Ca sinh một lần nhiều nhất bao nhiêu 2023 năm 2024

Tổng biên tập: Ninh Hồng Nga

Liên hệ tòa soạn

Tòa soạn: Số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội

Điện thoại: 024.38248605

Fax: 024-38253753

Email: [email protected][email protected]

Giấy phép số 173/GP-BTTTT cấp ngày 04/4/2022 © Bản quyền thuộc về Báo Tin tức - TTXVN Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản

Là một nhân tố quan trọng tác động đến tăng trưởng dân số, mức sinh là thông tin đầu vào cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách về dân số và phát triển. Mức sinh chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sinh học, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế và môi trường.

Theo Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TĐT năm 2019) đã thu thập thông tin về lịch sử sinh của phụ nữ từ 10-49 tuổi thuộc các địa bàn điều tra mẫu (gồm các thông tin: Số con đã từng sinh; số con hiện còn sống; số con đã chết; tháng và năm sinh dương lịch của lần sinh gần nhất, số con trai và số con gái của lần sinh gần nhất; số con trai và số con gái được sinh ra từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019) để ước lượng các chỉ tiêu về mức sinh. Những số liệu về mức sinh từ TĐT sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về thực trạng mức sinh tại Việt Nam thời gian qua.

Về chỉ số Tổng tỷ suất sinh - TFR (TFR là số con đã sinh ra sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ từ 15-49 tuổi), kết quả số liệu về TFR giai đoạn 2001 - 2019 của Việt Nam có xu hướng giảm đều qua các năm, từ 2,25 con/phụ nữ năm 2001 xuống 1,99 con/phụ nữ năm 2011; giai đoạn 2012 - 2019, đạt bằng hoặc dưới mức sinh thay thế (dao động từ 2,04 đến 2,10 con/phụ nữ).

Theo kết quả TĐT năm 2019, TFR của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,26 con/phụ nữ). TFR của khu vực thành thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế trong khi TFR của khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế trong gần hai thập kỷ qua.

Sự khác biệt về TFR giữa khu vực thành thị và nông thôn có thể là do các cặp vợ chồng ở thành thị được tiếp cận với các nguồn thông tin dễ dàng hơn, nhận thức tốt hơn về lợi ích của gia đình ít con mang lại so với các cặp vợ chồng ở nông thôn và việc dễ dàng tiếp cận các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cũng giúp họ tránh mang thai và sinh con ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, điều kiện sống ở khu vực thành thị tốt hơn khu vực nông thôn nên tỷ lệ chết sơ sinh và chết trẻ em ở thành thị thấp hơn ở nông thôn, từ đó góp phần làm giảm nhu cầu sinh thay thế ở khu vực này.

Kết quả thống kê cũng cho thấy, trong những năm qua, TFR ở khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,38 con/phụ nữ năm 2001 xuống còn 2,26 con/phụ nữ năm 2019, trong khi con số này ở khu vực thành thị gần như thay đổi không đáng kể, xoay quanh mức 1,80 con/phụ nữ trong gần hai thập kỷ qua. Rõ ràng là trong thời gian qua, có sự thay đổi rất tích cực trong nhận thức về lợi ích sinh ít con của phụ nữ nông thôn.

Theo Tổng cục Thống kê, mức sinh ổn định ở dưới mức sinh thay thế trong hơn một thập kỷ qua (trừ năm 2013 và năm 2015 có TFR = 2,10 con/phụ nữ) một lần nữa khẳng định sự thành công của Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, Chương trình dân số và phát triển và nhiều chương trình, chiến dịch chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe sinh sản ở khu vực nông thôn.

Tuy vậy, mức sinh ở nông thôn vẫn cao hơn khá nhiều so với ở thành thị và đang cao hơn mức sinh thay thế. Do vậy, trong thời gian tới vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình kết hợp với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm phát triển khu vực nông thôn.

Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao; cao hơn mức sinh thay thế. Hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có TFR thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Tĩnh có TFR cao nhất cả nước (2,83 con/phụ nữ).

Tổng số có 22 địa phương thuộc nhóm có TFR dưới 2,1 con/phụ nữ (dưới mức sinh thay thế), trong đó có Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; có 29 địa phương thuộc nhóm có TFR bằng 2,1 con/phụ nữ đến dưới 2,5 con/phụ nữ (bằng mức sinh thay thế), trong đó có Hà Nội, Hải Phòng; có 12 tỉnh thuộc nhóm có TFR từ 2,5 con/phụ nữ trở lên (mức sinh cao).

Số địa phương có TFR cao hơn mức sinh thay thế đang có xu hướng tăng (năm 2009: 29 tỉnh, năm 2019: 41 tỉnh). Thành phố Hồ Chí Minh và đa số các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có TFR thấp hơn mức sinh thay thế (trừ tỉnh Bình Phước: 2,27 con/phụ nữ).

Dân tộc Hoa có mức sinh thấp nhất (1,53 con/phụ nữ), 21 dân tộc có mức sinh cao (TFR từ 2,5 con/phụ nữ trở lên). Đặc biệt có 3 dân tộc có mức sinh rất cao (TFR trên 3,5 con/phụ nữ): Xơ Đăng, Bru Vân Kiều và Mông với giá trị TFR tương ứng là: 3,57; 3,64 và 3,68 con/phụ nữ.

Phụ nữ có trình độ đại học có TFR thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), tiếp đến là phụ nữ có trình độ cao đẳng (1,91 con/phụ nữ). Phụ nữ chưa bao giờ đi học có TFR khá cao (2,59 con/phụ nữ) và phụ nữ có trình độ sơ cấp có TFR cao nhất (3,71 con/phụ nữ).

Phụ nữ thuộc nhóm “Giàu nhất” có mức sinh thấp nhất (2,00 con/phụ nữ). Phụ nữ thuộc 3 nhóm (“Giàu”, “Trung bình” và “Nghèo”) có số con trung bình là 2 con. Phụ nữ thuộc nhóm “Nghèo nhất” có mức sinh cao nhất, với TFR là 2,40 con/phụ nữ, cao hơn nhiều mức sinh thay thế. Điều này cho thấy cần đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ thuộc nhóm “Nghèo nhất”.

Có thể thấy, định hướng “chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển” như đã được nêu trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đang dần được thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.

Việt Nam đã đạt dưới mức sinh thay thế, tuy nhiên vẫn còn có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương và các vùng; các nhóm dân tộc; trình độ giáo dục, đào tạo và các nhóm mức sống ngũ phân vị của phụ nữ. Điều này cho thấy Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác truyền thông nhằm giảm bớt khoảng cách về mức sinh thay thế giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng và các nhóm dân cư khác nhau.

Về Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi - ASF (Chỉ số ASF cho biết bình quân cứ 1000 phụ nữ trong một độ tuổi hoặc một nhóm tuổi nhất định có bao nhiêu trẻ sinh sống trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra.

Theo kết quả từ cuộc TĐT, ASFR của phụ nữ nhóm 25-29 tuổi có mức sinh cao nhất, bình quân cứ 1000 phụ nữ trong nhóm tuổi này thì có 130 trẻ sinh sống; tiếp đến là nhóm phụ nữ từ 20-24 tuổi với ASFR là 120 trẻ sinh sống/1000 phụ nữ; và nhóm phụ nữ từ 30-34 tuổi có ASFR là 84 trẻ sinh sống/1000 phụ nữ. Như vậy, phần lớn phụ nữ Việt Nam sinh con ở độ tuổi từ 20 đến 29.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, ASFR của khu vực thành thị không những thấp hơn mà còn có độ “trễ” so với khu vực nông thôn, nghĩa là phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn. Ở khu vực thành thị, mức sinh cao nhất thuộc về phụ nữ 25-29 tuổi với 127 trẻ sinh sống/1000 phụ nữ; trong khi ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất thuộc về nhóm tuổi 20-24 với 147 trẻ sinh sống/1000 phụ nữ. Nếu so với mức sinh của phụ nữ cùng nhóm tuổi 20-24 ở khu vực thành thị thì con số được sinh ra của những phụ nữ sống ở khu vực nông thôn cao gần gấp đôi (147 trẻ em sinh sống/1000 phụ nữ so với 78 trẻ em sinh sống/1000 phụ nữ).

Một điểm khác biệt nữa là nhóm tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) ở khu vực nông thôn có ASFR cao gần gấp ba lần so với ASFR ở nhóm tuổi này ở khu vực thành thị (tương ứng là 45 trẻ sinh sống/1000 phụ nữ và 16 trẻ sinh sống/1000 phụ nữ). Điều này có thể là do phụ nữ ở khu vực nông thôn không có nhiều cơ hội để theo học trình độ cao hơn như phụ nữ ở khu vực thành thị nên họ thường kết hôn và sinh con sớm hơn phụ nữ ở khu vực thành thị; hoặc có thể do phong tục, tập quán tại các vùng nông thôn vẫn còn hiện tượng tảo hôn nên dẫn đến phụ nữ ở khu vực nông thôn sinh con sớm, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Về chỉ số sinh con ở tuổi chưa thành niên, TĐT năm 2019 thu thập thông tin về tình hình sinh con của trẻ em nữ chưa thành niên (từ 10 đến 17 tuổi), nhóm tuổi đang trong quá trình phát triển về thể chất lẫn tinh thần và chưa phù hợp để làm mẹ, nhằm cung cấp căn cứ chính xác đánh giá thực trạng trẻ em gái sinh con ở độ tuổi này, từ đó có cơ sở để có thể hoạch định các chính sách bảo vệ cần thiết. Theo kết quả TĐT năm 2019, ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp trẻ em nữ chưa thành niên sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra.

Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên sinh con chiếm tỷ trọng 3,3‰, trong đó cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰), cao hơn 8,5 lần so với vùng Đồng bằng sông Hồng (1,1‰). Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 10-17 tuổi sinh con cao thứ hai (6,8‰).

Nguyên nhân khiến hai vùng này có tỷ lệ phụ nữ sinh con ở độ tuổi chưa thành niên cao hơn hẳn so với các vùng khác một phần là do điều kiện sống khó khăn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng của kết hôn và sinh con sớm tới sức khỏe bà mẹ trẻ em còn hạn chế; ngoài ra là do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số về việc lấy chồng và sinh con sớm. Tỷ lệ phụ nữ từ 10-17 tuổi sinh con ở khu vực nông thôn là 4,2‰, cao hơn ba lần so với khu vực thành thị (1,3‰). Điều này chứng tỏ nữ chưa thành niên ở khu vực nông thôn có xu hướng sinh con sớm hơn khu vực thành thị.

Về Tỷ suất sinh thô - CBR (chỉ số CBR biểu thị số trẻ em sinh ra sống trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra, tính bình quân trên 1.000 người dân có đến thời điểm điều tra. Tỷ suất này tính trên toàn bộ dân số, tức là bao gồm cả những người có khả năng và không có khả năng sinh con).

Kết quả TĐT năm 2019 cũng cho thấy, CBR của Việt Nam năm 2019 là 16,3 trẻ sinh sống/1000 dân. CBR của khu vực nông thôn là 16,3 trẻ sinh sống/1000 dân, cao hơn 0,1 điểm phần nghìn so với CBR của khu vực thành thị (16,2 trẻ sinh sống/1000 dân). CBR của toàn quốc cũng như khu vực thành thị và nông thôn có xu hướng giảm dần từ năm 2009 đến năm 2018 và tăng nhẹ năm 2019 ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Về Tỷ số giới tính khi sinh - SRB (Chỉ số SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống). Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của SRB chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu.

Kết quả điều tra cho thấy, SRB của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay, đưa ra bằng chứng về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Trong đó, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).

Sự gia tăng bất thường về SRB của Việt Nam trong những năm gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập chính sách. Theo đó, những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh và sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua chưa đem lại hiệu quả; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.