Kỹ năng nghề nghiệp adapt là gì

Người lớn thường hỏi trẻ con “sau này con thích làm nghề gì?”. Khi trẻ con tròn một tuổi, trong tiệc thôi nôi của trẻ, cha mẹ vẫn thường bày một số món đồ cho trẻ chọn để dự đoán nghề nghiệp tương lai của em. Những thói quen này giờ đây có lẽ không còn mấy ý nghĩa nữa.

Ngày nay, không ít người làm nhiều hơn một nghề, phần vì họ buộc phải thế để thích nghi với tốc độ biến chuyển nhanh của thời cuộc, phần vì công nghệ và mô hình nền kinh tế ngày nay cho phép và khuyến khích điều đó. Nếu như đổi nghề thường có nghĩa là chuyển từ một lĩnh vực này sang một lĩnh vực hoàn toàn khác thì trong bối cảnh hiện tại, chúng ta không nên khăng khăng bám dính một nghề mà nên chuẩn bị cho nhiều nghề trong cuộc đời.

… vì chúng ta có thể

Với nhiều đóng góp to lớn cho nhân loại, Leonardo da Vinci đã chứng minh rằng một người có thể xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Chọn lựa nghề nghiệp phù hợp phụ thuộc vào năng lực bẩm sinh, vốn kỹ năng, tính cách, hứng thú và giá trị của mỗi người.

Theo Howard Gardner, nhà tâm lý học người Mỹ, mỗi người đều sở hữu nhiều năng lực tự nhiên khác nhau (tham khảo bài test tại link), trong đó, một số năng lực nổi trội hơn những loại còn lại. Ông cũng chỉ ra rằng trí thông minh của con người được chia thành 9 loại hình thông minh khác nhau như Linguistic (Ngôn ngữ), Naturalist (Thiên nhiên), Musical (âm nhạc),....

Tôi đã làm bài test trí tuệ tự nhiên và kết quả top 1 của tôi là Intrapersonal (Nội tâm) với điểm số vượt trội, kế đến là Language, Visual (Hình ảnh) và Logic với điểm số bằng nhau. Điều này có nghĩa là việc mà tôi làm tốt nhất sẽ liên quan đến khám phá nội tâm con người với sự hỗ trợ của các thế mạnh kia.

Kết quả này phần nào giải thích tại sao tôi rất thích vẽ tranh, thích viết lách, thích tạo ra quy trình, nhưng không thỏa mãn với công việc này và luôn nghĩ rằng mình có thể làm gì đó nhiều hơn nữa. Tôi có trí tò mò vô tận về cách suy nghĩ và hành xử của con người, cũng như luôn trăn trở tại sao họ lại hành động mâu thuẫn với những gì họ mong muốn. Và hôm nay tôi đã trở thành work-life coach, một công việc đòi hỏi tôi sử dụng năng lực tự nhiên nổi trội nhất của mình. Tôi vẫn chưa muốn dừng chân ở công việc này mà sẽ tiếp tục tìm kiếm công việc khác cho phép tôi phát huy những năng lực đã phát hiện ở trên, như instructional designer chẳng hạn.

Bạn muốn biết mình có thể làm được những nghề gì phải không? trên mạng có rất nhiều bài test, bạn có thể thử làm một hoặc nhiều bài test đề xuất ở đây!

Cần lưu ý rằng những bài test dựa vào skills sets hiện tại của bạn sẽ có giá trị hạn chế hơn những bài test dựa trên hứng thú, năng lực tự nhiên, tính cách và giá trị của bạn.

"Your career is like a garden. It can hold an assortment of life's energy that yields a bounty for you. You do not need to grow just one thing in your garden. You do not need to do just one thing in your career." - Jennifer Ritchie Payette

… vì điều này rất có lợi

Việc theo đuổi nhiều nghề đem lại rất nhiều lợi ích. Ngoài nguồn thu nhập linh hoạt, bạn sẽ phát triển trọn vẹn hơn, trở thành người thú vị, có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo hơn, có nhiều khả năng khám phá mong muốn của bản thân và những sở trường của mình.

Với ưu thế sử dụng ngôn ngữ của mình, đặc biệt là tiếng Anh, một thời gian dài, tôi làm corporate communication tại các tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, tôi dùng kỹ năng ngôn ngữ của mình để dịch sách, viết bài chia sẻ, sửa bài luận cho học viên, giúp khách hàng tư vấn viết lại LinkedIn profile, và các tài liệu quảng bá cho công ty.

Tôi dùng tài vẽ của mình để giao lưu và làm công tác xã hội. Có thời gian tôi bán đấu giá những bức tranh mini để gây quỹ ủng hộ Quán cơm Nụ cười. Tôi vẽ tranh phong cảnh và chân dung để tặng bạn và những người thân thiết.

Tôi đặc biệt thích tạo ra các quy trình làm việc. Trong bất cứ công việc nào mà tôi đảm nhiệm, tôi đều sắp xếp tổ chức lại cơ chế phối hợp thông tin, hợp tác phân công nhiệm vụ và đưa ra quyết định, để đạt mục tiêu đầu ra cuối cùng một cách hiệu quả nhất về thời gian và chất lượng. Năng lực logic này đã giúp tôi soạn thảo giáo án dạy tiếng Anh từ các tư liệu dạy và học tiếng Anh miễn phí trên Internet theo khung quy định của châu Âu để giúp học viên tự học, giảm thiểu chi phí tối đa.

Chính nhờ nhận diện được năng lực thế mạnh và hứng thú của mình, tôi luôn giữ được sự tự tin và lạc quan về cơ hội nghề nghiệp của mình.

… để thích nghi và tồn tại trong bối cảnh mới

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra làn sóng nghỉ việc hàng loạt; gần một nửa lực lượng lao động bỏ việc hoặc chuyển việc. Theo một khảo sát gần đây của U.S Chamber, 32% người mất việc vì đại dịch nói họ tìm kiếm công việc mới trong lĩnh vực hoàn toàn khác. Một khảo sát khác của Post-Schar School cũng cho kết quả tương tự; ⅓ nhân viên dưới 40 tuổi muốn đổi nghề hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.

Đại dịch khiến người ta đánh giá lại những gì họ muốn từ công việc và nhận ra rằng những điều như cân bằng công việc và cuộc sống, giờ giấc và địa điểm làm việc linh hoạt và văn hóa tích cực nơi làm việc cũng quan trọng không kém, với một số người, còn quan trọng hơn tiền lương và phúc lợi.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo khảo sát của Manpower Group, gần 50% lao động muốn bỏ việc sau dịch. Những lý do chính bao gồm

  • Bi quan về triển vọng nghề nghiệp

Đại dịch đã gây ra tình trạng mất việc và bỏ việc ở quy mô chưa từng thấy trên toàn cầu.

Theo SPGlobal, những ngành bị tác động nặng nề nhất là hàng không, ô tô, thiết bị và dịch vụ năng lượng, khách sạn-nhà hàng-giải trí, và bán lẻ. Theo khảo sát của U.S. Chamber, 46% nhân lực làm trong ngành khách sạn, giải trí trước đây đang tìm cách chuyển sang lĩnh vực khác ít bị tác động hơn.

  • Nhận ra những điều quý giá hơn lương bổng và tính ổn định

Theo khảo sát của Manpower Group, tại Việt Nam cũng như ở các nước khác trên thế giới, tỉ lệ lực lượng lao động đang làm việc muốn rời bỏ công việc hoặc có ý định chuyển việc cũng ở mức báo động, dao động ở mức trên dưới 50%, lý do là vì áp lực kéo dài do phải cáng đáng thêm trách nhiệm, thời gian, địa điểm gò bó, cảm giác trống rỗng.

Đặc biệt, trong đại dịch, những người làm việc ở tuyến đầu như y tá, nhân viên y tế, phục vụ quán ăn, cửa hàng bán lẻ, đều trải qua tình trạng căng thẳng kéo dài và kiệt quệ tinh thần. Những vấn đề tinh thần và thể chất thôi thúc họ chuyển nghề. Chỉ cần google cụm từ :nhân viên y tế nghỉ việc”, bạn sẽ thấy xuất hiện nhiều bài báo về tình trạng nghỉ việc hàng loạt trong lĩnh vực y tế.

Đại dịch cũng khiến nhiều người nhận ra cuộc sống quá ngắn ngủi. Việc giam mình 10 tiếng một ngày ở văn phòng khiến họ cảm thấy bị chết mòn. Họ muốn được tự do di chuyển hơn, linh hoạt giờ giấc hơn, và hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn, hoặc sống một cuộc sống ý nghĩa hơn. Bạn có thể nghe thêm podcast này.

  • Xu hướng làm việc từ xa trở nên thịnh hành

Vì giãn cách xã hội trong đại dịch, các công ty buộc phải tạo điều kiện cho nhân viên làm việc từ xa bằng cách đầu tư thêm vào công nghệ. Những lợi ích mà hình thức làm việc này đem lại khiến cho nhiều lao động không muốn dịch chuyển nhiều vì công việc nữa. Vì nhu cầu nhân lực cấp bách, các công ty giờ đây không yêu cầu người lao động phải đến công sở nữa. Như vậy, giờ đây, các công ty có thể tuyển dụng nhân lực ở phạm vi rộng hơn, và người lao động cũng có nhiều công ty để ứng tuyển hơn.

  • Bằng cấp đại học không còn là điều kiện bắt buộc trong quy trình tuyển dụng

Vì nhu cầu nhân lực cấp bách trong tình hình lao động bỏ việc tỉ lệ cao, các công ty và tổ chức đang dịch chuyển hướng tuyển dụng dựa trên bộ kỹ năng của ứng viên, thay vì bằng cấp. Điều này tạo điều kiện cho lao động chuyển sang lĩnh vực hoặc vai trò mới dễ dàng hơn.

… vì công nghệ và mô hình kinh tế cho phép

Công nghệ đã, đang và sẽ làm cho rất nhiều nghề biến mất, đồng thời cũng tạo ra vô số việc làm mới mẻ, theo những cách thức mới mẻ.

Dịch bệnh và giãn cách xã hội đã thúc đẩy sự phát triển của công nghệ hỗ trợ giao tiếp ảo, làm việc từ xa, thương mại điện tử và e-learning. Giãn cách xã hội kéo dài, học sinh không thể đến lớp. Các giáo viên dạy trung tâm hoặc trường học buộc phải làm quen với Zoom, và các công cụ hỗ trợ dạy trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ chương trình học theo giáo án. Các chương trình giải trí, thuyết giảng, hội họp cũng phải tiếp cận khán thính giả qua màn hình. Các nhóm làm việc theo dự án cũng phải phối hợp công việc và cập nhật tình hình cho nhau bằng các phần mềm hợp tác.

Các nền tảng chia sẻ cho phép người lao động chọn khi nào họ muốn làm việc và hợp tác với nhiều công ty, khách hàng và đối tác chứ không phải phụ thuộc vào riêng một công ty nào.

Trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa cũng đang thay thế nhiều kỹ năng con người. Lúc tôi mới ra trường năm 1996, email chưa được nhiều công ty sử dụng. Phương tiện liên lạc giữa các văn phòng chủ yếu là điện thoại và fax. Giờ đây chúng ta không thể hình dung nổi một ngày có thể làm việc mà không có email. Lúc đó, sếp tôi hay đọc và ghi âm các báo cáo vào cái máy ghi âm nhỏ xíu và bảo tôi nghe và viết lại. Báo cáo hoàn chỉnh sẽ được in ra và gửi về Hội sở chính bằng fax. Sếp tôi nói rằng không dễ kiếm được một thư ký có khả năng nghe và viết tiếng Anh tốt như tôi. Giờ đây, với công nghệ nhận diện giọng nói của Google, kỹ năng một thời mà tôi tự hào chắc chắn sẽ không còn ai cần đến nữa. Tôi vẫn có thể “bán” kỹ năng viết lách và trình độ tiếng Anh của mình nhưng để “bán được giá”, tôi phải tìm lĩnh vực khác phù hợp hơn, như dịch sách hoặc sửa bài luận chẳng hạn. Ý tôi muốn nói là chúng ta phải liên tục mài giũa sở trường của mình và tìm kiếm nhiều cách khác nhau để nâng cao giá trị sử dụng của chúng, trong một công việc khác, theo một phương cách khác.

Kết luận

Ông bà xưa có dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. nhưng xem ra trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày nay, lời dạy này không còn phù hợp nữa. Toàn cầu hóa, biến động xã hội và công nghệ đã làm thay đổi cách thức làm việc, tuyển dụng và học tập với tốc độ chóng mặt. Nếu chúng ta khăng khăng bám vào tư duy cũ, cách làm cũ, ngành học đã được đào tạo ở trường thì sẽ sớm bị đẩy ra lề xã hội.

Không có và cũng không nên chỉ theo đuổi một nghề duy nhất.

Mỗi người sẽ có nhiều sự nghiệp trong cuộc đời. Chúng có thể tồn tại đồng thời hoặc xuất hiện lần lượt tùy vào hoàn cảnh, giai đoạn cuộc đời, giá trị sống và tác động của biến đổi xã hội và công nghệ. Thậm chí nếu một người chọn trung thành với một sự nghiệp, với sự ra đời liên tục của các giải pháp công nghệ mới và thực tế xã hội thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi họ phải liên tục cập nhật kỹ năng và đào tạo lại.

Chuyển nghề đòi hỏi kiến thức và kỹ năng mới nên bạn cần có chủ ý và chuẩn bị phù hợp. Đừng vì quá bận rộn với công việc hiện tại mà quên cập nhật, học hỏi kỹ năng mới, để chuẩn bị cho tương lai.