Hình tượng nhân vật trong văn học là gì năm 2024

Là hình tượng con người được mô tả trong tác phẩm văn học. Trong truyện ngụ ngôn, cổ tích, thần thoại, Nhân vật văn học có thể là con vật, hoặc thần linh. Dù mang hình hài thần linh hay con người, mọi Nhân vật đều là chủ thể hành động, là đầu mối nối kết các motif thành hệ thống sự kiện trong thế giới tạo hình và là chủ thể lời nói tạo nên văn bản ngôn từ của tác phẩm. Đôi khi khái niệm Nhân vật được sử dụng như một ẩn dụ để chỉ hiện tượng nổi bật nào đó trong sáng tác, ví như có thể nói “đồng tiền” là nhân vật chính trong Eugénie Grandet của H. Balzac, hoặc “nhân dân” là nhân vật chính trong Cửa biển của Nguyên Hồng.

Nội hàm của khái niệm Nhân vật văn học chỉ có thể xác lập đầy đủ trong tương quan với hàng loạt phạm trù khác, trước hết là phạm trù tác giả. Một mặt, Nhân vật là đối tượng thẩm mĩ, là “Người khác” trong cái nhìn nghệ thuật của tác giả, được tác giả mô tả và biến thành “trung tâm giá trị” của tác phẩm, mọi hành vi và ý thức của nó đều thể hiện bản chất của thế giới do tác giả sáng tạo ra. Mặt khác, bước vào tác phẩm, Nhân vật hiện lên như một con người cụ thể, sống động, tự định đoạt hành vi và số phận của mình. Ta hiểu vì sao L. Tolstoi từng thừa nhận trong tiểu thuyết Anna Karenhinna, Vronski “bỗng đột nhiên nổ súng” và việc nhân vật “bỗng đột nhiên nổ súng” như thế là hành vi nằm ngoài ý đồ của tác giả. Cho nên, cặp phạm trù Nhân vật và Tác giả là điểm tựa quan trọng bậc nhất để xác định hình thức chỉnh thể của tác phẩm văn học. Theo M. Bakhtin hình thức của tác phẩm là sự “gặp gỡ”, là kết quả tương tác giữa chỉnh thể Nhân vật do hoạt động của nó tự tạo ra và sự “phản ứng tổng thể” của tác giả với chỉnh thể “nhân vật như một con người”.

Ở Việt Nam, các khái niệm Người kể chuyện và Người trần thuật thường đượckhoa nghiên cứu và phê bình văn học xếp vào phạm trù Nhân vật: Nhân vật người kể chuyện và Nhân vật người trần thuật. Ở Nga lại có truyền thống xếp chúng vào phạm trù “Hình tượng tác giả” để phân biệt với chuỗi khái niệm chỉ bộ ba chủ thể trong hoạt động thẩm mĩ: Tác giả-Người sáng tạo – Hình tượng tác giả – Nhân vật. M.M. Bakhtin, và sau ông, B.O. Korrman, gọi Tác giả-Người sáng tạo là “Tác giả khởi nguyên”, gọi Hình tượng tác giả (Người kể chuyện và Người trần thuật) là “Tác giả thứ sinh”. Ở đầu này, “Tác giả khởi nguyên” là “bản thể sáng tạo chẳng do cái gì tạo ra”. Nó được ông ví với “Chúa trời”: “Chúa trời” sáng tạo ra tất cả, nhưng Ngài tự sinh, tự tại, đứng ngoài mọi sự mô tả. Ở đầu kia, Nhân vật là “bản thể được sáng tạo ra không phải để sáng tạo”. Ở giữa, “Tác giả thứ sinh” là “bản thể được “Tác giả khởi nguyên” tạo ra để sáng tạo thế giới nhân vật”. Nó là “bản thể trung gian” giữa thế giới Nhân vật và độc giả.

Ở các thể loại văn học khác nhau, Nhân vật có những đặc điểm khác nhau. Trong thơ trữ tình tâm tư, ý thức của Nhân vật tựa như hòa tan vào ý thức của tác giả, nên độc giả chỉ bắt gặp ở đây giọng nói và cái nhìn của Chủ thể trữ tình. Trong kịch và thơ trữ tình nhập vai, ý thức tác giả lại giống như hòa tan vào ý thức Nhân vật, nên ở đây chỉ có lời trực tiếp của Nhân vật. Trong tác phẩm tự sự, các loại Nhân vật hành đông, Nhân vật người kể chuyện, Nhân vật trần thuật được phân chia “ngôi” thành Chủ – Khách tách bạch, ứng với nó là sự phân chia lời nhân vật thành các loại: lời trực tiếp, lời gián tiếp và lời bán trực tiếp.

Hạt nhân kiến tạo nghĩa và tổ chức hình thức quan trọng bậc nhất của Nhân vật là vai truyện kểvà chức năng truyện kểcủa chúng. “Nội dung” của Nhân vật trong tác phẩm văn học thường gắn chặt với các vai truyền thống,ví như, cha – mẹ – con (trong truyền thuyết, sử thi), thiện – ác (trong cổ tích), trung – nịnh, đấng bâc – vô loài… (trong văn học trung đại và hiện đại). Có nguồn cội từ cổ mẫu được hình thành trong sáng tác dân gian, nhìn chung các vai tryền thống ấy có thể qui về hai loại cơ bản: chính diện và phản diện. Chúng tồn tại lâu bền trong vô thức, tiềm thức cộng đồng, cắm rễ sâu vào các tầng vỉa của văn hóa của nhân loại. V.Ja. Propp xem cấu trúc của truyện cổ tích thần kì là một hệ thống chức năng. Trong quan niệm của ông, chức năng là motif nhìn từ khía cạnh mục đích của truyện kể. Nói cách khác, nó là hành vi của chủ thể hành động đẩy truyện kể tiến về phía trước. Theo đó, có thể phân biệt hai loại chức năng: chức năng “chung” và chức năng “riêng”. Chức năng “riêng” là những chức năng nảy sinh từ cấu trúc truyện kể, chúng không có tầm quan trọng tự thân và là chức năng của các nhân vật phụ, nhân vật “hàng hai”, thứ yếu, ví như “người ban tặng”, “kẻ làm hại”, hay “người trợ giúp”. Chức năng “chung” là chức năng thiết yếu, nảy sinh từ quan niệm về cấu trúc của thế giới “bổ đôi”, “lưỡng trị” bị nghiêng lệch, hoặc khiếm khuyết trong tình huống khởi đầu truyện kể: sống – chết, âm – dương, giàu – nghèo, thiện – ác, ta – địch… Đó là chức năng truyện kể dành cho Nhân vật chính. Nó buộc Nhân vật phải tái thiết và bảo tồn trật tự của thế giới ấy. Để loại bỏ khiếm khuyết, tái thiết và duy trì trật tự của thế giới “lưỡng trị song tồn”, Nhân vật chính phải có một phẩm chất đặc biệt, ấy là năng lực phát kiến và khả năng khởi xướng hành động nhằm khắc phục những trở ngại mà người bình thường không thể vượt qua. Trong văn học thơì cổ xưa (cổ tích thần kì, sử thi), năng lực khởi xướng và phát kiến của Nhân vật luôn trùng khớp với việc thực hiện các nhu cầu tất yếu mang tính phổ quát của đời sống cộng đồng, ví như chinh phục thiên nhiên, khai phá đất đai mở rộng địa bàn cư trú, chống lại sự xâm lăng của các thị tộc bộ lạc khác… Cho nên trong các ngôn ngữ Âu – Mĩ, có hai thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ phạm trù Nhân vật: “Personnage”, nghĩa gốc là “mặt nạ”, và “Héros”, nghĩa gốc là “Anh hùng”. Nhân vật nào cũng có thể gọi là “personnage” “mặt nạ”, nhưng không phải “personnage” nào cũng được gọi là “Héros” (“Anh hùng”).

Vai văn học và chức năng truyện kể chi phối nguyên tắc tiếp cận và cách thức mô tả Nhân vật trong tác phẩm. Trong truyền thuyết, sử thi cổ đại, trong truyện sử, truyện thơ trung đại, hoặc trong tiểu thuyết, trường ca lãng mạn hiện đại, các nhân vật anh hùng, các “bậc” trung nghĩa, những “đấng” tài hoa thường được được đặt vào khu vực gián cách với cái “đương đạị đang tiếp diễn” và được mô tả theo nguyên tắc lí tưởng hóa. Ngược lại, chân dung các nhân vật phản diện thuộc phường “vô loài” thường được tiếp cận từ quan điểm “suồng sã” và được mô tả bằng bút pháp tả chân. Cho nên, chức năng truyện kể và vai văn học là hạt nhân kiến tạo hình tượng nhân vật thành các chỉnh thể cấu trúc. Dựa vào kiểu cấu trúc chỉnh thể, có thể phân biệt 3 kiểu Nhân vật: Nhân vật “mặt nạ”, Nhân vật loại hình và Nhân vật tính cách. Nhân vật “mặt nạ” (Personnage – “masque”) là nhân vật bị đồng nhất giản đơn với các chức năng truyện kể của chúng. Đó là loại hình nhân vật ta thường bắt gặp trong thần thoại, trong truyện cổ tích thần kì, trong truyền thuyết, hoặc dụ ngôn… Ngay cả trong sáng tác hiện đại, các nhân vật phụ, nhân vật thứ yếu cũng thường bị đồng nhất với chức năng truyện kể hoặc các vai văn học truyền thống của chúng. Nhân vật loại hình (Type) là hình thức nhân cách đã hoàn bị, có sẵn của con người cá nhân, hạt nhân cấu trúc của nó là yếu tố “loại”. Ví như “người hà tiện”, “người đạo đức giả” (trong hài kịch Molière), thói “Sở Khanh” (trong Truyện Kiều của Nguyễn Du), hay “con người nhỏ bé” (trong văn học hiện thực) đều là “loại hình” (type), chứ không phải “tính cách” (character), vì chúng gần như là hình thức có sẵn trong bản tính tự nhiên của con người. Hạt nhân cấu trúc của Nhân vật tính cách (Character) là yếu tố “cá tính”, là cái riêng. Nó là cá nhân có khả năng tự quyết, tự lựa chọn cho mình một vai trò riêng trong đời sống nói chung, cũng như trong từng sự kiện riêng lẻ. Khả năng tự quyết, tự lựa chọn ấy luôn gắn liền với hệ thống các giá trị được Nhân vật thừa nhận, và do đó, nó không phải là một loại khuôn mẫu phẩm hạnh, mà là một lập trường sống, một quan niệm nhân sinh được nó thức nhận. Với ý nghĩa như thế, khái niệm “tính cách” (Character) đồng nghĩa với khái niệm Nhân vật (Personnnage), nhưng không phải Nhân vật (Personnage) nào cũng là một tính cách (character).

Trong tiến trình lịch sử, các loại hình chức năng và vai truyện kể của Nhân vật, tương quan giữa các vai và các loại hình chức năng ấy với “nội dung” của con người cá nhân được mô tả trong tác phẩm không ngừng thay đổi. Sự thay đổi này kéo theo sự vận động, thay đổi của cả nội dung lẫn hình thức Nhân vật. Lịch sử văn học hơn hai thế kỉ qua còn chứng kiến sự thay đổi tận gốc cấu trúc chủ thể của con người cá nhân và đây là nhân tố cốt yếu tạo nên những cách tân quan trọng bậc nhất của phạm trù Nhân vật. Việc mô tả con người thường nhật, xóa bỏ nguyên tắc bổ đôi của mô hình thế giới lưỡng trị, nhất là việc mô tả quá trình nhận thức như một “dòng ý thức” và mô tả hoạt động tự nhận thức của con người là bằng chứng hiển nhiên nhất về những cách tân như vậy. Nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, mọi sự khởi xướng bao giờ cũng gắn chặt với kí ức, ở cực này, sự giải cấu trúc càng diễn ra ráo riết, thì ở cực kia càng có xu hướng tái tổ hợp, tái tổ chức những cấu trúc cổ xưa. Cho nên, dẫu cách tân thế nào thì xuyên suốt toàn bộ lịch sử văn học, bao giờ cũng có hai tuyến mô tả hình tượng con người tạo thành hai kiểu cấu trúc Nhân vật: cấu trúc truyền thống và cấu trúc nghịch dị.

NGƯỜI BIÊN SOẠN: LA KHẮC HÒA

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tamarrchenko N.D. (Chủ biên). Thi pháp học. Từ điển các thuật ngữ và khái niệm chuyên dụng. Nxb Kulaginoi Intrada, 2008

2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên). Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Giáo dục, 2004.

3. Bakhtin M.M. Tác giả và nhân vật trong hoạt động thẩm mĩ// Bakhtin M.M. Tuyển tập (Bộ 7 tập), T.2, M., 2003.

4. Broitman S. N., Thi pháp học lịch sử// Tamarchenko N.D.(Chủ biên), Lí luận văn học (2 tập), T.2 Nxb Academa, 2004