Cách mạng một cọng rơm là cái gì năm 2024

Nếu tôi gọi đây là một cuốn sách Chữa lành, thì có lẽ các bạn không tin. Nhưng đối với những người đã trải qua một cuộc khủng hoảng tâm lý, thì không dễ gì từ chữa lành được sử dụng, nếu đã gọi thế thì họ thực sự biết ơn. Và nếu nó đúng như những gì được gọi thì câu hỏi đầu tiên mà người ta sẽ bật ra khi cầm cuốn sách này là: tại sao lại là một cọng rơm, một cọng rơm thì có ý nghĩa gì? Đó là một câu hỏi xác đáng và ta nên bắt đầu bằng câu hỏi đó: Ý nghĩa, một vật có ý nghĩa gì, và liệu rằng ý nghĩa của mọi thứ là đều do ta định đoạt?

Fukuoka sẽ trả lời với bạn: Không. Đó là câu trả lời mà bạn phải đọc hết cả quyển sách này mới nhận ra. Còn từng trang một, nó hầu như chỉ nói về việc làm nông. Làm nông với hầu hết những người đọc cuốn này đều xa lạ, nhưng không sao. Là bạn tưởng thế thôi. Bạn cũng giống như tôi, loài người trên hành tinh này đều tưởng rằng thiên nhiên và mình là hai thực thể riêng biệt. Với ý nghĩ này, chúng ta có tự tin vươn cánh tay công nghệ của mình ra nhào trộn thiên nhiên theo mong muốn và nhu cầu của mình. Bạn ở đây, thiên nhiên ở kia. Nó phục vụ bạn ăn uống ngắm nghía tận tình. Đổi lại, bạn trả cho nó đất đai bạc phếch và hàng núi rác cùng hoá chất. Bạn đã tận diệt nó vì nghĩ rằng, bạn ở đây còn nó ở kia.

Nhưng bạn không ở đây. Bạn ở trong lòng nó. Nó chết đi bạn không thể sống. Và bạn cuống cuồng bắt nó phải sống. Bạn sợ hãi bắt nó sống, bạn đấu tranh để nó sống. Nó vẫn không sống. Nó không sống chỉ vì bạn muốn. Còn bạn, bạn rơi vào một cuộc khủng hoảng tâm lý. Như tôi.

Đó là lý do tại sao tôi gọi đây là một cuốn sách Chữa lành. Từng bước một, bằng câu chuyện của một người nông dân sống nhờ thiên nhiên và thờ phụng thiên nhiên, Fukuoka dắt chúng ta quay về với những niềm vui sơ khai, giản đơn. Câu chuyện của ông bắt đầu từ cọng rơm rải trên đồng ruộng, cơ bản như hơi thở ta thở mỗi ngày. Bằng cọng rơm, ông biết cách để đất đai được yên, không cày xới, không bón phân hoá học, không phun thuốc trừ sâu. Chỉ bằng rơm, và để yên cho thiên nhiên tự lựa chọn, cây cối sẽ mọc, hoa sẽ đơm, trái sẽ kết như nó đã từng cách đây hàng triệu năm, thuở con người và nền khoa học chưa xuất hiện. Cọng rơm là bước tiến vĩ đại đưa chúng ta quay về với thiên nhiên, cũng như hơi thở dắt ta về với chính bản thân mình. Rũ bỏ những định kiến, những ảo tưởng, những sân si mà chính chúng ta khoác lên vai mình.

Bạn tôi nói đùa, đây là một cuốn sách thiền trá hình nông nghiệp. Nhưng Fukuoka không đùa, ông ấy tận tâm với những gì mình theo đuổi. Bằng cách thanh thản làm việc, lao động trên cánh đồng, ông ấy đã trở thành một thiền sư thực thụ mà không cần phải học. Việc từ bỏ công việc ở thành thị quay về với ruộng vườn là giây phút đốn ngộ của ông, giây phút rũ bỏ phù phiếm để quay về chân giá trị, của những niềm vui cốt tủy.

“Cuộc Cách Mạng Một - Cọng - Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.

Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.

Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.

Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.

Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.

Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.

Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.

Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.