Đánh giá tác động của khủng khỏng

ND - Bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính ở Mỹ cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ tám mươi năm qua.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế và trong nước, đây không chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính mà là một cuộc tổng khủng hoảng, trên tất cả các phương diện tài chính, sản xuất, thương mại, dịch vụ tương đương với các cuộc Ðại suy thoái 1873 và 1929. Về bản chất, đây là cuộc khủng hoảng cơ cấu, khủng hoảng của mô hình phát triển theo chủ nghĩa tự do mới và cuối cùng, đó là khủng hoảng chu kỳ của chủ nghĩa tư bản trên quy mô toàn cầu.

Ðặc điểm của cuộc khủng hoảng lần này có những nét chung với các cuộc Ðại suy thoái trước đây và cũng có những nét mới. Về đặc điểm chung, nó cũng bùng nổ từ chính trung tâm của chủ nghĩa tư bản, do sản xuất thừa và là kết quả của quá trình tập trung hóa tư bản, tài chính hóa và đầu cơ,... Các đặc điểm riêng là cuộc khủng hoảng lần này diễn ra trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức, toàn cầu hóa với thương mại và đầu tư tài chính là trụ cột, sự xuất hiện của các nền kinh tế mới nổi và đồng thời với khủng hoảng về năng lượng, lương thực, sinh thái và biến đổi khí hậu. So với Ðại suy thoái 1929 - 1933, cuộc khủng hoảng lần này diễn ra trong bối cảnh không còn Liên Xô và phong trào cánh tả tại hầu hết các nước phương Tây đang bị suy yếu; mức độ ảnh hưởng chi phối của Mỹ về tài chính, quân sự, thương mại đối với thế giới là rất lớn bởi trật tự chính trị, kinh tế được hình thành sau Chiến tranh lạnh và thông qua quá trình toàn cầu hóa.

Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng lần này là việc kích cầu tiêu dùng quá mức và cho vay dưới chuẩn, các hoạt động đầu cơ tài chính, vào bất động sản và các sản phẩm tài chính hóa đã tạo ra các bong bóng tài chính khổng lồ; việc bành trướng về quân sự, chính trị của Mỹ đòi hỏi chi tiêu rất lớn, gây thâm hụt ngân sách với quy mô chưa từng có.

Cuộc khủng hoảng này đang và sẽ tác động mạnh mẽ, lâu dài đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Viện quốc gia nghiên cứu kinh tế và xã hội (NIESR) của Anh cho rằng với giao dịch buôn bán toàn cầu dự kiến giảm 8,2% trong năm 2009, kinh tế toàn cầu có thể phải chứng kiến sự sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn 60 năm qua. Xu hướng sụt giảm kinh tế ở Mỹ, khu vực châu Âu và Nhật Bản có thể kéo dài từ sáu đến bảy quý, thậm chí có nơi tới chín quý liền. Tình hình tăng trưởng yếu kém kéo dài có thể đẩy tỷ lệ nợ so với GDP của những nền kinh tế lớn nhất lên tới mức 140% vào năm 2014. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế thế giới sẽ sớm trở lại với tăng trưởng, và khi trở lại, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu chắc chắn trong một thời gian không ngắn sẽ thấp hơn so với trước khi khủng hoảng xảy ra.

Với cuộc khủng hoảng lần này, rồi sẽ diễn ra cả một quá trình cơ cấu lại nền kinh tế toàn cầu. Ðó có thể là quá trình cơ cấu lại nền sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường do đi đôi với khủng hoảng kinh tế là khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng khí hậu, môi trường. Ðó là quá trình cơ cấu lại hệ thống tài chính tiền tệ song song với quá trình cơ cấu lại cơ chế quản lý, giám sát trong từng quốc gia và trên toàn cầu. Ðó là việc điều chỉnh lại mối tương quan giữa chính sách hướng mạnh ra xuất khẩu và chính sách coi trọng thị trường nội địa vì vừa qua những nước gắn quá sâu với xuất khẩu đều chịu tác động mạnh. Cuộc khủng hoảng cũng sẽ dẫn đến những điều chỉnh về cán cân quyền lực trên bàn cờ chính trị thế giới: Mỹ sẽ phải tính đến việc giảm bớt sự bành trướng về chính trị, điều chỉnh quan hệ đối ngoại theo hướng tăng tính đa phương, giảm đối đầu trực tiếp hơn; vai trò của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi sẽ gia tăng. Cuộc đấu tranh về lợi ích giữa các nước lớn sẽ dẫn đến một số điều chỉnh lợi ích nhất định tại các thiết chế tài chính, tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, do sự ràng buộc về lợi ích, các nước lớn vẫn sẽ thỏa hiệp để tiếp tục duy trì cục diện chung với vai trò chính của Mỹ trên quy mô toàn cầu.

Là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thế giới, vả lại ngày nay kinh tế nước ta đã hội nhập khá sâu với nền kinh tế thế giới, chúng ta không thể không tính đến những tác động sâu xa, mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với Việt Nam, không thể không nghĩ tới một số vấn đề nảy sinh đối với nước ta. Tăng trưởng GDP trong quý I-2009 đạt mức 3,1%, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua, xuất khẩu chỉ tăng 2,4%, công nghiệp tăng 2,1%, khách du lịch nước ngoài giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2008, đầu tư nước ngoài chậm lại. Ðánh giá về tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với Việt Nam, đến nay ý kiến còn khác nhau: Nhiều người trong nước và nước ngoài cho rằng tác động đối với Việt Nam không nặng nề như nhiều nước khác vì nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé, chưa hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, rằng chính phủ đã kịp thời có những giải pháp chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế... Các giải pháp này đang phát huy tác dụng. Ðồng thời cũng có những ý kiến cho rằng, mặc dù Việt Nam chưa hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, nhưng nền kinh tế của chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, sự phát triển chưa vững chắc và việc quản lý kinh tế xã hội của ta còn nhiều yếu kém. Nghĩa là cần tính toán đến các mặt thuận lợi và khó khăn chủ quan mới đánh giá được bản chất của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam. Ðiều quan trọng mà chúng ta cần làm là rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng lần này cho chính chúng ta, xây dựng được các quan điểm và giải pháp cho mô hình phát triển của nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tác động đến Việt Nam là trực tiếp và sâu rộng. Từ đầu ta dự báo chậm và không được đầy đủ. Tác động của cuộc khủng hoảng đối với Việt Nam, tuy có chậm hơn một số nước do một số lý do nêu trên, nhưng cũng rất lớn và khá rộng, ảnh hưởng trước hết đến xuất khẩu, thương mại, các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển chính thức (ODA), vấn đề thất nghiệp... Thí dụ, FDI của Việt Nam được dự kiến sẽ giảm khoảng 70% trong năm 2009, do hai lý do chính là các nhà đầu tư khó huy động vốn và kinh tế khó khăn nên các nhà đầu tư áp dụng các chính sách đầu tư thận trọng hơn.

Nguyên nhân của tình trạng hiện nay có rất nhiều mặt, bắt nguồn từ nhận thức đối với các vấn đề kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và từ thực tiễn giữa lý luận, chính sách và cuộc sống chưa gắn chặt với nhau. Về mặt luật pháp, vấn đề sở hữu cũng chưa phải đã rành rọt, luật pháp chưa quan tâm đầy đủ đến tất cả các thành phần kinh tế nên ảnh hưởng đến quan hệ sản xuất và sức sản xuất. Kinh tế Nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo. Hệ thống các thị trường tài chính, vốn, lao động, khoa học cũng còn có nhiều chỗ lúng túng, bất cập. Tất cả những hạn chế đó đã làm giảm sức bật đối với khả năng phản ứng lại với tiêu cực do khủng hoảng toàn cầu gây ra.

Chúng ta phải xem xét trên quan điểm của Ðảng về độc lập và tự chủ trong kinh tế và phát triển bền vững. Cần phải xem lại xu thế tuyệt đối hóa các giá trị thị trường, xác định đúng mối quan hệ giữa các giá trị thị trường và các giá trị chính trị, xã hội và môi trường, sinh thái. Cần nhận thức đầy đủ thị trường, về mặt mạnh và những hạn chế của nó để xác định nên mở rộng các thị trường như thế nào và đến đâu? Và cần triển khai việc "hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" ra sao? Vấn đề nhận thức về vai trò quản lý của Nhà nước trong quan hệ với thị trường. Vai trò của các thành phần kinh tế cũng cần được nhận thức đầy đủ và rõ hơn. Sự đổ vỡ của hàng loạt các tập đoàn tư nhân ngay tại trung tâm của chủ nghĩa tư bản cho thấy vấn đề không nhất thiết là do quan hệ sở hữu. Phải chăng nên tìm giải pháp trong việc đổi mới cơ chế quản lý và phân phối. Kinh tế tập thể, kinh tế hộ có vai trò như thế nào trong điều kiện khủng hoảng kinh tế? Phải chăng một trong những nhân tố góp phần giữ ổn định xã hội ở Việt Nam hiện nay là vì chúng ta còn có một bộ phận lớn dân chúng có thể tự chủ về kinh tế thông qua kinh tế hộ ở nông thôn và thành thị, chưa biến thành lao động làm thuê hay nói cách khác là tham gia "thị trường lao động"?

Cơ cấu kinh tế là vấn đề lớn cần được xem xét. Cơ cấu kinh tế của ta cần được ổn định sớm. Nên tiến hành công nghiệp hóa ra sao để vừa bảo đảm được hiệu quả, vừa hài hòa với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển dịch vụ như thế nào để nâng cao được hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế chứ không tạo thêm chi phí bởi tăng các khâu trung gian? Chắc chắn rằng không thể tiếp tục con đường phát triển dựa vào khai thác và tiêu hao tài nguyên, phá hoại môi trường; cũng không thể tiếp tục chạy theo tốc độ, không chú trọng đúng mức tới hiệu quả và tính bền vững. Công nghiệp hóa và đô thị hóa cần có một chiến lược phát triển bền vững. Hai quá trình này cần phải được thực hiện cả ở nông thôn lẫn đô thị. Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục là nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chừng nào một phần lớn dân cư còn sống ở nông thôn và phần đông lao động còn làm việc trong nông nghiệp. Việc bảo đảm an ninh lương thực và sản xuất nông nghiệp để nuôi sống dân số phi nông nghiệp vẫn rất cần thiết, từ đó vẫn phải xác định rằng sản xuất nông nghiệp vẫn là một thành tố quan trọng. Nhưng người nông dân Việt Nam còn nhiều khó khăn và thiệt thòi, cần có sự đầu tư to lớn hơn, tập trung hơn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế này cho thấy chiến lược hướng ngoại quá mạnh sẽ không bền vững. Cần có một chiến lược vừa dựa vào tiềm năng nội địa vừa sử dụng ưu thế cạnh tranh của nước mình trên thị trường thế giới. Trong bối cảnh tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, các giải pháp mở rộng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước, bù đắp sự sụt giảm của xuất khẩu, có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế, giữa thị trường trong nước và thị trường ngoài nước, giữa nội lực và ngoại lực cũng cần được nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn từ tác động của cuộc khủng hoảng lần này. Nên mở cửa đến đâu đối với từng loại thị trường, nhất là thị trường dịch vụ tài chính? Nên hướng về xuất khẩu đến đâu để vừa khai thác được thị trường ngoài nước để phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng giảm thiểu được sự lệ thuộc và tác động tiêu cực của thị trường thế giới? Nên thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào để có hiệu quả cao nhất cho việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời tránh được các tác động tiêu cực đối với kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái ở trong nước? Nhà nước chắc chắn phải có trách nhiệm quản lý, điều tiết thị trường. Nhưng như thế nào và đến đâu là vấn đề cần làm rõ. Tất cả đều phải xuất phát từ lợi ích của nền kinh tế, đó là duy trì công ăn việc làm, khuyến khích được xuất khẩu, duy trì sản xuất và đời sống của người dân.

Vấn đề phải hết sức quan tâm là vấn đề chính sách tài chính và tiền tệ. Chỉ tiêu GDP là quan trọng nhưng phải quan tâm vấn đề chất lượng của GDP, vấn đề năng suất lao động và hiệu quả đồng vốn. GDP phải tạo cho nền kinh tế độ phát triển nhanh nhưng vững chắc. Các cấp lãnh đạo nước ta đã quan tâm vấn đề suy giảm kinh tế và sản xuất nhưng vấn đề quan trọng là các biện pháp và tổ chức thực hiện.

Chính phủ các nước, từ các quốc gia đã phát triển đến các quốc gia đang phát triển đang tìm mọi cách đẩy mạnh lưu thông hàng hóa nhằm tăng sản xuất. Người ta gọi phương án này là kích cầu, tức là bơm ra một lượng tiền để tăng sức mua. Chỉ riêng nước Mỹ gói kích cầu đã lên đến gần 800 tỷ USD. Tổng các gói kích cầu của một số nước trên thế giới vượt quá 2.000 tỷ USD, và hiện vẫn đang không ngừng gia tăng. Ngày 20-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố gói kích cầu của Việt Nam lên đến tám tỷ USD, thay vì sáu tỷ USD như công bố trong những tháng trước. Chính phủ cũng đã chỉ ra các lĩnh vực, các khâu cần phải có sự kích thích, bảo trợ. Nhà nước phải bơm tiền vào đâu? Cách tổ chức thực hiện, quản lý, kiểm tra để các "gói kích cầu" đem đến hiệu quả mong muốn. Ðó là điều hết sức quan trọng, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải thật sự sâu sát và chặt chẽ.

Mặc dù kích cầu đầu tư có thể là một chính sách hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay, nhưng nếu kích cầu đầu tư mà thiếu những sự thẩm định và giám sát thận trọng như một số việc đã xảy ra thì kết quả rất có thể là nền kinh tế vẫn tiếp tục đình trệ, nhiều khả năng lạm phát bị kích hoạt trở lại.

Về mặt kinh tế, quan trọng nhất có lẽ là chính sách nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư trong nước, quan tâm nhiều hơn đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Về mặt xã hội, quan trọng nhất là các chính sách cải thiện đời sống và an sinh xã hội để giúp những tầng lớp dễ bị tổn thương nhất. Phải xác định kích cầu là kích thích sản xuất ở những nơi cần, để tăng cường, nâng cao khả năng sản xuất. Kích cầu cũng phải tạo những kênh để kích thích người tiêu dùng, tạo việc làm cho người thất nghiệp, hỗ trợ người nghèo. Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lúc này hơn lúc nào phải quan tâm đúng mực.

Tất cả những điều nói trên đặt ra yêu cầu là các cán bộ và đảng viên chúng ta phải nâng cao trình độ về nhiều mặt từ dự báo tình hình, năng lực quản lý đến nghiên cứu về lý luận và các khoa học, chính trị - xã hội nhằm đáp ứng những đòi hỏi của tình hình đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế phức tạp hiện nay. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu còn diễn biến phức tạp, đặt ra đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam nhiều thách thức cần phải vượt qua, nhưng cũng là một thời cơ mới nếu ta biết cách tận dụng. Ðây là dịp chúng ta nhìn lại mình, để có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết trong đường lối, chính sách kinh tế - xã hội của đất nước không những để vượt qua khủng hoảng mà còn phải tiến lên vững chắc.