vàng Á Châu !.

            Buổi nhăm tư, ai đâu còn nhớ ?

            Người cưu mang, giúp đở di cư !,

            Non già triệu rưởi định cư,

            Ấm êm gia cảnh, sinh mưu học hành.

            Giờ đến tuổi, xanh vàng rụng lá,

            Luyến tham chi, vụn bã cuối đời ?,

            Mong về, áo gấm vui chơi ?!,

            Bỏ tình Dân Tộc, thốt lời vong ân,

            Lời giãi mật Don Sân (2)ngày trước, 

            Mắng nhóm kia lũ " đượi " tham tiền,

            Bỏ đi Sông  Núi - Hồn thiêng,

            Dọn đường cho Cộng chiếm miền đất Nam .

            Rồi tiếp đến Nit-Xân (3)hồi ký,             

            Chê Kên-Đi (4) đạo lý suy đồi,               

            Giết người lãnh tụ danh tài,

            Khiến uy tín Mỹ từ nay tan tành .

            Nào có nói đâu rằng Cụ Diệm,

            Bỏ Tự Do giao tiếp Cộng man ?

            Đó là lời Xịa tà gian,

            Tung ra bào chữa cho quan tướng tà .

            Đừng mồm mép ba hoa dựng chuyện.

            Ra điều đây, ta biết cũng nhiều,

            Hùa theo “ Ca-bốt “ (5) ngạo kiêu,       

            Tên gian gạt Chúa, làm điều vô nhân.

            Tội ác đó, bao ngần kể xiết,

            Hạt gieo rồi, có biết hay không?

            “ Lưới trời lồng lộng mênh mông,

            Nghiệp gieo nhỏ kiến đừng hòng lọt qua “

            Kìa, nhìn cảnh Nước Nhà tang tóc,

            Họa xâm lăng, Dân khóc thân nô,

            Mơ chi mồi bóng hư vô,

            Chối từ sự thật tung hô giặc ngoài

            Không ôn cố sao tri chuyện đến ?,

            Giữ mãi đời thân kiến bò vung ?

            Mặc cho Dân Tộc khốn cùng,

            Năm ngàn năm Sử theo dòng nước trôi ??!!.

Chú thích

  1. (1)1954
  2. (2)Phó T.Th. L. Jonhson
  3. (3)
  4. (4)
  5. (5)Cabot Lodge

 * * *

Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa 54-63

Tổng Thống  Ngô Đình Diệm.

Xuất thân, quan lại Nguyễn triều,

Tai nghe mắt thấy, lắm điều đau thương.

Cụ Ngô, từ nhiệm quan trường,

Dấn thân đeo đuổi, lối đường Quốc Gia.

Bao lần gian khổ, bôn ba,

Châu Âu, Mỹ quốc, Gia Ba kết tình.

Đến khi, thuận thế, thuận tình,

Dân bầu Tổng Thống, gia đình tham gia.

Chung nhau, xây dựng nước nhà,

Mang hia bảy dậm, thoát ra cựu trào.

Quốc Gia, Dân Chủ lên mào,

Cộng Hoà Đệ Nhất, xây trào liền sau.

Nước ta ngày cũ, khổ đau,

Thực dân, phong kiến, thay nhau đè đầu.

Vượt qua, nào có dễ dầu,

Trăm năm nô lệ, Dân đâu hiểu gì ?

Tự Do, Dân Chủ, là chi,

Nên còn ngơ ngẩn, lúc thì đổi thay.

Nhưng nhờ vận Nước còn may,

Trí Nhân, chính Đảng, góp tay dựng Nhà.

Để nâng, dân trí nước ta,

Bình dân học vụ, mở ra khắp vùng.

Phát huy Kỹ Thuật tận cùng,

Chuyên viên, cán sự, không ngừng tạo ra.

Kỹ Sư, Toán, Hoá, Y Khoa,

Đẳng Cao Sư Phạm, Quốc Gia Chính Hành.

Tinh binh, đào tạo song hành,

Quân trường Vỏ Bị Đà thành, mở ra.

“ Luyện - trui " trai tráng nước nhà,

Chủ trương tiến thẳng, trên đà canh tân.

Cải tiến, đời sống nông dân,

Ngõ hầu cỡi bỏ, cùng bần thời qua.

Thu mua ruộng đất Điền gia,

“ Người Cày Có Ruông “, luật ra kế liền.

Đồng thời, phát triển Dinh Điền,

Lập khu trù mật, chuyên viên thực hành.

Dạy dân, cách thức rõ rành,

Hoa mầu say trái, trĩu cành tận chân.

Tăng cường, chiến thuật an dân,

“ Xây rào chiến lược “, tách Dân khỏi Thù.

Đẩy quân Cộng phỉ, ngoài khu,

Hành quân truy đuổi không từ ngày đêm.

Cộng gian khiếp hãi tăng thêm,

Kéo nhau đầu thú, cho êm cuộc đời.

Chủ trương: nghiêm khắc chuyển thời,

Đỏ đen, hút xách, gái chơi cấm đường.

Lập vùng cai nghiện, hoàn lương,

Chỉnh tu xã hội, cương thường giữ thanh.

Miền Nam kiêu hảnh, rạng danh,

Ba năm phát triển, mọi ngành khả quan.

Sáng ngời, tên đất Rồng Nam ,

Á–Âu nể trọng, bang lân kính nhường.

Thế nhưng, rối chỉ chính trường,

Lần gom Giáo phái, theo đường Quốc Gia.

Lắm người, chê thiếu vị tha,

Tử hình “Ba Cụt”, tướng ra đầu hàng.

( Tiếng đồn cụ Phó (1)chủ đàn,

Trả thù ngày cũ, bao lần gian lao ).

Rồi thêm, nhóm nhỏ “ Lao Xao ”,

Dựa uy Đình Thục, trỗ màu buôn ” Quan ”.

Làm cho Đất Nước, gian nan,

Trệ trì cải cách, theo đàng Quốc Dân.

Giữa khi Mỹ định chen chân,

Xin vào Nam Việt, quân… năm mươi ngàn.

Cộng thêm thuê vịnh Cam Ranh,

Tám mươi năm khoảng đế dành bão quân.

Cụ Ngô chỉ nhận năm trăm

Chối từ cho mướn Cam Ranh phũ phàng,

Nghĩ rằng: Để Mỹ lan tràn,

Việt Nam sẽ mất, chính danh chống thù.

Rồi đây, xã hội rối bù,

Cương thường đảo lộn, mây mù tương lai.

Bạch Cung tức giận liền ngay,

Manh tâm khuynh loát, đổi thay chủ nhà.

Ngay vào lúc Cộng Tàu – Nga,

Thúc thôi ra lệnh, Hồ già can qua.

Chiêu bài, “giải phóng” nước ta,

Gây ra thảm trạng, một nhà đao binh.

Thương cho, bao triệu sinh linh,

Bàn cờ Quốc Tế, thành hình bày ra.

Giữa hai Thế cực: Chính –Tà !(?)

“ Cộng gian - Tư Bản ”, manh nha chiến trường.

Để ngăn, Cộng Sản tiến đường,

Chiếm Đông Nam Á, khó lường họa -tai.

“ Cờ Hoa “ quyết liệt nhập đài,

Xin Ngô Tổng Thống, giúp tay đối đầu.

Cụ Ngô thấy trước khổ đau,

Việt Nam tang tóc, thảm sầu tương tranh.

Nhất tâm, từ chối liên hành,

Để giành chủ động, Mỹ đành ra tay.

Thuê người trí ngắn, dễ sai,

Giết đi Cụ Diệm, mục bài mưu cao.

Đổ quân ồ ạt lao nhao,

Đạn bom hoang phí, tiêu hao chẳng cần.

Không màng chính nghĩa, lòng dân,

Ý đồ hù doạ, nào cần diệt quân.

Chủ tâm Mỹ quốc xa gần,

Thương giao, chia rẽ đồng lân Nga-Tàu.

Ra thân gánh chịu dãi dầu,

Dùng miền Nam để, thay màu Bắc Kinh.

Tạo mầm ly cách nội tình,

Khiến Mao Kúp (2)bất bình lẫn nhau.

Đúng thời Mỹ rút chân mau,

Việt gian vội rước, Nga vào bảo thân.

Mos-cow trú đóng Việt Nam ,

Thân tình khối Cộng, lớn dần tổn thương.

Mao đành nuốt hận đau thương,

Tạm rời bá mộng, Đông Dương chủ tình.

Tiếc thương dòng họ Ngô Đình,

Bao năm ấp ủ, nghĩa tình Quốc Gia.

Cụ Ông chống đối đày Vua,

Đình Khôi Cộng giết, chết chua chát lòng.

Riêng “ Người ” vất vả, long đong,

Tránh Tây, lánh Nhựt, giữ lòng thanh cao.

Gặp hồi vận Nước lao đao,

Hiền nhân khiếm diện, quân Tào mánh mung.

Thiếu người lòng dạ thủy chung,

Vì Dân, vì Nước, để cùng dấn thân.

Thương người chí sĩ đa truân,

Có thời, thiếu thế, lụy thân thảm sầu .

Giận đám vô thức, thiếu đầu,

Tham danh, hám lợi, làm sầu Nước Non.

*

Ba mươi sáu năm khôn dứt được,

Đau tiếc thời đất nước an khang,

Vì đâu nên cảnh đoạn trường ?!,

Vì sao, Dân Tộc sa đường nô vong?!.

Lời giãi đáp chắc đồng bào hiểu,

Thương quí người gánh chịu tang thương,

Hằng năm, mong lập đàn hương !?,

Giỗ người chí sĩ một lòng Quốc Gia.

                                                                     Hồ Vĩnh Thủy

Chú thích.

  1. Nguyễn Ngọc Thơ  
  2. Kúp: Kruschev, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nga.

Mao: Mao Trạch Đông, Tổng Bí Thư Cộng Sản Tàu.

Nhận định:

                       Xét theo, đạo lý Đông Phương,

                 Rõ ràng Mỹ Quốc, bội lường Việt Nam .

                         Khổ đau dân Việt, vô vàn,

              Tám mươi hai triệu, trách than đêm ngày.

                       Lắng tâm, thiền quán sâu dài,

                   Soi ra trước mắt, cảnh tai thuở nào.

                       Sau ngày, Thế chiến lao xao.

                Nga –Tàu liên kết, dựng trào Cộng man.

                      Quyết lòng, nhuộm đỏ thế gian,

                    Trước tiên Châu Á, sau lan toàn cầu.

                       Triều Tiên, tranh chấp khởi đầu,

                     Vũ trang thô thiểu, âu sầu thở than.

                       Lần sang, cuộc chiến Việt Nam,

           Nga – Hoa nhất quyết, thắng màn Đông Dương.

                       Chiếc đơn, Mỹ quốc cản đường,

                   Suy ra khó thắng, đối phương lâu dài.

                            Lập mưu tìm cách rẽ hai,

                   Giao tình Tàu Cộng, mưu bày phân ly.

                         Vốn người xảo quyệt, đa nghi,

                   Khru-shev ngờ vực, nghĩ suy bực mình.

                           Môi răng, Cộng Thế lơi tình,

               “ Nga –Hoa ” tương kỵ bất bình nén tâm .

                         Đúng thời, Mỹ bỏ miền Nam,

                   Nga vào thay chổ, Tàu cam nhục đời.

                         Rẽ phân, Cộng khối suy đồi,

                     Giờ đây yếu thế, nổi trôi theo thời.

                       Giữ tâm công chính, phát lời,

                     Việt Nam ở thế, Thế thời thế thôi.   

                          Xưa rày, lòng Mỹ bạc vôi,

                      Cũng do Tư Bản, nằm nôi lãi lời .

                       Trách chăng nên trách cụ trời,

                     Đặt chi nước Việt, kề nơi nước Tàu.

                         Ngàn xưa cho đến ngàn sau,

                      Đấu tranh vất vả, dãi dầu đao binh.

                           Suốt dòng Lịch Sử điêu linh,

                      Giữ gìn Đất Nước trọn tình Quốc Gia ./.

 Viết,nhân ngày giỗ tưởng niệm thứ 47 của

Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Bào Đệ.

29 / 10 / 2010

Hồ Vĩnh Thủy

Hậu Bút:

Người viết không thuộc Đảng Phái hay Tôn Giáo nào, mà chỉ là  một quân nhân thuần tuý, đã phục vụ dưới hai trào: Đệ I và Đệ II  V.N.C.H.   cho đến ngày mất Nước lưu vong. Mục đích của bài viết, là chỉ muốn nói lên điều trung thực của sự việc đã qua. Những điều mà mình đã nghe, thấy và biết được,trong thời gian xa xưa cũ. Hy vọng là các Con, Em…  lớn lên và trưởng thành nơi đất mới, không lầm lẫn bởi các lời lẻ không thực : xuyên tạc, vu cáo, chỉ trích…..của những người thời cơ hay Việt gian nằm vùng mà suy kém đi tình yêu Tổ  Quốc Việt Nam .

Thiển nghĩ: Cho dù trong trường hợp nào, hay đường lối nào, mà cả hai trào Việt Nam Cộng Hòa đã thi hành và đeo đuổi, cũng đều nhắm vào sự : Thịnh Vượng, No Ấm, Tự Do cho toàn Dân cả hai miền Nam-Bắc. Đồng thời, cũng để gìn giữ Quốc Gia Việt Nam được an toàn, trước ý đồ xâm lăng của Cộng Sản Quốc Tế mà Đảng Cộng Sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Việt gian Nguyễn Sinh Cung (con ông Nguyễn Sinh Sắc ),cũng còn có ngoại tên là : Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, Hồ Chí Minh (tiếm danh: Hồ Chí Minh, biệt danh của cụ Hồ Ngọc Lãm một nhà yêu Nước ),… là công cụ thi hành.

Bài viết không chủ định tố cáo hay vạch trần tội ác của Cộng Sản Việt Nam đã làm cho Đất Nước và Dân Tộc vì khi hiện diện ở nơi đây, mọi người đều hiểu là tại sao chúng ta phải bỏ Nước ra đi, mà chỉ xin gióng lên tiếng nói để cầu mong Dân Tộc Việt Nam chúng ta không để  người Cộng Sản Việt Gian ru ngủ, lường gạt, như họ đã làm bấy lâu nay.Xin nhớ cho lời nói của Cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu :

Đừng nghe những gì Cộng Sản nói,

Hãy nhìn kỹ, những gì Cộng Sản làm.

** Mong lắm thay !! … mong lắm thay !!!. **

Ngày 26 tháng 10 năm 1956, Hiến Pháp Miền Nam Việt Nam được Quốc Hội bầu ra. Trong Hiến Pháp có ghi rõ nhiệm vụ của Quân Lực V.N.C.H. là để gìn giữ đất nước và chống lại mọi xâm nhập của mạng lưới Cộng Sản Quốc Tế. Vào thời đó, đang manh nha phủ chụp lên Thế Giới với chủ trương: dùng công nhân cướp chính quyền, thống trị sắt máu, bạo lực….chẳng màng đến đạo lý và nhân phẩm, để tiến lên Thế Giới ( ảo tưởng ) Đại Đồng. Vì nhiều lý do, không nằm trong quyền lực của người Quốc Gia ( cho dẫu đến ngày nay, sự tình biến cố Lịch Sử vẫn còn là, đề tài tranh luận giữ những người dân lưu vong lạc lòng, những người thời cơ thiển cận với  người Quốc Gia  chân chính. Mặc dù nhiều sự kiện Sử liệu đã được giãi mật trong những năm gần đây, từ văn khố Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết, Toà Bạch Ốc, cũng như sự tiết lộ của các cấp  lãnh đạo uy tín Trung Cộng) Q.L.V.N.C.H. đã bị bức tử, sau hai mươi năm dài hy sinh, tận lực chiến đấu, chống lại sự  xâm nhập của Cộng Sản vào lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Sự vắng mặt của một Quân Lực mang chủ nghĩa Quốc Gia, DânTộc trên đất nước, đã khiến cho Việt Nam hục hẫng rơi vào cảnh tang thương, tủi hận suốt hơn ba mươi  lăm năm qua và vẫn còn tiếp diễn.   

Trong đời sống lưu vong ở hiện tại, hàng ngày, khi theo dõi đến thực trạng đau lòng đang diễn ra tại Quê Hương, chúng ta, những người luôn mang nặng nỗi niềm lo âu cho sự tồn vong của Dân Tộc, không thể không tiếc nuối quá khứ, cũng như, để lòng mặc niệm về một người Quốc Gia chân chính đã không may là nạn nhân của Thế cuộc hay Chiến lược toàn cầu của nhóm “Hội Kín Tam Điểm” (Siêu lực Tài Phiệt  hậu trường )?!, đó là vị lảnh tụ khả kính của nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa: Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

                                                       Hồ Vĩnh Thủy

 * * *

Nỗi Nhớ Khôn Nguôi

Nguyễn Đình Phương, CVA59

-  Hello, Như đó phải không?

-  Vâng, em đây, em vừa đi làm về, đang dở tay một chút, anh gọi lại lúc sau 8 giờ nhe.

Phong gác máy điện thoại, ngả mình xuống chiếc giường đơn trong căn phòng nhỏ apartment mà chàng mới thuê chưa đầy sáu tháng. Cuộc đời của chàng có nhiều biến chuyẻn bất thường đưa đến mà không bao giờ chàng có thể ngờ và nghĩ lại xảy ra.

Ngày xa xưa thuở thiếu thời đang sống êm ả trong gia đình cùng cha mẹ , anh chị em nơi khu phố ngàn năm văn hiến của Hà thành thì đùng chiến tranh Việt Minh Pháp bùng nổ, cha mẹ chàng phải bỏ đô thị, dắt díu đàn con anh chị em của chàng đi lánh nạn về sống trong một ngôi làng nhỏ bé nghèo nàn tên gọi là Sơn Thanh cách Hà Nội khoảng hơn 40 cây số. Bố chàng bảo ngôi làng này là quê tổ của dòng họ.

Bố chàng là một công chức làm cho sở Hỏa xa, tản cư về vùng nông thôn, chẳng biết làm việc gì, mẹ chàng phải tảo tần buôn hàng sáo, đong thóc xay lúa, gĩa gạo, nuôi gà, heo để lo sinh nhai cho cả nhà. Bố chàng nhàn hạ rỗi rảnh nên mở lớp dạy học miễn phí cho dân trong làng, hầu hết dân làng thời đó chỉ biết làm ruộng vườn và không biết chữ, họ cho con cháu của họ đa số đã 14, 15 tuổi đến học với bố của chàng. Bố chàng không lấy tiền học, nhưng họ trả ơn bằng những cặp gà vịt. mâm xôi…

Giai đoạn đầu cũng tạm sống được, nhưng dần dần khó khăn trong cuộc sống nơi thôn xã đồng chiêm nước mặn này, cộng thêm nghe ngóng Hà Nội đã tạm yên, Việt Minh không đương cự được với người Pháp đã rút lui ra vùng đồng quê làm cuộc kháng chiến du kích. Bố chàng đã âm thầm bàn bạc với mẹ của chàng rồi lẳng lặng một mình bỏ làng tìm cách hồi cư về Hà Nội trước rồi sẽ liệu đường đưa mẹ con của chàng hồi cư sau. Bố chàng không thể đường hoàng công khai trở về Hà Nội được vì Việt Minh ngăn cản. Nhưng rồi hơn hai năm sau chẳng được tin tức gì về bố của chàng, du kích trong làng đồn tin là cha của chàng đã bị quân Pháp bắn chết.

Suốt thời gian hơn hai năm biệt tin cha, Phong sống với mẹ cùng anh chị và đứa em gái nhỏ chưa đầy 1 tuổi đã phải chịu cảnh đói khổ cực cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, một ngày Phong chỉ được cho ăn có một bát cơm mà thôi, nhiều hôm đói quá Phong đã khóc năn nỉ xin mẹ cho Phong được ăn no dù chỉ là cơm với muối.

Rồi một ngày kia quân đội viễn chinh Pháp lại đã tràn về cả đến ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh nơi Phong ở. Du kích Việt Minh trong làng chỉ huênh hoang, hô hào dân làng đoàn kết cùng nhau chống giặc Pháp, nhưng khi thấy quân Pháp tràn về là họ trốn lui trốn lủi đi đâu mất, chẳng thấy được bóng dáng tên du kích Việt minh nào ló mặt ra cả. Cuối cùng mẹ con chàng cũng phải tìm cách lần mò, từ làng này qua làng khác với bao cam go mà hồi cư trở về Hà Nội.

Cuộc đời của Phong từ đây bắt đầu được sáng sủa hơn vì mẹ chàng đã bắt được liên lạc trở lại với bố của chàng đang ở trong Sàigòn. Ở Hà Nội được khoảng hai tháng thì tất cả 5 mẹ con của chàng được vào Sàigòn trên một con tầu thủy do Sở Hỏa Xa đài thọ tất cả phí tổn. Con tầu sao mà to lớn đồ sộ thế dưới con mắt của chàng, một đứa trẻ 10 tuổi. Niềm vui sướng nhất của Phong lúc đó là được gặp lại cha của mình. Rồi Phong được cắp sách đến trường học lần đầu tiên trong cuộc đời của chàng.

Bao nhiêu may mắn , tốt đẹp đã đến với Phong trong suốt khoảng thời gian gần 25 năm, Phong đã học hành thành đạt, có được danh vị trong xã hội, có vợ hiền thục và các con khỏe đẹp,ngoan ngoãn. Nhưng rồi biến cố đất nước lại xảy đến, 1975 Cộng Sản đã xâm chiếm toàn thể miền Nam, gieo đau thương, tang tóc, chia lìa, đói khổ đến cho mọi người dân. Sau 3 năm chịu đựng sống dưới chế độ khắc nghiệt Cộng Sản, Phong đã phải bỏ hết tất cả những gì chàng gây dựng đưọc để ra đi với hai bàn tay trắng nhưng bù đắp lại chàng đã đem được toàn thể gia đình nhỏ bé của chàng thoát khỏi đất nước bất hạnh của mình và nhờ phước đức tổ tiên đã đến được vùng đất tự do Philippine sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển cả, rồi một năm sau nữa đã được định cư tại Hoa Kỳ.

Đời Phong bắt đầu trở lại từ đây nơi xứ tạm dung này, ngày đêm miệt mài vừa đi học vừa đi làm, vừa lo dạy giỗ con cái. Phong không nề hà bất cứ công việc gì kể cả cái việc làm phu khuân vác để kiếm sống cho gia đình vợ con. Thân xác mệt nhọc, vất vả, nhưng nhìn thấy đàn con ngoan, chịu khó học hành tiến bộ, Phong thấy lòng mình yên ổn ấm áp vì triển vọng tương lai của các con đang rộng mở. Phong không mong ước gì khác, chỉ luôn cầu xin được tiếp tục cuộc sống ổn định như thế này mãi mãi cho đến ngày tất cả các con được thành nhân.

Nhưng biến động lại diễn ra. Người vợ hiền thục ngày xưa, nay nơi xứ người đã quay mặt hẳn với chàng, đã nhìn và đánh giá chàng bằng con mắt khinh bạc và cuối cùng đã âm thầm đệ đơn ly dị với chàng sau 6 năm. Gia đình chia cắt, con cái ngơ ngác, lòng Phong đau sót. Người bạn đời đã có 4 đứa con với chàng, đã cùng chia sẻ biết bao ngọt đắng, hiểm nguy để may mắn có được miền nắng ấm này lại can đảm gieo niềm ly biệt chia rẽ với chàng để đi tìm niềm hạnh phúc mơ tưởng cho riêng mình. Phong thấy lòng mình chua chát, buồn đau cho số mệnh. Đã gần nửa cuộc đời với lũ con chưa hết bậc trung học mà Phong phải một mình gánh vác thì còn niềm lo âu nào đè nặng cao hơn! Phong nhắm mắt hình dung đến viễn tượng tương lai.

Tiếng điện thoại reo làm Phong giật mình.

- Anh đang ngủ đó hả, em chờ anh hơn nửa giờ rồi đó.

Không, anh đang mải nghĩ đến những chuyển biến đã qua trong đời anh và bây giờ duyên đâu huyền diệu lại cho anh gặp em để chúng ta cùng bên nhau đi con đường của nửa đời còn lại.

-  Gớm , sao anh văn chương thế.

-  Phải văn chương chứ em, chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày hôn lễ của chúng mình rồi, em không mong mỏi à.

-  Tất nhiên là có chứ, nhưng mình đã gìà rồi. Em rất mong cái ngày vui đó để mình chính thức kề cận bên nhau. Em cũng lạ là hơn 6 năm nay em sống một mình trong phẳng lặng, suốt ngày bận rộn công việc làm của hãng xưởng, rồi về nhà lại vội vã vào bếp ngay để lo nấu nướng, cơm nước cho các con.

Sau đó nằm xem TV chốc lát là đi vào giấc ngủ để ngày hôm sau lại bắt đầu một ngày như mọi ngày, chẳng còn thì giờ nào để bận tâm chuyện nào nữa. Trớ trêu thay nay gặp anh trong hoàn cảnh đặc biệt em lại thấy lòng mình thật rung động, thật hết sức thương yêu anh và linh cảm đến với em là em phải là người vợ của anh dù là muộn màng.và dù là cả hai bên đều có cả một cái đuôi dài sau lưng. Em không thấy chút nào ái ngại về hai cái gánh nặng đó vì tự nhiên em tin tưởng anh, tin tưởng tuyệt đối không giải thích. Em nghĩ chúng mình chung lưng, chung sức, cuộc sống của chúng mình chắc chắn sẽ khá hơn, và hạnh phúc của chúng mình cùng kiến tạo đắp xây sẽ ổn vững lâu dài.

Phong cảm động trước sự biểu lộ tấm lòng gắn bó của Như. Như đã đem lại cho chàng sức sống, đã cho chàng lấy lại được nghị lực của chính mình. Trước bàn thờ vong linh của mẹ chàng có Như bên cạnh, Phong đã thành khẩn khấn nguyện xin mẹ chứng dám cho con, trong lúc con đang mang nỗi sầu, nỗi đớn đau cùng cực của đổ vỡ, em Như đã đến với con, không chê bai con, mà mang cả một tình thương yêu vô bờ bến bù đắp cho con hơn cả những gì con đã mất, con nguyện một lòng thương yêu Như và làm bất cứ điều gì con làm được để đền đáp lại cho Như. Như đã gục đầu vào vai Phong tấm tức khóc với những giòng nước mắt thương yêu, xúc động.

Sau ngày hôn lễ giản dị, nhưng đầy đủ nghi thức, Phong và Như đã cùng nhau xây dựng lại cuộc sống nửa sau, cùng chung lưng đấu cật đã sống bên nhau thật hạnh phúc, thật đầm ấm cùng với đàn con của hai bên dưới chung một mái nhà. Dù với cả một đàn con đông đảo của hai bên mà không một điều gì trắc trở xảy ra làm ảnh hưởng đến tình cảm thắm thiết của Như và Phong. Như đì làm và chăm sóc nhà cửa thật gọn gàng chu đáo, đối xử với đàn con riêng của Phong hoà nhã dịu dàng và săn sóc chúng gần như là con ruột. Các con của Phong cũng kính trọng và thương mến Như. Cuộc sống của Phong thật là yên bình, thật là đầm ấm bên cạnh Như, điều mà chưa bao giờ Phong có được với người vợ trước kia. Phong thấy mình tốt phước và thầm cám ơn trời đất đã ban cho chàng….

Phong bỗng giật mình mở mắt, không ngờ đã thiếp đi trong một giấc mơ dài. Tinh thần quá mệt mỏi và quá lo âu đã khiến Phong mơ về những bóng ảnh xưa kia của đời mình. Bàn tay Như đang đặt nhẹ trên đầu Phong, với giọng yếu ớt nhưng đầy âu yếm thương yêu, Như hỏi Phong.

-  Anh mệt lắm phải không, tội nghiệp anh, bao ngày đêm anh vất vả lo lắng săn sóc cho em. Em thật xót sa , không biết anh còn phải chịu đựng cho em bao lâu nữa.

Một tay nhẹ nhàng vuốt ve bàn tay Như, tay kia Phong đặt hai ngón lên môi Như.

-  Em đừng nghĩ như thế, có lúc nào anh thấy mệt mỏi săn sóc cho em đâụ. Em là người vợ thương yêu của anh, là nguồn hạnh phúc của đời anh, một người đàn bà quả cảm, đầy đức độ, luôn hy sinh cho chồng con không nề hà mệt nhọc, vất vả. Phần số em đã bắt em phải gánh chịu căn bệnh nghiệt ngã với bao đau đớn dày vò xác thân, em không hề than vãn, luôn cố trấn áp mình để sống một đời sống bình thản tự nhiên, để chồng con bớt niềm lo âu. Anh săn sóc em chỉ mong được chút đền đáp tấm lòng cao quý của em, để an ủi em, để xoa dịu một phần nào cho em.

Như xiết tay Phong nhỏ nhẹ.

-  Cám ơn anh, bằng vào tất cả tấm lòng của anh, em không cảm thấy đớn đau thân xác, em rất yên tâm ra đi, xin anh đừng quá bi lụy, trời cho em được sống bên anh 17 năm nay cũng là đủ anh ạ. Thương em anh hãy cố giữ gìn sức khỏe để sống và để giúp em đỡ đần, lo lắng cho tất cả những đứa con của anh và của em dù rằng chúng nó cũng đã lớn khôn.

-  Em ơi đừng nói thế, đau lòng cho anh lắm, em không thể ra đi, chưa thể ra đi, 17 năm trôi qua nhanh quá và còn quá ngắn em ơi. Em hãy cố gắng phấn đấu, chịu khó thuốc men, phải thầy phải thuốc em sẽ khỏi bệnh và sống khỏe mạnh bình thường trở lại, em phải sống với anh.

Phong nói để an ủi Như và cũng để trấn áp lòng mình. Bệnh tình của Như đã đến giai đoạn cuối, một chút hy vọng mỏng manh cũng khó thành, Phong biết như vậy nhưng vẫn cầu nguyện mơ hồ, Phong âu yếm bảo Như.

-  Để anh lấy mấy băng cassettes thu những ngày đầu truyện trò của chúng mình mở ra cho em và anh cùng nghe nhe.

Những tiếng nói êm ái ngày nào của Như nhẹ vang trong cassette, giọng nói Như trẻ trung, dễ thương quá, 17 năm qua mà vẫn như là đang trò chuyện với Phong bây giờ. Phong lẩm nhẩm em ơi sao em lại ra nông nỗi bạc nhược thảm thương thế này. Trời ơi, xin nhủ lòng cứu vớt Như, Phong nhắm mắt khấn nguyện. Như mệt mỏi lại thiếp đi trong giấc ngủ không yên,. Nhìn gương mặt xanh xao, gầy gò với hơi thở yếu ớt qua ống giây để trong mũi của Như, lòng Phong se sắt, quặn đau, cổ họng như nấc nghẹn, em ơi làm sao anh cứu em.

Thế rồi, thôi hết hơn mười ngày sau Như đã vĩnh viễn ra đi, đã vĩnh viễn rời xa Phong, để lại cho Phong những xót thương khôn nguôi. Biết bao giờ Phong lại có Như để được nghe lời nói dịu dàng, giọng ca êm ái quyến rũ nữa . Em ơi nhớ thương em, xót thương em vô vàn, bóng hình em mãi mãi trong tim anh, sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm não anh.

Em ơi nhớ chứ ngày xưa đó, quấn quýt bên nhau thật tuyệt vời.

Lời nói em thương anh gói trọn cất cả vào tim giữ ngàn đời.

VƯƠNG VẤN

Chiều xuống bâng khuâng nhớ chuyến tầu

Mối tình thầm đó đã bao lâu

Quen nhau ngày đó em muời sáu

Mười tám tôi yêu chẳng nhiệm mầu

Một thoáng sương qua mờ cách biệt

Chập chùng gió lại gợi thâm sâu

Niềm riêng e ấp như huyền thoại

Lòng vẫn tơ vương tới bạc đầu.

Nguyễn Phương

CVA59

* * *

Các Cựu Học Sinh Chu Văn An

Với Sinh Hoạt Văn Hoá.

Nguyễn Hữu Khánh, CVA60

“Tuần lễ Văn Hóa Phong Châu Mở Hội Tiên Rồng” được tổ chức tại trường San Jose State University, thành phố San Jose, bang California – USA, vào các ngày 11 (Khai mạc và mở đầu Sinh Hoạt Văn Hóa), 12 (Bế mạc vào cuối ngày) và 18 tháng 9 năm 2010 (Triển Lãm, Nhạc Hội, Ẩm thực và Dạ vũ ).

Ban Tổ Chức : Trương Bổn Tài, Lưu Văn Vịnh, Bùi Anh Thư, Nguyễn Sơn Anh Tuấn, Hoàng Long, Mai Trân, Ngô Văn Quang, Nguyễn Tường Tâm, Vĩnh Thanh Thảo.

Với sự cộng tác của: Nhóm Sinh Viên Việt Học (Vietology Students Group @SJSU), Trung Tâm Văn Hóa & Nghệ Thuật Việt Nam, Viet – American Foundation.

Nội dung .

15 Thuyết trình viên, Hội luận viên bàn về ba chủ đề : Cổ Sử Việt, Ngôn Ngữ Việt và Văn Hóa Việt.

Cổ Sử Việt : Từ thủa hồng hoang đến thời đại Lý-Trần. Hai mặt xây dựng và đấu tranh của Việt tộc được nhìn lại trước và sau thời Tần-Hán và cả ngàn năm Bắc thuộc. Vấn đề phương pháp luận nghiên cứu được nêu lên để thấy sự thật của lịch sử với những điểm đặc sắc. Phong Châu rồi Thăng Long, những bài học đoàn kết của dân tộc.

Ngôn Ngữ Việt : Ngôn ngữ Việt được quan sát qua các phương diện : ngôn, ngữ và nghĩa, qua các trường, phái để có thể cảm nhận được sự phong phú của tiếng Việt, đặc biệt trong cú pháp tiếng Việt “khác biệt khá lớn giữa tiếng Việt và tiếng Anh”.

Văn Hóa Việt : Những tinh túy của nền Văn Hóa Hữu Lễ là bản sắc của dân tộc Việt. Lễ là phép tương quan giữa người với người, người với Trời, người với muôn vật. Văn Hóa Hữu Lễ ấy đã kết tinh nên mẫu người Hiền Lành.

Những nội dung và Cựu Học Sinh Chu Văn An.

Tuần Lễ Văn Hóa được tổ chức tại SJSU, ngay khu trung tâm thành phố San Jose, có những ưu điểm và cũng có những hạn chế, chẳng hạn chỗ đậu xe.

Riêng trong hai ngày thuyết trình và hội luận, xen kẽ những tiết mục văn nghệ, số người tham dự khoảng 70.

Cựu học sinh Chu Văn An đã tham dự với tư cách Ban Tổ Chức, Diễn Gỉa, Hội Luận Viên và Tham Dự Viên.

Chu Văn An Lưu Văn Vịnh tham gia Ban Tổ Chức, đồng thời là Diễn giả và Hội luận viên.

Bạn Lưu Văn Vịnh tham gia Ban Tổ Chức gửi “Thư mời quý bạn Chu Văn An và thân hữu tham dự Tuần Lễ Văn Hóa Phong Châu Mở Hội Tiên Rồng để cùng gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống Việt và để yểm trợ tinh thần Chu Văn An trong các sinh hoạt văn hóa dân tộc.”

Là Thuyết trình viên về Văn Hóa, bạn Lưu Văn Vịnh đã nói về Văn Hóa Hữu Lễ và Mẫu Người Hiền Lành. Văn Hóa Hữu Lễ qua cách xưng hô, giao tiếp xã hội. Lễ với Nhạc là trật tự hài hòa. Văn Hóa Hữu Lễ đã thấm nhập vào dân Việt nên bất cứ ý hệ vô lễ nào cũng sẽ bị truyền thống dân tộc đào thải. Diễn giả Lưu Văn Vịnh cho rằng mỗi nền văn hóa đều tạo nên một mẫu người lý tưởng. Xã hội Việt Nam thấm nhuần văn hóa tam giáo với căn bản làng xã đã kết tinh mẫu người thuần túy dân tộc: Mẫu Người Hiền Lành. Vua hiền, tôi hiền, cha hiền, mẹ hiền,vợ hiền, anh hiền, chị hiền…Ở hiền gặp lành. Hiền là lương thiện, có tài năng đức độ chăm lo việc nước, hiền hòa với mọi người. (Ông Tô Hiến Thành là bậc tôi hiền).

Cốt tủy của văn hóa Việt Nam là Văn Hóa Hữu Lễ và Mẫu Người Hiền Lành.

Là Hội luận viên về Cổ Sử, bạn Lưu Văn Vịnh đã nêu những điểm đặc sắc trong Sử Việt. Có thể kể vài điểm, đấy là sự tranh chấp ngôi vua giữa các dòng họ, nhưng không có tàn sát lan rộng trong xã hội như thế kỷ XX khi ý thức hệ ngoại lai lan tràn áp chế. Bị đô hộ cả ngàn năm mà không mất giống, mất tiếng nói. Rồi cuộc di cư vĩ đại 1954 và thuyền nhân sau 1975 đã khẳng định lập trường tự do. Bạn Lưu Văn Vịnh đã đề nghị chia Sử Việt ra 5 đại kỳ theo quan điểm văn hóa: Dân bản, Làng xã, Tam giáo đồng tôn, Đa văn hóa và Ý thức hệ ngoại lai . Rồi Tâm Thức Diên Hồng đối với Phân hóa vì chấp kiến, sở tri chướng. Cần thống nhất đất nước, bỏ đầu óc nhất thống thiên hạ, độc quyền phe đảng, đổi sang dân chủ phân quyền, thượng tôn quốc pháp.

Chu Văn An kế tiếp trong vai trò Thuyết trình viên là Đàm Trung Pháp với đề tài : “Vài Nét Đặc Thù Trong Cú Pháp Tiếng Việt”, gồm ba phần : Các Chủ Ngữ Vô Hình, Mối Liên Hệ Lỏng Lẻo Giữa Các Mệnh Đề và Cấu Trúc Đề Thuyết.

Chủ ngữ vô hình. Thí dụ : Bóng hồng nhác thấy nẻo xa (Truyện Kiều )

Ai “nhác thấy” ?

Đi một ngày đàng học một sàng khôn (Tục ngữ ).

Mối liên hệ lỏng lẻo giữa các mệnh đề. Không thấy những liên từ nối những mệnh đề . Thí dụ : “Trời mưa to quá, chúng tôi quyết định ở nhà”.

Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc (Nguyên Sa).

Nhưng nghịch lý là khi một liên từ được dùng cho mệnh đề phụ thì mệnh đề chính cũng có khuynh hướng sử dụng một tiểu từ để giữ quân bình cho cấu trúc, thí dụ :      

Tuy họ nghèo, nhưng họ rất hạnh phúc.

Dẫu chẳng phải ngọc ngà kỳ dị,

Nhưng cũng trong ý nhị thanh tân .   (Bần Nữ Thán).

Cuối cùng là cấu trúc Đề / Thuyết (Topic / Comment). Chủ ngữ (Subject) thông báo một đề (Topic) và vị ngữ (predicate) cung cấp một thuyết (Comment) tức là một nhận định về đề tài ấy, thí dụ : Trời / mưa.

Đề cũng có thể được coi như một “Chủ ngữ tâm lý” trong câu vì nó sửa soạn trí tuệ cho sự đón nhận thông điệp của phần thuyết, thí dụ :

Còn về chàng John, thì anh ấy là sinh viên năm thứ ba.

Nỗi nàng / tai nạn đã đầy

Nỗi chàng Kim Trọng / bấy chầy mới thương. (Truyện Kiều)

Vai trò “Chủ ngữ tâm lý” của yếu tố đề trong cấu trúc Đề /Thuyết đã giúp tiếng Việt dễ hiểu dù có nhược điểm như chủ ngữ thiếu vắng hoặc mù mờ và lỏng lẻo trong mối liên hệ giữa các mệnh đề. Riêng trong thơ lục bát thì câu lục thường đóng vai Đề và câu bát đóng vai Thuyết, thí dụ :

Trăm năm trong cõi người ta (đề)

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (thuyết)

(Truyện Kiều)

Nhà ngữ học Đàm Trung Pháp đã trình bày đề tài một cách trong sáng và duyên dáng, nhất là bạn đã dẫn thơ, văn của đồng môn Lưu Văn Vịnh trong “Oang Oang Lòng Chén Rỗng” (2007) và “Bốn Lần Leo Núi Tản” (2000) để chứng minh cú pháp đặc sắc của tiếng Việt.

Chu Văn An kế tiếp, trong vai trò Hội Luận viên là Lê Phục Thủy. Bạn Lê Phục Thủy đã trình bày đề tài “Hội Họa trong Văn Hóa Việt Nam thời cổ”. Từ nhận định tổng quát về nghệ thuật như khát vọng tự nhiên của con người, họa sĩ Duyên Hà Lê Phục Thủy đã nói về nhu cầu Hiếu Mỹ, về họa sĩ. Tranh dân tộc, trong có tranh mộc bản gọi chung là tranh gà, lợn, có trước khi tiếp súc với tây phương.

Trong lịch sử Việt Nam :

-       Thời đại Đồ Đá đã có hình vẽ mặt người (Thái Nguyên), hình thú vật Trung Việt).

-       Thời đại Kim Khí có hình khắc trên trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa).

-       Thời Hùng Vương dân tộc ta có tục vẽ mình.

-       Tranh tết hay tranh gà lợn được in vào đời Lê (thế kỷ 17) và tồn tại tới nay.

Về vai trò của tranh dân tộc, họa sĩ Duyên Hà Lê Phục Thủy đã điểm qua :

a/  Nhu cầu sáng tạo “Nghệ thuật vị nghệ thuật” (Vẽ để chơi, có khi vẽ xong xóa đi, vứt đi).

b/ Ước vọng trường sinh với vẽ truyền thần ( Chân dung tổ tiên trong các nhà thờ họ), chân dung Nguyễn Trãi, Phan Thanh Giản…

c/ Tranh tôn giáo (Phật giáo, Lão giáo, tín ngưỡng dân tộc – vàng mã .).

d/         Tranh kể truyện (Truyện Kiều).

e/ Tranh tết (gà, lợn) và đời sống hàng ngày ( Đánh ghen, Hái dừa).

f/  Tranh phóng sự (Thày lang, Sĩ phu, vàng mã, cô đầu, cho lợn ăn…).

Họa sĩ Duyên Hà nhấn mạnh : ngày xưa tuyệt đối không có tranh tuyên truyền như dưới thời cộng sản.

Trong phần kết luận, bạn Duyên Hà nhận định rằng tranh cổ Việt Nam có vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa. “ Đó là một kho tàng lớn cho các họa sĩ Việt Nam muốn tìm hiểu dân tộc tính qua sự diễn tả mỹ cảm của người xưa.”

Là một họa sĩ, bạn Lê Phục Thủy đã trình bày đề tài “Hội Họa trong Văn Hóa Việt Nam thời cổ” một cách chặt chẽ, đầy thuyết phục.

Ngoài các cựu học sinh Chu Văn An kể trên tham dự Tuần Lễ Văn Hóa Phong Châu Mở Hội Tiên Rồng với tư cách Ban Tổ Chức, Thuyết Trình Viên, Hội Luận Viên, còn những cựu học sinh Chu Văn An khác đã có mặt với tư cách Tham Dự Viên, như các anh Lê Duy San, Nguyễn Đăng Khôi, Nguyễn Hoàng Hải, Phạm Đỗ Hùng, Nguyễn Như Hùng, Nguyễn Hữu Khánh…có thể còn những anh khác mà người viết không biết hết được. Ấy là chưa kể một số người không đến được vì đi xa, vì việc nhà, vì sức khỏe…như các bạn Đoàn Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Chuân.

Tham dự viên Lê Duy San đã theo dõi các đề tài Thuyết trình, Hội luận và đã nêu câu hỏi, đặc biệt cho Thuyết trình viên Lưu Văn Vịnh về mẫu Người Hiền:

Người ta thường nói “Hiền quá hoá ngu” hoặc “Hiền quá hoá hèn”. Anh Vịnh nghĩ sao? Và anh đã thấy có người Hiền nào trở thành người Hùng chưa ?

Nhìn chung, các cựu học sinh Chu Văn An đã tích cực tham gia sinh hoạt Tuần Lễ Văn Hóa Phong Châu Mở Hội Tiên Rồng với đủ tư cách, nào Ban Tổ Chức, nào Thuyết Trình Viên, nào Hội Luận Viên, nào Tham Dự Viên. Có người từ xa đến như các cựu học sinh Chu Văn An Đàm Trung Pháp (Texas), Lê Phục Thủy (San Diego). Trong mấy ngày cuối tuần, tất cả đã nghiêm chỉnh làm việc sáng, chiều “để cùng gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống Việt và để yểm trợ tinh thần Chu Văn An trong các sinh hoạt văn hóa dân tộc.”.

“Chuyện bên lề”.

Trong bữa ăn trưa tại nhà hàng Lemon Grass ngày 12-09-10, anh em Chu Văn An, đặc biệt là CVA 57-60, đã tay bắt mặt mừng, hàn huyên, cùng với các quý phu nhân (A/C Đàm Trung Pháp, A/C Lê Phục Thủy). Anh Hội Trưởng Lê Duy San đã có mặt cùng anh Phạm Đỗ Hùng, thân hữu Đào Văn Bình (và phu nhân). Phần CVA 57-60 hiện diện là các anh Nguyễn Đăng Khôi, Phó Hội Trưởng (và là người chọn Restaurant Lemon Grass), Lưu Văn Vịnh, Đàm Trung Pháp, Lê Phục Thủy, Đoàn Mạnh Tuấn và Nguyễn Hữu Khánh.

Ảnh chụp tại nhà hàng Lemon Gras, 12-09-10. Hàng ngồi, từ trái sang là các anh Lê Phục Thủy, Lê Duy San, Nguyễn Hữu Khánh, Đàm Trung Pháp. Hàng đứng từ trái sang là các anh Đào Văn Bình, Nguyễn Đăng Khôi, Đoàn Mạnh Tuấn, Lưu Văn Vịnh.

Trong chỗ riêng tư, CVA Lưu Văn Vịnh nói rằng đây là cơ hội để anh em CVA , nhất là ban C từ 1957 gặp nhau. Lưu Văn Vịnh đã ra phi trường đón bạn từ phương xa tới, đưa đón anh em tới, lui. Xưa kia, bạn Lưu Văn Vịnh là trưởng lớp, lúc nào cũng nghiêm chỉnh mà vui vẻ, hết lòng với anh em. “Lưu Công” rồi “Lưu Cao” (vì người cao) là danh hiệu mà anh em thân quý tặng bạn Lưu Văn Vịnh và còn lưu truyền cho đến ngày nay trong đám cựu học sinh CVA Ban C 1957-1960.                                                                                                                                

Riêng bạn Đàm Trung Pháp, hơn 50 năm mới gặp lại. Khi email gửi bạn Lưu Văn Vịnh, Ban Tổ Chức, xác nhận thời gian tham dự Phong Châu Mở Hội Tiên Rồng, Bạn Đàm Trung Pháp đã viết ở cuối thư : “ Rất mong gặp lại Vịnh, Thủy và Khánh để hâm lại tình nồng Tam C Chu Văn An 1957-1958.” Đến khi rời Hội trường, sau thuyết trình, trên bậc thềm thư viện Martin Luther King, Jr., cùng Lưu Văn Vịnh và người viết bài này, anh em lại nhắc đến những kỷ niệm của thời đi học ở trường Chu Văn An và Đàm Trung Pháp đã đưa tay tung hô “Hoan hô tình bạn của chúng ta !”.

Một người bạn tài hoa về đủ mọi mặt là Lê Phục Thủy. Bạn đã dạy khoa học, nghiên cứu khoa học, bạn còn là họa sĩ, bạn lại là Certified Dancing Master, bạn còn practice cả Martial Arts ! Gặp nhau dịp Sinh Hoạt Văn Hóa Phong Châu Mở Hội Tiên Rồng, Lê Phục Thủy đã cười vui thốt lên “Les Trois Mousquetaires !” (Lưu Văn Vịnh, Đàm Trung Pháp, Lê Phục Thủy). Bạn bè có người nói Lê Phục Thủy có nhiều nghề tay trái mà xem ra nghề tay trái nào cũng vững chãi ! Những nghề tay trái hẳn đã góp phần cân bằng cho nghề tay phải ?

Để chấm dứt bài viết này, xin cùng bạn Đàm Trung Pháp và tất cả quý vị đồng môn CVA lên tiếng :

“HOAN HÔ TÌNH BẠN CỦA CHÚNG TA !”./.

Nguyễn Hữu Khánh

San Jose, 21-10-2010

NỘI QUY

HỘI ÁI HỮU CỤU HỌC SINH

CHU VAN AN BẮC CALIFORNIA

(được tu chính bởi Đại hội Thường niên ngày 22/6/2008)

Điều 1 : Trụ sở Hội

Đoạn 1. Trụ sở chính.

Trụ sở chính của Hội để điều hành công việc được đặt tại Quận Hạt Santa Clara, California.

Đoạn 2. Các trụ sở khác.

Hội có thể thiết lập các trụ sở khác tại các nơi khác trong hay ngoài tiểu bang California khi thấy cần để điều hành công việc và tùy ở quyết định của Ban Chấp Hành.

Điều 2 : Mục đich và Tôn chỉ

Mục đích và đường lối hoạt động chính yếu của Hội là : Phát huy tinh thần tương trợ giữa các cựu học sinh Chu Văn An trong các lãnh vực giáo dục, văn hoá, dịch vụ xã hội và để bảo tồn nền văn hóa và phong tục tập quán của Việt Nam v.v…bằng cách tổ chức các chương trình huấn nghệ và cố vấn nghề nghiệp, tổ chức các buổi hội thảo công cộng, các buổi diễn thuyết về văn hoá Việt Nam, các buổi trình diễn về các vũ điệu dân tộc và kịch nghệ.

Các hoạt động nêu trên không được đi ngược lại lập trường của người Việt tỵ nạn Cộng Sản là không chấp nhận chê độ Cộng Sản Việt Nam.

Điều 3 : Hội Viên.

Đoạn 1. Nhiệm vụ và quyền lợi của Hội viên.

Hội chỉ có 1 loại hội viên. Không có 1 hội viên nào được phép giữ hơn một ghế hội viên trong Hội. Tất cá các hội viên đều có cùng quyền hạn và trách vụ ngang nhau.

Đoạn 2. Điều kiện gia nhập.

Tất cả các cựu học sinh Chu Văn An đều có quyền gia nhập để trở thành hội viên của Hội.

Đoạn 3. Thể lệ gia nhập.

Các đơn xin gia nhập Hội, đều phải ghi rõ điạ chỉ, những năm theo học và phải được ít nhất 1 hội viên giới thiệu, ngoại trừ đương đơn xuất trình được thẻ học sinh của trương hay được sự giới thiệu của một cựu giáo sư của trường.

Các cựu học sinh Chu Văn An đã từng tham gia các sinh hoạt của Hội hoặc có ủng hộ tài chánh cho Hội đều được coi là hội viên chính thức.

Đoạn 4. Lệ phí gia nhập và niên liễm.

Không một khỏan lệ phí nào được thâu về đơn xin gia nhập Hội Niên liễn sẽ do Ban Chấp Hành quyết định tùy thời điểm và do các hội viên đóng góp.

Đoạn 5. Tính cách bất chuyển hoán hội viên.

Không một hội viên nào được phép chuyển nhượng quyền hội viên. Quyền hạn của hội viên chấm dứt khi hội viên qua đời.

Đoạn 6.

Chấm dứt quyền hội viên.

a) Khi một hội viên đích thân hay gửi văn thư cho Hội Trưởng hay Tổng Thư Ký của Hội để thông báo ý muốn ra khỏi Hội

b) Khi hội viên qua đời.

c) Khi hội viên không đóng niên liễn đúng thời hạn hoặc trong 3 năm liền không có ủng hộ hoặc tham gia sinh hoạt của Hội.

d) Khi có quyết định của Ban Chấp Hành xác nhận hội viên đã có hành vi có phương hại trầm trọng đến quyền lợi hoặc thanh danh của Hội hoặc trái với mục tiêu, đường lối của Hội.

Điều 4: Các p hiên họp của hội viên.

Đoạn 1. Địa điểm họp.

Các phiên họp sẽ được tổ chức tại trụ sở chính của Hội.

Đoạn 2. Phiên họp thường niên.

Phiên họp thường niên tổ chức vào tháng 12 hoặc ngày tháng thuận tiện (không qúa trước hay sau 3 tháng ngày Ban Chấp Hành đương nhiệm mãn hạn) để bầu Ban Chấp Hành và để quyết định những vấn đề được đại hội đưa ra biểu quyết. Mọi chức vụ trong Ban Chấp Hành đều được bầu theo thể thức đon danh và kín. Mỗi hội viên chỉ có một phiếu để bầu trừ phi được hội viên khác úy quyền Tùy ở số ghế ấn định cho Ban Chấp Hành, ứng viện có số phiếu nhiều nhất sẽ được chọn vào Ban Chấp Hành.

Đoạn 3. Các phiên họp đặc biệt.

Các phiên họp đặc biệt có thể do Ban Chấp Hành triệu tập hay do ít nhất 10% số hội viên có quyền bầu phiếu triệu tập.

Các phiên họp đặc biệt cũng có thể được triệu tập bởi Ban Cố Vấn nếu Ban Chấp Hành không chịu triệu tập mặc dầu đã có lời yêu cầu của Ban Cố Vấn.

Đoạn 4. Thông báo phiên họp.

Ngày giờ và nơi họp phải được thông báo cho hội viên bằng thư ít nhất 10 ngày trước ngày họp.

Đoạn 5. Túc số cần thiết cho các phiên họp.

Túc số cần thiết là 1/3 số hội viên của Hội. Nếu không đủ túc số cần thiết, phiên họp của hội viên sẽ được hoãn tới ngày giờ do quyết định của đa số hội viên hiện diện hoặc có ủy quyền nhưng công việc nào được bàn tới.

Đoạn 6. Sự Ủy quyền.

Trong các phiên họp của hội viên, một hội viên hiện diện có quyền bầu thế cho hội viên vắng mặt nếu có giấy ủy quyền của của hội viên vắng mặt đó.

Đoạn 7. Quyền đầu phiếu.

Mỗi hội viên có quyền bỏ 1 phiếu cho một vấn đề được đua ra biểu quyết. Đầu phiếu ở các phiên họp hợp lệ của hội viên sẽ thực hiện dưới hình thức bỏ phiếu bằng cách giơ tay. Tuy nhiên cuộc đầu phiếu bầu Ban Chấp Hành sẽ thực hiện bằng bỏ phiếu kín.

Điều 5. Ban Chấp Hành.

Đoạn 1. Số người

Hội sẽ không dưới 5 hay hơn 9 người trong Ban Chấp Hành. Số người chính xác sẽ do Ban Chấp Hành hay Đại Hội ấn định theo trong giới hạn này như đã quy định.

Đoạn 2. Quyền hạn.

Ban Chấp Hành sẽ thi hành các quyền hạn của Hội, kiểm soát tài sản của Hội và điều hành công việc Hội, ngoại trừ quy định khác của bản Nội Quy.

Đoạn 3. Nhiệm Kỳ.

Mỗi thành viên trong Ban Chấp Hành sẽ giữ nhiệm kỳ cho tới khoá họp thường niên kế tiếp để bầu Ban Chấp Hành mới như đã quy định trong bản Nội Quy và cho tới khi người kế nhiệm được chọn.

Nhiệm kỳ của các thành viên trong Ban Chấp Hành là 2 năm và có thể tái cử.

Đoạn 4. Thù lao.

Các thành viên trong Ban Chấp Hành không có thù lao.

Đoạn 5. Các phiên họp của Ban Chấp Hành.

a/ Ban Chấp Hành sẽ họp định kỳ tại trụ sở chính của Hội vào mỗi Thứ Bẩy đầu tháng. Các phiên họp đặc biệt có thể được vị Hội Trưởng, Phó Hội Trưởng hay 3 thành viên trong Ban Chấp Hành triệu tập. Ngày giờ và điạ điểm của phiên họp sẽ do người triệu tập phiên họp quyết định.

b/ Thông báo về ngày giờ và điạ điểm họp phải được tống đạt tới các thành viên trong Ban Chấp Hành ít nhất là 10 ngày trước buổi họp. Thông báo này không áp dụng cho các buổi họp thường lệ.

c/ Đa số các các vị thành viên trong Ban Chấp Hành sẻ ấn định túc số cho buổi họp.

d/ Trong trường hợp không đủ túc số, Ban Chấp Hành sẽ không được phép biểu quyết bất cứ vấn đề gì ngoại trừ những gì đã ghi rõ trong bản Nội Quy.

Điều 6. Thành Viên Ban Chấp Hành.

Đoạn 1. Số thành viên trong Ban Chấp Hành.

Số thành viên trong Ban Chấp Hành gồm có 1 Hội Trưởng, 1 Phó Hội Trưởng, 1Tổng Thư Ký, 1 Phó Tổng Thư Ký, 1 Thủ Qũy và 4 thành viên khác.

Đoạn 2. Điều kiện Bầu cử, Nhiệm kỳ và Điền khuyết.

Các thành viên trong Ban Chấp Hành sẽ được các hội viên bầu trong phiên họp hàng năm. Nhiệm kỳ sẽ là nhiệm kỳ của các thành viên trong Ban Chấp Hành . Mỗi khi có ghế trống thì Ban Chấp Hành sẽ chọn người để điền khuyết.

Đoạn 3. Nhiệm vụ của Hội Trưởng.

Hội Trưởng là thành viên đại diện Hội. Hội Trưởng có nhiệm vụ thi hành và giám sát mọi công việc của Hội như đã được Bản Nội Quy quy định hay được Ban Chấp Hành đề ra trong buổi họp.

Đoạn 4. Nhiệm vụ của Phó Hội Trưởng.

Phó Hội Trưởng sẽ thi hành các nhiệm vụ và có tất cả các quyền hạn của Hội Trưởng khi Hội Trưởng vắng mặt thay mất khả năng thi hành nhiệm vụ.

Đoạn 5. Nhiệm vụ của Tổng Thư Ký.

Tổng Thư Ký có nhiệm vụ giữ biên bản các buổi họp của đại hội thương niên cũng như của Ban Chấp Hành. Tổng Thư Ký là người quản thủ tất cả tài liệu, hồ sơ, sổ sách của Hội và cũng là người gửi thông báo tới hội viên theo luật và theo bản nội quy quy định. Nói một cách tổng quát, Tổng Thư Ký thi hành tất cả nhiệm vụ của văn phòng Tổng Thư Ký và những nhiệm vụ khác mà luật pháp hay nội cho phép hay do Ban Chấp Hành cho phép.

Đoạn 6. Nhiệm vụ của Phó Tổng Thư Ký.

Phó Tổng Thư Ký phụ giúp Tổng Thư Ký diều hành công việc của văn phòng Tổng Thư Ký. Khi Tổng Thư Ký vắng mặt hay không thể thi hành nhiệm vụ được thì Phó Tổng Thư Ký sẽ làm mọi công tác của Tổng Thư Ký.

Đoạn 7. Nhiệm vụ của Thủ Qũy.

Thủ qũy sẽ chịu trách nhiệm và giữ gìn tất cả tiền qũy của Hội, ký thác tiền vào Ngân Hàng theo yêu cầu của Ban Chấp Hành, giữ gìn một cách đứng đắn và đầy đủ tài sản của Hội. Lập bản báo cáo tài chánh và sổ sách kế toán lên Ban Chấp Hành và toàn thể hội viên theo lời yêu cầu của Ban Chấp Hành hay của hội viên. Nói một cách tổng quát, Thủ Qũy thi hành moi nhiệm vụ liên quan tới tài chánh theo luật định hay theo quy định của bản Điều Lệ hay do Ban Chấp Hành trao phó.

Điều 7. Các Ủy Ban.

Ban Chấp Hành có thể lập các Ủy Ban phụ trách các công tác đặc biệt . Việc biểu quyết thành lập các Ủy Ban Đặc Biệt này sẽ bao gồm việc lựa chọn người vào Ủy Ban, chọn vị Chủ Tịch Ủy Ban và ấn định mục tiêu của Ủy Ban.

Điều 7 (mới). Ban Cố Vấn.

Đoạn 1. Thành phần.

Các cựu Hội Trường đương nhiên là thành viên của Ban Cố Vấn. Cựu Hội Trưởng niên trưởng sẽ là Chủ Tịch Ban Cố Vấn và có nhiệm vụ điều hành Ban Cố Vấn.

Đoạn 2. Nhiệm vụ và quyền hạn.

a) Ban Cố Vấn có quyền yêu cầu Ban Chấp Hành tường trình về những hoạt động cũng như về sự chi tiêu của Hội nếu thấy có điều gì không được rõ ràng về tài chánh cũng như về lập trường của Hội.

b) Nếu nhiệm kỳ Ban Chấp Hành đã mãn qúa 3 tháng mà Ban Chấp Hành không chịu tổ chức bầu Ban Chấp Hành mới, Ban Cố Vấn có quyền triệu tập phiên họp đặc biệt để bầu Ban Chấp Hành mới.

Điều 8. Chi Phiếu, Giấy Nợ, Giao Kèo.

Mọi chi phiếu, giấy nợ, lệnh chi trả và mọi giấy tờ về nợ nần của Hội sẽ được Thủ Qũy ký tên và Hội Trương ký bồi thự. Mọi giao kèo, khế ước , hay những tài sản đứng tên Hội hay nhân danh Hội sẽ do Tổng Thư Ký ký tên và Hội Trưởng ký tên bối thự và phải có đính kèm quyết định của Ban Chấp Hành do Tổng Thư Ký ký tên xác nhận quyền được phép thi hành.

Điều 9. Tài Khóa.

Tài khoá của Hội bát đầu từ ngày1 tháng 01 và chấm dứt vào ngày 31 tháng 12 mỗi năm.

Điều 10. Tu Chính.

Mọi tu chính về bản Nội Quy này đều phải có đa số phiếu cửa hội viên chấp thuận.

Thỏa thuận của Ban Chấp Hành Lâm Thời về bản Nội Quy.

Chúng tôi, những ngưới ký tên dưới đây là những thành viên trong Ban Chấp Hành Lâm Thời của Hội Ái Hữu Cực Học Sinh Chu Văn An, một hội đoàn bất vụ lợi tại California, đồng thỏa thuận những điều quy định trên đây của bản Nội Quy và xem đây là bản Nội Quy chính thức của Hội.

California ngày 2 tháng 8 năm 1988.

Ký tên.

Nguyễn Hoàng Hải, MD.   Hội Trưởng.

Phạm Hữu Độ                    Phó Hội Trưởng.

Lê Duy San                         Tổng Thư Ký.

Nguyễn Khắc Điệp             Phó Tổng Thư Ký.

Đỗ Thị Nhuận                     Thủ Quỹ

Đại hội Thường niên Hội Ái hữu Cựu Học sinh Chu Văn An Bắc California họp tại 1247 Persian Drive, Sunnyvale, CA 94086 ngày 22 tháng 6 năm 2008 đã biểu quyết chấp thuận những điều sửa đổi được in nghiêng và đậm trong bản Tu Chính Nội Quy này.

Làm tại California ngày 22 tháng 6 năm 2008

Chủ tọa đoàn : Nguyễn Văn Quang

                   và   Nguyễn Đoàn Phi.

Thư ký buổi họp : Phan Quang Nại