Trong phòng, chống ma túy xâm hại học đường nhà trường có những trách nhiệm nào

PhuthoPortal - Xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ma túy đang từng bước len lỏi vào nhà trường, trong khi một bộ phận không nhỏ học sinh chưa hiểu về tác hại của ma túy. Học sinh, sinh viên trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy. Chính vì thế, việc phòng chống ma túy trong học đường là biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng này.

Trong phòng, chống ma túy xâm hại học đường nhà trường có những trách nhiệm nào

Vở kịch "Lỗi tại ai" của Đội kịch tương tác trong chương trình giao lưu ĐVTN với công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS

Hiện nay, trên thị trường có khoảng 100 loại ma túy đang lưu hành trái phép. Ma túy không chỉ làm hủy hoại sức khỏe bản thân người nghiện, làm hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại biết bao hệ hụy cho giới trẻ. Chị Nguyễn Thị Hà, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì tâm sự: “Tôi thật sự lo ngại khi nhà có 2 con trai, các cháu đang ở lứa tuổi 12 đến 16. Hiện nay các chế phẩm từ ma túy biến dạng dưới nhiều hình thức như cần sa được đóng gói dưới dạng bánh ngọt hay viên ngậm bọc vỏ kẹo rất bắt mắt”.

Bảo vệ thế hệ trẻ tránh xa hiểm họa ma túy là thông điệp được đưa ra trong kế hoạch của tỉnh Phú Thọ về công tác phòng chống tác hại ma túy đối với học sinh, sinh viên trong năm nay. Mục tiêu của kế hoạch là nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân và đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy. Từ đó kiên quyết phòng, chống và ngăn chặn không để xảy ra tệ nạn ma tuý xâm nhập vào trường học.

Trong 10 năm qua, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống ma túy học đường. Kết quả, đã tổ chức hơn 6.800 buổi ngoại khóa, mít tinh, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền những kiến thức cơ bản về phòng chống ma túy cho gần 3 triệu lượt cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia. Cấp phát 5.500 tờ rơi, tờ gấp, băng zôn, khẩu hiệu, hơn 7.500 cuốn sách, tạp chí, bản tin có nội dung tuyên truyền phòng chống ma túy. 100% các trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không tham gia vào tệ nạn ma túy. 100% nhà trường và các cơ sở giáo dục đã xây dựng hòm thư tố giác tội phạm. Đến nay, các đơn vị, trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không có cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên nào bị phát hiện có liên quan đến ma túy.

Có mặt tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành trong một buổi tuyên truyền ngoại khóa. Chúng tôi thấy các em được trao đổi thông tin thời sự liên quan đến ma túy, tình hình ma túy trong học đường hiện nay. Em Đỗ Hoàng Hải Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành cho biết: “Chúng em cảm thấy rất thích những buổi ngoại khóa tuyên truyền cho học sinh về phòng, chống tác hại ma túy. Thông qua buổi tuyên truyền em được hiểu thêm về tác hại cũng như cách phòng chống ma túy, để tự bảo vệ bản thân mình và nhắc nhở bạn bè, người thân tránh xa ma túy”.

Ngoài ra, một số trường trong hệ thống các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Cụ thể, Trường Đại học Hùng Vương thường xuyên phối hợp với Công an thành phố Việt Trì mở các lớp tuyên truyền tác hại về ma túy đối với thế hệ trẻ.

Ông Hoàng Công Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho biết: “Nhà trường đã tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về việc phòng chống ma túy trong học đường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho các em sinh viên tại các buổi ngoại khóa về tác hại của ma túy và cách phòng chống tệ nạn ma túy. Từ đó cung cấp thêm kiến thức để giúp các em biết tránh xa các tệ nạn ma túy; đồng thời khuyến khích các em phát hiện, tố giác các đối tượng mắc nghiện, tàng trữ các chất ma túy tại nhà trường và địa phương”.

Tại buổi tuyên truyền, các sinh viên đã được cán bộ công an trực tiếp trao đổi những kiến thức pháp luật, tác hại của ma túy; những kiến thức cơ bản về dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy và cách phòng tránh tệ nạn ma túy trong học đường. Bạn Nguyễn Hoàng Việt - Trường Đại học Hùng Vương: “Thông qua buổi tuyên truyền giúp chúng em nâng cao ý thức phòng ngừa, tránh xa ma túy, góp phần giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội nói chung và trong học đường nói riêng, tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh”.

Để công tác phòng, chống ma túy trong trường học đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh tập trung tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học bằng nhiều hình thức đa dạng như: Tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao sinh động mang thông điệp phòng, chống ma túy. Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống ma túy cho thành viên trong trường học trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng và duy trì, phát triển, hỗ trợ hoạt động hiệu quả Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy” theo các cụm trường tại các huyện, thị, thành. Đồng thời kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy trong các trường học…

Có thể thấy, khi các em học sinh chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy sẽ dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với những loại ma túy trá hình đang xuất hiện phổ biến. Chính vì vậy, việc trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản này sẽ giúp các em học sinh, sinh viên chủ động tránh xa ma túy. Qua đó, góp phần ngăn chặn tối đa được sự tấn công của các loại ma túy vào giới trẻ hiện nay.

Ngọc Kiên

Tác hại của ma túy đối với xã hội là vô cùng to lớn, ma túy không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn gây ra tệ nạn về ma túy và nghiêm trọng hơn là các tội phạm ma túy, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển lành mạnh của đời sống con người.

Ma túy bao gồm chất gây nghiện và chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020.

Theo định nghĩa của Luật phòng, chống ma túy năm 2021 tại Điều 2, chất gây nghiện và chất hướng thần được hiểu như sau:

- Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

- Chất hướng thần là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

Trong suốt tiến trình phát triển của con người, ma túy gây ra những hậu quả về mọi mặt trong đời sống xã hội.

Trước hết, ma túy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân người trực tiếp sử dụng ma túy. Ma túy được đưa vào cơ thể qua các con đường: hút, hít, nhai, nuốt, tiêm chích… từ đó gây ra trạng thái nhiễm độc, lú lẫn tâm trí, rối loạn tâm thần, tổn thất lên hệ thống thần kinh trung ương gây nên những trạng thái tâm lý không bình thường, tạo ra ảo giác, cảm giác mới lạ hoặc làm giảm cơn đau. Nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ra tình trạng lệ thuộc vào ma túy, khi ngừng sử dụng tiếp, người nghiện sẽ bị mắc các chứng rối loại như tiêu chảy, nôn, đau nhức cơ xương, tim đập hỗn loạn, chán ăn, mất ngủ,… làm cho người nghiện bắt buộc phải tiếp tục sử dụng ma túy. Ma túy tổn hại đến sức khỏe con người, làm suy giảm thần kinh, mất khả năng lao động, học tập của con người.

Ngoài ra, ma túy nếu sử dụng quá liều sẽ dẫn đến tử vong, ma túy còn là nguy cơ gây ra các căn bệnh nguy hiểm cho người sử dụng như: HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C, nghiêm trọng hơn nó còn gây hại cho hệ thống hooc-môn sinh sản làm suy yếu nòi giống.

Tệ nạn ma túy không chỉ có tác hại đối với bản thân người sử dụng ma túy mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Người nghiện ma túy là nguyên nhân gây ra tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác như tệ nạn cờ bạc, mại dâm,… Nghiêm trọng hơn là sự xuất hiện của tội phạm ma túy và các tội phạm nguy hiểm khác như: trộm cắp, giết người,… do người nghiện ma túy có thể làm bất kì điều gì để thỏa mãn cơn nghiện của mình.

Theo thống kê của Báo Thanh niên Việt Nam, bà Đặng Thị Minh Thư, quản lý truyền thông SCDI, độ tuổi sử dụng ma túy đá tại 3 thành phố lớn đang trẻ hóa. Tuổi trung bình sử dụng ma túy tại Hà Nội và Hải Phòng là 16 tuổi, trong khi tại TP.HCM là 17 tuổi. Bên cạnh đó, có tới 30% - 40% vị thành niên từ 13 tuổi trở lên sử dụng ma túy đá. Ngoài ra, thông tin về tình hình sử dụng ma túy tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, người sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi dưới 35, là lực lượng lao động chính của xã hội, có 8% người nghiện ma túy ở tuổi vị thành niên, học sinh.

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ gửi HĐND Thành phố Đà Nẵng, đối tượng của tội phạm ma túy bị phát hiện tăng 12,2% so với năm 2019, trong đó số người phạm tội từ 18 – 30 tuổi chiếm 77% trong tổng số. Đáng chú ý, theo Công an Thành phố, có 2,7% sinh viên tham gia mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, số người sử dụng trái phép chất ma túy từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tăng 169%.

Qua đây, ta có thể thấy đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy và tội phạm ma túy là học sinh, sinh viên chiếm số lượng đáng kể trong xã hội. Nguyên nhân có thể là do bị lôi kéo, do thiếu hiểu biết, tò mò hay hoàn cảnh gia đình khó khan dẫn đến tình trạng các em dễ rơi vào tệ nạn ma túy và phạm tội liên quan đến ma túy.

Để ngăn chặn, đấu tranh tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy xảy ra đối với học sinh, sinh viên, các đối tượng trẻ của xã hội, Nhà nước phối, kết hợp cùng các cơ quan, các bộ, ngành xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình phòng, chống ma túy, đặc biệt để tác động trực tiếp và hiệu quả đến học sinh, sinh viên, ngành giáo dục có trách nhiệm và nghĩa vụ quan trọng nhất trong việc tuyên truyển, giáo dục ý thức đấu tranh phòng, chống ma túy của các đối tượng này. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong phòng, chống ma túy tại Điều 8 như sau:

Điều 8. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục

1. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

2. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên sử dụng trái phép chất ma túy.”

Trên đây là những nhiệm vụ cơ bản pháp luật quy định đối với cơ sở giáo dục trong công tác phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Đối với mỗi cơ sở giáo dục trên địa phương cần nắm bắt và tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy một cách nhanh chóng, nghiêm túc và hiệu quả góp phần làm giảm số lượng học sinh, sinh viên – lực lượng lao động tương lai của đất nước trong việc sử dụng trái phép chất ma túy và phạm tội về ma túy.

Luật Hoàng Anh