Chủ nghĩa yêu nước trong văn học lý trần năm 2024

Nếu trước đây Trường ca Ðam San của Tây Nguyên từng làm người Pháp và người châu Âu kinh ngạc, đem so sánh với những trường ca lớn nhất của thế giới; văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chỉ mới được khẳng định ở Liên Xô và Ðông Âu; thì ngày nay, việc dịch ra tiếng Anh và xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... ở Mỹ và các nước khác, đã được giới nghiên cứu văn học và bạn đọc khẳng định Việt Nam có những tác gia văn học lớn, mang đặc sắc riêng của phương Ðông.

Ðặc sắc đó, giá trị đó chính là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân bản sâu sắc, là vẻ đẹp lấp lánh của tư duy, của ngôn ngữ và các biểu tượng văn hóa Việt Nam.

Trên tinh thần yêu nước và nhân bản, yêu nước là đặt lợi ích đất nước lên trên hết, xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhân bản là "thương người như thể thương thân", là coi trọng sự nhường nhịn hơn tranh đoạt; coi trọng sự hài hòa (với con người và thiên nhiên) hơn đối lập. Chính vì những phẩm chất này mà người Việt Nam luôn bảo vệ được độc lập, tự do, không bị khuất phục trước bất kỳ cuộc chiến tranh xâm lược nào, nhưng sau khi thắng giặc, bao giờ cũng biết chủ động khép lại quá khứ, tiến tới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển trong bang giao.

Văn học Việt Nam là một dòng chảy xuyên suốt, thống nhất, càng ngày càng mạnh mẽ; dù có những lúc chia nhánh, quanh co, cuối cùng vẫn dào dạt hướng về biển cả. Văn học ấy được làm nên bởi những cá tính sáng tạo độc đáo, nhưng đặc điểm nổi bật là tồn tại và phát triển trong sự tập trung, tập hợp. Và sự tập hợp ấy, được thể hiện cao kể từ khi có Ðảng, làm đọng lại các giá trị, đúng như Chế Lan Viên tự nghiệm Xưa phù du mà nay đã phù sa/Xưa bay đi mà nay không trôi mất.

Nếu so sánh từng tác gia, tác phẩm, có thể chưa bằng một số tác gia, tác phẩm của văn học cổ điển; nhưng so sánh cả một nền, một giai đoạn, có thể khẳng định rằng, văn học Việt Nam từ năm 1930 đến nay, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là một nền văn học có sự phát triển rực rỡ, góp phần làm thăng hoa chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những phẩm chất tốt đẹp nhất trong tâm hồn người Việt.

Làm nên thành tựu đó, trước hết là do ý thức tự giác cao độ của nhà văn, là sự thấm nhuần lý tưởng cao đẹp, là vai trò tổ chức, tập hợp của Hội Nhà văn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Hội Nhà văn Việt Nam ra đời năm 1957 tại Hà Nội nhưng tiền thân của nó chính là Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1948 và trước đó là Hội Văn hóa cứu quốc năm 1943. Tính chất kháng chiến, kiến quốc do đó trở thành mục tiêu cơ bản, tự nguyện của hội cũng như từng cá nhân người nghệ sĩ. Cũng là lần đầu tiên, hình mẫu nhà văn - chiến sĩ ra đời.

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ Quen nhau từ thuở một hai Súng bắn chưa quen, quân sự mươi bài Lòng vẫn cười vui kháng chiến

(Hồng Nguyên)

Không có sách chúng tôi làm ra sách Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình

(Hữu Thỉnh)

Có lẽ ngày nay nhiều bạn đọc trẻ chưa biết rằng, trong hai cuộc kháng chiến, hầu như tất cả các nhà văn, trong đó có cả những nhà văn tên tuổi nhất như Nguyễn Ðình Thi, Tố Hữu... đã tình nguyện nhập ngũ làm một người lính thực thụ trong đoàn quân vệ quốc hoặc theo sát bước chân anh giải phóng trên các chiến trường. Và hàng trăm nhà văn tài năng đã ngã xuống bởi bom đạn quân thù như Nam Cao, Thôi Hữu, Nguyễn Thi, Lê Vĩnh Hòa, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong...

Nguyên Ngọc nằm vùng để viết Ðất nước đứng lên, Phan Tứ viết Mẫn và tôi, Anh Ðức viết Hòn Ðất từ chiến trường. Nguyễn Minh Châu theo dấu chân người lính để viết Dấu chân người lính; Nguyễn Trọng Oánh bám ven đô Sài Gòn khốc liệt để viết nên Ðất trắng. Rồi Chiếc lược ngà, Rừng Xà-nu, Ở xã Trung Nghĩa, Kan Lịch, Chúng tôi ở Cồn Cỏ, Vào lửa, Mặt trận trên cao, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi... Rồi Việt Bắc, Gió lộng của Tố Hữu; các tác phẩm thơ của Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh; của Chính Hữu, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Thu Bồn, Vũ Ngàn Chi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Ðiềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Ðức Mậu, Vũ Quần Phương, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ... đã và sẽ còn làm rung động hồn người. Nó - dù có điều chưa làm kịp, thì đã và sẽ mãi mãi là nền văn học vô tư nhất, trong sáng nhất, ngời lên vẻ đẹp của chân - thiện - mỹ. Nó không bao giờ có thể chết hay lu mờ bởi một lời ai điếu nhẹ tênh nào, một phán xét vô tình, vô cảm nào khi quá nhấn mạnh về tính chất tuyên truyền, sơ lược của nó.

Ðúng! Có nhiều tác phẩm trong nền văn nghệ chúng ta còn mang nặng tính tuyên truyền, một chiều và sơ lược. Nhưng không phải vì thế mà không tác động to lớn, tích cực đến đời sống. Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Sống như Anh của Trần Ðình Vân là những ví dụ. Thời kỳ đầu đổi mới, cũng có những tác phẩm có phần còn sơ lược như ký của Trần Huy Quang, Phùng Gia Lộc, như tiểu thuyết Cù Lao Tràm, Ðứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn nhưng tính chiến đấu, sự sâu sắc của vấn đề nêu ra đã có tác động to lớn đến đời sống, có khả năng cải biến tâm hồn và xã hội.

Chúng ta cũng ghi nhận những thành tựu được viết bởi một phong cách khác, một tư duy nghệ thuật khác như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu; Thời xa vắng của Lê Lựu; Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp... Rồi sau này là Nguyễn Ngọc Tư và nhiều tác giả trẻ khác. Tất cả những tiếng nói ấy đều là bộ phận thống nhất của một nền văn học được cất lên từ một mảnh đất hào hùng mà chất chứa những số phận đắng cay; từ những tâm hồn đầy khát khao vươn về phía trước.

Chúng ta cũng nhớ lại và ghi nhận những thành công đáng kể của các tác phẩm viết về đề tài công nghiệp và nông nghiệp nông thôn như Cái sân gạch và Vụ lúa chiêm của Ðào Vũ, Mùa lạc của Nguyễn Khải, Xi-măng của Huy Phương, Cái hom giỏ của Vũ Thị Thường và một số tiểu thuyết khác của Nguyễn Thị Ngọc Tú như Ðất làng, Buổi sáng...

Ngoài Nhật ký trong tù được dịch và xuất bản trên 24 quốc gia, các nhà thơ, nhà văn Việt Nam như Tố Hữu, Anh Ðức, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Trần Ðăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Ðiềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Duy... đã được dịch ra thế giới, góp phần nâng cao vị thế của văn học Việt Nam trên trường quốc tế.

Thành tựu lớn nhất của văn học Việt Nam hiện đại được thể hiện bởi những tác động sâu sắc trong tâm hồn của những lớp người đang sống, bởi Huân chương Hồ Chí Minh cho Hội, 25 giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả và nhiều giải thưởng Nhà nước, giải thưởng quốc tế. Và còn bởi tiềm năng sáng tạo vô cùng to lớn của 1.155 hội viên thuộc năm thế hệ "ngũ đại đồng đường" đang ngày đêm lắng lọc tiếng đời, miệt mài con chữ nhằm viết nên những tác phẩm dày dặn hơn, xứng đáng với tầm vóc của cuộc sống. Tuy nhiên, những gì làm được đã rất đáng tự hào, đúng như báo cáo của kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập của Hội Nhà văn Việt Nam đã viết:

"Văn học Việt Nam 50 năm qua, xứng đáng là một trong những bộ phận quan trọng nhất của ý thức xã hội, là kho tàng văn hóa đặc sắc ghi dấu đẹp đẽ cuộc sống cách mạng, lịch sử kháng chiến và sự tích phi thường của nhân dân ta... Với khẩu hiệu Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nền văn học của chúng ta trung thành và bền bỉ phấn đấu, lấy hiện thực cách mạng làm nội dung, lấy truyền thống và bản sắc dân tộc làm cội nguồn phát triển, lấy đường lối, chủ trương của Ðảng làm ngọn cờ chỉ lối, 50 năm văn học Việt Nam thật sự là bộ phận hàng đầu cấu thành văn hiến thời đại Hồ Chí Minh".