Bài tập tính lãi trong hợp đồng vay tài sản

Xác định lãi chậm trả đối với hợp đồng vay tài sản là vàng. Cũng giống như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận của bên cho vay và bên vay. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản là bên cho vay giao tài sản và bên vay có nghĩa vụ hoàn trả theo đúng số lượng, chất lượng và trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Bài viết dưới đây Long Phan PMT sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc thông tin về vấn đề này.

Lãi chậm trả đối với hợp đồng vay là vàng

>>> Xem thêm: Cách tính lãi trong hợp đồng kinh doanh thương mại

Hợp đồng vay vàng có thỏa thuận lãi

Căn cứ tính lãi

Trong trường hợp nợ quá hạn, thì khoản lãi đầu tiên mà bên vay phải trả là lãi trên nợ gốc trong hạn. Lãi này được tính theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 466 BLDS 2015: “5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả”. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ.

Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = Nợ gốc chưa trả x lãi suất theo thỏa thuận hoặc 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS 2015 tại thời điểm trả nợ (10%) x thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc

Khoản lãi thứ hai mà bên vi phạm phải trả cho bên vay là lãi trên nợ lãi chưa trả nếu chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đây là tiền lãi phát sinh từ khoản tiền lãi đối với lãi trên nợ gốc trong hạn lần đầu tiên được ghi nhận. Mức lãi suất đối với khoản tiền lãi trên nợ gốc chậm trả được quy định này dẫn chiếu tới Khoản 2 Điều 468 với mức cố định là 10%/năm, được tính như sau:

Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = nợ lãi chưa trả x lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ (10%) x thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc

Trường hợp mà bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn trả nợ thì phải trả cho bên cho vay khoản lãi trên nợ gốc quá hạn. Khoản lãi này được tính theo quy định tại Điềm b Khoản 5 Điều 466 BLDS 2015 và điểm c khoản 2 Điều 5 nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, cụ thể như sau:

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = nợ gốc quá hạn chưa trả x lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất do các bên thỏa thuận x thời gian chậm trả nợ gốc

Như vậy, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác với quy định tại khoản này thì lãi suất đối với nợ gốc chậm trả sẽ gấp rưỡi (bằng 150%) mức lãi suất cho vay mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay. Quy định này của xác định lãi chậm trả trên nợ gốc cao hơn lãi suất trong hạn như một điều kiện để thúc đẩy người vay trả nợ và bảo vệ quyền lợi của bên cho vay.

Thời điểm bắt đầu tính lãi

Đối với lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả, thời hạn tính lãi tính theo hạn do các bên thỏa thuận.

Đối với lãi trên nợ lãi chưa trả, thời điểm bắt đầu tính lãi là từ thời điểm chậm trả lãi trên nợ gốc. Ví dụ: Ngày 20/1/2020 A vay B 2 chỉ vàng, thời hạn vay 1 năm, các bên thỏa thuận cứ 3 tháng thì A phải thanh toán lãi cho B một lần. Tuy nhiên đến ngày 20/5/2020 A mới thanh toán tiền lãi cho B, vậy thời điểm bắt đầu tính lãi trên nợ gốc trong hạn là từ ngày 21/4/2020.

Đối với lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả chưa trả, tính từ thời gian chậm trả tiền nợ gốc đến thời điểm thanh toán xong khoản nợ. Ví dụ ngày 20/01/2020 A vay B 2 chỉ vàng xác định thời hạn vay đến ngày 20/01/2021. Tuy nhiên đến 20/8/2021 A mới thanh toán khoản nợ cho B thì thời điểm bắt đầu tính lãi trên nợ gốc quá hạn là từ ngày 21/01/2021.

Thỏa thuận tính lãi vô hiệu

>>> Xem thêm: Cách tính bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

Thỏa thuận lãi suất vô hiệu trong trường hợp vượt quá quy định

Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP quy định lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được tính theo lãi suất thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy các bên được phép thỏa thuận lãi suất tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay, đối với lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn trong quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Quy định này thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với thỏa thuận của các bên về lãi suất cho vay, tuy nhiên cũng đặt sự thỏa thuận trong khuôn khổ của pháp luật để tránh các trường hợp cho vay nặng lãi.

Hợp đồng vay vàng không có thỏa thuận lãi

Căn cứ tính lãi

Đối với trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo Khoản 4 Điều 466 BLDS 2015 quy định bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP cũng quy định đối với hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo yêu cầu của bên cho vay, Tòa án xác định bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 trên số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = nợ gốc quá hạn chưa trả x lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ (10%/năm) x thời gian chậm trả nợ gốc

Thời điểm bắt đầu tính lãi

Tương tự với trường hợp hợp đồng vay có thỏa thuận lãi, thời điểm tính lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bắt đầu từ ngày bên vay chậm trả nợ gốc. Ví dụ các bên thỏa thuận thời hạn thanh toán là ngày 15/5/2020 nhưng đến ngày 15/8/2020 bên vay mới thanh toán thì bên vay phải trả thêm cho bên cho vay một khoản lãi trên nợ gốc quá hạn tính từ ngày 16/5/2020.

Dịch vụ luật sư tư vấn luật Long Phan PMT

>>> Xem thêm: Dịch vụ tư vấn luật Long Phan PMT

Trên đây là nội dung tư vấn về quy định pháp luật về lãi chậm trả với tài sản là vàng. Quý bạn đọc còn có thắc mắc hoặc cần TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ, vui lòng thông qua tổng đài 1900.63.63.87, Luật sư của Long Phan PMT hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau. Hotline 1900.63.63.87 luôn sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc từ quý khách hàng mọi lúc, mọi nơi, kết nối bạn đến với những tư vấn từ những luật sư giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong công việc.

[Luận văn] Lãi và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật Việt Nam và thực tiễn thực hiện

THÔNG TIN LUẬN VĂN

  • Trường: Đại học Luật Hà Nội
  • Tác giả: ThS. Đỗ Thị Hòa
  • Định dạng: PDF
  • Số trang: 60 trang
  • Năm: 2020

Bài tập tính lãi trong hợp đồng vay tài sản
Bài tập tính lãi trong hợp đồng vay tài sản
Bài tập tính lãi trong hợp đồng vay tài sản

1. Lý do lựa chọn đề tài

Khi nền kinh tế thị trường phát triển thì các hoạt động giao lưu dân sự, kinh doanh thương mại sẽ theo đó phát triển tích cực. Nhu cầu về vốn của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu dùng luôn đặt ra và cần được đáp ứng. Do đó, các hợp đồng vay tài sản đặc biệt xuất hiện phổ biến để đáp ứng nhu cầu đó. Bản về HĐVTS thì lãi và lãi suất luôn là quy định quan trọng nhất, chi phối việc thực hiện hợp đồng trong thực tế.

Lãi và lãi suất trong HĐVTS được quy định cụ thể trong pháp luật dân sự. Với BLDS năm 2015, quy định về lãi và lãi suất đã có sự thay đổi đáng kể so với các BLDS trước đó. Cụ thể, BLDS năm 2005 quy định mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố, đồng thời trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản. Trong khi đó, BLDS năm 2015 đã đưa ra một mức trần lãi suất cho vay là 20%/năm và trường hợp có thoả thuận nhưng không xác định rõ lãi suất thì sẽ áp dụng lãi suất 10%/năm. Quy định của BLDS năm 2015 đã khắc phục được nhược điểm của BLDS 2005 ở hai sau: 1) Đối với BLDS 2005, để tham gia HĐVTS thì các bên không những phải tìm hiểu quy định của BLDS mà còn phải tìm hiểu thêm về quy định của NHNN, điều này là khá phức tạo đối với các chủ thể bình thường trong xác hội. 2) Cụm từ “có tranh chấp về lãi suất” được quy định khá mơ hồ, có thể dẫn đến hai cách hiểu khác nhau hoặc hai bên đều xác định có lãi suất nhưng không thống nhất được mức lãi suất hoặc một bên xác định vay có lãi một bên xác định vay không có lãi. Việc có đến hai cách hiểu như vậy dễ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong HĐVTS.

Tuy vậy, quy định của BLDS năm 2015 cũng có hạn chế tiêu biểu đó là vẫn chỉ quy định về lãi suất đối với đối tượng vay tài sản là tiền, trong khi đối tượng của HĐVTS có thể là vật, vậy thì sẽ áp dụng quy định nào để quản lý quan hệ vay vật. Bên cạnh đó, quy định về mức trần lãi suất 20%/năm không là quy định tuyệt đối vì sau luật còn dự trù trường hợp điều chỉnh mức lãi suất theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và mức lãi suất do các luật khác quy định. Như vậy, khi khắc phục được nhược điểm của BLDS năm 2005 là không cần phải tìm thêm quy định của NHNN về mức lãi suất cơ bản đối với các khoản vay tương ứng thì các chủ thể tham gia quan hệ vay tài sản phải tìm kiếm hạn mức lãi suất ở các luật khác hoặc tìm mức điều chỉnh theo đề nghị được phê chuẩn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Hơn nữa, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về cách tính lãi, lãi suất trong hợp đồng vay có hiệu lực nhưng có một số quy định chưa thực sự phù hợp, ảnh hưởng đến giá trị của các quy định lãi và lãi suất trong Bộ luật Dân sự.

Do đó, việc phân tích các quy định hiện hành của pháp luật về lãi và lãi suất trong HĐVT, qua đánh giá thực tiễn, tác giả mong muốn đưa ra những kiến nghị nhằm giải quyết được những vướng mắc đang tồn tại, đồng thời củng cố, hoàn thiện các quy định pháp luật về lãi và lãi suất trong pháp luật Việt Nam. Chính vì vậy, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Lãi và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam và thực tiễn thực hiện”.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Qua quá trình khảo sát về tình hình nghiên cứu các tài liệu để phục vụ cho đề tài nghiên cứu của mình, tác giả nhận thấy đã có một số công trình khoa học nghiên cứu có đề tài liên quan đến khía cạnh này, cụ thể là:

+ Năm 2011 tại Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội đã có luận văn thạc sĩ với đề tài “Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo pháp luật dân sự Việt Nam” của tác giả Nguyễn Tiến Thành. Luận văn phân tích về lãi suất nói riêng theo quy định của BLDS năm 2005. Trên cơ sở pháp luật dân sự thời điểm đó để phân tích và đưa ra các giải pháp hoàn thiện, theo đó tập trung chủ yếu về phần tích về lãi suất cơ bản do NHNN công bố – chuẩn mực để áp dụng quy định về lãi suất thời điểm đó.

+ Năm 2017 tại Trường đại học Luật Hà Nội có Luận văn “Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Chung. Luận văn đã xây dựng cơ sở lý luận để làm sáng tỏ bản chất và đặc điểm của HĐVTS và lãi suất, đồng thời tác giả luận văn cũng tập trung phân tích thực tiễn lãi suất được quy định trong các HĐVTS, so sánh quy định pháp luật để đánh giá các quy định pháp luật đó.

+ Bộ Tư pháp ngày 15/10/2019 đã đăng tải bài viết “Một số vấn đề lý luận về hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật dân sự” của tác giả ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải – Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình. Bài viết khái quát các nội dung căn bản của HĐVTS trong đó có lãi và lãi suất.

+ Tạp chí Kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Số 4 năm 2019, tr. 29-40 cũng đã đăng bài viết “Bản về quy định trả lãi trên số tiền lãi chậm trả trong Bộ luật Dân sự năm 2015” của tác giả Tưởng Duy Lượng, cũng bàn tới một phần của phạm trù lãi và lãi suất trong HĐVTS. Bài viết tập trung phân tích sâu vào nghĩa vụ trả lãi chậm trả, một trong các nghĩa vụ của bên vay trong các HĐVTS. Bài viết trình bày quy định về trả lãi trên số tiền lãi chậm trả trong các Bộ luật Dân sự từ trước đến nay, thực trạng giải quyết các tranh chấp trong giao lưu dân sự giữa bên vay, cho vay và dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án. Phân tích quy định tại Điểm a, Khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Các công trình trên là nguồn tham khảo quý giá và là cơ sở để phát triển pháp luật về lãi và lãi suất trong HĐVTS ngày càng hoàn thiện, Tuy nhiên, các nguồn tài liệu trên chưa nghiên cứu một cách tổng thể lãi và lãi suất, mà thường tách lẻ một số vấn đề của lãi và lãi suất để phân tích. Đồng thời, các luận văn trên cũng chưa cập nhật các quy định về lãi và lãi suất trong BLDS năm 2015 và những văn bản hướng dẫn tính đến thời điểm hiện tại cũng như chưa phân tích sâu dưới góc độ các chủ thể áp dụng pháp luật áp dụng các quy định về lãi và lãi suất trong HĐVTS trong thực tế.

Vì vậy, tác giả nhận thấy cấp thiết phải có một công trình nghiên cứu một cách tổng quát về lãi và lãi suất trong HĐVTS để có thể có một cái nhìn tổng thể.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của luận văn: làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về chế định hợp đồng vay tài sản, đồng thời đề cập đến thực tiễn các vụ việc tranh chấp hợp đồng vay tiền. Từ đó, nêu những tồn tại bất cập và đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy phạm về lãi suất, đảm bảo áp dụng thống nhất đúng pháp luật.

Nhiệm vụ cụ thể sau:

– Nghiên cứu một số vấn đề lý luận cơ bản về hợp đồng vay tiền, các quy định về lãi và lãi suất theo Bộ luật Dân sự Việt Nam và văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan pháp luật trung ương:

– Phân tích các quy định của pháp luật hiện hành và việc áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành vào thực tiễn; – Đề xuất hoàn thiện các quy phạm pháp luật dân sự về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản.

4. Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận cơ bản về lãi và lãi suất trong HĐVTS, các quy định pháp luật về lãi và lãi suất hiện hành, thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật về lãi và lãi suất trong các HĐVTS đó trong thực tế.

Phạm vi nghiên cứu: lý luận về thực tiễn thực hiện.

– Phạm vi về không gian: Phạm vi nghiên cứu là trên lãnh thổ Việt Nam.

– Phạm vi về thời gian: Trong 05 năm trở lại đây.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Đề tài luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp.

Đề tài sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu chuyên ngành như phương pháp thống kê tại Chương 2 để thống kê quy định về mức trần lãi suất của các quốc gia, của các tổ chức tín dụng, phương pháp so sánh tại Chương 1, chương 2 và chương 3 khi so sánh đánh giá các định nghĩa về HĐVTS và lãi, lãi suất, so sánh quy định pháp luật…; phương pháp phân tích và tổng hợp tại Chương 3 để phân tích thực tiễn thực hiện quy định pháp luật và đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về lãi và lãi suất trong HĐVTS.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

Ý nghĩa khoa học của luận văn: Luận văn là công trình nghiên cứu mang tính hệ thống về lãi và lãi suất trong HĐVTS theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành, vừa mang tính nghiên cứu lý luận lại vừa mang tính tổng kết thực tiễn sâu sắc. Kết quả đề tài này sẽ góp phần hoàn thiện các quy định lãi suất trong hợp đồng vay tiền theo pháp luật dân sự.

Ý nghĩa thực tiễn của luận văn: Nội dung và kết quả nghiên cứu của luận văn đặc biệt là những phân tích về pháp luật, thực tiễn thực hiện quy định pháp luật và các kiến nghị hoàn thiện góp phần trong việc hoàn thiện pháp luật và hạn chế các tranh chấp liên quan đến lãi và lãi suất trong HĐVTS. Luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và áp dụng pháp luật.

7. Bố cục của Luận văn

Ngoài phần Mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được kết cấu gồm 3 chương:

Chương 1: Khái quát về hợp đồng vay tài sản, lãi và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản;

Chương 2: Quy định pháp luật Việt Nam về lãi và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản;

Chương 3: Thực tiễn thực hiện pháp luật về lãi và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản và kiến nghị hoàn thiện.