Nguyên nhân mâu thuẫn liên xô và trung quốc

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng là kết quả của sự kết hợp một loạt các nhân tố, trong đó có sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè quốc tế mà đi đầu là hai cường quốc XHCN Liên Xô và Trung Quốc.

Trải dài trên lãnh thổ Á-Âu, liên kết Xô – Trung từ lâu đã được xem là một trong những nhân tố đáng kể trong việc đối phó lại với Mỹ và các nước phương Tây về kinh tế, chính trị, quân sự. Nhưng trong tiến trình lịch sử, quan hệ Xô – Trung được xem là quan hệ “Trung-Việt thứ hai” khi qua nhiều biến thiên thăng trầm, từng là đồng minh, nhưng nhanh chóng trở thành “kẻ thù” của nhau trong Chiến tranh lạnh. Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông dành được chiến thắng trong cuộc nội chiến với Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, được xem là sự kiện đáng chú ý nhất trong thời kỳ “nóng” của Chiến tranh lạnh. Tuy vậy, quan hệ đồng minh thân thiết Xô – Trung mới được thiết lập từ những năm 1950 đã nhanh chóng trở nên lạnh nhạt và bùng nổ sự chia rẽ sâu sắc. Đến năm 1959, Liên Xô ngừng viện trợ chương trình phát triển hạt nhân cho Trung Quốc. Bắt đầu từ sự không thống nhất trong đánh giá về vị trí vai trò của Stalin đối với Liên Xô và phong trào cộng sản quốc tế tại Đại hội lần thứ XX Đảng cộng sản Liên Xô năm 1956, mâu thuẫn giữa hai nước đã dần bùng phát một cách công khai, gây chia rẽ và ảnh hưởng sâu sắc trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, mà nguyên nhân sâu xa là cả hai nước đều muốn đóng vai trò lãnh đạo đối với phong trào.

Trong những giai đoạn trước đó, quan hệ giữa hai nước đã từng có lúc căng thẳng tại bờ vực chiến tranh hạt nhân do Liên Xô có thể đánh phủ đầu Trung Quốc. Ở phía còn lại, Trung Quốc được cho là đã từng bước chuẩn bị chiến tranh hạt nhân với Liên Xô vào năm 1969, khi đó, các bộ của nước này đã dời đi các tỉnh và tại Bắc Kinh chỉ còn Chu và Mao. Sau Chiến tranh lạnh, quan hệ Nga – Trung trở nên nồng ấm dần dần, biên giới bớt căng thẳng, trao đổi mua bán vũ khí tấp nập trở lại. Từ những năm 1950 đến cuối những năm 1980, Liên Xô và Trung Quốc đã có tranh chấp biên giới và tranh giành quyền lãnh đạo phe cộng sản trong Chiến tranh Lạnh. Vào những năm 1970, sự bất hòa sâu sắc trong quan hệ Trung – Xô đã giúp thúc đẩy Trung Quốc liên kết với Mỹ, trong lúc xung đột biên giới giữa hai nước xảy ra trầm trọng năm 1969. Vào năm 1972, mối quan hệ giữa hai cường quốc cộng sản trở lên xấu đi, chuyển từ lạnh nhạt sang đóng băng hoàn toàn, khi Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đến thăm Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu tháng 2/1981, tại Đại hội 26 của Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng Bí thư Leonid Brezhnev đã đề xuất bình thường hóa quan hệ Xô – Trung. Ông đã lặp lại đề xuất này trong một bài phát biểu tại Tashkent vào năm sau. Kết quả là vào năm 1984, một hiệp định liên chính phủ về hợp tác kinh tế đã được ký kết. Trong một bài phát biểu tại Vladivostok vào ngày 28/7/1986, Mikhail Gorbachev tuyên bố sẵn sàng rút hầu hết quân đội Liên Xô khỏi Mông Cổ và sáu trung đoàn khỏi Afghanistan vào cuối năm đó, tổ chức các cuộc đàm phán với Trung Quốc và giảm quân số đóng trên biên giới Xô – Trung. Năm 1989, Gorbachev đến thăm Trung Quốc và quan hệ giữa hai nước bắt đầu được bình thường hóa. Cũng trong cùng năm này, trong những năm suy tàn của chế độ Xô Viết, hai bên cuối cùng đã bình thường hóa mối quan hệ. Cả hai cùng tuyên bố sẽ phát triển mối quan hệ song phương dựa trên “sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, và cùng tồn tại hòa bình”. Hai năm sau, Liên Xô tan rã, nhưng quan hệ Trung – Nga vẫn duy trì nguyên tắc “không liên minh, không xung đột, và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước thứ ba nào”.

Chính phủ Trung Quốc xem xét sự cải cách của Gorbachev trong cái vẻ mâu thuẫn vừa thích thú vừa nghi ngờ. Tuy nhiên sự cải cách của Gorbachev sau cùng đưa đến sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc sự nắm quyền của Đảng Cộng sản năm 1991. Vì chính phủ Trung Quốc không chính thức thừa nhận Liên Xô là một “nước xã hội chủ nghĩa” anh em nên họ không có ý kiến là Gorbachev phải nên cải cách chủ nghĩa xã hội như thế nào. Với tư cách cá nhân, giới lãnh đạo Trung Quốc có ý kiến rằng Gorbachev đã dại dột tiến hành các cải cách chính trị trước khi tiến hành cải cách kinh tế trong khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế mà không làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sự sụp đổ của Liên Xô đã làm cho cuộc chia rẽ giữa Trung Quốc và Liên Xô kết thúc. Chính phủ Trung Quốc lúc đó quan ngại về việc Hoa Kỳ can thiệp bằng cách hỗ trợ Đài Loan độc lập hơn là một cuộc xâm lược quy mô lớn từ Liên Xô. Tương tự như vậy, một nước Nga suy yếu lúc đó cũng quan tâm hơn về những sáng kiến của Mỹ như việc mở rộng khối NATO và can thiệp vào cựu Nam Tư. Đáng lẽ ra có một thế đối trọng chống Nga, Hoa Kỳ bắt đầu xem Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh ngang hàng mới. Vì các yếu tố này trong khung cảnh chính trị mới của thế giới, Nga và Trung Quốc đã tăng cường thắt chặt quan hệ giữa họ để chống lại sức mạnh của người Mỹ.

Cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 diễn ra trong bối cảnh Đặng và Gorbachev đã gặp nhau “chỉ có bắt tay chứ không có ôm”. Hai quốc gia đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Cả hai bên nhất trí rằng không có mô hình giáo điều nào cho chủ nghĩa xã hội và cả hai quốc gia đều là xã hội xã hội chủ nghĩa, do các Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hơn nữa, Gorbachev bác bỏ Học thuyết Brezhnev về việc Liên Xô có quyền can thiệp vào các vấn đề của các quốc gia xã hội chủ nghĩa, đồng thời tuyên bố rằng Liên Xô không cố gắng thống trị CHND Trung Hoa về mặt chính trị, kinh tế và ý thức hệ. Các nhóm nhất trí tiến tới giải quyết vấn đề Campuchia. Về kinh tế, Liên Xô “đề xuất hợp tác trong lĩnh vực luyện kim, năng lượng và vận tải, trong khi Trung Quốc đưa ra ý tưởng sử dụng rộng rãi hơn lực lượng lao động Trung Quốc ở Siberia”. Thuật ngữ “chỉ bắt tay nhưng không ôm” dùng để chỉ việc chính thức hóa quan hệ ngoại giao song phương mà không có quan hệ đồng minh Đảng – Đảng thân thiết của Liên minh Xô-Trung trước đó; sự thừa nhận ngoại giao của hai quốc gia và quan hệ kinh tế song phương đã tránh được những cạm bẫy gây ra mối quan hệ Xô-Trung trước đó.

Bước tiến quan trọng tiếp theo là việc Hiệp định Biên giới Trung – Xô đã được ký kết vào năm 1991, thống nhất các đầu việc được thực hiện để phân định hầu hết các tranh chấp và công nhận một số thay đổi lãnh thổ nhỏ dọc biên giới. Nga kế thừa hầu hết biên giới Xô – Trung trước đây và phê chuẩn hiệp định vào tháng 2/1992. Trong những năm 1990, hai nước đã thực hiện một số biện pháp xây dựng lòng tin, và vào năm 1997 đã ra đời thỏa thuận về việc cắt giảm quân đội ở biên giới giữa Trung Quốc và bốn nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ: Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan; thỏa thuận thiết lập trần cho số lượng quân đội, hệ thống vũ khí, các cơ chế kiểm tra. Từ năm 1989, đây là thành phần quan trọng nhất của mối quan hệ song phương. Cho đến những năm 2000, buôn bán vũ khí và các vấn đề an ninh khu vực và biên giới là những khía cạnh chính của quan hệ Nga-Trung. Nhưng kể từ đó, tăng cường quan hệ kinh tế đã lấn át hợp tác quân sự. Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng vẫn còn quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và Mỹ một mặt và mặt khác là Trung Quốc và Mỹ.

Nga- quốc gia kế tục Liên Xô, sau Chiến tranh lạnh vẫn giữ thế đứng độc lập với phương Tây; khác với Đức, đoạn tuyệt hẳn với chủ nghĩa Quốc xã. Nước Nga “không dễ làm thân” ngay với Trung Quốc- kẻ thù đáng gờm một thời. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Liên bang Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập hình thành, đồng thời từ năm 1978 tại Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi xướng đường lối mở cửa cải cách, làm thay đổi căn bản tình hình kinh tế – xã hội, tăng cường vị thế của Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Những thay đổi trong bản thân mỗi nước trước tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập nhất là kinh tế quốc tế, tác động của khoa học công nghệ và sự phát triển của nền kinh tế tri thức đã đặt ra những yêu cầu mới về nhu cầu hợp tác giữa Trung Quốc và Liên bang Nga. Hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga xem mối quan hệ này như là “mối quan hệ phối hợp chiến lược toàn diện”.

Sự hợp tác mạnh mẽ và tăng tốc kể từ khi Tập Cận Bình trở thành Lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào năm 2012. Tổng thống V.Putin khẳng định mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và có thể “đạt mức cao nhất trong lịch sử”, hai bên coi trọng nhau sâu sắc và “cân nhắc những lợi ích cốt lõi của nhau”. Tổng thống V.Putin khẳng định điều này trước khi đến Trung Quốc dự lễ kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã tổ chức tại Trung Quốc năm 2015.


Tài liệu tham khảo

Henry Kissinger (2020), Về Trung Quốc, Thủy Tiên dịch, NXB Hội nhà văn.

Anh Minh (2020), “Quan hệ quân sự Nga Trung: Có qua có lại, có xuống có lên”, Tiền phong, truy xuất từ https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/quan-he-quan-su-nga-trung-co-qua-co-lai-co-xuong-co-len-1681840.tpo , ngày 25/11/2020.

Vũ Hồng Trang (2016), “Quan hệ Nga-Trung: Gần gũi nhưng không là đồng minh”, Nghiên cứu quốc tế, truy xuất từ https://nghiencuuquocte.org/2016/03/22/quan-nga-trung-gan-gui-nhung-khong-la-dong-minh/ , ngày 25/11/2020

Lê Vĩnh Trương (2019), Bàn về Trung Quốc trỗi dậy, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Trần Nguyễn Tuyên (2017), “Quan hệ Trung Quốc – Liên Bang Nga trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Giaó dục Lý luận, số 269+270 (Qúy III+IV), tr.21-27.

Wikipedia, “Chia rẽ Trung – Xô”, truy xuất từ https://vi.wikipedia.org/wiki/Chia_r%E1%BA%BD_Trung-X%C3%B4 , ngày 25/11/2020.

Wikipedia, “Sino-Soviet Relations 1969–1991”, truy xuất từ https://en.wikipedia.org/wiki/Sino-Soviet_Relations_1969%E2%80%931991#Bi-lateral_Foreign_Relations_1989_-_1991 , ngày 25/11/2020