Cục kỹ thuật hải quân tiếng anh là gì năm 2024

QĐND Online - Ra đời trong những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (6-5-1970), nửa thế kỷ qua, Cục Kỹ thuật (Quân chủng Hải quân) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu cho Đảng uỷ, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và trực tiếp chỉ đạo công tác kỹ thuật cho các nhiệm vụ của Quân chủng; đồng thời tích cực tham gia thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển đảo (TTBĐ) để lại những ấn tượng rất sâu sắc trong các tầng lớp cán bộ, nhân dân các địa phương.

Cục Kỹ thuật được Đảng ủy Quân chủng Hải quân phân công phối hợp TTBĐ với các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phú Yên, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, địa bàn thực hiện nhiệm vụ rộng trải dài từ Bắc vào Nam, đa số các địa phương đều không có biển. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Cục Kỹ thuật Hải quân đã biết tận dụng những cơ hội đó thành cơ hội rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng của người lính Hải quân trên mặt trận tuyên truyền.

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và lãnh đạo địa phương, Cục Kỹ thuật Hải quân đã phối hợp với Ban Tuyên giáo của các tỉnh để tìm hiểu và xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện sát thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền và điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của địa phương để công tác tuyên truyền đạt kết quả cao nhất.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy Cục, Phòng Chính trị Cục và các đơn vị trực thuộc đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, kịp thời bổ sung, cập nhật các thông tin mới, tổ chức biên soạn bộ đề cương TTBĐ cho các đối tượng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo các tỉnh thống nhất về nội dung, thời gian, cách thức cũng và cấp tài liệu tuyên truyền cho các địa phương.

Với phương châm “Trách nhiệm, tích cực, chủ động, thường xuyên, kịp thời”, những năm qua Cục Kỹ thuật Hải quân và các địa phương đã phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, thông tin biển, đảo bằng nhiều hình thức, biện pháp mới, sáng tạo; nội dung ngày càng phong phú, phù hợp với đối tượng và tình hình thực tiễn. Trong hơn 10 năm, Cục Kỹ thuật đã trực tiếp tuyên truyền được 415 buổi cho hơn 52.000 lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân các địa phương. Tổ chức tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực tại 12 trường Đại học, 91 trường THPT cho hơn 93.000 lượt học sinh, sinh viên.

Những buổi TTBĐ trực tiếp với hàng nghìn cán bộ, đảng viên, báo cáo viên và nhân dân địa phương tham gia đã trở thành một ngày hội giao lưu giữa bộ đội Hải quân với cán bộ, nhân dân địa phương. Qua hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho Nhân dân về vị trí, vai trò của biển đảo và chủ quyền biển đảo, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và những hoạt động trái phép của nước ngoài có âm mưu xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; kết quả đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Quân chủng Hải quân; những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ông Hoàng Văn Điền (Dân tộc Tày), xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng chia sẻ: Trước đây, ở một số địa phương, nhất là những địa bàn vùng sâu vùng xa như chúng tôi, người dân chỉ được nghe và nhìn thấy hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân qua Truyền hình. Từ ngày có sự phối kết hợp giữa Cục Kỹ thuật Hải quân, khi được tiếp xúc thường xuyên với bộ đội, bà con những địa bàn vùng cao (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số) cảm thấy thật sự tin tưởng vì được nghe chính những người lính giữ biển nói về biển đảo. Hình ảnh người lính Hải quân nói chung và Cục Kỹ thuật Hải quân nói riêng đã thực sự góp phần củng cố tạo thêm niềm tin cho Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Không chỉ nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Cục Kỹ thuật Hải quân còn để lại những tình cảm tốt đẹp bằng những việc làm tình nghĩa và thiết thực. Chia sẻ về những lần đi khảo sát thực tế địa bàn và thực hiện tuyên truyền của đơn vị, Đại tá Nguyễn Long Chuyên, Phó chủ nhiệm Chính trị Cục Kỹ thuật Hải quân cho biết, chứng kiến điều kiện sống, sinh hoạt, học tập và lao động của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, Cục Kỹ thuật Hải quân đã cùng chung tay góp sức từng bước tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Kỹ thuật Hải quân đã tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ; hỗ trợ xây 27 “Nhà tình nghĩa”; xây dựng công trình văn hóa xã hội, công trình tưởng niệm, công trình nông thôn mới, xây dựng 02 phòng học vi tính kèm toàn bộ trang thiết bị; tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho các cháu học sinh nghèo học giỏi, các gia đình chính sách, hộ nghèo; tặng quần áo, đồ dùng học tập, sinh hoạt cho các điểm trường khó khăn; thăm hỏi, tặng quà cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; tuyển dụng các đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ ở địa phương vào làm việc...

Có nhiều chuyến đi để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sĩ Hải quân và đồng bào như chuyến thăm, tặng quà các hộ gia đình khó khăn và các cháu học sinh nghèo học giỏi tại Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn. Quãng đường từ đơn vị đến xã Nam Mẫu gần 400 cây số, đặc biệt đoạn dẫn vào xã quanh co men sườn núi với nhiều khúc cua tay áo và được bao phủ trong màn sương mù. Đây là một trong những xã nghèo nhất của huyện Ba Bể với tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 là 47,2%, cá biệt, 2 bản Đán Mẩy và Nà Phại của đồng bào dân tộc H’Mông có tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 100%. Hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của xã rất hạn chế do nằm trong vùng lõi vườn quốc gia, quỹ đất eo hẹp, lại thường xuyên bị ngập úng. Đường sá đi lại hầu hết là đường đất, đường mòn đồi núi nên việc học tập của các cháu học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Để động viên chia sẻ những khó khăn, vất vả, chung sức nâng bước các em học sinh đến trường, Cục Kỹ thuật Hải quân đã trao tặng 40 suất quà cho các em học sinh gồm: Áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập và 500 đôi tất, 300 khăn quàng đỏ. Tặng chăn ấm, 400 bộ quần áo và các nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình nghèo của xã. Tặng áo ấm cho thầy cô và nhiều sách vở, bánh kẹo cho các điểm trường cắm bản. Những món quà đó tuy giá trị không lớn nhưng đó là sự quyên góp của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Cục Kỹ thuật để góp phần san sẻ bớt những khó khăn, thiếu thốn và động viên các thầy, cô giáo, các cháu học sinh và đồng bào, qua đó thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân và làm cho phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân ngày càng tỏa sáng.

Cũng trong chuỗi các hoạt động TTBĐ, Cục Kỹ thuật Hải quân đã phối hợp tổ chức các đoàn đại biểu của các tỉnh ra thăm, tặng quà động viên cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; các địa phương đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho “Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam” và ủng hộ bộ đội Hải quân. Những cuộc giao lưu văn nghệ - thể thao, vận động sáng tác văn học nghệ thuật, hội thảo khoa học, tham quan các đơn vị Hải quân; tham quan di tích lịch sử, truyền thống, bảo tàng... đều để lại nhiều ý nghĩa, tình cảm và ấn tượng tốt đẹp, như lời một số lãnh đạo địa phương đã khẳng định “Các đồng chí Cục Kỹ thuật Hải quân đã đem biển, đảo đến gần hơn với đồng bào các dân tộc”.

Đại tá Ngô Văn Thành, Chính ủy Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân cho biết: Năm 2021, là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp; là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; tình hình dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, bão lũ, hạn hán dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân phối hợp với các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”; nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trước hết là Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2021; bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đảng ủy Quân chủng Hải quân và các Tỉnh ủy, Thành ủy về nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo. Quá trình thực hiện luôn quán triệt và chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động thông tin tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng và các địa phương.

Bám sát nhiệm vụ chính trị, lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp; chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, nhất là những diễn biến mới trên biển, đảo bảo đảm các nội dung tuyên truyền sâu sắc, đúng định hướng. Trước hết, cần tập trung tuyên truyền cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; những diễn biến mới về tình hình Biển Đông; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; kết quả đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, hoạt động tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ nhân dân của lực lượng Hải quân; tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QPAN của địa phương, các phong trào, các cuộc vận động hướng về biển, đảo… nhằm giáo dục bồi đắp tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Thường xuyên đổi mới đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền biển, đảo bằng nhiều hình thức sinh động, bám sát thực tiễn; tăng cường hình thức tuyên truyền trực tuyến, tích cực khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin. Kết hợp tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua báo chí, trên intenet, mạng xã hội. Đẩy mạnh chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Tổ chức các hoạt động triển lãm về biển, đảo; thăm quan di tích lịch sử, truyền thống; giao lưu VHVN, TDTT; các hoạt động chính sách, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình trường học trên địa bàn, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết quân dân.

Thường xuyên quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về biển, đảo cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên các cấp; phối hợp tổ chức các nội dung tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về thông tin đối ngoại và tuyên truyền biển đảo gắn với tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ báo cáo viên, phóng viên các báo, đài, các nghệ sỹ để công tác tuyên truyền và thâm nhập, sáng tác về biển đảo và bộ đội Hải quân có chiều sâu và đạt hiệu quả cao.

Cục Kỹ thuật và Ban Tuyên giáo các địa phương trong thời gian tới tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất; đẩy mạnh việc phối hợp, hiệp đồng; triển khai đồng bộ, chặt chẽ các hoạt động tuyên truyền theo chương trình, kế hoạch đã ký kết. Thường xuyên trao đổi, bàn bạc chặt chẽ, thống nhất giữa đơn vị với địa phương; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích và kịp thời tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Có thể khẳng định rằng, bằng những việc làm hiệu quả thiết thực, công tác TTBĐ của Cục Kỹ thuật Hải quân đã góp phần giáo dục bồi đắp cho quân, dân tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu đó ngày một lan tỏa rộng hơn, sâu đậm hơn, kết thành sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.