Các bước trong xây dựng chính sách công

    Từ khía cạnh nội dung, xây dựng chính sách mang tính kỹ thuật chuyên môn hơn bởi vì nó bao gồm việc thu thập, phân tích các thông tin, phát triển các phương án giải quyết vấn đề. Vấn để trung tâm của việc xây dựng chính sách là so sánh chi phí và kết quả. Kỹ năng chủ yếu ở đây là phân tích chi phí – lợi ích, từ đó xây dựng các phương án với các lộ trình và tác động khác nhau.

Các bước trong xây dựng chính sách công


    Những người tham gia chính trong quá trình này là các chuyên gia, các nhà tư vấn, các viên chức có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn tương ứng. Các tổ chức đóng vai trò chính có thể bao gồm các uỷ ban chuyên môn của Quốc hội, các ban chuyên môn của Đảng, các cơ quan nghiên cứu, các bộ liên quan, các tổ chức tư vấn phi chính phủ, và đặc biệt là tiểu ban chuẩn bị chính sách, được thành lập trên cơ sở liên ngành và bao gồm các cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm, các quan hệ chính trị v.v.. Về căn bản, quy trình này cần có các bước sau:


1)    Xác định các đối tượng chính sách.


2)     Xác định các kết quả cần đạt đối với các đôi tượng này.


3)     Xác định các chi phí dự tính.


4)     Xác định các phương án chính khả thi.


5)     Xác định các tác động phụ, các hiệu ứng lan tởa khác.


6)    So sánh kỹ thuật giữa các phương án này theo các tiêu chí được định lượng rõ ràng.


    Trên cơ sở các thông tin có tính kỹ thuật này, việc thông qua chính sách cuối cùng sẽ mang nhiều tính chính trị hơn, bởi vì vấn đề trung tâm ở đây là giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích. Vai trò của “các nhân tố chủ quan” như hệ tư tưởng, quan điểm, các chuẩn mực giá trị là rất quan trọng trong việc quyết định phương án nào sẽ được lựa chọn.


    Ngoài ra, tại nhiều nước trên thế giới, việc đưa ra công chúng lấy ý kiến từ các nhóm đối tượng và các tổ chức liên quan thường là một quy định có tính bắt buộc trong các chính sách lớn. Việc lấy ý kiến như vậy, có hai ý nghĩa:


+ Loại trừ tính cục bộ của các nhà hoạch định, tăng tính khoa học, bổ sung các khía cạnh mà chỉ có những người liên quan nhìn thấy rõ nhất.


+ Tạo sự đồng thuận, từ đó giảm các chi phí cưỡng chế trong quá trình thực hiện.


    Như vậy, có hai hoạt động để ra quyết định một chính sách: Thứ nhất, các tư tưởng chủ đạo của một chính sách phải được phát triển, đồng thời các hình thức hành động cũng phải được quyết định (xây dựng các phương án chính sách) và trên cơ sở đó các dự thảo chính sách được đưa ra. Thứ hai, sau khi đã xác định được các vấn đề trên, chúng phải được cụ thể hoá trong các văn bản luật, nghị định, quy định hành chính,… và phải được phê chuẩn bởi các cơ quan có thẩm quyền (tức “thông qua chính sách”).

Từ khóa tìm kiếm nhiều: chính sách công ở việt nam, quản lý công là gì


Page 2

Chu trình chính sách là gì? Quá trình chính sách là gì? Quy trình hoạch định chính sách là gì?

Chu trình chính sách công, hay Quá trình chính sách, Quy trình chính sách, và Quy trình hoạch định chính sách công là những cách gọi khác nhau để diễn tả về cách thức và các giai đoạn mà chính sách công được làm ra cho đến khi chấm dứt, hoặc thay đổi.

Một cách khái quát chung, chu trình chính sách công bao gồm một số giai đoạn chính như sau:

(1) Phát hiện vấn đề nảy sinh đời sống xã hội – Hay còn gọi là: Xác định vấn đề/Định nghĩa vấn đề chính sách;

(2) Đưa vào chương trình nghị sự, hay lập chương trình nghị sự;

(3) Tìm kiếm, đề xuất các giải pháp – các lựa chọn chính sách; 

(4) Chính sách được chấp nhận thông qua – Thông qua chính sách;

(5) Thực thi chính sách;

(6) Đánh giá và (có thể) kết thúc chính sách.

Những lưu ý

a. Điểm đáng chú ý đầu tiên, là chu trình/quy trình này không có sự thống nhất chung, mà có thể có sự khác nhau trong cách phân chia giai đoạn giữa các học giả, cả trong nước và quốc tế. Trong thực tiễn thực hành chính sách ở nhiều quốc gia thì không phải lúc nào cũng (cần) tuân thủ đúng quy trình lý thuyết, hay phải gọi đúng tên/khái niệm của từng giai đoạn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc xem nhẹ các bước phân tích, đánh giá, lựa chọn đúng vấn đề chính sách và giải pháp chính sách phù hợp, cũng như sự cần thiết tham khảo các bằng chứng khoa học, trên nền tảng thực tiễn sinh động của đời sống xã hội.

Trong giai đoạn (3) của quy trình nói trên, Đề xuất giải pháp/lựa chọn chính sách: Cũng có trường hợp một số nhà nghiên cứu gộp vào với giai đoạn (1), nghĩa là khi đã xác định vấn đề thì đồng thời đề xuất giải pháp cho vấn đề đó. Và (các học giả đó) có thể gọi riêng đây là giai đoạn phân tích chính sách.

Cũng có thể nhiều học giả khác sẽ gộp luôn cả giai đoạn (1), (2) và (3), hoặc thậm chí gộp cả 4 giai đoạn đầu tiên của chu trình chính sách công nói trên, để cùng diễn tả việc làm ra một (dự thảo) chính sách hoàn chỉnh, với rất nhiều khái niệm được sử dụng (với ý nghĩa tương tự nhau), đó là: Hình thành chính sách/ Thiết kế chính sách/ Xây dựng chính sách/ Hoạch định chính sách/ Làm chính sách…);

Chính vì vậy, thuật ngữ “quy trình hoạch định chính sách” cũng có thể được sử dụng với ý nghĩa chỉ bao gồm một số giai đoạn như trên (1, 2, 3, và/hoặc 4), mà không phải toàn bộ chu trình chính sách (cách hiểu này khá phổ biến ở Việt Nam). Nói cụ thể hơn, có quan điểm sẽ phân biệt giữa “Quy trình hoạch định chính sách” với “Quy trình chính sách”: Đó là, Quy trình chính sách (hay Chu trình chính sách) bao gồm trong nó Quy trình hoạch định chính sách, và cả giai đoạn thực thi, đánh giá, kết thúc chính sách. 

b. Có thể có những nghiên cứu phân chia “vòng đời” chính sách công theo 6 giai đoạn như trên (hay tương tự);

– hoặc rút ngắn thành 5 giai đoạn (chẳng hạn, đưa việc xác định vấn đề vào chung với việc lập chương trình nghị sự), và thứ tự hay tên gọi các giai đoạn có thể khác nhau, ví dụ như việc tách riêng thành 2 giai đoạn với tên gọi là (3) Hình thành chính sách, với (4) Thông qua chính sách;

– hoặc thậm chí chia nhỏ thành nhiều hơn 6 giai đoạn, ví dụ như có cả việc Đánh giá chính sách trước khi được thông qua, giai đoạn xem xét/đánh giá về ngân sách công dành cho việc triển khai thực thi chính sách nếu được thông qua… 

Có thể thấy, dù phân chia thế nào, những “thuật ngữ chính sách” này cũng đều nhằm diễn tả/mô tả quá trình với những giai đoạn quan trọng mà chính sách công được hình thành, thông qua và thực thi trong cuộc sống thực tiễn.

c. Quá trình/chu trình chính sách này được thống nhất là có sự lặp lại/khép kín/mang tính liên tục là để nhấn mạnh theo nghĩa: một chính sách sau khi được triển khai Thực thi thì sẽ được Đánh giá và từ đó, có thể là sự Kết thúc chính sách; hoặc lại thấy được những vấn đề mới phát sinh và đòi hỏi phải có giải pháp mới, dẫn đến hình thành chính sách mới (hoặc là sự sửa đổi, bổ sung những chính sách hiện có cho phù hợp với điều kiện mới).

Như vậy thì việc kết thúc, chấm dứt hoàn toàn một chính sách trên thực tế sẽ ít hơn (thường là những giải pháp được quy định cụ thể để điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể) nếu so sánh với việc sửa đổi, bổ sung và ban hành những chính sách “được làm mới”.

d. Một điểm lưu ý nữa là vẫn có những “phê bình” là chu trình chính sách này lại thực ra không liên tục, có sự cắt khúc và mang tính “cơ học” giữa các giai đoạn. Có nghĩa là việc phân chia thành các giai đoạn như trên không diễn tả được sự vận động liên tục, tương tác lẫn nhau của các chủ thể tham gia vào quy trình hoạch định chính sách này.

Tuy nhiên, nếu muốn “vẽ ra” được một sơ đồ vừa thể hiện được sự “liên tục” theo yêu cầu, lại vừa có “chiều sâu” thì sẽ phức tạp hơn rất nhiều; và chúng ta sẽ khó có được một chu trình chính sách công với những giai đoạn đơn giản, trực quan và dễ hiểu, làm sự khởi đầu cho nghiên cứu khoa học chính sách.  

Nguyễn Anh Phương

Nguyễn Anh Phương 2020, Chu trình chính sách công, quy trình hoạch định chính sách, quá trình chính sách, https://chinhsach.vn/chu-trinh-chinh-sach-cong-quy-trinh-hoach-dinh-chinh-sach-qua-trinh-chinh-sach/.

Tài liệu tham khảo

Kingdon, J (2011), Agendas, Alternatives, and Public Policies, 2nd ed., New York: Pearson.

Kraft, M & Furlong, S (2015), Public policy: politics, analysis, and alternatives, 5th ed, CQ Press.

Nguyễn Anh Phương (2016), “Quy trình chính sách và phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 02+03 (306+307), tr.80-90.

Sabatier, P (2007), Theories of the Policy process, Westview Press.

The Oxford handbooks of public policy, eds by Michael Moran, Martin Rein & Robert Good, Oxford University Press.