Dịch tả lợn châu phi có ở các tỉnh nào năm 2024

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị có 57 thôn, ở 22 xã, thị trấn, thuộc 5 huyện, thị xã có lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương và cơ quan chức năng đã tiêu hủy gần 880 con lợn, trọng lượng hơn 41 tấn. Riêng huyện Triệu Phong có 140 hộ ở 16/18 xã có lợn bị dịch, với hơn 700 con bị tiêu hủy. Xã Triệu Trạch là địa phương có lợn bị dịch nhiều thứ 2 trong toàn huyện. Hiện toàn xã có 24 hộ nuôi, với gần 60 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Chị Lê Thị Thiên Lý, ở thôn Linh An (xã Triệu Trạch) cho biết: Đàn lợn nhà chị có 4 con được tiêm phòng đầy đủ. Nghe thông báo có dịch tả lợn châu Phi, chị cho phun thuốc, rắc vôi bột trong chuồng để khử trùng nhưng lợn vẫn bị bệnh và chết. Lúc đầu lợn có triệu chứng bỏ ăn, toàn thân phát đỏ đến khi chết mới tím tái… “Đàn lợn dự kiến bán vào dịp Tết Nguyên đán năm nay để mua sắm đồ Tết, áo quần, sách vở cho các con, nhưng đã mất sạch”, chị Lý chia sẻ…

Ông Nguyễn Hữu Chiến, ở xã Triệu Long (huyện Triệu Phong) đầu tư xây dựng trại thả nuôi 120 con lợn, trong đó có 100 con lợn thịt. Từ nửa tháng nay, đàn lợn của ông mắc bệnh, chết dần. Ông Chiến lo lắng, nếu số lợn còn lại tiếp tục bị bệnh chết, gia đình sẽ trắng tay. Ông Chiến mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng có các biện pháp dập dịch để tránh lây qua số lợn còn lại.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Triệu Trạch Trần Đông cho biết: Ủy ban nhân dân xã đã chỉ đạo các thôn rà soát lại các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, thống kê số lợn có biểu hiện bị dịch bệnh để cách ly tránh lây lan trên diện rộng; phối hợp với cán bộ thú y tiến hành dập dịch, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và tiêu hủy số lợn bị bệnh chết đúng theo quy trình.

Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị Đào Văn An cho biết: Hầu hết các ổ dịch bùng phát tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, không bảo đảm an toàn sinh học. Người dân tập trung nuôi lợn chuẩn bị bán trong dịp Tết nên số lượng lợn bị bệnh chết đưa đi tiêu hủy nhiều. Khó khăn hiện nay trong phòng chống dịch là chưa có vắc-xin tiêm phòng.

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh trước hết là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch; còn tình trạng giấu dịch, đưa lợn bệnh ra chợ bán, phát hiện lợn bị bệnh nhưng không báo với cơ quan chức năng. Đợt mưa lũ trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua xuất hiện tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra môi trường khiến mầm bệnh phát tán, lây lan nhanh.

Nỗ lực khống chế, dập dịch

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, vi-rút dịch lây truyền rất phức tạp, hiện chưa có thuốc điều trị. Đàn lợn trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm vắc-xin nên tiềm ẩn lây lan và bùng phát dịch rất cao. Sở yêu cầu các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị triển khai các biện pháp khống chế, dập dịch, không để lây lan, với phương châm “huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, hộ giữ hộ”...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Quốc đề nghị, các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn; chuẩn bị đủ hóa chất, vật tư để phục vụ phòng chống bệnh dịch. Theo đó, Sở sẽ kiểm tra, giám sát chặt công tác kiểm dịch, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn cũng như kiểm soát việc giết, mổ; phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bao vây, nhanh chóng khống chế các ổ dịch, không để lây lan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân không giấu dịch, không vứt xác lợn chết ra môi trường. Tăng cường kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc. Sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật tại vùng biên giới.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có lợn bị bệnh, tiêu hủy. Chính quyền các địa phương hoàn thành thủ tục, hồ sơ hỗ trợ; niêm yết công khai danh sách hộ chăn nuôi được hưởng chính sách hỗ trợ...

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời tiết nắng, mưa thất thường nên nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng rất cao. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cũng như có phương án xử lý, đặc biệt là vấn đề chăn nuôi theo hướng an toàn, khép kín từ khâu chọn giống đến bảo quản thức ăn.

Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công điện nêu: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk,..; dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

  1. Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường;
  1. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;
  1. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như (Lở mồm long móng, Tai xanh, đặc biệt là vaccine DTLCP cho đàn lợn thịt) tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vaccine nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine;
  1. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh;

  1. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vaccine DTLCP cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương:

  1. Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh DTLCP; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng;
  1. Chỉ đạo lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;
  1. Tiếp tục chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP cho lợn nái, đực, giống,...

3. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP và các dịch bệnh động vật khác.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh DTLCP để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành.

5. Các Bộ, ngành có liên quan và thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh DTLCP theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh DTLCP.

Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm Công điện này./