Giải pháp để phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc trong nhà trường

Giải pháp để phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc trong nhà trường
Giáo viên Trường PTDTNT huyện Hướng Hóa hướng dẫn cho học sinh cách đan lát vật dụng truyền thống

Trường PTDTNT huyện Hướng Hóa có 281 học sinh từ lớp 6 - 9, với 100% là học sinh người đồng bào DTTS ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó học sinh người Bru Vân Kiều chiếm trên 90%. Trong khuôn khổ nội dung chương trình học hằng năm, Nhà trường linh động thiết kế các nội dung, chương trình về bảo tồn văn hóa dân tộc một cách phù hợp. Các hoạt động về giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường được tổ chức phong phú, đa dạng và ngày càng đem lại hiệu quả cao.

Đối với bảo tồn ngôn ngữ Bru Vân Kiều, trường khuyến khích các hoạt động giao lưu, thi kể chuyện, hát dân ca bằng tiếng Bru Vân Kiều. Riêng đối với khối 6 và 7, trường đưa môn học tiếng Bru Vân Kiều vào chương trình giảng dạy. Trong các hoạt động ngoại khóa, nội dung bảo tồn văn hóa dân tộc luôn được đơn vị chọn là một trong những nội dung trọng tâm. Điển hình như thiết kế các hoạt động ngoại khóa và các buổi chào cờ đầu tuần theo chủ đề, chủ điểm, trong đó quan tâm đến chủ đề về bảo tồn văn hóa. Qua các hoạt động này, học sinh sẽ được giáo viên giới thiệu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Bru Vân Kiều, Pa Kô như các lễ hội, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống…

Ngoài ra, trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm về văn hóa truyền thống. Từ những vật liệu mây, tre nhờ các nghệ nhân ở thôn bản cung cấp, học sinh được hướng dẫn đan những vật dụng trong đời sống hằng ngày của gia đình như a chói, mâm cơm, chổi đót… Những làn điệu dân ca, trang phục, món ăn truyền thống của người Bru Vân Kiều, Pa Kô cũng được lựa chọn làm hoạt động trọng tâm trong các chương trình giao lưu văn nghệ, hội thi, hội diễn tại trường.

Đặc biệt, vào ngày 19/4 hằng năm, trường tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc. Đây là dịp để giáo viên và học sinh được thỏa sức trải nghiệm, tự mình làm nên những sản phẩm đan lát, nấu món ăn truyền thống, trưng bày những gian hàng với các sản phẩm phong phú như nông sản, vải thổ cẩm, trang phục như áo, khố, váy, khăn… của đồng bào DTTS.

Tất cả những nội dung giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đều được giáo viên của trường nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm qua nhiều tài liệu, đồng thời dành thời gian thực tế tại các bản làng để nghe các nghệ nhân truyền đạt cách đan lát mây tre, thổ cẩm, nấu các món ăn truyền thống và tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Kô. Nhờ thế, những giờ học ngoại khóa liên quan đến văn hóa đặc sắc của dân tộc bao giờ cũng được học sinh của trường thích thú, tham gia sôi nổi.

Giải pháp để phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc trong nhà trường
100% học sinh của trường là người đồng bào DTTS ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện

Em Hồ Thị Thay, học sinh lớp 8B, Trường PTDTNT huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Em rất tự hào là người Bru Vân Kiều được sống và học tập ở mái trường có nhiều dân tộc anh em. Ở đây, em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, nhất là biết thêm về văn hóa đặc trưng của người Bru Vân Kiều, Pa Kô; được trải nghiệm chẻ, vót tre, mây, tự tay đan những vật dụng sinh hoạt thường ngày; tìm hiểu những phong tục tập quán; lựa chọn, trưng bày các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình trong dịp cắm trại, lễ hội của trường. Từ đó tạo cho em thêm yêu quê hương, có ý thức chung tay giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông”.

Để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như tạo sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh, Trường PTDTNT huyện Hướng Hóa vận động phụ huynh hiến tặng trang phục, nhạc cụ truyền thống và các vật dụng trong đời sống lao động sản xuất của người Bru Vân Kiều để trưng bày tại phòng truyền thống của đơn vị phục vụ học sinh tham quan, tìm hiểu sau mỗi giờ học. Năm 2021, trường đã xây dựng đề án dự thi “Khoa học kỹ thuật cấp huyện” với chủ đề “Bảo tồn văn hóa dân tộc Vân Kiều”, trong đó tập trung các giải pháp để bảo tồn nghề truyền thống, nhất là nghề đan lát mây tre thủ công.

Điểm nhấn của đề án này đó là từ những sản phẩm đan lát do học sinh thực hiện sẽ dần xây dựng nhóm đan lát trong trường học. Sau đó, liên kết với các nhóm đan lát khác của người Bru Vân Kiều ở các xã, thị trấn trong toàn huyện để có mối liên kết, đa dạng hóa mẫu mã, tăng số lượng và chất lượng sản phẩm nhằm từng bước đưa sản phẩm ra giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên thị trường.

Cô giáo Hồ Thị Tư, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian tới, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho học sinh; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án thí điểm dạy tiếng dân tộc Bru Vân Kiều cho học sinh khối 6, 7. Lồng ghép giáo dục văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục “Trải nghiệm hướng nghiệp “, “Trải nghiệm sáng tạo”, ngoại khóa cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác...”./.

Cần tiếp tục chăm lo tốt hơn để đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc

Giải pháp để phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc trong nhà trường

Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: TH

Sự kiện thu hút sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, chuyên gia về văn hóa dân tộc và đại diện lãnh đạo nhiều địa phương.

Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng nhưng có nhiều giá trị thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước. Đồng thời, mỗi dân tộc lại có những nét đáo riêng có, tạo nên bản sắc của dân tộc mình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục qua từng thế hệ con người Việt Nam. Tại Diễn đàn này, Ban Tổ chức mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cũng như bài học sinh động từ thực tiễn ở địa phương trong việc gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, nhằm bổ sung các giải pháp để nhiệm vụ của ngành đạt hiệu quả cao.

Tại Diễn đàn, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã cho ý kiến, tập trung vào một số nội dung như phát huy truyền thống văn hóa xây dựng môi trường văn hóa góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; môi trường văn hóa dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa hiện nay.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề cập đến những vấn đề cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay; phát huy truyền thống văn hóa các tộc người ở Việt Nam; đoàn kết các dân tộc để phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong xây dựng môi trường văn hóa…

Các ý kiến, tham luận tại hội thảo đã nêu bật những nét đẹp của văn hóa dân tộc, tầm quan trọng văn hóa dân tộc trong qua trình  xây dựng môi trường văn hóa hiện nay.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, phải coi môi trường văn hóa dân tộc là một nền tảng trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay ở nước ta, đặc biệt cần hết sức quan tâm đến môi trường văn hóa tộc người (thực hành văn hóa sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa tri thức...) bởi đó là môi trường mà cộng đồng được nuôi dưỡng, lớn lên, hình thành nhân cách, phẩm chất. Môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tạo nên những con người có văn hóa của dân tộc ấy. Bởi vậy, môi trường này cần được bảo vệ, củng cố và phát huy nhằm xây dựng nên những con người văn hóa…

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch khẳng định: Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác này cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương, chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp… Đó là những vấn đề quan trọng và thiết thực, cần được nghiên cứu chuyên sâu.

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn nêu một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc hiện nay như đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao; sử dụng mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa; chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa…      

“Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và càng khó khăn hơn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đòi hỏi những giải pháp có tính cấp bách cũng như lâu dài”, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn nói.

Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến thiết thực về xây dựng môi trường văn hóa từ các địa phương, trong đó nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, kết quả đạt được cũng như hạn chế, bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng.

Ý kiến của đại biểu tại Diễn đàn sẽ được tổng hợp, nghiên cứu, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, góp phần giúp cho ngành thực hiện thắng lợi các chủ đề công tác năm 2022 là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức - cán bộ”, hướng đến mục tiêu cuối cùng là thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.