Tại sao giọng bị khàn

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần bị khàn tiếng. Nhiều người xem đó là chuyện bình thường và không điều trị gì. Nhưng ít ai biết rằng khàn tiếng kéo dài có thể là triệu chứng báo động ung thư thanh quản. Vậy khi nào mình có thể tự chữa khàn tiếng tại nhà và khi nào cần đến gặp bác sĩ? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Khàn tiếng là gì?

Khàn tiếng là sự thay đổi bất thường trong giọng nói. Tình trạng này khá phổ biến và thường đi kèm với khô, ngứa họng. Khi giọng của bạn bị khàn, chất giọng sẽ thô ráp, yếu và thều thào, làm âm phát ra không được mượt mà.

Triệu chứng này thường bất nguồn từ bất thường ở dây thanh. Dây thanh là một cặp dây nằm bên trong thanh quản của bạn. Khi nói hoặc hát, luồng hơi từ phổi đẩy lên làm các dây thanh rung động, từ đó phát ra tiếng.

Tại sao giọng bị khàn
Khàn tiếng là sự thay đổi bất thường trong giọng nói

2. Nguyên nhân của khàn tiếng

Có nhiều nguyên nhân gây khàn tiếng. May mắn là hầu hết các nguyên nhân đều không nghiêm trọng và có xu hướng tự biến mất trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng nếu khàn tiếng kéo dài hơn hai tuần, bạn nên đi khám bác sĩ. Mặc dù không phổ biến, khàn tiếng kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư thanh quản.

Những nguyên nhân phổ biến gây khàn tiếng:

  • Cảm lạnh hay nhiễm vi rút đường hô hấp trên (gồm mũi, họng, thanh quản): là nguyên nhân thường gặp nhất.
  • Lạm dụng giọng nói: khi bạn sử dụng giọng nói của mình quá nhiều, quá to hoặc không đúng cách trong một thời gian dài.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: khi axit trong dạ dày trào lên họng và kích thích dây thanh âm.
  • Uống các loại nước có chứa cồn và caffein.
  • Dị ứng.
  • Hít phải các chất độc hại.
  • Ho nhiều.

Vài nguyên nhân ít phổ biến hơn gây khàn tiếng là:

  • Polyp (là các u nhỏ trên dây thanh thường lành tính – không phải ung thư).
  • Ung thư thanh quản.
  • Các bệnh về tuyến giáp.
  • Chấn thương họng thanh quản.
  • Phình động mạch chủ ngực. Là khi một phần của động mạch chủ (mạch máu lớn nhất ra khỏi tim) bị phình to.
  • Suy yếu thần kinh hoặc cơ làm suy yếu chức năng của thanh quản.

3. Khi nào nên đi khám?

Đến bệnh viện ngay nếu khàn tiếng đi kèm với các dấu hiệu sau:

  • Khó thở.
  • Ho ra máu.
  • Sốt cao kéo dài ngay cả khi dùng thuốc hạ sốt hay lau mát.
  • Đau cổ, họng ngày càng tăng.
  • Khó nuốt.
  • Chảy nước miếng (ở trẻ em).
Tại sao giọng bị khàn
Bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay nếu trẻ khàn tiếng kèm chảy nhiều nước miếng

Khàn tiếng tuy không phải là tình huống cấp cứu nhưng nó có thể liên quan đến những tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Nên đến khám và tư vấn bác sĩ nếu tình trạng khàn tiếng kéo dài hơn 1 tuần ở trẻ em và hơn 2 tuần ở người lớn.

4. Bác sĩ sẽ làm những gì?

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn những thông tin sau đây:

  • Chất giọng và âm lượng giọng nói của bạn lúc trước và bây giờ, thời gian xuất hiện khàn tiếng.
  • Những yếu tố làm nặng hơn các triệu chứng của bạn. Ví dụ như hút thuốc lá, la hét hay nói chuyện trong thời gian dài.
  • Họ cũng sẽ quan tâm đến các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt hay mệt mỏi.
Tại sao giọng bị khàn
Nội soi thanh quản

Bạn sẽ được kiểm tra cổ họng bằng đèn và một chiếc gương nhỏ. Hay sẽ được nội soi họng thanh quản (bằng ống nội soi mềm hoặc cứng đưa qua đường mũi hoặc miệng đi xuống họng để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng viêm hoặc bất thường khác).

Tùy thuộc vào triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể cho cấy dịch họng để tìm vi khuẩn. Bạn cũng có thể được cho chụp các phim x quang vùng cổ họng hoặc chụp CT scan.

Trong một vài trường hợp khác, bạn có thể được lấy máu để thử công thức máu. Mục đích là tìm dấu hiệu nhiễm trùng hay thiếu máu.

Tùy từng trường hợp cụ thể và kết quả khám của bác sĩ mà bạn sẽ được cho thực hiện các xét nghiệm khác nhau.

5. Điều trị khàn tiếng như thế nào?

Những việc bạn có thể tự thực hiện để giảm bớt khàn tiếng:

  • Để giọng bạn được “nghỉ ngơi” vài ngày. Nghĩa là tránh nói chuyện hay la hét. Cũng đừng nói thì thầm vì điều này thậm chí sẽ làm căng dây thanh âm nhiều hơn.
  • Uống nhiều nước. Nước có thể làm giảm một vài triệu chứng và làm ẩm cổ họng.
  • Tránh thực phẩm chứa caffeine và rượu. Những thứ này có thể làm khô cổ họng và làm khàn tiếng nặng hơn.
  • Ngừng hút thuốc lá. Khói thuốc làm khô và kích thích cổ họng của bạn.
  • Nên tắm nước ấm. Hơi nước ấm từ vòi sen sẽ giúp đường thở của bạn mở rộng hơn và cung cấp độ ẩm cho cổ họng.
  • Làm ẩm cổ họng bằng cách ngậm các viên kẹo giúp thanh cổ họng hoặc nhai kẹo cao su. Việc này kích thích tiết nước bọt và giúp làm dịu cổ họng.
  • Loại bỏ các chất gây dị ứng khỏi môi trường. Dị ứng thường có thể gây ra khàn tiếng hoặc làm khàn tiếng nặng hơn.
  • Đừng sử dụng các thuốc làm thông mũi cho khàn giọng. Những thuốc này có thể kích thích và làm khô cổ họng.

Nên đến khám bác sĩ nếu những biện pháp trên không làm rút ngắn được thời gian khàn tiếng. Bác sĩ sẽ có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

6. Cách phòng tránh khàn tiếng

Vài phương pháp có thể giúp bảo vệ dây thanh của bạn được liệt kê dưới đây:

  • Ngưng hút thuốc và tránh hít khói thuốc thụ động. Hít nhiều khói thuốc có thể gây kích thích dây thanh và thanh quản, làm khô họng. Quan trọng hơn, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư thanh quản.
  • Uống nhiều nước. Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Vì nước làm loãng chất nhầy trong cổ họng và giữ ẩm họng.
  • Tránh các loại thức uống làm mất nước. Bao gồm các thức uống có chứa caffein (ví dụ cà phê) và cồn (ví dụ như rượu).
  • Làm ẩm không khí trong nhà bằng máy tạo độ ẩm
  • Hạn chế sử dụng giọng nói quá nhiều hay nói quá to
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh
  • Cố gắng hạn chế hắng giọng. Điều này có thể kích thích dây thanh của bạn nhiều hơn.
Tại sao giọng bị khàn
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư thanh quản

Khàn tiếng là một tình trạng rất thường gặp và do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là những nguyên nhân không nghiêm trọng, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư thanh quản. Nếu khàn tiếng kéo dài trên 2 tuần, bạn nên đến khám bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm để giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.