Khái niệm tòa án lương tâm là gì

Việc các Toà án bang và Liên bang Hoa Kỳ trong những năm vừa qua bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam đối với 37 công ty hoá chất Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến trách nhiệm của họ trong việc sử dụng chiến tranh hoá học, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, môi trường và sinh thái ở Việt Nam cho thấy chính quyền Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam đã phớt lờ các chuẩn mực quốc tế về luật nhân đạo và luật nhân quyền, như luật chiến tranh, tập quán pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và Công ước quyền dân sự và chính trị, trong sử dụng chiến tranh hoá học đối với Việt Nam, vi phạm có hệ thống về quyền con người ở Việt Nam. Ba triệu người là nạn nhân của chất độc da cam, vụ thảm sát 500 thường dân vô tội ở Mỹ Sơn ngày 16 tháng 3 năm 1968... là những bằng chứng không thể chối cãi về tội ác của chính quyền Hoa Kỳ đối với nhân dân Việt Nam trong thời gian tiến hành chiến tranh xâm lược đất nước này.

1. Toà án Lương tâm và Toà án Lương tâm của Nhân dân thế giớiToà án Lương tâm (Tribunal of Conscience) hay Toà án Lương tâm quốc tế (international tribunal of Conscience) là toà án được thiết lập bởi các tổ chức và cá nhân yêu chuộng hoà bình, đấu tranh cho tự do, công lý và lương tri nhân loại. Thường thì họ là những thẩm phán, luật sư, các công tố viên hoặc thậm chí các cá nhân tiến bộ mong muốn sử dụng sự phán xét của rộng rãi công luận lên án và gián tiếp tác động đến sự tự thức tỉnh lương tri và đạo lý của kẻ vi phạm nhằm phải trả lại công lý cho người bị hại.Ý nghĩa khởi thuỷ của khái niệm Toà án Lương tâm chính là thông điệp nhấn mạnh quyền năng tối cao và chân lý vĩnh hằng của sự phán xét về cái đúng - cái sai, sự thật - dối trá, bất công - công lý,… không phải dựa trên kết quả minh chứng bằng tranh luận về tính hợp lý của những bằng chứng hay bởi hội đồng xét xử được thành lập theo thẩm quyền tài phán nhất định (quốc gia hay quốc tế) mà dựa trên sự tự phán xét, sự tự thức tỉnh về lương tri và lẽ phải của chính đối tượng hay của những chủ thể có liên đến những mối quan hệ ấy. Toà án Lương tâm là thuật ngữ dùng để chỉ chuẩn mực và giá trị đích thực của công lý mà đôi khi không phải bao giờ cũng được chứng minh xác đáng thông qua quy trình xét xử bởi toà án thông thường, tức là toà án tư pháp (judicial courts/tribunals) hay bán tư pháp (semi-judicial courts/tribunals) được thành lập theo luật định. Những toà án tư pháp quốc tế này thường được thành lập bởi những Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) hay các cơ quan chức năng của LHQ. Do vậy, chúng là một phần không thể thiếu được của hệ thống pháp luật quốc tế và cũng là phần tất yếu của cơ chế giám sát, thực thi pháp luật quốc tế. Trong lịch sử và thực tiễn tư pháp quốc tế cũng như ở mỗi quốc gia, công lý không phải bao giờ cũng dễ dàng đạt được nếu chỉ dựa duy nhất vào quá trình chứng minh, loại suy và suy đoán lôgích (hình thức) dựa trên chứng cứ hiển nhiên bởi một toà án tư pháp (vì đôi khi “tình ngay, lý gian”; sự sai sót, tính thiên vị trong các phán quyết của toà án vẫn có thể nảy sinh, dẫn đến tình trạng công lý không được thực sự bảo đảm). Trong trường hợp ấy chỉ có sự phán xử của lương tâm, của công luận hay nhân dân nói chung (Toà án Lương tâm ) và phán quyết của họ mới thực sự là đại diện cho công lý đích thực. Mặc dù cũng được gọi với cái tên là “toà án”, xong Toà án Lương tâm chưa bao giờ mang chức năng thẩm quyền tài phán (jurisdiction) hay quyền tư pháp (judicial power), tức quyền áp dụng luật và cưỡng chế việc tôn trọng, thi hành luật với tính cách là trách nhiệm pháp lý (legal liability) của những chủ thể có liên quan theo luật định. Như vậy, toà án thông thường (hay toà tư pháp) có thẩm quyền tối cao mang tính pháp lý, trong khi đó, Toà án Lương tâm có quyền lực tối cao mang tính đạo đức. Điều này cho thấy, Toà án Lương tâm mang bản chất là cái phán quyết cuối cùng và cái cốt lõi đích thực của quá trình xét xử, chứng minh và bảo vệ công lý. Ở những hệ thống tư pháp phát triển, dân chủ và nhân văn, mối quan hệ giữa hai loại hình toà án này là rất gần gũi và khoảng cách giữa những phán quyết của toà án tư pháp và phán quyết của công luận của lương tri là tương đối tương đồng. Nhưng ở những hệ thống tư pháp độc đoán, kém phát triển, không hiệu quả hay thiếu nhân văn và có mưu đồ chính trị, thì phán quyết của toà án tư pháp đôi khi sẽ có khoảng cách khá xa với phán quyết của công luận, và do đó, công lý sẽ khó thực sự được đảm bảo, nhất là ở những vụ án nhạy cảm về chính trị và phản ánh rõ rệt tính lợi ích giai cấp và quốc gia.

Chính vì vậy, sự tồn tại của Toà án Lương tâm là một tất yếu của thực tiễn tư pháp quốc tế và quốc gia nhằm bảo vệ công lý, đặc biệt trong những trường hợp mà công lý bị bóp méo, bị lợi dụng và bị chà đạp bởi lợi ích chính trị của nhóm người cầm quyền, của chính phủ hay nhà nước độc đoán. Toà án Lương tâm của Nhân dân thế giới cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là một trong những minh chứng cho thực tiễn này. Toà án Lương tâm của Nhân dân thế giới là toà án công luận của cộng đồng quốc tế và toàn thể nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới, là toà án về lương tri nhân loại, bảo vệ chính nghĩa, tự do, công lý và đạo lý cho nhân dân toàn thế giới thông qua sự phán xử của công luận.

2. Vai trò của Toà án Lương tâm đối với việc bảo vệ công lýDo không phải là cơ quan có thẩm quyền tài phán, những kết luận của phiên toà chỉ mang tính chất khuyến nghị. Toà án Lương tâm điều chỉnh đối tượng bằng biện pháp lên án mạnh mẽ về dư luận và dựa vào sự ủng hộ và thức tỉnh về lương tri của cộng đồng nhân loại tiến bộ. Mặc dù vậy, ý nghĩa của Toà án Lương tâm là rất lớn, cũng như dư luận lên án hay phán quyết mạnh mẽ của công luận sẽ đóng vai trò góp phần làm thức tỉnh lương tri của kẻ vi phạm, tôn vinh và bảo vệ công lý, thậm chí có thể sẽ làm thay đổi nhận thức và hành vi của kẻ vi phạm. Thực tiễn tư pháp quốc tế chỉ ra rằng, đôi khi ngay cả những cơ chế xét xử chính thức (cơ quan tư pháp quốc gia và quốc tế) cũng không thể mang lại tính khả thi cao trong thực tiễn, chẳng hạn như Toà án Công lý quốc tế (International Court of Justice), Toà án Hình sự quốc tế (International Criminal Court_ICC),…(mặc dù các phán quyết của những toà án quốc tế được thành lập bởi Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, về nguyên tắc, đều có giá trị pháp lý quốc tế và có tính ràng buộc đối với những chủ thể có liên quan). Thực tiễn tư pháp quốc tế đã có những toà án lương tâm quốc tế điển hình như, Toà án Lương tâm quốc tế xét xử Tội ác chống nhân loại và diệt chủng đối với Trẻ em Pa-let-xtin ở Dải Ga-da được thành lập ngày 20 tháng 2 năm 2009 bao gồm các công tố đến từ 11 quốc gia; Toà án (Lương tâm) Thế giới về I-rắc được thành lập ngày 27 tháng 6 năm 2005 bao gồm các bồi thẩm lương tâm (Jury of Science), phán xử về những vi phạm luật quốc tế, luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế do chính phủ Anh và Hoa Kỳ cùng liên minh tiến hành từ giai đoạn 2001-2005. Phán quyết của phiên toà bên cạnh giá trị đạo lý và ý nghĩa chính trị to lớn, nó cũng có những ý nghĩa và giá trị pháp lý nhất định bởi vì tính chất tập quán pháp (luật tập quán quốc tế) do nó bao chứa ở đấy. Không phải là một nguồn chính thức của trình tự tư pháp quốc tế, toà án lương tâm xác lập các chuẩn mực đạo đức làm nền tảng cho các chuẩn mực pháp lý, cũng như việc tái khẳng định lại các chuẩn mực pháp lý quốc tế đã bị phớt lờ và chà đạp của kẻ vi phạm thông qua sự phán xét dựa trên chuẩn mực đạo đức của lương tri nhân loại. Việc thừa nhận rộng rãi giá trị của chân lý đích thực và công lý phổ quát thông qua các phán quyết công luận của Toà án Lương tâm trên phạm vi quốc tế hiển nhiên trở thành nội dung của tập quán pháp quốc tế. Và vì vậy, với ý nghĩa sâu xa có thể khẳng định rằng toà án lương tâm có giá trị pháp lý nhất định.

3. Toà án Lương tâm với vụ các nạn nhân chất độc màu da cam kiện các công ty hoá chất và chính quyền Hoa Kỳ

Ngay từ cuối thế kỷ XIX và đầu thể kỷ XX, pháp luật quốc tế và tập quán pháp quốc tế đã đặc biệt nghiêm cấm việc sử dụng vũ khí hoá học trong chiến tranh. Hội nghị về Hoà bình tại La Hay (Hà Lan) vào năm 1899 và 1907 đã cho ra đời hai Công ước La Hay (the Hague Conventions). Cho đến nay (mặc dù năm 1992, LHQ thông qua Công ước về Vũ khí Hoá học (The Chemical Weapons Convention) trên cơ sở kế thừa và phát triển của các Công ước La Hay, các Công ước này, đặc biệt là Công ước 1907 vẫn còn nguyên giá trị pháp lý nhằm điều chỉnh và nghiêm cấm các quốc gia tham chiến sử dụng vũ khí hoá học. Năm 1925, một Nghị định thư của Công ước La Hay 1907 cũng đã được thông qua. Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh hoá học đối với Việt Nam trong thời gian 1961-1971, khi đang là thành viên của Công ước La-Hay 1907 và Nghị định thư của Công ước này năm 1925. Hoa Kỳ, vì vậy, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc sử dụng chất độc và vũ khí chứa độc trong chiến tranh và hiển nhiên là hành động tội ác chiến tranh, diệt chủng và chống loài người. Hành động sử dụng hoá chất có chứa chất đi-ô-xin (một chất gây hại cực kỳ nguy hiểm cho sức khoẻ con người như ung thư, quái thai và dị tật) và triệu tấn bom lên mảnh đất Việt Nam nhỏ bé rõ ràng là đi ngược lại với nguyên tắc của Luật chiến tranh và tập quán quốc tế, đặc biệt là đi ngược lại luật nhân đạo và luật nhân quyền quốc tế mà vốn dĩ từ bấy lâu nay, Mỹ vẫn tự cho mình là nhất và có quyền phán xử người khác. Tuy nhiên, phải gần nửa thế kỷ sau, nhân loại mới lần đầu tiên được đối chứng với những tội ác của chính quyền Hoa Kỳ và các công ty tư bản tài phiệt quân sự của nó bằng một phiên toà công khai và đúng trình tự của pháp luật quốc tế. Suốt 40 năm qua, nỗi đau của các nạn nhân da cam và gia đình họ cũng là nỗi đau của cả dân tộc Việt Nam, của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới. Đó cũng là một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ và là một bằng chứng về sự chà đạp thô bạo pháp luật quốc tế, lương tri nhân loại và quyền con người. Suốt 40 năm qua, các nạn nhân và gia đình họ đã chịu đựng nỗi đau ấy và nỗ lực đấu tranh với hy vọng thông qua hệ thống tư pháp Hoa Kỳ những tổn thất đó sẽ được xoa dịu đôi chút bằng sự thừa nhận của người gây tội. Nhưng cái điều mong mỏi hợp tình, hợp lý ấy đã luôn bị chính phủ Hoà Kỳ khước từ. Cuộc đấu tranh đó của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ, ủng hộ mạnh mẽ của những người yêu hòa bình, tự do, công lý, những người thật sự tôn trọng quyền được sống của con người trên toàn thế giới, trong đó có cả những người Mỹ. Theo sáng kiến của Hội Luật gia Dân chủ Thế giới, Toà án Lương tâm của Nhân dân thế giới về tội ác của Hoa Kỳ tại Việt Nam được thành lập đã diễn ra trong hai ngày 15 và16 tháng 5 tại Pa-ri, Cộng hoà Pháp. Toà án được thành lập nhằm xét xử tội ác của các chính quyền Hoa Kỳ từ năm 1961 đến 1971 liên quan đến việc rải khoảng 80 triệu lít chất độc màu da cam (Orange Agent) với 366 kg đi-ô-xin (dioxin) xuống miền Nam Việt Nam đã gây tác hại ghê gớm về con người, môi trường và hệ sinh thái ở nơi đây. Hậu quả là 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc, trong đó 3 triệu người hiện là nạn nhân của chất độc màu da cam, trở thành khuyết tật về thể chất và tinh thần, cũng như dị dạng và quái thai và di chứng lâu dài cho nhiều thế hệ. Đây có lẽ là một trong những hậu quả mang tính vô nhân đạo nhất, dã man nhất và phi nhân tính nhất mà Chính quyền Hoa Kỳ thời kỳ này đã phạm phải đối với nhân dân Việt Nam. Toà án đã căn cứ vào 3 bằng chứng hiển nhiên: thứ nhất, dựa trên những hậu quả tác hại về môi trường và sinh thái cũng như đối với sức khoẻ của nhân dân Việt Nam; thứ hai, trách nhiệm của Chính quyền Hoa Kỳ thời kỳ 1961-1971 đối với việc sử dụng chiến tranh hoá học ở Việt Nam dựa theo quy định của Luật tập quán quốc tế; thứ ba, trách nhiệm của Hoa Kỳ trong việc bồi thường những hậu quả đối với môi trường, sinh thái của Việt Nam cũng như sức khoẻ của người dân Việt Nam.

Sau hai ngày xét xử, dựa trên các chuẩn mực của pháp luật quốc tế và luật tập quán quốc tế (bao gồm các Công ước Giơ-ne-vơ về chiến tranh, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng và Công ước về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước về không áp dụng các hạn chế luật định đối với tội phạm chống nhân loại, Công ước về các quyền dân sự và chính trị,…) các thẩm phán chủ toạ phiên toà đã kết luận, việc chính quyền Hoa Kỳ sử dụng chất độc màu da cam là hành động tội ác chiến tranh chống loài người và tội diệt chủng về con người và môi trường ở Việt Nam. Toà án cũng kết luận rằng, các công ty Hoá chất Hoa Kỳ là những kẻ đồng phạm của những hành động vi phạm pháp luật quốc tế này cùng với chính phủ Hoa Kỳ. Và vì vậy, toà án tuyên án chính phủ Hoa Kỳ cùng với các công ty hoá chất của nó, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bồi thường cho những nạn nhân chất độc màu da cam, cho sự huỷ diện môi trường và sinh thái của Việt Nam. Toà án cũng yêu cầu cần phải thành lập một Uỷ ban Chất độc Da cam (Orange Agent Committee) nhằm đánh giá khoản tiền bồi thường đối với mỗi nạn nhân da cam, gia đình và cộng đồng của họ; xem xét khoản tiền bồi thường để chi trả cho chính phủ Việt Nam nhằm đền bù thiệt hại và chi phí mà Việt Nam phải trả cho những nạn nhân da cam và cải thiện môi trường; tiến hành các hoạt động cần thiết để cải thiện tình trạng nạn nhân da cam, gia đình họ và môi trường như chăm sóc, điều trị, tái hồi phục chức năng, nghiên cứu, khảo sát…

4. Công lý thuộc về lương tri nhân loại Bài học kinh nghiệm rút ra từ Toà án Lương tâm của Nhân dân thế giới thực sự có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân da cam sẽ được cộng hưởng bởi những thắng lợi bước đầu của toà án công luận đã đánh thức lương tri nhân loại tiến bộ. Công lý cho các nạn nhân da cam, mặc dù chưa được trao trả bằng một phán quyết của toà án tư pháp có thẩm quyền tài phán, nhưng đã được khẳng định bằng một phán quyết của công luận, của nhân dân toàn thế giới. Công lý ấy thuộc về lương tri nhân loại, và tất yếu sẽ cần phải thuộc về nguyên tắc nền tảng của pháp luật quốc tế. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh việc đưa vụ kiện này ra trước các Toà án thẩm quyền pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc, như Toà án Công lý quốc tế và Toà án Hình sự quốc tế, Toà án về tội phạm chiến tranh và tội phạm chống nhân loại, cần tăng cường hơn nữa các toà án lương tâm để làm tiền đề cho việc xét xử tại các toà án quốc tế trên, cũng như tiếp tục nghiên cứu, đưa thêm những bằng chứng về hậu quả tác động của chất độc da cam đối với sức khoẻ, môi trường và sinh thái của Việt Nam, xây dựng luận cứ pháp lý vững chắc (dựa trên hệ thống pháp luật quốc tế và luật tập quán quốc tế) cho việc tiến hành vụ kiện với quy mô chính phủ tại các cơ chế và diễn đàn chính thức của LHQ và các tổ chức liên chính phủ.

Thông điệp của Toà án Lương tâm Nhân dân thế giới lần này cũng là thông điệp của nhân dân Việt Nam và của những nạn nhân chất độc da cam Hoa Kỳ, và của nhân loại tiến bộ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng đạo lý, tôn trọng quyền cơ bản của con người, thực thi nghĩa vụ pháp lý quốc tế, và trả lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam do quân đội Mỹ gây nên./.

Hoàng Văn Nghĩa
TS Luật học, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
Theo TCCSĐT