Nghị quyết 23 về công nghiệp hóa hiện đại hóa năm 2024

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị.

Ngày 3/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 124/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Nghị quyết, Mục đích của Chương trình hành động là: Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm; chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%; xây dựng một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Yêu cầu Chương trình hành động:

- Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp theo định hướng đã được Bộ Chính trị phê duyệt.

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò và nội dung của chính sách công nghiệp quốc gia trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng ngành và từng cấp.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu, tổ chức xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý công nghiệp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tập trung, thông suốt, hiệu quả, có phân công, phân cấp rõ ràng. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp phù hợp với đặc trung nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Mở rộng sự tham gia thiết thực, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đối tượng chịu tác động của chính sách vào quá trình hoạch định và giám sát thực thi chính sách công nghiệp quốc gia. Kiên quyết chống lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu, tham nhũng, lãng phí trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển công nghiệp quốc gia.

Chương trình hành động cũng đưa ra chín nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về: Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp; chính sách khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp; trách nhiệm của địa phương.

Nội dung cụ thể trách nhiệm của địa phương:

- Chủ động xây dựng chương trình, định hướng, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với các lợi thế cạnh tranh của địa phương trên cơ sở các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của trung ương.

- Ban hành các chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW. Nghiêm cấm ban hành các văn bản, chính sách hạn chế đầu tư trái với Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên như dệt may, da giày, cơ khí, ô tô...

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ bố trí nguồn kinh phí phù hợp với tình hình ngân sách và kinh tế - xã hội của địa phương (khoảng 5% ngân sách địa phương) để triển khai các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp tại địa phương, đặc biệt là hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trên địa bàn.

- Xây dựng Danh mục các sản phẩm công nghiệp chủ lực trên cơ sở tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

- Tăng cường thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp lớn nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm trên địa bàn. Tập trung hỗ trợ có trọng tâm các doanh nghiệp có tiềm năng xây dựng và phát triển thương hiệu của địa phương.

- Xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trên cơ sở nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại các đơn vị hiện có từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ quản trị và kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế tín dụng từ nguồn vốn thương mại với lãi suất ưu đãi và chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất được bố trí từ nguồn ngân sách của địa phương cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên trên địa bàn.