Trong bảo hiểm con người có tồn tại điều khoản về giá trị bảo hiểm không

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp nào?

  1. Khi có sự thay đổi làm tăng các rủi ro được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm tính tăng phí cho thời gian còn lại của hợp đồng nhưng bên mua không chấp nhận.
  2. Bên mua bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm trong thời hạn mà doanh nghiệp bảo hiểm đã ấn định để bên mua thực hiện.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ gì?

  1. Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm
  2. Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm
  3. Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
  4. Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường
  5. Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thườngvề những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

3. Bên mua bảo hiểm có quyền gì?

  1. Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để mua bảo hiểm
  2. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm và hoặc đơn bảo hiểm
  3. Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm
  4. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
  5. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

4. Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ gì?

  1. Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
  2. Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm
  3. Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm
  4. Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
  5. Áp dụng các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất.

5. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp nào?

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp:

  1. Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm
  2. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại
  3. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra
  4. Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

6. Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp nào?

Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp:

  1. Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm
  2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong trường hợp bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
  3. Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm trong thời hạn gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

7. Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là bao lâu?

Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.

8. Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm trong vòng bao lâu?

Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.

9. Trong trường hợp người được bảo hiểm chứng minh được rằng họ không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là bao lâu?

Trong trường hợp này, thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày người được bảo hiểm biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.

10. Trong trường hợp người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là bao lâu?

Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày người thứ ba yêu cầu đối với trường hợp này.

11. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm theo Luật kinh doanh bảo hiểm là bao lâu?

3 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.

12. Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm kể từ lúc nào?

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là một trong các trường hợp sau:

  1. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm
  2. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm
  3. Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí BH.

13. Trách nhiệm bảo hiểm chưa phát sinh trong trường hợp nào?

Khi Hợp đồng bảo hiểm được ký kết nhưng Bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm cho Doanh nghiệp bảo hiểm theo thỏa thuận.

14. Trong trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền gì?

Ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm.

15. Trường hợp trong hợp đồng bảo hiểm quy định phí bảo hiểm được đóng làm 4 kỳ, bên mua bảo hiểm mới đóng được 2 kỳ và không thể đóng phí cho 2 kỳ tiếp theo, nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác thì thế nào?

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm; bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng.

Với sự phát triển ổn định của nền kinh tế, thu nhập, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và chú trọng thì hoạt động bảo hiểm ngày càng có điều kiện phát triển, trở thành một trong những kênh huy động vốn quan trọng, đầu tư trở lại cho nền kinh tế. Đối với từng người dân, bảo hiểm đảm bảo về mặt tài chính nhằm khắc phục hậu quả khi bất ngờ gặp phải rủi ro tai nạn hay bệnh tật như chi phí điều trị, viện phí,… Bảo hiểm nói chung và bảo hiểm con người nói riêng còn cung cấp những chương trình tiết kiệm và là người đại diện đầu tư mang lại lợi tức đầu tư cho khách hàng. Bảo hiểm chẳng những có tác dụng bồi thường tổn thất sau khi rủi ro phát sinh mà còn góp phần rất lớn cho vấn đề phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất. Đối với bảo hiểm con người thì còn mang ý nghĩa cộng đồng và tính xã hội cao vì mang lại một sự an tâm cho con người, và để những người tham gia bảo hiểm có thể chia sẻ rủi ro với quy luật số đông bù số ít.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm nói chung, cũng như bảo hiểm con người nói riêng đó là “quyền lợi có thể được bảo hiểm”. Bài viết dưới đây, Luật Bạch Long gửi tới các bạn những quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm con người.

1. Bảo hiểm con người

Bảo hiểm con người là loại bảo hiểm có mục đích chi trả những khoản tiền đã thỏa thuận trước cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra những sự kiện tác động đến chính bản thân người được bảo hiểm. Những rủi ro này là tai nạn, bệnh tật, ốm đau, tử vong, tuổi già và những bấp bênh khác về tuổi thọ con người. Khi những sự kiện này xảy ra tác động đến người được bảo hiểm, người bảo hiểm không tham gia một cách trực tiếp vào việc khắc phục hậu quả của chúng. Sự can thiệp của người bảo hiểm chính là việc thanh toán một số tiền, một khoản trợ cấp được ấn định trên hợp đồng bảo hiểm. Khoản trợ cấp này có thể được thanh toán cho người được bảo hiểm hoặc là người người khác – người thụ hưởng, tùy vào từng loại hình bảo hiểm và mục đích ký kết hợp đồng bảo hiểm con người của người tham gia.

Bảo hiểm con người là loại hình bảo hiểm cho sinh mạng, sức khỏe, khả năng hoạt động của con người. Bảo hiểm con người có thể là bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm tai nạn – bệnh tật.

Như vậy, chỉ những thiệt hại về con người mới là đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người. Tuy nhiên có những rủi ro khi xảy ra không gây thiệt hại cho con người cũng vẫn là đối tượng của bảo hiểm con người. Chẳng hạn trong trường hợp người ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đến một lứa tuổi nhất định sẽ nhận số tiền bảo hiểm.

* Đặc trưng: Bảo hiểm con người có những đặc trưng sau:

– Đối tượng của bảo hiểm con người là tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động và tuổi thọ con người. Đây là một phạm trù phi giá trị hóa. Thật vậy, cuộc sống và sinh mạng con người, có thể nói cách điệu, là vô giá. Không có một môn khoa học chân chính nào có thể cho phép chúng ta đánh giá giá trị con người bằng tiền hoặc bằng bất kỳ phương tiện tài chính nào khác, trừ trường hợp đó là một xác người được sử dụng vào một mục đích nghiên cứu nào đó, hoặc trong những hoạt động kinh tế bất hợp pháp.Đặc trưng này của bảo hiểm con người chi phối một vấn đề kỹ thuật trong các nghiệp vụ của nó. Đó là trong các hợp đồng bảo hiểm con người không tồn tại điều khoản về giá trị bảo hiểm. Như vậy, để xác định trách nhiệm của người bảo hiểm và tính phí bảo hiểm, người bảo hiểm phải dựa vào cơ sở nào? Trên lý thuyết và trong thực tế điều này được giải quyết dựa trên số tiền bảo hiểm. Thông thường, khi giao kết các hợp đồng bảo hiểm con người, các bên trong hợp đồng sẽ có sự thỏa thuận để ấn định số tiền bảo hiểm, hoặc cũng có thể do người bảo hiểm đơn phương đưa ra, tùy theo loại bảo hiểm và hình thức của hợp đồng bảo hiểm.

– Bảo hiểm con người tuân thủ nguyên tắc khoán: Đối với bảo hiểm thiệt hại người ta áp dụng nguyên tắc bồi thường. Nhưng trong nghiệp vụ bảo hiểm con người người ta áp dụng nguyên tắc khoán.

2. Quyền lợi có thể được bảo hiểm

Theo khoản 9 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng,quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”

Quyền lợi có thể được bảo hiểm, hay lợi ích bảo hiểm, là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm. Như vậy, quyền lợi có thể được bảo hiểm là lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến, gắn liền với, hay phụ thuộc vào sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm. Người nào có quyền lợi có thể được bảo hiểm ở một đối tượng bảo hiểm nào đó có nghĩa là quyền lợi của người đó sẽ được đảm bảo nếu đối tượng đó được an toàn, và ngược lại, quyền lợi của người đó sẽ bị phương hại nếu đối tượng bảo hiểm đó gặp rủi ro. Nói khác đi, người có quyền lợi có thể được bảo hiểm là người bị thiệt hại về tài chính khi đối tượng bảo hiểm gặp rủi ro. Người có quyền lợi có thể được bảo hiểm là người có một số quan hệ với đối tượng bảo hiểm được pháp luật công nhận. Đó có thể là người chủ sở hữu của đối tượng bảo hiểm đó, người chịu trách nhiệm quản lý tài sản hoặc người nhận cầm cố tài sản. Quyền lợi có thể được bảo hiểm có ý nghĩa rất to lớn trong bảo hiểm, có quyền lợi có thể được bảo hiểm thì mới được ký kết hợp đồng bảo hiểm. Khi xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm đã phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm rồi mới được bồi thường.

Trong bảo hiểm con người có tồn tại điều khoản về giá trị bảo hiểm không

Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm chỉ ra rằng, người được bảo hiểm muốn mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể là quyền lợi đã có hoặc sẽ có trong đối tượng bảo hiểm. Trong bảo hiểm hàng hải, quyền lợi có thể được bảo hiểm không nhất thiết phải có khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, nhưng nhất thiết phải có khi xảy ra tổn thất.

Nói một cách cụ thể hơn Quyền lợi có thể được bảo hiểm là mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm, trong đó sự rủi ro của người được bảo hiểm sẽ gây tổn thất về tài chính hoặc tinh thần cho bên mua bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể bảo hiểm đối với những người sau đây:

– Bản thân bên mua bảo hiểm;

– Vợ, chồng, con, cha, mẹ hợp pháp của bên mua bảo hiểm;

– Anh chị em ruột, người có quan hệ nuôi dưỡng/giám hộ hợp pháp;

– Cháu trực hệ của bên mua bảo hiểm;

– Người khác nếu bên mua bảo hiểm phải chịu một tổn thất tài chính thật sự khi người được bảo hiểm chết

Quyền lợi có thể được bảo hiểm cũng có thể tồn tại trong quan hệ vay nợ. Khi đó, bên cho vay có quyền lợi có thể bảo hiểm đối với cuộc sống của bên đi vay.

Trong các quan hệ khác như quan hệ chủ công ty – người lao động… thì Quyền lợi có thể được bảo hiểm cũng có thể tồn tại hay không là tuỳ thuộc vào quy định cụ thể của luật pháp và của từng loại bảo hiểm.

Tóm lại, hiểu một cách đơn giản, quyền lợi có thể được bảo hiểm quy định quyền một người tham gia bảo hiểm có thể được phép tham gia bảo hiểm cho bản thân mình hoặc người khác, đặc biệt là khi mua bảo hiểm cho người khác thì giữa hai người phải có mối quan hệ nhất định quy định.

Đọc thêm:

Đóng bảo hiểm xã hội ngắt quãng có được không?

Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ

Từ tháng 5/2021, nhiều chính sách bảo hiểm, giáo dục mới có hiệu lực

3. Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm con người.

Căn cứ vào đối tượng có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm con người theo quy định tại Điều 31 Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm thì một cá nhân hoặc tổ chức có thể bảo hiểm để quyền lợi của mình tránh bị ảnh hưởng từ việc rủi ro của người khác có liên quan trực tiếp tới quyền lợi đó thông qua một nghiệp vụ bảo hiểm con người. Ví dụ: Ông A vay tiền của Ông B, do môi trường làm việc của ông A có nhiều rủi ro, ông B có thể mua bảo hiểm Tai nạn cá nhân cho ông A, người được bảo hiểm là Ông A và người thụ hưởng bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra là Ông B, bởi vì nếu rủi ro xảy ra với ông A thì ông B sẽ bị mất quyền lợi của mình do Ông A có thể sẽ mất khả năng trả nợ từ rủi ro đó.

Bất cứ hợp đồng bảo hiểm nào bao gồm cả hợp đồng bảo hiểm con người đều dựa trên quyền lợi của người mua bảo hiểm. Điểm a, khoản 1, Điều 22 Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm quy định rằng hợp đồng bảo hiểm sẽ bị vô hiệu trong trường hợp “người mua bảo hiểm không có quyền lợi được bảo hiểm”. Tức là người mua bảo hiểm không có quyền lợi cần được bảo hiểm đối với đối tượng được bảo hiểm, khi có rủi ro xảy ra với đối tượng được bảo hiểm không ảnh hưởng tới quyền hoặc lợi ích của bên mua bảo hiểm – mục đích chính của việc bảo hiểm, điều này gần như là không có đối tượng để bảo hiểm và đương nhiên hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu. Đối với quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm con người, quyền lợi ở đây là các giá trị vật chất hoặc tinh thần mà khi có rủi ro xảy ra đối với tình mạng, sức khỏe…của người được bảo hiểm sẽ gây ra những tổn thất nhất định cho bên mua bảo hiểm.

Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:

Công ty Luật TNHH Bạch Long

Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0975.866.929

Email: 

Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.