Bài văn nghị luận mẫu về việc vô cảm năm 2024

Bệnh vô cảm là một mối nguy hại to lớn cho toàn xã hội. Đây cũng là chủ đề quen thuộc của nhiều đề văn nghị luận. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết cách làm bài văn nghị luận về bệnh vô cảm lớp 9, các em có thể tham khảo để làm tốt đề văn này.

I. Hướng dẫn làm bài:

1. Mở bài:

Dẫn dắt vào đề: Xã hội ngày càng có nhiều người mắc bệnh vô cảm.

2. Thân bài:

– Giải thích bệnh vô cảm là gì: Vô cảm là không có cảm xúc, tình cảm.

– Biểu hiện:

+ Thờ ơ với vẻ đẹp của cuộc sống, của thiên nhiên

+ Không quan tâm đến nỗi đau của người khác

+ Im lặng, lùi bước trước cái xấu, để im cho cái xấu hoành hành

– Tác hại: Ảnh hưởng đến đạo đức, tiếp tay cho kẻ xấu

– Nguyên nhân:

+ Sợ bị vạ lây

+ Lối sống “ảo”, không muốn giao tiếp ngoài đời thật

+ Guồng quay nhanh của cuộc sống hiện đại

– Giải pháp:

+ Mỗi người tự biết yêu và sống có trách nhiệm với bản thân cũng như môi trường sống hơn

+ Cùng chung tay chống lại cái xấu

+ Học cách yêu thương, giúp đỡ người khác

3. Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề, kêu gọi mọi người cùng chung tay để xã hội tốt đẹp hơn.

Bài văn nghị luận mẫu về việc vô cảm năm 2024

Xã hội ngày càng phát triển với những tiến bộ về mọi mặt. Con người được đắm mình vào công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên song hành cùng văn minh, hiện đại là việc ngày càng có nhiều người đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của đạo đức, ngày càng có nhiều người sống bàng quan, vô cảm với mọi người xung quanh. “Vô cảm” dường như đã trở thành một mầm bệnh ăn sâu vào xã hội, ngấm vào trong máu của nhiều người hiện đại.

Bệnh vô cảm là gì? Vô cảm tức là không có cảm xúc, tình cảm. Bệnh “vô cảm” chính là sự thờ ơ, bàng quan, không quan tâm đến xung quanh. Nhìn thấy cái xấu, người ta thờ ơ, không lên án, không bài trừ. Nhìn thấy người gặp nạn, người ta không mảy may thương xót. Nhìn thấy cái hay cái đẹp, cũng không động lòng ngưỡng mộ, không bảo vệ, giữ gìn. Người ta càng ngày càng giống một cỗ máy, chỉ biết làm việc của bản thân, mặc kệ ngoài kia mưa gió bão bùng hay nắng lên rực rỡ.

Người ta vô cảm từ những điều nhỏ bé thường ngày. Nhiều người đang “vô cảm” nhưng lại không biết đấy là vô cảm, họ tự cho điều đấy là bình thường. Nhìn thấy một rừng hoa khoe sắc, người ta lấy điện thoại chụp vội tấm hình “sống ảo”, không quan tâm đến những cành hoa bị mình dẫm nát dưới chân. Bờ biển xanh mát, bãi cát vàng tuyệt đẹp cũng bị con người phủ lên đủ thứ rác thải. Đi chùa phóng sinh, cầu nguyện để rồi “tiện tay” bẻ luôn chồi non mới nhú trên cành. Đấy chính là vô cảm với thiên nhiên, không biết yêu và bảo vệ cái đẹp của đất mẹ. Từ sự thờ ơ với thiên nhiên, người ta tiến dần lên với con người, với cuộc sống quanh mình. Nhìn thấy người khó khăn cũng mặc kệ, thấy người bị nạn cũng mặc kệ. Đi trên đường, thấy người bị cướp túi xách, người ta cũng chỉ đứng xem rồi chỉ trỏ bàn tán, chép miệng bảo người kia đen đủi.

Hàng ngày trên báo đài hay thực tế cuộc sống, ta có thể dễ dàng bắt gặp vô số những câu chuyện “vô cảm”, câu chuyện nào cũng đau lòng. Mới đây, một người Việt Nam đã ra đi trên đất nước Nhật Bản phồn hoa. Giữa con phố náo nhiệt, người qua kẻ lại tấp nập nhưng không một ai đưa tay giúp đỡ người bị nạn. Đáng buồn hơn, một người Việt Nam ở gần đấy lại chọn cách đứng quay video thay vì giúp đỡ “đồng bào” của mình. Hai tiếng “đồng bào” quý giá biết bao nhiêu nhưng sao bây giờ lại nghe chua xót đến thế. Người Việt đi tha phương cầu thực, sẽ vui lắm, quý lắm khi thấy người đồng hương. Thế nhưng giữa nơi đất khách xa lạ, một thanh niên lại tức tưởi ra đi ngay trong tầm mắt của đồng bào.

Vậy nguyên nhân từ đâu mà con người lại ngày càng vô cảm? Trước hết là vì sự phát triển quá nhanh của cuộc sống hiện đại. Con người lúc nào cũng hối hả, tất bật với công việc của chính mình. Họ bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống đến nỗi không có đủ thời gian để nán lại mà quan tâm người khác. Công nghệ phát triển cũng là nguyên nhân khiến con người ngày càng xa nhau hơn. Mọi người thích giao tiếp với nhau qua môi trường ảo. Họ chọn nhắn tin, thả một vài bình luận tương tác trên mạng xã hội thay vì gặp gỡ, trò chuyện để hiểu nhau hơn. Dần dần, mọi người sa vào đời sống ảo, chăm chăm xây dựng mạng xã hội mà quên rằng đời sống thực tế mới là thứ đáng quan tâm. Một nguyên nhân lớn nữa khiến con người thờ ơ với mọi thứ là do tâm lý sợ vạ lây. Không ít trường hợp người tốt giúp đỡ nạn nhân nhưng lại bị người nhà nạn nhân hiểu nhầm là hung thủ. Hay người ta không dám tố giác những hành vi sai trái vì sợ bị trả thù. Quá nhiều trường hợp oái oăm như thế làm con người cảnh giác và thu mình hơn. Giữa việc liều mình giúp người và im lặng để bảo vệ bản thân thì đa phần vẫn sẽ chọn giúp mình trước. Thế nhưng nếu ai cũng “tội gì phải thế”, ai cũng sợ thiệt mình thì lấy ai là người giúp người bị nạn?

Bệnh vô cảm là một mối ung nhọt của xã hội. Nó làm con người mất đi niềm tin vào cuộc sống, làm suy đồi những giá trị đạo đức tốt đẹp mà ông cha ta đã xây dựng và gìn giữ từ bao đời. Nó tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ xấu làm điều ác. Nó làm xã hội ngày càng xáo trộn, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế của một quốc gia. Nếu như ai cũng vô cảm, thì đất nước sẽ chỉ như một vùng đất chết. Nơi đấy sẽ chỉ có những con robot được lập trình sẵn, không biết vui buồn mừng giận, chỉ chăm chăm làm việc cho riêng mình.

Vậy chúng ta cần làm gì để tiêu diệt căn bệnh đáng sợ này? Trước tiên hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất. Mỗi người hãy có trách nhiệm hơn với bản thân và môi trường xung quanh. Biết yêu bản thân rồi sẽ biết yêu người khác. Hãy thử mở cửa sổ và tận hưởng ánh nắng mai, ngắm nhìn những bông hoa đọng sương đêm. Hãy học thêm một kỹ năng mới, mỉm cười vào mỗi sáng để thấy cuộc đời này thật đẹp. Mỗi người có thể có ý thức hơn với môi trường sống. Hãy hạn chế sử dụng đồ nhựa, không vứt rác bừa bãi, sống xanh – sạch – đẹp. Từ những điều nhỏ bé ấy rồi ta sẽ làm được những việc lớn lao hơn. Hãy mạnh dạn lên án và bài trừ cái xấu. Cái xấu có thể đánh bại được một người tốt, nhưng không thể chiến thắng mười người, một trăm người hay cả xã hội tốt được. Cùng nhau nắm tay để tiêu diệt cái xấu cũng là tiêu diệt sự vô cảm. Hãy mở lòng và quan tâm hơn với những người xung quanh. Ta có thể chậm lại một chút để giúp một bà cụ qua đường, hỏi thăm một cháu bé đang khóc vì lạc mẹ hay mở lòng ủng hộ những người đang gặp khó khăn. Đấy chính là những cách hay để con người yêu thương nhau hơn.

Bệnh vô cảm là một căn bệnh đáng sợ, nhưng chỉ cần đồng lòng, mỗi người góp một bàn tay thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Cuộc đời đúng là nhiều điều chưa đẹp, nhưng đừng vì điều xấu mà mình quên đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Điều xấu thì nhiều thật đấy, nhưng không thể che đi những cái tốt của cuộc đời.