Thông tư 20 2023 đánh giá học sinh năm 2024

  1. Trang chủ
  2. Văn bản
  3. 20/2023/TT-BGDĐT

Lê Trọng Trường 16/11/2023 Lượt xem: 295 Lượt tải: 38


Thông tin Nội dung Số ký hiệu Ngày ban hành 30/10/2023 Loại văn bản Thông tư, Trích yếu Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo duc phổ thông và các trường chuyên biệt công lập Xem văn bản Xem Online Tải về

GD&TĐ - Quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên và điều chỉnh định mức giáo viên/học sinh nhận được nhiều phản hồi...

Thông tư 20 2023 đánh giá học sinh năm 2024

Thầy trò Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Ảnh: NVCC

Quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên và điều chỉnh định mức giáo viên/học sinh nhận được nhiều phản hồi tích cực của địa phương, cơ sở giáo dục. Quy định này sát với thực tiễn, phù hợp điều kiện từng vùng và không còn tình trạng “cào bằng” định mức giáo viên.

Phù hợp thực tiễn

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT “Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt công lập” (Thông tư 20). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/12/2023 và thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Một trong những điểm mới của Thông tư 20 là quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên. Bên cạnh đó, Thông tư quy định số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Tán thành quy định nêu trên, thầy Nguyễn Bá Tứ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đường Thượng (Yên Minh, Hà Giang) viện dẫn, theo Thông tư 20, quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên như sau: Vùng 1 gồm các xã khu vực II, khu vực III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;

Vùng 2 gồm các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vùng 3 là các phường, thị trấn thuộc khu vực I theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại.

Thông tư 20 cũng quy định số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông. Cụ thể, Vùng 1: Bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Vùng 2: Bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; 40 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Vùng 3: Bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Việc xác định số lượng học sinh/lớp được tính cụ thể theo từng cơ sở giáo dục, không xác định theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh.

Theo thầy Nguyễn Bá Tứ, cách tính như trên phù hợp thực tiễn khách quan, thực tế tại các địa phương, cơ sở giáo dục; tránh tình trạng “cào bằng” về định mức giáo viên giữa các vùng miền. “Trước đây, có nơi sĩ số 50 – 60 em/lớp cũng giống nơi có 15 - 20 em/lớp. Điều này dẫn đến bất cập, không công bằng giữa các vùng, miền cả nước vì cách tính định mức chưa sát với thực tế”, thầy Nguyễn Bá Tứ trao đổi.

Nhấn mạnh, việc điều chỉnh định mức giáo viên/học sinh và quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên đảm bảo phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, thầy Nguyễn Bá Tứ nhìn nhận, quy định này tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục trong việc bố trí giáo viên giảng dạy; trên hết là học sinh - người được hưởng lợi.

Thông tư 20 2023 đánh giá học sinh năm 2024

Một lớp học của Trường Tiểu học Đường Thượng (Yên Minh, Hà Giang). Ảnh: NVCC

Giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Phúc Lộc – Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho hay, thực tế nhiều cơ sở giáo dục có sĩ số học sinh vượt chuẩn khá cao (50 - 60 học sinh/lớp). Tuy nhiên, có trường học sĩ số chưa đạt chuẩn.

Thực tế này dẫn đến một số giáo viên thiếu nhiệt huyết, học sinh chịu thiệt thòi khi phải học trong lớp “quá tải”. Với giáo viên dạy lớp học có sĩ số học sinh ít sẽ nhàn hơn nhưng quyền lợi không thay đổi. Điều này dẫn đến bất cập, thiếu công bằng giữa giáo viên dạy lớp đông và ít học sinh. “Tôi tin, những bất cập này sẽ chấm dứt khi Thông tư 20 có hiệu lực”, thầy Nguyễn Phúc Lộc bày tỏ.

Theo thầy Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng, Thông tư 20 quy định, trường THCS được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp là có cơ sở khoa học và hợp tình, hợp lý với thực tiễn. Việc điều chỉnh định mức giáo viên/học sinh hướng tới phù hợp điều kiện vùng, miền. Quy định này cũng làm cơ sở để các địa phương thống nhất chỉ tiêu biên chế, từng bước khắc phục thừa/thiếu giáo viên của ngành Giáo dục thời gian qua.

“Thông tư 20 khá “mở” và linh hoạt” - thầy Nguyễn Phúc Lộc nhận xét, đồng thời viện dẫn: Giả sử địa phương chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất nên buộc phải dồn lớp để giảng dạy. Khi đó, sĩ số lớp học sẽ tăng cao. Nếu lớp học quá đông học sinh, nhà trường có thể linh động bố trí 2 giáo viên giảng dạy. Việc này sẽ giải quyết được bất cập về phòng học, giảm áp lực công việc cho giáo viên mà chất lượng giáo dục không ảnh hưởng.

Từ góc độ quản lý, ông Đặng Hữu Dương - Trưởng phòng GD&ĐT Bạch Thông (Bắc Kạn) cho rằng, Thông tư 20 đã tháo gỡ nhiều bất cập; trên hết giải quyết được bài toàn thừa thiếu giáo viên cho các địa phương. Theo Thông tư này, cách tính định mức giáo viên không còn bị “vênh” giữa chính sách với thực tế, bởi các quy định đều bám sát và xuất phát từ thực tiễn.

Ngoài ra, Thông tư 20 khá mở và trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương. “Cụ thể, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các đơn vị cấp xã theo từng vùng làm căn cứ để tính định mức giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Đối với trường hợp đặc biệt phải bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hoặc cao hơn so mức bình quân theo vùng quy định thì UBND cấp tỉnh quyết định định mức số lượng học sinh/lớp phù hợp với thực tế”, ông Đặng Hữu Dương viện dẫn.

Tán thành với quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên, song ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang băn khoăn, những trường có nhiều khu lẻ sẽ thiệt thòi hơn. Chẳng hạn, 1 trường, khối 5 có 60 học sinh ở 3 khu lẻ khác nhau và mỗi khu có 20 học sinh. Tuy nhiên, trường vẫn phải bố trí 3 lớp học.