Quy định mua sắm hàng hóa trong doanh nghiê j năm 2024

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên là doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty). Trong quá trình hoạt động, Tổng Công ty có nhu cầu sử dụng vốn đầu tư phát triển của Tổng Công ty để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị. Theo quy định tại khoản 44 Điều 4 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thì vốn đầu tư phát triển của Tổng Công ty là vốn nhà nước. Hiện nay, Tổng Công ty đang trong quá trình xây dựng và ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước để áp dụng thống nhất trong Tổng Công ty theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 99 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14. Tổng Công ty nhận thấy Tổng Công ty không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Đối tượng áp dụng quy định tại Điều 1 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính là “Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.”. Tuy nhiên hiện nay, đối tượng áp dụng Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Bộ Tài chính thành: “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.” Do đó, để đảm bảo việc mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, Tổng Công ty xin phép được hỏi Bộ Tài chính như sau: Với việc sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên thì Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên có thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 1 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Bộ Tài chính hay không ?

12/05/2023

Quy định chung về mua sắm tập trung trong hoạt động đấu thầu? Nguyên tắc trong mua sắm tập trung? Và quy trình mua sắm tập trung tổng quát được quy định như thế nào?

Quy định chung về mua sắm tập trung trong hoạt động đấu thầu?

Điều 44 có quy định về mua sắm tập trung trong hoạt động đấu thầu như sau:

- Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

- Mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư.

- Mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách sau đây:

+) Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

+) Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận khung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đơn vị có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

- Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng ký với các đơn vị có nhu cầu.

Nguyên tắc trong mua sắm tập trung?

Nguyên tắc trong mua sắm tập trung được quy định tại Điều 68 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu với nội dung như sau:

- Việc mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì đơn vị mua sắm tập trung thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.

- Đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải áp dụng mua sắm tập trung, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung thỏa thuận khung và ký kết hợp đồng với nhà thầu đã được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung trên cơ sở thỏa thuận khung. Trường hợp ký kết hợp đồng với nhà thầu khác không được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung thì không được thanh toán hợp đồng.

- Việc áp dụng đấu thầu qua mạng đối với mua sắm tập trung được thực hiện theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.

- Trường hợp lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu có nội dung tương tự nhau thuộc nhiều người có thẩm quyền khác nhau, người có thẩm quyền của các gói thầu thỏa thuận, ủy quyền cho một người có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 73 của ; trong trường hợp này, người có thẩm quyền giao cho một đơn vị trực thuộc có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Điều 69 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP này.

Quy trình mua sắm tập trung tổng quát?

Điều 70 Nghị định 63/2014/NĐ-CP có quy định về quy trình mua sắm tập trung tổng quát với nội dung sau đây:

- Quy trình mua sắm tập trung tổng quát:

+) Tổng hợp nhu cầu;

+) Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

+) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

+) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

+) Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng;

+) Thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

+) Hoàn thiện, ký kết thỏa thuận khung;

+) Hoàn thiện, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung trực tiếp ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu thì không tiến hành ký kết thỏa thuận khung theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 70 Nghị định 63/2014/NĐ-CP;

+) Quyết toán, thanh lý hợp đồng.

- Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu thực hiện mua sắm tập trung có thể chia thành nhiều phần để tổ chức đấu thầu lựa chọn một hoặc nhiều nhà thầu trúng thầu.

Trong đó, danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung được quy định chung tại Điều 71 Nghị định 63/2014/NĐ-CP:

- Hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm tập trung khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

+) Hàng hóa, dịch vụ mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+) Hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại.

- Về trách nhiệm ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung:

+) Bộ Tài chính ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia. Riêng danh mục thuốc mua sắm tập trung do Bộ Y tế ban hành;

+) Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung thuộc phạm vi quản lý của mình.