Quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay

Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài Chính) cho biết, 10 năm qua, ngành bảo hiểm Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ, tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng lĩnh vực đầu tư. Đặc biệt, bất chấp Covid-19, thị trường bảo hiểm năm qua vẫn tăng trưởng mạnh.

Số liệu từ Cục Quản lý Giám Sát Bảo hiểm Bộ Tài Chính cho thấy, năm 2020, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 552.400 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2019; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.400 tỷ đồng, tăng 22,3%; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 184.700 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2019.

Trước đó, từ 2015-2019, doanh thu phí bảo hiểm đã tăng trưởng xấp xỉ 2,28 lần, từ 70.252 tỷ đồng lên 159.761 tỷ đồng. Theo Bộ Tài Chính, trong mười năm trở lại đây, trung bình mỗi năm doanh thu phí bảo hiểm tăng 17-20%.

Quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay

Một buổi chi trả quyền lợi bảo hiểm của Sun Life.

Cùng với con số tăng trưởng đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chứng kiến việc nhiều công ty bảo hiểm tăng vốn điều lệ và đăng ký chào bán thêm các sản phẩm bảo hiểm mới. Hưng Phú Life ra mắt 5 sản phẩm bảo hiểm bổ trợ và 1 sản phẩm bảo hiểm liên kết; hồi tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam tăng vốn điều lệ lên 16.961 tỷ đồng, ra mắt sản phẩm mới "FWD Nâng tầm vị thế"; BIDV Metlife, Cathay Life, Fubon Life, Sun Life, Chubb Life cũng ra nhiều sản phẩm bảo hiểm mới.

Cũng theo Cục Quản lý Giám Sát Bảo hiểm Bộ Tài Chính, hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 69 doanh nghiệp, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 18 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài.

Việt Nam có khoảng 11,6 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 12% dân số; khoảng 12 triệu học sinh tham gia bảo hiểm sức khỏe, tai nạn; 18 triệu lượt khách tham gia bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách tham gia bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách tham gia bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.

Từ thực tế đó, chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho rằng thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển cả về quy mô lẫn sản phẩm. Thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm qua đạt mức tăng trưởng cao, ổn định nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Cụ thể, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 3,07%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN là 3,35%, châu Á 5,37% và mức trung bình thế giới (6,3%). Đến nay, Việt Nam có khoảng 12% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Theo ước tính, doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP tại Việt Nam đến năm 2025 đạt khoảng 3,5%.

"Kinh tế phát triển, tầng lớp trung lưu được mở rộng, kéo theo nhu cầu đầu tư và quan tâm tới các sản phẩm bảo hiểm tiềm năng. Với dân số xấp xỉ 100 triệu, chỉ khoảng 12% đã có hợp đồng bảo hiểm, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của ngành bảo hiểm", ông Cấn Văn Lực nhận định.

Thị trường bảo hiểm là công cụ hữu ích bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Đến nay, bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản của mọi thành phần và ngành nghề kinh tế với đa dạng loại hình như: bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản.. Tuy vậy, theo ông Cấn Văn Lực, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều sản phẩm so với nhu cầu của người dân, nên còn rất nhiều dư địa cho các doanh nghiệp phát triển.

Bảo hiểm đã và đang góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Chính phủ hiện cũng có những điều chỉnh chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Tuy vậy, cũng theo ông Cấn Văn Lực, doanh nghiệp tham gia thị trường này vẫn cần bước qua rào cản về văn hóa chưa quan tâm đến sử dụng sản phẩm bảo hiểm của phần lớn người dân Việt Nam. "Thị trường rất tiềm năng, nhưng doanh nghiệp cần tiếp cận làm rõ những lợi ích sản phẩm mang lại cho người dân khi họ ký hợp đồng bảo hiểm", ông Lực nói.

Mỹ Dung