Thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đã buộc Pháp

07:08, 03/10/2017

Đại tá, TS Nguyễn Hoàng Nhiên-

Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Thắng lợi Việt Bắc Thu- Đông 1947 đã đặt dấu mốc quan trọng, tác động đến tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với chiến thắng này, quân và dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến phát triển sang giai đoạn mới; buộc kẻ xâm lược phải chấp nhận cuộc chiến tranh kéo dài, ngày càng lún sâu vào bị động và đi đến thất bại hoàn toàn.

Sự kiện lịch sử này là đề tài thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước; đã có nhiều công trình, các bài nghiên cứu đề cập đến nhiều khía cạnh, góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung, nhiều vấn đề liên quan. Tuy nhiên, với độ lùi của thời gian và với những tư liệu mới được khai thác, cũng như với quan điểm và cách tiếp cận mới cho phép chúng ta tiếp tục nghiên cứu một cách cặn kẽ, đầy đủ, sâu sắc hơn, nhất là về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị của chiến thắng, nhằm tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm, bài học lịch sử vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 – Giá trị lịch sử và hiện thực”

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được trên 80 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Tỉnh uỷ và Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc,…; các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội,… Các tham luận đã phản ánh khá toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn về các vấn đề liên quan đến Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947; trong đó tập trung vào ý nghĩa, giá trị và kinh nghiệm lịch sử của sự kiện lịch sử này đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói riêng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung, cũng như rút ra bài học cho công cuộc xây dựng và và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, đi sâu nghiên cứu theo từng vấn đề cụ thể, trong hệ đề tài được xác định, nhưng tựu trung lại đã làm sáng tỏ, đầy đủ hơn trên những nội dung chủ yếu sau:

Một là, âm mưu của thực dân Pháp, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước và trong thời gian diễn ra chiến dịch.

Nhiều tham luận đã trình bày tình hình đất nước nói chung và Việt Bắc nói riêng từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến đến trước cuộc tiến công của thực dân Pháp. Đó là giai đoạn quân và dân ta đang ra sức củng cố tiềm lực và thế trận, xây dựng hậu phương - căn cứ địa, phát triển lực lượng vũ trang sẵn sàng đối phó với các hành động quân sự của địch.

Cùng với đó các tham luận tập trung phân tích âm mưu, kế hoạch chiến lược của thực dân Pháp, nhằm thực hiện đòn tiến công quân sự có tính chất quyết định hòng nhanh chóng kết thúc chiến tranh, cụ thể là kế hoạch tiến công lên Việt Bắc với mục tiêu chụp bắt cơ quan lãnh đạo kháng chiến, đánh quỵ chủ lực ta, phá huỷ căn cứ địa và tiềm lực của cuộc kháng chiến, phong tỏa biên giới Việt - Trung, lấy thắng lợi quân sự để thực hiện mưu mô lập chính quyền thân Pháp, áp đặt lại ách cai trị lên đất nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta đã tích cực chuẩn bị đối phó với âm mưu và hành động của địch, thông qua chủ trương, kế hoạch của các hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3, lần thứ 4, qua các chỉ thị của Trung ương Đảng,… Các tham luận cũng tập trung phân tích nguyên nhân của những dự báo chưa sát, chưa đúng thời điểm và hướng tiến công của thực dân Pháp, nên đã có những lúng túng bất ngờ khi địch tấn công lên Việt Bắc và coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.

Bằng phương pháp tiếp cận và từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, các tham luận đã khẳng định và làm rõ thêm sự lãnh đạo sáng suốt, chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng Chỉ huy - khẳng định đây là nhân tố quyết định để quân và dân ta sớm giành lại thế chủ động, tổ chức thế trận, bố trí binh lực, từng bước đánh bại cuộc hành quân đại quy mô và đầy tham vọng của thực dân Pháp.

Hai là, vai trò của các lực lượng vũ trang, của đồng bào các dân tộc, các mặt trận trên địa bàn diễn ra chiến dịch và sự phối hợp của các chiến trường trong cả nước, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, huy động được sức mạnh toàn dân để tiến hành phản công thắng lợi.

Kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả đã làm rõ những đóng góp của quân và dân các tỉnh, các chiến trường, các binh chủng, các lực lượng vũ trang,… qua đó toát lên thế trận của cuộc chiến tranh nhân dân, sức mạnh toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang giữ vai trò nòng cốt đã được triển khai vững chắc, rộng khắp trên khắp các tỉnh, huyện trên địa bàn Việt Bắc cũng như cả nước - tạo nên yếu tố quan trọng để đánh bại cuộc tiến công của thực dân Pháp; khẳng định ý chí chiến đấu kiên cường, sáng tạo, tinh thần anh dũng hy sinh của quân và dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.

 Các tham luận về chủ đề này đã tập trung làm rõ những sáng tạo về chỉ đạo tác chiến của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Chỉ huy trong điều hành chiến tranh. Đó là đã chọn loại hình phản công, đánh vận động, đánh du kích, là cách đánh sở trường của lực lượng vũ trang kháng chiến, đồng thời tạo điều kiện cho sự tham gia chiến đấu của các tầng lớp nhân dân, phát huy được thế trận chiến tranh nhân dân, huy động toàn dân đánh giặc. Với cách đánh này ta đã hạn chế được ưu thế về tập trung binh lực và trang bị của địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng, bị động đối phó. Phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” đã góp phần củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, là điều kiện để kết hợp các lực lượng vũ trang, phát huy lực lượng tại chỗ, chủ động đánh địch trên khắp địa bàn chiến dịch, tiêu hao tiêu diệt từng bộ phận, chặn đường tiến quân càn quét của chúng, bảo vệ được căn cứ địa, cơ quan lãnh đạo kháng chiến. Đây là một sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật dùng binh của Đảng ta, phù hợp với trình độ tổ chức chỉ huy, đảm bảo hậu cần, sự cơ động... trong quá trình chiến đấu và làm nòng cốt gây dựng phong trào chiến tranh du kích tại các địa phương, vừa bảo toàn được lực lượng. Bằng cách đó, quân và dân trên chiến trường Việt Bắc đã khoét sâu chỗ yếu cơ bản của địch khi thoát ly khỏi công sự, không có sự chi viện của máy bay, pháo binh, lập những những trận đánh đạt hiệu suất cao, tiến tới giành thắng lợi trong Thu - Đông  1947.

Bên cạnh đó, nội dung của các tham luận cũng khẳng định với việc Bộ Tổng Chỉ huy đã đồng loạt mở ba mặt trận đánh địch, cả trên đường bộ, đường thuỷ, chỉ đạo việc phối hợp tác chiến giữa các binh chủng, giữa bộ binh với pháo binh, với thông tin liên lạc, giữa các chiến trưởng, tổ chức đảm bảo vũ khí trang bị, đảm bảo hậu cần,… đã đánh dấu sự mở đầu sáng tạo và độc đáo của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam.

Ba là, đánh giá tầm vóc, ý nghĩa và bài học của chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947. Nhiều tham luận đã đi sâu nhìn nhận thế và lực của ta và địch trước và sau Chiến dịch Việt Bắc, nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến thắng, không những làm phá sản hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, mà điều quan trọng là bảo đảm an toàn cho cơ quan lãnh đạo kháng chiến, bảo toàn và phát triển được lực lượng chủ lực, hạn chế tổn thất về tiềm lực kháng chiến, bảo vệ được căn cứ địa,… đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta vượt qua được thử thách nghiêm trọng. Với thực dân Pháp, thất bại trong Thu - Đông 1947, là mốc đánh dấu mở đầu sự bị động về mặt chiến lược. Từ đây, giới quân sự thực dân buộc phải chấp nhận theo đuổi cuộc chiến tranh kéo dài ngoài ý muốn, ngày càng lún sâu vào bị động và đi đến kết cục thất bại.

Bên cạnh đó, một số tham luận còn đi sâu về sự phát triển của các tổ chức, lực lượng qua chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947. Từ thực tế diễn biến Chiến dịch Việt Bắc, một số tác giả đã nêu bật những bài học sâu sắc, toàn diện, có thể vận dụng vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” để làm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Có thể khẳng định rằng các tham luận tại hội thảo đã đề cập một cách khá toàn diện, cụ thể, thể hiện sự đào sâu suy nghĩ, tìm tòi nghiên cứu các nội dung một cách có chất lượng, đã góp phần phản ánh tầm vóc, ý nghĩa to lớn của chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947. Đây thực sự là những đóng góp quan trọng và thiết thực trong công tác nghiên cứu khoa học lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; về cuộc chiến tranh nhân dân; về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; về nghệ thuật quân sự, cụ thể là nghệ thuật chiến dịch phản công đầu tiên của quân đội ta.

Các tham luận của Hội thảo cũng toát lên nội dung quan trọng là tôn vinh Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để làm nên thắng lợi Việt Bắc Thu - Đông 1947. Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng là một trong những nội dung quan trọng trong giáo dục lịch sử, nhằm tăng thêm lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường cho các thế hệ “con Lạc, cháu Hồng” và cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về giá trị của dân tộc Việt Nam qua thắng lợi quan trọng này.

 Kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, Hội thảo là hoạt động để chúng ta nhìn lại toàn bộ, nhận thức sâu sắc về sự kiện lịch sử quan trọng này, càng tự hào về chiến công oanh liệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, mãi ghi nhớ sự chiến đấu, hy sinh của đồng bào, đồng chí cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam; để chúng ta thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào nội lực, vào tinh thần, ý chí quyết tâm, sức mạnh của nhân dân ta.

Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 đã tạo đà cho cuộc kháng chiến của quân và dân Việt Nam giành những thắng lợi to lớn hơn, để đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến hết sức vẻ vang, khiến cho những kẻ nặng đầu óc thực dân xâm lược phải hối tiếc khi đã bỏ lỡ những cơ hội hợp tác giữa hai nước Pháp - Việt. Kể từ khi kết thúc chiến tranh, mối quan hệ Việt Nam và Pháp ngày càng tốt đẹp, mang lại lợi ích cho hai dân tộc và cả thế giới. Ôn lại quá khứ để chúng ta giải quyết tốt hơn những vấn đề của thực tại và tương lai nhằm không ngừng củng cố mối quan hệ quốc tế, góp phần vào sự phát triển của mỗi quốc gia và cộng đồng thế giới.

Một lần nữa, thay mặt Ban chỉ đạo và Đoàn Chủ tịch, xin trân trọng cảm ơn thủ trưởng Bộ Quốc phòng, các cơ quan ban ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành trên địa bàn Việt Bắc; thủ trưởng Tổng Cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng các vị tướng lĩnh, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học cùng toàn thể các đồng chí đã tới dự và đóng góp cho sự thành công của cuộc Hội thảo quan trọng này.

Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc và tiến bộ.

Xin trân trọng cảm ơn!