Các cốt truện về lỗi lầm hấp hẫn năm 2024

Khi một câu chuyện được hình thành, nó phải có đủ các yếu tố: Bối cảnh, Nhân vật, Xung đột (tình tiết). Trong đó, yếu tố quan trọng nhất ở mọi câu chuyện hay luôn là những nhân vật được xây dựng tỉ mỉ và hấp dẫn.

Để có thể viết ra một câu chuyện hấp dẫn người đọc, các tình tiết bất ngờ và sâu sắc là điều không thể thiếu. Tuy nhiên không phải “tình tiết” là thứ quan trọng nhất trong câu chuyện như nhiều bạn trẻ mới cầm bút vẫn thường lầm tưởng, thứ quan trọng bậc nhất của một câu chuyện hay là những nhân vật được xây dựng tinh tế và sâu sắc. Nhân vật được xem là linh hồn của câu chuyện, nếu bạn có thể xây dựng được những nhân vật tỉ mỉ thì nội dung cốt truyện của bạn sẽ trở nên có chiều sâu hơn hẳn.

Nhân vật trong một câu chuyện được chia làm các loại sau dựa trên các phương diện triển khai cốt truyện, tác động của nhân vật và cấu trúc nhân vật:

Nhân vật xuyên suốt: Là nhân vật liên tục xuất hiện xuyên suốt mạch truyện từ đầu đến cuối. Nhân vật xuyên suốt có thể là nhân vật chính hoặc thứ chính, hoặc cũng có thể là một nhân vật phụ có vị trí quan trọng trong toàn bộ câu chuyện.

Nhân vật trung tâm: Thường là nhân vật chính hoặc hình tượng/biểu tượng là khởi nguồn của mọi tình tiết xoay quanh nó. Câu chuyện được mở ra bởi sự xuất hiện của nhân vật này và mọi diễn biến đều có liên quan đến nó.

Nhân vật chính: Là nhân vật đóng vai trò trung tâm, xuyên suốt và chủ đạo trong suốt câu chuyện. Nhân vật chính là người dẫn dắt độc giả bước vào và tận hưởng thế giới trong truyện thông qua các tình tiết, diễn biến của câu chuyện. Nhân vật này thể hiện quan điểm và lý tưởng của tác giả về một vấn đề cụ thể nào đó được nhắc đến như ý nghĩa xuyên suốt.

Nhân vật phụ: Là (những) nhân vật đóng vai trò quan trọng hoặc trở thành mắt xích, nút gỡ cho các tình tiết, cao trào và mâu thuẫn trong câu chuyện. Nhân vật phụ có thể xuất hiện xuyên suốt trong câu chuyện hoặc chỉ được nhắc đến trong một vài câu, tuy nhiên họ phải có sự ảnh hưởng và vai trò nhất định trong truyện, giúp nhân vật chính và câu chuyện được trôi đi một cách trôi chảy.

Nhân vật phản diện: Thường xuất hiện trong một câu chuyện với nhiều “gương mặt” khác nhau, nhân vật phản diện là nhân vật xảy ra xung đột với nhân vật chính hay nói cách khác là xung đột trực tiếp với quan điểm và lý tưởng được tác giả đề cao.

Nhân vật chức năng: Là những nhân vật không được hoặc không cần tác giả đi sâu vào nội tâm, chỉ xuất hiện trong một hoặc một vài đoạn nhất định để giải quyết một tình tiết cụ thể trong diễn tiến câu chuyện.

Nhân vật tư tưởng: Là những nhân vật thể hiện rõ nét tư tưởng của tác giả thông qua lời thoại hoặc hành động. Tuy nhiên nếu không khéo léo sử dụng thì nhân vật này sẽ trở nên thô kệch và chứng tỏ bản lĩnh của tác giả chưa đủ trình độ để khiến độc giả cảm nhận được tư tưởng.

Nhân vật được xem là linh hồn của câu chuyện bởi chúng thể hiện mâu thuẫn và quan điểm của tác giả thông qua hành động và cuộc sống của từng nhân vật. Thiếu đi nhân vật, câu chuyện không thể tồn tại và thiếu đi những nhân vật được xây dựng tỉ mỉ, câu chuyện sẽ trở nên nhàm chán và vô nghĩa. Sẽ không ai muốn đọc một câu chuyện có nhiều nhân vật na ná như nhau, không thể hiện bất kỳ tính cách rõ ràng và hợp lý nào. Quá nhiều nhân vật có tính cách giống nhau cũng dẫn đến việc thể hiện quan điểm giống nhau và hành động trong từng tình huống tương tự nhau, như vậy, câu chuyện đã mất đi sự mâu thuẫn và xung đột cần thiết để tình tiết tiếp tục trôi chảy, và cũng làm nó trở nên nhàm chán hơn.

PHÁT TRIỂN NHÂN VẬT: NHỮNG NHÂN VẬT CÓ NGÀN KHUÔN MẶT

Nhân vật là phương tiện thể hiện của tác giả, thông qua các nhân vật, người viết có thể tự thể hiện bản thân hoặc phản ánh những bộ mặt trong xã hội một cách chân thực và sâu sắc. Mỗi câu chuyện đều có một ý nghĩa riêng mà người viết muốn gửi gắm vào, và nhân vật là phương tiện để tác giả đưa quan điểm của mình đến với độc giả. Điều thú vị khi viết nên một nhân vật hoàn chỉnh là từ một nhân vật với cùng tiểu sử lại có thể hình thành nhiều tính cách và suy nghĩ khác nhau. Một nhân vật được thiết kế tỉ mỉ có thể có đến cả ngàn khuôn mặt, vạn tính cách và tạo ra hàng trăm mâu thuẫn không trùng lặp nhau.

Điều quan trọng nhất khi phát triển một nhân vật là tính phù hợp giữa tiểu sử và tính cách của nhân vật đó, một người có trí thức khi khốn nạn sẽ khốn nạn theo một cách hiểm độc khác với kiểu khốn nạn của bọn du thủ du thực, người có giáo dục tốt sẽ có lý trí và kiềm hãm phần ích kỷ trong mình tốt hơn kẻ đầu đường xó chợ…mọi sự đều có thể xảy ra nhưng chúng phải thực sự hợp lý và ăn khớp với nhau.

Khi bắt đầu thiết kế một nhân vật, hãy bắt đầu mường tượng từ những bước chân đầu tiên của họ trong cuộc sống mà bạn tạo ra cho nhân vật đó. Hãy cho họ một quá khứ, móc nối chúng với các nhân vật khác, đưa ra những bước ngoặt trong cuộc đời của họ và từ đó trao cho họ một tính cách phù hợp, một thói quen đặc trưng, một quan điểm và lý tưởng riêng biệt. Đừng quên đi tính hiện thực có trong truyện của bạn, mỗi nhân vật sẽ phản ánh một loại người mà bạn sẽ bắt gặp ở bất cứ đâu trong xã hội. Họ là những chiếc gương phản chiếu lại hiện thực, dưới một cái nhìn khác, cuộc sống khác, xung đột khác và kết cục khác so với thực tế.

Một nhân vật được thiết kế thành công là nhân vật đủ gần gũi để người đọc cảm thấy họ đã từng gặp qua những thể loại người như thế ở nơi nào đó, hoặc nhìn ra sự tương đồng trong tính cách giữa họ với nhân vật đó. Một nhân vật được thiết kế thành công cũng là một nhân vật đủ lý tưởng để độc giả có thể nhìn thấy hướng đi mới để giải quyết các vấn đề của bản thân thông qua cách nhân vật đó vượt qua chính mình, họ thể hiện và phản ánh cái mong muốn xuyên việt của chính độc giả lẫn tác giả. Những câu chuyện trường tồn là những câu chuyện mà mỗi khi có người nhắc đến hoặc đọc qua, họ đều cảm thấy chung cảm xúc buồn vui với các nhân vật xuất hiện bên trong câu chuyện.

Tầm quan trọng của nhân vật trong một câu chuyện là không thể chối cãi, đó là sự thật và là mục tiêu mà những người cầm bút nên và luôn hướng đến.

MẮC XÍCH NHÂN VẬT: CÁCH TẠO CHIỀU SÂU CHO CÂU CHUYỆN HAY

Thông thường ở những bạn trẻ vừa sáng tác câu chuyện của riêng mình lần đầu tiên, các bạn thường chú ý đến việc xây dựng cốt truyện – tình tiết nhiều hơn là nhân vật. Đây là một lỗi cơ bản thường do vô thức, bởi thế giới tưởng tượng được hình thành quá nhanh chóng và người viết vẫn chưa có đủ kỹ năng để chuyển hóa chúng sang dạng con chữ. Vì thế, nếu bạn thực sự nghiêm túc với việc viết lách và mong muốn xây dựng một câu chuyện hay thì hãy bắt đầu từ nhân vật đầu tiên, chứ đừng quá chú tâm tới tình tiết truyện.

Như đã nói ở phần trên, nhân vật là linh hồn của câu chuyện, mắc xích được các nhân vật lại với nhau bạn sẽ có được một câu chuyện hoàn chỉnh mà không cần phải vắt óc suy nghĩ các tình tiết hợp lý. Xây dựng nhân vật càng kỹ lưỡng thì các mắc xích càng dễ dàng xuất hiện hơn, xung đột giữa các nhân vật cũng sẽ xuất hiện từ đó. Sau khi đã có một mạng lưới mắc xích đầy đủ, việc còn lại cần làm của tác giả chỉ là giải quyết các mâu thuẫn đã xảy ra một cách hợp lý và cho mỗi nhân vật một cái kết ổn thỏa là được.

Các mắc xích nhân vật dễ dàng nhất là xây dựng ít nhất 3 nhân vật chủ chốt ban đầu, cho họ một lý lịch và tiểu sử cụ thể rồi bắt đầu tạo xung đột giữa 2 hoặc cả 3 nhân vật đó. Từ mắc xích quan trọng này, bạn có thể phát triển lên nhiều nhân vật khác có liên hệ hoặc trở thành nút gỡ cho mâu thuẫn của 3 nhân vật chủ chốt đó. Mắc xích nhân vật càng dày và nhiều thì câu chuyện càng sâu và có nhiều tiềm năng phát triển. Cũng giống như từ 3 nhân vật ban đầu, nếu có thể mắc xích cả ba lại với nhau thì người viết đã có 3 mối quan hệ cần giải quyết, càng có thêm nhiều nhân vật, càng thêm nhiều mắc xích thì các vấn đề càng nảy sinh. Nếu người viết có thể giải quyết toàn bộ những xung đột diễn ra trong từng mắc xích một cách hợp lý thì câu chuyện sẽ trở nên sâu hơn và rộng hơn, kéo đủ tình tiết và hấp dẫn độc giả hơn.

Các mắc xích nhân vật thường dễ nhận ra nhất trong các câu chuyện tình cảm, khi nam nữ chính bắt đầu gặp nhau và xuất hiện ít nhất 1 cặp nam nữ phụ khác giữa giai đoạn tìm hiểu của cả hai, hoặc một số nhân vật phụ gây mâu thuẫn như bố mẹ của hai bên…Tất cả hình thành một mạng nhện nối nhân vật A với nhân vật B và C…và tạo ra một câu chuyện đa dạng tình tiết.

Ở các thể loại khác, mắc xích nhân vật thường xuyên xuất hiện thông qua quá khứ của từng nhân vật, móc nối với nhau và kéo dài tới hiện tại, che giấu những chi tiết bất ngờ tạo ra mâu thuẫn và xung đột lớn nhỏ xuyên suốt câu chuyện, khiến độc giả bị cuốn hút vào.

Tuy nhiên, cũng nên tránh tạo các mắc xích quá dày. Bởi mắc xích càng dày thì mâu thuẫn càng chằng chịt, điều này khiến người viết phải khổ tâm hơn trong việc giải quyết chúng. Các xung đột xuất hiện quá nhiều cũng sẽ khiến tình tiết câu chuyện trở nên rối rắm, khiến độc giả khó theo dõi. Vì vậy nên biết tiết chế các mắc xích nhân vật để câu chuyện thông thoáng hơn và vừa sức viết.