Các ngo nước ngoài hoajt đôngj như thế nào năm 2024

Tổ chức phi chính phủ là các tổ chức tồn tại bên cạnh các tổ chức của khu vực nhà nước, khu vực tư nhân và tập thể. Theo Liên hợp quốc, “Tổ chức phi chính phủ là thuật ngữ dùng để chỉ một tổ chức, hiệp hội, ủy hội từ thiện, tập đoàn phi lợi nhuận hoặc các pháp nhân khác mà theo pháp luật không thuộc khu vực Nhà nước và không hoạt động vì lợi nhuận… Tổ chức này không bao gồm các nghiệp đoàn, đảng phái chính trị, hợp tác xã phân chia lợi nhuận, hay nhà thờ hoặc chùa”.

Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ rất đa dạng trong các lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nhân đạo,... đó là các hoạt động phục vụ lợi ích công cộng vì sự phát triển lành mạnh, công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội.

Thời gian qua, thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các tổ chức phi chính phủ. Sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ là xu thế khách quan, được Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới công nhận. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về số lượng, các tổ chức phi chính phủ trở thành nhân tố ngày càng quan trọng trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia. Vai trò của các tổ chức phi chính phủ ngày càng được nâng cao trong cộng đồng quốc tế khi hoạt động của chúng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, giảm nghèo, tham gia xây dựng chính sách, bảo đảm quyền con người, xây dựng quan hệ thương mại bình đẳng giữa các nước trên thế giới.

Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển từ một nền kinh tế trình độ phát triển thấp, lạc hậu, lại phải giải quyết những hậu quả to lớn của cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt. Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo... Vì vậy, những đóng góp của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cả về cách tiếp cận, kinh nghiệm, phương pháp và nguồn lực có vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ Việt Nam trong quá trình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và thực thi các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được Đảng, Nhà nước xác định là một phần trong công tác đối ngoại nhân dân, gắn liền với đường lối, chính sách đối ngoại và tình hình phát triển qua từng giai đoạn của đất nước.

Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập năm 1996. Đây là cơ chế liên ngành được thành lập với mục đích giúp Thủ tướng Chính phủ trong quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Việc thành lập Ủy ban thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo cơ chế để quản lý và hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Cơ chế này được các cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới quan tâm, tham khảo và nhận được đánh giá tích cực từ phía các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Qua hơn 20 năm hoạt động, nhiều chủ trương và quan điểm chỉ đạo trong công tác phi chính phủ nước ngoài đã được Ủy ban và các cơ quan tham gia cơ chế Ủy ban đề xuất, mang giá trị thiết thực, lâu dài. Hệ thống các văn bản pháp quy được bổ sung, hoàn thiện, quán triệt các chủ chương của Ðảng đối với công tác phi chính phủ nước ngoài. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác phi chính phủ nước ngoài được đẩy mạnh. Bộ máy thực hiện quản lý công tác phi chính phủ nước ngoài từ trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động. Quản lý nhà nước đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đi vào nề nếp. Việc cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép, giấy đăng ký hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được Ủy ban tiến hành kịp thời, chặt chẽ. Công tác chia sẻ thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban được các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đánh giá cao.

Theo đánh giá của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và đối tác, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam trong những năm qua về cơ bản được sử dụng hiệu quả, phù hợp định hướng và ưu tiên của Việt Nam. Viện trợ của các tổ chức góp phần giảm bớt các khó khăn về kinh tế - xã hội ở nhiều vùng, miền, đồng thời góp phần giới thiệu những phương pháp tiếp cận bền vững, có hiệu quả và nâng cao năng lực cán bộ, cộng đồng. Các chương trình, dự án góp phần thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và phát triển. Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đạt nhiều thành tựu quan trọng nhờ chúng ta phát huy tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ khai thác nguồn lực bên ngoài, trong đó có phần đóng góp quý báu của bạn bè quốc tế, bao gồm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đảng, Nhà nước xác định công tác đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân nói riêng và công tác đối ngoại nói chung, được gắn kết chặt chẽ với đối ngoại an ninh, đối ngoại kinh tế. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng vai trò tích cực trong việc ủng hộ Việt Nam hội nhập quốc tế, trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thành tựu của Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam.

Những kết quả đạt được trong hoạt động của Ủy ban trong những năm qua là nhờ sự nhất quán trong quan điểm chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo môi truờng pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Những tổ chức phi chính phủ nước ngoài hay cá nhân có đóng góp tích cực, hiệu quả cho các chương trình phát triển và nhân đạo tại Việt Nam được nhân dân và Nhà nước Việt Nam hoan nghênh và ghi nhận.

Vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với sự phát triển của Việt Nam

Vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với sự phát triển ở Việt Nam, thể hiện rõ trên những khía cạnh sau:

- Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng vai trò hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ phương pháp. Khoảng 76,1% tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở nước ta đóng vai trò hỗ trợ tài chính; hơn 58,2% có vai trò hỗ trợ kỹ thuật và gần 52,2 % hỗ trợ phương pháp. Song song với hỗ trợ tài chính thì các hỗ trợ về kỹ thuật và hỗ trợ phương pháp sẽ đảm bảo các dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài giữ vai trò là người triển khai hoặc đồng triển khai dự án với các đối tác địa phương. Phương pháp triển khai dự án, kinh nghiệm quản lý và kiến thức, kỹ thuật trong quá trình triển khai dự án là những đóng góp quan trọng của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với sự phát triển ở Việt Nam.

- Hỗ trợ giải quyết các vấn đề ở cộng đồng. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một trong những kênh hỗ trợ người nghèo về vốn, kinh nghiệm, kiến thức xóa đói, giảm nghèo - nhóm đối tượng khá đông ở nước ta mà các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, do nguồn lực còn hạn chế, chưa bao quát hết được. Ở nhiều địa phương, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn thể hiện vai trò cứu trợ nhân đạo trong những tình huống thiên tai, bão lũ, cung cấp tín dụng, hoặc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn... Đây là những hoạt động quan trọng nhất cũng như được đầu tư nhiều nhất của hầu hết các các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

- Ngoài việc đóng góp trực tiếp làm thay đổi cuộc sống của người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn có vai trò chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp làm cũng như cách thức xây dựng các chương trình, dự án quốc gia, chính sách và khung pháp lý cho những vấn đề liên quan. Nhiều chương trình phát triển kinh tế, xã hội do Chính phủ ban hành có tham khảo kinh nghiệm, tư vấn của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đặc biệt là các chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ví dụ như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), chính sách trợ cấp xã hội, phòng chống HIV, chiến lược phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu quốc gia,...

- Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn góp phần thúc đẩy ngoại giao nhân dân, đóng vai trò cầu nối thông tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, là kênh thu hút vốn đầu tư và mở rộng quan hệ đối ngoại, từ đó nâng cao hình ảnh của Việt Nam với thế giới, giới thiệu về môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện, minh bạch của Việt Nam.

Ngày càng có nhiều có tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Số lượng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ với Việt Nam tăng liên tục, từ 400 tổ chức năm 1996 lên hơn 1.100 tổ chức năm 2017. Trong những năm gần đây, do khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới và thực tế Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài chuyển hướng ưu tiên, giảm hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, hằng năm vẫn có hàng chục tổ chức đăng ký mới tại Việt Nam.

Cùng với sự gia tăng về số lượng tổ chức, giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam tăng đáng kể qua các năm. Theo thống kê của Cơ quan thường trực Ủy ban, giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân cho Việt Nam tăng từ 79 triệu USD năm 1996 lên 304,7 triệu USD năm 2011 (năm có giá trị giải ngân cao nhất) và 279,5 triệu USD năm 2017. Tổng giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giải ngân cho Việt Nam trong giai đoạn 1996 - 2017 đạt hơn 4,1 tỷ USD. Hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có nhu cầu, như y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội...

Theo báo cáo của Ủy ban, tính đến tháng 7-2018, Việt Nam có quan hệ với hơn 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó, khoảng 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động thường xuyên tại Việt Nam, hằng năm hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và cấp các khoản viện trợ. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác, như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường..., góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng hưởng lợi dự án, hỗ trợ các mô hình chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, trong đó, có phần đóng góp rất lớn của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Mặc dù công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có nhiều tiến bộ, từ việc tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, từng bước hình thành, hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, tuy nhiên, nhận thức về công tác này chưa đồng đều, một số nơi còn sự thiên lệch khi quá coi trọng khía cạnh kinh tế hoặc quá lo lắng về vấn đề an ninh. Các văn bản pháp quy liên quan còn thiếu quy định về quản lý tài chính của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thiếu chế tài xử lý vi phạm. Công tác quản lý còn nặng tính hành chính. Về tổ chức, ở 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, bên cạnh ban chỉ đạo còn có đến 3 đầu mối là ngoại vụ, kế hoạch và ủy ban công tác tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, vừa phân tán và lại thiếu tập trung trong công tác quản lý.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cần có nhiều nguồn lực cho phát triển, cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ ngoại giao hữu nghị hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân các nước. Theo tinh thần đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, các bộ, ngành, địa phương cần xác định công tác về tổ chức phi chính phủ nước ngoài là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng, không chỉ của riêng Ủy ban mà của tất cả các cấp chính quyền. Trong mọi chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương phải luôn chú trọng xem xét xử lý hài hòa trên cả 3 khía cạnh về kinh tế, an ninh, đối ngoại. Xây dựng cơ chế liên ngành đủ mạnh để phối hợp quản lý, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng ủy viên Ủy ban và cơ quan giúp việc, tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong công việc thường xuyên và các vấn đề đột xuất, phức tạp, nhạy cảm.

Hai là, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc của Ủy ban và các bộ phận giúp việc. Chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để tham mưu tích cực, có hiệu quả hơn nữa trong chỉ đạo, trong đó, cần chú ý các hoạt động lợi dụng để chống phá, gây mất ổn định.

Ba là, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát theo quy định các hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tinh thần, một mặt, cắt giảm thủ tục hành chính, mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khoa học, chặt chẽ hơn; không để tình trạng bị động, bất ngờ, nhất là ở những địa bàn nhạy cảm.

Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác vận động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước; chủ động đề xuất đổi mới phương pháp và hình thức hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, xây dựng chương trình quốc gia về hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Năm là, định kỳ biểu dương, tôn vinh các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam; chấn chỉnh các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích theo đăng ký cũng như lợi dụng các hoạt động hỗ trợ từ thiện, nhân đạo để tuyên truyền, kích động, chống phá Nhà nước Việt Nam./.