Thực trạng mua sắm tài sản công

Đổi mới quản lý tài sản công gắn với đấu tranh phòng chống “nhóm trục lợi” ở nước ta: Thực trạng và giải pháp

Ngày phát hành: 22/02/2022 Lượt xem 1293

Thực trạng mua sắm tài sản công

Tài sản công là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia; đây là nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhà nước là chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) và thống nhất quản lý đối với tài sản công. Trong những năm qua, Việt Nam từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng lãng phí, trục lợi, chiếm đoạt tài sản công đặt ra những vấn đề cần tiếp tục đổi mới quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần thực hiện phòng, chống tham nhũng nói chung, hành vi trục lợi nói riêng trong quản lý, sử dụng tài sản công.

1. Thực trạng quản lý tài sản công

Tài sản công là một bộ phận quan trọng trong tổng nguồn của cải của mỗi quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 tài sản cônglà tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm:

+ Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

+ Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

+ Tài sản công tại doanh nghiệp;

+ Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách,dự trữ ngoại hối nhà nước;

+ Đất đai và các loại tài nguyên khác.

Thực tế từ sau khi ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thay thế cho Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, việc quản lý tài sản công có nhiều tiến bộ mang tính bao trùm hơn. Điều này gắn liền với sự mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, không chỉ là quản lý tài sản trong đơn vị sự nghiệp mà bao trùm tới tất cả các loại tài sản công. Luật cũng quy định các hình thức, phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản côngkhá cụ thể bao gồm:giao quyền sử dụng tài sản; cấp quyền khai thác tài sản; cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản; góp vốn, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước; bán, thanh lý tài sản; các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý tài sản công không chỉ trách nhiệm của Nhà nước, mà có sự tham gia giám sát của cộng đồng. Việc xử lý các vi phạm trong quản lý tài sản công gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Có sự phân quyền cụ thể và phù hợp hơn với các chủ thể trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công.

Cùng với Luật quản lý, sử dụng tài sản công, các quy định của Hiến pháp, Luật đất đai và các Nghị định và Thông tư của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành cụ thể đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công trong những năm vừa qua. Công tác quản lý tài sản công khu vực hành chính, sự nghiệp, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia; tài sản là đất đai, tài nguyên thiên nhiên và tài sản tịch thu sung công quỹ… đã được quản lý chặt chẽ, minh bạch. Đến nay tất cả các tỉnh, thành trong toàn quốc đã ban hành quy định về phân cấp cho cơ quan tài chính các cấp và đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, tạo sự chủ động cho các đơn vị có điều kiện khai thác nguồn lực tài sản được giao và sử dụng tài sản có hiệu quả, tiết kiệm.

Việc quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng có hiệu quả, góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, xử lý trụ sở làm việc ở các bộ, ngành có đầu tư xây dựng trụ sở mới; tổ chức sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, tập trung kiểm tra, phê duyệt phương án sắp xếp nhà, đất của các doanh nghiệp phục vụ cổ phần hóa…Vì vậy hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản công tăng lên, tính trung bình thu từ nhà, đất hàng năm đóng góp khoảng 12% tổng thu ngân sách nhà nước, góp phần bảo đảm cân đối ngân sách trung ương cũng như ngân sách của các cấp chính quyền địa phương.

Công tác quản lý, thu hồi tài sản công bị thất thoát, chiếm dụng cũng có nhiều tiến bộ, góp phần nâng tỷ lệ thu hồi tài sản công. Từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2020, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã thu hồi được 18.23 9.211triệu đồng/33.429.125 triệu đồng, đạt 55% tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng. Trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi, đến giai đoạn 2013-2020 trung bình đạt hơn 26%[1].

Thực trạng mua sắm tài sản công

2. Hành vi trục lợi trong quản lý, sử dụng tài sản công

Trục lợi (tiếng Anh: Rent Seeking) trong kinh tế học là hành vi cá nhân hoặc một tổ chức giành lợi ích kinh tế từ người khác mà không tạo ra bất kỳ giá trị đối ứng nào. Trục lợi dẫn tới suy giảm hiệu quả kinh tế do phân bổ tài nguyên kém hiệu quả, quốc khố thất thoát, gia tăng bất công xã hội.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, trục lợi là một hành vi của tham nhũng. Trục lợi được hiểu là kiếm lợi ích một cách không chính đáng. Điều 2 của Luật ghi rõ một trong những hành vi của tham nhũng là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Trục lợi có khi là hành vi của cá nhân hoặc của một nhóm cấu kết với nhau. Nhóm trục lợi là nhóm lợi dụng vị thế, quyền lực, quan hệ để kiếm lợi không chính đáng cho các thành viên và vì vậy làm tổn hại đến lợi ích chung.

Quản lý tài sản công trong những năm vừa qua từ sau khi ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, bên cạnh một số kết quả đáng khích lệ như trên, tình trạng lợi dụng sơ hở pháp luật, cũng như lợi dụng chức vụ quyền hạn, cấu kết gây ảnh hưởng, chiếm dụng, tham ô tài sản công vẫn còn biểu hiện khá phức tạp. Có thể thấy những biểu hiện cụ thể hành vi trục lợi trong quản lý tài sản công khá đa dạng và tinh vi.

Thứ nhất, trục lợi qua ban hành chính sách trong quản lý tài sản công. Trục lợi trong ban hành chính sách là việc lạm dụng quyền hoặc gây tác động ban hành chính sách và đánh giá chính sách để phục vụ lợi ích của cá nhân hoặc phe nhóm. Đây là một hành vi tham nhũng, trục lợi đặc biệt, nó tạo ra hành lang pháp lý cho việc trục lợi trong một thời gian dài. Đó là tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân mình, nhóm mình, móc nối, gây ảnh hưởng với những người thiết kế chính sách, những người ra quyết định để đưa ra chính sách, quy định có lợi cho họ, tác động xấu đến lợi ích chung. Thực tế, quá trình ban hành chính sách của ta khá chặt chẽ, nên hành vi trục lợi qua ban hành chính sách chủ yếu ở khâu ban hành văn bản dưới Luật, như các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành luật.

Thứ hai, trục lợi trong quá trình triển khai thực thi chính sách. Đó chính là việc cố tình chậm chễ trong việc đưa chính sách vào cuộc sống, hoặc là những hành vi cấu kết cố tình làm sai các quy định. Chẳng hạn chính sách quy định tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản công, nhưng chậm vận dụng sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản; hay trong thực tế việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn định mức, chế độ sử dụng trụ sở làm việc không nghiêm, gây lãng phí; sử dụng nhà đất không đúng quy định hoặc sử dụng đất được giao làm trụ sở để cho thuê không đúng mục đích với giá cả thỏa thuận. Thực tế qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua đã phát hiện một số trường hợp quyết định bán, chuyển nhượng tài sản chưa đúng thẩm quyền, hình thức xửlý, việc xác định giá bán chưa phù hợp với quy định, gây thất thoát, lãng phí. Đáng chú ý, là các hành vi “bắt tay ngầm” giữa một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, người đứng đầu thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp trong hoạt động đấu thầu, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm thu lợi bất chính.

Thứ ba, trục lợi trong quản lý hành chính công. Những người được giao quyền đã sử dụng quyền lực hành chính, trình tự thủ tục hành chính để gây khó khăn cho công dân hoặc tổ chức nhằm trục lợi cho bản thân. Chẳng hạn theo quy định của Luật phải công khai, minh bạch thông tin đấu giá, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, lợi dụng quyền hạn được giao, một số tổ chức đấu giá tài sản không đăng hoặc đăng thông báo công khai không đúng quy định trênCổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, buông lỏng trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản làm ảnh hưởng tính công bằng, trung thực trong đấu thầu, gây bất lợi cho tổ chức và người dân nhằm đem lại cơ hội cho phe nhóm.

Thứ tư, trục lợi trong thu hồi tài sản công. Thực tế cho thấy công tác thu hồi tài sản, tổng số tiền thu hồi trong tất cả các giai đoạn trước khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đạt tỷ lệ thấp so với số lượng tài sản bị thất thoát. Nguyên nhân khách quan là pháp luật về quản lý tài sản cá nhân, tổ chức còn chưa toàn diện và các quy định pháp luật về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát còn nhiều bất cập, chưa cụ thể. Bên cạnh đó nguyên nhân chủ quan cũng rất quan trọng, đó là sự thiếu tích cực và quyết liệt, thậm chí là sự cấu kết với người tham nhũng, trục lợi che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản chiếm đoạt, đặc biệt là tẩu tán tài sản ra nước ngoài dẫn đến khó khăn cho việc truy vết và thu hồi tài sản, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Thứ năm, hành vi trục lợi thường là lợidụng và lạm dụng quyền lực, cả quyền lực kinh tế và quyền lực hành chính, kể cả "mua quan bán chức" để kiếm lợi bất chính. Các hoạt động này diễn ra ngấm ngầm, làm băng hoại đạo đức và kỷ cương xã hội. Để trục lợi, các các nhân hoặc nhóm trục lợi thường lợi dụng sự chênh lệch giá cả thị trường và giá cả nhà nước quy định có tính định hướng để đầu cơ, làm sai lệch mục tiêu định giá của nhà nước và gây thiệt hại cho cộng đồng và chiếm đoạt khoản chênh lệch. Nguy hại hơn là các hoạt động này thường lợi dụng sự bất cập, chưa hoàn thiện của hệ thống thể chế và hạn chế, yếu kém trong năng lực quản lý của đội ngũ công chức và của hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước để kiếm lợi bất minh. Hành vi trục lợi không chỉ ở các cá nhân biến chất, suy thoái, mà chúng cấu kết, liên kết tạo thành nhóm, thậm chí tổ chức liên kết những phân tử có động cơ vụ lợi, trục lợi hoạt động ngầm, dưới hình thức tổ chức phi chính thức.

Thực trạng mua sắm tài sản công

3. Nguyên nhân của tình trạng trục lợi trong quản lý, sử dụng tài sản công

Trục lợi trong quản lý, sử dụng tài sản công nảy sinh từ nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

- Về nguyên nhân khách quan:

+ Trục lợi là một hành vi của tham nhũng, là hiện tượng kinh tế - xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước. Sự phát triển của các hình thái Nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chính trị tạo ra tiền đề khách quan cho hành vi trục lợi nảy sinh, gia tăng. Nguồn gốc sâu xa của trục lợi, tham nhũng là sự tha hóa quyền lực. Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước trước hết đại diện cho quyền lực của một giai cấp nhất định, có chức năng điều hòa những lợi ích của các giai cấp khác nhau. Quyền lực của Nhà nước khi được trao cho những con người cụ thể, những người đại diện cho Nhà nước thực thi quyền lực công, nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ sẽ dẫn tới sự lợi dụng, lạm dụng quyền lực công phục vụ cho nhu cầu cá nhân hoặc phe nhóm. Đó chính là cơ sở nảy sinh trục lợi, tham nhũng trong xã hội. Trong các nền kinh tế kém phát triển với hệ thống quản lý kinh tế còn yếu kém, tình trạng trục lợi, tham nhũng vì vậy cũng có chiều hướng phức tạp hơn so với các nước phát triển có hệ thống luật lệ chặt chẽ, trình độ dân trí cao.

+ Tác động mặt trái cơ chế thị trường làm nảy sinh và có xu hướng gia tăng các hành vi trục lợi nếu như không có cơ chế, quy định giám sát, ràng buộc hiệu quả trong quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực công. Bản chất hoạt động cơ chế thị trường là theo đuổi, tối đa hóa lợi nhuận. Cơ chế thị trường có những khuyết tật như cạnh tranh vô tổ chức, độc quyền, gây ra phân hóa giàu nghèo, hủy hoại môi trường. Các chủ thể trên thị trường thường tìm kiếm mọi cách thức để gia tăng cơ hội kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận, trong đó có cả phương thức lợi dụng, lách kẻ hở của pháp luật, gây tác động đến người có quyền quyết định, nhất là trong phân bổ các nguồn lực để trục lợi.

+ Môi trường xã hội, thói quen trong ứng xử giao tiếp là nhân tố tác động không nhỏ đến các hành vi trục lợi trong quản lý, sử dụng tài sản công. Với cơ chế quản lý hành chính quan liêu của cơ chế cũ tạo ra tập quán, "cha chung không ai khóc", làm cho việc quản lý, sử dụng tài sản công thiếu hiệu quả, tình trạng lợi dụng và tham ô của công thường nảy sinh khi thiếu sự giám sát, quản lý. Vì vậy bên cạnh việc ban hành luật lệ, rất cần tuyên truyền giáo dục làm thay đổi thói quen, nâng cao dân trí và ý thức tôn trọng pháp luật trong thực thi công vụ.

- Về nguyên nhân chủ quan:

+ Hệ thống thể chế, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nhất quán tạo kẽ hở cho những người có chức vụ, quyền hạn, điều kiện để lách luật trục lợi, làm giàu bất chính. Họ thường lợi dụng các kẽ hở để vận dụng có lợi cho cá nhân hoặc nhóm thân hữu. Ví dụ cụ thể như hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với một số loại tài sản hoặc lĩnh vực còn thiếu các văn bản để điều chỉnh làm cơ sở tổ chức thực hiện như: các văn bản quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng kỹ thuật…; hay các quy định trong quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do các công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ...Đây là những mảnh đất cho các hoạt động trục lợi nảy sinh.

+ Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý tạo điều kiện cho một số cán bộ, công chức nhà nước sách nhiễu, ăn hối lộ của người dân, doanh nghiệp[2]. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, đầy đủ, kịp thời. Mặc dù, thời gian gần đây công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công từng bước được chú trọng, tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức, thường xuyên nên việc phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công còn hạn chế, xảy ra một số vụ vi phạm kéo dài dẫn đến việc khắc phục và xử lý các hậu quả rất khó khăn, phức tạp.

+ Cơ chế xin cho trong khu vực công là “mảnh đất màu mỡ” của trụ lợi, tham nhũng. Việt Nam đã chuyển sang kinh tế thị trường, tuy nhiên trong nhiều quan hệ, nhất là trong phân bổ nguồn lực và triển khai các dự án từ nguồn đầu tư công vẫn chưa được thị trường hóa, tình trạng xin - cho vẫn còn tồn tại. Trong cơ chế xin – cho quan hệ thân hữu luôn được coi trọng, đây chính là một trong những nguyên nhân đẻ ra các hành vi trục lợi trong quản lý, sử dụng tài sản công.

+ Nhận thức trong tuân thủ pháp luật của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế, trong đó có cả những người có chức, có quyền. Chính do vậy, vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung, lợi ích tập thể để trục lợi, làm giàu bất chính cho bản thân, gia đình, họ hàng mình; nhất là trong điều kiện có biến động về xã hội, kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức của đội ngũ công chức. Thực tiễn trong quá trình phòng chống dịch Covid 19 vừa qua cho thấy, không ít cán bộ có chức có quyền đã lợi dụng cơ chế, thiếu ý thức pháp luật, làm sai, trục lợi, gây hậu quả nghiêm trọng với xã hội và ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền.

+ Chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức chưa thỏa đáng là một nguyên nhân của tình trạng trục lợi, tham nhũng trong thi hành công vụ. Một khi cán bộ, công chức Nhà nước chưa thể sống bằng tiền lương từ chính công việc của mình thì thường họ sẽ tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập từ chính công việc, chức vụ được giao, có thể từ những tham nhũng vặt, đến trục lợi và tham ô, chiếm đoạt tài sản công.

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công gắn với phòng chống hành vi trục lợi

Thứ nhất, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nhằm nâng cao nhận thức, trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cho đội ngũ cán bộ công chức cơ quan quản lý nhà nước về tài sản công, các cơ quan thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với tài sản công, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp được giao quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ tài sản công đối với các cá nhân trong xã hội sẽ góp phần vào giám sát, phòng chống các hành vi trục lợi.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để khắc phục những lỗ hổng pháp lý, đồng thờibảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các luật: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, Luật Nhà ở... Cụ thể như sửa đổi, bổ sung quy định về phương pháp xác định giá đất để thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; bổ sung quy định về đấu thầu khi sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết... Theo nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay cần có các quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa trong việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp tài sản công của Bộ, ngành, địa phương mình sát hợp, kịp thời, ví dụ như: tình trạng thừa xe công như kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại một số bộ ngành, địa phương vừa qua hay việc xử lý di dời các trụ sở bộ ngành, sử dụng đất công, tài sản trên đất... kể cả việc quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Thứ ba, đi liền hoàn thiện các quy định pháp lý là việc quyết liệt trong triển khai trong thực hiện các chính sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, công khai, minh bạch. Kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới; quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nhằm tạo niềm tin trong nhân dân, đồng thời góp phần bổ sung ngân sách. Đẩy nhanh, hoàn thành việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện và tránh hành vi lợi dụng trục lợi. Chúng ta có chủ trương đúng trong quản lý, sử dụng tài sản công vì mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, tuy nhiên điểm yếu là khâu triển khai biện pháp chính sách và đây là khâu dễ bị biến tướng, lợi dụng. Để thành công không thể không “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy.

Thứ tư, tăng cương công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý tài sản công. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán này phải được thực hiện ngay từ các khâu để phòng ngừa sai phạm; mở rộng công tác giám sát của cộng đồng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.Việc thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực thi chính sách, pháp luật sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả những hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi từ cơ chế để giữ nghiêm kỷ cương.

Thứ năm, tiếp tục cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính công điện tử, qua đó nâng cao hiệu quả công việc, bảo đảm tiền lương phù hợp, đủ sống cho đội ngũ cán bộ chuyên trách liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công. Cùng với đó tổ chức, xây dựng bộ máy quản lý tài sản công có tính chuyên nghiệp cao, gắn giao quyền với việc tăng cường trách nhiệm giải trình về hiệu quả sử dụng tài sản công, cũng như tăng cường các hệ thống thông tin quản lý và báo cáo tài sản công. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác quản lý tài sản công tại các Bộ, ngành Trung ương và địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Thứ sáu: Hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công. Nâng cấp cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công để quản lý tất cả các tài sản công được quy định tại Luật. Xây dựng hệ thống giao dịch về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản,..).

Tóm lại, các giải pháp tập trung tuyên truyền giáo dục, xây dựng hệ thống thể chế quy định và chế độ việc làm thu nhập phù hợp để người cán bộ công chức không có tư tưởng trụ lợi, không dám trục lợi và không thể trục lợi trong quản lý, sử dụng tài sản công.

PGS.TS. Vũ Văn Hà, HĐLLTƯ

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017

2. Hồng Hải: Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để từng bước thực hiện mục tiêu "không thể tham nhũng", https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202105/, ngày 5/5/2021

3. Phạm Công Khanh: Quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập – thực trạng và giải pháp, Quanlynhanuoc.vn, ngày 13/4/2021

4.Trần Thị Quang Hồng: Quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương trong chế độ sở hữu toàn dân ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 03+04 (427+428), tháng 2/2021.

5. Phan Hữu Nghị: Giao dịch điện tử về tài sản công: Công cụ nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, Tạp chí Tài chính kỳ2tháng 5/2021

6. Bùi Thị Thu Huyền: Thu hồi tài sản tham nhũng: Thực trạng và những vấn đề đặt ra. Ngày 31/8/2021, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202108/thu-hoi-tai-san-tham-n..



[1] Bùi Thị Thu Huyền: Thu hồi tài sản tham nhũng: Thực trạng và những vấn đề đặt ra. Ngày 31/8/2021, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202108/thu-hoi-tai-san-tham-n

[2] . Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm ngành Nội vụ sáng 2/7/2021, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, tầng nấc đầu mối bên trong. Các bộ và cơ quan ngang bộ cũng rất chồng chéo, tầng nấc.