Chiến dịch Biên giới bắt đầu vào thời gian nào ở đâu

Kỷ niệm 71 năm chiến thắng Đường số 4 và ngày giải phóng Thất Khê (10/10/1950 - 10/10/2021) là dịp để chúng ta cùng ôn lại một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta, qua đó khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cả dân tộc, đặc biệt trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tràng Định lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Chào mừng thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quyết tâm giành thắng lợi cho chiến dịch lớn

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, lực lượng kháng chiến của ta phát triển về mọi mặt; chiến tranh du kích được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch; lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực phát triển nhanh, phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung, với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên chiến trường. Thời điểm này, được Mỹ giúp sức, thực dân Pháp ráo riết ra sức phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam; bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950 (Ảnh tư liệu)

Trước tình hình đó, để đẩy mạnh kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt - Trung với mục đích: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Cân nhắc giữa hai hướng Tây Bắc và Đông Bắc, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định tiến công địch, giải phóng Biên giới ở hướng Cao Bằng - Lạng Sơn.

Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, ngày 07/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng Biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II, tiến công phòng tuyến của địch trên Đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng - Thất Khê.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn trong Chiến dịch Biên giới năm 1950

(Ảnh tư liệu)

Hạ tuần tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Sáng sớm ngày 16/9/1950, ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch. Mặc dù trận chiến diễn ra rất gay go, phức tạp và địch chống cự hết sức quyết liệt, song bộ đội ta vẫn dũng cảm chiến đấu, tổ chức nhiều đợt xung phong, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Sau 54 giờ chiến đấu, sáng ngày 18/9/1950, bộ đội ta chiếm toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê. Chiến thắng oanh liệt của trận mở màn ở Đông Khê đã cổ vũ khí thế giết giặc lập công trên khắp các mặt trận và đặc biệt quan trọng là tạo thế rất thuận lợi cho sự phát triển tiếp theo của toàn bộ chiến dịch.

Tràng Định đóng góp sức người, sức của góp phần giành nhiều thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950

Sau thất bại ở chiến dịch Đông Khê ngày 18/9/1950, Tổng Chỉ huy Pháp ở Đông Dương vội vàng thực hiện kế hoạch rút quân khỏi thị xã Cao Bằng theo Đường số 4, nhằm tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Theo kế hoạch này, Binh đoàn Lơ Pa-giơ ở Thất Khê (gồm 4 tiểu đoàn, do Trung tá Lơ Pa-giơ chỉ huy), có nhiệm vụ hành quân tiến lên chiếm lại Đông Khê để đón Binh đoàn Sác-tông (gồm 3 tiểu đoàn do Trung tá Sác-tông chỉ huy) từ Cao Bằng rút về đã bị dân quân du kích và bộ đội địa phương ở Tràng Định phối hợp với quân chủ lực liên tục tấn công, truy kích địch ở các đồn nhỏ ở phía Nam Thất Khê, phục kích tiêu diệt nhiều binh đoàn địch trên đường hành quân rút khỏi Cao Bằng…

Đến sáng 10/10/1950, quân Pháp, tay sai mang theo cả gia đình rút chạy khỏi Thất Khê. Đến cầu Bản Trại, quân địch bị dồn ứ ở bên bờ sông (do cầu đã bị ta phá từ trước). Chúng phải vượt sông bằng xuồng nên càng thêm hỗn loạn. Trên đường, chúng còn bị quân dân ta phục kích tại Đèo Khách, xã Hùng Việt.

Tối 10/10/1950, huyện Tràng Định hoàn toàn được giải phóng. Đến cuối tháng 10/1950, Pháp lần lượt rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Đình Lập… Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Qua đó phá thế kìm kẹp của thực dân đối với căn cứ địa Việt Bắc, quân ta từ thế bị động đã giành được thế chủ động trên chiến trường chính.

Một phần thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định ngày nay

Đèo Bông Lau trên Đường số 4 anh hùng

Đóng góp vào sự thắng lợi của chiến dịch, từ tháng 10/1947 đến giữa năm 1950, quân và dân huyện Tràng Định đã luôn sát cánh cùng với lực lượng bộ đội chủ lực, liên tục tham gia và giành chiến thắng trong nhiều trận đánh, nhất là trên Đường số 4. Những trận truy đuổi, phục kích của ta khiến Đường số 4 trở thành “con đường lửa”, “con đường máu” đối với thực dân Pháp. Khi Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở Chiến dịch Biên giới vào tháng 6/1950, Nhân dân huyện Tràng Định tự giác phát huy tất cả lực lượng, vật chất và tinh thần tham gia chuẩn bị cho chiến dịch, đánh địch để giải phóng quê hương. Huyện đã phát động ủng hộ “hũ gạo kháng chiến”; huy động dân công từ 16 đến 55 tuổi tham gia vận chuyển lương thực, tải đạn, cứu thương, xay giã gạo phục vụ chiến dịch.

Một bước nhảy vọt của Quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch

Với chiến thắng của Chiến dịch Biên giới và giải phóng Thất Khê, đây là lần đầu tiên sau bốn năm kháng chiến ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch, nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng. Đồng thời, mở ra một bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn. Làm phá sản kế hoạch quân sự chính trị của thực dân Pháp, gây nên thất bại chưa từng có trong chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tính đến thời điểm lúc bấy giờ.

Với thắng lợi vừa giành được, quân và dân ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào sức mạnh của chính mình và càng hăng hái quyết tâm đẩy mạnh kháng chiến. Sau Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, quân và dân ta tiếp tục giữ vững quyền chủ động, phát huy thế tiến công chiến lược trong những năm 1951 - 1953; tiến tới giành thắng lợi liên tiếp trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc thực dân pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương./.

Thực hiện: LƯƠNG MINH

Trung tâm Văn hóa, Thể thao & Truyền thông Tràng Định