Cách làm bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí

Bản để in

Cách làm bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí

1. ĐỀ TÀI

  • Đề tài nghị luận về một tư tưởng , đạo lí thường là quan điểm về đạo đức, lẽ sống, về văn hóa, tín ngưỡng, phương pháp tư tưởng,
  • Với học sinh THCS, những vấn đề chung này bao gồm các nội dung vô cùng phong phú:

- Về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống,);

- Về tâm hồn, phẩm chất, tính cách (lòng yêu nước, nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi,);

- Về các quan hệ gia đình (tình mẫu tử, tình anh em,);

- Về quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn,)

- Về cách ứng xử, những hành động của mỗi người trong cuộc sống,

2.CÁCH TRIỂN KHAI

  • Bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí đi từ phân tích, giải thích một tư tưởng khái quát mà soi sáng vào cuộc sống, nhằm khẳng định tư tưởng đó quan trọng đối với đời sống con người như thế nào.
  • Đề bài thường yêu cầu làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích, để chỉ ra chỗ đúng (hoặc chỗ sai) của tư tưởng ấy nhằm khẳng định quan niệm của người viết. Vì vậy, các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng trong kiểu bài này là: giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh, bình luận.

3.YÊU CẦU

  • Để đánh giá vấn đề tư tưởng, đạo lí một cách chính xác, khách quan, toàn diện, người viết phải dựa trên những căn cứ là quan niệm đạo đức truyền thống của dân tộc, những lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng để xem xét, giải quyết. Trong quá trình bàn bạc, cần so sánh, mở rộng vấn đề dựa trên thực tế đời sống, sự hiểu biết cá nhân, thử giả định nếu trái ngược lại Khi đánh giá vấn đề cần chú ý tính chân thực, tính thời đại và tính nhân văn.
  • Bài văn nghị luận nói chung, nghị luận về tư tưởng, đạo lí nói riêng cần phải có luận điểm rõ ràng; luận cứ cụ thể, thuyết phục, lập luận chặt chẽ, xác đáng.
  • Quá trình nghị luận về một tư tưởng, đạo lí luôn cần trả lời câu hỏi: thực tế lịch sử, thực tiễn đời sống đã chứng tỏ vấn đề đó như thế nào? Mình nên chọn dẫn chứng nào để làm sáng tỏ vấn đề ấy một cách sát hợp, hiệu quả nhất? (Các số liệu, sự kiện và nhân vật lịch sử, những câu chuyện thường ngày trong xã hội và quanh ta) Những ví dụ càng cụ thể, sinh động, sức thuyết phục càng lớn.

4.CÁC DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ

  • Căn cứ vào đề tài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, có thể hệ thống thành một số dạng đề như sau:

- Dạng 1: Nghị luận về quan điểm đạo đức, lối sống.

Để làm dạng đề này, học sinh cần có những hiểu biết phong phú về các lĩnh vực xã hội đồng thời mạnh dạn trình bày những suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân. Người viết cần tiến hành các bước giải thích, phân tích, bàn bạc về vấn đề.

Ví dụ: Dân tộc ta có truyền thống về lối sống tôn sư trọng đạo. Theo em, truyền thống ấy được tiếp nối như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay.

* Lưu ý: Nên dựa vào các câu hỏi để lập dàn ý như sau: Vấn đề mà ý kiến nêu ra thuộc lĩnh vực nào? Ý nghĩa sâu sắc, mới mẻ của quan niệm, ý kiến này là gì? Vấn đề nghị luận có vai trò như thế nào trong việc nâng cao nhận thức và hành động?

-Dạng 2: Nghị luận về phương pháp tư tưởng

Dạng đề bàn về phương pháp tư tưởng ngoài việc huy động, vận dụng vốn kiến thức xã hội còn nhằm rèn luyện tư duy logic cho học sinh.

Ví dụ: Em có suy nghĩ như thế nào về quan niệm "Sống không có mục đích khác nào con thuyền lênh đênh ngoài biển khơi mà không có la bàn" (J.Ruskin)

* Lưu ý: Học sinh cần giải thích vấn đề một các cặn kẽ, thấu đáo (giải thích các từ ngữ, các khái niệm, rút ra ý khái quát,) để định hướng cho việc xây dựng hệ thống luận điểm, luận cứ. Phần liên hệ, mở rộng nên chú ý tới tính thực tiễn của vấn đề, cũng như bài học cụ thể mà người viết có được sau khi nhận thức vấn đề.

  • Căn cứ vào hình thức của đề có thể chia ra:

- Dạng 1: Vấn đề nghị luận đưa ra trực tiếp

Ví dụ: Suy nghĩ của em về lòng tự trọng.

- Dạng 2: Vấn đề nghị luận nằm trong một câu nói, một ý kiến, một câu thơ, bài thơ, câu chuyện.

Ví dụ: Em có suy nghĩ gì về ý kiến: "Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa". (Theo sách Dám thành công, nhiều tác giả, Nxb Trẻ, 2008, tr.90)

  • Căn cứ vào hình thức yêu cầu bài làm:

- Dạng 1:Viết đoạn văn (giới hạn số chữ, số câu, số trang)

- Dạng 2:Viết bài văn (có giới hạn số trang).

5.CẤU TRÚC BÀI LÀM VÀ CÁCH LÀM BÀI

Nội dung- Thao tác

Mã hóa câu hỏi

Giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần bàn luận; trính dẫn ý kiến hoặc quan điểm (nếu đề đưa ra ý kiến, nhận định)

Vấn đề nghị luận ở đây là gì? Nằm ở đâu?

Giải thích, nêu nội dung các vấn đề cần bình luận

  • Giải thích khái niệm/ từ ngữ / hình ảnh? => . là gì?
  • Giải thích ý nghĩa của cả câu nói/ ý kiến. => Nói như thế nghĩa là thế nào?
  • Câu nói đề cập đến vấn đề tư tưởng đạo lý gì? (Lời khuyên? Nhắc nhở? Định hướng gì?....)

Bình luận: Đánh giá vấn đề, luận giải bằng lí lẽ và dẫn chứng.

  • Vấn đề này Đúng hay Sai? Nên hay không nên?
  • Đúng/ Sai ở chỗ nào? Tại sao?
  • Đưa dẫn chứng chứng minh.
  • Sử dụng cách lập luận: nêu giả thiết, so sánh, phản đề

Liên hệ thực tế xã hội, liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động.

  • Vấn đề nghị luận ở đây giúp em nhận thức được điều gì?
  • Em sẽ hành động ra sao? ( Rèn luyện? bày tỏ thái độ?...)

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị, sức sống của quan niệm, ý kiến nêu trong đề bài.

Vấn đề tư tưởng đạo lý ở đây có ý nghĩa như thế nào với chúng ta hôm nay và trong tương lai?


Thẻ từ khoá:
  • tư tưởng đạo lí
  • nhận thức
  • tâm hồn
  • phẩm chất
  • tính cách
  • quan hệ gia đình
  • quan hệ xã hội
  • ứng xử
  • đạo đức
  • lối sống