Mái tóc chờ sương nạng mái đầu nghĩa là gì

Hôm nọ nghe Mỹ Linh hát “Tóc gió thôi bay” của Trần Tiến, bỗng dưng ngậm ngùi nghĩ đến những mái tóc thề thơm hương sả, hương chanh, hương bồ kết của các mẹ, các chị ngày xưa. Mùi “hương đồng gió nội” mà thi sĩ Nguyễn Bính tha thiết mong “em” gìn giữ trong bài thơ “Chân quê” phải chăng chính là mùi hương bưởi, hương chanh tỏa thơm từ mái tóc? Chỉ biết rằng đấy là phần nhu mì, dịu dàng vào bậc nhất của phái nữ. Ấy thế nên mới có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Biết bao chàng trai xưa đã phải lòng mái tóc dài mềm mượt ngát hương thiếu nữ, trước khi kịp hiểu mình say đắm cô gái ấy vì cái gì. Hương tóc là duyên thầm của phụ nữ. Những là hoa chanh, hoa lài được ủ hương trong áo gối. Rồi thì tóc được ướp hoa bưởi, được cài hoa lý… nhờ gió đưa thơm, làm xao xuyến bao đấng tu mi: “Tóc em dài, (em) cài hoa lý. Miệng em cười anh để ý anh thương” (Ca dao).

Mái tóc chờ sương nạng mái đầu nghĩa là gì
Mái tóc dài tô điểm thêm nét duyên của phụ nữ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tóc có giá trị thẩm mỹ độc đáo nên nghề làm tóc được nâng lên thành một nghệ thuật. Có những cuộc thi rầm rộ để chọn ra “Cây kéo vàng”, tức vinh danh những bàn tay nghệ nhân làm tóc bậc thầy. Thôi thì đủ kiểu cọ, nhiều biến tấu làm đẹp cho mái tóc nữ giới. Đa dạng, đa phong cách và phong phú. Dài cũng đẹp mà ngắn cũng lạ. Ung dung buông thả rồi nghiêm cẩn bới cao, dùng kẹp (cặp) gọn sau gáy, dùng trâm (thoa) cài lược giắt. Này là tóc uốn: xoăn nhẹ (gợn sóng) hoặc xoăn tít từng lọn, bồng xù kiểu sư tử, phi-dê (frises/cheveux frises), đờ-mi-gạc-xông (demi – gaçon). Kia là tóc lá, tóc tém, tóc ngang vai, tóc đứt lại nối; tóc tết thành bím đôi bím lẻ, tóc đuôi gà (của cô bé đáng yêu trong bài thơ “Chùa Hương” - Nguyễn Nhược Pháp)… rồi thong thả duỗi thẳng, hoặc để dài tự nhiên.

Thời phong kiến, cách phân biệt nhanh nhất đấy là quý bà (đã có chồng) hay quý cô (chưa chồng) là nhìn vào mái tóc: Bới cao hay buông xõa. Thậm chí bới tóc trở thành nét đẹp trong tập quán văn hóa, làm nên nghĩa tình sâu nặng:

“Tóc mẹ thì bới sau đầu. Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”… (Mặt đường khát vọng – trường ca, 1974 – Nguyễn Khoa Điềm).

Có người vợ nọ, biết chồng ở xa đã nhạt tình, bèn gửi một bài thơ tự họa, nhắc chồng nhớ đến tình xưa nghĩa cũ, có mấy câu họa dung nhan vàng võ hao gầy cùng mái tóc pha sương vì chờ đợi: “Môi son kinh nhạt nét. Tóc óng thảm pha sương” (Dĩ kinh nhan tác mịch. Tạm giác mấn điêu tàn - Theo “Vân Khê hữu nghị”). Người chồng là Sở Tài cảm động quay về, vợ chồng đoàn tụ.

Mái tóc còn là dấu chỉ của bản sắc dân tộc. Búi tóc của phụ nữ Thái (Thái đen và Thái trắng) trang nhã mà kín đáo có kiểu “tằng cẩu”. Mái tóc cô dâu Ấn Độ thường rẽ ngôi, có phụ trang điểm xuyết quấn quanh tóc và rủ xuống trước trán tuyệt đẹp. Chẳng thế mà có dạo phim màn ảnh rộng “Truyền thuyết tình yêu” của Ấn Độ chiếu ở bãi, nam thanh nữ tú của ta mê mải, nườm nượp đi xem. Trong bộ sử thi “Ramayana” vĩ đại của Ấn Độ có đoạn tả sắc đẹp trinh bạch của nàng Xi-ta, cũng vướng vào… tóc: “Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Rama đau như dao cắt…”.

Là biểu tượng cho nữ sắc nên bạn đọc không lạ khi Nguyễn Du tả nàng Kiều mỹ lệ, cụ thể hóa ở mái tóc bóng mượt tha thướt “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”. Trong giới văn nhân, Nguyễn Tuân là người si mê cái đẹp bậc nhất. Không cứ là người đẹp, mà cảnh vật, sự vật và cả mái tóc cũng được nhà văn nhìn ở phương diện thẩm mỹ độc đáo. Vì “Cái đẹp không phải ở má hồng người thiếu nữ, mà là trong con mắt kẻ si tình” (Kant), nên Nguyễn tiên sinh cảm rất hay về món tóc mềm như mây của một thiếu nữ. Hãy đọc đoạn văn tả say sưa như gửi trọn cả tâm hồn trong “Tóc chị Hoài”: “Chị Hoài mỗi lúc vừa nằm xuống rất nhẹ nhàng thì cả một mớ tóc trần quấn rất chắc ấy đổ tung xuống như một trận mưa rào đen nhánh. Rồi mớ tóc mây dài như một sải rưỡi ôm lấy gáy, ấp lấy bả vai”. Đến con sông Đà cũng được nhà văn nhân cách hóa, gợi cảm hóa để làm bật lên vẻ đẹp nữ tính bằng cách ví von với… mái tóc giai nhân: “Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc …” (Tùy bút sông Đà - Nguyễn Tuân). Rồi tháp Linh Tế trên núi Dục Thúy soi bóng xuống dòng xanh (sông Đáy) cũng được so sánh như chiếc trâm ngọc duyên dáng cài lên mái tóc nhung huyền:

“Bóng tháp hình trâm ngọc. Gương sông ánh tóc huyền” (Nguyễn Trãi - Dục Thúy sơn/Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký)

Món tóc còn là tín vật của tình yêu nam nữ. Người ta mang tóc ra thề bồi, hẹn ước. Vì vậy mà gọi đó là “tóc thề”? Cô gái cắt một đoạn tóc gói cẩn thận vào khăn tay, sụt sịt hoặc ươn ướt mắt trao cho chàng trai. Đàn ông chung tình có khi mòn mỏi, khư khư giữ món tóc đến cuối đời. Sau khi để nàng Kiều suy nghĩ kỹ càng, đắn đo thận trọng “tóc tơ căn vặn tấc lòng”, Nguyễn Du mới cho phép Thúy Kiều cắt tóc thề cùng chàng Kim: “Tóc mây một món, dao vàng chia đôi”. Chắc vậy, nên chàng Kim mới một mực chuyển tình yêu không trọn thành tình bạn tâm giao? Thề nguyện không thành, lỡ duyên đôi lứa... cứ vin vào tóc mà nức nở, đổ thừa cho duyên phận: “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm”. Hai câu ca dao trên được nhạc sĩ Phạm Duy phát triển thành tuyệt phẩm “Tóc mai sợi vắn sợi dài”. Hai câu ấy có vận gì vào mối tình Kim - Kiều không? Hay từ “đoạn trường tân thanh” của Kiều mà hóa thành hai câu thơ dân gian ấy? Chỉ biết rằng người viết cương quyết không đọc tác phẩm kịch trứ danh “Nữ ca sĩ hói đầu” (Thể loại kịch phi lý của nhà soạn kịch E. Ionesco). Cũng không thèm mê giọng hát của nữ ca sĩ trọc đầu người Ai - len Sinead O’Connor, hay nữ ca sĩ lập dị Lady Gaga khi cô này cạo trọc biểu diễn trên sân khấu. Bởi tóc là một trong những món lãng mạn hiếm hoi còn sót lại. Hãy để tóc hát với gió.