Kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm học

UBND TỈNH HÀ TĨNH

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

Số: 1581/KH-SGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Tĩnh, ngày 20  tháng 8 năm 2021

KẾ HOẠCH

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022

Thực hiện Kết luận số 32-KL/TU ngày 17/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Văn bản số 5412/UBND-VX1 ngày 18/8/2021 của Ủy ban dân dân tỉnh về việc triển khai Kết luận số 32-KL/TU, căn cứ Kết luận của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tại các Hội nghị triển khai nhiệm vụ các cấp học đầu năm học, Sở GDĐT xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giữ vững chất lượng, hiệu quả giáo dục.

2. Yêu cầu

Linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn trong tổ chức thực hiện. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị nhiệm vụ năm học của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cấp có thẩm quyền.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức tựu trường và khai giảng năm học mới

1.1. Tựu trường:

Căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19, Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh quy định ngày tựu trường và hướng dẫn hình thức tựu trường phù hợp.

Các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông, trung tâm GDTX tỉnh, trung tâm GDTX-GDNN cấp huyện và các trường cao đẳng, trung cấp có hệ GDTX cấp THPT (sau đây gọi chung là trường học) chủ động xây dựng phương án tựu trường theo 2 hình thức như sau:

- Tựu trường tập trung: Căn cứ vào số lượng học sinh và diện tích sân trường để tổ chức tựu trường với số lượng hợp lý, đảm bảo giản cách theo hướng dẫn của Ngành Y tế, ưu tiên các lớp đầu cấp hoặc tổ chức tựu trường theo lớp học.

- Tựu trường không tập trung: Trong trường hợp không tựu trường tập trung được, nhà trường thông báo bằng hình thức trực tuyến, qua các trang mạng xã hội những thông tin cần thiết (danh sách học sinh theo lớp, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy các môn học, sơ đồ lớp học…) và hướng dẫn học sinh (phụ huynh) chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho năm học mới.

1.2. Khai Giảng năm học mới vào ngày 05/9/2021:

Các trường học xây dựng Phương án khai giảng theo 3 hình thức sau:

+ Khai giảng tập trung (quy mô phù hợp, thực hiện giãn cách, ưu tiên các lớp đầu cấp).

+ Khai giảng theo lớp.

+ Khai giảng trực tuyến.

2. Chuyển trạng thái trong tổ chức dạy học

2.1. Phương án tổ chức dạy học:

Các trường học xây dựng Kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 theo 3 phương án:

Phương án 1: Dạy trực tiếp với thời lượng khoảng 75%, dạy trực tuyến với thời lượng khoảng 25%, thực hiện trong trường hợp dịch bệnh được khống chế, tại địa phương không thực hiện cách ly y tế.

Phương án 2: Dạy trực tiếp với thời lượng khoảng 50%, dạy trực tuyến với thời lượng khoảng 50%, thực hiện trong trường hợp có ca dương tính trong cộng đồng, cách ly y tế trong thời gian ngắn.

Phương án 3: Dạy trực tiếp với thời lượng khoảng 25%, dạy trực tuyến với thời lượng khoảng 75%, thực hiện trong trường hợp dịch bệnh diến biến phức tạp, cách ly dài ngày.

Lưu ý:

- Các cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến.

- Các trường học căn cứ vào tình hình thực tế để xác định tỉ lệ thời lượng dạy học theo các hình thức phù hợp.

2.2. Yêu cầu:

- Từng môn học xác định nội dung kiến thức cốt lõi để dạy học trực tiếp, trước mắt thực hiện đến giữa học kỳ I.

- Tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp để trang bị kiến thức cốt lõi cho học sinh, nhất là các môn Tiếng Việt (Ngữ văn), Toán, tiếng Anh; kiểm tra đánh giá định kỳ; hướng dẫn học sinh tự học. Dạy trực tuyến chủ yếu dạy các kiến thức không thật sự cốt lõi; ôn tập, luyện tập kiến thức đã học.

- Tăng thời lượng dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 1, 2, 6, 9, 12.

2.3. Giải pháp:

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh.

- Khảo sát thiết bị dạy học trực tuyến của nhà trường, giáo viên, học sinh. Lập danh sách học sinh không có thiết bị học trực tuyến để có giải pháp hỗ trợ.

- Sử dụng các phần mềm miễn phí (hoặc có thu phí) để tổ chức dạy học trực tuyến đảm bảo thuận tiện, hiệu quả.

- Bố trí lớp học sinh theo địa bàn, chia nhóm nhỏ hỗ trợ nhau trong học trực tuyến, phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến”; kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thiết bị cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cách biệt về địa hình.

- Giao nhiệm vụ trực tiếp cho học sinh không có điều kiện học trực tuyến.

- Phân bố hợp lý thời gian học trực tuyến các cấp học trong ngày trên cùng một địa bàn.

- Sở GDĐT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình dạy học qua truyền hình cho học sinh các lớp cuối cấp THCS, THPT.

3. Nhiệm vụ trọng tâm các cấp học

3.1. Giáo dục mầm non:

- Chú trọng trang bị kỹ năng, tâm lý, kiến thức cốt lõi cho trẻ, đặc biệt là chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1.

- Đảm bảo an toàn cho trẻ về thể chất và tinh thần.

- Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.

3.2. Giáo dục tiểu học:

- Tập trung triển khai thực hiện Chương trình, SGK lớp 2 gắn với củng cố kết quả lớp 1.

- Tiếp tục ưu tiên, coi trọng lớp 1.

- Chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3 năm học 2022-2023: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, Tài liệu Giáo dục địa phương trên tinh thần là Hà Tĩnh dạy học đủ các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Chuẩn bị cho học sinh lớp 5 lên học lớp 6: Bổ sung kiến thức, đồng bộ việc dạy học ngoại ngữ theo Chương trình 10 năm, đảm bảo 100% lớp 5 có thể theo được Chương trình lớp 6 mới của năm học tới.

3.3. Giáo dục THCS:

- Triển khai thực hiện Chương trình, Sách giáo khoa lớp 6 (dành thời gian hướng dẫn HS tiếp cận cách học ở THCS). Quan tâm việc dạy học tiếng Anh lớp 6 đối với các trường thực hiện chương trình 7 năm (tăng thời lượng, từng bước tiếp cận Chương trình 10 năm).

- Nâng cao chất lượng lớp 9, bổ sung kiến thức để lên học lớp 10.

- Chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 7 năm học 2022-2023: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, Tài liệu Giáo dục địa phương…

3.4. Giáo dục THPT

- Chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 năm học 2022-2023: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, Tài liệu Giáo dục địa phương. Tập trung nghiên cứu Chương trình, sách giáo khoa; xác định các tổ hợp môn học (5 môn) từ 03 nhóm môn lựa chọn phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường, công khai vào đầu học kỳ II năm học 2021-2022.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 theo từng môn học, phấn đấu nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố có kết quả cao nhất trong Kỳ thi 2022.

3.5. Giáo dục thường xuyên

- Chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 hệ GDTX cấp THPT năm học 2022-2023: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất; Tập trung nghiên cứu Chương trình GDTX cấp THPT, xác định các môn học lựa chọn theo quy định của Bộ GDĐT, công khai vào đầu học kỳ II năm học 2021-2022.

- Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học hệ GDTX cấp THPT; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo từng môn học để có giải pháp cụ thể, phù hợp với đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

- Đa dạng hóa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho học viên được học các môn học tự chọn như: Tin học, Ngoại ngữ.

4. Công tác phòng chống dịch Covid-19

- Các trường học:

+ Tuyên truyền, nhắc nhở, quán triệt cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch; nghiêm cấm giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

+ Chuẩn bị các phương tiện: Máy đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, dung dịch sát khuẩn, phòng cách ly tạm thời khi có giáo viên, học sinh sốt, ho, khó thở hoặc được xác định là F0, F1, F2.

+ Phối hợp cơ quan y tế tập huấn kỹ năng xử lý tình huống có giáo viên, học sinh sốt, ho, khó thở hoặc được xác định là F0, F1, F2.

- Sở GDĐT phối hợp Sở Y tế hướng dẫn chi tiết về đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19 tại các trường học.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Các phòng chuyên môn thuộc Sở

- Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Bộ GDDT và tình hình thực tiễn, tham mưu văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của từng cấp học và các hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà trường trong quá trình triển khai.

2. Các phòng giáo dục và đào tạo

- Tham mưu UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 và đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các trường học trực thuộc việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên đảm bảo thực chất, phù hợp với tình hình thực tế.

3. Các trường học

- Tập trung xây dựng các phương án Tựu trường, Khai giảng năm học, Kế hoạch giáo dục trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, đặc biệt là phương án tổ chức dạy học trực tuyến trình UBND cấp huyện (phòng GDĐT) phê duyệt đối với các đơn vị trực thuộc huyện và trình Sở GDĐT phê duyệt đối với các đơn vị trực thuộc Sở.

- Chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục của từng môn học theo các phương án dạy học đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục.

- Thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh.

- Kịp thời đề xuất các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để tập trung tháo gỡ.

4. Kính đề nghị

4.1. Sở Y tế:

- Phối hợp Sở GDĐT ban hành văn bản hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường học.

- Chỉ đạo các cơ quan y tế địa phương phối hợp các trường học triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh.

4.2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo Phòng GDĐT tham mưu Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 trên địa bàn.

- Chỉ đạo rà soát và đảm bảo các điều kiện thiết yếu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đảm bảo an toàn trong các trường học.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 của Sở GDĐT. Các nhà trường và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả./.

Nơi nhận:

- Bộ GDĐT (để báo cáo);

- UBND tỉnh (để báo cáo);

- Sở Y tế (để p/h);

- UBND cấp huyện (để p/h chỉ đạo);

- Giám đốc, các Phó Giám đốc;

- Các phòng Sở;

- Các phòng GDĐT;

- Các trường THPT;

- Các Trung tâm GDTX-GDNN;

- Các đơn vị có hệ GDTX;

- Lưu: VT, GDPT.

GIÁM ĐỐC

(đã ký)

Đặng Thị Quỳnh Diệp