Làm hồ sơ sinh từ tuần bao nhiêu

Mang thai 3 tháng cuối, việc tìm hiểu cách làm thủ tục đăng ký sinh là rất quan trọng để mẹ không rơi vào thế bị động khi chuyển dạ sinh con bất ngờ.



Đi sinh dù lần đầu hay lần thứ 2, thứ 3 đều là những trải nghiệm mới mẻ và hồi hộp đối với các mẹ bầu. Vì vậy, quy trình chuẩn bị hồ sơ, làm giấy tờ đôi khi khiến mẹ lo lắng đứng ngồi không yên. Tốt nhất là mẹ và người thân nên tìm hiểu trước để biết rõ cách thực hiện. Khi có dấu hiệu chuyển dạ thì vào viện làm mọi thứ thật suôn sẻ, sinh đẻ êm xuôi (vì dân gian có câu “đầu xuôi đuôi lọt” mà).



Khuyến khích mẹ làm hồ sơ trước sinh



-Đối với những ca sinh khó, có tính chất đột ngột, nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân, chuyển viện vì mẹ không cung cấp đủ thông tin theo dõi thai kỳ. Vì thế, các mẹ nên làm hồ sơ trước sinh để họ yêu cầu thăm khám, chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ thật kỹ càng.



-Với những ca sinh bình thường, mẹ vào viện vẫn phải làm lại (hoặc thêm) một số xét nghiệm. Nếu làm hồ sơ trước thì lúc đau bụng, rỉ ối chỉ việc đến chờ sinh mà thôi.



-Làm hồ sơ trước sinh, bác sĩ sẽ chẩn đoán kĩ, theo dõi lâu dài, đưa ra những chỉ định sinh mổ, sinh thường… chính xác nhất.



Hồ sơ sinh bao gồm những gì?



Từ tuần 28 trở đi, mẹ bầu đã có thể đến bệnh viện để đăng ký sinh và làm thủ tục hồ sơ sinh. Tuy nhiên, có một số bệnh viện thì phải tới tuần thai thứ 36-38 họ mới nhận hồ sơ. Vì vậy, mẹ nên đi hỏi thăm trước để biết thời điểm nào mình nên làm.



Các thủ tục đăng ký sinh ở bệnh viện bao gồm những gì? Các mẹ nào còn chưa biết trình tự thì có thể tham khảo dưới đây:



-Mua sổ khám, nộp phí khám.



-Làm các xét nghiệm: tổng xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.



-Thử đường huyết.



-Đếm cử động và nghe nhịp tim thai.



-Siêu âm thai.



Chuẩn bị một số giấy tờ cơ bản: CMND, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển viện (nếu có), sổ hộ khẩu. Các giấy tờ này để làm giấy chứng sinh cho em bé, thủ tục hưởng bảo hiểm y tế cho mẹ. Nên photo làm 2 bản và nộp cho bệnh viện khi họ yêu cầu.




Thủ tục đăng ký sinh yêu cầu đầy đủ các giấy tờ cá nhân, sổ khám thai




Kinh nghiệm đi làm hồ sơ, thủ tục đăng ký sinh



-Mỗi bệnh viện sẽ có quy định khác nhau về việc làm hồ sơ sinh và thay đổi theo từng thời điểm nên mẹ cần cập nhật trước tình hình để tránh mất thời gian, lãng phí tiền bạc.



Đến sớm trước giờ bệnh viện bắt đầu làm việc để lấy số thứ tự. Lắng nghe hướng dẫn của y tá để tiết kiệm thời gian trong khi di chuyển đến các phòng khám, xét nghiệm một cách nhanh nhất.



-Mẹ bầu nên đi cùng người nhà để có người hỗ trợ lấy số khám, nộp lệ phí, dựa dẫm lúc mệt mỏi.



-Không ăn sáng để tiến hành xét nghiệm máu. Nếu bệnh viện muốn làm xét nghiệm đường huyết, mẹ cần nhịn ăn ít nhất từ 8 giờ tối ngày hôm trước và chỉ ăn sau khi tiến hành xét nghiệm đường huyết xong. Do vậy, nên mang theo nước lọc, đồ ăn nhẹ để ăn ngay khi khám xong.



-Chuẩn bị từ 1-2 triệu đồng để nộp phí. Nếu mẹ bầu có bảo hiểm y tế đúng tuyến thì số tiền này sẽ được miễn giảm khá nhiều. Để tiện lợi hơn, mẹ nên tham khảo trước bảng chi phí sinh 2018 tại các bệnh viện phụ sản uy tín trong nước.




Mẹ bầu cần tìm hiểu trước thủ tục đăng ký sinh ở bệnh viện mình dự kiến sinh để không bị động




Quy trình làm thủ tục



-Khi cơ thể có thay đổi bất thường: ra dịch hồng, đau bụng lâm râm, đau quặn, rỉ ối… thì nên đến bệnh viện khám ngày, làm thủ tục đăng ký sinh (nếu mẹ chưa đăng ký trước đó).



-Sản phụ mang sổ khám bệnh và giấy tờ tùy thân đưa cho tiếp tân bệnh viện.



-Sản phụ điền đầy đủ thông tin của mình vào phiếu đăng ký thông tin và vào gặp bác sĩ để khám. Trường hợp mẹ bầu đã đau bụng dữ dội thì sẽ nhập viện cho bác sĩ khám ngay để kịp sinh.



-Khi làm thủ tục nhập viện, mẹ bầu sẽ được bác sĩ thực hiện các thủ thuật như khám trong, siêu âm, xét nghiệm, lựa chọn phòng lưu trú sau sinh và tạm ứng trước tiền sinh...



-Sau khi mọi thủ tục hoàn tất, nếu bị đau nhiều thì mẹ cần gọi bác sĩ để họ khám xác định đã sinh được ngay hay chưa. Nếu chưa thì ra phòng chờ thêm, nếu rồi thì chuyển vào phòng sinh.



Lưu ý: Mẹ bầu khám thai định kỳ ở bệnh viện nào thì nên đăng ký sinh ở bệnh viện đó.



Việc mẹ cần làm sau khi đăng ký sinh



Khi đã rõ cách làm thủ tục đăng ký sinh con và vượt qua giai đoạn này, mẹ tiếp tục thực hiện các bước quan trọng tiếp theo cho cuộc vượt cạn:



-Nếu sinh thường:



Tuân theo hướng dẫn của ê kíp đỡ đẻ.



Áp dụng bài tập thở, thả lỏng tinh thần… để vượt qua các cơn co.



Khi cổ tử cung mở 10 phân, bác sĩ và hộ sinh sẽ đỡ đẻ cho mẹ. Có thể mẹ sẽ bị rạch tầng sinh môn để em bé dễ chui ra. Sau khi con ra đời, họ tiến hành lấy nhau, khâu tầng sinh môn lại (liền sẹo sau 2 tuần).



-Nếu sinh mổ:



Làm thủ tục xong thì tiến hành vệ sinh vùng nhạy cảm, thông tiểu, đẩy vào phòng mổ, truyền dịch, gắn dây thở vào mũi, gây tê màng cứng.



Khoảng 3-5 phút sau, mẹ mất cảm giác toàn bộ nửa thân dưới. Lúc này, bác sĩ tiến hành mổ lấy thai. Em bé ra đời, hộ sinh làm các thao tác với bé (hút mũi, lau sạch, cân, quấn khăn…) còn mẹ thì được lấy nhau, khâu vết mổ, chuyển qua phòng hậu phẫu theo dõi…



Khi bác sĩ xác định ngày dự sinh chắc chắn nhất, mẹ bầu nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và đồ đạc để đi sinh ngay khi có dấu hiệu chuyển dạ. Thủ tục đăng ký sinh cũng không quá rườm rà, phức tạp nếu mẹ tìm hiểu và dự trù trước. Vì thực tế những mẹ sinh con lần 2, lần 3 đôi khi cũng lúng túng trước những thay đổi của bệnh viện chứ không chỉ với mẹ mang thai và sinh con lần đầu.