Bất phụ như lai bất phụ khanh là gì năm 2024

Lại sau khoảng thời gian dài tôi mới đọc lại ngôn tình, và quyết định chọn một bộ đã nghe danh từ lâu nhưng vẫn e dè chưa dám đọc: Đức Phật và nàng – Bất phụ như lai bất phụ khanh của Chương Xuân Di (Tiểu Xuân).

Trước đây tôi e dè là bởi cái tên và đề tài của truyện, nếu không muốn nói là hơi phản cảm. Tình yêu của nhà sư ư? Thật quá hoang đường. Không phải đã xuất gia rồi thì không được dính tới dục lạc trốn hồng trần nữa sao? Vả lại là một người không theo đạo, tôi cũng không có hứng thú lắm với triết lý của các tôn giáo. Sợ truyện sẽ dài dòng, lằng nhằng, và phải lắc não nhiều khi đọc những thứ cao siêu đó. Vậy mà qua bao năm, run rủi thế nào tôi vẫn đọc Bất phụ như lai bất phụ khanh, và không hối hận chút nào. Còn muốn tự vả cho mình vài cái vì những suy nghĩ trước đây.

Điểm sáng thứ nhất của tác phẩm này là ở lượng kiến thức không nhỏ về lịch sử và Phật giáo xuyên suốt. Có thể nhiều người bảo đoạn đầu của truyện khá nhàm chán vì nhồi nhét quá nhiều thông tin về Phật giáo và lịch sử Trung Quốc. Chính tác giả sau này (năm 2014, khi quyết định viết bản mới của Bất phụ như lai bất phụ khanh và kịch bản chuyển thể phim truyền hình chiếu vào 2017) cũng thừa nhận rằng mình đã quá tham lam khi muốn phô trương hết sự hiểu biết trong tác phẩm. Nhưng tôi lại cảm thấy khá thích thú vì bản thân nạp được không ít kiến thức (mặc dù không biết sẽ nhớ được bao nhiêu và trong bao lâu).

Bất phụ như lai bất phụ khanh là gì năm 2024
Bản đồ Con đường tơ lụa

Rõ ràng việc tiếp nhận kiến thức qua phương thức lồng ghép vào câu chuyện tình cảm này hiệu quả hơn rất nhiều việc đọc một đống tài liệu chuyên sâu khô khan đối với những người “không chuyên” như chúng ta. Tôi phải cảm ơn tác giả vì đã khai sáng cho mình lượng kiến thức rất lớn về giai đoạn Ngũ hồ Thập lục quốc tại Trung Quốc thế kỉ IV – V cùng một số triều đại khác, lịch sử phát triển của Phật giáo từ Tây Tạng đến khi vượt qua Con đường tơ lụa để tiến vào Trung Nguyên, những thành tựu và cống hiến to lớn của Đại sư Kumarajiva…

(Giá như Việt Nam cũng có những tác phẩm truyền đạt kiến thức lịch sử – văn hóa dễ ngấm như vậy thì tốt. Thú thực là người Việt mình hỏi về lịch sử Việt Nam khéo khi còn không thuộc bằng lịch sử Trung Quốc. Mảng văn học và phim ảnh lịch sử bên Trung họ làm thực sự quá tốt.)

Về kiến thức Phật giáo, giờ đây tôi đã biết Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa là gì, hóa ra Đức Phật (Phật Thích Ca Mâu Ni, hay cũng gọi là Phật tổ Như Lai) là nhân vật có thật và là người Ấn Độ, hóa ra Phật giáo có phái được ăn thịt (tam tịnh nhục), cũng có phái cho phép lấy vợ sinh con, sống đời thế tục (tu tại gia)… cùng nhiều triết lý Phật pháp đơn giản và dễ hiểu nữa. Thực chất Phật giáo luôn hiện hữu xung quanh ta. Các khái niệm về nhân duyên, nhân quả, đời là bể khổ, làm việc thiện tích đức, làm điều sai trái phải xuống địa ngục… rất đỗi quen thuộc đều là những tư tưởng cơ bản của Phật giáo.

Điểm sáng thứ hai của truyện chính là sự dẫn dắt tài tình và khả năng viết chắc tay của tác giả. Đây là câu truyện xuyên không nói về tình yêu của một cô gái đến từ thế kỉ XXI – Ngải Tình, và một vị đại sư nổi tiếng có thật trong lịch sử – Kumarajiva (Cưu Ma La Thập), dịch giả Phật học lỗi lạc người Khâu Từ, đóng góp công sức to lớn trong việc truyền bá Phật giáo vào Trung Nguyên. Một đại nhân vật như thế, vậy mà truyện vẫn được triển khai bám sát lịch sử, tình tiết vẫn logic, chặt chẽ, mới tài tình làm sao!

Bất phụ như lai bất phụ khanh là gì năm 2024
Bức tượng Kumarajiva tại Thiên Phật động Kizil

Tác giả sử dụng lối viết: đề cập đến các ghi chép lịch sử một cách khách quan khiến độc giả tò mò và không ngừng phán đoán tình tiết; sau đó từ từ tháo gỡ, lý giải một cách hợp lý. Tôi còn vô cùng thích cách tác giả để sự xuất hiện của Ngải Tình cũng đóng góp một phần tạo nên lịch sử, là tất yếu của lịch sử. Những hành động của nàng dù vô tình hay cố ý đều khiến cho bánh xe lịch sử lăn theo hướng mà chúng ta được đọc ngày nay. Điều này dường như đã rút ngắn khoảng cách về thời đại giữa Ngải Tình và Kumarajiva: dù 2 người có cách nhau khoảng thời gian hơn 1650 năm, thì nàng vẫn cùng chàng tạo nên diện mạo lịch sử như bây giờ.

Và, điểm sáng đặc biệt nhất của Bất phụ như lai bất phụ khanh chính là tình yêu bất diệt của Rajiva và Ngải Tình. Loại tình yêu vừa ngọt ngào, nồng ấm, lại vừa day dứt nỗi niềm chia ly.

Xét về thân phận, yêu một nhà sư có dễ dàng không? Tất nhiên là không. Những dằn vặt, những định kiến cứ chất chồng.

Xét về thời gian, nàng cách chàng hơn 1650 năm lịch sử, phải sử dụng máy móc để quay về quá khứ bất chấp các di chứng sau này, có dễ dàng không? Cũng không.

Lần đầu gặp mặt, nàng 23 tuổi, chàng 13 tuổi. Nàng hơn chàng 10 tuổi.

Lần thứ 2 gặp lại, nàng 24 tuổi, chàng 24 tuổi. Nàng và chàng bằng tuổi.

Lần thứ 3, nàng 25 tuổi, chàng 35 tuổi. Chàng hơn nàng 10 tuổi.

Lần thứ 4, nàng 33 tuổi, chàng 53 tuổi. Chàng hơn nàng 20 tuổi.

Chàng nói: “Ngải Tình, nàng có biết con số “mười” ấy chính là biểu trưng của định mệnh trong cõi u minh không?“

Ban đầu tôi đã nghĩ, cho Ngải Tình đi đi về về quá khứ tận 4 lần như vậy, có nhiều quá không? Có nhàm chán quá không? Nhưng ngẫm lại, nếu không có nhiều lần như vậy, không có hạn chế về mặt thời gian ở lại như vậy, thì đâu thể làm nổi bật được sự kiên trì chờ đợi của Rajiva.

“Mười năm lại mười năm, đời người có được bao lần mười năm để chờ đợi?“

Vậy mà chàng đã dành gần hết 40 năm cuộc đời để đợi nàng. Không oán than, không đổi lòng, kiên trì chờ đợi người con gái mà vì nàng, chàng tình nguyện bị đày xuống tầng sâu nhất của địa ngục. Dù cho không biết khi nào mới có thể gặp lại, dù cho thời gian họ có thể ở bên nhau ngắn ngủi đến nhường nào.

Tôi thích cách mà Rajiva không bao giờ đề cập đến việc chàng bị Lữ Quang dùng thủ đoạn ép phá giới để biện minh cho hành động lấy vợ của mình khi đối diện với ánh mắt khinh thường từ người đời. Chàng không ngần ngại thừa nhận tình cảm dành cho nàng, và luôn hết mực trân trọng mối nhân duyên giữa hai người.

Hình ảnh thân hình cao gầy mảnh khảnh, nước da bánh mật, đôi mắt xám nhạt, cùng chiếc áo cà sa màu nâu sòng ấy dường như đã khảm sâu vào trái tim nàng, và cả trái tim người đọc.

Bất phụ như lai bất phụ khanh là gì năm 2024
Bất phụ như lai bất phụ khanh là gì năm 2024

Còn nàng, ngay khi chàng khẽ hỏi: “Ngải Tình… nàng có muốn Rajiva hoàn tục không?”, nàng đã lập tức từ chối, dù biết rằng yêu một nhà sư sẽ phải chịu rất nhiều định kiến, hơn nữa chàng còn là một pháp sư cực kì nổi tiếng. Nàng không muốn vì yêu nàng mà chàng phải từ bỏ lý tưởng của mình. Cũng chính nàng là người đã không ngừng tiếp thêm sức mạnh để chàng vững bước trên con đường thực hiện lý tưởng ấy, kể cả khi khó khăn trùng trùng. Thử hỏi có người phụ nữ nào dám dũng cảm hi sinh nhiều như vậy cho người mình yêu?

Lại một lần nữa tôi phải nể phục khả năng dẫn dắt cảm xúc người đọc tài tình của tác giả. Sự ngọt ngào cùng ấm áp len lỏi vào tim khi họ được ở bên nhau, sự vỡ òa trước nụ hôn đầu đầy thẹn thùng và khoảnh khắc gặp lại, cùng nỗi đau ly biệt khôn nguôi…

“Tội cho nàng quá, mình ơi.”

“Vợ của ta, nàng đã về.”

Âu yếm làm sao, xót xa làm sao…

Những xúc cảm ấy cứ đan xen, tạo nên những trải nghiệm và cảm nhận độc nhất vô nhị khi đọc câu truyện. Tôi đã thực sự bật khóc khi đọc bức thư Nhóc Rajiva gửi cho cha, vì tôi dễ bị xúc động trước tình thân gia đình lắm.

Cuối truyện, khi cả nhà đoàn tụ, chàng 60 tuổi, nàng 50 tuổi, trở lại đúng khoảng cách độ tuổi khi 2 người mới có nhóc Rajiva (nàng 27, chàng 37, sau khi vượt qua nạn đói ở Guzang). Lần gần nhất, chàng phải đợi nàng 16 năm. Sau đó, nàng cũng phải đợi chàng 16 năm để cả nhà được đoàn tụ. Đây chắc chắn là dụng ý của tác giả.

Mặc dù đây là cái kết hoàn hảo, viên mãn. Nhưng tôi vẫn thấy có gì đó vướng mắc, chưa vừa ý. Người ta bảo càng hoàn hảo càng thiếu an toàn mà *cười*. Phải chăng tôi trông đợi vào một cái kết sâu sắc, trắc trở hơn một chút để khắc sâu hơn vào lòng người đọc. Tất nhiên tôi vẫn mong cả nhà họ được đoàn tụ mà. Có thể để Rajiva gặp được bố mẹ vợ nữa thì càng tốt. Ha ha.

Đây là một cuốn truyện ý nghĩa và thực sự đáng đọc. Nó khiến tôi như được sống trong từng trang truyện, và phải suy nghĩ lại về vấn đề đức tin, cùng sự ảnh hưởng của tôn giáo đến cuộc sống của mình. Phải chăng ai cũng cần dựa vào một tôn giáo nào đó, cần có một đức tin vững chãi để có cái nhìn lạc quan về tương lai và sống trọn ý nghĩa?

Có lẽ tôi sẽ đọc lại truyện thêm một lần nữa ngay sau đây, và tìm hiểu một số kiến thức khác về Phật giáo lúc rảnh rỗi. Và chắc chắn rằng, bản đồ những nơi cần đi trong tương lai của tôi có thêm vùng đất Tây Tạng, Tân Cương, xuôi theo Con đường tơ lụa để đến thành Trường An năm xưa.

Xem trailer bản truyền hình Bất phụ như lai bất phụ khanh chiếu cuối năm 2017 vừa rồi, chỉ thấy đánh đánh giết giết, khác nguyên tác quá nên tôi không muốn xem. Nhưng sau khi nghe nói kịch bản phim giống với nội dung bản truyện mới được tác giả sửa lại năm 2015 (chỉ còn giống 30% so với bản cũ), thì chắc là tôi nên xem xét lại quyết định có xem hay không. *cười*