Văn bản quy hoạch cấp ủy giai đoạn 2023 2026

Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, đảm bảo cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ.

Nhận thức rõ về vai trò và ý nghĩa của công tác quy hoạch cán bộ, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 50-QĐ/TW, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW về công tác quy hoạch cán bộ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 05-QĐ/TU, ngày 29/3/2022 về công tác quy hoạch, đồng thời chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng và ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BTCTU, ngày 30/3/2022 để hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch cán bộ trong hệ thống chính trị toàn tỉnh.

Văn bản quy hoạch cấp ủy giai đoạn 2023 2026

Quy định số 50-QĐ/TU, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch

Việc tỉnh kịp thời ban hành hệ thống văn bản về công tác quy hoạch cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quy hoạch cán bộ trong tình hình hiện nay. Trong công tác quy hoạch cán bộ theo quy định của Trung ương và của tỉnh có một số điểm mới cần quan tâm để chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Thứ nhất, về nguyên tắc thực hiện

 Quy định và Hướng dẫn mới quy định rõ nguyên tắc: Không thực hiện đồng thời quy trình bổ sung quy hoạch với quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào một chức danh lãnh đạo, quản lý. Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 3 tháng.

Đây là điểm mới, khác với trước đây, quy định đã phân định rõ quy trình và thời gian thực hiện giữa 2 khâu quy hoạch và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử nhằm đảm bảo cán bộ được quy hoạch phải có lộ trình được đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh được bổ nhiệm theo quy định.

Thứ hai, về chức danh và đối tượng quy hoạch

 Quy định số 05-QĐ/TU đã cụ thể chức danh quy hoạch, đối tượng quy hoạch tương ứng với từng chức danh (gồm các chức danh thuộc diện Trung ương quản lý; Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, Ban Chấp hành các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, trưởng, phó phòng và tương đương các cơ quan đơn vị cấp tỉnh) thay cho trước đây chỉ hướng dẫn đối tượng quy hoạch đối với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh cán bộ chủ chốt huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy mà chưa hướng dẫn về đối tượng quy hoạch các chức danh diện Tỉnh ủy quản lý và diện tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh.

Thứ ba, về phương pháp và thời điểm quy hoạch

 Việc xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện một lần vào năm thứ hai nhiệm kỳ hiện tại của đại hội đảng bộ các cấp, đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch từ 1 đến 2 lần cho cả quy hoạch nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp. Thời gian thực hiện trong quý I và báo cáo kết quả phê duyệt quy hoạch trong quý II, chậm nhất tháng 6; trường hợp rà soát, bổ sung quy hoạch lần thứ 2 trong năm phải báo cáo ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch bổ sung lần thứ nhất.

Thứ tư, về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh quy hoạch và độ tuổi quy hoạch

- Các điều kiện, tiêu chuẩn của các chức danh quy hoạch đã được quy định cụ thể rõ tại thời điểm xem xét, phê duyệt quy hoạch, nhân sự phải cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn như về trình độ chuyên môn, về trình độ lý luận chính trị... (trong khi đó, hướng dẫn trước đây chỉ nêu chung là cơ bản đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn chức danh quy hoạch dẫn đến việc không thống nhất về cách hiểu đối với các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch).

- Về độ tuổi cán bộ đưa vào quy hoạch bổ sung hằng năm, phải còn đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên. Đây là điểm khác biệt so với trước đây (trước đây quy định ít nhất là 60 tháng trở lên) nhằm tạo khoảng một thời gian giãn cách (12 tháng) đảm bảo sau khi được quy hoạch, cán bộ vẫn còn đủ ít nhất là 5 năm (60 tháng) để có thể bổ nhiệm vào chức danh được quy hoạch theo quy định.

Thứ năm, về thời điểm tính tuổi quy hoạchphương pháp tính tuổi quy hoạch

- Về thời điểm tính tuổi đối với quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp theo thời điểm đại hội các cấp tương ứng của tổ chức, đơn vị mình (chức danh cấp uỷ, lãnh đạo cấp uỷ, các ban, cơ quan của Đảng, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy là thời điểm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp; chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan nhà nước là thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là thời điểm đại hội các cấp của mỗi tổ chức).

Thời điểm tính tuổi đối với rà soát, bổ sung quy hoạch là thời điểm cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ có thẩm quyền nhận được tờ trình và hồ sơ nhân sự theo quy định (Hướng dẫn trước đây quy định thời điểm tính tuổi quy hoạch các chức danh lãnh đạo cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhiệm kỳ kế tiếp hoặc bổ sung quy hoạch đều lấy theo thời điểm đại hội đảng các cấp).

- Về phương pháp tính tuổi quy hoạch được hướng dẫn cụ thể theo quy định mới về tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, ngày 18/11/2020 của Chính phủ, đồng thời có phụ lục xác định rõ tuổi quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp ủy, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp để các cơ quan, đơn vị dễ áp dụng, thực hiện.

Văn bản quy hoạch cấp ủy giai đoạn 2023 2026

Quy định số 05-QĐ/TU, ngày 29/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quy hoạch

Thứ sáu, về hệ số, số lượng, cơ cấu quy hoạch và quy trình quy hoạch

- Hệ số quy hoạch cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ và Ủy ban Kiểm tra các cấp từ 1,0 - 1,5 lần so với số lượng theo quy định; một chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá 3 cán bộ, một cán bộ quy hoạch không quá 3 chức danh ở cùng một cấp phê duyệt quy hoạch (Hướng dẫn trước đây quy định hệ số quy hoạch cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ và Ủy ban Kiểm tra các cấp là 1,5 - 2 lần; một chức danh phải quy hoạch tối thiểu 2 người, tối đa 4 người; không quy hoạch 1 người vào quá 3 chức danh). Điểm mới này nhằm thu gọn hơn số lượng của đối tượng được quy hoạch, từ đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ được quy hoạch, tăng tính khả thi và chất lượng của công tác quy hoạch.

- Về số lượng, phấn đấu cơ cấu cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 35 tuổi đối với cấp xã) từ 15% trở lên; cán bộ nữ từ 25% trở lên (Hướng dẫn trước đây không nêu rõ về cơ cấu tỷ lệ cán bộ trẻ, tỷ lệ cán bộ nữ là 20% trở lên).

- Quy trình xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp (01 quy trình từ nguồn nhân sự tại chỗ) và quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm (02 quy trình từ nguồn nhân sự tại chỗ và nơi khác) bao gồm 5 bước. Thay cho 02 quy trình trước đây, bao gồm: Quy trình quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp (01 quy trình từ nguồn nhân sự tại chỗ) và quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ hiện tại (01 quy trình từ nguồn nhân sự tại chỗ) gồm 4 bước. Không có quy trình rà soát, bổ sung nhân sự quy hoạch từ nơi khác. Điểm mới này nhằm đảm bảo chặt chẽ hơn trong quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ cũng như cụ thể hóa các bước thực hiện quy trình quy hoạch bổ sung nhân sự từ nơi khác, góp phần thực hiện tốt hơn phương châm quy hoạch “mở”.

Thứ bảy, về các trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạchcác trường hợp không quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý do có vấn đề về chính trị

- Về các trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạch bao gồm: Cán bộ quá tuổi quy hoạch; cán bộ bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên; cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của chức danh quy hoạch; cán bộ từ trần. Các trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạch không phải thực hiện quy trình bỏ phiếu như theo hướng dẫn trước đây.

- Không quy hoạch cán bộ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý do có vấn đề về chính trị được thực hiện theo Điều 12 Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8/02/2022 của Bộ Chính trị về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng. Điểm mới này nhằm yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải chú trọng, tập trung việc rà soát, thẩm định và kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngay từ bước quy hoạch.

Thứ tám, về thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch

Hướng dẫn số 06-HD/BTCTU, ngày 30/3/2022 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy nêu rõ về thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch: “Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được tờ trình, hồ sơ nhân sự cấp có thẩm quyền phải xem xét, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền có thể kéo dài thời gian nhưng không được quá 15 ngày làm việc”. Đây là điểm mới mà trước đây chưa có hướng dẫn, nhằm quy định thời gian, tăng cường trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, phê duyệt quy hoạch.

Với nhiều nội dung mới, phù hợp thực tiễn, Quy định về công tác quy hoạch cán bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh ngày càng hiệu quả hơn.

Phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy