Vai trò của trò chơi dân gian trong việc giữ gìn nền văn hóa dân tộc

Vốn quý bị mai một

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ chế thị trường với lối sống thực dụng, chạy theo giá trị đồng tiền là nguyên nhân chính khiến nhiều trò chơi dân gian cũng đang dần biến tướng, trở thành những trò cờ bạc đỏ đen, hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, tiêu biểu như trò chọi gà.

Vai trò của trò chơi dân gian trong việc giữ gìn nền văn hóa dân tộc
Nghệ nhân hướng dẫn các em nhỏ nặn tò he ở Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: P.B

Đây là trò chơi được cả người lớn và trẻ nhỏ yêu thích bởi nó không chỉ mang lại cho người chơi những giây phút sảng khoái mà còn thể hiện những màn đấu võ kiên cường, đầy tính bất khuất.

Nhưng nay ở hầu hết các hội làng ngoại thành Hà Nội, chọi gà không còn là một trò giải trí như trước mà đã trở thành nơi để ăn thua với giá trị cá cược khá cao có khi lên đến hàng chục triệu đồng. Khi sới gà mở ra, người ta tập trung rất đông để đặt cược, hò hét, văng tục, chửi bậy biến trò chơi dân gian này dần trở thành một thứ phi văn hóa.

Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thấy được những giá trị tích cực từ trò chơi dân gian, thành phố đã chỉ đạo Sở tích cực sưu tầm, bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian truyền thống.

Nhận thức được tầm quan trọng của các trò chơi dân gian, ngành Giáo dục Thủ đô đã sớm có chủ trương đưa các trò chơi dân gian vào trường học. Ngành Văn hoá cũng quan tâm đến các trò chơi dân gian trong lễ hội, tăng cường các trò chơi mang tính cộng đồng, kiềm chế và nghiêm cấm các trò chơi cờ bạc, cá cược, đỏ đen… Phát triển trò chơi dân gian chính là giữ gìn cho đời sau một trong những vốn quý của nền văn hoá Việt Nam truyền thống.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn

Trò chơi dân gian thường đơn giản, không tốn kém, dụng cụ dễ tìm, dễ làm, chủ yếu được lấy từ tự nhiên, nên có thể dễ dàng tạo ra nhiều trò chơi khác nhau từ những vật liệu đơn giản như hòn đá, viên sỏi, thanh tre, cùng với một vài người bạn là có thể tạo thành hội chơi hết sức vui vẻ.

Một nét văn hoá độc đáo nữa của các trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi là những bài đồng dao gắn với từng trò chơi cụ thể. Đồng dao là một thể văn vần khá độc đáo có thể gieo vần một cách thoải mái, ngắt đoạn tự do, nhiều khi những câu đồng dao không có nghĩa nhưng lại khơi gợi tính tò mò, sáng tạo của trẻ.

Mới đây, tại Bảo tàng Dân tộc học đã diễn ra những hoạt động gắn với tết Trung thu truyền thống như: Nghệ nhân dân gian trực tiếp hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu; nặn tò he, nặn hoa quả bằng bột; làm cốm Vòng; làm bánh dẻo; cắt tỉa hoa quả; học bày mâm cỗ Trung thu; hướng dẫn chơi các trò chơi dân gian... Đây là những hoạt động được Bảo tàng tổ chức thường xuyên, nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ tăng cường hiểu biết về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Khoảng một năm trở lại đây, khi phố đi bộ Hồ Gươm được hoạt động vào dịp cuối tuần, không gian trải nghiệm trò chơi – đồ chơi dân gian mà Câu lạc bộ MyHanoi chủ trì luôn là tụ điểm yêu thích của các em nhỏ và du khách quanh Hồ Gươm. Những trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy dây, đi cà kheo, kéo co, mèo đuổi chuột… mà bấy lâu vắng bóng nơi thành thị đã được tổ chức trong tiếng nói cười, hò reo rộn rã.

Đã có nhiều người tìm thấy được ký ức tuổi thơ, khoảng thời gian thư giãn êm đềm khi hòa mình vào những trò chơi ấy... Anh Ngô Quý Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ MyHanoi cho biết, việc tổ chức các trò chơi dân gian với mong muốn làm sống lại những trò chơi tuy đơn giản nhưng đầy thú vị của các thế hệ trước đang dần bị mất đi trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Đây cũng là cơ hội để các em nhỏ rời bỏ những chiếc điện thoại với những trò chơi điện tử vô bổ để hòa mình vào các trò chơi, qua đó những bài học về văn hóa, về lịch sử qua những trò chơi dân gian được lưu giữ lại trong chính tuổi thơ của các em.

Với những người lớn, đây là cơ hội để họ được sống lại trong một không gian tràn đầy ký ức tuổi thơ và với những người bạn nước ngoài, rất nhiều người lần đầu tiên được trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta qua những trò chơi dân gian… điều đó giúp quảng bá một phần văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thấy được những giá trị tích cực từ trò chơi dân gian, Thành phố đã chỉ đạo Sở tích cực sưu tầm, bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian truyền thống.

Bên cạnh đó, từ năm 2008 thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có chủ trương đưa các trò chơi dân gian vào trong các trường phổ thông, đặc biệt là các cấp tiểu học và mẫu giáo để các em nhỏ Thủ đô có những hình thức giải trí lành mạnh, góp phần vào việc hình thành nhân cách toàn diện sau này.

Ông Tiến cũng cho biết: “Không riêng gì phố đi bộ Hồ Gươm hay ở Bảo tàng Dân tộc học, Thành phố đã chỉ đạo ở các địa phương, xã, phường, khu dân cư, thôn xóm đều phải dành một khu vui chơi cho cộng đồng, đặc biệt là thiếu nhi.

Việc đó cần phải khuyến khích và giao cho các tổ chức như đoàn thanh niên từ các cơ sở, khu dân cư phụ trách… Sở cũng có những nghiên cứu để bảo tồn các trò chơi truyền thống. Ví như kéo co ở Sóc Sơn, Long Biên được công nhận là trò chơi di sản văn hóa cấp quốc gia và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc cùng với quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, các trò chơi dân gian đặc sắc của mọi miền tổ quốc đã tụ họp về đây làm phong phú văn hóa dân gian của Thủ đô.

Từ việc làm tích cực của Hà Nội, những địa phương khác, đặc biệt là vùng nông thôn nơi các trò chơi dân gian còn tương đối phong phú đa dạng, cần có biện pháp tích cực hơn nữa để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc độc đáo này ngay từ giờ trước khi quá muộn.

Phương Bùi

Trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc. Mỗi trò chơi tuy có ý nghĩa, cách chơi khác nhau, nhưng tựu chung đều xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất hằng ngày của đồng bào, phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường đoàn kết cộng đồng.

Vai trò của trò chơi dân gian trong việc giữ gìn nền văn hóa dân tộc
Các trò chơi dân gian không chỉ mang tính giải trí mà còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng.

Nghệ nhân Lường Thị Song, thành viên CLB Bảo tồn Văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên cho biết, từ xưa đến nay, trong tất cả các lễ hội, ngày Tết của cộng đồng dân tộc Thái đều không thể thiếu các trò chơi dân gian như: Tó má lẹ, đi cà kheo, đẩy gậy, đặc biệt là ném còn. Những phụ nữ Thái không chỉ biết ném còn mà còn khéo léo khâu những quả còn bằng vải. Bên trong quả còn được nhồi bông, cỏ mềm, vải vụn, hoặc hạt của cây bông, bên ngoài được trang trí bằng tua rua ngũ sắc rất đẹp. Trò chơi ném còn vừa mang tính văn hóa lại vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo, tài tình, nhẹ nhàng khi tung, khi bắt. Chơi ném còn đòi hỏi người chơi kết hợp các động tác toàn thân, sảng khoái tinh thần và trên hết là thể hiện tinh thần đoàn kết, vui vẻ.

Nếu ném còn là trò chơi ưa thích của người Thái thì tù lu là trò chơi không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông. Anh Vàng A Sình ở bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên cho biết: Với người dân ở xã Nà Tấu hiện nay, các trò chơi dân gian không thể thiếu vào các dịp lễ, Tết, người dân tham gia rất nhiệt tình. Với người lớn tuổi thì biết chơi nhiều hơn, nhưng bọn trẻ cũng rất thích thú học hỏi, nhiều em chơi rất giỏi”.

Không chỉ những người lớn tuổi mà thế hệ trẻ tuổi cũng luôn ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Em Lường Thị Ánh, bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Là người con dân tộc Thái, mặc dù sống trong xã hội hiện đại nhưng em vẫn muốn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là các trò chơi dân gian. Tuy nhiên, do ít có cơ hội được tham gia nên em chơi không giỏi, em chỉ biết chơi ném còn và kéo co. Các bạn trẻ tại địa phương em cũng rất yêu bản sắc văn hóa dân tộc. Bạn nào cũng nhiệt tình, hứng thú tham gia các trò chơi dân gian mỗi khi tổ chức”.

Hiện nay, để thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện thể thao trên cơ sở khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao, trò chơi dân tộc, ở mỗi huyện, xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng bước đưa các môn thể thao dân tộc vào nội dung thi đấu cũng như hoạt động trong các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa thể thao, Đại hội Thể dục thể thao các cấp. Từ đó số lượng người tham gia tập luyện và thi đấu ở các môn thể thao dân tộc ngày một nhiều và có chiều sâu về chất lượng.

Ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết:Để duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc, trước hết phải nắm bắtđược điều kiện và thế mạnh từng vùng miền, từng dân tộc, từ đó xây dựng hình thức tổ chức tập luyện thể dục thể thao phù hợp cho mọi đối tượng ở thôn, bản, xã, phường, thị trấn, trong đó chú trọng vào các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tù lu, kéo co…Ông Lượng cũng thông tin thêm, tới đây (từ ngày 6/5-10/5/2018) tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao lần thứ X. Trong dịp này, các môn thể thao dân tộc như ném còn, đẩy gậy, tù lu, kéo co... cũng được đưa vào môn thi đấu. Đây là cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian đặc thù của đồng bào các dân tộc.

HỒNG MINH