Giải pháp xây dựng văn hóa chính trị

Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, kế hoạch của Bộ Chính trị và trên cơ sở tổng kết 30 năm thực hiện “Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị Quân đội”, Tổng cục Chính trị đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là một chủ trương lớn, có tính xuyên suốt, với tổng thể các nội dung; trong đó, xây dựng môi trường văn hóa tốt, đẹp, lành mạnh, phong phú là nội dung quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa quân sự với nhiều cách làm phong phú, thiết thực. Vì vậy, môi trường văn hóa quân sự đã phát triển toàn diện, có ý nghĩa tích cực trên nhiều mặt; với nhiều nét tiêu biểu, như: đã xây dựng được môi trường giàu tính giáo dục, nuôi dưỡng và phát triển phong trào cán bộ, chiến sĩ phấn đấu theo tiêu chuẩn con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát huy và làm đẹp thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới. Đời sống văn hóa, tinh thần trong các cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển vững chắc, tạo ra nhiều giá trị văn hóa mới, làm cơ sở để bồi đắp thêm những phẩm chất tốt đẹp của người quân nhân cách mạng. Toàn quân đã tích cực, chủ động, kiên quyết đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn tệ nạn xã hội, văn hóa xấu độc xâm nhập vào đời sống bộ đội. Việc xây dựng, củng cố doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp, hài hòa, thân thiện với môi trường, thiết thực với đời sống bộ đội được triển khai rộng khắp trong toàn quân. Qua đó, tạo dựng diện mạo văn hóa mới trong các đơn vị Quân đội; gắn kết chặt chẽ các hoạt động văn hóa, tinh thần giữa bộ đội và nhân dân, tăng cường đoàn kết quân dân; đấu tranh có hiệu quả trước âm mưu thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội và các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng chính trị, sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ, cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị có lúc chưa thường xuyên, có thời điểm chưa sát với đơn vị cơ sở; thiết chế văn hóa ở một số đơn vị chưa được củng cố kịp thời; cán bộ, nhân viên văn hóa chưa thực sự sâu về chuyên môn, khả năng tổ chức hoạt động văn hóa, tinh thần trong ngày nghỉ còn biểu hiện hình thức, gò ép, chưa hấp dẫn, v.v.

Để tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa quân sự, ngày 18/8/2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 3087/QĐ-BQP phê duyệt Kế hoạch số 1349/KH-CT, ngày 15/8/2022 của Tổng cục Chính trị về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội nhân dân Việt Nam với chủ trương phát triển văn hóa Quân đội nhân dân Việt Nam để xây dựng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; đồng thời, xây dựng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là nội dung cốt lõi, tiêu chí, đặc trưng của văn hóa Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó xác định, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là nội dung quan trọng, cần được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả. Từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức, lực lượng trong xây dựng môi trường văn hóa quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được”1. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng môi trường văn hóa quân sự là vấn đề quan trọng hàng đầu. Trong đó, tiếp tục giáo dục, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa2; tập trung quán triệt, làm rõ quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên, quần chúng về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện xây dựng môi trường văn hóa quân sự. Hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phải đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện của đơn vị và đối tượng, như: đưa nội dung giáo dục về văn hóa vào chương trình giáo dục chính trị hằng năm; tổ chức diễn đàn, tọa đàm về giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài; tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm điện ảnh về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đến bộ đội và nhân dân, v,v. Đi đôi với việc giáo dục, quán triệt, định hướng nhận thức, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng, nhất là những hạn chế, bất cập để kịp thời chấn chỉnh; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, khuynh hướng văn hóa lệch lạc, phản động, xem nhẹ vị trí, vai trò của văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa quân sự.

Hai là, tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa quân sự trong tình hình mới. Giá trị văn hóa quân sự rất phong phú, tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, cả ở dạng vật thể và phi vật thể; trong đó, cốt lõi là hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Để giá trị văn hóa này không ngừng tỏa sáng, yêu cầu quan trọng hiện nay là tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 855-CT/QUTW, ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, v.v. Cùng với đó, phát huy vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa quân sự. Tổ chức chặt chẽ việc quy hoạch xây dựng doanh trại gắn với quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, cảnh quan, công trình văn hóa đảm bảo thống nhất, thiết thực; tạo môi trường và điều kiện sống tốt về tinh thần và sức khỏe của bộ đội. Mở rộng giao lưu văn hóa với quân đội các nước, tạo điều kiện để phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, Quân đội; tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến, tốt đẹp, lành mạnh từ bên ngoài. Kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ và những giá trị văn hóa tốt đẹp của Quân đội.

Ba là, chăm lo xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh trong Quân đội. Văn hóa nói chung, văn hóa quân sự nói riêng được biểu hiện khá phong phú trong môi trường quân sự, nhưng tiêu biểu và rõ nét hơn cả là các mối quan hệ giữa: lãnh đạo, chỉ huy với phục tùng sự lãnh đạo, chỉ huy; cấp trên với cấp dưới; đảng viên với quần chúng; cán bộ với chiến sĩ và giữa quân nhân với nhau, v.v. Để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh, thiết nghĩ cần xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, sự đoàn kết, thống nhất, tin tưởng lẫn nhau; nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định trong thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong tham gia xây dựng tổ chức đảng, tăng cường hiệu lực người chỉ huy các cấp. Trong chỉ đạo thực tiễn, xác định đúng tính chất của mối quan hệ, có biện pháp tác động đúng đắn, phù hợp để xây dựng các mối quan hệ văn hóa lành mạnh. Tích cực hóa các quan hệ văn hóa quân sự bằng nhiều biện pháp cụ thể, như: tọa đàm dân chủ; giao lưu văn hóa, hoạt động liên kết giữa bộ đội với nhân dân địa phương, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”, v.v. Trong công tác quản lý, chỉ huy cần khắc phục biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, phân biệt cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới.

Bốn là, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế và các hình thái hoạt động văn hóa quân sự. Thiết chế văn hóa là yếu tố đặc biệt quan trọng, được coi là “trung khu thần kinh” của môi trường văn hóa. Để có môi trường văn hóa quân sự tốt đẹp, phong phú, lành mạnh, phải có hệ thống thiết chế văn hóa vững chắc, năng động. Điều đó đặt ra yêu cầu cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa quân sự theo Quyết định số 3672/QĐ-BQP, ngày 24/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa phải nhằm bảo đảm chính quy, tinh gọn, thống nhất, cơ cấu hợp lý; quản lý, tổ chức hoạt động hiệu quả. Chủ động sáng tạo ra các hình thức hoạt động mới theo phương châm: ngắn gọn, nhỏ lẻ, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với điều kiện, khả năng nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng cao của bộ đội. Ngoài ra, cần chỉnh đốn những hoạt động văn hóa không còn phù hợp, gây tốn kém, lãng phí; khắc phục bệnh phô trương, hình thức. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa chất lượng cao, thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với lực lượng đảm nhiệm công tác văn hóa - văn nghệ.

Xây dựng môi trường văn hóa quân sự là vấn đề lớn, có chiều sâu. Những giải pháp trên chưa thể đề cập toàn diện các khía cạnh, song cấp ủy, chỉ huy các cấp có thể nghiên cứu vận dụng linh hoạt để xác định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa của đơn vị đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Đại tá, TS. NGUYỄN HỮU HOẠT, Học viện Hậu cần _______________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 360.

2 - Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Đồng thời, nắm vững nội dung Chỉ thị số 355-CT/QUTW, ngày 20/4/2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Quân đội giai đoạn hiện nay”; Kết luận số 1172-KL/QUTW, ngày 16/6/2022 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Quân đội thời kỳ mới; Kế hoạch số 1349/KH-CT của Tổng cục Chính trị về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội nhân dân Việt Nam, v.v.