Lão tử tại sao cưỡi con bò

Vào tuổi 25, 26, thời Pháp thuộc, tôi dạy học ở Trường tư thục Lyceum Việt Anh tại Huế. Trong số các giáo sư (thời đó dạy trung học, gọi là “professeur”, tức giáo sư), có một vị là Cao Xuân Huy, mà lớp trẻ chúng tôi kính phục nhưng “kính nhi viễn chi” vì ông hơn chúng tôi đến hai chục tuổi, rất ít nói, lúc nào cũng trầm ngâm. Ông tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm nhưng không được dạy trường nhà nước vì có dính líu đến phong trào yêu nước. Chúng tôi chỉ biết ông là một nhà tư tưởng uyên thâm, nắm vững cả Hán học lẫn Tây học và có lẽ là một nhà Đạo học nghiên cứu sâu về học thuyết của Lão Tử (thế kỷ 5,6 trước Công nguyên).

Người ta đồn, trong sinh hoạt gia đình và xã hội, ông ứng xử với một phong cách rất “Lão học”.

Từ sau Chiến tranh Thế giới 1939-1945, Lão học có sức hấp dẫn đối với một số trí thức phương Tây chán ngán xã hội tiêu thụ. Hegel, đại diện xuất sắc của triết học cổ điển Đức thế kỷ 19 với luận điểm về biện chứng có ảnh hưởng lớn đến Marx, đã so sánh Lão Tử với Khổng Tử. Ông cho là tư tưởng của Khổng Tử nghèo nàn, Lão Tử mới là người đại diện tinh thần cổ đại phương Đông.

Lão tử tại sao cưỡi con bò

Lão Tử (sinh tại Hà Nam, Trung Quốc; mất 531 trước Công nguyên).

Khổng học chủ yếu là học thuyết ứng xử xã hội nên đề ra những quy tắc luân lý và thể chế chặt chẽ đến nghiệt ngã, không chiếu cố đến những dục vọng tự nhiên và bình thường, những yếu tố siêu thoát của con người. Do đó, không có cái “tôi” mà chỉ có cái “ta”. Thế nên các cụ ta ngày xưa, thấm nhuần Khổng học khô khan, ít nhiều tìm đến Lão học, đặc biệt là Trang Tử để có lối thoát ly cho cá nhân, để tìm sự thăng bằng cho tâm hồn. Điều này dễ nhận thấy trong một số bài hát nói của thể ca trù.

Cần phân biệt Lão học và Lão giáo (mê tín dân gian, một trong Tam giáo: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo).

Lão Tử là nhà triết học cổ đại Trung Quốc, sống khoảng thế kỷ 5,6 trước Công nguyên, có thể sống cùng thời hoặc trước sau chút ít với Khổng Tử. Theo Tư Mã Thiên, Lão Tử là người nước Sở, làm quan giữ kho sách. Ông để lại một tác phẩm duy nhất gồm 5.000 chữ là “Đạo đức kinh”. Tư tưởng của ông duy vật, vô thần và biện chứng chất phác, nhấn mạnh hai luận điểm ĐẠO và VÔ VI.

“Lão Tử đã lấy những quan điểm duy vật nguyên thủy ở Trung Quốc, như “âm dương” làm cơ sở cho một hệ thống triết học hoàn chỉnh. Lão Tử đề ra học thuyết ĐẠO để giải thích sự hình thành của vạn vật. ĐẠO là cơ sở vật chất đầu tiên khi còn là một khối hỗn độn, lúc ấy đạo là khí (phân tử vật chất rất nhỏ, ngưng tụ lại dưới một trạng thái lờ mờ). Về sau, hai khí âm, dương ngưng tụ hình thành trời đất ở hai cực của khối hỗn độn, trời đất giao cảm sinh ra những khí tương ứng nhau, kết hợp với nhau mà tạo thành vạn vật, sự sống và loài người. Đạo có sớm hơn Thượng đế, Thượng đế không tạo ra thế giới. Khái niệm “Đạo” còn có một nghĩa khác nữa: Đạo (= con đường) chỉ quy luật khách quan của vũ trụ, quy luật của giới tự nhiên (Đạo gần Logos của triết gia Hy Lạp Herakleitos). Vạn vật (tự nhiên và con người) đều biến hóa theo một con đường, không phụ thuộc một lực lượng siêu tự nhiên (đối lập thuyết Thiên mệnh của Khổng Tử). Quá trình này theo quy luật thống nhất các mặt đối lập trong từng hiện tượng (dài ngắn tựa vào nhau mới có hình thể, cao thấp liên hệ với nhau mới có chênh lệch, khẳng định đẹp tức là có xấu và chuyển hóa thành cái đối lập của mình, bao giờ cái mới cũng thắng cái cũ).

Đạo không có ý chí và dục vọng, không theo mục đích sẵn có nào. Đạo biểu hiện đặc thù trong từng vật và hiện tượng cụ thể, “đức” là khái niệm chỉ biểu hiện ấy (VD: đức của nước là mềm và chảy xuống thấp).

Theo thuyết VÔ VI: Không đấu tranh với tự nhiên, chỉ tìm cách thích ứng với quy luật, coi sự biến hóa của giới tự nhiên là quá trình vận động tuần hoàn, nhấn mạnh sự thống nhất của các mặt đối lập... Lão Tử chủ trương không tiến lên mà trở lại đời sống nguyên thủy, lên án kinh tế hàng hóa, muốn giữ kinh tế xã hội thị tộc, không có tư hữu và Nhà nước. Về nhận thức luận, Lão Tử coi thường tri thức kinh nghiệm và thực tiễn (đi càng xa, biết càng ít), coi trí tuệ và kỹ thuật là nguồn gốc cái giả dối và điều ác, bài bác văn hóa, luân lý. Tư tưởng vô vi đối lập Khổng học, đặc biệt với một phái nhà Nho lấy ý chí con người thắng trời, bất chấp quy luật. Một số đồ đệ của Lão Tử chuyển vô vi thành “xuất thế” (không tham gia việc xã hội). Từ đó xuất hiện khuynh hướng mê tín, tôn giáo”. (Theo Tảo Trang) - Từ điển triết học giản yếu -  Hữu Ngọc, Dương Phú Hiệp, Lê Hữu Tầng, năm 1987).

Nguyễn Khắc Viện trích dẫn mấy câu sau đây ở “Đạo đức kinh” (trong cuốn “Bàn về đạo Nho”)

1. Lão Tử: “Đạo khả đạo, phi thường đạo, danh khả danh, phi thường danh”. Lão Tử nói: Đạo mà ta có thể gọi được, không phải là đạo thường. Danh mà có thể gọi được, thì không phải là danh thường.

2. “Thiên tử giai tri, mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ, giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ”: Thiên hạ đều biết tốt là tốt, thì đã có xấu rồi. Đều biết lành là lành thì đã có cái chẳng lành rồi.

3. “Vi vô vi tắc vô bất trị”: Nếu làm theo vô vi thì không có gì là không trị.

4. “Phú quý nhi kiêu, Tự di kỳ cữu”: Giàu sang mà kiêu thì tự rước tai vạ.

5. Khổng Tử: “Ngô kim kiến Lão Tử kỳ do long”. Sau khi gặp Lão Tử, Khổng Tử về nói với học trò: Chim, ta biết nó bay như thế nào, cá, ta biết nó lội làm sao, thú, ta biết nó chạy cách nào. Thú chạy thì ta có lưới bắt, cá lội thì ta có dây câu nó, chim bay thì ta có bẫy gài nó. Cứ như con rồng thì ta không biết nó theo mây gió mà bay liệng như thế nào. Nay ta thấy Lão Tử như con rồng (Luận ngữ).