Ca sĩ vũ hoàng là ai?

TP - Tác giả “Khát vọng tuổi trẻ” tâm sự, nếu không có ký ức “3 cùng” với thanh niên, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động thì ông không thể viết bài ca đi vào trái tim thế hệ trẻ: “Đường dài quê hương đang gọi mời/Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây đời mới/Dù lên rừng hay xuống biển/Vượt bão giông, vượt gian khổ/Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi…”. 

Ca sĩ vũ hoàng là ai?
Nhạc sỹ Vũ Hoàng (ngoài cùng, bên trái) với thanh niên tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Sinh viên Việt Nam Ảnh: NVCC

Nhạc sỹ Vũ Hoàng dành phần lớn cuộc đời sáng tác của mình cho người trẻ, cho phong trào thanh niên. Ông tiết lộ: “Nếu nói về các ca khúc dành cho phong trào thanh niên mà tôi đã từng sáng tác, có lẽ phải bắt đầu từ bài hát đầu tay “Gửi lại em” năm 1978 - viết về thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự phục vụ cho chiến trường biên giới Tây Nam. Sau đó một năm là bài “Hương tràm”- viết về các bạn thanh niên xung phong, rồi đến “Mùa hè xanh”, “Khát vọng tuổi trẻ”, “Dấu chân tình nguyện”, “Hành khúc sinh viên Việt Nam”, “Mùa hè tình nguyện”, “Ký ức mùa hè xanh”, “Giai điệu Trường Sơn”, “Dấu ấn thanh niên tình nguyện”…

Những sáng tác về phong trào thanh niên của Vũ Hoàng thành công bởi chúng không khô khan, không hô khẩu hiệu suông mà thấm đẫm cảm xúc của tác giả. Ông không viết bằng tưởng tượng mà bằng thực tế. Năm 1997, Hội Âm Nhạc TPHCM giới thiệu Vũ Hoàng về tham gia sinh hoạt tại Thành Đoàn TPHCM. Dạo ấy, Thành Đoàn thường xuyên có nhiều hoạt động và phong trào sôi nổi: “Chính nhờ những lần cùng các bạn sinh viên tham gia chiến dịch tình nguyện, đã giúp tôi có nhiều chất liệu, cảm xúc để viết nên các ca khúc trải dài theo từng giai đoạn phát triển của các chiến dịch nói riêng và của Thành Đoàn nói chung. Sáng tác về Đoàn, Hội nếu gọi là áp lực thì không đúng, mà nếu không có cũng không phải, chỉ là khó sáng tác nếu như không cùng đi thực tế với các bạn, không cùng ăn, cùng ở, cùng lao động. Không có được những ký ức đó thì khó mà chuyển tải được tình cảm vào bài hát”, nhạc sỹ Vũ Hoàng nói.

Với Vũ Hoàng, không có một sáng tác nào mà không cần thời gian thai nghén. Nhưng có lẽ nhạc phẩm nổi tiếng “Mùa hè xanh” khiến ông lao tâm khổ tứ hơn cả. Trải nghiệm chiến dịch đầu tiên bắt đầu phong trào Mùa hè xanh năm 1997, để lại cho ông ấn tượng khó phai: “Cái gì lần đầu tiên cũng tạo cho chúng ta những cảm xúc rất đặc biệt. Tôi cũng thế. Đó là khoảng thời gian tôi và các bạn sinh viên cùng nhau cả tháng rong ruổi, lúc ở Củ Chi, khi về Bình Chánh rồi lại Cần Giờ… Cả tháng ròng, tận mắt mình nhìn thấy rất nhiều hình ảnh lao động rất đẹp, rất trẻ của các bạn, đã hình thành trong tôi thôi thúc phải sáng tác bài hát mang tên chính phong trào này”, Vũ Hoàng kể. Song để trình làng ca khúc “Mùa hè xanh”, nhạc sỹ mất không ít thời gian, tâm sức: “Cũng phải trải qua đến cả năm, biết bao nhiêu bản thảo tôi viết xong lại không hài lòng vò vứt đi. Đến tầm tháng 6/1998, tôi mới hài lòng với “Mùa hè xanh” và hát thử cho các anh bên Thành Đoàn nghe. Lúc ấy, các anh còn hỏi tôi, sao trong bài hát chỉ đề cập mỗi chuyện dạy học, trong khi chiến dịch còn làm tuyên truyền dân số kế hoạch hóa gia đình, làm nhà và nhiều thứ khác. Nhưng khó có thể “bê” tất cả thực tế vào trong một bài hát. Họ gợi ý tôi cứ để sinh viên hát thử, nếu có gì muốn góp ý, các bạn sẽ gửi về cho tôi chỉnh sửa, nhưng tôi hầu như không nhận được góp ý gì và bài hát vẫn giữ nguyên bản gốc ban đầu: “Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre/Mùa hè xanh xôn xao bước chân ta về/Đường làng quê tiếng ve như gọi mời say mê/Ngoài bờ đê có con trâu già ngủ mê…”.

Trở lại với ca khúc “Khát vọng tuổi trẻ”, khi thiên tai, dịch bệnh hoành hành như thời gian qua, lời ca trong “Khát vọng tuổi trẻ” vang lên tha thiết hơn bao giờ.  Trên trang cá nhân, ca sỹ Thủy Tiên đã trích lời ca của Vũ Hoàng để kêu gọi người trẻ cùng chung tay bảo vệ đất nước trước đại dịch COVID: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Vũ Hoàng bật mí chuyện bếp núc trong sáng tác: “Để viết được “Khát vọng tuổi trẻ” tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm chất liệu. Và trong số tư liệu ấy, tôi đã đọc được bài “Trích lời phát biểu của Bác tại buổi khai mạc Trường Đại học Nhân Dân Việt Nam” (19/1/1955). Nguyên văn lời Bác như sau: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”. Tôi đã cố gắng rút gọn nhưng vẫn giữ nguyên được ý tứ trong câu của Bác để viết nên ca khúc”.

Ca sĩ vũ hoàng là ai?
Những gương mặt TNTN là chất liệu sáng tác cho nhạc sỹ Vũ Hoàng  Ảnh: Hồng Vĩnh

Nhắc đến nhạc sỹ Vũ Hoàng nhiều người yêu nhạc lại nhớ đến những ca khúc trữ tình phổ thơ của ông. Nào “Phượng hồng” (Thơ: Đỗ Trung Quân), “Hương thầm” (Thơ: Phan Thị Thanh Nhàn), “Hương tràm” (Thơ: Đỗ Trung Quân)… đã đi vào miền nhớ của biết bao thế hệ khán giả. Với Vũ Hoàng, âm nhạc và thơ ca đều có điểm chung: “Âm nhạc là cảm xúc, thơ ca cũng vậy. Khi đọc một bài thơ, ngay từ lần đầu tôi đã có cảm xúc thì tự nhiên giai điệu ùa về. Nếu tìm được sự giao thoa đó thì tôi chắc chắn rằng mình sẽ hoàn thành bài thơ phổ nhạc này”. Ông tôn trọng bài thơ và tôn trọng người sinh ra nó. Khi phổ thơ nhạc sỹ đặt ra nguyên tắc cho mình: “Yếu tố tiên quyết là phải đảm bảo được ý tứ bài thơ được giữ trọn vẹn nhất. Có lúc tôi phải ngồi cùng với tác giả để đưa ra được bản đúc kết ưng ý nhất”.

Sở hữu gia tài ca khúc phong phú, song Vũ Hoàng không phân biệt đối xử, ca khúc nào ông cũng “cưng” như nhau. Sự đón nhận của khán giả với những “đứa con tinh thần” luôn làm ông xúc động: “Đối với tôi, dù cho có nhiều ca khúc hay chỉ một ca khúc của tôi được mọi người yêu thích là điều tôi hạnh phúc và tri ân nhất”, Vũ Hoàng trải lòng.

Nhạc sỹ Vũ Hoàng sinh năm 1956, tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ông là một nhà giáo, một nhà báo, đã nghỉ hưu nhiều năm. Các con của Vũ Hoàng đều có công việc ổn định nhưng chưa có duyên với nghiệp cầm ca, sáng tác, song nhạc sỹ hi vọng, mối duyên với âm nhạc “có thể sẽ di truyền cho đời cháu của tôi không chừng”. 

(PL)- Vũ Hoàng được biết đến là “nhạc sĩ của mùi hương” bởi anh chuyên viết và phổ nhạc theo chủ đề “hương”, như Hương tình yêu, Hương tràm (thơ Đỗ Trung Quân), Hương thầm (thơ Phan Thị Thanh Nhàn), Hương đêm (thơ Nguyễn Nhật Ánh)...

Vũ Hoàng thuộc thế hệ nhạc sĩ trưởng thành từ phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh sau năm 1975, cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung, Phạm Đăng Khương. Những hành khúc của Vũ Hoàng phản ánh khát vọng tuổi trẻ bấy giờ như Khát vọng sống, Khát vọng tuổi trẻ, Trái tim tình nguyện, Gởi lại em, Giai điệu Trường Sơn, Giai điệu xanh, Mùa hè xanh, Dấu chân tình nguyện, Giai điệu sinh viên, Hành khúc sinh viên Việt Nam... Riêng ca khúc Bụi phấn được nhạc sĩ Vũ Hoàng viết từ thơ của nhạc sĩ Lê Văn Lộc với những câu “Khi thầy viết bảng/ Bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào/ Vương trên tóc thầy...” đã làm xúc động biết bao thầy cô và thổn thức bao trái tim học trò. Đặc biệt ca khúc Phượng hồng phổ thơ Đỗ Trung Quân với những câu thơ viết về mối tình thầm lặng tuổi học trò đáng yêu: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu...” được nhiều thế hệ học trò hát suốt “những tháng năm đẹp nhất đời người” nên các bạn trẻ, sinh viên, học sinh gọi anh là “nhạc sĩ của tuổi học trò”.

Vũ Hoàng vốn xuất thân là nhà giáo rồi chuyển sang làm báo. Khởi đầu là phóng viên rồi trưởng Ban Văn hóa-Văn nghệ báo Người Lao Động trước khi làm tổng biên tập tạp chí Du Lịch TP.HCM từ năm 2004 đến khi về hưu năm 2016.

“Nhà giáo hay nhà báo không có chuyện giàu nghèo gì cả”

. Pháp Luật TP.HCM: Con đường âm nhạc ông đi có vẻ rất bằng phẳng, từ lúc còn đứng trên bục giảng ông đã có ca khúc Bụi phấn cùng nhiều ca khúc viết cho thanh niên, sinh viên... rất được công chúng ái mộ, sao bỗng dưng ông nhảy sang làm báo?

+ Nhạc sĩ Vũ Hoàng: Không có đường nào là bằng phẳng, tất cả đều là do sự nỗ lực và phấn đấu của bản thân. Năm 1978, tôi bắt đầu viết ca khúc đầu tay Gửi lại em và đã đoạt giải B cuộc thi sáng tác của Thành đoàn TP.HCM. Đến năm 1982, tôi đọc được bốn câu thơ của nhạc sĩ Lê Văn Lộc “Khi thầy viết bảng/ Bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/ Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy...”, tôi đã phát triển thành bài hát Bụi phấn. Tôi cũng không phải mẫu người thích nhảy việc, năm 1985-1986 tôi bắt đầu cộng tác viết bài về mảng văn nghệ cho các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên... Năm 1990, tôi chính thức về báo Người Lao Động công tác với chức vụ trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ. Năm 1995 tôi được Hội Âm nhạc TP.HCM phân công về tham gia với Ban Chấp hành Hội Sinh viên TP.HCM, đây là điều kiện để tôi gắn bó với các phong trào thanh niên, sinh viên và cho ra đời những ca khúc như Mùa hè xanh, Dấu chân tình nguyện, Khát vọng tuổi trẻ, Khát vọng sống...

. Một thời gian dài người ta hay ví von: Nhà văn - nhà giáo - nhà báo = nhà nghèo. Nhà giáo Vũ Hoàng chuyển sang làm nhà báo, tức chuyển từ “nhà nghèo” này sang “nhà nghèo” khác, chắc có động cơ nào đó?

+ Đối với tôi, nhà giáo hay nhà báo không có chuyện giàu nghèo gì cả! Cũng chẳng có gì để gọi là động cơ chuyển từ việc này sang việc kia. Lý do tôi chuyển đổi công việc vì báo chí giúp tôi tự bồi dưỡng tri thức. Khi mới bước vào nghề báo, công việc của tôi ngoài là cộng tác viên viết về mảng văn hóa-văn nghệ, tôi còn đảm trách nhiệm vụ kiểm lỗi morasse của báo Công Nhân Giải phóng TP.HCM (sau đổi tên là Người Lao Động). Đây là công đoạn “nhặt sạn” cuối cùng của một tờ báo trước khi đưa đến nhà in. Do đó người sửa morasse phải có kiến thức rộng, sâu để tư duy logic các bài viết từ phản ánh đến điều tra. Với cái nhìn tổng quan và việc liên tục cập nhật thông tin hằng ngày, tôi đã tìm được những cái tứ hay để từ đó chấp bút thành những ca khúc ý nghĩa.

Ca sĩ vũ hoàng là ai?

Nhạc sĩ Vũ Hoàng trong vai trò một ca sĩ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sống trọn vẹn trong những đam mê

. Là một nhà báo kỳ cựu, từ một phóng viên thăng tiến lên đến tổng biên tập, xin ông chia sẻ một vài kinh nghiệm trong nghề báo với những cây bút trẻ?

+ Thẳng thắn nhìn nhận, ngày nay báo chí trong nước đã có những bước chuyển rõ rệt bởi sự tác động mạnh của Internet. Báo chí không còn mang hình thức truyền thông đơn nhất với tính chất đọc, nghe hoặc xem mà đã chuyển sang hình thức truyền thông đa phương tiện bằng text (văn bản) kèm hình ảnh, video, âm thanh được đăng tải nội dung trên các website. Chỉ với một chiếc điện thoại di động, các nhà báo trẻ có thể tác nghiệp độc lập trong môi trường truyền thông không biên giới. Nhà báo thời truyền thông đa phương tiện phải có nhiều kỹ năng và khả năng tác nghiệp nhanh nhạy, ứng dụng nhuần nhuyễn các công nghệ hỗ trợ (điện thoại thông minh, laptop, máy ảnh, máy quay...) bởi sản phẩm của họ là phải viết cho báo in, báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình.

Dù học tập và làm việc ở môi trường nào, tôi cũng mong các nhà báo trẻ hãy nhớ rằng các bạn vẫn chưa quá già để không thể tiếp thu được cái mới. Các bạn hãy đọc thật nhiều, chịu khó đi - nghe - ghi chú - tiếp thu vì đó là cách để các bạn tự làm giàu nguồn thông tin của mình.

. Nghề giáo, nghề báo, nghề nhạc, trong ba nghề ấy ông yêu nhất nghề nào? Ba nghề ấy có hỗ trợ nhau hay có điều gì cản trở nhau không?

+ Cuộc sống là một hành trình dài trải nghiệm, với tôi được là một thầy giáo, một nhà báo, một nhạc sĩ là điều rất tuyệt vời. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được sống trọn vẹn trong những đam mê. Nhìn chung thì nhà giáo là sự mẫu mực, uy nghiêm; nhà báo là sự chính xác, nhạy bén, trung thực; từ hai yếu tố này đã tạo cho tôi những cảm xúc thăng hoa trong từng giai điệu.

Viết về “hương” để tạo dấu ấn riêng

. Nhạc của ông được các thế hệ sinh viên, học sinh hát mãi vì gõ đúng nhịp đập trái tim tuổi trẻ của họ. Bây giờ, sau 40 năm nhìn lại, ông cảm thấy điều gì mình tâm đắc nhất trong cả nghề báo lẫn âm nhạc?

+ Điều hạnh phúc và tâm đắc nhất của người nhạc sĩ là “đứa con tinh thần” của mình khi ra đời được sự đón nhận nồng nhiệt từ nhiều thế hệ. Qua thời gian, những ca khúc của tôi viết về tuổi thơ như Bé yêu biển lắm, Bé chúc xuân, Ba lô con cóc, Con mèo bồ tèo..., hay những bài hát về tuổi học trò như Phượng hồng, Bằng lăng tím, Mực tím..., hoặc các bài hành khúc về thanh niên như Dấu chân tình nguyện, Khát vọng tuổi trẻ, Mùa hè xanh, Chất độc màu da cam... vẫn được công chúng đón nhận và còn vang mãi.

. Nguyên do nào ông thường chọn những bài thơ về “hương” để phổ thành ca khúc và đã trở thành “thương hiệu” nhạc sĩ của mùi hương?

+ Tôi tuổi Ất Mùi, miền Bắc gọi là “mùi”, miền Nam gọi là “hương”, vì lẽ này nên tôi đã viết nhiều ca khúc về “hương” với mong muốn tạo dấu ấn riêng trong lòng công chúng. Tôi có hơn 30 bài hát về chủ đề “hương” nhưng do bận rộn công việc báo chí nên thời gian qua tôi chỉ phổ biến được 18 bài hát về chủ đề này.

. Nhiều người yêu nhạc nói Vũ Hoàng là một trong những nhạc sĩ phổ thơ thành ca khúc rất thành công, có lẽ chỉ sau vài “cây đa, cây đề” như các nhạc sĩ Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Đình Chương...

+ Nếu đúng là sự thật, tôi xin cám ơn về lời nhận xét của các bạn. Tôi rất may mắn khi những ca khúc phổ thơ thành nhạc được công chúng đón nhận, nhưng không vì thế mà tôi tự cho mình được so sánh với các nhạc sĩ đàn anh: Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Đình Chương... đây là những “cây đa, cây đề” của thể loại phổ thơ thành ca khúc.

Chỉ với những cái tứ mộc mạc, chân chất và rất đỗi đời thường nhưng qua ngòi bút của các nhà thơ như Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Thế Tuyển, Tạ Nghi Lễ, Cao Vũ Huy Miên, Nguyễn Nhật Ánh... đã tạo nên những tác phẩm thi vị với cuộc sống và tôi đã bén duyên cùng âm nhạc để viết nên những giai điệu đẹp.

. Xin cám ơn ông.

Những tác phẩm chính của Vũ Hoàng

● 10 tình khúc Phượng hồng (NXB Âm nhạc, 1990).

● 15 ca khúc chọn lọc Bụi phấn (Hội Âm nhạc TP.HCM, 1993).

● 10 tình khúc Gởi lại em (NXB Dihavina, 1996).

● Album chủ đề Hoa tím ngày xưa (Saigon Audio, 1992).

● Album CD Cho hương đừng bay đi (Phương Nam phim, 1994).

● 50 ca khúc thiếu nhi chọn lọc Tiếng ve gọi hè (NXB Dihavina, 1997).

● Tuyển tập 60 ca khúc Vũ Hoàng - Một thời sinh viên (NXB Trẻ, 2010)...