So sánh đà lạt và các thành phố châu âu

Giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt là đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và hệ thống di sản kiến trúc hiếm nơi nào có, cùng sự thanh lịch, hiền hòa, thân thiện của cư dân phố núi. Những giá trị ấy đã góp phần tạo nên nhịp sống thư nhàn trên phố núi.

Đà Lạt ngay từ khi hình thành đã có “công năng gốc” là đô thị nghỉ mát. Khí hậu và thiên nhiên Đà Lạt đã hấp dẫn những người làm công tác quy hoạch, từ “trạm nghỉ dưỡng vùng cao”, vùng đất trên cao nguyên LangBiang này được dự phòng ngay từ ngày đầu khảo sát là sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” của Đông Dương. Từ ý tưởng quy hoạch “thành phố Châu Âu” đầu tiên của Paul Champoudry (1905) đến “thành phố phong cảnh” của Jean O’Neil (1919) và Ernest Hébrard (1923), Jacques Lagisquet đã quy hoạch Đà Lạt thành “thủ đô mùa hè” (1942-1944).

So sánh đà lạt và các thành phố châu âu

Đà Lạt mộng mơ, Đà Lạt trí tuệ và thanh lịch… là thương hiệu của thành phố bản sắc này. Khí hậu mát mẻ quanh năm là một đặc thù “vô hạn” hiếm có trên thế giới, giúp Đà Lạt duy trì được lợi thế so sánh trong tiến trình phát triển, gắn với dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng ở cấp độ quốc tế. Mát lạnh, không khí tinh khiết và không gian e lệ… những thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi mà Đà Lạt sở hữu. Khi cảm thấy mệt mỏi, thoáng buồn, nhiều người chọn Đà Lạt để được thư thái tâm hồn, sống lắng lại.

Ngược dòng lịch sử, cuối thế kỷ 19, người Pháp đã khéo chọn cao nguyên LangBiang để kiến tạo đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt. Người Pháp nổi tiếng lãng mạn và họ cần một không gian lãng mạn để xây dựng thành phố kiểu Âu theo xu hướng “hoài hương”. Đô thị đặc biệt này đã trải qua nhiều kỳ quy hoạch bài bản. Mỗi kỳ kiến tạo là một ý tưởng, nhưng đều dựa trên yếu tố cốt lõi là nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan và tài nguyên nhân văn. Nhiều công trình kiến trúc cổ ở đây đã tạo nên biểu tượng, đan dệt thành ký ức đô thị Đà Lạt, lưu định trong trí nhớ nhiều người.

Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhìn nhận, rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp, nhưng không bao giờ lạc thời đã sinh ra nỗi buồn “đặc sản”, là “linh hồn” của Đà Lạt. Hai thực thể vật chất ấy không phải là “giá trị gia tăng” mà chính là “giá trị cơ bản” của xứ sở này. Đó là nỗi buồn sang trọng được cấu thành từ “cuộc hôn phối” giữa thiên nhiên và sự kiến tạo của con người.

So sánh đà lạt và các thành phố châu âu

Khi sương sớm chưa tan và khi hoàng hôn choàng xuống, trên các trục đường quanh Đồi Cù, hồ Xuân Hương, những đôi chân không biết đâu là du khách, là người Đà Lạt; cũng chẳng phân biệt được đâu là doanh nhân, nông dân đang khoan thai rảo bước. Họ đi trong sương giăng lãng đãng buổi sáng tinh khôi và trong nắng lạnh ngọt lành lúc hoàng hôn thả bóng bên hồ. Có lẽ, họ đang “chậm lại” để lắng nghe nhịp thời gian của cuộc sống, nhịp chảy của tâm thức, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua…

Đà Lạt là nơi hội tụ của nhiều người từ tứ xứ miền quê, là kết quả tổng hợp các tinh hoa nhiều vùng, miền để hình thành cho mình một bản sắc. Trong con người Đà Lạt hôm nay có cái tế nhị, trọng lễ nghi của người Hà Nội nghìn năm văn hiến; có nét quý phái của người cố đô Huế, có sự mộc mạc của người Nam - Ngãi - Bình - Phú… Bản sắc con người Đà Lạt rất dễ cảm nhận và phân biệt, nhưng gọi tên nó là gì vẫn còn là chuyện rất tế nhị. Đến nay có thể nói, hai tiếng Đà Lạt đã ăn sâu vào tâm thức và là niềm tự hào không chỉ của người dân miền sơn cước; một vùng khí hậu ôn đới, một nơi nghỉ dưỡng thanh khiết, đem lại sự yên tĩnh cho tâm hồn.

Đà Lạt từ thuở xưa, đã mang hình ảnh của đô thị vườn và vườn lẫn vào phố. Những cung đường uốn lượn, những khu vườn bao quanh phố xá, bao bọc những nếp nhà bình yên. Cùng khí hậu trong lành, hình ảnh người nông dân Đà Lạt đã tạo nên sắc màu độc đáo cho đô thị miền sơn cước. Cũng là đời nông phu quanh năm với cây cối ruộng vườn, nhưng ở họ luôn toát lên nét tự tại, ung dung như họ chưa từng lam lũ bao giờ.

Môi trường sống Đà Lạt trong lành, tĩnh lặng; nhịp sống không xô bồ, gấp gáp như các thành phố khác. Môi trường ấy làm cho con người thanh tịnh, khoan thai. Song, để sống chậm ở Đà Lạt, người ta cần nhiều thứ hơn là những quà tặng miễn phí của tự nhiên. Đà Lạt sẽ là nơi lý tưởng để sống chậm khi hội đủ các yếu tố để tận hưởng thi vị cuộc sống theo chiều sâu.

Mỗi người, mỗi giới đến với Đà Lạt đều có cách “đắm đuối” riêng. Nhà thơ Trần Trương đã “cảm” cái hồn Đà Lạt trong bài thơ cùng tên: “Nhịp sống ở đây chầm chậm/ Dẫu đồng hồ vẫn chạy đúng thời gian”; nhà thơ Nguyễn Duy đã từng “nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi”; nhà báo, nhà thơ Uông Thái Biểu tri cảm “Đà Lạt của tôi trôi trong sương giăng/ Là cánh chim đêm tìm miền đất đậu”; còn du khách thì tìm sự tĩnh lặng, vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi, thư thái. Đến Đà Lạt để được đi ngủ sớm và thức dậy muộn, được ngắm nhìn ánh mắt và nụ cười hiền của người phố núi, được “nghe” chiều xuống thành phố mộng mơ và trải nghiệm bốn mùa trong ngày; để không cần mùa, cần tháng…

Đà Lạt là nơi để du khách đi tìm những giấc mơ đẹp và phút giây sống chậm. Đà Lạt là thế, đem lại cho người này niềm vui, người kia sự mát lành.